Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 5.

SỞ HỮU TƯ  (Cetana)

Trong vòng luân hồi sinh tử

Sở hữu tư hay ý chí là một sở hữu xuất hiện với tất cả các loại tâm, như chúng ta đã thấy ở trên. Thấy, nghe hay suy nghĩ đều xuất hiện ngay vào thời điểm hiện tại này lại đi kèm theo với sở hữu tư hay ý chí. Mỗi loại sở hữu tư lại thực hiện nhiệm vụ điều phối những phần việc khác nhau của pháp đi kèm, cho dù tâm đó là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả hay là tâm tố cũng không thành vấn đề.

Khi sở hữu tư hay ý chí đi kèm theo với tâm thiện hay tâm bất thiện, ngoài nhiệm vụ điều phối, tư còn thực hiện một nhiệm vụ khác nữa đó là “muốn” điều thiện hay điều bất thiện và nó còn có thể thúc đẩy hành vi lành mạnh hay không lành mạnh qua thân, khẩu và ý. Cố ý hay sở hữu tư thiện và bất thiện, thực sự chính là nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện, chúng còn có khả năng tạo ra những kết quả thích hợp của các hành vi nó thúc đẩy.

Nghiệp thiện và nghiệp bất thiện có thể tạo ra những kết quả dưới dạng tâm tái tục (Patisandhi citta) nơi nhiều cõi hiện thực khác nhau hay dưới dạng các tâm quả xuất hiện trong qui trình cuộc sống chúng ta, như thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm nhận được những cảnh xúc thông qua thân căn (Body-senses). Chúng ta cảm nghiệm được các đối tượng dễ chịu và khó chịu thông qua giác quan và tùy vào nghiệp cho dù chúng ta có kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu thông qua các giác quan.

Sở hữu tư hay nghiệp thôi thúc hành vi tốt hay xấu diệt ngay cùng với tâm đi kèm, nhưng do bởi mỗi tâm lại được các tâm kế tiếp liên tục, nên nghiệp được tích tụ lại và như vậy nó có thể tạo ra kết quả sau này, ngay cả ở kiếp sau nữa. Làm sao ta có thể xác định được cuộc sống ở kiếp sau? Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn cuộc sống mai hậu nếu như chúng ta hiểu được cuộc sống của chúng ta hiện nay và ngay tại thời điểm này. Qua việc dùng từ “cuộc sống nhân loại” nơi ngôn ngữ qui ước chúng ta có ý nói đến khoảng thời gian chúng ta đang sống trên cõi hiện hữu nhân loại này. Tuy nhiên, để có thể hiểu được chân lý này chúng ta phải hiểu được những thực tại (dhamma) là gì, không chỉ hiểu những từ qui ước mà thôi. Thực vậy cuộc sống chúng ta gồm biết bao nhiêu sát-na liên tiếp nhau trong đó tâm liên tục sinh rồi lại diệt. Có tâm sinh rồi lại có tâm diệt tại từng sát-na một và như vậy cuộc sống tồn tại ở từng sát-na tâm tồn tại mà thôi. Khi tâm xuất hiện để thấy, thì chỉ duy nhất có tâm đó xuất hiện mà thôi. Không thể có bất kỳ một tâm nào khác ở cùng một sát-na đó. Ở  sát-na đó cuộc sống của chúng ta đồng nghĩa với thấy. Hành động thấy không thể kéo dài, nó diệt ngay. Khi có nhĩ thức xuất hiện (tâm giúp ta nghe) xuất hiện thì chỉ có duy nhất tâm giúp ta nghe xuất hiện là thôi, lúc đó cuộc sống của chúng ta chỉ là nghe. Tâm này cũng diệt đi nhanh chóng sau đó và lại có một tâm tiếp tục xuất hiện ngay. Trong cuộc sống nhân loại này chúng ta thấy và nghe được những đối tượng dễ chịu cũng như khó chịu, chúng ta có được những thọ lạc hay là thọ thổ hay chỉ đơn thuần là những thọ xả. Chúng ta hoàn toàn bị chấp thủ, ác cảm và vô minh chi phối. Đôi khi chúng ta làm được những hành vi lành mạnh: Chúng ta tỏ ra rộng lượng hào phóng, chúng ta kiêng không sát sanh và chúng ta luyện tập phát triển chánh kiến. Thực chất cuộc sống chúng ta chỉ gồm từng một sát-na tâm cảm nghiệm được đối tượng mà thôi, tâm thuộc thời điểm vừa qua đã diệt hoàn toàn, nhưng ngay tức khắc một tâm kế tục đã xuất hiện và tâm này cũng lại diệt ngay sau đó. Khi chúng ta biết được mỗi tâm đều phải đạt được những điều kiện nhất định để có thể tái diễn liên tiếp từng tâm một, thì lúc đó chúng ta có thể hiểu được tâm tử là tâm cuối cùng xuất hiện trong cuộc sống, tâm tử lại được kế tục với tâm tiếp theo gọi là tâm tái tục (Patisandhi citta) thuộc cuộc sống mai hậu. Cho đến khi nào chúng ta vẫn còn trong vòng luân hồi giữa sinh và tử  thì vẫn còn có nhiều cơ hội để tâm xuất hiện rồi lại được các tâm khác kế tục ngay.

Tâm tái tục, tâm đầu tiên của cuộc sống và sở hữu đi kèm theo lại là quả của nghiệp mà ra. Trên những cõi là nơi danh pháp và sắc pháp tồn tại, thì nghiệp cũng tạo ra sắc pháp ngay từ những sát-na đầu tiên của cuộc sống. Cũng thông qua  cuộc sống, lại xuất hiện các sắc pháp do nghiệp tạo ra như nhãn căn, nhĩ căn và nhiều căn khác là những phương tiện để cho tâm quả cảm nghiệm được những cảnh trần sảng khoái hay khó chịu. Các sắc pháp do nghiệp tạo ra chỉ là những quả của nghiệp, các sắc pháp khác nhau của thân xác chúng ta không những chỉ do nghiệp tạo ra, nhưng cũng do tâm tạo ra nữa, do khí hậu nhiệt độ và do việc vật thực nữa. Chính vì thế, có bốn yếu tố giúp tạo ra các sắc pháp khác nhau của thân xác chúng ta.

Trong cuộc sống này chúng ta đã thực hiện nhiều hành vi tốt xấu lẫn lộn; chúng ta không biết hành vi nào sẽ tạo ra tâm tái tục tiếp theo sau đó. Cũng như một hành vi đã được thực hiện trong cuộc  sống quá khứ lại có khả năng tạo ra tâm tái tục tiếp theo hay không. Vì hiện nay chúng ta đang hiện diện trên cõi hiện thực nhân loại này, chính là nghiệp thiện đã tạo ra tâm đầu tiên của cuộc sống chúng ta, sinh ra trên cõi nhân sinh chính là tái sinh nhàn cảnh. Nếu như chính nghiệp sẽ tạo ra tâm tái tục của cuộc sống mai hậu tiếp theo là nghiệp bất thiện, thì dứt khoát sẽ xuất hiện tái sinh khổ cảnh và nếu là nghiệp thiện thì sẽ được tái sinh nhàn cảnh. Không ai có thể chọn cho mình được tái sinh như thế nào, tâm tái tục chính là pháp hữu vi (Sankhara dhamma). Cuộc sống trên đời này bao gồm tâm, sở hữu và sắc pháp lại là các pháp hữu vi. Trong cuộc sống mai hậu nhất định cũng phải có tâm, sở hữu và sắc pháp và pháp hữu vi. Sẽ có các tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm tố. Nếu như chúng ta không phải tái sinh trong khổ cảnh chắc chắn ta sẽ phát triển được chánh kiến.

Vì nghiệp thiện và nghiệp bất thiện có khả năng tạo tâm tái tục, hai nghiệp đó sẽ là mối liên kết với Thập nhị nhân duyên (Paticcasammuppada). Học thuyết Thập nhị nhân duyên giải thích những điều kiện liên quan đến liên tục tính của vòng luân hồi sinh tử thông qua 12 mối liên kết, khởi đầu với vô minh (Avijja). Vô minh được đề cập đến như là mối liên kết đầu tiên. Chính là vì không biết được những thực tại hiển nhiên khiến ta phải sinh ra, phải trải qua tuổi già, bệnh tật và chết. Tận diệt được căn vô minh này chính là kết thúc vòng luân hồi này và như vậy là ta kết thúc đau khổ (Dukkha).

Vô minh, sợi dây liên kết đầu tiên, lại chi phối hành (Sankhara), là sợi dây liên kết thứ hai. Hành lại chính là những sở hữu từ thiện và từ bất thiện, là nghiệp, có khả năng tạo ra những dị thục hay quả báo, hành chi phối thức (Vinnana). Thức sợi dây liên kết thứ ba, chính là tâm quả có thể là tâm tái tục (Rebirth conscousness) hay tâm quả xuất hiện thông qua cuộc sống, như là thấy hoặc nghe. Thập nhị nhân duyên (Dependant Origination) lại là hiện thân những điều kiện chi phối cuộc sống hiện nay của chúng ta và cuộc sống mai hậu nữa, như vậy, đây là  những điều kiện chi phối tính liên tục của vòng luân hồi sinh tử vậy.

Hành mối dây liên kết thứ hai trong Thập nhị nhân duyên, lại chính là sở hữu tư thực thi nhiệm vụ của nghiệp nhằm tạo ra dị thục hay quả báo để cho vòng luân hồi sinh tử được tiếp tục[43]. Dưới góc độ này sở hữu tư hay ý chí cũng được gọi là hành (Abhisankhara karma formation). Tiếp đầu ngữ “abhi” đôi khi được dùng để chỉ nghĩa “trội hơn, hơn hẳn”. Sở hữu tư hay ý chí là nghiệp thiện hay là nghiệp bất thiện trổi vượt hơn trong việc chi phối sự tái sanh. Chỉ có sở hữu tư hay ý chí đi kèm với tâm thiện hay tâm bất thiện có thể là “hành” sở hữu tư hay ý chí đi kèm theo với tâm quả và tâm tố không thể trở nên “pháp hành” được.[44]

Mọi “pháp hành” (Abhisankhara) cũng còn được gọi là “Karma-formation” đều là một nối kết với Thập nhị nhân duyên, chúng thường do vô minh chi phối. Nghiệp thiện vẫn còn do vô minh chi phối rất nhiều. Cho dù ở vào sát-na các tâm thiện xuất hiện không có vô minh đi kèm theo với tâm thiện đó, cho đến khi nào vẫn còn vô minh chúng ta thực thiện nghiệp chướng có thể tạo ra dị thục hay quả báo; chúng ta sẽ còn phải tái sanh và như vậy vòng luân hồi vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng ta đọc thấy trong  Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XVII, 119) có một người dốt nát giống như một người khiếm thị:

Như người mù dò dẫm tìm đường đi

Không trợ giúp đôi khi hơi khó.

Tìm lối đi đôi khi phải sang phải

Đôi khi đôi lúc lầm là đương nhiên.

Thế nên khi người ngu tiến bước

Vòng luân hồi sinh tử tiến bước một mình

Điều lựa chọn là ấp đủ công đức

Và lánh xa lỗi lầm khi  thực hiện.

Nhưng  khi đã thấu suốt Phật Pháp

Tứ diệu đế nằm lòng thấu tỏ.

Kẻ vô minh trên đường tiến buớc

An bình phía trước đường ta đi.

Đang khi nghiên cứu nhiều khía cạnh đa dạng của sở hữu tư chúng ta thấy rằng sở hữu tư có nhiều dạng xuất hiện với nhiều tâm khác nhau. Khi xuất hiện với tâm thiện hay tâm bất thiện sở hữu tư đều “muốn” điều thiện hay điều bất thiện đó lại còn tạo ra dị thục hay quả báo trừ trường hợp xuất hiện nhưng lại đi kèm với tâm đạo. Trong trường hợp này sở hữu tư là hành hay nghiệp hành. Khi đi kèm với tâm sắc giới và tâm vô sắc giới sở hữu tư tạo ra tái sanh nơi các cõi cao hơn, nơi cõi Phạm thiên sắc giới và cõi Phạm thiên vô sắc. Cả hai cõi đều có liên đới với Thập nhị nhân duyên. Sở hữu tư đi kèm theo với tâm quả lại tạo ra dị thục hay quả báo, được nghiệp bất thiện hay nghiệp thiện tạo ra. Loại sở hữu này chỉ có nhiệm vụ duy nhất là phối hợp với các pháp khác đi kèm. Sở hữu tư đi kèm tâm tố không phải là điều thiện hay điều bất thiện, cũng chẳng phải dị thục hay quả báo; nó là một loại gọi là tố (Kiriya) có nghĩa là “không hoạt động”. Loại sở hữu này chỉ có một nhiệm vụ là điều phối mà thôi.

Sở hữu tư đi kèm với tâm siêu thế (Lokuttara citta) không phải là mối liên kết nơi Thập nhị nhân duyên. Tâm siêu thế lại là tâm đạo tạo ra dị thục hay quả báo tức tâm quả ngay lập tức. Tâm quả lại xuất hiện tiếp theo sau tâm đạo. Chính vì tâm đạo có thể tận diệt được các phiền não, vì vậy nó có khả năng giải thoát con người khỏi cái vòng luân hồi sinh tử. Các vi A-la-hán được giải thoát khỏi tái sinh. Họ không thực hiện nghiệp tạo ra dị thục hay quả báo nữa. Sở hữu tư đi kèm theo tâm tố của vị A-la-hán và tâm tố vô nhân (Kiriyacitta) lại chính là tâm sinh tiếu (Hasituppada-citta) của vị A-la-hán, đây không phải là hành (Abhisankharra) nên không có liên can gì đến Thập nhị nhân duyên[45].

Như chúng ta đã thấy, sở hữu tư là nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện có thể tạo dị thục hay quả báo. Những kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu luôn xuất hiện qua các căn và đều là những tâm quả: Chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm hay cảm nhận qua các căn những đối tượng dễ chịu hay khó chịu đó. Trên nguyên tắc ta biết được những tâm đạo đó tạo ra (kết) quả rất khác so với tâm thiện và tâm bất thiện, nhưng trí tuệ lý thuyết vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải nghiên cứu để phân biệt nhiều loại tâm khác nhau khi chúng xuất hiện. Mỗi hoàn cảnh trong cuộc sống gồm nhiều giai đoạn khác nhau xuất hiện do nhiều điều kiện khác nhau. Thí dụ khi chúng ta tự gây ra thương tích do tai nạn, tức khắc ta có kinh nghiệm khó chịu qua thân căn lại chính là dị thục hay quả báo, nhưng giây phút dị thục hay quả báo đó xuất hiện lại biến mất ngay tức khắc và sau đó ác cảm buộc phải nổi đậy ngay. Thật khó phân biệt được khi nào thì dị thục hay quả báo tan biến đi và lúc nào tâm bất thiện xuất hiện trở lại. Các tâm xuất hiện liên tiếp nhau rất nhanh. Khi chúng ta nghĩ: “đây chính là dị thục hay quả báo” thì giây phút đó đã tan biến mất rồi, và các tâm thực hiện nhiệm vụ liên tưởng đó đều là tâm thiện hoặc tâm bất thiện. Lại có nhiều loại điều kiện giúp tâm xuất hiện. Các tâm bất thiện và tâm thiện còn bị chi phối do những khuynh hướng đã được tích luỹ do điều thiện và điều bất thiện đó. Trong khi kinh nghiệm có được về cảnh trần dễ chịu hay khó chịu qua một số căn như thấy hay nghe là dị thục hay quả báo lại  do nghiệp chi phối.

Sở hữu tư là pháp hành. Do tâm và nhiều sở hữu khác đi kèm chi phối. Từ  “Hành” ở đây có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo mạch văn được sử dụng. Từ “Hành” được dùng với mạch văn  Thập nhị nhân duyên lại có nghĩa là nghiệp hành “Kamma formation”. Tác ý hay sở hữu tư, nhân tố liên kết với Thập nhị nhân duyên còn là nghiệp hành nữa, có khả năng tạo ra dị thục hay quả báo để cho vòng luân hồi sinh tử được tiếp diễn.

Vào lúc này chúng ta đang luẩn quẩn trong vòng luân hồi sinh tử và chúng ta đang bám lấy cuộc sộng, chúng ta muốn tiếp tục sống và cho là cuộc sống thật đáng khao khát là bởi vì chúng ta không biết được cuộc sống thực chất ra sao cả, chỉ có danh pháp và sắc pháp là không tồn tại. Chúng ta bám chặt lấy “bản ngã”, chúng ta muốn được người khác yêu mến và ngưỡng mộ, chúng ta muốn được thành công trong công việc. Tuy nhiên, rất có thể chúng ta sẽ thất bại trong cuộc sống; khi không đạt được những gì mong muốn chúng ta dễ thất vọng. Cho đến khi nào phiền não còn tồn tại cái vòng luân hồi sinh tử sẽ không kết thúc. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu am hiểu được giây phút hiện tại ta đang thấy các cảnh sắc, đang nghe cảnh thinh hoặc suy tư đúng đắn là pháp hành không thể tồn tại mãi, thì khi đó vòng luân hồi sinh tử sẽ đi đến chỗ kết thúc. Chúng ta thường dễ dàng quên đi những sự thật hành đó, nhưng còn có những điều nhắc nhớ chúng ta ý thức nhau. Chúng ta được nhắc phải ý thức là ta đang bám víu với tất các đối tượng, đang khi ta lưu ý đến những gì là của ta cũng như của người khác và chấp thủ đã xuất hiện do sự dính bén này.

Trong kinh Kindred Sayings III, 51, chương 3, đoạn 23, chúng ta đọc thấy Ngũ Uẩn (five khandhas) là toàn bộ các Pháp Hành xuất hiện trong đời sống chúng ta. Chúng ta phải am hiểu ngũ uẩn cho tường tận. Chúng ta lại đọc thấy rằng Đức Phật, khi ngài lưu lại Savatthi, đã thuyết pháp cho Tỳ-khưu như sau:

Này chư Tỳ-khưu, thầy sẽ mách bảo các ngươi những gì cần được hiểu biết, cũng như điều gì các ngươi đang hiểu được. Các ngươi có nghe chưa?

Này chư Tỳ-khưu, các ngươi còn phải hiểu thêm điều gì nữa đây? Thân xác chăng, rất cần hiểu rõ, thọ chăng, điều này cũng vậy; tưởng, các pháp hành và cả ý thức nữa. Các Tỳ-khưu thân mến, đó là tất cả những gì cần phải am tường.

Này chư Tỳ-khưu, thế còn” hiểu biết” thì sao đây?

Dẹp bỏ tham dục, dẹp bỏ hận thù, dẹp bỏ si mê đó chính là” hiểu biết” vậy.

Nếu ta có ý thức và chánh kiến ngay lúc ta đang thấy, đang lắng nghe hoặc bất kỳ thực tại nào đang diễn ra, thì cuối cùng chắc chắn cái vòng luân hồi sinh tử đó sẽ khép lại và đi đến chỗ kết thúc.

 

Câu hỏi:

  1. Làm cách nào chúng ta biết được có kiếp sau?
  2. Những loại sở hữu tư nào đóng vai trò làm mối liên kết với Thập nhị nhân duyên?
  3. Tại sao  sở hữu tư lại đi kèm với tâm đạo (magga-citta) mà không phải là nghiệp hành?
  4. Nghiệp thiện có khả năng tạo dị thục hay quả báo và như vậy là mối liên kết với Thập nhị nhân duyên. Lý do gì nghiệp thiện vẫn được thực hiện?

 

[43]  Hành (Sankhara) thuờng được dịch là Kamma-formation.

[44] Để biết thêm chi tiết xin đọc Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) XVII, 177-182.

[45] Vị A-la-hán không có tâm thiện và tâm bất thiện, các tâm là nguyên nhân, có thể thôi thúc nghiệp tạo ra quả thay vì vị A-la-hán có tâm tố, tâm bất động, không thể tạo ra quả được.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004