Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


 Chương 19

GANH TỴ, XAN THAM, HỐI HẬN

(Issa, Macchariya, Kukkucca)

Có ba pháp bất thiện chỉ xuất hiện với tâm căn sân (Dosa-mula-citta) đó là tâm có căn ác cảm, cụ thể là: Tật đố hay ganh tỵ (Issa), lận sắt hay xan tham (Macchariya) và hối hận (Kukkucca). Ác cảm có khuynh hướng xuất hiện thường xuyên, cả trong qui trình căn môn và ý môn, vì chúng ta đã tích lũy quá nhiều ác cảm. Tâm căn sân (Dosa-mula-citta) luôn luôn đi kèm với thọ ưu. Ta dễ dàng nhận ra ác cảm và thọ ưu, nhưng ta cũng nên hiểu rõ thêm các phiền não cũng xuất hiện với tâm căn sân nữa, cụ thể là: Ganh tỵ, xan tham và hối hận. Những sở hữu (Cetasikas) bất thiện này từng loại một đi kèm với tâm căn sân. Điều này không có nghĩa là tâm căn sân luôn đi kèm với một trong ba sở hữu bất thiện trên. Đôi khi tâm căn sân đi kèm với một trong ba sở hữu đó và đôi khi lại không đi kèm với bất kỳ sở hữu tâm nào. Tôi sẽ đề cập đến ba sở hữu bất thiện này ngay dưới đây.

Bàn về ganh tỵ hay là ghen tương, sở hữu này chỉ xuất hiện khi có ai đó nhận được điều gì đó dễ chịu, vào sát-na như vậy chúng ta  muốn biết tại sao người đó lại nhận được điều đó còn chúng ta thì không. Ganh tỵ luôn đi kèm với thọ ưu, vì nó chỉ xuất hiện với tâm căn sân, tâm này không thích đối tượng ta cảm nhận. Chúng ta không thích thọ ưu, nhưng ghét thì chẳng giúp ích gì cho ta để cho tâm thiện thay vì tâm bất thiện xuất hiện cả. Chúng ta nên biết rằng những phiền não khác cũng có thể xuất hiện với tâm bất thiện. Nghiên cứu các trạng thái của các sở hữu trên, chúng thực hiện phận sự gì, chúng thành tựu ra sao và những nguyên nhân sâu xa khiến chúng xuất hiện thật là một việc vô cùng cần thiết. Khi chúng ta nhận thấy các phiền não xấu xa như thế nào và hiểu được mối nguy hiểm chúng gây ra, đức Phật nhắc nhở chúng ta phải vun trồng niệm xứ (Satipatthana) và đó là một cách duy nhất để tận diệt những phiền não đó, ngoài ra không còn cách nào khác.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì  II cuốn I, phần IX chương II, 257) đưa ra định nghĩa về ganh tỵ như sau:

Trạng thái của nó là ghen ghét, khó chịu trước những tiến bộ của người khác. Phận sự của nó là không thích thú gì với tiến bộ đó cách thành tựu của ganh tỵ là lánh mặt lại với những tiến bộ như vậy. Nguyên nhân sâu xa của nó là chính tiến bộ đó và  nó phải được coi như là một sự kiết sử.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 172) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự như vậy.[121]   

Nguyên nhân sâu xa của ganh tỵ chính là tiến bộ của người khác, khi ganh tỵ xuất hiện chúng ta không thể chịu đựng được người khác lại nhận được những điều dễ chịu đến như vậy. Ngay lúc đó ta không thể có được tâm hỷ (Mudita). Ta ganh tỵ khi người nào đó nhận được quà biếu, vinh dự cũng như lời khen do tính tốt hoặc trí thông minh của họ. Khi có ghen tương chúng ta không muốn người khác hạnh phúc và còn mong sao cho người đó mất đi những gì dễ chịu hay cả những đức tính tốt họ đang có nữa.

Ganh tỵ rất nguy hiểm. Khi ganh tỵ nổi lên mạnh mẽ nó sẽ thôi thúc nghiệp đạo bất thiện (Akusala-kamma-patha) và điều này có khả năng tạo ra “tái sanh khổ cảnh”, vì ganh tỵ chúng ta có thể phạm tội giết người.

Tất cả chúng ta đều tích lũy quá nhiều ganh tỵ và như vậy bắt buộc nó phải xuất hiện, phát hiện ra những sát-na ganh tỵ cũng rất ích lợi. Ngay cả khi ganh tỵ chỉ ở mức độ nhẹ nhàng, như ta có thể ganh tỵ với cả người được khen nữa. Chúng ta ai cũng muốn mình được khen và muốn người khác chú ý đến mình và cho mình là quan trọng. Trên thực tế không có “bản ngã” mà chỉ có danh pháp và sắc pháp xuất hiện do chính những duyên hệ riêng của chúng mà thôi. Vị thánh Nhập lưu (Sotapanna) có chánh kiến về pháp, ngài biết được thực chất không có “cá nhân” nào nhận hay có được những cảm giác hạnh phúc dễ chịu. Ngài nhận ra được tất cả mọi kinh nghiệm chỉ là pháp hành mà thôi. Pháp hành không tồn tại và cũng không  thuộc bất kỳ “bản ngã” nào cả. Ngài không còn bất kỳ duyên hệ nào ganh tỵ cả. Ngài đã tận diệt được ganh tỵ.

Khi chúng ta nhận ganh tỵ gây ra nhiều thất lợi, chúng ta sẽ tu luyện những duyên hệ nhằm giảm thiểu ganh tỵ. Tâm hỷ đối nghịch với ganh tỵ, tâm hỷ là nguồn vui thông cảm với thịnh vượng  và hạnh phúc của người khác. Đức Phật đã dạy chúng ta rất nhiều cách để phát triển điều thiện và phát triển tâm hỷ là một phương cách trong số đó. Thoạt tiên ta khó có thể vui mừng với hạnh phúc của người khác, Nhưng khi ta biết đánh giá đúng đắn giá trị tâm hỷ thì sẽ có duyên hệ để cho niềm vui đó xuất hiện, dần già điều đó sẽ trở thành bản chất của chúng ta, vui mừng khi người khác được hạnh phúc. Khi có tâm hỷ, tâm sẽ trở thành tâm thiện. Mỗi tâm thiện lại đi kèm với vô tham vô sân lại có thể đi kèm  với chánh kiến hoặc không cũng được. Ta không thể dùng tâm hỷ để tận diệt ganh ty được, ngay cả khi chúng ta có nhiều cơ hội vui vẻ như vậy. Cuối cùng chỉ có chánh kiến danh pháp và sắc pháp mới có thể tận diệt được  ganh tỵ mà thôi.

Xan tham (macchariya) (tính keo kiệt, bủn xỉn)

Tính keo kiệt hay hà tiện, tức xan tham (Macchariya), lại là sở hữu bất thiện khác nữa chỉ xuất hiện với tâm căn sân mà thôi. Xan tham không xuất hiện với mọi tâm căn sân, nhưng khi xuất hiện xan tham liền đi kèm với tâm căn sân. Khi xan tham xuất hiện thì ác cảm cũng xuất hiện với những đối tượng được cảm nhận ngay lúc đó và ta có thọ ưu. Tính keo kiệt không thể xuất hiện với tâm tham căn hoặc với tâm si (Moha-mula-citta).

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì, cuốn I phần IX, chương II, 257) đề ra định nghĩa về xan tham như sau:

Trạng thái của xan tham là dấu không cho ai biết về tài sản riêng của mình, hoặc đã có hoặc thành tựu được. Phận sự của xan tham là không chia sẻ của riêng với bất kỳ ai. Thành tựu của xan tham là “rụt lại” không chia sẻ như vậy hay cảm thấy cay đắng khi phải chia sẻ. Nguyên nhân sâu xa chính là tài sản riêng người đó có được; và  nên  được coi như là một tật xấu tâm linh.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 173) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự.

Khi có xan tham thì cũng xuất hiện trạng thái tù túng tâm linh. Chúng ta không thể giang rộng cánh tay ra để ban tặng cho ai một món quà. Nguyên nhân sâu xa của keo kiệt chính là tài sản riêng của người đó. Nhưng ngược lại, như chúng ta đã thấy, nguyên nhân sâu xa của ganh tị chính là tài sản của một người khác. Khi xan tham chúng ta không thể chia sẻ điều gì ta đang sở hữu (hoặc sẽ có) với bất kỳ ai cả.

Có năm loại đối tượng căn cứ vào đó xan tham có thế xuất hiện. Chúng ta đọc trong  Pháp Tụ (Dhammasangani  § 1122) viết về xan tham kiết sử như sau:

Có năm thứ bủn xỉn. Bủn xỉn vì chỗ ở, do gia đình, quà biếu, tiếng tốt và pháp – tất cả năm loại keo kiệt này: ghen tức, hẹp hòi, hà tiện và tính keo kiệt và thiếu lòng quảng đại.- ta gọi là cái “xan tham kiết sử.”

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì  II, cuốn II, chương II, 376) trong bài giải thích cả từ của Pháp Tụ cho là người keo kiệt cũng còn ngăn cản người khác bố thí. Tính keo kiệt có thể thôi thúc chúng ta cố gắng thuyết phục người khác, thí dụ như vợ hoặc chồng, bố thí ít thôi hay không cho ai gì hết. Chúng ta đọc thấy trong cuốn Chú giải Bộ Pháp Tụ như sau:

... và ta nói điều này,

hỡi kẻ ác tâm, keo kiệt bủn xìn đê tiện và sai quấy...

Những kẻ đó đã ngăn cản bố thí cho kẻ khó...

Người  “keo kiệt” nhìn thấy người ăn xin thì tâm trí  họ cay đắng và co rúm lại. Thái độ của họ rất “keo kiệt bủn xỉn”. Một cách định nghĩa khác: “Keo kiệt” giống như dùng thìa bón cháo đựng trong một cái bình. Khi bình cháo vẫn còn đầy tới miệng, ta dùng thìa múc cháo mà không nghiêng bình. Và như vậy không tài nào múc đầy thìa được, vì vậy tâm trạng của người keo kiệt cũng y như vậy luôn hướng về mình khi lòng đã vậy rồi  thì thân ngả theo cùng hướng đó. Lúc nào cũng muốn lùi lại và không dám trải lòng rộng ra. Như vậy người ta gọi xan tham “tính keo kiệt”.

“Thiếu lòng quảng đại” đó là hiện trạng tâm hồn đã khép lại và bệnh hoạn, như vậy mà không thể mở lòng mình  ra để sẵn sàng bố thí v.v…trong việc phục vụ anh em. Nhưng bởi lẽ người keo kiệt không muốn cho người khác những gì thuộc về mình và còn muốn lấy cho mình những gì của người khác. Chính vì vậy mà “tính keo kiệt” phải được hiểu với trạng thái là che giấu và chiếm hữu tài sản cho riêng mình. Họ lớn tiếng nói: chớ gì những của cải  đó thuộc về tôi chớ không phải của người khác.”

Nói về năm loại đối tượng của người keo kiệt mắc phải,[122] sách Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, cuốn I phần II chương II 373-375) giải thích và cho biết như sau:  Sẽ không có xan tham nếu ta không muốn chia sẻ của cải với người nào đó để sử dụng vào mục đích sai quấy hay không chia sẻ với vị Tỳ-khưu muốn làm hổ thẹn Tăng già.

Đề cập đến xan tham về nguồn gốc nơi cư trú: Nơi “cư ngụ” có thể là một “tịnh xá” một phòng đơn, hay bất kỳ chỗ nào có thể ở được, có tiện nghi hay không, một góc phòng hay một chỗ ngồi thiền đơn sơ.

Liên quan đến xam tham về nguồn gốc “gia đình” rất thể là gia đình làm công quả một tịnh xá hay là gia đình bà con họ hàng. Vị Tỳ-khưu mắc tính keo kiệt (xan tham) không muốn vị Tỳ-khưu nào lai vãng đến những gia đình ông năng lui tới thăm viếng, chỉ vì vị Tỳ-khưu đó không muốn chia sẻ những gì ông nhận được nơi gia đình đó với ai hết. Không những chỉ có xan tham về của cải mà còn xan tham cả về lời khen nữa. Thí dụ khi thực hiện một công việc từ thiện cùng với nhiều người khác; chúng ta chỉ muốn mình được khen mà thôi. Chúng ta không muốn chia sẻ vinh dự và lời khen với người nào khác, mặc dù họ cũng đáng được như vậy. Chúng ta phải tự kiểm kỹ lưỡng chính mình về hình thức xan tham này. Chúng ta nên tìm hiểu xem ta có dễ dàng khen người khác hay không. Nếu như ta hiểu được khen việc lành của người khác là một hành vi quảng đại, chắc chắn ta sẽ năng thực hiện như vậy. Khi khen người khác xan tham chẳng còn chỗ nào để xuất hiện trong ta. Có quá nhiều cách thực thi điều thiện và trong cuộc sống đời thường còn có quá nhiều cơ hội sẵn trong tay để làm điều thiện thật dễ dàng, bất kể chúng ta tự mình hay cùng làm với người khác.

Có một số người còn xan tham cả với Phật Pháp nữa. Họ không muốn chia sẻ pháp với ai vì sợ họ sẽ có được một số trí tuệ như họ hay còn hơn họ nữa. Vị thánh Nhập lưu là người đã thực hiện Tứ diệu đế, đã tận diệt tất cả mọi hình thức xan tham. Họ muốn mọi người đều thông hiểu và thực hiện pháp. Những người chưa đạt đến bậc thánh A-la-hán luôn có tính xan tham, ngay cả đối với Phật Pháp nữa. Tuy nhiên tốt hơn hết họ không thuyết pháp thì hơn. Chúng ta không nên thuyết pháp cho những ai luôn muốn lạm dụng Phật Pháp và muốn giải thích sai lệch Phật Pháp, kể cả những ai đã suy nghĩ sai lạc là mình đã trở thành A-la-hán là nhờ những trí tuệ có được. Không có xan tham nếu chúng ta không thuyết Pháp cho những hạng người đó, vì chúng ta chỉ hành động do suy tư về pháp và những suy tư về người khác mà thôi.

Theo nghĩa tuyệt đối chúng ta chẳng sở hữu được gì cả. Vì vạn vật gồm toàn danh pháp và sắc pháp mà thôi, nếu chúng ta ghi nhớ điều này, tức khắc ta sẽ nhận ra thật ngu suẩn biết bao nếu  ta nghĩ là mọi pháp sinh diệt đều thuộc quyền sở hữu của ta và ta có thể chiếm làm của riêng cho mình. Tại sao ta lại xan tham những gì không phải của ta? Chúng ta chẳng giữ được của cải, tiền bạc khi đến giờ phải đi vào cõi vĩnh hằng. Cuộc sống con người quá ngắn ngủi và chúng ta đã phí phạm quá nhiều cơ hội để làm việc thiện là do ta quá xan tham vậy. Hiểu theo nghĩa tuyệt đối thì không có “bản ngã” tồn tại mãi, không có ai sở hữu bất kỳ của cải gì. Cuộc sống chúng ta gồm toàn những danh pháp và sắc pháp sinh rồi lại diệt rất mau chóng. Cuộc sống thực chất chỉ là một sát-na kinh nghiệm được cảnh vật; sát-na đó lại qua đi rất mau và các kinh nghiệm nối tiếp lại xuất hiện và biến đi ngay, các kinh nghiệm tiếp theo sau hoàn toàn khác với những kinh nghiệm trước đó. Chúng ta không thể sở hữu được cảnh sắc nào. Cảnh sắc hoàn toàn chỉ là sắc pháp không thể tồn tại và không thuộc về chúng ta. Khi chánh kiến được phát triển hơn sẽ ít thấy xan tham xuất hiện. Vị thánh Nhập lưu nhận ra danh pháp và sắc pháp đích thực, vì toàn bộ chỉ là “vô thường” và cũng chẳng có “bản ngã” thế nên vị thánh Nhập lưu chẳng còn duyện hệ chi để xan tham phát triển được.

Chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao ta lại xan tham. Chúng ta không muốn loại bỏ bất kỳ điều gì, vì sợ tài sản của ta sẽ giảm đi. Nhưng rồi chúng ta lại đau khổ vì chính những gì ta đang sợ hãi đó. Cảm nghiệm được các cảnh qua căn thân chỉ là dị thục hay quả báo. Đó chính là kết quả của nghiệp chướng. Chúng ta đọc thấy Tương Ưng Bộ Kinh-Kindred Sayings (I, sagatha-Vagga, chương I, về chư Thiên, phần 4 §2, bàn về hà tiện) các chư Thiên thuộc nhóm Satullapa đến gặp Đức Phật và nói với ngài về hà tiện và quảng đại. Một trong số họ nói rằng:

Điều người  keo kiệt sợ hãi, vì vậy không dám cho đi.

Với người đó không cho đi lại là mối nguy to:

Đói ăn và khát uống - điều này hắn cũng lại sợ.

Đó chính là tai hoạ giáng xuống kẻ ngu si.

 Ngay đời này và còn cả đời sau.

Thế nên cần dẹp bỏ hà tiện và thực thi

bố thí từ thiện, và trấn áp điều hư hỏng

làm bệ phóng vững chắc cho cuộc sống mai sau

là phần thưởng nhân đức người thánh hiền mong đợi.

Năm loại hà tiện lại thôi thúc nghiệp bất thiện xuất hiện và còn có khả năng tạo ra tái sanh khổ cảnh hay quả báo bất thiện trong suốt cuộc đời: chúng ta có thể phải chịu đựng đau khổ, nghèo đói  bệnh tật và mất danh giá. Chú giải Bộ Pháp Tụ trong đoạn nói về tính keo kiệt (§ 375) cho biết những kết quả khó chịu xuất hiện do năm loại tham lam và keo kiệt liên quan đến lời khen và giáo pháp như sau:

... kẻ nào chỉ muốn tán dương thành tích của mình và không muốn tán dương thành tích của người khác; kẻ nào nói rằng lỗi này lỗi nọ là của người kẻ nói: “Việc khen chê nào nhà ngươi đáng được hưởng đây?” và không truyền đạt bất kỳ lời dạy nào cho người khác, sẽ trở nên xấu xa, hay có mồn miệng chảy toàn nước miếng....

kẻ nào miệng đầy nước miếng không thể nói một cách dễ chịu được và nhìn vào người đó ôi thật là xấu xa biết chừng nào. Chính vì vậy mà ta không muốn nghe. hơn nữa Chú giải Bộ Pháp Tụ cho biết đó là kết quả keo kiệt mà ra.

Cho đến khi nào ta chưa trở thành vị thánh Nhập lưu, vẫn còn nhiều cơ hội để ta phạm phải xan tham. Có số người keo kiệt hơn người khác, có người khác lại keo kiệt với của cải, tiền bạc và không chấp thủ đến những điều khác như: lời khen tiếng chê hoặc Phật Pháp. Tất cả điều đó còn tuỳ thuộc vào người đó có tích luỹ được gì cho mình hay không. Nhưng có một số người tự bản chất lại rất keo kiệt thì thái độ của họ có thể thay đổi. Qua chánh kiến chúng ta có thể học để tu luyện tính quảng đại.

Chúng ta đọc trong bản diễn giải kinh Sudhabhojana-jataka (Jatakas, cuốn V, số 535) kể về một vị Tỳ-khưu đương thời với Đức Phật đã thực thi lòng từ bi quảng đại tối đa như thế nào. Vị Tỳ-khưu này đã phân phát hết đồ ăn của mình, ngay cả một chút nước chỉ bằng một vốc tay, vị Tỳ-khưu đã thoát khỏi tham lam, tuy vậy ông đã bố thí hết tất cả. Nhưng trước đó ông lại chấp thủ phải tính keo kiệt đến độ “không thể cho ai đến một giọt dầu dính nhỏ xíu”. Đức Phật đã đề cập đến cuộc sống trước kia của vị Tỳ-khưu đó, ông còn là một Kosiya keo kiệt và bủn xỉn và đây là câu chuyện “Sudhabhojana Jataka”:

Kosiya không giữ đúng truyền thống bố thí của tổ tiên và đã sống rất keo kiệt và bủn xỉn. Một hôm Kosiya quá thèm ăn một bát cháo đặc. Khi vợ ông đề nghị nàng sẽ nấu cháo cho không chỉ cho ông mà còn cho cả sự sống tại Varanasi cùng ăn, Kosiya cảm thấy ”như bị giáng một gậy vào đầu”. Như ta đã đọc định nghĩa về hà tiện viết trong Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì): Hà tiện thể hiện bằng hành động “lưỡng lự trước việc chia sẻ như vậy...” Một khi keo kiệt xuất hiện luôn kèm với cảm giác, không thể có một chút hạnh phúc nào cả.

Rồi chúng ta còn đọc trong kinh Jataka là vợ Kosiya sau đó còn đề nghị chỉ nấu cháo đãi một khu phố, những người giúp việc gia đình, và cuối cùng chỉ nấu cho hai người mà thôi tức cho ông và vợ mà thôi, nhưng Kosiya đã bác tất cả những đề nghị của vợ ông. Kosiya chỉ muốn nấu cháo cho một mình ông mà thôi và nấu trong rừng để không ai nhìn thấy. Chúng ta nên nhớ: dấu diếm của cải không cho ai biết chính là trạng thái của keo kiệt. Chúng ta muốn dấu diếm như vậy là vì không muốn chia sẻ của cải với ai hết.

Chúng ta lại đọc thấy trong kinh Jataka: Hồi ấy có một vị Bồ-tát là thần Sakka muốn cải hóa Kosiya và đã đến gặp ông ta có bốn người hầu đi theo giả dạng là bốn vị giáo sĩ Bà-la-môn. Cả bốn vị từng người một đã tiến đến xin Kosiya keo kiệt một chút cháo đặc. Thần Sakka thốt lên những vần thơ ca ngợi lòng quảng đại như sau:

Có ít thì cho ít, cho dù điều kiện ta quá khiêm tốn cũng vậy.

Có nhiều phải cho nhiều, không cho cũng không thành vấn đề.

Đây ta nói với nhà ngươi, Kosiya, hãy bố thí của cải nhà ngươi có.

Đừng ăn một mình, chẳng hạnh phúc gì khi ăn như vậy đâu.

Chỉ nhờ bố thí, nhà ngươi mới tiến thẳng trên chánh đạo cao siêu.

Kosiya miễn cưỡng dâng cho họ một chút cháo đặc. Rồi một trong số bốn giáo sĩ Ba-la-môn giả dạng thành một con chó. Con vật thở phè và nhỏ rãi ngay trên bàn tay Kosiya. Ông ta chạy ra sông để rửa tay và thế là con chó lại nhỏ rãi vào bình cháo của vị Kosiya. Khi ông ta dọa con chó, tức khắc nó biến thành một “con ngựa thuần chủng” và đuổi theo Kosiya. Rồi thần Sakka và các đầy tớ bay lên trời và thần Sakka đã dạy cho Kosiya bài học quảng đại từ bi và cảnh cáo ông ta về “tái sanh khổ cảnh”. Kosiya đã hiểu ra mối nguy keo kiệt. Ông ta đã bỏ hết của cải và trở thành một nhà tu khổ hạnh.

Cuối cùng Đức Phật dạy: “Không chỉ bây giờ, này chư Tỳ-khưu, mà từ thời xa xưa thầy đã cải hoá con người keo kiệt bỉn xỉn kia, thật là con người keo kiệt kinh niên vậy”.

Chánh kiến nhận ra mối hiểm họa của điều bất thiện và chi phối  việc tu luyện điều thiện một khi chúng ta còn chấp thủ với của cải và tỏ ra quá keo kiệt như vậy thật khó lòng có thể thoát khỏi bản ngã. Chúng ta nên tu luyện lòng từ bi quảng đại trong việc bố thí và cho đi những tài sản của ta đồng thời cũng biết khen những ai đáng được khen và nên nhận ra chân giá trị của điều thiện. Khi tâm  ta trở nên tâm thiện thì sẽ không còn keo kiệt, nhưng ta chỉ tận diệt được keo kiệt bằng cách tu luyện chánh kiến về Phật Pháp mà thôi.

Hối hận (kukkucca)

Kukkucca, hối hận hay bối rối lo lắng, là một sở hữu khác nữa xuất hiện với tâm căn sân. Kukkucca không xuất hiện tất cả các tâm căn sân, mà chỉ xuất hiện với tâm căn sân mà thôi, khi có hối hận thì ác cảm  cũng xuất hiện với đối tượng được cảm nghiệm tức thì. Chính vì thế, cảm giác đi kèm với hối hận (kukkucca) luôn là thọ ưu.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, cuốn II, phần IX chương III, 258) định nghĩa kukkucca như sau:

Với trạng thái là ăn năn hối lỗi. Phận sự của hối hận là buồn sầu vì những hành động đã thực hiện hay bỏ qua, kukkucca thành tựu ở lòng hối hận, nguyên nhân sâu xa là những việc gì đã làm hay đã bỏ qua, và cần  nên được coi như là một triền phược vậy.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XIV, 174) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự như vậy.

Trạng thái của kukkucca là hối lỗi hay ân hận. Hối lỗi thường được coi như là một nhân đức nhưng thực chất kukkucca không phải là điều hoàn thiện, nó xuất hiện với tâm căn sân. Kukkucca “hối tiếc” vì phạm phải những điều xấu và bỏ qua những điều thiện, đó chính là sự khác biệt giữa tư tưởng hoàn hảo về những thất lợi điều bất thiện mang lại và giá trị của điều thiện. Từ qui ước “worry” tức là xao xuyến hay lo âu cũng được dùng để dịch từ kukkucca tuy nhiên từ này không rõ ràng lắm. Khi ta nói: chúng ta lo xao xuyến lo âu, đây không phải là một thực tại kukkcca nhưng chỉ là suy nghĩ ác cảm về đối tượng khó chịu, chứ không phải là hối hận. Thí dụ chúng ta có thể lo âu xao xuyến về cách thức giải quyết các vấn đề tương lai; lo lắng như vậy đâu có phải là hối hận.

Nếu lưu ý đến nguyên nhân sâu xa chúng ta sẽ hiểu rõ hơn kukkucca là gì. Nguyên nhân sâu xa của kukkucca là nghiệp bất thiện qua thân, khẩu và ý đã bị bỏ qua. Chúng ta đọc thấy trong Pháp Tụ (Dhammasangani §1304 và § 1305) như sau:

Đâu là những hiện trạng dẫn đến ăn năn hối tiếc?

Hạnh kiểm xấu trong thân, khẩu và ý. Ngoài ra, tất cả những hiện trạng xấu đều dẫn đến ăn năn hối tiếc.

Đâu là những hiện trạng không dẫn đến hối tiếc, ăn năn?

Hành vi tốt trong hành động lời nói và suy nghĩ. Ngoài ra, thiếu những hiện trạng tốt sẽ dẫn đến hối tiếc và ăn năn vậy

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II cuốn II phần II chương II, 389,390) giải thích phần này trong Pháp Tụ (Dhammasangani) như sau:

Trong việc giải thích hai nguyên nhân “dẫn đến ân hận hối tiếc” (Dhammasangani §1304) cho biết “ân hận” xuất phát từ những gì không được thực hiện được hay đã bỏ không thực hiện. Những hành vi xấu hun đúc từ nhiệm vụ phải thực hiện, các hành vi tốt lại xuất phát từ những nhiệm vụ đã bỏ qua. Thực vậy một người cảm thấy ân hận (thực chất như bị đốt cháy) trong suy nghĩ, ‘tôi đã nói tầm bậy” ... tôi đã bỏ qua không thực hiện những ý định tốt” ... tương tự như vậy đối với điều không dẫn đến ”ân hận”. Như thế một người là tốt không cảm thấy ân hận về những hành vi dù nhiệm vụ buộc phải thực hiện hay phải bỏ qua.

Khi chúng ta nói lời vu khống hoặc nói những lời thô bỉ, chắc chắn chúng ta sẽ ân hận về sau này. Cũng còn có ân hận về việc sao lãng trong việc thiện nữa. Chúng ta thường để lỡ những cơ hội làm điều thiện. Chúng ta hay tỏ ra bủn xỉn khi có cơ hội bố thí hoặc khen ai đó đáng được khen. Hay chúng ta sao nhãng không tu luyện chánh kiến về Phật Pháp. Kết quả là vì bỏ qua việc thiện thì hối hận lại xuất hiện.

Chúng ta đọc thấy trong kinh Đại Niệm Xứ (Middle Length Sayings III, 129,) diễn giải về người khờ dại và người khôn ngoan. Người khờ dại cảm nghiệm được nỗi thống khổ vì đã làm những điều sai quấy qua thân, khẩu và trong ý. Người đó cảm thấy đau khổ vì người khác nhắc đến điều bất thiện hắn đã làm và như vậy hắn phải nhận tiếng xấu. Hắn sợ bị phạt vì những hành vi xấu xa của mình và thế là hắn cảm thấy đau khổ, vả lại, hắn sẽ phải hối hận vì những việc xấu và sao lãng làm việc thiện. Chúng ta đọc thấy như sau:

Lại nữa, này chư Tỳ-khưu, khi người khờ dại ngồi trên ghế, hay nằm trên giường hoặc trên sàn nhà, vào những giây phút như vậy, những việc xấu hắn vừa thực hiện qua thân, khẩu hoặc trong ý lại hiện lên trong thâm tâm, dính kết với hắn, nhiễm vào tâm hắn. Này chư Tỳ-khưu, như buổi hoàng hôn, bóng ngọn núi cao phủ đầy  mặt đất, cũng như vậy, này chư Tỳ-khưu, liệu các việc xấu kẻ khờ dại vừa mới thực hiện qua thân, khẩu, ý hiện ra trong hắn khi ngồi trên ghế nằm trên giường hoặc trên sàn nhà, hỡi này chư Tỳ-khưu, điều đó đã xảy ra như vậy đối với kẻ khờ dại: ”Thật vậy điều gì tốt lành tôi thực hiện không thực hiện, điều nào khéo léo tôi đã bỏ qua, không chút áy náy trước những hậu quả đáng sợ tôi đã làm, rồi điều ác nhân tôi đã làm, còn cả tàn bạo và bạo lực nữa. Ở mức độ giới hạn đối với người nào đã không làm điều tốt đẹp, điều khôn khéo và áy náy trước những hậu quả đáng sợ có thể xảy ra., kẻ nào làm điều xấu, điều tàn bạo và bạo loạn. Tới giới hạn đó tôi lại đang theo đuổi.” Hắn đau buồn, than vãn khóc lóc, đấm ngực kêu gào và rơi vào bất tỉnh…

Phạm phải nghiệp bất thiện và bỏ qua nghiệp thiện là một duyên hệ để hối tiếc và vì điều hối tiếc này chúng ta cảm thấy bất hạnh. Chúng ta không có được bình yên trong tâm hồn. Nghiệp bất thiện có thể tạo ra “tái sanh” khổ cảnh và cả những kinh nghiệm khó chịu thông qua các căn trong qui trình cuộc sống.

Hối hận là một trong số những triền cái (Nivaranas) và như vậy tạo ra một trạng thái phóng tâm (Uddhacca). Những triền cái chính là các sở hữu bất thiện ngăn cản ta làm điều thiện. Khi hối hận xuất hiện không thể có điều thiện nào vào lúc đó.

Chúng ta đọc định nghĩa: hối hận phải được coi như là một triền phược. Tâm kèm với hối hận sẽ không được tự do, nó bị nô dịch. Vào sát-na như vậy không có bình yên và hạnh phúc nổi lên.

Nếu chúng ta không nghiên cứu Phật Pháp và không biết những loại tâm nào xuất hiện thì có ít điều kiện để vun đắp điều thiện. Nếu điều thiện không được tu luyện sẽ có nhiều tâm bất thiện xuất hiện hơn và như vậy cũng có nhiều cơ hội hơn để ta phải ân hận.

Vị Tỳ-khưu nào không tuân giữ giới luật Vinaya sẽ phải lo lắng vì không nắm giữ những giới luật đó. Rất có thể vị Tỳ-khưu đó sẽ phải suy nghĩ và đôi khi còn giả bộ sai phạm luật. Lo lắng và nghi ngờ sẽ nổi lên vì điều đó. Chúng ta đọc thấy trong Pháp Tụ (Dhammasangani  chương IX, §1161)

Hối hận  (Kukkucca) là gì?

Ý thức được điều luật trong những điều phi luật pháp.

Ý thức được điều phi luật pháp trong những điều luật;[123]

Ý thức được điều không đạo đức trong số những điều đạo đức.

Ý thức được điều đạo đức trong số những điều vô đạo đức. – tất cả các loại hối hận, bồn chồn, thận trọng, hối hận trong lương tâm, đay nghiến lương tâm,- đó là điều được gọi là hối hận, lo lắng.

Thật khó lòng tận diệt được hối hận. Ngay cả vị thánh Nhập lưu vẫn còn có hối hận. Cho dù người đó không có điều kiện để hối hận vì nghiệp bất thiện được tăng thêm bất hạnh để tạo ra tái sanh khổ cảnh. Người nào đã tận diệt được các khuynh hướng  đối với những hành vi xấu đó. Vị thánh Nhập lưu vẫn còn có tâm tham căn tâm sân căn và tâm si. Ông ta không có tâm sân căn với ghen ghét tức hay keo kiệt, nhưng tâm căn sân vẫn còn xuất hiện và đôi khi nó còn đi kèm theo với hối hận. Ông ta có thể ăn nói khó nghe, hoặc tỏ ra lười biếng khi thực hiện điều thiện và những gì liên quan đến điều này thì hối hận có thể xuất hiện. Vị thánh Nhập lưu ít hối hận hơn là những người không đạt đến bậc thánh. Khi chưa đạt đến giác ngộ chúng ta thường có khuynh hướng suy nghĩ về quá khứ. Vị thánh Nhập lưu đã vun trồng Đại Niệm Xứ (Maha satippatthana) và như vậy ngài có ít duyên hệ phải lo lắng về quá khứ hơn những ai chưa đạt đến bậc thánh. Khi hối hận xuất hiện và vị đó nhận ra đó chỉ là những duyên hệ của pháp hữu vi và pháp hành và ngài không coi như đó là của riêng bản ngã.

Chúng ta vẫn còn coi hối hận như là điều gì đó đại loại như “hối hận của tôi”, chúng ta hối hận điều bất thiện và thiếu chánh niệm của chúng ta. Nếu như ta phát hiện ra suy tư cộng với lo lắng chẳng có lợi gì thì đó là duyên hệ để ta vun trồng điều thiện. Khi ta quên lãng thực tại chúng ta nên nhớ đó là một pháp hành mà thôi, chứ không phải “bản ngã”. Chúng ta nên biết rõ những trạng thái của pháp bất thiện nổi lên nhưng không phải là “ngã”. Thế rồi hối hận sẽ ít có duyên hệ để xảy ra nữa.

Theo Thanh Tịnh Đạo, quả thánh A-na-hàm là người  đã tận diệt được hối hận hoàn toàn.[124] Ở các ngài tâm căn sân không còn xuất hiện được nữa và như thế hối hận cũng không thể diễn ra được.

Chúng ta không những chỉ nên biết trạng thái của sân, mà còn phải biết đến cả những trạng thái củc các sở hữu có thể xuất hiện với tâm căn sân như: ganh ghét, keo kiệt, và ân hận. Như chúng ta đã thấy, tâm căn sân chỉ có thể đi kèm với một trong số sở hữu một lúc mà thôi, cùng  một lúc chúng không thể xuất hiện và lại không xuất hiện được, khi tâm căn sân xuất hiện. Đôi khi có tâm căn sân nhưng lại không một trong ba sở hữu bất thiện này xuất hiện. Nhưng đôi khi tâm căn sân đi kèm với một trong ba sở hữu trên. Chúng ta sẽ nghiên cứu các trạng thái về những phiền não khác nhau rõ ràng hơn bằng ý thức mà thôi.

 

Câu hỏi:

  1. Tại sao ganh ghét chỉ xuất hiện với tâm căn sân mà thôi?
  2. Tại sao tu luyện những đức tính hoàn hảo của tâm hỷ (mudita) lại là điều có ích?
  3. Ai có thể tận diệt được tận gốc ganh ghét?
  4. Đau khổ vì đói khát có thể là kết quả do tính bủn xỉn gây ra không?
  5. Những người tự bản chất là keo kiệt có thể học cách giảm bớt keo kiệt được không? Bằng cách nào vậy?
  6. Ai có thể tận diệt được tính keo kiệt?
  7. Đâu là nguyên nhân sâu xa của hối hận?
  8. Bằng cách nào mà nghiệp bất thiện có thể gây ra buồn sầu cả ở đời này và đời sau?
  9. Ai có thể tận diệt  được hối hận?

[121] So sánh vơi  Pháp tụ (Dhammasangani), điều 1121, và Vibhanga điều 893.

[122] So sánh với vibhanga, chương 17 điều 893, đối với năm loại đối tượng keo kiệt.

[123] Liên quan đến điều luật gắn liền với những điều như thể các loại đồ ăn hay giờ dùng bữa.

[124] Theo Chú giải bộ Pháp Tụ (cuốn II phần II chương II 384) vị thánh Nhập lưu đã diệt hoàn toàn hối hận. Satapnân khi đã diệt hết hối hận sẽ gắn liền với các phiền não thô trong khi đó Antagami đã nhổ sạch đến tận gốc rễ hối hận cũng đi kèm theo với nhứng điều phiền não tế.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004