Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 2

THỌ (Vedana)

Tiếng Pàli gọi Thọ hay cảm giác là Vedana, một sở hữu trong số bảy “sở hữu biến hành” (sabbacitta sadharana). Cảm giác luôn xuất hiện chung với tâm. Bất kỳ giây phút nào trong cuộc sống chúng ta cũng đều có cảm giác.

Chúng ta ai cũng cho là mình rất am hiểu thế nào là cảm giác và tin chắc rằng biết được cảm giác sảng khoái hay khó chịu là điều không mấy khó khăn. Tuy nhiên chúng ta đã thực sự hiểu được điểm đặc thù của cảm giác hay thọ (vedana) chưa? Hay chỉ đơn giản coi đó như một khái niệm mà thôi? Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thường coi “bản thân” như là một chủ thể  “toàn diện” gồm có thể xác và tâm hồn; cũng vậy khi ta lưu ý đến cảm giác, chúng ta thường liên tưởng đến cái “toàn diện” đó và thường coi đó là “bản ngã” là cái “tôi” . Nếu có ai đó hỏi: “Bạn cảm thấy thế nào?” và chúng ta sẽ trả lời, đại loại như: “Tôi cảm thấy hạnh phúc.” Thường thì chúng ta không biết trạng thái của cảm giác hạnh phúc, thực chất đó là một hiện tượng tâm linh, là một danh pháp (nama); chúng ta cứ bám lấy cái “toàn khối” của tâm hồn và thể xác. Như vậy chúng ta chỉ biết có khái niệm chứ không biết đến những thực tại của cảm giác.

Lúc này có cảm giác hay không? Chúng ta nghĩ là mình có thể nhận ra được cảm giác sảng khoải cũng như cảm giác khó chịu, nhưng liệu có phải chúng ta đang lẫn lộn cảm giác với các hiện tượng thuộc về thân hay không? Cảm giác là danh pháp (Nama) hơi khác với sắc pháp (Rupa) một chút. Một khi chúng ta chưa phân biệt được danh pháp và sắc pháp ra sao, thì chúng ta không thể biết được cảm giác có những trạng thái gì.

Khi nghiên cứu Tạng Vi Diệu Pháp, chúng ta mới biết: Thọ tức cảm giác không giống y chang những gì chúng ta thường hiểu theo ngôn ngữ qui ước thông thường. Thọ hay cảm giác là danh pháp, tự nó cảm nghiệm được điều  gì đó. Thọ không bao  giờ xuất hiện một mình, mà phải đi kèm với tâm và một số sở hữu khác và cả hai lại chi phối thọ rất nhiều. Do vậy thọ chính là một danh pháp bị chi phối. Tâm không tự cảm nhận được, tâm nhận biết được đối tượng thọ thì cảm nhận được đối tượng đó.

Thọ hay cảm giác đi kèm theo với tất cả các tâm thuộc bốn chủng loại đó là: Tâm bất thiện, tâm thiện, tâm quả (Vipakacitta) và tâm tố (Kirriyacitta). Cảm giác thuộc cùng chủng loại với tâm nó đi kèm theo. Thí dụ, cảm giác đi kèm theo tâm bất thiện cũng chính là điều bất thiện vậy và hoàn toàn khác biệt với cảm giác đi kèm với  tâm quả. Vì có quá nhiều tâm khác nhau thế nên cảm giác cũng rất đa dạng. Cho dù có nhiều loại cảm giác nhưng chúng lại có một điềm đặc trưng chung đó là: Tất cả thọ đều là Pháp Chân đế (Paramattha dhamma), vô ngã, có khả năng cảm nhận được.

Mọi cảm giác đều có chức năng cảm nhận được vị (taste) cũng như mùi vị (flavour)  của một vật thể. (Atthasàlinì, I phần IV ch. I, tr, 109)  tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ đã dùng một so sánh để chứng tỏ thọ cảm nghiệm được vị của một vật thể, còn tâm và các sở hữu khác xuất hiện cùng với thọ chỉ cảm nghiệm được một phần vị đó mà thôi. Một đầu bếp hoàng gia sửa soạn một bữa tiệc cho đức vua chỉ đơn thuần được nếm món ăn mà thôi, rồi sau đó dâng lên cho đức vua, chỉ có ngài mới được thưởng thức món đó.

Đức vua vừa là ông chủ, vừa là người sành điệu và là chủ nhân ông được ăn tất cả những gì ông thích, như vậy thì hành vi nếm món ăn do đầu bếp thực hiện cũng tương tự như việc thưởng thức một phần đối tượng do những pháp còn lại thực hiện (đó là tâm và các sở hữu khác) và một khi đầu bếp chỉ nếm một phần món ăn đó, thì cũng vậy các pháp còn lại cũng chỉ cảm nhận được một phần vật thể mà thôi, còn nhà vua vì là ông chủ, người sành điệu và là chủ nhân ông mới là người thưởng thức hương vị của món ăn đó và vì thế mà ta nói thưởng thức hay cảm nghiệm chính là chức năng của thọ.

Vì thế cho nên mọi cảm giác đều có điểm chung đó là cảm nghiệm “mùi vị” của một vật thể, tâm và sở hữu khác đi kèm cũng cảm nghiệm được vật thể đó, nhưng thọ cảm nghiệm vật thể theo kiểu đặc thù riêng của nó.

Thọ hay cảm giác lại rất đa dạng và có thể được phân loại bằng nhiều cách khác nhau. Khi được phân thành ba loại, chúng là những:

1.      Cảm giác sảng khoái hay là lạc (Sukha)

2.      Cảm giác khó chịu hay là khổ (Dukkha)

3.      Cảm giác phi khổ phi lạc (trung hoà hay xả (Adukkhamasukha)

Không có giây phút nào lại không có cảm giác cả. Khi không có cảm giác lạc hoặc khổ thì cảm giác phi khổ phi lạc (xả) xuất hiện ngay. Thật khó có thể biết được cảm giác xả ra sao. Cho đến khi chúng ta không thể phân biệt được giữa danh pháp và sắc pháp thì chúng ta không thể biết chính xác được trạng thái của cảm giác là gì và như vậy chúng ta cũng không thể biết được cảm giác xả ra sao. Khi chúng ta đề cập đến các cảm giác thuộc về thân và cảm giác tâm linh thì cảm giác lại được chia thành năm loại khác nhau:

1.             Cảm giác sảng khoải thuộc về thân (lạc: Sukha)

2.             Cảm giác đau đớn thuộc về thân (khổ: Dukkha)

3.             Cảm giác sung sướng hay câu hành hỷ (Somanassa)

4.             Cảm giác bất hạnh (Domanassa: thọ ưu)

5.             Cảm giác trung hoà (Upekkha: xả)

Cảm giác sảng khoái thuộc về thân cảm giác đau đớn thuộc về thân chỉ là những danh pháp (Namas). Chúng ta gọi chung là “cảm giác thuộc về thân” vì cả hai đều bị các tác động ảnh hưởng trên thân căn chi phối. Thí dụ khi khí hậu vừa đủ (nóng lạnh vừa đủ) tác động lên thân căn (Bodysense) thì thân thức (Kaya vinnana) cảm nghiệm được sức nóng đó, kèm theo với một cảm giác thuộc về thân sảng khoái. Thân thức lại là một tâm quả (Vipakacitta) và trong trường hợp này đó là nghiệp tâm quả thiện (Kusala vipakacitta).[20] Cảm giác thuộc về thân sảng khoái đi kèm theo tâm quả thiện này cũng chính là quả thiện (Kusla vipaka). Cảm giác thuộc về thân sảng khoái không thể đi kèm với bất kỳ một tâm nào khác ngoại trừ thân thức đó là quả thiện. Vì thế chúng ta thấy không phải bất cứ cảm giác nào cũng đều xuất hiện kèm theo với toàn bộ các loại tâm khác nhau.

Cảm giác đau đớn thuộc về thân, chỉ xuất hiện với thân thức đó lại chính là quả bất thiện. Thí dụ: Khi nhiệt độ lên cao hay xuống thấp tác động lên thân căn, thì lúc đó thân thức chính tâm quả bất thiện cảm nghiệm được đối tượng khó chịu này. Tâm quả bất thiện này kèm theo với cảm giác thuộc về thân khó chịu. Cảm giác thuộc về thân khó chịu không thể kèm theo bất kỳ một loại tâm nào khác, nhưng thân thức lại là quả bất thiện.

Những cảm giác thuộc về thân xuất hiện là do nhứng tác động của một đối tượng dễ chịu hay khó chịu tác động lên thân căn (Bodysense), xúc lại “tiếp xúc” với đối tượng đó và những kinh nghiệm xúc cảm nghiệm được “vị” của đối tượng đó. Cảm giác đi kèm theo thân thức nhận ra đối tượng sảng khoái hay khó chịu, cảm giác đó không thể là cảm giác  phi lạc phi khổ được. Trong trường hợp có những ngũ song thức (Paĩca-vinnanas) [21]khác như: thấy, nghe, ngửi và nếm thì cảm giác đi kèm luôn luôn là những cảm giác phi khổ phi lạc, bất luận tâm quả thuộc loại nào thì cảm giác đều cảm nghiệm được tâm thiện quả hay tâm bất thiện quả.

Pháp Chân đế (Paramattha Manjusa), một bản chú giải trong tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga chương XIV, điểm 56) đã giải thích lý do tại sao thân thức lại đi kèm hoặc cảm giác sảng khoải hay cảm giác khó chịu. Điều đó chính là do “sức mãnh liệt va chạm của quả đấm”; đã có một va chạm trực tiếp trên cảnh xúc lên thân căn. Những cảnh xúc được cảm nghiệm thông qua sắc pháp đó lại là thân căn gồm những sắc pháp sau đây: tính bền vững, ngoại hình cứng cỏi hoặc  mềm mại, nhiệt độ, thể hiện nơi ngoại hình như sức nóng và sức lạnh, và chuyển động của ngoại hình đó giống như những giao động hay sức ép. Bằng cách ví von sự khác biệt giữa sức va chạm nơi cảnh xúc trên thân căn và sự va chạm với các trần cảnh với những giác quan liên can đã được giải thích. Khi trải một mảnh vải len lên cái đe và dùng búa sắt đập lên miếng vải đó, chiếc búa sẽ làm rách ngay miếng vải vì sức mạnh của sự va chạm gây ra. Tuy nhiên trong trường hợp được áp dụng với các ngũ thức khác, thì sự va chạm có vẻ êm dịu hơn, như trong sự va chạm của hai miếng vải với nhau. Thế nên cả hai đều đi kèm theo với một cảm giác phi lạc phi khổ (xả). Sự “va chạm” của một cảnh sắc lên nhãn căn (Eye-sense) có vẻ êm dịu  khi  ta so sánh sự va chạm trực tiếp của một cảnh xúc với thân căn (bodysense).

Chúng ta có thể tin cảm giác thuộc về thân có phi lạc phi khổ, nhưng thực chất không phải vậy. Thời gian thân thức (Kiya-vinnana) tồn tại cực kỳ ngắn; đó chỉ là một sát-na của quả và sau đó nó tan biến ngay và các tâm bất thiện và tâm thiện xuất hiện ngay sau đó. Cảm giác sảng khoái thuộc về thân hay khó chịu lúc đó sẽ đi kèm theo ngay thân thức. Các tâm bất thiện và tâm thiện liền xuất hiện không lâu ngay sau đó bằng những cảm giác hoàn toàn khác với cảm giác thuộc về thân. Các cảm giác này thường xuất hiện kèm theo với cảm giác sảng khoái, bất hạnh hay phi lạc phi khổ (xả).

Cảm giác sung sướng, tức thọ hỷ (Somanassa) có thể xuất hiện cùng một lúc với các tâm thuộc tất cả các chủng loại khác nhau, kèm theo là tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm tố.

Cảm giác sung sướng cũng thuộc cùng loại với  tâm đi kèm theo. Câu hành hỷ không xuất hiện với toàn bộ các tâm khác. Cảm giác sung sướng hay thọ hỷ không thể kèm theo với tâm sân, là tâm đối nghịch với cảnh và tâm này thường có căn si do thiếu hiểu biết. Cảm giác sung sướng có thể đi kèm theo với tâm tham căn nhưng không luôn luôn đi kèm theo với tâm này. Tâm tham căn có thể đi kèm theo với cảm giác sung sướng hay là xả, một tâm phi khổ phi lạc. Khi cảm giác sung sướng đi kèm theo với tâm tham căn thì cảm giác sung sướng này cũng là một điều bất thiện. Một cảm giác xuất hiện khi chúng ta muốn có một đối tượng hiện hữu dễ chịu, một âm thanh êm dịu, một mùi vị thơm ngát, một hương vị tuyệt vời, một tiếp xúc nhẹ nhàng và suy tư khoan khoái. Chúng ta luôn lúc nào cũng muốn có cảm giác sung sướng, hình như đó là mục tiêu của cuộc sống chúng ta. Tuy nhiên cảm giác sung sướng không thể tồn tại lâu và khi nó biến mất chúng ta cảm thấy buồn. Một điều vô cùng quan trọng đó là biết được chúng ta đang có loại cảm giác gì. Nhưng cảm giác lại vượt ra khỏi vòng kiểm soát của chúng ta. Chúng chỉ xuất hiện khi hội đủ điều kiện cần thiết. Tham đi kèm với cảm giác sung sướng thường mãnh liệt hơn là tham (lobha) đi kèm theo với xả.

Tâm tham căn đi kèm với cảm giác sung sướng chỉ xuất hiện sau khi đã có được những điều kiện thích hợp. Không một “bản ngã” nào có thể ngăn cản nổi điều này. Nếu ta  nghiên cứu nhiều loại cảm giác và các tâm khác nhau đi kèm, điều này sẽ giúp ta nhận ra được tâm bất thiện. Nếu chúng ta không nhận ra được cảm giác sung sướng đi kèm theo với tâm tham căn, chúng ta có thể suy nghĩ  có được những cảm giác sung sướng là điều vô cùng tuyệt vời. Nhờ cảm giác bất hạnh chúng ta có thể nhận ra những điều bất lợi, nhưng liệu chúng ta có thể nhận ra được tất cả những điều bất lợi do những điều bất thiện gây ra hay không, cũng như khi nào những bất lợi này đi kèm theo với thọ hỷ? Thọ hỷ không hề tồn tại. Khi chúng ta không có được những đối tượng dễ chịu chúng ta thường mong mỏi vì lòng tham của ta thường đối nghịch với những gì đi kèm theo với cảm giác bất hạnh. Nếu chúng ta nhận ra nỗi nguy của tất cả các loại bất thiện, điều đó nhắc nhớ chúng ta cảnh giác trước thực tại sẽ diễn ra. Đó là cách thức giúp ta tận diệt những điều bất thiện.

Thọ hỷ có thể kèm theo với tâm thiện, nhưng nó không đi kèm theo với từng loại tâm thiện một. Khi chúng ta thực hiện bố thí (Dana) nắm giữ giới luật (Sila) hay áp dụng những phương cách rèn luyện trí tuệ, thì thọ hỷ hay xả, cảm nhận phi khổ phi sướng (trung hoà) có thể xuất hiện với tâm thiện. Chúng ta rất ước ao có được tâm thiện đi kèm với thọ hỷ. Nhưng để cho thọ hỷ xuất hiện thì phải có những điều kiện thuận lợi. Một trong những điều kiện đó chính là có một niềm tin mạnh mẽ do lợi ích của điều thiện đem lại. Niềm tin (Saddha) chính là sở hữu lành mạnh đi kèm theo từng tâm thiện một, nhưng niềm tin lại có nhiều mức độ khác nhau. Khi chúng ta có niềm tin mạnh mẽ nơi điều thiện, chúng ta có thể thực hiện điều thiện đó một cách vui vẻ hân hoan. Chúng ta đọc thấy trong tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ (I, phần II chương I, tr. 75) như sau:

Có niềm tin (Saddha) dồi dào, tinh luyện được quan điểm của mình, nhận ra điều thuận lợi nơi điều thiện phải được hiểu là những yếu tố thuộc tâm thức này  để làm cho tâm thức được xuât hiện kèm theo với niềm hoan lạc đó.

Khi một ai đó có chánh kiến về những thực tại hiện hữu, có chánh kiến về điều thiện và điều bất thiện, về nghiệp và những hậu quả của nghiệp đó, thì người đó sẽ thâm tín vững vàng nơi lợi ích do điều thiện mang lại và đây chính là điều kiện để thực hiện điều thiện đó với thọ hỷ.

Cảm giác sảng khoải đi kèm theo với tâm thiện rất khác biệt so với đi kèm theo với tâm tham căn. Mỗi khi chúng ta cho người nào đó một của bố thí nào đó và cảm giác sảng khoái xuất hiện, chúng ta cảm thấy hình như có một thứ cảm giác nào đó tồn tại, nhưng thực chất chỉ có những sát-na khác nhau với những cảm giác đi kèm theo cùng với các tâm khác nhau mà thôi. Rất có thể sẽ có một sát-na nào đó gồm toàn cảm giác rộng lượng hào phóng đi kèm theo là một số cảm giác sảng khoái dễ chịu. Nhưng điều đó lại tùy vào rất nhiều những sát-na ham muốn, sau khi những tâm thiện đã diệt. Chúng ta có thể bị người nào đó lôi cuốn hay ta có nuối tiếc với những gì chúng ta đã cho đi, hoặc chúng ta có thể chờ đợi đôi điều gì  đáp trả lại; rất có thể chúng ta muốn được người nhận của bố thí đó yêu mến chúng ta. Những sát-na tham lam đó có thể kèm theo với thọ hỷ, đó chính là điều thiện và nó luôn đi kèm theo với lòng tham, và những thọ hỷ khác đang nổi lên, chúng rất gần gũi với nhau và không dễ gì nhận ra được. Hình như có một loại thọ hỷ và nó thường tồn tại lâu dài. Thiếu chánh kiến chúng ta không thể biết được loại thọ hỷ nào là thiện hay bất thiện cả. Vì có nhiều tâm bất thiện thường xuất hiện thường xuyên hơn là tâm thiện, có nhiều sát-na thọ hỷ chỉ là những gì bất thiện hơn là điều thiện. Chúng ta thường gắn bó với thọ hỷ nhưng chúng ta không thể chọn lựa được chính những cảm giác của chúng ta đâu. Có ai kiềm chế nổi cảm xúc đang xuất hiện tại một thời điểm đặc biệt nào đó không? Cảm giác diễn ra khi có đủ điều kiện cần thiết, cảm giác chỉ  là những anatta, tức “vô ngã”. Khi một cảm giác nào đó xuất hiện, ta chỉ biết được dưới dạng một kinh nghiệm nhất định nào đó mà thôi. Không bao giờ có “bản ngã” xuất hiện nơi cảm giác cả.

Câu hành hỷ hay thọ hỷ có thể đi kèm theo với tâm dục giới (Kammavacara cittas), các tâm thuộc lãnh vực giác quan, tâm sắc giới (Rupavacara cittas), tâm thiền sắc giới và tâm siêu thế. Đối với tâm thiền sắc giới, câu hành hỷ hay thọ hỷ đi kèm theo các tâm thuộc bốn giai đoạn thiền (Jhana) không kèm theo các tâm thuộc giai đoạn thứ năm là giai đoạn thiền cao nhất. Ở giai đoạn này đi kèm theo với tâm xả, tâm này tinh tế hơn, thanh thản hơn câu hành hỷ hay thọ hỷ rất nhiều.

Ưu (Domassa) hay là thọ ưu, chỉ xuất hiện với những tâm thuộc loại bất thiện (Akusala); Thọ ưu hay cảm giác bất hạnh luôn luôn xuất hiện với tâm sân (Dosa-mula-citta), nó không xuất hiện với tâm tham căn (Lobha-mula-citta) hay tâm si căn (Dosa-mula-citta). Thọ ưu lại tuỳ thuộc vào những gì mỗi người tích lũy được, cho dù tâm sân căn có xuất hiện hay không. Khi một đối tượng khó chịu, tỷ như một mùi khó chịu, hình như tâm sân căn luôn xuất hiện. Tuy nhiên nếu ta tập trung chú một cách khôn khéo trước đối tượng đó, tâm thiện lại xuất hiện thay vì tâm bất thiện.

Tâm căn sân chỉ xuất hiện nơi cõi dục giới mà thôi, và không thể xuất hiện nơi bất kỳ cõi cao hơn nào khác, đối với những người đang miệt mài chuyên tâm nghiên cứu thiền thì họ sẽ được tái sinh. Nơi cõi dục giới luôn xuất hiện chấp thủ (Upadana) đó là sự bám víu dai dẳng của những trần cảnh và điều này đã chi phối sân (Dosa) rất nhiều. Khi một người nào đó không chiếm đoạt được những trần cảnh sảng khoái thì sân hầu như có điều kiện xuất hiện. Những ai chăm chú luyện tập thiền sắc giới (Rupa-jhana) và thiền vô sắc (Arupa-jhana)[22] mà tận diệt  được chấp thủ ra khỏi những trần cảnh. Họ có thể tái sinh nơi cảnh giới cao hơn, tức các cõi Phạm thiên sắc giới và nơi những cõi Phạm thiên vô sắc giới (Arupa Brhama planes) và nơi những cõi này sẽ không còn những điều kiện cho sân xuất hiện nữa, tuy nhiên, khi họ tái sanh nơi các cõi dục giới là nơi có những điều kiện thích hợp để dành cho sân xuất hiện, tâm sân căn đi kèm theo với thọ ưu lại xuất hiện trở lại chừng nào mà chúng chưa bị tận diệt đến tận gốc rễ. Chúng ta ai cũng rất ghét thọ ưu và chúng ta muốn loại bỏ nó đi, nhưng chúng ta phải hiểu là sân đó chỉ có thể bị loại bỏ được nhờ trí khôn phát triển có thể giúp ta nhận ra những hiện thực hiện hữu. Không còn cách nào khác. Chỉ có những vị thánh hay những người đã đạt đến tầng giác ngộ thứ ba là bậc thuộc những vị Bất lai (Anagami) họ đã đạt đến giai đoạn giác ngộ thứ ba  đó là thuộc những người quả thánh A-na-hàm, là những người đã loại bỏ sạch được chấp thủ trước những trần cảnh và như vậy họ chẳng còn có điều kiện để cho sân trở lại. Những bậc A-na-hàm hay Bất lai và A-la-hán đã loại bỏ được sân và như vậy họ không bao giờ còn có bất kỳ cảm giác khó chịu nào cả.

Sân và thọ ưu lúc nào cũng xuất hiện chung với nhau. Rất khó phân biệt được hai thực tại này, nhưng chúng là những sở hữu hoàn toàn khác nhau. Thọ hỷ là cảm giác, nó cảm nghiệm được vị của đối tượng không ai ưa chuộng cả. Sân không phải là cảm giác, nó có một điềm đặc trưng rất khác biệt. Sân không ưa thích đối tượng được cảm nghiệm. Có rất nhiều mức độ sân hay ác cảm, có thể đó là một ác cảm nhẹ nhàng, bực tức hay căm ghét. Nhưng ở bất kỳ hoàn cảnh nào sân hay ác cảm không muốn chiếm đối tượng của mình còn thọ ưu lại cảm thấy bất hạnh. Chúng ta biết rất ít về những thực tại khác biệt chúng xuất hiện. Chúng ta có thể bị đau lưng, đây có phải là cảm giác đau đớn thuộc về thân xuất hiện hay không, hoặc chỉ là một điểm đặc thù của thọ ưu cùng xuất hiện với tâm sân.

Xả, tiếng Pàli là Upekkha là một cảm giác phi khổ phi lạc (trung tính), rất khác so với thọ hỷ và thọ ưu; xả chẳng phải là sung sướng hay bất hạnh. Xả xuất hiện với các tâm thuộc cả bốn loại tâm, nhưng lại không thể xuất hiện với hết mọi tâm. Một khi không còn ý thức, nhiều cảm giác tiêu tan mất không hề hay biết. Cảm giác luôn xuất hiện với bất kỳ loại tâm nào, ngay cả khi chúng ta không để ý, cảm giác vẫn tồn tại: Ở những thời điểm như vậy cảm giác phi lạc phi khổ xuất hiện. Chúng ta không thể cảm thấy sung sướng hoặc bất hạnh đang khi chúng ta bận bịu với công việc hay đang suy nghĩ. Lúc đó ta lại có cảm giác phi khổ phi lạc. Cảm giác phi khổ phi lạc luôn kèm theo tâm quả như thấy hay lắng nghe. Cảm giác phi khổ phi lạc có thể kèm với tâm tham căn; có thể là cảm giác sảng khoái hay phi khổ phi lạc kèm theo. Chúng ta có cảm thấy chấp thủ luôn xuất hiện với xả hay không? Khi chúng ta đang rảo bước, đang nắm bắt được những điều gì đó trong cuộc sống hàng ngày, như cầm một cây viết, một cuốn tập, chúng ta cảm thấy chấp thủ ngay với các đồ vật đó, ngay cả khi không cảm thấy sảng khoái chút nào. Chúng ta thấy gắn bó với cuộc sống và muốn tiếp tục kéo dài cuộc sống đó và muốn có những ấn tượng giác quan mạnh mẽ. Chúng ta gắn bó với những ấn tượng giác quan như thấy và lắng nghe. Có rất nhiều sát-na ta lắng  nghe và thấy và rồi ít lâu sau thấy và lắng nghe biến tan đi, chúng ta lại gắn bó với tâm tham căn ngay cả khi chúng ta không còn có được bất kỳ cảm giác sảng khoái nào khác. Sau khi thấy đã tan biến, có một quy trình ý môn xuất hiện qua đó tâm nhận biết cảnh sắc lại xuất hiện một qui trình ý-môn qua đó tâm liên tưởng đến các khái niệm. Chúng ta có thể liên tưởng đến một người, đến  xe cộ hay cây cối. Nhận ra được người quen khiến ta rất sung sướng, cả khi chúng ta nhận ra một chiếc xe hay một cây cổ thụ cũng vậy. Đây chỉ là những khái niệm hết sức quen thuộc. Chúng ta thích nghĩ tới các khái niệm đó ngay cả khi chúng ta không cảm thấy sung sướng chút nào và lúc đó chúng ta lại gắn bó với cảm giác phi lạc phi khổ, nhưng chúng ta không cảm nhận được điều này. Nhận ra được tham kèm với xả; là điều rất hữu ích. Qua Tạng Vi Diệu Pháp chúng ta biết được rất nhiều phiền não nơi ta. Tốt hơn hết là hãy am tường tất cả các thực tại đó và đừng để cho những cảm giác đó lừa dối ta.

Xả có thể đi kèm theo với tâm đại thiện (Maha-kusala citta), tức là các tâm thiện thuộc dục giới. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác, nắm giữ giới luật hay nghiên cứu Phật Pháp kèm theo với xả. Cảm giác là một thực tại có điều kiện. Chúng ta không thể tự ép buộc phải có cảm giác sảng khoái đang khi chúng ta chăm chú thực hiện điều thiện. Xả lại xuất hiện với các tâm dục giới (tâm thuộc giác quan), tâm sắc giới (gồm tâm sắc giới hay thiền sắc giới (Rupavacara cittas hay Rupa-jhanacitta), tâm thiền vô sắc (Arupa janacittas) và tâm siêu thế. Đề cập đến tâm sắc giới, chỉ có những tâm thuộc giai đoạn thiền thứ năm cũng là giai đoạn thiền sắc giới cao nhất mới đi kèm theo xả. Ở  giai đoạn này thấy xuất hiện mức độ tịnh cao hơn các giai đoạn dưới; xả đi kèm theo loại tâm thiền này rất vi tế. Tất cả các tâm thiền vô sắc đều đi kèm với xả.

Có rất nhiều loại cảm giác khác nhau, vì thế đừng tưởng tượng phát hiện ra được cảm giác là điều dễ dàng. Khi ta nghiên cứu Tạng Vi Diệu Pháp chúng ta mới nhận thấy rõ hơn những gì chúng ta chưa biết. Thật khó phân biệt cảm giác đau đớn thuộc về thân với sắc pháp hoặc với thọ ưu. Khi bị đau đớn, chúng ta cảm thấy có điều gì đó làm chúng ta tổn thương và như vậy chúng ta tưởng rằng phân biệt được cảm giác đau đớn thuộc về thân là điều không khó. Tuy  nhiên, chúng ta không dễ gì phân biệt được cảm giác đau đớn thuộc về thân là một danh pháp hay sắc pháp đang đụng chạm tới thể giác chúng ta. Chúng ta thường liên tưởng đến một nơi bị đau nhất định nào đó và rồi liên tưởng đến khái niệm đau. Tư tưởng là một thực tại ta có thể nhận biết được khi nó xuất hiện, khái niệm không phải là thực tại. Một điều rất quan trọng là phân biệt được sự khác biệt giữa các thực tại siêu việt và các khái niệm. Hiểu biết chính xác sự khác biệt giữa danh pháp và sắc pháp, hai pháp này chỉ xuất hiện khi điều kiện chi phối đặc thù riêng xuất hiện, sẽ giúp ta bớt lẫn lộn trong cuộc sống đời thường.

Khi sự khắc nghiệt đụng chạm đến thân căn chúng ta thì tức khắc thân thức (Kaya-vinnana) nhận ra được sự khắc nghiệt đó và cảm giác đi kèm theo cảm nghiệm được cái “vị” của sự khắc nghiệt đó, tâm quả (Vipakacittas) luôn xuất hiện lại cảm nghiệm những đối tượng sảng khoái cũng như khó chịu qua thân căn. Sự cứng rắn hay dịu dàng, sức nóng hay lạnh xuất hiện đụng chạm đến thân - căn, cho dù ta đang bước đi, đang dừng lại hay đang nằm nghỉ. Kinh nghiệm về sự cứng rắn hay sự dịu dàng đó luôn nổi lên mỗi khi chúng ta chạm đến hay nắm lấy các vật đó, nhưng chúng ta quá chăm chú đến những gì chúng ta muốn thực hiện đến nỗi không còn muốn để ý đến những kinh nghiệm khác đang tác động đến giác quan chúng ta. Cảm giác là tâm quả thì hoàn toàn khác với cảm giác tích luỹ tham lam và ác cảm. Cảm giác sảng khoái thuộc về thân là tâm quả lại không liên quan gì đến tham lam và cảm giác đau đớn thuộc về thân cũng không hòa hợp với ác cảm cả. Ngay khi cảm giác sảng khoái xuất hiện tham lam đối tượng đều biến mất; cảm giác sảng khoái chỉ cảm nghiệm được đối tượng đễ chịu mà thôi. Ngay khi cảm giác sảng khoái xảy ra thì ác cảm đối tượng không thể xảy ra được. Cảm giác đau đớn chỉ cảm nghiệm được đối tượng khó chịu mà thôi. Sau khi  tâm quả cảm nghiệm được đối tượng dễ chịu hay khó chịu tan biến đi, tâm bất thiện buộc phải xuất hiện vì nó đã bám rễ sâu nơi lòng tham, sân hoặc si mê. Tâm bất thiện thường hay xuất hiện, vì chúng ta đã tích lũy biết bao nhiêu điều phiền não trong ta. Mặt khác, khi có điều kiện thuận lợi tập trung “như lý tác ý” [23] vào đối tượng, tâm thiện cũng xuất hiện thay vì tâm bất thiện. Thí dụ, ngay sau khi cảm nghiệm được đối tượng hiện hữu, thì danh pháp và sắc pháp có thể xuất hiện.

Chúng ta đã khảo sát qua những điểm đặc thù của cảm giác sảng khoái, cảm giác khó chịu, câu hành hỷ, thọ ưu, cũng như xả.[24]  Cho dù tất cả các cảm giác đó chỉ là sở hữu tức là cảm giác hay thọ, tất cả chúng chỉ là những loại cảm giác khác nhau với những trạng thái khác nhau. Ở bất kỳ sát-na nào cảm giác cũng rất khác biệt, vì tại mỗi sát-na đều xuất hiện một loại tâm khác nhau. Thí dụ, cảm giác xả phi khổ, phi lạc kèm theo với tâm quả lại rất khác so với xả kèm với tâm thiện. Xả đi kèm với tâm thiền ở giai đoạn thứ năm cũng rất khác biệt. Toàn bộ những cảm giác này chỉ là xả, nhưng lại do các tâm và các sở hữu khác nhau đi kèm chi phối.

Vì cảm giác có quá nhiều và đa dạng như vậy, nên hiểu biết cặn kẽ hơn về cách phân loại cảm giác là điều thật hữu ích. Cảm giác được phân loại dựa trên giao tiếp thông qua “lục môn”: Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý. Tâm cảm nghiệm được đối tượng thông qua “lục môn” này và cũng qua các “môn” ấy ta cảm nghiệm được các đối tượng sảng khoái hay khó chịu. Vì đối tượng dễ chịu đó tâm tham căn cùng với thọ hỷ hay xả đi kèm cũng xuất hiện và cũng chính vì có đối tượng gây khó chịu nên tâm si kèm theo thọ ưu cũng xuất hiện. Nếu ta hiểu rõ được kinh nghiệm về các đối tượng gây dễ chịu hay khó chịu cũng như nhiều cảm giác khác thường xuất hiện do bởi có được những điều kiện chi phối, chắc chúng ta sẽ không làm cho vấn đề trầm trọng thêm khi cảm giác xuất hiện ở từng thời cá biệt.

Kinh nghiệm về các đối tượng dễ chịu hay khó chịu qua giác quan, chính là (kết) quả do nghiệp mà ra, và các tâm thiện hay tâm bất thiện xuất hiện vì cảm nghiệm được những đối tượng đó lại do những khuynh hướng ta đã tích luỹ được lâu nay cảm nghiệm và chi phối. Bản ngã không thể thực thi sức mạnh trên bất kỳ thực tại nào. Chỉ có danh pháp và sắc pháp xuất hiện do có được những điều kiện thuận lợi mà thôi. Đôi khi chỉ có những điều kiện gây ảnh hướng tới nhứng cảm giác phi khổ phi lạc, đôi khi lại chi phối đến các cảm giác sảng khoái và đau khổ nữa.[25]

Các tâm sinh và diệt rất nhanh và liên tiếp nhau. Chẳng có sát-na nào không có tâm xuất hiện và cũng không có sát-na thiếu cảm giác cả. Chúng ta thường gắn bó với cảm giác sảng khoái và thọ hỷ, nhưng chúng ta lại am hiểu quá ít về chính mình, thành thử ra không thể phát hiện được nhiều cảm giác sảng khoái khác nhau. Khi ta cười là chúng ta đã có cảm giác sung sướng kèm theo với tâm tham căn. Nhưng chúng ta không nhận ra cùng lúc đó cảm giác sung sướng bất thiện cũng xuất hiện. Thế nên chúng ta chẳng nên loại bỏ đi tính vui cười, nhưng thật ích lợi biết bao nếu ta biết được những thực tại đang nổi lên đó thuộc loại cảm giác gì. Khi gặp một người nào đó, rất có thể cảm giác sung sướng cộng với chấp thủ sẽ nổi lên hoặc cũng có thể cảm giác sung sướng cũng sẽ xuất hiện với tâm thiện. Những tâm liên tưởng đến con người chúng ta bắt gặp đó có thể là tâm bất thiện khi ta không có lòng độ lượng (Dana: bố thí), thiếu lòng đạo đức (Sila: trì giới) hoặc thiếu tập trung tư tưởng (Bhavanajhana: tham thiền).

Cảm giác là Pháp Hành (Sankhara dhamma) tức là Pháp hữu vi. Cảm giác do tâm và các sở hữu đi kèm theo chi phối. Cảm giác sinh, diệt rất nhanh, cảm giác không tồn tại. Cảm giác chính là một uẩn (Khandha), là một trong số năm uẩn, ấy là: thọ uẩn (Vedanakhandha)[26] . Chúng ta thường gắn bó với cảm giác và coi đó là “bản ngã”. Nếu trí tuệ về cảm giác của chúng ta chỉ gồm toàn là lý thuyết suông chúng ta không hiểu được bản chất cảm giác là gì. Khi chúng ta ý thức được cảm giác là gì, chính là lúc chúng ta hiểu được cảm giác chỉ là một loại danh pháp và “vô ngã” hoàn toàn  mà thôi.

  

Câu hỏi:

  1. Phải qua bao nhiêu “môn” để cảm giác sảng khoái tâm linh cảm nghiệm được đối tượng ?
  2. Cảm giác rất đa dạng, nhưng tất cả cảm giác lại có một điểm chung. Vậy điểm đặc thù nào là chung nhất nơi cảm giác?
  3. Mỗi tâm xuất hiện đều đi kèm với cảm giác. Loại cảm giác nào đi kèm tất cả các tâm?
  4. Tất cả chúng ta có nhận ra cảm giác sảng khoái và cảm giác khó chịu hay không?
  5. Tại sao thân thức (Kaya-vannana) không đi kèm với cảm giác phi khổ, phi lạc (adukkhamsukka)?
  6. Cảm giác khó chịu thuộc về thân thuộc chủng loại nào?
  7. Thọ ưu thuộc chủng loại nào?
  8. Khi đối tượng gây khó chịu nơi thân căn các tâm thiện đi kèm thọ hỷ có nhận ra được đối tượng gây khó chịu đó hay không?

 

[20] Ngũ thức là các tâm quả, là những kết quả do nghiệp đem lại, khi chúng cảm nghiệm một đối tượng dễ chịu, chúng thể hiện nghiệp thiện (Kusalakamma), một hành động hoàn hảo hay tốt lành. Và khi chúng cảm nghiệm một đối tượng khó chịu, đó lại là kết quả của nghiệp bất thiện (Akusalakamma) tức là một hành động không tốt.

[21] Ngũ song thức, đó là thấy, nghe v.v… một trong đó là quả thiện và điều còn lại là quả bất thiện.

[22] Xin đọc Abhidamma in Daily life, chương 22. Đang khi luyện tập thiền chỉ, tu tịnh (Samatha), thiền tịnh, thì những ai đã tích luỹ được những điều kiện thích có thể đạt đến được các giai đoạn thiền sắc giới và thiền vô sắc giới. Thiền sắc giới, vẫn còn tùy thuộc nhiều vào vật chât, trong khi đó thiền vô sắc giới, túc thiền không còn lệ thuộc vào thễ chất nữa và như vậy thì tịnh hơn nhiều.

[23] Xin đọc Abhidhamma in Daily life, chương 9.

[24] Về chi tiết các cảm giác đi kèm kèm theo với các tâm khác nhau, xin đọc  Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) XIVm 127-128 và phụ lục I trong cuốn sách này.

[25] Cảm giác có thể được phân loại bằng nhiều cách khác nhau. Xin đọc Tương Ưng Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh - Kindred Sayings IV viết về Salayatna-vagga, Tương Ưng Bộ Kinh - Kindred Sayings viết về cảm giác, điều 22, trong đó cho biết cảm giác được chia thành 108 loại.

[26] Xin đọc Vi cuốn Abhidhamma  in Daily life, chương 2 các pháp hữu vi được phân loại thành năm tập hợp hay là ngũ uẩn: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004