Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 34

TRÍ TUỆ hay HUỆ (Panna)

Huệ hay trí tuệ có nhiều loại và có nhiều mức độ khác nhau. Huệ có thể nhận ra được điểm lợi của điều hoàn thiện và những thất lợi của điều bất thiện. Trí tuệ hay huệ có thể xuất hiện từ việc suy tư về tính chất vắn vỏi của cuộc sống. Những hiểu biết kiểu này có thể xuất hiện ngay cả khi chúng ta không được nghe Phật Pháp. Khi chúng ta nghiên cứu Phật Pháp, ta sẽ hiểu biết rộng về những thực tại siêu nhiên, nghiệp (Kamma), quả báo (Vipaka) danh pháp (Nama) và sắc pháp (Rupa) thông qua “lục môn” và khi huệ (Panna) phát triển  chúng ta có hiểu biết trực tiếp về các thực tại cơ bản nhất, hiểu biết về danh pháp và sắc pháp. Hiểu biết trực tiếp về các thực tại có thể phát triển tới mức độ thông thái tột đỉnh có khả năng tận diệt được các phiền não.

Huệ (Panna) vô si (Amoha) là một trong số sáu sở hữu tịnh hảo không đi kèm với mỗi tâm tịnh hảo. Huệ là một trong ba nhân (Hetus), tức là nhân tịnh hảo. Hai nhân tịnh hảo đó là vô tham (Alobha) và vô sân (Adosa). Adosa tức vô sân lại đi kèm với tâm tịnh hảo, nhưng hiểu biết (huệ) thì không. Bất cứ khi nào chúng ta thực hiện bố thí, hay tuân thủ giới luật đạo đức, huệ có thể hoặc không đi kèm với tâm thiện. Nhưng khi chúng ta chăm sóc đến sự phát triển tâm linh như tu tiến, tham thiền (Bhavana), bao gồm nghiên cứu những lời dạy của Đức Phật và giảng giải cho người khác, thì sự phát triển thiền chỉ, tu tịnh (Samatha) và thiền quán (Vipassana) thì huệ phải đi kèm với tâm thiện.

Khi huệ đi kèm với tâm đại thiện (Maha-kusala-citta) tức là tâm thiện thuộc lãnh vực dục giới (Sense-sphere) chính tâm này sẽ thực hiện các việc bố thí hay tuân giữ các giới luật, thì tâm này có thể là hiểu biết tri thức: hiểu được lợi ích của lòng quảng đại và những thất lợi do các hành vi xấu, hiểu biết được nghiệp (Kamma) và quả báo (Vipaka). Tuy nhiên, khi chúng ta thực hiện bố thí hay tuân giữ giới luật, cùng lúc đó chúng  ta phát triển được hiểu biết trực tiếp về các thực tại.

Liên quan đến phát triển trí tuệ, chúng ta không tự chuyên tâm để đạt đến thành công trong những việc thiện trên mà lại thiếu hiểu biết. Cũng vậy những ai không am hiểu lời Đức Phật dạy vẫn có thể suy luận tốt về chân lý cho là mọi sinh vật trên cõi đời này đều biến đổi và chẳng có gì tồn tại vĩnh viễn cả, và chúng ta có thể tu luyện tịch tĩnh đạt kết quả tốt. Cũng có những người hết sức khôn ngoan trước thời Đức Phật, họ đã hiểu được ý nghĩa trạng thái khinh an đích thực là điều toàn hảo. Những ai hiểu được trạng thái của khinh an (Passaddhi) sẽ không thể suy tư sai lạc rằng chấp thủ với  yên tĩnh chính là khinh an, người đó có thể tu luyện khinh an như là đề mục thiền và như vậy họ có thể đạt đến mức độ khinh an cao hơn. Người nào nhận ra những điểm thất lợi nơi cảnh trần dục lạc lại tu luyện thiền để được giải thoát khỏi những thất lợi đó. Những ai nhận ra được điểm thất lợi nơi thiền sắc giới (Rupa-jhana), chính loại thiền này vẫn là đề mục thiền hoàn toàn tùy vào sắc pháp, lại phát triển thành thiền vô sắc giới, tức là một loại thiền vô sắc. Người nào đã trở thành nên thành thạo với thiền có thể tu luyện thành “Sức mạnh siêu nhiên”, tức là thần thông “Abhinna” gần giống như một thần lực, người đó có thể nhớ được quá khứ, và thiên nhãn tức là hiểu biết được quá khứ và tái sanh trong tương lai của muôn vật. Những tâm tạo ra sức mạnh như vậy vẫn đi kèm với tuệ, nhưng ngay cả loại hiểu biết như thế cũng không thể tận diệt được phiền não.

Tuệ nhận ra được bản chất đích thực nơi mọi thực tại có thể tận diệt được các phiền não và chỉ có Phật mới truyền đạt tiến trình phát triển như vậy. Loại hiểu biết này không thể tự động xuất hiện, mà cần được tu luyện. Khi chúng ta đã lắng nghe Phật Pháp và nghiềm ngẫm cẩn thận, trước tiên ta thấy hiểu biết tri thức về thực tại xuất hiện. Nếu lại kèm theo với chánh niệm về danh pháp và sắc pháp  khi cả hai nổi lên trong cuộc sống hàng ngày, tất nhiên huệ trực tiếp về các thực tại sẽ dần được phát triển. Cuối cùng ta có thể thâm nhập được vào bản chất thực sự nơi mọi thực tại và chúng ta có thể tận diệt được mọi phiền não khi đạt đến giác ngọ.[188]

Thấy được các thực tại một cách đích thực chính là mục tiêu thuyết pháp của Đức Phật. Tuệ phải nhận ra được điều gì có thực theo ý nghĩa tuyệt đối và điều gì không hiện thực. Khi nào tà kiến còn thống trị chúng ta không thể biết được mọi vật một cách đích thực. Con người, loài vật và nhà cửa không có thực theo nghĩa tuyệt đối. chúng chỉ là những đối tượng suy tư mà thôi. Danh pháp và sắc pháp có thực theo nghĩa tuyệt đối, chúng có trạng thái riêng giúp ta cảm nghiệm trực tiếp được mỗi khi xuất hiện thông qua một trong “lục môn”. Chúng ta có thể thẩm định được chân lý này nơi giáo lý Đức Phật bằng cách chánh niệm các thực tại và tu luyện hiểu biết về chúng. Rồi chúng ta sẽ phát hiện ra chúng có tồn tại hay chỉ là vô thường, con người hay bản ngã có khả năng kiểm tra mọi thực tại có tồn tại thực sự hay không.

Mỗi thực tại lại có trạng thái nhờ đó chúng ta có thể phân biệt được thực tại này khác với thực tại kia (gọi là trạng thái hay là visesa lakkhana). Thấy, nghe, tính cứng hay cảnh thinh mỗi thứ đều có trạng thái riêng. Tuy nhiên, toàn bộ các pháp hành (Samanna lakkhana) lại có ba đặc tướng chung đó là: vô thường (Anicca), khổ hay không thỏa mãn (Dukkha) và vô ngã (Anatta). Khi chúng ta đã tu luyện được hiểu biết kết quả là hiểu biết đó nhận ra các thực tại chỉ là vô thường, không thoả mãn, và vô ngã mà thôi. Thoạt tiên ta không thể có được hiểu biết rõ ràng về bản chất đích thực các pháp hành đó. Hiểu biết hay huệ sẽ dần dần  phát triển theo từng giai đoạn một.

Hiểu biết trực tiếp về các thực tại, như chúng ta đã thấy rất khác so với suy tư về chúng. Hiểu biết trực tiếp chỉ có thể được tu luyện thông qua danh pháp và sắc pháp xuất hiện vào sát-na này mà thôi. Khi ta chánh niệm về một thực tại nào đó, hiểu biết có thể điều khiển trạng thái của nó và như vậy dần dà hiểu biết của ta được phát triển. Thí dụ, khi có một vật cứng xuất hiện, ngay lập tức ta chánh niệm được trạng thái của nó và ngay lúc đó ta không còn suy nghĩ về vật cứng đó chỉ là một vật nặng hay vật cứng đó đụng chạm lên một phần nào trên thân ta. Nếu ta chỉ nghĩ đến một nơi nào đó trên thân ta như là cánh tay hay cẳng chân vật nặng đó đụng đến thì tức khắc ta có ý tưởng đó là “thân xác tôi” là điều ta thường hay gắn bó hay chấp thủ. Bằng cách chánh niệm chỉ một thực tại một lúc chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa tuyệt đối về thân xác là một “tổng thể” không tồn tại mà chỉ có các yếu tố khác nhau sinh rồi lại diệt mà thôi.

Để phát triển hiểu biết trực tiếp về các pháp hành (Samanna lakkhana) chỉ hiểu biết đặc điểm cá biệt của các pháp đó thì chưa đủ, đó chỉ là những trạng thái qua đó chúng ta có thể phân biệt được vật này khác với vật kia mà thôi. Hiểu biết hay tuệ cần phải được tu luyện (phát triển) từng giai đoạn một để ta có thể thâm nhập được vào ba đặc tướng phổ thông của các pháp hành đó là: vô thường, khổ và (không thỏa mãn) và vô ngã.

Khi chúng ta chỉ miệt mài tập trung vào các khái niệm và không có chánh niệm chúng ta sống như người trong mơ và không thể nhận ra thực chất điều đang xuất hiện đó chỉ là: danh pháp và sắc pháp chúng luôn biến đổi liên tục. Chúng ta đọc thấy trong Trung Bộ Kinh (II số 54 bàn về bài diễn giải Potaliya) Đức Phật đã chỉ rõ bằng những ngụ ngôn về những mối nguy cơ và những thất lợi ngũ trần dục lạc. Một trong số các dụ ngôn đó là:

Này gia chủ, như một người có thể mường tượng thấy trong mơ những công viên tuyệt vời, nhữug cảnh rừng xinh xắn và khoẳng không kéo dài đến vô tận là những chiếc hồ tuyệt vời, nhưng khi tỉnh giấc mộng người đó chẳng còn thấy gì hết. Ngay cả như vậy, này gia chủ, người đồ đệ thánh thiện có thể suy nghĩ như sau: Đấng Chí Tôn so sánh dục lạc ví như một giấc mơ, gồm nhiều đau khổ, phiền não trong đó với quá nhiều hiểm hoạ.” Và nhận ra được điều đó như vậy nhờ vào trí khôn ngoan tuyệt hảo... các sắc pháp trên đời này tan biến hết.

Thực sự chúng ta không thể nhìn thấy các công viên, cánh rừng hay hồ ao gì cả, vì những gì ta cảm nghiệm được qua con mắt chỉ là sắc pháp đó là cảnh sắc. Chúng ta chỉ có đến ý tưởng (khái niệm) về công viên, cánh rừng và ao hồ gì đó mà thôi. và tư tưởng đó lại do hồi tưởng về những kinh nghiệm quá khứ chi phối. Khi chúng ta không thể phát triển được hiểu biết về thực tại xuất hiện qua một trong “lục môn” và chỉ chú ý đến khái niệm “toàn khối” như vuờn tược hay nhà cửa, chúng ta tin có thể chiếm hữu được chúng. Khi ta chánh niệm được một vật gì đó riêng rẽ từng giây phút một, như là một cảnh sắc, một tính cứng, xét cho cùng chúng ta sẽ nhận ra ta chẳng sở hữu được thứ gì cho riêng ta cả. Chúng ta không thể chiếm hữu được cảnh sắc, chúng ta chỉ nhìn thấy mà thôi, chúng ta không thể lấy được cho mình vật thể đó;  chúng chỉ xuất hiện trong sát-na rồi lại biến đi ngay. Chúng ta không thể sở hữu được tính cứng, mà chỉ cảm nghiệm được tính cứng đó qua tiếp xúc rồi tính cứng đó lại biến đi ngay. Phát triển trực giác giúp ta “diệt dục” và dẫn ta tới tận diệt được khái niệm “bản ngã” đang chiếm ưu thế thống lãnh trong mọi sự cũng như mọi biến cố trong cuộc sống chúng ta.

Khi chúng ta nhận ra được thấy chỉ là nhìn thấy cảnh sắc, chúng ta có thể nghi ngờ về trạng thái của thấy. Hình như chúng ta luôn chú ý  đến hình dáng và hình thù cũng như kích thước của một đối tượng. Đó chỉ là ý tưởng, chứ không phải thấy, kinh nghiệm về điều gì xuất hiện qua nhãn giới. Nếu không có ý tưởng chúng ta không thể quan sát được hình dạng và hình thù hay kích thước của vật thể được, những sát-na suy tưởng đó lại do thấy, kinh nghiệm về những gì xuất hiện thông qua nhãn căn chi phối. Cũng còn có những sát-na ta chỉ thấy đơn thuần mà thôi, đó là những sát-na chúng ta không chú ý đến chi tiết hay tập trung chú ý vào một vật nào đó. Cũng như vậy khi chúng ta đọc một cuốn sách. Hình như có những sát-na chúng ta chỉ chú ý đến hình thù các từ và ý nghĩa của các từ đó, nhưng còn phải có xen kẽ vào đó những sát-na chúng ta cảm nghiệm được cảnh sắc đó đoạn sách đang diễn tả. bằng không chúng ta không thể đọc được. Trước khi nghiên cứu Phật Pháp chúng ta chưa bao giờ hình dung được thế nào là thấy. Nhưng nếu chúng ta tu luyện chánh niệm về một thực tại nào đó ở một sát-na nhất định tuệ (hiểu biết) sẽ nhận ra được những thực tại đích thực là như thế nào. Luôn có những sát-na ta chỉ suy nghĩ về các khái niệm và rồi thực tại suy tư đó có thể trở thành đối tượng chánh niệm và như vậy ta có thể biết được sát-na đó không phải là “bản ngã”. Dần dần chúng ta có thể học biết chánh niệm được thấy, cảnh sắc, nghe, cảnh thinh và tất cả những pháp hành xuất hiện thông qua “lục môn” trong cuộc sống hàng ngày.

Tuệ hay hiểu biết là một trong số những khả năng quyền hoàn hảo, được gọi là “các khả năng siêu phàm” cần phải được tu luyện chung với các quyền khác như đức tin (Saddha), tinh tấn (Viriya), chánh niệm (Sati), và định (Ekeggata). Thông qua tu luyện những khả năng này Tứ diệu đế có thể trở thành hiện thực.

Tuệ hay hiểu biết lại là một khả năng kiểm tra hay là quyền (Indriya) hiểu theo nghĩa chiếm ưu thế vì tuệ khắc phục được vô minh (theo Atthasàlinì I, cuốn I phần IV chương I, 122)[189] Tuệ thực hiện nhiệm vụ điều hành Pháp tương ưng (Sampayutta) tâm và sở hữu đi kèm) với những đặc tướng, nghĩa là thực chứng được ba trạng thái đó là vô thường, khổ và vô ngã. Chú giải Bộ Pháp Tụ còn khẳng định thêm (trong cùng một đoạn) là tuệ còn có trạng thái là soi sáng và am hiểu. Tác phẩm lại khẳng định (123) giống như một bác sĩ phẫu thuật tài ba biết rõ thực phẩm nào thích hợp hay không thích hợp đối với bệnh nhân. Tuệ hay hiểu biết cũng nhận ra được. trạng thái đạo đức, hay vô luân, hữu ích hay vô dụng, đánh giá cao hay thấp, trắng hay đen...” Tuệ hay hiểu biết được tu luyện như vậy cũng am tường được Tứ diệu đế.

Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) lại đưa ra một định nghĩa khác về tuệ hay hiểu biết như sau:

Trí tuệ có đặc tính thâm nhập vào bản chất  nội tại của mọi sự vật, trạng thái thâm nhập kiên định đó, giống như mũi tên chết người do nhà bắn cung nhắm bắn;  phận sự của tuệ hay hiểu biết lại là soi sáng cho đối tượng, giống như một ngọn đèn; nguyên nhân sâu xa của nó là không nao núng xao xuyến, giống như người hướng dẫn tốt trong rừng sâu.

Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga chương XIV. 143) lại đưa ra một định nghĩa tương tự.

Trí tuệ cũng còn là “lực” (Laba) vì huệ không chao đảo trước vô minh. (theo Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì, I cuốn I, phần IV, chương II, 148) như chúng ta đã biết, khi những khả năng tốt lành đã được tu luyện kỹ càng chúng trở thành sức mạnh không gì lay chuyển nổi. Chúng không bị lay chuyển trước đối thủ.

Chánh kiến về các pháp hành, Samma-ditthi, là một yếu tố thuộc Bát chánh đạo phải được tu luyện chung với các yếu tố khác của Bát chánh đạo để có thể thâm nhập vào Tứ diệu đế. Đối tượng chánh kiến không phải là lokuttara tức là điều “siêu phàm” nhưng lại là “lokiya” tức điều thuộc hiệp thế, là danh pháp (Nama) và sắc pháp (Rupa) xuất hiện trong từng sát-na hiện tại. Đối tượng của chánh kiến tức lokuttara (siêu thế) lại chính là Níp-bàn. Chánh kiến đi kèm với tâm đạo siêu thế sẽ tận diệt  được phiền não; phiền não sẽ bị tận diệt ở nhiều giai đoạn giác ngộ khác nhau và sẽ bị tận diệt toàn bộ khi ta đạt đến bậc thánh A-la hán.

Trí tuệ được phân loại theo nhiều cách và như vậy những khía cạnh khác biệt cũng được  phát hiện ra. Trí tuệ được xếp vào số Thất giác chi tức bảy yếu tố giác ngộ và với trạng thái này ta gọi trí tuệ là trạch pháp. Những giác chi là chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, pháp hỷ, khinh an định và xả. Những yếu tố này phải được tu luyện song song với mục tiêu để đạt đến giác ngộ. Cần phải có “trạch pháp” tức là xem xét nghiên cứu Phât Pháp đang diễn ra ngay vào sát-na này, luôn lập đi lập lại trươc khi đạt đến giác ngộ và tận diệt được hết mọi phiền não.

Trí tuệ thuộc siêu thế, được phân loại thành ba khả năng như sau:

  1. “Vị tri đương tri căn”  (An-annatannassami ‘t’indriya = tôi sẽ biết pháp chưa từng được biết), xuất hiện vào sát-na tâm đạo nơi vị thánh Nhập lưu (Sotapanna) [190].
  2. Dĩ tri căn (Annindriya) xuất hiện vào sát-na tâm quả (Phala-citta) thánh Nhập lưu (Sotapanna) và cũng đi kèm với tâm đạo (Magga-citta) và tâm quả (Phala-citta) bậc thánh Nhất lai (Sakadagami) và tâm đạo tâm quả A-na-hàm (Anagami) và tâm đạo nơi vị thánh A-la-hán.[191]
  3. Cụ tri căn (Annatavindriya) xuất hiện vào sát-na tâm quả A-la-hán.

Vị thánh Nhập lưu vẫn còn phải tu luyện chánh kiến về danh pháp và sắc pháp vì huệ hay hiểu biết của ngài chưa đạt đến giai đoạn tận diệt được mọi phiền não. Nhiệm vụ tu luyện hiểu biết chỉ được hoàn tất khi nào cụ tri căn đã xuất hiện mà thôi.[192]

Khi chúng ta học hỏi cách phân loại hiểu biết điều đó nhắc nhở chúng ta là hiểu biết phải được tu luyện để đạt đến được mức độ cao hơn. Chúng ta phải tu luyện trí tuệ trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ là chánh niệm được sát-na hiện tại không dễ dàng gì. Nhưng một ngày nào đó trong tương lai chúng ta có thể đạt đến mục tiêu đó. Nếu chúng ta cho là hoàn cảnh hiện tại chưa mấy thuận lợi để tu luyện chánh kiến thì chánh kiến sẽ không phát triển được. Chúng ta nên nhớ rằng mỗi sát na thực chất chỉ là một hoàn cảnh mới đã bị chi phối và không thể kiểm soát được, và như vậy chọn lựa các khoẳng khắc thay vì chọn giây phút hiện tại chỉ là uổng công vô ích. Chúng ta không nên quá lo lắng về thời gian hiện tại chúng ta đang sống trong đó nhưng nên chánh niệm đến bất kỳ thực tại nào đang diễn ra. Thí dụ như luôn lúc nào cũng có nóng và lạnh. Thường thường chúng ta chỉ liên tưởng đến khái niệm “tôi nóng” hay “tôi lạnh” những nóng và lạnh chỉ là những yếu tố sắc giới mà thôi và cả hai có thể là đối tượng cho chánh niệm khi chúng xuất hiện. Chẳng có “bản ngã” nào cảm nghiệm được sức nóng hay sức lạnh đâu chính do tại danh pháp xuất hiện vì đã có được những duyên hệ chi phối nhất định. Thông qua huệ hay hiểu biết chúng ta sẽ ít có xu hướng chấp thủ với khái niệm “tôi cảm thọ” hay “tôi cảm nghiệm” đó chỉ là một loại danh pháp cảm nghiệm được điều gì đó mà thôi, một danh pháp sinh rồi lại diệt ngay. Chúng ta sẽ bắt đầu có hiểu biết khi nào ta chánh niệm về những gì đã xuất hiện ngay tại sát-na này có đầy đủ những duyên hệ cần thiết để những pháp đó xuất hiện.

 

Câu hỏi:

  1. Tại sao ta chỉ có hiểu biết trực tiếp về các pháp hành khi chánh niệm về các pháp đó xuất hiện?
  2. Trí tuệ là một quyền (Indriya) hay một khả năng kiểm soát. Vậy thì hiểu biết kiểm soát điều gì vậy?
  3. Đối tượng chánh kiến Bát chánh đạo thuộc cảnh hiệp thế, tức không phải siêu thế là gì (Loluttara)?
  4. Chúng ta cảm thấy hoàn cảnh đặc thù quá khó khăn, không thuận lợi để tu luyện trí tuệ. Chúng ta phải làm gì khi rơi vào trường hợp như vậy?

[188] Pháp học tiếng Pàli gọi là: Pariyatti. Tỳ-khưu phát triển được hiểu biết trực tiếp hay “ Pháp hành” tiếng Pàli gọi là: Patipatti, pháp thành tiếng Pàli gọi là: Pativedha.

[189] Xin đọc thêm  Pháp tụ (Dhammasangani) (cuốn I chương I điều 16) đã mô tả hiểu biết trong số những khả năng khác như là “ tìm kiếm Phật Pháp” có nghĩa là: Tứ diệu đế như là người hướng dẫn, như là thanh kiếm cắt đứt hết mọi phiền não như là “ánh sáng như là” “vinh quang” hay là “ hào quang” vậy.

[190] Xin đọc thêm  Pháp tụ (Dhammasangani) điều 362-364. XVI, 3.

[191] Xin đọc thêm  Pháp tụ (Dhammasangani) điều 505.

[192] Xin đọc thêm  Pháp tụ (Dhammasangani) điều 553.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004