Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 23

CÁC NHÓM PHIỀN NÃO (Kilesa)

Phần III

Các phiền não được phân loại bằng nhiều cách khác nhau và mỗi cách phân loại nhắc nhở chúng ta điều bất thiện nguy hiểm đến nhường nào. Lại còn có một nhóm phiền não khác, khác hoàn toàn, đó là nhóm các khuynh hướng tiềm tàng hay là Pháp tuỳ miên (Anusayas).

Trong tác phẩm Pháp Tụ thì các khuynh hướng tiềm tàng  không được sắp loại thành một nhóm. Chỉ có tham là “khuynh hướng thiên về thành kiếm tiềm ẩn”, Pháp tùy miên đã được đề cập đến một cách đặc biệt trong nhiều khía cạnh của tham (§1059). Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì II, phần II chương II, 366) có bình luận “tham dục tùy miên tồn tại thường xuyên trong ta như là một khuynh hướng mạnh mẽ”. Không chỉ có khuynh hướng tiềm ẩn tham, nhưng còn có tới bảy pháp bất thiện có thể được phân loại thành các khuynh hướng tiềm ẩn tiềm tàng trong  ta như là những thiên hướng mạnh mẽ. Chúng ta đọc thấy trong cuốn Phân tích (vibhanga, chương 17, §949) có tới bảy Pháp tuỳ miên[137] như sau:

Tham  dục tùy miên (Kamaraganusaya)
Sân hận tùy miên  (Patighanusaya)
Ngã mạn tùy miên  (Mananusaya)
Tà kiến tùy miên (Ditthanusaya)
Hoài nghi tùy miên (Vicikicchanusaya)
Hữu tham tùy miên (Bhava-raganusaya)
Khuynh hướng tiềm ẩn về vô minh (Avijjanusaya)
Vô minh tùy miên (Avijjanusaya)

Phân loại các pháp bất thiện bằng các tùy miên nhắc nhở chúng ta về tính ương ngạnh, tính cố chấp. Các khuynh hướng này như vi-rút bao vây thân thể ta. Chúng nằm yên trong đó nhưng hoạt động trở lại vào bất kỳ sát-na nào khi có duyên hệ thuận lợi,[138] các tùy miên rất khó dứt bỏ được.

Chúng ta đọc thấy trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga XXII, 60) về tính ương  ngạnh nơi các tùy miên như sau:

... do tính thâm căn cố đế nơi các tùy miên nên ta gọi chúng là tiềm ẩn (Anusenti) đây chính là nguyên nhân làm cho tham dục v.v… luôn xảy ra liên tục.

Các tùy miên “bám sâu” trong ta, có nghĩa là các khuynh hướng này được đủa vào cách vững chắc, trong một thời gian dài, và khó lòng  tận diệt được.

Rất có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên tại sao tất cả các pháp bất thiện lại không được phân loại thành các tùy miên. Chẳng phải các pháp này đã không được tích lũy từ đời nọ sang đời kia hay sao? Chúng ta nên nhớ rằng bảy tùy miên rất cứng đầu cứng cổ và chi phối các phiền não khác khi chúng xuất hiện.

Cho đến khi nào các tùy miên không bị tận diệt, chúng vẫn có thể xuất hiện dài dài. Thí dụ khi người nào đó được tái sanh nơi các cõi Phạm thiên, thì không còn duyên hệ để có ác cảm trong cõi đó nữa. Tuy nhiên, khi nào tùy miên chưa được tận diệt thì ác cảm buộc phải xuất hiện trở lại khi người đó tái sanh nơi cõi Dục giới. sau khi tuổi thọ tối đa của họ nơi cõi Phạm thiên đó chấm dứt.

Các tùy miên được tận diệt ở nhiều giai đoạn giác ngộ[139] khác nhau. Tâm đạo của vị thánh Nhập lưu diệt được tà kiến tùy miên và hoài nghi và như vậy các pháp bất thiện này chẳng còn bao giờ trổi dậy được nữa. Tâm đạo của bậc thánh Nhất lai không tận diệt hoàn toàn được bất kỳ tùy miên nào cả, nhưng làm giảm nhẹ tham dục tùy miên và sân hận tùy miên. Như Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì) đã khẳng định.[140]

Như chúng ta đã thấy, phiền não lại có nhiều mức độ khác nhau, chúng có vẻ thô thiển hay tinh tế hơn. các bậc thánh Nhất lai cũng vẫn còn các tham dục tùy miên và ác cảm, nhưng đã suy yếu đôi chút. Chính vì vậy so với các vị thánh Nhập lưu thì các tùy miên này có phần kém thô thiển và tinh tế hơn một chút. Nhóm các tùy miên nói chung có thể được coi như là các phiền não tinh tế. Chúng tinh tế chỉ khi nào còn tiềm ẩn ; chúng chỉ tinh tế so với tâm tham căn, tâm tham sân, hay tâm si bất thiện khi xuất hiện mà thôi, và có thể gọi là các “phiền não bậc trung” và so với các tâm bất thiện có cường độ để thôi thúc các hành động ác thân, khẩu và ý, gọi là các “phiền não thô thiển”. Tuy nhiên, từ “tinh tế” có thể khiến ta nhầm lẫn. Các tùy miên rất hiểm độc, ngoan cường, khó lòng tận diệt được tận gốc. Chúng luôn chi phối các pháp bất thiện khi xuất hiện.

Tâm đạo của vị thánh A-na-hàm tận diệt được hoàn toàn các tham dục tùy miên và sân hận tùy miên, chúng không bao giờ còn xuất hiện được  nữa. Tuy nhiên, vị đó đã không tận diệt được tất cả các hình thức chấp thủ, và vẫn còn hữu tham tùy miên và tái sanh do kết quả hành thiền mà ra. Tâm đạo của vị thánh A-la-hán lại tận diệt được các hữu tham tùy miên, ngã mạn tùy miên và vô minh tùy miên. Khi nào không còn “đất dụng võ” cho các phiền não phát triển thì vòng luân hồi kể như kết thúc.

Các kiết sử hay “Samyojanas” lại là một nhóm pháp bất thiện khác nữa, các kiết sử trói buộc “ngũ uẩn gông cùm” (Fetter-khandhas) (trong cuộc sống đời này) cho đến các ngũ uẩn (khandhas nơi cuộc sống mai hậu) hay trói buộc nghiệp với quả[141] hoặc giả trói buộc chúng sinh phải chịu đau khổ... (Visuddhimagga, XXII.48) qua các kiết sử đó chúng ta bị trói buộc vào trong vòng luân hồi sanh tử.[142] Trong cuốn Dhammasangani (§1113) chúng ta thấy cách phân loại 10 gông cùm này như sau:

Tham  dục (Kama -raga)
Sân hận (Vyapada)
Ngã mạn (Mana)
Tà kiến (Ditthi)
Hoài nghi (Vicikiccha)
Giới cấm thủ (Silabbata-paramasa) 
Tật đố (Issa)
Xan tham (Macchariya)
Vô minh (Avijja)
Hữu tham (Bhavaraga)

Trong những cách phân loại kiết sử nêu trên, tà kiến được xếp dưới hai khía cạnh: tà kiến và Giới cấm thủ. Khi không có chánh kiến ta không thể tận diệt được tà kiến “bản ngã” và các phiền não khác, và như vậy chúng ta bị cùm nơi vòng luân hồi sinh tử. Khi không còn chánh niệm về một thực tại nào đó ngay trong giây phút hiện tại, chúng ta không thể tu luyện được Bát chánh đạo. Cho đến khi nào chúng ta chưa trở thành vị thánh Nhập lưu thì luôn có tà kiến xảy ra. Tất đố và xan tham cũng là các pháp bất thiện được phân loại căn cứ vào các kiết sử nhưng không nằm trong các nhóm phiền não khác. Chúng ta nên tìm hiểu xem ganh tị có xuất hiện khi ai đó nhận được bằng khen (Token of honour) hay bằng danh dự khi ta không nhận được hay không. Chấp thủ bản ngã chi phối các điều bất thiện thô thiển như ghen tương. Vị thánh Nhập lưu đã tận diệt được tà kiến “bản ngã” cũng tận diệt được ghen tương và cả bỏn xẻn nữa. Nếu chúng ta tu luyện hiểu biết về danh pháp và sắc pháp hàng ngày, rất có thể chúng ta khởi sự nhận ra cuộc sống thực sự chỉ là một sát-na cảm nghiệm được một cảnh nào đó. Đôi khi cảnh đó rất dễ chịu, đôi khi lại không dễ chịu chút nào, điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào các duyên hệ chi phối cảnh đó. Kinh nghiệm về các cảnh dễ chịu và khó chịu lại do nghiệp chi phối và do những hành động đã được thực hiện. Nếu ta nhìn nhận cuộc sống chỉ là một chuỗi những pháp khác nhau mà mỗi pháp đó xuất hiện là vì có được những duyên hệ chi phối riêng, thì sẽ có rất ít duyên hệ ghen tương xảy ra. Khi ta nhận ra bằng cách nào ghen tương luôn luôn có thể khuất phục chúng ta và các pháp bất thiện khác ta có thể sẽ được nhắc nhở cố tu luyện chánh kiến về danh pháp và sắc pháp để tận diệt những điều bất thiện.

Còn một cách phân loại các kiết sử khác nữa và cách này cho thấy cách phân loại này không hoàn toàn cứng nhắc. Ta thấy có thí dụ trong Sách Phân Tích (Book of Annalysis chương 17, §940)[143] việc phân loại các kiết này giúp nhận ra các “hạ phần kiết sử” và “các thượng phần kiết sử”. Có năm hạ phần kiết sử thường trói buộc các sanh vật thuộc cõi dục giới và năm thượng phần kiết sử lại trói buộc các sanh linh thuộc cõi cao hơn như cõi Phạm thiên sắc giới và các cõi Phạm thiên vô sắc giới.

Các  hạ phần kiết sử (Orambhagiyasamỵoana) gồm:

Thân kiến  (Sakkaya-ditthi)
Hoài nghi (Vicikiccha)
Giới cấm thủ (Silabbata-paramasa)
Dục ái (Kama raga)
Sân (Vyapada)

Các thượng phần kiết sử (Uddhambhagiya-samỵoana)  gồm:

Sắc ái (Rupa-raga) nơi các cõi Phạm thiên sắc giới.
Vô sắc ái (Arupa-raga) nơi cõi Phạm thiên vô sắc giới.
Ngã mạn (Mana)
Phóng dật (Uddhacca)
Vô minh (Avijja)

Cách phân loại tà kiến kiểu này lại được sắp thành hai loại: dưới góc độ thân kiến và Giới cấm thủ. Chấp thủ lại được sắp thành ba loại: Chấp thủ dục giới, chấp thủ tái sanh, kết quả của thiền vô sắc giới và chấp thủ tái sanh, kết quả của thiền vô sắc giới. Ganh tỵ và keo kiệt  không xuất hiện trong phân loại này.

Tâm đạo của thánh Nhập lưu tận diệt được ba  hạ phần kiết sử gồm: Thân kiến, Giới cấm thủ và hoài nghi. Vị thánh Nhập lưu không tận diệt được dục ái và sân, nhưng đối với vị đó những điều này lại không thô thiển như trong trường hợp của phàm phu; chúng không thể dẫn đến tái sanh khổ cảnh.

Tâm đạo của bậc thánh Nhất lai không tận diệt được kiết sử dục ái, nhưng đã suy yếu dần đi. Trí tuệ phải được tu luyện ở mức độ cao hơn để tiêu diệt được dục ái và sân. Vị thánh A-na-hàm tận diệt được cả hai  triền cái này. Các hạ phần kiết sử không còn trói buộc được ngài nữa, nhưng các thượng phần kiết sử vẫn có thể thực hiện được điều đó. Điều này chứng tỏ cho thấy khó khăn đến mức độ nào để huỷ diệt được các kiết sử. Chỉ có tâm đạo của bậc A-la-hán mới có thể tận diệt tất cả những kiết sử. Vị A-la-hán không bao giờ chấp thủ nữa, ngài không chấp thủ với quả thiền, không chấp thủ với tái sanh nơi bất kỳ cõi hiện thực nào cả. Ngài cũng không còn ngã mạn, phóng dật và vô minh. Ngài ta đã tận diệt sạch tất cả các pháp bất thiện. Ngài không còn tâm bất thiện cũng như tâm thiện nữa, thay vào đó là tâm tố không gây ra bất kỳ hậu quả nào. Bậc thánh A-la-hán thực sự đã trở thành người hoàn thiện, ngài đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Vòng luân hồi sinh tử không còn có khả năng gì để trói buộc được ngài nữa.

Một nhóm pháp bất thiện khác đó là những phiền não. Phiền não thực sự dơ bẩn, lại bẩn thỉu và ô uế. Chúng gây ô uế hay dằn vặt tâm chúng ta. Mười pháp bất thiện sau đây được sắp loại vào danh sách các phiền não (Dhammasangani   §1229)[144] như sau:

Tham (Lobha)
Sân (Dosa)
Si (Moha)
Ngã mạn (Mana)
Tà kiến (Ditthi)
Hoài nghi (Vicikiccha)
Hôn trầm (Thina)
Vô tàm (Ahirika)
Vô quí (Anottappa)

Chúng ta còn có thể sử  dụng từ phiền não hay kilesa với một nghĩa rộng hơn và rồi muốn  ám chỉ tất cả các pháp bất thiện. Nhưng khi ta phân loại phiền não dưới dạng một nhóm đặc biệt chỉ gồm các pháp bất thiện đề cập đến ở trên thì ta mới làm như vậy. Thụy miên, xan tham, hối hận và ganh tỵ không được xếp vào nhóm này. (Visudddhimaaga XXII, 49) khẳng định về phiền não như sau: “Ta gọi là các phiền não là vì chúng tự làm vẩn đục chính mình và còn làm vẩn đục những hiện trạng liên quan đến chúng.”

Vô tàm (Ahirika) và vô quí (Anottappa)  không được xếp vào một trong số các  nhóm khác được phân loại với các phiền não trên. Vô tàm, tức không mắc cở về điều bất thiện và vô quý lại không sợ những hậu quả của điều bất thiện đó. cả hai đều xuất hiện với tâm bất thiện  chúng làm vẩn đục các tâm và các sở hữu đi kèm, vô tàm và vô quí lại có nhiều mức độ khác nhau. Một số người thường bị mắc cở về những phiền não thô thiển và họ sợ hiệu quả điều bất thiện đó mang lại, nhưng họ không mắc cở đối với tâm bất thiện không có đủ sức mạnh để thôi thúc những hành vi bất thiện. Thí dụ khi chúng ta quên mất những thực tại vào ngay sát-na này như: thấy, nghe, hiển nhiên chúng ta không mắc cở vì sự chểnh mảng đó có mối liên quan đến việc tu luyện chánh kiến.

Các phiền não sẽ bị tận diệt ở các giai đoạn giác ngộ khác nhau. Tâm đạo của vị thánh Nhập lưu diệt được hết tà kiến và hoài nghi. Tâm đạo của bậc thánh A-na-hàm lại diệt được sân hận. Quả thánh A-na-hàm không thủ chấp với các đối tượng dục lạc. Nhưng ngài vẫn có thể có chấp thủ với tái sanh là hậu quả do thiền mà ra. Vì loại chấp thủ này là pháp bất thiện được liệt kê trong số các phiền não tham ngài chưa thể tận diệt được. Tâm đạo của vị thánh A-la-hán tận diệt được hết các phiền não tham. vô minh, ngã mạn, hôn trầm, phóng dật, vô tàm và vô quí. Vị thánh  A-la-hán được giải thoát khỏi mọi phiền não.

Tóm tắt lại chúng ta có các nhóm pháp bất thiện sau đây:

Lậu hoặc (Asavas)
Bộc lưu (Oghas)
Phối (Yoghas)
Phược  (Ganthas) dây trói
Chấp thủ (Upadana) 
Triền cái (Nivaranas)   
Tuỳ miên (Anusayas)
Kết sử (Samyojanas)
Phiền não (Kilesas.)

Tham xuất hiện trong tất cả các nhóm này và tà kiến, ngoại trừ nhóm các triền cái. Điều này nhắc nhở chúng ta về các vướng mắc do tham và tà kiến tạo ra. Đôi khi tham và tà kiến xuất hiện trong một nhóm nhiều hơn chỉ có một lần, dưới nhiều hình thái khác nhau. Chúng ta nên phân biệt đối tượng của tham là gì nơi mỗi phân loại đó, vì đôi khi tham giữ vai trò tham ái và đôi khi lại là chấp thủ với kết quả thiền gồm vào trong đó.

Mỗi nhóm trong đó cũng có thể nhắc nhớ chúng ta về những nguy hiểm của pháp bất thiện. Thí dụ, cách phân chia theo các phược, tức là dây trói hay các kiết sử có thể nhắc nhớ chúng ta mối nguy bị trói buộc hay bị xiềng xích vào vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta chỉ vượt qua được bằng kiến lậu hay bằng kiến bộc lưu xiềng xích hay kiết sử chúng ta trong đó, và rất có thể chúng ta không nhận ra. Cách phân loại theo chấp thủ cho chứng tỏ bằng cách nào chúng ta bị kìm kẹp do chấp thủ với cảnh chúng ta cảm nhận được qua các căn và chấp thủ vào bản ngã. Chúng ta thường hay quên rằng tham không dẫn đến hạnh phúc được, chỉ dẫn đến đau khổ mà thôi.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh-- Kindred Sayings (II, Niddana-vagga, chương XVII, bàn về Phúc lộc và ân huệ.) chúng ta đọc thấy trong bốn mươi ba kinh đức Phật đã nhắc nhớ cho các vị Tỳ-khưu về mối hiểm họa do tham, lợi lộc, ân huệ và xu nịnh mang lại. Thí dụ như, ta đọc thấy trong kinh thứ nhất, trong đoạn này (§1, Dire) viết chính Đức Phật đã nói với Tỳ-khưu như sau:

Này chư Tỳ-khưu, lợi lộc, ân huệ, và xu nịnh thì thật là một trở ngại thảm khốc, đắng cay và khốc liệt trên bước đường đạt đến an toàn tuyệt đối.

Do đó, này chư Tỳ-khưu, nếu  như vậy các chư Tỳ-khưu phải tự tu luyện mình để: “Khi nào lợi lộc, ân huệ và xu nịnh đến với chúng ta, có thể dẹp bỏ sang một bên, đừng để chúng xâm chiếm cõi lòng  khi chúng xuất hiện.

Tại sao Đức Phật lặp đi lặp lại về mối hiểm họa đó nhiều đến như vậy? Vì hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào những “điều kiện phàm tục” sảng khoái. Đừng để chúng chiếm lãnh vai trò quan trọng trong đời ta. Chúng ta muốn người khác đối xử tốt với ta, chúng ta tự coi mình là quan trọng và quên mất rằng ân hệ, mất mát, danh dự và bất hạnh lại tuỳ thuộc vào những duyên hệ đó, chúng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ta. Chúng ta không thể kiềm tỏa được điều gì sẽ xảy đến: lợi lộc hay thua thiệt, danh vọng hay bất hạnh? Đức Phật giải thích tiếp: tham ái là cội rễ (căn) mọi đau khổ. Nhưng chúng ta không thể am hiểu đầy đủ chân đế này, chỉ có tu luyện được chánh kiến mạnh mẽ mới có thể nhận ra được chân đế những lời Đức Phật dạy.

Hiểu biết chính xác tất cả mọi hiện tượng khác nhau trong cuộc sống  phải được tu luyện trong suốt cuộc đời chúng ta. Thường thì chúng ta chỉ chú ý đến những cảnh sắc dễ chịu hoặc khó chịu mà thôi mà không chú ý đến những thực tại có thật như là thấy và nghe. Chúng ta nên nhớ rằng khi nào ta cảm nghiệm được lời khen tiếng chê lúc đó còn có nhiều loại tâm khác nhau xuất hiện. Các tâm thấy và nghe được các đối tượng dễ chịu và và khó chịu chỉ là tâm quả do nghiệp chi phối và chúng ta không thể ngăn cản chúng xuất hiện. Sát-na tâm quả xuất hiện như nghe chẳng hạn, tâm chỉ đơn thuần cảm nghiệm được tiếng động, lại khác với tâm bất thiện xuất hiện ngay sau đó và cảm nghiệm được cảnh thinh một cách không hoàn hảo, tỷ như tâm kèm với tham và ác cảm khi xuất hiện. Và rồi còn rất nhiều qui trình tâm xuất hiện khác nữa. Tâm có thể suy tư một cách bất hảo về các khái niệm, tỷ dụ như chúng ta lại liên tưởng các tà kiến ngưòi khác đã phạm phải trong một thời gian dài đối với chúng ta. Nếu chúng ta không biết gì về những điều sai quấy đó, nếu như chúng ta không biết gì về quả báo sẽ xảy ra, chúng ta sẽ ngả theo trách móc người khác về những gì khó chịu ta cảm nghiệm được qua các căn. Chúng ta nên biết rõ về các tâm quả như thấy nghe, cùng nhiều loại tâm khác. Khi chúng ta nhận ra mình vẫn còn ngu si dần độn thì lúc đó ta sẽ được nhắc nhở tiếp tục tu luyện chánh kiến. Qua tu luyện chánh kiến chúng ta sẽ giảm phần chấp thủ đối với sự quan trọng  vào “bản ngã” và kết quả là chúng ta sẽ có khuynh hướng tư duy nhiều đến hạnh phúc của người khác thay vì chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh- Kindred Sayings (V, Maha-vagga, bàn về phong cách, cuốn I chương VIII) chúng ta đọc thấy nói về những nhóm pháp bất thiện và cách tận diệt các nhóm này. Chúng ta đọc thấy, thí dụ như bộc lưu (Ogha) như sau:

Này chư Tỳ-khưu, có đến bốn loại bộc lưu (Ogha). Bốn loại thế nào? Dục bộc lưu. Hữu bộc lưu, tà kiến bộc lưu, vô minh bộc lưu. Đây chính là bốn loại kiến bộc lưu. Chỉ am hiểu đầy đủ, thể hiện trọn vẹn, làm suy yếu và tận diệt được bốn loại bộc lưu trên mà vị A-la-hán mới có thể tu luyện được Bát chánh đạo.

Chúng ta cũng đọc thấy cùng một giọng điệu như trên về các nhóm phiền  não khác, như là các phối (Yoghas các nhóm phiền não), phược (Knots) các tùy miên, các triền cái hạ phần kiết sử, thượng phần kiết sử. Chúng ta đọc thấy ở phần cuối đoạn này sau khi đã lược lại các thượng phần kiết sử như sau:

… nếu như am hiểu đầy đủ, thể hiện trọn vẹn, làm suy yếu và diệt được năm thượng phần kiết sử, lúc ấy Bát chánh đạo mới có thể được tu luyện...

Bằng cách nào vị Tỳ-khưu có thể tu luyện được Bát chánh đạo?

Đây vị Tỳ-khưu phải tu luyện chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tiến, chánh niệm, chánh định, kết thúc trong việc hãm dẹp tham dục, sân hận, hão huyền, khiến ta lao vào chốn trường sanh, và lấy trường sanh làm mục tiêu, kết thúc mục ở chốn trường sanh, trôi vào chốn Níp-bàn, lướt tới Níp-bàn, hướng về Níp-bàn.

Chính vì am hiểu đầy đủ, thể hiện trọn vẹn, làm suy yếu và diệt dục được năm thượng phần kiết sử, mà Bát chánh đạo mới với có thể được tu luyện....

Trước khi có thể diệt dục các pháp bất thiện phải có chánh kiến về danh pháp và sắc pháp trong cuộc sống đời thường hàng ngày.

 

Câu hỏi.

  1. Chúng ta đã tích lũy tất cả các loại bất thiện  từ đời nọ sang qua đời kia, vậy tại sao chỉ có bảy pháp bất thiện được xếp vào loại các tùy miên?
  2. Bậc thánh nào đã tận diệt hết được năm hạ phần kiết sử (samyojanas)?
  3. Bậc thánh nào đã tận diệt hết được năm thượng phần kiết sử (samyojanas)?

[137] Xem Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) XVII, 60 và yamaka, cuốn 6 về Abhiddhamma, phần VII.

[138]  xem ven. Nyanaponkí, Abhidanna studies V, vấn đề thời đại 3, khái niệm về Hiện tại trong Vi Diệu Pháp (abhidhamma)  BPS kandy, 1976.

[139] Atthisalini II cuốn II phần VII chương I 235-236,

[140] Như trên ibidem.

[141] Cho đến khi nào vẫn còn có nghiệp hình thành thì vẫn có dị thục hay quả báo (Vipaka) và như vậy thì cuộc sống vẫn tiếp diễn.

[142] Atthasàlinì (I cuốn I phần I chương II, 48)

[143] Xin đọc thêm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) XXII, 48.

[144] Xin xem Sách Phân Tích (Book of Analysis, Vibhanga, chương 17, § 966).

 


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004