Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Phần III

CÁC SỞ HỮU BẤT THIỆN

(AKUSALA-CETASIKAS)


 Chương 13

NHẬP ĐỀ

Tâm bất thiện và sở hữu bất thiện đều là các pháp bất thiện, tức là các pháp vụng về, không thích hợp, không trong sạch và không trong sạch. Chúng ta có nhận ra khi nào tâm bất thiện xuất hiện hay không?  Bất kỳ lúc nào tâm không chăm chú vào điều hoàn thiện, chúng ta đều hành động, ăn nói và suy nghĩ với tâm bất thiện. Có thể chúng ta rất tử tế trong suy nghĩ hoặc không có những ước muốn lỗ mãng. Nhưng tâm giúp ta suy nghĩ vẫn có thể là tâm bất thiện; chúng trở thành tâm bất thiện bất luận khi nào ta có những suy tư không hoàn hảo. Chúng ta luôn nghĩ đến người khác, luôn nghĩ đến những gì đã qua và cả những gì sẽ xảy đến trong tương lai và chúng ta nên tự phát hiện khi nào ta có suy tư thiện và khi nào thì không. Khi chúng ta “mơ mộng viển vông”, suy tư của ta có phải là những điều hoàn hảo hay không? Bằng không thì các tâm giúp ta suy tư đó đều là tâm bất thiện cả.

Có tâm bất thiện chúng ta tự hại mình, hại người khác hoặc hại cả hai nữa. Ta thấy khó lòng phát hiện ra ngay cả khi chúng ta không làm hại ai hay gây đau khổ cho người khác, các tâm vẫn có thể là tâm bất thiện. Thí dụ khi chúng ta yêu thiên nhiên chắc chắn tính tham lam của ta với một chừng mực nào đó sẽ xuất hiện và đã có tham thì dứt khoát không thể có điều thiện được, điều đó khác xa với tính vị tha. Chúng ta có thể phát hiện ra nguy cơ của điều bất thiện quá lỗ mãng, nhưng không dễ gì nhận ra được nguy cơ đó khi điều bất thiện chỉ tiềm tàng tinh tế. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Phật Pháp chúng ta có thể lãnh hội được nhiều hiểu hiết về pháp bất thiện và rồi chúng ta có thể phát hiện ra nguy cơ đó thể hiện dưới mọi mức độ nơi điều bất thiện.

Khi có tâm thiện, chúng ta sẽ tin tưởng nơi điều hoàn hảo. Tâm thiện thì trong sạch và có khả năng tạo ra nghiệp sảng khoái. Ngược lại tâm bất thiện không trong sạch và sẽ tạo ra sầu khổ buồn chán. Vào sát-na tâm bất thiện xuất hiện ta sẽ không có niềm tin nơi điều hoàn hảo, chúng khó phát hiện ra tâm bất thiện không trong sạch và nguy hiểm. Thí dụ như khi chúng ta đang nhìn ngắm một cảnh đẹp rất hấp dẫn, tâm bất thiện cùng với lòng tham thường chổi dậy. Ngay tại giây phút đó lại xuất hiện “không khéo tác ý” trước đối tượng chúng ta đang nghiệm; chúng ta sẽ bị đối tượng đó biến thành nô dịch và không nhận ra được  mối nguy của điều bất thiện đó. Như vậy chúng ta tiếp tục tích luỹ điều bất thiện ngày càng nhiều hơn.

Nếu chúng ta chưa lắng nghe Phật Pháp, chúng ta không thể phát hiện ra chính xác đâu là điều thiện và đâu là điều bất thiện và như vậy  sẽ có nhiều cơ duyên nổi lên “không khéo tác ý” trước những đối tượng chúng ta cảm nghiệm được qua năm căn-môn và qua ý-môn nữa. Những người bạn ác xấu cũng là nhân duyên cho tâm bất thiện. Người nào ngả theo điều bất thiện thì hay giao kết với bạn bè có cùng khuynh hướng như vậy. Như vậy người đó càng tích lũy thêm các thói hư tật xấu ngày càng nhiều hơn và rồi không dễ gì chuyển thành điều thiện và tu luyện các nhân đức.

Tâm bất thiện buộc phải xuất hiện thường xuyên hơn tâm thiện vì trong quá khứ đã xuất hiện vô số những tâm bất thiện và như vậy có rất nhiều điều kiện khiến cho điều bất thiện được tích tụ trong ta. Nếu ta không tu luyện chánh kiến chắc chắn chúng ta sẽ không tận diệt được điều bất thiện và chúng ta cứ vẫn tiếp tục tích luỹ nhiều điều bất thiện ngày càng nhiều thêm.

Đức Phật đã nhắc nhở bá tánh về những ảnh hưởng xấu do điều bất thiện mà ra. Nghiệp bất thiện có khả năng tạo ra nghiệp chướng không mấy dễ chịu dưới hình thức tái sinh hay tạo ra những kinh nghiệm khó chịu qua các căn trong suốt cuộc đời chúng ta. Do thực hiện những hành vi bất chính, chúng ta phải mang tiếng xấu và mất hết bạn bè tốt. Vả lại, người nào đã phạm phải những điều tội lỗi sẽ không được thanh thản khi phải đối mặt với thần chết. Chúng ta đọc thấy điều này viết trong tác phẩm Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn IV. 54, chương XI §4 viết về lòng dũng cảm) như sau: Thầy Brahmin Janussoni nói với Đức Phật là thầy tin mọi người đều khiếp sợ trước thần chết. Ngay sau đó Đức Phật liền nói với Janussoni về bốn loại người khiếp sợ thần chết và có bốn loại người khác thì không. Chúng ta đọc được những gì Đức Phật đã nói như sau:

Hỡi thầy Brahmin thân mến, Nếu một người không tự giải thoát khỏi dục vọng thấp hèn, không tự giải thoát khỏi ước muốn xấu xa, không tự giải thoát khỏi thèm khát và tham lam. Thế rồi một cơn hiểm nghèo ập tới, mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo như vậy người đó than vãn: Hỡi ôi những dục vọng tôi hằng yêu thích xưa nay không còn nữa, hay tôi buộc phải bỏ hết  những dục vọng tôi hằng yêu thích... Ngay sau đó hắn ta đau buồn khốn khổ và kêu van than khóc, rồi đấm ngực ăn năn và rơi vào tình trạng bối rối hoang mang.. Hỡi thầy Brahmin thân mến, loại người này sẽ sợ hãi khi đối mặt với thần chết, chỉ nghĩ tới thần chết thôi đã khiến hắn run rẩy khiếp sợ.

Thầy Brahmin kính mến, còn đây là trường hợp một người quá nuông chiều thân xác, không giải thoát thân xác khỏi những đam mê hèn hạ... không thoát khỏi thèm khát thấp hèn. Thế rồi một cơn bệnh  nặng đã ập tới. Rồi người đó ngã bệnh thập tử nhất sinh và than vãn: “Hỡi ơi! Thân xác tôi hàng yêu mến bấy lâu nay sẽ lìa bỏ tôi, hay tôi phải từ bỏ cái thân xác thân yêu bấy lâu nay.. Bởi thế hắn cứ than vãn... và rơi vào tình trạng bối rối hoang mang… Thế rồi, hỡi thầy Brahmin thân mến, phải đối mặt với tử thần, người này đã hoảng sợ run rẩy... mặc dầu chỉ suy nghĩ thoáng qua đến thần chết....

Đức Phật cũng đã dạy những lời tương tự như vậy về hạng người đã quên mất không thực hiện điều thiện và phạm phải những điều xấu xa, và cả hạng người đang hoài nghi “Phật Pháp chân thật”. Điều ngược lại sẽ không xảy đến với những người không phạm phải những thói hư tật xấu nào. Khi cơn bệnh hiểm nghèo ập tới, trước thần chết họ vẫn không mảy may sợ hãi.

Những hành vi, lời nói và suy nghĩ  bất chính đã khiến ta thành người bất hạnh, và rồi tâm ta không được bình an. Điều bất thiện là một căn bệnh tâm thần và căn bệnh này còn trầm trọng hơn cả bệnh tật thể xác.

Có chánh kiến để hiểu rõ mối hiểm họa và những hậu quả tai hại do điều bất thiện gây ra, điều bất thiện lại có khả năng trợ duyên nhiều đến tâm thiện. Nhưng ngay khi tâm thiện đã diệt, tâm bất thiện lại có điều kiện chỗi dậy và ngay sát-na đó chúng ta không còn tin tưởng vào điều thiện hảo được nữa. Thí dụ như, chúng ta nói những lời nói cọc cằn hay phỉ báng ai đó và sau cơn thịnh nộ lôi đình đó, chúng ta chẳng hiểu được vì lý do gì  ta lại xử sự tồi tệ đến như vậy. Rất có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì chúng ta đã thể hiện một con người khác biệt như vậy ở những sát-na khác nhau. Thực ra không có bản ngã nào xuất hiện tại sát-na thiện hay sát-na bất thiện nào cả, chỉ có nhiều loại tâm khác nhau xuất hiện khi có điều kiện thuận lợi mà thôi. Đôi khi ta thấy có tâm thiện nhưng tâm bất thiện lại xảy ra thường  xuyên hơn. Không có “bản ngã” nào có thể ngăn cản được tâm bất thiện xuất hiện.

Do tính vô minh hay ngu dốt (Avijja) chúng ta cảm thấy thoả mãn trước những kinh nghiệm sảng khoái giác quan và coi đó là hạnh phúc thực sự của ta. Phải chăng chúng ta đã coi  việc thưởng thức những điều sảng khoái đó là mục đích cuộc sống chúng ta hay sao? Chúng ta thường có khuynh hướng quên mất  và coi những điều sảng khoái giác quan đó tồn tại lâu dài. Điều đó đã khiến thân xác ta tàn tạ và khiến ta nhậy cảm trước bệnh tật và chết chóc. Tâm bất thiện thường đi kèm với vô minh. Ở vào những giây phút như vậy chúng ta không biết được mối nguy cơ do đã tích luỹ quá nhiều điều bất thiện.

Nếu chúng ta không tu luyện chánh kiến về các thực tại cuộc sống, chúng ta sống trong mơ mộng và ảo giác triền miên. Chúng ta ai cũng muốn đạt được hạnh phúc cho chính mình, nhưng chúng ta lại thiếu hiểu biết gì về điều thiện và điều bất thiện mang ý nghĩa gì. Như vậy chúng ta thường ngả theo chiều hướng giảm sút thực hiện điều thiện. Chúng ta đọc thấy điều này trong cuốn Tương Ưng Bộ Kinh-Gradual Sayings (cuốn VI ch VIII điều 10, đề cập đến ngày và đêm) như sau:

... Này chư Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu tuân giữ sáu điều, ngày tháng trôi qua, chỉ cần từ bỏ và kỳ vọng những điều chính đáng. Sáu điều nào thế? Đây, nếu Tỳ-khưu mong muốn thái quá, sẽ gây bực bội cáu kỉnh, không hài lòng với tứ vật dụng này hay tứ vật dụng nọ: Y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc men - thiếu niềm tin và nhân đức, Tỳ-khưu sẽ lười biếng, cẩu thả trong suy tư và thiếu sáng tạo.

Ôi Tỳ-khưu, nếu Tỳ-khưu tuân thủ sáu điều trên, ngày tháng qua đi chỉ cần từ bỏ. Nhưng kỳ vọng những điều chính đáng, không phải là tiến tới đó sao.

(Điều ngược lại sẽ xảy đến cho Tỳ-khưu không thuộc hạng người trên.)

Kinh Phật trên đây nhắc nhớ mọi người chúng ta cả chân tu lẫn người đời thường đó là: Nếu thiếu ý thức về hiện trạng đang diễn ra ngay tại lúc này và không có cách tu luyện thiền quán, ta sẽ sa sút trên đường nhân đức.

Khi Ngài còn là Bồ-tát, Đức Phật đã suy tư rất nhiều về cảnh sung túc trong cuộc sống, về cơ cực và cả cách thoát khỏi cảnh đời đó. Chúng ta đọc trong tác phẩm Tương Ưng Bộ Kinh -  Gradual Sayings (cuốn III ch. XI §101, trước kia) viết như sau:

Này chư Tỳ-khưu, trước khi đạt đến giác ngộ, lúc Như Lai vẫn còn là một Bồ-tát. Đây là điều đã xảy đến cho Như Lai: Như Lai đã tự hỏi điều thoả mãn trên đời này là gì vậy, đau khổ trên đời này là gì vậy và làm cách nào để thoát khỏi cảnh đó?

Thế rồi, này chư Tỳ-khưu, đây là điều đã xảy đến với Như Lai: Chính  điều kiện nhờ vào đó khoái lạc trên đời này xuất hiện, nhờ vào đó mà hạnh phúc trên đời này xuất hiện, - Sự thỏa mãn trên đời này chỉ là vô thường, là đau khổ, là đổi thay liên tục, - đây chính là đau khổ trên đời này. Đó là hạn chế, đó là tống khứ mọi mong muốn và dục vọng trên đời  này  -  và giải thoát lại  từ đó mà ra.

Việc “thoát tục” chỉ có thể thực hiện được qua tu luyện thiền quán. Tu luyện chánh kiến cuối cùng sẽ dẫn ta đến giải thoát khỏi mọi điều bất thiện và kết thúc mọi phiền não.

Tạng Vi Diệu Pháp dạy chúng ta rất chi tiết về tất cả các pháp bất thiện. Các pháp đó được đề ra không phải chỉ để đọc và nhớ nằm lòng. Nhưng các pháp đó còn là những thực tại trong cuộc sống đời thường và chúng cần phải am tường một cách trọn vẹn bằng cách ghi nhớ trong lòng. Làm thế chúng ta mới nhận ra được toàn bộ những phiền não rất tinh tế. Chúng ta sẽ nhận ra hành vi, lời nói và cả suy nghĩ  của ta để trở nên êm ái dịu dàng thường dễ bị tính vị kỷ thôi thúc. Điều này đã quá rõ, ví dụ như khi  muốn người khác quí mến ta để kỳ vọng nơi họ chút ân huệ hay lợi lộc. Tâm bất thiện thường hay thôi thúc hành vi cũng như lời nói chúng ta nhiều hơn là tâm thiện. Qua nghiên cứu Tạng Vi Diệu Pháp chúng ta thấy trong cuộc sống đời thường của ta thường hay nổi lên nhiều điều phiền não. Chúng ta học hỏi các khuynh hướng và chiều hướng của chúng ta về điều bất thiện chưa được biết đến trước kia.

Trong số các sở hữu đi kèm với tâm bất thiện, có ba loại thuộc căn bất thiện, nhân bất thiện(1). Những nhân này làm nền tảng cho các tâm bất thiện:

Tham hay tham lam, tiếng Pàli: Lobha (Tham)

Ác cảm hay sân hận, tiếng Pàli: Dosa  (Sân)

Ngu si, tiếng Pàli: Moha (Vô minh)

Ngoài những căn này còn có các sở hữu bất thiện khác đi kèm với tâm bất thiện, mỗi sở hữu lại có trạng thái và phận sự riêng: có mười hai tâm bất thiện và được phân loại theo căn của các tâm đó:

Tám loại tâm có căn tham, tức là tâm tham căn (Lobha-mula-citta).

Hai loại tâm có sân căn, tức là tâm căn sân (Dosa-mula-citta).

Hai loại tâm có si căn, tức là tâm si (Moha-mula-citta)[84].

Các tâm có căn tham  gồm có: Moha tức là vô minh hay ngu si và tham lam có tham là căn của chúng. Các tâm có căn sân, si và ác cảm, sân là căn cả hai, tâm có căn si lại là một căn duy nhất. Có vô minh với mỗi tâm bất thiện.

Các tâm bất thiện đi kèm với các sở hữu biến hành và với các sở hữu biệt cảnh, nhưng không phải tất cả các sở hữu biệt cảnh đều đi kèm với mỗi tâm bất thiện. Khi các sở hữu biến hành và các sở hữu biệt cảnh đi kèm với tâm bất thiện, chúng cũng trở nên bất thiện luôn. Có mười bốn sở hữu bất thiện có thể đi kèm với một tâm bất thiện duy nhất, nhưng không phải tất cả mọi sở hữu bất thiện đều  đi kèm mỗi tâm bất thiện đâu. Một số sở hữu bất thiện chỉ đi kèm với một vài loại tâm bất thiện mà thôi. Có mười hai loại tâm bất thiện, nhưng trong đó có rất nhiều tâm khác nhau vì lúc này lúc khác các tâm này thường phải đi kèm theo nhiều loại sở hữu. Tuy nhiên, các tâm bất thiện lại có nhiều mức độ khác nhau, chúng có thể hoặc không phải tăng cường để thôi thúc việc làm không lành mạnh, tức là nghiệp đạo bất thiện.

Lại có bốn loại sở hữu bất thiện phải xuất hiện với mỗi loại tâm bất thiện. Các sở hữu này được liệt kê như sau:

Vô minh (Ngu si), si (Moha)   

Vô liêm sỉ, vô tàm (Ahirika) vô úy (Anottappa)

Thao thức, phóng tâm  (Udhacca)

Một trong số các sở hữu này, tức vô minh hay ngu si là căn, ba loại khác không phải là căn. Cả bốn loại này đều phải hỗ trợ cho mỗi tâm bất thiện để thực hiện phận sự. Cho đến khi nào ta chưa tận diệt được các loại sở hữu này thì tâm bất thiện vẫn có thể xuất hiện. Chỉ có các bậc A-la-hán mới tận diệt được tận gốc bốn loại sở hữu này mà thôi. Chẳng còn điều kiện nào nơi vị A-la-hán để cho điều bất thiện có thể xuất hiện được nữa.

(1)  Có ba thứ nhân bất thiện và ba thứ nhân tịnh hảo (Sobhana).

[84] Xin xem Tạng Vi Diệu Pháp  trong cuộc sống đời thường. Abhidhamma in Daily life.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004