Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 11

HỶ (Piti)

 

Pháp hỷ (Piti) hay là hỷ, được dịch là sự nhiệt tình, điều say mê hay là trạng thái mê ly, là một sở hữu trong sáu “sở hữu biệt cảnh” xuất hiện với các tâm thuộc bốn chủng loại nhưng hỷ lại không xuất hiện với tất cả các tâm. Hỷ có thể là hỷ thiện, hỷ bất thiện, hỷ dị thục hay quả báo (Vipaka)  hay hỷ tố (Kiriya).

Khi liên tưởng đến hỷ, chúng ta cho hỷ luôn là điều thiện. Chúng ta khen ngợi những người có hỷ. Tuy nhiên khi nghiên cứu Vi Diệu Pháp chúng ta thấy hỷ không luôn là điều thiện, hỷ cũng xuất hiện kèm với tâm bất thiện. Trong cuộc sống chúng ta có quá nhiều tâm bất thiện và như vậy, khi hỷ xuất hiện thường thì có nhiều điều bất thiện hơn là điều thiện xảy ra. Chúng ta đã chẳng thấy nhiều điều thiện mà thực chất chỉ là điều bất thiện đó sao? Qua nghiên cứu Vi Diệu Pháp chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về điều thiện và điều bất thiện và những điều kiện khác nhau khiến chúng có thể có thể xuất hiện.

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga Chương IV. Trang. 94) cho chúng ta một định nghĩa về hỷ (piti) như sau:

... Nó (hỷ) khiến ta sảng khoái (Pinayati, nghĩa là làm vui lòng, làm thoã mãn), như vậy đó chính là hạnh phúc (Titi) [66] hoan hỷ lại có trạng thái làm sảng khoái (Sampiyayana)[67]. Hỷ có phận sự là làm sảng khoái thân xác và  tâm hồn; hay phận sự của nó là thâm nhập khắp (xúc động vì trạng thái đê mê). Hỷ được thành tựu như là sự phấn chấn...

Tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì I, phần IV chương.1, 115) cũng đưa ra cùng một định nghĩa tương tự về hỷ như thế[68].

Hỷ rất ảnh hưởng đến đối tượng tâm nhận ra hay xác định được và cũng được cảm nhận do những sở hữu đi kèm. Hỷ khiến cho ta hài lòng, sung sướng với đối tượng và khiến tâm và các sở hữu đi kèm “sảng khoái”.

Trong trường hợp tâm dục giới (Kamavacara citta) (các tâm thuộc lãnh vực giác quan), hỷ xuất hiện với các tâm thường có câu hành hỷ (Somanassa) tức là cảm giác sảng khoái đi kèm. Như vậy, bất kỳ lúc nào có câu hành hỷ hay cảm giác sảng khoái thì cũng có hỷ xuất hiện. Hỷ không phải là thọ hỷ, trạng thái và phận sự của hỷ hoàn toàn khác nhau. Hỷ không phải là thọ, tức thọ uẩn nhưng là hành uẩn, ngũ uẩn bao gồm tất cả các sở hữu ngoài trừ thọ và tưởng.

Thọ hỷ cảm nhận được hương vị của đối tượng, nhiệm vụ của nó chính là khai thác bằng cách này hay cách khác khía cạnh khêu gợi của đối tượng (Visuddhimagga  XVI, 128). Hỷ không thể cảm thọ, trạng thái của nó như chúng ta đã thấy, chính là sự mãn nguyện và phận sự của nó chính là làm cho ta sảng khoái tỉnh táo hoặc tăng thêm hăng hái cả thân lẫn tâm, hoặc tràn ngập cả hai với trạng thái đê mê sảng khoái. Hỷ còn ảnh hưởng đến đối tượng và vui mừng sảng khoái trước đối tượng đó. Hỷ lại có phận sự hết sức đặc biệt đang khi hỗ trợ cho tâm; phận sự của nó lại rất khác so với cảm giác.

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga IV, 100) giải thích: trong giai đoạn hành thiền bước một sự khác biệt giữa thọ lạc tức là lạc (Sukha) được dịch sang tiếng Anh là “bliss” có nghĩa là niềm hạnh phúc vô tận, còn  hỷ được dịch sang tiếng Anh chỉ đơn giản là “Happiness” mà thôi (nghĩa  là hạnh phúc) cả hai đều là các chi thiền. Chúng ta đọc thấy như sau:

Và bất cứ khi nào cả hai điều trên tương ứng với nhau thì hỷ chính là sự hài lòng khi chiếm đoạt được đối tượng hằng mong ước và lạc chính là cảm nhận thực sự đối tượng khi ta đã chiếm được. Khi đã có hỷ dứt khoát cũng sẽ có lạc; nhưng khi đã có lạc thì không nhất thiết đã có hỷ [69]. Hỷ bao gồm trong hành uẩn (Saíkhàrakkhandha), lạc bao gồm trong thọ uẩn (Vedanakkhandha). Nếu một người bị kiệt sức trong sa mạc nhìn thấy hoặc nói đến “cây cẩu” ở cuối cánh rừng, người này sẽ có hỷ; nếu người đó bước đi vào trong bóng mát rừng rậm và được tận dụng luồng nước mát mẻ, hắn sẽ có được lạc.

Có nhiều từ khác nhau được dùng để mô tả thọ hỷ và hỷ và như vậy sự so sánh vừa đề cập đến ở trên giúp chúng ta có được hiểu biết lý thuyết về hai thực tại này. Nếu ta niệm được những thực tại khi chúng vừa xuất hiện thì ta có thể phát triển được hiểu biết chính xác hơn những trạng thái của hai thực tại này. Tuy nhiên, chúng ta không nên tìm cách “hiểu” những thực tại đặc thù này. Nó hoàn toàn lệ thuộc vào những điều kiện nhờ đó mà pháp niệm được nhận ra.

Như chúng ta đã biết, trong trường hợp tâm dục giới, hỷ xuất hiện với các tâm  đi kèm thọ hỷ. Bất kể khi nào ta quan tâm đến đối tượng và thích thú điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ có thọ hỷ; trong những trường hợp như vậy không thể có thọ xả hay thọ ưu.

Trong trường hợp tâm bất thiện, hỷ xuất hiện với những tâm tham căn đi kèm với thọ hỷ[70], khi thọ hỷ đi kèm với tâm tham căn nó trở nên mãnh liệt hơn khi đi kèm với thọ xả. Hỷ xuất hiện chung với tâm tham căn lại kèm với thọ hỷ có dính dáng tới cảm giác khêu gợi, ta thấy thật thú vị, xúc động vì đối tượng đó. Thí dụ khi chúng ta hoàn toàn thích thú thưởng thức một đoạn nhạc hay, chúng ta có thể vỗ tay tán thưởng rất nhiệt tình. Khi chúng ta cảm phục một nhạc sĩ, một họa sĩ  hay một vận động viên thể thao nổi tiếng, tâm tham căn có thể xuất hiện trong nhiều sát-na chung với hỷ. Khi chúng ta gắn bó với một đối tượng với thọ lạc, hỷ cũng xuất hiện. Đối tượng có thể là một cảnh sắc đẹp, một âm thanh hay, một mùi thơm ngát, một vị ngọt ngào, cảnh xúc lạc hoặc một cảnh pháp hay được cảm nghiệm qua ý môn. Có rất nhiều sát-na hỷ bất thiện xuất hiện  chúng ta không  thể nhận ra được.

Hỷ không thể xuất hiện với tâm sân. Khi tâm sân xuất hiện, thì tâm không thích cảnh và rồi hỷ không thể xuất hiện cùng một lúc với tâm sân được. Hỷ không thể xuất hiện với tâm si; khi tâm si xuất hiện thì không thể hỷ được.

Trường hợp tâm vô nhân (Ahetuka citta)[71]. Chỉ có hai loại đi kèm với thọ hỷ xuất hiện với hỷ mà thôi: Một loại là tâm quan sát (Santirana-citta), tức là dị thục hay quả thiện xuất hiện và điều nghiên một cảnh[72] và tiếu sanh tâm (Hasituppada-citta), tức là tâm tạo ra nụ cười của vị A-la-hán.[73]

Khi thấy xuất hiện, do chỉ là một trong ngũ song thức tức là các nhận thức giác quan, nên khi thấy ta không có thọ hỷ hay hỷ với cảnh sắc đó, thấy chỉ đơn thuần là nhìn thấy đối tượng mà thôi, nếu như cảnh sắc được nhận ra đó là cảnh thật tốt, thì tâm quan sát trong qui trình đó sẽ điều nghiên đối tượng đi kèm với thọ hỷ và hỷ. Các tâm đổng lực trong qui trình đó có thể hoặc không đi kèm với hỷ. Nếu các tâm này đi kèm theo với thọ hỷ thì chúng cùng đi kèm với hỷ.

Đối với tâm dục giới tịnh hảo, chỉ có những loại đi kèm với thọ hỷ xuất hiện với hỷ mà thôi. Khi chúng ta giúp đỡ một người nào đó với tấm lòng đại lượng và đầy hoan hỷ, thì cả tâm thiện đi kèm với thọ hỷ đó cùng với hỷ sẽ tiếp sinh lực cho thân và tâm. Ngay cả khi mệt mỏi đã xảy ra trước đó, thì mệt mỏi đó cũng biến mất và chúng ta được sảng khoái. Khi chúng ta tụng kinh cảm giác sảng khoái đó cũng có thể xảy ra với tâm thiện đi kèm theo hân hoan và hỷ. Ở những sát-na như vậy chúng ta không còn cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi gì nữa. Đó là lúc hỷ xuất hiện và tạo ra mối quan tâm thích thú nơi đối tượng.

Có đôi khi chúng ta cảm thấy hân hoan và hỷ tràn trề khi giúp đỡ người khác, khi chúng ta loại bỏ được điều gì đó hoặc giả khi chúng ta đang thực hiện những điều thiện khác, nhưng chúng ta không luôn luôn có được niềm vui và hỷ ở những hoàn cảnh như vậy. Cũng có đôi lúc tâm thiện đi kèm với thọ xả, với xả, trong những trường hợp như vậy chúng ta không thấy hỷ xuất hiện. Điều này còn tuỳ thuộc vào những điều kiện hỷ có xuất hiện hay không nữa. Khi chúng ta đặt tin vững mạnh vào điều thiện và nhận ra điểm lợi của điều thiện đó lúc ấy có những điều kiện để cho hân hoan và hỷ xuất hiện đang khi chúng ta chuyên tâm vào điều thiện đó. Khi tâm thiện xuất hiện với thọ hỷ đi kèm thì hỷ tăng thêm sinh lực cho cho tâm và các sở hữu khác. Thí dụ như cần cũng được hỷ tăng cường thêm sức mạnh. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi hân hoan và hỷ với điều thiện xuất hiện, chúng ta cũng có thêm nghị lực để thực hiện điều thiện đó.

Hỷ lại còn có một khía cạnh khác: Nó có thể biến thành một Thất giác chi (Bojjhangas enlightenment factor). Như chúng ta đã thấy, các Thất giác chi khác gồm có: Chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, khinh an, định và xả[74]. Khi ta lu tuyện những Thất giác chi đó thông qua Đại Niệm Xứ, chúng sẽ dẫn ta đến thực chứng được Tứ diệu đế. Khi chúng ta mới bắt đầu niệm được danh pháp và sắc pháp, chúng ta không hy vọng có được các Thất giác chi đó để tu luyện. Chúng chỉ có thể phát triển được thông qua Đại Niệm Xứ mà thôi.

Tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì tr.75) đề cập đến những yếu tố tạo ra Thất giác chi pháp hỷ xuất hiện như sau:

...niệm về Đức phật, Pháp và Tăng già về giới luật, bố thí, chư Thiên (Deva), về Níp-bàn, tránh xa điều xấu (nghĩa là những người xấu), phục vụ người khiên tốn, niệm kinh Phật sẽ giúp ta thấm nhuần niềm tin và khuynh hướng về tất cả những điều tốt lành đó.

Khi chúng ta niệm kinh Phật, suy gẫm và tìm ra ý nghĩa bằng cách niệm được những Pháp chính Đức Phật đã luôn giảng dạy, chúng ta có thể chứng minh được chân lý về những giáo lý của ngài. Như vậy thì niềm tin nơi Đức Phật của chúng ta, nơi Pháp và Tăng già có thể phát triển trong ta và chúng ta sẽ được truyền cảm hứng để tiếp tục tu luyện Bát chánh đạo. Cần có những điều kiện để cho hỷ xuất hiện giúp tiếp sinh lực cho  tâm và các sở hữu đi kèm. Cũng vậy hỷ có thể trở thành đối tượng của niệm để trí tuệ nhận ra điều đó không phải là “bản ngã”. Chúng ta nên nhớ rằng thiếu tu luyện Niệm Xứ thì hỷ giác chi và các Thất giác chi khác sẽ không phát triển được.

Chúng ta đọc thấy trong kinh “Mahanama” (Tương Ưng Bộ Kinh -  Gradual Sayings, cuốn 6, chương I §10) là đức Phật đã nhắn nhủ Mahanama niệm Phật, Pháp và Tăng, giữ giới luật, thực hiện bố thí và niệm chư Thiên, tức là những đức tính tốt. Theo Thanh Tịnh Đạo thì Mahanama là một vị thánh Nhập lưu và như vậy, ngài đã đạt đến chánh niệm danh pháp và sắc pháp và ngài đã không còn coi bất kỳ pháp nào là bản ngã của riêng  mình nữa. Chúng ta đọc thấy như sau:

... Này Mahanama, bất kể khi nào người đồ đệ bậc Như Lai (Tathagata), thì không bao giờ dục vọng có thể tràn ngập tâm của ngài được nữa. Sân hận cũng không thể xâm chiếm lòng ngài được, và chẳng bao giờ ảo tưởng còn có thể thâm nhập tâm ngài nữa; quả thực, đó là cách tâm hồn các ngài nhắm thẳng mà tiến bước nhân danh Như Lai. Và với tâm đã được nhắm thẳng hướng, Mahanama, người đồ đệ bậc thánh đó trỏ nên thành tâm trước mục tiêu, trước Phật Pháp và thắng được hân hoan gắn liền với  Pháp và như vậy hỷ của ngài phát sinh; khi tâm ngài đã tràn đầy hoan hỷ, toàn thể con người của ngài đạt đến tịnh; có tâm bình yên, ngài cảm nhận được thanh thản. Thanh thản trong tâm hồn; khi tâm trí ngài đê mê trong niềm hân hoan thú vị, ngài cảm nghiệm được thoải mái và khi đã an nghỉ trong thoải mái thì tâm hồn ngài đạt đến điềm tĩnh.

Mahanama, được nói đến như là một đồ đệ bậc thánh, giữa những người thất thường ngài đã sống thật bình thản. Giữa những người bồn chồn lo lắng ngài đã sống hết sức thản nhiên, lắng tai nghe Phật pháp. Ngài đã chiến thắng, ngài đã trở thành một con ngươi luôn luôn được Đức Phật chú tâm tới.

Ta cũng thấy một số hồi ký khác cũng đề cập đến những vấn đề tương tự như vậy. Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga VII, tr. 121) thì chỉ có người đồ đệ bậc thánh mới tu luyện thành công được những đề mục niệm Phật vừa nêu trên, vì những người phàm nhân không thể thực sự tìm hiểu được ý nghĩa các đề mục thiền đó. Nếu chúng ta chưa đạt đến giác ngộ làm sao chúng ta có thể biết đạt đến giác ngộ mang ý nghĩa gì và làm thế nào hiểu được “Phật” mang ý nghĩa gì? Tuy nhiên, kể cả những người không thuộc bậc thánh (phàm nhân) cũng có thể nghĩ đến “Phật” với niềm tin và rồi hỷ cũng vẫn có thể xuất hiện.

Chúng ta không thể khiến hỷ thiện xuất hiện được, hỷ thiện chỉ có thế xuất hiện khi có đủ điều kiện thuận lợi. Ngay khi hỷ thiện đã sinh và diệt thì tức khắc thủ (Upadana) buộc phải xuất hiện. Chúng ta có thể cảm thấy rất hài lòng về “điều thiện của chúng ta” và chúng ta cảm thấy đạt được hỷ là điều vô cùng quan trọng. Chúng ta thường nghĩ hỷ có thể tồn tại, nhưng trong thực tế hỷ diệt ngay tức khắc sau khi đã xuất hiện. Điều cơ bản là phải nhận ra sự khác biệt giữa tâm thiện và tâm bất thiện; chính vì vậy chúng ta sẽ thấy được không phải lúc nào tâm thiện cũng có thể xuất hiện, ngay cả khi chúng ta cứ tưởng mình đang làm điều thiện. Chúng ta có thể kỳ vọng những điều sảng khoái đến từ những người khác, chúng ta thích được người khác khen ngợi, chúng ta muốn chứng tỏ cho họ biết các đức tính tốt và hiểu biết của chúng ta, hoặc giả chúng ta thích gắn kết với nhóm người đó. Các phiền não thường đâm rễ sâu nơi ta và thường xuất hiện bất kể khi nào có thời cơ thuận tiện. Có quá nhiều đối tượng có thể ảnh hưởng đến tham và tham lại có thể do câu hành hỷ hay thọ hỷ và hỷ đi kèm. Hỷ bất thiện có thể xuất hiện ngay sau khi hỷ thiện và rất khó phát hiện ra những khác biệt  giữa hai loại hỷ này. Chúng ta có thể cảm thấy thất vọng khi khám phá ra rằng tâm bất thiện lại nhiều hơn tâm thiện, nhưng ngay sát-na chúng ta khám phá ra tâm bất thiện thì tức khắc cũng có chánh kiến. Vào những sát-na như vậy tâm trở thành tâm thiện và không còn ác cảm hay cảm giác nản lòng thất vọng nữa.

Không chỉ có các tâm đại thiện (Maha-kusala-citta), tâm thiện thuộc dục giới mới đi kèm với câu hành hỷ, tức là thọ hỷ mới xuất hiện với hỷ thôi đâu, nhưng còn cả tâm đại quả (Maha vipakacitta) và tâm đại tố  (Kiriyacitta) đi kèm với câu hành hỷ cũng xuất hiện cùng với hỷ. Liên quan đến tâm đại quả, những tâm này do nghiệp tạo ra, và như vậy lại tuỳ vào nghiệp tạo ra đại tâm quả, cho dù có nghiệp đó có đi kèm với câu hành hỷ và hỷ hay không. Trong số những ai phải tái đầu thai với tâm đại quả, thì một số lại sinh ra với câu hành hỷ và hỷ, số khác sinh ra với xả và trong trường hợp đó sẽ không có hỷ đi kèm. Nếu chúng ta được tái sinh với câu hành hỷ tức là với thọ hỷ và hỷ thì  tất cả các tâm hộ kiếp của cuộc sống đó cũng như cả tâm tử cũng được kèm với câu hành hỷ tức thọ hỷ và pháp hỷ[75].

Hỷ lại có nhiều cường độ khác nhau. Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga IV, 94) và Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì  I Ph IV, ch.I. 115-116) giải thích: có năm loại hỷ. Chúng ta đọc thấy trong Thanh Tịnh Đạo như sau:

...Nhưng chúng ta thấy hỷ có năm loại như: Tiểu đản hỷ, sát-na hỷ, hỉa triều hỷ, khinh thăng hỷ, và sung mãn hỷ.

Ở đây tiểu đản hỷ chỉ đủ sức làm ta dựng tóc gáy lên. Sát-na hỷ giống như tia chớp xuất hiện vào những sát-na khác nhau. Hỉa triều hỷ ra tan biến trên thân xác ta liên tục như sóng biển dập vào bờ. Khinh thăng hỷ mạnh đến nỗi có thể nhấc bổng cơ thể ta lên, và khiến cho nó bay bổng lên không trung.

Nhưng một khi sung mãn hỷ xuất hiện, toàn bộ thân xác ta được tràn ngập hạnh phúc đó giống như một quả bóng bơm căng, giống như cơn đại hồng thủy tràn ngập các hang động vách đá  (IV-98).

Hỷ có khả năng điều khiển các hiện tượng thân thể. “Khinh thăng hỷ” là loại hỷ thứ tư, có khả năng nâng bổng thân xác chúng ta. Thanh Tịnh Đạo và Chú giải Bộ Pháp Tụ đã đưa ra một ví dụ: Đó là trường hợp một phụ nữ trẻ bị cha mẹ từ chối không cho đến chùa để nghe Phật Pháp (quy Phật). Nàng ta hướng mắt nhìn vào chùa dưới ánh trăng mờ ban đêm, nhìn thấy nhiều người đang đảnh lễ và hành thiền vòng quanh chùa lại nghe thấy cả tiếng tụng kinh vang xa. Thế rồi khinh thăng hỷ xuất hiện khiến cô nhẩy bổng lên không trung và đến chùa trước khi cha mẹ cô tới.

Trong trường hợp có tâm dục giới, hỷ luôn xuất hiện chung với câu hành hỷ tức là thọ hỷ. Trong trường hợp tâm thiền xuất hiện, thì điều này không hoàn toàn giống như trên. Hỷ là một trong số các chi thiền được tu luyện với thiền chỉ để có thể ngăn chặn các triền cái[76]. Hỷ ngăn chặn triền cái là sân tức ác ý. Khi tạo được khoái cảm nơi đề mục thiền thì không thể có ý xấu, không lành mạnh hay nhàm chán. Như chúng ta vừa mới đọc, có tới năm loại hỷ với các cường độ khác nhau. Loại hỷ thứ năm “sung mãn hỷ” có cường độ mạnh nhất, chính là “căn (cội rễ) say mê” và loại hỷ này phát triển nhờ việc liên kết với sự say mê theo như Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga. IV, 99) kể lại.

Ngay ở giai đoạn thiền sắc giới thứ nhất (Rupa-jhana), tất cả năm chi thiền xuất hiện với tâm thiền (Jhana-citta). Ở mỗi giai đoạn chi thiền cao hơn tâm thiền trở thành tinh tế hơn và càng tĩnh hơn và các chi thiền đã lần lượt bị loại bỏ. Ở giai đoạn thứ hai (trong hệ thống Ngũ thiền), tầm bị loại bỏ và ở giai đoạn thứ ba đến lượt tứ, ở vào giai đoạn này chỉ còn có ba chi thiền còn lại đó là: Hỷ tức là lạc và định. Ở giai đoạn thứ tư, hỷ bị loại bỏ nhưng thọ lạc vẫn còn xuất hiện. Trong trường hợp có tâm dục giới xuất hiện, hỷ nổi lên bất kỳ lúc nào có thọ hỷ, nhưng điều này không phải như vậy trong trường hợp tâm thiền xuất hiện ở giai đoạn thiền thứ tư. Tâm thiền khi không còn hỷ đi kèm thì tĩnh và tinh tế hơn. Loại hỷ bị loại ra trong giai đoạn này lại chính là “sung mãn hỷ” có cường độ cao nhất. Người nào cảm nghiệm được loại hỷ này và có thể đạt đến trước được thì thật đáng hoan nghênh như ta thấy được đề cập đến trong Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì I, Phần V chương, III, 175).

Ở giai đoạn thiền sắc giới cao nhất (giai đoạn thứ tư trong hệ thống thiền bốn bậc và giai đoạn thứ năm trong hệ thống năm bậc), chi thiền lạc đã bị loại bỏ và hỷ không xuất hiện ở giai đoạn này nữa. Đối với các tâm vô sắc giới thì các tâm này cũng giống y hệt như các tâm sắc giới ở giai đoạn thiền sắc giới cao nhất, và như vậy các tâm này không đi kèm với hỷ nữa. Còn đối với tâm siêu thế, các tâm này không luôn đi kèm với hỷ, điều này còn tuỳ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau[77].

Có nhiều loại hỷ khác nhau khi đi kèm với những loại tâm khác nhau. Hỷ đi kèm theo với tâm tham căn thì hoàn toàn khác với hỷ đi kèm theo với tâm thiện. Hỷ đi kèm theo với tâm thiền cũng rất khác biệt. Như chúng ta đã thấy sung mãn hỷ, loại hỷ thứ năm là mức độ cao nhất, cũng lại là “cội rễ mọi thu hút”. Hỷ là giác chi và hỷ này phát triển thông qua danh pháp và sắc pháp cũng lại khác biệt so với tất cả các loại khác. Chúng ta đọc được trong  kinh tạng Tương Ưng Bộ Kinh-- Kindred Sayings (IV, Salayataqna-vagga, ph II, viết về thọ, ch. III điều 29, viết về thanh tịnh và giải thoát khỏi mùi hôi thối xác thịt.) viết về “điều vui thú”, hỷ có thể thuộc vật chất, hỷ không thuộc vật chất, và  hỷ ít thuộc vật chất hơn:

Này chư Tỳ-khưu, thế thì  hỷ, tức  điều vui sắc dục thì sao?

Này chư Tỳ-khưu, có tới năm dục lạc. Năm điều đó là gì vậy?  Đó là những cảnh sắc do mắt nhận thấy, những cảnh khêu gợi, sảng khoái dễ chịu, thích thú và yêu thích, đam mê tình dục, kích dâm dục... có cảnh thinh tai nghe được... mũi ngửi thấy... lưỡi nếm được... lại có cả những cảnh xúc do thân xác  nhận ra, các cảnh xúc, ước ao thấy và dễ chịu... Này chư Tỳ-khưu, đây là năm yếu tố lạc. Thế nên, này chư Tỳ-khưu, bất kỳ điều vui thú nào nổi lên do năm yếu tố trên được gọi là “thú vui xác thịt.”

Rồi chúng ta lại đọc được có những thú vui “không thuộc thú vui xác thịt” đó là những hỷ đi kèm với tâm thiền. Vào giây phút tâm thiền xuất hiện thì vui thú nhục dục tạm thời lắng dịu đi, con người ta không mê đắm với những “yếu tố sắc dục” nữa. Chúng ta lại đọc được về  điều vui thú kém phần nhục dục hơn các loại khác như sau:

... và này chư Tỳ-khưu, thế điều vui thú kém phần nhục dục là thế nào? Điều vui thú nổi lên nơi vị Tỳ-khưu đã diệt được lậu hoặc (asavas)[78], những ai có thể thấy lòng mình đã được giải thoát khỏi thói dâm ô – thì điều vui thú đó. Này Chư Tỳ-khưu, được gọi là “điều thú vị ít dâm dục hơn đó vậy.”

Cũng như vậy khi bàn về khoái lạc, rửng rưng và “buông thả” có thể liệt kê là thú nhục dục, không nhục và ít nhục dục hơn. Từ “còn ít nhục dục hơn” ám chỉ đến A-la-hán, những người đã diệt được tất cả mọi hình thức tham lam đến nỗi những tham lam này không thể xuất hịên được nữa. Kinh Phật này cảnh giác chúng ta là hãy coi chừng những thực tại xuất hiện thông qua nhiều “môn” khác nhau cùng một lúc. Chúng ta thường hay bị người và vật cuốn hút đến nỗi quên mất rằng chúng chỉ là những Pháp (thực tại), chứ không phải là những khái niệm. Không phải là “một con người” chúng ta có thể cảm nhận được bằng mắt, nhưng đó chỉ là một loại sắc pháp, một cảnh sắc và không thể tồn tại. Các cảnh chúng ta cảm nghiệm được thường lôi cuốn chúng ta và chúng ta không thể nhận ra khi nào là “hỷ nhục dục”, tức hỷ thuộc loại sắc dục có thể xuất hiện thông qua sáu “môn”, tức là những cảnh chúng ta có thể cảm nghiệm được. Kinh này còn chứng minh được những hỷ khác nhau khi chúng xuất hiện với các tâm khác nhau. Hỷ do pháp đi kèm chi phối và rồi lại chi phối cả các pháp đi kèm. Hỷ chính là pháp hành không phải là ngã. Chúng ta cảm thấy rất khó biết được khi nào là hỷ thiện và khi nào thì hỷ bất thiện, nhưng qua chánh niệm được hỷ đó, khi nó xuất hiện thì trạng thái của hỷ đó có thể được biết chính xác hơn.

 

Câu hỏi:

  1. Khi chúng ta tặng cho ai đó một món quà và có câu hành hỷ hay là thọ hỷ xuất hiện, lúc đó pháp hỷ cũng xuất hiện luôn có phải không?
  2. Nhiệm vụ của pháp hỷ làm gì khi nó xuất hiện với tâm thiện?
  3. Khi chúng ta giúp đỡ một người nào đó với thọ hỷ và hỷ, liệu lúc nào cũng có pháp hỷ thiện xuất hiện hay không?
  4. Làm sao chúng ta có thể phân biệt được pháp hỷ thiện và pháp hỷ bất thiện?
  5. Pháp hỷ có xuất hiện với mỗi tâm thiện hay không?
  6. Pháp hỷ xuất hiện với bao nhiêu loại tâm tham căn (lobha-mula-citta)?
  7. Loại tâm quả nào được đi kèm theo với pháp hỷ?
  8. Có phải pháp hỷ luôn xuất hiện chung với thọ hỷ. Bất kể nó thuộc tâm cõi nào pháp hỷ lại đi kèm theo?
  9. Pháp hỷ có thể trở thành một giác chi. Làm thế nào chúng ta có thể vun đắp giác chi pháp hỷ được?
  10. Những chi thiền nào có thể chi phối được tâm thiện đi kèm theo với pháp hỷ và somanassa?
  11. Làm sao những niệm (thiền) về ân đức Phật, về Pháp và về Tăng có thể giúp chúng ta, ngay cả những Phật tử bình thường chưa thực sự hiểu được ý nghĩa “Phật tính” Phật, Pháp và Tăng là gì?  Điều đó giúp ích ta bằng cách nào?
 

[66] Pinayati chính là nguyên nhân của pineti có nghĩa là làm vui lòng, làm khoan khoái, làm thoả mãn hay là tăng thêm hăng hái.

[67] Bản dịch tiếng Anh ở đây dùng chữ endearment có nghĩa là được quí chuộng.

[68] Hãy xem thêm tác phẩm Pháp tụ (Dhammasangani).

[69] Trong trường hợp có tâm sắc giới (Rupavacara citta) trong giai đoạn thiền thứ tư (trong hệ thống thiền 5 bậc) đi kèm theo với các thọ lạc, lạc, nhưng không phải là pháp hỷ.

[70] Xem tác phẩm Vi Diệu Pháp trong cuộc sống đời thường (Adhidhamma in the daily life) chương 4.

[71] Xem tác phẩm Vi Diệu Pháp trong cuộc sống đời thường chương 8 và 9.

[72] Xem tác phẩm Vi Diệu Pháp trong cuộc sống đời thường chương 13.

[73] Xem tác phẩm Vi Diệu Pháp trong cuộc sống đời thường, ch. 9.

[74] Xem chương 9 nói về tinh tấn (viriya).  

[75]  Xem Vi Diệu Pháp trong cuộc sống hàng ngày (Abhidhamma in Daily Life).

[76] Các chi thiền khác nữa là: Tầm (Vitakka), tứ (Vicara), lạc (Sukka) và định (Samadhi).

[77] Xin đọc Chú giải Bộ Pháp Tụ (II phần VIII chương I, 228) và Visuddhimagga XXI, 122. muốn biết thêm chi tiết về cân đi kèm với hỷ xin đọc phụ lục 5.

[78] Asavas hay là những nguyên nhân đồi bại là một nhóm những điều ô uế vẩn đục được phân loại ra.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
21-08-2004