Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 10

CHÁNH TINH TẤN BÁT CHÁNH ĐẠO

(Samma Vayama Ariyatthangikamagga)

Như chúng ta đã thấy trong chương 9, có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự xuất hiện tinh tấn thiện (Kusala viriya), tức chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là một trong số các chi Bát chánh đạo khi đi kèm với chánh kiến (Sammà-ditthi) và chánh niệm (Samàsati) thuộc Bát chánh đạo và như vậy chúng ta gọi điều đó là chánh tinh tấn (Samà-vàyàma). Đây là một loại cố gắng hay cần không dành để hành niệm trong tương lai, nhưng lại là cần giúp cho niệm ngay tại giây phút hiện tại này. Khi chánh niệm bất kỳ trạng thái nào xuất hiện ngay tại sát-na này, thì chánh tinh tấn cũng xuất hiện kèm theo với tâm ngay tại sát-na đó.

Chúng ta cũng nhận thấy niệm không xuất hiện thường xuyên. Hình như chúng ta thiếu tính “khẩn trương” đích thực, đó chính là nguyên nhân sâu xa để chánh tinh tấn xuất hiện theo như Chú giải Bộ Pháp Tụ và Thanh Tịnh Đạo đã đề cập đến ở trên.

Thanh Tịnh Đạo diễn giải bằng cách nào ta có được tính “khẩn trương” mạnh mẽ hơn, và ta phải động viên tâm như thế nào để có được tính “khẩn trương đó”. Chúng ta đọc thấy như sau:

Bằng cách nào người đó động viên được tâm trong trường hợp cần động viên thôi thúc? Khi tâm tỏ ra bơ phờ mỏi mệt do uể oải trong tu luyện trí năng, hay thất bại không đạt được bình an tâm hồn. Những lúc như vậy người đó cần khích động trí năng bằng cách duyệt xét lại tám cơ sở kích hoạt tính “khẩn trương” đó. Tám cơ sở đó gồm bốn điểm cụ thể là: Sinh, lão, bệnh, tử, cộng với đau khổ do những hiện trạng mất mát gây ra là điểm thứ năm, cũng phải kể đến đau khổ quá khứ đặt căn nơi vòng luân hồi (tái sanh) đau khổ tương lai đặt cội rễ trong vòng luân hồi và đau khổ hiện tại do phải tìm kiếm vật thực nuôi thân. Đồng tạo niềm tin bằng cách nhớ niệm những ân đức đặc biệt nơi Đức Phật, nơi Giáo Pháp và nơi công thể (tu trì) Tăng- già (đó là Tam Bảo). Đây chính là phương cách người đó động viên tâm vào những thời điểm cần động viên thôi thúc.

Những “hiện trạng tổn thất” đề cập đến trong Thanh Tịnh Đạo chính là những hiện trạng tái sanh (Rebirth) đã tước mất định mệnh hạnh phúc (Visudhimagga XI tr. 92, 93). “Hiện trạng tổn thất” có thể là phải tái sinh nơi “cõi Súc sinh”, nơi “cõi Ngạ quỷ”, nơi “cõi A-tu-la” (Asura) hay nơi “cõi Địa ngục”.

Cuối cùng ngay giây phút hiện tại này chánh niệm có thể giải thoát ta khỏi nguy cơ tái sanh. Chúng ta có thể suy nghĩ do sợ hãi kiếp tái sanh vào khổ cảnh và như vậy tâm bất thiện cộng với sân, tức vô niệm lại xuất hiện. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng ngay cả sợ hãi cũng có thể trở thành đối tượng của chánh niệm. Ngay sau khi tâm sân diệt, niệm có thể sinh và nhờ đó ta có thể tỉnh thức được bất kỳ trạng thái nào xuất hiện ngay trong sát-na đó, bất kể đó là một đối tượng khó chịu hay tâm bất thiện. Khi chánh niệm xuất hiện thì cũng có luôn chánh tinh tấn.

Rất có thể chúng ta luôn nghĩ đến tính “khẩn trương” cần có niệm đi kèm, nhưng dẫu sao, chúng ta thấy rằng niệm ít khi xuất hiện. Chúng ta hay tỏ ra thiếu kiên trì và khó kiên trì tu luyện Đại Niệm Xứ. Kinh Phật đề cập khá nhiều đến yếu tố gây trở ngại cho “nỗ lực, chuyên tâm, phấn đấu”. Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (cuốn 10 Chương II §1 bàn về những cản ngại) có năm điều cản trở khiến cho những đức tính hoàn hảo phải suy sụp:

Trong trường hợp này, khi một vị Tỳ-khưu tỏ ra hoài nghi và dao động về bậc Đạo Sư của mình, không bị lôi cuốn, không tin tưởng bậc Đạo Sư của mình...

Lại nữa, hỡi này chư Tỳ-khưu, vị Tỳ-khưu có thể hoài nghi Phật pháp, không tin tưởng cộng thể Tăng-già (là phẩm trật của Tỳ-khưu), hoài nghi cả việc lu tuyện.....vị Tỳ-khưu đó tỏ vẻ bực tức với bạn bè trong cộng thể Tăng-già, không hài lòng, nghi kỵ, và muốn hồi tục. Một vị Tỳ-khưu như vậy, đâu còn tâm nào để nỗ lực, chuyên tâm và phấn đấu đạt đến bền đỗ...

Chúng ta có thể hoài nghi cả sự tồn tại của “Thánh Tăng” gồm những người đang tu luyện Bát chánh đạo và đạt đến giác ngộ. Chúng ta có thể hoài nghi lợi ích niệm mang lại lúc này, niệm các cảnh sắc, cảnh thinh, hay bất kỳ pháp nào khác đang xuất hiện nhằm mục đích gì. Ngay khi hoài nghi dứt khoát chánh tinh tấn sẽ không xuất hiện.

Hoài nghi sẽ giảm thiểu và niềm tin được tăng thêm, nếu chúng ta lắng nghe Phật Pháp do những người công chính diễn giải, nếu chúng ta tụng kinh niệm Phật, nếu chúng ta cân nhắc những gì đã học hỏi và tự mình thử nghiệm ý nghĩa kinh Phật đó nơi bản thân. Chúng ta có thể minh chứng chân lý đó nơi những gì chúng ta đã học bằng cách chuyên tâm vào Phật Pháp trong cuộc sống hàng ngày.

Những kinh Phật được trích ở trên lại đề cập đến năm “cảnh tù túng tâm hồn” đang ngăn cản ta tu luyện các phẩm chất tốt:

...Đây là trường hợp một vị Tỳ-khưu không bình thản trước những khoái cảm nhục dục; ước muốn, tình cảm yêu đương; thèm khát, buồn khổ và tham lam chưa biến khỏi con người đó...

Lại nữa ngay trong thân xác bất ổn đó; vị Tỳ-khưu lại tỏ ra thèm  muốn các của cải vật chất; Tỳ-khưu đó ăn uống say Tỳ-khưu đầy bụng, sống buông thả trước khoái cảm nằm nghỉ an nhàn thoải mái, làm mồi cho thái độ lơ mờ; hay vị Tỳ-khưu đó dấn thân vào cuộc sống Phật pháp với dụng ý tham gia vào hàng ngũ chư Thiên, với dụng ý: Nhờ cách sống, việc tu luyện, nhờ khổ hạnh hoặc nhờ cuộc sống Phạm thiên tôi sẽ trở thành một chư Thiên này nọ. Bất kể chư Tăng đó... nhắm tới điều gì đi chăng nữa, thì tâm của ông sẽ không thiên về cố gắng, chuyên tâm, bền đỗ và phấn đấu....

Những sảng khoái trong cuộc sống sẽ khiến ta cuồng dại. Trong những khoảng khắc như vậy chúng ta quên không còn tu luyện Niệm Xứ (satipatthana) nữa. Chúng ta đọc thấy trong kinh Phật: nơi một vị Tỳ-khưu đã loại bỏ được cản trở trí tuệ và những “cảnh tù túng tâm hồn”, vị Tỳ-khưu đó sẽ tìm kiếm “thăng tiến, chứ không phải suy sụp” nơi những hiện trạng tốt lành đó. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng không phải tất cả các trở ngại đều có thể thắng vượt ngay được. Ngay cả bậc thánh Tu-đà-hườn (Sotapanna) đã từng tận diệt được hết các hoài nghi đó và đã đặt niềm tin không lay chuyển nơi Tam Bảo (Triple Gem) cũng vẫn còn thèm muốn dục lạc. Nhưng vị đó không còn tà kiến, không coi tham lam hay dính bén bất kỳ của gì thuộc “bản ngã” nữa, bậc thánh đó đã tu luyện chánh kiến về mọi thực tại, kể cả pháp bất thiện, bằng cách lưu ý ngay tới các thực tại đó lúc xuất hiện. Vị thánh Nhập lưu (Sotapanna) không còn xa rời khỏi Bát chánh đạo nữa. Chính vì ngài đã nhận ra chân lý đó là mọi thực tại trên đời này đều chỉ là “vô thường và đau khổ” , nỗi bức xúc hầu giải thoát khỏi đau khổ không xuất phát từ hiểu biết mang tính lý thuyết về chân lý đau khổ nữa, nhưng từ việc thể hiện trực tiếp chân lý đau khổ đó. Vị đó đã hiểu được ý nghĩa của nỗi bức xúc đó khiến cho ngài bền trí trong tu luyện Bát chánh đạo.

Khi chúng ta mới khởi sự tu luyện Đại Niệm Xứ (Satipatthana), niệm không xuất hiện thường xuyên đâu. Chúng ta rất muốn biết phải cần bao nhiêu năm  trước khi đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Khi chúng ta liên tưởng đến mục tiêu với mong muốn vững vàng hay khi chúng ta lo sợ bị thất bại, tức khắc tâm bất thiện xuất hiện. Rất có thể chúng ta không nhận ra có bất kỳ tiến bộ nào, nhưng ngay cả khi ta không nhận ra bất kỳ sát-na chánh niệm nào xuất hiện qua một trong sáu “môn” thì chánh kiến vẫn có thể phát triển dần dần. Lúc đó  niệm sinh rồi diệt, nhưng không bao giờ mất được. Niệm lại trợ duyên ngay một niệm khác xuất hiện trở lại. Thay vì ước muốn đạt đến giác ngộ, chúng ta nên xem xét giá trị chánh kiến xuất hiện  ngay tại sát-na đó.

Khi niệm xuất hiện, tức khắc đi kèm theo là cần thiện, tức là chánh tinh tấn, nhằm thực hiện nhiệm vụ tăng cường và hỗ trợ tâm và các sở hữu đi kèm, và như vậy ta có được bền đỗ để tu luyện chánh kiến. Cần phải có kiên trì và can đảm rất nhiều, ngay cả đến sức chịu đựng ngoan cường anh hùng để duy trì được ý thức trước tất cả mọi pháp xuất hiện, kể cả pháp bất thiện mà chúng ta thường xa lánh.

Chánh kiến không thể tu luyện được ngay trong một thời gian ngắn. Chính đức Phật, khi còn là một vị Bồ-tát, đã phải mất một thời gian dài để tu luyện tuệ giác. Ngài đã tu luyện Niệm Xứ rất kiên trì và với một nghị lực phi thường. Cần là một trong số những “Pháp độ” ngài đã tu luyện chung với Niệm Xứ. Ngài muốn đấu tranh và phấn đấu trong một thời gian dài, không tiêu tan những kỳ vọng trước tất cả những lao nhọc và đau khổ phải gánh chịu, tất cả chỉ vì hạnh phúc cho chúng sinh mà thôi,

Pháp Tụ (Dhammasangani §13) khi mô tả về “cần quyền”, đã đề cập đến “nhiệt huyết và nhuệ khí, sinh lực và tính ngoan cường”, “hiện trạng chịu đựng không nao núng, không chùn bước và am hiểu vững vàng gánh nặng phải chịu đựng.”  Vị Bồ-tát, khi gần tới cuối đời ngồi thiền dước gốc cây Bồ-đề, đã có được sức chịu đựng không chùn bước, ngài đã không bỏ qua nhiệm vụ phải hoàn thành. Sinh lực và tính ngoan cường của ngài không vượt hơn được. Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh -  Gradual Sayings (cuốn II chương I §5) Đức Phật đã nói với  Tỳ-khưu là ngài đã không chùn bước trước trận chiến và ngài đã chiến đấu như vầy:

Thật sung sướng biết bao cho dù da thịt tôi, cơ bắp tôi và cả xương cốt tôi phải héo mòn và ngay cả thân xác và máu huyết tôi phải khô héo, chỉ cần tôi có thể chịu đựng được cho đến khi tôi vượt thắng điều phải thắng vượt với sức mạnh, nghị lực và cố gắng nhân loại này. Này chư Tỳ-khưu, nếu do nỗ lực nghiêm túc nhất mà tôi đạt đến giác ngộ, thì tôi đã chiến thắng trận chiến và được giải thoát khỏi  mọi ràng buộc.

Nhiều đệ tử của Đức Phật đã tu luyện Bát chánh đạo và cũng đã đạt đến giác ngộ. Tuy nhiên họ cũng còn phải tích luỹ chánh kiến trong nhiều cuộc sống để có thể đạt đến giác ngộ. Khi chúng ta đọc đời sống đệ tử của Đức Phật trong cuốn “Thera-therìgàthà” (Trưởng lão Tăng Trưởng lão Ni kệ) chúng ta cũng nhận thấy, như chúng ta, họ đã phải trải qua những giai đoạn trì trệ liên quan đến việc tu luyện Niệm Xứ. Tuy nhiên, những biến cố trong đời thường của họ đã khuấy động lên nơi họ và nhắc nhớ họ tính “khẩn trương” nhằm tu luyện chánh kiến.

Chúng ta đọc thấy Đại-đức Uttiya (Thera-gatha 30) đã không tuân giữ lòng tinh khiết theo giới luật và không thể đạt đến giác ngộ. Đức Phật đã dạy ngài Đại-đức ngắn gọn về giới tịnh và kiến tịnh[65], Uttiya đã tu luyện thiền quán và rồi ông ta đã ngã bệnh. Bài bình luận viết về Đại-đức Thera-gatha (tác phẩm Paramatthadipani) kể lại: “Trong cơn buồn khổ ông ta đã dùng hết sức lực của mình và ông đã đạt đến bậc A-la-hán”. Ngài Uttiya đã thốt lên những vần thơ nhân biến cố đã quấy động trong ông tiếp tục tu luyện thiền quán cho đến khi đạt đến mục tiêu như sau:

Vì bệnh tật đã xảy đến trong tôi,

Ôi ! Chớ gì niệm đích thực cũng xuất hiện

Bệnh tật đã xảy đến trong với tôi

Dịp này không thể bỏ qua hay là chậm trễ.

Bệnh tật cũng nhắc nhở chúng ta không thể làm chủ được thân xác mình, cái chúng ta coi như là “thân” hay “tâm” của chúng ta chỉ là sắc pháp và danh pháp vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ suy nghĩ về danh pháp và sắc pháp, chúng ta sẽ không thể hiểu được thực chất những thực tại đó là gì. Chánh niệm được những thực tại xuất hiện vào lúc này là cách duy nhất để chúng ta có thể biết được bản chất đích thực của pháp.

Đức Phật đã biết rõ mọi căn cơ của các chúng sinh và như vậy bất luận khi nào ngài diễn giảng dạy cho bất cứ ai, ngài đều nhắc nhở họ một phương cách thích hợp với từng người một. Ngài luôn nhắc nhở mọi người “thân xác con người chỉ tồn tại thật ngắn ngủi”, điều đó sẽ khuấy động trong ta ước muốn tu luyện Niệm Xứ. Đại-đức Thera Kimbila (Thera-gatha, tr. 118) đã bị khích động do sức mạnh siêu phàm, Đức Phật đã làm xuất hiện hình ảnh một người đàn bà tuyệt đẹp trước mặt ông và chỉ cho ông thấy bà ta phải trải qua tuổi già như thế nào. Bài bình luận kể lại ngài Đại-đức hết sức bối rối do hình ảnh Đức Phật đã tạo ra và ngài đã thốt lên bằng vần thơ sau đây:

Sức tuổi già chào đón bà khi đã xuống dốc.

Hành hài đã biến đổi khác xa, nơi cùng thân xác đó.

Giờ đến phiên tôi, đeo dẳng mãi tấm thân hình biến đổi,

Ôi khác xa điều tôi tưởng có được.

Kimbila đã nhận ra những gì ông có làm của riêng, chỉ toàn là “vô thường”. Mặc dù “cái” được gọi với ngôn ngữ thông thường là “nhân cách hiện tại” đã phát triển từ “nhân cách quá khứ” mà ra, chẳng có bất kỳ thực tại nào được gọi là “bản ngã” hay “cái tôi” cả. Những hiện tượng hiện thực diệt ngay tức khắc ngay khi sinh và biến mất hoàn toàn. Bài diễn giải kể lại, đang khi Kimbila suy ngẫm chân đế “vô thường”, ông ta đã bị dao động mạnh mẽ. Ông đã nghe theo Đức Phật, trở thành một vị Tỳ-khưu và đạt đến bậc thánh A-la-hán.

Luôn xuất hiện thời điểm và những dấu hiệu hôi hám và thối rữa nơi thân xác ta. Thân xác chúng ta rất nhậy bén trước sự thối rữa tan biến, và cái chết có thể xảy ra bất kỳ sát-na nào. Chúng ta không thể biết trước khi nào tâm cuối cùng của cuộc sống chúng ta, tức là tâm tử sẽ xuất hiện. Đối với những người tích lũy được nhiều điều kiện niệm, sự chết nhắc nhở họ hãy luôn cảnh giác liên tục là tốt nhất.

Chúng ta đọc thấy rằng các đồ đệ của Đức Phật, khi họ có một biến cố nào trong cuộc sống khuấy động lên, “hãy cố gắng và phấn đấu với nhiệt tình cao độ.” Thí dụ như chúng ta đọc được trong tác phẩm Therigatha (29), thấy là Sama luôn bất an trong suốt quá trình nàng là một Tỳ-khưu Ni trong hai mươi lăm năm. Khi trở về già, bà đã nghe được một bài thuyết pháp của Đức Phật, thực sự bị quấy động, bà đã đạt đến bậc thánh A-la-hán. Chúng ta đọc thấy bà nói như sau: “Để giải thoát bước đường tôi đi khỏi mọi đau khổ, tôi đã gắng sức với hết thành tâm và tôi đã chiến thắng!” Khi đọc thấy những lời này chúng ta có thể hiểu lầm. Chúng ta thường hay nghĩ về tinh tấn như là một nỗ lực do “bản ngã” sử dụng đến nỗi chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi bằng cách nào tinh tấn có thể xuất hiện do có được những điều kiện thích hợp riêng. Thực tại đã xuất hiện sẵn thông qua năm căn và thông qua ý môn. Thí dụ như những cảnh sắc luôn luôn xuất hiện. Chúng ta có thể bắt đầu điều nghiên về những trạng thái của đối tượng đó chỉ khi nào đối tượng đó được nhận ra như là chính cảnh sắc đó xuất hiện thông qua nhãn căn, chẳng phải là điều này điều nọ hay người này người  nọ đâu. Luôn xảy ra cố gắng không cần thiết phải có khái niệm về bản ngã thực thi cố gắng đó.

Ngay cả khi chúng ta mới chỉ bắt đầu tu luyện Bát chánh đạo, các biến cố trong cuộc sống lại nhắc nhở chúng ta hãy cảnh giác ngay lúc này, như thể những biến cố đó đã nhắc nhở các đồ đệ của Đức Phật vậy. Đôi khi chúng ta có thể ngờ vực về những lợi ích do niệm đem lại, hoặc giả rất có thể xảy ra là chúnng ta những công việc làm hàng ngày và những nhóm bạn bè đã cuốn hút chúng ta, hoặc giả chúng ta có thể bị mê hoặc do bởi những điều khoái lạc trong cuộc sống, mà không chánh niệm gì đến những giây phút như vậy. Cho dù trên nguyên tắc, chúng ta biết được rằng bất kỳ một hiện thực nào đều có thể trở thành cảnh của chánh niệm. Vẫn thường xuất hiện một giai đoạn uể oải rất dài trong cuộc sống. Tuy nhiên, một biến cố đau buồn như một thành viên rất yêu quý  trong gia đình bị chết, cái chết của người thân đó sẽ nhắc nhớ chúng ta biết được bản chất thực sự của thực tại; điều này sẽ trở thành “cây roi ngựa” khích động chúng ta. Nếu như thực sự chúng ta nhận ra được rằng ngay cả chỉ một sát-na chánh kiến cũng hết sức có ích chúng ta sẽ có can đảm để tiếp tục tu luyện Đại Niệm Xứ và để rồi đạt đến chánh tinh tấn, điều này chỉ xuất hiện vì có được chính những điều kiện riêng. Chúng ta sẽ hiểu được cuộc sống mà không tu luyện chánh kiến thì  hoàn toàn vô nghĩa.

 

Câu hỏi:

  1. Điều gì ngăn cản chánh tinh tấn?
  2. Khi chúng ta suy nghĩ đến mục tiêu đầy thất vọng, làm sao có thể duy trì mục tiêu đó?
  3. Bằng cách nào những dấu hiệu hôi hám và thối rữa nơi thân xác ta lại nhắc nhở chúng ta tỉnh thức được thực trạng hiện hữu của ta?
  4. Tại sao lắng nghe Phật Pháp do những người chính trực diễn giảng lại giúp cho niệm xuất hiện?

 

[65] Xin đọcTương Ưng Bộ Kinh - Kindred Sayings V, viết về  áp dụng Niệm Xứ. Ch. I §3,5,6.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004