Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

TÂM SỞ  (Cetasikas)
Môn Tâm lý và Triết học Phật giáo

Nguyên tác: Cetasikas
Tác giả: Nina Van Gorkom
Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh


Chương 3.

TƯỞNG (Sanna)

Sanna (Tưởng), dịch sang tiếng Việt là tri giác (Perception) nhận thức (Recognition) hay hoài niệm (Remembrance), là một loại sở hữu trong số bảy “sở hữu biến hành” (Sabbacitta sadharana) thường đi kèm với bất kỳ một tâm nào. Tưởng luôn đi kèm với tâm nên lúc nào ta cũng có tưởng. Tưởng cảm nghiệm được cùng một đối tượng hay cảnh như tâm đi kèm, nhưng lại thực hiện một chức năng riêng: Tưởng “nhận thức” hay “nhận ra” đối tượng hay vật thể và “ghi nhận” nó để sau này “nhớ ra” được.

Tác phẩm Chú giải Bộ Pháp Tụ (Atthasàlinì)  đã khẳng định về Tưởng như sau:

...... Tưởng có trạng thái là “ghi nhận” [27] và có nhiệm vụ nhận ra điều đã được “ghi nhận” trước đó. Chẳng có cái gọi là “nhận thức” nơi  cõi hiện thực mà thiếu các trạng thái ghi nhận này. Tất cả mọi tri giác đều có khả năng là “ghi nhận”. Trong đó, nhận biết điều đã được ghi nhận do trí tuệ chuyên biệt lại chính là chức năng nhận ra điều đã ghi nhận được trước đó. Chúng ta có thể nhận ra qui trình này nơi người thợ mộc nhận ra một tấm gỗ ông ta đã đánh dấu với hiểu biết chuyên môn của ông.

Tác phẩm Atthasàlinì lại đưa ra một định nghĩa thứ hai như sau:

Tưởng có trạng thái là nhận thức do một động tác “bao hàm” tổng quát, và nhiệm vụ ghi dấu được coi như một điều kiện để cho một tưởng được lập lại (để nhận ra hay nhớ lại)[28]  như thể người thợ rừng “nhớ” được những khúc gỗ v.v… tưởng thành tựu như là một hành vi giải thích qua những dấu hiệu đã ghi lại trên khúc gỗ đó mà chỉ có người thợ rừng mới nắm rõ, như trường hợp những người khiếm thị đi “xem” voi.[29] Tưởng còn mang đặc tính vắn gọn đó là cách thể hiện, giống như một tia chớp, vì không có khả năng thâm nhập được vào đối tượng. Bất luận vật thể nào xảy ra cũng có thể là nguyên nhân gần của tưởng, giống như con cừu non nhầm lẫn một con bù nhìn với một người vậy.

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) cũng đưa ra một định nghĩa tương tự. Chúng ta có thể dùng các từ như: Nhận thức, ghi nhận, nhận ra, và “đánh dấu” để chỉ thực tại được gọi là tưởng, nhưng các từ đó không đủ để diễn tả những thực tại đó. Chúng ta nên tìm hiểu những trạng thái và chức năng của tưởng.

Tưởng không giống tâm, là “thủ lãnh” trong việc nhận thức đối tượng. Như chúng ta đã thấy, tưởng nhận ra đối tượng và “ghi nhận” nó để nhớ lại sau này. Điều này được giải thích bằng cách so sánh như sau: Các bác thợ mộc ghi dấu hay điểm chỉ lên khúc gỗ để có thể nhận ra ngay khúc gỗ đó nhờ những điểm chỉ đã ghi trên đó. Sự so sánh này còn giúp chúng ta hiểu được một qui trình phức tạp trong việc nhận thức hay hồi tưởng. Điều chúng ta thường gọi bằng ngôn ngữ qui ước là “nhớ lại” (Remember) bao gồm nhiều giai đoạn ý thức (tâm) khác nhau và cứ mỗi giai đoạn ý thức đó tâm lại đi kèm với tưởng, nó có chức năng liên kết những kinh nghiệm quá khứ với kinh nghiệm hiện tại và chi phối trở lại việc nhận thức trong tương lai. Nhiệm vụ liên kết này được trình bày bằng từ “nhận ra” và “đánh dấu”[30]. Khi một kinh nghiệm hiện tại đã tan biến đi, tức khắc nó trở thành kinh nghiệm quá khứ và tương lai lại trở thành hiện tại và trong mọi tình huống như vậy đều xuất hiện tưởng với chức năng giúp nhận ra đối tượng. Nếu ta còn nhớ: Bất kỳ tưởng tưởng nào diễn ra đều kèm theo với tâm cả, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điểm đặc thù riêng của tưởng, không giống y chang như những gì các từ chúng ta thường dùng trong ngôn ngữ qui ước như: “nhận ra” (Recongition), nhận thức (Perception)  hay là “đánh dấu”. Mỗi tâm sinh rồi diệt ngay tức khắc và lại có tâm khác liên tiếp xuất hiện ngay và vì mỗi tâm lại đi kèm với tưởng, có nhiệm vụ nhận ra và ghi dấu lên đối tượng (vật thể), để giúp chúng ta nhận ra và nhớ lại điều gì đã được nhận thức và biết được trước đó.

Tác phẩm Atthasàlinì đã đề cập đến tưởng thể hiện như sau:

“Ngắn ngủi như tia chớp, vì tưởng không có khả năng thâm nhập vào đối tượng.”

Tưởng chỉ duy nhất nhận ra và ghi lại vật thể. Tưởng hoàn toàn khác với tâm, là “thủ lãnh” trong việc nhận ra các đối tượng và lại khác với panna (trí tuệ, huệ) có khả năng biết được bản chất thực chất của các thực tại. (1)

Nguyên nhân gần của tưởng chính là cảnh hay đối tượng, cho dù có thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Cảnh hay đối tượng có thể là Pháp Chân đế (Paramattha dhamma), có nghĩa là danh pháp hay là sắc pháp hay một khái niệm, một chế định (Pannatti). Bất kỳ đối tượng nào tâm phát hiện được, thì  tưởng đều nhận lấy và ghi dấu lại.

Tưởng thực hiện nhiệm vụ thông qua mỗi “môn” trong số sáu “môn”. Tưởng hiện hữu ngay trong sát-na này. Khi thấy, tưởng xuất hiện để nhận ra và ghi lại cảnh sắc. Khi có động tác “nghe” tưởng cũng xuất hiện để nhận ra và ghi lại cảnh thinh. Cũng vậy tưởng luôn xuất hiện mỗi khi có động tác ngửi, nếm, sờ mó, hay cảm nghiệm cảnh pháp thông qua ý môn và thực hiện nhiệm vụ của nó một cách phù hợp. Khi chúng ta nhận ra được giọng nói của một người nào đó, điều đó thực sự chính là kết quả những qui trình khác nhau do tâm cảm nghiệm được cảnh qua căn-môn và ý-môn (Mental-door). Trong từng sát-na đó tưởng đều xuất hiện và thực hiện nhiệm vụ của mình. Có những sát-na chúng ta nghe được thông qua lỗ tai ta nghe được tiếng động, và khi chúng ta nghĩ đến giọng nói của một người nào đó, tâm liền xuất hiện và  cảm nghiệm được khái niệm. Nghe tạo điều kiện cho suy nghĩ. Chúng ta không có thể nghĩ đến một giọng nói nếu không lắng nghe được. Cũng giống như vậy khi chúng ta suy nghĩ hay “nhìn” thấy một người. Có hành động suy nghĩ về một khái niệm, nhưng suy nghĩ này lại do hành động nhìn thấy một cảnh sắc chi phối. Hành động nhận ra một con người là kết quả của nhiều qui trình tâm khác nhau và trong từng sát-na tâm lại được tưởng đi kèm theo. Việc thấy đã cảm nghiệm được cảnh sắc và sau qui trình nhãn-môn đã hoàn tất ý môn cảm nhận được đối tượng. Tâm còn nhiều qui trình ý-môn khác  để cảm nghiệm được khái niệm.

Tưởng đi kèm theo tâm và như vậy khi tâm cảm nghiệm được một khái niệm, tưởng ghi lại và nhớ khái niệm đó. Khi quá bận rộn với các sinh hoạt hàng ngày, chúng ta có nhận ra được vẫn có nhận thức và hồi tưởng trong những giây phút đó hay không? Chúng ta nhớ lại đã sử dụng các đồ vật ra sao, chúng ta dùng bữa với muỗng nĩa dao thìa ra sao, mở nước như thế nào, viết chữ ra làm sao và làm sao tìm được lối đi trong nhà và ngoài đường phố. Chúng ta coi như là điều hiển nhiên là nhớ lại tất cả những điều đó. Chúng ta nên ghi nhận điều này là chính tưởng đã nhớ lại tất cả những điều đó. Khi đọc sách nhờ có tưởng mà ta nhận ra được mặt chữ và ý nghĩa các từ đó. Tuy nhiên, chúng ta không nên quên khi viết cũng còn có những sát-na chúng ta thấy, và trong những sát-na đó tưởng cũng thực hiện nhiệm vụ của mình. Hình như chúng ta nhìn thấy và nhận ra điều chúng ta quan sát trong cùng một lúc, nhưng thực tế không phải vậy. Khi chúng ta nhận ra được các vần và các từ rồi nhớ lại được ý nghĩa các từ đó. Điều đó không do bởi một sát-na tưởng duy nhất nào đó, nhưng của rất nhiều sát-na có tưởng kèm theo với tâm xuất hiện nối tiếp nhau trong nhiều qui trình khác nhau. Nghiên cứu về tưởng lại nhắc nhở chúng ta là tâm sinh và diệt rất nhanh.

Vô số kể các sát-na tưởng xuất hiện liên tiếp nhau và thực hiện nhiệm vụ, để chúng ta có thể nhớ lại các sự kiện liên tiếp nhau như một câu chuyện nghe được khi có người đang nói với ta. Có những sát-na chúng ta nghe và tưởng đi kèm theo nhĩ thức nhận ra được cảnh thinh, tưởng không biết ý nghĩa điều gì được nói cả. Khi chúng ta hiểu ý nghĩa những gì được nói ra thì lúc đó có tâm cảm nghiệm được các khái niệm và tưởng đi kèm theo với các tâm đó mới nhớ lại và ghi nhân khái niệm đó. Do có nhiều sát-na tưởng xuất hiện chúng ta mới có thể theo dõi được chiều hướng suy nghĩ của người nói hay chính chúng ta có thể suy luận về điều gì đó, nối kết các chi tiết của một lý luận lại với nhau và đưa ra kết luận. Tất cả những diễn tiến này xảy ra không phải do “trí nhớ của chúng ta” nhưng do tưởng thực hiện, tưởng không phải là “bản ngã” nhưng chỉ là một loại danh pháp mà thôi. Điều chúng ta coi như là “trí nhớ” hay sự “nhận ra của chúng ta” không phải chỉ là một sát-na có thể ngừng lại mà là rất nhiều sát-na khác nhau có tưởng sinh rồi diệt đi. Cũng nhờ có tưởng những kinh nghiệm quá khứ cũng như những khái niệm cũng như tuổi, người và vật được nhận ra.

Cũng vậy khi chúng ta không nhớ được điều gì đó hay lầm lẫn điều này điều nọ. Cũng có tưởng xuất hiện đi kèm theo với các tâm ngay tại những sát-na đó. Nếu chúng ta quên điều gì đó, chúng ta không liên tưởng vật chúng ta muốn liên tưởng đến, nhưng ở sát-na đó chúng ta lại liên tưởng đến một vật khác và điều này ta được tưởng nhớ và ghi lại. Thí dụ, nếu bạn đi chợ và quên không mua rau sống vì bất thình lình chúng ta nhìn thấy cà chua và chú ý đến cà chua, chúng ta lại nói chúng ta quên mua sau sống. Trong thực tế luôn có những sát-na tưởng xuất hiện vì chúng đi kèm với tâm và tưởng luôn luôn thực hiện nhiện vụ của nó. Còn tùy thuộc vào những điều kiện đối tượng nào khiến ta nhớ lại ngay trong sát-na cá biệt đó. Sự việc không luôn luôn xảy ra theo  cách chúng ta muốn đâu. Cũng như vậy một khi chúng ta cố gắng hết để nhớ lại một tên nào đó, thì vẫn có tưởng xuất hiện, nhưng tưởgn sẽ nhớ lại và ghi nhận cảnh khác với khái niệm chúng ta suy nghĩ là phải nhớ. Rất có thể chúng ta không thích vì tính hay quên của chúng ta và cũng vì có tâm luôn đi kèm theo khi tưởng thực hiện công việc.

Tưởng đi kèm theo với các tâm xuất hiện trong một qui trình và cũng kèm theo các tâm không xuất hiện trong qui trình đó nữa. Như trường hợp tâm tái tục (Patisandhi-citta) tâm hộ kiếp (Bhavanga-citta) và tâm tử (Cuti-citta). Khi chúng ta đang ngủ ngon giấc và không mơ màng gì cả, lúc đó có tâm hộ kiếp xuất hiện và tâm hộ kiếp cũng xuất hiện xem giữa các qui trình khác nhau đó. Đối tượng của tâm tái tục, tâm hộ kiếp và tâm tử đều là một. Khi mà tâm tốc lực cảm nghiệm được đối tượng của nó, tâm tốc lực xuất hiện ngay sau sát-na trước tâm tử thuộc kiếp trước [31]. “Chúng ta” hay đúng hơn là tâm đang suy nghĩ vào sát-na này không biết được đối tượng đó là gì cả. Tuy nhiên cứ mỗi lần tâm hộ kiếp xuất hiện xen kẽ với các qui trình ý thức đó, thì tâm lại cảm nghiệm được đối tượng và sanna kèm theo  tâm hộ kiếp sẽ nhớ lại đối tượng đó.

Tưởng không bao giờ xuất hiện một mình, nó phải xuất hiện với tâm và các sở hữu chi phối tưởng. Tưởng chính là pháp hành chi phối pháp. Tưởng xuất hiện với tâm và rồi cũng diệt theo tâm. Tưởng chính là uẩn (Khandha) tưởng là một trong ngũ uẩn. Chúng ta thường gắn kết với tưởng và coi tưởng như là “bản ngã” vậy.

Sanna xuất hiện với tất cả các tâm thuộc bốn loại tâm. Sanna cũng thuộc cùng chủng loại đó với tâm kèm theo và như vậy sanna có thể là điều bất thiện, điều thiện  là quả  và còn là cả tố nữa.

Tưởng được phân thành sáu loại giống như các đối tượng được cảm nghiệm qua sáu “môn” và điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Tưởng luôn biến đổi liên tục. Chúng ta đọc trong tác phẩm Trung Bộ Kinh - Gradual Saying (cuốn 6 ch. VI tr.9, A) như sau:

“Này chư Tỳ-khưu, tưởng gồm sáu loại: Sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.”

Tưởng về cảnh sắc không giống như tưởng về thinh và cũng không giống tưởng về khái niệm. Tỷ dụ như, khi chúng ta nói với ai đó tức khắc có tưởng nhận ra cảnh thinh, có tưởng nhận được cảnh sắc, lại có tưởng nhận thức được cảnh thinh và cuối cùng lại có tưởng chỉ nhận thức được khái niệm mà thôi. Tất cả các tưởng này đều khác nhau hoàn toàn. Chúng xuất hiện trong những sát-na khác nhau. Đối tượng chỉ xuất hiện từng loại một thông qua nhiều cách khác nhau và có nhiều tưởng khác nhau ghi nhạn và nhớ lại các đối tượng này. Khi hiểu rõ điều này sẽ giúp chúng ta nhận ra cuộc sống của mỗi chúng ta thực sự cũng chỉ là một sát-na tâm cảm nghiệm được cảnh, thông qua một trong sáu “môn” đó mà thôi. Chân lý tuyệt đối thì khác xa chân lý qui ước, cho là thế giới con người và vạn vật trong đó xem ra tồn tại mãi.

Tưởng xuất hiện với tâm bất thiện lại là bất thiện, tưởng cũng có thể xuất hiện với tà kiến. Khi chúng ta coi điều vô thường như bất biến thì tâm với tà kiến đó cũng đi kèm theo với tưởng để nhớ lại các đối tượng đó một cách lệch lạc, tương tự như vậy khi chúng ta coi vô ngã là bản ngã. Chúng ta đọc thấy trong tác phẩm Trung Bộ Kinh -  Gradual Sayings (cuốn 4, chương V điều 9 viết về những điều điên đảo) bàn về bốn điều điên đảo (Vipallasas) về tưởng, tâm và tà kiến (Ditthi) như sau:

Này chư Tỳ-khưu, có bốn điều điên đảo về tưởng, bốn điên đảo về tâm và bốn điên đảo về tà kiến (ditthi). Bốn điều đó là gì vậy?

Nếu ta cho là trong cái vô thường lại tồn tại cái vĩnh cửu, thì đó là sự điên đảo về tưởng, về tâm và về tà kiến. Nếu ta cho là trong cái khổ có cái không khổ (Sướng) thì đó chính là điên đảo về tưởng, về tâm  và về tà kiến. Nếu ta cho là vô ngã lại tồn tại cả bản ngã thì đó là sự điên đảo về tưởng, về tâm  và về tà kiến. Nếu ta cho là bất tịnh lại có cả tịnh thì đó điều điên đảo về tưởng, về tâm  và về tà kiến...

Chừng nào chúng ta chưa đạt đến giai đoạn huệ (Panna), để phân biệt được tính vô thường nơi danh pháp và sắc pháp, chúng ta vẫn suy nghĩ con người và vạn vật có thể tồn tại, cho dù chỉ trong khoảng khắc dài hay ngắn ngủi. Danh pháp và sắc pháp thì vô thường, khổ (Dukkha) cũng như vậy, không thể có hạnh phúc thực sự được. Chúng ta vẫn thường lẫn lộn khổ với hạnh phúc. Chúng ta cứ bám víu lấy cái khái niệm “bản ngã”. Chúng ta cũng thường lẫn lộn tịnh với bất tịnh. Thân xác là bất tịnh, không mấy tốt đẹp gì. Tuy nhiên chúng ta vẫn bám víu lấy thân xác chúng ta và coi đó là điều tốt đẹp. Cho đến khi nào chúng  ta chưa đạt đến giác ngộ giai đoạn đầu tiên, thì ta vẫn còn ảnh hưởng do những  điều điên đảo về tưởng, tâm và tà kiến. Những vị thánh Nhập lưu (Sotapanna), những người đã đạt đến được cõi giác ngộ giai đoạn một, đã tận diệt các tà kiến, và như vậy họ không còn có những điên đảo liên quan đến tà kiến. Nhưng họ vẫn chưa tận diệt được tất cả các điều điên đảo vì chúng phải được tận diệt trong nhiều giai đoạn khác nhau. Thánh Nhập lưu vẫn còn dính dáng với những cảnh trần và như vậy họ vẫn còn bị các điều điên đảo về tâm và tưởng đang khi họ vẫn còn lẫn lộn hạnh phúc với đau khổ và lẫn lộn cả cái tịnh với cái bất tịnh.

Khi chúng ta liên tưởng đến một khái niệm như một bông hoa chẳng hạn, rất có thể chúng ta coi bông hoa này sẽ tồn tại lâu dài. Bậc thánh hiền là những người đã đạt đến giác ngộ, cũng vẫn còn suy nghĩ đến các khái niệm nhưng họ hành động như vậy không với tà kiến. Khi họ nhận ra một bông hoa, họ không coi sát-na họ nhận ra đó thuộc bản ngã. Họ cũng không coi bông hoa đó có thể tồn tại lâu dài.

Cho đến khi nào những phiền não chưa được tận diệt, chúng ta vẫn còn phải tái sanh, chúng ta phải cảm nghiệm cảnh trần qua căn và vì  vậy chấp thủ vẫn nổi dậy trong ta. Chúng ta thường có khuynh hướng bị các cảnh trần chúng ta cảm nghiệm ám ảnh. Chúng ta đọc trong kinh Đại Niệm Xứ (Middle Length Sayings) về nguồn gốc tưởng, ám ảnh và kết thúc như Maha-Kaccana  đã diễn giải ngắn gọn về những gì Đức Phật đã dạy như sau:

Này các Tỳ-khưu, nhãn- thức xuất hiện là vì con mắt và cảnh sắc; hội tụ điểm của ba đó là xúc: Cảm giác diễn ra là gì có sự va chạm giác quan đó, chư vị cảm nhận dược điều chư vị nhìn thấy, điều gì chúng ta nhìn thấy chúng ta lại liên tưởng đến, điều chúng ta liên tưởng lại ám ảnh chúng ta, điều ám ảnh chúng ta lại xuất hiện một số tri thức và ảm ảnh tấn công con người liên quan đến cảnh sắc do mắt nhận thấy trong quá khứ, hiện tại và tương lai...

Đối với các “môn” khác cũng được đề cập đến tương tự như thế. Điều này không phải là cuộc sống đời thường hay sao? Mọi cảnh trần chúng ta cảm nhận được đều ám ảnh chúng ta qua sáu “môn” ấy là các cảnh trần trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Chính nhờ tưởng mà chúng ta nhớ được điều chúng ta đã thấy, đã nghe, ngửi, nếm, đụng chạm và cảm nghiệm được qua ý môn (Mind door). Chúng ta hay gắn bó quá mức vào những hồi tưởng trong quá khứ, lúc nào chúng ta cũng  mơ tưởng đến chúng. Tuy nhiên, những sát-na như vậy cũng có thể trở thành đối tượng ý thức và như vậy tư tưởng có thể được biết đến như là một loại danh pháp duy nhất xuất hiện vì có được những điều kiện thích hợp, chính là vô ngã. Khi chúng ta nhận thức được những thực tại khi chúng xuất hiện tuần tự từng hiện thực qua sáu “môn”, lúc đó chúng ta đang tiến dần đến gần đến kết thúc những điều ám ảnh từ xưa nay. Khi tất cả các phiền não đã bị tận diệt, lúc đó sẽ  chẳng còn điều kiện nào để phải tái sanh, không còn điều gì có thể ám ảnh được nữa.

Tâm và các sở hữu khác đi kèm theo khi chúng xuất hiện, chi phối tưởng và như vậy tưởng cũng rất khác biệt khi kèm theo với nhiều loại tâm khác nhau. Khi chúng ta lắng nghe Phật Pháp và liên tưởng đến đến những gì đã lắng nghe, lúc đó tưởng thiện xuất hiện cùng với tâm thiện. Liên tưởng đến những gì đã nghe và nghiền ngẫm đến điều đó, luôn là những điều kiện quan trọng khiến niệm xuất hiện giúp ý thức được những gì đang xảy ra vào sát-na này. Tưởng kèm theo với ý thức về sát-na hiện tại rất khác so với tưởng kèm theo tâm liên tưởng đến các thực tại. Tưởng không những chỉ xuất hiện với tâm dục giới (Kamavacara) (như tâm thuộc  giác quan) chúng cũng xuất hiện cùng với các tâm thuộc cõi ý thức khác nữa. Khi chúng ta tập luyện và phát triển thiền chỉ (Samatha) tưởng liền nhận ra và “ghi lại” đề mục thiền  chỉ đó. Khi tịnh được phát triển nhiều hơn, chúng ta có thể “chứng được” ấn chứng (hình ảnh tâm linh)[32] về đề mục thiền đó. Tưởng nhớ lại hình ảnh tâm linh đó lại khác với tưởng xuất hiện trong mọi lãnh vực cuộc sống đời thường và nhận ra được những cảnh dục trần. Khi chúng ta đạt đến thiền, tưởng đi kèm theo tâm thiền và rồi tưởng không còn thuộc tâm dục giới quan nữa. Khi tưởng đi kèm theo với tâm sắc giới, tưởng lại trở thành sắc giới và khi tưởng đi kèm với tâm vô sắc giới, tưởng cũng trở thành vô sắc giới. Tưởng vô sắc giới tinh tế hơn là tưởng thuộc sắc giới.

Giai đoạn thứ tư thiền vô sắc chính là cõi “phi tưởng phi phi tưởng xứ “(N’eva-sanna-n’àsaĩĩàyatanà)[33] tức là cõi chẳng có tưởng chẳng phải không có tưởng. Tưởng xuất hiện với tâm vô sắc giới thuộc bậc thiền thứ tư này rất vi tế chúng ta đọc trong Thanh Tịnh đạo (X, 50) như sau:

Tưởng ở đây không phải là tưởng nữa, vì nó không thể thực hiện nhiệm vụ quyết định của tưởng và cũng chẳng phải là vô tưởng vì nó hiện diện nơi một trạng thái vi tế như một hành còn sót lại, như vậy đó chính là phi tưởng phi phi tưởng...[34].

Tưởng xuất hiện với tâm siêu thế cảm nhận được Níp-bàn và rồi tưởng cũng biến thành siêu thế. Ta không thể đạt đến Níp-bàn trừ phi những thực tại chi phối tưởng được hiểu thấu cách cặn kẽ: Đó chính là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta đọc được trong cuốn Tương Ưng Bộ Kinh - Gradual Sayings (The book of the tens, chapter VI,S6, Ideas ) về mười loại tưởng như là thành quả to lớn và đang dẫn đến “bất tử” đó là Níp-bàn. Từ Pàli được dịch ở đây là “loại tưởng” chúng ta đọc thấy mười “loại tưởng” phải được  vun đắp như sau:

Này các chư Tỳ-khưu, nếu chư vị vun dắp và tận dụng được mười “loại tưởng” đó là: Đại quả, đại lợi để lao vào cõi bất tử và kết thúc nơi cõi bât tử đó. Vậy thì  đâu là mười “loại tưởng” đó?

Tưởng về bất tịnh, tưởng về sự chết, tưởng về uế trược thức ăn, tưởng về nhàm chán thế gian, tưởng về vô thường, tưởng về khổ, tưởng về vô ngã trong khổ não, tưởng về ly tham, tưởng về đoạn diệt, tưởng về…

Này các chư Tỳ-khưu, nếu vun đắp và tận dụng... tố để lao vào cõi bất tử và cõi tận diệt nơi cõi bất tử vậy.

 

Câu hỏi:

  1. Tưởng kèm theo từng tâm, nhưng lại diệt hoàn toàn với tâm đó. Bằng cách nào chúng ta có thể nhớ được những gì đã diễn ra trong quá khứ?
  2. Khi ta thấy một căn nhà, qua “môn” nào tưởng thực hiện được chức năng của nó?
  3. Khi ta lẫn điều này với điều kia, làm sao biết được tưởng vẫn tồn tại trong sát-na đó?
  4. Khi ta nhận ra một căn nhà, liệu có thể xuất hiện hư tưởng hay không?
  5. Bậc thánh Nhập lưu có thể liên tưởng đến những khái niệm và nhận ra người và vật được  không?
  6. Làm thế nào chúng ta có thể phát triển được “tưởng vô thường (aniccasanna)?

 

[27] Tiếng Pàli gọi là Saĩjànàti, nhận thức tốt.

[28] Tôi Tỳ-khưu dùng bản dịch của Thượng tọa Nyanaponika, dịch cuốn Nghiên cứu Tạng Vi Diệu Pháp trang  69,BPS, Kandy, 1976  (Abhidhamma Studies).

[29] Ở đây tôi lại dùng bản dịch tiếng Anh tác phẩm  Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga)  XIV, 130 viết về những người mù rờ mó những phần khác nhau trên con voi, mỗi người lại giải thích con voi như thể nào theo cách riêng hiểu biết riêng của mình, người sờ vào cái vòi cho là con voi như cái cột nhà, vì ông ta nhớ lại các cột nhà là như thế nào, người sờ phải cái ngà thì cho là con voi giống như cái lưỡi cày v.v… như vậy có Tỳ-khưu nhận thức được một dấu hiệu đã được thực hiện trước đó.

[30] Xin đọc tác phẩm Abhidhamma  studies bản dịch Thượng tọa Nyanapanika 1976, tr. 70  trong đó giải thích là ghi dấu để lại và nhớ lại được bao gồm nơi toàn bộ các hành động nhận thức. (quan sát)

[31] Xin đọc Abhidhamma in Daily life, chương 15.

[32] Xin đọc Abhiddhamma in Daily Life, chương 21.

[33] Xin đọc Abhiddhamma in Daily Life, chương 22.

[34] Xin đọc Abhiddhamma in Daily Life, chương 22.


 Mục lục | Lời nói đầu | Lời giới thiệu |
 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 |
20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | Phụ lục

 

Source: http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-08-2004