Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Theravāda
Phật giáo Nguyên thủy

Quy Trình Tâm Pháp

Tỳ kheo Chánh Minh
Vũng Tàu, PL. 2547 - DL. 2003

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


Bài 5

TÂM NA CẢNH
(Tadālambanacitta).

I- ĐỊNH NGHĨA

Tadālambana là một hợp từ tada + ārammana, theo biến cách của Pāli ngữ trở thành tadālambana.

Tada là chính cái đó, ārammaṇa là cảnh.

Chữ tadālambana nghĩa là "chính cảnh cũ".

Vậy: "Tâm nào nhận lấy cảnh của đổng lực và sanh kế tiếp đổng lực, tâm ấy gọi là Na cảnh (tadālambanacitta)".

Phận sự của đổng lực là ứng xử và hưởng cảnh trọn vẹn, nên tâm nhận lấy cảnh từ đổng lực được xem như hưởng cảnh dư tàn, do đó chữ tadālambana được dịch là Na cảnh (hay còn gọi là Thập di, hoặc Đồng sở duyên - sở duyên ở đây chỉ cho cảnh -).

Ví như người sau khi thưởng thức loại vật thực thượng vị, y còn chép miệng đôi lần để hưởng lại hương vị ấy.

II. ĐIỀU KIỆN KHỞI SINH TÂM NA CẢNH.

Chỉ có hai loại cảnh có thể khởi sanh tâm Na cảnh là: Cảnh rất lớn trong lộ ngũ môn và cảnh rất rõ trong lộ ý môn.

Tuy chỉ khởi sinh trong hai loại cảnh trên, nhưng không phải lộ tâm của hai cảnh trên đều có Na cảnh. Ví như ngọc trai có từ con trai, nhưng không phải con trai nào cũng có ngọc.

Tâm Na cảnh có tính chất hưởng lại cảnh cũ của đổng lực, nên nằm kế tiếp sau đổng lực.

- Nếu ở thời bình nhật thì Na cảnh nằm ở giữa đổng lực và hữu phần.
- Vào thời Cận tử thì nó nằm ở giữa đổng lực và tâm Tử (cuticitta).

Tâm Na cảnh khởi lên do ba yếu tố:

- Đổng lực trong tâm lộ phải là đổng lực dục giới (kāmajavanacitta).
- Phải là người dục giới (kāmapuggala).
- Tâm lộ phải bắt cảnh dục (kāmārammaṇa).

Tuy nhiên, cho dù có đầy đủ ba yếu tố này, nhưng có một chướng ngại xen vào (như không đủ thời gian cho tâm Na cảnh tồn tại hai sát-na), tâm Na cảnh cũng không sanhlên..

Lý giải.

Khi tâm Khách (vīthicitta) chưa xuất hiện, dòng hữu phần trôi chảy êm ả, khi ngoại cảnh xuất hiện lấn chiếm vào dòng hữu phần, dòng tâm Chủ bị cắt đứt nhường cho tâm khách sinh khởi để ứng xử với cảnh mới, tâm lộ sinh lên đến sát-na đổng lực thứ 7 thay vì trở về dòng hữu phần như cũ, nhưng bấy giờ cảnh vẫn còn sức mạnh do nương vào đổng lực, ngăn cản không cho cảnh Chủ hiện khởi.

Chính do đổng lực quá mạnh nên tác động đến cảnh, đổng lực tuy diệt rồi nhưng ảnh hưởng vẫn còn, ví như đống lửa lớn tuy đã tắt nhưng sức nóng vẫn còn.

Thế là hai sát-na Na cảnh phải sanh lên để "phù hợp với tình hình" và hưởng lại cảnh ấy.

Mặt khác, cảnh lực cũng góp phần tích cực vào sự hiện khởi tâm Na cảnh, như một hình ảnh dù chớp nhoáng vẫn đủ để hai mắt cùng nhìn thấy, một âm thanh dù sắc gọn cũng đủ để hai tai cùng nghe, chúng ta không thể bảo mắt này thấy mắt kia không hay tai này nghe tai kia không nghe, hoặc mắt này thấy trước mắt kia thấy sau ... Hai mắt hay hai tai ví như đổng lực và cảnh lực.

Thay vì khởi lên hữu phần tiếp theo sau đổng lực, do hai hấp lực: đổng lực và cảnh lực, cảnh Chủ không thể sinh khởi, tâm Na Cảnh có điều kiện sinh lên.

1- Vì sao tâm Na cảnh phải có đủ hai sát-na?

Cảnh Chủ là do hấp lực của nghiệp Cận tử tạo thành, chính cảnh này đã đưa chúng sanh tái sanh vào cảnh giới thích ứng với nghiệp cận tử và nó có một nội lực đáng kể để đối kháng với sức mạnh của ngoại cảnh.

Ngoại cảnh khi có sức mạnh cắt đứt cảnh Chủ phải trải qua hai sát-na hữu phần Dao động, ngược lại khi nội lực cảnh Chủ sung mãn, lực của ngoại cảnh yếu kém, cảnh Chủ muốn cắt đứt cảnh Khách cũng phải có ít nhất hai sát-na, chính hai sát-na này mang tên Na Cảnh.

Và cũng vì sự sanh diệt của tâm quá nhanh, muốn chuyển từ cảnh này sang cảnh khác, không thể chuyển ngay, phải chậm lại ít nhất hai sát-na mới được. Ví như người đang chạy nhanh không thể dừng ngay được, khi dừng lại cũng phải chúi về phía trước ít nhất hai bước mới dừng hẳn.

Mặt khác, đổng lực dù có sức mạnh cũng không thể tác động đến dòng hữu phần quá 2 sát-na, vì tâm Chủ mang sức mạnh từ hấp lực của Nghiệp cận tử khi trước, sức mạnh này đối kháng với sức mạnh đổng lực. Ví như thuyền gặp nước ngược, khi đã ngừng (đổng lực đã diệt) dù còn trớn cũng chỉ lướt thêm một khoảng ngắn mà thôi.

2- Vì sao phải là đổng lực Dục giới?

Sự hưởng cảnh dư tàn là do dục ái (kāmataṅhā) mạnh.

Những tâm bất thiện cũng như đại thiện (mahākusalacitta) có khuynh hướng thiên về dục ái nên sự "hưởng cảnh dư tàn" (Na cảnh) phải do tâm quả Dục giới (vipākakāmavacanacitta) đảm nhận, ví như cha mẹ khi dùng một loại vật thực ngon, còn dư thì dành cho con cháu của mình hưởng.

Tâm Na cảnh là tâm quả của hai loại tâm bất thiện và đại thiện, nên phải nối theo hai loại đổng lực trên.

Tâm Na cảnh cũng có thể theo sau đổng lực Hạnh hữu nhân dục giới (hetukakriya kāmavacara citta). Tuy tâm Hạnh (tâm của vị A La Hán) có tính phi thiện phi bất thiện, nhưng vẫn có "gốc từ dục ái" cùng "họ dục giới".

Như một đứa bé đi đâu cũng phải theo sau cha mẹ chúng, nếu không có cha mẹ thì chúng theo ông bà, cậu mợ, chú bác trong họ, không thể theo kẻ lạ được. Cũng vậy, tâm Na cảnh có thể sanh lên sau đổng lực Hạnh dục giới của vị A la Hán

Điều này giải thích: Vì sao các tâm Na cảnh không hiện khởi sau các đổng lực An chỉ (appanājavana) (tâm Thiền và tâm Siêu thế).

3- Vì sao phải là người cõi dục?

Đối với các vị Phạm thiên (Brhammā) thì dục ái đã bị áp chế bởi thiền lực (jhānabala), nên dục ái không có sức mạnh hiển lộ như người cõi dục. Chư Phạm thiên tuy có mắt, có tai, nhưng không phải các Ngài vì ái cảnh sắc hay ái cảnh thinh nên mong muốn có mắt, có tai để thụ hưởng sắc trần, thinh trần.

Sở dĩ các Ngài có mắt, có tai là vì có ý muốn được gặp cao nhân (như Đức Phật chẳng hạn) và nghe Giáo pháp của vị ấy. Mặt khác, chư Phạm thiên tái tục bằng tâm quả Đáo đại (mahaggataphalacitta), đây là một thành tựu lớn từ năng lực thiền định, một năng lực áp chế được dục ái mà hình thành, nên các tâm quả Đáo đại không thể trợ giúp các tâm Na cảnh sanh khởi.

Tâm Na cảnh là sự biểu hiện của sức mạnh dục ái, nên chúng chỉ khởi hiện ở những điều kiện thích ứng với dục ái, tâm hữu phần ở cõi dục là do nghiệp lực dục ái tạo thành, nên tâm Na cảnh thích ứng với người cõi dục, ví như cá chỉ sanh trong môi trường nước, nơi ẩm thấp là môi trường sanh khởi chúng sanh thấp sanh...

Vì vậy, chư Phạm thiên không hề có tâm Na cảnh, sở dĩ các Ngài vẫn có nhãn thức, nhĩ thức, tâm Tiếp thâu, tâm Quan sát ... tuy chúng cũng là loại tâm quả dục giới (kāmavipākacitta), nhưng chúng sanh lên để làm phận sự độc lập riêng, không dính líu gì đến tâm hữu phần, trái lại tâm Na cảnh lại lệ thuộc vào tâm hữu phần.

Theo quy luật về Tâm (cittaniyāma), khi có vật, cảnhthức hội tụ thì hiện khởi tâm lộ, nếu là cảnh sắc thì hiện khởi lộ nhãn môn và nhãn thức sẽ sanh khởi, tiếp theo lần lượt phải là Tiếp thâu, Quan sát... theo trình tự, có thế thôi. Ví như Đức Vua (cảnh) đi du hành, Ngài đi đến địa phận (chặng) nào, thì quan sở tại (tâm khách tương ứng) phải ra đón tiếp (sanh lên) theo thứ tự để làm phận sự riêng đối với Đức vua.

Chỉ có tâm Tục sinh dục giới trợ tạo tâm Na cảnh. Mà đã tục sinh bằng tâm quả dục giới, dĩ nhiên phải là chúng sanh ở cõi Dục.

4- Vì sao tâm lộ phải bắt cảnh dục?

Vì cảnh dục là môi trường thích ứng để dục ái triển khai và hiển lộ sức mạnh, cũng vì thế mà cảnh dục được xem là cảnh nhỏ, cảnh thấp kém (parittārammaṇa).

Đối với cảnh Đáo đại (mahaggatārammaṇa) hay cảnh Chế định, dục ái không có môi trường hoạt động, nên không thể hiển lộ sức mạnh.

Đối với cảnh Siêu thế lại là "đất chết" của dục ái nên dục ái càng xa lánh. Cảnh Đáo đại được gọi là cảnh trung bình, cảnh Siêu thế gọi là cảnh Vô lượng (appaṇārammaṇa), chỉ có cảnh dục giới là sinh địa cho dục ái và cũng chỉ có cảnh này tâm Na cảnh mới có thể đi đến (vacara) mà thôi.

Tâm đổng lực dục giới có thể biết được ba cảnh trên, riêng tâm Na cảnh chỉ biết thuần cảnh dục.Ví như đứa bé chỉ có thể theo người thân đi đến nơi thích hợp với nó, không thể đến nơi họp cao cấp, hay các công sở mà một đứa bé như nó không nên đến.

5- Tâm Na cảnh là loại tâm nào?

Như đã lý giải, điều kiện tiên khởi giúp cho tâm Na cảnh sinh lên chính là tâm Tục sinh Dục giới, dĩ nhiên chúng thuộc "hệ hữu phần" Dục giới.

Tâm Na cảnh chính là hai tâm Quan sát xả thọ (upekkhāsantīrana) và 8 tâm Đại quả, nhưng tâm Quan sát xả thọ quả thiện có thể trở thành tâm Quan sát hỷ thọ quả thiện (somanassasantīrana citta) nên tâm Quan sát hỷ thọ cũng làm việc Na cảnh được.

Như thế có 11 tâm làm phận sự Na cảnh là 3 tâm Quan sát và 8 tâm đại quả.

Giữa tâm Quan sát xả thọ quả thiện và tâm Quan sát hỷ thọ quả thiện có sự chuyển thể qua ví dụ như sau:

Vào ngày lễ đặt tên cho Hoàng tử, theo thông lệ các quan mang tặng phẩm đến triều kiến và dâng lên Đức Vua. Tặng phẩm dĩ nhiên là vật tốt, nếu tặng phẩm bình thường như những tặng phẩm mà Đức vua thường nhận, Ngài vẫn thản nhiên, nhưng nếu tặng phẩm thuộc loại bảo vật hiếm có trên đời, Đức Vua nhìn thấy bảo vật phát sanh hoan hỷ đẹp dạ.

Cũng vậy, đối với quả thiện thường là cảnh tốt, nếu là tốt trung bình thì tâm Quan sát sẽ là xả thọ, nếu là cảnh cực tốt thì lại là tâm Quan sát hỷ thọ.

Có câu hỏi, vì sao tâm Quan sát hỷ thọ không làm việc Tục sinh như tâm Quan sát xả thọ quả thiện?

Khi cận tử tâm chúng sanh muội lược, cho dù cảnh cực tốt cũng không nhận thức rõ.

Mặt khác, tâm Quan sát hỷ thọ nảy sinh từ tâm Quan sát xả thọ quả thiện, nên tâm Quan sát hỷ thọ không thể xuất hiện vào thời điểm Tục sinh.

Lại nữa, trong lúc cận tử nếu đổng lực là tâm không có trí và không đủ ba Tư (cetanā) do thuần thục khi tạo nghiệp, khi ấy chỉ có thể sinh khởi tâm Quan sát xả thọ thiện để đảm nhận phận sự tái tục (paṭisandhikiccaṃ), không thể khởi sanh được tâm Quan sát hỷ thọ để làm việc tục sinh (sẽ giải thích rõ ở phần tâm lộ thời cận tử).

Riêng về năm đôi thức và hai tâm Tiếp thâu, tuy chúng cũng quả là tâm dục giới, nhưng chúng không thể đảm nhận phận sự Na cảnh, do chúng không bị hấp lực của đổng lực, sức mạnh của đổng lực chỉ có thể ảnh hưởng đến 2 sát-na sau nó mà thôi, nên sức mạnh đổng lực là yếu tố trợ sanh cho tâm Na cảnh.

Có 11 tâm làm phận sự Na cảnh là nói gọn, khi phân tích rộng thì:

- Người Khổ chỉ có ba tâm Na cảnh là: ba tâm Quan sát.
- Người Lạc vô nhân và người Nhị nhân có được 7 tâm Na cảnh (thêm 4 tâm đại quả không có trí).
- Người Tam nhân và bốn người Quả ở cõi dục (bốn bậc Thánh) có được 11 tâm Na cảnh.

Kết luận: "Tâm Na cảnh chỉ có trong cõi Dục".

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-01-2004