Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Theravāda
Phật giáo Nguyên thủy

Quy Trình Tâm Pháp

Tỳ kheo Chánh Minh
Vũng Tàu, PL. 2547 - DL. 2003

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


NAMO TASSA BHAGAVATO ARAHATO SAMMASAMBUDDHASSA.

Cung kỉnh đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác

-ooOoo-

CHƯƠNG I

Bài 1

TÂM LỘ
(Cittavīthi).

I. DẪN NHẬP.

Đức Phật thành lập khung trời Phật đạo bằng ba mảnh lưới Giới - Định -Tụê, các Giáo Thọ sư tiền bối dạy rằng: "Toàn bộ giáo pháp của Đức Thế Tôn có tám muôn bốn ngàn pháp uẩn (dhammakkhandha), ví như tám muôn bốn ngàn mắc lưới trong pháp võng ấy, nhưng không có mắt lưới nào giống mắc lưới nào trọn vẹn".

Nghĩa là mỗi pháp uẩn có điểm tương đồng, đồng thời có điểm dị biệt và toàn bộ những mắc lưới ấy liên kết vào nhau chặt chẽ mật thiết.

Đây là điểm đặc thù trong Giáo pháp của Đấng Như Lai.

Tạng Luật nêu rõ về Giới, Tạng Kinh phần lớn trình bày về Định và Tạng Luận làm hiển lộ phần Tuệ.

Luận A Tỳ Đàm (Abhidhamma) phần lớn trình bày về chơn pháp (paramatthadhamma), còn gọi là Siêu Lý pháp.

Toàn bộ Siêu Lý pháp được quy tụ vào sáu bộ lục, đó là:

Cha vatthu (sáu vật)
Cha dvāra (sáu môn)
Cha ārammaṇa (sáu cảnh)
Cha viññāṇa (sáu thức)
Cha vīthi (sáu quy trình, hay sáu diễn hoạt)
Cha visayappavatti (sáu diễn tiến của cảnh).

Thức hiện khởi được là do sự góp mặt của Vật, Môn và Cảnh . Vật - môn - cảnh là ba pháp đóng vai trò quan trọng đối với Thức trong cõi ngũ uẩn (pañcakkhandha), riêng cõi tứ uẩn (catutthakkhandha) thì chỉ có cảnhmôn là chủ yếu.

Sáu thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Sáu vật là: nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật và ý vật.

Sáu môn là: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn.

Sáu cảnh là: cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp.

Nên biết rằng: trừ ý vật và ý môn chi pháp khác nhau, những vật – môn còn lại đều có chi pháp như nhau, chỉ khác về khía cạnh.

Khi là nơi nương trú cho tâm thì gọi là vật, khi nhận cảnh thì gọi là môn. Ví như một người nam vừa là chồng vừa là cha.

Chi pháp:

- Nhãn vật - nhãn môn có chi pháp là thần kinh nhãn (cakkhupasāda).

- Nhĩ vật - nhĩ môn có chi pháp là thần kinh nhĩ (sotapasāda).

- Tỷ vật - tỷ môn có chi pháp là thần kinh tỷ (ghānapasāda).

- Thiệt vật - thiệt môn có chi pháp là thần kinh thiệt (jīvhāpasāda).

- Thân vật – thân môn có chi pháp là thần kinh thân (kāyapasāda).

- Ý vật là sắc ý vật (hadayavatthu).

- Ý môn là 19 thức Tục sinh (paṭisandhi viññāṇa) (xem phần sau).

II. PHÂN GIẢI KHÁI LƯỢC.

1. Định nghĩa:

Nāmavīthi là gì? Nāma là danh pháp, vīthi là quy trình hay hệ thống, nói cách khác vīthi là diễn tiến sự hoạt động.

Nāmavīthi là sự diễn hoạt của danh pháp.

Chữ VĪTHI xuất nguyên từ VI + căn I là đi, vīthi là một lối đi. Ở đây được dùng theo nghĩa "một diễn tiến".

Nói đến Siêu Lý pháp là nói đến danh và sắc. Có ba danh pháp là: tâm (citta), tâm sở (cetasika) và Níp-Bàn (nibbāna) (tuy chế định – paññatti - cũng là danh pháp, nhưng không có thực tính pháp (sabhāva dhamma), vì mượn chơn pháp để định đặt ra ngôn từ cùng ý nghĩa) .

Níp-Bàn là pháp Vô vi (asaṅkhāradhamma) không có sự SINH - DIỆT, dĩ nhiên không thể có sự diễn hoạt, còn tâm sở (cetasika) tuy sanh khởi tùy thuộc vào tâm nhưng lại bất định do có những cảnh riêng biệt. Cũng chính tâm đó nhưng tâm sở lúc có lúc không, như tâm sân chẳng hạn có khi có tâm sở "ganh tỵ" (issā) đôi khi lại không, hay như tâm thiện Dục giới, tâm sở Chánh ngữ lúc có lúc lại không.

Vì tâm sở không có quy luật cố định nên chúng không có sự diễn hoạt.

Như thế, chỉ có tâm pháp (cittadhamma) và sắc pháp (rūpadhamma) mới có quy trình diễn hoạt, gọi là cittavīthi (lộ tâm) và rūpavīthi (lộ sắc).

Và đây là sự nghiên cứu về hệ thống diễn hoạt của danh pháp trong bộ Abhidhammatthasaṅgaha phần Pavattisaṅgaha.

2. Phân giải tóm lược.

a) VẬT (vatthu): Là nơi nương của tâm thức, còn gọi là trú căn. Khi tâm sanh lên thì phải có chỗ trú, chính nơi tâm trú gọi là vật và cũng chính tại nơi đây tâm diệt đi. Nói gọn lại: "Vật là nơi tâm sinh lên, trú và diệt (chính tại nơi đó)", Vật chính là loại sắc pháp do nghiệp (kamma) tạo thành ở cõi ngũ uẩn.

b) MÔN (drāra): Là cửa, lối đi vào - đi ra.

Tâm được sinh lên do bốn nhân là:

Do nghiệp quá khứ.
Do có cảnh.
Do có tâm sở.
Do có vật nương.

Môn là cửa đi vào của cảnh, để từ đó khởi sanh tâm thức.

Cảnh sắc do nhãn môn dẫn vào.
Cảnh thinh do nhĩ môn dẫn vào.
Cảnh mùi do tỷ môn dẫn vào.
Cảnh vị do thiệt môn dẫn vào.
Cảnh xúc do thân môn dẫn vào.

Và năm môn này cũng chính là năm vật.

Riêng cảnh pháp thì đa dạng có khi sắc pháp làm cảnh, có khi danh pháp làm cảnh.

Theo quy luật thì sắc pháp yếu hơn danh pháp, khi danh pháp làm cảnh cho tâm, sắc Ý vật (hadayavatthu) không đủ sức mạnh dẫn cảnh danh pháp vào dòng tâm thức, nên ý vật không thể là ý môn, ý môn phải là danh pháp mới có khả năng thâu nhận cảnh pháp (cả danh lẫn sắc).

Ý môn chính là 19 tâm tục sinh (paṭisandhiviññāṇa), như vậy có 5 sắc môn và một danh môn.

Từ cơ sở này, tâm lộ (cittavīthi) được phân thành hai mô thức: tâm lộ Ngũ môn (pañcadvāracittavīthi) và tâm lộ Ý môn (manodvāracittavīthi).

c) THỨC (viññāṇa): Nói gọn "Thức là sự biết cảnh". Năm đôi thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức chỉ bắt lấy năm trần cảnh theo từng loại tương ứng (tức là nhãn thức chỉ bắt lấy cảnh sắc, nhĩ thức chỉ bắt lấy cảnh thinh...) không nhầm lẫn cảnh với nhau, những tâm còn lại gọi là Ý thức.

Tổng cộng có 89 tâm (hay 121 tâm), trong đó ngoại trừ năm đôi thức, còn lại là 79 tâm (hay 111 tâm) thuộc ý thức.

Trong 79 tâm (hay 111 tâm) thuộc về ý thức lại chia làm hai loại là: 19 tâm làm phận sự tái tục (paṭisandhikiccaṃ) được gọi là tâm Chủ (mūlabhavaṅgacitta: Tâm hữu phần cơ bản).

Tâm Chủ là loại tâm không nhận cảnh nào khác ngoài một trong ba cảnh: cảnh nghiệp (kammārammaṇa), cảnh nghiệp tướng (kammanimittārammaṇa) và cảnh sanh thú tướng (gatinimittārammaṇa).

Một trong ba cảnh này xuất hiện khi chúng sanh sắp lâm chung ở kiếp trước, tạo điều kiện cho tâm Tục sinh sanh lên, khởi đầu kiếp sống mới.

Trong đời sống ở kiếp sau, khi tâm này (tức là tâm Tục sinh) sanh lên lần thứ hai, bấy giờ được gọi là tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) và chỉ nhận lấy một trong ba cảnh trên mà thôi.

Những tâm nhận lấy cảnh ngoài ba cảnh trên, gọi là tâm Khách (vimūlacitta).

Nên ghi nhận rằng: Trong 19 tâm Chủ, chỉ có 9 tâm Tục sinh về cõi cõi Sắc giới và cõi Vô sắc giới là thuần tính, đó là 5 tâm quả Sắc giới và 4 tâm quả Vô sắc giới.

Còn 10 tâm còn lại là 2 tâm Quan sát xả thọ và 8 tâm Quả dục giới hữu nhân (sahetuvipāka kāmaviññāṇa) đôi khi vẫn bắt cảnh ngoài ba cảnh Chủ, nên chúng trở là tâm Khách vào thời điểm ấy.

d) CẢNH (ārammaṇa): Là đối tượng bị tâm biết, nói gọn có sáu cảnh là năm cảnh trần (cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh mùi, cảnh vị, cảnh xúc) và cảnh pháp.

Nhưng khi nói theo sự diễn hoạt của cảnh (visayappavatti) thì cảnh được trình bày theo hai mô thức: cảnh Chủ (là loại cảnh khởi lên giúp cho tâm Chủ sanh khởi) khởi lên không cần một kích thích nào ngòai sức mạnh của nghiệp cận tử ở kiếp trước tạo thành, tức là nói đến ba cảnh: cảnh nghiệp, cảnh nghiệp tướng và cảnh sanh thú tướng, đây là loại cảnh dành riêng cho tâm hữu phần cơ bản (bhavaṅgacitta).

Mô thức thứ hai là cảnh Khách hay cảnh ngoại quan, là loại cảnh khởi lên do sự trợ duyên của ngoại lực từ bên trong hay bên ngoài, như khi suy nghĩ đến kẻ thù phát sanh tâm sân (kẻ thù là cảnh khởi lên từ bên trong), hoặc nhìn thấy vàng "nổi máu tham" (vàng là cảnh phát sanh ở bên ngoài).

Cảnh ngoại quan có sáu loại theo hai mô thức: khởi lên từ bên ngòai và khởi lên từ bên trong.

Khởi lên từ bên ngoài có ba cảnh:

Cảnh rất lớn (atimahantārammaṇa)
Cảnh lớn (mahantārammaṇa)
Cảnh nhỏ (parittārammanṇa).

Đây là ba cảnh của tâm lộ Ngũ môn.

Khởi lên từ bên trong có ba cảnh

Cảnh rất rõ (ativibhūtārammaṇa)
Cảnh rõ (vibhūtārāmmaṇa)
Cảnh không rõ (avibhūtārammaṇa)

Đây là ba cảnh của tâm lộ Ý môn.

Nếu tính thêm hai cảnh của Ngoại lộ tâm pháp là cảnh rất nhỏ (atiparittārammaṇa) của lộ Ngũ môn và cảnh mơ hồ (Ati-avibhūtārammaṇa) của lộ Ý môn, thành ra 8 cảnh cả thảy.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Chánh Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
08-01-2004