Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Phật Ngôn Diễn Giảng

Tỳ khưu Padhānakāmo Dũng Chí

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG V

KODHAVAGGA: PHẦN SÂN HẬN

75.- NA HI SĀDHU KODHO:
SỰ SÂN HẬN BAO GIỜ CŨNG KHÔNG TỐT.

Đề cập đến vấn đề sân hận, chắc chúng ta ai cũng biết sân hận tức là trạng thái nóng nảy, cuồng vọng của một con người khi đã bị kẻ khác làm tổn thương lòng tự ái hoặc đụng chạm quyền lợi v.v..

Sự sân hận này hằng có một sức nóng rất dữ dội (PATIGHANIMITTA). Vì vậy mà mỗi khi con người đã bị lửa sân hận phát sanh, họ có thể làm bất cứ một việc gì dù cho ngoài khả năng của họ.

Một đám đông cãi cọ, một người máu me lai láng đang uất ức phân bua với mọi người nhiều khi không phải là do một mối thù ghê gớm mà chỉ vì một câu chuyện tranh biện tầm thường đã đem đến một kết quả như thế.

Đấy! sự sân hận không phải nhứt thiết nằm trong một vấn đề quan trọng. Trái lại, một câu chuyện tầm thường cũng có thể đem lại một sự kiện đáng tiếc. Một người kia thấy vợ của mình đi gần một thanh niên khác, ông ta điên tiết lên rồi không nghĩ ngợi chi cả, cứ xông xả vào nắm đầu vợ đánh đập túi bụi. Kẻ qua người lại bàn tán xôn xao, kẻ nói anh ta ghen, người đứng cười chúm chím. Nếu có kẻ nào sáng suốt, họ không khỏi rùng mình cho cái kết quả xấu xa của tấm lòng sân hận.

Chúng ta có thể kết luận: sân hận là nguyên nhân của tất cả tội ác. Vấn đề này chúng tôi khỏi phải giải rộng, chắc quý Ngài cũng dư hiểu vì một khi con người đã nóng giận thì hành động của họ có gì là tốt đẹp đâu.

Lại nữa, ngoài cái ảnh hưởng xấu xa của sân hận, nếu để ý xem những trạng thái biểu lộ trên nét mặt của người đang nóng nảy thì chắc chúng ta không khỏi mỉm cười.

Ai đời một cô gái lúc bình thường xem ra rất đẹp, thế mà khi nóng giận lên cô ta đỏ mặt tía tai, phùng mang trợn dọc, miệng la tay múa chẳng khác hung thần. Cô ta không còn thùy mị đoan trang nữa mà là hiện thân của con cọp cái sắp giết người. Thật ra chúng ta đâu có ngờ sự sân hận làm giảm giá trị và có hại cho ta rất nhiều như sét trong sắt trở lại ăn sắt.

Một khi ta nóng giận thì ta mất hết trí khôn, thế là các cơ quan thần kinh trong người ta không còn quân bình, sức đốt của sân hận làm cho các giây thần kinh bị xáo trộn. Do đó, người sân hận quá nhiều phải bị giảm thọ và đôi khi phải chết một cách uất ức đau thương.

Phật dạy: Mỗi khi gặp phải nghịch cảnh, chúng ta phải nhẫn nại. Vì chỉ có nhẫn nại chúng ta mới đầy đủ sáng suốt để nhận rõ mọi hành động, lời nói của ta. Có như thế con người của chúng ta mới hoàn toàn tốt đẹp.

76.- KODHO SATTHA MALAṂ LOKE:
SỰ SÂN HẬN VÍ NHƯ CHẤT SÉT CỦA GƯƠM ĐAO TRÊN THẾ GIAN NÀY.

Trên đời này, chỉ có chất thép tinh khiết là cứng rắn và dẻo dai nhứt. Nhưng nếu không được gạn lọc cho kỹ, thì chắc chắn chất thép ấy cũng có ngày rỉ mục và tiêu hoại.

Con người sống giữa vũ trụ vạn hữu này cũng thế, dù cho ta có sự sáng trí học rộng đến đâu mà không tìm cách diệt trừ lòng sân hận, thì chắc chắn đời ta sẽ có ngày đau khổ.

Thật vậy, sự sân hận khi đã phát sanh thì có một sức mạnh làm cho sự sáng suốt và trí nhớ của ta phải lu mờ. Tất cả ý nghĩ, hành động hoặc lời nói của ta đều nằm trong sự nóng nảy và mù quáng. Do đó thiếu chi người chỉ vì sân hận mà phải liên lụy đến thân.

Lại nữa, câu Phật ngôn trên đây cho chúng ta thấy rằng một thanh gươm bén, quí giá và hữu dụng đến đâu một khi bị sét rỉ thì trở thành vô dụng và chắc chắn có ngày sẽ bị người đời vứt bỏ.

Con người cũng thế, nếu dễ duôi cứ để cho con ma sân hận lung lạc thì lưỡi gươm trí tuệ của ta cũng có ngày hết sáng. Do đó, chẳng những ta mất đi một cái gì tốt đẹp mà còn phải chịu lấy một khốc hại đau thương.

Chúng ta sở dĩ đã sanh làm người và có chút lý trí để suy xét là bởi chúng ta đã tạo ra rất nhiều phước báu trong vô lượng kiếp qua. Vì vậy chúng ta cần phải có bổn phận bảo vệ nó, chớ để cho nó bị tiêu hoại.

Muốn bảo vệ cái sự nghiệp vô giá, chúng ta cần phải có sự ghi nhớ và siêng năng săn sóc chùi mãi lưỡi gươm trí tuệ cho được trong sáng.

77.- ANATTHAJANANO KODHĀ:
SÂN HẬN LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG SỰ HƯ HẠI.

Tâm của chúng sanh ví như tấm kính, nếu để gần bên đống lửa thì chắc chắn có ngày kính kia phải bị nứt bể hoặc bị đen tối vì khói bám vào.

Trong con người của chúng ta thì có đống lửa sân, đang nung nấu ngày đêm. Vì thế mà tấm gương tâm của ta lúc nào cũng nóng nảy và bị một lớp đen dầy đặc bám vào.

Sức nóng của lửa sân có thể phá tan cả hoàn cầu, giết hết mọi sinh vật.

Hiện nay, có biết bao cảnh tranh chấp diễn ra giữa cá nhân với cá nhân, đảng phái với đảng phái đều do sân hận mà ra cả.

Thực tế hơn là hiện nay không ngày nào mà các báo không đăng những tin tức chém giết hay ẩu đả ở một vài địa phương. Lại nữa, nếu bình tâm mà xét thì chúng ta không khỏi rợn người khi nghĩ đến cái kết quả thảm khốc của nó.

Hành động của những kẻ sân hận bao giờ cũng gây oán thù. Cứ như thế, người lo báo oán, kẻ hận trả thù, thay phiên nhau mãi không bao giờ chấm dứt.

Từ ngàn xưa các bậc hiền nhân cũng đã dạy chúng ta nên "dĩ ân báo oán". Nếu không làm thế thì oán thù không bao giờ tan được.

Đúng vậy, không có gì gây tội lỗi bằng sân hận và cũng không có gì trừ tuyệt sự sân hận bằng lòng nhân từ và hỉ xả.

78.- KODHO CITTAPARAKOPANO:
SỰ SÂN HẬN HẰNG LÀM CHO TÂM TA PHẢI RUNG ĐỘNG.

Khi sân hận, thì tâm ta sôi sục, tay chơn run lên bây bẩy, cặp mắt sếch ngược, múa tay quơ chân, bộ điệu như người mất trí chẳng biết mắc cở là gì.

Trong lúc sân hận phát sanh, tâm ta bị xáo trộn một cách mãnh liệt. Sân ít thì ăn không ngon, ngủ không thẳng giấc. Sân vừa vừa thì đi đứng không yên, quên ăn bỏ ngủ, mưu sự trả thù. Sân nhiều thì điên cuồng loạn trí, xem mạng người như cỏ rác, dám nhúng tay vào những tội ác tầy trời, như tiêu diệt cả họ hoặc tàn phá một quốc gia thành bình địa chẳng hạn.

Với những biến trạng trên đây, chúng ta đủ nhận thấy sân hận nguy hiểm đến thế nào.

Muốn cho cuộc sống được bình thản ta cần phải chế ngự sân hận. Được thế mới mong cảnh thư nhàn trong kiếp hiện tại và ngày vị lai.

79.- ANDHATĀNAṂ TADĀ OTI YAṂ KODHO SAHATE NARAṂ:
KHI NÀO SỰ SÂN HẬN PHÁT SANH THÌ CON NGƯỜI TRỞ THÀNH MÙ TỐI.

Kẻ phàm phu không thể dòm thủng màn đêm, cũng như người bị sân hận chi phối thì trở thành mù quáng không phân biệt được phải quấy, lợi hại.

Khi sân hận phát sanh, con người trở nên cuồng trí. Một người kia, sau bao năm vất vả để xây cất một ngôi nhà và sắm sửa đồ đạc, thế rồi một hôm, sau trận cãi vã với vợ con, họ quá nóng giận đập phá hết cả, đôi khi họ không ngần ngại châm lửa đốt nhà là khác.

Nếu người ngự trị được sân hận, thì trí tuệ viên thông cũng như mặt trời không bị mây che hằng chiếu ánh sáng trong khắp cõi nhân hoàn.

Bởi thế, con người nhận biết sự tai hại của sân hận thì phải cố tránh xa. Khi gặp nghịch cảnh ngang trái ta nên bình tĩnh phán đoán kẻo sa vào sân hận mà phải ân hận suốt đời.

80.- APPOTHUTVĀ BAHU HOTI VADDHATE SO AKHATIJO:
NẾU TA KHÔNG DÙNG BIỆN PHÁP DỤC TẮT SÂN HẬN THÌ NÓ SẼ LAN TRÀN RẤT MẠNH.

Chúng ta đã nhận biết rằng sự sân hận rất nguy hiểm làm ta mất cả trí khôn, để phải khổ lụy cho mình và cho kẻ khác.

Sự sân hận có mãnh lực đảo lộn tâm trí ta, làm cho sanh tâm thù ghét, hậm hực, quyết chí trả thù. Ví như một người nọ đã làm cho ta bực tức, thù ghét, thế rồi mỗi khi gặp mặt, dù người ấy có cử chỉ lời nói đúng đắn đi nữa, ta vẫn cho họ mĩa mai và khiêu khích ta. Có lẽ ai cũng biết câu tục ngữ: "Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo".

Nếu để cho sự sân hận chế ngự thì nó sẽ thiêu đốt tâm ta dữ dội làm cho nóng nảy đau khổ luôn luôn. Chính Đức Thế Tôn đã thuyết: "Không có lửa nào bằng lửa sân hận và cũng không có vật gì bén bằng nó". Một lời phán trong cơn giận dữ của Đức vua là có cả triệu cái đầu bị rơi!

Ngọn lửa sân hận không được chế ngự thì nó sẽ thiêu đốt tâm ta dữ dội, nếu ta không dùng đủ biện pháp thích ứng để diệt trừ nó thì thật là nguy hiểm. Vậy biện pháp để thắng sân hận là gì?

Thưa, nếu gặp cảnh trái tai gai mắt, trước hết ta phải nhẫn nại và kịp thời áp dụng Từ, Bi, Hỉ, Xả. Còn nhẫn nại mà không hỉ xả thì cũng chưa toàn vẹn. Vì nhẫn nại mà không tha thứ thì vô tình ta đã tích trữ bao bực tức trong lòng. Cho đến khi không còn nhẫn nại được nữa nó sẽ nổ bùng ra thì lại còn tai hại gấp bội.

81.- KODHO DUMME DHAGOCARĀ:
SÂN HẬN LÀ CON ĐƯỜNG HÀNH TRÌNH CỦA NGƯỜI NGU.

Sự ngu muội trong câu Phật ngôn này, Đức Thế Tôn có tôn ý muốn ám chỉ về cái tâm si mê, không thấy rõ ác thiện, hay vấn đề vay trả, trả vay của con đường nghiệp quả.

Người dù học rộng tới đâu, nếu không diệt được lòng sân hận sẽ có ngày bị mê muội.

Một nhà bác học trong lúc nghiên cứu, nếu gặp những khó khăn rồi đâm ra nóng nảy bực tức, thì chắc chắn ông ta sẽ thất bại.

Con người của chúng ta cũng vậy, sự sáng suốt chỉ phát sanh khi nào tâm hồn ta bình tĩnh, nằm trong khung cảnh yên tịnh.

Lòng sân hận ví như than nóng vùi tro ngấm ngầm trong tâm hồn của ta, tay không sờ mó được, nhưng nếu để ý, thì ta sẽ thấy nó ngay khi nghịch cảnh.

Người bị sân hận lung lạc thì hành động lúc nào cũng tàn bạo, lời nói nham hiểm và ý nghĩ thường trái ngược với nhân đạo.

Tóm tắt lại, khi tâm ta nóng nảy thì tất nhiên hành động quấy.

Có nhiều lúc bình thường rất sáng suốt thế mà đến khi nóng giận thì họ chẳng khác nào con người mất trí. Như vậy có phải chăng sự sân hận đã biến con người của họ trở nên ngu muội.

Lại nữa dù cho hành động xấu xa đến đâu, họ vẫn không thấy hổ thẹn. Vì con mắt lương tâm đã mù quáng.

82.- DOSO KODHASAMUTTHĀRO:
SÂN HẬN LÀ NHÂN CỦA SỰ GIẬN DỮ.

Bây giờ chúng ta hãy bàn qua cái kết quả của lòng sân hận.

Quí vị ra đường gặp hai người mặt mày đỏ tía đang hậm hực đứng nhìn nhau, chắc quí vị không khỏi rùng mình vì đã đoán được cái kết quả sẽ diễn ra như thế nào?

Sự sân hận khi còn ngấm ngầm thì chỉ làm cho tâm ta đen tối nhưng khi nó lên đến cực điểm thì sẽ bùng nổ và biểu hiện thành hành động , như giết người chẳng gớm tay v.v…

Con người sở dĩ giết nhau cũng chỉ vì cơn giận dữ mà nguyên nhân của nó là sự sân hận.

Sự giận dữ có một sức mạnh phi thường. Nếu ta không tìm biện pháp chặn đứng nó thì chắc chắn sẽ bị nhiều thảm họa. Đã biết rõ cái hậu quả tai hại của nó như thế, chúng ta cần phải gia tâm đề phòng trước. Vì bình thường thì dễ, nhưng đến khi gặp trường hợp sân hận phát sanh, thì thật khó mà diệt trừ nó. Vả lại, ngừa bịnh bao giờ cũng lợi hơn trị bịnh.

Vấn đề này thật khó giải quyết nhưng nếu chúng ta chịu theo nghe lời của Phật dạy thì chắc cũng không khó gì. Đức Thế Tôn dạy: "Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát lấy ta và phải thực hành phương pháp "nhẫn nại" [*] vì nhẫn nại chẳng khác nào một khí giới sắc bén để ruồng phá sự sân hận.

[*] NHẨN NẠI: Sự nhịn nhục nếu có aimắng, đáng hoặc làm khổ ta (KHANTI).

Như vậy việc làm đầu tiên là phải tự kiểm soát để xem xét tâm ta và nếu ta thấy có sự nóng nảy phát sanh, ta liền áp dụng ngay sự nhẫn nại. Như thế ta mới có đủ thì giờ để chặn đứng cái nhân giận dữ

83.- NATTHI DOSA SAMO GAHO:
KHÔNG CÓ NGỤC NÀO BẰNG NGỤC SÂN HẬN.

Nói đến hai tiếng "ngục tù" chắc ai cũng ghê sợ. Thế mà có mấy ai biết vì sao có ngục tù và loại ngục nào mà khi ta đã sa vào rồi thì không có thể thoát ra được.

Trong một Quốc gia, sở dĩ Chánh phủ lập ra những nhà tù chỉ vì muốn trừng phạt những kẻ xem thường luật nước.

Xét cho kỹ, ta nhận thấy những người nầy gây nên tội cũng chỉ vì lòng sân hận và tham vọng. Hơn nữa, kẻ nào bị sân hận chi phối thì thường chém giết nhau để phải mang trọng tội.

Chiếu theo câu Phật ngôn trên, Đức Đại Giác có tôn ý cho chúng ta nhớ rằng kẻ nào cứ để cho sân hận chi phối thì kẻ ấy không bao giờ xa lìa cửa ngục. Vì sân hận phát sanh thì kẻ trả thù qua, người rửa hận lại, thay nhau sát phạt, để rồi phải bị ngồi tù.

Chẳng những bị lao lý đọa đày trong kiếp hiện tại thôi, mà sau khi chết còn phải sa vào địa ngục. Như thưở Phật còn tại thế, ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA vì một chút sân hận nhất thời mà phải sa vào cảnh khổ đến bây giờ.

84.- NATTHI DOSASAMO KALI:
KHÔNG TỘI NÀO BẰNG TỘI CỦA SỰ SÂN HẬN.

Trên lãnh vực của tội lỗi, từ bề rộng đến bề sâu, sự sân hận là một tội lỗi rất nặng nề và nguy hiểm.

Sân hận (DOSA) mà chúng tôi đã giải trong những bài trên, nó rất nguy hiểm trong mọi mặt. Một khi con người đã bị sân hận đầu độc rồi thì việc tội lỗi và nguy hiểm nào mà họ chẳng dám làm, vì lúc ấy họ đã mất hết sự tự chủ.

Mỗi khi con người đã bị sân hận cảm thắng, chẳng những chính họ phải bị đau khổ mà còn gieo rắc biết bao tang tóc buồn thương cho kẻ khác. Con người sở dĩ bị yểu thọ, không có nhiều bạn hữu, phần lớn là do tâm tánh họ quá khắt khe và sân hận. Vì lẽ trong Tam độ, Tham chỉ khiến người bị đọa đày trong cảnh quỉ đói; Si chỉ khiến chúng sanh sa trong cảnh súc sanh nhưng anh Sân thì lại xô đầu người đời vào cảnh địa ngục.

Khi đã ý thức được cái tội lỗi và nguy hiểm của sân hận quá lớn lao như thế, ta chẳng nên để nó ngự trị mà trái lại phải kịp thời động viên toàn lực Từ tâm để đối phó thì chắc chắn sẽ được an nhàn trong đời hiện tại và kiếp vị lai.

85.- KODHAṂ GHATVĀ SUKHAṂ SETI:
NGƯỜI DIỆT ĐƯỢC SÂN HẬN THƯỜNG NGỦ NGON GIẤC.

Sự an vui có hai là Thân và Tâm, Thân an vui là không bị kẻ khác đánh đập, đâm chém. Khỏi bị nhà chức trách bắt bớ giam cầm. Tâm an vui là không nóng nảy bực tức, không ngoan cố oán thù nhứt là không bị lương tâm cắn rứt, hành phạt trong khi thức cũng như lúc ngủ.

Nhiều người ngộ nhận cho rằng lương tâm đay nghiến chẳng

sao miễn thân khỏi giam cầm lao lý là được. Sự thật thế đâu quá dễ dàng như họ tưởng. Vì lẽ những kẻ quyên sinh bằng thuốc độc hoặc mượn sợi dây oan nghiệt để kết liễu cuộc đời v.v…Phần nhiều nào phải thiếu cơm ăn, áo mặc mà chỉ vì linh hồn họ quá đau khổ, ê chề cho kiếp sống bắt bằng của họ mà ra cả.

Chiếu theo đây, chúng ta nhận thấy rằng tâm linh đáng sợ hơn thân bịnh. Vậy người muốn được sự an vui thì hãy nhớ đừng bao giờ để cho linh hồn phải sa đọa vì tâm hồn chi phối thể xác hữu hiệu hơn là thể xác chi phối linh hồn. Do đó, mỗi khi sân hận phát sanh thì thức cũng khổ mà ngủ cũng khổ. Họ thường nằm mộng thấy những điều ác, hãi hùng…Thế rồi họ đâm ra lo lắng sầu khổ. Đôi khi họ la lên sảng sốt mặc dù đang ngủ. Nếu tình trạng ấy kéo dài thì họ có thể trở thành con người đau thần kinh không muộn.

Trái lại, muốn được an vui hạnh phúc trong mọi oai nghi, khi thức cũng như lúc ngủ, chúng ta phải kiên tâm diệt trừ sân hận.

86.- KODHAṂ GHATVĀ NASOCATI:
NGƯỜI DỨT ĐƯỢC SÂN HẬN SẼ KHÔNG BỊ PHIỀN PHỨC.

Người sống trong sự kềm hãm của sân hận thường gây cảnh phiền phức cho mình và cho những người quanh mình. Chẳng hạn như một cậu nọ vì lòng sân hận nhứt thời dùng khí giới đâm chém kẻ thù. Lẽ dĩ nhiên cậu ta không bao giờ yên thân được. Nào là bị nhà chức trách đòi hỏi lôi thôi, bắt bớ giam cầm, nào là bị bồi thường tiền bạc ít nhiều tùy vết thương và sự tốn kém cũng như thể diện.

Chẳng những cá nhân cậu ấy bị phiền phức mà cả cha mẹ hoặc thân quyến cũng bị phiền phức như nhau. Họ phải lo tìm trạng sư biện hộ hoặc lãnh ngoại hầu tra v.v…Nếu cậu ta đã có gia đình thì càng tội nghiệp cho người vợ phải thắt thỏm trông chồng, phải chịu tiếng đời mai mỉa. Và đáng thương hơn hết là những đứa trẻ đầu xanh đã làm chi nên tội mà cũng phải chịu cảnh xa cha, phải bị nhục nhã vì cha nó bị ở tù, ở tù vì tội chém người ta. Ôi biết bao cảnh tủi hổ đổ xuống đầu cậu ấy và cho cả những người thân cũng vì cậu mà phải bị phiền phức khổ lụy.

Tóm lại, người sống trong nắm tay của sân hận không bao giờ hưởng được cảnh thư nhàn cả vật chất lẫn tinh thần. Họ đã gây cảnh bất bằng cho chính mình và cho những kẻ yêu thương họ. Tiền của phải chịu tốn hao, thể xác bị lao tù, nhân phẩm bị tổn thương, tinh thần bị xáo trộn. Họ hoàn toàn bại trận và hằng bị phiền phức liên tục.

87.- KODHĀ BHIBHŪTO KUSALAṂ JAHĀTI:
NGƯỜI BỊ SÂN HẬN ÁM ẢNH THƯỜNG XA LÌA THIỆN PHÁP.

Như chúng ta thường thấy, có những hạng người nhỏ mọn, khó tánh, cứ đụng một chút là giận hờn, nóng nảy, gương mặt cau có xấu xa. Ở trong gia đình họ, làm mất cả hòa khí và hạnh phúc. Họ quên mất lẽ phải hay họ không cần lẽ phải cũng thế. Đối với người sân họ không bao giờ nhận được lý khổ não chẳng cần phân giải thiệt hơn. Họ chỉ biết trả thù rửa hận. Họ cho rằng đó là hành động duy nhứt hợp lý hợp tình mà họ phải làm. Ngoài ra họ không có ý thức chi về tội phước cả. Vì một khi sân hận phát sanh thì Si mê ám ảnh, nên họ thường liều lĩnh. Đã liều lĩnh thì lẽ dĩ nhiên hành động bất chánh. Càng hành động bất chánh thì họ càng rơi sâu vào hố tội lỗi.

Đến đây ta mới nhận thấy câu Phật ngôn trên đã trải qua hơn 25 thế kỷ mà vẫn còn đúng như một với một là hai vậy.

Phước thiện không bao giờ phát sanh đến người sân hận, nó chỉ có kết quả đến những hạng người có tâm tính trong sạch và yên tĩnh.

Lại nữa, sự giàu sang, chức vị và hạnh phúc cũng không bao giờ phát sanh đến người sân hận vì sân hận hằng làm cho người tối mê không thể nào còn đủ nghị lực để tìm thấy sự lợi ích. Người sân hận thường tự làm cho mình sống một cuộc đời lẻ loi và đào sâu hố chia rẽ với mọi người.

88.- KODHANO DUBBANNO HOTI:
SẮC DIỆN CỦA NGƯỜI SÂN HẬN THƯỜNG RẤT XẤU XÍ.

Mỗi khi con người sân hận thì sắc diện xấu xí, tay chân run rẩy, bộ tịch xình xàng, gương mặt họ bỗng nhiên thay đổi từ màu hồng sang màu đỏ, rồi biến thành tái xanh. Đến màu này là đến thời kỳ cực điểm rồi đấy! Bạn bè cũng mặc, ân nghĩa cũng thây, họ không còn một chút lương tri nào cả! Đừng nói chi đến người hoàn toàn bị Sân hận chi phối mà phải mất vẻ đẹp thậm chí những người cộc cằn thô lỗ kém nhã nhặn chút ít cũng đã kém vẻ đẹp rồi. Như thế người đẹp chẳng những phải điểm trang bằng các món đồ đắt giá còn phải trang sức bằng pháp nhẫn nại. Vì chỉ có nhẫn nại mới đủ điều kiện làm tăng vẻ đẹp. Trên thực tế người đẹp vừa vừa mà biết tạo cho mình một gương mặt vui tươi bao giờ cũng đẹp hơn người có một nhan sắc thiên nhiên,nhưng lại cau có quạu quọ.

Tóm lại, mỗi khi sân hận phát sanh thì sắc tướng của con người thay đổi xem rất dị hình thô bạo. Muốn tránh cái tướng kỳ quái khó xem ấy để tạo cho mình một sắc tướng tươi đẹp, điều cần yếu là ta phải tiêu diệt sự sân hận đừng để cho nó ngự trị ta bao giờ cả.

89.- DUKKHAṂ SAYATI KODHANO:
NGƯỜI SÂN HẬN HẰNG CHỊU NHIỀU ĐAU KHỔ.

Người không có đức tánh nhẫn nại, chẳng chịu thực hành tấm lòng hỉ xả, để cho tự ái, thù hằn tự do lung lạc tâm mình, cứ mãi chấp rằng kẻ kia khinh bỉ, chọc giận ta, thì ta sẽ tìm phương tính kế để trả thù lại hầu thỏa mãn lòng tự ái. Người hành động như vậy là người đã đầu độc tâm mình và để mặc tình cho sân hận điều khiển.

Hận đi qua, thù lại đến, cứ vay trả, trả vay làm khổ cho nhau chẳng ích lợi gì. Sự thù hằn, tìm mưu cao kế độc để giết chóc lẫn nhau là hành động của kẻ vô tri thức.

Còn biết bao bổn phận phải làm, vì ta là một con người đã chiếm một địa vị sống còn trên quả đất. Vậy thì ta không nên gia tâm băn khoăn những vấn đề thù hận vô ích.

Vả lại, người sân hận chẳng những tự đào huyệt khổ để chôn vùi cuộc đời hạnh phúc mà còn gây ra bao thảm cảnh đau lòng cho những người thân.

Ngoài việc hao tài tốn của, bỏ ngủ quên ăn, người sân hận vẫn bị thiệt thòi và đau khổ vì một lẽ rất dễ hiểu là hành động nhứt thời thiếu tự chủ của mình.

Tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào, người sân vẫn bị thiệt thòi và đau khổ vì một lẽ rất dễ hiểu là hành động, lời nói và tư tưởng của họ hoàn toàn lệ thuộc sân hận. Con mắt lương tâm trở thành vô dụng trước tấm tường đồng thù hận oan khiên.

Vậy người nào muốn hết khổ, muốn đem mình đến nơi an vui hạnh phúc, thì hãy cố thoát khỏi xích xiềng sân hận oán thù thì tức nhiên sẽ được toại nguyện.

90.- ATHO ATTHAṂ GAHETVĀNA ANATTHAṂ PATI PAJJATI:
NGƯỜI SÂN DÁM LÀM CHUYỆN BẤT LỢI VÌ LẦM TƯỞNG LÀ CÓ LỢI.

Trong đời sống, con người phải vất vả nhọc nhằn, tảo tần buôn bán mới gầy dựng được một cơ nghiệp tương đối vững vàng. Thế mà đôi khi chỉ vì sân hận nhứt thời mà sự nghiệp tiêu tan, gia đình phải đổ vỡ.

Người bị sân hận đầu độc luôn tự cho mình phải và có lý. Bất cứ hành động nào họ cũng thấy có lợi cả. Vì thấy có lợi nên họ mới làm. Như đánh người thù thì họ cho là có lợi vì kẻ ấy sẽ không dám hiếp họ nữa. "Hạ nhục người thù thì kẻ khác sẽ cho mình là tay khá, có máu anh hùng, như thế cũng có lợi. Giết được người thù thì từ nay về sau mình sẽ không còn thấy cái mặt đáng ghét đó nữa, nó sẽ không bao giờ còn nghểu nghến chọc giận mình nữa và lẽ dĩ nhiên có lợi cho mình nhiều". Đây là những hành động hợp lẽ phải và có lợi theo quan niệm của người sân hận.

Chứng kiến một người nóng giận làm liều ta cho là họ làm bậy, không có lợi. Nhưng mỉa mai và trái ngược làm sao vì người sân hận chính họ cho như thế là phải và có lợi. Cái lợi của người sân là thế ấy. Nên Đức Phật khuyên chúng ta đừng nên hành động chi cả trong khi sân hận vì tâm hồn của ta đã bị khủng hoảng mà cái lợi của người sân chỉ là cái hại muôn đời.

91.- KODHABHIBHŪTO PURISO DHANAJĀNIṂ NIGACHATI:
NGƯỜI BỊ SÂN HẬN ÁM ẢNH HẰNG BỊ HƯ HẠI TÀI SẢN.

Nội dung câu Phật ngôn trên đây chứa đựng một ý nghĩa rộng rãi và có thể giảng giải nhiều cách, song chúng tôi chỉ sơ lược vài phần đại khái để chư độc giả dễ thông cảm.

Người bị sự nóng giận ngự trị thường bị thiệt thòi trong mọi mặt. Đối với gia đình, thường hay xung đột gây gỗ, chuyện ít nhích ra nhiều để rồi đâm ra bất bình, ẩu đả nhau; lắm lúc phải bị thương tích, tù đày, gia đình bị tan rã, tài sản bị tiêu hao v.v…

Tóm lại, dù ông cha ta có để lại một gia tài kếch xù hoặc chính ta lập nên một sự nghiệp to tát đi nữa mà ta không biết tự chủ để cho sân hận tự do lung lạc thì có ngày sẽ bị sạt nghiệp chẳng sai.

92.- KODHASAMMA DASAMMATTO AYASATYAṂ NIGACCHATI:
NGƯỜI BỊ SÂN HẬN ĐẦU ĐỘC THƯỜNG BỊ MẤT ĐỊA VỊ.

Địa vị hằng phát sanh đến người sáng suốt có thể điều khiển được tâm hồn, quán xét thấy lợi hại trong việc làm, không có sự ngã mạng. Sân hận hằng làm mất cả bẩm tính thông minh nên con người không thể xét đoán được sự lợi hại, thường hay làm càng nói bướng. Vì thế nên địa vị ít khi đến với họ mà nếu đã có thì cũng khó duy trì cho được lâu bền. Người sân hận thường là kẻ thế cô, vô địa vị và ít khi làm nên đại sự. Bằng như để cho họ làm thì vô tình ta phá hại việc lớn bằng cách gián tiếp. Một đoàn thể, một Quốc gia không thể để cho người sân hận lãnh đạo. Người lãnh đạo phải là một bậc hiền tài và sáng suốt mới bảo đảm được vận mạng của dân tộc và sự suy vong của Quốc gia.

Chúng ta hình dung thử một nhà lãnh đạo tánh tình nóng nảy thì cái hậu quả nguy hiểm đến với họ. Một lời phán của nhà Vua trong cơn thịnh nộ thì đã có nhiều cái đầu đã bị rụng và biết bao gia đình bị tang tóc. Bởi thế việc hệ trọng không thể phó thác người sân hận làm được vì tánh họ rất nông nổi, nhứt thời và mù quáng.

Tóm lại, người muốn có địa vị, muốn trở thành một nhân vật cao cấp trong xã hội hoặc muốn cho người đời kính trọng thì phải diệt trừ sự sân hận đồng thời thực hành lòng Từ bi bác ái đối với chúng sanh.

93.- ÑATIMITTĀ SUHAJJĀ PARIVAJJENTI KODHANAṂ:
NGƯỜI BẠN TỐT PHẢI CỐ TRÁNH SÂN HẬN.

Con người sống trên thế gian cần phải có bạn bè ít nhiều, không thể không có được. Bạn hữu là người thường an ủi ta và cho ta một niềm tin vững chắc. Sống thân thiện với họ ta sẽ bị ảnh hưởng tốt xấu của họ. Do đó các hàng trí thức coi việc chọn bạn là một vấn đề tối quan trọng.

Nói đến người bạn tốt, có lẽ ai cũng lý luận được cả, nhưng họ chỉ lý luận theo tình cảm, không bao giờ chịu tìm tòi mổ xẻ để hiểu rõ cái giá trị của người bạn tốt theo lý đạo. Cũng có kẻ biết nói: Người bạn tốt là người hằng thương mến giúp đỡ ta và có nhiều lượng khoan hồng. Nói như thế chỉ đúng ở một khía cạnh chớ không nêu rõ được chân tướng của người bạn tốt.

Theo Phật dạy, người bạn tốt cần phải có thân, khẩu, ý trong sạch, một đức độ vị tha và nhất là không sân hận. Vì sân hận là nguyên nhân của tất cả tánh xấu như chửi cha, mắng mẹ, đánh đập vợ con, đốt phá nhà cửa v.v…

Một người bạn tốt chẳng những tự mình tỏ ra mát mẻ ôn hòa để xứng đáng với vai tuồng quan trọng mà cần phải biết chọn hiền lành có nhiều lòng từ ái để thân cận. Được thế mới bảo đảm tình đạo bạn mà hết sức quí trọng khỏi bị sứt mẻ vì chính hành động của ta hay do người bạn đưa đến. Vả lại sức chịu đựng của ta lúc nào cũng có giới hạn. Trường hợp ta cố giữ thái độ ôn hòa mà bạn ta quá nông nổi nóng nảy không chịu hiểu ta cứ làm phiền ta mãi thì thử hỏi ta có đủ sức nhẫn nại được chăng?

Thế nên muốn bảo vệ tình đạo bạn cho được lâu bền điều tối cần là phải tự mình ít nóng nảy và phải chọn bạn có đức tính tương đối như mình thì mọi việc đều ổn thỏa.

94.- KUDDHO ATTHAṂ NA JĀNĀTI:
NGƯỜI SÂN HẬN KHÔNG BAO GIỜ HIỂU RÕ LÝ CAO SIÊU.

Diệu lý nơi đây Đức Thế Tôn ám chỉ sự liên quan mật thiết giữa nhân và quả. Người nhiều sân hận không thể hiểu được sự tế nhị của nhân quả. Vì nếu hiểu thì họ làm sao có thể hành động xấu xa bất lợi được. Họ có bao giờ biết rằng thảm cảnh tương sát tương tàn phần nhiều do sự sân hận mà ra cả. Như thế có phải sân hận là nhân và cảnh giết chóc là quả? Tuy nhiên, người sân hận đâu hiểu nhân quả là gì, họ gây nhân để chịu quả trong khi họ ngộ nhận cho đó là sự mỉa mai mà không bao giờ ý thức được định luật nhân quả.

Vì không hiểu rõ như thế nên người sân hận lúc nào cũng bực mình than thở trước những cảnh trái ngang xảy ra trong đời họ. Chỉ có người thấm nhuần Đạo Phật mới có thể thản nhiên và nở trên môi một nụ cười trước những cảnh nát dạ đau lòng .

Tóm lại, người sân hận không bao giờ thấy cái nhân gây khổ cho mình và cho người khác nên họ cứ bị lầm lạc như người lạc lõng giữa rừng không biết nẻo ra.

95.- KUDDHO DHAMMAṂ NA PASSATI:
NGƯỜI SÂN HẬN KHÔNG BAO GIỜ THẤY ĐƯỢC CHƠN LY.

Chơn lý nơi đây ám chỉ hai pháp: Pháp nên tu tập (BHĀVANĀDHAMMA) và pháp nên dứt bỏ (PAHĀNADHAMMA). Các pháp làm cho chúng sanh phải luân hồi như Tham, Sân, Si gọi là pháp nên dứt bỏ. Còn các thiện pháp làm cho chúng sanh giải thoát như Giới, Định, Huệ gọi là pháp nên tu tập.

Bằng như đề cập đến Tứ Diệu Đế thì Khổ đế và Tập đế gọi là pháp nên dứt bỏ. Diệt đế và Đạo đế gọi là pháp nên tu tập.

Căn cứ theo đây chúng ta nhận thức được rằng Đức Phật luôn luôn giản dị. Giáo lý Ngài thiên hẳn về mặt thực hành hôn lý thuyết. Đã vậy còn bao hàm những ý nghĩa hết sức thâm thúy. Nên chi người nhiều sân hận thiếu sáng suốt không thể ý thức được giá trị tuyệt đối giáo lý của Ngài.

96.- YAṂ KUDDHO UPAROCETI SUKARAṂ VIYADUKKARAṂ:
KẺ SÂN HẬN LÚC NÀO CŨNG HÀNH ĐỘNG NGƯỢC NHÂN TÂM - VIỆC NGƯỜI KHÓ LÀM HỌ CHO LÀ DỄ.

Trong lúc nóng giận, ai cũng vậy, chỉ muốn làm cho lợi gan là đủ, không cần suy nghĩ lợi hại hoặc hậu quả ra sao cả. Vì đó nên hành động của người sân hận phần nhiều phản quyền lợi của kẻ khác, ngược với nhân tâm không đem lại sự kết quả tốt đẹp trong mọi phương diện.

Gia đình hạnh phúc là kết tinh của tất cả tâm lực hòa lẫn mồ hôi nước mắt, thế mà người sân hận đang tay phá hoại chẳng chút thương tiếc. Bấy nhiêu đó cũng đủ cho chúng ta thấy rằng người sân hận xem thường tất cả lẽ phải, đánh giá việc làm một cách mù quáng, chẳng hạn như sự cố gắng công phu hành đạo để trở thành Tiên Phật v.v…Người ta thường khép mình vào khuôn khổ giới hạnh, nghiệm xét từng cử chỉ nhỏ nhặt của thân, khẩu và ý, nghĩ hết sức sâu kín của tâm mới mong đạt thành đạo quả. Thế mà người sân hận nhứt thời có thể làm sụp đổ tòa lầu đạo hạnh một cách quá dễ dàng.

Còn việc tội ác như sát nhơn giết cha, mắng mẹ, phá hoại Tam bảo, chia rẽ Tăng già toàn là những hành động vô cùng đen tối mà cũng hết sức khó khăn thế mà người sân hận vẫn làm được như thường.

Tóm lại, những hành động thật ở cao đẹp phải tốn nhiều công phu thì người sân hận có thể phá vở một cách dễ dàng. Cũng như những tội ác tầy trời họ vẫn làm được không khó.

97.- PACCHĀ SO VIGATE KODHE AGGIDADDHOVA TAPPATI:
NGƯỜI SÂN HẬN CHẲNG NHỮNG TÂM HỒN BỊ ĐEN TỐI TRONG KHI NÓNG NẢY MÀ CÒN BỊ LƯƠNG TÂM CẮN RỨT VỀ SAU NHƯ CHẤT LỬA NGẦM THIÊU ĐỐT VẬY.

Câu Phật ngôn trên đây có ý cho chúng ta thấy rằng: "Sự sân hận hằng làm cho con người bị khổ não trên mọi phương diện". Khi bực tức tâm ta chẳng những bị thiêu đốt nóng nảy mà còn làm cho ta ân hận nữa. Như người nóng giận, đánh đập bạn bè, đến khi lửa hờn đã tắt, nhìn lại thấy bạn mình đang oằn oại vì vết thương thì tự nhiên đau nhói trong lòng. Thế họ bị tòa án lương tâm trừng phạt.

Cũng có lắm người chỉ vì sân hận phát sanh, họ thường đập phá đồ đạc, đôi khi cuồng loạn đốt nhà cũng có khi ngọn lửa bùng cháy lên cao thì lúc bấy giờ mới hối tiếc. Hành động này không phải chỉ một mình họ chịu khổ thôi đâu mà cả gia đình cũng phải đói khổ.

Hiện nay ta từng thấy, thiếu chi vì một chút sân hận mà phải bị ngồi tù suốt đời.

Tóm lại, cái sức mạnh của sự sân hận là vô cùng nên cái tai hại của nó cũng vô tận.

Dù sao chăng nữa, trong con người của chúng ta cũng còn một chút lương tri, vì vậy mà sau khi sự nóng nảy đã qua rồi ta mới hồi tâm suy nghĩ, lúc bấy giờ mới hiểu là mình quấy. Khi đã biết mình quấy thì chuyện đã lỡ rồi làm sao cứu vãn được! Do đó cái tâm của ta cứ bị băn khoăn cắn rứt.

Lại nữa, biết đâu trong giờ phút mà ta đang bị lương tâm cắn rứt ấy, kiếp sống của ta đã tàn, thì chắc chắn bị đọa vào bốn đường ác đạo.

98.- KODHENA ABHIBHŪ TASSA NA DĪPAṂ HOTI KIÑCANAṂ:
NGƯỜI ĐÃ BỊ SÂN HẬN ÁM ẢNH KHÔNG CÓ MỘT HÀNH ĐỘNG CHI MÀ HỌ CÓ THỂ NƯƠNG NHỜ.

Người bị sân hận ám ảnh, hành động của họ thường đem đến những kết quả tai hại. Chẳng hạn như bè bạn không còn thương mến ta, thân bằng quyến thuộc tìm cách xa lánh ta vì họ biết rằng hành động tai hại của ta sẽ ảnh hưởng đến họ. Như thế là ta đã mất đi bao nhiêu sự nương nhờ nơi kẻ khác. Đời sống ta chắc chắn sẽ bơ vơ từ đây.

Nhưng sự nương nhờ với kẻ khác chỉ là một cái quả thôi, còn chính cái hành động tốt đẹp của ta để được nương nhờ mới là một nguyên nhân đáng kể.

Căn cứ theo Phật giáo thì "Chính ta là nơi nương nhờ của ta" chẳng những sự sung sướng hay khổ sở trong kiếp hiện tại này mà ở các kiếp sau cũng do ta cả.

Ngoài sự đối xử nhã nhặn, tính tình hiền hòa để được nương nhờ với mọi người, ta còn phải tự tạo những cái gì để nương nhờ trong kiếp vị lai. Vì định luật nhân quả đã cho ta thấy rằng nếu tạo ác trong kiếp này thì kiếp sau ta phải khổ, còn hành thiện thì sẽ được quả vui. Như thế có phải chăng nhân nào quả nấy. Do đó sự an vui mà ta sẽ được ở kiếp vị lai ta cần phải tự tạo ở kiếp này. Nếu ta cứ tin ở tha lực thì không bao giờ thành tựu vì ai ăn nấy no, ai làm nấy hưởng. Bởi vậy, sự nương nhờ duy nhứt và vĩnh cửu là sự nương nhờ ở chính ta.

Tóm lại, người sân hận không bao giờ có chỗ nương nhờ vì họ không có hành động cao đẹp.

99.- HANTI KUDDHO SAMĀTARAṂ:
NGƯỜI SÂN HẬN CÓ THỂ GIẾT HẠI ĐẤNG SANH THÀNH.

Sự sân hận lúc nào cũng làm cho tâm đen tối, vì vậy người bị sân hận chi phối thì tâm tánh họ bị lu mờ. Do đó họ không bao giờ phân tích được nhân nghĩa phải quấy. Có lắm người dám giết cha mắng mẹ nếu lòng tự ái của họ bị tổn thương.

Họ đâu hiểu rằng: "Cha mẹ là ân nhân duy nhứt trong đời họ". Người đã từng khổ sở với họ rất nhiều , từ lúc mang thai đến ngày sinh đẻ, rồi nuôi nấng cho nên người.

Có người đôi khi vì lời thêm bớt của vợ con mà họ nỡ mạt sát cha mẹ bằng những lời vô cùng thậm tệ. Lại cũng có kẻ đánh đập cha mẹ như những hạng tôi đòi. Ôi! Ghê gớm thay cho lòng sân hận.

100.- KODHA JĀTO PARĀBHAVO:
SỰ SÂN HẬN PHÁT SANH ĐẾN KẺ NÀO THÌ KẺ ẤY SẼ TRỞ THÀNH CON NGƯỜI HƯ HẠI.

Một bằng chứng cụ thể cho ta thấy như hiện nay, nhiều người chỉ vì sự sân hận mà họ gây biết bao sự tai hại. Nhân loại trên thế gian này, nếu cứ thù hận làm hại nhau thì làm sao có thể sống chung trong một xã hội đại đồng. Và rất có thể một ngày gần đây con người sẽ trở thành man rợ, sống vô nhân đạo. Sân hận chẳng những đem lại tai hại cho một người mà chung cho cả thế giới.

Trên thực tế, sự sân hận tương đối dễ trừ khi nó mới phát nhưng rất khó ngăn lúc nó đã tiến đến cực điểm. Sân hận lúc mới phát chẳng khác một đóm lửa đỏ nếu không dập tắt kịp thời thì nó dần dần cháy lan rộng ra thành một đám lửa to không tài nào chữa được nữa. Sự sân hận nhen nhúm trong lòng ta cũng thế nếu không sớm tìm giải pháp dập tắt dần dần thì ta chắc chắn sẽ trở thành một con người hư hại.

101.- KODHAṂ DAMENA UCCHINDE:
PHẢI CỐ GẮNG RÈN LUYỆN CON TÂM ĐỂ NGĂN NGỪA SỰ SÂN HẬN.

Chỉ có sự sân hận đem lại cho ta rất nhiều tai hại, bởi vậy các hàng trí thức rất ghê sợ và luôn tìm cách ngăn ngừa hoặc diệt trừ nó Phương pháp duy nhất để ngăn ngừa sân hận là phải có trí nhớ và sự biết mình. Nếu thiếu hai pháp nầy ta sẽ bị các ác pháp đánh bại một cách dễ dàng. Tâm ta như một con khỉ ở giữa rừng nếu không níu cành này nó cũng chuyền qua cành khác. Nó có cả trăm hành động khác nhau không có cái nào giống cái nào cả.

Sự phóng túng của con tâm cũng thế nó thay đổi không ngừng theo muôn hình vạn trạng. Sự theo dõi để ngăn ngừa chế ngự nó không phải là một chuyện dễ. Nếu không có hai món khí giới là trí nhớ và sự biết mình ở bên trong thì chắc chắn không bao giờ ta chạy theo kịp nó. Người trí thức lúc nào cũng theo dõi mọi biến chuyển của nội tâm hễ thấy có điều ác len lỏi phát sanh nơi nào họ liền tiêu diệt ngay không dám chậm trễ. Nhờ đó tâm họ lúc nào cũng mát mẻ an trụ, trí huệ trong sáng như gương và hành động của họ thường rất đứng đắn hợp Đạo. Họ nhận thấy sự liên quan mật thiết giữa họ và tất cả chúng sanh. Vì thế lòng từ bi của họ lúc nào cũng chan hòa trên vạn loại, không còn những tánh xấu như ích kỉ, ganh ghét và oán thù …

Tóm lại, nhờ áp dụng trí nhớ và sự biết mình, các hàng trí thức thường được thành công vẻ vang trên phương diện ngăn ngừa sân hận.

102.- KODHAṂ PAÑÑĀYA UCCHINDE:
TA NÊN DÙNG TRÍ TUỆ ĐỂ NGĂN NGỪA SỰ SÂN HẬN.

Trong câu Phật ngôn trước, ta thấy Phật dạy phải luôn luôn xem xét tâm ta băng phương pháp không dễ duôi, có trí nhớ cũng như biết mình. Nhưng câu Phật ngôn này Ngài lại dạy ta phải dùng trí tuệ để ngăn ngừa sự sân hận.

Nếu tìm hiểu một cách tinh vi, ta sẽ thấy Đức Phật rất tế nhị trong nghệ thuật dạy đạo. Biết rõ trước sự tai hại của sân hận, Ngài chẳng những dạy cho ta những phương pháp để chận đứng cái nhân mà còn nghĩ thêm giải pháp để tiêu trừ cái quả. Vì sự tự kiểm soát con tâm đó chỉ là một phương pháp ngăn ngừa thôi, hễ thấy sân hận nẩy sanh chỗ nào thì diệt nó ngay nơi đó. Còn đến khi nó đã bộc phát lên thành trạng thái hẳn hoi thì lúc đó ta làm sao ngăn ngừa cho kịp mà chỉ có thể dùng trí tuệ suy xét mới mong thành công được.

Vả lại, nội dung câu Phật ngôn còn có ý cho chúng ta thấy rằng: cái trí tuệ mà ta dùng để tiêu diệt sự sân hận mỗi khi gặp phải cảnh trái ý nghịch lòng là cái trí tuệ vô cùng trong sáng thấy rõ cái tội của sân hận.

Một khi sân hận phát sanh, nếu ta dùng trí tuệ để suy xét thì cái trí tuệ ấy sẽ giúp ta thấy rõ cái hậu quả rất xấu xa đau khổ của sự sân hận mà không dám buông tay làm quấy.

Cái trí tuệ này còn cho ta thấy cái luân hồi vay trả oan trái giết nhau và do đó thường phát tâm ghê sợ rồi sự sân hận cũng tan dần đi, không còn thiêu đốt tâm hồn ta nữa. Cho nên Phật dạy: "Phải dùng trí tuệ để chặn đứng sự sân hận là thế".

103.- MĀ KODHASSA VASAṂ GAMI:
ĐỪNG ĐỂ CHO TÂM TA PHẢI CHỊU DƯỚI QUYỀN ĐIỀU KHIỂN CỦA SỰ SÂN HẬN.

Nhân loại trên thế gian này ai cũng thích mát mẻ an vui hơn là nóng nảy khó chị..u đến như loài vật cũng vậy. Cái muốn của chúng sanh là thế, song việc làm của họ thì trái ngược lại. Họ tỏ ra nóng nảy thiếu bình tĩnh, hành động mù quáng để rồi chuốc lấy mọi thảm khổ vào thân.

Bấy giờ họ mới giựt mình giác ngộ thì câu chuyện đã dĩ lỡ rồi dù muốn dù không cũng không làm sao cứu vãn kịp nữa. Thế là đời sống của họ là cả một chuỗi dài ngày đen tối, mất hạnh phúc, thiếu tình thương, ăn sầu nuốt hận.

Do đó các hàng trí thức luôn luôn quật khởi, chống trả mãnh liệt trước quân thù là lòng sân hận. Nhứt định phải thắng nó hoặc tiêu diệt nó bất cứ với giá nào dù phải đánh đổi sanh mạng các Ngài cũng không từ nan. Vì các Ngài tự xét: khuất phục người thù là một điều vô cùng nhục nhã.

Vậy, muốn được an vui tự tại ta đừng bao giờ chịu bó tay vô điều kiện để cho sự sân hận trọn quyền điều khiển tâm hồn ta.

PHẬT HỌC ĐƯỜNG PHÁP QUANG
Ngày 22-04-1962

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-08-2004