Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Phật Ngôn Diễn Giảng

Tỳ khưu Padhānakāmo Dũng Chí

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG II

APPAMĀDAVAGGA: PHẦN KHÔNG DỄ DUÔI

29.- APPAMĀDO AMATAṂ PADAṂ:
SỰ KHÔNG DỄ DUÔI LÀ CON ĐƯỜNG BẤT DIỆT.

Không dễ duôi tức là luôn luôn có trí nhớ (SATI) và biết mình (SAMPAJAÑÑA) trong mọi hành động, lời nói và ý nghĩ. Đó là nói về lý. Còn cái sự là trạng thái của người hằng tự ngăn ngừa cái ta, không cho mê đắm trong Tài, Sắc, Lợi, Danh.

Người dễ duôi là người không nhận rõ cái lý nhân quả, kiếp sống ngắn ngủi của chính mình và sự khổ đọa trong bốn đường ác. Người dễ duôi thường mê đắm trong danh lợi và tất cả sự vui say giả tạm khác. Có một số người hoang mang và nghĩ rằng: dù dễ duôi hay không dễ duôi cuối cùng cũng phải chết như nhau, thế tại sao Phật dạy: không dễ duôi là con đường bất diệt.

Muốn cởi mở thắc mắc, chúng ta cần phải tìm hiểu một cách sâu xa cái lý cao siêu của nó, chẳng hạn như tiếng "bất diệt" trong câu Phật ngôn này. Thoáng nghe qua chúng ta lầm tưởng là: hễ không dễ duôi thì không chết! Thông thường người ta đã sanh ra rồi thì chắc chắn không trước thì sau cái xác thân này cũng phải bị tan rã ra từng mảnh. Nhưng Đức Phật thuyết không chết tức là ngụ ý cho chúng ta hiểu rằng người không dễ duôi là người luôn luôn giữ gìn thân, khẩu, ý, không buông lung theo ác pháp và hành động theo những điều đê tiện. Dù ở trường hợp nào, họ cũng phải nhất định gìn giữ cho được trong sạch, thanh cao. Do đó các nghiệp dữ không bao giờ theo họ. Lúc sống họ cảm thấy yên vui và được các hàng thiện trí thức kính mến, khi chết không bị sa vào bốn đường ác, vì thế mà con đường cao thượng họ sẽ luôn luôn tiến bước không ngừng và họ sẽ đạt được mục đích an vui tối thượng là tịch tịnh vô sanh, không còn luân hồi nữa.

Đến mục đích duy nhất này mới gọi là con đường bất diệt, chứ không phải như chúng ta lầm tưởng cái diệt là sự chết của một kiếp người. Đành rằng sau khi con người trút hơi thở cuối cùng là diệt, nhưng cái diệt đó chỉ là diệt để trở lại cái sanh tùy theo nghiệp quả.

Người không dễ duôi sau khi chết cũng phải sanh nhưng sanh lên nhàn cảnh để tiến bước đến mục đích cao thượng hơn. Còn người dễ duôi, vì quên mình làm, điều ác nên khi thác phải sanh vào khổ cảnh. Do đó họ cứ sống chết, chết sống luân hồi vô tận.

30.- APPAMĀDAÑCA MEDHĀVĪ DHANAṂ SETTHAṂ VA RAKKHATI:
BẬC TRÍ THỨC GÌN GIỮ SỰ KHÔNG DỄ DUÔI VÍ NHƯ NGƯỜI GÌN GIỮ BÁU VẬT.

Không dễ duôi tức là sự ghi nhớ và biết mình trong mọi hành vi và ngôn ngữ. Nếu ta không có phương pháp chính yếu là ghi nhớ và biết mình thì chắc chắn sẽ gặt lấy thất bại chua cay. Như cổ nhân dạy rằng "Khi còn trong trí tức là của ta, mà khi đã thốt ra khỏi miệng thành tiếng, tức là của người".

Nghiệm xét câu phương ngôn trên, chúng ta thấy sự dễ duôi rất nguy hiểm. Nhiều khi hậu quả đến với ta bất ngờ nhưng thảm khốc. Chỉ một câu nói hay một hành động vô ý thức mà ta phải bị tù tội, tử hình, tán gia bại sản. Bởi thấy nó nguy hiểm như vậy nên các hàng trí thức dè dặt, gìn giữ thân, khẩu, ý rất cẩn thận, không bao giờ để cho sự dễ duôi lung lạc làm chủ tình hình, điều khiển mọi hành vi và lời nói của ta. Ví như một người giàu sang nọ có vàng, ngọc và châu báu rất nhiều…Sau khi suy nghĩ kỹ, ông làm một cái tủ sắt thật dày để cất vàng, ngọc ấy. Tủ sắt dày và chắc tất nhiên kẻ trộm không sao cắp được. Đức Thế Tôn thuyết: Bậc trí thức gìn giữ sự không dễ duôi ví như người gìn giữ báu vật là của quý trọng trên đời.

31.- APPAMĀDAṂ PASAṄNATĪ:
BẬC TRÍ THỨC HẰNG CA TỤNG SỰ KHÔNG DỄ DUÔI.

Người có thân, khẩu, ý trong sạch trang nghiêm, thường kiểm điểm hành vi, ngôn ngữ và ý tưởng của mình không cho phóng túng hay tự do lung lạc, người ấy là người cao thượng sáng suốt, các bậc thiện trí thức nhứt là đấng Toàn giác rất ca tụng.

Mọi việc trên thế gian rất phức tạp, tốt xấu, vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt. Bởi thế khi ta bắt tay vào một việc gì mà ta không suy nghĩ cho tường tận thì rất dễ lầm lẫn và rơi vào khuyết điểm đáng tiếc. Khi nào ta đã sáng suốt nhận được giá trị việc làm của ta là chơn chánh rồi, ta phải tiến tới nhưng phải cẩn thận hầu khỏi phải thất bại chua cay. Người không dễ duôi hằng sợ sệt tội lỗi luôn luôn dè dặt trong mọi cử chỉ, lời nói, và cố gắng nghiêm trì giới luật, và lo thực hành những công tác phước thiện hầu thọ hưởng phước báu trong kiếp hiện tại và vị lai…

Người không dễ duôi dầu ở trong đạo, hoặc ngoài đời, họ không bao giờ gặp trở ngại, mà trái lại mọi việc làm của họ đều thành công rực rỡ. Bởi thế, trong 45 năm chu du truyền đạo, đến khi tuổi chẵn 80, Đấng Đại Từ Bi khi sắp rời bỏ cõi đời giữa hai cây song long thọ tại thành KUSINĀRĀ, Ngài di truyền cho chúng sanh lời tối hậu: "Các người không nên dễ duôi và hành y theo những lời ta truyền dạy, ấy là đền ơn và thờ phượng Như Lai vậy".

Nói tóm lại, Đấng Thế Tôn và các hàng tri thức rất khen ngợi và ca tụng những người hằng sạch thân, khẩu, ý, không để nó rơi vào ác pháp. Người giữ gìn, thân, khẩu, ý trong sạch như thế gọi là người không dễ duôi cẩu thả.

32.- APRAMĀDE PAMODANTI:
CÁC BẬC TRÍ THỨC HẰNG VUI THÍCH TRONG SỰ KHÔNG DỄ DUÔI.

Các hàng trí thức là bậc đã thấy rõ lý vô thường và nhân quả, hiểu tất cả các hành động của mình. Bởi thế các Ngài rất khinh bỉ pháp dễ duôi, vì sự dễ duôi hằng khiến cho con người quên mình và làm điều tội lỗi. Trái lại, các Ngài hằng khen ngợi các hạng người không dễ duôi vì chỉ có người không dễ duôi mới có đủ sáng suốt để tiêu trừ các ác pháp.

Lại nữa, Đức Thích Ca cũng hằng thuyết rằng: "Người không dễ duôi là người đã hành đúng theo chân lý của Như Lai". Vì sự không dễ duôi là tối trọng hơn cả. Người đang thực hành pháp cao siêu của Đức Phật mà không diệt được sự dễ duôi thì chắc chắn kẻ ấy không bao giờ thâu được kết quả .

Các hàng thiện trí thức hằng thấy rõ cái quý báu cao thượng của sự không dễ duôi như thế, nên các Ngài luôn luôn giữ gìn cẩn thận để tạo cho mình một con người sáng suốt toàn thiện.

Tóm lại, sự không dễ duôi hằng đem lại cho chúng sanh những thành quả tốt đẹp; chẳng những các bậc trí thức ưa thích mà các Ngài còn ca tụng và tuyên dương nữa.

33.- APPAMATTĀ NA MĪYANTI:
NGƯỜI KHÔNG DỄ DUÔI LÀ NGƯỜI KHÔNG CHẾT.

Người nào hằng có chánh kiến, có sự ghi nhớ và biết mình thì tất cả hành động của người ấy lúc nào cũng được sự lợi ích chung.

Trên thế gian này bất luận là quan quyền hay kẻ cùng đinh khốn khổ, khi đã có cái xác thân rồi thì chắc chắn sẽ có ngày tiêu diệt. Thế là tất cả những cái gì quý trọng nhứt trong đời này, đều chỉ làm tăng giá trị con người trong một thời gian ngắn mà thôi. Đến lúc thác con người chỉ đem theo phước và tội.

Có lắm vĩ nhân đã chết hằng trăm ngàn thế kỷ, thế mà ngày nay cứ mỗi lần nhắc đến thì ai ai cũng hoài niệm và kính phục. Như thế có phải chăng các bậc vĩ nhân ấy là những con người xuất chúng không chết? Người có những hành động tốt, được các hàng trí thức ngợi khen, người ấy phải là hiểu rõ chân lý và luôn luôn có sự phân tích sáng suốt mọi hành động của mình.

Nói tóm lại, kẻ nào đã được người truyền tụng và có nhiều danh thơm tiếng tốt trên thế gian, kẻ ấy phải là một con người đã dày công rèn luyện sự không dễ duôi. Vì chỉ có sự không dễ duôi mới đem lại những kết quả tốt đẹp ấy và sự tốt đẹp ấy sẽ sống mãi với thời gian. Bởi thế cho nên Đức Phật thuyết: người không dễ duôi gọi là người không chết.

Trong kinh, Đức Thế Tôn Ngài có tuyên đoán trước đây 2500 năm rằng: Này các thầy Tỳ khưu, sau khi Như Lai nhập diệt, các ngươi chớ nên dễ duôi vì ngươi dễ duôi chẳng những làm giảm giá trị của mình, mà còn làm giảm giá trị của một nền Pháp bảo vô giá nữa.

34.- APPAMATTO HI JHĀYANTO PAPPOTI VIPULAṂ SUKHAṂ:
NGƯỜI ĐỊNH TÂM, KHÔNG DỄ DUÔI SẼ ĐƯỢC AN VUI CAO THƯỢNG.

Sự không dễ duôi đối với kẻ trần tục chỉ đem lại cho họ những sự hạnh phúc nhứt là danh thơm tiếng tốt mà thôi. Còn sự không dễ duôi đối với hàng Phật tử đã có một trình độ hiểu biết về đạo lý, thấy rõ những phương pháp diệt trừ tham, sân, si, bước nhịp nhàng trên con đường giải thoát, là để chiến thắng các ác vọng của tâm mình ngõ hầu để đi đến mục đích tối thượng. Tâm ta thường phóng túng theo muôn hình vạn trạng như loài khỉ giữa rừng, nó thay đổi hơi thở, cử chỉ, lời nói, mà nếu ta không sáng suốt theo dõi thì chắc chắn hành động của ta sẽ mang lại nhiều điều tai hại. Bởi thế nên các hàng Phật tử sau khi đã hiểu rõ sự quí báu của Pháp không dễ duôi rồi, luôn luôn gìn giữ để có đầy đủ điều kiện tiến bước trên đường giải thoát. Cho nên Đức Thế Tôn thuyết: Người không dễ duôi sẽ được hạnh phúc cao thượng là Niết Bàn.

35.- APPAMATTO UBHO ATTHE ADHIGGANHĀTI:
NGƯỜI KHÔNG DỄ DUÔI THƯỜNG ĐƯỢC LỢI LẠC CẢ HAI MẶT.

Sự lợi lạc trên hai phương diện ấy là: lợi cho mình và cho mọi người. Người không dễ duôi hằng có đầy đủ sự cẩn thận và trí óc sáng suốt trong mọi việc làm. Không khi nào họ cẩu thả để phải sa vào khuyết điểm. Trước khi hành động, họ đều suy nghĩ chính xác, luôn luôn chọn những sự lợi ích để hành theo, hầu thu lượm những kết quả khả quan. Bởi thế nên ở kiếp hiện tại họ không phải vấp ngã trên đường đời được giàu sang, địa vị; và đến kiếp vị lai họ được an nhàn thư thái, ấy là lợi ích cho chính thân họ.

Còn lợi ích cho tất cả mọi người là, nếu con người không dễ duôi, cẩu thả, ví như người cai coi cất nhà, thấy giàn trò không chắc thì lập tức cho sửa chữa liền chớ không chểnh mảng dễ duôi để phải gây thiệt hại cho mọi người. Người không dễ duôi thường nhắc nhở, khuyên lơn những điều đáng làm hoặc không đáng làm cho mọi người thấy tránh, hầu khỏi sa vào khuyết điểm nhứt là tội lỗi. Bởi vậy nên Đức Thế Tôn thuyết: Người không dễ duôi hưởng được lợi lạc cả hai mặt, cho mình và cho mọi người. Mình đã không vấp ngã trên đường đời vì kiếp hiện tại không làm điều tội ác và sau khi chết được sanh về cõi an vui.

36.- APPAMĀDENA SAMPĀDETHA:
PHẢI TỰ TRAU GIỒI ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI KHÔNG DỄ DUÔI.

Trong các bài trên, chúng tôi đã giảng giải sự dễ duôi không kém phần sâu rộng và chúng ta cũng đã nhận biết rằng: sở dĩ ta dễ duôi cũng bởi ta thiếu trí nhớ (SATI) và biết mình (SAMPAJÑÑA). Chúng ta cũng đã hiểu sự dễ duôi là con đường cực kỳ nguy hiểm, cho nên trong bất cứ công việc gì mà ta để cho sự dễ duôi chế ngự thì nhứt định ta phải gặt lấy sự thất bại chua cay.

Người hằng để cho sự dễ duôi lôi cuốn, quên mất điều lợi ích chơn chánh, mê say bài bạc rượu chè, hút xách, lâm luỵ trong các cuộc truy hoan, truy lạc để phải hao của hại nhà, trở thành những kẻ sống thừa trong xã hội lại còn bị mọi người chê cười khinh bỉ, chẳng qua tại họ dễ duôi không chịu suy xét sự lợi hại của việc làm.

Còn về đạo, người Phật tử đã bị sự dễ duôi lung lạc thì hay bê tha trong bổn phận của mình như trì giới không trong sạch khiến con đường giải thoát bị gián đoạn.

Xét thấy cái hại của sự dễ duôi như trên, ta phải luôn luôn bình tâm suy nghĩ hầu tránh sự thất bại trong mọi việc làm để trở nên con người cao quý.

Vậy ta nên nhận rằng: sự không dễ duôi hằng đem đến cho ta sự thành công tốt đẹp trên hai phương diện đời và đạo.

37.- APPAMĀ DARATĀ HOTHA:
CÁC NGƯỜI NÊN VUI THÍCH TRONG SỰ KHÔNG DỄ DUÔI.

Trọn bốn mươi lăm năm hoằng pháp gồm 84.000 pháp môn, truớc giờ nhập diệt, Đức Từ Phụ đã gồm tất cả vào một câu bất diệt là: "Các con chẳng nên dễ duôi". Như vậy thì ta đã biết sự không dễ duôi là quan trọng biết đến đường nào.

Bao thời gian qua, ta đã thực hành những pháp thích ứng để diệt tận sự dễ duôi, nên giờ đây ta mới thu hái biết bao kết quả. Đời ta giờ đây rất trong sạch như một mảnh giấy trắng tinh, ta cảm thấy hãnh diện và vui thích, vì ta đã làm chủ được ta, không để sự dễ duôi phỉnh phờ gạt gẫm.

Chúng ta đã nhận biết cảm thắng sự không dễ duôi chẳng phải là dễ mà ta thắng được, thật là một kỳ công đáng kể.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-08-2004