Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Phật Ngôn Diễn Giảng

Tỳ khưu Padhānakāmo Dũng Chí

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG III

KAMMAVAGGA: PHẦN NGHIỆP BÁO

38.- KAMMAṂ SATIE VIBHAJJATI HINAPPANITATĀYA:
NGHIỆP HẰNG BIẾN CHÚNG SANH TRỞ THÀNH HÈN HẠ HAY CAO QUÍ.

Nghiệp (KAMMA) tức là các hành vi tạo tác của ta hay nói một cách khác là nguyên nhân của tất cả những sự thành tựu ở kiếp này hay kiếp sau.

Nghiệp (KAMMA) chia ra làm hai là:

- KUSALAKAMMA: Thiện nghiệp.
- AKUSALAKAMMA: Ác nghiệp.

Thiện nghiệp là những hành động thường đem lại sự an vui cho chúng sanh và cho chính mình và cũng là việc làm có tính cách không phản quyền lợi và trái lẽ đạo. Như thế, cứ mỗi khi ta nói đến hai tiếng thiện nghiệp tức là có ý chỉ những hành động nào cao thượng và tốt đẹp.

Còn ác nghiệp là những hành vi tạo ác trái ngược đạo đức luân thường, phá hoại gia cang, chà đạp hạnh phúc của người, sống trên sự đau khổ nhục nhã của kẻ khác. Nói tóm lại là hành vi của phường túi áo giá cơm trong xã hội.

Hai nghiệp thiện và ác này thường là những bàn tay vo tròn, bóp méo trong sự luân hồi vô tận của chúng sanh. Vì nếu lúc sanh tiền chúng sanh tạo ra nghiệp nào thì khi thác phải chịu cái quả nghiệp lực ấy. Theo Phật giáo thì luôn luôn cho rằng, sau khi xác thân ngũ uẩn đã tan rã thì những hành động lúc còn sống, chúng sanh ấy đã làm không mất mà trở thành một định luật chuyển hóa đưa chúng sanh đến cảnh an nhàn hoặc đọa đày vào bốn đường ác.

Nếu còn hoang mang, chúng ta hãy tự mình suy luận theo những vấn đề thực tế đã xảy ra hằng ngày như ăn trộm phải ở tù, giết người phải thường mạng hay trồng hạt mít ra trái mít, gieo giống bầu kết quả bầu, nhân quả chắc chắn không sai chạy. Nếu nhân nào quả nấy, thì các hành động của chúng sanh cũng phải có kết quả tùy theo nghiệp lực không bao giờ mất. Vì vậy ta gọi hành động của ta là đấng tạo hóa, gẫm thật là hợp lý.

39.- YAṂKIÑCI SITHILAṂ KAMMAṂ NATAṂ HOTI MAHAPPHALAṂ:
HÀNH ĐỘNG NÀO LỎNG LẺO, THIẾU TIN TƯỞNG, HẠNH ĐỘNG ẤY KHÔNG ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ.

Xét theo câu Phật ngôn này, chúng ta thấy lòng thương chúng sanh của Đức Từ Phụ bao la như bể cả. Ngài thuyết câu Phật Ngôn trên có ý dạy cho chúng ta thấy rằng, muốn việc làm được kết quả viên mãn, ta cần phải có sự tích cực và tin tưởng. Vì nếu ta không tin tưởng trong việc làm, thiếu tích cực trong hành động thì cái kết quả sẽ không được vẹn toàn, đôi khi không thành tựu. Như người làm ruộng, nếu không tích cực đắp bờ giữ nước, không tin tưởng ở kết quả của nó thì đến mùa sẽ thu hạt rất ít.

Người thức thời sau khi đã nhận rõ lý nhân quả và cái thành công tốt đẹp trong các thiện nghiệp nên hằng sống theo chánh mạng, cố gắng thực hiện các điều lành, hầu gặt hái một kết quả viên mãn.

40.- SĀNI KAMMĀNI NAYANTI DUGGATIṂ:
NGHIỆP ÁC SẼ LÔI CUỐN TA VÀO CẢNH KHỔ.

Nghiệp ác ở đây ý nói việc làm xấu xa đê tiện hằng gây nên cảnh tội lỗi oan trái và oán thù…Người làm ác không bao giờ hưởng được sự an vui. Tâm luôn luôn nóng nảy khó chịu vì cái nhân đã làm cho chúng sanh khác phải đau khổ vì mình. Kiếp sống hiện tại họ không được mọi người kính mến lạ sống lẻ loi một mình. Hẳn chúng ta còn nhớ ĐỀ BÀ ĐẶT ĐA gây oan trái với Đức Phật, hằng tìm cơ hội để hại Đấng Cha lành, nên kiếp hiện tại ông bị nóng nảy khổ sở vô cùng, ấy là không nói đến mọi người khinh bỉ chửơi rủa ông. Bởi tâm quá độc ác ghê gớm vì thế quả địa cầu này không thể chứa nổi tội lỗi của ông, nên đã rạn nứt sụp xuống và rút ông vào địa ngục A Tỳ (AVICĪ). Hiện nay ông vẫn còn quằn quại sống chết, chết sống trong cảnh đau thương ấy.

Nói tóm lại, người làm nghiệp ác hằng đau khổ trong kiếp hiện tại và đến khi chết phải sa vào bốn đường ác: Súc sanh, địa ngục, A tu la, ngạ quỉ. Bởi vậy nên Đức Thế Tôn thuyết: Nghiệp ác sẽ xô đầu ta vào cảnh khổ.

41.- SUKARAṂ SĀDHUNĀ SĀDHU:
NGƯỜI HIỀN DỄ LÀM VIỆC LÀNH.

Việc lành đối với người hiền thích hợp như cá với nước, trâu với cỏ. Người hiền quan niệm việc lành là nhựa sống, là hơi thở. Thiếu những nhu cầu cần thiết đó là con người phải chết. Nên mỗi khi làm được điều lành người hiền có cảm tưởng như được ngọc ngà châu báu. Đừng nói chi đến được làm lành thậm chí chỉ nghe một lời lành thôi, người hiền cũng thấy sung sướng như bắt được vàng. Sở dĩ có quan niệm như thế, vì người hiền là hiện thân của trong sạch vị tha. Cho nên việc làm nào có tánh cách nhơn đạo và bác ái là họ làm ngay dù phải hao tài mất vị họ tuyệt đối không lùi.

Chẳng hạn như nghe tin đồng bào bị thủy tai hoặc hỏa tai, người hiền liền tự động đứng lên kêu gọi lòng bác ái của từng cá nhơn, đoàn thể để giúp đỡ, không màng dư luận. Vì người hiền xem đó là một sứ mạng thiêng liêng không thể làm ngơ.

Ngoài việc làm lành, người hiền còn tự giồi trau toàn thiện, trì giới, tham thiền để tự đem mình ra khỏi biển trầm luân, đồng thời hướng dẫn chúng sanh đến nơi cứu cánh như mình.

Tóm lại, người hiền dù sống trong hoàn cảnh nào vẫn làm lành vì đã ý thức được rằng chỉ có việc thiện là có thể sống với thời gian, không gian và làm tăng giá trị ý nghĩa của cuộc sống. Như loài ong chuyên bay đi hút mật ở các loại hoa.

42.- SĀDHU PĀPENA DUKKARAṂ:
NGƯỜI ÁC KHÓ LÀM VIỆC THIỆN.

Việc làm càng giá trị, cao đẹp bao nhiêu thì người ác cảm thấy khó làm bấy nhiêu. Vì người ác và việc thiện rất xung khắc như rắn với chồn, quạ với tu hú. Sở dĩ có điểm trái ngược như thế vì người ác là hiện thân của tội lỗi đê hèn, còn người thiện là tinh hoa trong sạch đặc sắc. Ví như các loài hoa tuy màu sắc rực rỡ, hương thơm dịu dàng, chứa nhiều chất mật thế mà loài giòi nhoi phẩn làm sao biết thưởng thức. Cái khó là thế ấy, nên chi chúng ta không nên ngộ nhận rằng: bất cứ ai cũng làm lành được. Ai cũng có miếng ruộng đạo tâm rất phì nhiêu. Dùng không được không phải lỗi của miếng ruộng, có lỗi chăng là tại người không khai thác.

Thưa quí vị, nếu mỗi người đều có miếng ruộng đạo tâm phì nhiêu thì dễ nói quá, đàng này cũng có những miếng ruộng ác tâm đầy sạn sỏi, chai khằn, lại nằm trên gò cao mới là khổ. Ở trường hợp này dù muốn dù không chúng ta cũng đành bó tay thúc thủ. Ví như tâm hồn của người ác là một miếng ruộng chai lỳ, dù ta cố công khai thác đi nữa cũng chẳng làm ruộng được.

Hiểu thế, nên Đức Phật thuyết: người ác rất khó làm lành. Tuy nhiên câu Phật ngôn này chưa hẳn phủ nhận tuyệt đối vì còn có trường hợp giảm khinh nếu người ác ấy biết phục thiện. Lại nữa, căn cứ theo thuật ngữ Pali chữ DUKKARAṂ có nghĩa là "khó làm" chớ chẳng phải "làm không được". Trừ phi chúng sanh ở trong cảnh địa ngục Không Gián thì mới tuyệt đối không làm thiện.

43.- AKATAṂ DUKKATAṂ SEYYO:
CÁC VẤN ĐỀ NGƯỢC CHÂN LÝ, TỐT HƠN TA ĐỪNG LÀM.

Phàm là con người, ai cũng đều mang nặng ba chứng bệnh nan y là: Tham lam, sân hận và si mê. Ba chứng bệnh này hằng thúc giục chúng sanh làm những điều tội lỗi. Cũng chỉ vì tham mà người đời giành giựt cấu xé lẫn nhau, quên cả tình máu mủ, gây ra bao cảnh nát lòng. Đã thế, trong trường tranh đấu của nhân loại, lắm khi vì một chút quyền lợi người ta có thể tìm cách tàn sát hại lẫn nhau. Thế là con ma săn hận được dịp tung hoành để hại chúng sanh.

Họ không còn sáng suốt để phân biệt chánh tà, mê mờ như người đi trong đêm tối.

Bởi thế Phật dạy chúng ta, trước khi hành động cần phải sáng suốt, nếu nhận thấy không hợp đạo thì tốt hơn hết đừng làm. Vì hành động không sáng suốt rất dễ bị lệ thuộc con ma phiền não, và gây cho xã hội mầm móng đen tối, khổ sở.

Hơn nữa, nếu ta thương ta thì không nên làm ác vì nó sẽ làm cho ta khổ. Chẳng hạn như khi Phật còn tại thế, nàng CIÑCĀMĀNAVIKĀ vì một chút si mê đã rêu rao là có thai với Đức Phật. Vì nghiệp lực quá xâu xa ấy mà nàng phải bị đất rút và chịu khổ muôn đời. Nhắc lại tích này để chứng minh cho chúng ta thấy rằng các hành động xấu xa chẳng những đem lại quả khổ ở kiếp hiện tại mà nghiệp lực còn bắt phải đọa đày trong những kiếp lai sanh.

44.- PACCHĀ TAPPATI DUKKATAṂ:
NGƯỜI LÀM ÁC HẰNG BỊ NÓNG NẢY VỀ SAU.

Nếu người dễ duôi làm những điều tội lỗi, không nghiêm trì giới đức, chẳng biết chánh tà, thì về sau đời họ rất khổ đau không sao tả xiết vì trên đời này mọi việc làm của ta đều là nhân, nếu nhân lành thì sẽ hưởng quả vui, còn nhân ác thì chắc chắn sẽ bị quả khổ, ví như người trồng cây đắng thì sẽ hưởng quả đắng, còn trồng cây ngọt ắt sẽ được những trái ngọt ngon.

Tiếng nói nóng nảy về sau có hai nghĩa:

1) Sau khi người ác đã thi hành xong thủ đoạn dã man độc ác của mình, mặc dù toại nguyện, tuy nhiên họ phập phồng lo sợ ngày đêm. Nào là sợ nhà chức trách truy tố, nào sợ nạn nhân trả thù, nào là bị lương tâm cắn rứt. Thế rồi, đi, đứng, ngồi, nằm họ đều cảm thấy cặp mắt vô hình soi bói họ, họ bị ảnh hưởng ác nghiệp làm cho nóng nảy khó chịu. Lắm lúc vì quá lo buồn, họ đâm ra ăn không ngon, ngủ không được. Trong giấc ngủ lại nằm mộng thấy những chuyện hãi hùng, như bị chém, bị đâm, bị lửa cháy nhà, vợ con chết đuối v.v..

Tất cả hiện tượng quái ác này cứ theo ám ảnh họ không thôi. Đây là sự nóng nảy trong kiếp sanh tiền.

2) Sau khi mạng chung, người làm ác phải bị sa đọa vào bốn đường ác đời đời khó ra. Bị lửa thiêu đốt hằng giây, hằng phút. Nhiều khi vì nghiệp lực nặng nề nên thoát khỏi địa ngục lại chuyển kiếp làm quỉ đói ăn ròng mủ máu, hôi tanh hoặc bị lửa đốt cháy nguyên hình, kêu la thảm thiết. Đây là trường hợp nóng nảy trong những kiếp lai sanh.

45.- KATAÑCA SUKATAṂ SEYYO:
LÀM LÀNH LÀ THƯỢNG SÁCH.

Các bậc trí tuệ luôn luôn sáng suốt nhận định sự lợi hại từ hành động nhỏ nhặt cho đến to tác của mình để tiến đến Chân, Thiện, Mỹ.

Bởi vậy cho nên khi ta đã phân biệt được sự lợi hại thì nhứt định ta không bao giờ để cho chính ta phải phạm điều tội lỗi. Những hạng người đã nhận thấy tội lỗi là điều rất tối kỵ mà họ vẫn xem thường, không một chút ngần ngại hoặc nhờm gớm, thì hẳn việc phước thiện là điều nên làm để tạo sự hạnh phúc ở hiện tại và vị lai họ cũng không khi nào nhúng tay vào để hợp tác.

Đáng tiếc thay cho những kẻ không nhận được chân giá trị của Đấng Cứu tinh, người đã hy sinh thân mình tìm phương thần dược cứu bịnh nan y, là sự đau khổ triền miên của chúng sanh. Song nhân loại không chịu noi theo hành vi cao thượng ấy mà vẫn thản nhiên để cho đời dày xéo lôi sâu xuống bốn nẻo, lẫn lộn trong sáu đường không bao giờ ngừng nghỉ. Do đó, nên Đức Thế Tôn Ngài thuyết rằng: nhân lành thì cho quả vui, vậy hàng Phật tử nên tích cực tham gia trong mọi công tác phước thiện.

Vả lại trên đời này không có gì sướng thân bằng người làm lành. Muốn thêm bạn bớt thù cũng phải làm lành. Người làm lành được người đời suy tôn là Tiên, Hiền, Thánh, Phật.

Lúc sống cũng như khi chết, người làm lành vẫn được phần đông sùng kính và ngưỡng vọng.

46.- NATAṂ KAMMAṂ KATAṂ SADHU YAṂ KATVĀ ANUTAPPATI:
NGƯỜI LÀM ÁC HẰNG NÓNG NẢY LO SỢ TRONG KIẾP HIỆN TẠI VÀ VỊ LAI.

Người đời vì thiếu suy sét phải trái nên đã gây ra biết bao tội ác, đến khi tỉnh ngộ, thì sự đã quá muộn màng. Thế rồi họ phải chịu cái quả hết sức đắng cay.

Người gây nên tội luôn luôn hồi hộp lo âu ví như kẻ trộm lo sẽ có ngày đền tội.

Và ai ai cũng đều lo sợ , luôn luôn tìm cách xa lánh kẻ làm ác. Lúc sống họ là cây đinh trong mắt mọi người. Người đời nguyền rủa cho họ mau chết. Họ chỉ là cây thịt sống thừa trong xã hội. Đến khi chết vẫn còn đào tên bới tuổi ra phỉ nhổ. Thậm chí đến vợ con họ cũng bị người đời khinh nhờm là loài tửa không hơn không kém.

47.- TAÑCA KAMMAṂ KATAṂ SĀDHU YAṂ KATVĀ NĀNUTAPPATI:
NGHIỆP NÀO KHÔNG CÓ ẢNH HƯỞNG ĐEN TỐI TRONG KIẾP SAU LÀ NGHIỆP CAO THƯỢNG.

Nghiệp cao thượng tức là hành động tốt đẹp. Sự hành động tốt đẹp là ám chỉ các hành vi nằm trong giáo lý chánh truyền của Đức Phật. Những việc làm có tánh cách tốt đẹp, hợp đạo hằng khiến cho tâm hồn của hành giả được thư thái, không nóng nảy băn khoăn.

Do đó, nghiệp này không ảnh hưởng gì đen tối về kiếp sau cả, ví như người thợ lọc vàng mướn, khi đem vàng ra lọc anh ta không có gì lo ngại cả vì anh nghĩ rằng hễ mình lọc được bao nhiêu thì người ta, sẽ trả tiền mướn mình bấy nhiêu và trong khi lọc vàng mặc dù mệt nhọc nhưng anh vẫn thấy thỏa thích vì chất vàng từ từ trở nên óng ánh, đến khi miếng vàng đã được tinh khiết có một màu sắc tốt đẹp thì anh lại cảm thấy càng sung sướng hơn vì thấy việc làm của mình đem lại kết quả khả quan, không hư hao thất bại.

Bậc trí thức hằng biết rõ cái ảnh hưởng của việc làm như thế nên luôn luôn dè dặt trong các hành động và lời nói hầu trở thành một con người hoàn toàn. Người làm được những nghiệp lành sẽ hưởng quả tốt đẹp trong kiếp này và kiếp sau sau.

48.- SUKAVĀNI ASĀDHŪNI ATTANO AHITĀNI CA:
NGƯỜI ÁC RẤT DỄ TẠO NHỮNG NGHIỆP DỮ VÀ KHÔNG CÓ SỰ LỢI ÍCH.

Những việc làm nào không đem lại cho ta sự lợi ích chân chánh mà còn dắt dẫn ta vào con đường hư hại, việc làm ấy gọi là nghiệp dữ. Kết quả của nghiệp dữ hằng làm cho chúng sanh phải đau đớn khổ não trong mọi mặt, đến lúc chết còn phải bị sa đọa vào cảnh khổ nữa. Như người say mê tài, sắc, tửu, khí rồi làm những điều xấu xa đê tiện trái với luân thường đạo lý, bán rẻ nhân phẩm của mình, chẳng cần gì trinh tiết, chẳng biết tứ đức tam tòng, những việc làm này không đem lại sự bổ ích cho chính mình mà còn làm cho tan gia bại sản và mất cả trật tự an ninh trong xã hội rồi cuối cùng trở thành một con người mà ai ai cũng đều phỉ nhổ. Đã biết rõ cái quả của nó đen tối như thế mà họ vẫn cứ làm vì lẽ thường người tội lỗi có tâm nhơ nhớp, luôn luôn vui thích trong ác nghiệp và họ cho điều xấu xa đê tiện là cao thượng rồi cứ chiều theo dục vọng, hành động vô cùng xấu xa đáng tiếc.

49.- YAṂ VE HITÑCA SĀDHUÑCA TAṂ VE PARAMA DUKKARAṂ:
NGHIỆP NÀO VỪA LỢI LẠC VỪA TỐT ĐẸP, NGHIỆP ẤY RẤT KHÓ LÀM.

Các việc làm dù ngoài đời hay trong đạo của chúng ta không ngoài ba nghiệp sau đây: nghiệp thân, nghiệp khẩu và nghiệp ý, nghĩa là thân hành động, khẩu nói năng và ý sai khiến.

Quả phát sanh tốt đẹp đều do những hành vi và ngôn ngữ đúng đắn mà ai ai cũng đều mong mỏi gọi là sự lợi lạc vì nó không đem lại tội lỗi cho chính mình và đau khổ cho chúng sanh.

Phật dạy: "Nghiệp có lợi lạc và ảnh hưởng tốt đẹp là nghiệp rất khó làm", vì khi chúng ta muốn thực hiện một việc thiện thì chúng ta gặp phải muôn ngàn ác pháp hiện ra để ngăn cản hay thử thách. Trong con người của chúng ta có rất nhiều ác pháp đang ngấm ngầm phá hoại, chẳng hạn như biếng nhác, dễ duôi mà các việc làm cao thượng luôn luôn có tính cách đối lập với những ác pháp này. Bởi vậy mỗi khi tâm ta muốn hành động một điều thiện thì hằng bị muôn ngàn ác pháp ngăn trở. Nếu ta không bền tâm nhẫn nại để vượt qua các ma vương phiền não ấy thì chắc chắn ta không bao giờ đạt được những kết quả vừa với ý nguyện.

50.- NA HI TAṂ SUBHALAṂ HOTI SUKHAṂ DUKKĀTAKĀRINĀ:
NẾU NGƯỜI TẠO NGHIỆP XẤU THÌ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC AN VUI:

Những người nào đã có tam nghiệp gây ra nhiều việc tội lỗi như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, người ấy gọi là người đã đánh tan sự an vui của chính mình. Chẳng những thế họ còn phải bị đau khổ và phiền muộn luôn. Chẳng hạn như một cậu thanh niên kia buộc oan trái với một gã nọ. Hằng ngày bị lương tâm cắn rứt, ăn ngủ không yên, vì đã mấy hôm nay cậu rình đánh gã kia cho hả lòng sân hận nhất thời. Sau khi đã được thỏa mãn cậu tưởng sẽ an lòng, nhưng không, trái lại cậu ta cảm thấy phập phồng lo sợ cả trong bữa ăn, giấc ngủ, cho đến cả đi, đứng, nằm, ngồi cũng đều lo âu vì sợ người thù sẽ rửa nhục.

Trừ phi ta biết ăn năn phục thiện lo việc tu hành, trang trí giới đức cho được trong sạch thì mới mong hưởng dược sự hạnh phúc cả hai mặt.

Tâm hồn được an nhàn tự toại, không lo sợ kẻ thù thì hằng được mọi người yêu kính, vì ta là hiện thân của tất cả sự đẹp đẽ quý báu trên đời.

Về thể xác trong kiếp hiện tại ta được mạnh khỏe ít bị đau ốm, không bị người đánh đập hoặc bị ngục tù khốn khổ v.v…Đến kiếp vị lai, ta được tái sanh vào một gia đình đạo đức giàu sang và được mọi người kính mến phục tùng hoặc sanh lên các cõi trời hưởng lạc thú muôn triệu năm.

Nói tóm lại, người làm lành hằng hưởng sự an vui hạnh phúc cả kiếp hiện tại và vị lai. Còn người làm ác thì không bao giờ được sự an vui như ta gieo hột giống đắng thì không bao giờ hái được trái ngọt vậy.

51.- KALYĀNAKĀRĪ KALYĀNAṂ PĀPAKĀRĪ CA PĀPAKAṂ:
NGHIỆP LÀM VIỆC LÀNH HẰNG ĐƯỢC QUẢ VUI, NGƯỜI LÀM ÁC HẰNG CHỊU QUẢ KHỔ.

Chúng ta đã biết rằng nghiệp có thiện có ác. Nghiệp ác thì đem đến cho ta biết bao đau dớn não nùng. Nghiệp thiện thì hằng dắt dẫn ta đến nơi an vui hạnh phúc.

Chúng ta ai cũng muốn được an vui hạnh phúc, nhưng không chịu thực hành. Nếu thật sự muốn được sự an vui hạnh phúc, ta cần phải thực hành những phương pháp cần yếu sau đây:

- Phải giữ tâm cho trong sạch.
- Hằng xa lánh các điều ác.
- Năng làm các việc lành.
- Thực hành từ bi và bác ái.
- Phải đoạn tuyệt tham vọng và oán thù.
- Quán xét pháp vô ngã.

Người nào đã thực hành những phương pháp trên gọi là người đúng đắn, đang bước trên con đường yên vui tuyệt đối, cũng gọi là người đã hành đúng theo thiện nghiệp.

Còn những kẻ thiếu đạo đức, để cho tâm hồn chìm đắm trong dục lạc thường tình, ái ân vị kỷ mà cho là hạnh phúc thì cái hạnh phúc giả tạm ấy rồi đây sẽ tan ra như mây khói để lại cho họ những thảm trạng buồn đau vì họ là bộ hạ của vô minh, đứa con trung thành của bả đời vật chất. Ôi! Họ đã lầm, họ đâu có ngờ rằng lớp sơn bóng bảy đẹp lộng lẫy bên ngoài ấy chỉ là cái mặt nạ che đậy những tiếng nấc nghẹn ngào, một cõi lòng tan nát.

Đành rằng, sống ở đời thì ta phải lo cho được no đủ, song chúng ta đừng quá say mê đời một cách mù quáng đần độn quên hết bổn phận làm người.

Sau khi chúng ta đã nhận biết rằng nếu ta chuyên tâm làm lành thì đời ta ắt được hạnh phúc an vui. Kiếp hiện tại ta sống trong sự thanh lạc và được mọi người tôn trọng. Kiếp vị lai ta lại được hưởng mọi thư nhàn trong cõi người và cõi trời.

Nói tóm lại, nếu ta tạo được nhiều thiện nghiệp biết ghê sợ tội lỗi, thì nên tự nhủ rằng: Kìa! Bao thảm trạng xảy ra hằng ngày, nhiều người mê đời mà kết liễu cuộc sống. Vì bị đời hất hủi một cách quá nhục nhã, phủ phàng.

52.- KAMMUNĀ VATTATĪ LOKO:
CHÚNG SANH HẰNG TÙY THEO DUYÊN NGHIỆP.

Tất cả chúng sanh trong tam giới đều phải ở dưới quyền sở hữu của nghiệp lực.

Nghiệp ấy có quyền năng nâng cao chúng sanh khỏi chỗ tối tăm mờ ám đến nơi sáng lạng huy hoàng. Chẳng hạn như AṄGULĪMALA khi còn mù quáng, ông ta giết sinh linh vô tội, song nhờ tiền kiếp làm lành nhiều nên sau khi gặp được Đức Thế Tôn, chẳng những ông khỏi đền tội mà còn đắc quả Thánh nhơn.

Trái lại, nghiệp ấy cũng có thể xô đầu kẻ vô nhân đạo xuống A TỲ ĐỊA NGỤC như ĐỀ BÀ ĐẠT ĐA ở thời kỳ Đức Phật Tổ Như Lai chúng ta còn tại thế.

Cho nên ai làm lành thì sẽ hưởng quả vui, ai làm dữ thì tất nhiên sẽ gặt lấy quả khổ.

Những cái vui,cái khổ, tốt, xấu ấy là cái quả thoát thai từ cái nghiệp tức hành vi tạo tác vậy.

Nói tóm lại, câu Phật ngôn trên Đức Phật Ngài có tôn ý nói rằng tất cả chúng sanh bất luận ở địa vị nào cũng đều phải bị luân chuyển theo ảnh hưởng của cái nghiệp cả.

53.- PATIKACCEVA TAṂ KAYIRĀ JAÑÑĀ HITAMATTANO:
BIẾT RÕ NGHIỆP NÀO CÓ LỢI ÍCH CHO TA, TA NÊN HỐI HẢ LÀM TRƯỚC NGƯỜI.

Nhân loại trên thế gian, ai ai cũng có bổn phận, như Chánh phủ thì làm việc cho Quốc gia, kẻ nông phu ngày đêm lo cày cấy, vun tỉa, người thương mãi quanh năm lo buôn bán tảo tần. Tóm lại, dù nghề nghiệp nào cũng gọi là bổn phận cả. Các động tác này là mạch sống hằng đem lại sự an vui, hạnh phúc, no cơm ấm áo.

Nếu người không sáng suốt trong việc làm, bỏ bê cẩu thả, cứ để cho thời gian trôi qua, ngồi chờ thời vận, thì ắt việc làm ấy gặp phải thất bại.

Hiện nay, đa số người còn tin tưởng rằng: người có vận mạng tốt làm việc gì cũng đều được phát đạt và nếu nhằm ngày tháng tốt thì càng được kết quả lớn hơn. Thế rồi họ lo tìm thầy bói quẻ, xem tướng, chọn giờ mà quên cả phận sự và sự lợi ích hiện tại. Ví như một người nọ được hạt giống tốt đem gieo ngay và ngày ngày chăm siêng vun xới, còn một người kia thì chờ ngày lành tháng tốt mới gieo, lẽ dĩ nhiên người trồng trước sẽ được quả trước, kẻ gieo sau phải gặt hái sau. Xem ví dụ trên chúng ta thấy rằng, việc nào có thể làm được thì cứ làm chớ nên chờ đợi dịp may, tháng tốt. Lại nữa, nếu ta cứ chờ giờ tốt tháng lành mới bắt tay vào việc nhưng rồi lại biếng nhác dễ duôi thì thử hỏi có kết quả tốt đẹp chăng? Cho nên ta phải hăng hái, cố gắng làm việc, càng sớm càng hay, để kịp thời huởng quả.

Trong đời sống của ta, mỗi một giờ một phút trôi qua là mỗi một lần ta giảm đi biết bao sức sống. Nếu ta chểnh mảng, không cố gắng tranh đấu để tạo lấy một nền tảng hạnh phúc, cứ chờ thời vận thì đời ta sẽ bị ngắn dần, rốt cuộc ta cũng chẳng bằng ai, đến lúc chết lại không có nơi nương dựa. Cho nên sau khi ta đã hiểu rõ được sự quý báu của thế gian thì ta nên mau mau tìm lấy cơ hội để tạo cho mình một sự nghiệp chân chánh và vun bồi cội phúc hầu đạt được sự an vui trong kiếp này và kiếp sau.

54.- KAYIRĀ CE KAYIRĀTHENAṂ:
PHẢI TÍCH CỰC TRONG VIỆC LÀM.

Kết quả của mỗi việc làm có được mỹ mãn hay không đều do con người mà ra cả. Nếu muốn thành công tốt đẹp, ta phải nhẫn nại, bền chí, cẩn thận và tích cực. Trong khi ta làm việc gì chưa thành công, chớ nên bỏ lỡ hay thối thác mà trái lại phải phấn đấu cho đến phút cuối cùng.

Văn sĩ Nguyễn Bá Học nói: "Đường đi không khó, vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông’. Vì thế trong khi ta làm việc, nếu ta cố gắng , thì dù cho có trở ngại bao nhiêu đi nữa ta cũng có thể vượt qua được. Còn nếu dải đãi, không cương quyết, thì khi gặp phải một chướng ngại rất tầm thường ta cũng có thể chán nản bỏ cuộc.

55.- KAREYYA VĀKYAṂ ANUKAMPAKĀNAṂ:
NÊN LÀM ĐÚNG ĐẮN THEO LỜI CỦA BẬC ÂN NHÂN.

Người đã dắt dẫn cho ta đi trên con đường đầy hoa Đạo, hướng Thiền là bậc ân nhân của chúng ta.

Các bậc trí thức, ân nhân ấy là những người thấy xa hiểu rộng, hằng nêu gương sáng, để lại biết bao lời vàng ngọc và luôn luôn mong mỏi muốn cho chúng ta cao đẹp như các Ngài. Bởi vậy những lời khuyên nhủ của các Ngài lúc nào cũng có lợi cho ta trong mọi mặt, ta chẳng nên bỏ qua.

Phật ngôn có câu: "Kẻ nào dám nói lỗi của ta, kẻ ấy là ân nhân cao thượng".

56.- KICCĀNUKUBBASSA KAREYYA KICCAṂ:
NÊN GIÚP ĐỠ NGƯỜI LÚC HỮU SỰ.

Đời chứa đầy những sự ganh đua, cầu cạnh. Kẻ nghèo đói cảm thấy lo buồn, tủi phận, sống ngày nay chẳng dám nghĩ đến ngày mai. Quá vất vả họ sanh ra chán ngán cuộc đời và họ dòm người bằng cặp mắt thù ghét. Đôi khi vì quá đói khổ, họ có thể làm những việc đê hèn mà lương tâm họ không bao giờ cho phép. Đã đau khổ vì kiếp sống nghèo đói, họ lại đau khổ hơn khi thấy bà con, anh em tìm cách xa lánh họ.

Trái lại nếu ta thi ân giúp đỡ người trong lúc sa cơ thất thế thì ví như người đang thoi thóp trên giường bịnh mà gặp được vị danh y ra tay cứu tử. Những kẻ khốn nạn sẽ không còn thù ghét đời vì họ cảm thấy rằng nhân loại không phải hoàn toàn xấu.

Những bậc ân nhân đã cứu vớt kẻ sa cơ ra khỏi cảnh đau thương sẽ mỉm một nụ cười hài lòng khi nghĩ đến hành động có tánh cách nhân đạo của mình.

Nói tóm lại, khi ta đã nhận được rằng đời người có lúc thăng, lúc trầm, sự giầu sang hạnh phúc mà ta đang hưởng chẳng khác nào phù du sớm còn tối mất, có chắc gì vĩnh viễn mãi đâu! Xét được như thế, ta sẽ không còn tự phụ, hẹp hòi, ích kỷ nữa. Nếu nhân loại ai cũng nghĩ như vậy thì cõi trần khổ này sẽ biến thành thiên đàng cực lạc.

57.- NĀDATTHAKĀMASSA KAREYYA ATTHAṂ:
CHẲNG NÊN LÀM LỢI CHO NGƯỜI CÓ NHIỀU ƯỚC VỌNG XẤU XA.

Nếu suy xét không kỹ, quý Ngài sẽ phàn nàn cho Phật ngôn là mâu thuẫn và có thể vặn hỏi: tại sao giúp đỡ mà Đức Phật lại còn bảo phải lựa người; Thật là rắc rối! Thưa quý Ngài, đúng như thế vì chúng ta không thể nào đưa dao cho kẻ cướp giết người, vô tình chúng ta là đồng lõa với kẻ bất lương.

Vì từ bi không có nghĩa là nhắm mắt, để cho kẻ khác lợi dụng lòng tốt của ta thi hành thủ đoạn.

Vậy trước khi giúp đỡ một người nào ta hãy xem xét cho kỹ lưỡng, kẻ được ta giúp đỡ ấy có vì tư lợi, mà làm cho kẻ khác bị thiệt hại không. Nếu họ là người xấu không đáng cho ta giúp đỡ thì tốt nhất nên tránh xa họ.

Nói tóm lại, ta không thể nào làm ngơ trước cảnh khốn khó của chúng sanh nhưng trước khi giúp đỡ người, ta cần phải xem xét cho chính chắn người sắp được ta giúp đỡ có đáng hưởng ân huệ ấy không?

Và họ có lợi dụng lòng tốt của ta làm tổn thương quyền lợi, danh dự của kẻ khác không? Nếu nhận thấy họ lắm thủ đoạn thì nên từ chối khéo và kịp thời dứt khoát ngay không nên chậm trễ.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-08-2004