Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Phật Ngôn Diễn Giảng

Tỳ khưu Padhānakāmo Dũng Chí

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG IV

KILESAVAGGA: PHẦN PHIỀN NÃO

58.- SANKAPPARĀGO PURISASSA:
SỰ SUY GẪM, MƠ ƯỚC CỦA CON NGƯỜI HẰNG PHÁT SANH RA THAM ÁI.

Trong tâm chúng ta, đều có tham ái [*], nó ngấm ngầm (ANUSAYAKILESA) chờ cơ hội thuận tiện để quật khởi và xúi giục ta vào đường tội lỗi. Cứ mỗi lần tham ái phát sanh lên thì tâm ta bị mờ ám (PIYATTHĀNAKILESA) không còn nhận được sự phải trái, gây ra những điều tội lỗi. Vì vậy, tâm ta không bao giờ an trụ mà trái lại nó phóng túng theo trần cảnh không ngừng.

Trường hợp sự tham ái phát sanh là khi nào ta tư duy trong ngũ dục: sắc, thinh, hương, vị, xúc rồi ta mong muốn, ước ao. Chụp lấy cơ hội, tham ái nổi dậy công phá dữ dội, đè bẹp chân tâm của ta. Càng có tà tư duy trong ngũ dục nhiều thì tham ái được dịp đục khoét nhiều để rồi cuối cùng chỉ còn là một cây thịt thiếu chánh tâm.

[*] THAM ÁI: tham lam vì lòng thương yêu vọng móng (RÀGA).

59.- NASANTIKĀMĀ MANUJESU NICCĀ:
NGUYỆN VỌNG BỀN VỮNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG CÓ. THAM VỌNG CỦA CON NGƯỜI KHÔNG CÓ MỨC QUÂN BÌNH.

Nhân loại trên thế gian hầu hết là nạn nhân của phiền não. Túi tham vọng của họ không bao giờ đầy. Sự thương mến không có giới hạn, vì tham vọng của họ không có mức quân bình. Trong họ, lúc nào cũng có hai loại phiền não hằng xúi giục họ mong mỏi là:

1) Phiền não dục : KILESAKAÃMA. Loại phiền não nầy hằng khiến cho họ vui thích về ái dục trong đó có sự mắc dính (LOBHA) mài miệt trong những cái ưa thích. Sự ganh ghét (ISSĀ), sự không vừa lòng (ARATI) và sự không tri túc (ASANTUTTHI). Các loại tâm ác trên đây hằng thúc giục ta làm quấy.

2) VATTHUKĀMA: Vật dục, tức là sự ưa thích trong sắc, thinh, hương, vị xúc mà ta hằng ước ao mãnh liệt dù cho đến giờ nhắm mắt.

Hai sự mong muốn này thường làm cho tâm ta xao động luôn. Vật dục đã làm cho ta dính mắc, nhưng phiền não dục lại càng ghê gớm hơn. Tham vọng bắt ta hành động tùy thuộc thiêng lịnh của nó. Đã nói là túi tham không đáy thì có chi làm cho đầy đủ được. Do đó con người không bao giờ toại nguyện. Ta đã hiểu cái nguy hại ghê gớm của hai loại tham dục, vậy ta chẳng nên dễ duôi, cần phải tìm phương pháp để thu hút kềm chế nó, may ra tâm ta được sáng suốt phần nào để tiến bước trên đường hướng thượng.

Chỉ có sự tận trừ được hai loại phiền não này, con người mới có thể đạt được những nguyện vọng cao cả.

60.- KĀMEHI LOKAMHI NA ATTHI TITTI:
LÒNG THAM DỤC CỦA NHÂN LOẠI TRÊN THẾ GIAN NÀY KHÔNG BAO GIỜ ĐẦY.

Con người hằng chạy theo hai con đường dục vọng là: Sự tham ái của nội tâm và sự ưa mến trong ngoại cảnh. Chỉ vì hai miếng mồi này mà nhân loại phải đảo điên và đeo đuổi mãi không ngừng nghỉ. Thật vậy, chính nội tâm của ta, ta còn chưa hiểu nó. Những sự mong muốn của nó luôn luôn thay đổi không ngừng. Lúc thì duyên theo tài, khi thì mê trong sắc. Dù giầu sang sung sướng, tột bực cũng chưa thỏa mãn.

Trên thế gian này có ai dám tự hào là tôi đã thỏa mãn tất cả nhu cầu? Như người nọ có 5.000 đồng, lúc nào cũng suy tính để tìm ra cho được 6.000 đồng, kẻ có nhà ngói lại mơ tưởng nhà lầu v.v…Cứ như thế sự thèm muốn của con người không bao giờ đầy đủ được. Trong khi ta tranh đấu cho lòng tham ái thì tâm ta biểu diễn biết bao trò ảo thuật như: được thì mừng, thất thì buồn, được khen thì mừng, bị chê thì buồn, được danh vọng thì mừng, mất danh vọng thì buồn, gặp thuận cảnh thì mừng, đụng nghịch cảnh thì buồn v.v…Thật là một vấn đề phức tạp.

Nói tóm lại, túi tham con người không đáy. Muốn cung cấp cho đầy là hành động của người thiển cận nếu không dám nói là điên.

61.- NA KAHĀPANAVASSENA TITTI KĀMESU VIJJATI:
DÙ TRỜI CÓ MƯA NGỌC QUÍ CŨNG KHÔNG THỎA MÃN LÒNG THAM.

Ngũ dục là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, làm cho người mê đắm không bao giờ biết chán. Vì vậy mà bánh xe luân hồi cứ xoay tít không ngừng nghỉ. Người mê thích ngũ dục thường lặn hụp trong trường đời và không bao giờ biết đủ cũng như câu: "Có rồi cũng muốn có thêm, con người chưa có cũng tìm cho ra". Lắm khi vì ngũ dục mà chúng sanh phải tàn sát lẫn nhau để bảo vệ nó. Sự kiện ấy đã xẩy ra khắp mặt quả địa cầu.

Người quá mê ngũ dục thường quáng mắt, không suy nghĩ lợi hại tội, phước nên họ không bao giờ tìm ra lối thoát. Lối thoát ở đây là sự thoát ra khỏi sợi dây xích xiềng của tham, sân, si bằng Giới, Định, Huệ.

Người nào chịu ép mình ra theo lối thoát này thì mới hoàn toàn bảo đảm an ninh vì Ma vương phiền não không thể tìm biết tung tích ta được.

62.- NATTHI KĀMĀ PARAṂ DUKKHAṂ:
CÁC SỰ KHỔ ĐỀU KHÔNG NGOÀI THAM ÁI.

Nếu giải sơ lược thì tham ái có hai loại là:

- VATTHUKĀMA: Tham ái về vật dục.
- KILESAKĀMĀ: Tham ái về phiền não dục.

1) Phàm là người, không ai có thể phủ nhận rằng: mình không có ái dục tức sự tham muốn về ngũ dục sắc, thinh, hương, vị, xúc.

Thấy sắc đẹp và cử chỉ dịu dàng, khả ái của một ai hợp với tâm tính ta thì ta thương yêu ngay; nghe tiếng ca, giọng nói lảnh lót, trầm bổng ở tận đâu đâu ta cũng cố lắng tai nghe một cách say mê, ngửi mùi vị thơm tho, ngào ngạt thì ta đã thấy thích thú,nếm các món ngon, vật lạ chua ngọt v.v… thì ta thèm thuồng chảy nước dãi ngay, sự đụng chạm nơi mát mẻ, mềm mại thì kích thích, xúi giục ta phải lâm lụy trong bể dục tình. Năm điều này hằng làm cho chúng sanh mê đắm, quên ăn, bỏ ngủ, thụt két sát nhân. Tóm lại, người say mê gái đẹp dám nhúng tay làm bất cứ tội ác dù đê hèn cách nào cũng không chừa.

Ôi! Người đời vì quá say mê trong ngũ dục nên phải tan gia bại sản trong kiếp hiện tại và bị sa đọa trong kiếp vị lai.

2) Chỉ vì phiền não mà con người giành giựt, chém giết nhau không biết gớm tay.

Nếu ta khôg tiêu diệt nó thì nó cứ tự do hoành hành, làm cho con người của ta nóng nảy, đau khổ, đời sống của ta phải đảo lộn, tâm ta xao động như sóng lượn trùng dương.

Phiền não dục rất nguy hiểm, muốn trừ diệt nó ta phải quán tưởng cho thấy rõ vô thường (ANICCAṂ), khổ não (DUKKHAṂ) và vô ngã (ANATTAṂ) là ba phương pháp hữu hiệu giúp ta chiến thắng Phiền não một cách vẻ vang.

63.- NATTHI TANHĀ SAMĀ NADĪ:
KHÔNG SÔNG NÀO SÂU RỘNG BẰNG SÔNG ÁI DỤC.

Tất cả sông rạch trên thế gian này dù rộng lớn đến đâu cũng có giới hạn, chỉ có dòng sông ái dục là vô bờ bến, không thể đo lường.

Ái dục tức sự ham muốn trong những vật vừa lòng thích ý hay say mê trong các cảnh sung sướng rồi mắc dính không dứt được. Chúng sanh thường vấp phải cái thềm ái dục trong ba trường hợp:

1) Sự tham muốn vừa lòng ngũ dục (KĀMATANHĀ) tức là chạy theo mọi sự giả tạm của ngũ trần như sắc, thinh, hương, vị, xúc… rồi vướng lấy như con vật tham ăn bị bẫy, chỉ chờ chết, không thể nào thoát được.

2) Sự mong muốn những cảnh sung sướng trong cõi sắc giới (RŪPABHAVA). Sự mong muốn này tuy có phần sang trọng hơn nhưng vẫn còn làm cho chúng sanh phải mắc dính nhứt là các sự khoái lạc và tuổi thọ vì vậy chúng sanh sau khi mãn kiếp còn phải luân hồi và vẫn chịu khổ như thường.

3) Một sự mong muốn vi tế hơn tức là sự mong ước được sanh trong cõi trời vô sắc (ARŪPABHAVA) gọi là phi hữu ái (VIBHAVATANHĀ). Ở cảnh giới này chúng sanh quá an vui, quá trường thọ cho nên rất dễ lầm tưởng, cho mình đã hết luân hồi, nên cứ mải mê trong dục lạc, để rồi cuối cùng cũng mắc dính trong bẫy ái dục.

Những sự mong muốn kể trên không bao giờ đầy đủ. Chúng sanh được ở cảnh giới này thì lại vọng móng các cảnh giới trên. Có cái nọ, tâm lại muốn cái khác. Sự mong muốn thật là vô tận.

Các sông rạch thì có lúc đầy, lúc vơi. Nhưng sự mong muốn của con người thì bao giờ cũng vơi và vơi mãi. Vì vậy, câu Phật ngôn trên, Đức Phật có tôn ý dạy rằng: Lòng mong muốn của chúng sanh không bao giờ đầy đủ, mà nếu đã không đầy đủ thì chúng ta chớ nên lo bồi, trái lại nên cố gắng diệt trừ lần sự ham muốn để trở về con đường cao thượng.

64.- ICCHĀ LOKASMIṂ DUJJAHĀ:
TRONG THẾ GIAN CHỈ CÓ SỰ HAM MUỐN LÀ RẤT KHÓ DỨT BỎ.

Trên đời này, tất cả vạn vật, cái chi nằm trong hiểu biết của ta, ta đều có thể phán đoán, chẳng hạn như nhà cửa , cây cối v.v… ta đều hiểu rõ. Mấy năm nó già, bao lâu nó cỗi, hay sông rạch mùa nào nước dâng, tháng nào nước hạ. Thế mà sự mong muốn của ta, ta không bao giờ có thể phán đoán để biết rõ là nó muốn gì hay nó đòi hỏi cái chi vì nó biến đổi từng giây từng phút như con cá dưới nước, ta không thể biết trước là nó sẽ lội về đâu. Như bài thơ sau đây chứng tỏ cho ta biết:

Lòng ta khó hiểu lắm ai ơi!
Khi tưởng dương gian lúc tưởng trời.
Sắc tốt, thanh hay đều muốn cả,
Hương thơm, vị ngọt chẳng buông rời.
Đụng chạm vừa lòng thì luôn khả,
Tiền tài danh vọng tố cho lợi.
Phóng túng duyên theo muôn vạn ngã!
Thật tâm khó hiểu lắm ai ơi!

Chúng sanh bao giờ cũng cảm thấy lòng mình thiếu thốn luôn nên sự mong muốn (ICCHĀ) hằng tùy trường hợp mà phát sanh, cuối cùng con người đành phải làm nô lệ và chịu dưới quyền điều khiển của nó.

Tóm lại, chúng sanh không bao giờ có thể hiểu rõ được lòng mong muốn của mình. Do đó sự diệt trừ nó là một vấn đề vô cùng khó khăn. Chẳng khác nào đánh giặc mà không biết căn cứ của địch thì làm sao có thể phá tan được địch.

65.- ICCHĀ HI ANANTAGOCARĀ:
HÀNH TRÌNH CỦA SỰ MONG MUỐN LÚC NÀO CŨNG VÔ BỜ BẾN.

Nói đến hai tiếng mong muốn, thiết tưởng chúng ta không lạ gì cái trạng thái [*] ước ao của con người trước một cảnh hay một vật. Tuy nhiên, đó chỉ là phần khái quát mà thôi. Nếu chịu khó phân tách mổ xẻ cái chiều rộng và chiều sâu của nó thì chúng ta mới cóthể hiểu rõ nó một cách vi tế hơn.

[*] TRẠNG THÁI: tướng sắc bày ra ngoài.

Theo Phật giáo, sự mong muốn của chúng sanh lúc nào cũng vô bờ bến, vì lẽ sự mong muốn ấy bao giờ cũng nằm dưới định luật của vô thường. Hơn nữa, đối tượng của mong muốn là không vĩnh cửu thì làm sao có sự bền vững để đáp lại lòng ham muốn kia! Mặt khác, chính cái tâm mong muốn của ta thường bị xao động luôn. Lúc vừa ý cái này, khi vừa ý cái khác. Sự hành trình của nó không bao giờ định được. Ví như một người có nhà lá lại mong được nhà ngói, khi có nhà gỗ thì ước ao nhà ngói. Cho đến lúc có nhà ngói thì thích cái villa, thời gian sống trong villa được lại vọng về những cái gì cao sang đó hơn nữa. Cứ như thế ham mãi và mong muốn mãi không thôi.

Và sau lưng của nó lúc nào cũng có các phiền não ngấm ngầm xúi giục khiến nó có một sức mạnh phi thường. Vì vậy, mà sự hành trình của nó luôn luôn tiếp tục, không có sự đầy đủ hay biết chán. Đó là nói về chiều rộng và con đường vô tận của nó. Còn nói về chiều sâu thì thật là vô cùng, vô tận. Trên thế gian này chỉ có bậc vua chúa là được cao sang quyền quí nhứt thế mà cũng có lắm khi ta vẫn thấy những nhà vua than khổ hay vọng móng những cái gì cao sang hơn nữa. Bao nhiêu ấy cũng đủ cho ta thấy rõ cái chiều sâu mong muốn của con người.

Nói tóm lại, không có chi lấp cho đầy lòng tham muốn của chúng sanh.

66.- ICCHĀ NARAṂ PARIKASSATI:
ÁI DỤC HẰNG LÔI CUỐN CON NGƯỜI.

Sự tham muốn (ICCHĀ) là một điều rất khổ và rất phiền phức mà chúng ta đã giải cặn kẽ trong các bài trên. Giờ đây chúng ta nên đi sâu vào quyền lực có sức mạnh vạn năng hằng lôi cuốn con người sa vào hố sâu tội lỗi của nó. Đúng vậy, không một ai có thể ngang nhiên vỗ ngực tự phụ rằng: tôi không mê lụy trong ngũ dục. Trái lại, không nhiều thì ít, ai cũng phải có.

Ngũ dục hằng lôi cuốn ta sa vào cảnh khổ, chúng ta kiên tâm xa lánh nó lần hồi cho đến khi nào không chút bợn nhơ dính mắc thì chắc rằng tâm của ta an nhàn tự toại lắm.

Mỗi khi ngũ dục lôi cuốn thì đời ta sắp sửa mở đầu cho bao sự đau khổ phũ phàng. Vậy ai là bậc trí thức nhận biết con đường lợi hại và sức lôi cuốn của ngũ dục nên cố gắng vượt ra khỏi nó để khỏi bị khổ não tầm mê.

67.- NATTHI RĀGASAMO AGGI:
KHÔNG CÓ LỬA CHI BẰNG LỬA ÁI DỤC.

Lửa thường ta có thể trông thấy đỏ, xanh, vàng, trắng, sờ mó, đụng chạm biết nóng hoặc sử dụng nó một cách dễ dàng, muốn tắt cháy tùy sở thích.

Trong thế gian này, ai thấy lửa mà không sợ. Nó có thể đốt sắt thành than hồng thì cái xác thân này có ra gì đối với nó. Lửa này tuy là nguy hiểm thật nhưng so sánh với lửa ái dục thì nó còn thua sút rất nhiều vì ta thấy, khó cảm thắng và sử dụng nó như lửa thường. Nhiều khi ta phải đành bó tay thúc thủ trước ngọn lửa ái dục.

Lửa ái dục [*] ngấm ngầm thiêu đốt và làm cho tâm con người phải đau khổ từng hồi, như câu: "Lửa ái dục đốt lòng từ phút, sự ưu phiền chẳng chút nào nguôi", thì đủ biết là lửa ái dục nguy hiểm dường nào.

[*] RĀGGAGI: Lửa ái dục xui khiến con người sa vào trăm đường tội lỗi, phải đau khổ trầm luân. Ta nên chuyên tâm tìm đủ mọi phương pháp hầu dập tắt ngọn lửa nguy hiểm ấy.

68.- LOBHO DHAMMĀNAṂ PARIPANTHO:
SỰ THAM LAM HẰNG LÀM CHO CÁC THIỆN PHÁP HƯ HẠI.

Tham lam tức là sự đòi hỏi hay mong ước của con người đối với bất cứ mọi vật gì mà họ cảm thấy ưa thích. Nói một cách thông thường, tham lam cũng có nghĩa là sự ham muốn ngoài lẽ phải. Lòng tham này nếu phân tách theo trạng thái, ta nhận thấy nó thường biểu hiện trên hai phương diện:

1) Sự mắc dính với những tài sản mà mình đã có rồi tự chấp lấy rằng các vật nầy là của ta. Vì vậy mà mỗi khi có sự tan rã, chia lìa, thường hối tiếc và phát sanh khổ não.

2) Ngoài sự bảo vệ các tài sản đã có, con người luôn luôn vọng móng đến những cái gì khác hơn nữa. Chẳng hạn như một ông ngồi trên xe đạp để ý đến chiếc xe gắn máy rồi đem lòng thỏa thích và tìm đủ mọi cách để làm thế nào cho được vừa với nguyện vọng.

Hai trạng thái tham lam này luôn luôn nằm canh cánh trong tâm của mỗi chúng sanh. Do đó, mà con người không bao giờ được rảnh rang nghĩ đến những vấn đề cao thượng.

Tâm ta từ muôn vạn kiếp đã bị màn vô minh che án và nằm dưới sự điều khiển của dục vọng, vì thế mà hiện nay nó đã kiệt lực, không thể tranh đấu. Đã vậy, sự tham lam lại còn luôn luôn vương vấn ràng buộc, nào là bắt tâm ta phải mắc dính với của tiền đã được, nào thúc dục tâm ta chạy theo sự đòi hỏi của tiền chưa có.

Ôi! Lòng tham lam thật là vô cùng ghê gớm ví như một gian phòng đen tối chỉ có một vật sáng lóe lên rồi lại bị màn lấn áp, thì con người của chúng ta cũng bị tham lam đè bẹp như thế ấy, khi một con người đã bị tham lam nuốt trọng tâm hồn, nếu thiện pháp có phát sanh lên chẳng hạn như muốn đem tiền ra bố thí, thì thật là một vấn đề không thể thực hành! Có đôi lúc thiện pháp chỉ mới nảy sanh lên liền bị lòng tham lam đè bẹp một cách nhanh chóng. Ta đã hiểu rõ mãnh lực của tham lam mà còn vô tình để cho nó lung lạc tâm ta thì chắc chắn ta sẽ mất hết sự sáng suốt và do đó ta không bao giờ tiến hóa.

Cho nên cứ mỗi khi thiện pháp phát sanh lên thì ta phải giữ lấy và dồn tâm lực vào đó để có một sức mạnh đánh đuổi những sự xấu xa mà thực hiện những điều cao đẹp.

Ngoài sự nuôi dưỡng các thiện pháp, chúng ta phải tìm cách làm dịu bớt sức mạnh của tham lam. Có như thế, ta mới tự chủ được và ta chắc chắn sẽ trở thành một con người đầy đủ đức hạnh.

69.- ATILOBHO HI PĀPAKO:
SỰ THAM LAM LÀ NHÂN CỦA NHỮNG TỘI ÁC.

Như chúng ta đã thấy, từ xưa đến nay nhân loại luôn luôn tìm đủ mọi cách để chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Trong một nước, các nhà lãnh đạo lúc nào cũng nghiên cứu tìm biện pháp đem lại một cuộc sống an ninh cho đồng bào. Thế mà hiện nay chiến tranh vẫn còn, vấn đề an ninh vẫn chưa vãn hồi thực sự.

Theo Phật giáo, nguyên nhân các thảm trạng trên đây đều do lòng tham. Chỉ có tham, con người mới xâm lược, chỉ có tham, con người mới giết chóc lẫn nhau và những kẻ ngồi trong lao tù cũng chỉ vì tham mà ra nông nỗi!

Một khi con người đã có lòng tham thì họ rất mù quáng, xem thường hiểm trở, miễn sao thỏa lòng ước vọng thế thôi. Những kẻ trộm cướp đâu phải không biết hành động của họ sẽ gây tai hại cho họ. Thế mà, với tủ vàng kia, đồng bạc nọ, họ đã quên tất cả. Họ chỉ muốn cướp lấy và cướp lấy.

Chẳng phải bấy nhiêu thôi, có người còn tham đủ mọi cách, nào là tiền tài, danh lợi, vợ đẹp, chồng sang. Thiếu chi cảnh chỉ vì một người đàn bà mà họ giết chóc lẫn nhau, hay vì một cảnh sung sướng mà họ nỡ quên chồng cũ. Đôi khi vì mù quáng mà ngưòi đàn bà có thể thuốc chết chồng mình để theo tình nhân.

Tóm lại, nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp, một thế giới hòa bình, chúng ta đừng vội vã nghĩ xa, vấn đề trước tiên là phải chế ngự tham vọng.

70.- NATTHI MOHASAMAṂ JĀLAṂ:
KHÔNG LƯỚI NÀO BẰNG LƯỚI SI MÊ.

Si mê (MOHA) nghĩa là sự lầm lạc hay lẫn lộn không hiểu sự thật. Si mê trong câu Phật ngôn này có ý nói về sự không biết rõ các định luật của vũ trụ như vô thường, khổ não, vô ngã.

Người si mê luôn luôn chấp rằng: thân nầy là của ta nên họ không bao giờ muốn cho nó tan rã.

Nhưng họ quên rằng, trên thế giới này, hễ sanh là phải diệt, hiệp thì phải tan, không một vật gì có thể đứng yên một chỗ. Do đó sự tuần hoàn của các giống hữu tình luôn luôn thay đổi. Trong các sự thay đổi triền miên mà ta lại cho là bền vững, trong trường hợp chắc chắn phải xa lìa mà ta muốn giữ lại thì thật là không có cái khổ não, thất vọng nào hơn.

Vì si mê mà chúng sanh cứ mắc dính mãi trong cái đời giả tạm. Sống trong thay đổi không ngừng mà còn ước mong tiếc rẻ chẳng khác nào người lạc lõng giữa rừng đêm, mò cây cối để đi mà ta cứ tưởng là ta thấy đường, cứ lăn lộn như con cá bé nhỏ bị vướng vào trong tấm lưới bao la.

Biết bao người, sau một thời gian sống trẻ, đến tuổi về chiều nhìn lại thì than ôi! Da đã dùn, má cóp,lưng cong, mái tóc đã điểm sương. Thế mà họ vẫn còn than thở, tiếc rẻ cái thời tươi trẻ. Nói tóm lại, chúng sanh sở dĩ bị luân hồi, đau khổ, khó phân điều tội phước cũng bởi tại si mê. Chúng ta đã sanh được làm người có chút ít lý trí suy xét, vậy chúng ta chớ bắt chước người mà phải mau mau tìm nơi chơn chánh tu hành, ngỏ hầu vượt khỏi lưới si mê. Như thế mới không uổng một kiếp người.

71.- BHĪYYO CA KĀME ABHIPATTHAYANTI:
NGƯỜI MƠ NGŨ TRẦN NHIỀU THÌ TÌNH DỤC CÀNG THÊM TĂNG TRƯỞNG.

Ngũ trần ví như đóa hoa đẹp, quyến rũ được nhiều người. Nếu là người trí thức biết chế ngự thì ngũ dục chẳng khác nào một sự thử lòng rồi tách rời không vương vấn nữa. Ví như mùi hương phảng phất đoạn bị gió thổi bạt đi. Đối với những hạng người này, ngũ dục không phải là một vấn đề quan trọng mà họ chỉ sống một đời sống trong sạch và an nhàn.

Còn ngũ dục đối với những người si mê chỉ biết nhắm mắt để mặc tình cho ngũ dục lôi đi, chẳng khác người không biết lội bị dòng nước cuốn đi một cách dễ dàng. Họ sống một đời sống xa hoa thật nhưng không có định hướng để nương thân.

Ngũ dục thì lộng lẫy và huy hoàng, bởi thế người mê trong ngũ dục hằng đắm đuối để mặc cho sự đòi hỏi cảm thắng và lấn áp, mà lấn áp nhứt là tình dục vì nào là: sắc tốt, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, nơi đụng chạm vừa lòng đẹp ý, họ đều hưởng cả, thế mà họ mơ tưởng và hướng vọng về tình dục. Mà tình dục thì thần tiên thật, nhưng đã có câu: "Ái tình như cánh đồng hoa, nếu ai bước đến phải sa lệ sầu".

Như chúng ta đã biết, nếu mơ ước ngũ dục nhiều thì tình dục tăng trưởng nhiều.

72.- UNĀ VAHUTVĀ JAYANTI DEHAṂ:
NGƯỜI THỌ NGŨ DỤC HẰNG THIẾU THỐN ĐẾN NGÀY LÂM CHUNG.

Người say mê trong ngũ dục hằng lăn lộn trong các nơi hoan lạc và tìm đủ mọi nhu cầu để thỏa mãn các trò tiêu khiển thường tình. Người ấy bất luận là già, trẻ, bé, lớn, đều là những kẻ nô lệ của tình dục.

Chúng ta đừng tưởng rằng người già đã hết tình dục. Cũng như một số người đã thấy bậc lão thành xuất gia rồi cho rằng các ngài đã chán chê ngán ngẫm mới dứt bỏ ra đi. Thật ra thì họ đã quan niệm sai lầm, vì tình dục không bao giờ biết chán. Ví như nay ăn cơm rồi mai lại đói nữa vậy. Trừ phi lúc ta đã trở thành một cái xác không hồn, chớ còn sống, còn ăn, còn ngủ tức là còn tham dục lạc.

Tâm của phàm nhơn thường đòi hỏi và tham muốn luôn. Trong cuộc sống, họ đã đem biết bao tâm lực để tranh đấu với đời mặc dù đã đầy đủ lắm trên phương diện vật chất. Nhưng vật chất đã biến con người của họ trở thành mê muội, không biết đủ. Mặc dầu khách quan cho họ có phước đức, quá sung sướng và đầy đủ lắm rồi. Nhưng họ lo cặm cụi suốt đời, mãi đến khi chết đã gần kề, tuổi già đã chồng chất, mà họ còn tiếc rẻ. Khi hấp hối, họ còn cười gượng gạo đau khổ để thốt ra tiếng cuối cùng "uổng thật". Vì suốt đời họ, họ đã tận tụy để rồi đến ngày nay lưu lại cả một sản nghiệp kếch sù cho kẻ khác hưởng. Vợ họ có chắc gì trung tiết thờ chồng ở góa đến trọn đời. Con họ cũng chưa chắc sau khi họ chết, nó theo gương họ để làm giàu hay trái lại chúng lêu lổng chơi bời và khi hết của, chúng nó tranh giành làm cốt nhục tương tàn vì cái sản nghiệp của họ để lại hay không?

73.- BHOGATANHĀYA DUMMEDHO HANTI AÑÑEVA ATTĀNAṂ:
VÍ QUÁ THAM TRONG CỦA CẢI NÊN NGƯỜI ĐÃ TỰ GIẾT LẤY MÌNH.

Chúng sanh cho đời là tiền bạc, chỉ có tiền bạc là hơn tất cả. Thế là họ không ngại ngùng tìm đủ mưu mô để làm tiền mặc dù phải chà đạp tàn sát lẫn nhau. Thật ra chúng tôi không có phủ nhận tiền là tuyệt đối không quý. Nó quý thật nhưng rất nguy hiểm. Một nhà triệu phú nơm nớp sợ trộm không ngủ yên và nhàn nhã.

Những thảm trạng vì tiền mà phải lụy thân đã xảy ra trên mặt báo hằng ngày chúng ta cũng đã thấy.

Xét như trên thì chúng ta thấy rằng tiền bạc rất quý nhưng nó không khác nào một chung thuốc độc để giết chết người không biết sử dụng nó gọi là người tự giết lấy mình. Vì kiếp hiện tại, người quá ham tiền không biết tội phước, người ấy hằng bị bao sự khổ sở dày vò, còn kiếp vị lai họ phải bị thống khổ triền miên.

74.- AVIJJĀ NIVUTĀ POSĀ:
TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐỀU BỊ VÔ MINH CHE ÁNG.

Tiếng AVIJJĀ là tối tăm, u ám, hay nói cho dễ hiểu là không biết chi hết. Trái ngược với chữ VIJJĀ là sáng suốt minh mẫn.

Tất cả chúng sanh trong tam giới hằng bị vô minh che áng, như người lạc lõng giữa rừng khuya, làm cho chúng sanh mãi miệt mài trong sắc dục, tiền tài, danh lợi, không thể thoát khỏi lưới vô minh ấy. Bởi thế cho nên bánh xe luân hồi không bao giờ ngừng nghỉ.

Vô minh, hai tiếng vô minh nó rùng rợn làm sao, ví như người đui bị sập hầm chông, hay kẻ lạc loài trong hang tối không biết lối ra.

Vô minh nguy hiểm và rùng rợn như vậy, ai là người sáng suốt cố tránh, đừng để cho vô minh dắt dẫn ta vào nơi tội lỗi. Ta phải cố gắng tìm đủ mọi biện pháp để đoạn tuyệt vô minh. Biện pháp ấy là gì? Là ta phải cố công tu hành nhứt là tham thiền niệm Phật vì "Giới sanh Định, rồi Định phát Tuệ". Khi ấy, vô minh khôg còn đến với ta nữa.

Người nào hành đúng theo những phương pháp tu hành niệm Phật như vậy thì một ngày kia sẽ thoát khỏi rừng vô minh một cách dễ dàng và không còn sự phiền phức trong kiếp luân hồi nữa.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 08-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 07-08-2004