Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng

Hòa thượng Janakabhivamsa
U Ko Lay dịch sang Anh ngữ
Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ


[11]

Chương 11

Các Cảnh giới của Hiện hữu

330.- Các cảnh giới của hiện hữu.

Nơi sanh sống của chúng sanh được gọi là cảnh giới (bhumi). Có tất cả 31 cảnh giới: bốn cõi dữ ác, bảy cõi còn ham muốn thú vui nhục dục và hai mươi cõi Phạm thiên (brahma).

Bốn cõi dữ ác là: (1) điạ ngục (niraya), (2) súc sanh, (3) ngạ quỉ (peta, quỉ đói) và (4) cõi phi thiên (asurakaya, A tu la, các quỉ thần).

Bảy cõi còn ham muốn thú vui nhục dục là một cõi người với sáu cõi Trời. Sáu cõi Trời nầy là: (1) Tứ Đại Thiên vương (Catumaharajika) của bốn vị đại thiên vương; (2) Đao lợi thiên (Tavatimsa) còn gọi là cõi tam thập tam thiên của ba mươi ba vị Thiên vương; (3) cõi Dạ ma thiên (Yama); (4) cõi Đâu suất thiên (Tusita) là cõi vui thích; (5) cõi Hoá lạc thiên (Nimmanarati)là cõi mà chư Thiên tự tạo ra các lạc thú để hưởng thọ lấy; (6) cõi Tha hoá tự tại thiên (Paranimmitavasavatti) là cõi mà chư Thiên ngự trị trên các tạo phẩm của kẻ khác (the realm of gods lording over the creation of others) .

Trong hai mươi cõi Phạm thiên, có 16 cõi Sắc giới Phạmthiên (Rupa Brahma) và bốn cõi Vô sắc giới Phạm thiên (Arupa Brahma).

331.- Cõi Đia ngục (Niraya).

Tại mỗi quốc gia đều có nhà tù để giam giữ các tội nhơn phạm pháp. Cùng thế ấy, có rất nhiều cõi điạ ngục để những kẻ dữ ác phải đền tội về các hành động bất thiện của họ. Các điạ ngục nầy là những sắc pháp tùy thời tiết (utuja rupa), tức là những sắc chất bị ảnh hưởng của thời tiết (utu) do ác nghiệp của họ gây ra. Điạ ngục khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi bất thiện đã làm. Theo kinh sách, Điạ ngục Dương đồng (Lohakumbhi), là điạ ngục chất đồng nấu chảy sôi, nằm ngay bên dưới vỏ trái đất gần nơi con người đang sanh sống.

Cũng theo Kinh sách, có tám từng điạ ngục [=Bát Đại điạ ngục] thường được nói đến và sẽ được giải thích thêm chi tiết trong các tiểu mục sắp tới. Đó là:

1) Đẳng hoạt địa ngục (Sanjiva)
2) Hắc thằng điạ ngục (Kalasutta)
3) Chúng hiệp điạ ngục (Sanghata)
4) Hào khiếu điạ ngục (Roruva)
5) Đại khiếu điạ ngục (Maharoruva)
6) Viêm nhiệt điạ ngục (Tapana)
7) Đại nhiệt điạ ngục (Mahatapana)
8)Vô gián điạ ngục (Avici.)

Mỗi đại điạ ngục ấy được bao quanh bởi năm loại đîạ ngục nhỏ khác là: (1) ngục phẩn và nước tiễu; (2) ngục tro nóng; (3) ngục cây bông gạo (Bombax trees); (4) ngục cây lá bén như gươm; (5) ngục chì nấu sôi chảy. Năm tiểu ngục nầy được gọi là Ussada Điạ ngục, tạm dịch là điạ ngục tràn đầy. [Ussada = đầy tràn].

332.- Vua Dạ ma, chúa cõi Điạ ngục.

Vua Dạ ma (Yama) là vị Thiên vương cuả loài qủi sứ Vemanika petas [Vemanika = cung điện trên cõi Trời; Peta = qủi sứ], thuộc vào hàng chư Thiên trên cõi Trời Tứ Đại Thiên vương (Catumahajika). Vị vua nầy ngự trên cung điện ở cõi Trời thường hưởng các lạc thú của một vị Thiên tử, nhưng cũng phải chịu những quả báo xấu của ác nghiệp (kamma) như các qủi sứ (peta) khác. Nơi bốn cửa thành của Địa ngục, có nhiều vị vua Dạ ma đến ngồi xét xử các tội nhơn phải chịu đền tội vì ác nghiệp của họ trong kiếp sống. Chức phận của các vị vua Dạ ma nầy cũng tựa như những thẩm phán trong cõi người.

Chẳng phải mọi tội nhơn khi đến cửa điạ ngục đều phải trải qua cuộc xét xử; vì nếu đã phạm tội quá nặng, thì được đưa thẳng vào các điạ ngục liên hệ. Những kẻ phạm các tội nhẹ mới có cơ hội được Vua Dạ ma xét xử, với hi vọng có thể thoát khỏi cảnh điạ ngục. Các buổi xét xử đó chẳng phải là để buộc tội thêm, mà chính là dịp may cho các tội nhơn tránh khỏi hình phạt, nếu họ tỏ ra xứng đáng. Các vua Dạ ma cũng tựa như các thẩm phán Toà thượng thẩm ngày nay ở cõi người. Do đó, ta nên chú ý rằng vua Dạ ma, chúa của cõi Điạ ngục, chỉ là những vị phán quan vô tư và công bằng. (Xin xem thêm bản kinh Thiên sứ (Devaduta Sutta, Uparipannasa).

333.- Các quỉ sứ ở cõi điạ ngục.

Các qủi sứ ở điạ ngục lại thuộc vào hàng chư Thiên ở cõi Trời Tứ Đại thiên vương (Catumaharajika devas). Nhiệm vị thường xuyên của các vị nầy là dẫn các tội nhơn đến trước Vua Dạ ma để được xét xử và thi hành các hành phạt độc dữ mà các tội nhơn phạm tội nặng phải chịu. Vì ngọn lửa ở cõi điạ ngục là một loại sắc chất tùy thơì tiết (utuja rupa) do các ác nghiệp gây ra, nên chỉ những tội nhơn mới bị đốt cháy, còn các qủi sứ chẳng hề bị ảnh hưởng chi của sức nung nóng cả.

334.- Một cuộc xét xử của vua Dạ ma.

Sau đây, xin kể sơ lược một buổi phán xét của vua Dạ ma; các chi tiết nầy được trích trong Kinh Thiên sứ (Devaduta Sutta.) Mỗi khi có tội nhơn đến trình diện, vua Dạ ma liền hỏi kẻ ấy lúc ở dương gian có được năm vị thiên sứ đến viếng hay không. Năm vị thiên sứ (Panca Devadutas) đó khoác hình dạng của: (1) một đứa trẻ sơ sanh; (2) một người già cả; (3) một người tàn tật; (4) một người chết và (5) một tù nhơn.

Vua Dạ ma: Nầy tội nhơn, khi ngươi còn sống trên cõi nhơn gian, ngươi có thấy một đứa bé sơ sanh nằm lăn lộn trên phẩn và nước tiểu của nó không?

Tội nhơn: Thưa Ngài, có thấy.

Vua Dạ ma: Nếu ngươi có thấy, vậy chớ trong tâm thức ngươi có khởi lên ý nghĩ: ‘‘Rồi đây, tôi cũng sẽ tái sanh thành một đứa bé nằm lăn trên phẩn và nước tiểu như vầy. Đây chính là lúc tôi phải giữ gìn cẩn trọng các cử chỉ, lời nói và tư tưởng của tôi theo đường lành, để khỏi phải chịu đau khổ nữa như đứa bé nầy?’’

(Các bạn đọc nên lưu ý đến mối từ tâm của vua Dạ ma khi hỏi như thế.)

Tội nhơn: Thưa Ngài, lúc ấy tôi chẳng để ý tới và nghĩ chi đến việc làm đìều thiện có ích lợi gì đâu.

Vua Dạ ma: Các điều dữ do chính ngươi đã làm, chớ chẳng do ai khác trong thân bằng quyến thuộc của ngươi đã làm giùm. Vì ngươi đã có lỗi sống một cách vô ý thức như thế, nên nay ngươi phải đền tội đúng theo thông lệ.

Vua Dạ ma tiếp tục hỏi như thế về bốn thiên sứ còn lại, là người già cả, người tàn tật, người chết và người tù. Sau câu hỏi chót, nếu tội nhơn chẳng nhớ được một hành vi thiện lành đã qua nào của y, thì vua Dạ ma liền cố nhớ lại xem có khi nào người tội nhơn nầy đã chia xẻ công đức điều lành với mình chăng. (Vì thời buổi ngay nay, dân chúng thường đem chia xẻ công đức với vua Dạ ma mỗi khi họ làm được điều thiện,) Nếu nhớ được một việc thiện nào đó, vua Dạ ma sẽ nhắc lại cho người tội nhơn. Nếu nhờ được nhắc mà nhớ, hay tự mình nhớ lại được công đức của một việc thiện nào đã làm khi còn sống, thì tội nhơn liền được thoát khỏi cảnh điạ ngục và tái sanh ngay lên cõi Trời. Điều nầy chứng tỏ các hành động thiện lành đã làm là nơi nương tựa vững chắc nhứt cho chúng sanh. Khi đã thấy rõ tội nhơn chẳng có được chút vốn liếng thiện căn nào, vua Dạ ma liền giữ im lặng. Bấy giờ, các qủi sứ mới đổ xô đến kéo tội nhơn tới chỗ thọ hình dành cho tội trạng

335.- Đẳng hoạt điạ ngục (Sanjiva).

Đẳng hoạt điạ ngục (Sanjiva) có nghiã là nơi đây các tội nhơn chết đi và sống lại thật nhiều lần. Trong cảnh điạ ngục nầy, qủi sứ xẻo mình mẩy và tay chơn tội nhơn ra từng mảnh nhỏ, nhưng tội nhơn chẳng chết luôn mà lại tái sanh lại để chịu thêm đau khổ, bởi vì ác nghiệp (akusala kamma) của họ vẫn còn có hiệu lực. Họ phải chịu cảnh khổ đau ghê gớm như thế liên tục chẳng dứt. Sự kinh khủng của cõi điạ ngục nầy chứng tỏ quả báo của ác nghiệp thật hết sức hãi hùng.

336.- Hắc thằng điạ ngục (Kalasutta).

Hắc thằng (Kalasutta) là sợi giây thấm mực đen của người thợ mộc dùng để kéo đường thẳng trên gỗ. Trong cõi điạ ngục nầy, qủi sứ rượt đuổi theo bầy tội nhơn đang chạy trốn và khi bắt được liền dùng giây mực đen (=hắc thằng) đánh dấu trên thân thể. Đoạn, qủi sứ dùng búa chém vào các dấu mực. Tội nhơn phải chịu hành hình như thế nhiều lần, cho đến lúc ác nghiệp của họ đã cạn dứt.

337.- Chúng hiệp điạ ngục (Sanghata).

Chúng hiệp điạ ngục (Sanghata) là nơi mà tội nhơn phải chịu hình phạt đè nén cho đến chết đi sống lại nhìều lần. Thân thể tội nhơn bị chôn vùi sâu đến ngực, trong nhiều mảng sắt nung sôi dầy đến chín do tuần (do tuần= bề dài gần một cây số) và bốn bên phiá trên có bốn trục lớn bằng sắt lăn lại ép chặt vào mình, rồi lăn đi lăn lại như thế mãi. Họ phải chịu đau khổ chẳng ngưng nghỉ cho đến lúc ác nghiệp của họ đã cạn dứt.

338.- Hào khiếu điạ ngục (Roruva).

Hào khiếu điạ ngục (Roruva) là cảnh điạ ngục của những tội nhơn la khóc. Lửa trong hoả ngục bừng bừng cháy tràn vào cửu khiếu (= chín lỗ trong người) của tội nhơn. Trong cảnh khổ đau đó, tội nhơn la khóc chẳng dứt. Cảnh điạ ngục nầy còn được gọi là Jala roruva [jala = đần độn].

339.- Đại khiếu điạ ngục (Maharoruva).

Nơi Đại khiếu điạ ngục (Maharoruva), khói đen mù mịt, dày dặc. Tội nhơn cũng chịu hình phạt như trong Hào khiếu điạ ngục, nhưng ở đây thay vì lửa thì khói đen xông vào cửu khiếu. Điạ ngục nầy còn được gọi là Dhuma roruva niraya, cảnh điạ ngục khói.

340.- Viêm nhiệt điạ ngục (Tapana).

Viêm nhiệt điạ ngục (Tapana) là lò hoả thiêu của cảnh điạ ngục. Nơi đây, các tội nhơn bị những thanh sắt nung đỏ cháy xiên qua thân mình; mỗi thanh sắc to bằng một cây thốt nốt.

341.- Đại nhiệt điạ ngục (Mahatapana).

Đại nhiệt điạ ngục (Mahatapana hay Patapana) là lò hoả thiêu to lớn của cảnh điạ ngục. Qủi sứ xua đuổi tội nhơn lên trên đỉnh một ngọn đồi sắt nung nóng. Kế đó, họ bị cơn bão tố thổi lăn xuống chơn đồi, nơi đây đã ghim sẵn nhiều chông sắt nhọn.

342.- Vô gián điạ ngục hay A tỳ điạ ngục (Avici)

Vô gián điạ ngục (Avici) là cõi điạ ngục chẳng có kẽ hở; các ngọn lửa hừng hực cháy khắp nơi, chẳng chừa chỗ nào cả, vì thế mà gọi là vô gián (Avici = a [= chẳng có] + vici [= khoảng trống xen kẽ ở giữa]). Các tội nhơn chen chúc nhau như các hột cải bị dồn nhét trong một ống tre, cũng chẳng chừa hỡ chỗ nào. Sự đau khổ tột độ lại kéo dài chẳng gián đoạn một giây phút nào ngưng nghỉ cả.

343.- Cảnh đau khổ tột cùng nơi cõi điạ ngục.

Tám cõi đại điạ ngục và năm tiểu ngục bao quanh mỗi đại điạ ngục nói lên sự thống khổ vô biên và khủng khiếp của các chúng sanh phải chịu hình phạt trong đó. Điạ ngục Dương đồng (Lohakumbhi) nơi bốn chàng thanh niên giàu có phạm tội tà dâm phải chịu cực hình, lại ở ngay dưới vỏ trái đất, gần thành Vương Xá (Rajagaha). [Xin xem lại tiểu mục số 080, trang 42]. Dòng sông chất đồng nấu sôi, Tapoda, bắt nguồn đâu đây, vào khoảng giữa hai cõi điạ ngục Dương đồng. Sự thống khổ nơi điạ ngục thật vô cùng khủng khiếp, vượt quá mọi ngôn từ mô tả.

Đức Phật cũng đã nói: ‘‘Nếu trong nhiều năm, ta cứ nói về cảnh đau khổ của cõi điạ ngục thì sự mô tả đó vẫn chưa được đầy đủ. Sự thống khổ nơi điạ ngục thật là vô biên, chẳng thể nào kể lại bằng lời cho xiết được.’’

344.- Một lời khuyến nhũ.

Sau khi suy gẫm về nổi thống khổ nơi điạ ngục, ta phải nên vun trồng thiện nghiệp (kusala kamma). Chẳng có ích lợi chi mà cứ hối tiếc về các hành vi xấu ác đã lỡ làm trong quá khứ; ngay đây, kể từ giờ phút nầy, ta phải biết tự kiểm soát lấy mình để tránh hẳn các bất thiện pháp. Thuở xua, có một vị tỳ-kheo (bhikkhu) sau khi nghe giảng về bản Kinh Thiên sứ (Devaduta Sutta), đã thưa với vị bổn sư của mình chỉ dạy ngay cho mình phương cách đúng đắn để thực tập quán tưởng, hơn là giảng thêm về Kinh điển nữa. Rồi vị tỳ-kheo đó tinh tấn thực hành thiền định, chẳng bao lâu đắc được đạo quả A-la-hán (Arahant). Chỉ sau khi đắc được quả vị, vị tỳ-kheo ấy mới quay trở lại học tập tiếp về kinh điển. Đã có vô số chúng sanh đắc được quả vị A-la-hán nhờ thực tập quán tưởng, sau khi được nghe giảng kinh Thiên sứ. Thường được nghe nói rằng, tất cả chư Phật trong quá khứ đều có giảng dạy về kinh nầy cả.

(Xin độc giả tham chiếu quyển Ratana Gon yi của tôi, để biết thêm chi tiết về các cảnh giới súc sanh, ngạ qủi (peta) và a tu la (asurakaya, loài phi thiên hay là qủi thần).

345.- Tận thế như thế nào?

Mọi sự vật đều có lúc phải chấm dứt. Đây là bản thể vô thường (anicca) của mọi sự vật. Và cả vũ trụ cũng thế, nơi sanh sống của mọi chúng sanh, sẽ có ngày cũng bị tận diệt và chìm trong quên lãng. Vũ trụ nầy sẽ chấm dứt bằng lửa, nước và gió. Nếu vũ trụ tận diệt trong lửa, sẽ có hai mặt trời hiện lên, một vào ban ngày, một vào ban đêm. Dưới sức nóng, nước nguồn, nước suối đều khô cạn. Khi mặt trời thứ ba hiện lên, thì các dòng sông cạn hết nước. Với sự xuất hiện của mặt trời thứ tư, bảy đại hồ chung quanh dãy núi Hi mã lạp sơn (Himavana) nước đều bốc hơi cạn hết. Mặt trời thứ năm làm ráo nước các đại dương, và mặt trời thứ sáu rút hết tất cả mọi sự ẩm ướt.

Khi mặt trời thứ bảy hiện lên, một trăm ngàn thế giới đều bị thiêu cháy. Nhiều ngọn lửa khổng lồ vươn đến tận cõi Phạm thiên đệ nhứt thiền (1st Jhana Brahmas), đốt cháy hết núi non, kể cả ngọn Hi mã lạp sơn, ngọn Tu di (Meru) cùng các cung điện trang nghiêm ở trên ngọn. Tất cả mọi vật đều cháy ra tro. Chỉ vào lúc ấy, vũ trụ mới hoàn toàn bị tiêu diệt trong cõi chết. (Xin bạn đọc hãy tự mình nghĩ đến cảnh tận thế bằng nước và gió.)

346.- Tận thế kéo dài trong bao lâu?

Thời kỳ hoại diệt đó kéo dài thật lâu, hết sức lâu. Khi thọ mạng của con người chỉ kéo dài được 10 tuổi, rồi lần lần tăng lên đến a tăng kỳ (asankheyya) (= vô số, vô cực) rồi lại giảm xuống trở lại kéo dài10 tuổi, thời kỳ lâu dài mênh mông đó được gọi là một Trung gian kiếp ba (Antara kappa). Vũ trụ bị thiêu đốt kéo dài lâu đến 64 trung gian kiếp ba. Rồi thời kỳ thế giới hoang tàn như một ngôi nhà bị hoả tai thiêu rụi, cũng kéo dài tiếp theo trong 64 kiếp ba nữa.

347.- Chúng sanh đến nương tựa nơi thế giới Phạm Thiên (Brahma Loka).

Trong khi vũ trụ bị tiêu diệt, các chúng sanh đều trở thành Phạm thiên và sanh sống ở thế giới Phạm thiên (Brahma Lokas) là nơi chẳng bị lửa thiêu đốt. Một trăm ngàn năm trước khi vũ trụ tận diệt, chư Thiên (Devas) tiên đoán được ngày tận thế, nên đã ra lời cảnh cáo. Các chúng sanh nào biết nghe theo, liền rời bỏ lối sống buông lung, nỗ lực tu tập và thực hành các thiện pháp công đức. Nhờ thiện nghiệp (kusala kamma) tạo nên và nhờ chứng đắc được thìền định (jhanas), họ trở thành Phạm thiên (Brahmas). Còn những kẻ chấp chặc vào tà kiến cố định (niyata micchaditthi) bị sa vào điạ ngục, nếu thời gian thọ hình còn chưa xong, sẽ được chuyển sang điạ ngục ở các thế gới khác.

348.- Thế giới mới được thành lập như thế nào?

Sau cuộc tận thế, khi thời gian đã chín muồi, một cơn mưa tạo thiên lập địa liền đổ xuống. Lúc đầu, mưa rỉ rả, lần lần nặng hạt tầm tã, cho đến khi mỗi giọt nước to bằng một căn nhà hay một ngọn đồi. Cả thế giới bị ngập lụt, nước dâng cao lên đến tận cõi Phạm thiên (Brahma Loka). Sau nhiều năm, nước bắt đầu rút bớt, các cung điện ở cõi Trời lần lần được cư trú. Đến khi mực nước xuống đến cõi nhơn gian thì núi, đồi, sông, suối, đồng bằng từ từ thành hình. Lớp vỏ bên trên từ từ cứng rắn lại và trở thành đất và đá. Khối đất được thành lập như thế, dầy được hai trăm bốn mươi ngàn do tuần (yojanas) [mỗi do tuần vào khoảng một cây số]

Toàn thể khối đất đó đang ngâm mình trong một khối nước sâu đến bốn trăm tám mươi ngàn do tuần. Nước lúc đó rất lạnh lẽo, trông giống như một đại băng dương chẳng có bờ bến. Khối nước bao la đó dễ dàng làm nơi nương tựa cho khối đất và đất chỉ ngập sâu đến nửa phần bên dưới. Khối nước cũng lại được một khối khí trời dầy đến chín trăm sáu mươi ngàn do tuần làm nơi nương tựa. Bên ngoài khối khí đó là khoảng hư không vô cùng tận.

Có vô số, vô biên thế giới cũng đầy đủ đất liền, nước, không khí, sanh vật, chư Thiên chúng và chư Phạm thiên. Mỗi thế giới đó cũng giống với thế giới của chúng ta về cách cấu trúc. Tất cả mọi thế giới đó gồm chung lại lập thành là một Vũ trụ vô biên, được gọi dưới danh từ Pali là Ananta cakkavala [Ananta = vô biên; cakkavala = thái dương hệ] Lại có đến một trăm ngàn Vũ trụ vô biên như thế, cùng chịu chung một số phận, phải tận diệt rồi tái tạo lại, cùng một lượt như nhau. Một Vũ trụ nầy cách một Vũ trụ kia bằng một hòn núi đá chắn ngang làm một bức tường chia đôi ra.

349.- Cư trung Điạ ngục (Lokantarika).

Cư trung Điạ ngục (Lokantarika) [Lokantarika = ở vào khoảng giữa], ở vào khoảng giữa nơi ba vũ trụ tiếp giáp nhau. Cảnh điạ ngục nầy thật là đen tối, chẳng có tia sáng của mặt trời, mặt trăng, chiếu tới được. Sự âm u lên đến mức cùng tột. Những kẻ đã phỉ báng và mạ lỵ các bực hiền giả và các người đức hạnh, phải chịu cực hình tại điạ ngục nầy, trong thân hình ngạ quí (peta) hay a tu la (asurakaya), luôn luôn đói khát. Chúng đeo trên tường thành, trong cảnh mù tối, nhận lầm người đồng phạm là thực phẩm để ăn, nên tìm cách cấu xé lẫn nhau, để rồi bị rơi tuột xuống nước băng giá mà chết.

350.- Núi Tu di (Meru).

Ngay giữa trung tâm một vũ trụ, có hòn núi Tu di (Meru) cao một trăm sáu mươi ngàn do tuần. Phân nửa hòn núi nầy ngập trong nước và chỉ nhìn thấy được phiá trên mà thôi. Dòng sông băng giá chảy quanh ngọn Tu di tên là Sida. Qua khỏi dòng sông nầy, thì gặp một ngọn núi thứ nhì, thấp chừng phân nửa ngọn Tu di, tên là Yugandhara. Cũng có một dòng sông Sida nữa chảy quanh ngọn Yugandhara. Xa hơn nữa, có ngọn núi thứ ba là Isadhara. Và cứ như thế, sông bao quanh núi, núi nằm bên sông, nên có cả thảy bảy ngọn núi và bảy dòng sông kế tiếp nhau.

351.- Bốn bộ châu.

Từ các ngọn núi nhìn ra xa là biển đại dương mênh mông đến tận chơn thành của vũ trụ. Nổi lên giữa đại dưong có nhiều đại lục và hải đảo lớn nhỏ. Phần đất nằm phía đông ngọn núi Tu di được gọi là Đông bộ châu [kinh sách Bắc tông gọi là Đông thắng thần châu]. Phía nam có Nam bộ châu [Nam thiệm bộ châu, hay Nam Diêm phù đề]. Phía Tây có Tây bộ châu [Tây ngưu hoá châu]. Phía Bắc có Bắc bộ châu [Bắc cu lư châu].

352.- Cõi chư Thiên (Deva) và cõi Phạm thiên (Brahma).

Ở trên đỉnh ngọn núi Yugandhara, cao đến nửa phần ngọn Tu di, là cõi Trời Tứ Đại Thiên vương (Catumaharajika devas). Kinh sách cho rằng mặt trời và các hành tinh là cung điện của cõi Trời nầy. Trên đỉnh ngọn Tu di là cõi Trời Đao lợi (Tavatimsa), nơi mà Vua Trời Đế Thích (Sakka) ngự trong cung điện Hỷ kiến thành (Sudassana). Bốn cõi Trời Dạ ma (Yama), Đâu suất (Tusita), Hoá lạc thiên (Nimmanarati) và Tha hoá tự tại thiên (Paranimmitavasavatti) ở trên hư không, chẳng có liên hệ chi đến quả đất. Tất cả các cõi Trời Phạm Thiên (Brahma) lại còn ở cao hơn nữa trong không gian. (Muốn biết thêm chi tiết, xin đọc quyển khảo luận của chúng tôi, nhan đề ‘‘Thingyo Bhathatika’’.)

353.- Loài người đã khởi sanh ra như thế nào?

Sau khi các cảnh giới ở các cõi nhơn gian, cõi chư Thiên và cõi Phạm Thiên được thành lập, một số Phạm Thiên đã mãn thọ mạng tại cõi Phạm Thiên được tái sanh về các cõi Trời thấp hơn hay đến cõi nhơn gian. Những kẻ tái sanh làm những người đầu tiên chẳng phải do cha mẹ sanh ra. Do nơi sức mạnh của nghiệp lực (Kamma), họ được tái sanh thành những người trưởng thành theo lối như hàng chư Thiên (Devas). Những người đầu tiên nầy chẳng có phái tính, chẳng phải nam, cũng chẳng phải nữ. Họ có thể sanh sống chẳng cần ăn uống các chất bổ dưỡng. Nơi đây, chẳng có mặt trời, mặt trăng chi cả, họ sống trong vùng hào quang toả ra từ thân hình của họ. Họ lại có thể bay liệng trên không như thuở họ còn là các Thiên chúng.

354.- Ăn lớp đất mầu mỡ.

Trong khi bay liệng trên không, nhóm người đầu tiên đó nhìn thấy lớp đất mầu mỡ bên dưới, có người hiếu kỳ thử nếm một miếng. Vì là tinh tuý của quả đất, lớp đất mầu mỡ đó có mùi vị thơm ngon, nên nhiều người cùng bốc lên ăn với nhau. Rồi do sự tham lam dùng chất mầu mỡ ở lớp đất đó, lần lần họ mất cả hào quang nơi thân mình và toàn thể nhơn loại liền chìm đắm trong màn u tối.

355.- Mặt trời và mặt trăng hiện lên như thế nào?

Khi các người đầu tiên phải sống lo sợ trong cảnh âm u, nhờ nơi thiện nghiệp (kusala kamma) còn sót lại của họ, nên mặt trời liền hiện lên ở phương Đông. Mặt trời ấy có tên là Suriya trong tiếng Pali, có nghiã là ‘‘sự can đảm’’ đem lại sự dũng cảm cho con người. Mặt trời Suriya có châu vi được năm mươi do tuần (yojanas) và tia sáng mang lại sự gan dạ cho chúng sanh. Khi mặt trời lặn, loài người lại chìm trong cảnh tối đen, nên họ lại ao ước có được một nguồn ánh sáng khác, do đó mà mặt trăng hiện lên theo sự mong mỏi của họ. Châu vi của mặt trăng nầy được bốn mươi chín do tuần. Vì mặt trăng đã hiện lên theo sự ước mong của loài người, nên họ gọi mặt trăng là chanda theo tiếng Pali, có nghiã là ‘‘ước vọng’’, rồi từ đó mới có danh từ Canda đểchỉ mặt trăng. Cùng lúc với sự xuất hiện của mặt trăng, trên không trung nổi lên các tinh thể như các vì sao, các hành tinh. Sự hiện khởi của các tinh thể trên nền trời trùng hợp với thời kỳ trăng khuyết vào tháng Phagguna (khoảng giữa hai tháng, tháng Hai và tháng Ba theo Tây lịch), căn cứ theo lịch Majjhimadesa [Majjhimadesa là vùng Trung Ấn độ, bao gồm luôn châu thổ sông Hằng]. (Hay là, các tinh thể xuất hiện lần đầu vào đêm mới có trăng của tháng Phagguna). Do đó, dân chúng thường nói rằng ngày trăng tròn lần đầu tiên là vào ngày thứ nhứt của tháng Citta (vào khoảng giữa hai tháng, tháng Ba và tháng Tư theo Tây lịch). (Tháng Phagguna được tiếng Miến-điện gọi là Tabaung; còn tháng Citta được gọi là Tagu.)

356.- Loài người tìm thấy luá gạo như thế nào?

Những người sơ khai sống nhờ ăn lớp đất mầu mỡ bên trên mặt đất. Vì sự tham lam lạm dụng của họ (đó là một bất thiện pháp [akusala]), lớp đất mầu mỡ càng ngày càng mỏng đi và sau cùng nát ra từng cọng được gọi ‘‘cọng ngọt’’(tiếng Miến-điện gọi là Nwecho). Khi các cọng ấy khô héo đi thì các hạt gạo tróc vỏ hiện lên. Các hạt gạo nầy chỉ cần để lên trên vài mảnh đá vụn gọi là jotipasana [= hoả châu] liền được sức nóng của hòn đá tự động đun chín; khi cơm chín xong thì đá nguội trở lại.

357.- Nam và nữ.

Những người sơ khai có thể tiêu hoá hết tất cả những gì họ ăn, vì thực phẩm của họ vốn là tinh túy của quả đất. Những gì họ đã ăn trở thành thịt và gân. Chẳng có chất cặn bã thừa thãi nào. Nhưng khi họ đổi ra dùng cơm gạo, thân thể họ chẳng thể tiêu hoá hết cả các thực phẩm họ ăn vào. Các chất cặn lưu lại trong ruột. Người sơ khai chẳng có lỗ hở trên thân thể để bài tiết các chất cặn bã. Nhờ sức ép của yếu tố phong đại (vayo) trong sắc chất nơi thân, đè lên các cặn bã, nên các khiếu bắt đầu mở rộng thành hậu môn, niểu khiếu, nơi phần dưới của thân thể. Rồi theo đó có sự khởi phát của hiện hữu sắc pháp (Bhavarupas) đưa đến các bộ phận sinh dục của nam tính và nữ tính. Một số trở thành người nam, một số khác thành người nữ, chiếu theo qui chế cũ của họ trước khi được sanh lên cõi Phạm Thiên (Brahma).

358.- Sự kết hôn.

Đàn ông và đàn bà bị quyến rũ vào các hành vi dâm dục vì họ quá luyến ái thân thể của người khác phái. Bực trí giả nhìn xa, thấy việc dâm dục là một bất thiện pháp, nên khinh chê hành vi đó; nhưng đa số con người khó thoát khỏi các thú vui nhục dục. Các cặp trai gái phải tìm nơi kín đáo để hành dâm vì họ sợ bị chế riễu và bị liệng đá. (Ngày nay ở một vài nơi vẫn còn giữ tục lệ ném đá vào các cặp vợ chồng mới cưới.) Và cứ như thế ấy mà xã hội loài người từ từ thành hình. Về sau, với các bất thiện nghiệp (akusala kamma) một số chúng sanh bị tái sanh làm thú vật, và cõi nhơn gian theo đó mà trở nên đầy đủ.

359.- Các cõi Trời.

Chúng ta đã xét qua tiến trình thành lập các cảnh giới, từ cõi điạ ngục (Niraya) đến cõi nhơn gian, v.v. Sự đau khổ cùng hạnh phúc của nhơn loại, mọi người đều biết rõ, chẳng cần phài dài dòng chi tiết. Tiếp theo đây, trong các tiểu mục sắp tới, sẽ mô tả thật vắn tắt các đền đài, cùng cách sanh sống, trên các cung Trời, dựa theo Kinh sách.

360.- Cung điện trên cõi Trời.

Sự lộng lẫy xa hoa mà chư Thiên được thọ hưởng, vượt rất xa các thú vui của loài người, chẳng khác chi cảnh bao la của biển cả so với một giọt sương đọng trên ngọn cỏ. Nơi cõi Trời Đao lợi (Tavatimsa) có Hỷ kiến thành (Sudassana) nằm ngự trị trên đỉnh núi Tu di (Meru), chiếm một diện tích rộng hơn mười ngàn do tuần. Vườn Hoan lạc (Nandanavana) ở về phiá Đông của Hỷ kiến thành là một vườn thượng uyển tuyệt đẹp, đẹp cho đến nỗi một vị Thiên sắp chết khi bước chơn vào đó cũng quên được nỗi buồn sắp lià đời. Các đôi thiên nam (devas), thiên nữ (devis) thướt tha dạo qua các hàng cây xanh mướt đầy hoa tươi nõn nà, càng làm tăng thêm cảnh đẹp của công viên. Khách nhàn du ngồi trên các hàng ghế chạm trỗ đầy quí kim rực rỡ ở bên bờ, ngắm nhìn làn nước thuỷ tinh trong veo của hai biển hồ nằm ngay giữa vườn, Đại hồ Hoan lạc Mahananda và Tiểu hồ Hoan lạc Culananda. Lại còn nhiều hồ đẹp khác ở ngoài bốn cửa thành nữa.

361.- Thiên nam (Deva) và thiên nữ (Devi).

Các cung điện trang điểm toàn châu báu trên cung Trời, dành cho chư Thiên, đều do thiện nghiệp (kusala kamma) của họ tạo nên. Tất cả thiên nam (devas) tươi trẻ như thanh niên 20 tuổi, còn các thiên nữ (devis) như thiếu nữ tuổi đang độ trăng tròn. Họ chẳng bao giờ già nua cả, giữ vẻ thanh niên trẻ đẹp mãi trọn đời. Họ dùng những thực phẩm thanh khiết ở cõi Trơì nên thân thể họ chẳng có chất cặn bã. Các thiên nữ chẳng hề có kinh nguyệt: (1) họ cũng hưởng các thú vui nhục dục như ở cõi người, nhưng chẳng hề bị ô uế; (2) các thiên nữ chẳng hề mang thai; (3) con cái sanh ra trưởng thành ngay trên tay họ hay nằm trên các trường kỷ. Họ cũng có tôi tớ, thị tì là những thiên nam và thiên nữ chẳng có cung điện riêng.

Các thiên nam đã tán tỉnh các thiên nữ như thế nào để chiếm được trái timcủa người yêu? Họ có phải theo đường lối ve vản như các chàng trai nơi cõi trần gian hay không, điều nầy còn là một phỏng đoán. Nhưng có trường hợp của vị thiên nam si tình, tên Pancasikha, đã sáng tác một bản tình ca để hát lên theo tiếng đàn thụ cầm. Bản tình ca được hiến tặng cho thiên nữ Suriyavacchasa, vị công chúa nhan sắc tuyệt vời của Thiên vương Timbaru:

Yam ma atthi katam punnam Arahantesa tadisu,
Tam me sabbangakalyani, taya saddhim vipaccatam.

‘‘Lang thang một mình, anh đã tạo nhiều công đức trì giới và cúng dường
lên các vị A-la-hán cao quí nhứt, bậc thanh khiết dứt sạch mọi lậu hoặc.
Nguyện công đức nầy sớm trỗ phước báo tác thành cuộc sống chung
mãi mãi bên em, nàng công chúa tuyệt đẹp của lòng anh yêu.’’

Mặc dầu mối tình tha thiết của chàng, thiên nữ Suriyavacchasa lại ghé mắt xanh vào Sikhanti, con của Matali. Vua Trời Đế Thích Sakka đã phải dàn xếp để Pancasikha được kết hôn cùng Suriyavacchasa.

Nhiều nàng thiên nữ sống trong cung điện riêng của mình, cảm thấy cô đơn, thường mong có được một người bạn tâm tình. Các thiên nam khác nhau vì thiện nghiệp (kusala kamma), nên cũng có người khôi ngô hơn kẻ khác, cung điện của họ cũng lộng lẫy hơn. Dĩ nhiên cũng có hạng thiên nam thấp kém hơn, cũng mang lòng ganh tị với những kẻ mà thiện nghiệp mạnh mẽ hơn họ.

Cảnh giới các cõi Trời nầy tràn đầy các thú vui xác thịt và các thiên nam, thiên nữ đang đắm say hưởng thọ. Nhưng cũng có các vị đã đắc quả A-la-hán (Arahant), A na hàm đạo (Anagami magga) đã nhàm chán các lạc thú nhục dục, nên chẳng muốn sống lâu nơi Thế giới chư Thiên (Deva Loka): các vị A na hàm muốn rời cõi nầy để tái sanh vào cõi Phạm Thiên (Brahma), còn các vị A-la-hán thì viên tịch, nhập vào cảnh giới Bát Niết-bàn (Parinibbana).

Vì thế, nơi các cõi Trời, chúng ta chẳng thể ước mong thành một vị du già và thực tập quán tưởng được, vì các thú vui nhục dục sẽ bao vây và quyến rũ chúng ta. Chỉ các vị thiên nào đã tinh tấn tu tập quán tưởng trong kiếp sống làm người trước kia, hoặc các vị đã có cơ duyên may mắn được nghe chính Đức Phật giảng dạy Chánh pháp (Dhamma), mới có thể mong được tăng tiến đạo lực trong khi sanh sống ở các cõi Trời. Các vị thiên khác thường hay quên mất cả Chánh pháp khi đã bước chơn vào vườn thượng uyển Hoan lạc (Nandanavana).

Nơi Thế giới chư Thiên (Deva Loka), việc giữ giới (sila) cũng đã khó khăn tuân theo, còn nói chi là thực tập Thiền Minh sát (Vipassana). Các thiên nữ thường xúi dục các thiên nam đừng giữ giới làm chi. Hãy nhớ đến trường hợp của vị Xà vương Campeyya, vua của loài rắn, đã quên mất việc giữ giới nơi cung điện của mình, và trường hợp chính vua Trời Đế thích Sakka đã phải hoá hình người xuống cõi nhơn gian để thọ Bát quan trai (Uposatha sila). Chính vì hoàn cảnh chẳng mấy thuận lợi cho việc tu tập, mà các vị Bồ-tát (Bodhisatta) đã nỗ lực hoàn tất các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện) ngay trong lúc còn sống ở cõi nhơn gian. Có vị Bồ-tát chẳng mong sống trọn thọ mạng nơi cõi Trời, mà lại muốn được tái sanh ngay vào cõi nhơn gian để thực tập các hạnh Ba-la-mật.

Tuy nhiên cũng còn chút ít hi vọng cho những vị Thiên có đức hạnh muốn thực hành các thiện pháp công đức ngay trong cõi thế giới chư thiên. Có ngôi đền Vương miện bảo châu (Culamani) để cầu nguyện, có ngọn tháp Culamani Ceti xây cao hơn một do tuần để thờ thánh tích tóc và xá lợi của Đức Phật Thích-ca. Các đôi thiên nam và thiên nữ nào có niềm tin vững chắc nơi Phật, Pháp, thì đến chùa và tháp ấy để dâng hoa và cúng dường các lễ vật khác. Họ nỗ lực thực thi hoàn mãn các hạnh Ba-la-mật, hơn là theo đuổi các thú vui nhục dục nơi các vườn thượng uyển ở cõi Trời.

Ngôi giảng đường Diệu Pháp (Sudhamma) thật chẳng có đủ lời lẽ nào để mô tả cho hết sự trang nghiêm, hùng vĩ được. Toàn thể ngôi đền được chạm trỗ bằng châu báo lóng lánh. Hương thơm của hàng cây Ba lị chất đa la (Paricchattaka) (= cây Thiên thọ vương; tiếng Miến-điện là Pinle kahit), đang trỗ hoa, tràn ngập vào bên trong ngôi đền. Ở giữa đại giảng đường, ngai vàng được lọng trắng che phiá trên. Bên cạnh ngai vàng Chánh pháp đó có ghế dành cho ba mươi ba vị Thiên đế như các Ngài Pajapati, Varuna và Isana. Sau đó là hàng ghế dành cho các vị Thiên khác, sắp xếp tuỳ theo đạo lực và công đức của mỗi người. (Nhiều ngôi Diệu Pháp Đường như thế cũng tìm thấy nơi bốn cõi Trời cao hơn nữa.)

Đến thời giảng pháp, Đức Đế Thích Sakka thổi tù và bằng vỏ ốc Vijayuttara, tiếng vọng đi xa khắp cả Hỷ kiến thành (Sudassana), rộng đến mười ngàn do tuần. Tiếng ốc kéo dài đến bốn tháng, nếu tính theo thời gian nơi cõi nhơn gian. Khi tất cả thiên chúng đã vân tập về đại giảng đường và ngồi xuống, thì ánh hào quang của chư Thiên chiếu rạng cả ngôi đền. Đức Phạm Thiên Sanankumara đôi khi giáng xuống nơi đây và thuyết pháp. Thông thường thì Đức Đế thích Sakka thuyết giảng, có khi lại nhường cho một vị Thiên nào khác có tài hùng biện. Như thế, vẫn còn có cơ duyên cho chư Thiên để đến cúng dường ở đền Vương miện châu bảo (Culamani)hay nghe giảng pháp nơi Diệu pháp đại giảng đường (Sudhamma) trên cõi Trời. Nhưng các việc nầy còn chưa đủ để thăng tiến đạo lực đến mức chứng đắc được Đạo (Magga) vàQuả (Phala); chúng chỉ giúp chư Thiên giữ vững được ý thức đức hạnh và biết giảm bớt phần nào sự say đắm theo các dục lạc ở cảnh giới Thiên đường mà thôi.

Vào thời mạt pháp nầy, ít có hi vọng cho các vị tu sĩ và các người mộ đạo tại gia, được thấm nhuần hoàn toàn vào trong Chánh pháp (Dhamma). Nếu chúng ta thật tình lo sợ các nỗi khổ đau của cảnh sống trong Luân hồi (Samsara), chúng ta phải nên bắt đầu ngay tự bây giờ nỗ lực tu tập để chứng đắc được Đạo Quả, càng sớm càng tốt. Những ai nuôi ước vọng sẽ được gặp thời chính Đức Phật Di lặc (Metteyya) giáng trần và thuyết pháp, thì ước vọng ấy rất mong manh, khó thành tựu. Ngay kể từ lúc bước chơn vào vườn Thượng uyển Hoan lạc (Nandavana), thì đã quên mất hết cả những gì học hỏi và tu tập trước rồi. Nếu thật có phước duyên được diện kiến đức Phật tương lai, họ cũng đã quá say mê các thú vui nhục dục ở cõi Trời mất rồi.

Bởi thế cho nên, ngoại trừ các bực Đại Bồ-tát có quyết tâm cứu độ tất cả mọi chúng sanh, cùng các vị Đại đệ tử tương lai ra, mỗi người trong chúng ta, ngay tự giờ phút nầy, phải nên nỗ lực tinh tấn tu tập để được giác ngộ và giải thoát. Đức Từ phụ Đại đạo sư của chúng ta đã dạy: ‘‘Trong khi chiến đấu để khắc phục mọi gian nguy, các con đã âm thầm nỗ lực. Tại sao các con nay lại điên rồ đến mức quên cả tương lai của chính mình và gát qua một bên việc quán tưởng (bhavana) vào một lúc khác?’’

(Phần bổ túc thêm vào kỳ xuất bản năm 1970)

362.- Vua Đế Thích Sakka đã quên mất Chánh pháp (Dhamma) như thế nào?

Đức Đế Thích, vị Thiên đế của Chư Thiên (Devas) và các bực hiền Tu-đà-huờn (Sotapanna Ariya), một hôm cỡi voi Eravana đến vườn Hoan lạc trên cõi Trời, bỗng sực nhớ lại muốn thưa hỏi Đức Phật về vấn đề: một vị A-la-hán (Arahant) phải theo con đường nào để tận diệt mọi ái dục và chứng đắc đưọc cảnh giới Niết-bàn (Nibbana). Ngài thừa biết một khi tham dự các cuộc vui ở vườn Hoan lạc, Ngài sẽ quên mất việc thưa hỏi Đức Phật, cho nên khi voi đến trước cửa vườn, Ngài liền dừng lại cùng với đoàn tuỳ tùng; rồi bỏ voi và các vị hầu cận đứng đó, Ngài biến hình hiện xuống cõi nhơn gian để gặp Phật.

Khi đến ngôi đền Đông viên tự viện (Pubbarama) nơi Đức Phật đang giảng Chánh pháp (Dhamma), Thiên đế liền thưa: ‘‘Bạch đức Thế tôn, làm thế nào mà một vị A-la-hán đã khắc phục được mọi tham lam, ái dục và ràng buộc để chứng đắc được Niết-bàn (Nibbana)?’’ Thiên đế thỉnh cầu Phật đáp thật vắn tắt để còn có thể kịp thời trở về tham dự buổi lễ ở Vüờn Hoạn lạc trên cõi Trời. Đức Phật cũng chiều ý, đáp ngắn gọn như sau: ‘‘Này Sakka, một vị tỳ-kheo muốn trở thành bực A-la-hán, nghe giảng pháp: đối với mọi sự vật, chẳng nên bao giờ nghĩ rằng đó là ‘‘Ta’’ hay là ‘‘của Ta’’. Vị tỳ-kheo ấy luôn luôn tìm hiểu cho thấu đáo về bản thể của mọi sự vật (tức là về năm uẩn). Khi đã thông hiểu được mọi sự vật, vị ấy phải tìm hiểu thêm rằng muôn sự vật đều là đau khổ. Sau đó, vị ấy phải luôn luôn quán niệm mọi cảm thọ đều vô thường. Sau một thời gian quán tưởng lâu dài như thế, vị ấy chẳng bám víu vào bất cứ việc gì, chứng đắc được đạo quả A-la-hán và có đủ khả năng đã tiến đến cảnh giới Niết-bàn (Nibbana), sự tận diệt của mọi ái dục.’’

Đấy là những lời ngắn gọn của Đức Phật đã đáp lại cho vị Trời Đế thích Sakka. Thiên đế rất vui mừng khi nghe xong bài giảng, liền tán thán: ‘‘Lành thay!’’ (Sadhu!) ba lần, từ giả Đức Phật và trở về cung điện trên Trời. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mục kiền liên (Moggallana) đang ở phòng bên cạnh, nghe được lời tán thán, muốn biết xem vị Thiên đế có thật sự thông suốt về lời Phật đã giảng dạy hay không, nên liền dùng sức thần thông theo Thiên đế lên cung trời Đao lợi (Tavatimsa).

Khi bước chơn vào vườn Hoan lạc trên cùng Trời, vua Đế Thích liền được chư Thiên đón tiếp và bày ra nhiều cuộc vui thú, khiến cho Thiên đế quên đi mất những lời Phật vừa chỉ dạy. Khi vừa gặp Tôn giả Mục kiền liên, vị vua Trời tỏ ra bối rối, nhưng cũng cung kính thưa chào. Tôn giả liền hỏi vua Trời đã nghe Phật dạy những gì, vị Trời Đế Thích cố hết sức nhớ lại, nhưng vì các cuộc vui vừa qua đã làm ông ta quên mất hết, đành phải tìm cớ bào chữa, vì công việc ở thiên cung quá đa đoan, nên nay chẳng nhớ hết được Chánh pháp.

(Xin xem bản Kinh Culatanhasankhaya Sutta, phẩm Mulapannasa, thuộc Trung Bộ Kinh, Majjhima Nikaya).

363.- Các tư tưởng để suy gẫm.

Bài pháp trên đây cho ta bài học: các dục lạc ở cõi Trời khiến ta dễ quên mất cả Chánh pháp (Dhamma) cao quí. Ngay cả vua Trời Đế Thích là bực đã chứng quả vị Tu-đà-huờn hiền giả (Sotapanna Ariya) với trí thông minh và sức tinh tấn hơn người, cũng đã thất bại trước sự cám dỗ của dục lạc che mờ cả tâm thức. Chính vị vua Trời đã thưa hỏi Phật, cũng chính ông được nghe Phật chỉ dạy, thế mà vài phút sau đã quên đi mất bài pháp. Đấy là ảnh hưởng bất lợi của các thú vui mà ông đã trải qua tại vườn Hoan lạc.

Sau đây là những bài học cần nên ghi nhớ:

1) Những ai là kẻ đức hạnh và biết chắc mình là kẻ đức hạnh, có nhiều triển vọng được tái sanh vào cõi lành là cõi nhơn thiên của người và của chư Thiên. Muốn lên đến cõi Phạm thiên (Brahma), ta phải chứng được thiền định (jhanas) và chẳng ai vào được cõi Bát Niết-bàn (Parinibbana) nếu còn chưa chứng được quả vị A-la-hán (Arahant). Ngay cả hàng chư Thiên cũng phải ghi nhớ rằng, một bực thánh hiền (Ariya) như vua Trời Đế Thích Sakka vẫn còn có lúc cũng quên đi mất Chánh pháp. Vì lẽ đó, chúng ta cũng chẳng thoát khỏi cảnh ngộ ấy, có thể quên mất đi những gì đã học được nơi Chánh pháp.

2) Chư Thiên vì mải mê trong các thú vui nơi cõi trời nên dễ dàng xao lãng Chánh pháp. Khi đã hết thọ mạng ở nơi nầy, mà họ vẫn còn luyến ái các cảnh xa hoa nơi cung Trời, thì chắc chắn họ sẽ tái sanh vào bốn cõi dữ (Apayas). Đã có trường hợp năm trăm thiên nữ đang ca hát lúc hái hoa, thì thọ mạng chấm dứt, họ phải tái sanh thẳng vào điạ ngục A tỳ (Avici, điạ ngục vô gián).

3) Được tái sanh làm người chưa hẳn phải là điều sung sướng đầy đủ tiện nghi. Muốn trở nên con người có đức hạnh được đầy đủ cơ duyên thuận tiện, cần phải gặp được các điều kiện sau đây: (1) phải được sanh vào thời kỳ mà giáo lý (Sasana) thạnh hành; (2) đa số dân chúng đều là những kẻ có đức hạnh; (3) cha mẹ và thầy dạy phải là những bực có đức hạnh; (4) gia đình phải khá giả. Chỉ khi nào hội đủ các điều kiện căn bản đó thì việc tái sanh vào cõi nhơn gian mới đem lại nhiều lợi ích xứng đáng.

4) Nghĩ đến tình trạng của Giáo lý (Sasana), chúng ta thấy rằng thời buổi ngày nay rất khó tìm thấy các người thật sự xứng danh là bực hiền giả. Thú vui nhục dục dẫy đầy; người người chạy theo danh lợi; sự bố thí thường được thực hiện vì muốn được khen để nổi tiếng chớ chẳng vì công đức thiện lành; việc sùng bái Tăng-già lại bị ô nhiễm vì sự kiêu mạn rỡm và đường lối tuyên truyền. Cón tham nhũng lại lan tràn lên cao đến tuyệt đỉnh.

5) Các người mộ đạo và ủng hộ Giáo lý (Sasana) lại chẳng chịu cho con cháu vào học ở các tu viện, vì thế mà nền giáo dục ở các tự viện càng ngày càng yếu kém đi. Trong các tu viện, chẳng còn thấy các sanh viên thế tục nữa, thì làm sao tìm cho ra các người muốn vào làm Sa-di (samaneras các người tập sự tu hành, chưa thọ giới tỳ-kheo)? Chẳng có Sa-di thì làm sao trong tương lai lại có được các vị tỳ-kheo thông thạo kinh điển? Nếu tình trạng nầy kéo dài, thì làm sao có được những bực trụ trì đầy đủ khả năng và đức độ để cai quản tu viện? Đa số các vị tỳ-kheo ngày nay, sau khi đã đứng tuổi mới rời bỏ gia đình đi tu, khó lòng theo các tập tục cùng giới luật tu hành trong chùa và thuần thục được kinh điển.

6) Các người ủng hộ Giáo lý (Sasana) ngày nay thường gởi con cháu vào các trường tân tiến mà mục tiêu chính của sự giáo dục là rèn luyện về nghề nghiệp. Nền giáo dục như thế chỉ đem ích lợi cho cuộc sống thế tục mà thôi, còn chưa đem lại được các kiến thức về Đạo (Magga),Quả (Phala) và Niết-bàn (Nibbana). Sản phẩm của nền giáo dục thế tục chẳng hề xét đến các hậu quả của nghiệp lực (kamma). Vì thế, các sanh viên ít khi chịu tin tưởng vào các cảnh giới nơi cõi Trời và ở các nẻo dữ ác. Các người như thế có bao giờ chịu nghĩ đến việc trai tăng, nói chi đến tứ sự cúng dường [= bốn loại vật phẩm: thức ăn, quần áo, giường ốc, thuốc men] cho giáo hội Tăng-già (Sangha)

7) Trong tương lai, thế hệ trẻ chẳng có may mắn được thừa hưởng sự giàu sang của cha mẹ chúng. Ngày nay, cha mẹ phải vất vả lắm mới đủ phương tiện cho con đi học. Các xa xí phẩm mới lạ lan tràn khắp các thị trường. Khi trẻ con lớn lên chúng phải cực nhọc làm lụng để nuôi lấy thân, khó đủ tiền ăn tiêu trọn tháng.Hoặc chúng phải quay ra dùng các phương tiện bất hợp pháp để có tiền chi dụng. Trong thời buổi khó khăn như thế, con người làm sao có thể ủng hộ Giáo lý (Sasana) cho chu tất được.

8) Tỳ-kheo (Bhikkhu) còn chưa chịu cải tiến đường lối giáo dục trong các tu viện để thích ứng với trào lưu. Tỳ-kheo cũng có trách nhiệm phổ biến nền giáo dục cơ bản, cũng như việc giảng dạy giáo lý đạo đức. Đìều kiện ngày nay khá thuận lợi, nhưng các trường đạo vẫn chưa có kế hoạch phù hợp với mục tiêu tân tiến bên ngoài, nên chẳng thu hút được sự hoan nghinh của phu huynh học sanh. Những kẻ được đào tạo trong nền giáo dục tân tiến thường khinh dễ các chế độ giáo dục nơi tu viện. Như thế, làm sao họ sẵn sàng ủng hộ nền Giáo lý (Sasana)? Càng suy gẫm, ta càng thấy Giáo lý từ từ đi đến sự suy tàn.

9) Trong tương lai, đa số nhơn dân chẳng phải là những người có đạo đức cao. Thời đại của các bực hiền giả là thời mà các tâm từ (metta), bi (karuna) hỉ (mudita) phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, lòng từ rất hiếm thấy. Chẳng có từ tâm, thì cũng chẳng có lòng trắc ẩn đối với người cùng khốn và cũng chẳng thấy được tấm lòng tuỳ hỉ trước sự sang giàu của kẻ khác. Hiện tại, thế giới bị tràn ngập bởi lòng ganh tị, tật đố, hiềm thù, cao ngạo và tham lam. Cả hai tầng lớp, trí thức và bình dân, còn đang chìm đắm trong sự kiêu mạn: tự phụ nơi bực thưọng lưu, khinh thường nơi kẻ hạ tiện.

10) Mỗi ngày, ta thấy nhiều xa xí phẩm và các nơi hành lạc lan tràn khắp chốn, khiến cho sự ham muốn thèm khát càng gia tăng, cũng như lửa cháy được thêm dầu. Tham lam khi chẳng được thoả mãn liền đưa đến căm hờn sâu đậm, rồi đi xa hơn, đến bạo tàn, sát hại và chiến tranh. Nếu ngày nay người đức hạnh đã hiếm rồi thì tương lai sẽ lại ra sao?

11) Với sự khan hiếm càng ngày càng nặng nề trong hàng ngũ các bậc có đức hạnh, thì cũng khó thấy được kẻ làm cha mẹ và thầy dạy biết lo cho thế hệ tương lai. Giữa cảnh xã hội thiếu đạo đức đó, đoàn hậu tấn cũng khó mà theo con đường lành, vì thiếu sự hướng dẫn về tâm linh của bực phụ huynh và giáo sư. Thế nên, chẳng dễ chi cho họ được tái sanh vào cảnh giới chư Thiên (Deva Loka) để được hưởng thọ các thú vui tiên cảnh. Ngay cả việc tái sanh vào cõi nhơn gian nầy cũng khó, vì các bất thiện pháp (akusala) còn đang đâm chồi nẩy nở khắp nơi.

12) Tôi muốn kể lại một kinh nghiệm của tôi tại bến xe lửa ở Yangon vào năm 1957. Tôi đến Yangon để tham dự buổi lễ khánh thành một chi hội Phật giáo (Sima). Trên đường về, một tỳ-kheo bạn đồng tu đưa tôi ra nhà ga. Trong khi chúng tôi ngồi chờ chuyến tàu chạy đến, tôi thấy nhiều người chen chúc, xô lấn giành giựt nhau dữ dội để tranh chỗ ngồi trên xe, trong khi chiếc đầu máy đang quẹo vào ga. Sau, tôi mới được cho biết cảnh chen lấn như thế xảy ra hằng ngày.

13) Tôi bắt đầu lý luận như vầy: ‘‘Hành trình trên chuyến xe lửa nầy dài lắm chỉ trong hai ngày. Vì sợ phải ngồi vào chỗ xấu, nhiều người đã chen lấn, xô đẩy nhau để giành chỗ tốt. Vài người đã trả thêm tiền để được một chỗ dành riêng. Trên xe, có người đi tới lui để kiếm chỗ nào ngồi gần người có vẻ đàng hoàng; một vài người buồn bã phải ngồi vào chỗ chẳng vừa ý; lại cũng có người trông lo lắng ra mặt vì ngồi bên cạnh kẻ có vẻ bất lương.’’

14) ‘‘Nếu phải vất vả, khổ sở như thế để lo cho một chuyến đi chỉ võn vẹn có hai ngày, sao họ lại chẳng lo lắng chút nào về một cuộc hành trình còn dài gấp bội, dài cả nhiều đời người, xuyên qua ccác cuộc sanh tử, tử sanh của Luân hồi (Samsara)cho đến ngày đạt tới cảnh giới Niết-bàn (Nibbana)? Sao lại chẳng cố gắng kiếm được chỗ tốt, tìm ra bạn hiền đồng hành trên chuyến viễn du đó? Nếu bất hạnh, họ phải tái sanh vào bốn cõi ác, họ sẽ khổ đau suốt đời và các bất thiện nghiệp (akusala kamma) sẽ gia tăng từ đời nầy sang đời khác; họ chẳng bao giờ có đuợc một chỗ ngồi tốt trên chuyến hành trình dài đăng đẳng của Luân hồi.

‘‘Ngay cả khi họ được sanh vào cõi nhơn gian, họ cũng bị làm người nghèo khó, thiếu thốn và cùng khốn. Để tránh những cảnh tai hoạ đó, họ phải nên nỗ lực dõng mãnh mới có thể được tái sanh vào những cảnh giới an lành và hạnh phước. Nếu họ đã cố gắng thật nhọc mệt để chiếm lấy một chỗ ngồi tốt trên chuyến xe lửa có hai ngày, sao họ lại chẳng biết đổ công ra cho một cuộc hành trình dài suốt một đời? Thật là họ quá thiển cận và thiếu cả trí thông minh!’’ Tôi cảm thấy thương hại cho sự thiếu khôn ngoan của họ và thuật lại những điều tôi vừa nghĩ vói vị tỳ-kheo đồng hành.

15) Các bạn đọc quyển sách nầy cũng nên cứu xét cho cẩn thận các sự kiện vừa nêu trên và nên cố gắng vượt bực để thông hiểu Chánh pháp (Dhamma) càng nhiều càng tốt. Nếu trong các đời qua, các bạn đã tích trữ được nhiều công đức do việc tu tập theo các hạnh Ba-la-mật (Paramis), các bạn nên tiếp tục cố gắng thêm theo chiều hướng giảm thiểu các điều ác để củng cố các thiện pháp Ba-la-mật của mình như bố thí (dana) và trì giới (sila). Chỉ bằng cách ấy, bạn mới có thể trở thành một thiên chúng (Deva) đức hạnh ở cõi Trời; hoặc làm người hiền đức nơi cõi nhơn gian nầy. Cũng như các vị Bồ-tát (Bodhisattas) đã tu tập các hạnh Ba-la-mật ngay trong các thời kỳ đen tối chưa có Giáo pháp (Sasana), các bạn cũng nên mãi mãi cố gắng tu tập theo các hạnh Ba-la-mật để tạo cho mình các tập quán tốt cùng sự trưởng thành tâm linh để thi hành các thiện nghiệp đạo.

(Đến đây chấm dứt phần Bổ túc)

364.- Các lạc thú của chư Phạm thiên (Brahmas).

Chư Phạm Tiên (Brahmas) là những bực rất an hoà, thọ hưởng sự trầm lặng của các thiện pháp thiền định (jhana kusala) đã thực hiện được trong đời trước để sanh về cõi Phạm thiên. Để được tái sanh vào cõi Phạm thiên, các vị ấy phải chứng đắc các tầng thiền định (jhanas) bằng cách rời xa các nơi đông đảo, ồn ào của thành thị, làng mạc, nhà cửa, và cả tu viện nữa, tìm đến những nơi hoang vắng, lánh hẳn các thú vui nhục dục ở trần thế. Phạm thiên chẳng có người hôn phối, chẳng có con cái. Các vị chẳng có bộ phận sinh dục và chẳng hưởng thọ các lạc thú nhục dục (kama guna). Trong các buổi quán tưởng lúc còn nơi cõi nhơn gian, các vị đã soi thấy rõ ràng những lỗi lầm của thú vui nhục dục, nên nay ở cõi Phạm thiên, các vị sống cuộc đời thanh khiết, thoát khỏi mọi dục lạc.

Trong các cung điện và hoa viên nơi cõi Trời, đời sống các vị Phạm thiên thật trầm lặng và thánh thiện. Một số vị an nhàn thọ hưởng hạnh phước của thiền định, trong khi đó một số vị khác quán tưởng về lòng từ (metta bhavana) toả phát ra nhiều làn sóng từ tâm. Cũng như ở cõi nhơn gian, cõi Phạm thiên cũng chia ra nhiều cấp Phạm chúng: có các vị Phạm thiên vương, các vị cố vấn cho Phạm thiên vương (Brahmapurohitas, dịch là Phạm phụ thiên), các Phạm thiên chúng thường, cấp thấp, theo hầu các vị Phạm thiên vương (Các Thiên chúng cấp thấp chẳng thể nhìn thấy được các Phạm thiên vương, nếu chưa được cho phép.)

365.- Vô tâm thức Phạm thiên (Asannasatta Brahma)

Vô tâm thức Phạm thiên là những Phạm Thiên chúng chẳng có tâm thức. Khi còn ở cõi nhơn gian, các vị ấy quán thấy các lỗi lầm do tâm thức (citta) và ký ức (trí nhớ) (sanna) gây nên. Các vị ấy lại thấy tất cả hình thức của sự tham lam đều do nơi tâm thức thúc đẩy, và nghĩ rằng đời sống sẽ trầm lặng, yên tĩnh hơn nếu chẳng có tâm thức. Trong khi thực tập quán tưởng các vị ấy tập trung tư tưởng vào việc nhàm chán tâm thức và phát triển được nghiệp lực (kammatthana) gọi là pháp quán tưởng nhàm chán về ký ức (sannaviraga bhavana). Đến khi lià cõi nhon gian, các vị ấy được sanh lên cõi Phạm Thiên, trở thành các Phạm Thiên vô tâm thức, và sống như những pho tượng bằng vàng, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nghiêng. Thọ mạng kéo dài 500 kiếp ba (kappas).

366.- Vô sắc Phạm thiên (Arupa Brahma).

Các vị Phạm Thiên vô sắc chẳng có hình chất, họ chỉ có tậm thức mà thôi. Khi còn ở cõi nhơn gian, các vị tu tập thiền định (jhanas), quán tưởng về các lỗi lầm của sắc chất (rupa), cho rằng mọi khổ đau đều do sắc chất gây nên, phát triển pháp quán tưởng nhàm chán sắc chất (rupavigara bhavana). Đến khi lià cõi nhơn gian, các vị ấy tái sanh là Phạm thiên vô sắc, chẳng có thân tướng, chỉ thể hiện ra bằng các đợt tâm thức cao vút trên các cõi Trời; thọ mạng được kéo dài đến nhiều kiếp ba (kappas).

(Đối với những người chẳng phải là Phật tử, rất khó cho họ tin vào hai cõi Trời vô tâm thức và vô sắc chất Phạm thiên nầy.)

367.- Từ cõi Phạm Thiên lọt xuống hàng súc sanh.

Trong hàng các Phạm thiên chúng, chỉ có các vị Phạm thiên đã đắc được Đạo (Magga) và Quả (Phala), và được gọi là Phạm thiên thánh chúng (Brahma Ariyas) mới khỏi phải bị tái sanh xuống các cõi thấp hơn. Các vị nầy càng ngày càng thăng tiến lên cao, đắc quả vị A-la-hán (Arahant) và thành tựu Niết-bàn (Nibbana). Còn các Phạm thiên chúng khác chưa chứng được đạo quả sẽ phải tái sanh xuống các cõi Thiên thấp hơn và cõi nhơn gian, khi thọ mạng của họ chấm dứt. Tuy nhiên, họ còn chưa phải sa vào các nẻo ác đạo, vì thiện nghiệp của họ trong các đời qua vẫn còn hiệu lực, nên họ được tái sanh vào cõi Trời hay cõi người, với nhị thiện căn (Dvihetuka) hay tam thiện căn (Tihetuka). Rồi từ kiếp nầy, tùy theo ác nghiệp lực của họ tạo nên, mới có thể bị rơi vào đường dữ, như súc sanh, ngạ quỉ hay vào trong địa ngục.

Trong vòng luân chuyển của cảnh Luân hồi (Samsara), phàm phu (puthujjana) chưa chứng đắc thánh quả, mặc dầu nhờ phước báo thiện nghiệp được sanh lên các cõi Trời hay cõi Phạm thiên, vẫn có thể bị rơi xuống các cõi dữ như súc sanh chẳng hạn. Có câu phương ngôn: ‘‘Nay là một vị Phạm thiên rực rỡ hào quang, mai lại là một con heo bùn sình dơ dáy!’’ Còn là phàm phu là còn ở trong tình trạng đáng lo ngại. Từ cõi Phạm Thiên cao nhứt, cõi Bhavagga, có thể một ngày nào đó, sẽ bị tái sanh vào các nẻo dữ ác. Một hoả tiễn bắn lên không trung cứ thăng lên cao mãi, cho đến khi hết nhiệt năng cũng phải rơi xuống. Chúng sanh cũng vậy, khi các thiền lực (jhana) của họ đã mãn, họ sẽ phải quay về ở các cõi thấp vậy. (Bhavagga còn được gọi là nevasannanasannayatana bhumi, dịch là cõi phi tưởng phi phi tưởng.)

Đến đây chấm dứt việc cứu xét các Cảnh giới của Hiện hữu (Bhumis).

368.- Niết-bàn (Nibbana).

Nếu phải viết về Niết-bàn (Nibbana), tôi chỉ làm xong nhiệm vụ đó cho đàng hoàng khi nào tôi viết thật đầy đủ chi tiết. Nhưng trong quyển sách nầy, tôi chẳng có cơ hội để đi sâu vào chi tiết. Vì thế trong các kỳ xuất bản trước, tôi đã gát qua việc viết về Niết-bàn, nghĩ rằng thà chẳng viết còn hơn viết đến một cách phiến diện. Nhưng với kỳ xuất bản năm 1968 (niên hiệu 1320 M.E. theo lịch của Miến-điện), nhằm giúp các độc giả có được đôi chút kiến thức về Niết-bàn, tôi mới phụ đính vào đây một Chương về ‘‘Tưởng niệm đến cõi an lạc Niết-bàn’’ (‘‘Recollection of Peaceful Nibbana’’) trích trong quyển ‘‘Thingyo Bhathatika’’.

‘‘Tưởng niệm đến cõi an lạc Niết-bàn’’ có nghiã là liên tục nhớ nghĩ đến sự an lạc của Niết-bàn (=recollecting the ‘‘peaceful bliss’’ of Nibbana [= santi sukha]) [santi = an; sukha = lạc]. Mỗi người nói về Niết-bàn một cách khác nhau. Vài người cho rằng Niết-bàn là một thứ gì đặc biệt của tâm thức và sắc chất. Vài người cho rằng bên trong sắc chất và tâm thức có một phẩm tánh hằng cửu cũng tựa như một chất tinh tuý thường hằng, và tánh chất hằng cửu đó hay chất tinh tuý thường hằng đó, vẫn hiện hữu, tồn tại mãi và Niết-bàn cũng hiện hữu và tồn tại y như chất tinh tuý thường hằng đó. Lại có người nói: ‘‘Làm sao nói đến Niết-bàn là an lạc được, khi ta chẳng thể nào thọ hưởng, vì nơi cõi Niết-bàn chẳng còn tâm thức và sắc chất.’’ Cũng như khi bàn về một sự vật gì, những người đã có kinh nghiệm thật sự về sự vật đó mới có thể thấu hiểu tường tận, xét về bản thể của Niết-bàn cũng thế, chỉ những bực cao quí đã chứng đắc được Niết-bàn mới thấu rõ. Bản thể sâu xa của Niết-bàn chẳng thể dùng sự phỏng đoán của phàm phu mà thông đạt được. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng trình bày về Niết-bàn theo sự hiểu biết của tôi, dựa theo Kinh sách và sự suy luận hợp lý.

Niết-bàn (Nibbana) là một chơn lý tối thượng trong các chơn lý tối thượng khác như tâm thức, tâm sở và sắc chất. Vì Niết-bàn chẳng dính dấp chi với tâm thức và sắc chất, hai món nầy vốn là những trạng thái bị điều kiện hoá, Niết-bàn chẳng thể là một thứ tâm thức hay sắc chất được. Niết-bàn cũng chẳng phải là phần tinh túy trường tồn nằm bên trong thân thể, vì nơi các trạng thái nội tại và ngoại tại, của thân tâm, Niết-bàn được bao gồm trong các trạng thái ngoại tại, như đã được ghi rõ trong lời tuyên bố ‘‘Bhiddha Dhamma’’ nơi Bảng Xếp loại ‘‘Matika’’ của Quyển Khảo Luận thứ nhứt [= quyển Dhammasangani Pàli] của Luận tạng A tỳ đạt ma (Abhidhamma) trong Tam Tạng [=Tipitaka]. Khác với con người hay các chúng sanh khác, Niết-bàn chẳng phải là một chủ thể đang hưởng dụng hay một đối tưởng bị hưởng dụng như các sự vật có hình dáng, có âm thanh, v.v. Vì lẽ đó, thật sự chẳng có cảm giác hưởng thụ mà chỉ có một trạng thái an lạc của Niết-bàn, một phước báo an lạc nơi Niết-bàn (the ‘‘peaceful bliss’’ in Nibbana, xin dịch gương là an lạc phúc; peaceful = an lạc; bliss = phước lành.) mà thôi.

Nói một cách rõ hơn, cái cảm giác thọ hưởng, sau khi đã thọ hưởng, liền biến mất đi và cần phải có một sự cố gắng nào đó để gợi thêm một cảm giác thọ hưởng mới. Nhưng với Niết-bàn, chẳng cần phải có thêm một cố gắng như thế, vì Niết-bàn vốn sẵn viên mãn đâu có lúc nào vơi đi mà cần phải làm cho đầy lại. Con người cảm thấy chưa đủ thoả dạ khi hưởng thọ, liền muốn gia tăng thêm cảm giác khoái lạc nên dùng các phương tiện bất hợp pháp khác, hoặc đi vay nợ để có thể kéo dài phút khoái cảm. Thật là đáng thương hại cho họ sau nầy phải trả món nợ đã vay nơi bốn nẻo ác của Luân hồi. Bản thể của an lạc phúc (the ‘‘peaceful bliss’’) của Niết-bàn chẳng hề bị ô nhiễm bởi sự hưởng dụng, vì Niết-bàn chính là sự chấm dứt hoàn toàn của tâm thức và sắc chất.

Hãy lấy một thí dụ cho rõ hơn: Một vị giàu có, hưởng đầy đủ các thú vui của trần thế, đang nằm ngủ ngon; chắc chắn ông sẽ quở người đầy tớ đến đánh thức ông dậy để hưởng thêm một thú vui khác đang sẵn sàng chờ đợi ông thức dậy. Trong khi ông ta ngủ, chẳng thấy có một sự hưởng thọ nào rõ rệt, nhưng ông thích giấc ngủ êm đềm hơn là hưởng các thứ vui khác mà phải thưc dậy. Ta thường nghe nhiều người bộc lộ sự sung sướng sau một giấc ngủ ngon, như vầy: ‘‘Ái chà! Đánh một giấc ngon đáo để!’’ Và bạn cũng có thể tưởng tượng đến niềm sung sướng mà an lạc phúc của Niết-bàn mang lại, một niềm an lạc chẳng còn có cả tâm thức lẫn sắc chất.

Chúng ta hãy xét đến trường hợp của các vị A na hàm (Anagami) và A-la-hán (Arahant). Các vị nầy xem các tập hợp (uẩn) của tâm thức và sắc chất như là một gánh nặng đang đè trĩu, nên mới chứng nhập vào Diệt đế (Nirodha samapatti) để được giải thoát khỏi các uẩn tâm và sắc càng nhiều càng tốt. Trong khi các vị ấy chứng nhập vào Diệt đế, tuyệt đối chẳng có cảm giác hưởng thọ khoái lạc; chỉ có sự chấm dứt các tâm thức và sắc chất chẳng còn khởi lên đuợc. Sự chấm dứt của tâm thức và sắc chất nầy được các vị ấy xem như là một niềm vui vô biên, vì thế mà các Ngài mới chứng nhập vào Diệt đế.

Hơn nữa, nếu chúng ta xét đến trưòng hợp của cõi Vô sắc giới, các bậc Thiên chúng Vô tâm thức và Vô sắc chất, thì tình trạng an lạc phúc (‘‘peaceful bliss’’) trở nên rất rõ rệt. Chư Thiên vô tâm thức nầy chẳng hề có cảm giác khoái lạc vì tâm thức họ, trong 500 kiếp ba, chẳng hề phát khởi, mà lại ở trong trạng thái an hoà, bất động. Đối với các vị Vô sắc chất, hoàn toàn xa lià khỏi vật chất, số lượng các trạng thái tâm lý khởi lên nơi các vị nầy cũng rất ít oi. Nếu đã chứng quả vị A la hán rồi, vị Vô sắc chất chỉ còn 12 loại tâm thức:

- một loại Manodvaravajjama, ở tại ngưỡng cửa ý thức để chú ý;
- tám loại
Kamavacara Kiriya, ý thức khởi tác về cảm giới
- một loại ý thức thụ tác về phi tưởng phi phi tưởng (nevasannanasannayatana)
- một loại ý thức khởi tác về phi tưởng phi phi tưởng;
- một loại về ý thức thành tựu quả vị A-la-hán (Arahant).

[ý thức khởi tác = functional consciousness; y thức thụ tác = resultant cosciousness]

Các loại tâm thức nầy chỉ khởi lên mỗi lần một thứ mà thôi, và khi chúng chẳng khởi lên thì tâm thức của vị Thiên Vô sắc chất hoàn toàn yên nghỉ. Như thế, cảnh giới an lạc phúc của Niết-bàn được trở nên tích cực rõ rệt.

Đức tánh an lạc của Niết-bàn chẳng phải là một đức tánh tổng quát chung cho tất cả, mà là một đặc tánh riêng biệt cho từng cá nhơn. Vì lẽ nầy, khi phải còn lưu giữ các uẩn, các bực thánh hiền quán tưởng cảnh giới Niết-bàn của riêng mình để chứng nhập vào sự thành tựu Đạo quả. Kinh sách cho rằng khi nhập định như thế, tâm tư hướng về Niết-bàn tạo nên một nguồn lạc thú vô biên. Đến khi viên tịch vào cõi Bát Niết-bàn (=vĩnh viễn rời cuộc sống), tất cả các vị Đại Trưởng lão Tăng ni (Theras & Theris) vừa vứt bỏ năm uẩn thân tâm, vừa thốt lên những lời mừng rỡ, khiến cho chúng ta cảm thấy hổ thẹn vì còn đeo nặng cả tâm thức cùng sắc chất.

Sadevakassa lokassa, ete vo sukhasammata,
Yattha c’ ete nirujjhanti, tan tesam dukkhasammatam.
Sukkham ditthamariyebhi, sakkayassa nirodhanam,
Paccanikam idam hoti, sabbalokena passatam.

‘‘Nơi các cõi nhơn thiên, loài người, các Thiên chúng, các đấng Phạm thiên, đều xem các trần cảnh hình sắc, âm thanh, v.v. là những thú vui.
Nơi cảnh giới Niết-bàn được các thánh giả trân quí, thì các trần cảnh đã đoạn tận. Trong cảnh giới vắng lặng đó, các chúng sanh còn ngu dốt cứ tưởng như mình đang đau khổ vì chẳng cảm nhận được niềm an vui của Niết-bàn.
Với huệ nhãn, các bực thánh giả nhìn thấy rõ niềm an lạc trong cảnh giới Niết-bàn, nơi mà ngũ uẩn đã hiện rõ bản thể vắng lặng của chúng.
Các bực thánh giả đã thật sự tự mình chứng kiến cảnh Niết-bàn là cảnh đối ngược với chúng sanh giới. Các chúng sanh còn nặng si mê (avijja) và ái dục (tanha) cũng tựa như bọn người đâu lưng lại mà chạy ngược đi mọi phiá.’’

*

Tổng Kết

369.- Bổn phận của độc giả.

Tôi đã làm xong niệm vụ viết quyển sách ‘‘Vi diệu pháp nhựt dụng’’ (‘‘Abhidhamma in đaily life’’) nầy, cứu xét đầy đủ các khiá cạnh của Chánh Pháp (Dhamma) mà các độc giả nói chung cần hiểu biết đến, trong mọi sự giao tế hàng ngày. Thông hiểu được các kiến thức lợi ích của quyển Khảo luận nầy, bổn phận của người đọc là phải đem các kiến thức đó ra ứng dụng, bằng cách phát triển sự tỉnh giác, sự tự kiềm thúc và nỗ lực tinh tấn.

370.- Kiến thức và Thực hành.

Kiến thức chẳng phải là thực hành. Kiến thức suông, rất vô dụng. Sách vở đem lại kiến thức, nhưng chẳng thể thực hành giúp giùm cho người đọc. Đã có nhiều người rất hay chữ, thâu thập được thật nhiều kiến thức bổ ích về Chánh pháp, nhưng rất hiếm kẻ biết đem ra ứng dụng tu tập để được lợi lạc. Giữa số đông người như thế trong xã hội, cơ duyên để tạo cho mình một tâm thức thiện lành thật là rất mong manh.

Thí dụ như nhiều công tác bố thí (dana) được thục hiện vào thời buổi nầy, chẳng phải hướng về công đức các hạnh Ba-la-mật (Paramis) mà chỉ để đuổi theo các trào lưu xã hội khoe khoang, phô trương khoác lác sự thành công cùng của cải giàu sang cho mọi người trông thấy; dân chúng chẳng còn noi theo con đường Ba-la-mật do các bực hiền giả đức hạnh đã vạch ra. Những kẻ tranh nhau leo lên các bậc thang xã hội, cũng biết các hành vi bố thí của họ chẳng mang đến các phước báo, hay mang đến rất ít, nhưng vì bụng dạ thèm khát được sự khen ngợi, thán phục của quần chúng, nên hành động từ thiện của họ cũng chẳng khá hơn những người dốt nát đã làm, mặc dầu họ thừa biết họ chẳng nên làm như thế.

371.- Chuyện con cọp già xảo quyệt.

Sau đây là một câu chuyện trích trong Hitopadesa để chứng minh quan điểm của tôi. Một con cọp xảo quyệt già nua đến nổi chẳng còn đi săn thịt đươc. Miệng cứ kêu lên: ‘‘Này các người bộ hành! Hãy đến đây mà lấy chiếc vòng bằng vàng!’’ Có người nghe thấy, đến gần, hỏi: ‘‘Chiếc vòng vàng ở đâu?’’

Cọp giở chơn lên, chỉ chiếc vòng dưới móng. Người hành khách bảo, chẳng dám lại gần vì sợ cọp hay ăn thịt người. Cọp liền lên giọng giảng một bài pháp như sau: ‘‘Ngày xưa còn trẻ, tôi thường bắt người để ăn thịt, bởi vì tôi chưa được may mắn nghe biết đến Chánh pháp (Dhamma). Đến tuổi già, tôi mất cả vợ và các con. Tôi thật sự đã có được một mối linh cảm (sanvega) thúc dục tôi theo con đường thiện đạo. Số là trước đây, tôi may mắn gặp được một bực hiền giả cao quí giảng cho tôi nghe cuộc sống thánh thiện biết tạo thiện nghiệp bằng cách bố thí (dana). Kể từ ngày ấy cho đến nay tôi sống cuộc đời đức hạnh. Bạn chẳng cần phải sợ hãi tôi gì hết. Nè, xem tôi đâu còn chút nanh vuốt nào. Tôi đã phát nguyện muốn bố thí chiếc vòng vàng nầy cho một người nào, và bạn là người hữu duyên đó. Nào, bạn hãy đến bên bờ hồ tắm rửa sạch sẽ đi, rồi lại đây nhận món quà của tôi.’’

Quá tin vào lời đường mật đó, người bộ hành liền làm theo. Khi bước xuống hồ, anh ta sa lầy và lún sâu xuống. Cọp bảo sẽ tới giúp, liền đến xé xác người ấy.

Câu chuyện trích trong Hitopadesa dạy chúng ta một bài học: kiến thức mà chẳng có đạo đức thật là vô ích. Những kẻ có học và thông minh, thiếu đạo đức mà thừa nết tinh ranh, gian xảo cùng sức quyến rũ, thường là những người nguy hiểm hơn kẻ dốt nát vì họ sẵn kiến thức để trù hoạch các hành vi bất thiện. Tôi muốn khuyến nhũ các độc giả chớ nên cho rằng có được kiến thức là đã đầy đủ lắm rồi, còn phải đem những gì đã thấm nhuần ra tu tập để trở thành người hiền đức. Nguyện cầu tất cả bạn đọc sống một cuộc đời hoàn toàn đức hạnh!

* * *

372.- Lời Bạt (Epilogue)

Để kết thúc, xin ghi lại vài điều lưu ý ngắn và thích đáng: Thời buổi ngày nay, mặc dầu các vị xuất gia và tại gia đều có quyết tâm nỗ lực chứng đắc Niết-bàn, nhưng nếu tâm thức còn chưa thanh tịnh, thì con đường còn xa diệu vợi.

Vì lẽ đó, bắt đầu ngay chính tôi đây, các thân hữu, các cộng tác viên của tôi và cả những thế hệ sau nầy, nếu muốn noi theo con đường dẫn đến Niết-bàn do các bực hiền đức tiền bối của chúng ta vạch ra, phải học tâp cẩn thận, chín chắn, tỉ mỉ quyển khảo luận Vi diệu pháp nhựt dụng nầy và nỗ lực tinh tấn mãnh liệt để vươn lên đến tuyệt đỉnh, trở thành một kẻ chiến thắng vinh quang!

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 04-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-04-2004