Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng

Hòa thượng Janakabhivamsa
U Ko Lay dịch sang Anh ngữ
Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ


[02]

Chương 2

Về Tâm sở (Cetasikas) và
Tâm sở bất thiện (Akusala Cetasikas)

Tâm sở (Cetasikas), yếu tố tinh thần phụ hợp.

016.- Các Tâm sở xác định Tâm thức.

Trong Chương 1, ý niệm về thiện tâm và ác tâm đã được giải thích qua. Nhưng công năng của tâm thức chỉ là để biết về các sự vật, tâm thức chẳng thể tự nó là tốt lành hay xấu ác. Vì tâm thức khởi lên cùng với các yếu tố tinh thần khác phụ theo, được gọi là Tâm sở, Cetasikas, cho nên tâm thức mới trở nên tốt hay xấu, tuỳ theo sự xấu tốt của các yếu tố ấy phối hợp. Chữ Tâm sở,đây, có nghiã như vầy: "Yếu tố tinh thần phối hợp với Tâm thức, khiến cho Tâm thức trở nên thiện hay bất thiện".

Thí dụ: Như nước chẳng có màu sắc, nhưng nước trở thành đỏ, vàng, xanh hay đen, tuỳ theo ta lần lượt pha vào chất nhuộm màu đỏ, vàng, xanh hay đen. Cùng thế ấy, tâm thức cũng biến chuyển như vậy theo các tâm sở phụ thuộc. Vì lẽ ấy., bạn nên học tập tiếp về các tâm sở để có thể thấu hiểu các tâm thức thiện và bất thiện.

Ghi nhớ: Tâm thức chỉ nhận biết về sự vật; tự nó, nó chẳng lành cũng chẳng ác. Chính do nơi các tâm sở, yếu tố tinh thần phụ hợp với tâm thức, mới xác định tính cách thiện ác cho tâm thức.

017.- Mười bốn Tâm sở bất thiện có ảnh hưởng đến Tâm thức.

(Akusala Cetasikas; Akusala = a + kusala = bất + thiện = bất thiện).

1.- Moha = Vô minh
2.- Ahirika = Vô tàm
3.- Anottappa = Vô quí
4.- Uddhacca = Tán loạn
5.- Lobha = Tham
6.- Ditthi = Tà kiến
7.- Mana = Kiêu mạn
8.- Dosa = Sân hận
9.- Issa = Ganh tị
10.- Macchariya = Tật đố
11.- Kukkucca = Hối tiếc
12.- Thina = Giải đãi
13.- Middha = Hôn trầm
14.- Vicikiccha = Nghi ngờ.

(1) Vô minh (Moha).

018.- Hai loại Vô minh.

Chẳng hiểu biết, đó là Moha, Vô minh. Có hai loại vô minh:

- anusaya moha = căn bản vô minh
- pariyutthana moha = chi mạt vô minh

Từ ngữ anusaya nghiã là khuynh hướng cố hữu, hay đã nằm tiềm phục sẵn đó.

Từ ngữ pariyutthana có nghiã là trổi dậy, khởi lên. Như thế, sự vô minh còn nằm tiềm ẩn trong tâm được gọi là anusaya moha, (thường được kinh sách Bắc tông dịch là căn bản vô minh, vô minh ở gốc); đó là sự vô minh ở trong thế tiềm tàng. Còn sự vô minh tuỳ dịp khởi lên cùng với tâm thức được gọi là pariyutthana moha (thường được kinh sách Bắc tông dịch là chi mạt vô minh, vô minh ở ngọn ngành); đó là sự vô minh ở trong thế khởi sanh.

019.- Loại vô minh thứ nhứt: Anusaya Moha (Căn bản vô minh).

Cũng như có chất độc sẵn trong cây khiến cho cây sanh ra trái độc, nơi thân tâm con người, có sẵn một yếu tố, dhatu, đang che dấu Chánh pháp (Dhamma) mà ta cần phải hiểu biết đến. Yếu tố đó được gọi là anusaya moha, sự vô minh trong thế tiềm ẩn. Chính vì sức phủ tàng của anusaya moha, của căn bản vô minh, đã khiến cho phàm phu (puthujjanas) chúng ta chẳng có đủ khả năng để thông đạt tường tận nghiã lý sâu xa của ba đặc tánh chánh yếu là: vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta), của bốn Chơn lý Nhiệm mầu (Tứ Diệu Đế), và của Lý mười hai nhơn duyên (Paticcasamuppada).

Phàm phu, với kiến thức còn bị hạn chế, chẳng thể nhận chân được sự vô minh căn bản tiềm phục nầy. Ngày nay, mặc dầu lắm người tự nhận mình đã hiểu rõ thế nào là vô thường (Anicca), khổ (Dukkha), vô ngã (Anatta), v.v., nhờ đọc qua sách vở, nhưng sự hiểu biết của họ vẫn còn phiến diện, chưa rời bề mặt bên trên mà đi sâu vào sự thực nghiệm. Ngay cả nơi các bực đã đắc các quả vị Tu-đà-huờn (Sotapanna), Tư đà hàm (Sakadagami), A na hàm (Anagami), căn bản vô minh chỉ trở nên càng ngày càng mỏng thôi. Cho đến khi đã chứng đắc được đạo quả A-la-hán (Arahant), thì căn bản vô minh mới hoàn toàn bị tận diệt. Vì vậy, ngay cả trong khi thực hành các thiện pháp hay hành vi tốt lành, trước khi trở thành A-la-hán, căn bản vô minh vẫn còn tiềm tàng nơi tâm hành giả; nó còn đang nằm ngủ ngầm, lặng lẽ.

020.- Loại vô minh thứ hai: Pariyutthana Moha (Chi mạt vô minh).

Khi sự vô minh khởi lên cùng với tâm thức, đó là môt tâm thức xấu, chẳng lành mạnh, đang sanh khởi. Vì bản chất che đậy của chi mạt vô minh nầy, cho nên các quả báo tai hại mà ta phải gánh chịu sau nầy, còn chưa được thấy hiểu. Và cả các hậu quả xấu ác trong hiện tại cũng chẳng được biết đến. Vì vậy cho nên, ngay cả với bực có đức hạnh và siêng năng tu tập cũng chẳng thấy được sự tác hại của loại vô minh nầy khi nó khởi lên, nên đôi khi cũng vướng phải các hành vi bất thiện. Trong các đìều bất thiện, vô minh chiếm hàng đầu. Ở thế gian nầy, tất cả mọi điều xấu ác đều bắt nguồn từ vô minh; vô minh chính là gốc rễ của tất cả mọi bất thiện pháp.

021.- Một vị hiền giả bị Vô minh áp đảo.

Một vị Bồ-tát, tên Haritaca, đã rời cuộc sống trần tục, buông bỏ cả sản nghiệp trên tám trăm triệu đồng, để trở thành tu sĩ ẩn cư, đã chứng đắc đưọc thần thông. Rồi vì mưa dầm trên núi Hi mã lạp sơn, vị ấy quay về thành Ba la nại (Baranasi) và trú trong công viên của vua. Vua xứ Ba la nại vốn là bạn cũ, người thường thực hành các hạnh Ba-la-mật (Paramis) để nguyện trở thành Tôn giả Ananda. Khi gặp lại vị ẩn sĩ, vua rất kính mến, mời vào ở trong vườn thượng uyển và cung cấp tứ sự cúng dường; mỗi buổi sáng nhà vua đích thân dâng cơm lên trong cung.- điện.

Một hôm có phiến loạn nổi lên, Vua phải dẫn quân đi đánh dẹp. Trước khi đi, vua đã nhiều bận yêu cầu hoàng hậu đừng quên cúng dường vị ẩn sĩ. Hoàng hậu vâng làm theo lịnh. Một buổi sáng sớm, bà tắm với nước hoa xong, mặc đồ lụa mỏng và nằm trên ghế, chờ đến giờ cúng dường.

Vị Bồ-tát thi triển thần thông, bay trên không, đến bên cửa sổ hoàng cung. Nghe tiếng áo phất qua của tu sĩ, hoàng hậu vội vàng ngồi dậy và rủi thay, y phục của bà bị tụt rơi xuống. Trông thấy cảnh hoàng hậu bị thoát y, căn bản vô minh (anusaya moha) tiềm phục trong tâm thức của vị Bồ-tát, liền chổi dậy, trở thành chi mạt vô minh (pariyutthana moha) nhuốm đầy duc tình, khiến cho vị ấy liền nắm tay hoàng hậu và phạm vào tội dâm.

Ghi chú: Chúng ta cần cứu xét cẩn trọng tánh cách ngu xuẩn phát sanh xuyên qua sự vô minh. Nếu vô minh chẳng khởi lên trong tâm, vị ấy đâu phạm tội dâm, ngay cả khi được sự ưng thuận của vua. Nhưng vào giờ phút ấy, vì bị tràn ngập bởi màn đen dầy dặc của vô minh xâm chiếm, vị ấy đã chẳng thấy được hậu quả xấu ác của hành động, ngay trong hiện tại và cả về tương lai nơi các kiếp sống tiếp theo trong vòng luân hồi. Thiền định (jhanas) và thần thông (abhinnas) mà vị ấy đã chứng đắc được suốt một đời tu luyện, cũng chẳng đủ sức để phá tan màn vô minh đó; trái lại, vô minh đã khiến cho các thần thông ấy biến đi mất.

Nhưng vị ẩn sĩ, vì đã thuần thục trong các Ba-la-mật (Paramis), nên đã học được bài học chua cay đó. Vị ấy vô cùng hối hận về hành động của mình và xin sám hối trước mặt vua. Vị ấy lại tiếp tục nỗ lực hành thiền, tập luyện để đắc lại thần thông, thường quán tưởng: "Tôi đã làm một việc xấu ác vì sống quá gần với dân chúng", rồi quay lui về Hi mã lạp sơn.

022.- "Chẳng biết" chẳng phải luôn luôn là Vô minh (Moha).

Như trên có giải thích rằng Vô minh là sự chẳng hiểu biết, nhiều người có thể tưởng lầm, hễ chẳng biết một vấn đề còn chưa được học hỏi đến, hễ chẳng biết những nơi mà mình chưa đặt chơn đến, hễ chẳng nhớ được những tên mà mình chưa được quen lắm, cũng đều là vô minh cả. Các sự chẳng biết vừa kể chỉ là sự thiếu hiểu biết suông mà thôi; chúng chẳng phải thật sự là vô minh; do đó, chúng chẳng phải là những tâm sở bất thiện; đấy chỉ là sự vắng bóng của sự nhận thức, hay sự cảm nhận về một tri giác, sanna, mà trước còn chưa được thâu nhận. Cả các bực A-la-hán (Arahant) cũng vẫn có những sự chẳng biết như thế, huống hồ là phàm phu chúng ta.

Ngay như Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta), người chỉ đứng vào hàng thứ nhì sau Đức Phật về phương diện trí huệ, cũng đã chỉ dạy một lối hành thiền chẳng thích ứng cho một tỳ-kheo (bhikkhu) còn trẻ. Nghĩ rằng tỳ-kheo nầy vào lứa tuổi mà dục tình hay khởi phát, Tôn giả đã dạy phép asubha kammatthana, để quán tưởng về các vật chẳng những chẳng vừa ý mà lại đáng kinh tởm, ví dụ như xác chết; phép quán nầy chẳng thích hợp với khuynh hướng người đệ tử. Mặc dầu người đệ tử đã bỏ ra bốn tháng để quán tưởng nhưng chẳng được một chút xíu nimitta nào, dấu hiệu của sự định tâm. [asubha = chẳng thích thú; kammatthana = đề tài quán tưoỏng]; [nimitta = điềm; dấu hiệu báo điều gì].

Sau đó, người đệ tử được dẫn đến gặp Phật. Đức Phật cầm một bó hoa sen vửa mới nở trao cho, người đệ tử rất là hoan hỉ. Rồi Đức Phật lại đưa ra thêm một cọng hoa sen đã héo tàn. Tâm người đê tử liền khởi lên một linh cảm (sanvega), về sự đột biến nhanh chóng. Liền đó, Đức Phật thuyết giảng cho nghe một bài pháp khiến cho vị tỳ-kheo ý thức được rõ ràng về các đặc tánh vô thường (anicca), khổ (dukkha) với vô ngã (anatta), và chứng đắc ngay được đạo quả A-la-hán.

đây, các bạn hãy nên ghi nhận hai điểm: thứ nhứt là trí huệ vô biên của Đức Phật; thứ hai là có nhiều sự vật mà ta còn chưa hiểu biết đến,ngay cả đối với Tôn giả Xá-lợi-phất, người đã dẹp sạch màn vô minh. Như thế, chẳng biết các sự vật mình chưa được nghe dạy và những sự vật thuộc điạ hạt riêng của các đức Phật, điều đó đâu phải là vô minh. Đấy chỉ là sự yếu kém của kiến thức hay của việc học hỏi. Hãy lấy thí dụ về trường hợp một người, giữa ban ngày, chẳng thể nhìn thấy một vật ở xa. Chẳng phải đã có một tấm màn nào ngăn che vật ấy khiến mắt chẳng nom ra đưọc, mà chính là vì nhãn lực đôi mắt của y còn yếu kém đấy thôi.

023.- Vô minh thô và tế.

Sự vô minh chẳng thể phân biện được giữa một điều tốt, hay thiện pháp, với một điều xấu, hay ác pháp, đó là sự vô minh thô. Còn sự vô minh làm chướng ngại cho việc thông suốt về bản thể của tâm thức và của vật chất là vô thường, khổ vô ngã, về Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, về Lý Mười Hai Nhơn Duyên, sự vô minh nầy được gọi là vô minh tế.

Tâm thức nào còn bị vô minh che đậy được gọi là tâm "u tối, ngu xuẩn", còn con người có tâm thức bị vô mình tràn ngập được gọi là "người ngu, người đần, người cuồng, người ngốc, người vô dụng".

‘Thế gian nầy đang chìm trong màn đen dầy dặc. Chỉ một thiểu số trên thế gian nầy mới có thể nhận chân được một cách khác thường. Cũng như chỉ có một vài con chim thoát khỏi mẻ lưới, số người tái sanh lên cõi Trời rất là ít ỏi." (Kinh Pháp Cú, câu 174) [Dhammapada, v,174].

(2) Vô tàm (Ahirika)

024.- Thế nào là Vô tàm (Ahirika)?

Thiếu sự hổ thẹn tinh thần được gọi là Vô tàm (Ahirika). Tất cả những hành vi xấu ác, thiếu đạo đức đều giống như phẩn (= chất thải ra của bộ tiêu hoá). Vô tàm, Ahirika, cũng tựa như con heo trong làng. Phẩn là chất dơ, đáng ghê tởm; bị dính phẩn thật là bối rối trước mặt người khác. Nhưng với con heo, phẩn là món ăn ngon, chẳng đáng gớm ghiếc, đâu cần phải bối rối khi bị dính phẩn; cho nên chắc chắn là heo thích lăn mình trong đống phẩn và nhận lấy phần ăn trong đó.

Cùng thế ấy, các ác pháp, duccaritas, hành vi tội lỗi, như sát sanh chẳng hạn, đối với người có đức hạnh, đều là những hành vi đáng khinh chê. Ngay cả khi các hành vi xấu, vì sơ xuất mà lỡ phạm phải, người có đức hạnh cũng xem đó là điều đáng hổ thẹn. Nhưng sự vô tàm chẳng phải là chỉ có khinh ghét các hành vi xấu ác và chẳng cảm thấy xấu hổ vì hành vi đó. Kỳ thật, giữa những người vô tàm với nhau, họ lại còn xem các việc làm tội lỗi của họ như là đìều mà họ hãnh diện nữa.

Khi vô minh (moha) khởi lên, nó dẫn đến sự vô tàm; cho nên, các bực hiền giả, khi bị vô minh che lấp, có hành vi sai lầm cũng chẳng sanh lòng hỗ thẹn. Vì thế, những ai được kẻ khác khen ngợi là hiền giả, tưởng cũng nên nhìn lại và tự phán xét các kinh nghiệm riêng của mình, về sự thật của điều vừa nói.

025.- Ghi chú thêm về câu chuyện của ẩn sĩ Haritaca.

Trong hành vi bất chánh của ẩn sĩ Haritaca (xem lại tiết mục vừa qua về Vô minh, Moha), sự vô tàm của ẩn sĩ rất là rõ rệt. Ẩn sĩ là một bực hiền giả đã chứng đắc được thần thông (abhinnas), có trí huệ rất cao thâm. Điều mà ẩn sĩ đã phạm phải, là một hành vi đáng hổ thẹn về dục tình, xãy ra ngay trong cung điện, trước sự hiện diện của các thể nữ của nữ hoàng. Hành vi đê tiện, mất cả phẩm cách nầy, sở dĩ đã xảy ra, là do sự u mê cùng cực của cả vô minh vô tàm.

Mọi hành vi tệ hại, các ác pháp, đều đáng hổ thẹn. Chẳng những chỉ có hành động ô danh của vị ẩn sĩ mới đáng phỉ nhổ, cả những cử chỉ khi căm giận như nặng lời với kẻ khác, phát cáu, nổi xung, quát tháo, văng tục, những thái độ kiêu kỳ, hợm hĩnh, khinh người, xỏ xiên bâng quơ để mạ lỵ vì bụng dạ hiểm độc ganh tị (issa), vân vân, tất cả mọi ác pháp ấy đều đáng ghê tởm và hổ thẹn cả.

Bởi thế cho nên, ta cần ghi nhớ trong lòng, mọi hành động chẳng lành đều đáng hổ thẹn cả. Tâm thức nào cùng khởi lên với sự vô tàm được gọi là "tâm thức vô tàm", và người đã làm các việc xấu ác đó được gọi là "kẻ vô tàm hay kẻ vô sỉ".

(3) Vô quí (Anottappa).

026.- Thế nào là Vô quí (Anottappa)?

Danh từ Vô quí, Anottappa, có nghiã là chẳng biết lo sợ trong lòng khi làm điều quấy. Hành động xấu ác cũng tựa như ngọn lửa đang bừng cháy. Vô quí, Anottappa, được ví với những con thiêu thân. Lửa bùng lên dễ đốt cháy là điều đáng ngại; thế nhưng loài thiêu thân lại hay bay lăn xả vào, tìm lấy cái chết, chẳng chút ngại ngùng. Cùng thế ấy, các ác pháp đem đến một loạt đủ loại các khổ đau; vì thế cần phải lo sợ chúng. Nhưng vô minh (moha) đang che lấp các hậu quả khốc hại đi, khiến cho sự vô quí (anottappa) chẳng nhìn thấy chúng là những đìều đáng e sợ. Các yếu tố chẳng lành đó đẩy nhanh đến sự thực hiện một cách liều lĩnh các hành động tệ hại. Sau đây là các mối hiểm nguy còn chực chờ sẵn, khi sắp thi hành điều bất thiện:

1.- Attanuvada bhaya: mối hiểm nguy phải tự trách mình, làm mất sự tự kính nễ, sự tự trọng. Người như thế thường bị ý tưởng sau đây đè nặng trong tâm: "Mặc dầu nhiều người nghĩ tôi là kẻ có đức hạnh, nhưng tôi biết rõ chính tôi. Tôi là một người xấu ác, lén lút làm các việc chẳng lành."

(atta = tự kỷ, tự mình + anuvada = trách móc, buộc tội)
(bhaya = sợ nguy hiểm)

2.- Paranuvada bhaya: mối hiểm nguy phải bị kẻ khác quở trách hay buộc tội, như vầy: "Anh là người xấu ác đã làm các hành vi tệ hại."

(para = do kẻ khác; anuvada = trách móc, buộc tội.)

3.- Danda bhaya: mối hiểm nguy phải chịu khổ đau và hình phạt; ví dụ như bị kẻ khác giết lại nếu cố sát; bị chủ đánh đập nếu lấy trộm đồ vật; bị giết hay bị thương nếu đã gian dâm; bị tù đày nếu phạm tội hình sự.

(danda = hình phạt)

4.- Duggati bhaya: mối hiểm nguy phải đau khổ vì hối hận, khi sắp chết, về tội lỗi trước kia của mình; và viễn ảnh sẽ bị tái sanh vào trong bốn đường ác trong đời sau.

(Duggati = cõi ác, như điạ ngục, ngạ quỉ, súc sanh)

Mặc dầu với mưu mô, xảo quyệt, gian trá, con người có thể lẩn tránh được ba mối hiểm nguy kể trước; nhưng với mối hiểm nguy thứ tư, chẳng ai làm cách nào để khỏi phải sa vào bốn đường ác trong đời sau. Vì thế, các ác pháp thật là đáng ghê sơ. Tuy nhiên, khi sự vô quí khởi lên và can thiệp vào, thì ngay cả bực hiền giả, bình thường hay e ngại các hành động xấu ác, cũng vẫn bị lôi kéo để phải sa vào tội lỗi.

027.- Lại ghi chú thêm về câu chuyện ẩn sĩ Haritaca.

Xét lại câu chuyện về ẩn sĩ Haritaca, ta thấy được rõ ràng ba mối hiểm nguy trong số vừa kể trên, nơi tiểu mục số 026, đã thật sự xảy ra cho ông. Chẳng cần phải nói nhiều, ta cũng thấy ông đang khổ sở vì tự trách mình và mất đi lòng tự trọng: đó là attanuvada bhaya. Khi tin xấu lan truyền ra ngoài thành "Vị quốc sư của nhà vua đã làm nhục đến hoàng hậu", ông đang bị dân chúng nguyền rủa thậm tệ: đó là paranuvada bhaya. Đến khi nhà vua trở về hoàng cung, nếu chẳng phải là người đã tuân trì theo các Ba-la-mật (Paramis) để sau nầy trở thành Tôn giả Ananda, thì nhà vua có coi mạng sống của người tu sĩ phạm tội hơn gì một ngọn cỏ mà chẳng lên án tử hình. Ẩn sĩ đã thoát khỏi tội chết chỉ trong một sợi tóc: đó là danda bhaya.

Chính sự vô quí (anottappa) đã can thiệp vào, khiến cho tu sĩ ẩn cư đã cả gan hành động một cách vô luân, liều lĩnh đến quên cả nguy cơ sẽ bị rơi đầu. Tâm thức nào cùng khởi lên với sự liều lĩnh mê muội như thế được gọi là tâm vô quí (anottappa citta).

Cũng như con heo trong làng chẳng hề ghê tởm phẩn dơ, con người vô sỉ chẳng hề hổ thẹn về hành động xấu ác của mình. Cũng như con thiêu thân chẳng biết e ngại ngọn lửa bừng cháy, con người vô quí chẳng hề lo sợ về hành động tệ hại. (Trích trong Vibhavini Tika).

(4) Tán loạn (Uddhacca).

028.- Thế nào là Tán loạn (Uddhacca)?

Tán loạn (Uddhacca) có nghiã là xao lãng, thiếu sự chú ý. Có thể gọi đó là tình trạng tâm chẳng an. Cũng như các bụi tro bốc lên, bay lung tung, khi ta quẳng một hòn đá vào một đống tro, tâm thức tán loạn chẳng thể dừng lâu trong chốc lát trên một đối tượng, mà bay nhảy từ vật nầy sang vật khác.. Tâm thức nào khởi lên cùng với sự tán loạn (Uddhacca), được gọi là tâm tán loạn, tâm xao lãng. Khi một người bị xao lãng, người ấy trở thành một kẻ buông trôi, lang thang, nhởn nhơ, vô tích sự.

029.- Khi Tôn giả Nan đà chẳng định tâm được.

Khi vị vương tử trẻ tuổi Nan đà (Nanda) sắp sửa kết hôn với công chúa Janapada Kalyani, Đức Phật dẫn vương tử đến tu viện và truyền thọ giới tỳ-kheo (bhikkhu) cho. Tâm thức của Vương tử còn vấn vương, chẳng thể an định vào Chánh pháp (Dhamma) được, thường bay lang thang trở về bên công chuá Janapada. Trong câu chuyện nầy, tâm trạng của vương tử Nan đà, chẳng thể chú tâm định ý về Chánh pháp, là một thí dụ rất đúng về tâm tán loạn.

030.- Năng lực yếu ớt của sự Tán loạn.

Như đã biết, sự tán loạn (Uddhacca) là sự thiếu khả năng tập trung tâm ý qui tụ vào một điểm, trong một thời gian. Vì bị xao lãng, tâm thức trôi lang thang từ một sự vật nầy đến một sự vật khác. Mặc dầu sự tán loạn là một tâm sở bất thiện, akusala, có tánh cách chẳng lành mạnh, nhưng sự tán loạn chẳng thật sự làm sanh khởi lên các hành vi bất thiện, nó chẳng có đủ năng lực để xô ta tái sanh vào các nẻo ác (các cảnh giới địa ngục, ngạ quỉ, ...) như tham, sân, sì đã làm.

(5) Tham (Lobha).

031.- Tham lam khác với Ham muốn.

Tham lam (Lobha) là sự thèm khát, ao ước, mong muốn về các khoái lạc về nhục thể. Nhưng sự ham nuốn được chứng đắc Niết-bàn (Nibbana), ham muốn được thấu hiểu Chánh pháp (Dhamma), ham muốn được trở thành bực hữu học, ham muốn có của cải để bố thí cho người nghèo khó, các sự ham muốn đó chẳng phải là tham lam (lobha). Các sự ham muốn đó được gọi là chanda, sự mong muốn, mà ta sẽ xét đến sau.

032.- Các tên khác của sự Tham lam.

Có rất nhiều danh từ để chỉ đến các hình thức khác nhau của sự tham lam. Đó là: pema, tanha, raga, samudaya.

Pema tình thương các người thân trong gia đình, anh chị em thương nhau, chồng vợ thương nhau, họ hàng thương nhau. Dó đó, chữ pema có nghiã là tình thương chơn thật. Tình thương thành thật nầy, pema, còn được gọi là samyojana, sợi dây thân ái, có nghiã là sợi dây ràng buộc giữa các người thân, khiến chẳng cho lía xa nhau.

Năm đối tượng của các giác quan, như hình sắc, âm thanh, mùi, vị và xúc chạm (kinh sách Bắc tông gọi là năm trần: sắc, thanh, hương, vị xúc). Khi năm đối tượng nầy được người ham muốn và tham luyến, chúng trở nên ràng buộc và được gọi là kamaguma, dây luyến ái; (kama = dễ được yêu thích + guna = sợi dây).

Cũng như sự đói và cơn khát, cái nhiệt tình ham muốn mãnh liệt về các đối tượng của giác quan, khi vượt xa quá mức bình thường, được gọi là ái dục, tanha, tức là sự thèm thuồng cao độ. Một kẻ say mê đeo đuổi một người khác phái, thường bị dán cho nhãn hiệu "si tình", "đắm mê về dục tình" hay "điên cuồng vì dục tình". Trong năm loại đối tượng của các cảm thọ, sự đụng chạm về thân thể, rờ rẫm, giao hợp, là điều thường được thèm khát, ao ước nhứt; trường hợp nầy được gọi là ái nhiễm, ái trước, Raga, (ái = thương, yêu, thích; nhiễm = dính thấm vào; trước = trói buộc); Raga có nghiã là sự tríu mến, đeo dính vào một sự vật nào. Cũng như các chất màu nhuộm thấm vào vải, sự ái nhiễm, raga, chính là sự tham lam, lobha, đeo dính chặt vào một người.

(Các danh từ trên đây chỉ được dùng theo nghiã rộng của sự thông dụng).

Trong kinh Tứ Diệu đế, Bốn Chơn lý Nhiệm mầu, lobha, sự ái dục, được gọi là Tập đế, Samudaya, nguyên nhơn gây ra mọi sự khổ đau, hay khả năng gây ra sự khổ đau. Chúng sanh vì chẳng tận diệt được sự tham lam,sự ái dục (lobha), nên phải trôi lăn mãi trong vòng luân hồi sanh tử, tử sanh, để mà chịu lấy sự khổ đau.

Sự khổ đau, nặng nề hay nhỏ nhiệm, bắt nguồn từ ái dục (tanha),tham lam (lobha) hay, từ tập đế (samudaya), của mọi chúng sanh. Do đó, tham lam càng lắm thì khổ đau càng nhiều; hễ biết bớt tham lam, thì giảm được đau khổ; nếu đã dứt sạch bụng dạ tham lam, tức chẳng còn phải đau khổ nữa.

Tâm thức nào khởi lên cùng với sự tham lam, (lobha), được gọi tham tâm, tâm ái nhiễm, tâm bị ràng buộc. Người có tham tâm được gọi là người tham lam, người khao khát, người si ái, người mang gông cùm.

033.- Sự tham lam chỉ có tăng mà chẳng có giảm.

Sự tham lam, dầu là thèm khát thông thường, hoặc ham muốn dục tình, nếu chẳng được tiết chế theo Chánh pháp (Dhamma), mà để cho tự do phát triển, sẽ chẳng bao giờ giảm bớt cả. Cũng tựa như cái sừng của con bò non ngày càng lú dài thêm ra, theo năm tháng, lòng tham lam đã chung sống với con người ngay cả từ khi còn trong bụng mẹ. Những kẻ đã lớn tuổi mà chẳng kềm chế lòng tham được, thường bị chế giễu bằng câu: "Già mà ham!"

034.- Uống nước mặn.

Từ tấm bé, trẻ con đã bắt đầu thương yêu cha mẹ, anh em, họ hàng. Lớn lên, chúng phát triển lòng ưa thích bạn bè. Đến khi được bản năng căn bản thúc dục chúng, chúng càng ngày càng trở nên khao khát tình yêu nam nữ, cũng như đang uống phải nước mặn, càng uống lại càng khát thêm. Vì khao khát dục tình, chúng chiều theo các đòi hỏi vật chất, xác thịt; đâu biết rằng đằng sau còn có sự khổ đau đang nằm chờ đó, chúng hân hoan quay cuồng trong biển ái nguồn ân.

"Ái tình! Tình ái! Càng yêu, họ lại càng khao khát; cũng tựa như đang uống nước mặn. Ái tình, tình thân ái, sự ái nhiễm đã nhắm mắt trước các khuyết điểm; chờ mong nơi tình ái, con người nuôi dưỡng ái tình. Đấy là bản thể của tình ái, đấy là con đường của tình ái." (Một bài thơ cổ của Miến-điện).

035.- Tham đã dẫn ta đến bốn nẻo ác bằng cách nào?

Cũng như một hòn đá thật nhỏ chìm từ từ xưống đáy nước, một sự tham lam nhỏ nhiệm cũng có thể lần lần dẫn ta đến bốn nẻo ác của Luân hồi, nếu ta chẳng được phước lành do các thiện pháp trước đã vun bồi. Bởi thế cho nên, có nhiều kẻ trở thành ngạ qủi (peta), những hồn ma đau khổ, cũng chỉ vì đã quá tríu mến vào vợ, vào chồng, vào con cái, vào sản nghiệp, khi đang hấp hối trên giường bịnh. Vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, một vị tỳ-kheo đã tái sanh làm con rận, chỉ vì khi chết đi còn quá quyến luyến chiếc áo cà sa mới. Trong kinh có nói rằng vị ấy được giải thoát khỏi kiếp con rận chỉ sau bảy ngày thôi.

036.- Tham chẳng đưa ta đến bốn nẻo ác, nếu đã có sẵn thiện pháp.

Tình thân (pema) và ái dục (tanha), cho dầu đã có sẵn sự ràng buộc, cũng chẳng phải luôn luôn đưa ta vào các nẻo ác, nếu chúng ta đã có tích tập các thiện pháp từ trước để yểm trợ. Một hòn đá quẳng xuống nước phải chìm, nhưng nếu được chở trên thuyền, thì lại có thể lướt qua khỏi dòng sông. Trong Kinh Jataka là Kinh nói về Tiền kiếp của Đức Phật, có kể lại nhiều trường hợp của những người, mặc dầu chưa tận diệt được ái dục và tình thân, vẫn có thể cùng hợp tác chặt chẽ với nhau để tuân trì các hạnh Ba-la-mật (Paramis, các đức hạnh toàn thiện).

037.- Điểm cần suy gẫm.

Sống chung nhau rất hoà hợp, đôi vợ chồng chẳng muốn rời nhau ra, đời đời kiếp kiếp; họ cùng nhau tuân thủ và thực hành các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện), và chứng đắc được Niết-bàn (Nibbana). Đó là trường hợp của vị phụ nữ hiền đức Sumitta đã phát nguyện lời mong ước được sống luôn bên cạnh Bồ-tát Thiện Huệ (Sumedha). Đó cũng là trưòng hợp của đôi uyên ương Mahakassapa và Bhadda. Họ đã cùng nhau tu tập các Ba-la-mật trong nhiều đại kiếp. Sự ao ước chung sống với nhau đó có phải, hoặc là chanda, sự mong muốn, hoặc là tanha pema, sự aíi dục, tình thân ái chăng? Ta cần suy gẫm về điểm nầy.

038.- Giải quyết sự phân vân.

Các nhơn vật nêu trong tiểu mục số 037, đều là nhựng vị có đầy đủ các đức hạnh cả. Sự ao ước được sống chung bên nhau của họ chỉ là sự mong muốn có tánh cách thiện pháp,kusala chanda, một sự mong muốn lành mạnh, chẳng hề vướng chút xấu ác nào. Họ lại là những người đạo đức cao, quyết tâm theo đuổi việc tu trì các Ba-la-mật. Đại Tạng Kinh có đoạn ghi: "Lời ước mong của kẻ có đức hạnh thường được thực hiện. Xuyên qua sự mong muốn (chanda), mọi việc đều được viên mãn." Do đó, ta có thể xác quyết được rằng, mặc dầu có thể họ còn ái dục (tanha) và tình thân (pema), nhưng sự mong muốn (chanda) mãnh liệt của họ là lời ước nguyện thiện lành, đã khiến cho họ được mãn nguyện.

"Ijjhati bhikkhave silavato cetopanidhi, visuddhatta."

"Này các tỳ-kheo, sự ước mong của kẻ đức hạnh luôn luôn được mãn nguyên vì tánh cách thanh tịnh." (Tăng Chi Bộ Kinh [Anguttara Nikaya])

039.- Nakulapita và Nakulamata.

Vào thời Đức Phật Thích-ca, có người gia chủ giàu sang tên Nakulapita và vợ của ông là bà Nakulamata. Cả hai đã sống bên nhau trải qua nhiều đời kiếp. Họ đắc quả vị Tu-đà-huờn (Sotapanna), kể từ khi họ đến yết kiến đức Phật lần đầu. Đôi vợ chồng nầy đã từng là bà con, hoặc chú, thiếm hoặc bác của Đức Phật, khi Ngài còn là Bồ-tát. Họ rất mến thương Đức Phật xem như con đẻ; cư xử rất thân tình và thường hỏi han nhiều điều. Một hôm, người chồng nói: "Thưa Tôn giả, tôi đã cưới Nakulamata làm vợ, từ ngày tôi còn trẻ. Từ bấy đến nay, tôi chẳng hề nghĩ đến sự phản bội đối với vợ tôi lần nào, nói chi là có sự ngoại tình. Tôi luôn luôn muốn được có mặt bên Nakulamata trong đời nầy và cả trong các kiếp sống luân hồi (samsara) nữa."

Khi nghe chồng nói như thế, bà Nakulamata liền thật tình thưa rằng: "Thưa Tôn giả, tôi đến sống chung với chàng trong ngôi nhà nầy của chàng, từ hồi tôi còn trẻ. Từ dạo ấy đến nay, tôi chẳng hề tưởng nghĩ đến ai khác cả. Tôi luôn luôn muốn sống bên cạnh chàng trong đời nầy và cả các đời sau của kiếp luân hồi."

Đức Phật bảo: "Nếu người đàn ông và người đàn bà sống chung nhau hoà hợp, muốn được ở mãi bên nhau trong nhiều đời kiếp, họ cần phải có chung một niềm tin (saddha), chung một giới đức (sila), chung một lòng nhơn từ bác ái (caga) và một trình độ ngang nhau về trí huệ (panna).

Lời Đức Phật có nghiã là: "Hễ người chồng có niềm tin thanh tịnh, thì người vợ cũng tin như vậy. Hễ người chồng giữ giới hạnh thanh tịnh thì người vợ cũng giữ gìn như thế. Nếu một trong hai người muốn bố thí, thì người kia cũng vui lòng và khuyến khích thêm. Trí huệ và kiến thức của hai người cũng phải ngang nhau."

Một đoạn trong Pancavudha Pyo, bài cổ thi Miến-điện, diễn lại ý trên, như sau: "Trong cõi người, nếu vợ chồng sống chung hoà hợp nhau và muốn được mãi mãi bên nhau, nếu họ có chung một niềm tin, chung một giới đức, chung một tấm lòng nhơn từ rộng rãi và chung một sự tín nhiệm vào nhau, thì họ sẽ được sống mãi bên nhau trong kiếp Luân hồi, chẳng khác chi với chư Thiên huy hoàng cùng ngự trong cung điện ở cõi Trời trải qua nhiều đời kiếp tái sanh."

040.- Ghi chú về câu chuyện Nakulapita và vợ.

Truớc hết, ta nên ghi nhận mối tình thấm thiết giữa đôi vợ chồng đã chứng đắc được quả vị Tu-đà-huờn (Sotapanna) là quả vị đầu tiên trên con đường tu tập theo Chánh pháp. Thành thật thương yêu nhau, họ chẳng hề nghĩ đến việc phản bội, thất tiết cùng nhau. Tâm thức họ thật thanh tịnh, họ rất quí mến nhau nên chẳng hề muốn có lúc phải rời nhau. Họ luôn luôn mong muốn được sống chung bên nhau đời đời kiếp kiếp trong cõi Luân hồi (samsara). Mặc dầu sự ước mong được chung sống bên nhau là một mong muốn, chanda, một tâm sở còn dựa trên các tâm sở ái dục (tanha), tình thân (pema) và tham lam (lobha), nhưng các tâm sở nầy của đôi vợ chồng có đức hạnh cao quí chẳng những chỉ có hiệu lực ràng buộc kết hợp họ lại với nhau mà thôi, lại còn nhờ vào sự tu tập tất cả các hạnh lành, nên đã đưa họ đến bờ an vui.

041.- Sự Phú tàng, che dấu, (Maya).

Trong một vài trường hợp, sự phối hợp giữa hai tâm sở tham lam ái dục (tanha lobha) được gọi là Maya, được tạm dịch là Phú tàng, tức là sự che dấu, Sự phú tàng cũng tựa như một tên phù thủy, một nhà ảo thuật trỏ vào viên đá mà khiến cho cử toạ tưởng đó là một khối vàng. Phú tàng che dấu các lỗi lầm, ác tâm của con người; kẻ bị tâm sở phú tàng ám ảnh luôn luôn muốn người khác tưởng rằng mình chẳng hề lầm lỗi, một bực toàn thiện, trong khi sự thật lại khác hẳn.

042.- Sự che dấu của một người đàn bà.

Một thời kia, có vị sư phụ và một người đệ tử. Vợ người đệ tử thường hay ngoại tình với một người đàn ông khác. Ngày nào mụ làm quấy, mụ lại tỏ ra chiều chuộng chồng hết mực. Nhưng đến những hôm mụ chẳng làm chuyện xấu hổ đó thì lại coi chồng như một tên nô lệ. Người đệ tử chẳng thể hiểu được thái độ khác thường của vợ, thắc mắc mà trình với sư phụ. Vị nầy liền giải thích rõ bản tính điêu ngoa của vợ y cho y nghe.

Ghi chú: Trong câu chuyện, vì muốn che dấu lỗi lầm của mình vào những ngày ngoại tình, mụ giả làm ra dáng thân yêu nồng nàn với chồng. Thái độ xảo quyệt, gian trá đó là sự phú tàng Trong vài trường hợp, thái độ lừa dối, che đậy đó được gọi là tankhanuppatti mana, sự lanh trí đúng lúc, (tankhana = vào ngay lúc ấy; uppatti mana = sự lanh trí.). Đó chẳng phải thật sự là có trí thông minh, mà chỉ là trí giả trá, sự lém lỉnh, thói láu cá mà thôi. Trí thông minh thật sự chỉ có được khi ta làm điều tốt.

043.- Một người vợ điêu ngoa.

Một người nội trợ kia thường hay thông dâm với tên đầy tớ trai. Một hôm người chồng bắt gặp vợ đang hôn hít đứa ở. Biết chồng đã thấy rõ cử chỉ bỉ ổi của mình, bà ta liền đến bên cạnh, thỏ thẻ: ‘Nầy anh yêu dấu, thằng nhỏ nầy bất lương; nó đã lén ăn mất phần bánh ngọt em dành cho anh. Em tra hỏi nó, nó chối bây bẩy, em mới ngửi vào miệng nó, mùi bánh còn ràng ràng đó. Mình phải đưổi nó ra khỏi nhà mới được."

Ghi chú: Trong câu chuyện, hành động hôn hít tên đầy tớ là một sự tội lỗi nặng nề. Ý tưởng gian ngoa đột nhiên khởi lên để lừa phỉnh và che đậy việc làm bậy bạ đó nào có phải gì khác hơn là sự phú tàng Chẳng những chỉ có phụ nữ mới che đậy, đàn ông cũng thường có tâm sở đó, khi lập mưu mẹo để phỉnh phờ.

044.- Sự phú tàng của một kẻ ẩn tu.

Tại một làng nọ, có một tu sĩ ẩn cư được sự sùng bái của một thí chủ trong xóm. Ông nầy vì sợ trộm cắp nên đem một trăm đồng tiền vàng chôn dưới đất gần cái am của ẩn sĩ và nói: "Thưa Ngài, xin Ngài hãy trông chừng giùm tôi" Vị ẩn tu liền đáp: "Nầy tín chủ! Đó chẳng phải là điều mà ông nên nhờ một kẻ tu hành làm."

Một ý tưởng đen tối khởi lên trong tâm kẻ ẩn tu: "Một trăm đồng tiền vàng cũng quá đủ cho ta sống trọn đời đầy đủ tiện nghi." Liền đào lên và đem dấu đi ở chỗ khác, trên một con đường mòn kín đáo. Sáng hôm sau, ăn lót lòng xong, ẩn sĩ đến nói: ‘Nầy thí chủ, tôi đã sống ở đây khá lâu, sanh lòng quá quyến luyến thí chủ, nên tôi cần phải dời đi nơi khác." Người thí chủ năn nỉ nhiều lần xin ông đừng đi, nhưng lời thỉnh cầu chẳng có hiệu quả; giờ đây, chỉ còn có cách là đi tiển nhà tu hành đến tận cổng làng.

Sau khi đi được một đỗi đường, vị ẩn tu liền quay trở lại và nói:"Nầy thí chủ hảo tâm, đây là một cọng rơm còn dính trên tóc tôi, tôi xin gởi trả lại. Một kẻ tu hành ẩn cư đâu nên cầm giữ những gì chẳng được cho mà lấy." Người thí chủ chất phác tin tưởng vào đức hạnh của ẩn sĩ, nên càng sùng kính hơn lên.

Tuy nhiên, lúc ấy, có một người khách rất thông minh đến nhà thăm, và hỏi: "Bạn có nhờ vị ẩn sĩ ấy giữ chừng một vật gì không? Nếu có, nên xem lại ngay." Khi soát lại chỗ chôn vàng thấy mất, người thí chủ cùng với người khách vội rượt theo và bắt được quả tang tên trộm.

Ghi chú: Trong câu chuyện, người ẩn tu trả lại cọng rơm, để che đậy tội trộm của mình; điều gian trá đó là sự phú tàng. Như thế, mưu mẹo gian xảo cũng được các người ẩn tu thi hành, mà ngay cả các vị sa môn (samanas, tu sĩ Phật giáo) cũng có phạm đến nữa; còn trong hàng các người chưa tập theo đạo pháp, sự lừa đảo, dối gạt ngày nay càng thấy nhan nhản. Số người đáng được tin cẩn hoàn toàn thật rất khó mà tìm thấy; nếu trong các đời trước ta có làm nhiều việc thiện lành thì trong đời nầy, ta mới mong được hợp tác với người chân thật, ngay thẳng.

045.- Các hình thức phú tàng nhiều đến vô số.

Ngoài các sự che dấu lỗi lầm của mình được kể trong các câu chuyện vừa qua, còn có rất nhiều mưu mẹo gian xảo khác nữa; chẳng hạn thình thịch giậm chơn xuống đất giả bộ bực tức, ấm ức, để chứng tỏ mình trong trắng, vô tội; hoặc dùng lời đe dọa cay đắng hay giọng tâng bốc ngọt ngào nào khác.

Những kẻ giảo quyệt thường được gặp trong các cộng đồng, các trú sở nơi mà nhiều người chung sống với nhau. Nếu có một kẻ phóng uế ban đêm tại một chỗ khuất, sáng ra làm gì mà y lại chịu nhận mình là tác giả. Nếu lỡ xì hơi thối, có kẻ lại chà mạnh lên tấm thảm để cho âm thanh của sự cọ xát phát ra lấn át được cái tiếng chẳng thơm tho gì của y. Đấy chỉ là một vài hình thức phú tàng thông thường; chẳng thể kể ra hết được, vì còn nhiều đến vô số.

046.- Sự khoa trương (Satheyya).

Song song với sự phú tàng (maya), sự khoa trương cũng cần nên cứu xét cẩn thận. Khi một kẻ tự khoe khoang rằng mình có được những đức tánh tốt và khiến cho người khác phải kính nễ mình, sự tham lam (lobha) đó được gọi là sự khoa trương (satheyya). Trong khi sự phú tàng che dấu các lỗi lầm và tự nhận mình chẳng có khuyết điểm nào, thì sự khoa trương (satheyya) lại tự gán cho mình những đức tánh tốt mà thật sự mình chẳng có được. Cả hai, phú tàng và khoa trương đều là mưu mô xảo quyệt gạt gẫm.

047.- Sự khoa trương nơi tu sĩ là sự tăng thượng mạn.

Giả cách là người đức hạnh, mặc dầu thật sự chẳng có đức hạnh; chưa thông hiểu mà tự cho là mình đã thuần thục; chưa chứng đắc mà tự hào rằng mình đã đạt được quả vị; các sự giả dối khoe khoang đó được gọi là sự khoa trương (satheyya), nhưng nếu ứng dụng vào trường hợp các người tu hành thì có tĩnh từ tăng thượng mạn. (Tăng thượng mạn = tăng (hơn lên) + thượng (cao) + mạn (kiêu kỳ)). Cho đến khi nào sự khoa trương giả dối còn chưa bị các tín đồ khám phá ra, tu sĩ tăng thượng mạn vẫn còn cảm thấy an toàn để thọ nhận sự cúng dường của các người ngoan đạo. Ngay cả khi họ có nhìn thấy phần nào sự lừa dối, họ cũng tặc lưỡi bỏ qua: "Đấy chẳng phải là mối quan tâm của chúng ta, cho dầu vị ấy có dối gạt hay không!"

048.- Sự khoa trương nơi người thế tục là sự tự tôn.

Nơi các người còn lăn lộn trong cuộc sống trần tục, sự khoa trương (Satheyya) khoác hình thức của sự tự tôn: chẳng có một tánh tốt nào mà tự nhận mình là người chơn thiện; chẳng tu tập đàng hoàng mà tự cho mình đã chứng được thiền định; còn dở dang trong việc học mà lại khoe chếm được bằng Cử nhơn, Cao học; chẳng môt đồng dính túi mà chưng diện theo đúng thời trang, v.v. đấy là các hình thức thường thấy của sự khoa trương nơi người đời

049.- Các tai hại của sự khoa trương giả dối.

Phú tàng (Maya) và khoa trương (Satheyya) tác hại còn nhiều hơn cả sự tham lam (Lobha) nữa. Các điểm sau đây chứng minh điều đó.

Các tu sĩ chẳng có giới đức, chẳng có định tâm, chẳng có trí huệ mà tự nhận bừa là mình đang có đầy đủ đức hạnh, đang chứng đắc thiền định, hay đang được thượng trí, sẽ phải chịu trầm luân mãi trong vòng Luân hồi (samsara). Các tín đồ, đã lỡ quy y nơi các tu sĩ đó, sẽ chẳng có tiến bộ trên đường tu học; các lễ vật cúng dường cho họ chẳng đem lại nhiều phước báu về cho thí chủ. Lại cũng có lắm kẻ giảo quyệt phô trương giả dối nào giới đức, nào thiền định, đã khiến cho nhiều thiếu nữ nhẹ dạ phải u sầu nuốt hận vì họ. Và cũng vì lối sống bất chánh cùng các hành vi bất thiện của họ, đã khiến cho dân chúng trong vùng chẳng thiết tha chi đến Chánh pháp.

Chẳng những các người được "gọi là cấp lãnh đạo", chẳng đủ sức chỉ huy mà tự nhận mình có tài lãnh đạo, đã phung phí tài sản và sanh mạng của dân chúng, họ lại còn có thể làm cho quốc gia bị nguy vong, đến mất cả chủ quyền.

Trong phạm vi gia đình, nhiều thiếu nữ quá tin vào sự phô trương khoác lác về tiền tài, về điạ vị của các chàng trai lừa dối, khiến cho các cuộc hôn nhơn chẳng đem lại hạnh phúc và thường chấm dứt trong sầu khổ.

Hơn nữa, nếu hai bên vì sự phú tàng (maya) mà che dấu các khuyết điểm của mình, vì sự khoa trương (satheyya) mà mạo xưng là giàu có, họ sẽ bị lộ liễu ngay sau một thời gian sống chung. Làm sao họ có thể yêu thương nhau đậm đà với một người hôn phối đã gạt gẫm? Làm sao họ có thể sống trong hạnh phúc bên nhau nếu chẳng có tình yêu thành thật? Muốn trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc, đâu chỉ thú vui xác thịt, lại còn rất cần tình yêu chơn thành nữa.

Hôn nhơn giữa hai người Phật tử chẳng phải chỉ có nghiã là sự phối hợp trong một đời hiện tại thôi đâu. Nếu họ sống hoà hợp, cùng nhau đến chùa làm lễ, cúng dường, làm việc lành, họ còn được hưởng phước báu do các thiện pháp mang đến cho họ cả trong các đời sau nữa. Nếu hôn nhơn bị hoen ố vì sự phú tàng và khoa trương giả dối, việc hành thiện của họ chỉ có bề ngoài, chẳng chút thành tâm bên trong, làm sao mang lại cho họ được sự an lạc chẳng riêng trong đời nầy mà cả những kiếp về sau trong vòng Luân hồi (samsara). Do đó, nếu muốn sống trong hạnh phúc hôn nhơn, con người cần phải dẹp bỏ các tâm sở phú tàng khoa trương, mới có thể thọ hưởng được đầy đủ và bền lâu các lạc thú gia đình.

Như thế, vì sự phú tàng và sự khoa trương hay lừa gạt một người hay nhiều người, có khi cả một nước như trường hợp các đạo nhơn cầm đầu các môn phái tà giáo tự xưng là Phật sống các tâm sở đó phải được xếp vào hạng bất thiện pháp hết sức xấu ác. Đối với bậc tu hành tự xem mình là người đức hạnh đang thực thi các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện), tưởng cũng nên thường thường quán chiếu tâm thức mình, đừng để cho cõi lòng bị các tâm sở xấu ác và giả dối đó làm hoen ố, nơi mình cũng như nơi những người có liên hệ với mình; và cố tập sao cho có được một tâm hồn luôn luôn thanh khiết, sáng suốt, hoạt bát, chơn thành và cao thượng.

(6) Tà kiến (Ditthi).

050.- Tà kiến (Ditthi) là gì?

Tà kiến (Ditthi) là sự thấy hay sự hiểu biết sai lầm, chẳng đúng theo Chơn lý. Tà kiến còn có nghiã là sự tin tưởng sai lầm nữa. Tà kiến lầm thấy nơi chẳng có ra nơi có, hoặc ngược lại, lấy nơi có làm nơi chẳng có; lầm xem chỗ lành làm chỗ quấy, hoặc ngược lại, lấy điều sằng làm điều thiện; lầm cố chấp, một cách độc đoán như một giáo điều, quan điểm sai lạc làm quan điểm đúng đắn, hoặc ngược lại, gìữ chặt quan niệm bất chánh làm quan niệm chánh đáng.

Tin tưởng rằng có đấng Tạo hoá toàn năng tạo ra vũ trụ và các sanh vật, trong khi thật sự chẳng có đấng nào như thế; tin tưởng rằng có một linh hồn, một tự ngã (atta)ở trong thân thể của mọi sanh vật, trong khi thật sự chẳng có như thế; đó là các sự tin tưởng sai lầm, các tà kiến (ditthi) đã lấy nơi chẳng có làm nơi có.

Tin tưởng sai lầm rằng làm gì có sự kiện mọi hành vi dầu tốt, dầu xấu, cũng chẳng đưa đến hậu quả về sau, trong khi thật sự việc đó vẫn xảy ra; tin tưởng sai lầm rằng chẳng có quả báo của nghiệp lực (kamma) trong khi trên thực tế con người vẫn hưởng phước lành hay gánh chịu hoạ ác về nghiệp báo (kamma) dưới nhiều hình thức; tin tưởng sai lầm rằng chẳng hề có cõi an vui của Niết-bàn (Nibbana), mặc dầu thật sự có sự hiện hữu của cảnh giới Niết-bàn với sự tận diệt của mọi khổ đau về vật chất và tinh thần; tin tưởng sai lầm rằng chết là hết chẳng còn có đời sau gì nữa cả, mặc dầu thật sự bánh xe luân hồi sanh tử, tử sanh chẳng hề ngưng cho đến khi chứng đắc được Niết-bàn. Các sự tin tưởng sai lầm đó đều là tà kiến đã lấy điều thật sự có làm điều chẳng hề có.

Sau đây là các tà kiến, tin tưởng sai lầm lấy điều sằng bậy làm điều đứng đắn;

- Giết sanh vật để cúng tế gọi đó là cầu phươc báo;

- Tắm rửa khi trời thật lạnh; ngồi nung người giữa bốn đống lửa vào buổi trưa thật nóng; giữ tư thế đi, đứng, ngồi, nằm, giống như con bò, con chó; gọi đó là những hạnh lành để thanh lọc thân tâm;

- Giũ sạch các hành vi bất thiện cho trôi theo nước sông Hằng vào đúng giờ nào đó, được tin là một cách tốt để rửa hết tội lỗi.

Ngược lại, tà kiến cho rằng bố thí (dana), trì giới (silas) và quán tưởng (bhava) chẳng hề dẫn đến Niết-bàn, là một tà kiến lấy điều chơn thật làm đìều giả dối.

Tâm thức ai bị tà kiến ám ảnh được gọi là tà tâm (ditthicitta) và người mắc tà kiến được gọi là kẻ tà giáo (micchaditthi).

(7) Kiêu mạn (Mana)

051.- Kiêu mạn (Mana) là gì?

Kiêu kỳ, ngạo mạn được gọi là Kiêu mạn (Mana). Những kẻ có tâm thức kiêu mạn thường tự đại và khoe khoang, vác hất mặt lên đối với kẻ khác. Khi họ hơn người về điạ vi, tài sản, kiến thức, sức khoẻ, v.v., họ tự coi mình là cao nhứt và khinh khỉnh nhìn xuống kẻ khác. Khi họ ngang hàng với kẻ khác về điạ vị, tài sản, v.v., thì họ lý luận như vầy: "Mấy người ấy đâu có hơn khác gì ta, ta cũng có những vật mà họ có," rồi ưỡn ngực lên tự hào. Khi điạ vị, tài sản, kiến thức, sức khoẻ, v.v. của họ thấp kém hơn kẻ khác, họ lại lý luận như vầy: "Ta đâu cần lưu tâm đến điạ vị cao sang, tài sản dồi dào của họ làm gì, ta chỉ ăn những gì ta đang có; những gì ta làm ra đây cũng đủ, sao lại đi quỳ lụy kẻ khác làm gì?".

052.- Các hình thức thông thường của Kiêu mạn và cách dẹp bỏ chúng.

- Ỷ sang (Jati mana): quá hãnh diện về dòng dõi hay giai cấp được gọi là ỷ sang trọng. Ngày nay cũng có nhiều người nổi tiếng về dòng dõi cao sang. Tuy nhiên, sanh trong dòng dõi cao sang chẳng phải là lý do để các bậc ấy trở nên kiêu mạn, hợm hĩnh xem kẻ khác đáng khinh, thấp kém hay thuộc giai cấp hạ tiện. Nếu đã được sanh trong hàng quí tộc hay có dòng máu hoàng gia, lại tỏ ra lễ độ, nhún nhường, nhã nhặn, họ lại càng được kính trọng và mến yêu thêm. Có kẻ chỉ trích rằng: "Sự thân mật suồng sã thường đem đến sự khinh lờn"; điều nầy cũng đúng, nhưng đó là lỗi của kẻ thô lỗ, họ sẽ phải hứng chịu hậu quả của hành vi lỗ mãng, còn chúng ta chẳng nên ỷ lại về dòng dõi, giai cấp mà trở nên kiêu mạn.

- Ỷ giàu (Dhana mana): người khoe khoang về của cải được gọi là ỷ giàu (Dhana mana). Ngày nay có nhiều người mới được dư chút đỉnh tài sản đã ngoảnh mặt đối với kẻ nghèo; họ cứ tưởng mình đã giàu nứt đố, đổ vách; biết đâu rằng: "Chưa thấy được giang hà, cứ tưởng lạch con là sông cái", như một câu tục ngữ thường nói. Nếu họ biết mở rộng tấm lòng thân ái đối với người nghèo khó, họ chẳng được tôn kính thêm sao? Rồi biết đâu đôi khi họ lại cũng được chính người nghèo cứu giúp cho trong cơn nguy hiểm? Một gương mặt vui tươi, một lời nói thân thiện là những liều thuốc rất công hiệu cho người đang trong cơn cùng khổ.

Thế nên, sự giàu có là do phước báo tu tập thiện căn bố thí trong các đời trước, ta chớ ỷ lại vào đó mà trở nên kiêu mạn, để phải chịu các hậu quả sanh vào nơi thấp kém trong các đời sau. Người giàu có cần nên cố gắng giữ thái độ đứng đắn để được lòng tín nhiệm của mọi người và rán sức giúp đỡ đồng loại. Sự nghiệp giàu sang trong đời nầy vẫn có nhiều nguy hiểm đang chờ sẵn đấy. Ngay khi chẳng có hiểm nguy đi nữa, ta cũng chỉ có thể hưởng sự giàu có lâu dài lắm là một đời mà thôi.

"Sự giàu sang của vua chúa, ngự trong cung vàng điện ngọc, trần thiết huy hoàng, được đại thần và cung phi chầu chực bao quanh, nào có khác chi một bọt nước, hiện lên trong chốc lát, trên mặt biển đại dương." (Anantasuriya).

- Ỷ học giỏi (Panna mana): sự kiêu mạn của con người trí thức được gọi là ỷ học giỏi. Kiến thức là một tích sản dùng để chỉ dạy lại cho kẻ khác những gì nên làm, những gì cần tránh, cùng các điều phù hợp với văn hoá và sự giao tế trong xã hội. Tuy nhiên, quá hãnh diện về học thức và bằng cấp lại là một sự ỷ tài đáng thẹn. Sự học vấn chỉ là những điều hiểu biết đã thâu lượm được từ nơi người khác, đó chẳng phải là một sự thành tựu độc đáo gì; bất cứ ai nếu đủ cơ duyên thuận tiện gặp được một vị minh sư cũng đều học được cả.

Mỗi khi gặp người chậm lụt, thất học, chúng ta chớ nên quá tự hào về học vấn của mình, trái lại nên nhã nhặn tìm cách chỉ dẫn thêm cho họ. Thuở xưa, có một vị đại đức trưởng lão rất nổi tiếng thành thạo về kiến thức thế tục và thuần thục cả về Kinh điển giáo lý, đó là vì trong kiếp trước, Ngài đã kiên nhẫn dạy bảo mọi người. Vì thế,ngày nay chúng ta nên đem sở học ra giúp đỡ đồng loại, đó chính là biết tạo thêm điều thiện lợi cho các đời sau trong cõi Luân hồi.

053.- Hai cách tu học.

Xin khỏi bàn đến việc học tập về nghề nghiệp để mưu sanh trog cuộc sống thế tục. Riêng về các tỳ-kheo (bhikkhu) đang tu học về giáo pháp trong Kinh điển Pali, có hai đường lối học tập: con đường thấp kém và con đường cao quí.

- Con đường thấp kém: Học tập Kinh điển Pali với tấm lòng tham lam, sân hận và kiêu mạn, học tập với hi vọng: "Khi tôi được thấu hiểu thuần thục Kinh điển, tôi sẽ nổi danh, số người thí chủ đến với tôi sẽ tăng lên nhiều, tôi sẽ được cung cấp nhiều thực phẩm ngon, y trang đẹp, ngay cả được cúng một tu viện nữa; tôi đâu còn cần phải dựa vào các bạn đồng tu nào khác; tôi có muốn làm gì mà lại chẳng được, v. v..." Sau khi đã tu học xong, vị ấy theo con đường hằng mong ước, thu thập các lợi dưỡng và danh vọng, khoe khoang sự học đạo của mình. Tu học Kinh điển vì lợi danh như thế để kiêu mạn, chỉ có thể đưa đến các nẻo ác đạo trong đời sau mà thôi; đấy mới thật là con đường quá thấp kém vậy. Trong Kinh có câu: "Chẳng thà gát chân nằm ngủ ngáy khò, còn hơn tu học với tâm niệm xấu ác".

- Con đường cao quí: Một vị tỳ-kheo học tập Kinh điển Pali với niềm hi vọng: "Nếu tôi lãnh hội được các kinh đìển Pali, tôi có thể thật sự thông đạt Chánh pháp và sau nầy truyền dạy lại cho kẻ khác; tôi sẽ noi theo tấm gương nêu trong văn kinh Đại tạng mà nhiếp phục, tu chỉnh và thanh tịnh tâm thức tôi để trở nên cao thượng." Vị ấy tu học chẳng vì lợi danh, chẳng vì muốn gây ấn tượng tốt về mình đến các thí chủ, mà chỉ nhắm vào mục tiêu cao thượng. Cách tu học như thế chắc chắn sẽ đưa đến việc chứng đắc các cảnh giới cao hơn.

Một số các tỳ-kheo bắt đầu học tập kinh điển với mục đích để đỗ đạt trong các kỳ thi bắt buộc, hoặc để chiếm các văn bằng; nhưng càng ngày càng thấm nhuần giáo lý, tâm thức họ trở nên cao thượng hơn. Cũng tựa như nước lúc mới tới nửa lu thì còn sóng sánh, nhưng khi lên cao đến vành lu thì trở nên phẳng lặng, những người tu học cũng thế, khi đã thấm nhuần giáo pháp rồi, họ sẽ cất bước theo con đường cao quí. Cầu mong các vị tỳ-kheo trẻ tuổi sớm chọn con đường nầy để trở thành các bực tu hành vừa thông thái vừa cao thượng!

054.- Kiêu mạn về sắc đẹp.

Người kiêu mạn quá tự đắc về sắc đẹp thể chất, về hình dong mỹ miều, của mình, được gọi là người đẹp. Chính nhờ đã thoát khỏi sự sân hận (dosa) trong các kiếp trước, và dâng hoa cúng dường, quét chùa hay dọn dẹp phòng ốc nơi tu viện, mà kiếp nầy mới được thân hình đẹp đẽ.

Ai cũng có thể hãnh diện về sắc diện khả ái của mình. Tuy nhiên, khi nghĩ đến quá khứ của mình và nhớ rằng nhờ đã thoát được sự sân hận, nhờ đã từng dâng nước, cúng hoa, v.v. mới có được thân tướng đẹp trong đời nầy, thì ta cũng chẳng nên quá kiêu mạn; trái lại nên tiếp tục thi hành các việc thiện, nuôi dưỡng tư tưởng tốt và tỏ ra khả ái, có đức hạnh thêm lên .

Ghi chú: Các vị đã chứng đắc Niết-bàn (Nibbana) rất xứng đáng để hãnh diện.

Trong số đó, có nhiều vị đã từng là dòng dõi quí tộc, vua chúa. Trong lịch sử các Tiền kiếp của đức Phật, Bồ-tát Mahosadha nổi tiếng về trí huệ; bên nữ phái, có các trang tuyệt sắc diễm kiều như các bà Uppalavanna, Khema, Yasodhara, dòng dõi đã cao sang, vẻ đẹp lại sắc sảo mà trí huệ cũng siêu quần; nhưng các bậc ấy chẳng hề kiêu mạn. Trái lại, nơi bọn thường dân vừa chiếm được chút ít địa vị, gây được chút ít tài sản, có được chút ít sắc đẹp, đã vội khoa trương lên để hãnh diện. Điều đó cũng như câu tục ngữ thường nói: "Ở trong buội lau rậm rạp, cây thầu dầu mới tự xưng là chúa loài thảo mộc!", đáng hổ thẹn thay!

Kẻ kiêu mạn, kẻ khoe khoang, kẻ cao ngạo, tất cả các kẻ ấy đều bị người khác chê ghét; và vì lối sống khinh mạn đó mà họ sẽ tái sanh vào những nẻo ác của Luân hồi. Vì thế, ta nên bứng nhổ hết gốc rễ của sự kiêu mạn và tập tánh nhũn nhặn, khiêm nhường, "giống như con rắn đã nhổ mất răng nọc độc, tựa như con trâu đã bẻ gãy đôi sừng nhọn, y như tấm thảm bị các bàn chơn dính bùn chà đạp lên," mới mong đời sau được sanh vào các cảnh giới cao hơn.

(8) Sân hận (Dosa).

055.- Thế nào là Sân hận (Dosa)?

Sự căm giận hay sự bạo hành của tâm thức được gọi là sân hận (dosa). Sân hận chẳng những có tánh cách bạo động mà còn làm cho tâm thức bị cấu nhiễm. Sân hận khiến cho con người vừa lỗ mãng, cuồng dại, lại vừa chán chường, bạt nhược vì mặc cảm tự ti, sống trong lo âu và sợ hãi.

Nói cách vắn tắt, sự phiền muộn, sự than vãn, sự sợ hãi, sự chán chường, sự giận hờn, sự hiềm thù, sự đe doạ kẻ khác bằng lời thô lỗ, bằng động tác bạo hành hay với ý định muốn giết hại, tất cả đều được gọi chung là những hình thức của sân hận (dosa).

Vì sân hận vừa là bạo hành lại vừa là sợ hãi, cho nên người đang hung giận lại là kẻ dễ bị kinh khủng. Nên cẩn thận đề phòng những hạng người ấy. (Sự bạo hành là một hình thức sân hận đang bùng cháy lên, còn sự sợ hãi là một hình thức khác của sự sân hận đang chìm lắng xuống.)

056.- Câu chuyện một người thiếu nữ.

Câu chuyện xa xưa nầy, xảy ra ở Ấn độ, kể lại cuộc đời của một thiếu nữ khổ đau vì sân hận, chẳng những nhắm vào mục đích giải thích rõ ý niệm về sự sân hận mà còn muốn cảnh cáo các bậc làm cha mẹ đã ép buộc con cái trong các cuộc hôn nhơn thiếu sự ưng thuận và tình yêu giữa nàng dâu và chàng rể.

Đôi thanh niên và thiếu nữ trẻ trung trong câu chuyện nầy chưa hề quen biết nhau. Họ được cha mẹ hai bên sắp đặt và giàn xếp để buộc họ phải kết hôn cùng nhau. Mặc dầu cô thiếu nữ là một người con gái gia đình rất đàng hoàng, chu tất mọi bổn phận của người nội trợ một cách hoàn hảo, nhưng chàng thanh niên lại chẳng biết ngợi khen và chẳng hề tỏ chút tình yêu thành thật nào với vợ. Nàng bắt đầu thất vọng vì chàng đoái hoài gì đến sự chăm sóc âu yếm của nàng. Lòng nàng phiền muộn và lắm khi rất chán chường. Chồng nàng đã chẳng yêu nàng, thấy vẻ nàng ủ dột, lại càng thêm ghét và càng trở nên hung bạo hơn. Mặc dầu bất mãn với thái độ của chồng, nàng vẫn tiếp tục làm tròn bổn phận người vợ đảm đang.

Tuy nhiên, lòng nàng đâu phải là gỗ đá trơ trơ, cũng có tình cảm như mọi người, cho nên đã nhiều lần nàng định quyên sinh. Nhưng dầu phải thất vọng mà cam chịu sự bất nhã, sự thiếu hạnh phúc và sự lo sợ, nàng vẫn kéo dài cuộc đời cho đến khi sanh ra được hai đứa con. Rồi sau cùng, đến khi chẳng còn kham nhẫn nổi gánh nặng khổ tâm ngày càng đè trĩu trong lòng, nàng mới viết một bức thơ gởi cho chồng, bấy giờ còn đang bận việc làm ăn ở xa. Lời thơ như vầy:

"Hởi đấng trượng phu! Mặc dầu đã tuân lịnh mẹ cha mà về làm vợ chàng, em cũng đã cố gắng hết lòng để mến thương chàng và để chinh phục tình yêu của chàng. Nhưng mọi việc đều thất bại. Em luôn luôn bị buộc tội là đã lừa gạt và che dấu lỗi lầm của mình. Tuyệt vọng, nhiều lần em đã quyết định quyên sinh, nhưng cũng vì hai đứa con, nên mới còn sống đến ngày nay. Nhưng bây giờ có sống thêm nữa cũng chẳng ích lợi gì. Sau khi viết xong thơ nầy, em sẽ bỏ thuốc độc vào thức ăn để chấm dứt cuộc đời của ba mẹ con em."

Đọc qua bức thơ, người chồng nghĩ lại thiện tâm, thiện chí của nàng, vội quay trở về, để nhìn thấy ba thi thể nằm bất động. Quá hối hận, chàng cũng tự sát theo.

Trong câu chuyện, sự oán hờn nhau rất là rõ rệt. Khi một người đàn ông lâm vào tình trạng ấy, tưởng cũng nên tỏ ra có tấm lòng cởi mở, và biết đối xử thật tình và tử tế với vợ mình.

057.- Sự vô ơn (Makkha).

Liên quan đến sự sân hận (dosa), có các tâm sở như: sự vô ơn (makkha), sự ác ý (palasa), sự ưu sầu (sorrow), sự than vãn (parideva), sự khổ đau (dukkha), sự thống khổ tinh thần (domanassa), và sự căm gan (upayasa). Vì chúng rất thường thấy nơi tâm trạng con người thế tục, cho nên ta cần cứu xét các tâm sở nêu trên cùng một lượt với sự sân hận.

Trước hết là sự vô ơn (makkha) của những kẻ chẳng biết nghĩ đến, hay ghi nhớ đến công ơn của những ngưòi đã cứu giúp họ. Có rất nhiều người đã thi ơn cho ta ngay từ lúc còn tấm bé, nào công cha, nghiã mẹ, ơn thầy, tình bạn; thế mà có kẻ lại nhẫn tâm thốt lên lời phụ bạc: "Nào có ai đã làm điều gì tốt đẹp cho tôi đâu; tôi cần gì phải biết ơn!" Nhắm mắt trước các công đức đó, chính là người vô ơn.

Một số người chẳng những nhắm mắt trước sự thi ơn của kẻ khác, mà lại còn có hành động xấu ác đối với những bậc ơn nhơn của mình nữa; ta gọi họ là những kẻ phản bội vong ơn (mittadubbhi), những kẻ lấy ơn làm oán. Nhận ơn của ai, thì phải ghi nhớ mãi, xem đó như một món nợ, còn hoãn đấy chưa trả xong. Đến khi có dịp đền đáp lại, ta phải sốt sắng thi hành ngay với cả một tấm lòng biết ơn.

Ghi nhớ về Chánh pháp: ‘Nếu ngồi trú ẩn dưới một cội cây, xin đừng bẻ gãy cành to hay nhánh nhỏ. Kẻ nào bứt nhánh, bẻ cành, đó là kẻ vô ơn.

058.- Chuyện người con có hiếu với mẹ.

Tại một thị xã kia, có một chàng thanh niên nghèo siêng năng làm mướn để nuôi người mẹ goá bụa. Mẹ chàng là một người đàn bà trắc nết, dan díu thầm lén với tình nhơn. Bạn bè chàng trai hay được chuyện đó, thấy tội nghiệp cho chàng, nên mới mách việc gian dâm đó cho chàng biết. Tuy nhiên, chàng thanh niên nói: "Hãy cứ để mẹ ta được vui thú; dầu bà có làm gì đi nữa, ta cũng vẫn luôn luôn chăm sóc đến bà." (Con trai, con gái mà biết hiếu thảo với mẹ cha như thế thật là hiếm có, cũng như khó thấy được các bực phụ huynh hoàn toàn đứng đắn.)

Ghi chú: Trong câu chuyện nầy, sự vô luân của người mẹ là gánh nặng của riêng bà. Bổn phận phải phụng dưỡng mẹ là nghiã vụ của người con. Khi chăm sóc một người mẹ goá, con cái chẳng có quyền tự xem mình như đang lo lắng cho em cháu vậy; trái lại, người con phải luôn luôn tưởng nghĩ là mình đang đền đáp lại một công ơn to tát mà mình đã nhận từ lúc được sanh ra. Bởi thế cho nên, thiện nam, tín nữ nào muốn được phước báo trong đời nầy và cả các đời sau nữa trong cảnh Luân hồi (samsara), phải cố gắng lo báo đáp món nợ sâu dầy sanh thành và dưỡng dục đó. Trong lịch sử Tiền kiếp của đức Phật, khi Bồ-tát còn là một con bạch tượng trong một kiếp sống thật xa xưa, cũng đã biết cách báo ơn cho voi mẹ. Số là voi mẹ bị mù, voi con lo chăm sóc mẹ, lại rủi bị vua bắt. Chú voi trắng nhứt định chẳng chịu ăn uống gì, sau cùng vua phải thả ra, cho về với voi mẹ.

059.- Ác ý (Palasa).

Chữ Palasa đã được tạm dịch ra là ác ý. Đây là một tâm sở của người hay cạnh tranh với kẻ trên mình, chẳng hề chấp nhận có ai giỏi, ai hay, ai cao hơn mình về giới đức, về thiền định, về trí huệ, về giàu sang, về sắc đẹp, về lịch sự. Người ấy ganh đua với kẻ khác và nói: "Nào có gì khác giữa họ và ta đâu?", mặc dầu anh ta biết rõ mười mươi là mình vẫn còn kém cỏi. Nhưng y sẽ chẳng có ác ý ganh ghét, nếu bụng y thành thật lầm tưởng là y đã có đủ các đức tánh mà y đang tranh hơn thua.

060.- Sự ưu sầu (Soka).

Sự ưu sầu (soka) là một tâm trạng đau buồn khi gặp cảnh khổ sở. Khi sự ưu sầu khởi lên trong tâm, tâm sở oán ghét thường được đi kèm theo. Vì thế ưu sầu cần được tìm hiểu cùng với với sự hờn ghét. Con người thường ưu sầu trước cái chết của người thân, hoặc khi mất mát của cải, hay khi bạn hữu gặp phải rủi ro.

Tâm sở ưu sầu đôi khi bị lầm lẫn với tâm sở lo âu, vì cùng là sự đau khổ về tinh thần (domanassa). Ta thường lo âu về sức khoẻ của người thân; lo âu khi người thân sao đến giờ nầy còn chưa về đến nhà, lo âu về con cái, v.v. Các sự lo âu đó chẳng phải là sự ưu sầu (soka) được nói ở đây. Sự lo âu nằm trong ý tưởng: "Rồi đây, sau khi tôi chết đi, chẳng biết chúng sẽ ra sao, có gặp phải khó khăn gì hay không"; đó chẳng phải là tâm sở ưu sầu thật sự, mà chỉ là một sự bất an, lo lắng trong tâm mà thôi.

061.- Ưu sầu và lo âu có đem lại lợi ích gì cho ta chăng?

Các mối ưu sầu và các sự âu lo vừa kể trên, thật ra, đều là những trạng thái bất an, khó chịu của tâm thức. Chúng tạo nên mối nguy hiểm cho tâm thức, khiến tâm thức trở nên căng thẳng, đau buồn và bị nung nấu, vì thế chúng chỉ có hại mà thôi. Bởi thế, người khôn ngoan chẳng bao giờ để cho sự lo âu, mối ưu sầu xâm chiếm lòng mình, mà phải tìm cách ngăn chặn chúng lại, bằng sự tỉnh thức (sati) và sự chuẩn bị trước để đối phó với các nghịch cảnh. Thí dụ như, bậc làm cha mẹ lo âu cho sức khoẻ của con cái, thì nên chăm sóc về sự dinh dưỡng của chúng hằng ngày, hoặc khi chúng có đi xa, chuẩn bị đầy đủ phương tiện cùng thể thức di chuyển. Nếu các bịnh tật chẳng thể tránh được có xảy ra, thì nên gọi ngay bác sĩ, hơn là chần chờ lo âu vô ích.

Nếu chuyến đi xa đầy nguy hiểm, thì cha mẹ nên ngăn cấm chẳng cho con cái đi. Nếu chúng cần phải tới một nơi khó khăn nào đó, thì nên có các biện pháp đề phòng trước, như chọn một người lớn để hướng dẫn và bảo vệ chúng. Chuẩn bị và đề phòng như thế rồi mà rủi tai nạn xảy ra, bị thương hay chết chóc đi nữa, do chúng đã cãi lời dặn dò, cha mẹ cũng chẳng nên tỏ ra quá ưu sầu hay hối hận. Tuổi trẻ ngày nay thường hay cang cường, ít nghe người lớn dạy bảo, khuyên nhũ, rồi hành động liều lĩnh để phải lâm nguy, bậc làm cha mẹ có nên vì đó mà quá ưu sầu, lo lắng chăng? Các phụ huynh và thầy giáo cần nên suy gẫm về điều nầy.

062.- Sự than khóc (Parideva).

Khi than vãn và khóc lóc, ta gọi chung là có tâm sở than khóc (parideva). Sâu tận nơi gốc rễ của việc than khóc, đã nằm sẵn hai tâm sở sân hận (dosa) và thống khổ về tinh thần (domanassa). Đa số người đời ưu sầu và than thở khi họ nhìn thấy sự sụp đổ sắp đến của địa vị, danh tiếng, quyền thế, sự nghiệp, tài sản.

Họ mất tinh thần, chán nản, rồi khóc than, đó cũng là một tâm sở ưu sầu, một hình thức của sự đau khổ vể tinh thần (domanassa). Khi con người chẳng có thể kềm chế nổi sự ưu sầu, thì bật lên tiếng khóc lóc và lời than thở; người ta gọi đó là "ngọn lưả ưu sầu" đã đốt cháy tâm can, khiến cho mặt mày trở nên ủ dột, lệ tràn đầy mi, giọng thở than thống thiết.

063.- Khóc than có ích lợi gì chăng?

Cũng như tâm sở lo âu, sự khóc than chẳng đem lại một sự ích lợi nào cả. Khóc thương một người thân đã chết bất thình lình là điều tự nhiên, ta chẳng nên chê trách. Ngay cả Tôn giả A nan (Ananda) cũng đã khóc sướt mướt khi Đức Phật Thích-ca nhập Niết-bàn (Nibbana). Nhưng ngày nay lại có nhiều kẻ cất to tiếng khóc, vừa để tỏ sự mến tiếc, vừa để thu hút lòng trắc ẩn của người chung quanh. Tiếng khóc lóc thảm thiết cùng với giọng kể lể ray rứt thường làm não lòng người nghe; vì vậy, ta chẳng nên làm như thế. Khóc ngất lịm đi, thật ra, chứng tỏ thiếu sự tự chế, chẳng biết kềm lòng. Hãy cố gắng làm chủ lòng mình bằng cách quẹt nhanh giọt nước mắt. Hãy noi gương trầm tĩnh của các bậc hiền giả điềm nhiên trước các sự mất mát to lớn.

064.- Sự điềm nhiên của vị Bồ-tát, tiền thân của Đức Phật.

Trong một kiếp sống xa xưa của Đức Phật khi còn là vị Bồ-tát (Bodhisatta), đôi vợ chồng Ngài đã từ bỏ sản nghiệp to lớn để trở thành hai kẻ ẩn tu sống trong rừng. Bà là một trang tuyệt sắc, hiền đức, ai trông thấy cũng tỏ lòng mến phục.

Sau một thời gian cư trú trong rừng, bà lâm bịnh nặng, vì phải dùng hoa quả còn sống và vật thực cúng dường, thay vì các món sơn hào hải vị đã quen được cung phụng ngày trước. Bà mắc chứng kiết lỵ và gần kiệt sức. Bồ-tát dìu vợ quay trở về và dừng lại ngoài cổng thành. Bà được đặt nằm bên vệ đường, trong khi Bồ-tát cầm bình bát đi khất thực. Bà trút hơi thở cuối cùng trước khi Bồ-tát quay lại. Dân chúng trong thành trông thấy thi thể, ngậm ngùi khóc than thương tiếc, mặc dầu họ chẳng phải là thân thuộc của bà. Họ lại sửa soạn làm lễ an táng cho bà.

Vào lúc ấy, vị Bồ-tát đã khất thực xong về đến nơi, chứng kiến cảnh mất mát bất ngờ và to tát của mình. Thay vì để lộ vẻ đau buồn cùng tột và cất tiếng khóc to, Bồ-tát lặng lẽ ngồi bên thi thể vợ, lấy cơm ra ăn sáng. Ngài điềm nhiên ngồi ăn trong khi các người chung quanh khóc than rền rĩ. Sau khi ăn xong, Bồ-tát liền giảng một bài pháp khuyến dạy các người nghe cách dập tắt ngọn lửa của sự u sầu khóc than (parideva) đang nung cháy cõi lòng của họ.

065.- Bà Mallika, phu nhơn vị tướng lãnh Bandhula.

Một câu chuyện lý thú khác, liên quan đến bà Mallika, phu nhơn của Tướng Bandhula. Tướng Bandhula phục vụ dưới triều vua xứ Câu tát la (Kosala); hai ông bà có được mười sáu đôi con trai song sanh (ba mươi hai người con). Các vị công tử nầy thường cùng với tôi tớ, đến hoàng cung để yết kiến vua.

Thấy gia đình đông con hùng mạnh nầy, vài quan đại thần tỏ lòng ghen tị và bịa chuyện ra sàm tấu với vua. Họ tâu gian rằng tướng Bandhula cùng các con đang bầy mưu phản nghịch. Trong một lúc bất minh, thiếu sáng suốt, vua tin lời tâu gian và ra lịnh bao vây nhà vị tướng lãnh Bandhula, bắt hết cả cha và các con đem thiêu sống, rồi lại đốt cả dinh thự.

Ngày hôm sau, khi bà Mallika sắp dâng cúng lễ vật lên Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta), bà mới nhận được tin sét đánh đó. Tuy nhiên, bà Mallika vẫn giữ thái độ trầm tĩnh, chẳng để lộ vẻ đau buồn khổ sở. Sự mất mát thật là to tát, thế mà bà vẫn chẳng chút khóc than, bình tĩnh hoàn tất công việc tạo phước cúng dường.

Ghi chú: Trong hai thí dụ vừa kể, trường hợp vị Bồ-tát ẩn tu, ta chẳng lấy làm ngạc nhiên chi cho lắm, vì Ngài đã thi hành các pháp Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện) qua nhiều kiếp sống rồi. Tâm tư Ngài đã được đào luyện kỹ càng và già dặn đến mức tuyệt kỹ, cho nên Ngài giữ được thái độ điềm nhiên cũng chẳng quá khó. Nhưng đối với cảnh bà Mallika, ta phải nên thán phục và noi theo gương bà. Bà là người phái yếu, dễ xúc động, thế mà biết giữ được sự bình tĩnh với ý tưởng cần phải hoàn tất việc cúng dường còn đang diễn tiến. Trong cuộc đời, chúng ta phải đối phó với hàng trăm ngàn việc khó khăn, dầu cho sống hơn trăm tuổi cũng chẳng giải quyết hết được. Bởi thế cho nên, ta phải cố gắng, bằng mọi cách, vượt lên trên nổi thống khổ, niềm ưu sầu cùng sự khóc than kể lể. Trong những phút đau buồn sầu khổ, ta nên quán chiếu như vầy: "Sự tập luyện về hạnh Ba-la-mật (Paramis) của tôi đã đầy đủ đến mức nào rồi?". Một nghịch cảnh khổ đau chính là một cơ hội để mình trắc nghiệm lại sức nhẫn nhục Ba-la-mật của mình.

066.- Đau khổ vật chất (Dukkha) và thống khổ tinh thần(Domanassa).

Đau đớn về thể xác gọi là đau khổ vật chất (Dukkha); khổ sở về tâm linh gọi là thống khổ tinh thần (Domanassa). Mọi người ai cũng cảm thấy sự va chạm và các nổi khó khăn cực khổ trong việc mưu sanh. Các sự khắc khe gây nên cực nhọc về thể chất và mệt mỏi. Trên cõi đời nầy, ta thường nghe than thở: "Khổ a! Khổ quá đi thôi!" khi có người đang chịu đau đớn về thân xác. Nhưng ta chẳng thể nào tránh khỏi được sự thống khổ về tinh thần, khi thể xác đang bị đau đớn. Đức Phật khi còn là Bồ-tát (Bodhisatta), trải qua vô số kiếp, đã biết bao phen hứng chịu sự đau khổ về thể xác; Ngài đã chịu đau đớn trong các kiếp làm Mahosadha và Vessantara. Nhưng Ngài đã có quyết tâm đi tìm lối giải thoát cho con người ra khỏi cảnh khổ đau của Luân hồi (Samsara). Với lòng đại từ đại bi và quyết tâm kiên cố, Ngài đã vượt thoát khỏi mọi nỗi thống khổ tinh thần.

Các sự lo âu, sự chán chường, sự thất vọng, sự tuyệt vọng, có liên quan đến tâm thức, được gọi chung dưới danh từ là các sự thống khổ tinh thần (domanassa). Đây cũng là các thứ bịnh hoạn gây ra cho tâm thức phải hứng chịu. Một vài người có phản ứng như vầy: "Thôi đi! Đừng nói về kẻ ấy nữa; chỉ nghe nhắc đến đã làm cho tôi khổ lắm rồi đây!" Thống khổ tinh thần có thể gây thêm đau đớn về thể xác, có khi lại không. Trên đời nầy, có nhiều kẻ giàu sang tột bực, của cải đầy dẫy mà vẫn phải chịu đau khổ về tinh thần. Đìều đó chứng minh cho Chơn lý Khổ (Khổ đế) được Phật nói trong Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka Sutta):

"Yam piccham na labhati, tampi dukkham."
"Đau khổ chẳng được điều mình muốn, đau khổ chẳng muốn điều mình được"

Kỳ thật, sự thống khổ tinh thần còn nặng nề khó kham chịu hơn sự đau đớn về thể xác. Ngay cả một người sống trên nhung lụa, có kẻ hầu người hạ, cũng chẳng kham chịu nổi đau khổ về tinh thần. Ông ta muốn rời bỏ cửa nhà đẹp đẽ và cả sản nghiệp, để sống hạnh phúc với người yêu trong một túp lều tranh. Ông ta có thể chịu đựng được các cực nhọc thể chất nhưng chẳng kham nhẫn nổi đớn đau về tình cảm khi phải xa rời người yêu.

Thật ra, cũng có nhiều phương cách để chiến thắng được sự ưu sầu, nỗi chán chường, lòng lo âu hay thất vọng trong đời và giữ bền được tâm trạng an lạc. Nhưng các phương thức để tự thích ứng lòng mình vào các sự đổi thay khó khăn của cuộc đời chẳng phải dễ làm đối với người còn thiếu trí huệ sáng suốt. Nói một cách tóm tắt, ta cần phải biết nhìn xa và có kế hoạch về tương lai. Rồi khi bị thất bại chua cay hay thất vọng nản lòng, mặc dầu sau nhiều nỗ lực, ta cũng chớ nên tuyệt vọng, đó chẳng qua là những hậu quả bất lợi của nghiệp lực (Kamma). (Hãy kiên trì nỗ lực mãi lên, phấn đấu dõng mãnh hơn nữa, sẽ có ngày chứng đắc được sự Giác Ngộ Hoàn Toàn.) Vì thế, thật là quan yếu để giữ được tròn tinh thần toàn vẹn và có thái độ điềm nhiên, trầm tĩnh trước các vinh nhục thăng trầm của thế sự. Các sự hưng phế của cuộc đời thường được gọi chung lại là các pháp thế gian (Lokadhammas), chia ra tám loại như sau:

1.- Labha = thủ đắc các loại tài sản, các thứ nhu yếu, v.v.,
2.- Alabha = tán thất tài sản và sự nghiệp,
3.- Yasa = có quyến thuộc đông đảo,
4.- Ayasa = đơn chẳng có quyến thuộc,
5.- Ninda = bị quở trách,
6.- Pasamsa = được khen ngợi,
7.- Sukha = hạnh phước,
8.- Dukkha = khổ đau.

(Trong Kinh sách Bắc tông, gọi các điều kể trên là Bát phong xuy động, tám ngọn gió làm lay động lòng người: lợi, suy, huỷ, dự, cơ, xưng, khổ, lạc).

Đấy là bốn điều kiện tốt lành cùng với bốn trường hợp khốn khó của cuộc đời. Khi bạn đang thọ hưởng bốn điều kiện thuận lợi, bạn chớ nên quá hân hoan và quá tự hào. Khi bạn phải đối phó với bốn trạng huống khó khăn, bạn cũng chớ nên quá nao núng và quá bi lụy. Nếu bạn đã quá hân hoan hay quá bi luỵ, tâm thức bạn sẽ bị lay động, và bạn sẽ bị cuốn trôi vào ngọn sóng trùng dương đang trong cơn bão tố. Những kẻ tình cảm chẳng ổn cố, phút trước hân hoan, lát sau lại nao núng, là những nạn nhơn của các nỗi thống khổ tinh thần (domanassa). Những ai muốn được sự bằng an tâm hồn trước các thăng trầm của thế sự thì cần phải có tâm thức thật an nhiên vững chãi.

067.- Lợi (Labha) và Suy (Alabha).

Ai ai cũng phải thật thà làm ăn ngay thẳng trong việc mưu sanh và dùng phương tiện hợp pháp để hoạt động đem mối lợi vật chất về cho mình. Nhờ có sanh kế, con người tích tụ được nhiều của cải, nhưng chớ vì đó mà tỏ ra quá hân hoan và hãnh diện. Mặt khác, cũng có nhiều người thiếu may mắn trong công việc làm ăn, lỗ lã, thất bại, ngày càng trở nên nghèo khó. Trong trường hợp nầy, ta chớ nên quá lo buồn, than thân trách phận, mà phải nên bình thản và điềm nhiên. Bực vua chúa cao sang, quyền quí kia cũng có ngày phải cởi vương miện,rời ngai vàng, uốn gối đầu hàng khiến cho vương quốc sa vào vòng lệ thuộc. Thế cho nên, ai ai cũng vậy, nên giữ thái độ thản nhiên trước sự thăng trầm lên voi xuống chó của thế sự.

068.- Có đông quyến thuộc (Yasa) và cô độc (Ayasa).

Các vị giáo chủ, các nhà lãnh tụ, các bậc vĩ nhơn đều có đông đảo đồ đệ, đảng viên, cảm tình viên, cận vệ theo hầu bên cạnh. Cũng như bức tường dầy bao quanh che chở cho ngôi nhà, các quyến thuộc nầy lo phục vụ và bảo vệ người lãnh đạo họ. Lòng đại lượng của người trên khiến cho số quyến thuộc bên dưới càng ngày càng đông thêm và họ cũng phải được đối xử tử tế và lễ độ. Cấp chỉ huy phải có thiện ý lo thăng tiến đời sống của thuộc hạ. Ngay cả hạng tôi đòi để sai vặt cũng phải được đãi như người cộng tác hay như bạn hữu; nhờ cách đối xử ấy, họ sẽ hết lòng phục vụ và bảo vệ. Nếu mặc dầu thiện tâm thành ý của mình mà số người hỗ trợ lại hiếm hoi, cũng chớ nên lấy đó làm điều lo âu. Ngược lại, khi được đông đảo quyến thưộc theo hầu cũng đừng vì đó mà tỏ ra khoe khoang và cao ngạo.

Danh thơm tiếng tốt chẳng những chỉ có trong thời hiện tại mà còn được lưu truyền mãi đến các đời sau. Các công trình vĩ đại và cao quí chỉ có các bực danh tiếng vang lừng và đức độ cao dầy mới thực hiện nổi. Có câu tục ngữ: "Gunavante passanti jana", nghiã là, dân chúng thường kính phục bậc vĩ nhơn.

Mọi người nên đào luyện trí thông minh, sự sáng suốt và lòng kiên nhẫn để có được danh vọng cao; danh vọng càng cao càng phải nên khiêm nhún; còn chẳng có danh vọng gì cũng chớ nên vì thế mà sanh lòng buồn nãn.

069.- Tán tụng (Ninda) và chê trách (Pasamsa).

Những kẻ ganh hiềm ghét ngỏ, vạch lá tìm sâu, thật là nhan nhản khắp nơi. Trong cõi đời nầy, thật là khó cho ta được tán tụng mà lại rất dễ cho ta bị chê trách. Dầu sao đi nữa, con người phải luôn luôn sống chơn thiện, trong sự tỉnh giác. Chẳng có ai thoát khỏi chẳng hề bị chỉ trích bao giờ. Ngay cả con bò của vị Thiên vương Sakka kia cũng còn bị chê là phân của nó quá nhão! Lại có câu tục ngữ nói rằng: "Hiềm ghét chỉ tìm ra lỗi lầm để chỉ trích; đắm đuối chỉ nhìn thấy vẻ đẹp để tán dương; riêng sự cảm mến mới đưa đến lòng tín phục." Nơi thế gian nầy, ác ý đầy dẫy và số người chuyên đi vạch lỗi kẻ khác lại cũng chẳng hiếm hoi gì.

Tuy nhiên, những kẻ hay chỉ trích người khác, tưởng cũng nên tự hỏi: "Mình có chẳng bao giờ lầm lỗi không? Mình có phải là bậc toàn thiện không?" Chẳng có ai hoàn toàn thánh thiện, vô nhiễm như các vị: Bồ-tát (Bodhisatta) Mahosadha, Đại vương Vessantara, Tôn giả Ca diếp (Kassapa), Xá-lợi-phất (Sariputta), A nan (Ananda). Về phía phụ nữ, quí bà Amara, Kinnari, Maddi và Sambula là những tấm gương sáng chói lọi.

Trong một làng kia, có cậu bé cà lăm lại chê thằng nhỏ cạnh nhà nói lắp, mách với cha như vầy: "Ba à! Cái thằng.. thằng.. đo.. đó, nó.. ơ...ơ.. nói cà.. cà.. lăm."Có lẽ nó chẳng ý thức được chính nó cũng cùng một tật với bạn nó.

Bọn người ưa vạch lỗi kẻ khác thường hay che dấu tật xấu và các sự thất bại của họ. Họ là những người giả nhơn giả nghiã, lén trộm cắp mà giả đò như trong trắng lắm, nào khác chi con mèo xảo quyệt.

Đôi khi, có người vì ganh tị mà chê dè kẻ khác, thật tình ra, họ lại đang tranh đua theo cách của người mà họ chỉ trích. Mấy nàng lẽm mép đặt điều nói xấu một người bạn gái được nhiều chàng trai đeo đuổi, thật ra trong thâm tâm họ, họ cũng muốn được các thanh niên ấy ghé mắt vào mình thôi.

Trên đây là những cảnh thế gian thường tình, với tám ngọn gió lay động trong các cuộc thăng trầm vinh nhục. Một nạn nhơn bị nói xấu cũng có thể chẳng đáng quá trách như lời chỉ trích. Chuyện bé thường được xé ra to, thế cho nên, tốt nhứt là chính ta nên tự kiểm điểm lại chính mình, dùng tâm sở tàm (hiri, biết hổ thẹn khi có lỗi) và tâm sở quí (ottappa, biết sợ tội lỗi) mà làm kim chỉ nam.

Mấy kẻ sợ ma ít dám vào trong bóng tối; khi phải đi đêm, họ thấy gốc cây trong buội rậm lại tưởng là quỉ sứ và la hoảng lên: "Có ma! Có ma!". Tâm thức họ luôn luôn bị hình ảnh ma dại ám ảnh, cho nên trí họ tưởng tượng là đang bị ma rượt đuổi.

Nhiều người quá quan ngại về lời chỉ trích đã khiến cho sự sợ hãi đóng vai trò thiết yếu trong đời họ. Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nkaya), Đức Phật có dạy: "Kẻ quá sợ hãi bị chỉ trích cũng tựa như con nai tơ vừa mới nghe tiếng động nhỏ đã hoảng hốt bỏ chạy; hắn là người rụt rè, nhát gan và do dự" Người nhút nhát nào được lợi gì, còn làm mồi ngon cho những kẻ hay vạch lỗi tha hồ chỉ trích.

Mặt khác, các lời chỉ trích, bình phẩm, hay buộc tội, đôi khi lại chứng tỏ người bị phê phán là bực nổi danh được quần chúng biết đến; có ai lại đi soi mói tới kẻ vô danh tiểu tốt bao giờ. Cũng tựa như ngọn cây thật cao đang đứng đầu gió, bạn càng vượt lên khỏi đám đông trong xã hội, bạn càng làm mục tiêu cho nhiều sự chỉ trích và phải đương đầu với tám ngọn gió lay động (Lokadhammas, các pháp ở thế gian) thăng trầm vinh nhục của thế sự. Vì thế, bạn nên ghi nhớ trong lòng rằng các lời khen chê, tán tụng hay chỉ trích đều là dấu hiệu của việc bạn đang nổi tiếng và thành công.

Bạn chỉ cần tự hỏi lấy mình: ‘Tôi đã điềm nhiên, trầm tĩnh đến mức nào rồi?" Và chính vào lúc ấy bạn mới có thể đứng vững chơn nghe lời buộc tội bất công cùng lời phê phán sai lầm về mình mà tâm thức bạn vẫn như nhiên bất động. Và bạn cũng nhớ cố gắng tinh tấn sống đời thánh thiện chẳng ai chê trách được.

Cũng như bạn tập thản nhiên trước sự chê trách, bạn cũng phải tập điềm nhiên khi được tán tụng, xưng dương. Bạn chớ nên quá hoan hỉ khi được ngợi khen nồng nhiệt. Bạn phải ý thức rõ các phước lành, quả tốt của việc hành thiện và nên kiên trì nuôi dưỡng tâm từ bi (metta, lòng ban vui và cứu khổ), cùng chia xẻ, hồi hướng công đức như vầy: "Nguyện mọi người đều được thừa nhận như tôi! Nguyện mọi người đều được tán dương như tôi!"

Nói tóm lại, trong tám cảnh huống ở đời, có bốn tình trạng thuận lợi và bốn trường hợp bất lợi. Kể từ vô thuỷ đến nay, chúng sanh đã làm việc lành cũng như phạm tội ác trong vô số kiếp, cho nên phải thừa lãnh các hậu quả tốt và xấu, khi lên cao cũng như lúc tuột xuống, của đời sống thế tục nầy. Cảnh ngộ đáng mong muốn hay chẳng đáng, đều là những giai đoạn tạm thời trong đời. Thản nhiên, chúng ta ứng phó với các sự thăng trầm vinh nhục, bình tĩnh lèo lái con thuyền vượt biển Luân hồi (Samsara) qua cơn bão tố, sóng vập gió vùi, tiến thẳng đến Bờ an lành của Niết-bàn (Nibbana), nơi mà mọi khổ đau chấm dứt hẳn.

Thí dụ như các vị thuyền trưởng vượt đại dương đâu thể nào muốn cho được biển yên sóng lặng suốt cuộc hải trình. Họ bó buộc phải đương đầu với biển động, sóng to có thể đánh đắm con tàu. Trong các trường hợp hiểm nguy như thế, vị thuyền trưởng thạo nghề sẽ sử dụng trí thông minh cùng tài khéo léo, lái con tàu vượt qua trùng dương và bão tố, để buông neo nơi một hải cảng an toàn:

Katatta nanakammanam, itthanitthepi agate,
Yoniso tittham sandhaya, tareyya naviko yatha.

Do các hành động tốt và xấu trong các đời đã qua, chúng ta đang chịu quả báo của nghiệp lực (Kamma) và phải ứng phó với các tình trạng thuận lợi hay tệ hại. Dầu gì đi nữa có xảy ra, chúng ta cũng nên làm như vị thuyền trưởng rành nghề lái chiếc tàu, với sự tự tín, nhiệt tâm và khéo léo, đối đầu với trận cuồng phong và ngọn đại lãng [= sóng to], lướt qua các nguy khốn hiểm nghèo. Chúng ta phải thản nhiên đừng để bị lay động trước tám cảnh huống của thế gian, buông chiếc neo của con thuyền tại bờ Hải cảng của Niết-bàn (Nibbana).

Ghi nhớ: Tự nhiên, mọi người đều phải đương đầu với tám cảnh trạng của cuộc đời. Chúng ta phải luyện tập định tâm và nuôi dưỡng tinh thần kham nhẫn.

070.- Sự uất hận (Upayasa).

Khi một người gặp phải sự mất mát to lớn về vật chất, hay chứng kiến cái chết của người thân yêu, hoặc trải qua sự thất bại nặng nề, sự sụp đổ cơ nghiệp, tâm sở uất hận (upayasa) liền khởi lên. Đó là sự buồn giận dữ dội. Sự sân hận thông thường đưa đến sự bạo hành, đôi khi đi đến sự giết chóc; trong khi đó, sự uất hận mang đến vừa lo âu vừa hờn giận. Ngọn lửa của lo âu và hờn giận nung máu tim nóng lên và chạy đi khắp châu thân, khiến cơn uất hận dâng trào lên, có khi làm ngất lịm người.

Trước cái chết của kẻ thân yêu, một người khóc rống lên. Đó là sự than khóc (parideva). Khi sự than khóc gia tăng cường độ, người ấy chẳng còn rền rĩ nổi nữa, mới ngất lịm và bất tỉnh nhơn sự. Nhưng sự nung nấu bên trong của sự uất hận lại mãnh liệt hơn sự sân hận, sự than khóc nhiều lắm. Sự lo âu, ưu sầu (soka) cũng tựa như dầu trong chảo nóng; sự than khóc (parideva) cũng như dầu được đun sôi; còn sự uất hận (upayasa) lại như sự bốc cháy đến cạn số dầu còn đọng trong chảo.

Sự uất hận làm khích động người có tâm hồn yếu ớt và những kẻ thường sống dựa vào người khác. Phái yếu dễ bị uất hận xâm nhập. Tâm hồn và thể chất của đàn bà phần đông thường chẳng mạnh dạn bằng đàn ông, do khuynh hướng hay chịu tùy thuộc vào người khác vì thiếu trí huệ và kiến thức thích hợp cho sự củng cố tinh thần. Họ dễ nhạy cảm, rồi từ sự lo buồn đến sự khóc than khiến cho cơ thể và tinh thần yếu đuối sớm rơi vào tình trạng uất hận, rồi ngất lịm đi.

Dầu là đàn ông đi nữa, khi thể chất còn yếu đuối, cũng chẳng kham chịu nổi sự ưu sầu thái quá. Bởi thế cho nên, ta phải biết cách dinh dưỡng để có được tấm thân cường tráng hầu đủ sức can đảm chịu đựng sự thống khổ của niềm uất hận. Ai ai cũng phải tìm cách dập tắt ngọn lửa ưu sầu, than khóc, càng sớm càng tốt, mới chặn được sự khởi phát của uất hận làm nung nấu tâm hồn. (Các phương pháp diệt trừ ưu sầu và than khóc đã được bàn đến trong các đoạn trước.)

(9) Sự Ganh tị (Issa).

071.- Thế nào là sự ganh tị (Issa)?

Khi thấy kẻ nào hơn mình về sắc đẹp, tiền của, học vấn hay đức hạnh mà tỏ ra ganh ghét chẳng thích ý, đó là tâm sở ganh tị (issa) khởi lên trong tâm thức. Sự ganh tị là một tâm sở bất thiện. Nhiều người chẳng mấy vừa lòng cho lắm khi thấy kẻ khác có điều hay. Họ thường bảo: "Chim nào cũng đẹp như chim cú cả‘’, "Mấy con thỏ đó, buội cây rậm nào lại chẳng có." Mấy lời bình phẩm đó do tự nơi lòng ganh tị mà thốt lên.

Có câu phương ngôn nói rằng: "Ganh tị khởi lên khi thấy có kẻ giỏi hơn mình. Cùng theo đuổi chung một mục tiêu lại hay sanh ra kình địch lẫn nhau."Sự ganh tị thường thấy giữa các bạn đồng nghiệp.Thí dụ như người bán cá đâu cần ganh tị chi với kẻ bán nữ trang. Nhưng giữa các hàng cá với nhau, giữa những hiệu kim hoàn với nhau, vì sự tranh thương mà có sự ganh tị. Điều nầy cũng thường xảy ra cả trong giới tỳ-kheo (bhikkhu). Ngay cả các vị pháp sư, các bực trụ trì cũng chẳng thoát khỏi sự phỉ báng nhau vì ganh tị.

Do sự ganh tị và do sự phỉ báng, con người chỉ tạo ra cơ hội để tự hại lấy mình, để cho các bực hiền giả chê trách là người chẳng xứng đáng. Kẻ ganh tị rồi sẽ tái sanh vào nẻo ác, trong cõi Luân hồi (Samsara), còn người bị ganh ghét chẳng hề hấn chi cả. Vì sự ganh tị là một tâm sở bất thiện, cho nên mọi người cần kinh tởm nó và phải trừ khử tâm sở ấy.

072.- Bầy heo rừng và cái động ngọc bích.

Thuở xưa, có một con sư tử to lớn chiếm một động ngọc bích, trong dãy núi Hi mã lạp sơn, để làm hang ổ. Sống gần đấy có một bầy heo rừng; chúng sợ oai sư tử hung dữ và đâm ra ghét luôn cả cái động ngọc bích, cho rằng vì động nầy chiếu sáng long lanh đã làm cho chúng phải buồn khổ. Chúng liền lăn mình xuống bùn dơ trong hồ, rồi đến cọ mình, trây trét lên động cho lem luốt. Tuy nhiên, động ngọc bich lại càng chói sáng hơn lên. Cùng thế ấy, những ai ganh tị, phỉ báng, điếm nhục kẻ khác, thường phải chịu hậu quả trái ngược: kẻ hờn ghen gặp phải khó khăn mà người bị ganh tị lại được thăng tiến.

073.- Sự tự đề cao (Attukkamsana) và sự vu báng người (Paravambhana).

Chữ Pali Attukkamsana có nghiã là dùng lời nói hay văn tự để nâng cao mình lên tức là tự đề cao.(Atta = tự mình + ukkamsana = khen ngợi). Paravambhana có nghiã là hạ giá trị của kẻ khác xuống tức là vu báng người. (Para = kẻ khác + vambhana = hạ thấp xuống, phỉ báng, vu khống).

Trong trường hợp tự đề cao, đương sự khởi lên tâm sở kiêu mạn (mana) và tâm sở tham lam (lobha) muốn được khen ngợi, ham được trọng vọng. Trong trường hợp vu báng người, tâm sở ganh tị (issa) và tâm sở sân hận (dosa) phát sanh trong tâm thức đương sự.

074.- Phô trương khoác lác.

Một số người thường chứng tỏ khả năng của mình một cách kiêu căng. Họ khoe họ là học giả thông thái, họ là bực giàu sang, thân bằng của họ giữ chức vụ quan trọng, chính họ có nhiều bằng đại học chuyên khoa cao cấp, họ giỏi hơn người khác, v.v. Họ lại còn bảo, tuy nay họ giữ nhiệm vụ thấp nhưng trước kia họ từng là những vị lãnh đạo trong xã hội. Ngay cả trong hàng tỳ-kheo (bhikkhu), cũng có người tự nhận mình có quyền thế mạnh, được trọng vọng, có nhiều đồ đệ đại phú gia, đã thi đậu nhiều kỳ thi tôn giáo, giảng đạo giỏi và dạy giáo lý hay, có thể chỉ đá hoá vàng, v.v. Thế nên, con người thường thích tuyên bố những điều phô trương quá đáng, hoặc thật tình hoặc giả dối; kẻ ngây thơ mới vội tin theo lời họ, còn các bực hiền giả khi nào lại như thế. Vì vậy cho nên, khi nói lên hay viết ra, chúng ta nên cẩn trọng giữ gìn, bằng sự tỉnh giác (sati), để khỏi sa vào tâm sở tự đề cao (Atthukkamsana.)

075.- Tuyên bố đúng thời.

Tuy nhiên, có nhiều khi ta cần phải nói lên sự thật để chứng tỏ khả năng và đức hạnh của mình mới giữ tròn được uy tín trong nhiệm vụ được giao phó, trong lập trường hay trong công tác. Bằng không, dân chúng sẽ coi rẻ mình vì họ còn chưa nắm vững được tình hình. Đây chẳng phải là sự kiêu mạn (mana) mà là sự tuyên bố đúng thời và thích nghi với tình thế.

076.- Chê trách.

Lắm kẻ đưa ra nhiều lời chê trách người khác khi họ viết trong sách vở hay trên báo chí hoặc qua các phương tiện truyền thông khác. Đó là một thói xấu đầy ác ý vì có người sẽ bị thương tổn một cách bất công. Mặt khác, nếu sự chỉ trích thấy rất cần thiết phải làm, bạn nên làm với đầy đủ bằng chứng và chi tiết để thông báo mọi người. Khi bắt buộc phải vạch mặt kẻ lưu manh, sự chỉ trích, quở trách, lên án, dĩ nhiên là cần thiết. Tên lưu manh đáng bị lột mặt nạ, và dân chúng cũng phải được biết đến sự thật để khỏi hiểu lầm mà bị lừa gạt. Nhưng khi quở trách hay chỉ trích, bạn phải cẩn trọng trong lời nói, với đầy đủ bằng cớ minh chứng thật hiển nhiên, nhứt là sự phê phán đó có liên quan đến những vị xưa nay đã được nhiều người trọng vọng.

Xưa kia có một người thiện nam cúng dường một tu viện lên giáo hội và người vợ rất sùng bái vị trụ trì. Một hôm người thiện nam bất chợt trông thấy vị trụ trì đang chiên hột gà để ăn sáng. Anh ta liền mách với vợ, nhưng người vợ vì lòng tín phục vị trụ trì, nên chẳng chịu tin. Bà ta nghĩ có lẽ chồng mình đã mất trí, nên kể lể trách móc chồng với bà hàng xóm. Chồng bà vì vậy phải giữ im lặng. Đến khi sắp đi ngủ, người chồng nhắc lại câu chuyện lần nữa nhưng người vợ vẫn chẳng chịu tin. Thế nên, người chồng phải xin lỗi rút lời lại, bằng không vợ anh ta sẽ tuyên bố nhiều lần nữa là anh đã phát cuồng.

Báo một tin tức xác thật đôi khi lại bị tiếp nhận hẩng hờ, chỉ vì đưa ra chẳng đúng thời, đúng chỗ. Vì vậy, điều quan trọng là lựa đúng lúc, đúng nơi, với đầy đủ bằng chứng rõ rệt, mới tung ra lời chỉ trích, quở trách. Nhưng với các thân bằng quyến thuộc dầu họ có tin hay không đi nữa, khi cần phải nói lên sự thật phũ phàng về bọn lưu manh, bạn vẫn phải cứ nói để kịp thời báo động.

(10) Sự Tật đố (Macchariya).

077.- Các hình thức của tâm sở tật đố.

Vì ích kỷ và đố kỵ nên sanh ra tâm sở bất thiện là tật đố (macchariya). Ngày nay còn có nhiều người rất miễn cưởng hiến tặng khi bố thí (dana). Sự keo kiệt đó lại thường bị lầm lẫn với tâm sở tật đố. Thật ra, tật đố có nghiã sâu là mong muốn kẻ khác chẳng được gì cả. Tâm sở tật đố khởi sanh nơi người hay ganh ghét kẻ khác. Họ chẳng muốn thấy kẻ khác được giàu sang. Còn sự keo kiệt, bủn xỉn, quá quyến luyến về tiền của, sản nghiệp lại thuộc về tâm sở tham lam (lobha). Người có tâm sở tật đố nhìn người khác với cặp mắt ghen tị, cảm thấy xốn xang chẳng muốn ai được lên chức, được tiền của, được danh tiếng, được nhan sắc, v.v. Trong Kinh Tạng (Pitaka) có sự phân biệt ra năm loại tật đố:

1) Tật đố về trú sở (Avasa macchariya): Tâm sở tật đố nầy liên quan đến sự ganh tị về nhà cửa, trú sở, tu viện, trường học, giường nằm, v.v. Trong trường hợp các tu sĩ, vài vị chẳng hoan nghinh đón tiếp các vị du tăng đến tạm trú trong tu viện mà họ trụ trì. Nhưng ngăn cản một ác tăng chẳng cho vào chùa, chẳng phải là sự tật đố; vì sự tật đố phải được hiểu là kình chống mọi người chẳng cho họ có được gì cả. Tâm sở tật đố về trú sở (avasa macchariya) sẽ đưa con người tái sanh vào cõi ngạ quỉ (peta) hay vào cảnh điạ ngục (niraya).

2) Tật đố về quyến thuộc (Kula macchariya): Tâm sở tật đố loại nầy liên quan đến gia đình, thân tộc, bằng hữu và các đồ đệ. Một vài tu sĩ chẳng muốn các đệ tử tại gia của mình cúng dường cho ai khác, ngoài mình ra. Nhưng ngăn cản một ác tăng giao du với người thân và bạn bè của mình, đó chẳng phải là tật đố về quyến thuộc (kula macchariya), bởi trong trường hợp nầy chỉ vì muốn cho tín tâm của thân quyến khỏi bị ô nhiễm về ác pháp và tệ hạnh. Tâm sở tật đố về quyến thuộc thường nung nấu các tạng phủ bên trong, khiến cho đương sự bị tháo dạ, đôi khi còn vướng phải sự xuất huyết nội tạng nữa. Đến khi lià thân xác, người có tâm tật đố sẽ phải tái sanh vào ác đạo.

3) Tật đố về lợi dưỡng (Labha macchariya): Tâm sở tật đố thuộc loại nầy liên quan đến các lợi lộc về vật chất. Người tật đố về lợi dưỡng, đầy ác ý, chẳng muốn ai được giàu có, thịnh vượng, trừ mình ra. Nhưng cản trở không cho các ác tăng được sự cúng dường và mong muốn các lễ vật được dâng hiến đến tay các bậc chơn tu, đó chẳng phải là tâm sở tật đố về lợi dưỡng. Những kẻ có tâm sở tật đố về lợi dưỡng sẽ phải tái sanh vào cõi điạ ngục ô uế và phải ăn đồ dơ bẩn.

4) Tật đố về sắc đẹp (Vanna macchariya): Tâm sở tật đố về loại nầy liên quan đến sắc đẹp hoặc về danh vọng. Kẻ có tâm sở tật đố về sắc đẹp (Vanna macchariya) chẳng muốn ai có vẻ đẹp sắc sảo hay được danh thơm tiếng tốt hơn mình. Trong các đời sau, người có tâm sở tật đố như thế, sẽ tái sanh làm người hình dong xấu xí và chẳng được ai trọng vọng cả.

5) Tật đố về Chánh pháp (Dhamma macchariya): Tâm sở tật đố về loại nầy liên quan đến sự học vấn, việc giáo dục hay công phu tu tập. Kẻ nào biết, mà chẳng chịu chia xẻ với người khác, các kiến thức của mình là người có tâm sở tật đố vì chẳng muốn ai bằng hay hơn mình. Kẻ ấy từ chối chẳng trả lời các câu hỏi của người muốn tìm hiểu thêm. Nhưng chẳng chịu dạy dỗ hạng người nham hiểm, có ác tâm, chẳng được gọi là tật đố về Chánh pháp vì hạng người ấy có thể làm hư hỏng giáo lý của Đức Phật. Những kẻ có lòng tật đố về Chánh pháp sẽ phải tái sanh làm người điếc đặc và ngốc nghếch; đến khi chết đi, còn lại sa vào điạ ngục tro nóng.

078.- Các điểm cần cứu xét về tâm sở tật đố.

Về tâm sở tật đố, tưởng cũng nên xét qua những ai thường vướng phải tâm sở bất thiện nầy. Rất có thể nhiều tu sĩ và nữ tu sĩ, vì cần đến sự khất thực để sanh sống và bồi dưỡng, nên dễ sa vào tâm sở tật đố về lợi dưỡng. Đối với các người còn tại gia, tâm sở tật đố thường khởi lên khi họ chẳng muốn cho kẻ khác có được nhà đẹp, đất mầu, trong khi chính họ lại ước mong được sắc dẹp, giàu sang, điạ vị tôn quí, quyền cao tước trọng, học vấn uyên thâm, trí huệ sáng suốt, v.v. Nhưng chính người có tâm tật đố mới phải chịu các hậu quả xấu ác của tâm sở nầy gây ra, còn người bị ganh tị thì chẳng hề chi.

Vì kẻ tật đố sẽ tái sanh vào cõi ngạ quỉ (peta), (tức là quỉ đói), mọi người trong chúng ta ai ai cũng nên tận diệt tâm sở bất thiện đó, để khỏi sa vào nẻo ác của Luân hồi (Samsara).

(11) Hối tiếc (Kukkucca)

079.- Thế nào là Hối tiếc (Kukkucca)?

Khi một hành vi xấu ác được thực hiện, nó thường được sự hối tiếc (kukkucca) tiếp theo. Sự hối tiếc được xem như hậu quả của hành vi bất thiện. Đó là sự tiếc rẻ và hối hận vì đã trót làm điều ác và quên mất điều lành. Vì thế có hai loại hối tiếc.

080.- Sự hối tiếc của bốn chàng thanh niên giàu có.

Có câu chuyện bốn tiếng: "Du Sa Na No" thường được nghe kể về bốn chàng thanh niên giàu có, chỉ thốt lên được mấy tiếng đó mà thôi. Họ vốn là những thanh niên giàu có, nhưng chẳng hề làm việc nào đem lại phước báu cả. Trái lại, tánh hạnh họ gồm toàn những hành vi xấu ác. Họ coi luân thường đạo đức chẳng ra gì cả và sống cuộc đời trác táng dâm loạn. Đến khi từ trần, họ phải sa vào điạ ngục dương đồng (Lohakumbi niraya, điạ ngục chảo nấu chất đồng sôi) trong khoảng thời gian dài là sáu mươi ngàn năm. Lâu lâu, trong vài phút ngắn, họ được trồi lên mặt nước đồng sôi, chỉ đủ thời gian để thốt ra, mỗi người được một tiếng: "Du", "Sa", "Na", "So", rồi chìm lĩm xuống đáy chảo vì quá đau đớn.

Người thứ nhút muốn nói rằng: "Trong đời sống vừa qua, tôi được sanh trong một gia đình giàu có. Nhưng tôi chẳng biết theo con đường thiện đạo để tạo phước đức. Tôi lại còn bê tha dâm dục nữa." Anh ta tỏ ra hết sức ăn năn về tội ác của mình; nhưng chỉ thốt lên được có mỗi một tiếng "Du", thì lại chìm xuống đáy chảo nấu đồng đang sôi. Anh nầy hối tiếc vì đã chẳng biết làm điều lành.

Một người khác lại muốn nói: "Hậu quả đau đớn, khổ sở thật vô cùng tận. Tôi đã có những hành động xấu ác khi còn sống trên dương gian." Nhưng anh chẳng thể nói hết được mà chỉ thốt ra có một tiếng "Na" thôi. Anh nầy ăn năn vì đã trót làm điều bất thiện.

Hậu quả khổ sở chẳng phải đợi đến lúc sa điạ ngục mới xảy ra, như trường hợp bốn chàng thanh niên tội lỗi đó. Ngay trong đời nầy, với kẻ làm điều ác, tâm tư cũng vẫn bị gậm nhấm bởi ý tưởng của các tội ác đã phạm. Họ cảm thấy như là thân hình họ đang bị nung nấu đến mức phải đổ mồ hôi ra đầy mình.

081.- Đừng để phải hối tiếc về sau.

Sự tiếc rẻ về các hành vi bất thiện đã làm, chẳng giải toả được mối lo âu.

Ăn năn, hối hận chẳng giúp ta thoát khỏi lưới của các hậu quả khổ sở, tai hại. Sự ăn năn chẳng qua là một hình thức của tâm sở bất thiện hối tiếc mà thôi. Phương cách đứng đắn để vượt qua sự hối tiếc là phải tránh tái diễn các hành vi bất thiện đã làm và tỏ ra quyết tâm lánh xa các bất thiện pháp (akusala). Nếu hành vi xấu chẳng quá nghiêm trọng, ta có thể thoát khỏi các hậu quả tai hại, nếu biết tự kềm chế, đúng như lời dạy của Đức Phật trong Kinh Mahavagga Samyutta (trong Tương Ưng Bộ Kinh).

082.- Hãy nỗ lực tinh tấn hành thiện khi còn đủ thời giờ.

Mọi người ai cũng phải học hành, làm ra của cải và tạo phước lành, tuỳ theo khả năng và tài nghệ. Đối với mọi sự thủ đắc, thời gian và cơ hội đều sẵn sàng khi còn trẻ. Nếu một kẻ đã lãng phí thời giờ và cơ hội, anh ta sẽ trở nên như một vật bị phế thải và sống trong sự suy sụp. Có câu tục ngữ: "Phải đập sắt khi còn nóng đỏ" Các nông phu thường bảo nhau: "Gieo mạ khi trời còn mưa." Nếu mùa mưa đã qua mà chưa cầy cấy, làm sao mà trồng luá, để đến mùa gặt, thâu huê lợi vào cho được?

Ngay cả khi bạn sực tỉnh lại, thấy đã chậm rồi, mình còn chưa làm nhiều điều thiện, bạn cũng chớ nên than vãn. Chẳng bao giờ quá muộn để tự cải thiện cả; thà chậm còn hơn là bỏ qua luôn.

083.- Câu chuyện người đao phủ thủ.

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một người đao phủ thủ lãnh nhiệm vụ thi hành các lịnh của vua chém đầu các tội nhơn bị xử tử. Ông ta đã phục vụ cho đến lúc tuổi già, chẳng còn đủ sức để làm tròn phận sự nữa nên mới xin về hưu. Tôn giả Xá-lợi-phất (Sariputta) có dịp đến thăm ông ta vào lúc hấp hối và đem Chánh pháp (Dhamma) ra giảng cho ông nghe bên giường bịnh. Nhưng cụ già chẳng thể nào chú tâm nghe nổi, vì bấy giờ trong tâm ông chỉ thấy sự trái ngược giữa những hành vi bất thiện khi chém đầu tử tội của ông và lời giảng trong Chánh pháp.

Tôn giả Xá-lợi-phất thấy rõ tình thế, biết tâm tư của cụ già lúc ấy, nên mới hỏi cụ rằng: "Cụ chém đầu tử tội là theo ý riêng của cụ hay là cụ đã phải làm theo lịnh Vua?" Cụ già đáp: "Tôi chỉ tuân lịnh Vua mà chém; chớ tôi chẳng giết họ theo ý muốn của tôi." Tôn giả liền nói: "Nếu thế, thì chỗ nào là tội ác?", rồi Tôn giả tiếp tục giảng tiếp. Cụ già bắt đầu suy nghĩ và xét thấy mình thoát khỏi tội trạng, tâm thức liền trở nên bình thản. Trong khi lắng nghe Chánh pháp, cụ già chứng được quả Tu-đà-huờn sơ cấp (Culasotapanna, quả Dự lưu sơ cấp) rồi được tái sanh lên cõi Trời (Deva Loka), sau khi mất.

(Chiếu theo kinh sách trong Chánh pháp, cả cụ già lẫn nhà vua đều có tội sát sanh, mặc dầu cụ chỉ thi hành theo mạng linh của vua. Nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất muốn giải toả mối thắc mắc trong đầu cụ già để tâm tư cụ trở nên bình thản mà lắng nghe Chánh pháp, mới dùng một phương tiện khéo, đặt ra câu hỏi có vẻ làm cho cụ thấy mình vô tội.)

Ghi chú: Cụ đao phủ thủ già rõ ràng đã kết liễu đời sống của nhiều người. Nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất đã dùng câu hỏi khéo léo giúp cụ giải toả được tâm sở hối tiếc (kukkucca) nơi cụ. Khi sự hối tiếc đã biến mất khỏi tâm thức, cụ mới có thể định tâm lại mà chăm chú nghe giảng Chánh pháp, nhờ đó mà cụ được sanh lên cõi Trời. Rút lấy bài học về câu chuyện nầy, ta chẳng nên quá tiếc rẻ về việc đã trót làm hành vi bất thiện và quên mất chẳng làm điều lành; nhưng ta phải cố gắng làm sao cho ác nghiệp (kamma) mới, chẳng khởi lên được; rồi tinh tấn thi hành các thiện pháp kể từ đó về sau.

(12) Giải đãi (Thina) và (13) Hôn trầm (Middha).

084.- Thế nào là giải đãi (thina) và hôn trầm (middha)?

Giải đãi (Thina) có nghiã là sự lười biếng của thân và của tâm. Hôn trầm (Middha) có nghiã là sự uể oải, lừ đừ của cả thân lẫn tâm. Cả hai tâm sở đó cùng khởi lên một lượt. Chúng làm cho con người mất sự hoạt bát, sự lanh lẹn, dẫn đến sự nhác nhớn thường thấy nơi kẻ buồn ngủ hay người đang thiu thỉu, mơ màng trong khi nghe giảng pháp.

Nhưng chẳng phải hễ buồn ngủ là giải đãi và hôn trầm. Đôi khi vì thân xác quá mệt nhọc, vì làm việc quá sức, ta cảm thấy buồn ngủ. Ngay cả một vị A-la-hán (Arahant) cũng cảm thấy buồn ngủ, tựa như một ngọn rau tiều tụy đang uá dần dưới sức thiêu đốt của ánh mặt trời.

Ta nên lưu ý rằng chỉ có sự lười biếng, uể oải, trì trệ của tâm thức(citta) và các tâm sở (cetasikas) trong mọi hoạt động mới được mô tả như giải đãi và hôn trầm. Ngày nay, mấy kẻ lười biếng chẳng muốn làm việc chi lại cũng được xem như đang trong cơn hôn trầm, giải đãi.

(14) Nghi ngờ (Vicikiccha).

085.- Nghi ngờ (Vicikiccha), chẳng tin vào Tam Bảo.

Chữ nghi ngờ, dịch gượng chữ Vicikiccha, cần được hiểu theo nghiã hẹp; đó là sự nghi nan, thiếu lòng tin tưởng vào Ba Ngôi Tam Bảo: Phật (Buddha), Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha). Sự nghi ngờ đứng ở giữa hai sự: tin và chẳng tin. Sau đây là các điểm nghi ngờ:

1.- Có Đức Phật Chánh biến tri (= biết tất cả và cùng khắp) chăng?

2.- Nếu noi theo con đường Bát Chánh đạo, có chứng được Niết-bàn không?

3.- Vị tỳ-kheo đó có giới đức thanh tịnh chăng? (Mặc dầu đang thấy rõ đó là một vị tỳ-kheo có giới đức tốt.)

4.- Khi giữ giới thanh tịnh, có được hưởng lợi lạc không?

5.- Có các đời sống trong quá khứ không? Hay con người do Thượng đế tạo ra và ban cho đời sống?

6.- Có các đời sau không? Hay chết là hết tất cả mọi sự?

7.- Hành vị thiện và bất thiện có ảnh hưởng đến các uẩn về sau chăng? (Nghi ngờ về nghiệp lực [kamma])

8.- Có hưởng được quả báo tốt của hành vi thiện chăng? (Nghi ngờ về nghiệp quả)

9.- Có chắc rằng vì có vô minh (avijja) mà hành uẩn (sankharas) sanh khởi chăng? (Nghi ngờ về Lý Mười Hai Nhơn Duyên [Paticcasamuppada]).

Các đìểm ngờ vực nêu trên liên quan về Phật, Pháp và Tăng, mới thật sự thuôc tâm sở nghi ngờ (vicikiccha).

086.- Các sự phân vân chẳng thuộc về tâm sở nghi ngờ.

Phân vân chưa rõ nghiã của một chữ hay một câu, phân vân chưa biết đi về hướng nào trước ngả ba đường, v.v. đó chẳng phải do tâm sở nghi ngờ khởi lên. Ngay cả các vị A-la-hán (Arahant) đôi khi cũng phân vân về nghiã của các Giới luật (Vinaya), chẳng rõ chắc một hành vi có phù hợp với giới luật hay không. Các trường hợp nầy chẳng thuộc về tâm sở nghi ngờ (vicikiccha), mà là những hình thức phỏng đoán trong tiến trình suy tưởng (vitakka). Tâm sở nghi ngờ chỉ khởi lên trong trường hợp riêng có sự ngờ vực về ba ngôi Phật, Pháp, Tăng mà thôi.

Mỗi khi có sự ngờ vực về Ba ngôi Tam Bảo, ta phải thưa hỏi các bực thiện hữu trí thức để được chỉ dẫn cho thấu suốt mà giữ vẹn niềm tín phục đối với Phật, Pháp, Tăng.

Kết luận về Chương 2

Chương 2 vừa qua xét đến các tâm sở bất thiện (akusala cetasikas) đã làm ô nhiễm tâm thức. Các tâm sở bất thiện nầy hiện khởi lên trong dòng tâm thức của mọi người. Chúng ta thường nghe hay thấy sức mạnh của tham, sân, kiêu mạn, v,v, Toàn thể thế giới, vì các tâm sở bất thiện nầy mà trở nên quay cuồng và bạo ác. Chúng ta cũng thường gặp các tâm sở ấy luôn.

Y cứ vào các nỗ lực của tôi để minh giải bản thể của các tâm sở bất thiện, nguyện cầu tôi sẽ có đủ khả năng để giảm thiểu sức tác hại của chúng ngay trong tâm thức của chính tôi.

Nguyện cầu các cộng tác viên cùng các thân hữu của tôi, chẳng kể tuổi tác hay chức vị, đều đầy đủ khả năng để đào luyện thiện tâm.

Nguyện cầu các độc giả quyển sách nầy luôn luôn nuôi dưỡng thiện tâm, thiện nghiệp và thiện ý.

Y cứ vào sự trình bày của tôi về các tâm sở bất thiện, tôi hi vọng nhiều người sẽ cải thiện tâm thức của họ từ xấu ra tốt

Nguyện cầu tôi có đủ khả năng để dẹp sạch tất cả các tâm sở bất thiện, các bất thiện pháp, các sự cấu uế trong các đời sẽ tới.

Nguyện cầu các thân hữu của tôi có đầy đủ khả năng để đào luyện thiện tâm và sớm chứng được Niết-bàn (Nibbana).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 04-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-04-2004