Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng

Hòa thượng Janakabhivamsa
U Ko Lay dịch sang Anh ngữ
Cư sĩ Thiện Nhựt dịch sang Việt ngữ


[06]

Chương 6

Mười căn bản của các thiện pháp
(Punnakiriya vatthu)

(Trong Chương 6 nầy, các bạn phải thông hiểu về (1) mười ác pháp hay là mười tà hạnh (duccarita), còn được gọi là mười ác nghiệp đạo (akusala kammapatha), (2) mười thiện pháp (sucarita), còn được gọi là mưới thiện nghiệp đạo (kusala kammapatha) và (3) mười căn bản của các hành vi thiện (punnakiriya vatthu). Trong số đó, các ác pháp thiện pháp đã được các quyển khảo luận khác trình bày đầy đủ rồi, ngay cả trong quyển Ratana Gonyi của tôi nữa. Vì thế, trong Chương nầy, tôi chỉ giảng chi tiết về Mười Căn bản của các thiện pháp mà thôi.)

163.- Mười căn bản của các thiện pháp (punnakiriya vatthu) là gì?

Punna có nghiã là điều làm cho tâm thức được trong sạch; thật ra, điều đó cũng có nghiã là những thiện pháp, những hành động tốt lành. Kiriya có nghiã là đìều cần phải làm. Vatthu có nghiã là căn bản của sự thịnh vượng và an lạc. Như thế, các thiện pháp đó cần phải được thực hiện vì chúng là nền tảng cho sự an lạc và sự thịnh vượng (được gọi chung là mangala, phước lành), nên các thiện pháp đó mới được xem là "Căn bản của mọi pháp lành, của mọi công đức"

Mười Căn bản của các thiện pháp, Punnakiriya vatthu, gồm có:

1.- Dana = Bố thí;
2.- Sila = Trì giới;
3.- Bhavana = Quán tưởng;
4.- Apacayana = Kính lễ đối với mọi người;
5.-
Veyyavacca = Nhiêu ích, giúp đỡ kẻ khác;
6.- Pattidana = Hồi hướng, chia xẻ công đức với kẻ khác;
7.-
Pattanumodana = Tùy hỉ;
8.- Dhammassavana = Thính pháp;
9.- Dhammadesana = Giảng pháp;
10.- Ditthijukamma = Chánh tín.

(1) Bố thí (Dana)

164.- Hai thành tố của sự bố thí (Dana).

Bố thí (Dana) là đem cho, hay dâng hiến. Có hai thành tố tạo nên công đức bố thí: (1) ý hành bố thí (cetana dana) và (2) hiến vật bố thí (vatthu dana). Các lễ vật đem hiến tặng như thực phẩm, y phục, tu viện, v.v. được gọi là hiến vật bố thí (vatthu dana) là những hình thức vật thể được đem cung hiến; trong khi đó, thiện tâm, thiện chí thực hiện sự dâng hiến các sự vật đó được gọi là ý hành bố thí (cetana dana). Chính ý hành mới đem lại các phước báo vào các đời sau, chớ chẳng phải các sự vật đã được đem hiến tặng. Chính cái ý định làm phát sanh công tác bố thí, thái độ tâm linh đó, mới đem lại công đức cho đời sau. Lễ vật càng quí trọng bao nhiêu, thì ý hành bố thí (cetana dana) càng cao quí bấy nhiêu.

Hãy đi sâu thêm vào chi tiết: nếu trong khi dâng hiến vật thực cúng dường lên giáo hội Tăng-già (Sangha) một thí chủ (= người hiến tặng, người thí giả) có ý thức rõ ràng về phẩm vật dâng cúng và cả về Tăng-già, thì một dòng tư tưởng về ý hành bố thí (cetana dana) khởi lên và kéo dài liên tục chẳng dứt trong tâm thức của nguời thi giả. Mỗi đơn vị ý hành (cetana) khởi lên và biến mất đi rất nhanh chóng và kế tục nhau chẳng dứt, khiến cho dòng tư tưởng đó chẳng hoàn toàn rời hẳn tâm thức của ông ta. Cái sức mạnh do các đơn vị ý hành (cetanas) tạo nên đó, liền nằm ngủ, trong thế tiềm phục nơi tâm thức, để chờ cơ hội khởi phát lên kết quả công đức sau nầy. (Năng lực tiềm phục ngủ ngầm đó của nghiệp lực (kamma) sẽ được cứu xét rõ trong Chương 7 về Nghiệp (Kamma) sau đây.)

Khi ta lưu ý đến sự kiện rằng có hơn cả triệu tỉ đơn vị ý thức về ý hành (cetanas) đã lần lượt khởi lên và biến mất, kế tiếp nhau chẳng dứt, trong khoảng thời gian của cái khẩy ngón tay, thì ta mới có thể tưởng tượng nổi tầm sâu rộng và cường độ của ý hành bố thí (cetana dana) đã tác động đến tâm thức của vị thí giả trong khi làm lễ cúng dường kéo dài vào khoảng chừng đôi ba tiếng đồng hồ.

165.- Lễ vật cung hiến và người thọ nhận làm tăng trưởng Ý hành (Cetana) thêm bén nhạy.

Mặc dầu các lễ vật cúng dường như thực phẩm chẳng hạn, và các thọ giả (= người thọ nhận lệ vật) chẳng thể nào đi theo người thí giả (=người hiến tặng lễ vật) trong các đời sau để tạo nên phước báo, nhưng cả hai yếu tố nầy, lễ vật và người thọ nhận, cũng trợ giúp sự tăng trưởng của ý hành (cetana) được trở nên sắc bén và mạnh mẽ nơi tâm thức người thí giả. Thí dụ như, chuẩn bị nhiều thực phẩm để cúng dường lên cả giáo hội Tăng-già, sẽ thúc đẩy ý hành trở nên mạnh mẽ hơn là khi nấu nướng vài món ăn để hiến tặng cho một vị Tăng riêng rẻ. Lại nữa, hiến dâng lễ vật đến nhân vật cao quí làm phát khởi ý hành dõng mãnh hơn là khi ban tặng cho một thường nhơn. Bằng cả hai cách nầy, lễ vật hiến tặng và vị thọ giả cùng giúp cho ý hành (cetana) trở nên bén nhạy, sắc sảo hơn lên trong tâm thức người thí giả.

166.- Số lượng lễ vật cúng dường.

Công sức khó nhọc để tạo ra và chuẩn bị số lượng lễ vật cúng dường nhiều hay ít sẽ tuỳ trường hợp mà làm phát khởi ý hành bố thí mạnh mẽ hay yếu kém. Đối với các cố gắng hăng hái tìm kiếm một số lượng lớn về lễ vật, có sự phát khởi một ý hành (cetana) mạnh mẽ. Còn tìm kiếm chỉ một số ít lễ vật, dĩ nhiên, chỉ làm phát khởi một ý hành yếu ớt, vì đã bỏ ra chẳng có bao nhiêu công sức. Trong khi chuẩn bị một số lượng thật lớn về phẩm vật cúng dường, thì ý hành tiền tế (pubba cetana) (= ý hành khởi lên trước khi dâng cúng) sẽ theo đó mà phát khởi rộng và mạnh. Vì thế, nếu so sánh hai ý hành, một trong khi chuẩn bị sơ qua với số it vật phẩm và một khi chuẩn bị châu đáo một số lớn lễ vật, thì ý hành trong trường hợp sau, dĩ nhiên là cao trội hẳn hơn ý hành trong trường hợp trước. Như thế, bố thí một số lượng to lớn về phẩm vật sẽ mang đến kết quả phước báo sâu rộng hơn, vì cường độ kéo dài của ý hành bố thí nơi tâm thức người thí giả.

Sự bố thí (dana) càng rộng lớn, hào phóng bao nhiêu thì ý hành bố thí càng sâu đậm bấy nhiêu. Trong khi đang bố thí, cái hiện tại ý hành (munca cetana) (= ý hành hiện đang xảy ra nơi tâm thức trong khi dâng cúng, hiến tặng), sẽ thay đổi tỷ lệ tùy theo số lượng lễ vật, càng nhiều lễ vật thì ý hành càng mạnh. Sau khi bố thí xong, cái hậu tế ý hành (apara cetana) (= ý hành phát khởi trong tâm thức sau khi đã bố thí xong) sẽ giữ y nguyên cường độ, trong những khi ta nhớ nghĩ đến việc bố thí. Các tâm trạng vừa nêu trên về ý hành đều thường phát khởi trong tâm thức của mọi người.

167.- Bố thí (Dana) hào phóng mà ý hành (cetana) lại yếu kém.

Vài người thí giả dâng cúng thực phẩm, y phục hay phòng ốc, đã làm một cách chiếu lệ. Trong trường hợp nầy, mặc dầu lễ vật có hào phóng hay nhiều đến mức nào đi nữa, ý hành bố thí (cetana dana) của họ cũng chẳng có được bao nhiêu; họ chẳng cảm thấy được nguồn vui lớn vì đã thực hiện thiện pháp với một ý chí lơ là. Vì vậy, phẩm và lượng của lễ vật chẳng thể quyết định được tấm lòng quảng đại của thí giả. Khi Đức Vua Dutthagamani Abhaya sắp băng hà, Ngài chẳng nghĩ đến niềm vui khi dâng cúng Đại tu viện Mahaceti, trái lại Ngài nhớ rõ đến một việc thiện rất nhỏ nhặt đã dâng cơm cho một vị tu sĩ ẩn cư trong rừng. Do ý hành cao quí nầy, Ngài được thác sanh lên cõi Trời Đâu suất (Tusita devas). Vì thế, ta nên ghi nhớ trong lòng, chính ý hành mới quyết định công đức và vận mạng của ta, chớ chẳng phải lượng hay phẩm của lễ vật đã phụng hiến. Ý hành (Cetana) quan trọng hơn sự hào phóng của lễ vật mà ta dâng cúng.

168.- Bố thí cũng như gieo hạt giống.

Người thọ giả cũng như ruộng phước;
Người thí giả như kẻ nông phu.
Bố thí như gieo hạt giống,
Trổ quả lành phước báo về sau.

Trong Kinh Peta Vatthu (Peta = ngạ qủi, qủi đói), tiếng Pali, có đoạn nói: "Người thọ nhận của bố thí cũng như đồng ruộng; kẻ thí giả là người nông phu; còn vật đem hiến tặng là những hạt giống được gieo trồng. Những phước báo tăng trưởng theo thời gian của cuộc sống Luân hồi (Samsara) là những hoa quả trổ trên cành cây." Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về lời kinh nầy:

1.- Trong ngành nông nghiệp, tùy loại đất đai tốt hay xấu mà ta gặt hái được mùa màng trúng hay thất. Cùng thế ấy, đức hạnh cao quí và tánh thanh liêm chánh trực của người thọ giả sẽ quyết định tánh chất của phước báo.

2.- Cũng như mạch sống của hạt giống quyết định sự tăng trưởng và năng xuất của các cây được trồng, sự thanh khiết của các phẩm vật hiến tặng, đã do vì phương tiện sanh kế có chơn chánh hay không mà tạo nên được, sẽ quyết định tánh chất của phước báo.

3.- Cũng như các nông phu gặt hái được mùa hay không tuỳ theo sự khéo léo, cần cù của họ trước đã gắng sức, các người thí giả sẽ thọ hưởng được phước báo tuỳ theo trình độ thông minh, niềm vui khi làm lành và cố gắng chơn thành của họ khi bố thí.

4.- Nông phu phải cày, bừa, dọn đất sạch sẽ trước khi gieo trồng, mới mong có được mùa màng tốt. Cùng thế ấy, các thí giả phải làm phát khởi trong tâm thức mình một tiền tế ý hành bố thí (pubba cétana) (= có sẵn ý định muốn bố thí trưóc khi bố thí), một cách mạnh mẽ, trước khi thực sự thực hiện việc bố thí. Kết quả về phước báo sẽ tuỳ thuộc vào cường độ của ý hành tiền tế nầy.

5.- Nông phu có siêng làm cỏ, tưới nước thì các cây trồng mới sởn sơ đâm chồi nẩy lộc. Cùng thế ấy, người thí giả cần, khi nhớ lại sự bố thí trước kia của mình, phải tỏ ra vui sướng, toại ý về hành vi tốt lành của mình. Đó là hậu tế ý hành bố thí (apara cetana) (= ý hành phát khởi sau khi đã bố thí xong). Cũng chính ý hành hậu tế nầy đã dự phần quan trọng trong việc quyết định tánh chất của phước báo.

6.- Nếu vì lẽ nào đó, nông phu lại huỷ hoại các mầm non của hạt giống đã gieo, anh ta sẽ chẳng thể nào thọ hưởng được công lao khó nhọc của mình. Cùng thế ấy, nếu người thí giả tỏ ra hối hận về việc bố thí, nuối tiếc phẩm vật đã hiến tặng, thì người ấy chẳng hưởng được niềm vui trong phước báo tốt lành, chỉ vì hậu tế ý hành (apara cetana) của anh ta quá hạ liệt.

7.- Mặc dầu đất phì nhiêu và hạt giống rất tốt, nhưng việc gieo trồng cũng phải đúng vào thời tiết, mới có thể được kết quả như ý mong muốn. Cùng thế ấy, ta phải biết bố thí đến đúng người thật đang cần sự giúp đỡ, vào đúng lúc và thật đúng nơi. Việc bố thí như thế mới đem lại kết quả mỹ mãn về phước báo.

Trên đây là những bài học quí báu rút tỉa trong bản kinh Peta Vatthu theo sự hướng dẫn có liên quan đến sự bố thí. Do đó, trong việc bố thí, sự lựa chọn đúng người thọ giả, sự đúng lúc và đúng nơi là điều rất quan trọng. Việc bố thí lại cần được thi hành với tâm trạng thiện lành và với một ý hành rộn vui. Hơn nữa, ta chẳng nên vì danh, vì lợi mà bố thí vì, trong các trường hợp nầy, tấm lòng bố thí bị tâm sở tham lam làm vẩn đục. Ý hành bố thí (cetana dana) càng thanh tịnh chừng nào thì càng quí chừng nấy.

169.- Thọ giả cũng quyết định phước báo trong việc bố thí.

Trong bản kinh Peta Vatthu, có dạy: người thọ nhận của bố thí cũng như ruộng đất để gieo trồng hạt giống. Đất đai có ba hạng: đất phì nhiêu, đất trung bình và đất khô cằn. Cùng thế ấy, người thọ giả cũng phân ra làm ba cấp. Như thửa ruộng có sạch cỏ thì mức sản xuất mới cao; nếu người thọ giả chẳng bị vướng bận vì các phiền não tham, sân, si, thì phước báo mang lại cho người thí giả mới nhiều được. Như thửa ruộng được bón nhiều phân tốt sẽ đem lại sự trúng mùa, phước báo đến với người thí giả sẽ gia bội, nếu người thọ giả là bực đầy đủ cả đức hạnh và trí huệ.

170.- Bố thí cúng dường lên Giáo hội Tăng-già (Sanghikadana).

Danh từ Pali Sanghika dana có nghiã là dâng hiến tứ sự cúng dường lên cho Giáo hội Tăng-già. (Tứ sự cúng dường là danh từ thường dùng trong kinh sách Bắc tông, gồm có bốn việc dâng hiến: (1) thực phẩm, (2) y phục, (3) thuốc men, (4) phòng ốc) Thí dụ như bạn hiến tặng một số tiền cho một hội đoàn; tất cả mọi hội viên, giàu hay nghèo, đều được chia một phần của số tiền đó. Cùng thế ấy, một bát thực phẩm, một bộ cà sa, cúng dường cho Tăng-già (Sangha), thì tất cả tu sĩ trong giáo hội đều được quyền hưởng một phần trong chỗ dâng hiến đó. Bạn chẳng cần đi khắp thế giới để cúng dường cho toàn thể Tăng-già. Một sự cúng dường cho bất cứ một nhơn viên nào trong giáo hội nói chung, cũng được xem như là một Sanghika dana cả; tất cả mọi tỳ-kheo đều được chia phần ra hưởng thọ.

171.- Làm cách nào để phóng chiếu thiện chí của mình?

Trong khi cúng dường lên Tăng-già (Sanghika dana), người thí giả phải hướng tâm mình về toàn thể giáo hội Tăng-già nói chung. Mặc dầu trong khi dâng cúng, bạn có khấn vái: ‘Sanghassa demi", "Tôi dâng cúng lên Tăng-già", nếu trong lòng bạn lại riêng nghĩ đến một vị tỳ-kheo nào, thì sự cúng dường đó chẳng phải là một Sanghika dana, còn chưa phải là một việc cúng dường cho Tăng-già được. Dâng cúng thực phẩm cho một vị tỳ-kheo nào trong buổi khất thực, hay cho một vị được giáo hội chỉ định đến nhận lãnh, chỉ được xem như đang cúng dường cho Tăng-già, nếu tâm thức của thí giả thật sự hoàn toàn hướng về toàn thể Tăng-già (Sangha) khi dâng cúng.

172.- Thái độ tinh thần trong khi cúng dường.

Người tín đồ mộ đạo thuần thành, có lòng sùng kính Đức Phật và mong muốn giáo pháp của Ngài được trường tồn, cùng sự khởi sắc kế tục của giáo hội Tăng-già để giữ vững sự thanh khiết và phát triển của giáo lý (Sasana), thì phải nên ủng hộ nhiệt thành tổ chức Tăng-già bằng cách dâng cúng thực phẩm đều đặn cho các tu sĩ. Nhưng khi vật thực được chuẩn bị xong, sắp dâng hiến, người tín đồ phải gạt bỏ ra khỏi tâm thức mình mọi ý nghĩ luyến ái, như "Món nầy dành cho thầy tôi", "Món kia để dâng lên vị tỳ-kheo tôi kính mến nhứt", v.v. Trái lại, người ấy phải hướng tâm thức mình đến toàn thể Tăng-già, chẳng phân biệt vị nào cả, và khấn vái:"Sanghika demi, Sanghika demi" ("Tôi nguyện dâng cúng lên Tăng-già") Khi sự cúng dường hằng ngày được thực hiện như thế, sự dâng cúng mới thật sự là một sự dâng hiến cho Tăng-già (Sanghika dana).

173.- Bữa cơm cúng dường ở nhà có thể trở thành Sanghika dana.

Khi đến cung thỉnh các vị sư ở một tu viện gần đó, người tín đồ phải nên trình với vị Tri sự, có trách nhiệm điều hành công việc trong chùa, như sau: "Bạch Đại Đức, con muốn cúng dường thực phẩm tại nhà con vào 6 giờ sáng ngày mai. Kính xin Đại Đức vui lòng dàn xếp để chỉ định một vị tỳ-kheo (hay hai hoặc ba, tùy trường hợp) đến thọ nhận." (Ta chẳng nên nói thêm: "kể cả Đại Đức nữa", hay "Xin kính thỉnh luôn vị tri sự", trong khi phát ra lời mời.)

Và trong khi nấu nướng thức ăn cho ngày mai, tâm thức người tín đồ phải luôn luôn hướng về toàn thể Tăng-già, chớ chẳng phải riêng cho một vị nào khác trong tu viện, và cũng phải nhắc thầm luôn "Sanghika demi" trong tâm thức mình.

Khi vị sư được chỉ định đã đến nhà, ta chẳng nên tỏ vẻ thất vọng khi thấy đó là một tu sĩ cấp còn thấp trong chùa hay một người Sa-di (= người mới vào tập sự tu, chưa thọ giới tỳ-kheo). Trái lại, phải tự nhắc nhở trong lòng rằng, buổi cúng dường nầy là để dâng lên cho toàn thể Tăng-già, chớ chẳng phải cho riêng vị nầy; và phải hiến dâng lễ vật với tất cả tấm lòng kính tín chơn thành và mộ đạo.

Ngược lại, nếu đích thân vị trụ trì đến, người tín đồ chẳng nên tỏ lộ vẻ hân hoan quá mức, mà phải tự nhũ trong lòng, buổi cúng dường nầy là để dâng lên cho toàn thể Tăng-già và vị trụ trì cũng chỉ là một nhơn viên trong đó mà thôi. Như thế, nếu tâm thức người tín đồ thí giả biết hướng về toàn thể Tăng-già, thì mặc dầu việc dâng cúng chỉ đến tay một vị tu sĩ được chỉ định, sự cúng dường cũng được kể như là một Sanghika dana, một sự cúng dường cho tất cả giáo hội Tăng-già.

174.- Thiện chí của người thí giả.

Xưa kia, có một vị tăng chẳng có đạo hạnh gì, thường bị các tín đồ ghét bỏ, lại được chỉ định đến thọ nhận bửa cơm cúng dường lên Giáo hội, tại nhà một tín chủ. Vừa trông thấy vị tăng ấy, người thí giả chẳng thất vọng mà tâm thức lại hướng về toàn thể giáo hội Tăng-già. Người ấy hết lòng kính trọng dâng cúng lễ vật, tứ sự cúng dường lên cho vị tăng. Lại xem như mình đang đối trước một đức Phật vậy, rửa chơn cho vị tăng cẩn thận, mời ngồi lên trên ghế cao có lọng che. Vì tâm thức người thí giả hoàn toàn hướng về Tăng-già, nên sự cúng dường lúc ấy quả thật là một Sanghika dana cao quí, một sự hiến dâng tuyệt đỉnh lên Tăng-già, mặc dầu người thọ nhận chỉ là một tỳ-kheo (bhikkhu) thiếu đức hạnh.

Hãy kể nốt câu chuyện. Nhận thấy mình được tiếp đãi vừa nồng nhiệt vừa cung kính, vị tăng nghĩ đâu có lẽ mình gặp được một người tín đồ mến chuộng mình lắm. Chiều hôm ấy, vị tăng trở lại nhà người tín chủ hỏi mượn cây cuốc về sửa chữa một vài nơi trong chùa. Chuyến nầy, người tín chủ đã đổi thái độ, lấy chơn hất cây cuốc và nói xẵng giọng: "Đó! Lấy đi!"

Các bạn láng diềng mới hỏi tại sao lại có hai thái độ khác nhau để đối xử cùng với một vị tăng. Người thí giả mới bảo rằng, ban sớm sự kính lễ của anh là do việc cúng dường lên toàn thể giáo hội Tăng-già, chớ nào phải chỉ cho riêng vị tăng kia; còn chiều nay, vị tăng ấy chỉ là một cá nhơn riêng rẻ, nên phải được đối xử xứng đáng với tư cách thiếu đạo hạnh của y, cần gì mà phải kính trọng.

Bài học rút ra từ câu chuyện là, trong khi cúng dường, ta phải phóng chiếu thiện ý nơi tâm thức ta lên toàn thể giáo hội Tăng-già mới có thể xem việc ta bố thí là một sự cúng dường lên Giáo hội (Sanghika dana).

175.- Phước báo khác nhau tuỳ theo phương thức bố thí.

Khi bố thí, nếu bạn lựa chọn một vị tỳ-kheo, hai hay nhiều hơn nữa, thì việc cúng dường đó chỉ được xem như là một puggalika dana, một sự cúng dường cho cá nhơn. Nếu bạn làm theo thể thức nầy, mặc dầu bạn dâng cúng cho cả ngàn vị tỳ-kheo (bhikkhus) đi nữa, bạn cũng chỉ thi hành việc bố thí theo phương cách cúng dường cho cá nhơn (puggalika dana) mà thôi. Ngoài việc dâng cúng lên Đức Phật (Buddha) và các vị Bích chi Phật (Paccekabuddhas) ra, sự cúng dường cho Tăng-già (Sanghika dana) là phương thức thù thắng nhứt (thù thắng = hay nhứt, hơn tất cả) trong các hành vi bố thí. Khi ta nói đến sự cúng dường lên Tăng-già (Sanghika dana), các bực A-la-hán (Arahants) được kể chung vào đó. Còn trong trường hợp cúng dường cho cá nhơn (Puggalika dana), có thể có, hoặc chẳng có, các vị A-la-hán. Như thế, chúng ta thấy rằng chỉ có sự cúng dường lên Tăng-già mới dâng hiến lễ vật lên đến được các vị tỳ-kheo thánh thiện nhứt; còn trong sự cúng dường cho cá nhơn, người thí chủ phải chọn lựa cẩn thận vị tỳ-kheo thọ giả. Do đó ta có thể kết luận hợp lý rằng, phương thức cúng dường lên Tăng-già (Sanghika dana) là một phương thức thù thắng và đem lại phước báo sâu rộng hơn sự cúng dường cho cá nhơn (Puggalika dana).

176.- Cúng dường hướng về Đức Phật.

Vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, các người tín chủ được diễm phúc đặc biệt dâng cúng lễ vật trực tiếp lên bổn thân Đức Phật. Nhưng ngày nay, sự may mắn đó chẳng còn nữa, nên chúng ta phải noi theo kinh sách mà học cách cúng dường đúng đắn hướng về chư Phật.

Trước hết, ta phải chuẩn bị thực phẩm cúng dường đủ cho một vị tỳ-kheo và bày ra trước mặt một pho tượng Phật. Nếu chẳng có tượng Phật nào ở gần đó, ta cũng có thể thành kính quán tưởng, trong tâm thức ta, hình ảnh của Đức Phật và dâng hiến lễ vật lên hình ảnh tâm linh đó. Rồi ta liền phát khởi lên ý hành (cetana) chí tâm hướng về bổn thân Đức Phật.

Sau khi đã kính lễ, ta có thể đem các lễ vật đó đến tặng cho một người làm công quả dọn dẹp sạch sẽ trong chùa, hay cho một vị tỳ-kheo nào, hoặc một người tại gia nào khác. Một người làm công quả trong chùa, giữ đúng theo phép Bát quan trai giới (Uposatha sila) (giữ tám điều răn cấm, Bát giới) có thể dùng các thực phẩm đó khi sắp đến giờ ngọ (= mười hai giờ trưa).

Trong các cuộc trai đàn Đại bố thí, nếu người tín chủ muốn dâng cúng lễ vật lên Tăng-già và Đức Phật, cũng phải theo đúng thể thức như trên, để hướng sự cúng dường thẳng đến chư Phật.

Tại các buổi lễ dâng y, thể thức nói trên cũng được tuân theo. Các vị tỳ-kheo phụ giúp công việc trong chùa đều có quyền được mặc các bộ y dâng cúng đó. Về hương, đăng, hoa, quả, dâng cúng, người tín chủ phải tỏ ra cẩn thận hết sức để sắp xếp cho vén khéo, chớ chẳng nên để bừa bãi trước hình tượng Phật. Sự cúng dường phải cho thật tinh khiết và trang nhã. Chỉ khi theo đúng các thể thức đó, ta mới mong được hưởng phước báo trong đời nầy và các đời sau. Chỉ bằng cách thức đó, ta mới mong được tái sanh làm người tinh khiết và trang nhã như thế.

177.- Khi ở xa, làm cách nào để kính lễ chư Phật?

Thông thường, các vị tu hành tại gia đều kính lễ và dâng cúng phẩm vật lên Đức Phật trước hình tượng Phật thờ trong nhà, vì họ chẳng có đủ thời giờ để đi đến chùa chiền hay tu viện gần đó mỗi ngày. Có nhiều sự tranh luận cho rằng phương thức kính lễ như thế chẳng phải là một hành vi tạo công đức thật sự. Nhưng chúng ta đã thấy rõ, yếu tố quyết định tạo nên công đức chính là ý hành (cetana), thiện chí hướng về đức Phật, mới đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo nên công đức lớn. Nếu thiện ý của bạn được phóng chiếu hướng về Đức Phật, đó chính là, chẳng còn nghi ngờ gì nữa, một thiện pháp ý hành (kusala cetana), nhứt định sẽ đưa đến công đức và phước báo.

Cách đây vào khoảng một trăm lẻ tám đại kiếp (kappa = đại kiếp, vào khoảng một tỷ ba trăm bốn mươi bốn triệu năm), có đức Phật Atthadassi chứng đắc ngôi Đại Giác. Một hôm, có người tín đồ trông thấy Ngài và các đệ tử thi triển thần thông, bay trên hư không; người ấy liền dâng hiến lễ vật cúng dường từ xa ở dưới đất. Nhờ công đức đó, trong một ngàn năm, người ấy chẳng hề tái sanh vào các nẻo ác đạo, rồi tu hành đắc được quả vị A-la-hán (Arahant) vào thời Đức Phật Thích-ca. Vị ấy chính là Trưởng lão (Thera) Desapujaka.

178.- Ba hình thức ý hành (cetana) trong việc bố thí.

Thiện chí muốn thực hành việc bố thí được khoác dưới ba hình thức của ý hành (cetana) theo thứ tự trước sau, như vầy:

1) tiền tế ý hành (puba cetana): thiện ý muốn bố thí trước khi hiến tặng;
2) hiện tại ý hành (munca cetana): thiện ý muốn bố thí trong khi hiến tặng;
3) hậu tế ý hành (apara cetana): thiện ý muốn bố thí sau khi đã hiến tặng.

179.- Tiền tế ý hành (Pubba cetana).

Ý định làm việc lành muốn bố thí khởi lên trong tâm thức, khi đang mua sắm và chuẩn bị các lễ vật để hiến tặng, được gọi là tiền tế ý hành (pubba cetana). Ý hành nầy của bạn phải được gột rửa cho sạch các tâm sở kiêu mạn hay ích kỷ, như: "Tôi là người kiến lập ngôi chùa nầy; tôi là người hiến tặng tu viện nầy; tôi là người dâng cúng các lễ vật nầy," v.v. Trong khi chuẩn bị cho việc bố thí, bạn và các người trong gia đình bạn, chẳng được nên trái ý nhau hay cãi vã cùng nhau. Bạn chẳng được ngần ngại trong việc tiến hành công tác bố thí đã dự định rồi. Khi tâm tư bạn cảm thấy niềm vui rộn rã trong suốt thời gian sửa soạn, thì bạn nên tin chắc là ý hành bố thí hiện đang trưởng dưỡng nơi tâm thức của bạn.

180.- Hiện tại ý hành (Munca cetana).

(Dịch gượng danh từ Munca cetana hiện tại ý hành chẳng được sát nghiã, vì) Chữ Pali Munca có nghiã là từ khước, dứt bỏ hẳn. Munca cetana là tâm sở khởi lên đúng vào lúc ta đang từ bỏ phẩm vật và đem phẩm vật đó ra hiến tặng. Tâm sở ý hành đó khởi lên đúng vào lúc thí giả trao phẩm vật cho người thọ giả, và nói: "Tôi xin hiến tặng". Vào lúc tâm sở munca cetana (hiện tại ý hành) khởi lên, nếu người thí giả tránh được các tâm sở bất thiện kiêu mạn, ích kỷ chẳng cho chúng xen vào, (như đã được nói qua ở tiểu mục trước), đồng thời gạt bỏ được các ý nghĩ luyến ái về người thọ giả, ý nghĩ mong được sự biết ơn hay được đền đáp lại sau nầy, mà phải nên hiến tặng một cách vô điều kiện, thì người thí giả có thể tin chắc rằng tâm sở ý hành của mình về sự từ bỏ đang khởi lên trong tâm thức mình với tất cả sự thanh khiết của nó.

181.- Hậu tế ý hành (Apara cetana).

Tâm sở ý hành thứ ba nầy khởi lên trong tâm thức, sau khi thí giả đã thi hành xong việc bố thí. Đó là một tâm sở thoả mãn đang thọ hưởng nguồn vui phước báo do việc thi hành một công đức, một thiện pháp. Bạn cảm thấy vui thích đã làm được việc thiện, thường hay nhớ lại phút giây hiến tặng và mong mỏi có dịp sớm được làm thêm như vậy nữa. Đấy là tâm sở hậu tế ý hành bố thí (apara cetana dana) đang đâm chồi nẩy lộc nơi tâm thức của bạn đó.

Tuy nhiên, vào một thời gian sau, tâm sở hậu tế ý hành (apara cetana) có thể bị vẩn đục, khi bạn cảm thấy tiêng tiếc về đồ vật đã đem cho mất, hay khi bạn thất vọng ít nhiều về đức hạnh của vị sư mà bạn dâng cúng ngôi chùa. Có khi bạn lại ngẫm nghĩ: "Có lẽ tôi cũng chẳng nên bố thí như thế". Nếu quả có những ý nghĩ như vậy, thì chẳng những ý hành hậu tế của bạn đã bị ô nhiễm, bị huỷ hoại mà chính bạn cũng đang phát khởi một thái độ bất thiện về sự bất toại ý nữa (đấy là những bất thiện pháp (akusalas), như sân hận (dosa) chẳng hạn.)

182.- Một lời khuyến nhũ.

Kiến lập tu viện, xây dựng chùa chiền, v.v., là những công tác bố thí (dana) có tầm vóc rộng lớn. Cũng có những công tác bố thí tầm vóc khiêm tốn hơn như đãi cơm, cho quần áo, hay tặng thực phẩm, nước uống, v.v., đến người túng thiếu. Trong khi dự định bố thí có tầm vóc lớn, bạn thường phải đối phó với nhiều yếu tố bất lợi bên trong bạn và cả những yếu tố qủi quái ở bên ngoài.

Vì thế, trong khi trù hoạch các công tác đại bố thí có tầm vóc lớn, bạn nên tìm hỏi và nghe thêm lời khuyên bảo của bạn bè hay của những vị thầy có học thức lỗi lạc. Chỉ sau khi cẩn thận tham khảo ý kiến như thế, bạn mới tìm được người thọ giả xứng đáng để thọ nhận việc bố thí cúng dường của bạn.

Đối với các việc bố thí nhỏ hơn, sự lựa chọn thọ giả chẳng quan trọng mấy như khi cho cầm thú ăn cũng vẫn có công đức. Điều cốt yếu trong việc bố thí (dana) là phải có thái độ đúng đắn. Nên cố gắng thực hiện việc cúng dường lên Tăng-già (Sanghika dana) mỗi khi gặp được cơ hội. Đừng bao giờ tỏ ra quyến luyến các vật muốn đem ra hiến tặng. Hãy thấm nhuần tư tưởng xả bỏ hoàn toàn đối với của cải vật chất mà mình để riêng qua một bên với ý định sẽ đem cho đi. Thái độ nầy được gọi là muttacagi (mutta có nghiã là chẳng hề bị bận biụ vì ràng buộc; còn cagi có nghiã là một người có tánh hay hiến tặng; tạm dịch muttacagi = người hiếu thí hay người hảo thí.) Vậy, mọi người thí giả cần nên nhớ mãi trong tâm thức là đừng bao giờ tỏ ra quyến luyến đến người thọ giả; đừng luyến tiếc các phẩm vật đã hiến tặng; đừng bao giờ nguyện ước về sự kiêu xa vật chất ở cõi nhơn thiên nầy và hãy phát khởi lên ý muốn cao thượng sớm đạt được cảnh giới đầy an lạc của Niết-bàn (Nibbana). Đấy là những điều khiến cho ta trở nên một bực thí giả lý tưởng vậy.

183.- Sự xếp loại các Thiện pháp (Kusala).

Trong Chương 3 về các tâm sở thiện, chúng ta đã gặp các danh từ như vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha). Các tâm sở thiện đó được gọi các căn nguyên (hetus) tức là các gốc rễ. Cũng như rễ cây ăn sâu xuống đất làm nơi nương tựa cho thân và cành cây được vững mạnh, các tâm sở căn nguyên đó giúp cho sự khởi sanh và phát triển các tâm thức (cittas) và các tâm sở khác.

Dựa trên số căn nguyên (gốc rễ) đó, ta có thể phân loại các tâm thức thiện (kusala cittas) ra thành hai loại:

1) Loại tâm thức thiện nhị căn (dvihetuka kusala cittas) là những tâm thức thiện sẵn phụ hợp với hai (=nhị) căn nguyên: vô tham (alobha) và vô sân (adosa);

2) Loại tâm thức thiện tam căn (tihetuka kusala cittas) là những tâm thức thiện liên kết sẵn với cả ba (=tam) căn nguyên: vô tham, vô sân và vô si (amoha).

184.- Các tâm thức thiện nhị căn (Dvihetuka kusala cittas).

Khi một người nuôi dưỡng tâm trạng mình với vô tham (alobha) và vô sân (adosa), tâm thức thiện lành đó được gọi là thiện tâm nhị căn (dvihetuka citta). Trong số mười thiện pháp, thì Chánh tri kiến (Sammaditti) là sự hiểu biết và tin tưởng vào Nghiệp lực (Kamma) cùng các quả báo. Sự thông hiểu sáng suốt đó lại còn được gọi là Nghiệp vận trí (Kammassakata nana). (Kamma = nghiệp lực; sakata= chiếc xe vận tải; nana= trí thông minh).

Một đứa bé hay một người dốt nát chẳng hiểu chi về nghiệp lực (kamma) và quả báo, khi họ hiến tặng, bố thí, một vật gì, lòng họ cảm thấy một niềm vui đã làm được như thế. Nhưng niềm vui đó đã chẳng được Nghiệp vận trí (Kammassakata nana) cùng khởi lên trong tâm thức họ, và do đó trong thiện tâm (kusala citta) của họ chẳng thấy phát khởi tâm sở vô si (amoha). Trong thiện tâm của họ chỉ có sự hiện diện của hai căn nguyên là vô tham (alobha) và vô sân (adosa) mà thôi. Vì lẽ đó, thiện tâm thuộc loại nầy được gọi là thiện tâm nhị căn (dvihetuka kusala citta).

Thời buổi ngày nay, nhiều Phật tử đã bố thí, cúng dường, trai tăng, với tâm hững hờ, chẳng hiểu thấu đáo về nghiệp báo. Tấm lòng hào hiệp đó chỉ là một thiện tâm nhị căn (dvihetuka kusala citta). Khi một vị trí giả thực hiện một hành vi thiện một cách chiếu lệ, thiện pháp của ông ta cũng rơi vào loại nhị căn nầy. Nói tóm lại, tất cả những thiện pháp được thi hành mà chẳng có kèm theo trí sáng suốt biết rõ nghiệp quả đều được sắp xếp vào hạng thiện pháp nhị căn (dvihetuka kusala).

185.- Các thiện tâm tam căn (Tihetuka kusala citta).

Một thiện tâm có đầy đủ ba căn nguyên vô tham (alobha), vô sân (adosa) và vô si (amoha) được gọi là thiện tâm tam căn (tihetuka kusala citta). Tất cả những thiện pháp (= hành động thiện lành) được thực hiện với sự sáng suốt của nghiệp vận trí (kammassakata nana) (với sự thông suốt về nghiệp lực quả báo) đều thuộc vào loại nầy. Ngày nay, nhiều tín đồ thuần thành có học thức làm điều thiện chỉ vì tin tưởng vào Phật, Pháp và Tăng, với tấm lòng nhớ nghĩ đến mẹ cha và các bực trưởng thượng. Do tâm thức của họ thông suốt rõ ràng về các quả báo trong cảnh Luân hồi, nên các hành vi thiện lành của họ trở nên các thiện pháp tam căn (tihetuka kusala). Nếu sự bố thí được thực hiện với trí Minh sát (Vipassana) rằng: "Các của cải vật chất nầy thật sự thuộc vào nhóm sắc loại (rupa kalapas) [rupa= vật thể có hình sắc; kalapa = nhóm, loại]. Chúng đều là vô thường (anicca), khổ (dukkha) và vô ngã (anatta) cả," thì rõ ràng, chẳng cần phải nói chi nhiều, đó là một tâm trạng hoàn toàn thiện tâm tam căn đạt đến mức thật cao.

Vì vậy, bực làm cha anh nên gắng dạy cho con em hiểu thấu nghiệp báo và các quan niệm căn bản về bản thể vô thường, khổ, vô ngã của mọi sự vật, trước khi thực hiện các thiện pháp và hồi hướng các công đức đã gặt hái được.

186.- Thiện pháp (kusala) cao và thấp.

Chữ Pali Ukkattha có nghiã là cao, trên, còn chữ Omaka có nghiã là thấp, dưới. Với cả hai thiện tâm nhị căn (dvihetuka kusala citta)tam căn (tihetuka kusala citta), nếu chúng được bao trùm bởi các tâm trạng thiện vào lúc phát sanh của các tâm sở ý hành tiền tế (pubba cetana) và hậu tế (apara cetana), thì hành vi đang thực hiện được sắp vào hạng thiện pháp cao (ukkattha kusala) (tức là các hành động tốt và cao). Còn nếu cả hai thiện tâm nhị căn tam căn lại bị bao trùm bởi các tâm trạng bất thiện, thì hành vi đang thực hiện lại được xếp vào loại thiện pháp thấp (omaka kusala) (vì chúng cũng là thiện pháp nhưng còn thấp kém).

Khi chúng tôi bảo: "bao trùm bởi các tâm trạng thiện hay bất thiện", chúng tôi chỉ muốn nói đến các tâm trạng thật sự có liên hệ trực tiếp và chặt chẽ đến hành động đang làm. Nếu các tâm trạng ấy chẳng có dính dấp chi với hành động đang làm, thì chúng ta chẳng thể nói đó là có sự "bao trùm của thiện pháp (kusala) hay bất thiện pháp (akusala)" nào cả. Xin hãy lấy một thí dụ cho rõ nghiã. Một người mộ đạo sắp làm một việc đại bố thí, thì lại gặp mặt một người thiếu nợ, ông liền giận dữ và thưa kẻ ấy ra Toà. Dĩ nhiên, đó là một tâm sở bất thiện của lòng sân hận. Nhưng cơn giận dữ đó chẳng có liên hệ chi đến việc bố thí được làm sau đó và ông ta vẫn cảm thấy niềm vui trong lòng do đã làm được một công đức bố thí (dana). Bất thiện pháp sân (dosa akusala) khởi lên trước kia chẳng có ảnh hưởng gì đến phẩm chất của thiện pháp bố thí (dana kusala) của ông đã làm sau đó cả.

Để tóm tắt, xin nhắc lại: Thiện tâm tam căn cao (Tihetuka ukkattha) có nghiã là hành động thiện được thực hiện với sự phát sanh của cả hai tâm sở ý hành tiền tế (pubba cetana) và hậu tế (apara cetana). Nếu một trong hai tâm sở ý hành đó khiếm khuyết thì đó là đi gần đến hành vi thiện tam căn thấp (tihetuka omaka kusala). Nếu cả hai tâm sở ý hành đều vắng mặt cả thì đó hoàn toàn là hành vi thiện cấp thấp. Cùng thế ấy, các thiện tâm nhị căn cao và thấp (dvihetuka ukkattha, omaka) cũng nên được tìm hiểu theo lối đó. Ngoài ra, chúng ta còn có hai cấp cao (ukkattha)và thấp (omaka) nơi mỗi tâm sở ý hành tiền tế, hiện tại và hậu tế. Đối với các thiện pháp khác về giới hạnh (sila), cũng lại có hai cấp cao, thấp như thế.

Ghi nhớ:

1.- Một thiện pháp được kèm theo sự thông hiểu vể nghiệp báo được gọi là thiện pháp tam căn (tihetuka kusala).

2.- Nếu chẳng có sự thông hiểu về nghiệp báo thì thiện pháp đó được gọi là thiện pháp nhị căn (dvihetuka kusala).

3.- Một hành vi thiện, nếu có tâm thức thiện khởi lên trước đó hay sau đó, được gọi là thiện pháp cao (ukkattha kusala).

4.- Nếu hành động thiện mà tâm thức ác lại khởi lên trước đó hay sau đó, thì được gọi là thiện pháp thấp (omaka kusala).

187.- Các tiêu chuẩn khác để xếp hạng Bố thí (Dana).

Có các tiêu chuẩn sau đây dùng để xếp hạng các loại Bố thí (Dana):

A) Tiêu chuẩn phẩm vật được bố thí:

Bố thí được sắp thành ba hạng, căn cứ trên các phẩm vật được đem ra hiến tặng, như:

- Bố thí thấp (Hina dana), nếu phẩm vật được hiến tặng của thí giả kém về phẩm chất với phẩm vật mà anh ta thường dùng.

- Bố thí trung bình (Majjhima dana) nếu phẩm vật hiến tặng đồng phẩm chất với vật thường dùng.

- Bố thí cao (Panita dana) nếu phẩm vật hiến tặng có phẩm chất cao hơn vật thường dùng.

Ba hạng bố thí trên đây lại còn mang tên khác nữa. Loại bố thí thấp lại được gọi là bố thí của kẻ nô lệ (Dasa dana, chữ Dasa có nghiã là nô lệ, thấp hèn lắm.) Loại bố thí trung bình còn được gọi là bố thí của bạn hữu (Sahaya dana, chữ Sahaya có nghiã là bạn bè thân hữu). Và loại bố thí cao được gọi là bố thí của bực vua chúa (Sami dana, chữ Sami có nghiã là vua chúa.)

B) Tiêu chuẩn ý định bố thí:

- Ý định muốn bố thí còn mỏng manh, yếu ớt, sự gắng sức và quyết tâm kém đưa đến sự bố thí thấp (Hina dana).

- Ý định vừa phải khi sắp bố thí, cùng sự gắng sức và quyết tâm thường thường, thì đưa đến sự bố thí trung bình (Majjhima dana).

- Ý chí mãnh liệt muốn bố thí, cùng tận tụy gắng sức và quyết tâm kiên trì đưa đến sự bố thí cao (Panita dana).

C) Tiêu chuẩn mục đích bố thí:

- Bố thí với hy vọng đưọc ngợi khen, hay được danh tiếng như "Ông ấy đã kiến lập và cúng dường ngôi chùa nầy hay tu viện kia", đó là bố thí hạng thấp (Hina dana).

- Bố thí với lòng mong cầu sẽ được phước báo về các đời sau trong cảnh Luân hồi (Samsara) là bố thí hạng trung bình (Majjhima dana).

- Bố thí chẳng cầu phước báo đời sau mà chỉ vì thiện chí muốn theo đúng đức hạnh của bực hiền giả và trí giả là bố thí hạng cao (Panita dana).

Ghi chú: Các thiện pháp được thi hành chẳng có sự mong cầu được phước báo còn cao thượng hơn các thiện pháp đã được thi hành với lòng mong cầu hưởng thọ sự đền đáp về sau. Sự quên mình, ý chí vị tha, vì lợi ích an lạc của kẻ khác, đấy là các đức hạnh cao quí của bực Bồ-tát.

D) Tiêu chuẩn giải thoát:

- Bố thí với hi vọng sẽ được sự sung túc, giàu sang ở đời, thoát nổi khổ thiếu thốn về vật chất là bố thí hạng thấp (Hina dana).

- Bố thí với hi vọng được thoát khỏi cảnh Luân hồi (Samsara) là bố thí hạng trung bình (Majjhima dana).

- Bồ-tát bố thí theo hạnh Bố thí Ba-la-mật (Dana Parami) với hy vọng giúp đỡ mọi chúng sanh giải thoát khỏi cảnh Luân hồi là bố thí hạng cao (Panita dana).

Trên đây là những cấp bực xếp hạng các thiện pháp về bố thí, tùy theo thái độ tâm linh của người hành thiện. Đối với các thiện pháp khác, như giới hạnh (sila) chẳng hạn, cũng có sự xếp hạng tương tự.

188.- Phước lạc của sự Bố thí (Dana)

Những lợi ích về phước báo do sự bố thí (dana) mang đến, tưởng chẳng cần phải bàn thêm chi cho dài dòng. Ngay cả việc nuôi ăn cho một con thú nhỏ cũng đem đến cho thí giả năm điều phước lạc trong cả trăm đời sau: (1) sống lâu, (2) nhan sắc đẹp, (3) sự thịnh vượng (4) sức lực mạnh mẽ, (5) trí huệ sáng suốt. Kẻ thí giả khi tái sanh vào cõi người hay cõi trời, do nhờ sự bố thí trong các đời trước, sẽ sáng chói hơn các chúng sanh khác.

Vào thời Đức Phật Ca diếp (Kassapa Buddha), có hai vị tỳ-kheo là bạn đồng tu thân thiết với nhau lắm Một người hay bố thí, còn một người thì không. Vì cả hai đều giữ gìn giới luật (sila) rất nghiêm cẩn, nên họ được tái sanh vào cõi người và cõi Trời, mãi cho đến lúc Đức Phật Thích-ca đản sanh. Trong mỗi đời tái sanh, người chăm làm bố thí luôn luôn chiếm được điạ vị cao hơn người kia. Trong đời sống cuối cùng của họ, họ được sanh làm người, trong triều đình của vua nước Câu tát la (Kosala). Vị bố thí rộng rãi được thác sanh làm hoàng tử, còn vị kia làm con của một vị đại thần. Trong khi cậu hoàng tử ngủ yên trong chiếc nôi bằng vàng, có lọng che bên trên, thì cậu công tử được đă đặt nằm trong chiếc nôi bằng cây. Mặc dầu cả hai về sau đều chứng đắc được Niết-bàn (Nibbana) cả, nhưng phước lạc mà mỗi người được hưởng trong cuộc sống thật khác nhau rất xa.

189.- Bố thí có kéo dài cảnh sống trong Luân hồi không?

Một số người tin tưởng sai lầm rằng bố thí (dana) kéo dài thời gian sống trong cảnh Luân hồi (Samsara), sanh đi sanh lại nhiều lần trong vòng lẩn quẩn. Trong câu chuyện nơi tiểu mục ở trên đây, chúng ta đã thấy người hay chăm làm bố thí đâu có chậm trễ trong việc chứng đắc Niết-bàn, so với người bạn kia. Như thế, thật là vô lý khi quả quyết rằng bố thí (dana) kéo dài cuộc sống Luân hồi (Samsara). Thật ra, chính sự bất thanh khiết của tâm hồn người thí giả mới chịu trách nhiệm về vòng lẩn quẩn tái sanh. Sự tham đắm được hưởng thọ các xa hoa của cảnh sống nhơn thiên do bố thí (dana) mang đến, mới là nguyên nhơn kéo dài mãi vòng sanh tử của Luân hồi (Samsara).

Một vài người khác đã sai lầm nghiêm trọng khi bảo rằng chính Đức Phật cũng đã phải phấn đấu dài lâu trong cảnh Luân hồi vì Ngài đã quá chăm làm bố thí (dana) trong mỗi kiếp sống. Điều nầy hoàn toàn vô căn cứ. Nhờ vào hạnh Bố thí Ba-la-mật (Dana Parami) mà vô lượng vị Phật đã chứng đắc Đại Giác Vô thượng, trong khi đó chúng ta vẫn mãi trôi lăn trong dòng sanh sanh, tử tử. Chúng ta có vì thế mà dám bảo sự bố thí (dana) của chúng ta đã nhiều hơn gấp bội đối với các Ngài chăng? Bồ-tát Vessantara đã thực hành bố thí với một tầm vóc độc nhứt vô nhị, chứng đắc được quả vị Phật chỉ trong hai đời. Do đó, thật là hiển nhiên, bố thí (dana) chẳng phải là nguyên nhân kéo dài thời gian đau khổ trong cảnh Luân hồi.

Chúng ta đã thấy bố thí (dana) chẳng hề kéo dài cảnh Luân hồi (Samsara). Chính tâm thức của chúng ta bị ô nhiễm vì ái dục (tanha) mới ảnh hưởng đến sự triền miên đau khổ trong Luân hồi. Tất cả các vị Bồ-tát đã phấn đấu vì Nhứt thiết chủng trí (Sabbannuta nana) (trí thông hiểu tất cả mọi sự vật, mọi loài) và các Ngài đã đi khắp chốn trong cõi Luân hồi để hoàn thành viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis). Các Ngài cần tích luỹ thật đầy đủ trí huệ sáng suốt xứng đáng với danh hiệu một vị Phật. Nếu muốn so sánh cho đúng đắn, ta nên xem đó như là một trái xoài xanh, chỉ chín muồi sau khi đã nẩy nở trọn vẹn.

190.- Hai loại Thiện pháp (Kusalas).

Một hành động thiện được thực hiện, chẳng phải vì muốn thoát khỏi cảnh Luân hồi (Samsara) mà chỉ muốn được hưởng thọ các thú vui xa hoa trong cảnh trời, người, được gọi là vattanissita kusala, thiện pháp hoàn kết. (Vattana = vòng tròn; sita= kết buộc; kusala = thiện pháp). Còn một hành động thiện được thực hiện nhằm mục tiêu để chứng đắc Niết-bàn (Nibbana), được gọi là vivattanissita kusala, thiện pháp bất hoàn kết. (Vivattanissita = [vi = chẳng có, bất + vattanissita = vòng tròn kết buộc.]). Trong hai loại thiện pháp, chính thiện pháp hoàn kết (vattanissita kusala), dầu đó là bố thí (dana) hay trì giới (sila), đã kéo dài các cuộc sanh tử trong vòng Luân hồi (Samsara). Mặt khác, mọi hình thức của thiện pháp bất hoàn kết (vivattanissita kusala) đều thúc đẩy ta ra khỏi Luân hồi và hỗ trợ ta trong quyết tâm cao cả để chứng đắc được Niết-bàn (Nibbana).

191.- Bố thí (Dana) đã hỗ trợ sự hoàn thành các hạnh Ba-la-mật (Paramis) như thế nào?

Các thí giả có lòng bố thí rộng rãi được sanh ra trong cảnh giàu sang vào các kiếp sau, nhờ đó mà đời sống của họ rất thoải mái, dễ dàng. Người giàu sang (những bực có tấm lòng từ ái và đã thực hiện được nhiều thiện pháp bất hoàn kết [vivattanissita kusala] trongcác kiếp đã qua), mới có thể dễ dàng tuân giữ giới luật (sila), và theo đúng việc thọ trì Bát quan trai (Uposatha sila). Còn các người nghèo túng, vì phải vật lộn với đời sống khổ cực, chẳng thể trì giới dễ dàng được. Về học vấn, người giàu sang cũng có nhiều phương tiện tốt. Đừng nói chi đến các học viện tốn kém, ngay cả trong các trường đạo miễn phí, trẻ con nhà giàu cũng được đặc biệt đối xử. Vậy thì, với công đức bố thí (dana) trong quá khứ, sự học vấn sẽ được thụ đắc dễ dàng hơn.

Một người giàu có chẳng gặp nhiều khó khăn lúc tu tập đức nhẫn nhục khi phải đối phó với kẻ hỗn láo, vô lễ, vì người ấy tự tín nơi quyền lực và danh giá của mình, đâu thèm quan tâm đến các chuyện nhỏ mọn đó. Nhưng với người nghèo túng mỗi khi bị lăng mạ, thường bị ám ảnh bởi lòng tự ti mặc cảm, cho rằng chỉ vì ta nghèo mà bị khinh thường, nên mới dùng cách thô bạo mà phản ứng lại. Vì được sự kính nể của mọi tầng lớp trong xã hội nên người giàu có thường tỏ ra có tâm từ bi, thương xót mọi người. Một người nghèo khó chẳng được tình thương và sự kính nể của kẻ khác, thường nuôi duỡng lòng sân hận hay sự kiêu rỡm. Do đấy, ta thấy đức bố thí (dana) hỗ trợ cho sự thực hành viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis) khác như nhẫn nhục (khanti) và từ bi (metta & karuna).

Trong thế giới ngày nay, rất khó cho người nghèo túng giữ đúng được lời hứa. Đây cũng là dịp cho ta thấy bố thí (dana) giúp ta trở nên người ngay thật và giữ được lời hứa. Chẳng có sự bố thí (dana), rất khó mà hoàn thành được các hạnh Ba-la-mật (Paramis). Vì lẽ đó mà các vị Bồ-tát, vị nào cũng lấy đức Bố thí (dana) làm bước tu tập đầu tiên của mười hạnh Ba-la-mật (Paramis). Đức Phật Thích-ca cũng thành tựu Bố thí Ba-la-mật trước các hạnh Ba-la-mật khác. Trong một tiền kiếp, khi còn là ẩn sĩ Sumedha, Ngài đã lấy đức Bố thí (dana) làm đầu các hạnh Ba-la-mật. Trong một kiếp khác làm vua Vessantara, Ngài đã hoàn mãn hạnh Bố thí Ba-la-mật (Dana Parami) như giai đoạn chót của mọi hạnh Ba-la-mật.

192.- Các bực chẳng còn cần thi hành Bố thí nữa.

Có một hạng người chẳng còn thấy cần thiết phải thực hiện các thiện pháp về bố thi nữa. Đó là các bực đại thiền sư đang nỗ lực mãnh liệt để vượt khỏi cảnh Luân hồi (Samsara) ngay trong đời nầy. Các vị ấy dành trọn thời giờ trong việc nhập định (Samatha, Chỉ quán) và minh sát (Vipassana). Nếu các vị lo thi hành việc bố thí (dana) thì sẽ phí mất thời giờ và công sức trong việc hành thiền. Bố thí chẳng còn cần thiết cho các vị ấy nữa, vì các Ngài đang nỗ lực quyết tâm sớm đạt cho được sự giải thoát. Các vị cần phải miên mật quán tưởng cả ngày lẫn đêm. Trước đây có một vị tỳ-kheo (bhikkhu) ở Mandalay, thường hay chăm làm việc bố thí, đến tu tập thiền định dưới sự hướng dẫn của Ngài Maha Gandhayon Sayadaw là vị lãnh đạo tinh thần của chúng tôi. Một buổi sáng, khi thấy vị tỳ-kheo đang kết hoa để cúng Phật, Đại lão hoà thượng kêu lại và dạy rằng: "Trong khi đang công phu thiền định, con nên đặt hết tâm trí vào việc thực tập, còn sự dâng hoa cúng dường, con có thể làm sau cũng được."

Chính Ngài Maha Gandhayon Sayadaw cũng nỗ lực hành thiền ngày và đêm, với quyết tâm đạt sự giải thoát cho mình ngay trong hiện đời nầy. Ngài có đạt được mục tiêu đó hay không, tôi thật còn chưa đủ khả năng để biết chắc chắn. Tuy Ngài Maha Gandhayon Sayadaw dành trọn hết thời giờ cho việc hành thiền, một mình, trong hang động riêng của Ngài, nhưng Ngài cũng chẳng quên đến việc bố thí (dana). Mỗi khi rời hang động, Ngài thường đem những lễ vật đã được cúng dường ra chia xẻ với các tỳ-kheo khác.

Như thế, chẳng còn cần thiết phải thực hành bố thí nữa, khi một người đang dành hết thời giờ và nỗ lực trong việc hành thiền để được Giác ngộ và Giải thoát ngay trong hiện đời. Nhưng đối với những ai còn chưa theo hẳn con đường ấy, thì cố nhiên, họ vẫn phải nên chăm làm việc bố thí, cũng như tất cả mọi người đều nên làm như thế cả.

193.- Niềm vui khi bố thí.

Bố thí mang niềm vui đến cho cả thí giả và thọ giả. Người hào phóng và nhơn từ luôn luôn cảm thấy niềm thương xót đến kẻ nghèo khổ và túng bấn. Đó là tâm từ (metta) hướng đến mọi chúng sanh, đang khởi lên trong tâm thức người thí giả. Vị ấy lại vun bồi thêm lòng tuỳ hỉ (mudita), sự chung vui đầy thiện cảm với người đã sẵn giàu sang và phát đạt. Cho nên, gương mặt của vị ấy rạng rỡ như ánh trăng rằm; dáng điệu khoan thai bên ngoài để lộ sự trầm tĩnh và an lạc bên trong.

Ngược lại, người thọ giả cũng đáp lại lòng từ ái của người thí giả và cầu mong cho kẻ hảo tâm được hạnh phúc. Thí giả càng hưng vượng bao nhiêu thì tấm lòng tuỳ hỉ (mudita) nơi người thọ giả hướng về thí giả càng rộng lớn bấy nhiêu. Như thế, chỉ một việc bố thí (dana) mà đưa đến sự khởi sắc của cả bốn tâm vô lượng (Brahmaviharas): từ (metta), bi (karuna), hỉ (mudita), xả (upekkha) và xa hơn, cả đến sự quán tưởng (bhavana) nữa.

194.- Kẻ có hảo tâm mới thật là người giàu có.

Trên thế gian, số người giàu có chẳng phải lo lắng về sanh kế thật rất hiếm, còn những kẻ nghèo túng, bần cùng lại thật là đông đảo. Những người nghèo là những kẻ chẳng có sẵn chút ít vốn công đức nào về bố thí trong các kiếp trước. Còn người hiện đang giàu có, chắc chắn đã từng bố thí nhiều trong các kiếp đã qua. Người giàu, có nên tỏ ý mãn nguyện vì mình được giàu sang trong đời nầy chăng? Chắc là không! Bởi vị sự sang giàu và của cải chẳng thể đi theo với họ trong đời sau được. Họ đâu còn giàu có chi nữa khi đã nhắm mắt lià đời. Vì thế, người có của nên chia tài sản của mình ra, một phần dành cho các thừa kế, chỗ còn lại nên đem ra bố thí cho người túng bấn. Chỉ bằng cách ấy mới mong được giàu sang vào các đời sắp tới cho đến khi chứng đắc được Niết-bàn (Nibbana). Và đây là khuôn vàng thước ngọc: "Thí giả hảo tâm trong đời qua là người giàu có trong đời nầy; thí giả hảo tâm trong đời nầy sẽ là người giàu có trong các đời sau."

Của cải chỉ là sản nghiệp tạm thời; của cải chỉ có được trong một đời mà thôi. Chúng ta chớ nên xem của cải chúng ta đang có là sản nghiệp "của chúng ta". Chỉ khi nào ta biết đem dùng để tăng sự an lạc cho người túng thiếu, thì sản nghiệp ấy mới thật là "của chúng ta". Vậy, chúng ta chớ nên ngần ngại chi khi đem sản nghiệp mình ra giúp dỡ những người thật đang cần đến.

195.- Kẻ giàu có cũng tựa như dòng sông, cơn mưa, hay cây để ăn trái...

Có một đoạn văn đã ví người đức hạnh giàu sang như một dòng sông, như một cơn mưa, hay như một cây để ăn trái. Dòng sông dầu có nhiều nước, nhưng sông chẳng uống lấy một giọt nào; sông đem nước đến cho mọi người dùng hay tắm, giặt. Cơn mưa rơi xuống chẳng phải chỉ đổ nước vào hồ, vào giếng, mà còn tưới nhuần đến cả cánh đồng khô hạn, đến cả sa mạc hoang vu. Ngọn cây kia, cũng vậy, đơm bông trỗ trái, có bao giờ dùng đến hoa quả của mình, mà lại để cho người và chim chóc tiêu thụ.

Cùng thế ấy, người đức hạnh giàu sang có tích trữ của cải, chẳng phải chỉ để cho mình xử dụng, mà còn đem giúp đỡ kẻ bần cùng. Tài sản họ được đem phụng sự cho cảnh an lạc của người nghèo khổ. Khi bố thí cúng dường, người đức hạnh chẳng những chỉ nghĩ đến các vị hoà thượng "giàu có" như các giếng đầy ăm áp nước, mà còn tưởng nhớ đến các người túng bấn như cánh đồng hoang vắng khô cằn nữa.

Như đã xét qua, bố thí (dana) hỗ trợ cho các vô lượng tâm: từ, bi, hỉ, xả được phát triển. Bố thí khiến cho hình dong con người trở nên vui tươi, hớn hở. Những kẻ có hảo tâm gặp được điều lành trong đời nầy và sẽ được giàu sang trong những kiếp sau. Chúng ta đừng bao giờ lãng quên các lợi lạc do sự bố thí mang lại cho con người, các lợi lạc đó có đủ sức mạnh đưa chúng sanh đến tận cõi Niêt bàn (Nibana).

Bởi thế cho nên, vui sướng biết bao khi chúng ta đã biết tuân theo lời dạy của Đức Phật, giữ gìn tám giới, hay mười giới, hay theo đúng con đường Bát Chánh đạo, nhứt là về chánh mạng (Ajivatthamaka), khi chúng ta đã biết phát triển được ba tâm vô lượng: từ (metta), bi (karuna), hỉ (mudita), khi chúng ta đã tắm rửa và trang phục sạch sẽ, rồi với tâm niệm sẽ chóng đạt được cảnh giới Niết-bàn (Nibbana) chúng ta thành tâm chí thiết nói lên câu:

"Addha imaya patipattiya jaramaranamha parimuccissami"

"Chắc chắn bằng cách bố thí, tôi sẽ thoát khỏi mọi khổ đau của già, bịnh, chết" và với niềm vui rộn rã trong lòng, chúng ta thực hiện việc bố thí thật rộng rãi cho bất cứ người nào đến với chúng ta, chẳng kể chi đó là người lành hay kẻ ác cả!!! Làm sao mà cách thức bố thí đúng y như thế lại có thể giữ mãi chúng ta để phải trôi lăn triền miên trong cõi Luân hồi (Samsara)? Sao lại chẳng nhờ được sức mạnh của bố thí thúc đẩy sớm đưa chúng ta đến tận cõi Niết-bàn?

196.- Bố thí rất cần thiết, chẳng có chẳng được.

Xin bạn đọc đừng nghĩ là những gì chúng tôi vừa nói qua là đã đầy đủ về các lợi lạc do bố thí (dana) mang đến. Nếu muốn kể hết tất cả các lợi lạc đó, cần phải có cả một quyển sách dầy.

Nếu có ai vì ngã theo một tà thuyết qủi quái nào mà chủ trương dẹp bỏ bố thí thì các giao tế trong xã hội sẽ trở nên bế tắc và lòng từ ái ((metta) sẽ biến mất. Người giàu sẽ chẳng thương giúp chi kẻ nghèo khó, nuôi dưỡng thái độ lãnh đạm và lạnh lùng nói: ‘Cứ để họ chết đi! Ai lại ngại gì?" Nhơn loại chẳng có sự bố thí, thật ra, chỉ là một xã hội rất thiếu văn minh. Và dĩ nhiên, thái độ tinh thần còn thiếu tình thân ái và phong nhã đó sẽ lần lần tiến đến sự bạo ác man rợ trong các hoạt động vật chất.

Sau khi từ bỏ phú quí, quyền lực cùng danh vọng của ngai vàng, Đức Phật chứng đắc sự Giác ngộ và Giải thoát và trở nên bực Như-lai (Tathagata) được, cũng chỉ nhờ vào sức ủng hộ của biết bao nhiêu người đã từng dâng cúng thực phẩm lên cho Ngài. Ngài có đủ sức để đi giảng dạy Chánh pháp (Dhamma) và thành lập được Giáo Hội Tăng-già (Sangha) để truyền bá rộng rãi Giáo Lý (Sasana), cũng chỉ nhờ vào sự trợ giúp của các tín chủ mộ đạo giàu có như ông Cấp cô độc (Anathapindika), bà Tỳ xá khư (Visakha), vua Tần bà sa la (Bimbisara), v.v. Nếu chẳng có các vị thí giả hảo tâm đó, có lẽ chẳng có được một đức Phật, còn nói chi là Giáo lý (Sasana) của Ngài. Chẳng phải chỉ đối với Đức Phật Thích-ca của chúng ta mà thôi, cả vô lượng đức Phật khác trong thời quá khứ có lẽ chẳng chứng được Nhứt thiết chủng trí (Omniscience), nếu thế giới nầy khiếm khuyết sự bố thí (dana). Do đó, tôi xin phát lời nguyện cầu thật tha thiết và mãnh liệt: "Nguyện rằng chẳng bao giờ lại có người dám đi bài bác sự bố thí và phủ nhận các phúc lạc do sự bố thí mang đến, hiện nay và mãi mãi."

Thật chẳng dễ gì mà liệt kê ra đầy đủ hết tất cả mọi lợi lạc mà ta hưởng thọ được do lòng quảng đại và nhơn từ của sự bố thí. Nếu chẳng có sự bố thí (dana), có lẽ chẳng bao giờ có được một đức Phật nào chỉ cho chúng ta con đường đi đến Niết-bàn (Nibbana). Xin bạn hãy ghi nhớ mãi trong lòng rằng, các bực tinh hoa của xã hội loài người, các vị Thiên vương trên cung Trời tráng lệ, tất cả đều hưởng phước đức bố thí mà họ đã tích tụ từ trưóc; còn hoàn cảnh của những người nghèo khó, khốn cùng là do sự khiếm khuyết hảo tâm của họ, vào các đời trong quá khứ gây nên. Nếu bạn thiết tha mong muốn thoát khỏi cảnh Luân hồi (Samsara), hãy nên trông cậy vào việc thi hành hạnh Bố thí (Dana).

(2) Giới hạnh (Sila)

197.- Trì giới (Sila) và Bố thí (Dana).

Thường nghe nói: "Trì giới được nhiều đức hạnh hơn Bố thí." Có nguời còn chưa chịu hoàn toàn đồng ý về lời tuyên bố đó. Nhưng muốn hiểu nghiã sâu của điều đó, ta cần phải suy luận cho kỹ càng hơn. Trong cõi đời nầy, che chở và ngăn ngừa cho kẻ khác khỏi bị đau đớn và khổ sở, là một hành vi cao quí. Làm gia tăng sự an lạc và phát đạt cho kẻ khác, cũng là một hành vi cao quí khác nữa. Bố thí (dana) giúp kẻ khác phát đạt. Giới hạnh (Sila) che chở kẻ khác khỏi khổ đau.

[Tri giới (Sila) có nghiã là tuân theo Ngũ Giới (= năm điều răn cấm) và Bát Giới (=tám điều răn cấm) còn được gọi Chánh mạng giới (Ajivatthamaka sila = các giới luật (Sila) trong đó lấy giới điều về Chánh mạng,về sanh kế chơn chánh, làm giới điều thứ tám). Về Bát Giới Thập Giới (= mười điều răn cấm), ta sẽ cứu xét sau.]

198.- Công năng của Bố thí (Dana)

Ai ai cũng phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, như trường hợp một người đang chịu cảnh nghèo khó vì nghiệp báo (kamma) của anh ta. Giúp đỡ cho anh ta khá lên tức là đang làm việc bố thí (dana). Các vị tỳ-kheo (bhikkhus) chẳng phải là người nghèo khó, theo đúng nghiã thật tế, nhưng các vị ấy cần đến tứ sự cúng dường (= bốn điều cần thiết cho tỳ-kheo: (1) thực phẩm, (2)y phục, (3) thuốc men, (4) phòng ốc) mới có thể sanh sống được; vì thế, các vị tỳ-kheo đều được xem như là người nghèo khó. Và sự hiến tặng tứ sự cúng dường cho tỳ-kheo phải xem như là một công tác bố thí (dana) đúng đắn.

Vài vị tỳ-kheo và các vị trụ trì nhận được thật nhiều lễ vật cúng dường và sống rất sung túc. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp tục cung hiến các phẩm vật cho họ; thì đó vẫn là sự giúp đỡ các người còn túng thiếu, vì họ sẽ đem chia lại cho các tỳ-kheo đang cần, hoặc đem tặng dữ cho các người tại gia. Dù bạn chỉ giúp đỡ một người, hay thật nhiều người, công tác bố thí trong mọi trường hợp vẫn là một hành vi đáng quí trọng. Những ai thật sự hiểu rõ các lợi lạc của sự bố thí mang lại cho người thí giả, tất sẽ nhận rõ bố thí là một thiện pháp chơn chánh.

199.- Giới sát sanh (Panatipata virati) là tránh giết hại.

Công năng của giới hạnh (Sila) là bảo vệ mọi chúng sanh tránh mọi khổ hoạn Trong Ngũ Giới, giới điều thứ nhứt là cấm giết hại đến sanh mạng của tất cả mọi chúng sanh. Hãy tưởng tượng đến các hậu quả tai hại của sự vi phạm điều răn cấm thứ nhứt. Hãy xét đến cảnh khốc hại của vô số thú vật bị hy sanh, nào loài thủy sản, nào gia súc, nào gia cầm, phải chịu chết chóc vì sự bất tuân vào giới luật cấm sát sanh. Lại cũng nên nghĩ đến các cuộc sát nhân đang gia tăng đưa lần đến chiến tranh làm đổ máu tràn lan khắp chốn. Thật là hiển nhiên, sự vi phạm vào Giới điều cấm sát sanh gieo rắc tai hoạ, chẳng phải chỉ riêng cho một ai mà đến tất cả mọi loài sanh vật trên quả đất nầy.

Nhờ tuân theo giới điều cấm sát hại, chúng ta cứu được mạng sống của một, hai, ba hay vô lượng chúng sanh. Giới luật (Sila) bảo đảm sự an toàn cho chúng sanh và làm khởi sắc lên các tâm vô lượng như từ (metta), bi (karuna), hỉ (mudita) đối với mọi sanh vật. Nhờ đó mà thế giới nầy mới trở nên nơi cư trú an lành cho mọi chúng sanh sống trong niềm hoan lạc mãi mãi.

200.- So sánh.

Giờ đây, sau khi bạn đã thấy các lợi ích của sự bố thí (dana) và của giới hạnh (sila) nơi điều răn cấm thứ nhứt, chắc bạn sẽ đồng ý là: trì gìới được nhiều đức hạnh hơn bố thí. Hãy so sánh nỗi vui mừng của một người đang nhận được quà tặng với niềm sung sướng của một kẻ vừa được tha khỏi chết. Hẳn là người thoát chết phải hân hoan cả ngàn lần hơn người được tặng dữ. Cùng thế ấy, sự thoả thích của người đang đói khát vừa được cho ăn uống làm sao so sánh nổi với niềm hoan lạc vô biên của kẻ vừa được ân xá khỏi án tử hình. Trì giới thù thắng hơn bố thí là ở điểm đó.

201.- Giới cấm trộm cắp (Adinnadana virati).

Ai cũng cảm thấy xốn xang, phiền muộn, khi bị mất cắp hay bị cướp giựt. Trên một bình diện rộng lớn hơn, một đấng quân vương đang trị vì, cùng với hoàng gia và thần dân, sẽ cảm thấy đau khổ biết bao, khi tổ quốc mình bị nước khác xâm lăng và chiếm cứ. Nước bị lệ thuộc càng ngày càng trở nên nghèo khó, vì dân chúng chẳng còn có thể khai thác đúng mức các tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ của họ. Do đó, cướp đoạt, đánh cắp, gây ra khổ sở và nghèo khó cho các nạn nhơn. Nếu mọi người đồng tuân theo giới cấm trộm cắp, thế giới nầy sẽ vĩnh viễn thoát khỏi nổi khổ đau vì mất tài sản. Do đó, giới cấm trộm cắp (Adinnadana virati) ngăn ngừa được đạo tặc, là một đức hạnh cao quí tránh gây ra phiền muộn, khổ đau cho chúng sanh và tạo nên niềm an lạc cả về thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống.

202.- Giới cấm tà hạnh (Kamesu micchacara virati).

Phàm phu (puthujjana), người thường, rất ưa thích các thú vui về xác thịt (kamaguna), nhứt là các khoái cảm về sự tiếp xúc vào thân thể. Chẳng ai lại chịu đem nguồn lạc thú nhục dục cùng vợ mình ra chia xẻ với kẻ khác cả. Người đàn ông nào cũng giữ chặt vợ mình và sẵn sàng chẳng chút ngại ngùng dùng võ lực để bảo vệ vợ. Anh còn có thể kham nhẫn trước sự mất mát vật chất đến một mức độ nào đó, nhưng chẳng hề dung tha bất cứ sự xâm phạm nào, dầu nhỏ mấy đi nữa, đến tiết hạnh của vợ anh. Do đó, lánh xa mọi tà hạnh về dục tình có nghiã là tránh gây sự khổ sở và đau đớn đến kẻ khác. Vì thế mà gìới cấm về ngoại tình và vi phạm về tình dục đưa đến sự bình yên và tĩnh lặng cho tất cả mọi chúng sanh trên thế giới nầy.

203.- Giới cấm nói dối (Musavadavirati)

Những ai đã từng có kinh nghiệm bị xảo trá, bị lừa đảo hay bị nói dối, đều cảm thấy phẫn nộ, mặc dầu đôi khi sự tức giận đượm vẻ tế nhị phần nào. Ảnh hưởng tai hại của sự lường gạt rất là hiển nhiên. Một vài tay nói dối, vào hạng cao thủ trong ngành, đã có thể lừa gạt dân chúng cả một nước. Thời nay, nhiều nhà lãnh đạo giáo phái đã khéo tuyên truyền tà thuyết của họ dưới nhãn hiệu chơn lý tuyệt đối. Hàng triệu người vì thế bị phỉnh gạt vào con đường tà đạo và phải chịu biết bao nhiêu khổ nạn. Giới cấm nói dối giúp bảo vệ dân chúng khỏi bị đau khổ vì bị lừa gạt vậy.

(Ngay cả trong hàng các Phật tử, cũng có nhiều tay thủ đoạn phao truyền những sự tin tưởng sai lầm khiến cho người dân thất học tin theo và quí trọng họ lắm, thật đáng buồn thay! Đây là điểm đáng để chúng ta suy gẫm kỹ.)

204.- Giới cấm dùng các chất say (Surapana virati).

Kẻ nào dùng chất say, dưới một hình thức nào đó, dĩ nhiên phải chịu hậu quả xấu trong các đời sau. Nếu chỉ ngồi một mình uống chút ít rượu thì còn có thể tạm tha thứ được. Nhưng đa số các người nhậu rượu lại uống đến say sưa, túy lý, còn ngần ngại chi mà chẳng phạm đến các giới điều răn cấm khác. Họ gây gổ, nói dối, lừa đảo, trộm cắp và có khi lại giết người, cũng chỉ vì cơn say. Cũng như tay đầu đảng chẳng tự mình có hành động nào phạm pháp rõ rệt, nhưng anh lại thúc đẩy bọn đàn em gây ra tội ác; rượu, hay các chất say khác, cũng thế, thúc dục người ghiền phạm tội lỗi chẳng chút ngại ngùng. Họ sẵn sàng giết người, đốt nhà, xâm phạm tiết hạnh hay trộm cắp, v.v. Trở thành người ghiền là đang đi theo con đường cô độc ruồng bỏ gia đình, gây khổ sở cho những người thân cận, để rồi sự khốn khổ đó lan rộng đến cho mọi người trong cộng đồng. Những ai biết lánh xa các chất say sẽ tránh cho thế giới nầy các nỗi khổ sở đó.

Sau khi đã xét rõ các lợi ích của việc tuân theo Ngũ Giới (= năm điều gíới cấm), chúng ta có thể tiếp tục khảo sát thêm, cũng theo đường lối trước, các lợi lạc cao quí của chánh mạng (samma ajiva), tức là các sanh kế chơn chánh để nuôi mạng sống của mình. Chúng ta đã nhận thấy rõ sự tuân trì Ngũ Giới tránh được cho thế giới nầy mọi khổ sở và lo lắng. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn ý thức được rằng giới hạnh (sila) phải cao hơn sự bố thí (dana). Trong chiều hướng đó, mọi người trong chúng ta, ai ai cũng phải nên tuân trì năm giới điều ghi trong Ngũ Giới. Nguyện cầu các độc giả tinh tấn thọ trì Ngũ Giới và gieo rắc rộng rãi tâm từ (metta) và tâm bi (karuna) đến mọi chúng sanh!

205.- Bát quan trai giới (Uposatha sila).

(Trong các buổi lễ Bố tát [Uposatha] tổ chức vào đầu tháng và ngày rằm), Phật tử nguyện giữ các giới điều (gồm có tám điều, nên được gọi là Bát quan trai giới, hay nói gọn hơn là thọ Bát), trong đó sự tuân theo Phạm hạnh (Brahmacariya, sự kiêng cử hẳn về dâm dục), việc chẳng ăn sau giờ ngọ (= mười hai giờ trưa), v.v. là những giới hạnh (sila) khác hơn là Ngũ giới vừa được xét qua. Trong Ngũ giới, các giới tử (=người giữ giới) chỉ tuân theo năm điều răn cấm nhằm mục đích chẳng gây tổn hại cho kẻ khác; còn trong Bát quan trai giới nguyện giữ vào các dịp lễ Bố tát, người giới tử giữ gìn tám điều răn cấm nhằm mục đích khiến cho chính tâm thức mình trở nên cao thượng hơn, chớ chẳng phải để được sự chú ý và khen ngợi của các bạn láng diềng. Việc hướng về sự cải thiện nội tâm trong khi cẩn thận giữ giới như thế được gọi là thọ trì Thánh Bát giới (Ariya Uposatha), có nghiã là giới luật của bực thánh thiện (Ariya = bực Thánh).

[Về các loại Bát quan trai giới và lễ Bố tát (Uposatha) cùng cách thức tuân trì đúng đắn như thế nào, trong quyển Ratana Gon yi (cùng một tác giả), đã có nói đầy đủ chi tiết.]

Những ai thọ trì Thánh Bát giới (Ariya Uposatha), sau khi làm lễ thọ giới, phải nên miên mật quán tưởng về công đức của ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, và xét soi về thành quả của chính mình trong việc thi hành giới hạnh (sila) và bố thí (dana). Nhờ đó mà giới tử mới nhận thấy ngay trong tâm thức mình sự vắng bóng từ từ của các tâm sở tham lam (lobha), sân hận (dosa), si mê (moha), kiêu mạn (mana) và các tâm sở bất thiện khác. Tâm tư họ càng ngày càng trở nên thanh khiết và cao thượng hơn. Như thế, rõ ràng là Bát quan trai giới (Uposatha sila) chẳng phải chỉ là sự giữ gìn giới hạnh (Sila) suông, mà lại còn là "bạn đồng hành" của sự quán tưởng (Bhavana); đó cũng là sự tuân thủ cẩn thận theo năm giới điều căn bản, bắt đầu bằng sự từ bỏ mọi việc sát hại sanh mạng của mọi chúng sanh. Do đấy, chẳng còn chút nghi ngờ, Bát giới tốt hơn và cao thượng hơn Ngũ giới thông thường.

(3) Quán tưởng (Bhavana)

206.- Quán tưởng (Bhavana) là gì?

Quán tưởng (Bhavana) có nghiã là sự đào luyện và phát triển tâm thức. Đó là một hình thức của công tác nghiệp thức (manokamma), một công tác của tâm thức làm cho chính tâm thức được trở nên thanh khiết hơn.

Khi ta nhiệt thành mong muốn cho mọi chúng sanh được an lạc và ban rải tấm lòng thương yêu quảng đại đến mọi chúng sanh, đó là từ quán (metta bhavana). Trước hết, ta nuôi dưỡng tâm từ trong tâm thức ta và kế đó, phát triển tâm ấy mạnh mẽ để cho tâm tư ta được thấm nhuần, tràn ngập trong tâm từ (metta).

Khi tâm từ đã khởi sắc trong tâm thức ta, ta cảm thấy một niềm thương xót đến những người nghèo khó và đang bơ vơ chẳng được ai cứu giúp. Khởi phát tấm lòng xót thương và cứu giúp những kẻ khốn cùng như thế, được gọi là bi quán (karuna bhavana).

Khi tâm thức luôn luôn được thúc dục để xót thương và làm nhẹ nỗi khổ của kẻ cơ hàn, tâm từ tâm bi đang phát triển mạnh mẽ, thì lòng ta lại hướng về những người giàu có và khởi lên tâm tuỳ hỉ (mudita) thành thật chung vui với những người được may mắn, chẳng chút hờn ghen, ganh tị. Ta cảm thấy được một niềm vui vị tha chơn thật hướng về những người ấy. Đó là hỉ quán (mudita bhavana)

Cả ba loại quán tưởng (bhavana): từ , bi , hỉ quán đó đều có thể đào luyện và phát triển nơi mọi người đức hạnh, ngay trong các việc làm hằng ngày.

207.- Niệm công đức Phật (Buddhanussati Kammatthana).

Danh từ Pali: Buddhanussati Kammatthana có nghiã là trong tâm thức ta luôn luôn tưởng nhớ đến các công đức của Đức Phật. [Nói cho gọn, đó là Niệm Phật; Buddhanussati Kammatthana = Buddha (Phật) + sati (niệm) + kamma (nghiệp) + thana (trạng thái)]. Trong việc quán tưởng đến các công đức của Phật, hay niệm Phật, tâm tư ta phải qui hướng về ba điểm: (1) sự tốt lành của nguyên nhơn; (2) sự tốt lành của hậu quả; (3) các lợi lạc đem đến cho mọi chúng sanh; ba điểm ấy đều liên quan đến các công đức của Đức Phật mà Ngài đã hoàn thành viên mãn.

Lần lượt, chúng ta sẽ xét qua ba điểm đó trong việc niệm Phật.

208.- Tưởng niệm về sự tốt lành của nguyên nhơn nơi công đức Phật.

Trong việc Niệm Phật, tưởng niệm đến sự tốt lành của nguyên nhơn tạo nên công đức của Đức Phật, chữ nguyên nhơn có nghiã là sự thực hành viên mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis, sự toàn thiện) của Đức Phật trong vô lượng kiếp sống về quá khứ. Ngài đã thực hiện tất cả mọi các thiện pháp và tu tập viên mãn các hạnh Ba-la-mật, với một ý chí thật mãnh liệt. Các công tác thiện lành mà Ngài đã làm, trải qua các cuộc sống trong Luân hồi (samsara), chẳng phải vì bổn thân của Ngài, mà chính là vì muốn giải thoát tất cả mọi chúng sanh ra khỏi cảnh khổ đau của Luân hồi. Chúng ta hãy thử nhắc lại hạnh Bố thí Ba-la-mật của đức Vua Vessantara, tiền thân của Đức Phật Thích-ca.

Đa số thường nhơn khi bố thí đều có bụng cầu danh, muốn được khen là giàu lòng từ thiện. Họ lại tự hào trong thâm tâm, mình là người ban ơn bố đức cho kẻ khác và chờ đợi sự biết ơn của người nhận. Họ mong cầu rồi sẽ được tái sanh vào cảnh sang giàu trong các đời sau. Họ chỉ nguyện cầu đắc được Niết-bàn (Nibbana) một cách chiếu lệ. Nhưng đối với Vua Vessantara, thì khác hẳn; ngay lúc còn thơ, cậu hoàng tử nhỏ đã biết chìa ngữa bàn tay ra, bảo mẹ đưa cho một vật gì để biếu tặng kẻ khác. Cậu chẳng hề có lòng vị kỷ, luôn luôn được ý muốn bố thí thúc đẩy, đúng theo sự nhớ lại được các hạnh nguyện của mình trong tiền kiếp (vasana). Bao nhiêu y phục cùng đồ trang sức đã được cậu đem ra hiến tặng cho các bạn bè.

Đến khi lên ngôi Vua, Ngài ra lịnh xây cất nhiều cung điện dành cho việc bố thí, mỗi ngày đều có tiệc cơm khoản đãi các người thọ thí, chi phí lên đến hàng trăm ngàn đồng. Ngài sung sướng nhìn thấy dân chúng nhờ Ngài mà được ăn no, mặc đẹp. Đấy chẳng phải là Ngài có ý vị kỷ muốn được tiếng khen hay được tái sanh vào cảnh giàu sang, quyền quí. Ngài chỉ tin rằng bổn phận người giàu là phải lo giúp kẻ nghèo. Lòng Ngài mong muốn cứu trợ kẻ bần cùng thật là mãnh liệt.

Có con bạch tượng Paccaya là của quốc bảo, thế mà Ngài cũng đem ra bố thí, gây nên sự phản đối ồn ào trong dân chúng. Nhưng vua Vessantara chẳng hề quan tâm chi đến các việc gì khác, ngoài sự chứng tri được Nhứt thiết chủng trí (Sabbannuta nana). Cũng có kẻ cho rằng đeo đuổi mục tiêu như thế, cũng còn là vị kỷ. Nhưng đối với nhà vua, chứng tri được Nhứt thiết chủng trí có nghiã là Ngài còn phải đi xa ngàn dặm để truyền bá Chánh pháp (Dhamma) của Ngài đến cho toàn dân. Vậy, đắc Nhứt thiết chủng trí, đối với Ngài, chỉ có nghiã là phục vụ mọi chúng sanh, giúp tất cả thoát khỏi mọi khổ đau vĩnh viễn, chớ chẳng phải vì lợi riêng cho chính Ngài.

Trong giai đoạn chót của sự hoàn mãn các hạnh Ba-la-mật, Vua Vessantara còn đem cả vợ và hai con, trai và gái, ra bố thí nữa. Hiển nhiên, đấy là lòng xả kỷ vị tha của Ngài hướng đến mọi chúng sanh. Chúng ta hãy xét thêm điểm nầy cho rõ.

Được vợ đẹp, con ngoan là lên đỉnh cao của hạnh phúc nơi cõi trần gian hay ở trên các cung Trời. Sống độc thân chẳng vợ con, ngay cả vua Chuyển Luân thánh vương, cũng thấy hạnh phúc mình còn chưa đầy đủ. Nhưng đối với vua Vessantara từ bỏ được kho tàng trân bảo quí báu nhứt nơi quả tim Ngài là vợ và con, để đem ra hiến tặng cho người khác, hẳn là một sự bố thí vô tiền khoáng hậu vậy. Tấm lòng quảng đại vô song đó chắc chắn chẳng phải xuất phát từ sự mưu cầu danh lợi, mà chính vì tấc dạ khẩn thành mong mỏi được chứng tri Nhứt thiết chủng trí, để Ngài có thể nhờ đo mà giải thoát mọi đau khổ cho tất cả chúng sanh.

Với mục tiêu vị tha cao quí đó, Ngài đã hy sanh cả đời mình nhiều lần, xuyên qua các cuộc sống trong cảnh Luân hồi, để thực hành viên mãn các hạnh trì giới (sila) vá nhẫn nhục (khanti) Ba-la-mật. Các hành động cao cả và toàn thiện đó, trong các tiền kiếp của Ngài, chính là nguyên nhơn đã tạo ra điều kiện thuận lợi để Ngài đạt đến ngôi vị Phật ngay trong cõi đời hiện nay tại thế gian nầy.

209.- Tưởng niệm về sự tốt lành của hậu quả nơi công đức của Phật.

Các hành động cao quí và toàn thiện kể trên đây được thực hiện đầy đủ để hoàn mãn các hạnh Ba-la-mật (Paramis), đưa đến hậu quả là Ngài đã chứng được ngôi vị Phật. Trong hiện đời, với tư cách là Phật, Ngài đã có được tấm thân đẹp đẽ và trang nghiêm nhứt, trí huệ thù thắng nhứt, thần thông quảng đại nhứt, và sức minh triết thâm sâu nhứt. Các đức hạnh về thể chất và tâm linh đó của Đức Phật, ta phải tưởng niệm đến, thật đầy đủ chi tiết, mổi khi ta thực tập quán tưởng về Niệm các công đức của Phật (Budhanussati kammatthana) (tức là khi ta niệm Phật.)

210.- Tưởng niệm về các lợi lạc đem đến cho mọi chúng sanh.

Các hành động cao quí đã làm, các hạnh Ba-la-mật (Paramis) đã viên mãn, đưa đến kết quả tối hậu là Ngài đã chứng tri được Nhứt thiêt chủng trí (Sabbannuta nana). Sau khi đã lên ngôi vị Phật, Ngài chẳng ngồi yên thọ hưởng thành quả tối thượng của mình, mà lại đem Chánh pháp (Dhamma) cao quí ra giảng dạy trong bốn mươi lăm năm vì sự an lạc và hạnh phúc của mọi chúng sanh. Ngay cả khi Ngài sắp nhập Đại Bát Niết-bàn (Mahaparinibbana), Ngài còn sách tấn các vị tỳ-kheo bằng lời lẽ như sau:

"Handa dani bhikkhave amantayami vo, vayadhamma sankhara, appamadena sampadetha."
"Này các tỳ-kheo! Ta khuyến nhũ các vị: Tất cả các pháp hữu vi đều phải suy tàn và tan hoại, Phải nên nỗ lực tinh tấn và chí thiết!"

Giáo pháp của Ngài đã chỉ đường dẫn lối cho chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau và chấm dứt vòng lẩn quẩn của Luân hồi (Samsara vatta). Vì thế, mọi người nên quán tưởng, với sự thành tâm thật sâu xa, về ba đức độ vĩ đại nơi cuộc đời của Đức Phật, đó là: nguyên nhơn cao quí, hậu quả cao quí và lợi lạc cao quí cho mọi chúng sanh. Có như thế, ta mới phát triển được niềm sùng tín hoàn toàn vào Đức Phật và tìm sự nương tựa vào Ngài, mỗi khi ta nguyện cầu:

"Buddho me saranam, annam natthi."
"Đức Phật là nơi tôi nương tựa, chẳng có sự nương tựa nào khác nữa cả".

Và niềm tin chơn thành cùng sự thông suốt hoàn toàn về Đức Phật sẽ nẩy nở và đơm bông trổ quả nơi thân tâm ta.

Trên đây là sự giải thích vắn tắt về việc quán tưởng đến công hạnh của Đức Phật (Buddhanussati bhavana), còn được gọi vắn tát là Bhavana, Quán tưởng, hay Niệm Phật. Việc tu tập quán tưởng như thế có thể thực hiện hằng ngày. Ta có thể bắt đầu bằng từ quán (metta bhavana) hay bằng Phật quán (Buddhanussati bhavana), tuỳ ý thích hợp. Muốn tập quán tưởng thâm sâu và miên mật, nên đọc thêm các tài liệu kinh sách khác, chẳng hạn như quyển Visuddhimagga.

(4) Kính lễ (Apacayana).

211.- Kính lễ (Apacayana) đối với những ai?

Kính lễ nghiã là có cử chỉ tỏ ra kính trọng những người hơn mình về tuổi tác, đức hạnh, trí huệ, liêm chính, v.v. Kính lễ với bực trưởng thượng như cha mẹ, chú bác cô dì, nhường ghế, tránh bước cho người đáng quí trọng, cúi đầu chào, chắp tay xá các vị tỳ-kheo (bhikkhu), giở nón hay chào hỏi theo tục lệ điạ phương,v.v. đó là những cử chỉ tỏ lòng kính lễ. Tuy nhiên, nếu khúm núm một cách gượng ép trước một nhơn vật có quyền thế vì sợ sệt hay vì nịnh bợ, thì chẳng đáng được gọi là kính lễ (apacayana), vì đó là sự giả dối bề ngoài; chỉ đáng gọi là sự phú tàng (maya), che đậy mà thôi.

212.- Vài điều đáng để suy gẫm.

Nghiêng mình, cúi đầu, thông thường được xem như là các cử chĩ lễ phép. Ở Miến-điện, một số người hay đặt xuống đất những vật đang mang vác và qùi lạy bên đường khi họ trông thấy một vị tỳ-kheo đi ngang qua. Vài người chẳng kể đến quần áo mới đang mặc, quì xuống ngay cả bên lề bùn bẩn hay tại sân ga xe lửa để kính chào các sư sãi hay người già cả. Các cử chỉ đó, nếu được thành tâm thi hành, cũng chẳng nên chê trách Nhưng ngày nay, với cuộc sống ồ ạt, nơi các chỗ đông đảo người qua lại, thì một cái cúi đầu và vài lời khiêm tốn cũng khá đủ để kính lễ (apacayana). Qùi lạy ở giữa đường nơi náo nhiệt để kính lễ chư tăng ni, trước mặt người ngoại quốc, chẳng còn thật sự là việc cần thiết nữa.

(5) Nhiêu ích (Veyyavacca).

213.- Nhiêu ích (Veyyavacca) nghià là gì?

Giúp đỡ ai hay làm tiếp giùm ai một việc gì có ích lợi được gọi là nhiêu ích (veyyavacca). Chúng ta nên sẵn lòng cung cấp mọi dịch vụ giúp người thí giả để họ được thêm thoải mái và bớt lo lắng trong việc thi hành các thiện pháp. Chúng ta lại càng nên giúp đỡ người đau yếu, kẻ tàn tật và người già cả. Gặp người đang khuân vác nặng nhọc, ta nên mang tiếp, đỡ lấy gánh nặng trên tay cha mẹ hay các bực trưởng thượng. Như thế, các hình thức công tác thiện nguyện đỡ đần cho người khác, miễn là chẳng hề có ác ý, đều thuộc vào những thiện pháp nhiêu ích (veyyavacca kusala).

Nếu bạn có thiện chí và ý hành (cetana) thật sự để trợ giúp bằng công tác thiện nguyện, thì lợi ích mang lại có thể nhiều hơn là cho người thí giả nữa.Thí dụ như, vào thời Đức Phật Thích-ca còn tại thế, có vị Thống đốc tên là Payasi, trước kia tin theo tà thuyết ngoại đạo, sau trở nên một Phật tử thuần thành nhờ sự cải hoá của Tôn giả Cưu-ma-la Ca-diếp (Kumara Kassapa). Ông Payasi rất siêng năng trong việc bố thí và thường ngày hay dâng cơm cúng dường các vị tỳ-kheo (bhikkhu). Nhưng ông chẳng đích thân làm việc đó mà nhờ một chàng thanh niên tên là Uttara làm hộ. Mặc dầu Uttara chỉ nhơn danh ông Payasi cúng dường lên các tu sĩ, nhưng chàng ta lại rất thành kính để hết tâm trí vào việc dâng hiến. Đến khi cả hai người, vị thống đốc và chàng thanh niên qua đời, họ được thác sanh lên cõi Trời: vị thống đốc tái sanh ở cõi Trời Tứ Thiên vương (Catumaharajila) là cõi Trời thấp nhứt, còn chàng thanh niên lại được sanh vào cõi Tam thập tam thiên (Tavatinsa) cao hơn.

(6) Hồi hướng (Pattidana).

214.- Thế nào là hồi hướng (Pattidana) công đức.

Hồi hướng công đức (Pattidana) đến kẻ khác là có lòng muốn chia xẻ phước báo của việc thiện mình mới vừa thi hành đến cho người khác cùng hưởng với mình. (Pattidana = patti [= những gì hưởng được] + dana [= hiến tặng]). Kẻ thí giả, dĩ nhiên vẫn thọ hưởng lợi ích của hành vi bố thí (dana) đã làm. Ý muốn chia xẻ phước báo với kẻ khác, ý muốn hào hiệp đó, cũng lại một công đức khác nữa. Sau khi làm được một thiện pháp, chúng ta nên hồi hướng công đức như thế nầy:

"Nguyện cầu những ai nghe đến lời tôi đang nói, sẽ chia xẻ cùng tôi phước báo nầy! Nguyện cầu mọi người đều có thể thọ hưởng nhiều công đức như tôi!" Như thế, hồi hướng công đức, chính nó, cũng là một hành vi thiện pháp riêng biệt.

215.- Một điều nên lưu ý.

Nhiều thí giả khi hồi hướng công đức, thường nói một cách lơ là, chiếu lệ: "Xin hồi hướng công đức nầy đến khắp tất cả," mà trong lòng chẳng có chút thiện ý nào cả. Cách chia xẻ "bằng miệng"nầy chẳng thể nào gọi là hồi hướng công đức (pattidana) được.

Xưa kia, có một người nọ, đi vay mượn một số tiền, để thết tiệc mời khách đến mừng cho con vừa được thọ giới Sa-di (Sa-di = tu sĩ tập sự). Tiền bạc và lễ vật mừng của khách chẳng đủ số chi phí bữa tiệc, như sự mong ước của chủ nhà. Đến khi buổi lễ gần xong, có người đứng bên nhắc anh ta nên hồi hướng công đức. Bấy giờ, trong đầu anh còn đang bận rộn tính toán tiền nong, bối rối chẳng biết còn thiếu bao nhiêu để trả nợ, anh liền buột miêng nói: ‘Tôi đang vỡ nợ đây, lấy gì mà hồi hướng".

216.- Hồi hướng công đức cũng như mồi lửa vào các ngọn đèn.

Có người lại thắc mắc: hồi hướng công đức đến cho kẻ khác có làm giảm bớt phần công đức của mình không? Bạn nên nhớ rằng: công đức nhiều hay ít tuỳ theo ý hành (cetana) khi đang thực hiện thiện pháp. Khi bạn bố thí với tất cả thiện chí thật sự thì thiện pháp đã được làm xong và cũng vì thế mà công đức đã đến cho bạn rồi. Và khi bạn hồi hướng công đức ấy đến người khác, thì bạn lại được thêm một công đức mới nữa do tấm lòng hào hiệp muốn chia xẻ của bạn. Như thế, chẳng có lý do nào việc hồi hướng làm giảm bớt công đức của bạn cả.

Hồi hướng công đức cũng tựa như ta mồi ngọn lửa ở ngọn đèn đang cháy đến các cây đèn khác. Ngọn lửa ở cây đèn trước đốt cháy lên các ngọn đèn sau, ánh sáng của ngọn đèn trước đâu vì thế mà giảm cường độ; trái lại trọn căn phòng lại được chiếu sáng hơn lên gấp bội.

Chia xẻ phước báo nhơn khi trì giới (sila kusala), quán tưởng (bhavana kusala) cũng thuộc về hồi hướng công đức (pattidana) do nơi các thiện pháp cả.

(7) Tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana).

217.- Tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana) nghiã là gì?

Thành tâm cảm thấy sung sường trước sự hồi hướng công đức của kẻ khác được gọi là tuỳ hỉ công đức (Pattanumodana). Khi nghe ai đang hồi hướng công đức, ta tỏ vẻ vui mừng cho người ấy và nói ba lần: "Sadhu" (= Khéo làm thay!).

Cảm thấy vui mừng, trước một công tác thiện do kẻ khác làm, cũng là một cử chỉ đáng khen ngợi. Bản thể của tình cảm đó thuộc về tâm sở tuỳ hỉ (mudita), tức là tấm lòng vui thích hoàn toàn vị tha, thông cảm nỗi mừng của người khác Nhưng thực hiện được thật sự tuỳ hỉ công đức (pattanumodana) chẳng phải quá dễ dàng như ta tưởng. Một lời nói ở đầu môi chót lưỡi: "Khéo làm thay!" mà chẳng thật sự khởi lên tâm hân hoan, đó chỉ là một lời nói suông lấy lệ mà thôi. Đôi khi có người lại chẳng thấy vui lòng cho lắm trước công đức của kẻ khác, trái lại còn ngấm ngầm trong bụng hờn ghen, đố kỵ, khiến cho tâm sở ganh tị (issa) nổi lên, đem bất thiện pháp đến làm ô nhiễm tâm thức mình.

218.- Lợi lạc tức khắc của việc tuỳ hỉ công đức (pattanumodana).

Ta thường bố thí và dâng thực phẩm cúng dường để tưởng niệm và hồi hướng công đức đến cho người quá cố. Nếu người mất phải tái sanh vào cỏi ác mà nhận được sự chia xẻ công đức, tức khắc họ sẽ được thoát khỏi khổ nạn trong kiếp tái sanh đó. Theo Kinh sách, nếu sự hồi hướng công đức theo sau sự cúng dường thực phẩm, người quá vãng liền được khỏi đói khát ngay sau khi có lời nói: "Sadhu" (= Khéo làm thay!); nếu có sự cúng dường về y phục, thì người thất lộc sẽ được trang phục tử tế, ngay sau lời nói "Khéo làm thay!". Điểm tối quan trọng trong việc cúng dường, để hồi hướng đến người đã mất, là phải chọn người thật có đầy đủ đức hạnh để thọ nhận phẩm vật. Xưa kia, có một gia đình mời một tỳ-kheo thiếu giới đức (dussila bhikkhu) và dâng cúng lễ vật cho y để hồi hướng công đức đến người thân đã quá vãng. Mặc dầu đã thốt rõ lên ba lần lời nói Sadhu, để chia xẻ công đức cho người đã mất, nhưng người nầy, bấy giờ đã sa vào cõi ngạ quỉ (peta, quỉ đói), chẳng hưởng được chút lợi lạc nào cả. Người qủi đói ấy liền quát to lên với các thân nhơn: "Tên ác tăng nầy đang cướp hết phần công đức dành cho ta!" Thân nhơn người quá cố lại phải bầy một lễ cúng dường khác và thỉnh một vị ty kheo có đầy đủ giới hạnh đến thọ nhận. Chỉ khi đó người thân trong kiếp quỉ đói mới hưởng được phần công đức và giải thoát khỏi cõi ngạ quỉ đói khát. (Xin xem thêm Phần Bình luận về bản Kinh Dakkhina vibangha Sutta, Uparipannasa.)

Câu chuyện trên đây cho ta một bài học. Khi chúng ta dâng lễ vật cúng dường để hồi hướng công đức đến người thân đã chết, trước hết ta phải dẹp qua một bên tất cả mọi nỗi niềm sầu bi thương nhớ. Chỉ khi trong tâm đã thanh tịnh, bấy giờ ta sẽ dâng cúng thực phẩm, quần áo, dù lọng, giày dép, hay tu viện. (Cúng dường một tu viện, thì người thân nhơn quá cố sẽ được nơi cư trú, nếu bị sa vào cõi ngạ quỉ.) Khi cúng dường lên chư Tăng, ta nên thỉnh vị tỳ-kheo nào có đầy đủ giới đức (sila), hay tốt hơn là nên làm lễ dâng cúng lên cho toàn Giáo hội (lễ Sanghika dana, đã được nói qua trong một tiểu mục trước.) Trước khi dâng cúng, ta nên triệu thỉnh người quá cố về chứng kiến, để thọ nhận phần phước báo chia xẻ. (Họ sẽ đến, nếu họ có thể đến.) Rồi chúng ta phải lớn tiếng gọi thật rõ ràng tên họ người chết đến mà chia xẻ công đức ấy.

219.- Nghi thức ngày nay về tuỳ hỉ công đức.

Thời buổi ngày nay, sau tang lễ, người ta thường ít chú trọng đến việc lựa chọn cẩn thận một vị tỳ-kheo có đủ giới đức. Lại còn chẳng biết dẹp qua nỗi đau buồn thương nhớ. Lắm khi lại cúng dường chư Tăng bằng tiền mặt, ngay tại nghiã trang, xem đó như một thông lệ giản tiện để tránh sự phê bình, chỉ trích của người khác. Rồi lại hồi hướng công đức đó đến người thân vừa quá vãng, mà trong lòng họ chẳng nghĩ sâu xa đến lợi lạc mà người quá cố được chia hưởng.Tốt hơn là nên dâng lễ vật cúng dường tại nhà, với tâm thanh tịnh chẳng còn vướng chút sầu bi như lúc còn tại nghiã trang. Nhưng nếu việc cúng dường được thực hiện tại nghiã trang mà trong lòng tang chủ đã được thanh tịnh, chẳng ưu phiền, thì cũng vẫn đem lại lợi lạc cho người đã mất. (Mời độc giả xem thêm các tài liệu ghi trong quyển "The Future of the Sasana" [Tương lai của Giáo lý] để biết thêm chi tiết về đề mục nầy.)

220.- Ai được chia xẻ công đức hồi hướng?

Người quá cố nếu sa vào cõi ngạ quỉ (peta) chỉ hưởng được phần công đức chia xẻ cho, khi còn quanh quẩn trong vùng. Nếu đã thác sanh làm người, làm thú, hay làm ngạ quỉ nơi vùng rừng già xa xôi nào, thì họ chẳng thể nhận được phần lợi lạc. Nhưng các thân nhơn khác đã mất, nếu là ngạ quỉ ở gần đó, sẽ đến chia xẻ công đức và được giải thoát khỏi nẻo ác đạo. Vì thế, hồi hướng công đức đến người qua cố là một thiện pháp và cũng cần nên duy trì nghi thức nầy.

(8) Thính pháp (Dhammassavana).

221.- Năm điều ích lợi của việc Thính pháp (Dhammassavana).

Thính pháp (Dhammassavana) có nghiã là nghe và theo dõi Chánh pháp (Dhamma) của Đức Phật, vị đã hoàn toàn Giác ngộ.

Có năm điều lợi ích khi nghe giảng Chánh pháp: (1) được kiến thức mới; (2) hiểu rõ ràng các sự kiện; (3) giải quyết được các mối nghi ngờ; (4) có được niềm chánh tín và (5) tâm thức trở nên sáng tỏ nhờ phát triển được sự tự tín và trí huệ.

222.- Các thái độ sai lầm trong khi nghe giảng Chánh pháp.

Khi nghe giảng Chánh pháp mà biết thâu thập được năm điều lợi ích vừa kể trên là có thái độ đứng đắn trong khi nghe Pháp. Tuy nhiên, có người đến tham dự buổi thuyết giảng, chỉ vì có cảm tình đặc biệt với giảng viên; vài kẻ khác đến dự để chờ nghe các lời bông đùa hay câu chuyện cổ tích; lại có kẻ vì ngại bị chê là lười biếng nên cố gắng có mặt; mà cũng có hạng người đến nghe để đánh giá khả năng thuyết trình của vị giảng sư. Các thái độ sai lầm nầy chẳng đem lại ích lợi nào cho việc nghe giảng pháp với mục đích thấp hèn đó cả.

Thuở xưa, có một người khách trú ngồi xuồng qua sông. Người lái đò cho biết chiếc xuồng có rỉ chảy nước một chút, phải nên cẩn thận. Người khách trú tưởng đó là nước từ trong xuồng chảy ra rồi sẽ trôi vào giòng sông, nên chẳng lưu tâm gì đến. Một lát, anh khách trú thấy nơi chỗ ngồi nước lên ướt ống quần, mới hoảng lên: "Xuồng nầy đâu phải rỉ chảy nước mà lại để nước ngoài sông chảy lọt vào, đầy cả khoang đây!"

Mục tiêu chơn chánh của việc nghe giảng Chánh pháp là phải biết khiến cho các tư tưởng bất thiện rỉ chảy ra khỏi tâm tư và để Chánh pháp có dịp thấm nhuần vào trong. Vì lẽ nầy, chúng ta phải nên hết sức cẩn thận khi nghe giảng pháp, chẳng nên để các tư tưởng bất thiện len lỏi "chảy lọt" vào trong tâm thức ta.

223.- Các ích lợi của việc đọc Kinh sách.

Ngày nay, có rất nhiều sách giúp ta thâu thập được kiến thức mới và phát triển được trí huệ. Tại Miến-điện, một xứ theo Phật giáo, hàng trăm quyển khảo luận về Phật học được bày bán tại các hàng sách. Đọc các quyển khảo luận đó cũng được các ích lợi như đang nghe giảng Chánh pháp (Dhamma). Vì vậy, biết nghiên cứu các sách luận đó còn được ích lợi nhiều hơn là đi nghe các buổi giảng pháp hiện đại. Nếu bạn chẳng đủ khả năng để đọc, bạn có thể nhờ người khác đọc lớn lên cho nghe. Đấy cũng là một cách Thính pháp vậy. (Tôi xin mạn phép giới thiệu các quyển: Jinattha pakasani, Buddhavamsa, Five hundred and Fifty Jakatas, Samvegavatthu dipani và các quyển khảo luận khác do các bực danh tăng học thức lỗi lạc viết, để làm tài liệu nghiên cứu có ích lợi cho các bạn.)

(9) Giảng pháp (Dhammadesana).

224.- Giảng pháp (Dhammadesana) là một hình thức pháp thí.

Giảng pháp (Dhammadesana) có nghiã là đem Chánh pháp ra trình bày và giảng dạy cho thấu nghiã lý. Nếu việc giảng pháp được thực hiện một cách chơn tình và đại độ, thì đó là một hình thức bố thí (dana) rất cao cả, hơn mọi hình thức bố thí khác. Chính Đức Phật đã từng nói:"Sabbadanam Dhammadanam jinati", có nghiã là: "Món quà tặng Chánh pháp quí hơn tất cả mọi món quà."

Muốn thực hiện được thiện pháp giảng Chánh pháp (Dhammadesana kusala), vị giảng sư phải biết gạt bỏ mọi ước mong được quà tặng, phẩm vật cúng dường, hay danh tiếng hoặc lòng kiêu mạn rỡm. Vướng phải các lỗi lầm nầy, sự tham lam (lobha) vì lợi, vì danh, sẽ làm giảm mất công đức của việc giảng pháp. Bấy giờ, vị giảng sư cũng tựa như người khờ dại kia đã đem một khúc gỗ chiên đàn đáng giá trăm ngàn vàng mà đổi lấy một bình dấm chua.

Ghi nhớ: Cũng tựa như kẻ khờ dại kia đem gỗ chiên đàn đáng giá trăm ngàn vàng đổi lấy một bình dấm chua, vị giảng sư bần tiện đã đem Chánh pháp vô giá ra đổi lấy vài món quà vật chất cỏn con.

225.- Đức tánh của một vị giảng sư.

Một vị giảng sư xứng danh chẳng phải là một nhà hùng biện tầm thường. Ông phải có một giọng nói rõ ràng và hùng mạnh, một khả năng khiến cho người khác hiểu đươc mình một cách tinh tế. Một vị giảng sư như thế chẳng phải thường dễ gặp được. Mặc dầu có hơn ngàn con bò cái trong trang trại, nhưng chỉ riêng một con mới sanh được một chú bò con hoàn toàn chẳng có tỳ vết. Cùng thế ấy, ngàn bà mẹ chẳng sanh được một bực giảng sư lỗi lạc. Một vị giảng sư hùng biện thật là hiếm có.

226.- Các sự bất lợi của âm điệu chẳng đúng cách.

Vị giảng sư tài năng phải hiểu rõ nghiệp lực (kamma) đức hạnh của mình trong các kiếp đã qua. Khi tuyên giảng Chánh pháp cao quí của Đức Phật, vị giảng sư phải trổi lên giọng nói thanh tao của bực đại trượng phu. Vị ấy chẳng nên vì cố giả tạo một giọng nói hấp dẫn mà dùng những âm điệu hùng hồn gượng gạo, uốn éo cho du dương, ngôn từ cho đanh thép.

Chính Đức Phật Ngài đã vạch rõ các mối bất lợi của việc xử dụng âm thanh chẳng hợp cách vì muốn làm cho dịu ngọt mà trở thành như đang ca hát hơn là giảng dạy Chánh pháp (Dhamma). Các mối bất lợi đó là: (1) giảng viên đắm đuối trong giọng nói của mình; (2) thính giả bị lôi cuốn theo giọng nói đắm đuối của giảng viên; (3) giảng viên bị quở trách là đang ca hát như một người thường; (4) giảng viên bị phân tâm vì bận gượng tạo một giọng nói dịu ngọt; (5) thế hệ tỳ-kheo tương lai sẽ bắt chước theo lối giảng pháp thiếu đoan trang đó. Thời buổi nầy, các khuyết điểm đó thường xảy ra. Nhiều tu sĩ trẻ đã ngã theo gương xấu của các giảng viên cầu kỳ kiễu cách đó. Hàng người mộ đạo chơn thành ít khi chịu có mặt tại các buổi nói pháp của các giảng sư giả hiệu ấy. Chỉ có hạng người đến nghe một cách chiếu lệ mới để ý chút đỉnh vào các lời giảng rỡm đó. Lớp trí thức dầu có thiện tâm muốn nghe Chánh pháp cũng cảm thấy hổ thẹn về sự hiện diện của mình nơí các cuộc diễn giảng của hạng giảng viên thô lậu đó.

Vì thế, một vị giảng sư phải có đầy đủ tư cách đứng đắn để khỏi vướng lỗi mang Chánh pháp vô giá ra làm bài hát du dương cho công chúng nghe. Thật là đáng hổ thẹn cho lối giảng pháp như thế.

227.- Các lối giảng pháp giản dị.

Chẳng phải chỉ có những buổi diễn giảng tại một thính đường lớn, với một số thật đông người nghe, mới gọi là giảng pháp. Một cuộc đàm thoại thân mật về Chánh pháp giữa đôi ba ngưòi cũng khá gọi là pháp đàm (Dhammadesana), miễn là người thuyết giảng chẳng chờ mong được quà cáp. Khuyến nhũ một người mộ đạo, già hay trẻ, chỉ dạy các đề mục giáo khoa, các vấn đề kỹ thuật hay thủ công nghệ thông thường, hay đọc to lên lời dạy của Đức Phật, tất cả những việc làm nhỏ đó đều là hình thức của công cuộc thuyết giảng Chánh pháp (Dhammadesana) cả.

Ngày nay, các vị tỳ-kheo phải tập luyện để trở thành một giảng viên khéo léo về Chánh pháp; ngoài ra, lại còn phải học hỏi thêm cách thức nói chuyện trước công chúng cho dạn dĩ, đọc và viết cho lưu loát.

(10) Chánh tín (Ditthijukamma).

228.- Thế nào là Chánh tín (Ditthijukamma)?

được một niềm tin chơn thật, đứng đắn, chánh trực, đó gọi là Chánh tín (Dittijukamma). (Dtthi = niềm tin + ujikamma = chánh trực). Niềm tin của một người là lối nhìn của người ấy về muôn sự vật, căn cứ trên trí thông minh của mình. Khi lối nhìn đó, còn gọi là tri kiến (tri kiến = tri [=biết] + kién [= thấy]), được thật đứng đắn, chơn chánh, ngay thẳng và chánh trực, thì đó là chánh tri kiến (sammaditthi). Ngược lại, nếu tri kiến ấy sai lầm, thì đó là tà kiến (micchaditthi).

Xin hãy suy gẫm sâu xa để cứu xét đến các vấn đề sau đây:

1) Hành vi thiện và hành vi bất thiện;
2) Hậu quả tốt lành và xấu ác của các hành vi thiện và bất thiện đó;
3) Hiện đời và các cuộc sống trong tương lai của mỗi người do các hành vi thiện và bất thiện gây nên;
4) Các bực Thiên (Deva) và Phạm thiên (Brahma) (= ở các cõi Trời);
5) Những bực đã thực hành theo con đường cao quí và chứng đắc được thiền định (jhana) và tuệ giác (abhinna) để trở nên những vị A-la-hán (Arahant).

Nếu sau khi đã suy nghĩ sâu xa và chín chắn, bạn nhận thấy cả năm điều đều là chơn lý, đều hiện thực rõ ràng và chắc chắn, đó là bạn đang có được chánh trí kiến (sammaditthi) và niềm chánh tín (dittijukamma). Niềm chánh tín (dittijukamma) đó còn có một tên khác, gọi là kammassakata nana, tạm dịch là bổn nghiệp lực trí; tức là cái trí hiểu biết rằng bổn nghiệp của mình do hành vi, thiện và bất thiện mình đã tạo, cứ đeo bên mình mãi như tài sản riêng của mình và dẫn dắt đời mình.

(kammassakata nana = kamma + saka + ta + nana)

(kamma = nghiệp; saka = sản nghiệp; bổn nghiệp; ta = chúng sanh; nana = hiểu biết.)

Nếu bạn bác bỏ một hay tất cả năm đìều đó, xem đó chẳng phải là chơn lý, chẳng hiện thực, thì bạn đang có tà kiến (micchaditthi), đang có cái nhìn thấy, cái hiểu biết sai lầm.

Vì tin tưởng rằng chẳng có nghiệp lực (kamma) và quả báo, nên con người chẳng nhận ra được rằng thú vật cũng là một loài chúng sanh bị tái sanh, theo nghiệp báo, mà trở thành súc sanh. Do đó, con người mới chẳng ngần ngại sát hại chúng chẳng chút hối tiếc.

Vì tin tưởng rằng chẳng hề có đời sống nào nữa sau khi đã chết đi rồi, chẳng hề có các đời tái sanh theo nghiệp lực, nên con người mới tin rằng tất cả mọi chúng sanh hiện nay là do một đấng Tạo hoá Toàn năng nào đó đã tạo dựng nên. Trong khi chúng ta đã có đầy đủ sự kiện lịch sử chứng minh rõ ràng về đời sống của Đức Phật, thì đã có bằng chứng nào xác thật chứng minh sự hiện hữu của đấng Tạo hoá Toàn năng đó chưa?

229.- Chánh tín của người Phật tử.

Chúng ta vừa nói rằng chánh tín (dittijukamma) cũng là chánh tri kiến (sammaditthi). Nhưng chúng ta chẳng thể nói hễ ai đã có chánh tri kiến, thì người đó cũng là một người Phật tử nữa. Người Ấn độ cũng tin tưởng vào nghiệp lực (kamma) vá quả báo; nhưng họ chẳng phải là Phật tử. Chỉ những người đã qui y Phật, qui y Pháp (= lời dạy của Đức Phât) và qui y Tăng (= giáo hội của các đệ tử Phật) mới thật là những người Phật tử. Khi qui y ngôi Tam Bảo, người Phật tử có thề nguyền rằng: "Tôi xin về nương tựa nơi Phật, Phật và Tăng" hoặc bằng tiếng Pali, hay bằng các ngôn ngữ khác. Chỉ sau khi đã qui y Tam Bảo rồi, người ấy mới có thể tự nhận mình là một Phật tử. Những ai chẳng hiểu rõ ý nghia của lễ Qui y Tam Bảo (Tisaranagamana), như trường hợp các trẻ con, cũng được xem như là Phật tử, nếu họ theo truyền thống, tục lệ mà tin tưởng vào Phật, Phật, Tăng. (Xin xem thêm chi tiết trong Quyển Ratana Gon yi, cùng một tác giả.)

230.- Làm cách nào để giữ được niềm Chánh tín (Ditthijukamma)?

Cả ba danh từ: Sammaditthi, Kammassakata nana, Ditthijukamma đều đồng nghiã với nhau. (Chánh tri kiến = Bổn nghiệp lực trí = Chánh tín)

Khi ta tự mình quán tưởng về nghiệp lực (Kamma) và các quả báo, cùng sự hiện hữu của các đời sống quá khứ, hiện tại và vị lai, ta đang phát triển Chánh tín (Ditthijukamma)

Khi ta ghi nhớ trong lòng, lúc sắp làm một công tác bố thí (dana), hay giữ giới (sila), rằng các hành vi thện đó sẽ đem lại phước báo cho các đời sau nầy của chúng ta, đó là ta đang phát triển niềm Chánh tín (Ditthijukamma). Khi ta thật sự thi hành các hành vi thiện dự định làm vừa nói, có kèm theo niềm chánh tín thì phước báo được hưởng vào các đời sau sẽ được gia tăng thêm lên nhiều.

231.- Bốn mươi thiện pháp.

Các thiện pháp, các hành động tốt lành, đều là những hành vi tạo nên phưóc báo, chẳng những khi ta thật sự thi hành chúng, mà khi chúng ta bảo người khác làm, khi chúng ta giải thích cho kẻ khác biết đến các thành quả tốt đẹp về đời sau mà các thiện pháp sẽ mang đến, và ngay cả khi chúng ta chỉ tỏ lòng vui mừng khi thấy người khác làm việc thiện nữa. Như thế, tự mình làm, bảo kẻ khác làm, chỉ dạy quả báo của thiện pháp và vui mừng trước thiện pháp của kẻ khác làm, cả trong bốn truờng hợp đó đều đem phước báo cho ta, trong đời nầy và trong các đời sau nữa. Mười thiện pháp mà chúng ta đã cứu xét qua, đem nhhơn lên cho bốn yếu tố: (1) tự mình làm; (2) khuyến khích kẻ khác làm; (3) giải thích các lợi ích; (4) tỏ ý vui mừng cùng người đã làm, vị chi tất cả là bốn mươi thiện pháp. Bốn mươi thiện pháp đó được gọi là bốn mươi punnakiriya vatthu trong kinh sách Pali.

(Punnakiriya vatthu = punna + kiriya + vatthu)

(Punna = phước báo; kiriya = hành động; vatthu = sự vật, pháp)

Tạm kết về Chương 6

Trong Chương 6 nầy, tôi đã giảng giải thật chi tiết về mười điều thiện pháp, được thực hiện với tâm thức (citta) tốt và với ý hành (cetana) lành.

Đối với các thiện pháp đem lại phước báo quí báu đó (punna), tôi nguyện cầu rằng tất cả các độc giả có đủ khả năng phát triển trọn vẹn các khuynh hướng thực hiện mọi việc lành hơn bao giờ hết. Nguyện cầu rằng tất cả các cộng sự viên của tôi luôn luôn hoan hỉ thực hành các thiện pháp để sớm đạt được cảnh giới an lạc tối thượng của Niết-bàn (Nibbana).

Nguyện cầu rằng tôi lúc nào cũng quyết tâm kiên cố thực hành bố thí (dana), trì giới (sila) và quán tưởng (bhavana), chẳng hề có chút ngần ngại gì khi thấy cần phải làm các thiện pháp dẫn thẳng đến cõi Niết-bàn. Nguyện cầu rằng tôi có đủ khả năng để phát triển đầy đủ ngũ lực (balas) nơi tâm thức tôi: tín (saddha, niềm tin), tinh tấn (viriya, nỗ lực), thiền định (samadhi, tập trung tâm ý), niệm (sati, tỉnh giác) và trí huệ (panna, trí Bát nhã), trên con đường tiến đến mục tiêu tối hậu.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11

 

Chân thành cám ơn Cư sĩ Thiện Nhựt đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 04-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 14-04-2004