Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THŪPAVAMSA
SỬ LIỆU VỀ BẢO THÁP XÁ-LỢI PHẬT

Nguyên tác Pāli: Vācissaratthera
Lời Việt:  Indacanda Bhikkhu (Trương đình Dũng)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[01]

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

THŪPAVAṂSA
Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật

“Sau khi tạo nên hình tượng của Đấng Chiến Thắng nhằm đem lại lợi ích cho thế gian, tôi xin đê đầu đảnh lễ ngôi bảo tháp kỳ diệu hạng nhất là nơi tôn trí các xá-lợi cao quý của Đấng Chiến Thắng với vô số hào quang sáu màu tỏa sáng xung quanh.

Và tôi xin thuật lại lịch sử của ngôi bảo tháp có đỉnh chóp là ngọc quý sáng ngời. Ngôi bảo tháp ấy là nguồn đem lại phúc lợi cho tất cả thế gian, là nhân sanh niềm hoan hỷ cho tất cả chúng sanh, luôn được chư thiên, A-tu-la, và các bậc vua chúa cao quý cúng dường.

Mặc dầu lịch sử việc ấy đã được một vị tu sĩ tiền bối thực hiện trước đây nhắm đến sự lợi ích cho người dân xứ Tích Lan, nhưng do nguyên bản đã được sáng tác bằng ngôn ngữ của xứ Tích Lan nên không đem lại sự lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sanh.

Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật’ cũng đã được thực hiện bằng ngôn ngữ của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) [4] nhưng do cách sắp xếp bị lẫn lộn và từ ngữ khó hiểu, hơn nữa nhiều điều cần được nói đến đã không được đề cập; cho nên tôi sẽ thuật lại sử liệu ấy.

Hỡi các bậc thiện tri thức, xin tất cả hãy lắng nghe lịch sử ngôi bảo tháp của bậc Đạo sư đang được tôi trình bày một cách tốt đẹp, đầy đủ, và không bị nhầm lẫn.”

-ooOoo-

 

Chương 1:

GIẢNG GIẢI VỀ LỜI PHÁT NGUYỆN

Khi nói rằng: “Tôi xin thuật lại lịch sử của ngôi bảo tháp”: Ngôi bảo tháp được đề cập ở đây theo ý nghĩa chính của từ ấy là ngôi bảo điện[5] được kiến tạo sau khi đã tôn trí các xá-lợi của những bậc xứng đáng với bảo tháp như là các vị Phật, v.v… theo lời nói rằng: “Đấng Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xứng đáng với bảo tháp, Phật Độc Giác xứng đáng với bảo tháp, bậc Thinh Văn của đấng Như Lai xứng đáng với bảo tháp, Vua Chuyển Luân xứng đáng với bảo tháp.[6] Hơn nữa, trong trường hợp này là nói đến ngôi đại bảo tháp có tràng hoa bằng vàng; nếu thế thì “Xá-lợi đã được tôn trí và ngôi đại bảo tháp đã được xây dựng ấy là của vị nào?”

Ngôi bảo tháp ấy đã được dựng lên sau khi đã tôn trí các xá-lợi của đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác ấy, tức là vị đã nhận được lời thọ ký trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật bắt đầu với đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng), v.v..., là vị đã thực hiện đầy đủ đồng đều ba mươi pháp ba-la-mật, đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, đã hoàn thành tất cả các phận sự của vị Phật tính từ lúc chuyển vận bánh xe Pháp cho đến khi tế độ du sĩ ngoại đạo Subhadda, rồi đã viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Ở đây, điều này là phần tóm tắt; bây giờ phần chi tiết sẽ được giảng giải:

Nghe rằng từ đây tính về trước bốn a-tăng-kỳ[7] và hơn một trăm ngàn kiếp, có thành phố tên là Amaravatī. Ở đó, có vị bà-la-môn tên Sumedha sinh sống. Vị ấy đã không làm công việc nào khác mà chỉ trau dồi có mỗi học nghệ của bà-la-môn. Song thân đã từ trần ngay từ lúc vị ấy còn niên thiếu. Sau đó, viên quan phụ trách tài sản của vị ấy đã mang lại sổ sách thâu nhập, đã mở ra gian phòng chứa đựng vàng, bạc, ngọc ma-ni, ngọc trai, v.v... và đã tường thuật về tài sản do sự thừa kế của gia tộc cho đến bảy đời: “Thưa công tử, tài sản của mẹ cậu là chừng này, tài sản của cha cậu là chừng này, của ông nội và tổ tiên là chừng này,” rồi nói rằng: “Cậu hãy bảo quản chúng.” Vị ấy đồng ý đáp rằng: “Tốt lắm!” Cho đến một ngày nọ, vị ấy trong lúc đang sống cuộc đời tại gia đã suy nghĩ rằng: “Sự tái sanh vào kiếp sống mới gọi là khổ. Sự tan rã thân xác trong trường hợp sanh đi sanh lại cũng là khổ. Và ta là đối tượng của sự sanh, là đối tượng của sự già, là đối tượng của sự bệnh, là đối tượng của sự chết. Như thế, khi còn tồn tại ta cần phải tầm cầu Niết Bàn an lạc, tịch tịnh, không sanh, không già, không bệnh, không chết.” Sau khi suy tư về động cơ của sự xuất gia, vị ấy đã tiếp tục suy nghĩ rằng: “Trong khi đi đến cảnh giới khác, cha, ông, và tổ tiên của ta đã ra đi không mang theo tất cả tài sản này cho dù chỉ một đồng tiền; vả lại khi ta đã biết được điều ấy thì cần phải chuẩn bị cho sự ra đi.” Sau khi cho đánh trống thông báo ở trong thành phố, vị ấy đã bố thí phẩm vật đến dân chúng rồi đã đi vào núi Hy-mã-lạp xuất gia làm đạo sĩ. Và chỉ trong bảy ngày, vị ấy đã làm sanh khởi các pháp thần thông và các sự đắc chứng, sau đó đã sống với niềm an lạc của sự thành đạt.

Lúc bấy giờ, đấng Đạo Sư tên Dīpaṅkara sau khi đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng đã trải qua bảy tuần lễ ở ngay khu vực lân cận cội Bồ Đề. rồi đã chuyển vận bánh xe Pháp ở tu viện Sunandā. Tương tợ như là đám mây lớn đổ mưa xuống khắp cả bốn châu lục, Ngài trong lúc gieo rắc cơn mưa Giáo Pháp đã giúp cho một trăm koṭi[8] thiên nhân và loài người được nếm vị bất tử của Giáo Pháp. Trong khi tuần tự du hành cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận[9] tùy tùng, Ngài đã đi đến thành phố Ramma và đã ngụ tại đại tu viện Sudassana. Khi ấy, cư dân thành phố Ramma đã mang theo các loại dược phẩm như là bơ lỏng, đường mía, v.v... và cầm bông hoa, nhang, dầu thơm ở tay đi đến gặp đức Phật. Họ đã đảnh lễ đấng Đạo Sư, đã cúng dường bông hoa và các phẩm vật khác, rồi đã ngồi xuống ở một bên lắng nghe Giáo Pháp, sau đó đã thỉnh mời đức Thế Tôn vào ngày mai, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng vai phải nhiễu quanh đấng Thập Lực, và ra đi.

Vào ngày kế, họ đã chuẩn bị cuộc đại thí không gì sánh bằng và đã làm sạch sẽ con đường đi đến của đấng Thập Lực. Vào thời điểm ấy, đạo sĩ Sumedha đã bay lên từ khu ẩn cư của mình, và trong lúc di chuyển ở khoảng không bên trên đám người là cư dân thành phố Ramma ấy đã nhìn thấy họ đang làm sạch sẽ con đường với vẻ hớn hở vui mừng, liền suy nghĩ rằng: “Vậy là có nguyên nhân gì đây?” Sumedha đã từ không trung đáp xuống phía trước tất cả bọn họ rồi đứng ở một bên và hỏi những người ấy rằng: “Này, các người làm sạch sẽ con đường này cho ai vậy?” Họ đã đáp rằng: “Thưa ngài Sumedha, không lẽ ngài không hay rằng sau khi đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng và có bánh xe Pháp quý báu đã được vận chuyển, đấng Đạo Sư tên Dīpaṅkara trong khi tuần tự du hành ở xứ sở đã đi đến thành phố Ramma của chúng ta và ngụ tại đại tu viện Sudassana hay sao? Chúng tôi đã thỉnh mời đức Thế Tôn ấy và chúng tôi đang làm sạch sẽ con đường đi đến của đức Thế Tôn ấy.” Sau khi nghe được điều ấy, bậc trí tuệ Sumedha đã suy nghĩ rằng: “Đức Phật! Quả thật danh hiệu khó đạt được này ít nhiều có liên quan đến việc sanh khởi sự giác ngộ! Chính vì điều ấy, ngay cả ta cũng nên cùng với những người này làm sạch sẽ con đường đi đến của đấng Thập Lực.” Vị ấy đã nói với những người ấy rằng: “Này quý vị, nếu các người làm sạch sẽ con đường này cho đức Phật, hãy chừa cho tôi một khoảng. Tôi cũng sẽ cùng với các người làm sạch sẽ con đường.” “Tốt lắm!” Họ đã đồng ý, và biết rằng: “Bậc trí tuệ Sumedha này có đại thần lực, có đại oai lực” nên đã chọn lựa một khoảng khó thu dọn, ngập nước, quá gồ ghề, rồi giao cho (nói rằng): “Ngài hãy làm sạch sẽ khoảng này và hãy làm cho đẹp.”

Bậc trí tuệ Sumedha đã sanh khởi niềm hoan hỷ đối với đối tượng đức Phật và đã suy nghĩ rằng: “Đương nhiên ta có khả năng thần thông để làm cho khoảng này trở thành đẹp đẽ nhất, tuy nhiên làm như thế thì ta không ưng ý. Trái lại, hôm nay ta cần phải thể hiện sự phục vụ bằng thân,” rồi đã mang đất lại và lấp đầy khu vực ấy. Tuy nhiên, khi khu vực ấy của đạo sĩ Sumedha còn chưa được sạch sẽ và chưa được hoàn tất thì các cư dân thành phố Ramma đã thông báo về thời điểm (thọ thực). Đấng Thập Lực sau khi quấn y nội che đủ ba vòng[10] rồi đã trùm lên y hai lớp có màu sắc như là hoa tử vi, sau đó đã buộc vào người sợi dây thắt lưng sáng chói tợ ánh chớp, trông như là đang quấn quanh chùm hoa bằng dải lụa vàng. Sau khi choàng lên lá y phấn tảo quý giá có màu sắc đỏ của hoa kiṃsuka do được nhuộm bằng nhựa cánh kiến đỏ trông giống như đang rắc đều nhựa cây cánh kiến đỏ lên đỉnh ngọn núi bằng vàng, trông giống như đang trùm lên ngôi bảo điện với tấm lưới san hô đỏ, trông giống như đang choàng lên cột thạch nhũ vàng bằng tấm mền nhuộm đỏ, trông giống như ráng mây hồng đang phủ lên ánh trăng vào mùa thu, Ngài đã đi ra từ cánh cửa của hương thất trông giống như con sư tử đang rời khỏi hang động bằng vàng. Giống như vị thần Ngàn Mắt[11] được tùy tùng bởi tập thể thiên nhân, giống như vị Trời Đại Phạm được tùy tùng bởi tập thể Phạm Thiên, đức Phật Dīpaṅkara, với vẻ từ hòa vô lượng của bậc Giác Ngộ được tạo nên nhờ vào oai lực của thiện nghiệp đã tích lũy trong khoảng thời gian vô tận, đã cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận có lục thông tháp tùng bước đi trên con đường đã được trang hoàng và sửa soạn, trông giống như ánh trăng mùa thu có các vì tinh tú vây quanh di chuyển ở trên bầu trời.

Khi đức Thế Tôn Dīpaṅkara đang đi đến bằng con đường đã được trang hoàng và sửa soạn ấy, đạo sĩ Sumedha đã chiêm ngưỡng hình dáng có sắc đẹp tột đỉnh được điểm tô với ba mươi hai quý tướng cọng thêm vào tám mươi tướng phụ và được rực rỡ với vầng sáng lan tỏa xung quanh đang phát ra các hào quang sáu màu của đấng Giác Ngộ, giống như là các tia chớp đủ loại lóe sáng ở trên bầu trời màu ngọc xanh biếc. Vị ấy (đã suy nghĩ rằng): “Hôm nay, ta cần phải ra sức cống hiến thân mạng đến đấng Thập Lực. Mong rằng đức Thế Tôn chớ bước đi ở bãi lầy. Mong rằng Ngài cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận hãy bước đi trên lưng của ta như là đang bước đi ở cây cầu lót đá phiến làm bằng ngọc ma-ni. Điều ấy sẽ đem lại cho ta sự lợi ích và an lạc lâu dài,” sau đó đã xỏa tóc, trải ra các tấm choàng bằng lông thú và vỏ cây ở trên bãi lầy, rồi đã nằm xuống ngay tại chỗ ấy ở bên trên của bãi lầy. Và khi đang nằm xuống, vị ấy đã suy nghĩ rằng: “Nếu ta muốn, ta có thể thiêu đốt tất cả phiền não và trở thành vị tân thọ của hội chúng rồi đi vào thành phố Ramma. Tuy nhiên, sau khi thiêu đốt phiền não theo cách thức ấy thì không có sự cống hiến gì trong việc thành tựu Niết Bàn. Hay là ta nên đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, rồi duy trì con thuyền Giáo Pháp và dìu dắt số đông chúng sanh vượt qua biển cả luân hồi, sau đó mới viên tịch Niết Bàn giống như đấng Thập Lực Dīpaṅkara vậy? Đây là điều tốt đẹp cho ta!” Sau khi liên tưởng đến tám pháp,[12] đạo sĩ Sumedha đã xác định lời phát nguyện trở thành vị Phật rồi nằm xuống.

Sau khi đi đến đứng ở phía trên đầu của bậc trí tuệ Sumedha, đức Thế Tôn Dīpaṅkara đã ngắm nhìn vị đạo sĩ đang nằm ở trên bãi lầy rồi quán xét rằng: “Vị đạo sĩ này nằm xuống sau khi đã xác định lời phát nguyện trở thành Phật, điều thệ nguyện của vị này sẽ thành tựu hay không nhỉ?” Sau khi biết được rằng: “Sẽ trở thành vị Phật tên Gotama trong ngày vị lai,” Ngài đã đứng ngay tại nơi ấy ở giữa hội chúng tuyên bố rằng: “Này các tỳ khưu, các ngươi có nhìn thấy vị đạo sĩ vô cùng khổ hạnh này vì chúng ta đã nằm xuống ở trên bãi lầy hay không?” “Bạch ngài, thưa có.” Ngài đã chú nguyện toàn bộ như vầy: “Vị này đã xác định lời phát nguyện trở thành Phật rồi nằm xuống, điều thệ nguyện của vị này sẽ được thành tựu sau bốn a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp và sẽ là vị Phật tên Gotama.”

Vì thế, ở Buddhavaṃsa có lời nói rằng:

Đấng Dīpaṅkara
vị hiểu biết thế gian
nhận lãnh sự cúng dường
đã đứng trước đầu ta
và đã nói điều này:

“Các ngươi hãy nhìn xem
đến vị đạo sĩ này
áo lông, hành khổ hạnh,
vô số kiếp về sau
vị này sẽ thành Phật.

Như Lai đã lìa bỏ
Kapilavatthu
là thành phố xinh đẹp
rồi ra sức nỗ lực
làm được việc khó làm.

Sau khi đã ngồi xuống
cội cây người chăn dê,
tại đó thọ lãnh cháo,
rồi Như Lai đi đến
sông Nerañjarā.

Sau khi đã thọ dụng
cháo nấu ở bờ sông
bậc Chiến Thắng đi đến
ngay bên cội Bồ Đề
bằng con đường cao quý
được chuẩn bị sẵn sàng.

Nơi ấy, hướng vai phải
nhiễu quanh cội Bồ Đề,
bậc Vô Thượng danh tiếng
sẽ chứng quả Toàn Giác
dưới cội Assattha.

Người mẹ sanh vị ấy
sẽ có tên Māyā,
và Suddhodana
là tên của người cha,
vị này sẽ trở thành
đức Phật Gotama.

Hai vị dứt lậu hoặc,
ái dục đã đoạn trừ,
tâm tịnh, an trú thiền,
hai tối thượng Thinh Văn
sẽ là Kolita
và Upatissa.

Thị giả Ānanda
là vị sẽ phục vụ
đến bậc Chiến Thắng này,
tối thượng thinh văn nữ
là Khemā cùng với
Uppalavaṇṇā.

Hai vị dứt lậu hoặc,
ái dục đã đoạn trừ,
tâm tịnh, an trú thiền,
Cội Bồ Đề giác ngộ
của đức Thế Tôn ấy
gọi là ‘Assattha’.”

Dứt Phần Giảng Giải về Lời Phát Nguyện.

-ooOoo-

 

Chương 2:

GIẢNG GIẢI VỀ CÁC NGÔI BẢO THÁP CỦA CHƯ PHẬT

Khi ấy, đấng Thập Lực Dīpaṅkara đã khen ngợi đức Bồ Tát, đã cúng dường tám bó hoa, sau đó đã hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Bốn trăm ngàn vị Lậu Tận ấy cũng đã cúng dường các bông hoa và các loại hương thơm đến đức Bồ Tát, sau đó đã hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Chư thiên và nhân loại sau khi cúng dường tương tợ như thế, rồi đã đảnh lễ, và ra đi.

Sau đó, khi đã nghe được lời chú nguyện của đấng Thập Lực, đức Bồ Tát tưởng chừng như việc trở thành Phật đã đạt đến trong lòng bàn tay nên tâm tư trở nên hoan hỷ. Đến khi tất cả đã ra đi, đức Bồ Tát đã từ chỗ nằm đứng dậy, rồi đến ngồi xuống ở trên các đống bông hoa, xếp chân thế kiết già. Trong lúc suy tư đến các điều kiện để trở thành Phật: “Các điều kiện để trở thành đức Phật ở nơi đâu? Chúng ở bên trên hay ở bên dưới, ở các hướng chính hay ở các hướng phụ?” và trong lúc lần lượt quán xét toàn bộ các yếu tố chính yếu, vị ấy đã nhìn thấy bố thí ba-la-mật là điều đầu tiên đã được các vị Bồ Tát tiền bối theo đuổi và thực hành. Sau khi phát nguyện sự kiên quyết thọ trì hạnh ba-la-mật ấy, đức Bồ Tát đã lần lượt nhìn thấy các hạnh ba-la-mật như vầy: trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, chân thật, quyết định, bác ái, xả. Sau khi phát nguyện sự kiên quyết thọ trì các hạnh ba-la-mật ấy và được chư thiên khen ngợi, đức Bồ Tát đã bay lên không trung và đi thẳng đến dãy Hi-mã-lạp-sơn.

Trong lúc được các cư dân thành phố Ramma sùng kính và được chư thiên đón chào, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận tùy tùng đã tiến vào thành phố Ramma bằng con đường đã được trang hoàng và sửa soạn, sau đó đã ngồi xuống trên Phật tòa cao quý được sắp đặt sẵn. Hội chúng tỳ khưu cũng đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được quy định cho mỗi vị. Các Phật tử cư trú ở thành phố Ramma đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu. Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã cúng dường các tràng hoa và hương thơm, v.v... rồi đã ngồi xuống với lòng mong mỏi được nghe lời tùy hỷ về sự bố thí. Trong lúc thực hiện lời tùy hỷ đến những người ấy, đức Phật Dīpaṅkara đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về trì giới, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, và sự lợi ích trong việc xuất ly, sau đó đã thuyết về Pháp đưa đến Bất Tử.

Như thế, sau khi thuyết giảng Giáo Pháp cho đám đông người ấy, Ngài đã an lập một số người vào sự quy y Tam Bảo, một số vào Ngũ Giới, một số vào quả vị Dự Lưu, một số vào quả vị Nhất Lai, một số vào quả vị Bất Lai, một số vào luôn cả bốn quả vị, một số vào Tam Minh, một số vào Lục Thông, một số vào tám tầng thiền, sau đó đã từ chỗ ngồi đứng dậy rời khỏi thành phố Ramma và trở về lại đại tu viện Sudassana.

Vì thế, có lời nói rằng:

Khi ấy, dân chúng đã dâng vật thực đến vị Lãnh Đạo Thế Gian và hội chúng, rồi đã đi quy y với đấng Đạo Sư Dīpaṅkara ấy.

Đấng Như Lai đã an lập một số người vào sự quy y Tam Bảo, một số vào Ngũ Giới, một số khác vào Thập Giới.

Ngài đã ban hạnh sa-môn với bốn quả vị tối cao đến một số người. Ngài đã ban Tuệ Phân Tích là các Pháp không thể sánh bằng đến một số khác.

Vị Chúa của nhân loại đã ban cho tám tầng thiền cao quý đến một số người. Ngài đã trao Tam Minh và Lục Thông đến một số khác.

Bậc Đại Hiền Triết đã giáo huấn đám đông người theo phương pháp ấy. Nhờ thế, Giáo Pháp của bậc Chúa Tể Thế Gian đã được lan rộng.

Vị mang tên Dīpaṅkara có hàm rộng và thân hình cao lớn đã đưa nhiều chúng sanh vượt qua và thoát khỏi khổ cảnh.

Khi nhìn thấy chúng sanh có khả năng giác ngộ dầu ở cách trăm ngàn do-tuần, bậc Đại Hiền Triết lập tức đến gần và giác ngộ người ấy.[13]

Như thế, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara ấy đã tồn tại một trăm ngàn năm, và trong khi cởi trói mối ràng buộc cho chúng sanh đã hoàn thành tất cả phận sự của vị Phật rồi đã viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót tại tu viện Nanda.

Các xá-lợi ấy của đấng Đạo Sư Dīpaṅkara đã không bị phân tán; chúng được tồn tại và kết thành một khối trông như pho tượng bằng vàng.

Dân chúng cư ngụ ở trên toàn bộ Jambudīpa đã kiến tạo ngôi đại bảo tháp ba mươi sáu do-tuần[14] bằng những viên gạch bằng vàng được nén chặt.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Dīpaṅkara là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng cao ba mươi sáu do-tuần đã được dành cho vị ấy.[15]

Sau đó, một ngôi bảo tháp đã được dựng lên cao ba do-tuần tại cội cây Bồ Đề (để phụng thờ) bình bát, y, và vật dụng sở hữu của đấng Đạo Sư.

Kế đến, vào sau thời kỳ của đức Thế Tôn Dīpaṅkara khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, bậc Đạo Sư Koṇḍañña đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương tên Vijitāvī đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu số lượng một trăm ngàn koṭi[16] vị có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành Phật” rồi đã thuyết giảng Giáo Pháp. Sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư, đức Bồ Tát đã trao lại vương quyền rồi xuất gia. Vị ấy sau khi học hiểu về Tam Tạng, đã làm sanh khởi tám tầng thiền và năm thắng trí, có thiền định không bị hư hoại, và đã sanh về cõi Phạm Thiên. Vị Phật ấy sau khi tồn tại một trăm ngàn năm và hoàn thành tất cả phận sự của vị Phật cũng đã viên tịch Niết Bàn tại tu viện Canda. Các xá-lợi ấy của đức Thế Tôn ấy cũng đã không bị phân tán. Dân chúng cư ngụ ở trên toàn thể xứ Jambudīpa đã tụ hội lại, sau đó đã thực hiện việc đắp đất bằng đá vàng và đỏ cùng với việc tô màu nước bằng dầu ăn và bơ lỏng, rồi đã dựng nên ngôi bảo điện (kích thước) bảy do-tuần làm bằng bảy loại ngọc quý.

Nghe rằng đấng Chánh Đẳng Giác Koṇḍañña đã tịch diệt ở tu viện Canda xinh đẹp. Ngôi bảo điện (kích thước) bảy do-tuần đã được xây dựng cho vị ấy.[17]

Vào sau thời kỳ của đức Phật Koṇḍañña khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, chỉ trong một kiếp đã có bốn vị Phật xuất hiện là Maṅgala, Sumana, Revata, và Yohita. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Maṅgala, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Suruci đã đi đến (nghĩ rằng) “Ta sẽ thỉnh mời đấng Đạo Sư,” sau khi lắng nghe bài giảng Pháp êm dịu rồi đã thỉnh mời vào ngày kế, và trong bảy ngày đã cúng dường vật thí tên là cơm sữa đến hội chúng tỳ khưu số lượng một trăm ngàn koṭi vị có đức Phật đứng đầu. Trong lúc nói lời tùy hỷ, đấng Đạo Sư đã cho gọi vị đại nhân đến rồi đã chú nguyện rằng: “Về sau hai a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp, ngươi sẽ trở thành vị Phật tên Gotama.” Vị đại nhân sau khi nghe được lời chú nguyện đã suy nghĩ rằng: “Nghe nói ta sẽ trở thành vị Phật, vậy tư cách tại gia có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ xuất gia,” và đã từ bỏ sự thành đạt như thế ấy giống như nhổ đi bãi nước bọt. Sau khi đã xuất gia trong sự hiện diện của bậc Đạo Sư, vị ấy đã học hiểu Giáo Pháp của đức Phật, đã làm sanh khởi thắng trí và thiền chứng, đến khi dứt tuổi thọ đã sanh về cõi Phạm Thiên. Ngay cả khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã không bị phân tán. Tương tợ như trước đây, các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba mươi do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Maṅgala đã tịch diệt ở vườn hoa tên là Vasabha. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) ba mươi sáu do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[18]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sumana đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát làm long vương tên là Atula có đại thần lực có đại oai lực. Vị ấy nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã cùng tập thể thân quyến tùy tùng rời khỏi long cung rồi đã cho cúng dường các nhạc khúc thần tiên đến đức Thế Tôn ấy và hội chúng tỳ khưu trăm ngàn koṭi vị, sau đó đã tiến hành cuộc đại thí, đã dâng lên mỗi vị hai tấm y, và đã khẳng định sự quy y. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi cũng đã không bị phân tán. Tương tợ như trước đây, các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Sumana là vị có danh tiếng đã tịch diệt ở tu viện Agga. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[19]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Revata đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Atideva, sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư rồi đã khẳng định sự quy y, sau đó đã chắp tay lên ở đầu, đã nói lời tán dương về sự dứt bỏ phiền não, và đã cúng dường thượng y đến đấng Đạo Sư ấy. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Đến khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Revata cao quý ấy đã tịch diệt ở thành phố lớn. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[20]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sobhita đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Ajito, sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư rồi đã khẳng định sự quy y và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy cũng đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Chánh Đẳng Giác cao quý Sobhita đã tịch diệt ở tu viện Sīha. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[21]

Vào sau thời kỳ của đức Phật Sobhita khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, chỉ trong một kiếp đã sanh lên ba vị Phật là Anomadassī, Paduma, Nārada. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Anomadassī, đức Bồ Tát là một vị lãnh tụ của loài dạ-xoa có đại thần lực có đại oai lực và là vị chỉ huy hàng triệu triệu dạ-xoa. Vị ấy sau khi nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã đi đến và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Khi đức Thế Tôn Anomadassī viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã không bị phân tán. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) hai mươi lăm do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư Anomadassī là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Dhamma. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy có chiều cao hai mươi lăm do-tuần.[22]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Paduma đã xuất hiện. Trong khi đấng Như Lai cư ngụ ở trong rừng không ở trong làng, đức Bồ Tát sanh làm con sư tử, sau khi nhìn thấy đấng Đạo Sư đang thể nhập thiền Diệt đã khởi tâm tín thành, đã đảnh lễ, rồi đã hướng vai phải nhiễu quanh. Do sanh khởi tâm hoan hỷ, nó đã gầm lên tiếng rống sư tử ba lần. Trong bảy ngày, nó đã không đánh mất niềm hoan hỷ với hình ảnh của đức Phật ở trong tâm. Và do chính niềm hỷ lạc ấy, nó đã không đi ra ngoài kiếm mồi và đã thực hiện việc xả bỏ mạng sống; nó đã ở lại tiếp tục hầu cận. Sau bảy ngày, bậc Đạo Sư đã xuất khỏi thiền Diệt nhìn thấy con sư tử (biết rằng): “Nó cũng sẽ khởi tâm tịnh tín đối với hội chúng tỳ khưu và sẽ đảnh lễ hội chúng” nên đã khởi ý rằng: “Hội chúng tỳ khưu hãy đi đến.” Ngay lập tức, các vị tỳ khưu đã đi đến. Con sư tử đã khởi tâm tịnh tín đối với hội chúng. Đấng Đạo Sư sau khi xem xét tâm của con sư tử rồi đã chú nguyện rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Hơn nữa, các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư cao quý Paduma là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Dhamma. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[23]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Nārada đã xuất hiện. Lúc bấy giờ, sau khi xuất gia làm ẩn sĩ và thường xuyên an trú vào năm thắng trí và tám tầng thiền, đức Bồ Tát đã thực hiện cuộc lễ đại thí và đã cúng dường trầm hương màu đỏ đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Tuy nhiên, các xá-lợi của đức Thế Tôn Nārada đã kết thành một khối. Tất cả chư thiên và nhân loại đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Ngài Nārada, vị lãnh tụ của các đấng Chiến Thắng, đã tịch diệt ở thành phố Sudassana. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp cao quý (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[24]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, và kể từ đó một trăm ngàn kiếp, vào một kiếp nọ đã xuất hiện đấng Đạo Sư tên là Padumuttara. Khi ấy, đức Bồ Tát là viên quan đại thần tên Jaṭila đã cúng dường vật thí là y đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Padumuttara cũng đã kết thành một khối. Tất cả chư thiên và nhân loại đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi đại bảo tháp (kích thước) mười hai do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Padumuttara là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý báu cao mười hai do-tuần là dành cho vị ấy.[25]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua ba mươi ngàn kiếp, hai vị Phật là Sumedha và Sujāta đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Sumedha, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Uttara đã tích lũy rồi đã xuất ra tài sản tám mươi koṭi[26] đã được cất giữ ấy và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, sau đó đã lắng nghe Giáo Pháp, đã khẳng định sự quy y, đã ra đi, và đã xuất gia. Đấng Đạo Sư cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Hơn nữa, các xá-lợi của đức Thế Tôn Sumedha đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Phật cao quý Sumedha là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Medha. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[27]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sujāta đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương, sau khi đã nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã đi đến, đã lắng nghe Giáo Pháp, đã cúng dường vương quốc gồm bốn hòn đảo lớn cùng với bảy loại châu ngọc đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, và đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Cư dân trong toàn thể vương quốc sau khi đạt được sự thành lập xứ sở và trong lúc làm tròn phận sự của người hộ tự đã thường xuyên cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho đức Bồ Tát rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Sujāta đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba gāvuta.[28]

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật cao quý Sujāta là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Sīla. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo điện (kích thước) ba gāvuta đã được dựng lên cho vị ấy.[29]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua một ngàn tám trăm kiếp, ba vị Phật là Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Phật Piyadassī, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Kassapa được thông thạo ba bộ Vệ Đà. Sau khi lắng nghe sự thuyết giảng Giáo Pháp của đấng Đạo Sư, vị ấy đã cho xây dựng tu viện dành cho hội chúng với sự dứt bỏ tài sản một trăm ngàn koṭi, sau đó đã an trú vào sự quy y và các giới cấm. Khi ấy, đấng Đạo Sư đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau một ngàn tám trăm kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Piyadassī cũng đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi đại bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Hiền Triết cao quý Piyadassī đã tịch diệt ở tu viện Salala. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[30]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Thế Tôn tên là Atthadassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là đạo sĩ khổ hạnh tên Susīma có đại thần lực có đại oai lực. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, vị ấy đã khởi niềm tin nên đã mang lại các bông hoa ở cung trời như là hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa cây san hô, v.v..., rồi đã làm rơi xuống trận mưa bông hoa giống như là đám mây lớn đổ mưa xuống khắp bốn châu lục, đã thực hiện ở khắp nơi các cổng chào đắt giá bằng bông hoa và các mái che bằng bông hoa, v.v..., rồi đã cúng dường đến đấng Thập Lực chiếc lọng che kết bằng hoa mạn-đà-la. Đức Thế Tôn ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật tên là Gotama trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Phật cao quý Atthadassī là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Anoma. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ quốc độ ấy đến khắp các nơi.[31]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Dhammadassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là Chúa Trời Sakka đã thực hiện sự cúng dường với các hương thơm và bông hoa của cõi trời cùng các nhạc khúc thần tiên. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Dhammadassī cũng đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Vị đại anh hùng Dhammadassī đã tịch diệt ở tu viện Kelāsa. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[32]

Sau thời kỳ của vị ấy chín mươi bốn kiếp, trong một kiếp chỉ có một đấng Đạo Sư xuất hiện tên là Siddhattha. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị đạo sĩ khổ hạnh tên là Maṅgala đã thành tựu oai lực của thần thông và có danh tiếng lừng lẫy. Vị ấy đã mang lại trái của cây jambu vĩ đại và đã dâng lên đức Như Lai. Đấng Đạo Sư đã thọ dụng trái cây ấy và đã chú nguyện rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau chín mươi bốn kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy cũng đã không bị phân tán. Dân chúng đã xây dựng ngôi bảo tháp làm bằng châu báu (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Siddhattha là bậc hiền triết cao quý đã tịch diệt ở tu viện Anoma. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[33]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến chín mươi hai kiếp, hai vị Phật Tissa và Phussa đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Tissa, đức Bồ Tát là người dòng dõi sát-đế-lỵ tên là Sujāta có nhiều tài sản và có nhiều danh tiếng đã xuất gia làm ẩn sĩ và đã đạt đến đại thần lực. Sau khi nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện,” vị ấy đã lấy các bông hoa ở cung trời như là hoa mạn-đà-la, hoa sen, và hoa cây san hô rồi cúng dường đến đức Như Lai đang bước đi ở giữa tứ chúng. Vật cúng dường ấy đã được tồn tại giống như là tấm màn che bằng bông hoa ở giữa không trung. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua chín mươi hai kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Dân chúng đã nhận lấy các xá-lợi và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Tissa là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp cao quý (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[34]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Phật tên Phussa đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là người dòng dõi sát-đế-lỵ tên Vijitāvī đã từ bỏ vương quốc rộng lớn rồi đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Vị ấy đã học hiểu Tam Tạng, đã thuyết giảng Giáo Pháp đến đám đông dân chúng, và đã làm tròn đủ ba-la-mật về giới hạnh. Đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy giống y như thế. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Phussa là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Sunanda. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[35]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến chín mươi mốt kiếp, đức Phật tên là Vipassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là Long Vương tên Atula có đại thần lực có đại oai lực đã dâng lên đức Thế Tôn cái ghế lớn bằng vàng được trang hoàng với bảy loại châu báu. Đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua chín mươi mốt kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Toàn bộ chư Thiên và nhân loại đã tụ hội lại, đã nhận lấy các xá-lợi, và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bảy do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Vị anh hùng Vipassī là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Sumitta. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá ấy có (kích thước) bảy do-tuần đã được xây dựng.[36]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến ba mươi mốt kiếp, có hai vị Phật tên là Sikhī và Vessabhū đã sanh lên. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Sikhī, đức Bồ Tát là vị vua tên Arindama đã tiến hành cuộc đại thí có y phục đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã dâng lên voi báu được trang điểm với bảy loại ngọc quý, và đã thực hiện rồi đã dâng lên số lượng vật dụng được phép lớn bằng con voi. Đức Phật Sikhī cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua ba mươi mốt kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Sikhī đã được kết thành một khối và tồn tại. Toàn bộ dân chúng cư ngụ ở Jambudīpa đã nhận lấy các xá-lợi và đã xây dựng ngôi bảo tháp làm bằng bảy loại ngọc quý cao ba do-tuần và rực rỡ như là ngọn núi Hi-mã-lạp.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Sikhī là bậc hiền triết cao quý đã tịch diệt ở tu viện Dussa. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[37]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Phật tên Vessabhū đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị vua tên Sudassana đã cúng dường lễ đại thí có y phục đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã xuất gia trong sự hiện diện của vị Phật ấy, đã thành tựu các đức hạnh, và đã có được nhiều pháp hỷ trong khi suy tưởng đến Phật Bảo. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau khi trải qua ba mươi mốt kiếp kể từ kiếp này.” Tuy nhiên, các xá-lợi của đức Thế Tôn Vessabhū đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Vessabhū là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Khema. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[38]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, trong một kiếp đã sanh lên bốn vị Phật là Kakusandha, Konāgamana, Kassapa, và đức Thế Tôn của chúng ta. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Kakusandha, đức Bồ Tát là vị vua tên Khema đã cúng dường vật thí là y cùng với bình bát và các loại thuốc men như là thuốc bôi, v.v... đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã lắng nghe lời thuyết giảng Giáo Pháp của đấng Đạo Sư, và đã xuất gia. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Tất cả đã tụ họp lại, đã nhận lấy các xá-lợi, và đã dựng lên ngôi bảo tháp cao một gāvuta.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Chiến Thắng cao quý Kakusandha đã tịch diệt ở tu viện Khema. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá vươn lên bầu trời một gāvuta là dành cho vị ấy.[39]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên Konāgamana đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị vua tên Pabbata được đám quan đại thần tháp tùng đã đi đến yết kiến đấng Đạo Sư. Vị ấy sau khi lắng nghe bài thuyết Pháp đã thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, đã tiến hành cuộc đại thí, đã cúng dường tấm vải bằng vàng và các loại vải thượng hạng gồm các tấm vải dệt và băng vải bằng len và tơ lụa, rồi đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Toàn Giác Konāgamana đã tịch diệt ở tu viện Pabbata. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[40]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên Kassapa đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Jotipāla thông thạo ba bộ Vệ Đà. Vị ấy được biết tiếng ở đất liền luôn cả ở trên không trung và là bạn của người thợ làm đồ gốm Ghaṭikāra. Đức Bồ Tát cùng với người thợ gốm ấy đã đi đến gặp đấng Đạo Sư. Vị ấy sau khi lắng nghe bài giảng Pháp, đã xuất gia, có sự nỗ lực tinh tấn, đã học hiểu Tam Tạng, và đã làm sáng chói Giáo Pháp của Chư Phật với sự thành tựu về các phận sự lớn nhỏ. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Hơn nữa, các xá-lợi của đấng Đạo Sư Kassapa đã không bị phân tán. Toàn bộ dân chúng cư ngụ ở Jambudīpa đã tụ họp lại, và trong lúc thực hiện cái sườn bằng vàng với việc đắp đất bằng đá đỏ nhằm mục đích làm đầy ở phần bên trong mỗi một cái trị giá nửa koṭi và việc tô màu nước bằng dầu ăn nhằm mục đích phối trí ở bên ngoài được trang hoàng bằng ngọc quý cho mỗi một cái trị giá một koṭi, họ đã thực hiện ngôi bảo tháp (kích thước) một do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư Mahākassapa là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở Setavyā. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng cao một do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[41]

Và ở đây:

Như thế, đức Phật Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Maṅgala, Sumana, Anomadassī, Nārada, Padumuttara,

Sujāta, Piyadassī, và vị tối thượng nhân Dhammadassī, đức Phật Siddhattha, Tissa, Vipassī, và Sikhī cũng như vậy,

Kakusandha, và Kassapa; mười sáu vị này là các đại ẩn sĩ. Kích thước về các bảo tháp của các vị này được nêu rõ ở ngay trong Chánh Tạng Pāli.

Nhờ vậy, tôi đã giảng giải rõ ràng về tất cả những ngôi bảo tháp ấy. Những người hiền thiện có đức tin nên đảnh lễ các ngôi bảo tháp ấy một cách tôn kính.

Tám đức Thiện Thệ còn lại là những vị tầm cầu sự lợi ích. Xá-lợi của các vị ấy đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.

Phần giảng giải về các ngôi bảo tháp của chư Phật và của các ngôi bảo tháp trong thời hiện tại đồng thời phần giảng giải về lời phát nguyện trước sự hiện diện của chư Phật ấy trong tập “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật” được thực hiện nhằm đem lại tâm thành tín cho những người hiền thiện đã đầy đủ.

-ooOoo-

 

Chương 3:

GIẢNG GIẢI VỀ HAI NGÔI BẢO THÁP
THỜ BÚI TÓC VÀ VẢI CHOÀNG

Hơn nữa, sau thời kỳ của đức Thế Tôn Kassapa, không có vị nào khác được gọi là đức Phật ngoại trừ bậc Chánh Đẳng Giác này. Như thế, với sự chú nguyện đã được thọ ký trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật bắt đầu là Dīpaṅkara, v.v... đức Bồ Tát đã làm tròn đủ các ba-la-mật rồi đã hiện diện trong bản thể của Vessantara.

Trái đất này không có tâm tư, không nhận thức được sự an lạc và khổ đau; tuy vậy, nó cũng đã rúng động bảy lần do oai lực về sự bố thí của ta.[42]

Sau khi thực hiện những phước thiện làm rung động đại địa cầu như thế, đức Bồ Tát đến khi hết tuổi thọ đã từ trần tại nơi ấy rồi tái sanh về cõi Tusitā (Đẩu Suất). Ở nơi đây, đức Bồ Tát đã vượt trội các thiên nhân khác về mười điểm[43] và đã thọ hưởng sự thành tựu ở thiên giới cho đến khi hết tuổi thọ. Sự chấm dứt tuổi thọ sẽ xảy ra trong bảy ngày theo sự tính đếm của loài người khi năm điềm báo trước này xảy ra: “Các vải choàng bị dơ bẩn, các tràng hoa bị héo úa, mồ hôi bị tiết ra ở các nách, sắc xấu hiện ra ở ngay trên cơ thể, vị thiên nhân không vui thú trong tư thế của vị trời nữa.” Sau khi nhìn thấy những điều ấy, các thiên nhân đã tiếc nuối rằng: “Ôi, các cõi trời của chúng ta sẽ trở nên rỗng không!” và khi biết được tư cách tròn đủ về ba-la-mật của bậc Đại Nhân nên đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay, vị ấy từ nơi này sẽ không đi đến cõi trời khác mà sẽ tái sanh trong thế giới loài người, sẽ đạt đến bản thể của vị Phật, và sẽ làm các phước thiện. Rồi các chúng sanh còn luân hồi sẽ tràn đầy thiên giới.”

“Bởi vì khi ta có tên là Santusita ở cõi trời Tusitā, mười ngàn (thế giới chư thiên) đã đến chắp tay thỉnh cầu ta rằng:

- Này vị đại anh hùng, đã đến lúc ngài tái sanh vào bụng mẹ. Trong lúc vượt hơn cả chư thiên, ngài sẽ giác ngộ đạo lộ Bất Tử.”[44]

Như thế, khi được thỉnh cầu vì mục đích quả vị Phật, đức Bồ Tát đã xem xét năm điều kiện quan trọng này là: “Thời kỳ, châu lục, xứ sở, gia tộc, và tuổi thọ” sau đó điều quyết định đã được thực hiện. Từ cõi ấy, đức Bồ Tát đã chết đi và tái sanh vào gia tộc vua chúa dòng Sākya (Thích Ca). Ở nơi ấy, được nuôi dưỡng trong điều kiện vật chất dồi dào, theo thời gian đức Bồ Tát đã đạt đến tuổi niên thiếu hạnh phúc. Trong khi thọ hưởng sự vinh hiển của hoàng gia tương tợ sự vinh hiển ở thế giới chư thiên, đức Bồ Tát đã ngụ trong ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa khí hậu. Trong lúc đi thưởng ngoạn ở công viên, đức Bồ Tát đã lần lượt nhìn thấy ba vị thiên sứ dưới hình thức già-bệnh-chết khiến tâm xao động sanh khởi nên đã quay trở về. Vào lần thứ tư, sau khi nhìn thấy vị xuất gia đức Bồ Tát (nghĩ rằng): “Tốt đẹp thay cho việc xuất gia!” và đã sanh khởi lòng hoan hỷ với việc xuất gia, sau đó đã đi đến công viên, và đã trải qua trọn ngày ở nơi ấy ngồi cạnh bờ hồ Maṅgala, rồi đã được thiên tử Vissakamma hóa thân thành người thợ cạo đi đến trang điểm và sửa soạn. Sau khi nghe được tin về sự hạ sanh của hoàng tử Rāhula và nhận biết được bản chất mạnh mẽ của lòng thương mến đứa con trai, đức Bồ Tát đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ cắt đứt sự trói buộc này khi nó còn chưa được phát triển.” Và trong lúc đi vào thành phố lúc chiều tối, đức Bồ Tát đã nghe được rằng:

“Người mẹ ấy quả thật được hạnh phúc!
Người cha ấy quả thật được hạnh phúc!
Người đàn bà ấy quả thật được hạnh phúc!
Bởi chồng của nàng là người như thế ấy.”

Sau khi lắng nghe lời kệ này đã được nàng Kisāgotamī là con gái của người cô ruột nói lên, đức Bồ Tát (nghĩ rằng): “Nhờ nàng ta đã được nghe về đạo lộ hạnh phúc” nên đã tháo chuỗi ngọc trai trị giá một trăm ngàn ra khỏi cổ rồi bảo người đem đến tặng nàng, sau đó đã đi vào cung điện của mình và nằm xuống trên chiếc giường sang trọng. Sau khi nhìn thấy dung sắc biến đổi của các vũ nữ đang đắm chìm trong giấc ngủ, đức Bồ Tát sanh tâm nhờm gớm nên đã đánh thức Channa dậy, rồi bảo dẫn đến con ngựa Kanthaka, sau đó đã cỡi lên con ngựa, và đã thực hiện cuộc ra đi vĩ đại có Channa là kẻ hầu cận cùng với chư thiên trong mười ngàn thế giới tháp tùng. Trong thời gian còn lại của chính đêm ấy, đức Bồ Tát đã vượt qua ba vương quốc và đã đến được bờ bên kia của giòng sông Anomā. Sau khi từ lưng ngựa leo xuống đứng trên bãi cát lấp lánh trông như đống ngọc trai, đức Bồ Tát đã trao lại các đồ trang sức và ngựa Kanthaka (nói rằng): “Này Channa, ngươi hãy cầm lấy các đồ trang sức của ta và ngựa Kanthaka rồi đi đi,” sau đó đã cầm thanh gươm báu bằng bàn tay phải cắt đi chòm tóc cùng với búi tóc đang được nắm bằng bàn tay trái (nguyện rằng): “Nếu ta sẽ trở thành vị Phật thì hãy ở trên không trung, nếu không thì hãy rơi xuống đất” rồi đã ném vào khoảng không. Chòm tóc và búi tóc đã đi đến vị trí khoảng cách một do-tuần và đã ngự ở trên không trung. Sau đó, Chúa Trời Sakka đã tiếp nhận với cái rương bằng ngọc quý có kích thước một do-tuần.

Có lời nói thế này:

Vị quý phái dòng Sākya đã cắt đi búi tóc được tẩm hương thơm cao quý rồi đã ném vào không trung. Vị Sakka ngàn mắt đê đầu tiếp nhận bằng cái rương vàng cao quý.[45]

Hơn nữa, Chúa Trời Sakka, sau khi nhận lãnh và đem về thiên giới, đã xây dựng ngôi bảo điện thờ búi tóc được làm bằng ngọc bích và có kích thước ba do-tuần ở trên đỉnh núi Suneru. Khi ấy, người bạn xưa cũ vào thời đức Phật Kassapa là vị Đại Phạm Thiên Ghaṭikāra do tình bạn hữu vẫn duy trì được trạng thái không thay đổi trong suốt một khoảng thời gian giữa hai vị Phật đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay, người bạn hữu của ta đã thực hiện cuộc ra đi vĩ đại, vậy ta hãy đi đến và mang theo vật dụng của sa-môn cho vị ấy.”

“Ba y và bình bát,
dao cạo, kim, dây buộc,

lọc nước là tám món
của tỳ khưu thiền định.”

Vị Đại Phạm Thiên đã mang lại và trao cho tám món vật dụng của sa-môn. Bậc Đại Nhân đã khoác lên ngọn cờ của vị A-la-hán và nhận lấy hình tướng xuất gia cao thượng rồi đã ném hai tấm áo choàng lên không trung. Vị Phạm Thiên đã nhận lãnh vật ấy và đã xây dựng ngôi bảo điện thờ vải choàng được làm bằng tất cả các loại ngọc quý (kích thước) mười hai do-tuần ở cõi Phạm Thiên.

Mặc dầu phiền não của bậc Đại Nhân chưa được đoạn trừ vào thời điểm ấy, nhưng vì tư chất của ngài vải choàng và búi tóc vẫn được tôn vinh như thế.

Do đó, người không thể thực hiện sự nỗ lực lớn lao trong việc thực hành ấy của các bậc Đại Bồ Tát sao được gọi là Phật?

Dứt Phần Giảng Giải về
Hai Ngôi Bảo Tháp Thờ Búi Tóc và Vải Choàng.

-ooOoo-

  

Chương 4:

GIẢNG GIẢI VỀ MƯỜI NGÔI BẢO THÁP

Sau khi xuất gia, đức Bồ Tát theo tuần tự đã đi đến thành Rājagaha (Vương Xá), sau khi đi khất thực ở nơi ấy rồi đã ngồi xuống ở hang núi Paṇḍava. Khi được đức vua xứ Magadha thỉnh mời về việc cai trị vương quốc, đức Bồ Tát đã từ chối việc ấy và có nhận lời hứa với đức vua về việc trở lại vương quốc của vị ấy sau khi chứng đạt quả vị Toàn Giác. Sau đó, đức Bồ Tát đã đi đến gặp Āḷāra và Udaka nhưng không được hoàn toàn hài lòng với pháp môn cá biệt đã được chứng đạt trong khi ở với họ. Sau khi đã ra sức nỗ lực cao tột trong sáu năm, rồi vào ngày trăng tròn tháng Vesākha[46] đức Bồ Tát đã thọ dụng món cơm sữa được dâng cúng bởi nàng Sujātā ở thôn làng Senāni, sau đó đã thả trôi cái tô vàng ở giòng sông Nerañjarā, rồi đã trải qua trọn ngày với nhiều sự chứng đạt khác nhau ở khu rừng lớn bên bờ sông Nerañjarā. Vào lúc chiều tối, sau khi nhận lấy nắm cỏ được bố thí bởi Sotthiya, đức Bồ Tát với đức tính đã được Long Vương Kāḷa khen ngợi đã bước lên khuôn viên của cội Bồ Đề trải ra nắm cỏ và đã lập lời nguyện rằng: “Ta sẽ không rời bỏ tư thế kiết già này cho đến khi nào tâm của ta không còn chấp thủ và hoàn toàn giải thoát khỏi các lậu hoặc,” sau đó đã ngồi xuống với mặt nhìn về hướng đông.

Ngay khi mặt trời còn chưa lặn, đức Bồ Tát đã chế ngự được lực lượng của Ma Vương và đã chứng đạt Túc Mạng Minh vào canh đầu, Sanh Tử Minh vào canh giữa, và vào lúc tàn canh cuối đã đắc chứng trí tuệ Toàn Giác có đủ tất cả các đức tánh như là mười Lực, bốn Tự Tín, v.v... sau đó đã trải qua bảy tuần lễ ở khu vực lân cận cội Bồ Đề. Vào tuần lễ thứ tám, đấng Toàn Giác đã ngồi xuống ở cội cây si của những người chăn dê và đã đạt đến trạng thái bất động hành do sự quán xét về tính chất sâu sắc của Giáo Pháp. Được Đại Phạm Thiên Sahampati cùng với hội chúng Đại Phạm Thiên thuộc mười ngàn thế giới thỉnh cầu thuyết giảng Giáo Pháp, đức Phật trong lúc dùng Phật nhãn xem xét thế gian rồi đã nhận lời thỉnh cầu của vị Phạm Thiên. Trong khi xem xét rằng: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên?” Ngài biết được sự việc đã tạ thế của Āḷāra và Udaka, sau đó đã nhớ đến những sự hỗ trợ của các tỳ khưu nhóm năm vị nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến thành Kāsi, giữa đường đã chuyện trò với Upaka. Vào ngày trăng tròn tháng Āsāḷha, Ngài đã đến được chỗ trú ngụ của các tỳ khưu nhóm năm vị[47] ở vườn nai tại Isipatana, sau khi báo cho biết rằng các vị ấy cư xử bằng tiếng gọi “Đạo hữu” là không thích hợp, Ngài đã vận chuyển bánh xe Pháp và đã cho mười tám koṭi chúng sanh đứng đầu là trưởng lão Aññākoṇḍañña uống nước Bất Tử.

Kể từ đó, sau khi đã tồn tại bốn mươi lăm năm và đã thuyết giảng tám mươi bốn ngàn Pháp Uẩn, sau khi đã giúp cho chúng sanh với số lượng không thể đếm được thoát khỏi khu rừng của hiện hữu, sau khi đã hoàn thành tất cả phận sự của vị Phật rồi vào ngày trăng tròn tháng Vesākha, Ngài đã nằm xuống trong thế nằm không trở dậy nữa, trú niệm giác tỉnh, nghiêng về bên phải đầu hướng về phía Bắc ở trên chiếc giường đã được xếp đặt sẵn giữa hai cây Sālā trong khu rừng Sālā của xứ Mallā gần thành Kusinārā. Nghe rằng khi ấy, hai cây Sālā đã nở rộ các bông hoa ở toàn thân để cúng dường đến đức Thế Tôn và đã được bao phủ thành một khối tính từ gốc cho đến các ngọn. Và không chỉ riêng hai cây Sālā mà tất cả các cành cây toàn bộ cũng đều nở rộ những hoa.

Và không chỉ riêng ở khu vườn ấy mà tất cả các cây cho quả ở trong mười ngàn thế giới cũng đã kết trái. Các hoa sen mọc ở thân đã nở rộ ở thân của tất cả các cây, các hoa sen mọc ở dây leo đã nở rộ ở các dây leo, các hoa sen mọc hướng lên bầu trời đã nở rộ ở không trung, các hoa sen có cuống dài đã xuyên thủng mặt đất và nở rộ. Tất cả đại dương đã được bao phủ bởi các hoa sen năm màu. Hơn nữa, núi Hi-mã-lạp trải rộng ba ngàn do-tuần đã trở nên vô cùng xinh đẹp trông như là chùm lông đuôi chim công dày rậm được túm chặt lại, như là tràng hoa được dây quấn tròn lại không có khoảng hở, như là lẵng hoa đội đầu đã được kết thành và buộc lại một cách thiện xảo, như là cái rương có những bông hoa đã khéo được xếp đầy.

Hai cây Sālā có thân và cành được chư thiên địa cầu lay động làm rơi xuống các bông hoa ở trên thi thể của đức Như Lai. Từ trên không trung, các bông hoa Mạn-đà-la của cõi trời cũng đã rơi xuống. Chúng có màu sắc vàng, có kích thước của cái dù che bằng lá, và hạt phấn lớn bằng chén tống uống nước. Và không chỉ riêng các bông hoa Mạn-đà-la, tất cả các loại khác như những bông hoa của các cây san hô, v.v... cũng đã lần lượt phủ đầy các rương bằng vàng và các rương bằng bạc. Vô số loại với phấn hoa, nhụy hoa, lá cây được chư thiên ngự ở thành phố Đạo Lợi và ở cõi Phạm Thiên ném xuống đã không bị tản mát giữa chừng trời; chúng đã rơi xuống và rải rắc ngay ở trên thi thể của đức Như Lai. Các bột phấn trầm hương của cung trời cũng rơi xuống từ trên không trung và rải rắc trên thi thể của đức Như Lai. Và không chỉ riêng bột phấn trầm hương là sản phẩm của chư thiên mà còn của các loài rồng, các kim-sỉ-điểu, và của loài người nữa. Và không chỉ riêng các bột phấn của trầm hương mà còn có các loại bột phấn được sanh lên từ mọi hương liệu khác như gỗ trầm đen, gỗ tagara, gỗ trầm đỏ, v.v... Các loại bột phấn màu vàng tươi, màu vàng kim loại, màu bạc, tất cả các loại có mùi thơm chứa đầy các giỏ bằng vàng, bằng bạc, v.v... được chư thiên ngự ở ranh cửa khẩu của thiên giới ném xuống đã không bị tản mát giữa chừng trời và đã rải rắc ở thi thể của chính đức Như Lai. Các nhạc khúc thần tiên cũng đã được tấu lên ở trên không trung. Và không chỉ riêng chừng ấy mà còn có tất cả các loại nhạc cụ như là loại đàn được căng dây, loại trống được bọc da, v.v..., của chư thiên, của các loài rồng, của kim-sỉ-điểu, và của nhân loại ở trong mười thế giới đã tụ họp lại ở một cõi thế giới và tấu lên ở trên không trung.

Nghe rằng có một loại chư thiên có tuổi thọ lâu dài gọi là chư thiên tồn tại theo ước muốn đã nghe được rằng: “Bậc Đại Nhân sẽ tái sanh vào cõi nhân loại và sẽ trở thành đức Phật” nên đã bắt đầu kết lại các vòng hoa (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ mang theo và đi đến vào ngày nhập thai.” Khi bậc Đại Nhân đã giáng sanh vào bụng người mẹ thì các vị ấy còn đang kết các vòng hoa nên khi được hỏi: “Các người kết vòng hoa cho ai vậy?” hoặc “Các vị đã trễ rồi,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ mang theo và đi đến vào ngày đản sanh từ bụng mẹ.” Kế đó, sau khi nghe nói: “Đã đản sanh rồi,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày ra đi vĩ đại.” Sau khi nghe nói: “Sự ra đi vĩ đại đã qua rồi,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày Toàn Giác.” Sau khi nghe nói: “Hôm nay là ngày Toàn Giác,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày vận chuyển bánh xe Pháp.” Sau khi nghe nói: “Hôm nay Ngài đã vận chuyển bánh xe Pháp,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày thị hiện Song Thông.” Sau khi nghe nói: “Hôm nay Ngài đã thị hiện Song Thông,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày từ thiên giới về lại trần gian.” Sau khi nghe nói: “Hôm nay Ngài đã từ thiên giới về lại trần gian,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào lúc buông bỏ thọ hành.” Sau khi nghe nói: “Ngài đã buông bỏ thọ hành,” và “Các vị đã trễ rồi,” họ đã đáp rằng: “Chúng tôi sẽ đi đến vào ngày viên tịch Niết Bàn.”

Tuy nhiên, khi được nói rằng: “Hôm nay, vào lúc hừng sáng đức Thế Tôn đã nằm xuống trong thế nằm của loài sư tử, nghiêng về bên phải, trú niệm giác tỉnh, viên tịch Niết Bàn ở khoảng giữa hai cây Sālā. Vậy các người kết vòng hoa cho ai vậy?” (Họ đã đáp rằng): “Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã giáng sanh vào bụng người mẹ hay sao? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã đản sanh từ bụng mẹ? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã thực hiện cuộc ra đi vĩ đại? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã trở thành Phật? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã vận chuyển bánh xe Pháp? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã thị hiện Song Thông? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã từ thiên giới về lại trần gian? Chẳng phải chính hôm nay là ngày Ngài đã buông bỏ thọ hành? Nghe nói chính hôm nay Ngài đã viên tịch Niết Bàn. Sao Ngài không thể tồn tại thêm một ngày nữa dầu chỉ trong chốc lát cho việc húp cháo? Thật không đáng công cho Ngài sau khi đã tròn đủ ba-la-mật và chứng đạt quả vị Phật!” rồi đã cầm lấy các tràng hoa chưa được hoàn tất và đi đến. Trong lúc không thể đạt được khoảng trống ở thiên giới, các thiên nhân ấy đã chiếm lấy chỗ giáp ranh thiên giới. Trong khi di chuyển, họ đã tay nắm tay, cổ bá cổ ca hát về ngôi Tam Bảo, về ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân, về các hào quang sáu màu, về mười ba-la-mật, về năm trăm năm mươi chuyện tiền thân, và mười bốn tuệ của đức Phật. Vào lúc chấm dứt của mỗi phần ấy, họ đã nói rằng: “Này bạn, xem kìa! Này bạn, xem kìa!” Vì việc ấy, điều này đã được nói lên: “Ngay cả các nhạc khúc thần tiên cũng được tấu lên ở trên không trung!”

Hơn nữa, trong khi đại lễ cúng dường đang được tiến hành như thế, trong canh đầu đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp đến những người dân Malla. Vào canh giữa, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp cho Subhadda và đã an trú vị ấy vào Đạo Quả. Vào canh cuối, Ngài đã giáo giới chư tỳ khưu. Rồi vào lúc hừng sáng, Ngài đã viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, khiến cho đại địa cầu bị rúng động. Hơn nữa, khi đức Thế Tôn là bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã viên tịch Niết Bàn, trưởng lão Ānanda đã thông báo tin ấy cho các vị vua của xứ Malla. Ngay khi nghe được tin, họ đã đi đến mang theo hương thơm, tràng hoa, cùng tất cả các loại nhạc cụ, và năm trăm xấp vải đôi. Trong khi cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường thi thể của đức Thế Tôn với các vũ khúc, bài ca, tiếng đàn, tràng hoa, hương thơm, trong khi thực hiện những mái che bằng vải và chuẩn bị các lều mái tròn, họ đã trải qua ngày ấy như thế.

Sau đó, chư thiên và các người dân Malla ở thành Kusinārā đã khởi ý rằng: “Hôm nay đã quá thời gian để hỏa táng thi thể của đức Thế Tôn; vậy chúng ta sẽ hỏa táng thi thể của đức Thế Tôn vào ngày mai.” Họ cũng đã trải qua ngày thứ nhì như thế. Và họ cũng đã trải qua ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu như thế. Vào ngày thứ bảy, trong lúc chư thiên và các người dân Malla ở thành Kusinārā đang cung kỉnh, tôn vinh, sùng kính, cúng dường thi thể của đức Thế Tôn với các vũ khúc, bài ca, tiếng đàn, tràng hoa, hương thơm của thiên giới và của nhân loại, họ đã cung nghinh đi qua giữa thành phố rồi đặt xuống tại ngôi bảo điện của người dân Mallā tên là Makuṭabandhana.

Vào lúc bấy giờ, thành Kusinārā luôn cả các đống rác rưởi và các bãi chất thải đều được bông hoa Mạn-đà-la phủ lên ngập đến đầu gối. Khi ấy, các người dân Mallā ở thành Kusinārā đã quấn thi thể của đức Thế Tôn bằng vải mới theo như (cách tẩn liệm) thi thể của vị Chuyển Luân Vương. Sau khi quấn lại bằng vải mới, họ đã quấn lại bằng bông vải đã được chải. Sau khi quấn lại bằng bông vải đã được chải, họ đã quấn lại bằng vải mới. Sau khi quấn lại bằng năm trăm lớp vải đôi theo phương thức như thế, họ đã đặt vào trong cái hòm dầu làm bằng sắt rồi đậy lại bằng nắp hòm làm bằng sắt. Sau khi đã thực hiện giàn hỏa thiêu của tất cả các loại hương thơm, họ đã đặt thi thể của đức Thế Tôn ở giàn hỏa thiêu.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa đang đi đường xa từ Pāvā đến Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu. Hơn nữa, vào khi ấy các vị thiên nhân được tái sanh vào cõi trời do đã có tâm tín thành đối với vị trưởng lão không nhìn thấy vị trưởng lão ở tập thể ấy nên đã bối rối (nghĩ rằng): “Vị trưởng lão quen thuộc của chúng ta đâu rồi?” Sau khi nhìn thấy vị ấy đang di chuyển ở trên đường nên đã chú nguyện rằng: “Khi vị trưởng lão quen thuộc của chúng ta chưa đảnh lễ thì giàn hỏa thiêu chớ có bốc cháy.

 Sau đó, bốn vị thủ lãnh của người Mallā đã gội đầu mặc các vải choàng mới (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ châm lửa giàn hỏa thiêu làm bằng gỗ trầm hương và hai ngàn ngọc quý.” Rồi tám vị, rồi mười sáu vị, rồi ba mươi hai vị đã đi đến cầm lấy hai cây đuốc, trong lúc quạt bằng quạt lá thốt nốt và thổi bằng bụng nhưng họ vẫn không thể làm cho phát lên ngọn lửa. Khi ấy, những người Mallā ở thành Kusinārā đã hỏi đại đức Anuruddha về nguyên nhân của sự không bốc cháy ở giàn hỏa thiêu và đã được biết về ý định của chư thiên (nên đã suy nghĩ rằng): “Nghe rằng ngài Mahākassapa cùng với năm trăm vị tỳ khưu đang đi đến (với ý định): ‘Ta sẽ đảnh lễ hai bàn chân của đấng Thập Lực.’ Nghe rằng khi vị ấy chưa đến thì giàn hỏa thiêu sẽ không bốc cháy. Vị tỳ khưu ấy là như thế nào? Đen, trắng, cao, thấp? Trong khi vị tỳ khưu như thế còn tồn tại, sao lại xảy ra sự viên tịch Niết Bàn của đấng Thập Lực?” Rồi một số cầm trong tay các vật thơm và tràng hoa, v.v... đã đi ra đón rước. Một số đã trang hoàng các con đường rồi đứng trông ngóng về phía lối đi vào. Sau đó, khi đến được Kusinārā, đại đức Mahākasspa đã đi về hướng ngôi bảo điện Makuṭabandhana của người dân Mallā nơi đặt giàn hỏa thiêu đức Thế Tôn. Sau khi đến, vị trưởng lão đã đắp thượng y một bên vai, hướng vai phải nhiễu quanh giàn hỏa thiêu ba vòng, và trong lúc quỳ xuống đã xác định rằng: “Hai bàn chân ở chỗ này.” Sau đó, vị trưởng lão đã đứng cạnh hai bàn chân rồi nhập vào tứ thiền có nền tảng là thần thông, sau đó xuất ra và chú nguyện rằng: “Xin cho hai bàn chân có tô điểm ngàn căm của đấng Thập Lực hãy tách hai năm trăm lớp vải đôi được quấn với bông vải, luôn cả chiếc hòm bằng vàng và giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương, rồi đặt lên trên đỉnh đầu của ta.” Do tâm chú nguyện, hai bàn chân đã tách hai năm trăm lớp vải đôi ấy, v.v... và đã đưa ra ngoài trông giống như ánh trăng tròn hiện ra từ đám mây dày đặc.

Vị trưởng lão đã đưa lên hai bàn tay, giống như là đóa sen đỏ được hé nở, nắm chặt đến tận mắt cá hai bàn chân có màu sắc vàng chói của đấng Đạo Sư, rồi đã đặt lên đỉnh đầu của mình. Khi nhìn thấy điều kỳ diệu ấy, đám đông người đã đồng loạt thốt lên một tiếng kêu lớn. Rồi họ đã cúng dường bằng các vật thơm, tràng hoa, v.v..., và đã đảnh lễ theo như ý thích. Sau khi được vị trưởng lão cùng với năm trăm vị tỳ khưu ấy và đám đông người đảnh lễ như thế, hai lòng bàn chân có màu sắc đỏ cánh kiến của đức Thế Tôn đã rời khỏi hai bàn tay của vị trưởng lão và đã trở lại vị trí như cũ không làm lay động chút nào ở lớp gỗ, v.v... Khi hai bàn chân của đức Thế Tôn được đưa ra hay rút vào, không một nắm tơ gòn, hay sợi vải, hay giọt dầu, hoặc mẫu gỗ gọi là bị chuyển dịch rời khỏi vị trí. Tất cả đều được duy trì theo đúng vị trí như thế. Hơn nữa, khi hai bàn chân của đấng Như Lai biến mất, tương tợ như mặt trăng và tương tợ như mặt trời đã lặn xuống, đám đông người đã đứng dậy và khóc lớn lên. Nỗi niềm thương tiếc đã gia tăng so với thời điểm viên tịch Niết Bàn. Khi ấy, do oai lực của chư thiên giàn hỏa thiêu ấy đồng một lúc đã phát cháy ở xung quanh. Sau khi thi thể của đức Thế Tôn đã được hỏa táng, thậm chí không chút gì về tro của da ngoài, da trong, thịt, v.v... được tìm thấy, cũng không có bụi than. Và các xá-lợi còn lại trông giống như nụ hoa nhài, hơn thế nữa trông giống như là các hạt ngọc trai trong suốt và trông giống như là vàng vậy.

Bởi vì di thể của chư Phật có tuổi thọ dài chỉ là một khối trông giống như khối vàng. Trái lại, đức Thế Tôn đã chú nguyện về việc phân tán các xá-lợi rằng: “Ta không tồn tại lâu dài và sẽ viên tịch Niết Bàn. Giáo Pháp của ta chưa được truyền bá rộng rãi đến tất cả mọi nơi. Vì thế, khi ta đã viên tịch Niết Bàn, có số đông người sau khi đạt được xá-lợi dầu chỉ bằng hạt mè sẽ kiến tạo ngôi bảo điện ở chỗ cư ngụ của mỗi cá nhân và sẽ thường xuyên cúng dường; họ sẽ được sanh về cõi trời.” Như vậy “có bao nhiêu loại xá-lợi của Ngài đã được phân tán? Bao nhiêu đã không được phân tán?” Bốn cái răng, hai xương đòn ở vai, và xương xọ, bảy phần xá-lợi này không bị phân tán. Các phần còn lại đã được phân tán. Trong đó, tất cả các xá-lợi nhỏ là có kích thước của hạt mè, xá-lợi loại lớn là có kích thước của hạt gạo bể hai ở giữa, xá-lợi loại cực lớn là có kích thước của hạt đậu bể hai ở giữa.

Hơn nữa, khi thi thể của đức Thế Tôn đã được thiêu đốt, từ trên không trung có những vòi nước kích thước bằng bắp tay, kích thước bằng cẳng chân, kích thước bằng thân cây thốt-nốt phun xuống và làm nguội cái hòm. Không chỉ từ trên không trung, thậm chí ở phần giữa các cành và ở phần giữa các nhánh của những cây Sālā mọc xung quanh cũng có các vòi nước đã phun ra và dập tắt. Giàn hỏa thiêu đức Thế Tôn thật là vĩ đại, có luồng nước kích thước bằng đầu cán cày vạch đất phun lên và phủ lấy giàn hỏa thiêu như là tràng hoa trùm lên ngưỡng cửa. Các vị vua xứ Mallā đã đổ đầy các chậu vàng và các chậu bạc với nước có đủ loại hương thơm đã được mang lại, rồi đã dùng tám cây gậy làm bằng vàng và bạc khơi ra và dập tắt giàn hỏa thiêu bằng gỗ trầm hương. Tại nơi ấy, trong khi giàn hỏa thiêu đang được đốt cháy và ngọn lửa đã vươn lên đến các cành, các nhánh, và các lá của những cây Sālā mọc ở xung quanh nhưng không có lá cây hoặc cành cây nào bị đốt cháy. Thậm chí các loài kiến, loài nhện, và các loài sinh vật còn bò băng ngang đám lữa.

Điểm đặc biệt chính là tính chất tự nhiên của các vòi nước phun xuống từ hư không, của các vòi nước phun ra từ các cây Sālā, và của các luồng nước xẻ đất phun lên.

Hơn nữa, sau khi giàn hỏa thiêu đã được dập tắt như thế, các vị vua xứ Mallā đã cho tẩm bốn loại hương thơm ở tại hội trường, đã rải rắc các loại bông hoa với bắp rang là loại thứ năm, đã cho buộc lên và trang hoàng với những ngôi sao bằng vàng ở bên trên các mái che bằng vải, rồi đã cho treo lên ở đó những vòng hương thơm, những vòng bông hoa, và những vòng châu ngọc. Họ đã cho làm hàng rào bằng màn che và thảm ở hai bên từ hội trường cho đến đại sảnh tế lễ được trang hoàng ở chóp đỉnh có tên là Makuṭabandhana, sau đó đã cho buộc lên và trang hoàng với những ngôi sao bằng vàng ở bên trên các mái che bằng vải, rồi đã cho treo lên ở đó những vòng hương thơm, những vòng bông hoa và những vòng châu ngọc. Họ đã cho dựng lên những lá cờ ngũ sắc có các cán bằng ngọc ma-ni, đã cho bố trí các cờ và các biểu ngữ ở xung quanh, rồi đã cho bố trí những cây chuối và những hũ đầy (nước) ở các con đường đã được tẩy uế và quét dọn. Họ đã cho đốt lên những ngọn đuốc và đặt chiếc hòm vàng có các xá-lợi ở trên lưng con voi đã được trang hoàng, rồi đã cúng dường với các tràng hoa, các loại hương thơm, v.v... Trong khi hân hoan với cuộc lễ hội thánh thiện, họ đã tiến vào trung tâm thành phố, và đã đặt lên chiếc long sàng bằng da hươu có che lọng trắng ở phía trên ở bên trong hội trường, sau đó đã bố trí xung quanh với những nam nhân có giáo ở tay, đã bố trí xung quanh với những con voi có đầu với đầu đối diện nhau, kế đến là những con ngựa có cổ với cổ sánh cùng nhau, những xe ngựa có trục xe với trục xe kề sát nhau, những chiến binh có cánh tay kề với các cánh tay. Và vây quanh những nhóm ấy, họ đã bố trí đều khắp các cung thủ đang dùng tên đối chọi với tên.

Sau khi thực hiện khu vực chung quanh có khoảng cách một do-tuần như là được xuất hành chiến trận, họ đã sắp đặt sự bảo vệ như thế. Vì sao những người ấy đã làm như thế? Trước đây hai tuần lễ, trong lúc chuẩn bị chỗ ngồi và sắp đặt vật thực loại cứng loại mềm cho hội chúng tỳ khưu, họ đã không có cơ hội thưởng thức cuộc lễ hội thánh thiện; do đó họ đã khởi ý rằng: “Tuần lễ này, chúng ta sẽ vui hưởng cuộc lễ hội thánh thiện. Vả lại, điều được biết chắc rằng người nào đó khi đã nắm rõ tình trạng xao lãng của chúng ta có thể xâm nhập và lấy đi các xá-lợi; vì thế chúng ta sẽ vui hưởng sau khi đã sắp đặt sự bảo vệ.” Vì lý do ấy, họ đã làm như thế.

Khi ấy, đức vua Ajātasattu xứ Magadha đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn ở Kusinārā.” Đã nghe được bằng cách nào? Trước tiên, các viên quan đại thần của nhà vua đã nghe tin rồi đã suy nghĩ rằng: “Bậc Đạo Sư đã viên tịch Niết Bàn, không còn cách nào để níu kéo Ngài lại nữa rồi. Vả lại, về đức tin của phàm nhân thì không có ai sánh bằng đức vua của chúng ta. Nếu đức vua nghe được tin theo cách thức này thì trái tim của ngài sẽ bị vỡ tan; hơn nữa, đức vua cần được chúng ta bảo vệ.” Rồi họ đã mang lại ba cái hòm bằng vàng, cho đổ đầy bốn loại mật ong, sau đó đã đi đến gặp đức vua, và đã nói điều này: “Tâu bệ hạ, điều mộng mị đã được chúng tôi nhìn thấy. Nhằm diệt trừ việc ấy, việc cần làm là bệ hạ phải mặc y phục mỏng, rồi nằm xuống ở trong hòm chứa bốn loại mật ong sao cho chỉ còn nhìn thấy lỗ mũi.” Sau khi lắng nghe lời nói của những người tâm phúc, đức vua đã đồng ý: “Này các khanh, hãy vậy đi” và đã làm như thế.

Sau đó, một viên quan đại thần đã cởi bỏ đồ trang sức và xõa tóc ra, rồi quay mặt về hướng bậc Đạo Sư đã viên tịch Niết Bàn, chắp tay lên tâu với đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, không có chúng sanh nào thoát khỏi tử thần. Đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư của chúng ta, là sự tăng thịnh của cuộc sống, là vị trí của ngôi bảo điện, là thửa ruộng của phước báu, là vương miện của sự tôn vương, đã viên tịch Niết Bàn ở Kusinārā.” Đức vua sau khi nghe tin đã bị bất tỉnh và chiếc hòm chứa bốn loại mật ong đã tiết ra hơi nóng. Họ đã nâng đức vua ra khỏi và đặt nằm xuống ở chiếc hòm thứ hai. Đức vua sau khi hồi tỉnh đã hỏi rằng: “Này khanh, người nói điều gì?” “Tâu bệ hạ, bậc Đạo Sư đã viên tịch Niết Bàn.” Đức vua lại bị bất tỉnh và chiếc hòm chứa bốn loại mật ong đã tiết ra hơi nóng. Khi ấy, họ đã nâng đức vua ra khỏi chỗ ấy và đặt nằm xuống ở chiếc hòm thứ ba. Sau khi hồi tỉnh lại lần nữa, đức vua đã hỏi rằng: “Này khanh, người nói điều gì?” “Tâu bệ hạ, bậc Đạo Sư đã viên tịch Niết Bàn.” Đức vua lại bị bất tỉnh và chiếc hòm chứa bốn loại mật ong đã tiết ra hơi nóng.

Sau đó, họ đã nâng đức vua ra khỏi chỗ ấy, đã cho tắm rửa, rồi đã rưới nước từ các chum lên trên đầu. Sau khi hồi tỉnh, đức vua đã từ chỗ ngồi đứng dậy khiến mái tóc màu ngọc ma-ni được tẩm hương thơm xõa xuống ở trên lưng có hình dáng của tấm khiên bằng vàng, sau đó đã nắm lấy bộ ngực có màu sắc của ánh mặt trời vàng chói giống như là đang cấu xé bằng những ngón tay có mầu sắc của mầm san hô đang được quặp cong vào. Và trong lúc than vãn, đức vua đã bước ra giữa đường với dáng vẻ của người điên. Khoác lên chiếc áo choàng đã được trau chuốt, đức vua đã rời khỏi thành phố đi đến vườn xoài của Jīvaka, sau đó đã nhìn vào địa điểm đức Thế Tôn đã ngồi thuyết giảng Giáo Pháp, rồi mải miết than vãn rằng: “Bạch đức Thế Tôn đấng Toàn Tri, phải chăng Ngài đã ngồi ở chỗ này thuyết giảng Giáo Pháp đến con? Ngài đã nhổ lên mũi tên sầu muộn. Ngài đã lấy đi mũi tên sầu muộn của con. Con đã quy y với Ngài. Bạch đức Thế Tôn, vậy mà giờ đây Ngài không ban cho con lời dạy bảo nào nữa!” “Bạch đức Thế Tôn, phải chăng vào một lúc khác ở thời điểm như thế này con đã được nghe rằng: ‘Ngài cùng với đại chúng tỳ khưu tùy tùng đang đi du hành ở Jambudīpa’? Vậy mà giờ đây con lại được nghe về điều không hợp lý và sai lạc về Ngài.” Sau khi đã nói những lời tương tợ như thế, v.v..., đức vua đã tưởng niệm đến ân đức của Thế Tôn bằng sáu mươi bài kệ, sau đó đã suy nghĩ rằng: “Ta chẳng được gì trong khi than vãn. Ta sẽ bảo mang lại các xá-lợi của đấng Thập Lực,” rồi đã phái sứ giả mang thơ đến gặp các vị vua xứ Mallā (nói rằng): “Đức Thế Tôn là dòng dõi sát-đế-lỵ, ta cũng là dòng dõi sát-đế-lỵ; ta cũng xứng đáng để xây dựng ngôi đại bảo tháp cho các xá-lợi của đức Thế Tôn.” Hơn nữa, sau khi đã phái người đi, đức vua (nghĩ rằng): “Nếu họ trao cho thì tốt đẹp; nếu họ không trao cho, thì ta sẽ chiếm đoạt bằng cách cướp lấy,” sau đó đã đích thân tập hợp đoàn quân gồm bốn loại binh chủng và xuất chinh. Tương tợ như đức vua Ajātasattu, các vị vua Licchavi ở Vesālī, các vị vua Sākya ở Kapilavatthu, các vị Buli người xứ Allakappa, các vị Koliya người xứ Rāmagāma, vị bà-la-môn người xứ Veṭhadīpa, và các người Mallā xứ Pāvā sau khi phái sứ giả đi rồi cũng đã đích thân tập hợp đoàn quân gồm bốn loại binh chủng và cũng đã xuất chinh. Trong trường hợp ấy, các người dân xứ Pāvā là gần hơn tất cả; họ cư ngụ ở thành phố cách Kusinārā chưa đến ba gāvuta. Ngay cả đức Thế Tôn cũng đã ghé vào Pāvā rồi mới đi đến Kusinārā. Tuy nhiên, các vị vua vô cùng thận trọng này, trong lúc thể hiện sự thận trọng, đã xuất hiện ở phía sau. Thậm chí tất cả cư dân của bảy thành phố ấy cũng đã đi đến bao vây thành phố Kusinārā (tuyên bố rằng): “Hãy trao ra các xá-lợi cho chúng tôi hoặc là sẽ có chiến tranh.”

Do đó, các vị vua xứ Malla đã nói điều này: “Đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn trong khuôn viên ngôi làng của chúng tôi. Chúng tôi đã không nhắn tin đến bậc Đạo Sư và đã không đi đến rước về. Hơn nữa, chính bậc Đạo Sư đã đích thân đi đến, đã nhắn tin, và đã cho gọi chúng tôi đến. Ngay cả các vị cũng thế, khi báu vật phát sanh trong khuôn viên ngôi làng của các vị, các vị sẽ không cho vật ấy đến chúng tôi. Trong thế gian tính luôn cả thiên giới, không có báu vật nào sánh bằng Phật Bảo; sau khi nhận được báu vật tối thượng như thế này chúng tôi sẽ không trao ra.” Sau khi đã làm căng thẳng cuộc tranh cãi như thế, họ đã thể hiện sự cao ngạo với nhau rằng: “Chính các ngươi đã không được bú sữa từ vú mẹ, còn chúng tôi đã được bú. Không lẽ các ngươi là đàn ông, còn chúng tôi không phải là đàn ông sao! Hãy vậy đi! Hãy vậy đi!” Trong khi nhắn tin qua lại, họ đã thốt lên những lời la hét ngạo mạn với nhau. Hơn nữa, nếu chiến trận xảy ra, chiến thắng sẽ thuộc về chính những người ở thành Kusinārā. Tại sao? (Bởi vì) chư thiên đã đến để tôn vinh xá-lợi hùa theo phe những người ấy.

Vì thế, bà-la-môn Doṇa đã nghe được sự cãi vả ấy (và đã suy nghĩ rằng): “Những vị vua này gây nên cuộc cãi vả ở địa điểm đã viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn. Hơn nữa, điều này là không thích hợp. Quá đủ với cuộc gây gỗ này rồi! Ta sẽ làm lắng dịu việc ấy,” rồi đã đứng ở bục cao nói lời phát biểu có tên là “Tiếng rống của Doṇa” dài tương đương hai tụng phẩm. Tại nơi ấy, khi còn ở vào tụng phẩm thứ nhất, mọi người đã không hay biết gì dầu chỉ một phân đoạn. Đến khi chấm dứt tụng phẩm thứ nhì, (họ đã bàn tán rằng): “Này quý vị, hình như là tiếng nói của thầy giáo thọ! Này quý vị, hình như là tiếng nói của thầy giáo thọ!” rồi tất cả đều im lặng. Nghe rằng ở trên toàn bộ Jambudīpa, người sanh ra ở gia đình danh giá phần nhiều đều là học trò của vị ấy. Khi ấy, biết họ đã nghe được tiếng nói của mình nên im lặng, vị bà-la-môn đã nói tiếp điều này:

- Thưa các ngài, hãy lắng nghe một lời nói của tôi. Đức Phật của chúng ta là vị giáo huấn về kham nhẫn. Thật là điều không được tốt đẹp nếu có sự tranh giành trong việc chia phần xá-lợi của bậc Thượng Nhân.

Tất cả các ngài đây hãy đoàn kết, hòa hợp, và thuận thảo. Hãy phân chia thành tám phần. Hãy để cho các ngôi bảo tháp được lan rộng ở các phương để nhiều người có được niềm tin vào bậc Hữu Nhãn.

Ở đây, lời nói rằng: “Đức Phật của chúng ta là vị giáo huấn về kham nhẫn” có nghĩa là: Ngay cả khi chưa đạt đến bản thể của vị Phật, trong lúc đang làm tròn đủ các ba-la-mật vào thời kỳ là đạo sĩ khổ hạnh Khantivāda, vào thời kỳ là vương tử Dhammapāla, vào thời kỳ là con voi Chaddanta, vào thời kỳ là rồng chúa Bhūridatta, vào thời kỳ là rồng chúa Campeyya, vào thời kỳ là rồng chúa Saṅkhapāla, vào thời kỳ là con khỉ đầu đàn, thậm chí trong nhiều kiếp sống khác đức Bồ Tát đã không tức giận vì những người khác và đã thực hiện sự kham nhẫn. Ngài đã ca ngợi sự kham nhẫn. Hơn nữa, trong trường hợp được thỏa mãn hay không được thỏa mãn đã xảy ra như tình trạng hiện nay, đức Phật sẽ giáo huấn cho chúng ta về kham nhẫn có liên quan đến mọi khía cạnh còn nhiều hơn nữa.

Việc ấy là như vầy: “Thật là điều không được tốt đẹp nếu có sự tranh giành trong việc chia phần xá-lợi của bậc Thượng Nhân.” “Điều không được tốt đẹp” nghĩa là điều này không được tốt đẹp. “Trong việc chia phần xá-lợi” có ý nghĩa là “hiện tượng chia phần xá-lợi tức là lý do của việc phân chia xá-lợi.” “Nếu có sự tranh giành là đề cập đến “nếu xảy ra sự tranh giành bằng vũ khí là không tốt đẹp.” “Tất cả các ngài đây hãy đoàn kết” nghĩa là tất cả các ngài đây hãy đoàn kết, chớ có chia rẽ. “Hòa hợp” nghĩa là các ngài hãy là một khối, chung một lời, hợp nhất về phương diện thân và khẩu. “Thuận thảo” nghĩa là các ngài hãy hoan hỷ với nhau ngay cả trong tâm. “Hãy phân chia thành tám phần” nghĩa là hãy thực hiện xá-lợi của đức Thế Tôn thành tám phần. “Vào bậc Hữu Nhãn” nghĩa là đối với đức Phật tức là bậc Hữu Nhãn là vị có năm loại nhãn quan.[48] Nhưng không hẳn chỉ riêng các ngài mà còn có nhiều người cũng đã có tín tâm. Nếu mỗi một người trong bọn họ đều được nhận lãnh (xá-lợi) thì cũng không phải là điều vô lý.

Sau khi nêu ra nhiều lý do, vị ấy đã làm cho mọi người thấu hiểu.

Khi ấy, tất cả các vị vua đều đã nói như vầy: “Này vị bà-la-môn, như vậy thì chính ông hãy phân chia các xá-lợi của đức Thế Tôn thành tám phần đồng đều một cách chính xác.” “Thưa các ngài, xin vâng.” Bà-la-môn Doṇa nghe theo các vị vua ấy và đã chia các xá-lợi một cách chính xác và đồng đều.

Tại nơi ấy, việc này đã xảy ra kế tiếp: Nghe rằng Doṇa đã lập tức nghe theo lời các vị vua ấy và đã cho người mở ra cái hòm bằng vàng. Các vị vua đã đi đến và nhìn thấy các xá-lợi có màu sắc hoàng kim ấy ở ngay bên trong cái hòm nên đã tiếc nuối rằng: “Ôi đức Thế Tôn! Ôi đấng Toàn Tri! Trước đây chúng tôi đã nhìn thấy cơ thể có màu sắc hoàng kim được điểm tô bằng ba mươi hai tướng trạng và rực rỡ với hào quang sáu màu của đấng Giác Ngộ. Thế mà giờ đây chỉ còn có các xá-lợi màu hoàng kim được lưu lại. Ôi đức Thế Tôn! Điều này là không hợp lý đối với Ngài!” Vào lúc bấy giờ, vị bà-la-môn biết được các vị vua đang rơi vào trạng thái xao lãng nên đã cầm lấy chiếc răng bên phải để vào bên trong chiếc khăn đội đầu. Cuối cùng, vị ấy đã phân chia một cách chính xác và đồng đều. Tất cả các xá-lợi ấy là mười sáu nāḷī[49] tính theo nāḷī khuôn mẫu. Các cư dân của mỗi một thành phố đã nhận được hai nāḷī.

Hơn nữa, trong khi vị bà-la-môn đang phân chia các xá-lợi, Chúa Trời Sakka đã xem xét: “Ai đã lấy đi chiếc răng bên phải của đức Thế Tôn là vật thiết yếu trong việc thuyết giảng Tứ Diệu Đế nhằm đoạn trừ mối nghi hoặc của thế gian gồm luôn cả thiên giới nữa?” và đã nhìn thấy rằng: “Vị bà-la-môn đã lấy đi” (nên đã suy nghĩ rằng): “Vị bà-la-môn sẽ không có khả năng thực hiện sự tôn kính một cách đúng đắn đối với chiếc răng. Ta hãy lấy đi vật ấy,” rồi đã lấy ra từ bên trong chiếc khăn đội đầu và đặt vào trong chiếc rương bằng vàng, sau đó đã đưa về thiên giới và tôn trí trong ngôi bảo điện bằng ngọc quý. Còn vị bà-la-môn sau khi phân chia các xá-lợi xong, trong lúc không nhìn thấy chiếc răng, cũng đã không thể hỏi rằng: “Ai đã lấy đi phần chiếc răng của ta?” (vì ngại bị chất vấn rằng): “Không phải các xá-lợi đã được ông phân chia hay sao? Chẳng lẽ ngay từ lúc ban đầu bản thân ông đã không biết về tình trạng hiện hữu của các xá-lợi?” Trong khi suy xét về việc gây ra sự sai lầm của bản thân, vị ấy cũng đã không thể nói rằng: “Các ngài cũng phải cho phần chia đến tôi nữa chớ.

Do đó, vị ấy đã suy nghĩ rằng: “Cái chén vàng này cũng được xem là xá-lợi vì nhờ nó các xá-lợi của đấng Như Lai đã được đo lường, ta sẽ xây dựng ngôi bảo tháp cho vật này” rồi đã nói rằng: “Xin các ngài hãy cho tôi cái chén này.” Vì thế, các vị vua đã cho cái chén vàng đến vị bà-la-môn. Những người Moriya xứ Pipphalivana sau khi hay tin về sự kiện viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn cũng đã phái sứ giả đến (nói rằng): “Đức Thế Tôn là dòng dõi sát-đế-lỵ, chúng tôi cũng là dòng dõi sát-đế-lỵ; chúng tôi cũng xứng đáng nhận lãnh phần chia về các xá-lợi của đức Thế Tôn” rồi đã xuất quân đi đến với sự sẵn sàng gây chiến. Các vị vua đã nói với họ như vầy: “Không còn phần chia về các xá-lợi của đức Thế Tôn. Các xá-lợi của đức Thế Tôn đã được phân chia, vì thế các vị hãy nhận lấy phần tro tàn ở đây vậy. Do đó, những người ấy đã mang đi phần tro tàn.

Sau đó, đức vua Ajātasattu đã cho thực hiện con đường dài hai mươi lăm do-tuần nối liền Kusinārā và Rājagaha có bề mặt bằng phẳng và bề rộng tám usabha.[50] Rồi các vị vua xứ Mallā đã thực hiện sự cúng dường ở khoảng giữa của Makuṭabandhana và hội trường như thế nào thì đức vua Ajātasattu cũng đã thực hiện sự cúng dường ở con đường dài hai mươi lăm do-tuần như thế ấy. Sau khi đã cho trưng bày các tiệm buôn ở tất cả các nơi nhằm để xoa dịu nỗi buồn thảm của thế gian và sau khi đã bố trí các dàn gươm giáo chung quanh các xá-lợi được đặt trong rương vàng, đức vua Ajātasattu đã cho triệu tập lại dân chúng thuộc phạm vi năm trăm do-tuần trong lãnh thổ của mình.

Sau khi nhận lấy các xá-lợi, họ đã rời khỏi Kusinārā đồng thời đã tiến hành cuộc lễ hội xá-lợi. Tại những nơi nào họ nhìn thấy các bông hoa xinh đẹp thì họ đã an vị các xá-lợi ở tại nơi ấy giữa những hàng gươm giáo, đến khi các bông hoa ấy héo tàn thì họ lại di chuyển. Họ đã vui hưởng cuộc lễ hội thánh thiện trong bảy ngày rồi đến được địa điểm cuối cùng là đoạn đường dành cho xe ngựa. Như thế, sau khi nhận được các xá-lợi, những người rước xá-lợi đã trải qua bảy năm, bảy tháng, bảy ngày. Trong khi phàn nàn rằng: “Kể từ thời điểm Sa-môn Gotama viên tịch Niết Bàn trở đi, chúng ta đã bị quấy rầy bởi cuộc lễ hội thánh thiện với hình thức rầm rộ khiến tất cả các việc kinh doanh của chúng ta không tồn tại,” những kẻ tà kiến đã làm cho tâm trí bị ô nhiễm và đã bị sanh vào địa ngục với số lượng tám mươi sáu ngàn người. Các bậc Lậu Tận đã suy xét rằng: “Nhiều người đã làm cho tâm trí bị ô nhiễm và đã bị sanh vào địa ngục,” đến khi nhìn thấy Chúa Trời Sakka đã suy nghĩ rằng: “Chúng ta sẽ tạo ra phương thức đem lại xá-lợi,” sau đó đã đi đến gặp Chúa Trời Sakka, kể lại sự việc ấy, và đã nói rằng: “Tâu đại vương, ngài hãy thực hiện phương thức đem lại xá-lợi.”

Chúa Trời Sakka đã nói rằng: “Phàm nhân không ai có đức tin bằng Ajātasattu, vị ấy sẽ không làm theo lời nói của ta đâu. Thế thì ta sẽ thị hiện sự kinh hoàng tương tợ như sự kinh hoàng của Ma Vương vậy. Ta sẽ tạo ra các dạ-xoa, các sự cướp bóc, các sự chuyển dời, và sự tăm tối. Các vị hãy nói rằng: ‘Tâu đại vương, phi nhân nổi giận, ngài hãy ra lệnh đem lại các xá-lợi.’ Như thế, đức vua sẽ ra lệnh đem lại.” Sau đó, Chúa Trời Sakka đã thực hiện tất cả các việc ấy.

Các vị trưởng lão đã đi đến gặp đức vua nói rằng: “Tâu đại vương, phi nhân nổi giận, ngài hãy ra lệnh đem lại các xá-lợi.” Đức vua đã nói rằng: “Bạch các ngài, đến thế mà tâm của trẫm còn chưa được hoan hỷ. Tuy nhiên, nếu xảy ra các việc như vậy thì hãy đem lại (các xá-lợi).” Và họ đã mang lại các xá-lợi vào ngày thứ bảy. Như thế, sau khi nhận lấy các xá-lợi đã được đem lại, đức vua đã xây dựng ngôi bảo tháp ở thành Rājagaha. Các vị vua khác cũng đã rước đi các xá-lợi tùy theo năng lực của mình và đã xây dựng ngôi bảo tháp tại lãnh thổ của mỗi vị. Bà-la-môn Doṇa và các người Moriya xứ Pipphalivana cũng đã xây dựng ngôi bảo tháp tại địa điểm của mỗi người.

Một ngôi bảo tháp ở Rājagaha,
một ở thành Vesālī,
một ở Kapilavatthu,
và một ở Allakappa.

Một ngôi bảo tháp ở Rāmagāma,
và một ở Veṭhadīpa,
một ở Mallā xứ Pāvā,
và một ở Kusinārā.

Các ngôi bảo tháp có chứa xá-lợi ấy
đã được xây dựng lên ở Jambudīpa,
với hai ngôi bảo tháp thờ tro và chén
là có mười ngôi bảo tháp.

Mười bảo tháp của bậc Thượng Nhân
được các vị vua cúng dường một cách xứng đáng.

Các ngôi bảo tháp ấy luôn luôn được tôn kính
bởi tất cả thế gian và luôn cả thiên giới.

Dứt Phần Giảng Giải về Mười Ngôi Bảo Tháp.

-ooOoo-

 

Chương 5:

GIẢNG GIẢI VỀ SỰ LƯU TRỮ CÁC XÁ-LỢI

Vả lại, khi các bảo tháp đã được thiết lập như thế, trưởng lão Mahākassapa nhận thấy sự nguy hiểm cho các xá-lợi nên đã đi đến gặp Ajātasattu nói rằng: “Tâu đại vương, cần tiến hành việc lưu trữ các xá-lợi chung một chỗ.” “Bạch ngài, lành thay! Vậy hãy để trẫm phụ trách công việc lưu trữ. Tuy nhiên, trẫm sẽ cho thâu hồi các xá-lợi bằng cách nào?” “Tâu đại vương, việc thâu hồi các xá-lợi là trách nhiệm của chúng tôi, không phải là phận sự của ngài.” “Bạch ngài, lành thay! Vậy các ngài hãy thâu hồi các xá-lợi. Trẫm sẽ lưu trữ các xá-lợi.” Chỉ trừ ra các xá-lợi đang được thờ phụng bởi các dòng dõi hoàng tộc ấy, các xá-lợi còn lại đã được vị trưởng lão thâu hồi.

Tuy nhiên, các loài rồng đã lấy đi các xá-lợi ở Rāmagāma. Vị trưởng lão (nghĩ rằng): “Không có nguy hiểm cho các xá-lợi ấy, trong tương lai sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện của Mahāvihāra (Đại Tự) trên đảo Laṅkā” nên đã không thâu hồi phần ấy. Sau khi đã thâu hồi từ bảy thành phố còn lại, vị trưởng lão đã tôn trí (các xá-lợi) ở khu vực phía đông nam của thành phố Rājagaha rồi đã chú nguyện rằng: “Ở tại địa điểm này, đá tảng hãy biến mất, đất bụi hãy được thanh lọc sạch sẽ, và nước chớ có dâng lên.”

Sau khi đã cho đào xới khu vực ấy lên, với đất đã được đào lên từ chỗ ấy đức vua đã cho thực hiện các viên gạch rồi đã cho xây dựng các bảo tháp cho tám mươi vị đại đệ tử. Ngay cả đối với những người thắc mắc: “Đức vua cho làm gì ở đây vậy?” họ đáp rằng: “Các ngôi bảo điện của các vị đại đệ tử;” và không ai biết đến sự việc lưu trữ các xá-lợi. Hơn nữa, khi khu vực ấy đạt được độ sâu tám mươi cánh tay, đức vua đã cho lát nền bằng kim loại ở bên dưới, rồi đã cho xây dựng gian nhà làm bằng đồng đỏ có kích thước bằng gian nhà của ngôi bảo điện ở tại nơi đó trong khuôn viên bảo tháp, sau đó đã cho thực hiện các ngôi bảo tháp và các hòm làm bằng gỗ trầm hương màu vàng, v.v... tám thứ mỗi loại.

Sau đó, đức vua đã đặt các xá-lợi của đức Thế Tôn vào trong cái hòm gỗ trầm hương màu vàng, rồi đặt cái hòm gỗ trầm hương màu vàng ấy vào trong cái hòm gỗ trầm hương màu vàng khác, rồi đặt cái ấy vào trong cái khác nữa; như thế đức vua đã thực hiện tổng cộng tám hòm gỗ trầm hương màu vàng. Rồi theo đúng phương thức ấy, đức vua đã đặt tám cái hòm vào trong tám bảo tháp bằng gỗ trầm hương màu vàng rồi tám bảo tháp bằng gỗ trầm hương màu vàng vào trong tám cái hòm bằng gỗ trầm hương màu đỏ, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng gỗ trầm hương màu đỏ vào trong tám bảo tháp bằng gỗ trầm hương màu đỏ rồi tám bảo tháp bằng gỗ trầm hương màu đỏ vào trong tám cái hòm bằng ngà, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng ngà vào trong tám bảo tháp bằng ngà rồi tám bảo tháp bằng ngà vào trong tám cái hòm bằng tất cả các loại châu báu, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng tất cả các loại châu báu vào trong tám bảo tháp bằng tất cả các loại châu báu rồi tám bảo tháp bằng tất cả các loại châu báu vào trong tám cái hòm bằng vàng, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng vàng vào trong tám bảo tháp bằng vàng rồi tám bảo tháp bằng vàng vào trong tám cái hòm bằng bạc, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng bạc vào trong tám bảo tháp bằng bạc rồi tám bảo tháp bằng bạc vào trong tám cái hòm bằng ngọc ma-ni, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng ngọc ma-ni vào trong tám bảo tháp bằng ngọc ma-ni rồi tám bảo tháp bằng ngọc ma-ni vào trong tám cái hòm bằng hồng ngọc, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng hồng ngọc vào trong tám bảo tháp bằng hồng ngọc rồi tám bảo tháp bằng hồng ngọc vào trong tám cái hòm bằng ngọc bích, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng ngọc bích vào trong tám bảo tháp bằng ngọc bích rồi tám bảo tháp bằng ngọc bích vào trong tám cái hòm bằng pha lê, (sau đó đã đặt) tám cái hòm bằng pha lê vào trong tám bảo tháp bằng pha lê, và bên trên tất cả là ngôi bảo điện bằng pha lê có kích thước bằng ngôi bảo điện ở Tu Viện Bảo Tháp (Thūpārāma).

Ở trên đó, đức vua đã cho xây dựng gian nhà làm bằng tất cả các loại ngọc quý, rồi ở trên đó đã cho xây dựng gian nhà làm bằng vàng, rồi ở trên đó đã cho xây dựng gian nhà làm bằng bạc, rồi ở trên đó đã cho xây dựng gian nhà làm bằng đồng đỏ. Tại nơi ấy, đức vua đã rải rắc loại cát làm bằng tất cả các loại ngọc quý rồi rải đều hàng ngàn loại bông hoa mọc ở trong nước và mọc ở trên đất liền. Về năm trăm năm mươi câu chuyện Bổn Sanh, tám mươi vị đại trưởng lão, đại vương Suddhodana, hoàng hậu Mahāmayā, bảy người và vật đồng sanh một lượt, đức vua đã cho xây dựng tất cả các thứ ấy hoàn toàn bằng vàng. Đức vua đã cho thiết lập các chum chứa đầy vàng và bạc năm trăm chum mỗi loại, sau đó đã cho thực hiện năm trăm ngọn cờ bằng vàng với năm trăm cây đèn bằng vàng, rồi đã cho đổ đầy dầu có hương thơm và cho sử dụng các tim đèn bằng loại vải tốt.

Sau đó, đại đức Mahākassapa đã chú nguyện rằng: “Các tràng hoa chớ có héo úa, các hương thơm chớ bị tiêu hoại, các ngọn đèn chớ có lụi tàn” rồi đã cho khắc ở trên cái mâm bằng vàng các chữ: “Trong ngày vị lai, vị hoàng tử tên Piyadāsa sẽ xứng đáng quyền cai trị và sẽ trở thành vị vua công chính tên là Asoka. Vị ấy sẽ làm cho các xá-lợi này được phổ biến lan rộng.” Sau khi đã cúng dường với tất cả các vật trang điểm, đức vua đã lần lượt đóng lại từng cánh cửa rồi đi ra. Sau khi đóng lại cánh cửa bằng đồng đỏ, đức vua đã buộc lại chìa khoá và dấu niêm ở sợi dây thừng để luồn qua. Ngay tại chỗ ấy, đức vua đã để khối lớn ngọc ma-ni rồi cho khắc các chữ rằng: “Trong ngày vị lai, các vị vua gặp khó khăn hãy lấy ngọc ma-ni này rồi tiến hành việc tôn vinh các xá-lợi.”

Chúa Trời Sakka đã gọi Vissakamma lại nhắn nhủ rằng: “Này khanh, việc lưu trữ các xá-lợi đã được Ajātasattu thực hiện. Khanh hãy thiết lập sự bảo vệ ở nơi ấy.” Sau khi đi đến, vị ấy đã thiết kế bẫy để giết các con thú. Sau khi cầm lấy các thanh gươm màu ngọc pha lê ở trong căn phòng thờ xá-lợi ấy, vị ấy đã treo các bức tranh gỗ vòng quanh với tốc độ nhanh như làn gió sau khi đóng vào chỉ bằng một chốt đinh. Sau đó, vị ấy đã thực hiện hàng rào bằng đá ở xung quanh theo hình thức căn nhà bằng gạch, rồi đã đậy lại bằng một tảng đá ở bên trên, sau đó đã rải đất lên, san bằng bề mặt, rồi dựng lên ngôi bảo tháp bằng đá ở trên đó.

Dứt Phần Giảng Giải về sự Lưu Trữ các Xá-Lợi.

-ooOoo-

  

Chương 6:

GIẢNG GIẢI VỀ TÁM MƯƠI BỐN NGÀN NGÔI BẢO THÁP

Khi việc lưu trữ các xá-lợi đã được hoàn tất như thế, vị trưởng lão đã sống đến hết tuổi thọ rồi đã viên tịch Niết Bàn, đức vua cũng đã đi theo nghiệp tương ứng, ngay cả những người ấy cũng đã mạng chung. Vào triều đại kế tiếp, vị hoàng tử tên Piyadāsa xứng đáng quyền cai trị và đã trở thành vị vua công chính tên là Asoka. Sau khi nhận được các xá-lợi ấy, đức vua đã thiết lập nên tám mươi bốn ngàn ngôi bảo điện ở Jambudīpa. Bằng cách nào? Nghe rằng Bindusāra có một trăm người con trai. Asoka đã giết chết tất cả bọn họ ngoại trừ hoàng tử Tissa có cùng một mẹ với bản thân. Trong khi cho giết hại và cai trị vương quốc đã bốn năm mà Asoka vẫn chưa được đăng quang. Khi bốn năm trôi qua, tính từ khi đức Như Lai viên tịch Niết Bàn thì đã hơn hai trăm mười tám năm, Asoka đã đạt được sự tấn phong vương quyền trên toàn lãnh thổ Jambudīpa.

Do oai lực của lễ đăng quang, các vương quyền này đã được thành tựu: Sự ra lệnh có hiệu lực khoảng cách một do-tuần về phía bên dưới của đại địa cầu, về phía bên trên ở không trung cũng như thế. Hàng ngày, các thiên nhân dùng tám đòn gánh mang lại mười sáu chum nước uống từ hồ Anotatta. Kể từ khi đã sanh khởi niềm tin vào Giáo Pháp, đức vua đã dâng tám chum đến hội chúng tỳ khưu, hai chum đến các tỳ khưu thông Tam Tạng số lượng sáu mươi vị, hai chum đến chánh cung hoàng hậu Asandhimittā, và bốn chum bản thân đã thọ dụng. Ở Hy-mã-lạp-sơn có loại dây trầu trơn láng, mềm mại, và có hương vị gọi là nha mộc, chính các thiên nhân mang lại vật ấy mỗi ngày; nhờ đó đã hoàn thành công việc làm sạch sẽ răng hàng ngày của đức vua, của chánh cung hoàng hậu, của mười sáu ngàn vũ công, và của các vị tỳ khưu số lượng sáu mươi ngàn vị.

Hàng ngày, các thiên nhân còn mang lại cho đức vua dược phẩm āmalaka, dược phẩm harītaka, và xoài chín có mùi thơm và màu sắc vàng rực. Tương tợ như thế, họ đã mang lại từ hồ Chaddanta hạ y và thượng y năm màu, khăn lau tay màu vàng, và thức uống của thiên đình. Hơn nữa, hàng ngày các long vương còn mang lại từ long cung cho đức vua dầu thoa và hương liệu, vải hoa nhài không đường chỉ dệt để trang phục, và loại thuốc bôi đắt giá. Các con chim két mỗi một ngày mang lại loại gạo sālī mọc ở ngay tại hồ Chaddanta số lượng chín ngàn xe kéo. Các con chuột làm cho sạch trấu và cám, thậm chí không làm vỡ một mảnh của hạt gạo. Chính loại gạo này được làm thành thức ăn cho đức vua ở tại mọi địa điểm. Các con ong mật thực hiện mật ong. Ở trong các trại rèn các con gấu vung tay búa. Các con báo di chuyển các tấm khiên. Các con chim cu đi đến và kêu lên tiếng rù rù ngọt ngào hiến tặng đức vua.

Được phú cho những năng lực này, đức vua một ngày nọ đã phái đem đi sợi dây xích trói bằng vàng và bảo dẫn đến vị Long Vương Mahākāḷa đã sống trọn kiếp và đã được sự chiêm ngưỡng hình dáng của bốn vị Phật, rồi đã cho vị Long Vương ngồi lên long sàng vô cùng quý giá ở bên dưới chiếc lọng màu trắng, sau đó đã cúng dường với các bông hoa có hàng trăm màu sắc mọc ở nước hoặc mọc ở đất liền và các bông hoa bằng vàng, rồi đã phân bố mười sáu ngàn vũ công đã được tô điểm với tất cả các loại đồ trang sức ở xung quanh, sau đó đã nói rằng: “Hãy làm cho các con mắt này của ta thấy được hình ảnh của vị Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ vô biên đã chuyển vận bánh xe Diệu Pháp cao quý.” Vị Long Vương đã tạo nên toàn bộ thân thể với ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân được điểm tô với tám mươi tướng phụ đã được sanh lên nhờ vào oai lực của phước báu đã được phát tán ra, ví như mặt nước được điểm tô với những đóa hoa sen và hoa súng màu trắng đang nở rộ, ví như bầu trời rực rỡ với vô số ánh sáng rung động từ mạng lưới hào quang của các chòm tinh tú, ví như đỉnh trái núi vàng được bao quanh bởi các tia chớp của cầu vồng xen kẽ với ánh sáng hoàng hôn, với vẻ đẹp được bao quanh bởi ánh sáng hào quang tròn đều có vô số tia sáng đầy màu sắc được phân chia thành màu xanh, màu vàng, màu đỏ, v.v... giống như là ánh sáng chói lọi có vẻ đẹp rực rỡ của vô số hào quang tinh khiết, không vướng bụi, đem lại sự thích thú cho ánh mắt của tập thể Phạm thiên, thiên nhân, loài người, loài rồng, và dạ-xoa. Trong khi nhìn dáng vóc của đức Phật, đức vua Asoka đã thực hiện việc được gọi là sự cúng dường đôi mắt trong bảy ngày.

Nghe rằng sau khi đạt được sự phong vương, đức vua đã đặt niềm tin vào truyền thống ngoại đạo trong ba năm. Đến năm thứ tư, đức vua có được sự tín thành vào Giáo Pháp của đức Phật. Nghe rằng vua cha Bindusāra là nguồn vật thực của các vị bà-la-môn. Vua cha đã thiết lập bữa ăn thường kỳ cho các bà-la-môn, các ngoại đạo thuộc dòng dõi bà-la-môn, và các du sĩ thân bôi tro trắng có số lượng sáu mươi ngàn vị.

Đức vua Asoka trong lúc thường xuyên ban phát sự bố thí đã được người cha quy định ở nội cung của mình đúng y như thế, cho đến một ngày kia, đã đứng tại cửa sổ và nhìn thấy những người đang ăn có sở hành bên ngoài dường như an tịnh, nhưng các giác quan không được thu thúc và các cử chỉ không được kiềm chế, nên đã suy nghĩ rằng: “Cần xem xét lại sự bố thí này và cần phải bố thí ở chỗ xứng đáng.” Sau khi suy nghĩ như thế, đức vua đã nói với các viên quan đại thần rằng: “Này các khanh, hãy đi rồi đưa đến nội cung các sa-môn và bà-la-môn được đánh giá là tốt đẹp theo ý kiến riêng của từng cá nhân, trẫm sẽ dâng cúng vật thí.” Các viên quan đã trả lời đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, lành thay!” rồi họ đã lần lượt dắt lại các du sĩ thân bôi tro trắng, các đạo sĩ lõa thể, các vị ngoại đạo, v.v... và đã nói rằng: “Tâu đại vương, những vị này là các vị A-la-hán của chúng tôi.”

Khi ấy, đức vua đã cho sắp xếp các chỗ ngồi theo nhiều kiểu rồi bảo rằng: “Hãy để họ đi vào,” sau đó đã nói với những người đang lần lượt đi vào rằng: “Các vị hãy ngồi ở chỗ ngồi thích hợp đối với bản thân.” Một số vị đã ngồi ở những chỗ ngồi đẹp đẽ, một số ở các chỗ ngồi rộng lớn. Sau khi nhìn thấy điều ấy, đức vua đã biết rằng: “Những người này không có phẩm chất!” nên đã bố thí vật thực loại cứng loại mềm tương xứng cho họ rồi đã giải tán.

Như thế thời gian trôi qua, vào một ngày nọ đức vua đang đứng ở cửa sổ đã nhìn thấy vị sa di Nigrodha có các giác quan đã được huấn luyện, thu thúc, an tịnh, và thành tựu các oai nghi đang đi ở khuôn viên hoàng cung. Vị Nigrodha này là ai vậy? Là con trai của thái tử Sumana và là cháu nội đích tôn của đức vua Bindusāra. Trong trường hợp này, câu chuyện trước đây là thế này: Nghe rằng vào lúc đức vua Bindusāra bị bệnh, hoàng tử Asoka, sau khi rời bỏ lãnh thổ Ujjenī do bản thân chiếm được, đã đi đến thâu tóm toàn bộ thành phố vào tay mình và đã bắt giữ thái tử Sumana.

Vào đúng ngày hôm ấy, vương phi của thái tử Sumana tên là Sumanā mang thai đã tròn tháng. Nàng ta đã cải trang khác đi và thoát ra bên ngoài. Trong khi đi về phía ngôi làng của nhóm người hạ cấp ở gần đó, nàng đã được vị thiên nhân ngự trên một cội cây Nigrodha không xa ngôi nhà của người đứng đầu nhóm người hạ cấp bảo rằng: “Này Sumanā, hãy đi đến đây.” Nghe theo lời nói, nàng đã đi đến gần vị thiên nhân ấy. Vị thiên nhân đã dùng năng lực của cá nhân làm hiện ra một gian nhà rồi dâng lên (nói rằng): “Hãy cư ngụ ở nơi đây.” Nàng đã đi vào gian nhà ấy và đã hạ sanh người con trai vào chính ngày hôm ấy. Do lòng nhớ ơn vị thiên nhân ở cội cây Nigrodha nên nàng đã đặt tên đứa bé là “Nigrodha.”

Kể từ ngày được nhìn thấy, vị đứng đầu nhóm người hạ cấp đã xem nàng như là con gái của chủ nhân mình nên đã thường xuyên cống hiến sự phục vụ. Vị vương phi đã sống ở nơi ấy bảy năm. Và hoàng tử Nigrodha được sanh ra cũng đã bảy tuổi. Khi ấy, vị đại trưởng lão tên Varuṇa là một vị A-la-hán thấy được sự thành tựu nhân duyên của đứa bé trai nên trong khi cư ngụ ở đó đã suy nghĩ rằng: “Giờ đây, đứa bé trai đã được bảy tuổi; đã đến lúc cho nó xuất gia,” rồi đã cho người thông báo đến vị vương phi và đã cho hoàng tử Nigrodha xuất gia. Vị hoàng tử đã thành tựu quả vị A-la-hán ngay trong lúc cạo đầu. Vào buổi sáng của một ngày nọ, sau khi chăm sóc cơ thể và thực hành phận sự đối với các vị thầy giáo thọ và thầy tế độ, vị ấy đã cầm lấy y và bình bát rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến cửa nhà của người mẹ cư sĩ.” Để đi đến địa điểm ngôi nhà người mẹ của vị ấy thì nên đi vào thành bằng cổng thành phía nam, sau đó đi đến trung tâm thành phố, rồi đi ra bằng cổng thành phía tây. Và vào lúc bấy giờ, vị vua công chính Asoka đang đi qua lại ở cửa sổ, với khuôn mặt nhìn về hướng tây.

Chính vào thời điểm ấy, vị sa-di Nigrodha có các giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, có tầm nhìn trong khoảng cách của cán cày đã đi đến khuôn viên hoàng cung. Vì thế, có lời nói rằng: “Vào một ngày nọ, đức vua đang đứng ở cửa sổ đã nhìn thấy vị sa di Nigrodha có các giác quan được huấn luyện, thu thúc, an tịnh, và thành tựu các oai nghi đang đi ở khuôn viên hoàng cung.” Hơn nữa, sau khi nhìn thấy đức vua đã khởi ý điều này: “Thậm chí hết thảy đám người này đều có tâm tán loạn như là con thú đã bị đâm; thế mà thiếu niên này lại có tâm không bị tán loạn, sự nhìn qua nhìn lại và hành động co duỗi chân tay của vị này lại vô cùng rạng rỡ. Chắc hẳn pháp thượng nhân có ở bên trong của người này?” Chỉ với ánh nhìn, đức vua tâm đã khởi tâm tín thành vào vị sa di và sanh lòng mến mộ. Vì sao? Nghe rằng trước kia trong thời kỳ làm phước thiện, vị này là người thương buôn và là anh cả của đức vua.

Khi ấy, đức vua với niềm quý mến sanh khởi và có nhiều sự kính trọng nên đã phái các vị quan đại thần bảo rằng: “Hãy thỉnh vị sa di đến.” Sau đó (đã suy nghĩ): “Chậm đến vậy!” nên đã nhắn thêm hai ba lần nữa rằng: “Hãy đến nhanh lên!” Vị sa di đã bước đi theo đúng như bản chất tự nhiên của mình. Đức vua đã nói rằng: “Hãy nhận biết chỗ ngồi thích hợp rồi ngồi xuống.” Vị sa di sau khi nhìn xem bên này và bên kia (nghĩ rằng): “Hôm nay, không có vị tỳ khưu nào khác,” nên đã đi đến bên long sàng có chiếc lọng trắng che ở phía trên, rồi ra dấu hiệu cho nhà vua về việc nhận lãnh cái bình bát. Khi nhìn thấy vị ấy đang đi đến cạnh long sàng, đức vua đã suy nghĩ như vầy: “Giờ đây, ngay trong ngày hôm nay, vị sa di sẽ là chủ nhân của ngôi nhà này.” Vị sa di đã trao bình bát ở tay của đức vua rồi bước lên long sàng và ngồi xuống.

Đức vua đã cho đem lại tất cả các loại cháo, vật thực cứng, vật thực mềm đã được chuẩn bị để phục vụ cho bản thân. Vị sa di đã thọ nhận số lượng chỉ vừa đủ cho mình. Đến khi chấm dứt bữa thọ thực, đức vua đã nói rằng: “Ngài có biết lời giáo huấn đã được ban bố bởi bậc Đạo Sư của ngài không?” “Tâu đại vương, tôi biết được một phần.” “Ngài yêu quý, hãy thuyết giảng phần ấy đến trẫm đi.” “Tâu bệ hạ, lành thay!” rồi đã nói lên chương “Không Dễ Duôi” ở trong Kinh Pháp Cú phù hợp với đức vua nhằm mục đích tùy hỷ phước báu.

Hơn nữa, sau khi nghe được rằng: “Không dễ duôi là con đường bất tử, dễ duôi là con đường của diệt vong,”[51] đức vua đã nói rằng: “Ngài yêu quý, vấn đề đã được hiểu rõ. Xin ngài hãy kết thúc.” Sau khi hoàn tất việc tùy hỷ phước báu, vị ấy đã nhận lời về bữa ăn của ba mươi hai vị. Vào ngày hôm sau, vị sa di đã đưa ba mươi hai vị tỳ khưu đi vào hoàng cung và đã thực hiện phận sự của việc thọ thực. Đức vua đã thỉnh mời rằng: “Chính các ngài đây cùng với ba mươi hai vị tỳ khưu khác nữa hãy nhận lãnh vật thực.” Trong lúc làm cho gia tăng từng ngày một theo đúng phương thức như thế, đức vua đã chấm dứt bữa ăn của sáu mươi ngàn bà-la-môn và du sĩ ngoại đạo, đồng thời đã thiết lập bữa ăn thường kỳ cho sáu mươi ngàn vị tỳ khưu ở nội cung chỉ nhờ vào niềm tin đã hướng đến trưởng lão Nigrodha. Trưởng lão Nigrodha đã an trú đức vua cùng với tùy tùng vào Tam Quy và Ngũ Giới, đồng thời cũng đã làm sanh khởi niềm tin bất động vào Giáo Pháp của đức Phật và thiết lập đức tin của phàm nhân ở nơi họ.

Sau khi cho xây dựng ngôi đại tự tên là Tu Viện Asoka, đức vua tiếp tục cung cấp bữa ăn đến sáu mươi ngàn vị tỳ khưu. Ở khắp xứ Jambudīpa, đức vua đã cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện được tô điểm bởi tám mươi bốn ngàn ngôi bảo tháp đúng thể thức và không sái quy cách ở tám mươi bốn ngàn thành phố. Nghe rằng một ngày nọ, đức vua sau khi cúng dường lễ đại thí ở tu viện Asoka đã ngồi xuống giữa hội chúng tỳ khưu số lượng sáu mươi ngàn vị, rồi đã thỉnh cầu hội chúng về bốn món vật dụng và đã hỏi câu hỏi này: “Bạch các ngài, Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn có bao nhiêu?” “Tâu đại vương, có chín thể loại, tính theo uẩn thì có tám mươi bốn ngàn Pháp uẩn.”

Đức vua sau khi hâm mộ Giáo Pháp (đã suy nghĩ rằng): “Mỗi một Pháp uẩn ta sẽ cúng dường bằng một tu viện,” rồi chỉ trong một ngày đã xuất ra tài sản chín mươi sáu koṭi và đã ra lệnh cho các quan đại thần rằng: “Này các khanh, trong khi cho xây dựng mỗi một tu viện ở mỗi một thành phố, hãy cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện ở tám mươi bốn ngàn thành phố,” còn bản thân thì sắp đặt công việc cho đại tu viện Asoka ở khu vườn Asoka.

Hội chúng đã giao phó trách nhiệm về công trình mới cho trưởng lão tên Indagutta có đại thần lực có đại oai lực và đã đoạn tận lậu hoặc. Bất cứ việc nào không được hoàn tất thì vị trưởng lão đã dùng năng lực của mình làm cho hoàn thành việc ấy. Như thế, vị trưởng lão đã hoàn tất việc xây dựng các tu viện trong ba năm. Vào cùng một ngày nọ, các lá thơ từ tất cả các thành phố đã gởi đến. Các quan đại thần đã trình lên đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, tám mươi bốn ngàn tu viện đã được hoàn tất.” Khi ấy, đức vua đã đi đến gặp hội chúng tỳ khưu và hỏi rằng: “Bạch các ngài, tám mươi bốn ngàn tu viện đã được trẫm cho xây dựng, trẫm sẽ nhận các xá-lợi ở đâu?

Tâu đại vương, chúng tôi được nghe rằng: ‘Có việc gọi là sự lưu trữ các xá-lợi,’ nhưng ở chỗ nào thì không được biết đến.” Đức vua sau khi cho phá vỡ ngôi bảo điện ở thành Rājagaha nhưng không tìm thấy xá-lợi nên đã cho xây dựng lại như trước đây, rồi đã hướng dẫn tứ chúng gồm có tỳ khưu, tỳ khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đi đến thành Vesālī. Ngay cả ở tại nơi ấy cũng không nhận được, nên đã đi đến Kapilavatthu. Thậm chí ở tại nơi này cũng không nhận được, nên đã đi đến Rāmagāma. Các loài rồng ở Rāmagāma đã không cho phép phá vỡ ngôi bảo điện; cuốc xẻng bổ xuống ngôi bảo điện đều trở thành mảnh vụn. Như thế, sau khi không nhận được ở tại nơi ấy và sau khi đã đập vỡ các ngôi bảo điện ở tất cả các nơi như Allakappa, Pāva, Kusinārā mà không nhận được xá-lợi, nên đức vua đã cho xây dựng lại như trước đây rồi đã đi đến thành Rājagaha cho triệu tập tứ chúng lại hỏi rằng: “Có người nào trước đây đã được nghe về việc gọi là sự lưu trữ các xá-lợi ở tại nơi nào hay không?

Tại nơi ấy, có vị trưởng lão một trăm hai mươi tuổi đã nói rằng: “Tôi không biết sự lưu trữ các xá-lợi là ở tại nơi nào. Tuy nhiên, vào lúc tôi được bảy tuổi, vị trưởng lão là ông nội của tôi đã bảo mang theo tràng hoa và cái rương nói rằng: ‘Này sa di, hãy đi. Có ngôi bảo tháp bằng đá ở giữa chòm cây như thế, chúng ta hãy đi đến nơi ấy.’ Sau khi đi đến và cúng dường rồi đã nói rằng: ‘Này sa di, phải ghi nhớ địa điểm này.’ Tâu đại vương, tôi biết chỉ có chừng ấy.”

Đức vua đã nói rằng: “Đúng là chỗ ấy rồi!” sau đó đã cho dời đi chòm cây và đã cho di chuyển ngôi bảo tháp bằng đá cùng với đất cát thì đã nhìn thấy mặt nền bằng vữa hồ ở bên dưới. Sau khi đã cho dời đi vữa hồ và các viên gạch khỏi nơi ấy, theo tuần tự đức vua đã đi xuống căn phòng và đã nhìn thấy bãi cát gồm bảy loại ngọc quý và các tranh gỗ dài tám mươi cánh tay quây tròn. Sau khi cho vời các dạ-xoa phục vụ đến, và ngay cả sau khi đã thực hiện nghi thức cúng tế mà vẫn không nhìn thấy ở bên trong và phía bên trên, nên đã bày tỏ sự cung kính đến các thiên nhân nói rằng: “Trẫm lấy đi các xá-lợi này rồi sẽ tôn trí trong tám mươi ngàn tu viện và sẽ thực hiện sự tôn kính. Xin các thiên nhân chớ có gây ra điều chướng ngại.”

Chúa Trời Sakka trong lúc đi du hành đã nhìn thấy việc ấy nên đã gọi Vissakamma nói rằng: “Này khanh yêu quý, vị vua công chính Asoka đã xuống đến căn phòng (nghĩ rằng): ‘Trẫm sẽ mang đi các xá-lợi.’ Ngươi hãy đi đến và dời đi các bức tranh gỗ.” Vị ấy đã hóa thân thành đứa bé trai ở thôn quê có năm bím tóc tay cầm cung đi đến đứng phía trước của đức vua nói rằng: “Tâu đại vương, tôi sẽ làm cho dời đi.” “Này khanh yêu quý, hãy mang đi.” Vị ấy đã cầm lấy mũi tên ghim vào ngay tại chỗ nối và tất cả đã bị rã tan.

Sau đó, đức vua đã cầm lấy chìa khoá và dấu niêm được buộc ở sợi dây thừng và đã nhìn thấy khối ngọc ma-ni, hơn nữa còn nhìn thấy dòng chữ “Trong ngày vị lai, các vị vua gặp khó khăn hãy lấy ngọc ma-ni này rồi tiến hành việc tôn vinh các xá-lợi” nên đã bực bội (nghĩ rằng): “Có thích đáng để gọi vị vua như ta là ‘vị vua gặp khó khăn’ hay không?” rồi đã loay hoay ra sức mở ra cánh cửa và đã đi vào bên trong gian nhà. Các cây đèn đã được thiết lập trải qua hơn hai trăm mười tám năm vẫn tỏa sáng như thế ấy. Những đóa hoa sen xanh trông như là đã được mang lại và trang hoàng vào thời khắc ấy, thảm trải bằng bông hoa trông như là đã được trải ra vào thời điểm ấy, và các hương thơm dường như đã được nghiền giã và phô bày ra vào giây phút ấy.

Đức vua đã cầm lấy cái mâm vàng và đọc lên rằng: “Trong ngày vị lai, vị hoàng tử tên Piyadāsa sẽ xứng đáng quyền cai trị và sẽ trở thành vị vua công chính tên là Asoka. Vị ấy sẽ làm cho các xá-lợi này được phổ biến lan rộng” rồi đã nói rằng: “Ta đã được ngài đại đức trưởng lão Mahākassapa nhìn thấy sau đó đã lật ngửa bàn tay trái ra và vỗ vào bằng bàn tay phải.

Trừ ra chỉ một phần xá-lợi cho việc phụng thờ ở tại nơi ấy, đức vua đã lấy đi tất cả các xá-lợi còn lại sau đó đã đóng lại gian nhà xá-lợi theo cách thức đã được đóng lại trước đây, rồi đã cho xây dựng lại tất cả theo như tình trạng nguyên thủy. Sau khi cho thiết lập ngôi bảo điện bằng đá ở bên trên, đức vua đã an vị các xá-lợi trong tám mươi bốn ngàn tu viện. Như thế, ở xứ Jambudīpa vị vua công chính Asoka đã cho kiến tạo tám mươi bốn ngàn ngôi bảo điện.

 Tất cả các ngôi bảo tháp là ngọn đèn chung cho tất cả thế gian và là phương tiện đưa đến cõi trời và sự giải thoát cho tất cả. Sau khi đã dứt bỏ tất cả các phận sự khác, chúng sanh nên đảnh lễ các ngôi bảo tháp ấy bằng mọi cách vào mọi thời điểm.

Dút Phần Giảng Giải về Tám Mươi Bốn Ngàn Ngôi Bảo Tháp.

-ooOoo-


[4] Là ngôn ngữ đã được dùng để ghi chép lại Tam Tạng, ngày nay gọi là ngôn ngữ Pāli.

[5] Trong tài liệu này, hai từ thūpa (bảo tháp) và cetiya (bảo điện) được sử dụng thay đổi lẫn nhau. Về ý nghĩa tổng quát, thūpa chỉ áp dụng với xá-lợi (sārīrika), còn cetiya có ý nghĩa bao quát hơn được áp dụng cho: 1/ sārīrika (xá-lợi), 2/ pāribhogika (các vật đã được đức Phật sử dụng lúc còn tại thế), 3/ uddesika (các hình tượng) (Encyclopaedia of Buddhism, vol. IV, p.105).

[6] Trích lời đức Phật dạy ở bài kinh Mahāparinibbānasutta, Dīghanikāya (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Trường Bộ I).

[7] Asaṅkheyya nghĩa là con số không thể đếm được (có đến 141 số không).

[8] 100 koṭi tương đương 1 tỷ (1 koṭi là 10 triệu).

[9] Khīṇāsava = vị có lậu hoặc đã cạn kiệt, nghĩa là đã thành tựu phẩm vị A-la-hán trở thành vị Phật.

[10] Vòng bụng ở rốn và hai vòng đầu gối.

[11] Một trong những danh hiệu của thần Inda/Indra.

[12] Để lời phát nguyện trở thành Phật có được kết quả, người phát nguyện phải thành tựu tám điều sau: là loài người, là người nam, có thể chứng đạt phẩm vị A-la-hán ngay trong kiếp ấy, được nhìn thấy vị Phật Toàn Giác đang tại thế, là vị ẩn sĩ đã xuất gia, thành tựu về thiền định, có dự định hy sinh thân mạng đến đức Phật, có ước nguyện theo đuổi việc thực hành ba-la-mật của vị Bồ Tát.

[13] Tác giả trích dẫn câu kệ 1-7 ở phần nói về đức Phật Dīpaṅkara của bộ kinh Buddhavaṃsa.

[14] 1 do-tuần = 4 gāvuta, tương đương 16 km (Khó có thể tưởng tượng được mức độ vĩ đại của một công trình như vậy cho dầu dịch ubbedha là chiều cao hay bề rộng).

[15] Câu kệ 31, sđd.

[16] 100.000 koṭi tương đương 1 triệu triệu.

[17] So sánh với câu kệ 38 ở phần nói về đức Phật Koṇḍañña, sđd.

[18] So sánh với câu kệ 32 ở phần nói về đức Phật Maṅgala, sđd.

[19] So sánh với câu kệ 34 ở phần nói về đức Phật Sumana, sđd.

[20] So sánh với câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Revata, sđd.

[21] Câu kệ 30 ở phần nói về đức Phật Sobhita, sđd.

[22] So sánh với câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Anomadassī, sđd.

[23] Câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Paduma, sđd.

[24] Câu kệ 33 ở phần nói về đức Phật Nārada, sđd.

[25] Câu kệ 31 ở phần nói về đức Phật Padumuttara, sđd.

[26] 80 koṭi tương đương tám trăm triệu.

[27] Câu kệ 31 ở phần nói về đức Phật Sumedha, sđd.

[28] 1 gāvuta = ¼ yojana tương đương 4 km.

[29] Câu kệ 36 ở phần nói về đức Phật Sujāta, sđd.

[30] So sánh với câu kệ 27 ở phần nói về đức Phật Piyadassī, sđd.

[31] So sánh với câu kệ 26 ở phần nói về đức Phật Atthadassī, sđd.

[32] So sánh với câu kệ 25 ở phần nói về đức Phật Dhammadassī, sđd.

[33] Câu kệ 24 ở phần nói về đức Phật Siddhattha, sđd.

[34] So sánh với câu kệ 28 ở phần nói về đức Phật Tissa, sđd.

[35] So sánh với câu kệ 25 ở phần nói về đức Phật Phussa, sđd.

[36] So sánh với câu kệ 37 ở phần nói về đức Phật Vipassī, sđd.

[37] So sánh với câu kệ 28 ở phần nói về đức Phật Sikhī, sđd.

[38] Câu kệ 30 ở phần nói về đức Phật Vessabhū, sđd.

[39] Câu kệ 27 ở phần nói về đức Phật Kakusandha, sđd.

[40] Câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Konāgamana, sđd.

[41] Câu kệ 51 ở phần nói về đức Phật Kassapa, sđd.

[42] Câu kệ 58 phần thứ 9 nói về Vessantara, Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng).

[43] Mười điểm là: “thiên giới thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, thiên giới danh xưng, thiên giới uy lực, thiên giới sắc tướng, thiên giới âm thanh, thiên hương, thiên vị, thiên xúc” (Kinh Tướng - Lakkhaṇasutta, Kinh Trường Bộ - Dīghanikāya, lời dịch của H.T. Minh Châu).

[44] Buddhavaṃsa, chương 1, câu kệ 66-7.

[45] Jātaka-aṭṭhakathā 1, Ekakanipāta, tr. 65 PTS.

[46] Rằm tháng tư theo âm lịch Việt Nam.

[47] Koṇḍañña, Bhaddiya, Vappa, Mahānāma, và Assaji (Luật Đại Phẩm - Mahāvagga, chương 1).

[48] Năm loại nhãn quan (cakkhu) là: maṃsa-cakkhu: nhục nhãn, dibba-cakkhu: thiên nhãn, paññā-cakkhu: huệ nhãn, buddha-cakkhu: Phật nhãn, samanta-cakkhu: tuệ Toàn Giác (Được giải thích chi tiết ở Mahāniddesa thuộc Kinh Tiểu Bộ).

[49] 1 nāḷī = 2 pattha (pattha là lượng chứa của hai bàn tay bụm lại).

[50] 1 yojana = 4 gāvuta = 320 usabha; vậy 1 usabha = 1/320 yojana = 16/320 km = 1/20 km = 1000/20 m = 50 m. Như vậy 8 usabha = 400 m. Một cách tính khác, 1 usabha = 20 yaṭṭhi = 140 ratana = 1680 aṅgula # 420 m (Chiều rộng của con đường như vậy rất lớn!).

[51] Kinh Pháp Cú, Phẩm 2: Không Phóng Dật, câu 21.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | Bản Pali

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
04-03-2005