Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THŪPAVAMSA
SỬ LIỆU VỀ BẢO THÁP XÁ-LỢI PHẬT

Nguyên tác Pāli: Vācissaratthera
Lời Việt:  Indacanda Bhikkhu (Trương đình Dũng)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


THŪPAVAṂSA
SỬ LIỆU VỀ BẢO THÁP XÁ-LỢI PHẬT

 

MỤC LỤC

  GIỚI THIỆU
[01]

LIÊN QUAN ĐẾN ẤN ĐỘ:

Chương 1: Giảng Giải về Lời Phát Nguyện
Chương 2: Giảng Giải về Các Ngôi Bảo Tháp của Chư Phật
Chương 3: Giảng Giải về Hai Ngôi Bảo Tháp Thờ Búi Tóc và Vải Choàng
Chương 4: Giảng Giải về Mười Ngôi Bảo Tháp
Chương 5: Giảng Giải về sự Lưu Trữ các Xá-Lợi
Chương 6: Giảng Giải về Tám Mươi Bốn Ngàn Ngôi Bảo Tháp

[02]

LIÊN QUAN ĐẾN TÍCH LAN:

Chương 7: Giảng Giải về Tu Viện Bảo Tháp (Thūpārāma)
Chương 8: Giảng Giải về Sự Ngự Đến của Cội Bồ Đề
Chương 9: Giảng Giải về Các Ngôi Bảo Tháp ở Mỗi Do-Tuần
Chương 10: Giảng Giải về các Đức Vua Kế Vị nhằm Giải Thích Sự Việc
Chương 11: Giảng Giải về Ngôi Bảo Tháp ở Mahiyaṅgana
Chương 12: Giảng Giải về Tu Viện Maricavaṭṭi
Chương 13: Giảng Giải về Sự Nhận Được Vật Liệu Xây Dựng Ngôi Bảo Tháp

[03]

Chương 14: Giảng Giải về Sự Khởi Công Xây Dựng Ngôi Bảo Tháp
Chương 15: Giảng Giải và Mô Tả Hình Thức của Căn Phòng Thờ Xá-Lợi
Chương 16: Giảng Giải về Việc Tôn Trí Xá-Lợi
Chương 17: Giảng Giải về Ngôi Đại Bảo Điện

Phần Kết Thúc

  Bản Pāli

-ooOoo-

PHẦN GIỚI THIỆU

Việc thờ phượng và chiêm bái Xá-Lợi Phật đã được phổ biến đến Phật tử Việt Nam trong những thập niên gần đây, nhất là từ khi có sự hiện diện của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Xá-Lợi Phật là phần di thể còn lại sau lễ hỏa táng nhục thân của một bậc vĩ nhân đã sanh ra trong hoàng tộc Sākya: Thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta). Ngài đã từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, lên đường tầm cầu giải thoát, đã thanh lọc mọi ô nhiễm trong tâm và trở thành bậc hoàn toàn giác ngộ, sau đó đã tận tuỵ 45 năm trường dìu dắt chúng sanh thoát qua biển khổ trầm luân của hiện hữu.

Với lòng từ bi vô lượng, Ngài đã chú nguyện lưu lại Xá-Lợi ở thế gian này sau khi viên tịch Niết Bàn để cho chúng sanh đời sau còn có duyên may chiêm bái và cúng dường. Vì thế, Xá-Lợi Phật là bằng chứng hùng hồn nhất về sự hiện diện của Ngài và ý nghĩa của sự xuất hiện ấy không ngoài mục đích giúp cho chúng sanh đoạn tận mọi khổ đau, thành tựu cứu cánh giải thoát Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử.

Do lòng kính trọng ân đức Phật Bảo nên chúng ta quý trọng và tôn thờ những gì có liên quan đến Ngài. Do sự bày tỏ lòng tôn kính qua hình thức chiêm bái cúng dường đến Xá-Lợi của Ngài, nghiệp quả lành sẽ phát sanh, đồng thời niềm tin vào con đường giải thoát sẽ được củng cố và tăng trưởng. Việc xây dựng các ngôi bảo tháp thờ Xá-Lợi Phật, trước tiên ở cõi trời, kế đến là Ấn Độ, sau đó là Tích Lan, v.v... và hiện nay đang được tiến hành tại nhiều nơi trên thế giới cũng không ngoài mục đích trên.

Trong phần mở đầu, tác giả trần tình về nguyên nhân thực hiện tác phẩm này; có hai ý: tài liệu viết bằng tiếng Sinhala (ngôn ngữ của Tích Lan) không có ích cho số đông, còn tài liệu viết bằng Pāli (ngôn ngữ của xứ Magadha) có cách sắp xếp bị lẫn lộn, từ ngữ lại khó hiểu, và có nhiều thiếu sót. Sau đó, tác giả giải thích ý nghĩa của “thūpa” rồi lần lượt trình bày một cách khái quát về các tiền thân của đức Phật trong việc thực hành Bồ Tát hạnh và đã được sự chú nguyện của 24 vị Phật. Bắt đầu với lời phát nguyện của đạo sĩ Sumedha trước đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) cho đến kiếp sống cuối cùng sau khi công hạnh ba-la-mật đã tròn đủ, Ngài đã trở thành vị Phật tên Gotama và tế độ chúng sanh trong 45 năm hoằng khai Giáo Pháp. Tác giả cũng đã tường thuật lại tiến trình phân chia Xá-Lợi thành 8 phần do công của Bà-la-môn Doṇa và lần lượt đề cập đến việc xây dựng 84.000 ngôi bảo tháp tại xứ Ấn Độ vào thời đức vua Asoka (thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch). Kế đến là việc Phật Giáo được truyền sang các nước biên địa và vai trò của trưởng lão Mahinda trong việc phát triển Phật Giáo ở hòn đảo Tambapaṇṇi (Sri Lanka ngày nay, tiếng Việt thường dùng là Tích Lan được âm từ tên cũ là Ceylon). Cuối cùng kết thúc tác phẩm vào thời điểm mệnh chung của đức vua Duṭṭhagāmaṇi Abhaya (tức là năm 77 trước Tây lịch.[1]

Nhờ vào phần kết thúc, chúng ta biết được tác giả là vị trưởng lão Vācissara người xứ Tích Lan và cũng là tác giả của Līnatthadīpanī, sớ giải của Paṭisambhidāmagga (thuộc Tiểu Bộ Kinh), và tài liệu giảng giải ý nghĩa của các tác phẩm SaccasaṅkhepaVisuddhimaggasaṅkhepa. Vị ấy sống dưới triều đại vua Parakkama và là vị có trách nhiệm ở thư khố (dhammāgāra) của vị vua này (Học giả B. C. Law cho biết đức vua Parakkamabāhu I đã trị vì từ 1153-1186 theo Tây lịch).[2]

Với chủ đề chính là Xá-Lợi, tác giả đã khéo kết hợp những công trình xây dựng các ngôi bảo tháp và những yếu tố lịch sử đương thời. Ngoài những tư liệu liên quan đến sử học Phật Giáo, quý độc giả còn tìm được một số vấn đề có liên quan đến giáo lý cũng như những câu chuyện có thể giúp quý vị củng cố niềm tin và sách tấn việc tu tập của bản thân. Một điểm cần chú ý qua tác phẩm này là việc trích dẫn văn học đã được phổ biến vào thời điểm ấy.

Nhân duyên của việc phiên dịch bản văn: Trong chuyến hành hương kéo dài bốn tháng ở Ấn Độ năm 2001, chúng tôi đã tìm đến các gian hàng trưng bày sách của các nhà xuất bản tại nhiều thành phố lớn với mục đích tìm mua những tài liệu có liên quan đến hai loại ngôn ngữ SanskristPāli, dầu là nguyên tác hay dịch thuật. Chúng tôi đã mua được bản dịch tiếng Anh “The Legend of the Topes” của vị học giả Bimala Churn Law ở phòng trưng bày sách của Asiatic Society tại thành phố Calcutta. Tuy nhiên, chúng tôi đã không được thỏa ý vì có nhiều đoạn văn khó hiểu; điều này khiến chúng tôi khởi ý tìm đọc nguyên bản Pāli.

Phải hơn nữa năm sau, chúng tôi có duyên gặp lại Đại Đức Hộ Phạm đang học MA Phật Học ở Colombo. Đại Đức đã cố gắng tìm mượn cho chúng tôi bản Pāli ghi bằng mẫu tự Sinhala do công sức hiệu đính của Trưởng Lão Paṇḍita Ñāṇavimala Mahāthera.[3] Văn bản này có một khuyết điểm là có nhiều từ liên kết đã bị tách rời ra do lỗi kỹ thuật của nhân công sắp chữ khiến cho việc xác định ý nghĩa của câu văn gặp nhiều khó khăn, đôi lúc còn gây ra nhận định sai lầm nữa. CD của Vipassana Research Institutes cũng có bản văn này nhưng có nhiều lỗi do phiên âm không được chính xác (các văn bản được lưu lại bằng mẫu tự Sinhala lúc nghiên cứu hoặc chuyển sang mẫu tự La-tinh cần phải đặc biệt lưu ý các chi tiết nhỏ để tránh lầm lẫn). Vì thế, trong lúc thực hiện bản dịch này, chúng tôi đã điều chỉnh lại và trình bày ở đây văn bản Pāli bằng mẫu tự La-tinh với niềm tự tin rằng văn bản này sẽ không phụ lòng các học giả nghiên cứu.

Trong văn bản này, nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc học hỏi Pāli của các độc giả có trình độ sơ và trung cấp, một số sandhi (sự liên kết giữa các từ) đã được phân tích với dấu ngang (-) và các lời đối thoại đã được đưa vào ngoặc kép trong đa số trường hợp để dễ nhận diện cấu trúc của câu văn. Tuy nhiên, việc này lại gây ra một số chướng ngại về phương diện thẩm mỹ của văn bản, cũng như không có lợi ích thiết thực cho việc đọc trực tiếp nguyên tác của các học giả có trình độ uyên thâm. Trong bản dịch tiếng Việt, các câu kệ thơ Pāli được ghi lại bằng văn xuôi và trình bày chữ nghiêng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Các câu đối thoại cũng được trình bày chữ nghiêng trong ngoặc kép và không xuống hàng sau mỗi lời nói của từng nhân vật.

Về văn phong tiếng Việt, e rằng sẽ không làm hài lòng quý độc giả khó tính vì bản dịch này được thực hiện theo trường phái cổ điển của các học giả phương tây trong việc phiên dịch cổ ngữ, ở trường hợp này là Pāli. Vấn đề được đặt ra cho người dịch trong lúc nghiên cứu văn bản gốc không phải chỉ trả lời câu hỏi: “Câu văn Pāli ấy có ý nghĩa thế nào?” mà còn phải tự giải thích: “Vì sao câu văn ấy lại có ý nghĩa như thế?” Đây là trọng tâm của phương pháp học cổ ngữ theo lối phân tích, khác hẳn với lối học từ chương của phương đông. Việc “dịch sát từ” có hai mặt tích cực là dễ dàng xác định trình độ “nắm bắt” ngôn ngữ Pāli của người dịch, đồng thời góp phần vào việc học tập loại ngôn ngữ này của quý độc giả. Trong việc tìm hiểu ý nghĩa các đoạn văn Pāli, các phương pháp phỏng dịch, đoán ý, v.v... tuy tiết kiệm được thời gian và có thể tạo ra những lời dịch tiếng Việt lưu loát, nhưng cũng rất dễ rơi vào trường hợp xa rời văn bản hoặc tánh tùy tiện dễ dãi trong công việc nghiên cứu có cơ hội phát triển (vì không phải suy nghĩ về câu hỏi thứ hai).

Tóm lại, tuy đã nỗ lực tối đa nhưng bản dịch này không sao tránh khỏi những điều sai sót, ngưỡng mong nhận được sự góp ý phê bình của quý vị cho công đức Phật Pháp nhỏ bé này. Xin email về: dinda@u.washington.edu

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương sự ủng hộ nhiệt tình của các vị: Ven. Khánh Hỷ, Ven. Hộ Phạm, Ven. Chánh Kiến, Sư Cô Diệu Linh, Sư Cô Hạnh Bửu, Dr. Binh Anson, Anh Phạm Trọng Độ, Bà Ba Diệu Đài, Bà Diệu Giới, gia đình Cô Sáu Dép, Cô Tư Khánh Huy, Cô Huỳnh Liên Hoa, Cô Lê Thị Huế, gia đình Trương Tuyết Anh, Phật tử Ngọc Ngân, v.v... Sự khích lệ của quý vị có thể được ví như cơn mưa rào hoặc những làn gió mát tiếp sức cho người lữ hành đơn độc đang lang thang tìm kiếm báu vật trên bãi sa mạc mênh mông; nếu thiếu đi nguồn hỗ trợ về tinh thần và vật chất của quý vị thì Phật sự này có thể sẽ bị trì trệ hoặc phải bỏ dở, ví như chiếc thuyền giữa biển khơi không có nhiên liệu và buồm căng không gió thì người tài công cũng đành bất lực. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn đạt được nhiều hạnh phúc trong cuộc sống thế gian và thể nhập niềm an lạc vô biên trên bước đường tu tập giải thoát.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tăng chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tiến hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 31 tháng 01 năm 2005
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

-ooOoo-


[1] Geiger, Wilhelm. The Mahāvaṃsa. (Bản dịch tiếng Anh) 2nd Ed. (Colombo: Government Press, 1986), xxxvii.

[2] Law, Bimala Churn. The Legend of the Topes. (Bản dịch tiếng Anh của Thūpavasa) 2nd Ed. (Calcutta: The Asiatic Society, 1993), i.

[3] Ñāṇavimala, Thūpavasa. (Colombo: M.D. Gunasena, 1962).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | Bản Pali

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
04-03-2005