Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ
MAHĀVAṂSA

Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
(Ấn bản 2007)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG XXIX

SỰ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG ÐẠI BẢO THÁP

Khi vật liệu xây dựng đã được đem về chung lại như vậy, đức vua bắt đầu công việc xây dựng đại Bảo tháp vào ngày rằm tháng tư (Â.L., Visākhā), nhằm lúc chòm sao Visākhā xuất hiện. Khi đã truyền lịnh lấy đi cái cột trụ đá, vị chúa của loài người sai đào chỗ đất làm Bảo tháp sâu bảy hắc tay để làm móng. Vua sai người đập bể những tảng đá tròn do quân sĩ đem về đây, bằng búa, và sau khi biết chắc thế nào là đúng và thế nào là sai, vị ấy truyền lịnh nghiền nát đá để làm cho cái nền được chắc chắn hơn, sai những con voi lớn đã được bọc da dưới bàn chân giần xuống cho cứng nền.

Ðất sét mịn được tìm thấy ở chỗ luôn luôn ẩm ướt, là chỗ mà con sông thiêng Hằng giang đổ xuống trên đất một khoảng rộng ba mươi do tuần khắp quanh, vì tánh chất mịn và dẻo của nó nên được gọi là "đất sét bơ." Những vị Sa-di đã đoạn trừ các lậu hoặc mang loại đất sét từ chỗ đó đem về đây, đức vua truyền lịnh trát đất sét ấy lên lớp đá và đặt gạch trên lớp đất sét ..., và trên những lớp này có trét thêm xi-măng thô và chất thần sa, ở trên lớp gạch và đá này có một mạng lưới bằng sắt và trên đó là một loại đất thơm có tên là Marumba được các vị Sa-di đem về từ Hy-mã-lạp-sơn, rồi vua truyền lịnh đặt lên một lớp pha lê, trên lớp pha lê vua sai rải sỏi, và đất sét bơ được dùng trong toàn bộ công trình. Bằng chất nhựa của cây Kapiṭṭha, được hòa tan trong nước đường, vị chúa của các xe sai đặt một tấm đồng dày tám inch trên lớp sỏi ấy, và trên lớp đồng này, một tấm bạc dày bảy inch có trét đất tỳ sương trộn với dầu mè, được đặt lên.

Khi đức vua, đầy hoan hỉ, sai làm những công việc khởi đầu như vậy, tại chỗ xây dựng Bảo tháp, vào ngày mười bốn tháng Āsaḷha (tháng sáu âm lịch), vua tổ chức một cuộc họp gồm chúng Tỳ khưu và các bạch như vầy "bạch chư đại đức, ngày mai con sẽ đặt nền đá của Bảo tháp. Khi ấy xin thỉnh toàn thể chư tăng cu hội ở đây, với mục đích tổ chức lễ kỷ niệm đức Phật, là bậc hằng quan tâm đến hạnh phúc của chúng sanh, và dân chúng hãy ăn mặc y phục của ngày lễ, vào ngày mai hãy mang theo những hoa thơm vân vân đến chỗ xây dựng Ðại Bảo tháp".

Vua giao phó cho các quan làm công việc trang hoàng khu vực của Bảo tháp thừa lịnh của vua, các quan, đầy lòng tín cẩn đối với Bậc Ðại Sa-môn (Ðức Phật) đã trang hoàng chỗ ấy một cách phong phú toàn thể thành phố cũng như các con đường dẫn đến đó, đức vua đều sai trang hoàng tươm tất với muôn màu muôn vẻ. Vào buổi sáng hôm sau, đức vua cắt cử những người thợ cạo và những người hầu làm công việc tắm rửa và cắt tóc, vua sai đặt y phục và những hoa thơm, những loại bánh ngọt ở đó để cho mọi người được lợi ích, đức vua là người vui thích trong hạnh phúc của muôn dân. Khi lấy những vật như vậy, theo ý của họ, được đặt trước mặt họ, những người dân thị thành và thôn quê cùng nhau đi đến chỗ của Bảo tháp, đức vua được đỡ lên bởi nhiều vị quan, theo thứ tự cao thấp của họ, được vây quanh bởi nhiều vũ nữ ăn mặc xinh đẹp giống như những tiên nữ, chính vua mặc quốc phục, được theo hầu bởi bốn chục ngàn người, trong khi đó quanh vị ấy, tiếng nhạc vang rền, vua rực rỡ như chúa của chư thiên; Vào buổi chiều, vua, người có trí tuệ, biết rõ những chỗ thích hợp và những chỗ không thích hợp, đi đến chỗ của Ðại Bảo tháp, dân chúng đang hân hoan với cảnh đang diễn ra. Một ngàn cỗ xe chứa y phục được cuốn thành những bó, đức vua sai đặt ở giữa và ở bốn bên, sai chất lên nhiều y phục; vua cũng sai đặt mật ong, bơ đã lóng trong, đường vân vân, để ở đó để đóng góp cho buổi lễ.

Nhiều vị Tỳ khưu từ nhiều vùng xa xôi đến đây, đừng nói gì chư tăng sống ở đây trên hải đảo này, thì đông biết bao. Trưởng lão Indagutta dẫn đầu một đại chúng đã đi đến từ Rājagaha cùng với tám chục ngàn vị Tỳ khưu. Từ Isipatana, có mười hai ngàn Tỳ khưu dẫn đầu là trưởng lão Dhammasena, đã đi đến chỗ xây dựng Bảo tháp.

Từ tịnh xá Jetārāma-vihāra có chục ngàn vị Tỳ khưu đi đến, dẫn đầu là đại trưởng lão Piyadassi. Từ tịnh xá Mahāvana tại Vesālī có mười tám vị Tỳ khưu đi đến, dẫn đầu là trưởng lão Urubuddharakkhita. Từ Ghositārāma tại Kosambi, có ba chục ngàn vị Tỳ khưu đi đến, dẫn đầu là trưởng lão Urudhamma-rakkhita. Từ Dakkhiṇāgiri tại Ujjenī có bốn chục ngàn vị Sa-môn đi đến, dẫn đầu là trưởng lão Uru-saṃgharakkhita.

Từ khi già lam Asokārāma, tại Pupphapura, có một trăm sáu chục ngàn vị Tỳ khưu đi đến, dẫn đầu là vị trưởng lão tên là Miṭṭiṇṇa. Từ Kasmīra có trưởng lão Uṭṭiṇṇa đi đến đem theo hai trăm tám chục ngàn vị Tỳ khưu. Bậc trí tuệ Mahādeva đến từ Pallavabhoga cùng với bốn trăm sáu chục ngàn vị Tỳ khưu, và từ Alasanda, kinh đô của những người Yona, có trưởng lão Yona Mahādhammarakkhita đi đến cùng với ba chục ngàn vị Tỳ khưu. Từ chỗ ngụ của trưởng lão, bằng con đường xuyên qua dãy núi Viñjhā, trưởng lão Uttara đi đến cùng với sáu chục ngàn vị Tỳ khưu.

Ðại trưởng lão Cittagutta đi đến đây từ Bodhimandavihāra cùng với ba chục ngàn vị Tỳ khưu. Ðại trưởng lão Candagutta đi đến đây từ Vanavāsa với tám chục ngàn vị Sa-môn. Ðại trưởng lão Suriyagutta đi đến từ Ðại tịnh xá Kelāsavihāra với chín mươi sáu ngàn vị Tỳ khưu. Nói về số lượng Tỳ khưu đang sống trên hải đảo đã đến cu hội từ khắp mọi nơi, các vị tiền bối đã không kẻ lại con số chính xác. Trong số tất cả những vị Tỳ khưu đã đến hội họp ở đây rồi, riêng những vị Tỳ khưu đã đoạn trừ các lậu hoặc, theo lời kể lại, có chín trăm sáu chục triệu (chín mươi sáu koṭi).

Những vị Tỳ khưu này đứng quanh chỗ xây dựng Bảo tháp theo thứ tự lớn nhỏ, để lại một khoảng trống ở giữa dành cho đức vua. Khi đức vua bước vào chỗ này và trông thấy chúng Tỳ khưu đang đứng như vậy, vị ấy vui sướng đảnh lễ các ngài, với lòng tịnh tín, khi dâng cúng các ngài những hoa thơm và đi quanh các ngài ba vòng, xoay về phía trái để bên phải của vị ấy hướng về các ngài, vua đi vào chỗ giữa, đến chỗ đã thánh hóa có cái bình rót chứa đầy nước. Bằng năng lực của tâm tín lạc đã khởi sanh, bậc sốt sắng với phúc lạc của chúng sanh, bèn truyền lịnh cho vị quan thuộc dòng quí tộc, đang mặc lễ phục rực rỡ, nắm chắc chiếc gậy quay thanh tịnh, để làm theo đường ranh giới hình vòng cung, chiếc gậy được làm bằng bạc, và được buộc chắc chắn bằng một sợi dây thừng vào một cái cột bằng vàng, được nắm chắc bởi một vị quan thuộc dòng quí tộc đang mặc bộ y phục lễ hội xinh đẹp, và khi quyết định chọn một khoảng lớn dành cho Bảo tháp, vua truyền lịnh cho vị quan kia đi quanh với chiếc gậy quay trong tay lần theo chỗ đất đã sửa soạn sẵn. Nhưng vị trưởng lão có thắng trí, tên là Siddhattha, là người nhìn xa thấy rộng, đã ngăn cản đức vua khi vị ấy làm điều này, khi suy xét rằng:"nếu đức vua của chúng ta khởi công xây dựng một Bảo tháp quá lớn như vậy, thời cái chết sẽ đến với vị ấy, trước khi bảo tháp được làm xong; Hơn nữa, một bảo tháp quá lớn sẽ khó sửa chữa". Trưởng lão, khi nhìn vào tương lai, đã ngăn sự định đặt kích thước to lớn như vậy. Ðể chìu theo chư tăng và do lòng kính trọng đối với trưởng lão, đức vua dầu muốn làm bảo tháp to lớn đồ sộ, đã nghe theo lời trưởng lão và làm theo lời chỉ dẫn của trưởng lão, vua quyết định một khoảng vừa để làm bảo tháp, để đá sỏi làm nền có thể đủ lát.

Với nhiệt tâm không mỏi mệt, vua sai đặt tám cái lọ bằng vàng và tám cái lọ bằng bạc ở giữa, rồi sai đặt một ngàn lẻ tám cái lọ mới thành một vòng tròn quanh mười sáu cái lọ này, dường thế ấy, quanh mỗi cái lọ, sai đặt một trăm lẻ tám chiếc y. Tám viên gạch đẹp lộng lẫy vị ấy sai đặt cách khoảng. Và sau khi đã truyền lịnh cho một vị quan đã được chọn để làm công việc này, đang mặc y phục chỉnh tề, đứng ra lấy một viên gạch, vua đặt ở hướng đông, nơi đã được chuẩn bị sẵn sàng nhiều nghi lễ, một viên đá nền đầu tiên, trên đất sét thơm một cách long trọng.

Khi người ta đã cúng dường những bông lài vào trong chỗ ấy thì đại địa rung chuyển. Vua sai bảy vị quan đặt bảy viên đá khác, và những buổi lễ thánh hóa diễn ra. Như vậy, vua đã sai đặt những viên đá vào ngày đã chọn, đó là ngày bố-tát (uposatha) rằm tháng sáu (tháng Āsaṅha).

Khi đức vua đã cung kính đảnh lễ các vị trưởng lão đã đoạn trừ các lậu hoặc, đứng ở đó tại bốn hướng thiêng liêng, và khi vua đã cúng dường những vật thí đến các ngài, đầy vui sướng, vị ấy đi về hướng đông bắc, và ở đây sau khi đảnh lễ trưởng lão Piyadassī, bậc đã đoạn trừ các lậu hoặc, đức vua bèn đứng gần bên trưởng lão. Ðể làm cho buổi lễ ở đó thêm phần long trọng, vị trưởng lão này bèn thuyết diệu pháp đến đức vua; Thời pháp của trưởng lão đem lại nhiều phúc lạc cho mọi người. Có bốn chục ngàn người được quy ngưỡng chánh pháp, và thêm bốn chục ngàn nữa chúng đắc quả thánh Tu-đà-huờn. Một ngàn cư sĩ chứng đắc nhị đạo, một ngàn khác chứng đắc quả bất-lai, và một ngàn nữa chứng đắc đạo quả A-la-hán. Mười tám ngàn Tỳ khưu và mười bốn ngàn Tỳ khưu ni chứng đắc đạo qua A-la-hán.

Mong rằng mọi người có tâm hướng đến niềm tin trong ba ngôi Tam bảo cũng vậy, sau khi biết rằng nhờ có một người hằng đem lại lợi lạc cho nhân loại, hằng để tâm trong việc bố thí rộng rãi, đã đem lại phước báu cao tột cho thế gian, hãy nỗ lực cố gắng để đạt đến nhiều ân đức như tín đức vân vân.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi chín, được gọi là "Sự khởi công xây dựng Ðại Bảo tháp", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXX

SỰ XÂY DỰNG PHÒNG XÁ LỢI

Khi đức vua đã cung kính đảnh lễ chư tăng, vị ấy thỉnh các ngài với lời tác bạch rằng: "trong lúc chờ đợi Bảo tháp được làm xong, cầu mong các ngài hãy thọ lãnh vật thực bố thí nơi con." Chư tăng không bằng lòng. Do sự nài nỉ càng lúc càng nhiều, vua thỉnh cầu các ngài thọ thực trong một tuần lễ và được một nửa số Tỳ khưu nhận lời. Khi đã được các ngài nhận lời, vua, đầy thỏa mãn, sai dựng lên những cái giả ốc ở mười tám chỗ quanh khu vực của Bảo tháp, và trong một tuần lễ sai cúng dường vật thực dồi dào đến chư tăng. Rồi đức vua cho phép chư tăng ra đi.

Sau đó, vua sai đánh trống triệu tập gấp rút năm trăm người thợ xây dựng bậc thầy. Và một người trong bọn họ trả lời với đức vua khi được hỏi rằng: "ngươi sẽ làm Bảo tháp bằng cách nào đây?" "khi đem theo năm trăm người thợ, thần sẽ dùng một xe cát trong một ngày."

Ðức vua không đồng ý, nhân đó họ đề nghị làm việc với số cát ít hơn một nửa, rồi lại giảm xuống thêm một nửa, cuối cùng chỉ còn lại hai ammaṇa (1 ammaṇa = 5 lần 36 lít). Ðức vua cũng từ chối lời đề nghị của bốn người thợ bậc thầy này. Rồi người thợ mộc bậc thầy giàu kinh nghiệm và thiện xảo tâu với vua rằng: "thần sẽ giã cát trong một cái cối, và khi cát đã nhuyễn mịn như vậy thần sẽ cho nghiền nát trong máy xay, và sẽ dùng một ammaṇa cát nhuyễn như vậy."

Và khi chúa của quả đất, có lòng can đảm giống như lòng can đảm của Indra, đồng ý với những lời này, do nghĩ rằng: "sẽ không có cỏ hay rong riêu nào trên Bảo tháp của chúng ta," và khi đức vua hỏi ông ta, "người sẽ làm Bảo tháp theo kiểu nào?" ngay khi ấy Vissakamma nhập vào người thợ. Người thợ bậc thầy lấy bàn tay múc nước và để cho nó rơi xuống trên mặt nước. Một bong bóng lớn nổi lên giống như nửa quả cầu bằng pha lê, ông ta nói rằng: "thần sẽ làm Bảo tháp giống như vậy." Rất hài lòng, đức vua ban thưởng cho ông ta một cặp y phục trị giá một ngàn đồng và một đôi giày có gắn vật trang sức và mười hai ngàn đồng tiền vàng. "Làm sao ta có thể khiến đem gạch mà không làm dân chúng phải vác nặng?" Ðức vua nghiền ngẫm suốt đêm. Khi các vị chư thiên biết được ý nghĩ này, bèn mang những viên gạch từ đêm này qua đêm khác đến bốn cổng của Bảo tháp và đặt chúng xuống đó, số gạch luôn luôn đủ cho một ngày sử dụng. Khi đức vua nghe qua tin này đầy, hoan hỉ, vị ấy bắt đầu công việc xây dựng Bảo tháp. Vua sai công bố: "công việc được làm ở đây đều được trả công sòng phẳng". Vua sai đặt mười sáu trăm ngàn kahāpana ở mỗi cổng, rất nhiều y phục, nhiều loại trang sức, những loại vật thực cứng và lỏng và thức uống thêm vào đó, những hoa thơm, đường vân vân, cũng như năm loại vật thơm để dùng cho thơm miệng.

"Hãy cho mọi người lấy những thứ này tùy thích khi họ đã làm việc tùy thích." Khi xem xét mệnh lệnh này, những người lao động của đức vua bèn phân phối mức thù lao.

Một vị Tỳ khưu muốn tham dự trong công việc xây dựng Bảo tháp, lấy một cục đất sét đã được nhồi trộn, đi đến chỗ của Bảo tháp và để gạt những người nhân công của đức vua, vị Tỳ khưu bèn cho cục đất sét ấy đến một ông thợ. Ngay khi ông ta nhận lấy cục đất sét, ông ta biết đó là cái gì (do tánh vô tư của cục đất sét) và biết được ý định của vị Tỳ khưu. Một cuộc tranh luận khởi lên ở đó về sau; khi đức vua nghe được điều này, vua bèn đi đến hỏi người thợ ấy.

"Tâu bệ hạ, các vị Tỳ khưu với một tay cầm những bông hoa, thường cho thần một cục đất sét bằng bàn tay kia; Nhưng thần chỉ biết bấy nhiêu là liệu họ là một vị Tỳ khưu ở nước khác đến đây hay ở trong nước này."

Khi nghe qua lời nói này, vua bèn sai người giám thị chỉ cho vua thấy vị Sa-môn đã đưa cục đất sét. Người khác chỉ vị Sa-môn cho người giám thị trông thấy và ông ta tâu lại với đức vua. Ðức vua sai đặt ở trước sân của cây bồ đề thiêng ba cái bình có hoa lài và bảo người giám thị trao chúng cho vị Tỳ khưu (để vị Tỳ khưu biết phần thưởng làm Bảo tháp của mình là như thế đó). Khi vị ấy cúng dường mà không xem xét chuyện gì, người giám thị nói cho vị ấy biết chuyện này khi vị Tỳ khưu đứng ở đó. Sau đó vị Sa-môn hiểu.

Một vị trưởng lão đang sống ở Piyaṅgalla tại quận Koṭṭivāla, cũng muốn tham gia xây dựng Bảo tháp và vị trưởng lão này là quyến thuộc của người công dân làm gạch, đi đến đây và khi vị ấy làm một viên gạch bằng cỡ của viên gạch được dùng ở đó, sau khi đã biết rõ kích thước chính xác, vị trưởng lão muốn cho những công nhân đừng biết chuyện gì, bèn trao nó cho một người công nhân. Người công nhân đặt nó vào đúng vị trí trong Bảo tháp, và một cuộc bàn tán khởi lên về vấn đề này. Khi đức vua biết rõ chuyện này, bèn hỏi rằng: "có thể nhận ra được viên gạch ấy không?" Dầu người công nhân biết nó, ông ta vẫn trả lời với đức vua rằng: "không thể được." Khi được hỏi: "ngươi có biết vị trưởng lão không?" ông ta trả lời rằng: "tâu biết" Ðể có thể biết vị trưởng lão, đức vua bèn để người đốc công đứng gần vị ấy. Nhờ vậy, khi đã biết được trưởng lão và được đức vua cho phép, người đốc công đi thỉnh vị trưởng lão ở tại Kaṭṭhahālavihāra và nói với ngài; khi trưởng lão đã biết ngày ra đi của vị trưởng lão kia và nơi mà vị ấy đang đi đến và đã nói với vị trưởng lão kia rằng: "tôi đang đi chung với ngài đến ngôi làng của ngài", vị ấy kể lại mọi chuyện với đức vua. Ðức vua sai dâng đến trưởng lão muốn tham dự làm Bảo tháp một bộ y phục trị giá một ngàn đồng một tấm thảm đỏ đắt giá và thêm nhiều vật dụng của Sa-môn đường và thêm một nālī dầu thơm (1 nālī = 4 cốc tay).

Khi ông ta đi chung với trưởng lão, và khi Piyaṅngallaka hiện ra, ông ta mời trưởng lão ngồi dưới một chỗ có bóng mát, là nơi có nước, và khi đã dâng đến trưởng lão nước đường và đã thoa dầu thơm vào đôi chân của trưởng lão, và rắc bột thơm lên chúng, ông ta dâng trưởng lão những vật dụng cần thiết khi nói rằng: "con đã mang theo những thứ này cho vị trưởng lão đến nhà của con, nhưng hai chiếc áo này dành cho con trai của con. Bây giờ con xin dâng tất cả những thứ này đến ngài." Vị trưởng lão sau khi nhận lãnh chúng, lại tiếp tục lên đường, còn ông ta, khi cáo từ trưởng lão, nói cho trưởng lão biết những lời của đức vua, tức lệnh truyền của đức vua.

Trong khi Bảo tháp đang được xây dựng, dân chúng từng đoàn đông đảo, đã làm việc để lấy công, được cải chánh theo chánh pháp, tất cả đều được sanh về thiên giới. Một người có trí tuệ biết rằng chỉ do niềm tin nội tại nơi Bậc Thánh hiền thì con đường dẫn đến thiên giới mới được tìm thấy. Do đó mới sốt sắng đem những vật đến cúng dường Bảo tháp.

Hai người đàn bà, vì họ đã làm công việc ở đây, được sanh về cõi trời Ba Mươi Ba, đã suy xét về thời gian bảo tháp được làm xong, nơi mà trước kia họ đã làm, khi cả hai đều biết rõ quả phước về những nghiệp của mình, họ đem những hoa thơm và đến cúng dường bảo tháp. Khi đã cúng dường những hoa thơm, họ làm lễ bảo tháp.

Ngay lúc này, trưởng lão Mahāsīva, là người sống ở Bhātivaṇka, đi đến với ý nghĩ rằng: "ta sẽ làm lễ bảo tháp vào ban đêm. Khi trưởng lão dựa vào cây Sattapaṇṇa, trông thấy hai nữ nhân ấy và vì không muốn để họ trông thấy mình, bèn đứng nhìn chăm chú vào hiện tượng lỳ lạ ấy, khi việc trang hoàng của họ đã xong, trưởng lão bèn hỏi họ rằng: "Toàn thể hải đảo ở đây chiếu sáng rực rỡ từ nơi thân của các người; Các ngươi đã làm việc phước gì khiến các ngươi sau khi mạng chung ở đây được sanh về thiên giới?" Các tiên nữ bèn kể cho trưởng lão nghe về việc làm của họ trong việc xây dựng bảo tháp; Như vậy niềm tin nơi đức Tathāgata đem lại quả phước dồi dào.

Những vị trưởng lão có năng lực thần thông đã khiến cho ba cái nền cao đi đến bảo tháp, chìm xuống ngay khi người ta đặt vào những viên gạch, làm cho chúng bằng với mặt đất. Các ngài đã khiến cho chúng chìm xuống chín lần khi người ta đặt gạch vào. Rồi đức vua triệu tập chúng Tỳ khưu. Tám chục ngàn chúng Tỳ khưu đã tụ họp ở đó. Ðức vua đi đến chúng Tỳ khưu, và khi đã cúng dường các ngài những vật thí và cung kính đảnh lễ các ngài, vua hỏi lý do khiến những viên gạch được hạ xuống. Chư tăng trả lời rằng: "tâu đại vương, điều này được làm bởi các vị Tỳ khưu có năng lực thần thông, để cho bảo tháp tự nó không lún xuống; họ sẽ không làm điều ấy nữa, không tạo ra sự xê dịch và sẽ hoàn thành Ðại bảo tháp".

Khi đức vua nghe qua điều này, đầy hoan hỉ, vua truyền lịnh tiếp tục làm bảo tháp. Mười koṭi gạch được dùng để làm bậc nền. Chư tăng giao phận sự cho hai vị Sa-di, là UttaraSumana, khi nói rằng: "hãy đem về đây những tảng đá có màu mỡ để làm phòng xá lợi" và hai vị Sa-di lên đường đi đến bắc Kuru và mang từ đó về sáu khối đá có màu mỡ, dài và rộng tám mươi hắc tay, óng ánh như mặt trời, dày tám inch và giống như những bông hoa Gaṇdhi. Khi đã đặt một khối ở giữa trên nền hoa và bốn khối khác ở bốn bên theo hình cái hòm, những vị trưởng lão có năng lực thần thông đặt khối thứ sáu để làm nắp về sau, ở hướng đông, làm cho ẩn hình không ai thấy được.

Giữa phòng xá lợi, đức vua sai đặt một cây bồ đề bằng những loại châu báu, rực rỡ về mọi phương diện. Thân của nó cao mười tám hắc tay và có năm nhánh; gốc bằng san hô ở trên bích ngọc. Thân cây làm toàn bằng bạc, được tô điểm bởi những ngọn lá bằng các loại ngọc, lá vàng và những quả bằng vàng và những chồi non bằng san hô. Có tám bức hình biểu tượng của may mắn ở trên thân cây và những dãy hoa và những hàng thú bốn chân xinh đẹp và những hàng thiên nga. Bên trên của cây bồ đề, trên viền của chiếc lọng xinh đẹp là một mạng lưới chuông bằng ngọc trai và những chuỗi chuông nhỏ bằng vàng có những cờ xí xen kẽ. Từ bốn góc của chiếc lọng có thả xuống những dây ngọc trai, mỗi dây trị giá một trăm ngàn đồng. Những hình mặt trời, mặt trăng và những ngôi sao có nhiều hoa sen khác nhau, được làm bằng các loại châu báu, chúng được gắn vào cái lọng. Một ngàn lẻ tám miếng vải len đủ loại, quí báu và có nhiều màu sắc được treo vào chiếc lọng. Quanh cây bồ đề có một khung chắn làm bằng đủ loại châu báu; Nền lát ở bên trong được làm bằng những viên ngọc trai Myrobalan lớn.

Những dãy lọ, một số rỗng, một số chứa những bông hoa được làm bằng tất cả các loại châu báu và chứa đầy bốn loại nước thơm được đặt ở gốc của cây bồ đề.

Trên cái bồ đoàn, trị giá của nó là một koṭi, được đặt ở phía đông của cây bồ đề, vua đặt một tượng Phật bằng vàng óng ánh. Thân và tứ chi của pho tượng được làm chính xác bằng những loại châu báu có đủ màu, óng ánh xinh đẹp. Ðại phạm thiên đứng ở đó cầm chiếc lọng bằng bạc và Sakka tán dương bằng cái tù và Vijayuttara, Pañcasikha với cây đàn luýt trong tay, và Kālanāga với những vũ nữ, và Ma vương với một ngàn cánh tay cùng với con voi và đoàn tùy tùng của vị ấy. Những cái bồ đoàn khác giống như cái ngai vàng được dựng lên về hướng đông, mỗi cái ngai vàng được dựng lên về hướng đông, mỗi cái trị giá một koṭi, xoay mặt về bảy vùng của các tầng trời. Ðể cây bồ đề nằm ở đầu, một chiếc giường (làm chỗ để Ðức Phật nằm nhập Niết bàn) được đặt, cũng trị giá một koṭi, được trang hoàng bằng đủ loại châu báu.

Vua sai khắc nổi đúng mức những biến cố xảy ra trong suốt bảy tuần lễ, ở khắp trong phòng xá lợi, luôn cả lời thỉnh cầu của Phạm thiên, sự chuyển pháp luân, sự thâu nhận Yasa vào tăng chúng, sự xuất gia của những vị Bhaddavaggiya và sự nhiếp phục những người jatila, cuộc viếng thăm của Bimbisāra và sự đi vào thành vương xá, sự thọ lãnh Veḷuvana, tám mươi vị đệ tử, chuyến đi đến Jetavana, sự thị hiện thần thông ở gốc cây xoài, sự thuyết giảng ở cõi chư thiên, phép lạ khi đi xuống từ cõi chư thiên, cuộc họp với sự hỏi pháp của trưởng lão. Bài kinh Mahāsamayasuttanta, lời giáo giới đến Rāhula, bài kinh Mahā-Maṅgalasutta, cuộc chạm trán với voi Dhanapāla (tức voi Nālāgiri), sự nhiếp phục Dạ-xoa Āḷāvaka, tên cướp Aṅgulimāla và rồng chúa Apalāla, cuộc gặp với những vị Pārāyanaka, sự từ bỏ mạng sống, sự thọ lãnh món thịt heo (do người thợ rèn Cunda dâng đến), và hai chiếc y có sắc vàng, sự uống nước trong và sự viên tịch Ðại Niết bàn; Sự ta thán của chư thiên và nhân loại, Trưởng lão đảnh lễ đôi chân của Ðức Phật, sự hỏa thiêu nhục thân (của Ðức Phật), sự dập tắt ngọn lửa (do dòng nước từ cõi trời đổ xuống) những nghi lễ mai táng trong chính chỗ ấy và sự phân phát xá lợi do doṇa. Vị vua cao quí cũng đưa vào đây nhiều câu chuyện Bổn sanh thích hợp dể làm khởi dậy niềm tin. Vua truyền lịnh khắc đầy đủ câu chuyện Vessantara-jātaka, và biến cố xảy ra bắt đầu từ lúc giáng sanh từ cõi trời Tusita đến lúc đắc đạo trên bồ đoàn giác ngộ.

Ở bốn hướng có hình của bốn vị thiên vương đứng, ba mươi ba vị chư thiên và ba mươi hai tiên nữ, và hai mươi tám vị Dạ-xoa lãnh đạo, nhưng ở trên những hình này có những vị chư thiên chắp tay, cũng như những cái bình có đựng hoa, những vị chư thiên đang múa và những vị chư thiên chơi nhạc, những vị chư thiên cầm những chiếc gương soi, những vị chư thiên cầm những bông hoa và những nhánh, những vị chư thiên cầm hoa sen vân vân và nhiều loại chư thiên khác, những dãy vòng cung bằng ngọc và những dãy Dhammacakka (biểu tượng của giáo pháp); những dãy chư thiên mang kiếm và cầm những bình nước trên đầu của họ là những bình nước cao năm hắc tay, chứa đầy dầu thơm, với những tim bấc bằng sợi Dukūla luôn luôn được đốt sáng. Ở trong cửa tò vò bằng pha lê tại bốn góc, mỗi góc có một viên gạch lớn, hơn nữa trong bốn góc có bốn đống vàng lấp lánh, đá quí, ngọc trai, và san hô. Trên bức vách đá màu mỡ có lóe lên những đường cong queo, dùng làm nét trang sức cho phòng xá lợi. Ðức vua truyền lịnh cho người ta làm tất cả hình tượng này ở đây trong phòng xá lợi hấp dẫn bằng vàng khối.

Ðại trưởng lão Indagutta, là bậc có sáu thắng trí, bậc có trí tuệ bậc nhất, đã hướng dẫn tất cả những thứ này ở đây, để trùm lên toàn thể công trình. Tất cả những thứ này được hoàn thành mà không gặp chướng ngại nào do bởi năng lực kỳ diệu của đức vua, năng lực mầu nhiệm của các vị chư thiên, và năng lực thần thông của các vị thánh trưởng lão.

Nếu bậc có trí tuệ có những thiện pháp về đức tin, đã làm lễ đức Thế Tôn, bậc tối thượng Tôn, bậc cao thượng nhất trong thế gian, bậc đã thoát khỏi bóng tối trong khi ngài vẫn còn sống, và rồi làm lễ đến xá lợi của ngài, được phân tán rộng rãi bởi bậc thấy rõ sự cứu rỗi của nhân loại; Và nếu sau đó người ấy hiểu rằng: ở đây phước báu cũng ngang bằng; thời người ấy quả thật sẽ tôn kính xá lợi của bậc Ðại Sa-môn y như khi Ðức Phật còn tại tiền.

Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi, được gọi là "Sự xây dựng phòng xá lợi", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXXI

SỰ TÔN TRÍ XÁ LỢI

Khi bậc Chiến-thắng-kẻ-thù đã hoàn thành công trình xây dựng bảo tháp thờ xá lợi, vị ấy triệu tập chúng Tỳ khưu và tác bạch như vầy: "con đã làm xong công trình xây dựng phòng xá lợi, ngày mai con sẽ tôn trí xá lợi, bạch chư đại đức tăng, xin các ngài hãy cẩn trọng quan tâm đến xá lợi." Khi vị đại vương đã nói như vậy, vị ấy từ đó vào thành phố; còn chúng Tỳ khưu thì tìm đến một vị Tỳ khưu mà sẽ đem xá lợi về đây và các ngài giao phó công việc mang về xá lợi cho một vị Sa-môn tên là Soṇuttara, bậc có sáu thắng trí, ở tại tịnh xá Pūjāparivena.

Có một thời nọ, khi Bậc Ðạo Sư đang đi đây đó trên quả đất để hóa độ thế gian, ở bờ của con sông Hằng có một vị Bà-la-môn tên là Nanduttara, thỉnh mời Ðức Chánh biến tri và tiếp đãi ngài tử tế cùng với chính Tỳ khưu. Gần chỗ cặp bến Payāna, Bậc Ðạo Sư cùng với chư tăng xuống thuyền. Ngay khi ấy, trưởng lão Bhaddaji có năng lực siêu nhiên, bậc có sáu thắng trí, trông thấy ở đó có một chỗ mà những dòng nước đang xoáy mạnh, trưởng lão bèn nói với các vị Tỳ khưu rằng: "cái cung điện bằng vàng, có kích thước hai mươi lăm do tuần mà xưa kia tôi đã sống trong đó, đến nay đã chìm sâu ở đây. Khi nước của sông Hằng chảy đến cung điện ở đây, thì tạo thành những dòng nước xoáy và nhận chìm nó".

Các vị Tỳ khưu không tin trưởng lão, bèn bạch lại chuyện này với Bậc Ðạo Sư. "Hãy đoạn diệt hoài nghi nơi các vị Tỳ khưu." Rồi để cho thấy năng lực sai khiến của trưởng lão, ngay cả trong cõi phạm thiên, ngài bay lên hư không, bằng năng lực thần thông của ngài, và khi đứng lơ lửng trong không trung, cao bảy cây thốt nốt, vị ấy mang bảo tháp Dussathūpa ở cõi Phạm thiên, trên lòng bàn tay của trưởng lão, và sau khi đã đem bảo tháp ấy đến đây, và để cho dân chúng xem, trưởng lão đặt nó về chỗ cũ. Nhân đó, trưởng lão dùng năng lực thần thông, lặn vào trong con sông Hằng, và khi giữ lấy cung điện bằng ngón chân cái của trưởng lão chạm vào mút nhọn ở nóc của cung điện, trưởng lão đưa nó lên cao, và khi đã cho mọi người trông thấy cung điện của trưởng lão, bèn để nó rơi xuống trở lại chỗ cũ, khi vị Bà-la-môn, Nanduttara trông thấy phép lạ này, bèn thốt lên lời nguyện rằng: "trong một thời gian nào đó, xin cho tôi có đủ năng lực để có thể kiếm về những xá lợi do những người khác sở hữu giữ gìn." Vì lý do đó mà chư Tăng đã giao phó công việc cho Sonuttara, dầu vị sư này chỉ mới mười sáu tuổi. "con sẽ mang xá lợi về từ nơi nào"vị Sa-di hỏi chư tăng, và nhân đó chư tăng mô tả xá lợi như sau:

"Trong lúc sắp nhập Niết bàn, Bậc Ðạo Sư của thế gian, để ngài có thể hóa độ thế gian bằng xá lợi của ngài, Bậc Ðạo Sư đã nói với Sakka: "hỡi chúa của chư thiên, trong tám doṇa xá lợi của Như Lai, một doṇa (1 doṇa = 1/3 giạ, 1 giạ = 36 lít) đầu tiên những người Koliya tại Rāmagāma tôn thờ, sẽ được mang đi từ đó đến cõi rồng, và khi các vị rồng tôn thờ số xá lợi ấy ngay tại đó, cuối cùng xá lợi sẽ được tôn trí tại Ðại bảo tháp ở đảo Tích Lan. Khi ấy, vị trưởng lão nhìn xa thấy rộng và có trí tuệ bậc nhất Mahākassapa, hằng quan tâm đến phần xá lợi dành cho Dhammasoka, đã sai đặt số xá lợi to lớn và được khéo bảo vệ ở gần Rājagaha (kinh đô của vua Ajāta-sattu). Khi vị ấy đem đến đó bảy doṇa xá lợi; Nhưng doṇaRāmagāma thì trưởng lão không lấy, vì biết ý định của Bậc Ðạo Sư. Khi vua Dhammasoka trông thấy kho xá lợi to lớn, thì vị ấy nghĩ rằng sẽ đem về doṇa xá lợi thứ tám đến đó luôn. Nhưng khi xét thấy rằng số xá lợi ấy đã được bậc Chiến thắng quyết định tôn trí ở Ðại bảo tháp, các vị Sa-môn trong thời bấy giờ cản Dhammasoka làm điều này. Bảo tháp ở Rājagāma được xây dựng ở trên bờ của sông Hằng, còn cái hũ đựng xá lợi thì trôi vào đại dương, và nằm ở đó trong dòng nước rẽ hai ở trên chiếc ngai vàng bằng ngọc đa sắc, được bao trùm bởi những vòng hào quang. Khi các Long vương trông thấy hũ xá lợi, họ đi đến cõi rồng Mañjerika của vua Kālanāga và tâu lại với vị ấy. Và vị Long vương và mười ngàn koṭi rồng đi đến đó, và khi đã đem xá lợi về cung điện của mình, tôn thờ cúng bái những xá lợi ấy bằng những vật cúng dường, và đã xây dựng một bảo tháp bằng tất cả những loại châu báu, và cũng làm một cái điện thờ ở bên trên của bảo tháp. Ðầy tinh tấn, vua rồng thường xuyên mang đến những vật cúng dường, những vị rồng khác cũng vậy. Ở đó có một đoàn binh rồng bảo vệ. Ngươi hãy đi và mang những xá lợi ấy về đây. Ngày mai vị chúa của xứ sở bắt đầu tôn trí xá lợi".

Khi nghe qua những lời này của chư tăng, vị Sa-di trả lời rằng: "vâng, con sẽ làm như vậy", và trở về cốc nghiền ngẫm về thời gian thích hợp mà mình sẽ ra đi. "Ngày mai lễ tôn trí xá lợi sẽ được tổ chức", đức vua công bố như vậy bằng cách sai người đánh trống rao truyền trong thành phố, vua truyền lịnh cho tất cả thành phố và con đường dẫn đến đây phải được trang hoàng đầy đủ và những người dân thành thị phải ăn mặc lễ phục. Sakka, vua của chư thiên gọi Vissakamma đến và truyền lịnh cho vị ấy làm công việc trang hoàng toàn thể đảo Tích Lan theo nhiều cách.

Ở bốn cổng của thành phố, vua sai đặt y phục, đồ ăn vân vân để dân chúng tùy nghi sử dụng.

Vào buổi chiều của ngày rằm bồ tát, đức vua, tâm hoan hỉ, rành mạch về các bổn phận của các vị vua, trang phục với tất cả những vật trang sức của mình, quanh khắp là tất cả những vũ nữ, những dũng sĩ nhung giáp chỉnh tề, một đại chúng gồm những đội quân binh, cũng như những con voi đã được trang sức phong phú, những con ngựa và xe, vua bước lên chiếc long xa được kéo bởi bốn con bạch mã thuần chủng và đứng ở đó, khi khiến cho con voi Maṇḍala xinh đẹp và được trang hoàng lộng lẫy, đi đến trước mặt đức vua, giữ lấy cái hộp bằng vàng dưới cái lọng trắng (để tiếp nhận xá lợi).

Một ngàn lẻ tám thiếu nữ xinh đẹp từ thành phố, cầm những cái bình nước, đứng quanh chiếc long xa và cũng có nhiều thiếu nữ khác mang những cái hộp đựng các loại hoa, và những thiếu nữ khác thì cầm đèn và những chiếc gậy, Một ngàn lẻ tám chàng trai mặc lễ phục hầu quanh vua, cầm những cây cờ nhiều màu sắc xinh đẹp. Trong khi đó, quả đất dường như muốn nứt nẻ ra bởi tất cả các loại âm thanh của nhiều nhạc cụ, bởi tiếng ré vang của những con voi, ngựa và tiếng xe rộn ràng, vị vua nổi tiếng ấy, tựa như đi vào khu rừng Mahāmeghavana, sáng chói trong vinh quang giống như vua của chư thiên đi vào vườn Nandana vậy.

Khi vị Sa-môn Sonuttara đang ngồi trong cốc của mình, nghe tiếng nhạc trong thành phố lúc vua bắt đầu lên đường, vị Sa-di bèn độn thổ xuống đến điện của những vị rồng và xuất hiện ở đó trong một thời gian ngắn trước mặt chúa rồng. Khi chúa rồng đã đứng lên và đảnh lễ vị Sa-môn và mời ngồi trên chiếc ngai vàng, thể hiện những phận sự tôn kính đúng mức đối với một vị khách và rồi hỏi vị Sa-môn từ đâu đến. Khi biết rõ từ đâu đến rồi, chúa rồng bèn hỏi lý do đi đến của trưởng lão. Và trưởng lão kể lại toàn thể vấn đề và truyền đạt lời căn dặn của chư tăng: "xá lợi nằm ở đây trong quyền sở hữu của ngài, được đức Phật chỉ định cho tôn trí ở Ðại bảo tháp; Vậy xin ngài hãy trao những xá lợi ấy đến cho tôi." Khi chúa rồng nghe qua điều này, vị ấy buồn rầu thảm não và nghĩ rằng: "vị Sa-môn ấy có khả năng dùng sức mạnh để lấy những xá lợi khỏi tay ta; Do đó xá lợi phải được đem đi một nơi khác," bèn ra hiệu cho đứa cháu trai đang đứng ở đó. Và kẻ có tên là Vāsuladatta, biết được ẩn ý này, bèn đi đến bảo tháp thờ xá lợi và khi đã nuốt hũ xá lợi, vị ấy đi đến chân núi Sineru và nằm khoanh tròn ở đó. Vị rồng này dài một trăm do tuần và thân có đường vòng một do tuần. Khi vị rồng có năng lực thần thông đã tạo ra nhiều ngàn cái đầu với những cái mang phình ra, vị ấy phun khói và lửa khi đang nằm ở đó. Sau khi hóa ra nhiều ngàn con rắn giống y như vị ấy, vị Long vương cháu này khiến chúng nằm quanh mình trong một vòng tròn. Nhiều vị chư thiên và rồng đi đến đó nghĩ trong tâm rằng: "chúng ta sẽ xem cuộc chiến đấu của hai vị Nāga (Nāga vừa có nghĩa là rồng, cũng có nghĩa là bậc anh hùng, con người vĩ đại).

Khi người cậu biết rằng xá lợi đã được người cháu đem đi khỏi đó, bèn nói với trưởng lão rằng: "chẳng có xá lợi nào bên tôi cả." Trưởng lão bèn kể lại từ đầu câu chuyện về xá lợi đi đến như thế nào, rồi nói với vị Long vương rằng: "ngài hãy trao xá lợi đi".

Và để làm thỏa mãn trưởng lão bằng một số cách khác, Long vương bèn dẫn trưởng lão đi đến bảo tháp và mô tả với trưởng lão về bảo tháp ấy: "hãy xem, thưa ngài Tỳ khưu, bảo tháp này được trang hoàng bởi nhiều loại ngọc rực rỡ và có điện thờ cao quí dành cho bảo tháp. Nói đúng hơn tất cả những châu báu ở kháp toàn đảo Tích Lan cũng không sao sánh bằng được tảng đá ở chân của những bậc cấp; đừng nói gì những báu vật ở đây. Thưa ngài Tỳ khưu, thật ra chẳng thích hợp chút nào để ngài mang đi những xá lợi từ chỗ có sự tôn kính lớn đến chỗ có sự tôn kính nhỏ hơn". "Thật ra, chẳng có sự hiểu biết về chân lý trong những vị rồng các ngươi. Ðúng ra, điều thích hợp là cần phải đem đi những xá lợi đến chỗ có sự hiểu biết chân lý. Các Ðấng Như Lai xuất hiện trên thế gian để đem lại sự giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, ý định của Ðức Phật là như thế đó, do vậy ta sẽ mang đi những xá lợi. Chính ngày hôm nay, Ðức vua sẽ bắt đầu tôn trí xá lợi. Hãy nhanh chóng trao xá lợi cho ta, không được chậm trễ."

Vị Long vương nói rằng: "Bạch đại đức, nếu ngài thấy có xá lợi ở đâu thì ngài cứ tự nhiên lấy đi." Ba lần trưởng lão khiến vị Long vương lập lại lời này, rồi trưởng lão khi đang đứng ngay tại đó, tạo ra một cánh tay dài mãnh khảnh, và ngay tức thì duỗi bàn tay xuống cuống họng của vị rồng cháu, lấy đi hũ xá lợi và reo lên rằng, "này Nāga hãy ở lại!" Vị ấy lặn xuống đất và nổi lên khỏi đó ở trong cốc của trưởng lão. Vị Long vương nghĩ rằng: "Vị Tỳ khưu đã đi khỏi đây rồi, đã bị chúng ta gạt," và sai người cháu đem xá lợi về lại. Nhưng khi người cháu không thể tìm thấy hũ xá lợi trong cái bụng mình, bèn đi đến, vừa ta thán và kể lại với người cậu. Sau đó vị Long vương cũng ta thán: "chúng ta đã bị gạt rồi", và tất cả những vị rồng đã xúm lại thành đám, cũng ta thán. Nhưng vui mừng với chiến thắng của vị Tỳ khưu vĩ đại, chư thiên hội họp lại, và để tôn kính xá lợi bằng những vật cúng dường, họ cùng nhau kéo đến trưởng lão.

Sau khi ta thán, các vị rồng đi đến chư tăng và kêu than thảm thiết về việc xá lợi bị mang đi mất. Vì lòng bi mẫn, các vị Tỳ khưu đồng ý để lại cho họ một ít xá lợi. Ðầy vui sướng, họ đi và đem đến những châu báu để làm lễ vật cúng dường.

Sakka cùng với chư thiên đi đến chỗ ấy, mang theo một bộ ngai bằng những châu báu ở trong một cái hộp bằng vàng. Trong mỗi cái giả ốc xinh đẹp bằng châu báu được Vissakamma dựng lên ở chỗ đó, nơi mà trưởng lão đã trổi lên khỏi đất, vị ấy đặt vào chiếc ngai và khi đã nhận hũ xá lợi từ tay của trưởng lão, và đặt những xá lợi ấy trong một cái hộp, vị ấy đặt cái hộp ấy ở trên chiếc ngai.

Ðại phạm thiên cầm chiếc lọng, Saṃtusita cầm cái phất trần bằng lông đuôi của con bò Yak, Suyāma cầm quạt có cán châu báu, Sakka cầm cái vỏ sò đựng nước. Bốn vị thiên vương đứng với bốn cây đao nắm chắc trong tay và ba mươi ba vị chư thiên có thần thông lực cầm những cái giỏ. Khi họ đã đi đến đó để cúng dường những bông hoa Pāricchattaka, ba mươi hai tiên nữ đứng ở đó cầm những cây đèn trên những chiếc gậy. Hơn nữa, để ngăn ngừa những Dạ-xoa ác, hai mươi tám vị nguyên soái Dạ-xoa đứng canh phòng. Pañcasikha đứng ở đó đang chơi cây đàn luýt, và Timbara, sau khi đã dựng lên một cái bục, khiến cho tiếng nhạc trổi lên. Nhiều vị chư thiên đứng ở đó hát những bản nhạc mê ly và chúa của loài rồng Mahākāla ngâm những bài kệ tán dương bằng nhiều cách. Những nhạc cụ của chư thiên trổi lên tiếng nhạc, một đoàn ca sĩ chư thiên xướng âm, những vị chư thiên cho rơi xuống một đám mưa hoa gồm những hương liệu của chư thiên và những vật cúng dường khác. Còn trưởng lão Indagutta, để ngăn chặn Ma vương, đã tạo ra một cái lọng bằng đồng mà ngài đã làm cho lớn ra như một vũ trụ. Ở phía đông của xá lợi và rải rác khắp nơi trong năm châu (nghĩa là ở đông, tây, nam, bắc) các vị Tỳ khưu đồng thanh ngâm những bài kệ tán dương.

Ðại vương Duṭṭhagāmaṇi vui mừng đi đến đó, và khi đã đặt cái hộp dựng xá lợi trong một cái hộp bằng vàng mà vua đã mang đi trên đầu, và đã đặt cái hộp ấy trên chiếc ngai, vua đứng ở đó với hai tay chắp lại, làm lễ và dâng những vật thí đến xá lợi.

Khi vị hoàng tử trông thấy cái lọng, những vật thơm của chư thiên, và những thứ khác nữa, và nghe tiếng đờn ca xướng hát của chư thiên, dầu vua không thấy được những vị Phạm thiên, nhưng tâm đã khởi dậy niềm vui sướng và kinh ngạc trước hiện tượng kỳ diệu, vua đã cung kính làm lễ xá lợi bằng vật cúng dường là chiếc lọng và thêm vào đó vương quyền trên toàn cõi Tích Lan. "Tôi xin dâng hiến ba lần địa vị vương quyền của tôi đến vị chúa tể của thế gian, đến bậc Ðạo Sư mang ba chiếc lọng: của chư thiên, chiếc lọng trên địa cầu và chiếc lọng giải thoát." Bằng những lời này, đầy hoan hỉ, vua ba lần dâng vương quyền trên toàn cõi nước Tích Lan đến xá lợi.

Như vậy, cùng với chư thiên và nhân loại, khi tôn kính xá lợi bằng những vật cúng dường, vị hoàng tử đặt xá lợi với hai cái hộp trên đầu của mình, và được vây quanh bởi chúng Tỳ khưu, vua đi ba vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, rồi đi lên bảo tháp ở hướng đông và lại đi xuống để bước vào phòng xá lợi. Chín mươi sáu koṭi A-la-hán chắp tay đứng quanh bảo tháp uy nghi. Ðức vua đầy hoan hỉ, sau khi đã bước vào bảo tháp, suy nghĩ rằng: "ta sẽ đặt xá lợi trên một cái bệ xinh đẹp và đắt giá," thì cái hộp đựng xá lợi liền bay lên khỏi đầu của vị ấy, và khi đứng lơ lửng trong không trung cao bảy cây thốt nốt, ngay tức thì cái hộp tự nó dở nắp ra, xá lợi bay lên khỏi cái hộp và khi tụ lại thành hình tướng của Ðức Phật, rạng ngời những tướng chánh và tướng phụ, xá lợi ấy đã tụ lại thành hình tướng giống như khi Ðức Phật ở dưới gốc cây Gaṇdamba, thị hiện song thông, là loại song thông mà trước kia, khi Ðức Phật còn tại tiền đã thị hiện. Khi mọi người trông thấy hiện tượng kỳ diệu này, với tâm tín lạc, mười hai koṭi chư thiên và nhân loại chứng đắc đạo quả giải thoát A-la-hán; Những kẻ chứng đắc ba quả thánh giải thoát khác thì không đếm được.

Khi xả bỏ hình tướng của Ðức Phật những xá lợi ấy trở lại chỗ cũ trong cái hộp; Còn cái hộp thì bay xuống và nằm trở lại trên đầu của đức vua. Cùng với trưởng lão Indagutta và những cung nữ, vị vua vinh quang đi đến ngay tại cái bệ xinh đẹp và đặt cái hộp ở trên chiếc ngai bằng châu báu. Ðầy sốt sắng, khi rửa lại hai bàn tay trong nước thơm và đã thoa lên năm loại vật thơm, vua mở ra cái hộp, sau khi lấy ra xá lợi, vị chúa tể của hải đảo, người hằng quan tâm đến lợi ích của dân chúng, suy nghĩ như vầy "nếu xá lợi này trú không bị quấy rầy bởi một ai và nếu những xá lợi này dùng làm nơi nương tựa cho dân chúng, sẽ luôn luôn tồn tại, thời xin xá lợi này hãy an ngự trong hình tướng của Bậc Ðạo Sư y như khi Ngài nằm nhập Niết bàn, ở trên cái bệ được tôn thờ kỹ lưỡng và quí báu".

Khi nghĩ như vậy, vua đặt xá lợi trên cái bệ uy nghi; Những xá lợi bèn nằm trên cái bệ huy hoàng trong hình tướng như vậy. Vào ngày rằm Bố-tát của tháng Āsāḷha, dưới chòm sao Utturāsaḷha, những xá lợi đã được tôn trí theo cách này. Vào lúc xá lợi được tôn trí, đại địa rung chuyển và nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra theo nhiều cách.

Ðức vua, với lòng tịnh tín, đã làm lễ xá lợi bằng cách dâng hiến cái lọng trắng, và quyền chúa thể toàn đảo Tích Lan trong bảy ngày.

Tất cả những vật trang sức trên thân, vua cúng dường hết đến phòng xá lợi, các cung nữ, quần thần, tùy tùng và chư thiên cũng làm như vậy. Khi đức vua đã phân phát y phục, đường, bơ trong và những thứ khác đến chúng tăng, và đã thỉnh chư tăng tụng kinh suốt đêm khi trời sáng, vua, người quan tâm đến lợi ích của chúng dân, sai đánh trống rao truyền trong khắp thành phố rằng: "tất cả dân chúng sẽ làm lễ xá lợi trong suốt tuần lễ này." Trưởng lão Indagutta, bậc có thần thông nguyện rằng: "những người trên hải đảo Tích Lan muốn đến làm lễ xá lợi sẽ đến đây cùng một lúc, và khi họ đã làm lễ xá lợi ở đây, mỗi người sẽ về nhà của mình." Ðiều này xảy ra y như lời nguyện của trưởng lão.

Khi vị đại vương có danh tiếng lớn đã truyền lịnh cho cúng dường vật thực to lớn đến chúng Tỳ khưu trong bảy ngày không gián đoạn, vị ấy công bố rằng: "tất cả điều gì cần làm trong phòng xá lợi, trẫm đã làm xong rồi, bây giờ xin chư tăng lãnh trách nhiệm đóng cửa phòng xá lợi."

Chư tăng giao công việc này hai vị Sa-di. Họ đóng cửa phòng xá lợi bằng tảng đá có màu mỡ mà hai vị đã đem đến (hai vị Sa-di là UttaraSummana).

"Những bông hoa sẽ không héo úa, những tảng đá có màu mỡ sẽ nằm chung với nhau mãi mãi, những vật thơm sẽ không khô, những ngọn đèn sẽ không tắt". Tất cả những điều này do vị trưởng lão đã đoạn tận các lậu hoặc phát nguyện lúc bấy giờ.

Vị đại vương có lòng mong mỏi đến hạnh phúc của muôn dân, đưa ra lệnh truyền rằng:"dân chúng sẽ tôn trí xá lợi như vậy chừng nào họ còn đủ khả năng làm như thế". Và trên kho xá lợi to lớn, dân chúng, theo khả năng của họ đã tôn trí hằng ngàn viên xá lợi. Sau khi đã rào quanh tất cả, đức vua đã hoàn thành công việc bảo tháp. Hơn nữa, vua cũng hoàn thành công việc xây dựng điện đài bốn mặt ở trên bảo tháp.

Như vậy Chư Phật thật bất khả tư nghì, ân đức của chư Phật cũng bất khả tư nghì, và phước báu của những người đặt niềm tin trong những bậc bất khả tư nghì cũng bất khả tư nghì.

Như vậy, các thiện nhân có lòng mộ đạo hãy tự mình làm những công việc phước trong sạch, để đạt được phước báu rực rỡ nhất; Và họ với tâm trong sạch, cũng nên khiến những người khác làm những việc phước như thế để có được đoàn tùy tùng gồm những người tối thắng ở trong nhiều giai cấp.

Ở đây chấm dứt chương thứ ba mươi mốt, được gọi là "Sự tôn trí xá lợi", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục

 

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)

(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007