Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

THERAVĀDA
PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

ÐẠI VƯƠNG THỐNG SỬ
MAHĀVAṂSA

Tỳ khưu MINH HUỆ dịch
(Ấn bản 2007)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


CHƯƠNG XVIII

SỰ TIẾP NHẬN CÂY ÐẠI BỒ ÐỀ

Vị hoàng đế nhớ đến lời nói của trưởng lão là cần phải thỉnh về cây đại bồ đề và vị trưởng lão ni, và vào một ngày nọ trong mùa an cư, khi đang ngồi trong kinh đô ấy với trưởng lão và đã bàn bạc với các quan của mình. Vị ấy bèn sai người cháu trai, là vị quan tên là Ariṭṭha, làm công việc này.

Khi suy xét về vấn đề ấy và đã cho gọi đến vị quan kia, vua bèn nói với vị ấy những lời này: "này khanh, khanh có thể nào đi đến Dhammāsoka để đem về cây đại bồ đề và trưởng lão ni Saṃghamittā không?" "tâu bệ hạ thần có thể đem về được, tâu bậc cao cả, nếu được cho phép, khi thần trở về lại, xin cho phép thần được xuất gia!"

"Trẫm chuẩn tấu", đức vua trả lời và sai vị ấy ra đi từ đó. Khi Ariṭṭha đã nhận lịnh của đức vua và trưởng lão và đã cáo từ, vị ấy lên đường vào ngày thứ hai của tháng Assayuja (tháng chín âm lịch). Và sau khi đã xuống thuyền tại cảng Jambuloka, đầy sốt sắng, và sau khi đã vượt qua đại dương, bằng nguyện lực trưởng lão, Ariṭṭha đã đến ngay cùng ngày ra đi tại Pupphapura khả ái.

Hoàng hậu Ānula, đã cùng với năm trăm nữ tỳ của mình và năm trăm nữ nhân trong hoàng cung thọ thì thập giới, trong khi có tâm tha thiết với đạo như vậy, đã mặc vào chiếc y vàng, để chờ đợi xuất gia, và đang sống trong kỷ cương như vậy, chờ đợi vị trưởng lão ni đi đến, đã đi vào chỗ ngụ của nàng, sống cuộc đời phạm hạnh, Trong Ni viện khả ái do đức vua dựng lên ở một khu vực nọ của kinh đô. Bởi vì Ni viện có những cận sự nữ này trú ngụ nên nó được biết đến trong khắp xứ Tích Lan qua cái tên là Upāsikā-vihāra (Ưu-bà-di tịnh xá)

Khi người cháu trai Mahāriṭṭha đã trao bức thông điệp của vua Devānaṃpiyatissa đến vua Dhammasoka, vị ấy cũng truyền lại bức thông điệp của trưởng lão "vợ của người em của bạn của bệ hạ, tức là vua Devānampiya, tâu bệ hạ, bậc Nāga của những vị vua, nàng đã sống mong mỏi sự xuất gia, thường xuyên khép mình trong kỷ cương. Ðể truyền phép xuất gia cho bà, xin bệ hạ hãy gởi đến Tỳ khưu ni Saṃghamittā và thêm nhánh phía nam của cây đại bồ đề". Và vị Sa-di cũng truyền đạt lại vấn đề ấy với vị trưởng lão ni; trưởng lão ni bèn đi đến phụ vương của nàng là Asoka, và tâu lên vị ấy mục đích của trưởng lão.

Ðức vua nói rằng: "này con thân, làm sao trẫm có thể kiềm chế được ưu bi sanh lên do sự chia cắt với đứa con trai và đứa cháu ngoại trai, khi trẫm không còn trông thấy con?"

Nàng trả lời rằng: "tâu đại vương, lời nói của anh con có tánh chất quan trọng: có nhiều người cần phải xuất gia, do đó con phải ra đi đến đó". "Không ai đuợc phép làm tổn thương những cây Ðại bồ đề bằng đao kiếm, như vậy trẫm làm sao có thể lấy được một nhánh cây!" đức vua trầm ngâm suy nghĩ. Rồi khi làm theo lời trình tấu của vị quan Mahādeva, và sau khi thỉnh hội chúng Tỳ khưu và cúng dường các ngài chu đáo rồi, vị hoàng đế bèn hỏi rằng: "bạch chư đại đức tăng, có nên gởi cây đại bồ đề đến đảo Tích Lan không?"

Trưởng lão Moggaliputta trả lời rằng: "nên gởi đến đó", và trưởng lão kể lại với đức vua về năm đại nguyện mà đức Phật, bậc ngũ nhãn, đã chúc nguyện.

Khi chúa của quả đất đã nghe được điều này thì lấy làm vui sướng, và sai dọn sạch con đường dẫn đến cây đại bồ đề, dài bảy do tuần và trang hoàng con đường ấy bằng muôn vẻ. Vua sai đem vàng đi làm sẵn một cái hũ, Vissakamma, hóa làm một người thợ kim hoàn, đi đến và hỏi rằng: "tôi tính sẽ làm cái hũ lớn cỡ nào?" khi được trả lời rằng: "ngươi hãy làm cỡ lớn chừng nào do ngươi quyết định, vị chư thiên bèn lấy vàng và sau khi nặn nó bằng chính tay của mình, vị ấy đã làm cái hủ ngay lúc ấy và ra đi khỏi đó.

Khi đức vua đã nhận lấy cái hủ xinh đẹp có kích thước chín hắc tay đường quanh và năm hắc tay bề sâu và ba hắc tay đường ngang, dày tám ngón tay bề rộng, cái vành phía trên có cỡ bằng cái vòi của con voi, sáng chói như mặt trăng mới mọc vào lúc ban mai, rồi cùng với bốn loại binh (là bộ binh, kỵ binh, xa binh và tượng binh) đi một đoàn dài bảy do tuần và rộng ba do tuần, và thêm một đại chúng Tỳ khưu tăng, vị ấy khi đã đi đến cây đại thọ bồ đề, đã được trang hoàng nhiều vật trang sức, lấp lánh nhiều vật báu và được kết hoa bằng những cờ phướng đủ màu sắc, hơn nữa, khi vị ấy đã dàn những đội binh quanh cây đại thọ bồ đề, được rải nhiều loại hoa và vang vọng nhiều loại âm thanh của các nhạc cụ và đã che quanh cây bằng một tấm bạt, theo đúng nghi thức, đức vua truyền lịnh cho một ngàn vị trưởng lão dẫn đầu đại chúng Tỳ khưu và hơn một ngàn vị hoàng tử đã được phong vương, đứng vây quanh vị ấy và cây đại thọ bồ đề, đức vua nhìn lên cây đại thọ bồ đề với hai tay được chấp lại.

Rồi từ cành cây phía nam, những nhánh lớn nhỏ đều biến mất, chỉ còn lại một cái cuống của nhánh cây dài bốn hắc tay.

Khi vị chúa của quả đất trông thấy hiện tượng kỳ lạ, vị ấy vui mừng kêu lên rằng: "con xin cúng dường cây đại thọ bồđề bằng cách dâng hiến vương quyền đến cây," Và đức vua làm lễ tấn phong cây đại thọ bồ đề lên làm vua của toàn xứ sở của mình. Khi đức vua đã cúng dường cây đại thọ bằng những bông hoa vân vân, và đã ba vòng quanh cây bồ đề bên phải của vị ấy hướng về cây, và đã đảnh lễ cây ấy ở tám chỗ bằng hai tay chắp lại, vua sai đặt cái hũ bằng vàng trên một cái ghế được cẩn vàng, được trang sức bằng nhiều loại ngọc và dễ bước lên, cái ghế cao đến nhánh cây ấy, và khi đức vua bước lên chiếc ghế để đón nhận nhánh cây ấy, khi cầm lấy cây viết chì làm bằng chất tỳ sương có cái cáng bằng vàng, đức vua vẽ một đường kẽ quanh nhánh cây và nguyện như sau:

"Nếu quả thực cây đại thọ bbồ đề sẽ đi từ đây đến đảo Tích Lan, và nếu quả thực tôi sẽ đứng vững chắc không lay động trong giáo pháp của đức Phật, thì xin cho nhánh phía nam xinh đẹp này của cây đại thọ bồ đề hãy tự mình đến đây trong cái hũ bằng vàng này".

Khi ấy cây đại thọ bồ đề tự nó tách rời ở chỗ có đường kẻ, đứng lơ lửng trên cái hũ chứa đầy đất thơm. Ở trên đường kẻ thứ nhất mà chúa của quả đất đã kẽ, ở một khoảng cách bề rộng bằng ba của ngón tay, có thêm mười nét kẽ của viết chì, và mười cái rễ lớn đầu tiên đâm ra, và trên mười đường kẽ phụ ấy, mỗi đường kẽ có mười cái rễ nhỏ thòng xuống, làm thành một mạng lưới.

Khi đức vua trông thấy điều kỳ diệu này, ngay tại đó, vô cùng hoan hỉ, vị ấy cất lên tiếng kêu vui sướng và những tùy tùng quanh đức vua cùng với hội chúng Tỳ khưu đầy hoan hỉ, cũng cất lên những lời tán tụng, và những chiếc khăn ở khắp quanh được tung vẫy cả ngàn lần.

Như vậy cây đại thọ bồ đề đã tự cắm vào đất thơm với một trăm cái rễ, khiến cho mọi người đều khởi dậy niềm tin. Thân của cây dài mười hai hắc tay trên thân có năm nhánh xinh đẹp, mỗi nhánh dài bốn hắc tay và được trang điểm bởi năm trái, và trên những nhánh này có một ngàn nhánh con. Cây đại thọ bồ đề có tánh chất khả ái hấp dẫn và kiết tường như vậy.

Ngay khi cây đại thọ bồ đề đã tự đặt mình vào trong cái hũ thì đại địa rung chuyển và nhiều hiện tượng lạ xảy ra. Những nhạc cụ của chư thiên và nhân loại tự phát ra âm thanh, những tiếng tung hô của những chư thiên và phạm thiên, và đám mây bay vù vù, những tiếng kêu của các loại chim và muôn thú, và tiếng của những Dạ-xoa vân vân, và những tiếng ầm ầm do quả đất rung chuyển, tất cả tạo nên một âm thanh dậy trời. Những tia hào quang sáu màu phát ra từ trái và những ngọn lá của cây bồ đề, làm sáng rực toàn thể vũ trụ. Rồi cây bồ đề cùng với cái hũ bay vào không trung và ẩn mình trong vùng tuyết lãnh bảy ngày.

Ðức vua đi xuống khỏi cái ghế, và khi ở lại đó trong bảy ngày, vị ấy mang nhiều vật cúng dường đến cây bồ đề. Khi bảy ngày đã trôi qua, tất cả những đám mây tuyết và tất cả những tia hào quang đều đi vào cây đại bồ đề và trong không gian quang đãng này, cây đại bồ đề rực rỡ hiện ra trước mắt mọi người, và cắm mình trong cái hũ bằng vàng. Trong khi nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra thì cây đại bồ đề, khi đưa nhân loại chìm trong sự ngạc nhiên, đã đi xuống đất.

Vui mừng trước những hiện tượng kỳ lạ này, vị Ðại vương lại tôn kính cây bồ đề bằng cách dâng hiến đến cây ấy đại vương quốc của mình, và vị hoàng đế đã làm lễ phong vương cho cây đại bồ đề, cúng dường đến cây ấy bằng loại vật cúng dường. Vua ở lại chỗ ấy thêm một tuần lễ nữa.

Trong nửa tháng thượng huyền thuộc tháng Assayuja, vào ngày rằm bố-tát, đức vua đón nhận cây đại bồ đề. Hai tuần sau đó trong thời gian của nửa tháng hạ huyền thuộc tháng Assayuja, vào ngày thứ mười bốn bố-tát (tức ngày 29 hay 28 nếu tháng thiếu), vị chúa của các xe, sau khi đặt cây ấy trong một cỗ xe xinh đẹp trong cùng ngày ấy, giữa những lễ vật cúng dường, đã đem cây bồ đề đến kinh đô của mình, và khi đức vua đã dựng lên một ngôi nhà xinh đẹp, được trang sức rực rỡ dành cho cây bồ đề, và vào ngày mồng một của tháng Kattika, sai đặt cây bồ đề ở phía đông của cây đại Sāla xinh đẹp, vị ấy truyền lịnh đem những lễ vật cúng dường đến hằng ngày. Nhưng vào ngày thứ mười bảy sau khi nhận lãnh cây bồ đề thì những chòi non tức thì xuất hiện trên cây; Vì thế, quá vui mừng, chúa của loài người lại làm lễ phong vương cho cây bồ đề, khi vị hoàng đế đã làm lễ phong vương cho cây bồ đề, vị ấy truyền lịnh tổ chức lễ hội cúng dường đến cây bồ đề bằng nhiều hình thức.

Bởi vậy có xảy ra rằng: lễ trang hoàng cây đại bồ đề, rực rỡ với những cờ xí khả ái và tươi vui, vĩ đại, huy hoàng rực rỡ, ở trong thành phố của những loại hoa, chư thiên và nhân loại mở lòng đón nhận niềm tin y như những hoa sen trong hồ nước mừng rỡ đón ánh nắng mặt trời.

Ở đây chấm dứt chương thứ mười tám, được gọi là "Sự tiếp nhận cây đại bồ đề", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XIX

SỰ ÐI ÐẾN CỦA CÂY BỒ ÐỀ

Khi vị chúa của các xe đã cắt cử mười tám người trong hoàng tộc canh giữ canh bồ đề, thêm tám người trong những gia đình của các quan, và thêm tám người nữa trong những gia đình của các vị Bà la môn, tám người từ các gia đình của những thương nhân và những người từ những người chăn thú, từ bộ tộc Kinh câu và bộ tộc chim Bồ cắt, và cũng từ những người thợ dệt, thợ gốm và những người thuộc tất cả các nghề, từ những vị rồng và những vị Dạ-xoa và khi vị hoàng tử đáng kính nhất đã cho họ tám hũ vàng và tám hũ bạc, và đã mang cây đại bồ đề đến chiếc thuyền trên sông Hằng, và luôn cả vị trưởng lão ni Saṃghamittā cùng với mười một vị Tỳ khưu, và khi vị ấy đã khiến nhóm người có Ariṭṭha dẫn đầu xuống cùng chiếc thuyền ấy, đức vua ra đi khỏi thành phố, và khi đi băng qua những ngọn núi Viñjhā, chỉ trong vòng một tuần, đức vua đến tại Tāmalittī.

Các vị chư thiên, các vị rồng và nhận loại đang cúng dường cây đại bồ đề bằng những lễ vật quí trọng nhất cũng đã đến chỏi trong một tuần. Vị chúa tể của quả đất, sau khi đã truyền lịnh đặt cây đại bồ đề ở trên bờ của đại dương, bèn cúng dường cây ấy thêm một lần nữa bằng cách ban đến đại vương quyền.

Khi bậc làm thành tựu ước muốn đã suy tôn cây đại bồ đề làm đại tế, sau đó, vào ngày mồng một của tháng Maggasira (tháng mười một âm lịch), vị ấy truyền lịnh cho những người quí tộc đã được chỉnh định ở cội cây đại Sāla và đã đi hộ tống cây ấy phải đưa cây đại bồ đề lên cao; và khi xuống nước ở đó đến ngang cổ của vua, vị ấy sai đặt cây đại bồ đề xuống thuyền hết sức cẩn thận và tôn kính. Khi đức vua đã tiễn đưa vị đại trưởng lão ni và những vị trưởng lão ni khác đến thuyền, vua bèn nói những lời này với quan đại thần Mahāriṭṭha: "Ba lần trẫm đã cúng dường cây đại bồ đề bằng cách ban vương quyền đến cây ấy. Do đó vị vua bạn của trẫm cũng nên cúng dường bằng cách dâng vương quyền đến cây ấy!". Khi vị đại vương nói như vậy, vị ấy đứng chấp tay ở trên bờ nhìn chăm chú theo cây bồ đề cho đến khuất dần vị ấy đã tuôn lệ. "ôi, cây đại bồ đề, khi phát ra những tia hào quang như vầng hào quang của mặt trời, là cây bồ đề của vị Phật có thập lực đã ra đi khỏi đấy rồi.

Ðầy sầu muộn trước cảnh chia ly với cây đại bồ đề, Dhammāsoka vừa trở về kinh đô vừa khóc lóc ta thán.

Chiếc thuyền cung nghinh cây đại bồ đề lướt sóng ra khơi. Những con sóng quanh chiếc thuyền xa một do tuần tự nhiên phẳng lặng. Khắp quanh có những hoa sen năm màu đang nở rộ và nhiều nhạc cụ trổi âm trong không trung.

Nhiều lễ vật cúng dường được đem đến bởi các vị chư thiên, và những vị rồng thi thố thần thông của chúng để dành lấy cây đại bồ đề. Ðại trưởng lão ni Saṃghamittā, là người đã đạt đến chỗ rốt ráo của những phép thần thông, đã hóa làm đại kim xứ điểu để đe dọa những con đại long, đầy kinh hãi, những con đại long nép mình dưới chân của trưởng lão ni để cầu xin tha mạng, và khi chúng đã cung rước cây đại bồ đề từ đó đến cõi Long vương và đã cúng dường cây đại bồ đề trong một tuần bằng cách dâng hiến vương quyền của các vị Long vương đến cây đại thọ và bằng nhiều vật cúng dường và chúng đưa cây đại bồ đề trở lại chiếc thuyền và trong ngày ấy, cây đại bồ đề đến nơi ấy tại Jambuloka.

Vua Devānampiya, người biết quan tâm đến lợi lộc của thế gian, sau khi đã nghe vị Sa-di Sumana báo trước thời gian đến của cây đại bồ đề, nên từ ngày mồng một của tháng Maggasira trở đi, luôn luôn có lòng sốt sắng, vua sai sửa soạn sẵn sàng con đường từ cổng bắc đến Jambuloka, để chờ đón cây đại bồ đề đi đến và khi trú ở trên bờ biển, tại chỗ mà sau này có tên gọi là Samuḍḍapaṇṇasāla (hải điện), bằng năng lực thần thông của trưởng lão ni, đức vua trông thấy được cây đại bồ đề đang đi đến.

Bảo điện được dựng lên ở chỗ ấy để làm nổi danh phép lạ này. Ðược mọi người trên đảo biết đến qua cái tên là Samuḍḍapaṇṇasāla.

Bằng năng lực thần thông của đại trưởng lão và cùng với những vị trưởng lão khác, đức vua với tùy tùng của mình đã đến tại Jambuloka trong cùng một ngày.

Rồi với hỉ cảm trổi dậy khi trông thấy cây đại bồ đề đi đến, khi cất lên tiếng reo vui sướng, vị vua uy nghi rực rỡ đã đi xuống nước đến ngang cổ, và khi cùng với mười sáu người của các gia đình quí tộc sau khi đã đỗ lấy cây đại bồ đề trên đầu của mình, và đã để cây ấy xuống trên bờ, và truyền lịnh đặt cây ấy trong một cái giả ốc xinh đẹp, vị vua của nước Tích Lan đã cúng dường cây ấy bằng cách dâng hiến vương quyền trên toàn đảo Tích Lan. Khi đức vua đã giao quyền cai trị của mình cho mười sáu người kia và chính đức vua mang vào chính phận sự của người giữ cửa, vị chúa của loài người đã truyền lịnh tổ chức những buổi lễ long trọng gồm nhiều loại trong ba ngày.

Vào ngày thứ mười, đức vua đặt cây đại bồ đề trên một cỗ xe xinh đẹp, và khi đi theo cây này, là chúa của các cây, vị vua có trí tuệ, biết rõ những chỗ nào là thích hợp, đã truyền lịnh đặt cây ấy ở chỗ mà sau này có tịnh xá đông phương và cũng truyền lịnh tổ chức một buổi tiệc khao đãi dân chúng và cúng dường chư tăng. Tại đây, đại trưởng lão đã kể lại đầy đủ cho đức vua nghe sự nhiếp phục các vị rồng mà đức Phật, bậc có thập lực, đã gặt hái được.

Khi vị hoàng đế nghe câu chuyện này từ trưởng lão, vị ấy truyền lịnh dựng lên những đài kỷ niệm ở chỗ này chỗ kia trên những chỗ mà bậc đạo sư thường đi đến hay ngồi nhập định vân vân. Hơn nữa, khi đã truyền lịnh đặt cây đại bồ đề ở lối vào ngôi làng của vị Bà-la-môn Tivakka và tại những chỗ khác nữa, vua lại hộ tống cây đại bồ đề đưa đi trên con đường đã được rải cát trắng và nhiều loại hoa, và được trang hoàng bằng nhiều loại cờ đã được cắm xuống và những đường dây hoa đã được giăng tấp nập khi đem đến đó những vật cúng dường cả ngày lẫn đêm, vào ngày thứ mười bốn, đưa cây đại bồ đề đến vùng lân cận của thành phố Anurādhapura; Và vào lúc những bóng mát trải dài, sau khi vị ấy đi vào thành phố đã được trang hoàng xứng đáng qua cổng bắc giữa các lễ vật, rồi sau đó vua lại rời khỏi thành phố qua cổng phía nam và đi vào Mahāmegha-vanārāma, là nơi đã được bốn vị Phật thánh hóa, và tại đây cây được đưa đến chỗ đã được sửa soạn xứng đáng theo yêu cầu của Sa-di Sumana, đến chỗ khả ái nơi mà những cây bồ đề quá khứ đã đứng, rồi cùng với mười sáu người quí tộc mang những vật trang sức theo kiểu cách của vương giả, đức vua bưng xuống cây đại bồ đề, Và nới tay để đặt cây ấy xuống.

Ngay khi đức vua rời tay thì cây đại bồ đề liền bay vào không trung cao tám mươi hắc tay, khi đứng lơ lửng nơi không trung, đã phát ra những tia hào quang sáu màu rực rỡ, bao trùm khắp hải đảo và thấu đến cõi phạm thiên, những tia hào quang khả ái này kéo dài đến khi mặt trời lặn. Mười ngàn người đầy tịnh tín trước hiện tượng mầu nhiệm này, nhờ đạt được tuệ quán và chứng đắc đạo quả A-la-hán, họ đều thọ phép xuất gia ở đây.

Vào lúc mặt trời lặn, cây đại bồ đề xuống khỏi không trung và đứng chắc trên đất, khi ấy nhằm thời kỳ của chòm sao Pohiṇī. Rồi đại địa rung chuyển. Những rễ cây trồi lên tràn ra khỏi miệng hũ và đâm xuống đất, che kín cái hũ. Khi đại thọ bồ đề đã đứng sừng sửng như vậy, thì tất cả mọi người đã đến từ khắp đảo, bèn làm lễ cúng dường bằng những hương liệu, những loại hoa vân vân. Một đám mưa nặng hạt rơi xuống và những đám sương dày đặc và mát mẽ từ vùng tuyết lãnh phủ quanh khắp cây đại bồ đề. Trong bảy ngày cây đại bồ đề đã ẩn mình trong vùng tuyết, làm khởi dậy niềm tin trong mọi người. Vào cuối của bảy ngày, tất cả những đám mây biến mất và đại thọ Bồ đề hiện ra với những tia hào quang sáu màu rực rỡ.

Ðại trưởng lão Mahinda và Tỳ khưu Saṃghamittā đã đi đến đó với tùy tùng của họ và đức vua cũng đi đến đó với tùy tùng của vị ấy. Những người quí tộc của xứ Kājaragāma và những người quí tộc của xứ Candanagāma và Bà-la-môn Tivakka và dân chúng trên hải đảo cũng đi đến đó bằng thần lực của các vị chư thiên. Ðang sôi nổi hướng tâm đến ngày hội cây đại bồ đề, giữa đại chúng này đang chìm trong sự kinh ngạc của điều màu nhiệm này, khi họ đang nhìn chăm chú, từ nhánh cây phía đông mọc ra một quả không tỳ vết.

Khi trái này đã rụng xuống, trưởng lão nhặt nó lên và trao cho đức vua để đem gieo trồng trong một cái chậu bằng vàng có pha trộn với hương liệu, được đặt ở chỗ mà sau này có Mahā-āsana (đại tọa sở), nhà cai trị đã gieo nó xuống. Và trong khi mọi người vẫn còn đang chăm chú nhìn, tại đó, từ hạt bồ đề ấy, mọc lên tám chồi non, Và những cây bồ đề con đứng ở đó cao bốn hắc tay.

Trong tám cây bồ đề con này, một cây được trồng ở Jambuloka tại chỗ mà cây đại bồ đề đứng, sau khi bỏ lại chiếc thuyền, một cây ở ngôi làng của Bà-la-môn Tivakka, rồi một cây khác ở tháp viên (Thūpārāma), một cây ở Issaramaṇārāma, một cây ở trong sân của đệ nhất bảo tháp (Pathamacotiya), một cây ở lâm viên của Cetiya, một cây ở Kājaragāma và một cây ở Candanāgāma. Nhưng ba mươi hai cây con khác mọc lên từ tám hạt của bốn cây trước được trồng thành một vòng tròn rộng một do tuần, rải rác ở chỗ này chỗ kia trong các tịnh xá.

Như vậy, vì sự giáo hóa cho dân chúng trên hải đảo bằng oai lực của đức Chánh biến tri, vua của các cây, tức đại thọ bồ đề đã được trồng xuống, Anulā cùng với tùy tùng của nàng, sau khi thọ phép xuất gia từ Saṃghamittā, tất cả đều chứng đắc đạo quả A-la-hán. Hoàng tử Ariṭṭha cũng vậy, cùng với đám tùy tùng gồm năm trăm người sau khi thọ phép xuất gia từ trưởng lão, cũng chứng đắc đạo quả A-la-hán. Tám người từ những đoàn thương nhân, là những người đã mang cây đại bồ đề đến đây, từ đó được gọi là "đoàn thương buôn mang cây bồ đề".

Tại ni viện Upāsikāvihāra, đại trưởng lão Saṃghamittā đã trú ngụ cùng với hội chúng Tỳ khưu của bà. Bà đã sai dựng lên mười hai tòa nhà ở đó, và ba tòa nhà quan trọng trong đó được dựng lên trước. Ở một trong những đại lâu đài này, bà cho dựng lên cái cột buồm của chiếc thuyền đã đến chung với cây đại thọ bồ đề, cái bánh lái ở lâu đài khác, những lâu đài được đặt tên theo những vật này. Cũng vậy khi những phái khác sanh lên (chẳng hạn như phái Dhammarucika) thì những lâu đài này luôn luôn được xử dụng bởi nhóm Tỳ khưu ni thuộc phái Hatthāḷhaka.

Con voi của vua cỡi mà thường hay đi đây đó theo ý thích, nó thích ở trong một cái hang mát mẽ ở một bên của thành phố, ở bìa của rừng hoa Kadamba, khi nào nó đi ăn cỏ. Bởi vì người ta biết rằng con voi thích chỗ này, nên người ta dựng lên một cái cột ở chính chỗ ấy. Một hôm con voi không chịu ăn cỏ khô mà người ta cho đến và đức vua hỏi vị trưởng lão đã giáo hóa cho đảo Tích Lan về lý do của nó. "Con voi muốn người ta dựng lên một bảo tháp ở rừng hoa Kamdamba", trưởng lão tâu với vua. Ngay tức thì đức vua, là người hằng chuyên tâm đến lợi ích của thần dân, dựng lên một bảo tháp, có xá lợi, trong chính chỗ ấy và một ngôi nhà của bảo tháp.

Ðại trưởng lão ni Saṃghamittā, là người mong có một chỗ ở thanh tịnh, vì tịnh xá mà bà ở quá đông người, lại có tâm mong mỏi cho giáo pháp được phát triển và lợi ích cho các vị Tỳ khưu ni, người có trí tuệ ấy muốn một chỗ ngụ khác dành cho các vị Tỳ khưu đã đi ngay đến ngôi nhà xinh đẹp của bảo tháp, khả ái nhờ tánh chất biệt lập của nó, và ở đó, bà, người rành mạch trong việc chọn đúng những chỗ ngụ, người trong sạch, đã trú ngụ suốt ngày.

Khi đức vua đi đến ni viện để đảnh lễ vị trưởng lão ni, vị ấy, khi nghe rằng bà đã đi đến đó, nên vua cũng đi đến đó, và khi đã đảnh lễ vị trưởng lão ni ở đó và đã nói chuyện với bà và đã nghe ước muốn khiến bà đi đến đó, rồi đức vua, người rành mạch trong việc biết được ước muốn của những người khác, bậc trí tuệ, tức hoàng đế Devānaṃpiyatissa, bèn truyền lịnh sai dựng lên một ni viện khả ái dành cho những Tỳ khưu ni ở quanh ngôi nhà của bảo tháp. Vì ni viện được dựng lên ở gần cái cột trụ của con voi, nên nó được biết đến qua cái tên là Hatthāḷhaka-vihāra.

Vị trưởng lão ni Saṃghamitta đáng mến, có trí tuệ cao cả, bấy giờ trú ngụ trong tịnh xá ni viện dành cho các vị Tỳ khưu ni.

Bằng cách như vậy khiến đem lại lợi ích cho những người trú ngụ trên đảo Tích Lan, và sự phát triển của giáo pháp, chúa của các cây, tức đại thọ bồ đề, đã tồn tại lâu dài trên đảo Tích Lan, trong khu rừng khả ái Mahāmeghavana, là cây có nhiều năng lực thần thông.

Ở đây chấm dứt chương thứ mười chín, được gọi là "Sự đi đến của cây bồ đề", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XX

TRƯỞNG LÃO VIÊN TỊCH

Vào năm thứ mười tám dưới triều đại của vua Dhammasoka, cây đại bồ đề được trồng ở trong khu lâm viên Mahāmeghavanārāma.

Vào năm thứ mười hai sau đó bà hoàng hậu ái mến của vua, là Asamdhimittā, là người hết lòng tin tưởng vào đức Chánh giác tôn, đã chết.

Sau đó vào năm thứ mười bốn, vị chúa trị vì quả đất Dhammāsoka tấn phong hoàng hậu cho người con gái xảo trá tên là Tissarakkhā.

Ba năm sau đó, con người ngu si này, kiêu căng ngạo mạn với sắc đẹp mà mình có được, khởi lên ý nghĩ rằng "thật không sai, đức vua đã trải hết mình để cúng dường cây đại thọ bồ đề!" nàng nổi cơn tam bành lục tặc và muốn chuốc khổ vào thân, đã sai người tiêu diệt cây đại bồ đề bằng loại gai của cây Maṇḍu. Bốn năm sau, vị hoàng đế có danh tiếng lẫy lừng, Dhammāsoka, bị thần chết bắt đi. Mọi chuyện như thế diễn ra trong ba mươi bảy năm.

Còn vua Devānaṃpiya, là người có tâm hoan hỉ với Chánh pháp, sau khi đã hoàn tất mỹ mãn những công trình xây dựng ở tịnh xá Mahāvihāra trên núi Cetiya, và ở Tháp viên (Thūpārāma), vua đi đến trưởng lão là người đứng ra giáo hóa cho toàn đảo cũng là người có khả năng trả lời chính xác mọi câu hỏi, rồi vua hỏi trưởng lão như sau: "bạch ngài, trẫm muốn dựng lên nhiều tịnh xá ở đây; "nhưng trẫm có thể kiếm ở đâu ra những viên xá lợi để tôn trí vào các bảo tháp?"

"Tâu bệ hạ, có nhiều xá lợi được Sa-di Sumana bỏ đầy một bát của đức Chánh giác tôn và đem đến đây rồi ở trên núi Cetiya và trong Tháp viên cũng có. Bệ hạ hãy truyền lịnh cho đặt những xá lợi ấy trên lưng của con voi và đem đến đây." Sau khi nghe trưởng lão nói như thế, đức vua liền đem những xá lợi ấy đến đây. Rồi khi dựng lên những tịnh xá cách nhau một do tuần, đức vua sai đặt xá lợi vào các bảo tháp, theo đúng thứ tự. Còn cái bát thì đức vua giữ lại trong cung điện xinh đẹp của mình và thường xuyên dâng lễ vật cúng dường một cách long trọng.

Tịnh xá được dựng lên ở chỗ năm trăm người quí tộc đã xuất gia từ trưởng lão, mang tên là Issarasamaṇaka. Tịnh xá có năm người Vessa (giai cấp nông dân) trú ngụ đã xuất gia theo trưởng lão, cũng có tên là Vessagiri (Vệ xá sơn). Còn hang động của trưởng lão Mahinda, ở trong tịnh xá trên núi, tên là "Mahinda grotto" (động Mahinda).

Tịnh xá thứ nhất là Mahāvihāra, rồi đến tịnh xá Cetiyavihāra, thứ ba là Tháp viên xinh đẹp, ở trước có bảo tháp, thứ tư là việc trồng cây đại bồ đề, thứ năm là sự xây dựng cái cột trụ bằng đá xinh đẹp, để cho biết chỗ xây dựng bảo tháp, và cái xương đòn của đức Chánh giáo tôn cũng được tôn trí trong tháp ấy, thứ sáu là tịnh xá Issarasamaṇa, thứ bảy là hồ nước Tissa, thứ tám là đệ nhất bảo tháp Pathamathūpa, thứ chín là tịnh xá Vessagiri, rồi đến Ni viện khả ái Upāsikāvihāra và tịnh xá Hatthāḷhaka. Hai ni viện ấy là nơi ở lý tưởng dành cho các Tỳ khưu ni. Lại nữa, để các vị tỳ ni khưu đến thăm tịnh xá Hatthāḷhaka, của các vị Tỳ khưu, có thể nhận lãnh vật thực, lại có thêm nhà trù Mahāpāli, để đến xinh đẹp, có đủ tất cả các loại vật thực dự trữ và luôn cả người phục vụ; rồi đến những vật thí dồi dào, gồm những vật dụng cần thiết có thể cấp cho một vị Tỳ khưu, đó là những vật dụng mà đức vua đã cúng dường trong ngày tự tứ (Pāvāraṇā) hằng năm. Tịnh xá Jambuloka-vihāra ở tại Nāgadīpa, tịnh xá Tissamahāvihāra (ở miền nam của nước Tích Lan) và tịnh xá Pācīnārāma (tức là đông phương tịnh xá ở Anurādhapura): đây là những công trình do vua Devānaṃpiya sai dựng lên, là người hằng quan tâm đến sự tiến hóa của mọi người trên đảo Tích Lan, có nhiều công đức và trí tuệ, là người bạn thân thiết với giới đức, suốt đời chuyên tâm làm những việc phước. Dưới triều đại của vị vua này, kéo dài bốn chục năm, đảo của chúng ta được thịnh vượng phát đạt.

Sau khi đức vua thăng hà, vì không có con trai nối ngôi, nên người em trai là hoàng tử Uttiya lên nắm quyền cai trị một cách sốt sắng và đầy thiện ý. Còn đại trưởng lão Mahinda là người đã giảng dạy giáo pháp vô song của bậc Đạo sư, những lời dạy của đức Phật, những điều luật và Tứ thanh tịnh giới và những pháp siêu thế, rất cao quí cho đảo Tích Lan, là ánh sáng của đảo Tích Lan, một vị thầy của nhiều đệ tử, cũng như bậc Ðạo sư, trưởng lão đã đem lại phúc lạc to lớn cho mọi người, vào năm thứ tám dưới triều đại của vua Uttiya, trong khi ngài đang an cư ở núi Cetiya, lúc ấy ngài thọ sáu mươi mốt tuổi, bậc chiến thắng các căn (giác quan) của mình, đã nhập Niết bàn vào ngày mồng tám của tháng Assayuja. Do đó cứ mỗi năm đến ngày này người ta gọi là ngày Mahinda.

Khi vua Uttiya nghe tin này, đầy sầu muộn, vị ấy liền đi đến đó, và sau khi sụp mình đảnh lễ, mãi khóc lóc ta thán thảm thiết, vua liền sai đặt nhục thân của trưởng lão vào trong chiếc kim quang (cái hòm bằng vàng) đã được rưới lên bằng dầu thơm, và chiếc kim quang được niêm cài khéo léo ấy được đặt trên một cái bệ bằng vàng, với nhiều vật trang hoàng thẩm mỹ; Rồi sau đó vua truyền lịnh dở chiếc quan tài lên khỏi cái bệ, và sai cử hành những buổi lễ long trọng, sau đó truyền lịnh cho đám đại chúng nhân dân từ khắp nơi hội họp về và những đoàn quân đã được tuyển chọn, với những lễ vật cúng dường xứng đáng, cùng nhau hộ tống kim quan của trưởng lão đi vào con đường dẫn đến kinh đô đã được trang hoàng rực rỡ, rồi đi nhiễu hành khắp thành phố bằng con đường lớn của vua đến tịnh xá Mahāvihāra.

Khi vị hoàng đế đã sai đặt cái bệ bằng vàng ấy trong một tuần lễ tại Pañhambamālaka, là tịnh xá đã được trang hoàng với những cái cổng vòm khải hoàn, cờ xí, những loại hoa, những cái bình đựng nước thơm và một vòng tròn chu vi ba do tuần, theo sắc lệnh của vua, toàn thể hải đảo cũng được trang hoàng giống như thế theo lịnh của chư thiên và khi vị hoàng đế đã sai đem lễ vật cúng dường trong suốt một tuần lễ, tại tịnh xá Therānaṃbandhamālaka, ở về hướng đông, đức vua dựng lên một hỏa đài bằng gỗ thơm, để lại một chỗ đất để sau này dựng lên đại bảo tháp ở bên phải, và khi cái bệ vàng xinh đẹp được mang đến đó và đặt ở trên hỏa đài, đức vua tổ chức những buổi lễ cúng dường đến người quá vãng.

Sau khi gom lại xá lợi của trưởng lão, đức vua dựng lên ở đây một bảo tháp. Một nửa số xá lợi vua cho tôn trí vào các bảo tháp ở trên núi Cetiya và trong tất cả những tịnh xá khác. Ðể tỏ sự tôn kính đến vị đại trưởng lão, người ta gọi chỗ trà tỳ của ngài là Isibhūmaṇgaṇa (cái sân của vị Sa-môn, Sa-môn đình).

Từ dạo đó trở đi người ta thường đem những thi thể của các vị Sa-môn ở những nơi trong vòng ba do tuần đến chỗ này để hỏa thiêu.

Khi vị đại trưởng lão ni Saṃghamittā có đại thần thông lực và đại trí tuệ đã làm những phận sự trong giáo pháp và đã đem lại nhiều phúc lạc đến cho dân chúng, vào năm thứ chín dưới triều đại của vua Uttiya này, trong khi đang trú ngụ trong ni viện Hatthāḷhaka khả ái, bà viên tịch, thọ năm mươi chín tuổi. Ðối với bà cũng vậy, cũng như đối với vị đại trưởng lão, đức vua truyền lịnh cho mọi người làm lễ cúng dường hết mức đến những gì liên quan đến người quá vãng, và toàn đảo Tích Lan được trang hoàng rực rỡ như đối với vị Ðại trưởng lão.

Khi một tuần lễ đã trôi qua, đức vua sai cung rước nhục thân của vị trưởng lão ni đang nằm trên cái giá bằng vàng, ra khỏi thành phố; Và ở về hướng đông của Tháp viên, gần Cittasālā sau này ở trong khung cảnh của cây đại bồ đề, tại chỗ do chính vị trưởng lão ni chỉ ra, đức vua sai làm lễ hỏa thiêu. Và vị vua có trí tuệ bậc nhất Uttiya cũng sai dựng lên một bảo tháp ở đó.

Năm vị đại trưởng lão đã đi chung với trưởng lão Mahinda, và những vị trưởng lão do Ariṭṭha dẫn đầu, và nhiều ngàn vị Tỳ khưu đã đoạn trừ các lậu hoặc, mười hai vị trưởng lão ni do Saṃghamittā dẫn đầu, và nhiều ngàn vị Tỳ khưu ni đã thoát khỏi các lậu hoặc, là những bậc đa văn và có tuệ quán sâu sắc, đã xiển dương Thánh pháp của Bậc Chiến thắng, cùng luật tạng vân vân, tất cả những vị ấy đến lúc cũng đi vào quyền lực của tử thần.

Vua Uttiya trị vì được mười năm. Như vậy tử thần là kẻ tiêu diệt toàn thể thế gian không chừa một ai.

Một người, dầu biết được tử thần thống trị tất cả, rất vĩ đại, không thể chống cự được, vẫn không thỏa mãn với thế gian đầy ngũ dục, không cảm thấy vừa lòng với điều sái quấy cũng không hài lòng với hỉ lạc của giới đức; đó chính là những sợi dây trói buộc ở trong bản tánh ngu si mê muội của người ấy! Ðó quả thật là một con người si mê trầm trọng.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi, được gọi là "Trưởng lão nhập Niết bàn", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

CHƯƠNG XXI

NĂM VỊ VUA

Sau khi Uttiya thăng hà, người em trai tên là Mahāsiva, lên kế ngôi, cũng là người bảo vệ sốt sắng các thiện nhân. Vì có lòng tịnh tín với trưởng lão Bhaddasālā, vị vua này đã dựng lên một tịnh xá cao quí, tên là Nagaraṅgaṇa, ở khu vực phía đông của thành phố.

Sau khi Mahāsiva thăng hà, người em trai tên là Sūratissa, lên kế ngôi, là người có tâm sốt sắng với các thiện sự. Vị vua này cũng xây dựng tịnh xá Nagaraṅga ở vùng phía nam của thành phố, ở khu vực phía đông, xây dựng tịnh xá Hatthikkhandha và tịnh xá Goṇṇagirikavihāra; xây dựng tịnh xá Pācīḷapabbata ở trên núi Vaṅguttara và tịnh xá Kolambahālaka ở gần Raheraka. Xây dựng tịnh xá Makulaka ở dưới chân núi Ariṭṭha, ở về hướng đông (của thành phố Anurādhapura gần Dahegallaka) xây nên tịnh xá Acchagallakavihāra, còn ở về hướng bắc của Kaṇḍanagara thì vị ấy xây dựng tịnh xá Girinelavāhanakavihāra; Những tịnh xá này và những tịnh xá khả ái khác được chúa của quả đất dựng lên ở bên này và bên kia của con sông (Mahānaeligaṅgā) rải rác khắp nơi trên đảo Tích Lan, trước khi và trong khi đang trị vì, trải qua thời gian sáu chục năm, vị hoàng đế công minh và mộ đạo này hằng có lòng tịnh tín với ba ngôi Tam bảo. Trước khi trị vì, đức vua có tên là Suvaṇṇapiṇḍatissa, sau khi bắt đầu lên ngôi vua, vị ấy mới lấy tên là Sūratissa.

Hai người thuộc bộ tộc DamiḷaSenaGuttaka là những người con trai của một người chở hàng đã từng đem ngựa đến đây, họ đã đánh bại vua Sūratissa, dẫn đầu đoàn đại hùng binh và cả hai cùng nhau cai trị một cách công minh trong hai mươi năm. Nhưng khi Asela, là con trai của Muṭasiva, là người em út trong chín người anh em, sanh ra cùng một mẹ (tám người anh là Abhaya, Devānaṃpiya, Uttiya, Mahāsiva, Mahāsiva, Mahānāga, Mattābhaya, SūratissaKīra), sau khi đã đánh bại hai vị vua kia, vị ấy ngôi trị vì từ đó trở đi trong mười năm tại Anurādhapura.

Một người con cháu quí tộc của giống người Damiḷa, là người đã đến đây từ nước Coḷa (miền nam Ấn Ðộ) để chiếm lấy vương quốc, khi đã đánh bại vua Asela, vị ấy lên ngôi trị vì trong bốn chục năm, có sự công bình ngang bằng đối với bạn cũng như đối với người thù, trong những trường hợp kiện tụng liên quan đến luật.

Ở đầu giường của mình, vua sai treo một cái chuông bằng một sợi dây dài để những ai muốn đến nhờ xử kiện có thể rung nó. Ðức vua chỉ có một đứa con trai và một đứa con gái. Có một lần nọ đứa con trai của nhà cai trị khi đang đi bằng xe đến hồ nước Tissa, như một trò chơi man rợ, hắn giết con bê còn nhỏ đang nằm trên đường với con bò mẹ bằng cách cho bánh xe cán lên trên cổ của con bê. Con bò mẹ đi đến và kéo chuông với tâm trạng ê chề thất vọng; Ðức vua truyền lịnh cán đứt đầu vị hoàng tử độc ác kia bằng chính bánh xe ấy.

Một con rắn đã ăn thịt một con chim ở trên một cây thốt nốt. Con chim cái, là mẹ của con chim con kia, đi đến và rung chuông. Ðức vua truyền lịnh bắt về con rắn ấy, và khi sai người mổ bụng con rắn, lấy ra con chim con, vua truyền lịnh treo con chim chết ấy ở trên cây.

Khi đức vua, là người bảo vệ truyền thống, dầu vị ấy không biết những ân đức vô song của Tam bảo, một lần nọ, khi đang đi đến núi Cetiya, bằng chiếc long xa để thỉnh chúng Tỳ khưu về nhà trai tăng, bằng đầu nhọn của cái ách, vị ấy đã làm hư hại một chỗ nọ nơi bảo tháp của bậc chiến thắng. Các quan nói với vua rằng: "tâu bệ hạ, bệ hạ đã làm hư bảo tháp rồi." Mặc dầu điều được gây ra một cách vô ý, thế mà đức vua chịu nhảy xuống khỏi xe và vật mình xuống đường rồi nói những lời này: "Hãy cắt đầu của ta cho lìa khỏi thân bằng bánh xe." Các quan trả lời rằng: "Bậc đạo sư không cho phép giết hại một chúng sanh khác; Hãy sám hối các vị Tỳ khưu bằng cách trùng tu lại bảo tháp"; Và để thế vào mươi lăm tảng đá đã bị vỡ bể, vua sai chi ra đúng mười lăm ngàn Kahāpana (đồng tiền vàng)

Một bà lão phơi lúa. Trời đổ xuống cơn mưa sái mùa làm cho lúa của bà ta bị ẩm ướt. Bà lão mang lúa đi và đến rung chuông. Khi đức vua nghe nói về cơn mưa sái mùa, bèn cho bà lão ra về, và để xử vụ kiện, vua bèn thực hành pháp nhịn đói, vì nghĩ rằng: "một vị vua mà thọ trì công lý chắc chắn sẽ làm cho mưa rơi xuống đúng mùa." Vị thần bảo hộ mà đã từng nhận lễ vật cúng dường từ vua, bị thiêu đốt do pháp khổ nhục của đức vua, bèn đi tâu lại vấn đề này với Tứ đại thiên vương. Bốn vị thiên vương dẫn vị ấy đi và tâu lại với Sakka. Sakka truyền lịnh triệu Pajjunna đến và giao cho vị chư thiên này làm phận sự đổ mưa đúng mùa. Vị thần bảo vệ trở về mách lại với đức vua. Từ đó trở đi trời không còn đổ mưa thất thường xuống vương quốc của vị ấy nữa. Trời chỉ đổ mưa mỗi tuần một lần vào lúc ban đêm mà thôi, vào lúc canh giữa; Và khắp nơi ngay cả những cái hồ chứa nước ngầm cũng có đầy nước.

Chỉ vì không dính tội đi theo con đường ác, nên dầu chưa bỏ những tà kiến, vị vua này vẫn có được những năng lực kỳ diệu như thế; Như vậy một người có chánh kiến, được an trú trong niềm tin thanh tịnh, từ bỏ lối sống ác ở đời này, làm sao mà không có được năng lực kỳ diệu như thế.

Ở đây chấm dứt chương thứ hai mươi mốt, được gọi là "Năm vị vua", trong bộ Mahāvaṃsa, được biên soạn vì niềm tín lạc và xúc động của những thiện nhân.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11| Mục lục

 

Chân thành cám ơn Đại đức Giác Đồng đã gửi tặng phiên bản vi tính.
(Bình Anson, tháng 08-2001)

(Xem thêm bản Anh ngữ: The Mahavamsa - The Great Chronicle of Lanka)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
10-10-2007