Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

LUẬT NGHI SA-DI
SĀMAṆERAVINAYA

TỲ KHƯU GIÁC GIỚI

DL 1997- PL 2541

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[02]

CHƯƠNG III

LUẬT HÀNH PHẠT
(
DAṆḌAKAMMA)

III.1. ÐIỀU LUẬT PHẠM TỘI HÀNH PHẠT.

Tội hành phạt là tội mà Sa-di đã sai phạm đáng phải bị quở phạt, như bị cấm chỉ giao lưu, bị xách nước, kiếm cũi v. v... để cho nhớ tội cải hối.

Nói về các điều luật phạm tội hành phạt của Sa-di có hầu hết các học giới.

Trong 10 điều học (sikkhāpada), vị Sa-di do dể duôi cố ý phạm 5 điều sau, bị phạm tội hành phạt, năm điều ấy là:

1. Ăn vật thực phi thời (vikālabhogī hoti).
2. Biểu diễn thưởng thức vũ nhạc (naccādivi-sūkadassiko hoti).
3. Trang điểm hương liệu vòng hoa (mālādi-dhāranādiko hoti).
4. Sử dụng sàng tọa cao rộng (uccāsayanā-diko hoti).
5. Thọ nhận vàng bạc (jātarūparajatapatiggan -hako hoti).

Lại nữa, có lời Ðức Phật chế định điều luật hành phạt ngoài điều học như sau:

Anujānāmi bhikkhave pañcahaṅgehi saman-nāgatassa sāmaṇerassa daṇḍakammaṃ kātuṃ bhik-khūnaṃ alābhāya parisakkati, bhikkhūnaṃ anat-thāya parisakkati, bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisak-kati, bhikkhū akkosati paribhāsati, bhikkhū bhik-khūhi bhedeti, Anujānāmi bhikkhave imehi panõca-haṅgehi samannāgatassa sāmaṇerassa daṇḍakam-maṃ kātun 'ti.

Này chư Tỳ-khưu, Ta chuẩn hành, phạt vị Sa-di nào vi phạm năm điều như sau:

1. Cố tình làm mất lợi lộc cho chư Tỳ-khưu.
2. Cố tình gây bất lợi cho chư Tỳ-khưu.
3. Cố tình làm mất trú xứ cho chư Tỳ-khưu.
4.Chửi mắng phỉ báng các Tỳ-khưu.
5. Gây chia rẽ giữa các Tỳ-khưu.

Lại có lời giải thêm rằng:

Sekhiyavattakkhandhakavattesu aññesu ca suk-kavisatthiādilokavajjasikkhāpadesu ca sāmaṇerehi vattitabbaṃ tattha avattamāno alajjī daṇḍakammā-raho va hoti.

Có điều khác nữa mà vị Sa-di phải chấp hành là Ưng học pháp, phận sự, và những học giới tội thế thường như là làm di tinh v.v. trong những điều luật đó, Sa-di không tuân thủ, vô liêm sỉ, đáng bị hành phạt.

Như vậy vị Sa-di không hành đúng 75 Ưng học pháp thì bị hành phạt.

Sa-di không làm tròn phận sự pháp hành, bị hành phạt.

Vị Sa-di phạm những điều luật tội thế thường (lokavajja), bị hành phạt.

Luật thế thường tội (lokavajja) tức là các điều quấy mà bị đời khiển trách. Trong giới bổn Tỳ-khưu (pāṭimokkha), có 49 điều gọi là phạm tội thế thường, các vị Sa-di cũng phải chấp hành luật này theo hạnh Tỳ-khưu. Trong 49 điều ấy, có 45 điều mà Sa-di phạm sẽ phải bị hành phạt; trừ ra 4 điều là :

- Ðiều học musāvādā, nói dối.
- Ðiều học surāpana, uống rượu.
- Ðiều học sañciccapāna, sát sanh.
- Ðiều học arittha, tà kiến.

45 Ðiều thế thường tội, đáng hành phạt, như sau:

1. Sañcetanika, Sa-di cố ý làm xuất tinh.

2. Kāyasaṃsagga, Sa-di nhiễm ái đụng chạm xác thân người nữ.

3. Duṭṭhullavācā, Sa-di nhiễm ái nói lời tục tĩu hoa bướm với người nữ.

4. Attakāmaparicariya, Sa-di nhiễm ái khích lệ người nữ hầu hạ nhục dục cho mình.

5. Amūlaka, Sa-di vì sân giận vô cớ cáo gian vị khác phạm tội nặng.

6. Aññabhāgiya, Sa-di vịn cớ nhỏ rồi cáo gian vị khác.

7. Saṅghabheda, Sa-di cố chia rẽ tăng.

8. Bhedānuvattaka, Sa-di xu hướng người chia rẽ tăng, được khuyên không bỏ.

9. Dubbacajātika, Sa-di có tính khó dạy, được khuyên không bỏ.

10. Kuladūsaka, Sa-di gây rối gia đình cư sĩ, bị đuổi đi bèn nói xấu tăng.

11. Cīvaracchindana, Sa-di đã cho y phục đến vị khác rồi vì sân giận mà đòi lại.

12. Parinata, Sa-di biết rõ lợi lộc sẽ dâng đến tăng, bèn nói đoạt về cho riêng mình.

13. Omasavāda, Sa-di mắng chửi Tỳ-khưu hay Sa-di khác.

14. Pesuñña, Sa-di nói đâm thọc với vị khác.

15. Duṭṭhullārocana, Sa-di tiết lộ tội của Tỳ-khưu cho Sa-di khác nghe.

16. Aññavādaka, Sa-di có lỗi bị chất vấn, lại nói tráo trở.

17. Ujjhāpanaka, Sa-di nói xấu vị khác đang hành mệnh lệnh tăng.

18. Anupakhajja, Sa-di lấn chiếm chỗ nằm ngồi của Tỳ-khưu.

19. Āmisa, Sa-di rêu rao Tỳ-khưu vì lợi lộc mà thuyết pháp dạy đạo.

20. Nikaḍḍhana, Sa-di xô đuổi Tỳ-khưu ra khỏi phòng ở, vì sân giận.

21. Dutiyapavāraṇā, Sa-di biết vị khác đã ngưng ăn theo luật mà cố nài ép vị ấy ăn thêm cho phạm tội.

22. Uyyojana, Sa-di rũ vị khác cùng đi khất thực, nữa đường tính chuyện bất chánh bèn đuổi vị ấy về.

23. Paṭhamarahonisajja, Sa-di nằm ngồi chỗ khuất mắt với một nữ nhân.

24. Dutiyarahonisajja, Sa-di nằm ngồi nơi khuất tai với một nữ nhân.

25. Uyyutta, Sa-di đi xem diễn binh thao trận.

26. Aṅgulipatodaka, Sa-di đùa giỡn thọc léc vị khác.

27. Hassadhamma, Sa-di đùa vui giỡn nước.

28. Anādariya, Sa-di được dạy dỗ pháp luật lại tỏ ra bất cần.

29. Bhiṃsāpana, Sa-di hù nhát vị khác cho kinh sợ.

30. Apanidhana, Sa-di chơi giấu vật dụng của vị khác.

31. Sappāṇaka, Sa-di biết rõ nước có côn trùng mà vẫn dùng nước ấy uống hay tắm rửa.

32. Ukkotana, Sa-di biết rõ sự tố tụng tăng đã giải quyết đúng luật pháp, mà lại khơi lại nữa.

33. Dutthullapaṭicchādana, Sa-di đồng lõa che đậy tội lỗi dùm cho vị khác.

34. Kanthaka, Sa-di biết rõ vị khác đã bị tăng tẩn xuất vì sai phạm pháp luật, mà vẫn kết nạp tiếp giao cùng sinh hoạt.

35. Sahadhammika, Sa-di sái quấy, khi được vị khác nhắc nhỡ, bèn nói bác bỏ rằng: chờ đi hỏi các vị luật sư đa văn đã.

36. Vilekhana, Sa-di biết rõ vị khác đang học pháp luật, bèn nói chế giễu cho vị ấy biếng học.

37. Mohama, Sa-di phạm lỗi, khi được nhắc nhở lại giả tuồng như trước nay chưa từng biết điều ấy.

38. Pahāradāna, Sa-di tức giận vị khác mà đánh đập.

39. Talasattika, Sa-di tức giận dá tay muốn đánh vị khác.

40. Amūlaka, Sa-di vô cớ cáo gian Tỳ-khưu phạm tội.

41. Sañcicca, Sa-di cố tình gây cho vị khác hoang mang lo lắng, dù chỉ chốc lát.

42. Upassuti, Sa-di rình rập nghe lén các vị khác đang tranh cãi, để bắt tin.

43. Kammapaṭibāhana, Sa-di trước đã ưng thuận việc tăng giải quyết, sau lại mọi việc cũ để chỉ trích.

44. Chandamadatvāpakkamana,Tăng đang họp mặt để giải quyết vấn đề pháp luật, Sa-di có ngồi dự, đương cuộc bỏ đi ra không xin phép.

45. Pariṇāmana, Sa-di biết rõ lợi lộc sẽ dâng đến tăng, lại cố tranh giành lợi lộc ấy cho riêng vị khác.

Cả 45 điều trên đây, sa di sai phạm đều bị tội hành phạt.

III.2. VIỆC HÀNH PHẠT SA-DI SAI PHẠM.

Ðức Phật đã ban hành luật xử phạt Sa-di đã sai phạm bằng cách ngăn cấm sinh hoạt (āvaraṇa-kamma) trong một thời gian.

Chú giải: hành phạt ngăn cấm sự sinh hoạt.

Gọi là sự sinh hoạt tức là sự đi lại, sự cư ngụ, sự học tập, sự ăn uống ... của Sa-di.

Chỗ mà Sa-di thường lui tới như là chỗ của Thầy Hòa Thượng, chỗ của thầy giáo thọ, chỗ mà Sa-di ngủ nghỉ, khi hành phạt phải ngăn cấm sự đi lại, sự cư ngụ ở các nơi ấy.

Gọi là ngăn cấm, tức là thầy Tỳ-khưu nghiêm cấm vị sa di ấy bằng lời rằng: " Ngươi không được phép lai vãng đến chỗ ấy cho tới khi hành phạt xong", hoặc là: "Ngươi không được phép ở nơi ấy đến khi hành phạt xong." Khi thầy Tỳ-khưu tuyên bố như thế có nghĩa là hành phạt nghiêm cấm sa di.

Các vị A-xà-lê kết tập giáo lý (dhammasaṅ-gāhakatthera) đã định đặt phận sự phải làm trong thời gian hành phạt của sa di, là khiến sa di múc nước, lượm cũi, hốt cát hoặc quét rác.

Về sự sinh hoạt học tập của sa di, không nên hành phạt ngăn cấm sinh hoạt đó.

Sự sinh hoạt ăn uống của sa di, cũng không nên hành phạt ngăn cấm không cho ăn hoặc giấu cất y bát của vị sa di với ý rằng bỏ đói sa di này. Vị Tỳ-khưu nào hành động với sa di như thế thì tội tác ác (dukkata)

Tỳ-khưu hành phạt sa di phải có tâm từ bi, mong tiếp độ sa di được phạm hạnh tốt đẹp; không nên với tâm ác (pāpacitta) làm khổ gây khó khiến sa di đau đớn bất kham mà hoàn tục, như là bắt nằm trên đá nóng, hay dùng vật nặng đè trên mình sa di, hoặc bắt ngâm nước, lặn nước ... những hình thức hành phạt ấy là tàn ác khe khắt, Ðức Phật đã khiển trách các Tỳ-khưu phe lục sư rồi.

Riêng đối với sa di nào cứng đầu khó dạy (dubbacajātiko), sai phạm nhiều lần, được nhắc nhở, phạt cảnh cáo mà không biết hối lỗi phục thiện, thì Tỳ-khưu có quyền hành phạt ngăn vật thực sa di ấy bằng cách là lấy vật thực hay y bát giữ một nơi rồi dạy rằng: " Sự hành phạt ngươi là phải làm như vầy như vầy, nếu ngươi chấp hành làm xong lúc nào thì ngươi sẽ được nhận lại vật thực hoặc y bát lúc đó."

Về thẩm quyền hành phạt sa di sai phạm, tất nhiên chỉ là Thầy Hòa Thượng (upajjhāya) hay thầy giáo thọ (ācariya) mà vị sa di đã y chỉ.

Khi có sự hiện diện của Thầy Hòa Thượng hay thầy giáo thọ vị sa di thì những Tỳ-khưu khác trong chùa không có quyền hành phạt sa di này, nếu Tỳ-khưu nào tự ý hành phạt sa di, không thông qua Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của vị sa di ấy, thì phạm tội tác ác.

Nếu Tỳ-Khưu nào đó thấy sa di phạm lỗi thì nên báo trình lên Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của sa di ấy để xử. Khi đã trình ba lần rồi mà Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của sa di vẫn làm ngơ không quan tâm đến, thì vị Tỳ-Khưu ấy có quyền quở phạt sa di sai phạm.

Mặt khác, một vị Tỳ-Khưu nào đó được sự ủy thác của Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư rằng: "vị Sa-di này là học trò của con, nếu có phạm lỗi lầm, ngài hãy thay con hành phạt Sa-di ấy." Ðược ủy thác như thế, Tỳ-khưu ấy hành phạt Sa-di là đúng pháp.

Vị Sa-di khi phạm lỗi đáng bị hành phạt, phải đắp y vai trái đi đến trước Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư hay vị Tỳ-khưu có thẩm quyền. Phát lộ lỗi lầm của mình và xin chịu hành phạt như sau :

"Labheyyā' ham bhante daṇḍakammaṃ āyatiṃ saṃvaraṃ āpajjissāmi."

Dutiyampi ... Tatiyampi ..."

(Bạch Ngài, con xin chịu hành phạt, con sẽ thu thúc về sau. Lần thứ nhì. Lần thứ ba."

Vị thầy có lời quở trách rồi tuyên bố hình thức phạt vị Sa-di ấy. Vị Sa-di lui ra và thi hành hình thức phạt.

Sau khi đã thi hành hình phạt xong, vị Sa-di trở lại trước Thầy Tỳ-Khưu và đảnh lễ sám hối:

Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante, mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumoditabbaṃ, sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ. Sādhu sādhu anumodāmi.

Sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante.

Ukāsa dvāratayena kataṃ sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante.

Vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khama-tha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumo-ditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ sādhu sādhu anumodāmi.

Nghĩa: con xin thành kính đảnh lễ Ngài. Cúi xin Ngài hãy tha thứ mọi lỗi lầm cho con, phước báu con đã làm xin Ngài tùy hỷ. Phước báu Ngài đã tạo hãy cho đến con, thiện thay, thiện thay, con xin tùy hủy. Bạch Ngài, xin xá mọi lỗi lầm cho con; Bạch Ngài, mọi tội lỗi do tam nghiệp của con đã làm, xin Ngài xá cho ...

Khi đó, Thầy Tỳ Khưu nên hoan hỷ cho Sa-di bằng lời: Sādhu! Sādhu! Sādhu.

Sau khi thọ hành phạt xong như thế rồi, vị Sa-di được trở lại trong sạch bình thường.

DỨT CHƯƠNG LUẬT HÀNH PHẠT.

-ooOoo-

CHƯƠNG IV

LUẬT TRỤC XUẤT
(NĀSANAṄGA)

IV.1. ÐIỀU LUẬT PHẠM TỘI TRỤC XUẤT.

Tội trục xuất là điều luật mà vị Sa-di sai phạm sẽ bị truất khỏi phẩm mạo Sa-di, buộc hoàn tục thành người thế tục.

Ðức Thế-Tôn đã chế định điều luật này như sau:

Anujānāmi bhikkhave dasahaṅgehi samannā-gataṃ sāmaṇeraṃ nāsetuṃ pāṇātipātī hoti adin-nādāyī hoti abrahmacārī hoti musāvādī hoti majja-pāyī hoti buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati dhammassa avaṇṇam bhāsati saṅghassa avannaṃ bhāsati mic-chādiṭṭhiko hoti bhikkhuṇīdūsako hoti. Anujānāmi bhikkhave imehi dasahaṅgehi samanāgataṃ sāmaṇe-raṃ nāsetun' ti.

Này chư Tỳ-Khưu, ta chuẩn hành luật trục xuất vị Sa-di vi phạm theo mười điều là:

1. Sa-di sát sanh.
2. Sa-di trộm cắp.
3. Sa-di hành dâm.
4. Sa-di nói dối.
5. Sa-di uống chất say.
6. Sa-di phỉ báng Phật.
7. Sa-di phỉ báng Pháp.
8. Sa-di phỉ báng Tăng.
9. Sa-di tà kiến.
10. Sa-di hãm hiếp Tỳ-khưu ni.

Này chư Tỳ Khưu, ta chuẩn hành trục xuất vị Sa-di vi phạm theo mười điều này.

Ðiều luật tội trục xuất của Sa-di có mười điều.

Vị Sa-di phạm một trong mười điều trên đây sẽ làm mất phẩm mạo, không còn qui giới, không có Thầy Hòa Thượng nữa, mọi quyền thừa hưởng lợi lộc của tăng cũng dứt.

IV.2. VIỆC XỬ TRỤC XUẤT SA-DI SAI PHẠM.

Việc xử trục xuất Sa-di sai phạm, phân ra có bốn trường hợp, mỗi trường hợp có cách xử lý khác nhau; Bốn trường hợp như sau:

a. Sa-di phạm điều học (sikkhāpada) trọng tội, như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu.
b. Sa-di phỉ báng tam bảo (avaṇṇaṃ)
c. Sa-di có tà kiến (micchādiṭṭhi)
d. Sa-di hãm hiếp Tỳ-khưu ni (dūsako)

* Sa-di phạm một trong năm điều học: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống chất say.

Sa-di phạm trong năm điều giới này lập tức phá hỏng qui giới, không còn là phẩm hạnh Sa-di nữa, dù còn mặc giáo phục cũng không có giá trị nữa.

Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư phải buộc vị ấy hoàn tục. Nếu Sa-di ấy cứng đầu không tuân lời, phải bố cáo đến tăng để trục xuất bằng tăng lệnh.

Nếu vị ấy ăn năn hối lỗi, còn muốn xuất gia nữa, thì Thầy Hòa Thượng có thể cho tu lại, truyền qui giới và cho phép làm lễ bái sư như buổi đầu.

Ðối với Sa-di sai phạm giới luật nhưng tâm lý tu tập, tâm lý xuất gia chưa dứt thì không cần truất bỏ giáo phục, chỉ phải cho phát lộ tội lỗi rồi thọ qui giới lại, cũng gọi là thanh tịnh; tuy vậy cũng phải làm lễ bái sư, vì ngay từ khi phạm giới đã bị mất Thầy Hòa Thượng rồi .

Lễ thọ tam qui (tisaraṇagamana) đối với Sa-di rất quan trọng, thành tựu tam qui lúc nào thì giới cũng thành tựu lúc ấy, tương tợ như khi thành tựu tứ tác bạch tuyên ngôn (ñatticatutthakammavācā) thì đã thành tựu cụ túc giới (upasampadā) vậy. Do đó phải trọng tâm, sáng suốt và đọc pāli chính xác lúc truyền và thọ tam quy trong lễ tu Sa-di.

* Sa-di phỉ báng Tam Bảo: xuyên tạc Ðức Phật, xuyên tạc Giáo pháp, xuyên tạc Tăng chúng.

Sa-di loạn ngôn phỉ báng Ðức Phật, phỉ báng Giáo pháp, phỉ báng Tăng chúng, Thầy Hòa Thượng, Thầy Giáo Thọ của Sa-di ấy phải khuyên nhắc đôi ba lần như sau: "Này Sa-di, ngươi không nên phỉ báng Phật Pháp Tăng ngươi làm như vậy là phạm tội lỗi nặng nề, sự phỉ báng Phật Pháp Tăng sẽ khiến cho ngươi bất hạnh đau khổ lâu dài; ngươi hãy chừa bỏ, đừng nói như thế nữa." Khi được nhắc nhở như thế nếu Sa-di ấy biết lỗi, bỏ hành động quấy thì tốt, nhưng cũng phải hành phạt (daṇḍakamma) Sa-di ấy, và phải làm cho sám hối tội lỗi giữa Tăng, như sau:

Accayo maṃ bhante accagamā yathābālaṃ yathamūlhaṃ yathā akusalaṃ yo' haṃ bhante evaṃ abhāsiṃ tassa me accayaṃ accayato paṭiggaṇhātha āyatiṃ saṃvareyyāmi.

Nghĩa: Bạch quí Ngài, vì con ngu si, lầm lạc, bất thiện, con đã vi phạm một tội lỗi. Con đã phát ngôn như vậy, xin quí Ngài hãy chấp nhận lỗi lầm của con như một tội lỗi để con ngăn ngừa trong tương lai.

Khi Sa-di sám hối xong, phải cho thọ tam qui và giới lại vì đã phạm điều trục xuất.

Trường hợp Sa-di phạm tội phỉ báng tam Bảo, đã được khuyên nhắc ba lần mà không biết nhận lỗi thì phải hợp Tăng để bố cáo trục xuất (nissāranā-palokanakamma), như sau:

Saṅghaṃ bhante pucchāmi ayaṃ itthannāmo sāmaṇero buddhassa dhammassa saṅghassa avaṇṇa-vādī yaṃ aññe sāmaṇerā labhanti dvirattatirattaṃ bhikkhūhi saddhiṃ sahaseyyaṃ tassā alābhāya nissāraṇā ruccati saṅghassa,

Dutiyampi bhante saṅghaṃ ... như trên .
Tatiyampi bhante saṅghaṃ ... như trên ... ruccati saṅghassa. Cara pi re vinassa.

Nghĩa: Bạch Chư Tăng, tôi xin bố cáo đến Tăng rằng Sa-di tên này là kẻ phỉ báng Ðức Phật, phỉ báng Pháp, phỉ báng Tăng. Quyền lợi mà các Sa-di khác có như được đồng cư với chư Tỳ Khưu hai ba đêm, thì đối với sa di này Tăng có bằng lòng tước mất quyền lợi ấy không?

Lần thứ nhì ... Như trên ...

Lần thứ ba ... Như trên ... này kẻ tội lỗi hãy đi khỏi! Hãy bỏ phẩm mạo!.

Vị Sa-di ấy bị Tăng trục xuất rồi, về sau nếu thấy lỗi lầm, xóa bỏ điều quấy, muốn tu trở lại, thì phải họp Tăng lại để biểu quyết ý kiến, nên cho đương sự sám hối Tăng như vầy:

Ahaṃ bhante bālatāya aññānatāya alakkhika-tāya evaṃ akāsiṃ svāhaṃ saṅghaṃ khamāpemi.

Nghĩa: Bạch quí ngài, con vì ngu si thiếu trí, bất hảo nên đã sai phạm như vậy, con cúi xin Tăng tha thứ cho.

Tiếp đến phải bố cáo Tăng để thu nhận (osa-raṇāpalokanakamma), như sau :

Saṅghaṃ bhante pucchāmi ayaṃ itthannāmo sāmaṇero buddhassa dhammassa saṅghassa avaṇṇa-vādī. Yaṃ aññe sāmaṇerā labhanti dvirattatirattaṃ bhikkhūhi saddhiṃ sahaseyyaṃ tassā alābhāya nis-sārito svāyaṃ idāni sorato virato nivātavutti lajji-dhammaṃ okkanto hiri-ottappe patiṭṭhito katadaṇḍa-kammo accayaṃ deseti imassa sāmaṇerassa yathā pure kāyasambhogasāmaggīdānaṃ ruccati saṅghassa.

Dutiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe ...
Tatiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe ...

Nghĩa: Bạch chư Tăng, tôi xin bố cáo đến Tăng rằng Sa-di tên này là kẻ phỉ báng Phật Pháp Tăng, y đã bị tước mất quyền lợi mà các Sa-di khác có như được đồng cư với chư Tỳ Khưu hai ba đêm; Nay người này đã hiền thiện, đã khắc phục, đã nhu thuận, đã biết hổ thẹn, đã trú trong tàm quý, đã chịu hành phạt, và phát lộ lầm lỗi, thì đối với Sa-di này Tăng có vui lòng cho hòa hợp nhập chúng như trước chăng?

Lần thứ nhì ... như trên ...

Lần thứ ba ... như trên ...

Sau khi bố cáo như vậy rồi mới cho vị ấy thọ qui giới tu lại.

* Sa-di có tà kiến.

Sa-di không phải vì nhầm lẫn mới hiểu sai, mà vì ngoan cố chấp thủ tri kiến sai lệch với chánh pháp ấy gọi là tà kiến.

Sa-di có tà kiến đáng tội trục xuất, tuy nhiên Thầy Hòa Thượng hay giáo thọ sư của Sa-di ấy phải giãi bày khuyên nhắc cho thấy tội lỗi và dứt bỏ tà kiến. Nếu Sa-di được khuyên dạy, Sa-di ấy biết lỗi lầm và xóa bỏ tà kiến thì chỉ cho hành phạt (daṇḍakamma) rồi cho sám hối giữa Tăng như sau:

Accayo maṃ bhante accagamā yathābālaṃ ya-thāmulhaṃ yathā akusalam yo' haṃ bhante evaṃ diṭṭhiko ahosiṃ tassa me accayaṃ accayato patig-ganhātha āyatiṃ samvareyyāmi.

Nghĩa: Bạch quí Ngài, con đã vi phạm một tội lỗi, vì ngu si lầm lạc bất thiện nên con đã có tà kiến như vậy, xin quí Ngài hãy chấp nhận cho con một lỗi lầm đã sai phạm, để con ngăn ngừa trong tương lai.

Sa-di chịu hành phạt và sám hối như thế rồi chỉ cần truyền qui giới lại cho thanh tịnh là đủ, khỏi phải buộc hoàn tục ra.

Trường hợp Sa-di có tà kiến, đã được nhắc nhở nhiều lần cũng không dứt bỏ tri kiến sai lầm, thì phải họp Tăng để bố cáo trục xuất (nissāranāpalo-kanakamma); lời bố cáo trục xuất trong trường hợp này, văn tự cũng giống như vụ Sa-di phỉ báng tam bảo vậy, chỉ đổi tên tội:

Saṅghaṃ bhante pucchāmi, ayaṃ itthannāmo sāmaṇero micchādiṭṭhiko. Yaṃ aññe ... pe ...

Dutiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe ...
Tatiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe .

Về sau, đương sự hối cải sửa chữa lỗi lầm xin được tu lại, thì trước phải cho sám hối giữa Tăng như sau:

Ahaṃ bhante bālatāya aññāṇatāya alakkhi-katāya evaṃ akāsiṃ svāhaṃ saṅghaṃ khamāpemi. (nghĩa như trước).

Sau đó, cần được bố cáo đến Tăng để thu nhận (osāraṇāpalokanakamma), nội dung tương tợ osāraṇāpalokana trong vụ Sa-di phỉ báng tam bảo chỉ thay đổi tội danh:

Saṅgham bhante pucchāmi ayaṃ itthannāmo sāmaṇero micchādiṭṭhiko. Yaṃ aññe ... pe ...

Dutiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe ...
Tatiyampi bhante saṅghaṃ pucchāmi ... pe ... .

Khi bố cáo xong, được phép cho người ấy tu lại.

* Sa-di hãm hiếp Tỳ-Khưu Ni.

Sa-di có hành động quấy nhiễu tình dục đối với Tỳ-Khưu Ni (bhikkhunī) thì cần phải xử trục xuất tức khắc.

Tội này nặng nề hơn tội thông dâm bình thường, nghĩa là tội hành dâm bị xử trục xuất rồi sau đó còn có thể tu lại được nếu muốn.

Còn về điều trục xuất thứ mười này thì Sa-di bị trục xuất sẽ mất gốc như người bị đứt lìa đầu, sẽ không được phép cho xuất gia lại trong bất cứ trường hợp nào. Ðức Thế-Tôn đã chế định ngăn đứt điều đó.

DỨT CHƯƠNG LUẬT TRỤC XUẤT

-ooOoo-

CHƯƠNG V

LUẬT SINH HOẠT
(VATTIKA)

Thiện Nam tử khi đã xuất gia trong giáo pháp này, bước đầu trú trong phẩm mạo Sa-di (sāmaṇera) cần phải học tập thông thạo các luật nghi để tập sự thực hành, hầu quen lối sống phạm hạnh mai sau dễ dàng trở thành vị Sa-Môn thực thụ, tức là phạm hạnh Tỳ-Khưu (bhikkhu).

Ngoài việc thọ trì học giới (sikkhāpada), vị Sa-di phải thông hiểu các luật sinh hoạt trong đời sống tu sĩ. Luật sinh hoạt gồm có năm phần:

1. Phép quán tưởng vật dụng (paccayasan-nissita).
2. Phép quán tưởng nhật hành (abhiṇhapac-cavekkhana).
3. Phép sử dụng y bát (pattacīvaraparibhoga).
4. Phép nhập hạ (vassūpanāyika).
5. Ngày trai giới (uposatha).

V.1. PHÉP QUÁN TƯỞNG VẬT DỤNG (Pacca-yasannissita)

Vị xuất gia có bốn món vật dụng (paccaya) là:

1- Y phục (cīvarappaccaya), tức là vải đắp mặc, người cư sĩ thì có áo quần, còn vị xuất gia thì có y ca-sa; hàng Tỳ-khưu thì có tam y: y kép (saṅghāṭi), y vai trái (uttarasaṅga) và y nội (antaravāsaka); hàng Sa-di chỉ có hai y là y vai trái và y nội.

2- Vật thực (pindapātappaccaya), là các thức ăn để nuôi sống như cơm, bánh ... dùng trong buổi sáng.

3- Trú xứ (senāsanappaccaya), là chỗ ở, dùng để ẩn tránh mưa, nắng ... như liêu cốc, tịnh thất, túc xá, thậm chí là bóng cây, hang động ...; còn có nghĩa là sàng tọa tức chỗ nằm chỗ ngồi.

4- Dược phẩm (gilānappaccaya), là thuốc dùng trị bệnh dành cho người bệnh, gồm cả những thứ để dưỡng sức như đường, sữa, mật ong, dầu mè...

Vị xuất gia phải thông thuộc cách quán tưởng (paccavekkhana) khi dùng đến bốn món vật dụng, thuộc lòng cả pāli lẩn ý nghĩa.

Phép quán tưởng vật dụng có 4 cách, quán tưởng 3 thời. Ba thời là trước khi, đang khi và sau khi thọ dụng; bốn cách là quán tưởng nguyên chất (dhātuppaccavekkhana), quán tưởng uế tánh (paṭikū-lappaccavekkhana), quán tưởng hiện thời (taṃkha-nikappaccavekkhana), quán tưởng quá thời (atītappaccavekkhana).

Vị xuất gia trước khi dùng đến bốn món vật dụng phải quán tưởng 2 cách:

a. Quán tưởng nguyên chất (dhātuppaccavek-khana), là quán tưởng cho thấy rằng các món vật dụng chỉ là chất tứ đại hợp thành thôi, chỉ là nguyên tố sắc pháp vô thức thôi. Quán tưởng như sau:

Quán tưởng y phục :

"Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumatta-mevetaṃ yadidaṃ cīvaraṃ tadupabhuñjako ca pug-galo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño" - "Y phục này hẳn chỉ là nguyên chất được tạo thành theo món vật dụng, và người sử dụng món ấy cũng chỉ là nguyên chất, không phải linh hồn, không phải sinh mạng, là tính rỗng không thôi."

Quán tưởng vật thực :

"Yathāpaccayaṃ pavattamānam dhātumatta-mevetaṃ yadidam piṇḍapāto tadupabhuñjako ca pug-galo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño"- "Vật thực này hẳn chỉ là nguyên chất được tạo thành theo món vật dụng, và người sử dụng món ấy cũng chỉ là nguyên chất, không phải linh hồn, không phải sinh mạng, là tính rỗng không thôi".

Quán tưởng trú xứ :

"Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumatta-mevetam yadidaṃ senāsanaṃ tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño" - "Trú xứ này hẳn chỉ là nguyên chất được tạo thành theo món vật dụng, và người sử dụng món ấy cũng chỉ là nguyên chất, không phải linh hồn, không phải sinh mạng, là tính rỗng không thôi".

Quán tưởng dược phẩm :

"Yathāpaccayaṃ pavattamānaṃ dhātumatta-mevetaṃ yadidaṃ gilānappaccayabhesajjaparikkhāro tadupabhuñjako ca puggalo dhātumattako nissatto nijjīvo suñño" - "Dược phẩm thuốc trị bệnh này hẳn chỉ là nguyên chất được tạo thành theo món vật dụng, và người sử dụng món ấy cũng chỉ là nguyên chất, không phải linh hồn, không phải sinh mạng, là tính rỗng không thôi".

b. Quán tưởng uế tánh (Paṭikūlappaccavek-khana), những vật dụng dùng phải quán tưởng cho thấy sự ô trược của chúng và tính bất tịnh của thân này; quán tưởng như sau:

Quán tưởng y phục :

"Sabbāni pan'imāni cīvarāni ajigucchanīyāni imaṃ pūṭikāyaṃ patvā ativiya jigucchanīyāni jāyan-ti."- "Tất cả y phục này không phải là vật đáng gớm, nhưng khi chạm đến thân uế trược này rồi thì trở thành đáng gớm lắm."

Quán tưởng vật thực :

"Sabbo pan'āyam piṇḍapāto ajigucchanīyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā ativiya jigucchanīyo jāyati." - "Tất cả vật thực này không phải là vật đáng gớm ghê, nhưng khi chạm đến thân uế trược này rồi thì trở thành đáng gớm lắm."

Quán tưởng trú xứ :

"Sabbāni pan'imāni senāsanāni ajigucchanī-yāni imaṃ pūtikāyaṃ patvā ativiya jigucchanīyāni jāyanti." - "Tất cả trú xứ này không phải là vật đáng gớm ghê, nhưng khi chạm đến thân uế trược này rồi thì trở thành đáng gớm lắm."

Quán tưởng dược phẩm :

"Sabbo pan' āyam gilānappaccayabhesajjapa-rikkhāro ajigucchanīyo imaṃ pūtikāyaṃ patvā ati-viya jigucchanīyo jāyati." - "Tất cả dược phẩm thuốc trị bệnh này không phải là vật đáng gớm ghê, nhưng khi chạm đến thân uế trược này rồi thì trở thành đáng gớm."

c. Quán tưởng hiện thời (tamkhanikapacca-vekkhana) là ngay lúc ăn, lúc mặc y, lúc vào ngụ trong liêu phòng, lúc dùng thuốc trị bệnh, quán tưởng cho thấy nhu cầu thiết yếu của vật dụng ấy:

Quán tưởng y phục :

"Paṭisaṅkhā yoniso cīvaraṃ paṭisevāmi yāva-deva sītassa paṭighātāya uṇhassa paṭighātāya daṃsa-makasavātātapasiriṃsapasamphassānaṃ paṭighātā-ya yāvadeva hirikopīnappaṭicchādanatthaṃ" - "Khéo quán tưởng rằng: ta thọ dụng y phục chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi gió nắng và các loài bò sát, cũng chỉ để che đậy sự lõa lồ."

Quán tưởng vật thực :

"Paṭisaṅkhā yoniso piṇḍapātaṃ paṭisevāmi ne-va davāya na madāya na maṇḍanāya na vibhūsanā-ya yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsuparatiyā brahmacariyā'nuggahāya iti purāṇañca vedanaṃ paṭihaṅkhāmi navañca vedanaṃ na uppā-dessāmi yātrā ca me bhavissati anavajjatā ca phāsu-vihāro cā'ti." - "Khéo quán tưởng rằng: ta dùng thực phẩm không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để lợi dưỡng, không phải để giồi nhan sắc, mà chỉ để duy trì thân này cho sống còn tránh khỏi tổn hại, cũng để hỗ trợ phạm hạnh vì rằng ta diệt trừ được cảm thọ cũ và không sanh cảm thọ mới, sinh hoạt của ta sẽ không lỗi lầm và lạc trú."

Quán tưởng trú xứ :

"Paṭisaṅkhā yoniso senāsanaṃ paṭisevāmi yāvadeva sītassa paṭighātāya uṇhassa paṭighātāya daṃsamakasavātātapasiriṃsapasamphassānaṃ paṭi-ghātāya yāvadeva utuparissayavinodanaṃ paṭisallā-nārāmatthaṃ." - "Khéo quán tưởng rằng: ta sử dụng trú xứ chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi gió nắng và loài bò sát, cũng chỉ để giải trừ bực bội do thời tiết, mục đích vui thiền tịnh."

Quán tưởng Dược phẩm :

"Paṭisaṅkhā yoniso gilānappaccayabhesajja-parikkhāraṃ paṭisevāmi yāvadeva uppannānaṃ vey-yābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya abyāpajjha-paramatāyā'ti" - "Khéo quán tưởng rằng: ta thọ dụng dược liệu trị bệnh này, chỉ để ngăn chận các cảm thọ thống khổ đã phát sanh cho đặng sự thoải mái hoàn toàn."

d. Cách quán tưởng quá thời (atītappaccavek-khana) Vị xuất gia trong ngày và đêm, sau khi đã thọ dụng y phục, vật thực, trú xứ, thuốc trị bệnh, nếu chưa được quán tưởng thì phải quán tưởng lại bốn món vật dụng ấy, trước khi mặt trời mọc ngày hôm sau.

Quán tưởng y phục :

"Ajja mayā appaccavekkhitvā yaṃ cīvaraṃ paribhuttaṃ taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya uṇhassa paṭighātāya daṃsamakasavātātapasiriṃsa-pasamphassānaṃ paṭighātāya yāvadeva hirikopinap-paṭicchādanatthaṃ." - "Y phục nào ta đã sử dụng trong ngày nay mà chưa quán tưởng, y phục ấy chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi gió nắng và loài bò sát, cũng chỉ với mục đích che đậy sự lõa lồ thôi."

Quán tưởng vật thực :

"Ajja mayā appaccavekkhitvā yo piṇḍapāto paribhutto so neva davāya na madāya na maṇḍanāya navibhūsanāya yāvadeva imassa kāyassa ṭhitiyā yāpanāya vihiṃsuparatiyā brahmacariyā' nuggahāya iti purānañca vedanaṃ paṭihaṅkhāmi navañca veda-naṃ na uppādessāmi yātrā ca me bhavissati anavaj-jatā ca phāsuvihāro cā'ti" - "Vật thực nào mà ta đã dùng trong ngày nay mà chưa quán tưởng, vật thực ấy dùng không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để lợi dưỡng, không phải để giồi nhan sắc, mà chỉ để duy trì thân này cho sống còn tránh khỏi tổn hại, cũng để hỗ trợ phạm hạnh vì rằng ta diệt trừ cảm thọ cũ và không cho sanh cảm thọ khổ mới, sinh hoạt của ta sẽ không lỗi lầm và lạc trú."

Quán tưởng trú xứ :

"Ajja mayā appaccavekkhitvā yaṃ senāsanaṃ paribhuttaṃ taṃ yāvadeva sītassa paṭighātāya uṇhassa paṭighātāya daṃsamakasavātātapasiriṃsa-pasamphassānaṃ paṭighātāya yāvadeva utuparissa-yavinodanaṃ paṭisallānārāmatthaṃ." - "Trú xứ nào ta đã sử dụng trong ngày nay mà chưa quán tưởng, trú xứ ấy dùng chỉ để ngăn ngừa sự lạnh, ngăn ngừa sự nóng, ngăn ngừa sự xúc chạm của ruồi muỗi, gió nắng và loài bò sát, cũng chỉ để giải trừ bực bội của thời tiết, mục đích vui thiền định."

Quán tưởng dược phẩm :

"Ajja mayā appaccavekkhitvā yo gilānappacca-yabhesajjaparikkhāro paribhutto so yāvadeva uppan-nānaṃ veyyābādhikānaṃ vedanānaṃ paṭighātāya abyāpajjhaparamatāyā'ti." - "Dược phẩm thuốc trị bệnh nào ta đã dùng trong ngày nay mà chưa quán tưởng, thuốc ấy dùng chỉ để ngăn chận các cảm thọ thống khổ đã phát sanh, cho đặng sự thoải mái hoàn toàn."

DỨT PHÉP QUÁN TƯỞNG VẬT DỤNG.

V.2. PHÉP QUÁN TƯỞNG NHẬT HÀNH (abhiṇhapaccavekkhana).

Bậc xuất gia có hai phận sự (dhura) tu tập: là pháp học (ganthadhura) và pháp hành (vipassanā-dhura).

Về pháp học, phải học hỏi thông thuộc giáo lý trong tam Tạng (tipiṭaka) để có thể hiểu chánh pháp và truyền bá chánh pháp.

Về pháp hành, phải thọ trì giới luật thanh tịnh, thực hành thiền định, phát triển trí tuệ. Cho dù trong thời gian đang thọ trì pháp học cũng phải thực hành rèn luyện tâm và tuệ cho kiên cố niềm tin, tinh tấn, và hướng mục đích phạm hạnh. Bằng cách quán sát, tâm niệm thường hàng ngày (abhiṇhapaccavek-khana), nhờ đó vị xuất gia mới sống đời phạm hạnh có ý nghĩa và gắn bó với lý tưởng tu tập được.

Về phép quán tưởng nhật hành sơ khởi của bậc xuất gia gồm hai phần:

a. Quán tưởng qui luật tự nhiên.
b. Quán tưởng tâm lý phạm hạnh.

A- QUÁN TƯỞNG QUI LUẬT TỰ NHIÊN.

Ðể tâm ta nhớ biết thực chất của đời sống mà chuẩn bị tư tưởng đối phó nghịch cảnh dễ dàng. Tức là quán tưởng 5 điều như sau:

1. "Jarādhammo'mhi jaraṃ anatīto" - "ta phải già, không thoát khỏi già."
2. "Byādhidhammo'mhi byādhiṃ anatīto" -"ta phải bệnh, không thoát khỏi bệnh."
3. "Maraṇadhammo'mhi maraṇaṃ anatīto" - "ta phải chết, không thoát khỏi chết."
4. "Sabbehi me piyehi manāpehi nānābhāvo vinābhāvo" - "đối với ta phải ly tán phải mất mát mọi vật thương yêu thân ái."
5. "Kammassako'mhi kammadāyādo kammayo-ni kammabandhu kammappaṭisaraṇo yaṃ kammaṃ karissāmi kalyānaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi" - "ta là sở hữu chủ nghiệp, thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, bất cứ nghiệp thiện hay ác nào ta làm, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy."

B. QUÁN TƯỞNG TÂM LÝ PHẠM HẠNH.

Ðể ôn nhắc mục đích tu tập, tự sách tấn tu tập, và cảnh giác trong sinh hoạt hàng ngày. Ðức Phật phải dạy bậc xuất gia phải hằng tâm niệm mười điều như sau:

1. Vevaṇṇayamhi ajjhūpagato, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "ta có tướng mạo khác hơn kẻ thế."

2. Parappaṭibaddhā me jīvikā, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "sự nuôi mạng của ta bị lệ thuộc nơi kẻ khác."

3. Añño me ākappo karaṇīyo, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Hành vi của ta cần phải khác biệt."

4. Kacci nu kho me attā sīlato na upavadati, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Chính ta không khiển trách về giới hạnh của mình chứ?"

5. Kacci nu kho maṃ anuvicca viññū sabrahmacārī sīlato na upavadati, Bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Các vị đồng phạm hạnh trí thức khi xét đến ta không có khiển trách về giới hạnh chứ?"

6. Sabbehi me piyehi manāpehi nānābhāvo vinābhāvo, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "đối với ta phải ly tán phải mất mát mọi vật thương yêu thân ái."

7. Kammassako'mhi kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammappaṭisaraṇo yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi, Bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "ta là sở hữu chủ nghiệp, thừa tự nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, bất cứ nghiệp thiện hay ác nào ta làm, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy."

8. Kathambhūtassa me rattindivā vītivattanti, Bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Ngày đêm trôi qua ta đã thế nào rồi?"

9. Kacci nu kho'haṃ suññāgāre abhiramāmi, Bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Ta có vui thích chỗ thanh vắng chăng?"

10. Atthi nu kho me uttarimanussadhammā-lamariyaññāṇadassanaviseso adhigato so'haṃ pacchi-me kāle sabrahmacārīhi puṭṭho na maṅku bhavis-sāmi, bậc xuất gia nên thường quán tưởng rằng: "Ta có được pháp thượng nhân không? Tri kiến thù thắng tương ứng bậc thánh ta đạt được chưa? để đến phút cuối, các vị đồng phạm hạnh hỏi đến, ta sẽ không hổ thẹn."

Trên đây là hai phép quán tưởng nhật hành mà bậc xuất gia nên thường tư duy hàng ngày, điều đó sẽ giúp tâm lý tu tập dũng mãnh và liên trì. Ðức Thế Tôn đã dạy như thế.

DỨT PHÉP QUÁN TƯỞNG NHẬT HÀNH

V.3. PHÉP SỬ DỤNG Y VÀ BÁT (Pattacīva-raparibhoga).

Luật dạy rằng: bậc xuất gia, nhất là Tỳ-Khưu, khi được phát sanh y và bát mới phải làm dấu hoại sắc (dubbaṇṇakaraṇa) và chú nguyện thành tên vật dụng, mới được phép dùng xài.

Dù là bậc Sa-di cũng nên tập thực hành luật ấy để tâm không dể duôi cẩu thả, cho quen cách sinh hoạt luật nghi hầu sau tu lên bậc trên không ngỡ ngàng.

Phép sử dụng y bát có ba phần:

a. Làm dấu (bindukappa)
b. Chú nguyện tên (adhiṭṭhāna)
c. Xả tên (paccuddhara)

A- Làm dấu, chỉ đối với các thứ y phục thôi, còn như bình bát thì khỏi cần làm dấu. Làm dấu là dùng viết mực xanh, đen hoặc xám rồi điểm vòng tròn nhỏ trên bốn góc chiếc y, vòng nhỏ cỡ bằng mút đũa hoặc mắt gà, không nên vẽ nhỏ quá hay lớn quá hay không thành dấu tròn ...

Khi làm dấu, phải tác ý và nói ra lời như sau:

"Imaṃ bindukappaṃ karomi" (Ta làm dấu y này).

B- Chú nguyện tên. Y (cīvara) là nói chung các thứ dùng xài bằng vải sợi, mỗi thứ đều có tên gọi riêng, như: y kép (saṅghāti), y vai trái (uttara-saṅga), y nội (antaravāsaka), y tắm mưa (vassika-sāṭika), ngọa cụ (paccattharaṇā), tọa cụ (nisīdana), vải băng ghẻ (kaṇḍuppaṭicchādi), khăn lau mặt (mu-khapuñchanacoḷa), y phụ tùng (parikkhāracoḷa) tức là giây lưng (kāyabandhana), túi dèm (thavika), áo lót (aṃsaka) ... đó là các thứ y khi sử dụng phải nguyện đặt tên.

Cách nguyện tên y là chú ý đến chiếc y đang giữ trong tầm tay hoặc để ngoài tầm tay rồi chú nguyện thành tên của chiếc y đó như vầy:

" Imaṃ uttarasaṅgaṃ adhiṭṭhāmi" (Ta nguyện y này là y vai trái). Nếu chiếc y để ngoài tầm tay thì chú nguyện rằng:

"Etaṃ uttarasaṅgaṃ adhiṭṭhāmi" (Ta nguyện y đó là y vai trái).

Trong lời chú nguyện hãy đổi tên cho đúng tùy theo thứ y đang muốn sử dụng. Khi đã nguyện y thành tên rồi, sử dụng không phạm tội.

C- Xả tên y, tức là khi muốn bỏ y cũ để sử dụng y mới, trước khi chú nguyện y mới ấy phải xả y cũ.

Xả y cũ cũng chú ý đến y trong tầm tay hoặc ngoài tầm tay, rồi nghĩ tưởng như sau:

"Imaṃ uttarasaṅgaṃ paccuddharāmi" (Ta xả bỏ y vai trái này), hoặc: "Etaṃ uttarasaṅgaṃ pac-cuddharāmi" (Ta xả bỏ y vai trái đó).

Về cách sử dụng y thì trước tiên phải xả bỏ y cũ (paccuddhara), kế đến là làm dấu y mới (bindu-kappa), sau cùng là nguyện thành tên cho y mới (adhiṭ-ṭhāna).

Về cách sử dụng bình bát (patta), luật dạy rằng bình bát không cần làm dấu, chỉ chú nguyện là được; lại nữa bình bát đã cũ muốn đổi xài bát mới, phải xả bỏ, mới được phép chú nguyện bát mới.

Cách chú nguyện bình bát như sau:

"Imaṃ pattaṃ adhiṭṭhāmi" (Ta chú nguyện đây là bình bát), hoặc "Etaṃ pattaṃ adhiṭṭhāmi" (Ta chú nguyện đó là bình bát).

Cách xả bình bát như sau:

"Imaṃ pattaṃ paccuddharāmi" (Ta xả bỏ bình bát này), hay "Etaṃ pattaṃ paccuddharāmi" (Ta xả bỏ bình bát đó).

Trên đây là cách sử dụng y và bát, Sa-di cũng có y bát (chỉ ngoại trừ y tăng-già-lê saṅghāṭi) nên vì thế cũng phải thông thuộc cách thức nguyện và xả y bát, để tập sống theo luật nghi cho tốt đẹp.

V.4. PHÉP NHẬP HẠ (Vassūpanāyika).

Luật dạy, chư Tỳ-Khưu đến mùa mưa, kể từ ngày 16/ 6 âl đến ngày 15/ 9 âl, phải dừng chân du hóa để an cư kiết hạ 3 tháng bắt đầu từ 16/ 9 âl cho đến 15/ 9 âl, hoặc từ 16/ 7 âl đến 15/ 10 âl.

Các Sa-di thường du hành theo chân các vị Tỳ-khưu, nên khi vào thời chư tăng nhập hạ cũng phải tùng nhập hạ.

Ngày chuẩn bị nhập hạ, Sa-di phải đến đảnh lễ Thầy Hòa Thượng hay thầy giáo thọ để xin chỉ định trú xứ nhập hạ; phải nghe lời chỉ bảo của chư Tỳ-khưu quét dọn sạch sẽ trú xứ, dự trữ nước xài cho đầy đủ ...

Sau đó, phát nguyện nhập hạ theo chư Tỳ-khưu như sau:

"Imasmiṃ ārāme imaṃ temāsaṃ vassaṃ upemi" (Con xin an cư mùa mưa ba tháng này trong chùa đây).

Trong thời gian nhập hạ, nếu hữu sự cần phải đi khỏi chùa vài ngày, Sa-di phải đến bày tỏ xin phép thầy hoặc chư Tỳ-khưu mình nương nhờ, để nguyện hạ ra đi. Các Thầy Tỳ-khưu suy xét thấy việc chính đáng mới cho phép Sa-di đi khỏi chùa. Nhưng vị Sa-di ấy cũng phải nguyện hạ mới nên đi.

Nguyện hạ là tự giới hạn thời gian vắng mặt ở chùa, luật Ðức Phật chỉ cho phép thời gian vắng mặt trong lúc nhập hạ là tối đa khoảng bảy ngày tức sáu đêm, vào ngày thứ bảy kể từ khi ra đi, phải có mặt ở chùa trước lúc mặt trời mọc, trễ hạn ấy gọi là đứt hạ.

Cách nguyện hạ như sau: trước khi ra khỏi ranh chùa phải phát nguyện, hoặc tuyên bố với một vị khác, hoặc đối diện kim thân, bảo tháp thờ, cũng được. Nguyện rằng:

"Sace me antarāyo natthi sattāhabbhantare ahaṃ puna nivattissāmi" (Nếu không có sự tai hại đến ta, ta sẽ trở về trong khoảng bảy ngày).

Vị Sa-di nếu đã nhập hạ tròn đủ, không bị đứt hạ, thì vẫn được hưởng lợi lộc phát sanh trong mùa dâng y Kaṭhina như chư Tỳ-khưu, tuy nhiên chư tăng phải được thông qua bằng cách bố cáo chia lợi lộc đến Sa-di, gọi là Lābhavibhajanāpalokanakamma. Nếu như có thí chủ làm phước cúng dường y và vật dụng đến tăng mà thỉnh nguyện rằng chúng con xin dâng đến các vị trong chùa cả Tỳ-khưu lẩn Sa-di; như thế tăng hãy chia đến Sa-di mà không cần họp tăng để bố cáo.

Riêng về vị Sa-di mới tu trong hạ, hoặc nhập hạ kỳ sau (từ 16/ 7 đến 15/ 10 âl), hoặc bị đứt hạ, đều không được hưởng lợi lộc chi cả; nếu cá nhân thầy Tỳ-khưu cho lợi lộc đến Sa-di vì lòng thương xót cũng được.

V.5. NGÀY TRAI GIỚI (uposatha).

Ngày trai giới thường gọi là ngày bố tát, do âm từ phạn ngữ uposatha, nghĩa là ngày thanh tịnh tăng. Luật qui định một tháng có hai ngày bố-tát là ngày rằm và ngày cuối tháng (30 âl hoặc 29 âl, tùy tháng đủ thiếu).

Ðức Phật chuẩn hành luật cho chư Tỳ-khưu phải tụng giới (pāṭimokkhuddesa) trong ngày uposa-tha; nếu nơi chỉ có hội họp hai, ba vị Tỳ-khưu thì vào ngày bố tát không tụng giới cũng phải phát-lồ thanh tịnh; nếu ở một mình cũng phải phát lồ nguyện bố tát ...

Về phần Sa-di thì luật không qui định nghi thức, nhưng sau này các bậc A-xà-lê để chế định việc hành cho các Sa-di trong ngày bố tát để Sa-di chúng sinh hoạt khuôn khổ; điều này cũng tạo sự thanh tịnh cho Sa-di, nên mặc nhiên được tăng chúng chấp nhận.

Các Sa-di vào ngày trai giới bố-tát phải thọ pháp hành phạt (daṇḍakamma) nơi Tỳ-khưu tăng để răn sửa lỗi lầm, tác tịnh tâm lý dù rằng không phạm lỗi, như thế cũng tốt; cách thọ pháp hành phạt xin xem lại Chương III, Luật hành phạt, Mục 2.

Sau việc thọ hành phạt hãy xin thọ qui giới lại nơi tăng, trước khi chư Tỳ-khưu hành tăng sự bố-tát tụng giới bổn. Tăng cử vị Tỳ-khưu nào đó truyền dạy qui giới cho Sa-di rồi mới hành lễ bố-tát, cũng như thuở xưa lúc Tỳ-khưu ni chúng còn, chư Tỳ-khưu tăng phải cử vị đi giáo giới Tỳ-khưu ni (bhikkhunovāda) trong ngày bố-tát trước khi làm lễ phát lồ tụng giới vậy.

DỨT CHƯƠNG LUẬT SINH HOẠT

-ooOoo-

CHƯƠNG VI

NGHI THỨC XUẤT GIA SA-DI
(PABBAJITAVIDHĪ)

Thiện nam tử muốn xuất gia tu tập trong Phật giáo, trước phải tu giới phẩm Sa-di (sāmaṇera) rồi mới tu lên bậc trên thành Tỳ-khưu (bhikkhu) sau đó hoặc thời gian khác.

Nghi thức xuất gia Sa-di đã được Ðức Phật chuẩn hành từ xưa, có ghi lại trong Luật tạng, bộ Đại phẩm (mahāvagga).

Hàng Sa-di chỉ mới bước đầu tập sự theo hạnh sa-môn (samaṇa) nên Ðức Thế Tôn cho phép thọ trì tam qui và thập giới chừng ấy thôi.

Về nghi thức, trước nhất vị thiện nam tử phải tìm đủ y và bát (hàng Sa-di không cần đủ tam y, chỉ cần y vai trái và y nội). Phải tìm nương vị trưởng lão đức hạnh để bái làm thầy tế độ (upajjhāya).

Sau khi được sự chấp nhận cho xuất gia, phải cạo bỏ râu tóc (việc này cần bố cáo cho tăng biết) thiện nam tử, bấy giờ là giới tử, hãy mang y bát đến trước mặt vị thầy tế độ, đảnh lễ vị ấy ba lạy rồi đứng lên chắp tay nghiêm trang và tác bạch rằng:

"Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumoditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ sādhu sādhu anumodāmi. Ukāsa kāruññaṃ katvā pabbajjaṃ detha me bhante."

(Nghĩa: Bạch Ngài, con thành kính đảnh lễ Ngài. Bạch Ngài, xin hãy xá mọi tội lỗi cho con; phước báo con đã làm xin Ngài tùy hỷ, phước báo Ngài đã tạo hãy cho đến con, lành thay! con xin tùy hỷ. Bạch Ngài, kính xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn mà cho con xuất gia).

Rồi ngồi xuống theo thế ngồi chồm hổm, chấp tay lên nói tiếp:

"Ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi; dutiyampi ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi; tatiyampi ahaṃ bhante pabbajjaṃ yācāmi".

(Nghĩa: Bạch Ngài, con cầu xin được xuất gia; lần thứ nhì, con cầu xin được xuất gia; lần thứ ba, con cầu xin được xuất gia).

Kế đến giới tử cầm lấy bộ y ca-sa dâng đến tay thầy tế độ và tác bạch như sau:

"Sabbadukkhanissaraṇanibbānasacchikaraṇat-thāya imaṃ kāsāvaṃ gahetvā pabbājetha maṃ bhan-te anukampaṃ upādāya." (nói ba lần).

(Nghĩa: vì mục đích chứng ngộ níp bàn và thoát mọi khổ đau, Bạch Ngài, xin Ngài vì lòng bi mẫn mà thu nhận y cà sa này và cho con xuất gia)

Giới tử lại đọc lời này để xin y ca-sa:

"Sabbadukkhanissaraṇanibbānasacchikaraṇat-thāya etaṃ kāsāvaṃ datvā pabbājetha maṃ bhante anukampaṃ upādāya." (nói ba lần).

(Nghĩa: vì mục đích chứng ngộ níp bàn và thoát mọi khổ đau, Bạch Ngài, xin Ngài vì lòng bi mẫn mà cho lại con y ca sa đó và cho con xuất gia).

Khi giới tử dứt lời, Thầy Hòa Thượng hãy trao lại y cà sa cho giới tử và dạy sơ lược về cách quán tưởng khi mặc y phục, đồng thời dạy về đề mục niệm thân thể trược như sau; giới tử phải nói theo từng đề mục:

"Kesā, lomā, nakhā, dantā, taco; taco, dantā, nakhā, lomā, kesā".

(Nghĩa: tóc, lông, móng, răng; da, da, răng, móng, lông, tóc).

Xong rồi giới tử lui ra đến chỗ khuất mà thay đổi tướng mạo mặc y cà sa vào nghiêm trang đúng luật, mới trở lại trước mặc Thầy Hòa Thượng đảnh lễ Ngài ba lạy, và đứng lên chắp tay tác bạch xin thọ qui giới, như sau:

"Ukāsa vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khamatha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumoditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ sādhu sādhu anumodāmi. Ukāsa kāruññaṃ katvā tisaraṇena saha sīlāni detha me bhante." (nghĩa như trước, đoạn cuối nghĩa là: Bạch Ngài, xin hãy bi mẫn truyền qui giới cho con).

Ðoạn ngồi chồm hổm chắp tay đọc tiếp:

"Ahaṃ bhante saraṇasīlaṃ yācāmi, dutiyampi ahaṃ bhante saraṇasīlaṃ yācāmi, tatiyampi ahaṃ bhante saraṇasīlaṃ yācāmi".

(Nghĩa: Bạch Ngài, con cầu xin thọ qui giới, lần thứ nhì . . . lần thứ ba. . .)

Thầy Hòa Thượng phán:

"Yam ahaṃ vadāmi taṃ vadehi"

(Ta nói lời nào ngươi hãy nói theo lời ấy).

Giới tử lãnh giáo:

"Āma bhante" (xin vâng, bạch Ngài).

Thầy Hòa Thượng niệm Phật và giới tử cũng làm theo:

Namo tassa bhagavato arahato sammāsam-buddhassa (kính lễ Ðức Thế Tôn, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri); ba lần.

Tiếp đến, Thầy Hòa Thượng truyền dạy giới tử thọ Tam qui, đọc hai giọng Nam và Bắc phạn:

- Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Phật).
- Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Pháp).
- Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Tăng).

- Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Phật, lần thứ nhì).
- Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Pháp, lần thứ nhì).
- Dutiyampi Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Tăng, lần thứ nhì).

- Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Phật, lần thứ ba).
- Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Pháp, lần thứ ba).
- Tatiyampi Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi (con thành kính qui y Tăng, lần thứ ba).

Phải đọc lại tam qui một lần nữa bằng giọng Bắc. Phân biệt giữa giọng Nam và giọng Bắc. Giọng Nam phát âm mũi (nāsikaja) như "Buddhaṃ (ṃ) saraṇaṃ (ṃ) gacchāmi" ... ; còn giọng Bắc là phát âm môi (oṭṭhaja) hợp với âm mũi (nāsikaja) như "buddham (m) saraṇam (m) gacchāmi" ... vì rằng phẩm mạo Sa-di được thành tựu hay không do sau lời tuyên thệ Tam qui (tisaraṇagamana), nên phải phát âm cho đúng chuẩn tiếng Phạn.

Sau phần giới tử đã thọ tam qui,Thầy Hòa Thượng nhắc nhở:

"Tisaraṇaggahanaṃ paripuṇṇaṃ" (phép thọ trì tam qui đã tròn đủ)

Sa-di lãnh giáo: "Āma bhante".

Thầy Hòa Thượng tiếp tục truyền thọ thập giới cho Sa-di:

1. Pāṇāṭipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng sát sanh).

2. Adiṇṇādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng trộm cắp).

3. Abramhmacariyā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng hành dâm).

4. Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng nói dối).

5. Surāmerayamajjapamādaṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng uống rượu dể duôi).

6. Vikālabhojanā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng ăn phi thời).

7. Naccagītavāditavisūkadassanā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng sự ca nhạc khiêu vũ).

8. Mālāgandhavilepanadhāranamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng sự trang điểm đeo tràng hoa xức hương liệu).

9. Uccāsayanamahāsayanā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng chỗ nằm ngồi cao rộng).

10. Jātarūparajatappaṭiggahanā veramaṇī sik-khāpadaṃ samādiyāmi. (con thọ trì điều học kiêng thọ nhận vàng bạc châu báu).

Kết luận, đọc ba lần như sau:

"Imāni dasa sikkhāpadāni samādi-yāmi"

(Con xin thọ trì cả mười điều học này).

Sa-di đã được truyền thọ mười giới như vậy rồi, đảnh lễ Thầy Hòa Thượng. Tiếp theo đó là làm nghi thức bái sư và xin y chỉ (nissaya).

Sa-di đứng lên trước mặt Thầy Hòa Thượng, chấp tay tác bạch như sau:

"Vandāmi bhante sabbaṃ aparādhaṃ khama-tha me bhante mayā kataṃ puññaṃ sāminā anumo-ditabbaṃ sāminā kataṃ puññaṃ mayhaṃ dātabbaṃ sādhu sādhu anumodāmi. Ukāsa kāruññaṃ katvā nissayaṃ detha me bhante." (Nghĩa: bạch Ngài, con xin đảnh lễ Ngài v.v. bạch Ngài, xin Ngài từ bi cho con y chỉ).

Phục xuống ngồi chồm hổm chấp tay, đọc tiếp:

" Ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi, dutiyampi ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi, tatiyampi ahaṃ bhante nissayaṃ yācāmi".

" Upajjhāyo me bhante hohi".

(Nghĩa: bạch ngài, con cầu xin pháp y chỉ, lần thứ nhì ... lần thứ ba ... Bạch Ngài, xin hãy là Thầy Tế Ðộ của con".

Vị Hòa Thượng chấp nhận bằng lời:

"Sādhu!" (tốt lắm!)

Hoặc lāhu, paṭirūpaṃ, opāyikaṃ, pāsādikena, sampādehi ... một tiếng nào cũng được.

Sa-di cúi đầu bái nhận bằng lời:

"Ukāsa sampaṭicchāmi. Sampaṭicchāmi. Sam-paṭicchāmi."

(Nghĩa là: thưa, con xin lĩnh hội. con xin lĩnh hội. con xin lĩnh hội.)

vẫn tiếp tục nói:

"Ajjatagge'dāni thero mayhaṃ bhāro, ahampi therassa bhāro". (ba lần).

(Nghĩa: kể từ hôm nay trưởng lão là trọng trách của con, phần con cũng là trọng trách của trưởng lão).

Xong, Sa-di đảnh lễ thầy ba lạy và ngồi xuống nơi phải lẽ để nghe thầy dạy dỗ ... từ đây vị Sa-di này phải làm tròn các bổn phận của vị đệ tử đối với Thầy Tế Ðộ, phải luôn luôn tinh tấn học tập và trau dồi phẩm hạnh Sa-di nếu trong thời gian chưa được tu lên bậc trên.

DỨT LUẬT NGHI XUẤT GIA SA-DI

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02

Xem thêm: Luật Sa-di (Bắc tông), Hòa thượng Thích Trí Quang.

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Giới đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2003)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-12-2003