Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

LUẬT NGHI SA-DI
SĀMAṆERAVINAYA

TỲ KHƯU GIÁC GIỚI

DL 1997- PL 2541

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


[01]

CHƯƠNG I

PHẦN GIỚI THIỆU

I. 1. NỘI DUNG GIỚI LUẬT

Vinayo sāsanamūlaṃ, Luật là cội rễ của giáo pháp. Một cổ thụ được tồn tại vững chắc là nhờ có rễ to, rễ ăn sâu xuống lòng đất và lan rộng khắp hướng. Cũng vậy Giáo Pháp toàn hảo của bậc Chánh Ðẳng Giác sẽ nhờ có Tạng Luật duy trì cho được tồn tại; bởi vì Giáo Pháp này sau khi đức Thế Tôn viên tịch thì chính do các vị đệ tử xuất gia, Tăng Chúng, sẽ kế thừa sứ mệnh hoằng truyền mà nếu là vậy thì Tăng chúng phải sinh hoạt đồng nhất theo Luật đã chế định, mới có thể hòa hợp nhau, thống nhất ý chí tổ chức và lãnh đạo được. Tăng chúng xuất gia gồm những thành viên của Giáo Hội xuất thân từ các dòng tộc khác nhau, giai cấp xã hội khác nhau, có quốc tịch khác nhau ... Bởi thế Tăng chúng cần phải nương vào Luật để sinh hoạt hòa hợp với nhau.

Giáo pháp của Ðức Chánh Biến Tri phân thành ba Tạng (piṭaka), nhưng chỉ gồm có hai phần là Pháp (dhamma) và Luật (vinaya). Pháp gồm những lời dạy mang tính triết lý tu tập thuộc về tạng Kinh và tạng Vi Diệu Pháp. Luật gồm những lời dạy mang tính cách nội quy, nghi thức và phận sự để sinh hoạt, thuộc tạng Luật (vinayapiṭaka).

Kinh tạng đặc biệt chú trọng về nghĩa lý (suttanto atthagambhīro); Vi Diệu Pháp tạng đặc biệt giải sâu xa về bản thể pháp (Abhidhammo sa-bhāvagambhīro); Riêng về luật tạng thì chú trọng về phận sự (vinayo kiccagambhīro).

Khi đức Phật sắp viên tịch, Ðại Ðức Ānanda Thị giả có hỏi ngài về vị thầy để Tăng chúng nương nhờ sau này, thì đức Phật đã phán dạy rằng: "Yo vo Ānanda mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto so vo mam' accayena satthā, này Ananda, pháp và luật mà Ta đã thuyết dạy trình bày cho các ngươi thì chính pháp và luật ấy là vị thầy của các ngươi sau khi Ta diệt độ."

Như thế thì các Thiện nam tử sau khi đã xuất gia trở thành vị Tỳ-khưu (bhikkhu) hay vị Sa-di (Sāmaṇera) rồi, cần phải học hiểu thông thạo về Giới Luật; đó là điều tốt đẹp cho phạm hạnh và Giáo Pháp.

I. 2. MỤC ÐÍCH CỦA GIỚI LUẬT

Khi đức Chánh Biến Tri chế định học giới (Sikkhāpadapaññatti) cho Tăng chúng, ngài đã nêu lên mười mục đích (atthavasa) để vì sao mà ngài phải chế định Giới Luật.

Mười mục đích (atthavasa) đó là:

1. Saṅghasuṭṭhutāya, chế định giới luật để đem lại sự tốt đẹp cho Tăng chúng.

2. Saṅghaphāsutāya, chế định giới luật để đem lại sự an vui cho Tăng chúng.

3. Dummaṅkūnaṃ puggalānaṃ niggahāya, chế định giới luật để kiềm chế những người xấu.

4. Pesalānaṃ bhikkhūnaṃ phāsuvihārāya, chế định giới luật để đem lại lạc trú cho các Tỳ-khưu đức hạnh.

5. Diṭṭha dhammikānaṃ āsavānaṃ saṃvarāya, chế định giới luật để ngăn chận các lậu hoặc phiền não trong đời hiện tại.

6. Samparāyikānaṃ āsavānaṃ paṭighātāya, chế định giới luật để tiêu trừ các lậu hoặc trong đời tương lai.

7. Appasannānaṃ pasādāya, chế định giới luật để đem lại niềm tin cho những người chưa có niềm tin.

8. Pasannānaṃ bhiyyobhāvāya, chế định giới luật để làm tăng trưởng niềm tin cho những người đã tin.

9. Saddhammaṭṭhitiyā, chế định giới luật để duy trì Chánh Pháp.

10. Vinayānuggahāya, chế định giới luật để củng cố qui củ.

Những mục đích về việc chế định giới luật được trình bày trích trong Mahāvagga I.20, và Aṅguttaranikāya .V.70.

Giới luật cũng giống như sợi chỉ, kết xâu những bông hoa thành vòng hoa không bị gió làm rời rạc, cũng như giới luật sẽ kết đoàn Tăng chúng, khiến Tăng hòa hợp và có sức mạnh. Ðức Phật dạy rằng khi nào chư Tăng còn thọ trì giới luật không hủy bỏ các học giới đã được ban hành, thì khi ấy Tăng chúng còn được cường thịnh không thối giảm (D.III. Kinh Mahāparinibbāna).

I.3. GIỚI LUẬT SA-DI.

Hội chúng đệ tử của Ðức Phật gồm có hai là xuất gia và tại gia.

Chúng xuất gia chia ra hai Tăng đoàn là Tỳ-khưu và Tỳ-khưu-ni. Chúng tại gia là những người cư sĩ có niềm tin qui y Tam Bảo, có hai thành phần là Cận Sự nam và Cận Sự nữ.

Tăng đoàn Tỳ-khưu, nam tu sĩ, gồm có Tỳ-khưu (bhikkhu) là những vị chính thức là thành viên giáo hội tăng già, thọ Cụ Túc Giới (upasampadā), lại có thành phần xuất gia chưa thọ Cụ Túc Giới (anusampanna) đang tập sự để thành bậc Tỳ Khưu, đó gọi là Sa-di (sāmaṇera hay samaṇuddesa).Phía Tăng đoàn ni cũng thế, gồm có hàng Tỳ-khưu ni (bhikkhunī) và Sa-di ni (sāmaṇerī), lại còn thêm hạng nữa là Thất-xoa-ma-na hay học nữ (Sikkhā-mānā) sau hàng Sa-di ni.

Trong quyển luật này chỉ xin trình bày về Giới Luật và phận sự của hàng Sa-di (Sāmaṇeravinaya) để giúp các vị Sa-di tu trong giáo pháp nương theo đó thực hành trau giồi đức hạnh tốt đẹp hầu đến lúc trưởng thành tu lên bậc trên là Tỳ-khưu. Cũng nói thêm là đây chỉ đề cập đến Luật Sa-di phái Tăng thôi, không nói luật Sa-di ni, bởi lẽ theo truyền thống phật giáo Nam Tông hiện tại không còn hình thức Ni chúng nữa, mặc dù trong Luật-Tạng (vinaya-piṭaka) vẫn còn ghi lại nguyên vẹn tứ Luật phần Tỳ-Kheo-Ni.

Giải về danh từ Sa-di, Pāli gọi là Sāmaṇera hay Samaṇuddesa, có nghĩa là con của bậc Sa-môn (Tỳ-khưu), hay là người thực tập hạnh Sa-môn để trở thành vị Sa-môn (Tỳ-khưu) thật sự.

Giới luật và phận sự của hàng Sa-di không quá nhiều và khắt khe như của hàng Tỳ-khưu, nhưng cũng không phải là quá dễ dãi. Ðức Thế Tôn đã chế định trong Luật Tạng bộ Ðại Phẩm (Mahā-vagga) các học giới cho hàng Sa-di, gồm có các điều học (Sikkhāpada), các điều hành phạt (Daṇḍa-kamma) và các điều trục xuất (Nāsanaṅga); chỉ bấy nhiêu, nhưng về sau các bậc A-Xà-Lê đã dựa theo tôn ý Ðức Phật nên dạy thêm cho các vị Sa-di phải thực hành một số qui củ có trong giới bổn Pātimokkha của Tỳ-khưu để đem lại một đời sống Sa-di đức hạnh, nhất là các uy nghi tế hạnh và các điều răn thuộc lỗi lầm đời quở trách (Lokavajja).

-ooOoo-

CHƯƠNG II

LUẬT HỌC TẬP
(Sikkhādhamma)

Chương này sẽ nói đến các giới học và các nguyên tắc sống mà vị Sa-di phải thọ trì. Gồm có Điều học (Sikkhāpada), Ưng học pháp (Sekhiya-dhamma) và Phận sự (Kiccavatta).

II.1. CÁC ÐIỀU HỌC (Sikkhāpada)

Ðức Phật đã chế định mười Điều học cho các Sa-di, có trong tạng luật, bộ Ðại Phẩm, như sau:

Anujānāmi bhikkhave sāmaṇerānaṃ dasa sikkhāpadāni tesu ca sāmaṇerehi sikkhituṃ pāṇātipātā veramaṇī adinnādānā veramaṇī abrahmacariyā vera-maṇī musāvādā veramaṇī surāmerayamajjappamā-daṭṭhānā veramaṇī vikālabhojanā veramaṇī nacca-gītavāditavisūkadassanā veramaṇī mālāgandhavile-paṇadhāraṇamaṇḍaṇavibhūsanaṭṭhānā veramaṇī uc-cāsayanamahāsayaṇā veramaṇī jātarūparajatapaṭig-gahanā veramaṇī. Anujānāmi bhikkhave sāmaṇerā-ṇaṃ imāni dasa sikkhāpadāni imesu ca sāmaṇerehi sikkhitun 'ti.

Nghĩa là: "Này chư Tỳ-khưu, Ta chế định mười học giới cho các Sa-di; Hàng Sa-di phải học tập những điều ấy. Kiêng tránh sự sát sanh, Kiêng tránh sự trộm cắp, Kiêng tránh sự hành dâm, Kiêng tránh sự nói dối, Kiêng tránh sự dể duôi uống rượu chất say, Kiêng tránh sự ăn phi thời, Kiêng tránh sự múa hát đờn kèn xem múa hát nghe đờn kèn, Kiêng tránh sự trang điểm thoa xức hương liệu tràng hoa, Kiêng tránh sự nằm ngồi chỗ cao rộng, Kiêng tránh thọ nhận vàng và bạc. Này chư Tỳ-khưu, Ta chế định mười học giới này cho hàng Sa-di, các Sa-di phải học tập theo đó."

Ðức Thế-Tôn đã chế định mười điều học (Sikkhāpada) cho hàng Sa-di. Mười điều học ấy cần phải được hiểu rõ thông suốt và thuộc lòng bởi các vị Sa-di. Phải hiểu thông chi giới (aṅga) của mỗi điều học, hiểu rõ sở hành (payoga) của mỗi điều học, thuộc làu tụng đọc giới được, như thế mới đáng gọi là vị Sa-di thiện xảo về giới.

Nghĩa chú:

1. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ nhất như sau: "Pāṇātipātā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyā-mi, con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự sát sanh."

Gọi là "sự sát sanh" tức là làm chết hay cắt đứt mạng sống của một sinh vật. Sự cố ý sát sanh hội đủ 5 chi (aṅga) là :

a. Pāṇo, sinh vật tức là vật có thức tánh.
b. Pāṇasaññitā, biết rõ đó là sinh vật.
c. Vadhakacittaṃ, có tâm muốn sát hại.
d. Upakkamo, cố sức giết bằng mọi cách.
e. Tena maranaṃ, sinh vật đã chết do sự cố sát ấy.

Hội đủ năm chi này mới gọi là đứt giới, phạm điều học; nếu chỉ hành động thiếu một hai chi thì gọi là giới lủng rách, giới bất tịnh thôi.

Sa-di phạm điều giới sát sanh tròn đủ chi bị tội trục xuất (nāsanaṅga).

Mặt khác, điều giới sát sanh bị phạm đều do 2 sở hành (payoga), tức là: phạm do tự mình hành động (Sahatthikappayoga), và cũng phạm do bảo kẻ khác làm (āṇattikappayoga) ở đây có nghĩa là Sa-di tự mình sát sanh hay xúi bảo người khác sát sanh cũng đều gọi là phạm giới sát sanh. Nên điều học này có tên là sāṇattika, tức là điều giới cũng phạm do ra lệnh cho kẻ khác.

2. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ hai như sau: "Adinnādānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādi-yāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự trộm cắp."

Gọi là "Trộm cắp", tức là lấy vật của người khác mà người chủ ấy chưa cho đến mình bằng lời hay hành động; vật của người, là gồm có động sản và bất động sản, thậm chí là cọng rau, cây cỏ v.v.

Hành động trộm cắp, gọi là phạm tội do hội đủ 5 chi (aṅga):

a. Parapariggahitam, vật có chủ gìn giữ.
b. Parapariggahitasaññitaø, biết là vật có chủ gìn giữ.
c. Theyyacittam, có tâm muốn lấy trộm.
d. Upakkamo, cố sức lấy.
d. Tena haranaṃ, vật đã bị mang đi khỏi chỗ do sự rán sức ấy.

Hội đủ năm chi như thế gọi là đã phạm điều học giới.

Sa-di phạm điều giới trộm cắp bị tội trục xuất (Nāsanaṅga).

Nói về điều giới trộm cắp, sở hành phạm tội (payoga) có 2 cách là tự mình hành động (Sahat-thikapayoga) cũng phạm, và xúi bảo người khác trộm cắp (āṇattikappayoga) cũng gọi là phạm. Ðiều giới này có tên là Sāṇattika.

3. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ ba như sau: "Abrahmacariyā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự hành dâm."

Gọi là "hành dâm", tức là làm việc tình dục cấu uế phi phạm hạnh, khi tâm yếu hèn bị dục vọng thể xác chi phối bèn hành động để hưởng khoái lạc, đó gọi là hành dâm.

Hành động gọi là phạm tội hành dâm, do hội đủ 4 chi (aṅga) là:

a. Bhedanavatthu, có lỗ khiếu để hành dâm, một trong 30 khiếu.
b. Sevanacittam, có tâm muốn hành lạc.
c. Tajjo vāyāmo, cố gắng hành động.
d. Maggena maggappaṭipādanaṃ, đã để khiếu của mình vào khiếu khác.

Ðủ 4 chi như vậy gọi là hành dâm, phạm điều học giới.

Sa-di hành dâm bị tội trục xuất (nāsanaṅga).

Nói về sự hành dâm, sở hành phạm giới này (payoga) là tự mình hành động (sahatthikappayoga); xúi bảo người khác hành dâm thì không gọi là phạm giới hành dâm. Ðiều giới này có tên là aṇānattika, nghĩa là điều giới mà không phạm tội do ra lệnh kẻ khác.

4. Sa-di phải học tụng điều giới thứ tư như sau: "Musāvādā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự nói dối."

Gọi là "nói dối", tức là nói điều không thật có bằng tâm cố ý gạt gẫm người khác, nói cho người khác tin điều không đúng, thậm chí là nói dối để đùa.

Sự nói dối phạm giới khi hội đủ 4 chi (aṅga) :

a. Atathaṃvatthu, chuyện không đúng sự thật.
b. Visaṃvādanacittam, có tâm muốn nói cho sai sự thật.
c. Tajjo vāyāmo, cố gắng nói sai.
d. Parassa tadatthavijānānaṃ, đã khiến người khác hiểu tin như thế.

Hội đủ 4 chi như vậy thì gọi là đã phạm điều học giới.

Sa-di phạm điều nói dối bị tội trục xuất (nāsanaṅga).

Nói về sở hành phạm tội (payoga)trong điều học này là chỉ phạm tội do tự mình hành động nói dối (Sahatthikappayoga), không phạm tội do xúi bảo kẻ khác nói dối (āṇattikappayoga). Do đó điều học này có tên là anāṇattika, điều giới mà phạm không do xúi kẻ khác.

5. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ năm như sau: "Surāmerayamajjappamādaṭṭhānā veramaṇī sik-khāpadaṃ samādiyāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh nhân dể duôi do uống rượu và chất say."

Gọi là "rượu và chất say", tức là thức uống có nồng độ mạnh, có khả năng kích thích loạn tâm thần; chất say này là "rượu men" tức là rượu do ủ chứa một loại trái cây cho lên nồng độ, hai là "rượu nấu", một loại do pha chế từ nhiều chất kích thích với nước ... uống chất say ấy gọi là uống rượu.

Gọi là phạm tội uống rượu do hội đủ 4 chi (aṅga) :

a. Majjanīyavatthu, thức uống đó là chất làm say.
b. Pātukamyatācittam, có tâm muốn uống.
c. Tajjo vāyāmo, rán sức uống chất ấy.
d. Tassa pānaṃ, đã uống nước say ấy khỏi cổ.

Sa-di có tâm thích thú uống chất say ấy dù chỉ là một giọt cũng gọi là phạm. Nếu dùng rượu chút ít để giải độc hay giải mùi hôi trong thức ăn thì không phạm tội.

Sa-di cố ý dể duôi uống rượu bị phạm tội trục xuất (nāsanaṅga).

Nói về sở hành phạm tội (payoga) trong điều học này là chỉ phạm tội do tự mình làm (sahatthi-kappayoga), không phạm tội vì xúi kẻ khác. Nên điều học này được gọi tên là anāṇattika.

6. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ sáu như sau: "Vikālabhojanā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādi-yāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự ăn phi thời."

Gọi là "phi thời" tức là từ mặt trời giữa trưa đứng bóng chính xác cho đến lúc rạng đông ngày sau. Từ lúc rạng đông (aruṇuggamana) cho đến thật đứng bóng thì gọi là chánh thời. Trong chú giải nói rằng dù mặt trời vừa chinh hướng tây khoảng cách hai lóng tay cũng gọi là phi thời rồi.

Gọi là "sự ăn" tức là dùng loại vật thực như cơm, bánh, cá, thịt v.v. loại vật thực mà được cho là thức ăn trong thời buổi sáng (yāvakālika) thì không được phép dùng vào buổi phi thời, thậm chí là các loại rễ cũ nấu thành bột được và trái cây.

Các loại rễ như cây mía và trái như cam, bưởi ... mà ép ra nước được thì cho phép dùng uống vào phi thời nhưng phải lượt kỷ bỏ bả xác.

Giới ăn phi thời, có 3 chi; hội đủ 3 chi ấy thì phạm tội:

a. Vikālo, lúc phi thời như đã giải trên.
b. Yāvakālikaṃ, là vật thực chỉ cho phép dùng trong thời, tức trong buổi sáng.
c. Ajjhoharanaṃ, đã nuốt khỏi cổ.

Trong chú giải dạy thêm rằng, khi ăn xong vật thực mà chưa xỉa răng súc miệng, còn chút ít vật thực dính lại đến quá thời nuốt vào cũng gọi là phạm. Vì vậy ăn xong phải dùng tâm xỉa răng và nước súc miệng cho sạch; nếu nơi ấy không có nước mà gần qua phi thời thì nên nhổ nước miếng hai ba lần gọi là tác tịnh rồi sau đó tìm nước súc miệng.

Sa-di ăn phi thời bị tội hành phạt (daṇḍakamma).

Sở hành phạm tội (payoga) trong điều học này là chỉ phạm do tự mình làm, tức là tự mình ăn phi thời (Sahatthikappayoga). Không phạm do xúi bảo kẻ khác. Bởi thế điều học này gọi là anāṇattika.

7. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ bảy như sau:"Naccagītavāditavisūkadassanā veramaṇī sikkhā padaṃ samādiyāmi, Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự ca nhạc khiêu vũ."

Gọi là "Ca nhạc" tức là hát lên những bài hát; tự mình ca hát hoặc nghe người khác ca hát, cũng gọi là thưởng thức ca nhạc.

Gọi là "khiêu vũ" tức là múa những điệu múa theo tiếng nhạc hay có bài bản nhịp nhàng; tự mình vũ múa hay xem người khác vũ múa, cũng gọi là thưởng thức khiêu vũ.

Ðiều giới này phạm tội do hội đủ 3 chi (aṅga):

a. Naccagītādi, ấy là điệu múa, bài ca v.v .
b. Kattukamyatācittam, có tâm muốn hành động.
c. Sutadassanatthāya gamanaṃ, đã đi nghe hoặc xem v.v.

Tình cờ nghe tiếng hát hoặc thấy khiêu vũ, nhưng tâm không muốn thưởng thức, không hoan hỷ thì không phạm tội. Nếu tự mình ca hát hay khiêu vũ thì đã là có tâm muốn và thích rồi, nên gọi là phạm tội trong mọi trường hợp.

Sa-di ca nhạc khiêu vũ bị phạm tội hành phạt (daṇḍakamma).

Về sở hành phạm tội (payoga) trong điều học này là phạm do tự mình làm, tức là tự mình hát, vũ hoặc nghe nhạc, xem múa (sahatthikappayoga); không phạm do xúi bảo kẻ khác. Nên điều học này cũng gọi là anānattika.

8. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ tám như sau: "Mālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsa-naṭṭhānā veramaṇī sikkhāpadaṃ samādiyāmi, Con xin thọ trì điều học là kiêng tránh sự trang điểm đeo tràng hoa thoa xức hương liệu."

Gọi là "trang điểm" tức là làm đẹp xác thân, là nhân làm cho ái luyến sanh khởi.

Gọi là "đeo tràng hoa" tức là mang vào cổ, vào tai, vào cánh tay những vật trang sức được làm bằng vàng bạc ngọc châu ... thậm chí là đội trên đầu, cài trên tóc những cành hoa, chùm hoa hay vòng hoa tươi.

Gọi là "thoa xức hương liệu", tức là dùng loại chất thơm, hình thức nước hoặc bột phấn rồi thoa phết trên thân mình.

Ðiều giới này phạm tội do hội đủ 3 chi (aṅga):

a. Mālādi, ấy là vật liệu trang điểm như vòng hoa v.v.
b. Dhāraṇachandatā, ham muốn trang điểm.
c. Tassa dhāraṇaṃ, đã trang điểm bằng thứ ấy.

Khi che dù đội nón mà có đính sản vật như vòng hoa, hoặc thoa thuốc để trị bệnh mà có mùi thơm, nhưng tâm không chú ý ưa thích thì không phạm tội.

Sa-di trang điểm làm đẹp bị phạm tội hành phạt (daṇḍakamma).

Về sở hành phạm tội (payoga), điều học này bị phạm do tự mình làm (sahatthikappayoga) tức là tự mình trang điểm làm đẹp thân mình. Không phạm tội do khuyến khích người khác trang điểm; nếu bảo người làm cho mình thì tất nhiên bị phạm điều học này. Ðây cũng là điều giới thuộc anāṇattika.

9. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ chín như sau: "Uccāsayanamahāsayanā veramaṇī sikkhāpa-daṃ samādiyāmi, con xin thọ trì điều học kiêng tránh sàng tọa cao rộng."

Gọi là "sàng tọa" tức là chỗ nằm chỗ ngồi, sàng tọa cao rộng: gọi là chỗ nằm ngồi cao (ucca) là đo từ mặt đất lên quá 5 tấc (dm) tức là luật chỉ cho phép làm giường ghế chân cao khoảng 8 ngón của Ðức Phật hay 24 ngón của người thường, khoảng 5 tấc tây (dm), cao từ 5 tấc hoặc thấp hơn gọi là chỗ không cao. Gọi là chỗ nằm ngồi rộng (mahā) là giường hay ghế có diện tích quá khổ, ở đây gọi là quá khổ tức là rộng mà có thể 16 vũ nữ đứng múa được. Nói tóm lại gọi là sàng tọa cao rộng tức là chỗ nằm ngồi sang cả, thoải mái, khiến thân xác dễ chịu làm cho tâm phàm dễ sanh tà tư duy.

Ðiều học này phạm tội do hội đủ 3 chi (aṅga):

a. Uccāsayanamahāsayanaṃ, ấy là chỗ nằm ngồi quá cao quá rộng.
b. Paribhogacittaṃ, có tâm muốn sử dụng.
c. Paribhogakaranaṃ, đã làm và thọ dụng chỗ ngồi ấy.

Khi có người mời đến nhà để họ làm phước, thỉnh nằm ngồi trên chỗ của họ thuộc cao sang quí trọng thì nên tác ý chỗ nằm ngồi phải lẽ thôi, không nên thỏa thích.

Sa-di tạo ra và sử dụng sàng tọa cao rộng bị phạm tội hành phạt (daṇḍakamma).

Về sở hành phạm tội (payoga), điều học này bị phạm do tự mình làm (sahatthikappayoga), tức là chỉ khi chính mình nằm ngồi chỗ cao rộng mới gọi là phạm; không phạm tội vì bảo kẻ khác làm. Do đó điều học này cũng thuộc điều giới anāṇattika.

10. Sa-di phải đọc tụng điều giới thứ mười như sau: "Jātarūparajatappaṭigahanā veramanī sikkhāpa-daṃ samādiyāmi. Con xin thọ trì điều học kiêng tránh sự nhận thọ vàng bạc."

Gọi là "vàng" tức là loại kim loại quí giá trong dạng vàng lá, vàng khối, vàng trang sức ... gọi là "bạc" tức là bạc kim loại, bạc làm đồ trang sức, hay bạc làm tiền tệ để mua bán, dưới dạng bạc giấy, bạc nén, hoặc các vật đã qui định thành tiền tệ đều gọi là bạc.

Gọi là nhận thọ tức là tự tay lấy cất giữ hay bảo người khác cất giữ cho mình cũng gọi là hình thức thọ nhận vàng bạc.

Ðiều giới này phạm tội do hội đủ 3 chi (aṅga):

a. Jātarūparajataṃ, ấy là vàng và bạc được qui định có giá trị tài sản.
b. Attuddissatā, giữ cho mình.
c. Patiggaṇhāti, tự thọ nhận hoặc bảo kẻ khác nhận dùm và vui thích theo sự nhận ấy.

Sa-di giữ vàng bạc không phải cho mình hoặc bị bắt buộc cầm lấy như tâm tính sẽ đem cho hoặc ném bỏ đi, ấy không gọi là phạm tội.

Về sở hành phạm tội do cả hai cách là tự mình nhận (sahatthikappayoga), và xúi bảo kẻ khác nhận (āṇattikappayoga). Nên điều học này có tên là sāṇattika.

DỨT MƯỜI ÐIỀU HỌC.

-ooOoo-

II.2. ƯNG HỌC PHÁP (Sekhiyadhamma).

Trong Pāli Sāmaṇeravinayapātha có lời dạy rằng:

Sekhiyavattakkhandhakavattesu aññesu ca suk kavisaṭṭhi ādilokavajjasikkhāpadesu ca sāmaṇerehi vattitabbaṃ tattha avattamāno alajjī daṇḍakammā-raho va hoti.

Nghĩa là: đối những điều học như Ưng học pháp, pháp hành và các điều học thế thường tội (lokavajja) thì các Sa-di cũng phải chấp hành. Sa-di nào không chấp hành không biết thẹn thì đáng phải tội hành phạt."

Như vậy, ngoài 10 điều học (sikkhāpada) vị Sa-di còn có những học giới khác phải tuân theo nữa.

Ưng học pháp (Sekhiyadhamma hay sekhiya-vatta) gồm có 75 điều:

1. Parimaṇḍalam nivāsissāmī' ti sikkhā kara-ṇīyā. Ðiều học cần phải hành là ta phải vận y gọn gàng.

Gọi là "vận y - nivāsissāmi" tức là quấn y nội (antaravāsakam). Gọi là "gọn gàng - Parimaṇḍalaṃ" tức là mặc y nội đều phía trên kín rốn, phía dưới phủ quá đầu gối khoảng 8 ngón (2 tấc tay).

2. Parimaṇḍalaṃ pārupissāmī' ti sikkhā kara-ṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ mặc y gọn gàng.

Gọi là "mặc y - pārupissāmi" tức là khoác y vai trái (uttarāsangam). Trong điều này gọi là "mặc gọn gàng" tức là phía tay trái phủ y kín tới khuỷu tay, phía dưới phủ quá gối 4 ngón (khoảng 1 tấc tây).

3. Suppaṭicchanno antaraghare gamissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta phải che kín mình đi trong xóm nhà.

Gọi là "che kín - Suppaṭicchanno" tức là quấn trùm y kín cả hai vai khi đi trong xóm nhà, chớ không nên chừa trống vai phải như ở trong chùa. Gọi là "xóm nhà - antaraghare" tức là địa phận mà có trên 5 ngôi nhà cư sĩ cận nhau liên tiếp; cận nhau là gần có thể bên này ném đất tới bên kia theo sức người thường.

4. Suppaṭicchanno antaraghare nisīdissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ che kín mình khi ngồi trong xóm nhà.

Nghĩa là khi đến ngồi trong nhà cư sĩ cũng phải mặc y phủ cả hai vai. Nếu có ngủ lại trong đêm, lúc ngủ không che kín mình cũng được nhưng sáng ra phải mặc kín lại.

5. Susaṃvuto antaraghare gamissāmī' ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thu thúc khi đi trong xóm nhà.

Gọi là "thu thúc - susamvuto" tức là giữ oai nghi và cử chỉ cho nghiêm túc khi đi trong xóm.

6. Susamvuto antaraghare nisīdissāmī' ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thu thúc khi ngồi trong xóm nhà.

Nghĩa là lúc đến ngồi trong nhà cư sĩ, cũng phải nghiêm túc cử chỉ oai nghi.

7. Okkhittacakkhu antaraghare gamissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta đi trong xóm nhà mắt nhìn xuống.

Nghĩa là đi giữ xóm nhà cư sĩ không nên rảo mắt nhìn chỗ này chỗ kia. Gọi là "mắt nhìn xuống - Okkhittacakkhu" tức là mắt nhìn tới trước khoảng cách 4 hắc tay (khoảng 2 mét). Gặp nơi có thể xảy ra nguy hiểm như có thú dữ, người hung dữ, hoặc xe cộ thì được phép nhìn lên quan sát để đề phòng bất trắc.

8. Okkhittacakkhu antaraghare nisīdissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta ngồi trong xóm nhà mắt nhìn xuống.

Ðiều này nghĩa là khi có đến nhà cư sĩ ngồi lại trong nhà thì chỉ nên để mắt nhìn xuống khoảng cách chừng 4 hắc tay, chẳng nên nhìn lên tìm xem chỗ này chỗ kia, trừ khi để quan sát ngừa sự tai hại.

9. Na ukkhittakāya antaraghare gamissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta không vén y (bày thân thể) khi đi trong xóm nhà.

Ðiều này nghĩa là lúc đi trong xóm nhà cư sĩ không nên vén y để hở hang thân thể cho thấy.

10. Na ukkhittakāya antaraghare nisīdissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta không vén y (bày thân thể) khi ngồi trong xóm nhà.

Ðiều này cũng nghĩa là không nên vén y để hở hang thân thể cho thấy, khi vào ngồi trong nhà cư sĩ, dù là trong khi đang ngồi thọ thực. Nhưng nếu có ngủ lại trong đêm tại nhà cư sĩ, lúc ngủ vén y hở thân không phạm.

11. Na ujjagghikāya antaraghare gamissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không cười lớn tiếng khi đi trong xóm nhà.

Cười lớn tiếng, là cười phát thành tiếng mà người khác nghe được, dù có bệnh cũng phạm tội vì dể duôi. Có cớ thì chỉ mỉm cười.

12. Na ujjagghikāya antaraghare nisīdissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không cười lớn tiếng khi ngồi trong xóm nhà.

13. Appasaddo antaraghare gamissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ nói nhỏ tiếng khi đi trong xóm nhà.

Gọi là "nói nhỏ tiếng" tức là nói âm thanh vừa nghe thôi, hoặc hiểu bằng cách thí dụ có ba vị ngồi, vị ngồi đầu cách vị chót 12 hắc (khoảng 6 mét), vị đầu nói chuyện với vị giữa mà vị ngồi sau chót chỉ nghe tiếng nhưng không rõ nói gì, vậy gọi là nói nhỏ tiếng.

14. Appasaddo antaraghare nisīdissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ nói nhỏ tiếng khi ngồi trong xóm nhà.

Khi ngồi trong nhà cư sĩ, cần phải nói chuyện cho nhỏ nhẹ, tránh sự ồn ào mất tư cách, phát thanh vừa nghe cho vị ngồi kề bên, đừng nói chuyện to đến nỗi người ngồi xa 6 mét cũng nghe rõ. Trừ phi là thuyết pháp cho thí chủ nghe.

15. Na kāyappacālakaṃ antaraghare gamis-sāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không uốn éo thân mình khi đi trong xóm nhà.

Khi đứng giữa xóm nhà cư sĩ phải giữ thân mình nghiêm trang, không khom người qua lại.

16. Na kāyappacālakaṃ antaraghare nisīdis-sāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta không uốn éo thân mình khi ngồi trong xóm nhà.

17. Na bāhuppacālakaṃ antaraghare gamissā-mī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đánh đồng xa khi đi trong xóm nhà.

Khi đi tay nên nắm giữ y gọn gàng, chẳng nên như người cư sĩ tay quơ trước quơ sau.

18. Na bāhuppacālakaṃ antaraghare nisīdissā-mī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không múa máy khi ngồi trong xóm nhà.

19. Na sīsappacālakaṃ antaraghare gamissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không lắc đầu khi đi trong xóm nhà.

Có vị thành cố tật khi mỏi cổ hay vặn lắc đầu khi đi hoặc lúc ngồi, không nên như thế lúc đi giữa xóm nhà.

20. Na sīsappacālakaṃ antaraghare nisīdissā-mī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không lắc đầu khi ngồi trong xóm nhà.

21. Na khambhakato antaraghare gamissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không chống nạnh khi đi trong xóm nhà.

22. Na khambhakato antaraghare nisīdissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không chống nạnh khi ngồi trong xóm nhà.

23. Na oguṇṭhito antaraghare gamissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không trùm đầu khi đi trong xóm nhà.

24. Na ogunthito antaraghare nisīdissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không trùm đầu khi ngồi trong xóm nhà.

25. Na ukkutikāya antaraghare gamissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đi nhón gót khi vào trong xóm nhà.

26. Na pallatthikāya antaraghare nisīdissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ngồi bó gối khi ngồi trong xóm nhà.

Cả 26 điều Ưng học pháp này được gọi là điều luật tướng hảo (sāruppā), điều thực hành sẽ làm ra dáng đứng đắn, phong cách tốt. Vị Sa-di nào dể duôi cố ý làm sai luật thì bị tội hành phạt (danda-kamma). Nếu vì quên hoặc không biết, không cố ý, hay là có sự tai hại, bị điên loạn, bị bệnh thì không phạm tội.

27. Sakkaccaṃ pindapātaṃ patiggahessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thọ nhận thực phẩm một cách trang trọng.

Gọi là "trang trọng - sakkaccaṃ" tức là nghiêm chỉnh, một thái độ có quan tâm; cho dù thí chủ có dâng cúng cho thực phẩm tầm thường, hay là vật nhỏ mọn, nhưng vị sư phải chủ tâm lãnh nhận, không nên nhận bằng thái độ lơ là hoặc như nhận vì tức giận, vì không hoan hỷ.

28. Pattasaññī piṇḍapātaṃ patiggahessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ nhìn xuống bát khi thọ nhận thực phẩm.

Gọi là "nhìn xuống bát - pattasannī", tức là khi nhận thức ăn mà thí chủ cúng dường đặt bát hoặc nhận mâm thực phẩm, chỉ nên để mắt nhìn xuống chớ đừng đưa mắt nhìn mặt hay quan sát người thí chủ.

29. Samasūpakaṃ piṇḍapātaṃ paṭiggahessā-mī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thọ nhận thực phẩm cơm canh đều nhau.

Ngày xưa chư tăng không dùng muỗng nỉa hay đũa để gắp múc vật thực mà chỉ dùng tay vắt cơm mà thôi, nếu khi khất thực mà thọ canh (sūpa) nhiều quá và đổ chung vào bát với cơm thì không thể vắt thành nắm cơm để dùng, do đó phải thọ nhận cơm canh vừa nhau thôi. Học giới này có lẽ chỉ còn áp dụng trong xứ ăn bằng tay bốc, hay vị khất thực ăn bát.

30. Samatittikaṃ piṇḍapātaṃ paṭiggahessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thọ nhận thực phẩm vừa với miệng bát.

Giải rằng không nên nhận quá nhiều vun lên tràn đồ đựng như bát, tô ... dù là thức dùng như là yāmakālika, sattāhakālika, yāvakālika (các thức dùng mà được phép thọ giữ qua đêm, qua tuần, hoặc cho đến hết ...) cũng chẳng nên nhận vun tràn miệng bát. Mía cắt đoạn hoặc trái cây mà họ đặt vào bát không đậy nắp bát được, cũng gọi là vun bát, chẳng nên nhận nữa.

31. Sakkaccaṃ piṇḍapātaṃ bhunjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ thọ dụng thực phẩm một cách trang nghiêm.

Giải rằng "ăn trang nghiêm - sakkaccaṃ" tức là khi ăn, động tác nhai ăn, cầm lấy, đưa vào miệng ... phải chẫm rãi, không hối hả, cũng không nên làm như ăn chơi đùa, ăn chán, ăn mà tư tưởng mông lung...

32. Pattasaññī piṇḍapātaṃ bhunjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ ăn thực phẩm chỉ nhìn xuống bát.

Giải rằng khi ăn không nên rảo mắt ngó quanh như ăn vụng trộm, hoặc như muốn tìm kiếm thêm nữa, phải nhìn vào bát để tập trung quán tưởng vật thực.

33. Sapadānam piṇḍapātam bhunjissāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ ăn vật thực một cách đều đặn.

Giãi rằng: ăn đều đặn tức là không bươi móc vật thực sâu giữa bát mà ăn, chỉ ăn tuần tự từ trên xuống hoặc từ ngoài lấy vô cho đến hết.

34Ṣamasūpakaṃ piṇḍapātaṃ bhuñjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là sẽ ăn vật thực cơm canh đều nhau.

Giải rằng: ăn cơm và canh vừa nhau, để vắt nắm cơm cho dễ, nếu canh nhiều quá thì bở nắm cơm, sẽ rơi vãi khi cầm hay múc.

35. Na thūpato omadditvā piṇḍapātaṃ bhuñjis-sāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ ăn vật thực không đùa vun thành ngọn.

36. Na sūpaṃ vā byañjanaṃ vā odanena paṭic-chādessāmī 'ti bhiyyokamyataṃ upādāyā 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đùa cơm lấp lên thức ăn vì muốn được nhận thêm.

Nghĩa là thức ăn như canh, đồ khô . . . Dùng để ăn với cơm, nhận được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, không nên có ý muốn nhiều thêm rồi đùa cơm lấp lại để thí chủ tưởng là chưa có mà đem dâng.

37. Na sūpaṃ vā odanaṃ vā agilāno attano atthāya viññāpetvā bhuñjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không xin canh hoặc cơm để mình ăn khi không bệnh.

Giải rằng: Nếu thí chủ là bà con thân thích, hoặc người đã ngỏ lời đáp ứng yêu cầu, hoặc xin cơm canh cho vị khác ăn, thì không phạm tội.

38. Na ujjhānasaññī paresaṃ pattaṃ olokes-sāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không vì muốn tìm lỗi mà nhìn xem bát của vị khác.

Chú giải rằng: nhìn xem bát của vị khác đang ăn để tìm lỗi, dù mình là người bệnh cũng phạm tội; nhưng nếu xem qua bát của vị khác để có ý cho thêm thức ăn thiếu, hoặc nhìn qua bát vị khác mà không cố ý bắt lỗi, thì không phạm tội.

39. N' ātimahantaṃ kabalaṃ karissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là sẽ không vắt nắm cơm quá lớn.

Chú giải rằng: gọi là vắt cơm quá lớn tức là to bằng trứng ngỗng, còn nếu bằng trứng gà thì là nhỏ quá, nên vắt cơm cỡ bằng trứng vịt là vừa.

40. Parimaṇḍalaṃ ālopaṃ karissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là sẽ vắt cơm cho tròn đều.

Nghĩa là không làm dài như trái chuối rồi cắn ăn. Nên làm vắt cơm cho tròn để dễ bỏ vào miệng.

41. Na anāhate kabale mukhadvāraṃ vivaris-sāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không há miệng trước khi miếng cơm chưa đến miệng.

42. Na bhuñjamāno sabbaṃ hatthaṃ mukhe pakkhipissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là khi đang ăn ta sẽ không đưa hết các ngón tay vào miệng.

43. Na sakabalena mukhena byāharissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là sẽ không nói chuyện với miệng còn vật thực.

44. Na pindukkhepakam bhuñjissāmī 'tisik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn mà thảy miếng vật thực vào miệng.

45. Na kabalāvacchedakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không cắn vỡ vắt cơm mà ăn.

46. Na avagaṇḍakārakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn mà độn phình gò má.

Con khỉ khi ăn nó độn gò hai bên má, vị sư chẳng nên ăn như thế.

47. Na hatthaniddhūnakaṃ bhuñjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn mà búng rảy tay.

Rác hoặc bụi trong cơm, bốc ra rảy cho sạch tay, làm thế không phạm tội.

48. Na siṭṭhāvakārakaṃ bhuñjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn làm rơi vãi cơm.

Nếu liệng đổ rác mà có dính theo cơm, thì không phạm tội.

49. Na jivhānicchārakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn thè lưỡi ra khỏi miệng.

50. Na capucapukārakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn chép miệng.

Lúc ăn hoặc uống, không nên chép miệng thành tiếng như còn thèm.

51. Na surusurukārakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn húp thành tiếng rột rột.

Lúc ăn cháo, canh loãng, hoặc uống nước. . . Không nên húp kêu thành tiếng, dù là nóng.

52. Na hatthanillehakaṃ bhuñjissāmī 'ti sik-khā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn liếm tay.

53. Na pattanillehakaṃ bhuñjissāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn liếm bát.

54. Na oṭṭhanillehakaṃ bhuñjissāmī 'tisikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ăn liếm môi.

55. Na sāmisena hatthena pānīyathālakaṃ paṭiggahessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không cầm đồ đựng nước uống với tay còn dính vật thực.

Ðồ đựng nước là ca, ly, tách hoặc thau chậu chỉ dùng đựng nước uống.

56. Na sasitthakaṃ pattadhovanaṃ antaraghare chaddessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đổ nước rửa bát có cặn bã vật thực lên trên khoảng đất nhà.

Gọi là khoảng đất nhà là nền nhà, sân nhà, đường đi lại trong xóm ... Phải lượm sạch cặn cơm hoặc đổ nước cặn đó vào nơi phải lẽ như đống rác hoặc nơi xa xóm nhà ...

Từ điều 27 đến điều 56 gọi là 30 điều học có liên quan việc thọ thực (bhojanappatisamyuttā).

Cả ba mươi điều học này, Sa-di nào dể duôi cố ý vi phạm thì bị tội hành phạt (dandakamma).

Không cố ý, lãng quên, hoặc có sự tai hại hoặc bị điên loạn đều không phạm tội.

Nếu bị bệnh cũng không phạm tội, ngoại trừ 4 điều là: nhận vật thực tràn miệng bát (điều 30), bươi vật thực trong bát mà ăn (điều 33), lấp cơm che vật thực (điều 36), nhìn qua bát vị khác để kiếm lỗi (điều 38), 4 điều ấy cho dù vị sư bệnh cũng phạm tội.

57. Na chattapānissa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà tay che dù.

Chú giải: nếu người ấy xếp dù lại và cầm trong tay, hay người ấy được người khác che cho, như thế gọi là người không phải tay che dù, nên có thể thuyết pháp đến họ được. Trường hợp người ấy bị bệnh không thể phơi sương nắng nên phải tự tay che dù, thì cũng được phép thuyết pháp đến người ấy.

58. Na daṇḍapāṇissa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà trong tay cầm gậy.

Chú giải: Người có bệnh phải cầm gậy để chống cho vững, thì người ấy gọi là người có bệnh nên được phép thuyết pháp cho họ, còn người thường cầm gậy, nhưng lúc đó đã bỏ gậy xuống hoặc đưa người khác cầm hộ, thì cũng được phép thuyết cho họ nghe, vì gọi là người không có gậy trong tay.

59. Na satthapāṇissa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là không thuyết pháp đến người vô bệnh mà tay cầm vật bén.

Chú giải : vật bén (sattha) như là gươm, dao, mác v.v. Gọi là vô bệnh (agilāna) trong điều học này tức không phải là người đang bị ma quỉ nhập cần cầm dao bén để ếm tà ...

60. Na āvudhapāṇissa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà tay cầm khí giới.

Chú giải: gọi là khí giới (āvudha), tức là vật dụng dùng để chiến đấu như cung, tên súng đạn, giáo kích v.v. người bị ma quỉ nhập cần cầm sát khí để ếm trừ, như vậy là người có bệnh. Ðược phép thuyết pháp đến người ấy.

61. Na pādukārūḷhassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà có mang dép.

Chú giải: mang guốc cũng như mang dép, nếu là người không phải bị bệnh thì chẳng nên nói pháp đến họ.

62. Na upāhanārūḷhassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta không thuyết pháp đến người vô bệnh mà có mang giày.

Chú giải: giày là đồ mang dưới chân, khác hơn dép, guốc, nghĩa là giày che bít cả bàn chân, giày được làm bằng da thuộc hoặc bằng vải, hoặc bằng cỏ rơm ... dù loại giày gì, nếu người không bệnh mà mang giày thì chẳng được phép nói pháp đến người đó.

63. Na yānagatassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà ngồi trên kiệu.

Chú giải: gọi là xe (yāna) là phương tiện di chuyển thoải mái và nhanh; Dù là võng, kiệu, cáng hay xe ngựa, xe bò, xe cơ giới cũng đều gọi chung là xe.

Nếu cùng ngồi trên xe thì thuyết pháp được, tuy nhiên không nên ngồi chỗ xe thấp mà thuyết pháp đến người ngồi xe cao hơn, không nên ngồi chỗ xe phía sau mà thuyết nói đến người ngồi chỗ xe phía trước, dù chỗ sau cao hơn cũng không nên.

Ðiều kiện cho phép thuyết pháp là đối với người bệnh, đối với người ngồi xe thấp hơn và ở phía sau, hay là cùng ngồi chỗ ngang nhau đều được phép cả.

64. Na Sayanagatassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà nằm.

Chú giải: nếu người bệnh nằm, ta đứng hoặc ngồi thuyết pháp cho họ thì được; nếu cùng nằm như nhau thì cũng được phép, hoặc mình nằm mà thuyết pháp đến người ngồi hoặc đứng cũng phải lẽ. Nếu cùng nằm phải là nằm chỗ cao hơn hoặc ngang nhau mới được phép.

65. Na pallatthikāyanisinnassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà ngồi bó gối.

Chú giải: người ngồi bó gối là người không tập trung, lơ đễnh việc nghe pháp, do vậy chẳng nên thuyết pháp đến họ; ngồi bó gối cả hai chân hoặc chỉ một chân cũng gọi là ngồi bó gối. Chỉ ngoại trừ người bị bệnh thì được.

66. Na vethitasīsassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà đầu quấn khăn.

Ở xứ Ấn và một số quốc độ thường hay quấn khăn ở đầu như một trang phục, hoặc có số người thường quấn khăn khi đi ra ngoài thay vì đội nón. Nếu không phải vì người bệnh mà quấn khăn kín đầu thì chẳng nên thuyết pháp đến họ, bởi như thế thiếu sự cung kính pháp.

67. Na oguṇṭhitasīsassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh mà đầu đội nón.

Ðội nón tức là đội vật che đầu khác ngoài ra khăn, thậm chí là đội vật trên đầu để biểu thị quyền uy, biểu thị sự sang cả như mão vua quan, vương miện ...

Nếu là người bị bệnh phải đội mủ che nắng, thì được phép thuyết pháp đến họ.

68. Na Chamāyam nisīditvā āsane nisinnassa agilānassa dhammaṃ desessāmī' ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ngồi trên đất trệt mà thuyết pháp cho người vô bệnh ngồi trên chỗ trải.

Gọi là chỗ trải tức là ngồi chỗ có trải chiếu, thảm, vải lót v.v. nếu là người bị bệnh phải ngồi trên chỗ có trải, thì ta thuyết pháp đến họ được.

69. Na nīce āsane nisīditvā ucce āsane nisinnassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā ka-raṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không ngồi trên chỗ thấp mà thuyết pháp đến người vô bệnh ngồi trên chỗ cao.

Gọi là chỗ thấp và chỗ cao, nghĩa là chỗ này thấp hơn chỗ kia, chỗ ngồi kia cao hơn chỗ này. Ta ngồi nơi thấp không nên thuyết pháp cho người ngồi nơi cao hơn, ngoại trừ người đang bệnh.

70. Na thito nisinnassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā karaṇīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đứng mà thuyết pháp đến người vô bệnh ngồi.

Chú giải có nói: nếu đến chỗ vị trưởng lão, mình đang đứng hầu chuyện; vị trưởng lão hỏi pháp, trường hợp không thể không đáp cũng không thể ngồi ngang hoặc bảo trưởng lão đứng lên thì nên tác ý đến người nào đó đang đứng gần đấy để trả lời giảng pháp.

71. Na pacchato gacchanto purato gacchantassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā ka-ranīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không đi phía sau mà thuyết pháp đến người vô bệnh đi phía trước.

Chú giải: nếu đi cùng vị trưởng lão, vị ấy đi phía trước hỏi pháp, ta đang đi phía sau chẳng phép không trả lời, bởi thế hãy tác ý rằng ta sẽ nói pháp đến vị đi phía sau, như vậy nói pháp không phạm tội.

72. Na uppathena gacchanto pathena gacchantassa agilānassa dhammaṃ desessāmī 'ti sikkhā ka-ranīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không thuyết pháp đến người vô bệnh đi ngoài lòng đường.

Chú giải: nếu con đường hẹp mỗi người đi một bên lề, thì nói pháp không sao.

Từ điều 57 đến điều 72, gọi là 16 điều Ưng học pháp liên quan sự thuyết pháp (dhammadesa-nāpaṭisaṃyuttā).

Vị Sa-di nào dể duôi cố ý vi phạm trong 16 điều này thì bị tội hành phạt (daṇḍakamma).

Trường hợp quên, hoặc có bệnh, có điều tai hại, và với vị điên loạn, thì không phạm tội.

73. Na ṭhito agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā karissāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta sẽ không vô bệnh mà đứng đại tiện hoặc tiểu tiện.

Chú giải: có bệnh như là bị ghẻ nhọt nơi bắp chân ... không thể ngồi xuống được nên phải đứng mà đại hoặc tiểu tiện, như thế không phạm tội. Nếu trường hợp mắc đại tiểu tiện gấp rút không kịp ngồi, như thế cũng gọi là "có bệnh", nên không phạm tội.

74. Na harite agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā khelaṃ vā karissāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta vô bệnh sẽ không đại tiện hoặc tiểu tiện hay khạc nhổ trên thảo mộc tươi.

Chú giải: gọi là thảo mộc tươi (harite) như là cây cỏ còn sống, thậm chí rễ cây mọc nổi trên mặt đất thấy rõ, hay nhánh lá cây đang phát triển cũng gọi là thảo mộc tươi.

Gọi là có bệnh, tức là bị tháo hay bị bức bách không kịp đi tìm nơi đất trống sạch để giải, trường hợp này gọi là có bệnh, nhổ hoặc giải trên cây cỏ không phạm tội. Nhưng tốt hơn là hãy tìm vật gì để lót trên cỏ rồi mới đại tiểu tiện hay khạc nhổ, dù có chảy ướt thảo mộc ấy cũng xem là vô tội.

75. Na udake agilāno uccāraṃ vā passāvaṃ vā khelaṃ vā karissāmī 'ti sikkhā karanīyā. Ðiều học phải hành là ta vô bệnh sẽ không đại tiện hoặc tiểu tiện hay khạc nhổ trong nước sạch.

Chú giải: gọi là nước sạch là nước sử dụng được, như là nước uống, nước tắm rửa ...

Nếu đại tiện hoặc khạc nhổ trong nước không sử dụng được, như nước bùn, nước hôi, nước dơ ... Thì không phạm tội; hoặc giả là đại tiểu tiện, khạc nhổ trên chỗ đất khô nhưng chảy xuống nước, như thế cũng không phạm tội.

Cả 3 điều Ưng học pháp sau này được gọi là những điều linh tinh (pakiṇṇaka).

Ba điều này, nếu vị Sa-di dể duôi cố ý phạm cũng bị tội hành phạt (daṇḍakamma).

75 Ðiều học trên đây gọi là Ưng học pháp (Sekhiyadhamma), là điều luật mà vị Sa-di phải nên học và hành theo như chư Tỳ-khưu, chẳng nên dể duôi bỏ qua vì là pháp tác thành uy nghi tế hạnh.

DỨT BẢY MƯƠI LĂM ƯNG HỌC PHÁP

-ooOoo-

II.3. CÁC PHÁP HÀNH (KICCAVATTA).

Pháp hành tức là những phận sự phải làm trong đời sống tu hành ngoài sự giữ giới, đây được xem như là những bổn phận.

Gồm có 14 pháp hành như sau :

1- Pháp hành của vị khách Tăng (āgantu-kavatta).

Vị Tỳ-khưu hay Sa-di đi đến nơi chùa khác có việc, khi đến phải hành theo luật phận sự của vị khách Tăng như sau:

Nếu che dù phải xếp lại khi bước vào cổng. Nếu mang dép giày phải bỏ ra xách tay.

Mặc lại y, khoác chừa vai phải.

Phải đi vào thong thả, đến trước tiên là chỗ các vị Tăng đang có mặt.

Ðến nơi, để bát xuống rồi ngồi chỗ hợp lẽ.

Nếu cần nước uống, nước rửa thì hỏi xin.

Nếu đi chân dơ thì nên rửa chân rồi mượn giẻ lau khô, xong phải đem phơi giẻ ở chỗ thích hợp.

Nếu có vị tu sĩ cao hạ hơn mình thì nên đảnh lễ vị ấy; nếu mình là Sa-di thì phải đảnh lễ các Tỳ-khưu.

Khi hỏi chuyện, phải hỏi thăm chỗ ở, chỗ đi khất thực, nơi gần, nơi xa, nơi nên đi, nơi không nên đi.

Hỏi cho biết tình hình chư Tăng tại đó, vị phàm, vị thánh, vị nào cao hạ, vị nào thấp hạ ...

Hỏi chỗ nhà xí, nhà tắm nơi nào.

Hỏi giờ giấc ra vào chùa theo nội quy bổn tự.

Nếu muốn ở lại, hỏi thăm cốc liêu trống rồi đi đến đó, gõ cửa chờ một lát rồi mới vào, nên xem xét chung quanh liêu cốc ngừa có tai hại.

Ðó là pháp hành của vị khách Tăng.

2- Pháp hành của vị trụ xứ (āvāsikavatta):

Vị Tỳ-khưu hay Sa-di là người ở tại chùa có những phận sự phải hành như sau:

Phải luôn luôn chuẩn bị nước uống, nước rửa, nước tắm, khăn lau . . . dành cho các vị khách Tăng nếu đến có dùng.

Khi có vị khách Tăng đến chùa, giới phẩm cao hơn, thì mình phải ra đón rước y bát, thỉnh vào, trải lót chỗ ngồi cho vị ấy, vị khách ngồi yên rồi mình đảnh lễ.

Nên chỉ chỗ nhà xí, phòng tắm, phòng nghỉ cho vị ấy biết.

Nên chỉ đường đi khất thực, chỗ thích hợp, chỗ đi không thích hợp.

Trình giờ giấc sinh hoạt qui định trong chùa.

Phải xem chừng vị ấy uống nước, nếu thấy uống hết thì mang thêm ra.

Nếu vị trưởng lão khách Tăng mệt thì hầu quạt, như vị ấy không cho thì thôi.

Trường hợp có vị trưởng lão khách Tăng đến, dù mình đang bận việc như may y, quét chùa cũng phải ngưng lại để đón tiếp, nếu khách Tăng cho phép tiếp tục công việc thì mình làm.

Trường hợp mình đang trị thuốc cho Tỳ-khưu bệnh, nếu ca bệnh nặng thì không nên ngưng lại để tiếp khách tăng, chỉ khi ca bệnh nhẹ mới ngưng tay mà tiếp khách; nếu trưởng lão khách Tăng biết việc cho phép tự nhiên thì mình cứ tiếp tục chăm sóc bệnh nhân.

Riêng đối với vị khách Tăng giới phẩm Sa-di hay Tỳ-khưu nhỏ hạ thì không cần tiếp rước hầu hạ, chỉ cần giao tiếp hỏi chuyện, bảo chỗ nhà xí, chỗ tắm rửa, cho nước uống và xếp chỗ nghỉ ngơi, vậy cũng được rồi.

Ðó là pháp hành của vị trụ xứ.

3- Pháp hành của vị xuất cốc (gamikavatta).

Tỳ-khưu hay Sa-di có việc phải đi khỏi chỗ ở, nên hành các phận sự như sau:

Phải dẹp gọn nội thất giường ghế, chiếu gối xếp lại; giao trả phòng liêu cho một vị Tỳ-khưu hoặc vị Sa-di hay người chức sự quản lý trong chùa, hay một cư sĩ nào cũng được.

Nếu không có ai để gởi giao, thì nên kê cao giường rồi chồng ghế lên, chiếu gối xếp đặt lên ghế, đóng kính các cửa sổ cửa cái rồi mới ra đi.

Nếu cốc liêu lợp lá bị dột thì phải lợp chèn lại cho khỏi ướt mùng chiếu trên giường; không lợp chèn được thì nên chọn vị trí tốt không dột mà kê giường ghế lại và để mùng chiếu gối. Bằng như cốc liêu bị dột khắp thì phải tìm vật gì để đậy lên chỗ mùng chiếu gối; nếu gởi được trong xóm các vật dụng thì nên gởi trước khi ra đi.

Ðó là pháp hành của vị xuất cốc.

4- Pháp hành của vị phúc chúc trai tăng (anumodanāvatta).

Trong buổi cúng dường trai tăng, Ðức Phật cho phép chư Tăng đọc kinh phúc chúc đến thí chủ. Vị trưởng lão dẫn kinh trước, lần lượt các vị xướng theo.

Hoặc vị trưởng lão bảo vị nhỏ đọc kinh phúc chúc cũng được và các vị khác ngồi chờ. Hoặc thí chủ muốn thỉnh vị nào, vị ấy hãy đọc kinh.

Nếu các vị trưởng lão không muốn chờ vị kia đọc kinh xong thì bước ra trước cũng được.

Nếu thí chủ có thỉnh thuyết pháp, vị trưởng lão sẽ thuyết và các vị khác ngồi lại chờ; vị trưởng lão cho phép tất cả đi về trước, cũng nên ở lại vài vị.

Nếu thí chủ thỉnh vị nào thuyết theo ý họ, thì vị nhỏ hạ đó phải bạch trình các vị trưởng lão biết rồi mới nên thuyết pháp.

Về phần các vị khác ngồi chờ, nếu có muốn đi giải bên ngoài phải báo với vị ngồi gần mình mới nên đi ra.

Ðó là pháp hành của vị phúc chúc trai tăng.

5- Pháp hành của vị đến nhà ăn (bhattagga-vatta).

Khi có thí chủ mời đi dự trai tăng, vị Tỳ-khưu hay Sa-di phải có pháp hành như sau:

Lúc đi phải mang y bát chỉnh tề, quấn y kín mình theo Ưng học pháp.

Bước đi nghiêm trang thong thả; nếu có nhiều vị cùng đi, phải thứ lớp hạ lạp chẳng nên vượt đi trước vị lớn.

Lúc vào nơi trai tăng, phải ngồi cho phải phép, ngồi đúng vị trí, tức là không ngồi bó gối hoặc chống tay, không ngồi quá gần đụng vị trưởng lão hoặc ngồi ngang hàng; nếu chỗ chật hẹp vị trưởng lão nói cho phép ngồi hoặc xin phép trước rồi ngồi thì không lỗi.

Nếu là Tỳ-khưu có mang theo y tăng-già-lê thì không nên ngồi trên y ấy.

Khi thí chủ dâng nước rửa bát, rửa mặt thì nhận lấy mà rửa, rửa phải khéo léo nhẹ nhàng không để khua động hoặc văng nước trúng vị khác; đổ nước cũng vậy, nên đổ vào chỗ chứa không nên làm tung tóe bẩy ướt.

Khi thọ lãnh vật thực, nên nhận cơm và thức ăn vừa phải thôi; cơm hai phần, thức ăn một phần; không nhận vun tràn miệng bát.

Khi thí chủ phân phối vật thực chưa đủ đến hết các vị sư, thì vị cả chưa nên vội ăn.

Khi thọ thực trong nơi có thí chủ thì phải ăn trang nghiêm thong thả, theo đúng luật Ưng học pháp.

Khi ăn xong vị cả không nên lãnh nước uống nước rửa trong khi các vị khác còn ăn.

Tay bẩn không nên cầm lấy đồ đựng nước.

Khi ra khỏi nhà ăn phải tuần tự đi ra, nếu chỗ hẹp thì vị nào ngồi gần lối ra sẽ ra trước, không câu nệ tôn ti; nếu nơi rộng rãi thì nhường vị trưởng lão ra trước.

Khi ra ngoài rồi thì chờ đợi thứ lớp hạ lạp mà đi về chùa, đi giữ khoảng cách không xa không gần nhau, có thể người nào đó đi cắt ngang qua được.

Ðó là pháp hành của vị đến nhà ăn.

6- Pháp hành của vị đi khất thực (piṇḍacāri-kavatta).

Tỳ-khưu hay Sa-di sống với hạnh khất thực, phải hành theo các phận sự như sau:

Lúc đi vào xóm để khất thực phải mặc y kín mình, mang theo bình bát, đi đứng chẫm rãi, giữ tư cách nghiêm trang theo luật ưng-học-pháp.

Nếu cùng đi khất thực nhiều vị thì phải đi ngay hàng thẳng lối, không nên vội vã chen lấn nhau.

Khi đến xóm nhà rồi phải dự tính trước rằng sẽ đi vào phía này, phía này .

Không nên đứng quá xa hay quá gần thí chủ cúng dường, không nên nhìn xem mặt thí chủ, chỉ nên nhìn xuống thấp phía trước thôi.

Lúc đi ngang qua cửa nhà cư sĩ, để ý biết thấy họ sẵn lòng cúng dường thì đứng lại chờ, hoặc họ thỉnh dừng lại thì đứng lại.

Khi thí chủ cúng dường, thì tay trái đỡ bát, tay mặt vén y và mở nắp bát để nhận vật thực. Nhận xong đậy nắp bát lại, thả y phủ xuống và xoay mình đi tới, đi tề chỉnh khoan thai.

Trường hợp khất thực rồi trở về chùa ăn, vị nào đi về trước phải lo nước uống, nước rửa, giẻ lau chân để sẵn, phải trải lót chỗ ngồi trong nhà ăn; các vị đã về đủ thì họp mặt nhau ăn, ăn xong còn tàn thực phải đổ bỏ nơi không có côn trùng, rồi quét dọn lại nhà ăn cho sạch, rửa bát sạch đem hóng nắng; bát vừa khô ráo thì mang vào cất, nhưng không nên để bình bát nơi chỗ cao . . .

Ðó là pháp hành của vị khất thực.

7- Pháp hành của vị ẩn cư trong rừng (āraññikavatta).

Vị ẩn cư trong rừng phải thực hành những phận sự như sau:

Luôn luôn dự trữ nước để uống để rửa, nếu không có lu hủ chứa thì lấy ống tre đựng nước.

Phải tích lửa để ngừa đêm hôm hữu sự, nếu có đồ bật lửa thì không cần nhen nhóm lửa liên tục. Nếu có bạn đồng cư ở gần nhau thì không cần lửa cũng được.

Ở rừng phải có gậy trong tay để dò đường, để dọa đuổi thú nguy hiểm.

Ðến buổi đi khất thực, phải chuẩn bị sớm, đóng cửa nẻo am thất rồi mang y và bát đi vào làng.

Trong rừng vắng vẻ, được phép mặt y vai trái cho đến khi gần tới ranh làng thì mặt y kín mình, nếu có mang dép phải bỏ ra và dấu kín một nơi để lúc về mang lại.

Khất thực xong, nếu thấy ở xóm có nước thì nên thọ thực trong xóm rồi rửa sạch bình bát, sau đó theo lối cũ đi về rừng. Qua khỏi xóm đến chỗ rừng vắng vẻ, mặt lại y vai trái, mang dép, cầm gậy mà đi.

Ðó là pháp hành của vị ẩn cư trong rừng.

8- Pháp hành của vị ngụ trong liêu thất (senāsanavatta).

Tỳ-khưu hay Sa-di ở trong liêu thất của mình phải hành phận sự như sau:

Phải thường xuyên quét dọn liêu thất cho sạch sẽ. Khi quét phải lấy y bát, tọa cụ để có nơi; giường chiếu mang ra ngoài trước khi quét.

Phải quét phần trên trước rồi dần dần xuống vách và cuối cùng tới quét nền. Cửa và vách sơn phết thì phải lau rửa cho sạch khô.

Rác quét thì phải đổ có chỗ; không nên đập quét bụi bay làm phiền vị khác, hoặc bụi bay gần nước uống, nước xài .

Trong liêu thất, giường, ghế, chiếu, gối, tọa cụ, thậm chí là giẻ lau chân, nếu bị dơ hay mốc meo, phải giặt rửa phơi nắng.

Y bát cất cho gọn gàng ngăn nắp.

Phải biết mở đóng cửa tùy mùa tiết khí hậu.

Sân chung quanh liêu thất phải quét rác sạch sẽ.

Tịnh thất có phòng vệ sinh, phải quét rửa sạch và trữ nước xài đầy đủ.

Nơi tịnh thất rộng, ở chung với vị khác nhất là vị trưởng lão, khi mình muốn làm gì chẳng hạn tụng đọc kinh, nói kinh hoặc mở cửa sổ, hay quét dọn ... phải xin phép vị ấy mới nên làm, chỉ thưa qua một lần đầu thôi về sau tự ý làm cũng được.

Ðó là pháp hành của vị ngụ trong liêu thất.

9- Pháp hành ở nơi nhà bếp (jantaghara-vatta):

Nhà bếp là nơi trữ lửa cũi để nấu nước nóng, hoặc nấu cháo khi hữu sự bệnh hoạn ...

Trong bếp không nên đốt lửa với cũi đun quá nhiều e gây hỏa hoạn.

Có tro bếp nhiều phải hốt đổ bớt.

Nhà bếp dơ bẩn phải quét dọn sạch sẽ.

Nước dùng trong nhà bếp phải múc chứa đầy.

Trong nhà bếp có phòng tắm, khi tắm phải chờ vị trưởng lão tắm trước, nếu cùng lúc gặp.

Nếu vị trưởng lão già yếu cần có người phục vụ thì mình nên làm giúp, pha nước nóng, kì cọ, đấm bóp ...

Thời tiết lạnh, có bệnh, được phép vào bếp hơ lửa; có vị trưởng lão ở đó thì không nên ngồi đụng lấn vị trưởng lão; khi ra khỏi không nên ra trước vị trưởng lão, phải ở lại sau thu dọn sạch sẽ nhà bếp và tắt lửa rồi mới nên đi ra.

Ðó là pháp hành trong nhà bếp.

10- Pháp hành nơi nhà xí (vaccakuṭivatta):

Nhà xí là chỗ để phóng uế; luật dạy phải hành các nguyên tắc vệ sinh và thể hiện phong cách đứng đắn.

Ở nơi trú xứ có nhà vệ sinh phải có nguyên tắc như sau:

Phải thường quét dọn dội rửa cho sạch sẽ, có giấy rác trong giỏ đựng thì đem đổ bỏ.

Phải múc nước chứa hồ nhà xí, dùng để rửa ráy khi đi vệ sinh xong.

Khi đến nhà xí, nếu cửa đóng thì phải đánh tiếng (tằng hắng, ho v.v.). Người ngồi trong cũng tằng hắng trả lời.

Vào nhà xí không nên câu chấp tôn ti, vị nào đến trước thì vào trước, đến sau thì chờ vào sau.

Trước khi vào bên trong thì phải máng y vai trái và y tăng-già-lê ở ngoài.

Không nên vén y nội lên trước khi vào nhà xí.

Lúc đại tiện tiểu tiện không nên rặn lớn tiếng.

Không nên xỉa răng trong nhà xí.

Không nên đại tiểu tiện, khạc nhổ ngoài lỗ xí.

Sau khi đại tiểu tiện xong phải rửa nước cho sạch mới nên mặt y lại; nếu không có nước hoặc không có gáo múc nước để rửa thì dùng giấy, lá khô hoặc mảnh cây mà chùi, nhưng không nên bỏ giấy chùi vào lỗ xí, phải bỏ trong giỏ đựng bên cạnh để đem đổ. Không nên dùng giấy dơ, lá hoặc cây mục; mảnh cây nhọn, có gai mà chùi.

Nếu rửa nước thì phải úp gáo múc sau khi dùng xong, không nên để thừa chút ít nước trong đồ múc.

Khi đi giải xong đứng dậy mặt y nội tề chỉnh và thong thả bước ra, không nên vội vã.

Nói về chỗ không có nhà xí che dừng, thì sau khi đi giải xong phải múc nước hoặc lấy lá, vỏ cây rồi tìm chỗ kín đáo rồi chùi rửa vệ sinh. Tuy vậy nếu không bức bách vội thì nên tìm chỗ kín đáo mà đại tiểu tiện.

Ðó là pháp hành ở nơi nhà xí.

11- Pháp hành đối với Thầy Tế-Ðộ (upajjhā-yavatta).

Một vị đệ-tử xuất gia được Thầy Hòa Thượng truyền giới pháp, nếu là Sa-di phải ở cạnh Thầy suốt đời, nếu là Tỳ-khưu thì nương Thầy trên thời gian năm năm. Khi sống cạnh Thầy phải làm tròn bổn phận người đệ-tử đối với Thầy tế-độ như sau:

Sáng sớm thức dậy trước, chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho Thầy. Khi Thầy đã thức, phải đêm dâng nước rửa mặt; dọn dẹp xếp gọn ngọa cụ và tọa cụ cho Thầy.

Có cháo điểm tâm thì dâng cho Thầy dùng, Thầy dùng xong thì đệ tử dẹp dọn và dâng nước rửa nước uống cùng tâm xỉa răng.

Thầy muốn vào xóm khất thực, phải lấy y bát cho Thầy. Thầy cho đi theo, thì phải mặt y nghiêm chỉnh và theo sau lưng Thầy không quá gần cũng không quá xa, vừa cho thầy kêu nói. Khi bát của Thầy nặng đầy vật thực thì trò phải đổi bát của mình để mang giúp bát cho thầy.

Khi Thầy muốn thọ thực, phải dâng nước trước rồi mới dâng thức ăn và ngồi xem chừng để dâng hầu Thầy món ăn thiếu; Thầy ăn xong, mình thu dẹp chỗ ngồi và dọn rửa bát; khi rửa bát, nên dùng nước rửa sạch, lau khô, đem phơi nắng một lát mới nên cất vào và cẩn thận đừng để khua bể.

Khi Thầy đi đâu về (dù trò có đi theo cũng phải về trước) sắp đặt chỗ ngồi cho Thầy, đem đến nước rửa mặt rửa chân, rước lấy y và bát của Thầy, đem y khác sạch và khô cho Thầy thay đổi, rồi lấy y có mồ hôi đó ra hóng nắng cho khô xong xếp cất.

Khi Thầy muốn tắm, trò phải chuẩn bị sẵn nước, Thầy cần nước nóng thì đem nước nóng, cần nước lạnh thì đem nước lạnh; Thầy muốn trò kì cọ xoa bóp thì mời thầy ngồi trên ghế rồi xoa bóp trước, xong mới xối nước trên thân và kì cọ. Thầy tắm xong, lấy khăn lau khô cho thầy kế đến dâng y sạch cho Thầy mặc; khi Thầy ra khỏi nhà tắm, trò phải thu dẹp dọn sạch và tắm rửa rồi mới đi ra.

Tịnh thất của Thầy dơ bẩn, phải quét dọn sạch sẽ, phải trữ nước rửa chân, giẻ lau chân sẵn sàng cho Thầy.

Khi Thầy bệnh, phải phục vụ nuôi dưỡng cho đến khi bình phục không nên bỏ Thầy đơn chiếc. Nếu đã có vị khác ở nuôi Thầy, thì mình khỏi phải nuôi, nhưng phải luôn quan tâm thăm viếng và tìm thuốc trị bệnh cho Thầy.

Khi Thầy đang nói chuyện với vị khác, trò không nên xen vào.

Lúc Thầy có nói hay làm những điều phạm luật phải nhắc khéo chẳng nên chỉ trích tranh cãi với Thầy bằng lời vô lễ; chỉ nên hỏi khéo rằng "Bạch Ngài, nói vậy hay làm vậy có phạm lỗi chăng?"

Thầy có buồn chán thối thất, trò phải động viên tinh thần hoặc nói kinh pháp cho Thầy nghe hoặc thỉnh Thầy du hành đổi chỗ cho giải buồn.

Thầy phiền giận; phải năn nỉ khuyên lơn hay nhờ vị khác nói hộ.

Thầy theo việc làm tà kiến, phải thức tỉnh Thầy hay nhờ vị khác khuyên giúp.

Thầy phạm tội theo luật, phải lo tính giữ gìn danh dự cho Thầy; Tăng chúng có quở phạt Thầy, trò cũng phải tìm lời an ủi và cổ động cho Thầy tiến hóa.

Nhất nhất muốn làm chuyện chi cũng phải xin phép Thầy trước, nếu Thầy cho thì làm bằng không thì thôi. Muốn cho y bát hay vật gì đến vị khác phải xin Thầy cho phép; muốn cạo tóc cho ai cũng phải xin phép Thầy; muốn đi vào xóm có việc hoặc đi khất thực cũng phải xin phép Thầy.

Riêng về việc tu học, nếu Thầy dốt chữ nghĩa pāli hay không thông thiền định, trò muốn đi học pāli, học thiền định với vị khác thì phải xin phép Thầy cho đi học; nếu Thầy cho thì tốt, nhưng nếu Thầy ngăn cản thì được phép cải lời, vì để tiến hóa lợi ích.

Khi Thầy còn đó, trò không nên đi theo một bên vị nào khác, cũng không nên cho ai theo bên mình.

Không nên xu hướng với vị nghịch lại Thầy mình.

Ðó là pháp hành của vị đệ tử đối với Thầy tế độ.

12- Pháp hành của Thầy Tế-độ đối với đệ tử (saddhiṃvihārikavatta).

Vị Tỳ-khưu trưởng lão là thầy tế độ của người khác, truyền giới tu cho người khác, người ấy là đệ tử của vị trưởng lão đó; vị trưởng lão này phải đối xử với đệ tử theo pháp hành của vị thầy, như sau:

Phải dạy dỗ pháp học và pháp hành cho đệ tử.

Phải thường quan tâm khuyên bảo nhắc nhỡ đệ tử trong mọi sinh hoạt.

Phải biết khích lệ sách tấn đệ tử cho tiến hóa trong đạo đức tu hành.

Phải xót thương chia sớt lợi lộc đến đệ tử.

Ðệ tử bị bệnh đau, thầy phải hết lòng chăm sóc lo lắng như cha mẹ đối với con.

Bổn phận làm thầy tế độ đối với đệ tử chỉ có bấy nhiêu.

13- Pháp hành của môn sinh đối với thầy giáo thọ (ācariyavatta).

Thầy giáo thọ là vị thầy mà mình nương tựa để học hỏi kinh, luật, giáo pháp, ngoài vị thầy tế độ.

Khi sống cùng thầy giáo thọ, vị môn sinh cũng phải hầu hạ giáo thọ sư theo bổn phận như đối với thầy tế độ vậy.

14- Pháp hành của thầy giáo thọ đối với môn sinh (antevāsikavatta):

Môn sinh tức là học trò theo học với mình, mặc dù không phải là đệ tử mà mình tiếp độ, nhưng vị thầy giáo thọ cũng nên đối đãi với môn sinh ấy như là thầy tế độ đối với đệ tử vậy.

Trong 14 pháp hành trên đây, vị Sa-di chỉ phải học hiểu và thực hành 12 pháp thôi ngoại trừ bổn phận làm thầy tế độ và thầy giáo thọ, vì Sa-di chưa có tư cách ấy.

DỨT PHÁP HÀNH.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02

Xem thêm: Luật Sa-di (Bắc tông), Hòa thượng Thích Trí Quang.

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Giác Giới đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 12-2003)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 20-12-2003