Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

Trung A H m Kinh
Mục Lục Tổng Quát
01. PHẨM BẢY PHÁP
02. PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG
03. PHẨM XÁ-LÊ TỬ TƯƠNG ƯNG
04. PHẨM VỊ TẰNG HỮU PHÁP
05. PHẨM TẬP TƯƠNG ƯNG
06. PHẨM VƯƠNG TƯƠNG ƯNG
07. PHẨM TRƯỜNG THỌ VƯƠNG
08. PHẨM UẾ
09. PHẨM NHÂN
10. PHẨM LÂM
11. PHẨM ĐẠI (Phần đầu)
117. Kinh Nhu Nhuyến
118. Kinh Long Tượng
119. Kinh Thuyết Xứ
120. Kinh Thưyết Vô Thường
121. Kinh Thỉnh Thỉnh
122. Kinh Chiêm-Ba
123. Kinh Sa-Môn Nhị Thập Ức
124. Kinh Bát Nạn
125. Kinh Bần Cùng
126. Kinh Hành Dục
127. Kinh Phước Ðiền
128. Kinh Ưu-Bà-Tắc
129. Kinh Oán Gia
130. Kinh Giáo
131. Kinh Hàng Ma
132. Kinh Lại-Tra-Hòa-La
133. Kinh Ưu-Bà-Ly
134. Kinh Thích Vấn
135. Kinh Thiện Sanh
136. Kinh Thương Nhân Cầu Tài
137. Kinh Thế Gian
138. Kinh Phước
139. Kinh Tức Chỉ Ðạo
140. Kinh Chí Biên
141. Kinh Dụ
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần đầu)
12. PHẨM PHẠM CHÍ (Phần sau) 
13. PHẨM CĂN BỔN PHÂN BIỆT
14. PHẨM TÂM
15. PHẨM SONG
16. PHẨM ĐẠI (Phần sau)
17. PHẨM BÔ-ĐA-LỢI
18. PHẨM LỆ

 

Source: LotusMedia lotusmedia.net
 
中 阿 含 經
KINH TRUNG A HÀM
Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm,
Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ

11. PHẨM ÐẠI

135. KINH THIỆN SANH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại thành Vương-xá, trong rừng Nhiêu hà mô[02].

Bấy giờ, trong thành Vương xá có con của vị Cư sĩ tên là Thiện Sanh[03]. Khi người cha sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối trăn, khéo dạy khéo quở rằng:

“Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: ‘Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi’.”

Thiện Sanh, con trai Cư sĩ, nghe cha dạy xong, thưa rằng:

“Con xin vâng theo lời cha dạy bảo.”

Sau khi cha mất, vào mỗi sáng sớm, Thiện Sanh tắm gội xong, mặc áo sô-ma mới[04], tay cầm lá câu-xá[05] còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Bấy giờ, khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn mang y, cầm bát vào thành Vương xá khất thực. Khi Đức Thế Tôn vào thành Vương xá khất thực, từ xa trông thấy Thiện Sanh, con vị Cư sĩ, vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.”

Đức Thế Tôn thấy thế, liền đi đến gần, hỏi Thiện Sanh, con trai Cư sĩ:

“Này con trai Cư sĩ, ông thọ nhận sự giáo hóa của Sa-môn, Phạm chí nào? Ai dạy ông cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng sáu phương? Mà vào mỗi buổi sáng tắm rửa, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:

“‘Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“‘Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi?’.”

Thiện Sanh, con trai Cư sĩ, thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, không có vị Sa-môn, Phạm chí nào dạy con cả. Bạch Thế Tôn, cha con khi sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối lại con, khéo dạy, khéo quở rằng: ‘Này Thiện Sanh! Sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương rằng: ‘Ở phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“‘Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.’

“Bạch Thế Tôn, con vâng lời trối của cha nên con cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng. Mỗi sáng sớm tắm gội, mặc áo sô-ma mới, tay cầm lá câu-xá còn tươi đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương rằng: ‘Phương Đông nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.

“‘Cũng như vậy, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi’.”

Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy, Ngài nói rằng:

“Này con trai Cư sĩ, Ta nói có sáu phương, chớ không nói là không có[06]. Này con trai Cư sĩ, nếu có người khéo phân biệt sáu phương, xa lìa những nghiệp ác bất thiện ở bốn phương, người đó ngay trong đời này đáng được cung kính, tôn trọng. Sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sẽ sanh đến thiện xứ, sanh vào cõi trời. Này con trai Cư sĩ, chúng sanh có bốn loại nghiệp, bốn loại ô uế[07]. Những gì là bốn? Này con trai Cư sĩ, sát sanh là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh; lấy vật không được cho, tà dâm, vọng ngôn, là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Sát sanh cùng trộm cắp,
Tà dâm lấy vợ người,
Lời nói không chân thật,
Bậc trí không ngợi khen.

“Này con trai Cư sĩ, con người do bốn việc mà bị nhiều tội lỗi. Bốn việc đó là gì? Đó là đi theo dục, đi theo sân hận, đi theo sợ hãi và đi theo ngu si[08].”

Rồi Đức Phật dạy tiếp bài kệ:

Dục, nhuế, bố và si;
Làm hạnh ác, phi pháp,
Thanh danh tất bị diệt,
Như mặt trăng sắp tàn.

“Này con trai Cư sĩ, con người do bốn việc mà được nhiều phước. Bốn việc đó là gì? Đó là không đi theo dục, không đi theo sân hận, không đi theo sợ hãi và không đi theo ngu si.”

Khi ấy, Đức Thế Tôn dạy bài kệ:

Đoạn dục, không nhuế, bố,
Không si, hành pháp hạnh;
Thanh danh được tròn đủ,
Như mặt trăng dần đầy.

“Này con trai Cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo[09]. Sáu điều đó là gì? Một là với mọi chơi bời[10] mà mong cầu tài vật là phi pháp. Hai là rong chơi không phải lúc[11] mà mong cầu tài vật là phi pháp. Ba là đam mê rượu chè mà mong cầu tài vật là phi pháp. Bốn là gần gũi ác tri thức mà mong cầu tài vật là phi pháp. Năm là đam mê kỹ nhạc mà mong cầu tài vật là phi pháp. Sáu là quen lười biếng mà mong cầu tài vật là phi pháp.

“Này con của vị Cư sĩ, với kẻ chơi bời bài bạc, nên biết có sáu tai họa. Sáu tai họa đó là gì? Một là, thắng[12] thì sanh oán thù. Hai là, thua thì sanh xấu hổ. Ba là, mắc nợ[13] thì ngủ không yên. Bốn là, khiến kẻ thù vui mừng. Năm là, khiến thân thuộc lo âu. Sáu là, nói giữa đám đông không ai tin dùng. Này con trai Cư sĩ, người chơi bài bạc thì làm việc không kinh doanh. Làm việc không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có được. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng tiêu hao.

“Này con trai Cư sĩ, với người rong chơi không phải lúc, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là không tự giữ mình. Hai là không giữ gìn tài vật. Ba là không giữ gìn vợ con. Bốn là bị người nghi ngờ[14]. Năm là sanh nhiều khổ hoạn[15]. Sáu là bị người hủy báng[16]. Này con trai Cư sĩ, người rong chơi không phải lúc thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng tiêu hao.

“Này con của vị Cư sĩ, với người đam mê rượu chè, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là tài sản hiện tại bị tổn thất. Hai là thân bị nhiều bệnh hoạn. Ba là đấu tranh càng tăng trưởng. Bốn là để lộ chỗ kín. Năm là tổn thất danh tiếng. Sáu là mất trí, thành ngu. Này con của vị Cư sĩ, người đam mê rượu thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

“Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi tri thức ác, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là thân cận giặc cướp. Hai là thân cận kẻ lừa gạt. Ba là thân cận kẻ say sưa. Bốn là thân cận kẻ buông lung. Năm là tụ hội chơi bời. Sáu là lấy đó làm thân hữu, lấy đó làm bạn đồng hành[17]. Này con nhà Cư sĩ, người gần gũi ác tri thức thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

Này con trai Cư sĩ, với người đam mê kỹ nhạc, nên biết có sáu món tai họa. Sáu món đó là gì? Một là mê nghe ca. Hai là mê xem vũ. Ba là mê đánh nhạc. Bốn là mê xem lắc chuông. Năm là thích vỗ tay. Sáu là thích tụ hội đông người. Này con nhà Cư sĩ, người đam mê kỹ nhạc không phải lúc thì việc làm không kinh doanh. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.

Này con nhà Cư sĩ, với người lười biếng, nên biết có sáu tai họa. Sáu món đó là gì? Một là quá sớm, không làm việc. Hai là quá trễ, không làm việc. Ba là quá lạnh, không làm việc. Bốn là quá nóng, không làm việc. Năm là quá no, không làm việc. Sáu là quá đói, không làm việc. Này con nhà Cư sĩ, người lười biếng không phải lúc thì việc làm không kinh doanh được. Việc làm không kinh doanh thì công nghiệp không thành. Tài vật chưa có được thì không thể có. Tài vật đã có sẵn thì càng lúc càng bị tiêu hao.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ này:

Bài bạc, đuổi theo sắc,
Nghiện rượu, thích đánh nhạc,
Gần gũi ác tri thức,
Lười biếng không làm việc,
Buông lung không giữ mình;
Những thứ ấy hại người.
Tới lui không giữ gìn,
Tà dâm, lấy vợ người,
Trong tâm thường kết oán,
Cầu nguyện không có lợi,
Uống rượu, nhớ nữ sắc;
Những thứ ấy hại người.
Nặng nề các việc ác,
Ngoan cố không nghe lời,
Chửi Sa-môn, Phạm chí,
Điên đảo có tà kiến,
Hung bạo làm nghiệp đen,
Những thứ ấy hại người.
Thiếu thốn không của cải,
Uống rượu, mất áo quần,
Mang nợ, như chìm suối,
Kẻ ấy phá họ hàng;
Thường đi đến lò rượu,
Gần gũi bằng hữu xấu,
Muốn được của không được,
Lấy bạn bè làm vui.
Có nhiều bạn hữu ác,
Thường theo bạn không lành,
Đời nay và đời sau,
Hai đời đều bại hoại.
Người làm ác giảm lần;
Làm lành lần hưng thạnh.
Tập thù thắng càng tăng.
Cho nên phải tập thắng;
Tập thắng thì được thắng;
Thường theo trí tuệ thắng.
Càng được giới thanh tịnh,
Càng an vui vi diệu.
Ngày thì ưa ngủ nghỉ,
Đêm lại thích rong chơi;
Buông lung, thường uống rượu;
Ở nhà không yên được.
Quá lạnh và quá nóng,
Đều lười biếng không làm;
Rốt cuộc không sự nghiệp,
Không kiếm ra tài vật.
Hoặc lạnh và quá nóng,
Bất kể, như ngọn cỏ.
Siêng làm việc như vậy,
Suốt đời đều an vui.

 “Này con nhà Cư sĩ, có bốn hạng người không thân cận, tuồng như thân cận[18]. Bốn hạng người đó là gì? Một là biết việc[19], thì chẳng phải thân cận in tuồng thân cận. Hai là trước mặt nói lời dịu ngọt[20], thì chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Ba là lời nói[21] thì chẳng thân cận in tuồng như thân cận. Bốn là bạn đưa đến chỗ ác thì chẳng thân cận in tuồng như thân cận.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn trường hợp nên người biết việc dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp ấy là gì? Một là do biết việc mà đoạt của. Hai là cho ít lấy nhiều. Ba là hoặc vì sợ mà làm. Bốn là hoặc vì lợi mà hùa theo.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Người lấy biết làm việc,
Nói năng rất êm dịu,
Sợ, vì lợi hùa theo,
Biết chẳng thân, tuồng thân.
Nên xa lìa kẻ ấy
Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn trường hợp, trước mặt nói lời dịu ngọt, dù chẳng thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là bày ra những việc hay đẹp. Hai là xúi làm các việc ác. Ba là trước mặt ngợi khen. Bốn là sau lưng nói việc xấu.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nếu đặt chuyện hay ho,
Xúi làm ác bất thiện,
Đối mặt thì ngợi khen,
Sau lưng lại nói xấu;
Nếu biết hay và ác,
Và biết hai lối nói,
Dù thân, không nên thân;
Biết người ấy như vậy,
Nên xa lìa kẻ ấy;
Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, có bốn trường hợp, ngôn ngữ dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là chấp nhận việc đã qua. Hai là bàn bạc việc ngày mai[22]. Ba là dối trá không nói thật. Bốn là việc hiện tại thì hỏng; nhận nói rằng ‘tôi sẽ làm’ nhưng không làm.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Nhận việc qua, chưa đến;
Bàn suông, việc nay hỏng;
Nói làm, nhưng không làm;
Biết chẳng thân như thân;
Nên xa lìa kẻ ấy
Như đường có hiểm họa.

 “Này con nhà Cư sĩ, có bốn trường hợp bạn dẫn đến chỗ ác, dù chẳng phải thân cận in tuồng như thân cận. Bốn trường hợp đó là gì? Một là xúi các việc bài bạc. Hai là xúi đi rong chơi không phải thời. Ba là xúi uống rượu. Bốn là xúi thân cận kẻ ác.”

Rồi thì Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Xúi đủ thứ bài bạc
Uống rượu, lấy vợ người;
Thói thấp, không vươn lên;
Nó diệt như trăng tàn.
Nên xa lìa kẻ ấy
Như đường có hiểm họa.

“Này con nhà Cư sĩ, nên biết, có bốn hạng bạn lành[23]. Những gì là bốn? Một là cùng chịu khổ vui, nên biết đó là bạn lành. Hai là thương tưởng, nên biết đó là bạn lành. Ba là khuyên điều lợi, nên biết đó là bạn lành. Bốn là giúp đỡ, nên biết đó là bạn lành.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà cùng khổ cùng vui. Bốn trường hợp đó là gì? Một là quên mình, vì bạn. Hai là quên tài sản vì bạn. Ba là quên vợ con vì bạn. Bốn là biết nghe lời.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Xả dục, tài, vợ, con,
Lời nói hay kham nhẫn;
Biết thân cùng khổ vui,
Kẻ trí nên làm thân.

 “Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà thương tưởng, nên biết là bạn lành. Những gì là bốn? Một là dạy cho diệu pháp[24]. Hai là ngăn cấm ác pháp. Ba là khen ngợi trước mặt. Bốn là khước từ oán gia[25].

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Dạy lành, cản việc ác,
Khen trước mặt, tránh thù;
Biết bạn lành thương tưởng,
Kẻ trí nên làm thân.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà cầu lợi[26], nên biết là bạn lành. Những gì là bốn? Một là bộc lộ việc kín ra. Hai là không che giấu việc kín. Ba là được lợi nên vui mừng. Bốn là không được lợi, không buồn.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Việc mật, bày không giấu;
Lợi vui; không, chẳng buồn.
Biết bạn lành cầu lợi,
Kẻ trí nên thường thân.

“Này con nhà Cư sĩ, do bốn việc mà giúp đỡ, nên biết bạn lành. Những gì là bốn? Một là biết bạn hết của cải. Hai là biết của cải hết, liền cung cấp vật. Ba là thấy buông lung nên khuyên ngăn. Bốn là thường thương tưởng.”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Biết của hết, cho thêm;
Buông lung khuyên; thương tưởng.
Biết bạn lành giúp đỡ,
Kẻ trí nên làm quen.

“Này con nhà Cư sĩ, trong pháp luật của bậc Thánh, có sáu phương: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như đối với phương Đông, con đối với cha mẹ cũng vậy. Người con phải có năm điều thờ kính, phụng dưỡng cha mẹ. Năm điều đó là gì? Một là tăng thêm của cải. Hai là cáng đáng mọi việc. Ba là dâng lên cha mẹ những gì người muốn. Bốn là không tự tác, không trái ý. Năm là tất cả vật riêng của mình đều dâng hết cha mẹ. Người con làm năm việc như trên để phụng dưỡng, thờ kính cha mẹ.

“Cha mẹ cũng lấy năm việc để chăm sóc các con. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu con cái. Hai là cung cấp không thiếu. Ba là khiến con không mang nợ. Bốn là gả cưới xứng đáng. Năm là cha mẹ có của cải vừa ý đều giao hết cho con. Cha mẹ bằng năm điều ấy mà chăm sóc các con.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Đông có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Đông là giữa con và cha mẹ. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ hiếu với cha mẹ, chắc chắn có sự tăng ích, chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Đông, phương Nam có hai trường hợp phân biệt.

“Học trò đối với thầy nên biết năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo giúp đỡ, hầu hạ. Ba là hăng hái. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy. Đệ tử lấy năm điều ấy cung kính, phụng dưỡng Sư trưởng.

“Sư trưởng cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là dạy dỗ nhanh chóng. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là đặt để ở những chỗ lành. Năm là gửi gấm bậc thiện tri thức. Sư trưởng lấy năm điều ấy mà săn sóc đệ tử.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Nam có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Nam là giữa học trò và thầy. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ thuận đối với Sư trưởng, chắc chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Tây, người chồng đối với vợ cũng vậy. Người chồng nên lấy năm việc mà yêu thương, cấp dưỡng vợ. Năm việc đó là gì? Một là thương yêu vợ. Hai là không khinh rẻ. Ba là sắm các thứ chuỗi ngọc, đồ trang điểm. Bốn là ở trong nhà để vợ được tự do. Năm là xem vợ như chính mình. Người chồng lấy năm việc để thương yêu, cấp dưỡng vợ.

“Người vợ phải lấy mười ba điều[27] khéo léo kính thuận chồng. Mười ba điều ấy là gì? Một là thương yêu kính trọng chồng. Hai là cung phụng, kính trọng chồng. Ba là nhớ nghĩ đến chồng. Bốn là trông nom các công việc. Năm là khéo tiếp đãi bà con. Sáu là trước mặt đưa mắt hầu đợi. Bảy là sau lưng thì cử chỉ yêu thương. Tám là lời nói thành thật. Chín là không khóa kín cửa phòng. Mười là thấy đến thì ca ngợi. Mười một là trải sẵn giường mà đợi. Mười hai là bày dọn đồ ăn uống ngon lành, sạch sẽ, dồi dào. Mười ba là cúng dường Sa-môn, Phạm chí. Người vợ lấy mười ba việc ấy để khéo léo kính trọng chồng.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Tây có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Tây là giữa vợ với chồng. Này con nhà Cư sĩ, nếu người từ mẫn với vợ, chắc có sự tăng ích, chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Bắc, chủ nhà đối với tôi tớ cũng như vậy[28]. Người chủ nhà nên lấy năm điều thương mến chu cấp cho tôi tớ. Năm điều ấy là gì? Một là tùy sức mà sai làm việc. Hai là tùy lúc mà cho ăn. Ba là tùy lúc cho uống. Bốn là hết ngày thì cho nghỉ. Năm là bệnh hoạn cho thuốc thang. Chủ nhà lấy năm việc trên mà thương xót cung cấp cho tôi tớ.

“Tôi tớ cũng nên lấy chín điều[29] mà phụng sự chủ nhà. Chín điều ấy là gì? Một là tùy thời mà làm việc. Hai là chuyên tâm vào công việc. Ba là làm tất cả việc. Bốn là trước mặt thì đưa mắt hầu đợi. Năm là sau lưng thì thương kính mà làm. Sáu là nói lời thành thật. Bảy là khi chủ hoạn nạn thì không bỏ đi. Tám là đi phương xa thì nên khen ngợi chủ. Chín là khen chủ nhà là dễ dãi. Tôi tớ lấy chín điều ấy khéo léo phụng sự chủ nhà.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Bắc có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương Bắc là giữa chủ nhà và tôi tớ. Này con nhà Cư sĩ, nếu có người thương xót tôi tớ, chắn chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Dưới, bằng hữu đối với bằng hữu[30] cũng vậy. Thân hữu nên lấy năm việc để ái kính cung cấp thân hữu. năm việc ấy là gì? Một là ái kính. Hai là không khinh mạn. Ba là không dối gạt. Bốn là cho tặng đồ quý. Năm là tìm cách giúp đỡ. Thân hữu lấy năm việc trên để ái kính, cung cấp thân hữu.

“Thân hữu này[31] cũng lấy năm việc để nhớ nghĩ đến thân hữu. Năm việc đó là gì? Một là biết của cải hết. Hai là khi biết của cải hết thì cung cấp của cải. Ba là thấy buông lung thì khuyên răn. Bốn là thương nhớ. Năm là gặp hoạn nạn thì cho nương tựa. Thân hữu lấy năm việc ấy để nhớ nghĩ đến thân hữu.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy, phương Dưới có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong pháp luật của bậc Thánh là thân hữu đối với thân hữu vậy. Này con nhà Cư sĩ, nếu người thương xót thân hữu, chắc chắn có sự tăng ích chứ không phải có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, cũng như phương Trên, thí chủ đối với Sa-môn, Phạm chí cũng vậy. Thí chủ nên lấy năm điều để tôn kính, cúng dường Sa-môn, Phạm chí. Năm điều đó là gì? Một là không đóng kín cửa. Hai là thấy đến thì tán thán. Ba là trải giường mà đợi. Bốn là làm các món ăn uống ngon sạch, dồi dào, mà cúng. Năm là đúng như pháp mà hộ trì. Người thí chủ lấy năm điều trên cung kính cúng dường Sa-môn, Phạm chí.

“Sa-môn, Phạm chí cũng lấy năm việc để khéo nhớ nghĩ đến thí chủ. Năm việc ấy là gì? Một là dạy cho có tín, hành tín và niệm tín. Hai là dạy các giới cấm. Ba là dạy nghe rộng. Bốn là dạy bố thí. Năm là dạy cho có tuệ, hành tuệ và lập tuệ. Sa-môn, Phạm chí lấy năm việc ấy để nhớ nghĩ đến thí chủ.

“Này con nhà Cư sĩ, như vậy phương Trên có hai trường hợp phân biệt. Này con nhà Cư sĩ, trong luật pháp của bậc Thánh, phương trên là giữa thí chủ và Sa-môn, Phạm chí. Này con nhà Cư sĩ, nếu người nào tôn kính cúng dường Sa-môn, Phạm chí thì chắc chắn có sự tăng ích chứ không có sự suy hao.

“Này con nhà Cư sĩ, có bốn nhiếp sự[32]. Bốn việc ấy là gì? Một là huệ thí. Hai là lời nói khả ái. Ba là làm lợi cho người. Bốn là có lợi cùng chia[33].”

Rồi Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Huệ thí và ái ngôn,
Thường vì người lợi hành,
Với tất cả đồng sự,
Khắp nơi đều vang danh.
Sự này duy trì đời
Cũng như người đánh xe.
Nhiếp sự này vắng mặt,
Mẹ không nhân bởi con
Mà được kính phụng dưỡng.
Con đối cha cũng vậy.
Nếu có nhiếp sự này,
Phước hựu thật to lớn;
Chiếu soi như ánh nhật,
Tiếng tốt truyền đi nhanh.
Thông minh, không nói cộc
Như vậy, làm nên danh
Định vững, không cao ngạo;
Tiếng loan truyền đi nhanh
Thành tựu tín và giới[34],
Như vậy làm nên danh.
Hăng hái, không giải đãi;
Thường cho người uống ăn;
Dìu dắt vào nẻo chánh;
Như vậy làm nên danh.
Bạn bè cùng lân tuất,
Ái lạc có giới hạn;
Giữa người thân, nhiếp sự
Thù diệu như sư tử.
Học nghề, học buổi đầu,
Kiếm lợi, kiếm sau đó.
Sản nghiệp đã dựng thành,
Phân chia làm bốn phần.
Phần cung cấp ẩm thực;
Phần điền giả nông canh;
Phần kho tàng chất chứa,
Phòng khi hữu sự cần;
Gom nông tang, thương cổ,
Thu xuất, lợi một phần.
Thứ năm để cưới vợ;
Thứ sáu làm nhà cửa.
Tại gia sáu sự này,
Hưng thịnh, sống khoái lạc.
Tiền tài sẵn càng đầy,
Như nước xuôi biển cả.
Đời mưu sinh như vầy,
Như ong hút nhụy hoa;
Đời mưu sinh lâu dài,
Sống an lạc hưởng thọ.
Xuất tiền, không xuất xa;
Không tản mác tung ra.
Không thể đem tài vật
Cho hung bạo, ngoan tà.
Phương Đông là cha mẹ;
Phương Nam là tôn sư;
Phương Tây là thê tử;
Phương Bắc là nô tỳ;
Phương Dưới bằng và hữu;
Phương Trên bậc tịnh tu;
Nguyện lễ các phương ấy,
Phước đời này đời sau.
Do lễ các phương ấy,
Thí chủ sanh trời cao.

Phật thuyết như vậy. Thiện Sanh con trai Cư sĩ sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli D.31 Siṅgālovāda-suttanta. Hán, biệt dịch No.1(16) Trường A-hàm Kinh 16 “Thiện Sinh”; No.16. Phật Thuyết Thi-ca-la-việt Lục Phương Lễ Bái Kinh, Hậu Hán, An Thế Cao dịch; No.17 Phật Thuyết Thiện Sinh Tử Kinh, Tống, Chi Pháp Độ dịch.
[02] Nhiêu hà mô 饒 蝦 蟆, chỗ nuôi ễnh ương (hay nuôi sóc?). No.1(16) nói: trên núi Kỳ-xà-quật tức Linh thứu. Pāli nói: Veḷuvane Kalandaka-nivāpe, trong rừng Trúc, chỗ nuôi sóc.
[03] No.1(16): trưởng giả tử. Pāli: Gahapati-putto, con trai gia chủ.
[04] Sô-ma y 芻 磨 衣 (Pāli: khoma: áo len). No.1(16): toàn thân đều ướt. Pāli: alla-vattham alla-kesam: áo và tóc đều ướt hết.
[05] Câu-xá diệp 拘 舍 葉, có lẽ Pāli gọi là kusa, một loại cỏ thơm (cỏ cát tường).
[06] Tham chiếu No.1(16): “có tên của sáu phương, nhưng trong pháp của Hiền Thánh không phải lạy như vậy.” Tham chiếu Pāli: na (....) ariyassa vinaye evaṃ chaddisā namassitabhā ti, “trong luật của bậc Thánh, không phải lạy sáu phương như vậy”.
[07] No.1(16): nghiệp kết. Pāli: cattāro kamma-kilesā, bốn phiền não, hay bốn sự ô nhiễm, của nghiệp.
[08] Hán: hành dục, hành khuể (nhuế), hành bố, hành si 行 欲 行 欲 行 恚 行 怖 行 癡. Pāli: chandāgatiṃ dosāgatiṃ bhayāgatiṃ mohāgatiṃ.
[09] Lục phi đạo 六 非 道. Pāli: cha bhogānaṃ apāya-mukhāni, sáu nguyên nhân cho sự hao tài.
[10] Hán: chủng chủng hý 種 種 戲; Pāli: jūta-ppamāda-ṭṭhānuyogo, đam mê cờ bạc.
[11] Hán: phi thời hành 非 時 行. Pāli: vikāla-visikhā-cariyānuyogo, du hành đường phố phi thời.
[12] Trong bản Hán: phụ 負 “thua”. Theo ngữ cảnh, phải hiểu “thắng”.
[13] Trong bản Hán: phụ 負, ở đây nên hiểu là “mắc nợ”.
[14] Pāli: saṃkiyo hoti pāpakesu ṭhānesu, bị tình nghi các trường hợp phạm tội.
[15] Nghĩa là, chuốc vào thân những chuyện rắc rối.
[16] Pāli: nạn nhân của tin đồn thất thiệt.
[17] Dịch sát: dĩ thử vi thân hữu dĩ thử vi bạn lữ 以 此 為 親 友 以 此 為 伴 侶;  tối nghĩa. Pāli: ye sāhasikā tyāssa mittā honti, te sahāyā, “những kẻ thô bạo, thật vậy, là những người bạn, những người đồng hành của nó”. Bản Hán hiểu sāhasika (thô bạo) cùng gốc với sahāya (bằng hữu).
[18] Pāli: amittā mitta-ptṭirūpakā, không phải bạn mà có vẻ bạn.
[19] Hán: tri sự 知 事. No.1(16) úy phục. Pāli: aññadatthu-haro, hạng người vật gì cũng lấy. Hình như, trong bản Hán, aññad (khác) được hiểu là aññā(d) (biết); atthu, động từ khả năng cách: mong nó là; được hiểu là attha: sự việc.
[20] Pāli: anuppiya-bhāṇī, nói ngọt, tức nịnh hót.
[21] Hán: ngôn ngữ 言 語, không rõ ý. Pāli: vacī-paramo, nói giỏi.
[22] Một và hai, No.1(14): việc trước dối trá; việc sau dối trá. Pāli: atītena paṭisamtharati anāgatena paṭisamtharati, hoan nghinh bằng việc quá khứ… bằng việc vị lai.
[23] Hán: thiện thân 善 親. Pāli: mittā suhadā, bạn tâm giao.
[24] Tức pháp thiện.
[25] Ba và bốn, bản Pāli: khuyên người nói tốt bạn; ngăn người nói xấu bạn.
[26] Tức mong điều lợi cho bạn. Pāli: atthakkhayī.
[27] No.1(16) và Pāli, chỉ có năm.
[28] Pāli: quan hệ bằng hữu ở phương Bắc, quan hệ chủ tớ ở phương dưới.
[29] No.1(16) có năm.
[30] Nguyên Hán: thân hữu quán thân hữu thần 親 友 觀 親 友 臣. Ý muốn phân biệt người bạn này đối với người bạn kia, rồi người kia đối lại. Pāli nói rõ hơn: một thiện nam tử đối với bạn hữu, kula-puttena (....) mittāmaccā (....) và ngược lại. Hán: thân hữu thần, Pāli: mittāmacca, trong đó, amacca có nghĩa bằng hữu, cũng có nghĩa người phụ tá hay thần thuộc (mahāmacca: quan đại thần).
[31] Thân hữu thần: xem chú thích trên.
[32] Nhiếp sự 攝 事, tức bốn nhiếp pháp.
[33] Huệ thí, ái ngữ, hành lợi, đẳng lợi. Thuật ngữ thông dụng của các kinh Đại thừa: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
[34] Thi lại 尸 賴, phiên âm, Pāli: sīla.

-ooOoo-

trang trước

đầu trang

trang kế


[Thư mục BuddhaSasana]