Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 38

 

KINH 1062. THIỆN SANH[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tôn giả Thiện Sanh[2] vừa mới cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà; đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Khi ấy Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, nên biết thiện nam tử Thiện Sanh này có hai chỗ đoan nghiêm[3]: Một là cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, xuất gia học đạo, sống không nhà; hai là đã tận trừ các hữu lậu, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, hiện tại tự biết tác chứng[4]: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Tịch tĩnh, sạch các lậu,

Tỳ-kheo trang nghiêm tốt;

Ly dục, đoạn các kết,

Không tái sanh, Niết-bàn.

Giữ thân sau cùng này,

Hàng phục giặc ma oán.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1063. XÚ LẬU[5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo[6] hình tướng xấu xí khó coi, bị các Tỳ-kheo khinh mạn, đến chỗ Phật. Khi ấy bốn chúng đang vây quanh bên Thế Tôn, thấy Tỳ-kheo này đến, tất cả đều có ý khinh mạn, liền nói với nhau rằng: “Tỳ-kheo đang đến kia là ai, mà hình tướng xấu xí, khó coi, bị mọi người khinh mạn vậy?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các Tỳ-kheo nên bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thấy Tỳ-kheo đang đến, hình tướng thô xấu, khó coi kia, bị mọi người khinh mạn không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Vâng, chúng con đã thấy vậy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với Tỳ-kheo này, các ông chớ có khởi ý tưởng kinh mạn. Vì sao? Vì Tỳ-kheo này đã tận trừ các lậu, những việc cần làm đã làm xong, đã lìa các gánh nặng, đã đoạn tận các hữu kết, chánh trí, tâm thiện giải thoát. Này các Tỳ-kheo, các ông chớ xét đoán lầm người, chỉ có Như Lai mới có khả năng xét đoán người.”

Vị Tỳ-kheo này đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi lui qua một bên.

Bấy giờ Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thấy Tỳ-kheo này cúi đầu đảnh lễ rồi ngồi lui qua một bên không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Vâng, chúng con đã thấy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với Tỳ-kheo này, các ông chớ có ý khinh mạn,... cho đến các ông chớ xét đoán lầm người, chỉ có Như Lai mới có khả năng biết được người.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Chim bay cùng thú chạy,

Tất cả sợ sư tử.

Sư tử vua loài thú,

Không có loài nào bằng.

Cũng vậy, người trí tuệ,

Tuy nhỏ nhưng mà lớn.

Chớ chấp thân tướng họ,

Mà sanh tâm khinh mạn.

Nào cần thân to lớn,

Thịt nhiều không trí tuệ.

Trí tuệ hiền thắng này,

Chính là bậc Thượng sĩ.

Ly dục, đoạn các kết,

Không tái sanh, Niết-bàn.

Giữ thân sau cùng này,

Hàng phục các ma quân.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1064. ĐỀ-BÀ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Đề-bà-đạt-đa[8] có được lợi dưỡng từ A-xà-thế[9] con bà Tỳ-đề-hy, vua nước Ma-kiệt-đà. Hằng ngày cùng đoàn thị tùng với năm trăm cỗ xe đến chỗ Đề-bà-đạt-đa; hằng ngày đem năm trăm chõ đồ ăn cúng dường Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa dẫn năm trăm người thành nhóm riêng[10] nhận sự cúng dường này.

Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Vương xá khất thực, nghe Đề-bà-đạt-đa có những lợi dưỡng như vậy,... cho đến nhóm riêng năm trăm người hưởng thụ sự cúng dường này. Khất thực xong, trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm chúng con đắp y, ôm bát vào thành Vương xá khất thực, nghe Đề-bà-đạt-đa có lợi dưỡng như vậy,... cho đến dẫn nhóm riêng năm trăm người hưởng thọ sự cúng dường này.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ nói Đề-bà-đạt-đa đang được lợi dưỡng. Vì sao? Vì Đề-bà-đạt-đa này, nếu hưởng thọ lợi dưỡng riêng thì đời này tự hoại và đời sau cũng bị hoại. Ví như cây chuối, lau, tre sanh quả liền chết, năm sau cũng hư hoại. Cũng lại như vậy, Đề-bà-đạt-đa, nếu thọ nhận sự cúng dường này, thì đời này bị hoại, đời sau cũng bị hoại. Thí như con la[11] mang thai thì chết; cũng như vậy Đề-bà-đạt-đa, nếu thọ nhận các lợi dưỡng thì đời này bị hoại, đời sau cũng bị hoại. Đề-bà-đạt-đa ngu si kia, sẽ tùy theo thời gian nhiều ít hưởng thụ lợi dưỡng này, mà phải lâu dài chịu khổ, không lợi ích. Cho nên, các Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Dù có lợi dưỡng đến, tôi cũng không sanh tâm nhiễm trước.’”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Chuối sanh quả liền chết,

Lau tre cũng như vậy.

La mang thai thì chết;

Người vì tham mà chết.

Thường làm hạnh phi nghĩa,

Biết nhiều không khỏi ngu;

Pháp lành ngày tổn giảm,

Cành khô, rễ cũng tàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng.

*

 

KINH 1065. TƯỢNG THỦ[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, nước Xá-vệ có Thủ Tỳ-kheo[13] là người dòng họ Thích, mạng chung tại nước Xá-vệ.

Lúc ấy, sáng sớm có nhiều Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, nghe Thủ Tỳ-kheo họ Thích mạng chung ở nước Xá-vệ. Nghe xong vào thành Xá-vệ khất thực trở về cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm hôm nay các Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, nghe Thủ Tỳ-kheo dòng họ Thích mạng chung ở nước Xá-vệ. Thế nào, bạch Thế Tôn, Thủ Tỳ-kheo mạng chung sẽ sanh về nơi nào? Thọ sanh thế nào? Đời sau ra sao?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thủ Tỳ-kheo này thành tựu ba pháp bất thiện, nên khi mạng chung sẽ sanh vào địa ngục, đường ác. Những gì là ba pháp bất thiện? Là tham dục, sân nhuế và ngu si. Ba pháp bất thiện này trói buộc tâm. Thủ Tỳ-kheo dòng họ Thích sẽ sanh vào địa ngục, đường ác.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Tham dục, sân nhuế, si,

Trói buộc tâm con người;

Phát từ trong, tự hại.

Như lau, tre ra hoa.

Tâm không tham, nhuế, si,

Đó gọi là sáng suốt;

Phát từ trong, không hại,

Đó gọi là thắng xuất.

Cho nên phải lìa tham,

Tăm tối si, sân nhuế;

Tỳ-kheo trí tuệ sáng,

Khổ tận, Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1066. NAN-ĐÀ (1)

Như Thủ Tỳ-kheo, kinh Nan-đà cũng nói như vậy.

*

 

KINH 1067. NAN-ĐÀ (2)[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Nan-đà con Di mẫu của Phật, thích mặc áo nhuộm, chải chuốt bóng láng, mang giữ bát tốt, thích bỡn cợt, vừa đi vừa cười đùa. Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nan-đà là con Di mẫu của Phật[15], thích mặc áo nhuộm, chải chuốt bóng láng, mang giữ bát tốt, thích bỡn cợt, vừa đi vừa cười đùa.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

“Ông đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà nói Nan-đà rằng: ‘Đại Sư cho gọi ngươi.’”

Tỳ-kheo kia vâng lời Thế Tôn dạy đến nói với Nan-đà:

“Thế Tôn cho gọi ông.”

Nan-đà nghe xong liền đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên. Phật bảo Nan-đà:

“Có thật ngươi thích mặc áo nhuộm, chải chuốt bóng láng, mang giữ bát tốt, thích bỡn cợt, vừa đi vừa cười đùa không?”

Nan-đà bạch Phật:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn!”

Phật bảo Nan-đà:

“Ngươi là con Di mẫu của Phật, dòng quý tộc xuất gia, không nên mặc y phục đẹp, chải chuốt bóng láng, mang giữ bát tốt, thích bỡn cợt, vừa đi vừa cười đùa. Ngươi nên tự nghĩ như vầy: ‘Ta là con bà Di mẫu của Phật, dòng quý tộc xuất gia, nên trú ở a-lan-nhã, đi khất thực, mặc áo phấn tảo, thường nên khen ngợi sự mặc áo phấn tảo, ưa ở chỗ núi, khe, không tham luyến ái dục.”

Sau khi vâng lời Phật dạy, Nan-đà trú ở a-lan-nhã, đi khất thực, mặc áo phấn tảo, thường nên khen ngợi sự mặc áo phấn tảo, ưa ở chỗ núi, khe, không tham luyến ái dục.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Nan-đà, Ta muốn ngươi,

Tu tập a-lan-nhã;

Đi khất thực từng nhà,

Thân mặc áo phấn tảo.

Thích ở chỗ núi khe,

Không tham luyến ngũ dục!

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Nan-đà nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1068. ĐÊ-SA[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Đê-sa[17] tự nghĩ: “Ta là anh em con cô của Thế Tôn, nên không cần phải cung kính, không cần quan tâm cấp bậc, cũng cần phải sợ nễ, không chịu để can gián.” Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Đê-sa tự nghĩ mình là anh em con cô của Thế Tôn nên không cần cung kính, không cần quan tâm cấp bậc, cũng không cần sợ nễ, không chịu để can gián.”

Bấy giờ Thế Tôn bảo một vị Tỳ-kheo:

“Ông hãy đến chỗ Tỳ-kheo Đê-sa nói rằng: ‘Đại Sư cho gọi ngươi.’”

Lúc ấy Tỳ-kheo kia vâng lời Phật dạy đến chỗ Tỳ-kheo Đê-sa nói:

“Thế Tôn cho gọi ông.”

Tỳ-kheo Đê-sa liền đi đến chỗ phật, cúi đầu lễ Phật và lui ngồi một bên. Phật bảo Đê-sa:

“Có thật ông nghĩ rằng: ‘Ta là anh em con cô của Thế Tôn nên không cần cung kính, không cần dè dặt, không phải sợ nễ, không chịu để can gián’ chăng?” Tỳ-kheo Đê-sa bạch Phật:

“Thật vậy, bạch Thế Tôn!”

Phật bảo Tỳ-kheo Đề-sa:

“Ông không nên nghĩ thế. Ông phải nghĩ rằng: ‘Ta là anh em con cô của Thế Tôn nên phải cung kính, sợ nễ, nhẫn chịu sự can gián.’”

Lúc ấy Thế Tôn liền nói kệ:

Lành thay, ngươi Đê-sa!

Lìa sân nhuế là tốt;

Chớ sanh tâm sân hận.

Người sân giận không tốt.

Nếu hay lìa sân mạn,

Tu hành tâm khiêm hạ;

Sau đó ở nơi Ta,

Tu tập các phạm hạnh.

Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Đê-sa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1069. TỲ-XÁ-KHƯ[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Tỳ-xá-khư Bát-xà-lê Tử[19] tụ họp ở nhà cúng dường[20], thuyết pháp cho số đông các Tỳ-kheo, ngôn từ hoàn hảo, giọng tốt trong trẻo cú vị rõ ràng, chính xác, lời nói phù hợp với trí tuệ; thính giả thích nghe, lời nói lưu loát, hiển bày ý nghĩa sâu xa, khiến các Tỳ-kheo nhất tâm lắng nghe.

Khi ấy Thế Tôn đang nhập chánh thọ ban ngày[21], với thiên nhĩ thanh tịnh hơn tai người thường, nghe tiếng thuyết pháp, Ngài xuất định, đi đến giảng đường, ngồi trước đại chúng và nói với Tỳ-kheo Tỳ-xá-khư Bát-xà-lê Tử:

“Lành thay, lành thay, Tỳ-xá-khư! Ông có thể ở nơi nhà cúng dường này mà thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, với ngôn từ hoàn hảo, cho đến, hiển hiện ý nghĩa sâu xa, khiến các Tỳ-kheo chuyên tinh, kính trọng. Ông hãy thường xuyên thuyết pháp như vậy cho các Tỳ-kheo, khiến các Tỳ-kheo chuyên tinh kính trọng, nhất tâm ưa nghe, sẽ được ích lợi lâu dài, sống an lạc.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:

Nếu không có thuyết pháp,

Khó phân rõ ngu, trí.

“Đây ngu! Đây trí tuệ!”

Không do đâu hiển hiện.

Khéo nói pháp tươi mát,

Nhân thuyết trí rõ ràng.

Thuyết pháp là sáng chiếu,

Sáng chói cờ Đại tiên.

Phật nói kinh này xong; Tỳ-xá-khư Bát-xà-lê Tử nghe những gì Phât dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ rồi lui.

*

 

KINH 1070. NIÊN THIẾU[22]

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có nhiều chúng Tỳ-kheo ở nhà cúng dường, tụ tập cùng nhau may y. Lúc đó có một Tỳ-kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, mới vào Pháp luật, không muốn phụ giúp các Tỳ-kheo may y.

Bấy giờ các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui ngồi một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, ở nhà cúng dường, các Tỳ-kheo tụ tập may y. Có một Tỳ-kheo trẻ tuổi, xuất gia chưa bao lâu, mới vào Pháp luật, không muốn phụ giúp các Tỳ-kheo may y.”

Bấy giờ Đức Phật hỏi vị Tỳ-kheo trẻ ấy:

“Có thật ông không muốn giúp đỡ các Tỳ-kheo may y chăng?”

Tỳ-kheo trẻ kia bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, tùy theo khả năng của con mà con phụ giúp.”

Thế Tôn khi đó biết được tâm niệm của Tỳ-kheo trẻ tuổi, mới bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông chớ nói với[23] Tỳ-kheo trẻ này. Vì sao? Vì Tỳ-kheo này được bốn pháp tăng tâm[24], đang hoàn toàn an trú trong hiện pháp lạc, chẳng phải do cố gắng mà được. Tỳ-kheo ấy theo bản tâm của mình, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, xuất gia học đạo, tăng tiến tu học, hiện pháp tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ:

Kém nỗ lực, đức mỏng,

Trí tuệ ít: không thể

Hướng thẳng đến Niết-bàn,

Thoát khỏi gông phiền não.

Hiền nhân trẻ tuổi này,

Sớm được chỗ thượng sĩ;

Lìa dục tâm giải thoát,

Niết-bàn dứt tái sanh.

Giữ thân tối hậu này,

Hàng phục các ma quân.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1071. TRƯỞNG LÃO[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo tên Thượng Tọa[26], sống một mình tại một nơi, cũng thường hay khen ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, khất thực xong trở về một mình và một mình ngồi thiền tư.

Bấy giờ, trong chúng có nhiều Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có Tôn giả tên là Thượng Tọa sống một mình, cũng thường hay khen ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, khất thực xong trở về một mình và một mình ngồi thiền tư.”

Khi đó Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:

“Ông hãy đến chỗ Tỳ-kheo Thượng Tọa nói rằng: ‘Đại Sư cho gọi thầy.’”

Tỳ-kheo ấy vâng lời Phật dạy, đến nói lời như trên với Tỳ-kheo Thượng Tọa, Tỳ-kheo Thượng Tọa vâng lời đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, rồi lui ngồi một bên. Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Thượng Tọa:

“Ông có thật sống một mình nơi chỗ vắng, khen ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, ra khỏi làng một mình, ngồi thiền tư một mình chăng?”

Tỳ-kheo Thượng Tọa bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thật như vậy.”

Phật bảo Tỳ-kheo Thượng Tọa:

“Này Tỳ-kheo, ông như thế nào sống một mình, khen ngợi người sống một mình, một mình đi khất thực, một mình trở về chỗ ở và một mình ngồi thiền tư?”

Tỳ-kheo Thượng Tọa bạch Phật:

“Con chỉ ở một mình nơi vắng vẻ, khen ngợi người sống một mình, đi khất thực một mình, ra khỏi làng một mình, ngồi thiền tư một mình.”

Phật bảo Tỳ-kheo Thượng Tọa:

“Ông là kẻ sống một mình, Ta không nói là chẳng phải sống một mình. Nhưng lại có lối sống một mình thắng diệu hơn. Sao gọi là lối sống một mình thắng diệu? Đó là Tỳ-kheo phía trước thì khô cằn, phía sau thì diệt tận, ở giữa thì không tham hỷ[27]. Đó là Bà-la-môn tâm không còn do dự, đã xả ưu hối, lìa các hữu ái, đoạn các kết sử. Đây gọi là sống một mình không có lối sống nào thắng diệu hơn nữa.”

Khi ấy Phật nói kệ:

Chiếu sáng khắp tất cả,

Biết khắp các thế gian;

Chẳng chấp tất cả pháp,

Lìa hết tất cả ái.

Người này sống an lạc,

Ta nói là độc trụ.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Thượng Tọa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ cáo từ.

*

 

KINH 1072. TĂNG-CA-LAM[28]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tôn giả Tăng-ca-lam[29] du hành nhân gian ở Câu-tát-la, tới nước Xá-vệ, rừng cây Kỳ-đà, trong vườn Cấp cô độc. Tỳ-kheo Tăng-ca-lam kia có vợ cũ đang ở trong nước Xá-vệ, nghe tin Tỳ-kheo Tăng-ca-lam du hành trong nhân gian từ Câu-tát-la đến nước Xá-vệ, trong rừng Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Nghe vậy, liền mặc y phục đẹp, trang điểm hoa anh lạc, ôm con đi thẳng đến Kỳ-hoàn, đến trước phòng Tỳ-kheo Tăng-ca-lam.

Trong lúc Tôn giả Tăng-ca-lam ra khỏi phòng đi kinh hành ngoài đất trống, người vợ cũ kia tiến đến trước mặt Tôn giả và nói:

“Đứa bé này còn nhỏ quá, anh bỏ con thơ đi tu, ai sẽ nuôi dưỡng nó?”

Tỳ-kheo Tăng-ca-lam không nói chuyện với nàng. Người vợ ba lần nói như vậy, Tỳ-kheo cũng không nói gì. Người vợ lại nói:

“Tôi đã nói cho anh biết ba lần như vậy mà anh chẳng nói với tôi, chẳng ngó ngàng tới, bây giờ tôi sẽ bỏ đứa bé này.”

Người vợ liền bỏ đứa nhỏ ngay đầu đường kinh hành mà đi và nói:

“Này Sa-môn, đây là con của ông! Ông hãy tự nuôi nấng. Nay tôi bỏ đi!”

Tôn già Tăng-ca-lam cũng chẳng nhìn đến đứa bé. Người vợ ấy lại nói:

“Sa-môn này chẳng để ý gì đến đứa nhỏ. Chắc có lẽ ông đã được chỗ khó được của bậc Tiên nhân. Lành thay! Sa-môn chắc hẳn đã được giải thoát.”

Thiếu phụ không toại nguyện đành ôm con đi.

Bấy giờ, Thế Tôn đang nhập chánh thọ ban ngày, với thiên nhĩ siêu việt hơn người thường, Ngài nghe được những lời của người vợ cũ của Tôn giả Tăng-ca-lam, liền nói kệ:

Việc đến chẳng hoan hỷ,

Đi cũng chẳng lo buồn;

Với thế gian hòa hợp,

Giải thoát chẳng nhiễm trước.

Ta nói Tỳ-kheo kia,

Chân thật Bà-la-môn;

Việc đến chẳng hoan hỷ,

Đi cũng chẳng lo buồn.

Không nhiễm cũng không ưu,

Hai tâm đều vắng lặng;

Ta nói Tỳ-kheo này,

Là chân Bà-la-môn.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tăng-già-lam nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ rồi đi.

*

 

KINH 1073. A-NAN[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan một mình ở chỗ vắng tự suy nghĩ: “Có ba thứ mùi hương chỉ bay theo chiều gió, không thể bay theo ngược chiều gió. Những gì là ba? Đó là mùi hương rễ cây, mùi hương thân cây và mùi hương của hoa. Hoặc lại có mùi hương nào bay theo chiều gió, cũng bay theo ngược gió, cũng bay vừa thuận gió ngược gió chăng?”

Suy nghĩ như thế, buổi chiều hôm đó sau khi từ thiền tịnh dậy, A-nan đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật và lui đứng một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tự nghĩ thầm: ‘Có ba thứ mùi hương chỉ bay theo chiều gió, không thể bay theo ngược gió. Những gì là ba? Đó là mùi hương rễ cây, mùi hương thân cây, mùi hương của hoa. Hoặc có mùi hương nào bay theo chiều gió, cũng bay theo ngược gió, cũng bay vừa thuận gió vừa ngược gió chăng?’”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Đúng thế! Đúng thế! Có ba loại mùi hương chỉ bay theo chiều gió, không thể bay theo ngược gió. Đó là hương thơm rễ cây, hương thơm của cây, hương thơm của hoa. Này A-nan, cũng có mùi hương bay theo chiều gió, bay theo ngược gió và cũng bay theo thuận gió ngược gió. Này A-nan, hương bay theo chiều gió, bay theo ngược gió và cũng bay theo thuận gió ngược gió, đó là: Có thiện nam tử hay người thiện nữ nào sống ở thành ấp, tụ lạc, thành tựu pháp chân thật, suốt đời không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Người thiện nam, người thiện nữ như vậy đều được người lành trong tám phương, cùng phương trên, phương dưới, thảy đều tán thán rằng: ‘Ở phương kia, làng kia, có người thiện nam, người thiện nữ trì giới thanh tịnh, thành tựu pháp chân thật, suốt đời không sát sanh... cho đến không uống rượu.’ Này A-nan, đây gọi là thứ hương hoa bay theo chiều gió, bay theo ngược chiều gió và cũng bay theo thuận gió ngược gió.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Chẳng phải hương cành, hoa,

Có thể bay ngược gió.

Chỉ có hương tịnh giới,

Của thiện nam, thiện nữ;

Ngược, thuận bay các phương,

Không đâu không nghe biết.

Đa-ca-la[31], Chiên-đàn,

Ưu-bát-la, Mạt-lợi;

So sánh các mùi hương,

Giới hương là hơn hết.

Hương thơm như Chiên-đàn,

Lan tỏa có giới hạn;

Chỉ có hương giới đức,

Xông ngát tận cõi trời.

Hương thơm của tịnh giới,

Chánh thọ, chẳng phóng dật;

Chánh trí và giải thoát,

Ma đạo không thể vào.

Đây là đạo an ổn,

Đạo này rất thanh tịnh;

Hướng thẳng diệu thiền định,

Bứt dây trói của ma.

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ làm lễ rồi đi.

*

 

KINH 1074. BỆN TÓC[32]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hành trong nhân gian ở nước Ma-kiệt-đề, cùng với một ngàn vị Tỳ-kheo. Xưa kia họ là những người xuất gia bện tóc[33], nay đều đắc quả A-la-hán, các lậu đã tận, việc làm đã xong, xả bỏ các gánh nặng, chóng được tự lợi, sạch các hữu kết, chánh trí thiện giải thoát. Phật cùng các Tỳ-kheo đi đến tại rừng Trượng lâm, tháp Thiện kiến[34].

Bình-sa[35] vua nước Ma-kiệt-đề, nghe Thế Tôn du hành trong nhân gian tại nước Ma-kiệt-đề, đến trong rừng Trượng lâm, tháp Thiện kiến. Vua cùng với các tiểu vương, quần thần và đoàn tùy tùng, xe cộ một muôn hai ngàn chiếc, ngựa một muôn tám ngàn, người đi bộ theo đông vô số, các Bà-la-môn, gia chủ trong nước Ma-kiệt-đề đều đi theo.

Nhà vua rời khỏi thành Vương xá đi đến chỗ Thế Tôn, cung kính cúng dường. Tới đầu đường, vua xuống đi bộ. Lúc tiến vào đến cửa trong, vua dẹp bỏ năm thứ nghi trượng, giở mão, dẹp bỏ lọng, quạt, dao gươm, cởi giày da. Vua đến trước Phật, sửa lại y phục tề chỉnh, trật vai áo bên phải, đảnh lễ Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng, tự xưng danh tánh và bạch Phật:

“Thế Tôn, con là Bình-sa, vua nước Ma-kiệt-đề.”

Phật bảo Bình-sa vương:

“Đại vương, ngài là Bình-sa. Mời Đại vương an tọa.”

Bình-sa vương lại lễ dưới chân Phật, từ tốn ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ Uất-bề-la Ca-diếp[36] cũng đang ngồi tại đấy. Trong khi đó các gia chủ Bà-la-môn nghĩ rằng: “Có phải Đại Sa-môn này theo Uất-bề-la Ca-diếp tu phạm hạnh hay là Uất-bề-la Ca-diếp theo Đại Sa-môn tu phạm hạnh?”

Thế Tôn biết được tâm niệm của các gia chủ, Ngài liền nói kệ hỏi:

Uất-bề-la Ca-diếp,

Nơi đây thấy lợi gì,

Bỏ sự phụng thờ xưa,

Thờ lửa và các việc?

Nay hãy nói nghĩa kia.

Nguyên do bỏ thờ lửa.

Uất-bề-la Ca-diếp nói kệ bạch Phật:

Tiền tài thức ăn ngon,

Nữ sắc, quả ngũ dục;

Quán sát vị lai thọ,

Đều vô cùng nhơ nhớp.

Thế nên đều ném bỏ,

Sự thờ lửa trước kia.

Thế Tôn lại nói kệ hỏi:

Ông chẳng đắm thế gian,

Năm dục tiền, vị, sắc...;

Sao lại bỏ trời, người?

Ca-diếp, tùy nghĩa nói.

Ca-diếp lại nói kệ đáp Thế Tôn:

Thấy đạo lìa hữu dư,

Lối Vô dư tịch diệt,

Vô sở hữu, bất trước,

Không đường khác, đạo khác.

Thế nên đều ném bỏ,

Lối tu thờ lửa trước,

Đại hội[37] đều thọ trì,

Phụng thờ nước, hoặc lửa.

Ngu si chìm trong đó.

Chí cầu đạo giải thoát.

Mù, không mắt trí tuệ,

Hướng sanh, già, bệnh, chết.

Chẳng thấy con đường chánh,

Trọn lìa nẻo sanh tử.

Nay mới nhờ Thế Tôn,

Được thấy đạo vô vi,

Lực mà Đại long nói,

Được qua bên bờ kia.

Mâu-ni rộng cứu giúp,

An úy vô lượng chúng,

Nay mới biết Cù-đàm,

Bậc siêu xuất chân đế.

Đức Phật lại nói kệ khen Ca-diếp:

Lành thay! Này Ca-diếp,

Trước suy xét phi ác,

Kế phân biệt tìm cầu,

Mới đến nơi tốt dẹp.

“Này Ca-diếp, ông nên có lòng an úy tâm đồ chúng của ông.”

Khi ấy Uất-bề-la Ca-diếp liền nhập chánh thọ, do sức thần túc, hướng về phương Đông, bay lên hư không, hiện ra bốn thứ thần biến: đi, đứng, nằm, ngồi. Vào trong lửa tam-muọâi, toàn thân rỗng sáng tỏa ra sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, sắc hồng. Trên thân ra nước, dưới thân ra lửa, trở lại thiêu đốt thân. Trên thân ra nước để rưới nước lên thân. Hoặc trên thân ra lửa để đốt thân kia; dưới thân tuôn nước để tưới ướt thân. Hiện bày các thứ thần thông biến hóa xong, Ca-diếp cúi đầu lễ Phật và bạch:

“Bạch Thế Tôn, Phật là Thầy của con, con là đệ tử.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Ta là Thầy ông. Ông là đệ tử. Ông hãy bình an ngồi xuống đi.”

Tôn giả Uất-bề-la Ca-diếp ngồi lại chỗ cũ. Các gia chủ Bà-la-môn xứ Ma-kiệt-đề đều nghĩ thầm: “Uất-bề-la Ca-diếp đã quyết định ở nơi Đại Sa-môn tu hành phạm hạnh.”

Phật nói kinh này xong, Bình-sa vua xứ Ma-kiệt-đề, cùng các gia chủ Bà-la-môn nghe những gì Phật dạy, đều hoan hỷ, tùy hỷ, làm lễ rồi cáo từ.

*

 

KINH 1075. ĐÀ-PHIÊU (1)[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật trú tại thành Vương xá, trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, có Đà-phiêu Ma-la Tử[39], quê cũ ở thành Vương xá, lo việc Tăng chúng, phân chia thức ăn uống và các vật dụng: giường nằm, chỗ ngồi,... và xếp đặt phiên thứ, sai thỉnh rất chu đáo. Lúc đó, có Tỳ-kheo Từ Địa[40] trải qua ba lần nhận thức ăn thô dở. Trong khi ăn lòng cảm thấy khó chịu, cay đắng nghĩ thầm: “Quái lạ thay! Khổ thay! Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử chắc cố tình đem thức ăn dở để là xúc não ta, khiến ta khi ăn cảm thấy cực khổ. Ta phải làm sao gây bất lợi cho y mới được?”

Tỳ-kheo Từ Địa có một cô em gái là Tỳ-kheo-ni tên Mật-đa-la[41] đang ở trong chúng Tỳ-kheo-ni nơi vườn nhà vua thuộc thành Vương xá. Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la đi đến chỗ Tỳ-kheo Từ Địa, cúi đầu lễ chân Từ Địa rồi đứng một bên. Tỳ-kheo Từ Địa không nhìn đến cũng không mở lời.

Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la nói với Tỳ-kheo Từ Địa:

“A-lê[42], vì sao không ngó ngàng và chẳng nói chuyện với tôi?”

Tỳ-kheo Từ Địa nói:

“Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử nhiều lần đem thức ăn thô dở để làm xúc não tôi, khiến tôi khi ăn cảm thấy cực khổ. Còn cô thì cứ bỏ mặc tôi.”

Tỳ-kheo-ni nói:

“Làm gì bây giờ?”

Tỳ-kheo Từ Địa nói:

“Cô hãy đến Thế Tôn bạch như vầy: ‘Bạch Thế Tôn, Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử là kẻ phi pháp, không ra gì, đã cùng con làm điều trái phạm, phạm tội Ba-la-di’. Tôi sẽ làm chứng và nói: ‘Bạch Thế Tôn, đúng như lời em gái con đã nói’.”

Tỳ-kheo-ni nói:

“A-lê, làm sao tôi lại đem tội Ba-la-di để vu báng cho Tỳ-kheo phạm hạnh?”

Tỳ-kheo Từ Địa bảo:

“Nếu cô không làm như thế, tôi và cô từ nay chấm dứt tình anh em. Cô đừng lui tới đây để chuyện trò, thăm hỏi nhau nữa.”

Tỳ-kheo-ni im lặng một hồi, suy nghĩ rồi nói:

“A-lê khiến tôi làm như thế, tôi sẽ vâng theo lời dạy.”

Tỳ-kheo Từ Địa bảo:

“Cô hãy đợi tôi đi đến Thế Tôn trước, cô sẽ đi theo sau.”

Tỳ-kheo Từ Địa đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui đứng một bên. Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la đi theo sau, đảnh lễ Phật rồi lui ngồi một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, một việc không đẹp thay! Thật phi lý thay[43]! Đà-phiêu Ma-la Tử đã làm điều phi phạm hạnh với con, phạm tội Ba-la-di!”

Tỳ-kheo Từ Địa lại bạch Phật:

“Như lời nói của em gái con, trước đây con đã biết.”

Bấy giờ, Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử đang ở giữa đại chúng.

Khi ấy Thế Tôn bảo Tỳ-kheo Đà-phiêu-ma-la Tử:

“Ông có nghe lời nói này không?”

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử bạch:

“Bạch Thế Tôn, con đã nghe.”

Phật bảo Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử:

“Hôm nay ông như thế nào?”

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử bạch Phật:

“Như Thế Tôn đã biết! Như Thiện Thệ đã biết!”

Phật bảo Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử:

“Ông nói như Thế Tôn đã biết, nay chẳng hợp thời. Bây giờ ông có nhớ thì nói nhớ, không nhớ thì nói không nhớ.”

Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử bạch:

“Con không tự nhớ.”

Trong lúc đó Tôn giả La-hầu-la đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không đẹp thay! Thật phi lý thay! Tỳ-kheo-ni này nói: ‘Tôn giả Đà-phiêu Ma-la Tử cùng với con làm điều phi phạm hạnh’. Tỳ-kheo Từ Địa lại nói: ‘Bạch Thế Tôn, đúng thế! Trước đây con đã biết như em con đã nói.’”

Phật bảo La-hầu-la:

“Bây giờ, Ta hỏi La-hầu-la, tùy ý ngươi đáp lời Ta. Nếu Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la đến nói với Ta rằng: ‘Thật không đẹp thay! Thật phi lý thay! La-hầu-la cùng con làm điều phi phạm hạnh, phạm tội Ba-la-di.’ Tỳ-kheo Từ Địa lại bạch với Ta: ‘Thưa đúng như vậy, trước đây con đã biết, như lời em gái con nói.’ Ngươi sẽ làm thế nào?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu con nhớ con sẽ nói nhớ, nếu không nhớ sẽ nói không nhớ.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Này người ngu si, ngươi còn nói được những lời này, huống chi Đà-phiêu Ma-la Tử là Tỳ-kheo thanh tịnh, cớ sao không nói được những lời như vậy?”

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử, hãy để ức niệm[44]. Với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la, hãy diệt tránh bằng tự xác nhận[45]. Với Tỳ-kheo Từ Địa, Tăng sẽ tích cực giáo giới can gián và khiển trách: ‘Ngươi thấy gì? Thấy ở đâu? Do nhân duyên gì đến để thấy?’”

Thế Tôn dạy như vậy xong, Ngài rời chỗ ngồi đứng lên, vào phòng tọa thiền. Khi ấy các Tỳ-kheo để cho Tỳ-kheo Đà-phiêu tự ức niệm. Với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la, cho pháp diệt tránh bằng tự nhận. Với Tỳ-kheo Từ Địa, Tăng tích cực giáo giới can gián và khiển trách: ‘Ngươi thấy gì? Thấy ở đâu? Do nhân duyên gì đến để thấy?’ Trong khi can ngăn như thế, Tỳ-kheo Từ Địa nói rằng: “Đà-phiêu Ma-la Tử không làm chuyện phi phạm hạnh; không phạm Ba-la-di. Đà-phiêu Ma-la Tử đã ba phen cho tôi thức ăn tệ, đáng sợ, khiến tôi khi ăn cảm thấy cực khổ, nên tôi đối với Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử mà có sự thiên vị, giận hờn, ngu si, sợ hãi, nên cố ý nói như thế. Nhưng thật sự Đà-phiêu Ma-la Tử là người thanh tịnh, vô tội.”

Chiều hôm ấy, Thế Tôn từ thiền định ra, đến trước đại chúng trải tòa, ngồi xuống.

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chúng con đã cho Tỳ-kheo Đà-phiêu Ma-la Tử tự ức niệm. Với Tỳ-kheo-ni Mật-đa-la cho pháp diệt tránh bằng tự nhận. Với Tỳ-kheo Từ Địa thì tích cực giáo giới can gián. Tỳ-kheo ấy nói rằng: ‘Đà-phiêu Ma-la Tử thanh tịnh vô tội’.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vì sao ngu si, chỉ vì việc ăn uống, mà cố ý vọng ngữ?”

Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu hay xả một pháp,

Biết mà cố vọng ngữ;

Chẳng kể gì đời sau,

Điều ác nào chẳng làm.

Thà ăn viên sắt nóng,

Như lửa than cháy hừng;

Không vì phạm giới cấm,

Ăn của thí cho Tăng.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1076. ĐÀ-PHIÊU (2)[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn trúc Ca-la-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Đà-phiêu Ma-la Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, rồi lui đứng một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con xin vào Bát-niết-bàn ở trước Phật.”

Thế Tôn im lặng, Tôn giả ba lần bạch như vậy. Phật bảo Đà-phiêu Ma-la Tử:

“Các pháp hành hữu vi đều như vậy cả.”

Khi ấy, Tôn giả Đà-phiêu Ma-la Tử liền ở trước Phật nhập tam-muội, bằng chánh thọ như vậy, hướng về phương Đông, Tôn giả bay lên hư không hiện bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, nhập vào tam-muội lửa, dưới thân phát ra lửa, cả thân rỗng sáng; ánh sáng chiếu khắp các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, hồng. Dưới thân ra lửa, trở lại thiêu thân. Trên thân ra nước rưới ướt trên thân. Hoặc trên thân ra lửa thiêu đốt thân, dưới thân ra nước rưới ướt trên thân. Khắp cả mười phương hiện bày các sự biến hóa xong, Tôn giả liền ở trong hư không, trong thân phát ra lửa tự thiêu thân vào Vô dư Niết-bàn, tiêu tận, tịch diệt, khiến không còn sót một mảy bụi, ví như trong hư không thắp cây đèn, dầu, tim đều hết. Đà-phiêu Ma-la Tử ở trong hư không đã nhập diệt, thân tâm đều bặt hết cũng như thế.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Ví như đốt hòn sắt,

Lửa bừng sáng rực rỡ;

Sức nóng dần dần tắt,

Nào biết đi về đâu?

Cũng thế, sự giải thoát,

Vượt bùn lầy phiền não;

Đã cắt đứt các dòng,

Nào biết đi về đâu?

Chóng đắc dấu bất động,

Nhập Vô dư Niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1077. GIẶC[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật trú tại nước Ương-cù-đa-la[48] du hành nhân gian. Khi đi qua trong rừng Đà-bà-xà-lê-ca[49], Ngài gặp những người chăn bò, người chăn dê, người nhặt củi, cỏ và các người làm việc khác. Họ trông thấy Thế Tôn đang đi trên đường, đều vội vàng bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chớ đi theo con đường này. Phía trước có tên cướp Ương-cù-lợi-ma-la[50] chuyên môn khủng bố người.”

Đức Phật nói với các người này:

“Ta không sợ.”

Nói xong, Ngài cứ theo đường mà đi. Họ nói ba lần, Đức Phật vẫn cứ đi. Từ xa Phật trông thấy Ương-cù-lợi-ma-la, tay cầm dao chạy thẳng đến. Thế Tôn dùng thần lực hiện thân đi từ từ khiến cho Ương-cù-lợi-ma-la chạy như bay cũng không kịp. Chạy theo đến mệt đuối, Ương-cù-lợi-ma-la từ xa nói với Thế Tôn:

“Đứng lại, đứng lại, chớ đi!”

Thế Tôn vừa đi vừa đáp:

“Ta luôn dừng. Ngươi không tự dừng đó thôi.”

Lúc ấy Ương-cù-lợi-ma-la nói kệ:

Sa-môn vẫn rảo nhanh,

Lại nói ‘Ta luôn dừng.’

Nay tôi mệt, dừng nghỉ.

Sao nói ‘Ngươi chẳng dừng’?

Thế Tôn lại nói kệ đáp:

Ương-cù-lợi-ma-la,

Ta nói Ta thường dừng:

Với tất cả chúng sanh,

Đã dừng mọi đao trượng.

Ông khủng bố chúng sanh,

Nghiệp ác không chịu dừng.

Với tất cả côn trùng,

Ta dứt dùng đao gậy.

Với côn trùng bé nhỏ,

Ông bức bách đe dọa;

Cố tạo nghiệp hung ác,

Trọn chẳng lúc nào thôi.

Ta đối tất cả thần[51],

Dừng thôi mọi đao, trượng.

Ông đối với các thần,

Luôn làm khổ, bức bách.

Tạo tác ác nghiệp đen,

Đến nay không dừng nghỉ.

Ta dừng nơi pháp nghỉ,

Tất cả không phóng dật.

Ông chẳng thấy Bốn đế,

Nên chẳng dừng buông lung.

Ương-cù-lợi-ma-la nói kệ bạch Phật:

Lâu mới thấy Mâu-ni,

Nên theo đường chạy đuổi;

Nay nghe lời vi diệu,

Sẽ bỏ điều ác xưa.

Nói ra như thế rồi,

Liền buông bỏ đao gậy;

Dập đầu dưới chân Phật,

Xin cho con xuất gia.

Phật đầy lòng từ bi,

Đại Tiên tràn thương xót;

Gọi Tỳ-kheo, thiện lai!

Xuất gia thọ cụ túc.

Ương-cù-lợi-ma-la sau khi xuất gia, thường một mình ở chỗ vắng, chuyên tâm tư duy lý do khiến thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia, học đạo, sống không nhà, tinh tấn tu phạm hạnh, hiện tại tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Lúc ấy Ương-cù-lợi-ma-la đắc quả A-la-hán, giác ngộ, giải thoát, hỷ lạc, Tôn giả liền nói kệ:

Vốn mang tên ‘Bất Hại’[52]

Mà lại sát hại nhiều.

Nay được tên ‘Kiến Đế’,

Xa lìa sự tổn, sát.

Thân không giết, không hại,

Miệng ý cũng như thế;

Nên biết ‘chân bất sát’,

Chẳng bức bách chúng sanh.

Rửa sạch tay vấy máu,

Gọi là Ương ma-la;

Trôi nổi giữa dòng sâu,

Tam quy làm dừng bặt.

Quy y Tam bảo xong,

Xuất gia được cụ túc;

Thành tựu được tam minh,

Điều Phật dạy đã làm.

Chăn trâu, dùng gậy đánh,

Nài voi, dùng móc sắt;

Chẳng dùng đến gươm đao,

Thật huấn luyện trời, người.

Dao bén nhờ đá mài,

Tên thẳng nhờ lửa ấm;

Chặt gậy nhờ búa rìu,

Tự chế, nhờ trí tuệ.

Nơi dòng đời ân ái,

Chánh niệm mà vượt ra.

Người tuổi trẻ xuất gia,

Siêng tu lời Phật dạy;

Sẽ soi sáng thế gian,

Như mây tan trăng hiện.

Người tuổi trẻ xuất gia,

Siêng tu lời Phật dạy;

Nơi dòng đời ân ái,

Người trước kia phóng dật,

Sau đó hay tự kiểm;

Sẽ soi sáng thế gian,

Như mây tan trăng hiện.

Người trước kia phóng dật,

Sau này hay tự kiểm;

Chánh niệm mà siêu xuất.

Nếu thoát các nghiệp ác,

Chánh thiện hay khiến diệt;

Sẽ soi sáng thế gian,

Như mây tan trăng hiện.

Trước người tạo nghiệp ác,

Chánh niệm hay khiến diệt;

Nơi dòng đời ân ái,

Chánh niệm hay siêu xuất.

Tôi đã làm nghiệp ác,

Chắc hướng đến đường ác;

Đã nhận lấy báo ác,

Nợ trước vay đã trả.

Nếu người oán ghét tôi,

Được nghe Chánh pháp này;

Được pháp nhãn thanh tịnh,

Tôi tu hạnh nhẫn nhục.

Chẳng còn khởi tranh cãi,

Nhờ ân lực của Phật;

Tôi hiền lành, nhẫn nhục,

Cũng thường khen ngợi nhẫn.

Tùy thời được nghe pháp,

Nghe rồi tu hành theo.

Phật nói kinh này xong, Ương-cù-lợi-ma-la nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1078. TÁN-ĐẢO-TRA[53]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn trúc Ca-la-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo kia, lúc sáng sớm đi ra bên bờ sông Tháp-bổ[54], cởi y phục để trên bờ, xuống sông tắm rửa. Tắm xong, lên bờ, khoác sơ một cái y đợi thân khô.

Khi ấy có một Thiên tử từ thân tỏa ra ánh sáng, chiếu sáng bên sông Tháp-bổ, bảo Tỳ-kheo rằng:

“Ông trẻ tuổi xuất gia, tươi trắng, tóc đen, đang ở vào lứa tuổi tráng thịnh đẹp đẽ. Đáng nên hưởng thụ ngũ dục, trang nghiêm chuỗi ngọc, xức dầu thơm, đeo tràng hoa, tự vui sướng với năm dục. Nhưng sao bây giờ lại trái với người thân, quay lưng với thế tục, khiến họ phải khóc lóc biệt ly; cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà? Sao lại bỏ cái vui hiện tiền mà tìm cái lợi phi thời[55]?”

Tỳ-kheo đáp:

“Tôi không xả bỏ cái lạc hiện tại, để tìm cầu cái lạc phi thời. Thật sự chính tôi đang xả bỏ cái lạc phi thời, được lạc hiện tiền.”

Thiên tử hỏi Tỳ-kheo:

“Thế nào là xả bỏ cái lạc phi thời, được lạc hiện tiền?”

Tỳ-kheo đáp:

“Như Thế Tôn nói, dục là phi thời[56], vị ngọt ít mà khổ nhiều; ít lợi nhiều nạn. Tôi nay trong các pháp hiện thực đã lìa sự thiêu đốt, chẳng đợi thời tiết, hay tự thông đạt, hiện tiền quán sát, duyện tự tâm mà tri giác[57]. Này Thiên tử, như thế gọi là xả bỏ cái lạc phi thời, được niềm lạc hiện tiền.”

Thiên tử lại hỏi Tỳ-kheo:

“Điều mà Như Lai nói là thế nào, rằng dục là phi thời, ít vui, nhiều khổ? Điều mà Như Lai nói là thế nào, rằng lợi lạc trong đời hiện tại,... cho đến, tự giác tri?”

Tỳ-kheo đáp:

“Tôi trẻ tuổi xuất gia, không thể nói rõ hết ý nghĩa Chánh pháp luật của Như Lai. Thế Tôn đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà gần đây. Ngài có thể đến hỏi Thế Tôn điều nghi ngờ. Thế Tôn sẽ nói, tùy sự ghi nhớ mà lãnh thọ.”

Thiên tử lại nói:

“Này Tỳ-kheo, nơi chỗ Như Lai đang có nhiều chư Thiên oai lực vây quanh. Tôi trước chưa hỏi, không dễ gì đến được. Tỳ-kheo, nếu có thể vì tôi bạch trước Thế Tôn, tôi sẽ đi theo.”

Tỳ-kheo đáp:

“Tôi sẽ vì ngài đi đây.”

Thiên tử thưa với Tỳ-kheo:

“Vâng, Tôn giả đi, tôi đi theo sau Tôn giả.”

Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, lui đứng một bên; tường thuật lại đầy đủ cuộc vấn đáp với Thiên tử cho Thế Tôn nghe và bạch:

“Bạch Thế Tôn, vị Thiên tử này nếu là người thành thật chốc lát sẽ đến, nếu không thành thật sẽ không đến.”

Lúc ấy vị Thiên tử kia từ xa nói vọng lại với Tỳ-kheo:

“Tôi đã ở đây. Tôi đã ở đây.”

Bây giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Chúng sanh theo ái tưởng[58],

Do ái tưởng mà trụ.

Vì chẳng biết rõ ái,

Nên thần chết tùy tiện[59].

Phật bảo Thiên tử:

“Ông giải thích bài kệ này rồi mới có thể hỏi.”

Thiên tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không hiểu. Thưa Thiện Thệ, con không hiểu.”

Đức Phật nói kệ và bảo Thiên tử:

Nếu biết ái được yêu,

Ở đó không sanh yêu.

Người không có sự này,

Người khác không thể nói[60].

Phật bảo Thiên tử:

“Ông hiểu nghĩa này rồi có thể hỏi câu khác.”

Thiên tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không hiểu. Thưa Thiện Thệ, con không hiểu.”

Đức Phật lại nói kệ:

Ai thấy: bằng, hơn, kém,

Ắt có ngôn luận sanh.

Ba việc chẳng khuynh động:

Không yếu mền, trung, thượng[61].

Phật bảo Thiên tử:

“Hiểu được nghĩa này thì có thể hỏi.”

Thiên tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con không hiểu. Thưa Thiện Thệ, con không hiểu.”

Đức Phật lại nói kệ:

Đoạn ái và danh sắc,

Trừ mạn, không ràng buộc;

Tịch diệt, dừng sân nhuế,

Lìa kết, bặt dục vọng.

Chẳng thấy nơi trời, người,

Đời này và đời khác.

Phật bảo Thiên tử:

“Ông hiểu nghĩa này rồi mới nên hỏi.”

Thiên tử bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Thưa Thiện Thệ, con đã hiểu.”

Đức Phật nói kinh này xong, Thiên tử nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ biến mất.

*

 

KINH 1079. BẠT-CHẨN[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo kia[63] cuối đêm đến bên bờ sông Tháp-bổ, cởi y phục để trên bờ, xuống sông tắm rửa, tắm xong lên bờ khoác sơ một cái y đợi thân khô. Khi ấy có một Thiên tử từ thân tỏa ra ánh sáng, chiếu sáng bên sông Tháp-bổ, bảo Tỳ-kheo rằng:

“Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Đây là gò mả[64], ban đêm bốc khói, ban ngày bốc lửa. Người Bà-la-môn kia thấy vậy, nói rằng: ‘Hãy phá cái gò mả này đi. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy con rùa lớn[65]. Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi con rùa này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy có cái cù lâu[66], Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi cái cù lâu này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy có miếng thịt[67]. Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi miếng thịt này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy chỗ giết chóc[68]. ‘Trừ đi chỗ giết chóc này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy cái lăng-kỳ[69], Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi cái lăng-kỳ này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy có hai đường. Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi hai đường này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy có một cánh cửa. Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Trừ đi cánh cửa này. Đào lên là người trí, hãy cầm lấy gươm đao.’

“Lại thấy có con rồng lớn[70]. Bà-la-môn thấy rồi nói: ‘Dừng lại, chớ bỏ qua con rồng to. Phải nên cung kính.’

“Này Tỳ-kheo, ông hãy đem luận này đến hỏi Thế Tôn. Như lời Phật dạy, ông theo đó thọ trì. Vì sao? Vì trừ Như Lai ra, tôi không thấy ai trong thế gian này, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa môn, Bà-la-môn nào, mà đối với luận này có tâm ưa thích. Trừ các đệ tử, hay những người nghe từ tôi rồi nói lại.”

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo sau khi nghe luận này từ Thiên tử ấy, liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ Phật, rồi lui ngồi một bên. Tỳ-kheo đem các luận của Thiên tử kia hỏi Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là gò mả? Thế nào là đêm thì bốc khói? Thế nào là ngày thì lửa cháy? Thế nào là Bà-la-môn? Thế nào là đào lên? Thế nào là người trí? Thế nào là gươm đao? Thế nào là con rùa lớn? Thế nào là cù lâu? Thế nào là miếng thịt? Thế nào là chỗ giết chóc? Thế nào là lăng-kỳ? Thế nào là hai đường? Thế nào là cánh cửa? Thế nào là con rồng lớn?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Gò mả là cái thân sắc gồm sắc đại thô phù của chúng sanh, bẩm thọ di thể của cha mẹ, ăn uống, y phục che chở, tắm rửa trau chuốt, nuôi dưỡng. Tất cả đều là pháp biến hoại, ma diệt. Ban đêm bốc khói nghĩa là giữa đêm có người thức dậy tùy giác tùy quán[71]. Ban ngày lửa cháy nghĩa là thực hành theo lời dạy tạo các nghiệp thân, miệng[72]. Bà-la-môn nghĩa là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác. Đào lên, nghĩa là nỗ lực tinh tấn. Người trí nghĩa là đa văn Thánh đệ tử. Gươm đao là gươm đao trí tuệ. Con rùa lớn nghĩa là năm cái[73]. Cù lâu[74] nghĩa là phẫn hận. Khúc thịt là bỏn xẻn tật đố. Giết chóc nghĩa là công năng năm dục[75]. Lăng-kỳ nghĩa là vô minh. Hai đường là nghi hoặc. Cánh cửa là ngã mạn. Con rồng to là bậc Lậu tận A-la-hán.

“Như vậy, này Tỳ-kheo, những gì Đại Sư cần làm cho đệ tử, do thương yêu, nghĩ tưởng đến, vì lợi ích mà an ủi. Đối với ông, việc Ta đã làm rồi. Các ông nên làm những việc cần làm. Hãy ở chỗ vắng trong rừng, trong nhà trống, chỗ núi non, nơi hẻo lánh, trong hang núi v.v... trải cỏ hoặc lá cây để ngồi, tư duy thiền định, không khởi buông lung, chớ để sau này phải hối tiếc. Đó là giáo huấn của Ta.”

Phật liền nói kệ:

Nói thân là gò mả,

Giác, quán đêm bốc khói;

Nghiệp là lửa ban ngày.

Bà-la-môn: Chánh giác.

Tinh tấn: chăm khai quật,

Người trí tuệ sáng suốt,

Dùng gươm bén trí tuệ.

Bậc thăng tiến, chán lìa.

Năm cái là rùa to,

Phẫn hận là cù lâu;

Xan tật là khúc thịt,

Năm dục, nơi giết chóc.

Vô minh là lăng-kỳ,

Nghi hoặc là hai đường;

Cánh cửa hiện ngã mạn,

Rồng, La-hán lậu tận.

Cứu cánh dứt các luận,

Nên Ta nói như vậy.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 1080. TÀM QUÝ[76]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Lộc uyển, trú xứ của Tiên nhân, tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực. Lúc ấy có một Tỳ-kheo khác vì không trụ tâm, tâm tán loạn, không gìn giữ các căn. Tỳ-kheo kia sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực, từ xa trông thấy Thế Tôn vội thu nhiếp các căn nhìn thẳng mà đi. Thế Tôn nhìn thấy Tỳ-kheo kia nhiếp trì các căn, nhìn thẳng rảo bước đi, thấy rồi. Phật vào thành. Khất thực xong, Ngài trở về tinh xá cất y, bát, rửa chân xong, vào phòng tọa thiền.

Chiều hôm ấy, sau khi từ thiền tịnh dậy, Ngài vào trong Tăng chúng, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Sáng nay Ta đắp y, ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực thấy có một vị Tỳ-kheo vì không trụ tâm nên tâm tán loạn, các căn buông thả, cũng đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Tỳ-kheo ấy từ xa thoáng trông thấy Ta liền vội vàng tự nhiếp trì, đây là ai vậy?”

Khi ấy vị Tỳ-kheo kia từ chỗ ngồi đứng lên sửa lại y phục, đến trước Phật, trật vai áo bên hữu, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con sáng sớm vào thành khất thực tâm tán loạn, không thu nhiếp các căn, con đang đi thoáng thấy Thế Tôn từ xa, con liền tự thúc liễm tâm, nhiếp trì các căn.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Ông thấy Ta rồi, có thể tự thúc liễm tâm và nhiếp trì các căn. Này Tỳ-kheo, pháp này phải nên như vậy. Nếu thấy Tỳ-kheo cũng nên tự nhiếp trì. Nếu lại thấy Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cũng nên nhiếp trì các căn như vậy sẽ được lợi ích, an ổn, khoái lạc, lâu dài.”

Bấy giờ, trong chúng có một Tỳ-kheo khác nói kệ khen ngợi:

Với tâm kia mê loạn,

Không chuyên trụ hệ niệm;

Sáng sớm mang y bát,

Vào thành ấp khất thực.

Dọc đường thấy Đại Sư,

Đầy oai đức, dung nghi;

Vui mừng sanh tàm quý,

Liền nhiếp trì các căn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].   Ấn Thuận, “Tụng viii. Tám chúng. 17. Tương ưng Tỳ-kheo”, gồm hai mươi hai kinh: 1165-1186; Đại Chánh, kinh 1062-1083. Quốc Dịch, quyển 32, “Tụng vii. Kệ. 1. Tương ưng Tỳ-kheo”, hai phẩm, hai mươi hai kinh. Phật Quang, quyển 38, kinh 1050-1068. Pāli, S. 21. 5. Sujāto. Biệt dịch, No 100(1).

[2].    Thiện Sanh 善生. Pāli: Sujāto.

[3].   Hán: nhị xứ đoan nghiêm 二處端嚴. Pāli; ubhayena… sobhati, sáng chói với hai điều.

[4].   Hán: tự tri tác chứng 自知作證. Pāli: sayaṃ abhiññā sacchikatvā, bằng thắng trí mà tự mình chứng nghiệm (chứng ngộ).

[5].   Pāli, S. 21. 6. Bhaddi. Biệt dịch, No 100(2).

[6].   Pāli: [Lakuṇḍaka-]Bhdddiya.

[7].   Pāli, S. 17. 36. Ratha. Cf. A. 4. 68. Davadatta. Biệt dịch, No 100(3)

[8].   Đề-bà-đạt-đa 提婆達多. Pāli: Devadatta.

[9].   Ma-kiệt-đà vương A-xà-thế Tỳ-đề-hy-tử 摩竭陀王阿闍世毘提希子. Pāli:  Ajātasattu-kumāro, Vương tử Ajātasattu, chưa làm vua.

[10].  Biệt chúng 別眾; một số Tỳ-kheo trong Tăng tách thành nhóm riêng sinh hoạt biệt lập. Bản Pāli không có chi tiết này.

[11].  Hán: cự hư 駏驉 ; giống thú hình như ngựa (Từ hải). Pāli: assatara, giống lừa lai ngựa.

[12].  Biệt dịch, No 100(4).

[13].  Thủ Tỳ-kheo 手比丘. Biệt dịch: Tượng Thủ Tỳ-kheo. Pāli, hoặc Hattha (tay), hoặc Hatthi (voi).

[14].  Pāli, S. 21. 8. Nando. Biệt dịch, No 100(5); Cf. No 125(18.6).

[15].  Nan-đà Phật di mẫu 難陀佛姨母子. Pāli: Nando Bhagavato mātucchāputto.

[16].  Pāli, S.21.9. Tisso. Biệt dịch, No 100(7).

[17].  Đê-sa 低沙. Pāli: āyasmā Tisso  Bhagavato pitucchāputto, Tôn giả Tissa, con trai của Bá mẫu của Thế Tôn.   

[18].  Pāli, S. 21. 7. Visākho; cf. A. 4. 48. Visākho. Biệt dịch, No 100(8).

[19].  Tỳ-xá-khư Bát-xà-lê Tử 毘舍佉般闍梨子. Pāli: Visākho pañcālaputto.

[20].  Cúng dường đường 供養堂. Pāli: upaṭṭhānasālā, giảng đường hay thị giả đường, hay nhà khách.

[21].  Trú chánh thọ 晝正受. Đây chỉ sự nghỉ trưa. Bản Pāli: sāyaṇhasamayaṃ patisallāna.

[22].  Pāli, S. 21. 4. Navo. Biệt dịch, No 100(9).

[23].  Pāli: mā … etassa bhikkhuno ujjhāyittha, các ông chớ hiềm trách Tỳ-kheo này.

[24].  Bốn pháp tăng tâm 四增心法; hay bốn tăng thượng tâm. Pāli: catunaṃ jhānānaṃ ābhicetasikānaṃ, bốn thiền tăng thượng tâm.

[25].  Pāli, S. 21. 10. Theranāmo.  Biệt dịch, No 100(10).

[26].  Danh viết Thượng Tọa 名曰[02]上坐 . Pāli: Theranāmako.

[27].  Pāli: yaṃ atītaṃ taṃ pahīnaṃ, yaṃ anāgataṃ paṭinissaṭṭhaṃ, paccuppannesu attabhāvapaṭilābhesu chandarāgo suppaṭivinīto, cái gì đã qua thì đoạn tận, cái gì chưa đến khước từ, trong những lợi dưỡng cho bản thân thì khéo chế ngự tham dục.

[28].  Pāli, Cf. Ud. 1.8. Bodhi-vagga. Biệt dịch, No 100(11).

[29].  Tăng-ca-lam 僧迦藍. Pāli: Saṅgāmaji.

[30].  Quốc Dịch, “1. Tương ưng Tỳ-kheo, phẩm 2”. Pāli, A. 3. 79. Gandha. Biệt dịch, No 100(12), No 116, No 117, No 125(23.5).

[31].  Đa-ca-la 多迦羅. Pāli: tagara, cây cam tùng, cách hương.

[32].  Pāli, Cf. Luật tạng, Mv.1.22 (Seniya Bimbisàra). Biệt dịch, N0100(13).

[33].  Oanh phát xuất gia 縈髮出家. Pāli: jaṭila. Đây chỉ các anh em Uruvela-Kassapa (Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp) và các đệ tử của họ.

[34].  Thiện kiến lập chi-đề Trượng lâm 善建立支提杖林. Pāli: Laṭṭivane Suppaṭṭha-cetiya.

[35].  Ma-kiệt-đề vương Bình-sa 摩竭提王瓶沙. Pāli: rājā Magadho Seniyo Bimbíāro.

[36].  Uất-bề-la Ca-diếp 鬱鞞羅迦葉. Pāli: Uruvela-Kassapa.

[37].   Đại hội, chỉ đại tế đàn.

[38].  Pāli, Cf., Luật tạng, Tiểu phẩm, Cv. 4. 4. 4. Biệt dịch, No 100(14).

[39].  Đà-phiêu Ma-la Tử 陀驃摩羅子. Pāli: Dabba Mallaputta.

[40].  Từ Địa 慈地. Pāli: Mettiya-bhummajaka.

[41].  Mật-đa-la 蜜多羅. Pāli: Mettiyā.

[42].  A-lê 阿梨; Ấn Thuận đọc là A-xà-lê (Pāli: ācariya), tức Hán dịch là Giáo thọ sư hay Quỹ phạm sư. Nhưng đây là phiên âm từ Skt. ariya (Pāli: ayya): “Thưa Ngài/ Thưa Đức Ông” từ xưng hô của người nhỏ đối với người lớn.

[43].  Hán: bất thiện bất loại 不善不類, Pāli: nacchannaṃ nappaṭỉūpaṃ.

[44].  Luật Tỳ-kheo: đây chỉ pháp diệt tránh, bằng ức niệm tỳ-ni; Pāli: sati-vinayo.

[45].  Luật Tỳ-kheo: chỉ pháp diệt tránh bằng tự ngôn trị; Pāli: paṭiññātakara.

[46].  Pāli, Cf. Ud. 8. 9. Pāṭaḷigāmiya-vagga.

[47].  Pāli, Cf. M. 86. Aṅgulimāla-sutta. Biệt dịch, No 100(16). No 125(38.6).

[48].  Ương-cù-đa-la 央瞿多羅. Bản Pāli, tại Savatthi.

[49].  Đà-bà-xà-lê-ca 陀婆闍梨迦. Pāli: Dhavajālikā (?).

[50].  Ương-cù-lợi-ma-la 央瞿利摩羅. Pāli: Aṅgulimāla.

[51].  Thần . Đoạn kệ này không có Pāli tương đương. Đây chắc là dịch từ bhūta, quỷ thần, cũng chỉ các loại thảo mộc.

[52].  Bất Hại 不害. Pāli: Ahimsa, tên do cha mẹ đặt.

[53].  Pāli, S.1. 20. Samidhi. Biệt dịch, No 100(17)

[54].  Tháp-bổ hà 搨補河. Pāli: Tapodā, tên hồ lớn ngoại thành Vương xá.

[55].  Pāli: mā sandiṭṭikaṃ hitvā kālikaṃ anudhāvī’ti, chớ xả bỏ cái hiện thực, mà chạy theo cái lệ thuộc thời gian. Chỉ sự tu tập đòi hỏi nhiều thời gian. Bản Hán đọc akālika, do tách âm cuối của từ đi trước, hitvā = ā+a.

[56].  Pāli: kālikā hi āvuso kāmā, dục vọng vốn lệ thuộc thời gian.

[57]. Pāli: sandiṭṭhiko ayaṃ dhammo akāliko ehipassiko opaneyyiko paccattaṃ veditabbo viññūhī ti, ‘Pháp này (của Phật) là hiện thực (được thấy ngay hiện tại), không lệ thuộc thời gian, hãy đến để thấy (là pháp thực chứng), có khả năng hướng dẫn (đến Niết-bàn), được chứng biết từ nội tâm bởi kẻ Trí’.

[58].  Ái tưởng 愛想. Pāli: akkheyyasaññino sattā, chúng sanh có tưởng về danh (tên gọi người và vật).

[59].  Pāli: akkheyyaṃ apariññāya, yogamāyanti maccuno, do không biết rõ danh nên bị Tử thần trói đi.

[60].  Pāli: akkheyyañca pariññāya,  akkhātāraṃ na maññati; tañca tassa na hoti, yena naṃ vajjā na tassa atthi, do biết rõ cái bị gọi tên, nó không suy tưởng đến tên gọi. Ai không có điều này, người đó không có lầm lỗi.

[61].  Pāli: tīsu vidhāsu avikampamāno, samo visesī ti na tassa hoti, ai không dao động trong ba sự này, người đó không có ý nghĩ hơn, kém.

[62].  Pāli, Cf. M. 23. Vammīka. Biệt dịch, No 100(18), No 125(39.9).

[63].  Pāli: Tôn giả Kumārakassapa, sống trong rừng Andhavana (Ám lâm).

[64].  Hán: khâu trũng 丘塚. Pāli: vammīka, ổ kiến hay gò mối.

[65].  Bản Pāli, đào lần đầu, thấy cái then cửa (laṅgi).

[66].  Cù lâu 氍氀. Không hiểu ý. Pāli, đào lên lần thứ hai: uddhumāyika, thây sình (hay con nhái).

[67].  Nhục đoạn 肉段. Pāli, lần thứ ba: dvidhāpatha, hai con đường.

[68].  Đồ sát xứ 屠殺處. Pāli, lần thứ tư: caṅgavāraṃ, chiếc thuyền (khúc gỗ được moi ruột).

[69].  Lăng-kỳ 楞耆. Pāli: laṅgi, cái then cửa. Bản Pāli, lần thứ năm: kummo, con rùa.

[70].  Đại long 大龍. Pāli: nāga, con rắn hổ mang.

[71].  Tùy giác tùy quán 隨覺隨觀 . Pāli: anuvitakketi anuvicāreti, suy tầm, suy tưởng.

[72].  Pāli: rattiṃ anuvitakketvā anuvcāretvā  divā kammante payojeti kāyena vācāya, sau khi ban đêm suy tầm, suy tưởng, ban ngày thực hiện công việc bằng thân hay miệng.

[73].  Tức năm triền cái. Bản Pāli, con rùa, chỉ cho năm thủ uẩn.

[74].  Bản Pāli: uddhumāyika.

[75].  Bản Pāli: asisūnā.

[76].  Biệt dịch, No 100(19).

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004