Thư mục BuddhaSasana

Lưu ý: Đọc với phông chữ CN-Times nâng cấp hay Arial Unicode MS


 

KINH TẠP A-HÀM

Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ

 

Tạp A-Hàm

Mở đầu
Quyển 01
Quyển 02
Quyển 03
Quyển 04
Quyển 05
Quyển 06
Quyển 07
Quyển 08
Quyển 09
Quyển 10

Quyển 11
Quyển 12
Quyển 13
Quyển 14
Quyển 15
Quyển 16
Quyển 17
Quyển 18
Quyển 19
Quyển 20

Quyển 21
Quyển 22
Quyển 23
Quyển 24
Quyển 25
Quyển 26
Quyển 27
Quyển 28
Quyển 29
Quyển 30

Quyển 31
Quyển 32
Quyển 33
Quyển 34
Quyển 35
Quyển 36
Quyển 37
Quyển 38
Quyển 39
Quyển 40

Quyển 41
Quyển 42
Quyển 43
Quyển 44
Quyển 45
Quyển 46
Quyển 47
Quyển 48
Quyển 49
Quyển 50

 

TẠP A-HÀM QUYỂN 11

 

KINH 273. THỦ THANH DỤ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo một mình lặng lẽ tư duy: “Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?” Sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, Tỳ-kheo này đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con một mình ở chỗ vắng tư duy: ‘Thế nào là ngã? Ngã làm gì? Cái gì là ngã? Ngã trụ ở đâu?’”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ vì ngươi mà nói hai pháp[2]. Ngươi hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ. Thế nào là hai? Mắt và sắc là hai. Tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Đó gọi là hai pháp.

“Này Tỳ-kheo, nếu có người bảo rằng: ‘Sa-môn Cù-đàm nói hai pháp, nhưng đó chẳng phải là hai. Nay tôi sẽ bỏ cái này để lập hai pháp khác.’ Người kia chỉ nói suông[3], nhưng nếu gạn hỏi thì không biết và càng tăng thêm nghi hoặc, vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Vì sao? Vì duyên mắt và sắc nên sanh ra nhãn thức.

“Này Tỳ-kheo, mắt này là hình thịt[4], là bên trong, là nhân duyên, là cứng[5], là thọ[6]. Đó gọi là nội địa giới, hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, chất dịch từ mắt tiết ra, là thọ. Đó gọi là nội thủy giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc bên trong, hoặc nhân duyên, phát ra ánh sáng ấm nóng, là thọ. Đó gọi là nội hỏa giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, nếu hình thịt của mắt này, hoặc ở trong, hoặc nhân duyên, dao động nhẹ nhàng, là thọ. Đó là nội phong giới hình thịt của mắt. Này Tỳ-kheo, thí như hai tay chập lại tạo thành âm thanh, cũng vậy duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức. Ba sự này hòa hợp sanh ra xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này chẳng phải ngã, chẳng phải thường, mà đó là cái ngã vô thường; chẳng phải lâu bền, chẳng phải an ổn, đó là cái ngã biến dịch. Vì sao? Này Tỳ-kheo, vì nó là pháp thọ sanh có sanh, già, chết, tiêu mất.

“Này Tỳ-kheo, các hành như huyễn, như sóng nắng, trong khoảnh sát na, tàn lụi, không thật đến không thật đi. Cho nên Tỳ-kheo, đối với các hành vốn không, nên biết, nên hoan hỷ, nên suy niệm rằng, trống không là các hành thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch; trống không không có ngã, không có ngã sở.

“Ví như người mắt sáng tay cầm đèn sáng vào trong nhà trống, xem xét cái nhà trống ấy. Cũng vậy, Tỳ-kheo, đối với tất cả hành trống không, tâm quán sát, hoan hỷ, rằng trống không là các hành. Trống không, không ngã và ngã sở, là các pháp (được coi là) thường tồn, vĩnh hằng, ổn trụ, pháp không biến dịch. Cũng vậy, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm nhân duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp thành xúc, xúc sanh ra thọ, tưởng, tư. Các pháp này vô ngã, vô thường, chi tiết cho đến không, vô ngã và ngã sở. Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào? Mắt là thường hay là vô thường?”

“Bạch Thế Tôn, vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ chăng?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử có nên ở trong ấy thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như vậy đa văn Thánh đệ tử đối với mắt sanh nhàm tởm; nhàm tởm nên không ưa thích, không ưa thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.”

Tỳ-kheo ấy nghe Phật thuyết về kinh thí dụ hai tay hợp lại phát tiếng, một mình đi đến chỗ vắng, tinh cần tư duy, sống không buông lung, … tự biết không còn thọ thân sau, thành A-la-hán.

*

 

KINH 274. KHÍ XẢ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

- Những gì không phải là của các ông có, cần phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ hết pháp đó rồi, thì được an vui lâu dài. Này các Tỳ-kheo, ý các ông thế nào? Ở trong rừng Kỳ-hoàn này, các thứ cỏ cây, cành lá, nếu có người mang đi, thì các ông có nghĩ rằng: ‘Những vật này là tôi, là của tôi, người kia sao lại đem đi?’”

Các Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì những vật này chẳng phải ta, chẳng phải của ta.”

“Tỳ-kheo, các ông cũng lại như vậy, đối với vật không phải của mình, phải xả bỏ hết; khi đã xả bỏ những pháp này rồi, thì được an vui lâu dài. Những gì không phải sở hữu của các ông? Mắt, không phải của các ông, nên xả bỏ; khi đã xả bỏ rồi, thì được an vui lâu dài. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào, Tỳ-kheo, mắt là thường hay là vô thường?”

Tỳ-kheo đáp:

“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”

Phật lại hỏi:

“Nếu là vô thường thì khổ phải không?”

“Bạch Thế Tôn, là khổ.”

Phật lại hỏi:

“Nếu vô thường là khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh đệ tử đối với sáu nhập xứ này, nên quán sát chẳng phải ta, chẳng phải của ta. Khi quán sát rồi, đối với các pháp thế gian không chấp thủ. Vì không chấp thủ nên không đắm trước, do không đắm trước nên tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 275. NAN-ĐÀ[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, thì bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có người nói: ‘Người có sức mạnh nhất chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói chính xác. Có người nói: ‘Người đẹp trai nhất cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Có người lại nói: ‘Người ái dục nặng cũng chỉ có Nan-đà.’ Đây là lời nói đúng. Này các Tỳ-kheo, nhưng hiện tại Nan-đà đã đóng cửa các căn, ăn uống điều độ, đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập, thành tựu chánh trí, có thể suốt đời Phạm hạnh thanh bạch, thuần nhất viên mãn.

“Tỳ-kheo Nan-đà này đã đóng cửa các căn. Nếu mắt thấy sắc, thì không còn chấp giữ tướng dạng của sắc, không chấp giữ vẻ đẹp riêng[9]. Nếu những gì khiến nhãn căn không được phòng hộ[10], bị ngăn che bởi vô minh, tham ái thế gian; Tỳ-kheo khởi tâm phòng hộ[11], không để các pháp ác bất thiện ấy tiết lậu vào tâm. Tỳ-kheo sanh các luật nghi để phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý[12]. Đó gọi là Tỳ-kheo Nan-đà đóng cửa các căn[13].

“Thế nào là ăn uống có điều độ? Tỳ-kheo Nan-đà đối với sự ăn có hệ số[14], không vì tự cao, không vì buông lung, không vì sắc đẹp, không vì trang nghiêm, vừa đủ nuôi thân mà thôi, không kể ngon dở, cốt trừ đói khát để tu phạm hạnh; vì để đối với những cảm giác khổ đã khởi lên trước đây, liền làm cho dập tắt, những cảm giác khổ chưa khởi khiến cho không khởi; vì để thành tựu được ý chí hướng thượng[15]; vì để khí lực an lạc, sống một mình không cần ai biết đến[16]. Như người đi xe phải bôi dầu, không vì tự cao, (chi tiết như trên, cho đến) không vì trang điểm, mà vì để vận tải. Cũng giống như xức ghẻ, không vì tham vị thuốc mà vì muốn hết đau. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà biết ăn uống có điều độ,… cho đến, sống một mình không cần ai biết đến. Đó gọi là Nan-đà biết ăn uống có điều độ.

“Thiện nam tử Nan-đà đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập. Nan-đà ban ngày kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh; đầu đêm kinh hành, tọa thiền, trừ bỏ ấm chướng để cho thân thanh tịnh[17]; nửa đêm ra ngoài phòng rửa chân, rồi vào trong phòng nằm nghiêng bên phải, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm vào tướng ánh sáng, nghĩ tưởng đến sự tỉnh dậy; cuối đêm từ từ tỉnh dậy, kinh hành, tọa thiền. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà, đầu đêm, cuối đêm, tinh tấn siêng năng tu tập.

“Thiện gia nam tử Nan-đà kia có thắng niệm, chánh tri[18]. Thiện nam tử Nan-đà quán sát phương Đông, nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát. Quán sát phương Nam, phương Tây, phương Bắc lại cũng như vậy. Nhất tâm chánh niệm, an trú quán sát; người nào quán sát như vậy, thì các pháp bất thiện, tham ưu ở thế gian không lọt vào tâm được.

“Thiện nam tử Nan-đà kia tỉnh giác khi các thọ sanh khởi, tỉnh giác khi các thọ đình trú, tỉnh giác khi các thọ diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn; tỉnh giác khi các tưởng sanh khởi, tỉnh giác khi các tưởng đình trú, tỉnh giác khi các tưởng diệt; tỉnh giác khi các giác[19] sanh khởi, tỉnh giác khi các giác trú, tỉnh giác khi các giác diệt; luôn trú trong chánh niệm, không cho tán loạn. Đó gọi là thiện nam tử Nan-đà thành tựu chánh niệm, chánh trí.

“Cho nên, các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Đóng kín cửa các căn như thiện nam tử Nan-đà; ăn uống có điều độ như thiện nam tử Nan-đà; đầu đêm, cuối đêm tinh tấn siêng năng tu tập như thiện nam tử Nan-đà; thành tựu chánh niệm, chánh trí như thiện nam tử Nan-đà.’ Như pháp truyền dạy cho Nan-đà cũng nên được đem dạy cho người khác.”

Khi ấy có Tỳ-kheo nọ nói kệ:

Khéo đóng cửa các căn,

Nhiếp tâm, trú chánh niệm,

Ăn uống biết điều độ,

Giác biết các tướng tâm,

Thiện nam tử Nan-đà,

Được Thế Tôn khen ngợi.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 276. NAN-ĐÀ THUYẾT PHÁP[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có chúng Đại Thanh văn ni ở trong vườn vua nước Xá-vệ. Tên các Tỳ-kheo-ni này là Thuần-đà Tỳ-kheo-ni, Dân-đà Tỳ-kheo-ni, Ma-la-bà Tỳ-kheo-ni, Ba-la-giá-la Tỳ-kheo-ni, Đà-la-tỳ-ca Tỳ-kheo-ni, Sai-ma Tỳ-kheo-ni, Nan-ma Tỳ-kheo-ni, Cáo-nan-xá Cù-đàm-di Tỳ-kheo-ni, Ưu-bát-la-sắc Tỳ-kheo-ni, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Tỳ-kheo-ni. Những vị này cùng một số Tỳ-kheo-ni khác đều ở trong vườn vua.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề[21] cùng với năm trăm Tỳ-kheo-ni lần lượt trước sau đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn vì Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề mà thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ [22]. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, Ngài khiến họ lui về, bảo rằng:

“Tỳ-kheo-ni, thời gian thích hợp, nên đi!”

Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề nghe những điều Phật dạy, vui vẻ làm lễ mà lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, mới bảo các Tỳ-kheo:

“Ta nay tuổi đã già yếu, không còn có thể vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp được. Tỳ-kheo Tăng các người, từ nay các Thượng tọa tôn đức giáo thọ các Tỳ-kheo-ni.”

Các Tỳ-kheo vâng lời Đức Thế Tôn, tuần tự theo thứ lớp giáo thọ các Tỳ-kheo-ni. Theo thứ tự, đến phiên Nan-đà.

Bấy giờ, theo thứ tự, Nan-đà nên đi nhưng không muốn đi giáo thọ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, cho đến… xin được nghe pháp. Nghe xong họ vui vẻ, đảnh lễ rồi ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã về rồi, liền hỏi Tôn giả A-nan:

“Hôm nay đến phiên ai giáo thọ các Tỳ-kheo-ni?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Thượng tọa đã lần lượt giáo thọ Tỳ-kheo-ni rồi, nay tới phiên Nan-đà, nhưng Nan-đà không muốn giáo thọ.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Nan-đà:

“Ngươi hãy giáo thọ các Tỳ-kheo-ni, vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp. Vì sao? Vì Ta đã đích thân dạy dỗ các Tỳ-kheo-ni, nên ngươi cũng phải như vậy. Ta đã vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp, thì ngươi cũng nên như vậy.”

Bấy giờ, Nan-đà im lặng vâng lời.

Sáng sớm hôm sau, Nan-đà đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, thu cất y bát, rửa chân xong vào thất tọa thiền. Rồi tỉnh giác thiền tịnh, Nan-đà đắp y Tăng-già-lê và dẫn theo một Tỳ-kheo đi đến vườn vua. Các Tỳ-kheo-ni từ xa trông thấy Tôn giả Nan-đà đến, vội vàng trải chỗ ngồi và mời ngồi. Tôn giả Nan-đà an tọa xong, các Tỳ-kheo-ni cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên. Tôn giả Nan-đà nói với các Tỳ-kheo-ni:

“Này các cô! Các cô có điều gì xin hỏi tôi, tôi sẽ vì các cô mà nói pháp. Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại, tôi sẽ sẵn sàng nói lại.”

Các Tỳ-kheo-ni bạch Tôn giả Nan-đà:

“Ngày nay chúng con nghe Tôn giả dạy, cho phép chúng con hỏi, bảo chúng con rằng: ‘Các cô nếu hiểu rồi, thì nói là đã hiểu; nếu chưa hiểu, thì nên nói là chưa hiểu. Đối với những nghĩa lý mà tôi đã nói ra, nếu đã hiểu thì hãy khéo thực hành, nếu không hiểu thì phải hỏi lại.’ Chúng con nghe được điều này, lòng rất vui mừng. Bây giờ, chúng con xin hỏi về những nghĩa lý chưa được hiểu.”

Lúc đó Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Thế nào các cô, khi quán sát về nội nhập xứ của mắt có thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Khi quán sát về nội nhập xứ của tai mũi, lưỡi, thân, ý có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Bạch Tôn giả Nan-đà, vì đối với pháp này chúng con đã từng thấy biết như thật. Đối với sáu nội nhập xứ quán sát là vô ngã, chúng con từng hiểu ý như vầy: sáu nội nhập xứ là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Các cô nên hiểu như vậy. Sáu nội nhập xứ nên quán sát là vô ngã.

“Này các Tỳ-kheo-ni, ngoại nhập xứ của sắc có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Ngoại nhập xứ của thanh, hương, vị, xúc, pháp, có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ngoại nhập xứ này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ngoại nhập xứ như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà khen ngợi các Tỳ-kheo-ni:

“Tốt lắm! Các cô đối với nghĩa này nên quán sát như vầy: ‘Sáu ngoại nhập xứ là vô ngã. Nếu duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, vậy thì nhãn thức này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, vậy thì ý thức này có phải là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thức thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thức thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thức thân như thật là vô ngã; duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, vậy thì xúc này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu xúc này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý như vầy: Sáu xúc như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu xúc thân như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên thọ, vậy thì thọ này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu thọ thân này chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu thọ thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà lại bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu thọ thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,... pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tưởng, vậy thì tưởng này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tưởng thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con cũng thường hiểu ý này: Sáu tưởng thân như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tưởng thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên tư, vậy thì tư này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu tư thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu tư thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu tư thân này như thật là vô ngã. Duyên mắt và sắc sanh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?’”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Hỏi tiếp:

“Tai, mũi, lưỡi, thân, ý,… pháp làm duyên sanh ra ý thức, ba sự hòa hợp sanh ra xúc, xúc duyên ái, vậy thì ái này có phải là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì đối với sáu ái thân này, chúng con đã từng quán sát như thật là vô ngã. Chúng con thường hiểu ý này: Sáu ái thân này như thật là vô ngã.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Đối với nghĩa này các cô nên quán sát như vầy: ‘Sáu ái thân này như thật là vô ngã.’

“Này các Tỳ-kheo-ni, ví như nhờ vào có dầu và nhờ vào tim đèn nên đèn được cháy sáng. Dầu này là vô thường, tim đèn là vô thường, lửa là vô thường, cây đèn cũng là vô thường. Nếu có người bảo rằng không dầu, không tim, không lửa, không đèn mà có ánh sáng thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không.”

Tôn giả Nan-đà nói:

“Vì sao? Vì nhờ vào có dầu, tim, cây đèn, nên đèn cháy sáng. Dầu, tim và cây đèn này đều là vô thường. Nếu không dầu, không tim, không đèn thì ánh sáng của cây đèn cũng theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật. Như vậy, này các cô, sáu nội nhập xứ này là vô thường. Nếu có người bảo rằng ‘Hỷ lạc do nhân duyên sáu nội nhập xứ này mà sanh; nó thường hằng, thường trụ, không biến đổi, an ổn’, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì chúng con đã từng quán sát như thật rằng vì những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Đối với nghĩa này, các cô nên quán sát như vầy: Do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; những pháp làm duyên kia nếu diệt đi, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, tịch tĩnh, thanh lương, chân thật.”

“Này các Tỳ-kheo-ni, thí như cây đại thọ có gốc, cành, nhánh, lá. Gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng đều là vô thường. Nếu có người bảo rằng không có cành, nhánh, lá của cây này, mà chỉ có cái bóng của nó là thường trụ mãi mãi, không biến đổi, thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì như gốc, cành, nhánh, lá cây lớn này; gốc chúng cũng là vô thường, nên cành, nhánh, lá cũng là vô thường. Không gốc, không cành, không nhánh, không lá, thì cái bóng nương vào nơi cây đó, tất cả cũng đều không.”

Hỏi tiếp:

“Này các cô, duyên vào ngoại lục nhập xứ vô thường. Nếu bảo rằng ‘hỷ lạc do nhân duyên sáu ngoại nhập xứ mà sanh là thường trụ mãi mãi, không biến đổi và an ổn,’ thì lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả, không. Vì sao? Vì đối với nghĩa này chúng con đã quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.”

Tôn giả Nan-đà bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Các Tỳ-kheo-ni, đối với nghĩa này nên quán sát như thật, là do những pháp kia làm duyên sanh ra những pháp này; nếu những pháp làm duyên kia diệt, thì các pháp được sanh ra này cũng tùy theo đó mà diệt mất, vắng lặng, mát mẻ, chân thật.

“Các cô hãy nghe tôi nói thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà hiểu rõ. Như người đồ tể mổ trâu một cách thiện nghệ, hay người học trò của ông ta, tay cầm dao bén để lột da con trâu, bằng cách lòn lách vào giữa da và thịt mà không phạm vào phần thịt bên trong, cũng không rách phần da ở bên ngoài, kể cả viêïc mổ lột chân cẳng gân cốt con trâu, sau đó dùng tấm da ấy phủ lên nó trở lại. Nếu có người bảo rằng: ‘Da thịt của con trâu này hoàn toàn không bị cắt rời.’ Vậy, lời nói này có đúng không?”

Các Tỳ-kheo-ni đáp:

“Bạch Tôn giả Nan-đà, không. Vì sao? Vì người đồ tể thiện nghệ này và học trò của ông ta tay cầm dao bén, lòn lách vào giữa da và thịt, để lột da mà không chạm đến da thịt của nó, kể cả chân cẳng gân xương, tất cả đều đứt hết, sau đó trùm lại con trâu ấy. Nhưng da thịt đã bị cắt rời, không phải là không bị cắt rời.”

“Này các cô, tôi sẽ giải thích về ý nghĩa của thí dụ này: Con trâu dụ cho sắc thô của thân người, như được nói chi tiết trong kinh Giỏ rắn độc. Thịt là chỉ cho nội lục nhập xứ. Da ngoài chỉ cho ngoại lục nhập xứ. Người đồ tể chỉ cho bậc hữu học thấy dấu[23]. Gân xương ở khoảng giữa da thịt chỉ cho sự câu hữu của hai món tham-hỷ. Dao bén chỉ cho trí tuệ sắc bén. Đa văn Thánh đệ tử dùng dao bén trí tuệ chặt đứt tất cả những kết sử, triền phược, tùy miên, phiền não, tùy phiền não. Cho nên, các cô nên học như vậy. Đối với những pháp đáng yêu thích, tâm không nên đắm trước, vì đểø đoạn trừ tham vậy. Đối với những pháp đáng sân hận, cũng không nên sanh tâm sân hận, vì để đoạn trừ sân vậy. Đối với những pháp đáng si, không nên sanh tâm si, vì để đoạn trừ si vậy. Đối với năm thọ ấm phải quán sát sanh diệt. Đối với sáu xúc nhập xứ phải quán sát về sự tập khởi và sự diệt tận. Đối với bốn Niệm xứ nên khéo buộc tâm. An trú nơi bảy giác phần; khi tu bảy giác phần rồi, thì đối với dục lậu kia tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với hữu lậu, tâm không duyên đắm, tâm giải thoát. Đối với vô minh lậu, tâm không duyên đắm, tâm được giải thoát. Các cô nên học như vậy.”

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà, vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề cùng đi với năm trăm Tỳ-kheo-ni quyến thuộc lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, lui đứng qua một bên, … cho đến đảnh lễ Phật rồi trở về.

Bấy giờ Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã ra về, Ngài mới bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm mười bốn, có nhiều người ngắm trăng; trăng đã tròn hay chưa tròn? Nên biết vầng trăng ấy chưa tròn lắm. Cũng vậy, thiện nam tử Nan-đà vì năm trăm Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ, chân chánh thuyết, đối với sự giải thoát của họ, vẫn chưa phải là rốt ráo. Nhưng những Tỳ-kheo-ni này khi mạng chung không một kết sử nào là không đoạn, để có thể khiến cho họ sanh trở lại đời này.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo Nan-đà:

“Hãy vì các Tỳ-kheo-ni mà nói pháp.”

Lúc ấy, Tôn giả Nan-đà im lặng vâng lời. Sáng hôm sau, Tôn giả mang bát vào thành khất thực. Thọ trai xong, Tôn giả đi tới vườn vua, rồi ngồi xuống chỗ ngồi vì các Tỳ-kheo-ni nói pháp, làm cho hoan hỷ. Sau khi bằng nhiều cách thuyết pháp, khai mở, chỉ dạy, soi sáng, làm cho hoan hỷ, rời khỏi chỗ ngồi, đứng dậy ra về.

Một hôm, Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cùng năm trăm Tỳ-kheo-ni trước sau lần lượt đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật,… cho đến đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Tỳ-kheo-ni Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã đi rồi, bảo các Tỳ-kheo:

“Thí như trăng sáng đêm rằm, không còn ai nghi ngờ về vầng trăng tròn hay không tròn, nhưng vầng trăng kia hoàn toàn tròn đầy. Cũng vậy, thiện gia nam tử Nan-đà, đã vì các Tỳ-kheo-ni chân chánh giáo thọ như vậy, cứu cánh giải thoát. Nếu lúc mạng chung, dù không có người nào nói họ sẽ đi về đâu, nhưng họ cũng có thể tự biết đây là biên tế của khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ-kheo-ni chứng quả thứ nhất[24].

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

 

KINH 277. LUẬT NGHI BẤT LUẬT NGHI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bất luật nghi và luật nghi[26], các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Thế nào là bất luật nghi? Nếu nhãn căn không được luật nghi thâu giữ[27], thì nhãn thức bị đắm sắc. Vì bị đắm sắc nên sanh ra khổ thọ. Vì khổ thọ nên không được nhất tâm[28]. Vì không nhất tâm nên không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên không lìa nghi hoặc. Vì không lìa nghi hoặc nên bị chúng làm mê lầm chịu khổ mãi mãi. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là bất luật nghi.

“Thế nào là luật nghi? Nếu nhãn căn được luật nghi thâu giữ; khi nhãn thức nhận thức sắc, tâm không nhiễm trước[29]. Khi tâm đã không nhiễm trước thì thường trụ an vui. Vì tâm đã trụ trong an vui nên thường được nhất tâm. Vì đã nhất tâm nên thấy biết như thật. Vì đã thấy biết như thật nên lìa nghi hoặc. Vì đã lìa nghi hoặc nên không bị chúng làm mê lầm và thường trụ trong an vui. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là luật nghi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

KINH 278. THOÁI BẤT THOÁI[30]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có pháp thoái chuyển, không thoái chuyển và sáu xúc nhập xứ.[31] Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là pháp thoái chuyển? Khi mắt biết sắc, tri giác dục vọng phát sanh[32], Tỳ-kheo đó vui mừng, khen ngợi, chấp lấy, dính mắc, thuận theo sự xoay chuyển của pháp này, nên biết Tỳ-kheo này đã thoái chuyển các pháp lành[33]. Thế Tôn nói đó là pháp thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là pháp không thoái chuyển? Khi mắt biết sắc mà kết buộc của tri giác dục vọng không sanh, Tỳ-kheo đó không vui mừng, không khen ngợi, không chấp lấy, không dính mắc và đối với pháp này không thuận theo sự xoay chuyển, nên biết Tỳ-kheo này không thoái chuyển các pháp lành. Thế Tôn nói đó là pháp không thoái chuyển. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Thế nào là sáu thắng nhập xứ[34]? Khi nhãn thức duyên sắc, mà không sanh tri giác dục vọng dẫn đến kết buộc ô nhiễm, thì nên biết Tỳ-kheo này đã thắng được nhập xứ kia[35]. Thế Tôn nói đó là thắng được nhập xứ kia. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Nếu Tỳ-kheo nào, đối với sáu thắng nhập xứ đã thắng được rồi, thì sẽ đoạn trừ được kết sử tham dục và sẽ đoạn trừ được kết sử ngu si, sân hận. Giống như ông vua đánh thắng oán địch và được tôn là ‘Ông vua chiến thắng’, người đã đoạn trừ các kết sử rồi được gọi là ‘Bà-la-môn chiến thắng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

KINH 279. ĐIỀU PHỤC[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đối với sáu căn này[37] mà không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Sáu căn là những gì? Nhãn căn không điều phục, không đóng kín, không thủ hộ, không chấp trì, không tu tập, thì ở đời vị lai sẽ chịu báo khổ. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Phàm phu ngu si không học, khi mắt thấy sắc, chấp thủ tướng chung, chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, đều an trụ với bất luật nghi được chấp thọ[38]; các ác pháp bất thiện tham ái của thế gian lọt vào tâm, những điều như thế đều do không thể chấp trì luật nghi, phòng hộ nhãn. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Như thế đối với sáu căn, không điều phục, không đóng kín, không giữ gìn, không chấp trì, không tu tập thì ở đời vị lai sẽ chịu quả báo khổ.

“Thế nào là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập thì ở đời vị lai sẽ được an vui? Đa văn Thánh đệ tử khi mắt thấy sắc không chấp thủ tướng chung, không chấp thủ tướng riêng; bất kể nhãn căn hướng đến nơi nào, vẫn thường an trú với luật nghi. Những pháp ác, bất thiện tham ái ở thế gian không lọt vào tâm, có thể sanh ra các luật nghi, khéo thủ hộ nhãn căn[39]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là sáu căn khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo giữ gìn, khéo chấp trì, khéo tu tập, thì ở đời vị lai sẽ được an vui.

Đức Phật liền nói bài kệ:

Nơi sáu xúc nhập xứ,

Trú vào không luật nghi;

Những Tỳ-kheo như vậy,

Mãi mãi chịu khổ lớn.

Đối với các luật nghi,

Luôn tinh cần tu tập,

Chánh tín, tâm không hai,

Các lậu chẳng vào tâm.

Mắt thấy những sắc kia,

Vừa ý không vừa ý;

Vừa ý, không sanh muốn,

Không vừa ý, chẳng ghét.

Tai nghe những âm thanh,

Có niệm và không niệm;

Đối niệm, không ưa đắm,

Không niệm, không khởi ác.

Mũi ngửi đến các mùi,

Hoặc thơm, hoặc là hôi;

Đối thơm, hôi, bình đẳng,

Không muốn, cũng không trái.

Đối các vị để ăn,

Chúng cũng có ngon, dở;

Vị ngon không khởi tham,

Vị dở không kén chọn.

Thân xúc tạo vui sướng,

mà chẳng sanh buông lung;

Xúc chạm bị khổ đau,

Không sanh tưởng oán ghét.

Khổ vui đều buông hết,

Chưa diệt khiến cho diệt.

Phải quán sát tâm ý,

Các tướng, các tướng kia,

Giả dối mà phân biệt,

Dục tham càng rộng lớn.

Giác ngộ các ác kia,

An trú tâm lìa dục.

Khéo nhiếp sáu căn này,

Sáu cảnh xúc không động,

Dẹp sạch các ma oán,

Vượt qua bờ sống chết.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

 

KINH 280. TẦN-ĐẦU THÀNH[40]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến ở trong rừng Thân-thứ[41], phía bắc thành Tần-đầu[42].

Bấy giờ các Bà-la-môn, trưởng giả trong thành Tần-đầu đều nghe Thế Tôn đang ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân-thứ, phía bắc thành Tần-đầu. Họ nghe vậy rồi, tất cả đều ra khỏi thành, đến rừng Thân-thứ, chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Bấy giờ, Đức Phật nói với các Bà-la-môn, trưởng giả thành Tần-đầu:

“Nếu có người hỏi các ông: ‘Những hạng Sa-môn, Bà-la-môn nào không đáng cung kính, lễ bái, thừa sự, cúng dường?’ thì các ông nên đáp là: ‘Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào, mắt thấy sắc mà chưa lìa được tham, chưa lìa được dục, chưa lìa ái, chưa lìa khao khát, chưa lìa niệm, nội tâm không tịch tịnh, việc làm phi pháp, hành vi thô tháo. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Tỳ-kheo như vậy không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, thừa sự, cúng dường.’ Nói như vậy xong, lại có người khác hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn này không đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những Sa-môn, Bà-la-môn kia, khi mắt thấy sắc cũng không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm họ không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Chúng tôi tìm sự sai biệt ở đây, nhưng không thấy họ khác biệt chúng tôi chỗ nào. Vì vậy, chúng tôi không cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các hạng Sa-môm, Bà-la-môn như vậy.’

“Nếu có người hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đáng cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Nếu những vị ấy mắt thấy sắc mà lìa dục, lìa tham, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, trong tâm tịch tịnh, không hành động phi pháp, làm những hạnh bình đẳng, việc làm không lôi thôi và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy, thì những hạng Sa-môn, Bà-la-môn như vậy đáng được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường.’

“Nếu lại hỏi: ‘Vì sao những Sa-môn, Bà-la-môn này được cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự, cúng dường?’ Các ông nên trả lời: ‘Chúng tôi mắt thấy sắc mà không lìa tham, không lìa dục, không lìa ái, không lìa khao khát, không lìa niệm, trong tâm không tịch tịnh, hành động phi pháp, hành vi thô tháo và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Những vị Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, lìa dục, lìa ái, lìa khao khát, lìa niệm, nội tâm tịch tịnh, hành động đúng pháp, hành động không thô tháo; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp lại cũng như vậy. Ở đây, chúng tôi tìm sự khác biệt và thấy và những vị ấy có chỗ khác chúng tôi. Vì thấy có sự sai biệt, nên chúng tôi cung kính, tôn trọng, lễ bái, phụng sự cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn ấy.’

“Đã trả lời như vậy, nếu có người lại hỏi: ‘Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi gì, có hình mạo thế nào và có dấu hiệu nào để khiến cho các ông biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si?’ Các ông nên trả lời rằng: ‘Chúng tôi thấy Sa-môn, Bà-la-môn này có những biểu hiện như thế này: Ở trong rừng vắng, dưới bóng cây, giường thấp, hoặc nơi nệm cỏ, tu hạnh viễn ly, xa lìa người nữ, ưa gần người độc cư để cùng thiền định tư duy; nếu ở những chỗ đó mà không có sắc được thấy bởi mắt có thể sanh tâm tham đắm; và không có tiếng được nghe bởi tai có thể sanh tâm tham đắm; mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, có thể sanh tâm tham đắm. Những Sa-môn, Bà-la-môn này có hành vi như vậy, có hình mạo như vậy và có dấu hiệu như vậy để khiến cho các chúng tôi biết những Sa-môn, Bà-la-môn này lìa tham, hướng đến điều phục tham; lìa sân, hướng đến điều phục lìa sân; lìa si, hướng đến điều phục lìa si.”

Khi ấy, các Sa-môn và gia chủ Bà-la-môn, bạch Phật:

“Kỳ diệu thay, Thế Tôn! Không tự khen mình, không chê người, mà chỉ nói ý nghĩa. Mỗi người nơi các nhập xứ tự mình phân biệt nhiễm ô hay thanh tịnh, nói rộng duyên khởi đúng lời nói của Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác. Giống như người cứu được kẻ chết chìm, như mở chỗ bít kín, như chỉ lối cho kẻ lầm đường, như thắp đèn nơi tối. Cũng vậy, Thế Tôn không khen mình, chê người, mà chỉ nói ý nghĩa… cho đến, như lời Như Lai nói.”

Các gia chủ Bà-la-môn ở thành Tần-đầu, sau khi nghe những gì Đức Phật đã nói, vui vẻ, làm lễ ra về.

 

KINH 281. OANH PHÁT MỤC-KIỀN-LIÊN[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá.

Bấy giờ có Mục-kiền-liên búi tóc[44] xuất gia, đi đến chỗ Phật, cùng nhau hỏi thăm xong, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Mục-kiền-liên búi tóc:

“Ông từ đâu đến?”

Mục-liên liền bạch Phật:

“Tôi theo chúng ngoại đạo, Sa-môn, Bà-la-môn Giá-la-ca[45] xuất gia, vừa hội họp ở giảng đường Vị tằng[46] để nghe pháp và từ rừng đó đến đây.”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Ông vì những phước lực[47] gì mà nghe thuyết pháp từ các chúng Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia kia?”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch:

“Tôi thử nghe phước lợi mà họ luận nghị tranh hơn nhau, nghe phước lợi mà họ phản bác luận nghị nhau.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Từ xưa tới nay, các Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo Giá-la-ca xuất gia, luận nghị tranh hơn nhau, phản bác luận nghị nhau về phước lợi, phá hoại lẫn nhau.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Cù-đàm vì phước lợi mà nói những pháp gì cho các đệ tử, để cho các đệ tử nói lại cho người khác nghe mà không phỉ báng Như Lai, không thêm, không bớt; nói chân thật, nói đúng pháp, nói đúng theo thuận thứ của pháp, để không một người nào có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Vì phước lợi quả báo của minh, giải thoát, mà nói lại cho người nghe, thì không phỉ báng Như Lai, không trái đạo lý, nói đúng pháp, đúng thuận thứ của pháp, không ai có thể đến so sánh, nạn vấn, chỉ trích.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, có pháp nào mà các đệ tử tu tập, thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh[48], giải thoát chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Có bảy giác phần, tu tập và thường xuyên tu tập, thì sẽ khiến thành tựu viên mãn phước lợi, minh, giải thoát.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bảy giác phần đầy đủ chăng?”

Phật bảo:

“Có bốn Niệm xứ, tu tập, tu tập nhiều, sẽ khiến bảy giác phần được đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc búi lại bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Có ba diệu hành, tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho bốn Niệm xứ đầy đủ.”

Mục-kiền-liên bạch Phật:

“Lại có pháp nào mà tu tập, tu tập, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ chăng?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Có luật nghi của sáu xúc nhập xứ[49], tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến ba diệu hạnh đầy đủ.”

Mục-kiền-liên tóc búi bạch Phật:

“Thế nào là luật nghi của sáu xúc nhập xứ mà tu tập, tu tập nhiều, thì sẽ khiến cho ba diệu hạnh đầy đủ?”

Phật bảo Mục-kiền-liên tóc búi:

“Nếu sắc được nhận thức bởi mắt, vừa ý, đáng ưa, đáng nhớ, có khả năng nuôi lớn dục lạc, khiến cho người hệ lụy; Tỳ-kheo kia, khi thấy sắc này, không hoan hỷ, không tán thán, không duyên theo, không đắm trước, không trụ vào. Hoặc sắc được nhận thức bởi mắt, không vừa ý, không đáng ưa, không đáng nhớ, đưa đến cảm giác khổ; các Tỳ-kheo này khi thấy, không sợ, không ghét, không hiềm, không tức tối. Đối với sắc đẹp kia, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm. Đối với sắc không đẹp, khi mắt đã thấy, hoàn toàn không duyên đắm, nội tâm an trụ bất động, khéo tu giải thoát, tâm không lười mỏi. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thức pháp lại cũng như vậy. Như vậy, đối với sáu xúc nhập mà tu tập, tu tập nhiều, thì đầy đủ ba diệu hành.

“Thế nào là tu ba diệu hành khiến đầy đủ bốn Niệm xứ? Đa văn Thánh đệ tử ở chỗ vắng vẻ trong rừng, dưới bóng cây, tu học như vầy, tư duy như vầy: ‘Ác hành của thân này, đời này và đời sau phải chịu báo ác. Nếu ta hành động với ác hành của thân, chắc phải tự sanh chán nản, hối hận, bị người khác chê trách, Đại Sư cũng chê trách, những người phạm hạnh[50] cũng đúng pháp mà chê trách ta; tiếng ác đồn khắp mọi nơi, thân hoại mạng chung thì sẽ rơi vào địa ngục.’ Đối với ác hành của thân, thấy quả báo đời này, đời sau như vậy, cho nên phải dứt trừ ác hành của thân, phải tu thân diệu hành. Đối với ác hành của miệng, ý lại cũng như vậy. Đó gọi là đã tu tập ba diệu hành. Được bốn Niệm xứ thanh tịnh đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bốn Niệm xứ để được bảy giác phần đầy đủ? Này Mục-kiền-liên, như vậy, an trụ với quán thân trên toàn thân. Khi an trụ với quán thân trên toàn thân, nhiếp niệm an trú không xao lãng; bấy giờ, phương tiện[51] tu tập niệm giác phần. Khi đã phương tiện tu tập niệm giác phần rồi, được niệm giác phần đầy đủ, ở nơi tâm niệm kia mà chọn lựa pháp, rồi suy tầm, suy tưởng, tư lường; bấy giờ, phương tiện tu tập trạch pháp giác phần. Khi phương tiện tu tập trạch pháp giác phần rồi, được trạch pháp giác phần đầy đủ, chọn lựa pháp này, suy tầm, suy tưởng, tư lường, phương tiện tu tập tinh tấn giác phần. Khi đã phương tiện tu tập tinh tấn giác phần rồi, được tinh tấn giác phần đầy đủ, nhờ siêng năng tinh tấn nên sanh tâm hoan hỷ; bây giờ, phương tiện tu tập hoan hỷ giác phần. Khi phương tiện tu tập hoan hỷ giác phần rồi, được hoan hỷ giác phần đầy đủ; do tâm hoan hỷ, thân tâm tịch tĩnh; bây giờ, tu tập ỷ tức[52] giác phần. Khi đã tu tập ỷ tức giác phần rồi, được ỷ giác phần đầy đủ, thân tâm tịch tĩnh, được tam-ma-đề[53]; bây giờ, tu tập định giác phần. Khi đã tu tập định giác phần rồi, được định giác phần đầy đủ. Tức là tâm chuyên nhất, tham ưu đình chỉ, nội tâm hành xả[54]; phương tiện tu tập xả giác phần. Khi đã phương tiện tu tập xả giác phần, được xả giác phần thanh tịnh đầy đủ. Đối với thọ, tâm, pháp niệm xứ cũng nói như vậy. Tu tập bốn Niệm xứ như vậy, bảy giác phần được đầy đủ.

“Thế nào là tu tập bảy giác phần để đầy đủ minh, giải thoát? Này Mục-kiền-liên, nếu Tỳ-kheo tu tập niệm giác phần, y viễn ly[55], y ly dục, y diệt tận, hướng đến xả[56], tiến đến tu niệm giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. (Chi tiết, cho đến) tu tập xả giác phần cũng nói như vậy. Đó gọi là tu tập bảy giác phần, chứng đắc minh, giải thoát, thanh tịnh viên mãn. Như vậy, Mục-kiền-liên, pháp pháp nương nhau từ bờ này mà đến bờ kia.”

Sau khi nghe Phật thuyết pháp xong, Mục-kiền-liên tóc búi xa lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh.

Lúc này, Mục-kiền-liên thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, nhập pháp, hết những nghi ngờ mê hoặc, không do ai khác mang đến. Ở trong Chánh pháp luật, tâm đạt được sự không sợ hãi, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật, chắp tay bạch rằng:

“Nay con có được xuất gia, thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật không?”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

“Nay ông đã được[57] xuất gia, được thọ Cụ túc giới trong Chánh pháp luật.”

Sau khi được xuất gia rồi, Mục-kiền-liên chuyên cần tư duy, không buông lung, cho đến thành A-la-hán.

 

KINH 282. CHƯ CĂN TU[58]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại Ca-vi-già-la Mâu-chân-lân-đà[59].

Bấy giờ có một niên thiếu tên là Uất-đa-la[60], là đệ tử của Ba-la-xa-na[61], đi đến chỗ Phật, cung kính hỏi thăm, rồi lui ngồi một bên.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn hỏi Uất-đa-la:

“Thầy con là Ba-la-xà-na có dạy cho các con tu tập các căn không?”

Uất-đa-la trả lời:

“Bạch Cù-đàm, đã có dạy.”

Đức Phật bảo Uất-đa-la:

“Thầy con dạy tu về các căn như thế nào?”

Uất-đa-la bạch Phật:

“Thầy con nói, mắt không nhìn thấy sắc, tai không nghe tiếng[62]; đó là tu về căn.

Phật bảo Uất-đa-la:

“Nếu như lời thầy con nói thì những người mù tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người mù mới không thấy sắc bằng mắt.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan đang đứng phía sau cầm quạt hầu Phật. Tôn giả nói với Uất-đa-la:

“Như lời của Ba-la-xà-na nói, thì người điếc tu căn chăng? Vì sao? Vì chỉ có người điếc tai mới không nghe tiếng.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với Tôn giả A-nan:

“Khác sự tu căn vô thượng[63] trong pháp luật của Hiền thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Xin Đức Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói về sự tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh, để cho các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành theo.”

Phật bảo A-nan:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, thấy sắc vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, muốn tu sự nhàm tởm không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, không vừa ý vừa ý, muốn tu sự không nhàm tởm của Như Lai với chánh niệm chánh trí. Do duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh, vừa ý không vừa ý, vừa không vừa ý, muốn tu lìa bỏ cả hai, sự nhàm tởm và không nhàm tởm của Như Lai, an trụ xả tâm, với chánh niệm chánh trí.[64]

“Như vậy, A-nan, nếu có người nào đối với năm trường hợp[65] này, tâm khéo điều phục, khéo đóng kín, khéo thủ hộ, khéo nhiếp trì, khéo tu tập, thì đó là ở nơi mắt và sắc mà tu tập căn vô thượng. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp cũng lại như vậy.

“Này A-nan, đó gọi là tu căn vô thượng trong pháp luật của Hiền thánh.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên và sắc, nhãn thức sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia cũng phải biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đấy là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm[66]. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay; cũng vậy, duyên mắt và sắc, nhãn thức sanh; sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, trong chốc lát như vậy đều diệt hết, đạt đến chỗ lìa bỏ nhàm tởm và không nhàm tởm, an trụ xả.’

“Cũng vậy duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức; cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, nhĩ thức nghe tiếng, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đấy là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Giống như người lực sĩ trong khoảnh khắc khảy móng tay ra tiếng liền mất; cũng vậy, duyên tai và tiếng, sanh nhĩ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận, đó là xả. Đạt được xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Đây là tịch diệt, đây là thắng diệu, tức là xả. Khi đã xả, lìa bỏ cả nhàm tởm và không nhàm tởm. Thí như hoa sen ở dưới nước không nhiễm bùn; cũng vậy, duyên mũi và mùi, sanh tỷ thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt hết. Có nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, cái đã sanh vừa ý, cái đã sanh không vừa ý, cái đã sanh vừa ý không vừa ý. Thánh đệ tử kia biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Có nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Như người lực sĩ nhổ hết vị ra không còn gì nữa; cũng vậy, duyên lưỡi và vị, sanh thiệt thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, xa lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên thân và thức, sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như viên sắt đốt thật nóng, rưới vào một giọt nước, giọt nước liền tiêu mất; cũng vậy, duyên thân và xúc sanh thân thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý; sanh rồi đều diệt tận. Đa văn Thánh đệ tử biết như thật như vầy: ‘Ta, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận, đó là tịch diệt, thắng diệu. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm. Thí như người lực sĩ chặt ngọn cây ta-la, cũng vậy, duyên ý và pháp sanh ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, sanh rồi đều diệt tận. Nghĩa là xả. Khi xả rồi, lìa nhàm tởm, không nhàm tởm.’

“Này A-nan, đó là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.

“Thế nào là vị hữu học thấy đạo[67] trong pháp luật Hiền thánh?”

Phật bảo A-nan:

“Duyên mắt và sắc sanh nhãn thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý và pháp làm duyên nhau sanh ra ý thức, sanh vừa ý, sanh không vừa ý, sanh vừa ý không vừa ý, đa văn Thánh đệ tử kia hổ thẹn, ghét tởm. Này A-nan, đó gọi là hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền thánh.

“Này A-nan, đó gọi là sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh.

“Ta đã nói về sự tu căn của Hiền thánh trong pháp luật của Hiền thánh; đã nói hữu học thấy đạo trong pháp luật Hiền thánh.

“Này A-nan, Ta vì các Thanh văn đã làm việc cần làm. Các ông cũng hãy làm những việc cần làm. Nói chi tiết như kinh Giỏ rắn độc.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].    Ví dụ về tiếng và bàn tay. Đại Chánh quyển 11, kinh 273. Pāli, S. 35. 92-93. Dvayaṃ.

[2].    Xem kinh 215.

[3].    Hán: ngữ số 語數, Pāli: vācāvatthuka.

[4].    Hán: Nhục hình 肉形, chỉ khối thịt.

[5].    Chỉ thuộc địa đại, thể rắn.

[6].    Thọ , tức chấp thọ đại chủng, chỉ loại vật chất hữu cơ. Xem Câu-xá 1 (Đại 29, 2c13).

[7].    Pāli, S. 22. 33. Natumhākaṃ; 35. 101-102. Natumhākaṃ; 35. 137-138. Palāsinā.

[8].    Pāli, A. 8. 9. Nanda; 9. 4. Nandaka.

[9].    Hán: Tùy hình hảo 隨形好. Pāli: anuvyañjana, dấu hiệu riêng biệt hay đặc biệt.

[10].   Nguyên Hán: Tăng bất luật nghi 增不律儀, Xem kinh 277. Pāli: asaṃvuttaṃ (asaṃvara).

[11].   Nguyên Hán: Sanh chư luật nghi 生諸律儀. Pāli: tassa saṃvarāya paṭipajjati.

[12].   Hán: Phòng hộ ư nhãn... căn, sanh chư luật nghi 防護於眼耳鼻舌身意根生諸律儀. Pāli: rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvara āpajjati: Thủ hộ nhãn căn, vị ấy thực hành sự phòng hộ nơi nhãn căn.

[13].   Đoạn này nói về sự phòng hộ căn môn hay căn luật nghi của Tỳ-kheo (indriya-saưvara), nhưng bản Hán rất tối khó dịch sát được.

[14].   Hán: Ư thực hệ số 於食繫數, ý nói, biết ước lượng việc ăn. Pāli: pṭisaṅkhā yoniso āhāraṃ āhārati, (Nan-đà) ăn thức ăn với sự tư duy (ước lượng) chính xác. Pāli: paṭisaṅkhā: tư trạch hay tư khảo, bản Hán hiểu là con số (do saṅkhā: con số).

[15].   Hán: Thành kỳ sùng thượng cố, 成其崇向故. Có lẽ Pāli: yātrā ca me bhavissati anavajjatā và ở đây ta sẽ không có lỗi lầm (sẽ không trở thành hèn kém).

[16].   Hán: Vô văn độc trú 無聞獨住. Bản Cao-ly chép vô văn, Tống-Nguyên-Minh chép vô vấn 無問.

[17].   Pāli: āvaraṇīyehi dhammehi cittaṃ parisodheti, tẩy sạch tâm khỏi những pháp che lấp.

[18].   Thắng niệm chánh tri 勝念正知. Pāli: satisampajañña, chánh niệm tỉnh giác.

[19].   Giác . Pāli: vitakka, tầm, suy tầm.

[20].   Pāli, M.146. Nandakovāda-sutta.

[21].   Ma-ha Ba-xà-ba-đề 摩訶波闍波提. Pāli: Mahā-pajapatī.

[22].   Thị, giáo, chiếu, hỷ, 示教照. Xem cht.33 kinh 107.

[23].   Hán: học kiến tích, 學見跡. Xem cht. 38, kinh 109.

[24].   Tức Tu-đà-hoàn.

[25].   Pāli, S. 35. 97. Pamādavihārī.

[26].   Luật nghi, bất luật nghi 律儀, 不律儀. Pāli: saṃvara, asaṃvara, phòng hộ và không phòng hộ.

[27].   Pāli: cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ, nhãn căn không được nhiếp hộ (phòng hộ).

[28].   Pāli: dukkhino cittaṃ na samādhiyati, vì khổ nên tâm không được tập trung (không thể nhập định).

[29].   Pāli: cakkhundriyaṃ saṃvuttassa, bhikkhave, viharato cittaṃ na vyāsiñcati cakkhuviññeyyesu rūpesu, an trú với sự nhiếp hộ nhãn căn, tâm không bị đọa lạc (mhiễm ô) trong các sắc được nhận thức bởi mắt.

[30].   Pāli, S. 35. 96. Parihānaṃ.

[31].   Thoái, bất thoái, lục xúc nhập xứ 退,不退法,六觸入處. Đoạn dưới, nói là thắng nhập xứ. Pāli: parihānadhammañca vo, bhikkhave, dessāmi aparihānadhammañca cha ca abhibhāyatanāni, Ta sẽ nói pháp thoái chuyển, pháp không thoái chuyển và sáu thắng xứ.

[32].   Dục giác 欲覺. Pāli: cakkhunā rūpaṃ disvā uppajjanti pāpakā akusalā sarasaṅkappā saṃyojaniyā, khi nhận thức sắc bởi mắt, các hoài niệm và ước vọng bất thiện, dẫn đến hệ lụy sanh khởi.

[33].   Pāli: parihayāmi kusalehi dhammehi, ta đã thụt lùi khỏi các pháp lành.

[34].   Xem cht.31 trên.

[35].   Thắng bỉ nhập xứ 勝彼入處 môi trường (xứ) này đã bị chiến thắng (chinh phục).

[36].   Pāli, S. 35. 94. Saṅgayha.

[37].   Pāli: chayime bhikkhave phassāyatanā adantā aguttā arakkhitā asaṃvuttā, sáu xúc xứ này không được chế ngự, không được canh gác, không được phòng vệ, không được nhiếp hộ.

[38]. Bất luật nghi chấp thọ trú 不律儀執受住. Quốc Dịch đưa từ trú xuống câu dưới. Đây theo văn Pāli đưa lên câu trên. Pāli: cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ, sống với nhãn căn không được phòng hộ (bất luật nghi).

[39].   Đoạn văn Hán này có nhiều chỗ tối nghĩa, cần tham chiếu thêm Pāli (D. ii. Sāmaññaphala-sutta): yatvādhikaraṇanaṃ eṇaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvuttaṃ viharantaṃ abhijjhā-domanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ, tassa saṃvarāya paṭipajjati, do nguyên nhân nào mà nhân căn không được an trụ phòng ngự (Hán: bất luật nghi) để cho tham và ưu, các pháp ác bất thiện tuôn chảy vào, vị ấy tu tập để phòng ngự nguyên nhân ấy.

[40].   Pāli, M. 150. Nagaravindeyya-sutta.

[41].   Thân-thứ lâm 申恕林; rừng cây siṃsapa. Bản Pāli: nagaravindaṃ nāma kosalānaṃ brāmhmaṇānaṃ gāmo tad avasi, tạm trú tại một làng Nagaravinda, một ngôi làng Bà-la-môn của người Kosala.

[42].   Tần-đầu thành 頭城. Pāli: Nagaravinda.

[43].   Đạo sĩ búi tóc. Pāli: Sikha-Moggallāna.

[44]. Hán: Oanh phát Mục-kiền-liên 髪目. Pāli: Sikha-Moggallāna.

[45].   Giá-la-ca 遮羅迦. Pāli: caraka, chỉ du sĩ lang thang.

[46].   Vị tằng giảng đường, 未曾講堂. Xem kinh 975 ở sau.

[47].   Tức hỏi “Vì mục đích gì”.

[48].   Minh , chỉ ba minh. Giải thoát , chỉ tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

[49].   Tức phòng hộ sáu căn môn.

[50].   Chỉ đồng phạm hạnh, tức bạn đồng tu.

[51].   Phương tiện, ở đây hiểu là tinh cần nỗ lực.

[52].   Ỷ tức giác phần 猗息覺分 , cũng nói là khinh an giác chi.

[53].   Tức được định tĩnh.

[54].   Hành xả 行捨 , tức xả đối với các hành; chỉ trạng thái quân bình (xả) đối với mọi hiện tượng sanh diệt của các hành.

[55].   Sống xa lánh, ẩn mình nơi thanh vắng.

[56].   Nỗ lực xả bỏ trạng thái thấp để đạt trang thái cao hơn. Hán: y diệt xả 依滅捨, xem kinh 741: y diệt hướng xả 依滅向捨

[57].   Nguyên Hán: dĩ đắc 已得.

[58].   Tu tập các căn. Pāli, M. 152. Indriyabhāvanā-sutta.

[59].   Ca-vi-già-la Mâu-chân-lân-đà 迦微伽羅牟真鄰陀. Pāli: Kajaṅgala Mukkheluvana.

[60].   Niên thiếu Uất-đa-la 年少名鬱多羅. Pāli Uttara māṇva.

[61].   Ba-la-xa-na 羅奢那. Pāli: Pārāsariya.

[62].   Pāli: cakkhunā rūpaṃ na passati; sotena saddaṃ na suṇāti, không thấy sắc bằng mắt, không nghe tiếng bằng tai.

[63].   Vô thượng tu căn 無上修根. Pāli: ariyassa vinaye anuttarā indriyabhāvanā.

[64].   Đoạn kinh này, chi tiết có khác với bản Pāli. Xem thêm cht. dưới.

[65].   Ngũ cú 五句, Ấn Thuận Hội Biên, dẫn Du-già Sư Địa Luận, gọi đây là ngũ chuyển vô thượng tu căn, theo đó là năm phẩm bậc tu căn của đệ tử mà Như Lai vừa ý hoặc không vừa ý.

[66].   Pāli: taṃ uppannam manāpaṃ uppannaṃ amanāpam uppanaṃ manāpāmanāpam nirujjhati, upekkhā saṇṭhāti, cái đã khởi lên ấy khả ý, không khả ý, hay vừa khả ý vừa không khả ý, thảy đều diệt, xả tồn tại.

[67].   Trong bản: giác kiến tích 覺見跡. Sửa lại là học kiến tích 學見 , chỉ vị hữu học bắt đầu thấy Thánh đế.

 

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


[Thư mục BuddhaSasana]

last upated: 24-02-2004