Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Chánh Pháp và Hạnh Phúc

Hòa thượng Thích Minh Châu


3. GIỚI, ĐỊNH, TUỆ CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC
CHẤM DỨT
ĐAU KHỔ SANH TỬ LUÂN HỒI

Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một hệ thống giáo dục, đã được xây dựng cách đây hơn 2000 năm, vẫn được truyền tụng và hành trì cho đến ngày nay. Đối tượng của hệ thống giáo dục này là các Tăng Ni đã thọ đại giới, sống không gia đình, với tâm nguyện thoát ly sanh tử luân hồi.

Theo đạo Phật, có sanh là có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nên muốn diệt trừ đau khổ, cần phải đoạn tận sanh y (upadhi) tức là đoạn tận những gì có khả năng đưa đến một đời sống khác. Do vậy người tu hành sẽ phải sống như thế nào để đoạn tận năm hạ phần kiết sử: thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, sân hận; cùng với năm thượng phần kiết sử: sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo hối và vô minh.

Như vậy pháp môn "Ba vô lậu học" là một chương trình giáo dục, một hệ thống tu học cho hàng xuất gia, đã được đức Phật truyền dạy trong nhiều kinh điễn.

Thứ nhất là Giới học: Tức là sống biết hổ thẹn, biết sợ hãi những điều ác mình làm, sống như thế nào không để cho sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu chi phối tâm của mình, sống như thế nào cho thân hành, khẩu hành, ý hành, mạng sống được thanh tịnh để trợ duyên cho hành giả sống đời sống thanh tịnh trong sáng. Tiếp đến, vị Tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, “như ly giác sát thọ thực, không phải để vui dùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ cốt để thân này được bảo dưỡng, được duy trì, để chấp trì Phạm hạnh, diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”.

Bước thêm bước nữa, vị Tỳ kheo chú tâm tỉnh giác. Ban ngày, ban đêm trừ canh giữa dành để nghỉ, vị hành giả đi hành Thiền hay ngồi Thiền, gột sạch tâm khỏi các chướng ngại pháp. Ngoài ra, đi, đứng, nằm, ngồi, phàm có hành động gì, vị hành giả chánh niệm tỉnh giác, biết rõ mọi việc mình đang làm. Như vậy, chính hành động này tác thành giới học, giúp hành giả chế ngự các căn, con người được tự tại, để bước qua giai đoạn thứ hai tức là Định học.

Mục đích của Định học trước hết là loại trừ năm triền cái, làm ô uế tâm, làm chướng ngại trí tuệ, tức là tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo hối và nghi. Loại trừ năm triền cái được ví như bị nợ trả được nợ cũ; bị đau ốm được lành bệnh, bị tù tội được thoát ly; bị nô lệ được giải thoát, đi qua sa mạc nguy hiểm đến được đầu làng an ổn. Người hành giả dùng năm Thiền chi, dùng tầm đối trị vởi hôn trầm thụy miên, dùng tứ đối trị với nghi, dùng hỷ đối trị với sân, dùng lạc đối trị với trạo hối, dùng nhất tâm đối trị với tham dục.

Không những vị hành giả hưởng được an lạc hạnh phúc trong khi loại trừ năm triền cái, vị hành giả còn hưởng được hỷ lạc do ly dục sanh của sơ Thiền, hưởng được hỷ lạc do định sanh của Thiền thứ hai, hưởng được xả niệm lạc trú của Thiền thứ ba, và hưởng được xả niệm thanh tịnh của Thiền thứ tư. Các loại hỷ lạc của bốn Thiền này thấm nhuần tẩm ướt thân này không một chỗ nào trên toàn thân không do hỷ lạc ấy thấm nhuần. Đức Phật dùng bốn ví dụ để diễn tả hỷ lạc do Thiền sanh đã thấm nhuần toàn thân như thế nào. Như một cục bột tắm được thấm nhuần tẩm ướt với nước, trào trộn với nước nhưng không chảy thành giọt. Như một hồ nước không có lỗ nước chảy ra, nước từ trong phun ra, trời lại đổ mưa tầm tã, như vậy toàn bộ được nước của hồ nước ấy thấm nhuần. Hay ví dụ có hoa sen xanh, sen đỏ, sen trắng, sanh từ đáy hồ, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước. Các hoa sen ấy không có một chỗ nào trên toàn thân không bị nước hồ ầy thấm nhuần. Ví như một người ngồi, lấy tấm vải trắng rộng trùm đầu và tay chân, không để cho một chỗ nào trên toàn thân không bị tấm vải trắng ấy bao trùm. Chúng ta nhận thấy nói đến Thiền định là nói đến thần thông phép lạ, trong khi Thiền được Thế Tôn giải thích như một trạng thái hỷ lạc thấm nhuần toàn thân, khiến con người được hiện tại lạc trú, rồi từ nơi hiện tại lạc trú mới đi đến nhất tâm Thiền định.

"Với tâm định tĩnh thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả hướng đến Túc mạng minh, trí tuệ về quá khứ; Thiên nhãn minh, trí tuệ về tương lai; và lậu tận minh, trí tuệ về hiện tại. Vị ấy nhớ đến một đời, nhiều đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ, tại chỗ kia, "ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra tại đây”.

Như vậy, vị hành giả nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử các chúng sinh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống và sự chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sinh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.

"Những chúng sinh làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, cõi trời, trên đời này.

"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là Khổ", biết như thật "đây là Nguyên nhân của Khổ", biết như thật "đây là Khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến Khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc", biết như thật "đây là nguyên nhân các lậu hoặc", biết như thật "đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.

"Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát", vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa".

Như vậy, nhờ chín pháp thuộc "Giới học", vị hành giả xây dựng một nền tảng đạo đức vững chắc trong sáng, nhờ loại trừ năm triền cái, thực hiện năm Thiền chi, vị ấy chứng đắc bốn Thiền thuộc “Định học”, nhờ phát triển Túc mạng trí, Thiên nhãn trí, Lậu tận trí thuộc "Tuệ học". Vị hành giả cuối cùng loại bỏ sanh y, diệt tận các lậu hoặc, đạt được giải thoát Niết Bàn.

Khi các vị ấy đạt được mục tiêu giải thoát các vị ấy được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát.

Để kết luận, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét như sau:

1. Tu hành có thể xem là đồng nghĩa với giáo dục. Vì tu hành có mục đích loại trừ các ác bất thiện pháp và thay thế với các thiện pháp, như tu Thiền là loại trừ năm triền cái: tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi, và thay thế bằng năm Thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.

2. Như vậy kho tàng kinh điển đạo Phật là cả một kho tàng quý báu, giáo dục con người loại trừ đau khổ, sống được an vui.

3. Mục đích của đạo Phật không những loại trừ đau khổ hiện tại mà còn loại trừ sanh tử luân hồi, chấm dứt sanh y (upadhi) không còn trở lui một đời sống khác nữa.

4. Đối tượng của pháp môn Giới, Định, Tuệ là các hàng đệ tử xuất gia của đức Phật, các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, các vị Sa-di, Sa-di ni và gần chúng ta hơn là các Tăng, Ni sinh Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Trường Cơ bản Phật học. Những vị ấy hiện đang được tu tập, được huấn luyện theo pháp môn Giới, Định, Tuệ.

5. Đánh giá đúng mức sự áp dụng pháp môn Giới, Định, Tuệ trong nếp sống hiện tại của Tăng, Ni sinh là đánh giá được giá trị giáo dục của đạo Phật.


4. CHÁNH PHÁP VÀ HẠNH PHÚC

Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của di sản đạo đức và văn hóa quý báu của dân tộc.

Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, từ khi du nhập vào nước ta đến nay, trải qua bao bước thăng trầm lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn luôn sát cánh với dân tộc, hòa nhập vào dân tộc ta như nước với sữa, đúng theo mấy câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh:

"Trang sử Phật
Đồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy mà chẳng mất"
.

Trong mấy ngàn năm đạo Phật tồn tại ở Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo Trung Hoa, nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình, chính là nhờ khéo thích ứng với hoàn cảnh lịch sử địa lý và văn hóa của dân tộc, biến thành một cái gì gần gũi nhất, thân thương nhất của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của đất nước chúng ta, mà một nhà thơ đã ca ngợi.

"Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nêp sống muôn đời của tổ tông”.

Rất đẹp hình ảnh hồn dân tộc, nếp sống truyền thống của tổ tiên ta được che chở bởi ngôi chùa, bởi đạo Phật ở nông thôn. Nếp sống và nhịp sống của bà con nông dân từ một thời rất xa xưa đã quyện chặt với nếp sống của nhà chùa, của Phật giáo. Và chất siêu tục, toát lên từ nếp sống đó, hẳn đã giúp cho người dân Việt Nam, khi cần, có thể vượt lên trên những cái tầm thường của đời sống thế tục, như cái danh, cái lợi v.v... hướng tới những giá trị tâm linh cao cả, mà nếu không có chúng thì đời sống con người sẽ trở thành vô nghĩa.

Có thể nói, một trong những đặc sắc rất tốt đẹp của đạo Phật là khả năng thích ứng của một tôn giáo cởi mở, không hẹp hòi, không giáo điều cứng nhắc, tôn giáo của trí tuệ và của tình thương, một tôn giáo thực sự nhân bản, thực sự của con người.

Khi đức Phật tuyên bố: "Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự dứt khổ" (Trung Bộ I, 190). Lời tuyên bố xác nhận tất cả lời dạy của Ngài đều hướng đến mục đích duy nhất của Ngài là cứu khổ độ sanh. Đức Phật lại khuyên các đệ tử xuất gia của Ngài: "Hãy du hành vì hạnh phúc của quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người" (Tương ưng I, 128).

Như vậy, đại nguyện của đức Phật là làm vơi nổi thống khổ của chúng sinh, đem lại hạnh phúc cho mọi loài mọi người. Với trí tuệ, siêu nhiên, với thiên nhãn, thấu suốt sự việc quá khứ, hiện tại, vị lai, Ngài quán triệt bất hạnh và hạnh phúc của con người tùy thuộc vào hành động thiện ác của con người. Ngài tuyên bố: "Ta đã thấy các chúng sinh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối. Sau khi thân hoại mạng chung, chúng bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục (Kinh Thuyết Như Vậy, số 71)”. Ngài lại tuyên bố thêm: "Ta đã thấy, này các Tỳ kheo, các chúng sinh thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này (Kinh Phật Thuyết Như Vậy số 72)". Một lời dạy tiếp liên hệ giữa đạo đức và hạnh phúc cho người và cho chính mình: "Thành tựu năm pháp Tỳ kheo đem lại hạnh phúc cho mình, và hạnh phúc cho người. Thế nào là năm? Vị Tỳ kheo tự mình đầy đủ giới hạnh và khuyến khích người khác đầy đủ giới hạnh, tự mình đầy đủ Thiền định và khuyến khích người khác đầy đủ Thiền định, tự mình đầy đủ trí tuệ và khuyến khích người khác đầy đủ trí tuệ, tự mình đầy đủ giải thoát và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát, tự mình đầy dủ giải thoát tri kiến và khuyến khích người khác đầy đủ giải thoát tri kiến. Đầy đủ năm pháp này, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đem lại hạnh phúc cho mình và cho người (Tăng Chi II, 20)”. Đối với đức Phật, một đời sống có đạo đức là một đời sống có hạnh phúc, một đời sống có hạnh phúc là một đời sống có đạo đức.

Nếp sống mà đức Phật giới thiệu cho chúng ta không phải là cuộc sống phóng dật, buông thả, chạy theo dục lạc thấp hèn, cũng không phải là cuộc sống ép xác, khổ hạnh một cách vô ý thức. Đức Phật dạy chúng ta theo một nếp sống trung đạo, không ham mê dục lạc, không ép xác khổ hạnh. Đối với Phật tử tại gia, đức Phật giới thiệu một nếp sống theo năm giới và mười điều thiện. Sống theo năm giới, mười điều thiện là sống an lạc và hạnh phúc.

Sống theo năm giới, mười điều thiện là sống có ích, có cống hiến thật sự về nhiều mặt cho bản thân, gia đình và xã hội.

Theo đạo Phật, sống theo năm giới, mười thiện còn là điều kiện cơ bản để được sống xứng đáng như con người, và sau khi chết sẽ được tái sinh làm người hoặc làm loài Trời.

Đức Phật khuyên các Phật tử tại gia nên sống giữ năm giới, làm mười điều thiện để: “Ngay trong hiện tại không khởi tâm khổ, tâm ưu, trong khi lâm chung tâm không rối loạn, và sau khi mạng chung, được sanh thiện thú, thiên giới". Kinh Hiền Ngu (Trung Bộ III, số 129) nêu rõ: "Một người dùng ác tư duy, nói lời ác ngữ, hành ác hạnh, ngay trong hiện tại, cảm thọ ba loại khổ ưu; thấy người ta hội họp bàn tán, sợ rằng họ đang bàn tán phê bình ác nghiệp của mình. Thấy có kẻ bị gia hình vì tội phạm, hoảng hốt lo sợ sắp đến phiên mình bị gia hình vì những tội lỗi của chính mình. Người làm điều ác luôn luôn bị tội ác của mình ám ảnh theo dõi đè nặng trên lương tâm của mình, như khi vào buổi chiều, bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất”.

Kinh Đại Niết Bàn số 16 Trường Bộ nói lên năm điều nguy hiểm của người gia chủ nếu phạm giới, sống trái giới luật. Một là sẽ bị tiêu hao tiền bạc rất nhiều vì phóng dật. Hai là bị tiếng dữ đồn xa. Ba là đi vào hội chúng nào, đi vào với tâm thần bối rối. Bốn là khi mạng chung sẽ bị chết với tâm rối loạn. Năm là sau khi mạng chung sẽ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Trái lại, người giữ giới có được năm sự lợi ích. Một là sự có tiền của dồi dào vì sống không phóng dật. Hai là tiếng tốt đồn xa. Ba là đi vào hội chúng nào, tâm thần không có sợ hãi, không có bối rối, bốn là khi mạng chung, chết với tâm không rối loạn. Năm là sau khi mạng chưng sẽ sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Đức Phật răn dạy chúng ta như sau: “Này các Tỳ kheo, trong cõi Diêm Phù Đề này, số ít là các khu vườn khả ái, các khu rừng khả ái, các vùng đất khả ái, các hồ ao khả ái. Nhưng nhiều hơn là các chỗ đất cao đất thấp, các con sông khó lội qua, các khu vực rậm rạp gai góc, các núi non lởm chởm. Cũng vậy này các Tỳ kheo, số ít là các chúng sinh sau khi chết từ loài Người được tái sinh lại trong loài Người, còn nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ loài Người bị tái sinh ở địa ngục, ở các loài bàng sinh, ở cõi ngạ quỷ" (Tăng Chi I, 47 - Tương ưng V - 406).

Tại sao vậy? Chúng ta tự hỏi. Chúng ta chỉ cần nhìn hiện trạng của thế giới một cách vô tư, chân thực và khiêm tốn sẽ rõ, số ít là người sống theo năm giới, mười điều thiện. Số nhiều là những người không sống theo năm giới, mười điều thiện. Số nhiều là những người làm các điều ác và bất thiện. Số nhiều là những người sát sanh và khuyến khích sát sanh, thích thú sát sanh. Ở khắp các nước, chiến tranh đẫm máu kéo dài, dù là cục bộ. Số nhiều là những người làm giàu bất chính, giàu lên nhờ buôn bán gian lận, buôn lậu, buôn hàng giả, nhờ tham ô, tham nhũng v.v... Số nhiều là những người sống tà hạnh, tà dục. Chỉ vì cuộc sống tình dục không hạn chế, và theo quy luật bù trừ của thiên nhiên, gần đây xảy ra tai họa bệnh sida mà chưa có phương thuốc nào của y học hiện đại chữa trị được. Số nhiều là người nói dối, nói lời chia rẽ, độc ác, nói lời phù phiếm. Chỉ bằng lời nói người ta có thể giết không phải là một mạng người mà là hàng vạn mạng người một lúc. ấy thế mà có người vẫn cho rằng: lời nói bay đi, khẩu thuyết vô bằng? Cuối cùng, số nhiều là người uống rượu, nghiện thuốc, thích chất say. Không chỉ say rượu, say thuốc mà còn say cả danh lợi, say nữ sắc, say quyền lực...

Con người sống ở đời, làm đủ mọi điều ác mà lòng vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, là bởi vì họ không được nghe lời Phật dạy. Đấy thật là điều bất hạnh. Sau khi chết, họ sẽ phải tái sanh vào những cõi khổ, sẽ phải chịu đựng nhũng nỗi khổ mà ở cương vị làm người họ không thể nào ý thức được, tưởng tượng được.

Kinh Phật cho biết, có ba cõi sống khổ mà những người không sống theo năm giới, làm điều ác và bất thiện, sau khi chết sẽ bị đọa và chịu đựng những nỗi khổ triền miên. Đây là cõi địa ngục, cõi súc sanh và cõi qủy đói.

Trong ba cõi sống khổ đó, chỉ có cõi súc sanh, là ở trong tầm mắt thấy của chúng ta mà thôi.

Ca dao Việt Nam có câu :

"Làm thân trâu ngựa, xin đền kiếp sau"

Thấy con trâu kéo cày, con ngựa kéo xe, chúng ta đã thấy khổ. Nhưng con gà, con lợn khổ hơn, vì số phận của chúng là sẽ bị người ta giết ăn thịt. Con dòi, con bọ chui rúc ở các ổ rác, ổ phân chắc chắn còn sống khổ hơn nhiều. Nhưng ở hai cõi địa ngục và qủy đói, những nỗi khổ còn lớn hơn gấp ngàn vạn lần. Chúng ta, người trần mắt thịt không thấy được cảnh địa ngục, nhưng đức Phật với con mắt Phật thấy rất rõ thế nào là cảnh giới địa ngục và đức Phật đã từng kể về nỗi khổ ở địa ngục trong kinh Hiền Ngu :

"Đức Phật dạy :

"– Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về địa ngục, phải nói rằng địa ngục không hoàn toàn tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý.Về vấn đề này, này các Tỳ kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ ở địa ngục.

"– Khi nghe nói như vậy, một Tỳ kheo bạch Thế Tôn:

"– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho con một ví dụ được không?

"Thế Tôn đáp:

"– Có thể được, này Tỳ kheo. Ví như Tỳ kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, và dẫn nó đến trước mặt vua và thưa: "Tâu Đại vương, đây là một tên cướp phạm tội. Hãy hình phạt nó như Đại vương muốn”. Vua nói: “Này các Người hãy đi, và vào buổi sáng, hãy đâm người này với 100 ngọn giáo", và vào buổi sáng, họ đâm người này với 100 ngọn giáo. Đến trưa, vua hỏi như sau: “Này các Người, người ấy ra sao?"–"Tâu Đại vương, nó vẫn còn sống". Vua nói: "Này các Người hãy đi, và vào buổi trưa, hãy đâm người này với 100 ngọn giáo". Đến chiều, vua lại hỏi: “Này các Người, người ấy ra sao?"–"Tâu Đại vương, nó vẫn còn sống". Vua lại nói: "Này các Người, vào buổi chiều, hãy đâm nó với 100 ngọn giáo nữa”.

"Này các Tỳ kheo, các Người nghĩ thế nào? Người ấy bị đâm 300 ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ ưu khổ không?

"– Bạch Thế Tôn, chỉ bị ngọn giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy đã cảm thấy khổ ưu, còn nói gì đến 300 ngọn giáo.

"Rồi Thế Tôn lượm một hòn đá, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỳ kheo:

"– Này các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn, hòn đá này to bằng bàn tay do Ta lượm lên, hay là núi Tuyết Sơn vua các loại núi?"

"– Thực là quá nhỏ, bạch Thế Tôn, hòn đá này bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên, so sánh với núi Tuyết Sơn, vua các loại núi, thực không đáng kể gì, không bằng một ngàn vạn lần, không thể so sánh được”.

"– Cũng vậy, này các Tỳ kheo, người ấy bị đâm 300 ngọn giáo, do đó cảm thấy khổ ưu. Nhưng khổ ưu ấy so với khổ ưu ở địa ngục, không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được”.

Đức Phật, vị Bổn Sư của chúng ta bao giờ cũng nói lên lời chân thực, lời có ích. Ngài là bậc Đại trí tuệ, là bậc Đại từ bi. Chính vì lòng thương tường đối với, đối với chúng ta mà Ngài mô tả cảnh địa ngục, là nơi có những cảnh khổ cực vô cùng đang chờ đợi những kẻ không sống theo năm giới, làm nhiều điều ác và bất thiện ở đời này.

Chúng ta là đệ tử Phật, là con Phật, chúng ta hãy tin tưởng ở lời răn dạy của Ngài, chúng ta hãy nguyện sống thiện, sống lành, sống theo năm giới, mười điều thiện, thì hạnh phúc đến với chúng ta hiện tiền, ngay trong đời này, và hạnh phúc hằng trăm ngàn lần tốt đẹp hơn sẽ chờ đợi chúng ta ở các cõi sống về sau.

Lợi ích thiết thực và hiện tại của nếp sống Phật giáo là đảm bảo cho chúng ta một tâm hồn trong sáng và thanh thản, là điều kiện tiên quyết của mọi sự hưởng thụ đích thực, kể cả hưởng thụ những niềm vui thế tục.

Trong nhân gian có câu: "ăn thịt bò lo ngay ngáy, ăn cua cáy ngáy kho kho”. Ăn thịt bò mà tâm có lo âu vì những điều bất thiện, điều ác mình đã làm, thì làm sao hưởng được hương vị thơm ngon của thịt bò, thậm chí ăn chẳng buồn ăn, ngủ không buồn ngủ, vì người không giữ giới, luôn ở trong tâm trạng lo âu.

Đối với đạo Phật, sống đạo đức, giữ tâm hồn trong sáng và thanh thản, đó là bí quyết của hạnh phúc và an lạc.

Đạo Phật thực ra không phải chống sự làm giàu, khi thuyết pháp cho ông Cấp Cô Độc là vị nam thí chủ lớn nhất đối với Tăng chúng trong thời đức Phật tại thế, đức Phật có nói tới cái vui của người có tiền của, giàu có nhờ lao động chính đáng, lương thiện, cái vui của người có tiền của và biết dùng tiền của đó để làm điều thiện, cái vui của người không có nợ nần và cuối cùng là cái vui của người sống thiện, không bị lương tâm khiển trách. Và trong bốn cái vui nói trên, đức Phật khẳng định cái vui của người sống thiện, không bị lương tâm khiển trách là cái vui lớn hơn cả. Vì sao? Vì rằng chỉ có người sống thiện, không bị lương tâm khiển trách mới có được cái tâm thanh thản để hưởng thụ mọi niềm vui khác, vật chất cũng như tinh thần.

Chính vì lẽ đó, mà vua Trần Nhân Tông trong bài "Cư Trần Lạc Đạo Phú, đã nói rằng: Đối với người sống đạo đức thì dù sống trong nửa gian lều cũng không khác gì sống trên lâu đài ở cõi Trời v.v...

"Nhược chỉ vui bề đạo đức, nửa gian lều quý như Thiên cung,
Dù hay mến thửa nhân nghì, ba thiên ngói yêu hơn lâu các"
(Cư Trần Lạc
Đạo Phú)

Có người hỏi: "Có kinh nào trong đó đức Phật răn dạy cụ thể về quả báo chờ đợi những người không sống theo năm giới?” Xin trả lời: “Có”. Đó là đoạn kinh trong Tăng Chi III, trang 95:

"Này các Tỳ kheo, sát sanh được thực hiện, tạo thành thói quen làm cho đầy đủ sẽ đưa tới địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, dưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn" .

"Này các Tỳ kheo, lấy của không cho được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của lấy của không cho là được làm người với tài sản bị tổn hại".

"Này các Tỳ kheo, tà hạnh trong các dục được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến các loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhỏ của tà hạnh trong các dục là được làm người với sự oán thù của kẻ địch”.

"Này các Tỳ kheo, nói dối được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói dối là được làm người nhưng thường bị vu cáo không đúng sự thực”.

"Này các Tỳ kheo, nói hai lưỡi được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói hai lưỡi là được làm người nhưng mất hết bạn bè".

"Này các Tỳ kheo, nói lời ác được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ nhàng của lời nói ác là được làm người, nhưng phải nghe những lời ác độc, không thích ý”.

"Này các Tỳ kheo, nói lời phù phiếm được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của nói lời phù phiếm là được làm người nhưng phải nghe những lời khó chấp nhận".

"Này các Tỳ kheo, uống rượu men, rượu nấu được thực hiện, tạo thành thói quen, làm cho đầy đủ sẽ đưa đến địa ngục, đưa đến loài bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của uống rượu men, rượu nấu là được làm người với tâm điên loạn". (Tăng Chi III, Kinh “Rất Là Nhẹ")

Sống theo năm giới, nếu tội nặng, thí dụ phá giới liên tục ngày này qua ngày khác, tâm không chút ân hận, thì sau khi chết phải đọa xuống các cõi ác như địa ngục, bàng sanh và ngạ quỷ. Nhưng nếu tội nhẹ, cũng được sanh lại làm người, nhưng vẫn phải sống rất khổ. Với con mắt trí tuệ, con mắt Phật, đức Phật thấy rõ như vậy, cho nên giảng bài kinh trên để răn dạy chúng ta. Chúng ta, những người con Phật, chúng ta hãy tin ở lời Phật dạy và sống theo đúng năm giới, mười điều thiện.

Để kết thúc, tôi xin phép nhắc lại một lần nửa nội dung của năm giới, kèm theo một vài giải thích giản đơn, để mọi người, mọi lứa tuổi, bất cứ làm nghề nghiệp gì cũng có thể hiểu và thực hành được:

Thứ nhất: Chớ có giết và chớ có chấp nhận giết hại. Làm hết sức mình để bảo vệ sự sống, chớ có làm những nghề nghiệp có hại cho người khác và thiên nhiên. Hãy gắng hết sức mình để nâng cao chất lượng sống của mình và mọi người. Hãy đừng tiếc sức mình để bảo vệ nền Hòa bình thế giới và Hòa bình khu vực.

Thứ hai: Đừng có lấy của không cho, đừng có trộm cắp. Hãy biết tôn trọng tài sản của người khác. Chớ có làm giàu bằng sự đau khổ của người khác; bằng sự đau khổ, sự tiêu diệt những chúng sinh khác. Hãy bố thí với lòng từ.

Thứ ba: Chớ có tà dâm, tà hạnh. Chớ có làm tan nát gia đình của người khác cũng như của gia đình mình. Hãy tôn trọng người phụ nữ và luôn luôn ứng xử tử tế, tế nhị đối với họ .

Thứ tư: Không được nói dối, chỉ nói những lời chân thực. Nếu là một sự thực không nên nói, thì thà giữ im lặng còn hơn. Dù là sự thực, cũng phải nói với lời lẽ hiền hòa và nói đúng lúc, đúng chỗ. Không được nói chia rẽ, gây mất đoàn kết. Luôn luôn nói lời hòa hợp. Không được nói lời ác độc, khó nghe và làm khổ tâm người khác Luôn luôn nói lời dịu hiền, dù là trong khi phê bình. Nói đúng thời, đúng nơi, nói vì sự thực, vì lợi ích của đạo và của chúng sinh, chứ không phải nói vì lợi ích của cá nhân mình.

Thứ năm: Chớ có dùng rượu hay bất cứ chất say nào khác. Rượu cũng như mọi chất say, chất ma túy, đều rất có hại, có hại về lâu về dài đối với cơ thể chúng ta, hệ thần kinh chúng ta. Cơ thể người là một tổ chức huyền diệu, là sản phẩm của nhiều thế hệ để lại cho chúng ta, hủy hoại cơ thể đó bằng rượu và chất ma túy khác, tức là phản bội lại các thế hệ tiền bối của chúng ta, phản lại cha mẹ, ông bà chúng ta.

Với nếp sống theo năm giới, mười điều thiện, chúng ta sống hạnh phúc và an lạc trong đời này, chúng ta sống có ích lợi tối đa cho bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta sống thực sự xứng đáng là con người, và rồi đây, sau khi chết đi, chúng ta nhất định sẽ tái sanh làm Người, hay là làm loài Trời.

Đó là thông điệp Chánh Pháp và Hạnh Phúc mà chúng tôi muốn giới thiệu.


5. HỘI CHÚNG TỲ KHEO TRONG THỜI ĐỨC PHẬT CÒN TẠI THẾ

Trong kinh "Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra" số 118, Kinh Trung Bộ, đức Phật dạy cho chúng ta rõ sự sinh hoạt giữa Thế Tôn và các đệ tử của Ngài, và nhờ đó chúng ta hình dung được nếp sống của chư Tăng Tỳ kheo và những bài thuyết pháp do Thế Tôn giảng dạy.

Kinh "Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra" kể rằng:

"Thời ấy đức Phật sống ở Xá-vệ tại Đông Viên Lộc Mẫu giảng đường cùng với một số Thượng tọa thời danh như ngài Xá Lợi Phất, Tôn giả Mục Kiền Liên, Ma-ha Ca-chiên-diên, Đại Câu-hy-la, Đại Kiếp-tân-na, Tôn giả Thuần-đà, Tôn giả A-na-luật-đà, Tôn giả Ly-bà-đa, Tôn giả A-nan-đà; cùng nhiều bậc Thượng tọa có thời danh khác. Lúc bấy giờ một số Thượng tọa Tỳ kheo giảng dạy 10 tân Tỳ kheo. Một số Thượng tọa Tỳ kheo khuyến giáo giảng dạy cho 20 tân Tỳ kheo, cho 30, 40... và các tân Tỳ kheo được các Thượng tọa Tỳ kheo khuyến giáo, giảng dạy, ý thức rõ ràng những quả vị cao diệu, tiệm thứ, thù thắng đã chứng đạt được.

"Lúc bấy giờ Thế Tôn vào ngày Bố-tát ngày rằm, vào đêm trăng tròn sau ngày tự tứ đang ngồi ngoài trời với chúng Tỳ kheo đoanh vây.

"Thế Tôn nhìn trong chúng Tỳ kheo đang yên lặng, đang hết sức yên lặng rồi bảo các Tỳ kheo: "Ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo với đạo lộ này tâm ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo với đạo lộ này. Do vậy, này các Tỳ kheo hãy tinh tấn hơn nữa để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây tại Xá vệ cho đến tháng tư lễ Komudi”. Những Tỳ kheo địa phương được nghe Thế Tôn sẽ ở đây, tại Xá-vệ cho dến tháng tư Komudi. Các Tỳ kheo tụ họp tại Savatthi, để yết kiến Thế Tôn. Và các Thượng tọa Tỳ kheo lại càng khuyến giáo giảng dạy tân học Tỳ kheo nhiều hơn nữa.

"Lúc bấy giờ vào ngày Bố-tát, ngày rằm vào đêm trăng tròn, ngày lễ Komudi vào tháng tư. Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, xung quanh có chúng Tỳ kheo đoanh vây.

"Rồi Thế Tôn sau khi nhìn xung quanh chúng Tỳ kheo đang yên lặng, đang hết sức yên lặng liền bảo chúng Tỳ kheo: "Hội chúng này, này các Tỳ kheo, không có lời dư thừa, đã được an trú trong lõi cây an tịnh. Chúng Tỳ kheo như thế này, này các Tỳ kheo, hội chúng như thế này, này các Tỳ kheo, là một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Chúng Tỳ kheo như thế này, hội chúng như thế này là một hội chúng, bố thí ít được phước báu nhiều, bố thí nhiều càng được phước báu nhiều hơn nữa. Chúng Tỳ kheo như thế này, này các Tỳ kheo là một hội chúng khó thấy ở đời. Chúng Tỳ kheo như thế này, hội chúng như thế này, này các Tỳ kheo là một hội chúng xứng đáng đi nhiều do tuần với một bao lương thực trên vai để đến yết kiến. Chúng Tỳ kheo này là như vậy. Hội chúng này là như vậy, này các Tỳ kheo. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những vị Tỳ kheo là vị A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, mục đích Đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn tận, được giải thoát nhờ chánh trí. Này các Tỳ kheo, những bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng này. Này các Tỳ kheo trong chúng Tỳ kheo này có bậc đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử được hóa sanh từ nơi đây được nhập Niết Bàn, không còn trở lui đời này nữa. Các bậc Tỳ kheo như vậy, này các Tỳ kheo có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những Tỳ kheo đã đoạn trừ ba hạ phần kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, là bậc Nhất Lai, sau khi sanh vào đời này một lần nữa, sẽ đoạn tận khổ đau. Các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này. Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có những vị đã đoạn tận ba kiết sử là bậc Dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ được giác ngộ, các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này.

"Này các Tỳ kheo, trong chúng Tỳ kheo này có nhưng Tỳ kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm tu tập bốn niệm xứ, tu tập bốn chánh cần, tu tập bốn như ý túc, tu tập năm căn, năm lực, tu tập bảy giác chi, tu tập Thánh đạo tám nghành... Này các Tỳ kheo, trong hội chúng Tỳ kheo này có những Tỳ kheo sống chuyên tâm, chú tâm tu tập từ tâm, tu tập bi tâm, tu tập hỷ tâm, tu tập xả tâm, tu tập quán bất tịnh, tu tập vô thường tưởng. Các bậc Tỳ kheo như vậy có mặt trong hội chúng Tỳ kheo này.

"Này các Tỳ kheo, trong hội chúng Tỳ kheo này, có những Tỳ kheo chuyên tâm, chú tâm tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra. Pháp môn này được tu tập được làm cho sung mãn đưa đến quả lớn, đưa đến công đức lớn. Niệm hơi thở vô hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Minh giải thoát được viên mãn".

Kinh này cho chúng ta thấy đức Phật thường hay lựa đêm rằm có trăng tròn, quy tụ lại xung quanh Ngài ở ngoài trời, một số Tỳ kheo thời danh, đó là những bậc đã hành trì có kết quả các pháp môn Ngài dạy. Trong buổi họp đầu tiên, sau ngày tự tứ trăng rằm, Ngài chứng kiến sự im lặng kỳ diệu của các đại đệ tử của Ngài vậy, Thế Tôn mới tuyên bố: "Ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo, với đạo lộ này, tâm ta được thỏa mãn, này các Tỳ kheo, với đạo lộ này, Do vậy này các Tỳ kheo, hãy tinh tấn hơn nữa để được chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. Ta sẽ ở đây, tại Xá-vệ cho đến tháng tư Komudi. Chứng kiến các vị Tỳ kheo đang vây quanh, Ngài cảm thấy thỏa mãn về đạo lộ Ngài dạy cho các Thánh đệ tử và khởi lên lời sách tấn khuyến các đệ tử hãy tinh tấn hơn nữa. Trong đêm tháng Komudi, đức Phật trực tiếp tán thán công hạnh tu tập của chúng Tỳ kheo, khen chúng Tỳ kheo như vậy xứng đáng được cúng dường, một hội chúng hy hữu ở đời, xứng đáng để được yết kiến. Trong hội chúng ấy có các vị đã chứng A-la-hán, đã chứng quả Bất lai, đã chứng quả Nhất lai, đã chứng quả Dự lưu. Trong hội chúng này lại có những vị chuyên tâm, chú tâm tu tập ba mươi bảy pháp trợ đạo, chuyên tâm chú tâm tu tập bốn Vô lượng tâm, quán bất tịnh, quán vô thường.

Cũng trong hội chúng này, có các Tỳ kheo tu tập "Niệm hơi thở vô hơi thở ra". Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập được làm cho sung mãn khiến bốn Niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập được làm cho viên mãn khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập được làm cho viên mãn khiến cho Minh giải thoát được viên mãn.

Như vậy, chúng ta chứng kiến hai buổi họp chúng giữa Thế Tôn với các đại đệ tử nhân ngày Bố-tát, ngày trai giới. Chúng ta hình dung được cảnh trí thiêng liêng, lắng đọng tâm tư giữa Đạo Sư với đệ tử, bậc Đạo Sư bằng lòng vì thấy phương pháp hành trì của mình được các đệ tử tu tập thành quả. Còn các đệ tử thì hân hoan vui sướng tu tập vì thấy sự cố gắng của mình đều đem lại thành quả vi diệu.


6. KINH "NIỆM HƠI THỞ VÔ HƠI THỞ RA"

Kinh này được đề cập trong kinh Trung Bộ III số 118, với chữ Pàli là "Anàpànasati", với chữ Hán là "Nhập tức Xuất tức niệm", với chữ Việt là "Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra". Chúng Tỳ kheo sống trong thời đức Phật tại thế đã hành trì pháp môn này và chứng được Thánh quả.

Đặc biệt kinh này diễn tả rất tỉ mỉ và khúc chiết tiến trình giải thoát qua bốn giai đoạn tuần tự sau đây:

1. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến quả lớn, công đức lớn.
2. Niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.
3. Bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Bảy giác chi được sung mãn.
4. Bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho Minh giải thoát được sung mãn.

Rồi đức Phật giải thích rõ ràng bốn giai đoạn này:

1. Như thế nào là Niệm Hơi thở vô Hơi thở ra? Vị Tỳ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng trú niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài". Thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn". Thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô, vị ấy tập "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Niệm hơi thở vô, hơi thở ra, tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, được quả lớn, được công đức lớn.

2. Và như thế nào, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập? Như thế nào làm cho sung mãn khiến Bốn niệm xứ được viên mãn? Khi nào này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo thở vô dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra dài". Hay thở vô ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở vô ngắn". Hay thở ra ngắn, vị ấy tuệ tri: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thân trên thân, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Này các Tỳ kheo, đối với các thân, Ta nói đây là một, tức là hơi thở vô hơi thở ra. Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, vị Tỳ kheo trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo nghĩ: "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. Trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Này các Tỳ kheo, đối với các cảm thọ, Ta nói đây là một, tức là thở vô thở ra. Do vậy, này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán thọ trên các cảm thọ, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo nghĩ: "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán tâm trên tâm, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo an trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Này các Tỳ kheo, sự tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra không thể đối với kẻ thất niệm, không có tỉnh giác. Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán tâm trên tâm, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

Khi nào, này các Tỳ kheo, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời? Khi mà Tỳ kheo nghĩ: "Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Trong khi tùy quán pháp trên các pháp, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Vị ấy do đoạn trừ tham ưu, sau khi thấy với trí tuệ, khéo nhìn (sự vật với niệm xả ly). Do vậy này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán pháp trên các pháp, vị Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Niệm hơi thở vô, hơi thở ra như vậy, được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn, như vậy, khiến cho Bốn niệm xứ được viên mãn.

3. Và Bốn niệm xứ này, các Tỳ kheo tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho Bảy giác chi được viên mãn? Này các Tỳ kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, Tỳ kheo trú nhiệt tâm tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm không hôn mê của vị ấy được an trú. Trong khi niệm không hôn mê của ấy cũng được an trú, này các Tỳ kheo, trong khi ấy niệm giác chi được bắt đầu khởi lên với Tỳ kheo, trong khi ấy, Tỳ kheo tu tập niệm giác chi. Trong khi ấy niệm giác chi được vị Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy. Này các Tỳ kheo, trong khi trú với chánh niệm như vậy, Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy trạch pháp giác chi được bắt đầu khởi lên, với Tỳ kheo. Trong khi ấy, Tỳ kheo tu tập trạch pháp giác chi. Trong khi ấy trạch pháp giác chi được Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ kheo. Này các Tỳ kheo, trong khi vị Tỳ kheo với trí tuệ, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với vị Tỳ kheo ấy. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy Tỳ kheo tu tập tinh tấn giác chi. Trong khi ấy tinh tấn giác chi được vị Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị Tỳ kheo tinh tấn, tinh cần. Này các Tỳ kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi Tỳ kheo tinh tấn, tinh cần, trong khi ấy hỷ giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy hỷ giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy hỷ giác chi được Tỳ kheo tu tập đi đến viên mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với ý hoan hỷ được thân khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm của vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo với tâm định tĩnh như vậy, khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn.

Này các Tỳ kheo, trong khi quán thọ trên các cảm thọ ... (như trên) ... quán tâm trên tâm ... (như trên)... quán pháp trên các pháp. Tỳ kheo an trú, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời, trong khi ấy niệm của vị ấy được an trú, không có hôn mê. Này các Tỳ kheo, trong khi niệm của Tỳ kheo được an trú không có hôn mê, niệm giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo, niệm giác chi trong khi ấy được Tỳ kheo tu tập. Niệm giác chi trong khi ấy, được vị Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy an trú với chánh niệm như vậy, suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ Này các Tỳ kheo, trong khi an trú với chánh niệm như vậy, vị ấy suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ Trạch pháp giác chi trong khi ấy được bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo tu tập. Trạch pháp giác chi trong khi ấy đi đến sung mãn, tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy. Này các Tỳ kheo, trong khi vị Tỳ kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy với trí tuệ, và tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên nơi vị ấy, tinh tấn giác chi trong khi ấy bắt đầu khởi lên nơi vị Tỳ kheo. Tinh tấn giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Tinh tấn giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Đối với vị ấy tinh cần, tinh tấn, hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Này các Tỳ kheo, trong khi Tỳ kheo tinh cần, tinh tấn và hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên, hỷ giác chi trong khi ấy bắt đầu được khởi lên nơi Tỳ kheo. Hỷ giác chi trong khi ấy được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy khinh an giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy khinh an giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy khinh an giác chi được vị Tỳ kheo làm cho đến sung mãn. Một vị có tâm khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh. Này các Tỳ kheo, trong khi vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tĩnh, trong khi ấy định giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy định giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tĩnh như vậy khéo nhìn (sự vật) với ý niệm xả ly, trong khi ấy xả giác chi bắt đầu khởi lên nơi Tỳ kheo. Trong khi ấy xả giác chi được vị Tỳ kheo tu tập. Trong khi ấy xả giác chi được Tỳ kheo làm cho đi đến sung mãn. Này các Tỳ kheo, Bốn niệm xứ được tu tập như vậy, khiến cho Bảy giác chi được sung mãn.

4. Và này các Tỳ kheo, Bảy giác chi tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho mình giải thoát được viên mãn? Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo tu tập niệm giác chi, liên hệ đễn viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến xả ly. Tu tập trạch pháp giác chi... (như trên)... tu tập tinh tấn giác chi ... (như trên) ... tu tập khinh an giác chi ... (như trên) tu tập định giác chi ... (như trên) ... tu tập xả giác chi, liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, liên hệ đến xả ly. Này các Tỳ kheo, Bảy giác chi được tu tập như vậy, làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.


7. KINH VÍ DỤ CON RẮN

Ví dụ Con Rắn là một bài kinh hay, và rất đặc biệt. Nội dung nói lên những nhận thức sâu sắc đối với những lời dạy của đức Phật, đối với các dục (kàma), đối với mục tiêu thuyết pháp của đức Bổn Sư về những tai hại do những chấp thủ nói trên đưa đến. Tiếp đến đức Phật trình bày sáu kiến xứ, chấp thủ năm thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta; chấp thủ tự ngã và thế giới là thường còn, thường hằng sau khi chết. Chính sự chấp thủ sáu kiến xứ này đem lại tái sinh đời này sang đời khác, kể cả những sầu bi lo âu phiền não trong đời sống hiện tại. Tiếp tục, kinh này đề cập đến thuyết Vô ngã giúp đoạn trừ sáu kiến xứ, chứng đạt quả A-la-hán, Niết Bàn. Tiếp nữa, đức Phật đề cập đến vấn đề ngoại đạo xuyên tạc lời dạy Vô ngã của đức Phật là dạy hư vô chủ nghĩa. Đức Phật nói lên thái độ của Ngài đối với vấn đề khen chê. Cuối cùng đức Phật khuyên các đệ tử hãy từ bỏ những gì không phải là của mình. Tử bỏ như vậy sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho chính mình. Hãy hành trì theo lời thuyết pháp của đức Phật. Vì chính nhờ nghe theo lời thuyết pháp mà các đệ tử có khả năng chứng được Thánh quả tùy pháp hành, tùy tín hành, được sanh Thiên.

I. Anttha chấp thủ các dục không phải là chướng ngại và đức Thế Tôn giải thích các dục là chướng ngại pháp với mười ví dụ nêu rõ các dục là vui ít khổ nhiều, não nhiều, và các nguy hiểm nơi đây lại nhiều hơn.

Tỳ kheo Arittha khởi lên ác tà kiến chủ trương rằng thọ dụng các pháp được Thế Tôn gọi là chướng ngại pháp thực sự không chướng ngại gì. Sau khi khuyên bảo không có hiệu quả, các Tỳ kheo trình lên Thế Tôn và Thế Tôn cho gọi Arittha đến quở trách ác tà kiến của Arittha và chính thức xác nhận các dục là chướng ngại pháp cho người tu hành. Ngài dùng mười ví dụ xác nhận các dục là chướng ngại pháp, vui ít khổ nhiều, não nhiều, các nguy hiểm ở đây lại nhiều hơn. Thế Tôn dùng mười ví dụ để chứng minh các dục vui ít khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm nơi đây lại nhiều hơn. Đức Thế Tôn dạy các dục ví như khúc xương, như miếng thịt, như bó đuốc cỏ khô, như hố than hừng, như cơn mộng, như vật dụng cho mượn, như trái cây, như lò thịt, như gậy nhọn. Thế Tôn dạy các dục được ví như đầu rắn, vui ít khổ nhiều não, nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn. Tỳ kheo Arittha không những xuyên tạc Ta vì đã tự chấp thủ sai lạc còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức. Như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ ấy.

II. Tai hại nắm giữ sai lạc các pháp.

Thế Tôn đề cập đến sự tai hại do nắm giữ sai lạc các pháp được Thế Tôn dạy. Có hạng người ngu si không học kinh Phúng tụng, Giải thích, Kệ tụng, Cảm hứng ngữ, Như thị ngữ, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Phương quảng. Sau khi học pháp, họ không hiểu rõ ràng ý nghĩa pháp ấy. Họ học pháp chỉ vì muốn chỉ trích người khác, chỉ vì muốn khoái khẩu biện luận. Họ không đạt được mục tiêu mà sự học pháp hướng đến. Vì nắm giữ sai lạc những pháp ấy nên họ bị đưa đến bất hạnh, đau khổ lâu dài. Như một người muốn bắt con rắn độc lại nắm bắt ở lưng hay ở đuôi. Con rắn ấy có thể quay đầu cắn người ấy nơi tay hay nơi một thân phần khác, và người ấy có thể bị chết hay bị đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì bắt rắn một cách sai lạc. Ở đây cũng vậy, học pháp, nắm pháp sai lạc cũng đưa đến khổ đau và bất hạnh.

Trái lại, có một số thiện nam tín nữ học pháp xong, quán sát ý nghĩa những pháp ấy với trí tuệ. Những pháp ấy, vì được trí tuệ quán sát nên được rõ ràng. Họ học pháp không phải vì muốn chỉ trích người khác, không phải vì khoái khẩu biện luận, và chứng đạt được mục tiêu mà học pháp hướng đến. Những pháp ấy, vì Tỳ kheo nắm giữ, đưa đến hạnh phúc an lạc lâu dài. Vì sao vậy? Vì không nắm giữ sai lạc các pháp. Cũng vậy, một người muốn bắt con rắn nước, người ấy có thể đè con rắn nước với cây gậy có nạng. Sau khi đè con rắn với cây gậy có nạng, người ấy có thể nắm giữ cổ con rắn. Dù con rắn có thể uốn thân của nó xung quanh tay hay cánh tay hay một thân phần khác, người ấy không thể bị rắn cắn chết hay đau khổ gần như chết. Vì sao vậy? Vì khéo nắm giữ con rắn độc. ở đây cũng vậy, những thiện nam tử ấy, vì Tỳ kheo nắm giữ pháp, Tỳ kheo quán sát ý nghĩa pháp ấy với trí tuệ Do vậy Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo hãy hiểu rõ ý nghĩa lời Thế Tôn dạy mà thọ trì. Nếu có kẻ không hiểu rõ ý nghĩa lời Thế Tôn dạy thì người ấy nên đến hỏi Thế Tôn hay hỏi những bậc Tỳ kheo có trí để được hướng dẫn.

III. Thế Tôn giảng pháp cho các Tỳ kheo như chiếc bè để vượt qua sông, không phải để nắm lấy. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.

Đức Thế Tôn xác định Thế Tôn thuyết pháp, như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Ví như một người đi đến một vùng nước rộng, bờ bên này, nguy hiểm hãi hùng, bờ bên kia thì an ổn, không có gì sợ hãi. Nhưng không có thuyền để vượt qua, người ấy bèn thâu góp cành lá cỏ cây cột lại thành chiếc bè, và dựa trên chiếc bè này để vượt qua bờ bên kia một cách an toàn. Khi qua bờ bên kia rồi, lại suy nghĩ chiếc bè được xây dựng lên một cách công phu, bỏ lại thì luyến tiếc, nên người ấy đội chiếc bè trên vai và tiếp tục đi. Hành động ấy khiến mọi người đàm tiếu, vì sử dụng không đúng với sở dụng của chiếc bè. Người ấy, khi qua bờ bên kia rồi, có thể kéo chiếc bè lên bờ, hoặc nhận chìm xuống nước rồi tiếp tục đi theo công việc của mình. Và đến đây thì Thế Tôn nói lên một lời dạy bất hủ, mãi mãi được truyền tụng cho đến ngày nay: "Này các Tỳ kheo, Ta thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ chiếc bè, Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp".

IV. Chấp thủ sáu kiến xứ là tự ngã. Thái độ của kẻ vô văn phàm phu và bậc Thánh đệ tử.

Kẻ vô văn phàm phu, không yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân. Xem sắc pháp, xem các cảm thọ, xem các tưởng, xem các hành, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tầm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi", và bất cứ kiến xứ nào, nói rằng: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi, xem như vậy là cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi". Thái độ của vị Thánh đệ tử nghe nhiều thời khác hẳn, không những các vị này yết kiến, thuần thục, tu tập pháp các bậc Thánh, các bậc Chân nhân, các vị này đối với năm thủ uẩn là cái không phải của tôi, không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: "Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi, xem như vậy là cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Vị này do quan sát như vậy, đối với sự vật không thật có, nên không có lo âu phiền não.

V. Lo âu phiền não đến và không đến với những ai.

1. Có thể có cái không thật có ở ngoài có thể gây lo âu phiền muộn.

Có người nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn đã là của tôi nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”.

Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc đi đến bất tĩnh.

2. Có thể có cái gì không thật có ở ngoài không có thể gây lo âu phiền muộn.

Có người không nghĩ như sau: "Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc đi đến bất tỉnh.

3. Có cái gì không thật có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn.

đây có người không khởi lên tà kiến như sau: "Đây là thế giới, đây là tự ngã. Sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú. Tôi sẽ trú như vậy cho đến mãi mãi". Người này nghe Như Lai hay đệ tử của Như Lai thuyết pháp để bài trừ tất cả các kiến xứ, cố chấp, luận chấp, thiên kiến, tùy miên, sự đình chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ mọi khát ái, đưa đến ly tham, đoạn diệt Niết Bàn? Vị ấy không có nghĩ như sau: "Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực đi đến bất tỉnh.

4. Thế Tôn đặt một số câu hỏi.

Các người có thể nắm giữ một vật sở hữu gì mà vật sở hữu được nắm giữ ấy sẽ thường hằng, thường còn, thường trú, không chuyển biến? - Thưa không!

5. Các người có thể thấy một vật sở hữu gì được nắm giữ và vật sở hữu nắm giữ ấy sẽ thường còn, thường hằng, thường trú mãi mãi? - Thưa không !

6. Thế Tôn xác nhận Thế Tôn cũng không thấy vật sở hữu nắm giữ nào, mà vật sở hữu được nắm giữ sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, có thể trú như thế này mãi mãi.

7. Các người có thể chấp thủ một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi khổ ưu não? - Thưa không!

8. Các người có thấy một ngã luận thủ nào mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu bi, khổ, ưu, não? - Thưa không?

9. Thế Tôn cũng không thấy ngã luận thủ nào, mà ngã luận thủ ấy được chấp thủ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

10. Các người có ý chỉ kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không? - Thưa không !

11. Các người có thấy kiến y nào mà kiến y ấy được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não? - Thưa không !

12. Thế Tôn cũng không thấy kiến y nào mà kiến y được y chỉ như vậy lại không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

13. Nếu có ngã thời có ngã sở thuộc, nếu có ngã sở thuộc thời có ngã của tôi. Nếu ngã và ngã sở thuộc không thể được chấp nhận là thường còn, thời kiến xứ này – "Đây là thế giới đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng", kiến xứ ấy có hoàn toàn ngu si không? Kiến xứ ấy thực sự là triệt để ngu si.

VI. Quan điểm vô ngã của đức Phật:

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời thật không hợp lý khi chánh quán năm thủ uẩn: “Cái này là tôi, là của tôi, là tự ngã của tôi".

Bất cứ sắc pháp nào, thọ pháp nào, tưởng pháp nào, hành pháp nào, thức pháp nào, quá khứ tương lai hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các pháp ấy là "cái này không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi". Cần phải như thật quán với trí tuệ.

VII. Nhờ quán vô ngã đưa đến giải thoát.

Nhờ quán như vậy, thấy như vậy, vị Thanh văn nhàm chán đối với sắc, nhàm chán đối với thọ, nhàm chán đối với tưởng, nhàm chán đối với hành, nhàm chán đối với thức. Do nhàm chán nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát có trí khởi lên biết được “ta đã giải thoát". Vị ấy biết "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại đời này nữa".

VIII. Những đặc tánh của một vị đã giải thoát.

1. Tỳ kheo ấy được gọi là vị đã vất bỏ các chướng ngại, nghĩa là đã đoạn trừ vô minh, cắt tận gốc rễ, làm cho như cây tala bị chặt đầu, không thể tái sanh trong tương lai.

2. Tỳ kheo ấy được gọi là đã lấp đầy các thông hào tức là đã đoạn trừ tái sanh và sự luân chuyển sanh tử.

3. Tỳ kheo ấy đã nhổ lên cột trụ, tức là đã đoạn trừ khát ái, đã cắt tận gốc rễ.

4. Tỳ kheo ấy đã mở tung các ổ khóa, đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử...

5. Là bậc Thánh đã hạ cây cờ xuống, đã đặt gánh nặng xuống, không có gì hệ lụy, tức là đã đoạn trừ ngã mạn.

IX. Thế Tôn bị xuyên tạc là chủ trương chủ nghĩa hư vô.

Vì Thế Tôn thuyết một vị Tỳ kheo được giải thoát như vậy sẽ không một ai tìm được dấu vết. Ngài nói thêm: "Ta nói ngay ở hiện tại, một Như Lai không thể tìm thấy dấu vết". Vì lúc thuyết giảng như vậy, một số ngoại đạo xuyên tạc Thế Tôn là chủ trương chủ nghĩa hư vô, đề cao đoạn diệt, hủy diệt và sự tiêu diệt các hữu tình. Thế Tôn phủ nhận lời xuyên tạc như vậy. Xưa cũng như nay, Thế Tôn nói lên sự khổ và sự diệt khổ. Nếu có ai phỉ báng Như Lai, nhiếc mắng Như Lai, Thế Tôn không có sân hận. Nếu có ai tôn trọng cúng dường Như Lai, Thế Tôn không có hoan hỷ, không có thích thú. Thế Tôn chỉ suy nghĩ: "Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm Ta phải làm". Do vậy, Thế Tôn khuyên các Tỳ kheo chớ có tức tối, sân hận nếu bị người chỉ trích. Chớ có hoan hỷ thích thú nếu được người ta lễ bái cúng dường, các Tỳ kheo hãy suy nghĩ: "Đây là điều xưa kia đã từng biết rõ. Ở đây là những trách nhiệm ta phải làm".

X. Lời Thế Tôn khuyên dạy:

"Này các Tỳ kheo, cái gì không phải các người, các người hãy từ bỏ. Các người từ bỏ sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài. Sắc không phải của các người, hãy từ bỏ sắc. Thọ không phải của các người, hãy từ bỏ thọ. Tưởng không phải của các người, hãy từ bỏ tưởng. Các hành không phải của các người, hãy từ bỏ hành. Thức không phải của các người, hãy từ bỏ thức. Các người từ bỏ sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài cho các người".

Như trong rừng Jetavana này, nếu người thâu lượm cỏ, cây, nhành, lá, đốt lên hay làm theo ý họ muốn. Các Tỳ kheo không nghĩ rằng người ấy thâu lượm chúng ta, đốt chúng ta và làm với chúng ta tùy theo ý muốn. Vì sao vậy? Vì cỏ, cây, nhành, lá không phải tự ngã, không phải sở thuộc của tự ngã. Cũng vậy, cái gì không phải của các người, hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng sẽ đem lại hạnh phúc cho các người. Và cái gì không phải của các người? Chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

XI. Những lợi ích thiết thực của pháp đức Phật thuyết giảng.

Vì pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng khéo khai thông, khéo khai thị, nên giúp các vị hành trì có thể chứng được bốn Thánh quả, là quả A-la-hán, quả Bất lai, quả Nhất lai, quả Dự lưu.

1. Các vị A-la-hán là những vị đã đoạn tận các lậu hoặc tu hành thành mãn, việc nên làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống. Lý tưởng đã thành đạt, hữu kiết sử đã đoạn trừ, được giải thoát nhờ chánh trí, vòng luân chuyển của những vị này không thể chỉ bày.

2. Các vị Bất lai là những vị đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập diệt tại đây, không phải trở lui tại đời này nữa.

3. Các vị Nhất lai là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, đã làm cho muội lược tham, sân, si, chỉ đến đời này một lần nữa sẽ diệt tận khổ đau.

4. Các vị Dự lưu là những vị đã đoạn trừ ba kiết sử, không còn bị đọa lạc trong đường ác thú, quyết định hướng đến chánh quả.

5. Những Tỳ kheo nào là những vị Tùy pháp hành, Tùy tín hành, tất cả những vị ấy đều hướng đến Chánh giác.

6. Vì pháp được Thế Tôn khéo giảng, nên những vị nào chỉ đủ niềm tin nơi Thế Tôn, chỉ đủ lòng thương mến đối với Thế Tôn, tất cả những vị ấy được hướng về chư Thiên.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Chân thành cám ơn đạo hữu HTM đã gửi tặng bản vi tính và đạo hữu TĐH đã giúp dò soát.
(Bình Anson, 03-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-03-2004