Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Chánh Pháp và Hạnh Phúc

Hòa thượng Thích Minh Châu


1. ĐỨC PHẬT CỦA CHÚNG TA

I. Đức Phật với mục đích duy nhât cứu khổ, độ sinh

Đức Phật, dầu ở trong cung điện, thụ hưởng nhiều dục lạc, nhưng Ngài thấy được sự đau khổ sanh, lão, bệnh, tử đè nặng trên kiếp sống con người. Nên Ngài đã từ bỏ ngai vàng, xuất gia, tìm cho được phương pháp cứu khổ cho loài Người, cho chúng sinh. Kinh Thánh Cầu (số 26, Trung Bộ Kinh I, 163) nêu rõ: "Chưa thành Chánh Đẳng Giác, khi còn là Bồ tát, Ta tự mình bị sanh. Sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, hãy tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị già... tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị uế nhiễm... Sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già... bị bệnh... bị chết... bị sầu... Sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị uế nhiễm, hãy tìm cầu cái không uế nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết Bàn". Khi Ngài thành Đạo, dưới cây bồ đề, tức là Ngài đã tìm ra được pháp môn, giúp Ngài đoạn trừ được sự đau khổ về sanh, già, bệnh, chết. Trong đó Ngài thuyết pháp độ sanh, tức là Ngài thuyết pháp môn cứu khổ, mà Ngài đã chứng ngộ, chỉ vì mục đích trừ khổ, đem lại an lạc cho chúng sinh. Trọn đời Ngài, từ khi xuất gia, cho đến khi nhập Niết Bàn, Ngài không bao giờ quên mục đích cứu khổ, độ sanh của Ngài. Lời dạy sau này làm nổi bật tâm trạng của một bậc Đạo sư canh cánh bên lòng trách nhiệm cứu khổ độ sanh của Ngài: "Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ (Trung Bộ Kinh I, 140)". Lời dạy này đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần, trong kinh điển của Ngài.

Ngài được diễn tả như một bậc Đạo sư, luôn luôn đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người (Trung Bộ Kinh I, 83)". Tôn giả Udàyi trong khi Thiền tịnh độc cư, nói lên lời tán thán đức Phật: “Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều khổ pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã mang lại nhiều lạc pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đoạn trừ nhiều bất thiện pháp cho chúng ta. Thế Tôn thật sự là vị đã đem lại nhiều thiện pháp cho chúng ta (Trung Bộ Kinh II, 448A)". Lời khích lệ của đức Phật cho 60 vị A-la-hán đầu tiên, khuyên du hành để thuyết pháp độ sanh, nói lên tâm nguyện từ bi cứu khổ, độ sanh của Ngài: "Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người (Tương Ưng Bộ Kinh I, 128)". Một lời tuyên bố nữa, rất đặc biệt của Ngài, nói lên thái độ không tranh chấp hơn thua của Ngài đối với bất cứ một ai. Ngài thuyết pháp chỉ với mục đích duy nhất là làm vơi nhẹ sự đau khổ của mọi loài chúng sinh: "Này các Tỳ kheo, Ta không tranh chấp với đời, chỉ có đời tranh chấp với Ta. Này các Tỳ kheo, người nói pháp không tranh chấp với một ai ở đời" (Tương Ưng Bộ Kinh III, 165). Do vậy, hình ảnh bậc Đạo sư của chúng ta là hình ảnh của một vị luôn luôn ung dung tự tại, không âu lo, không sợ hãi, không phiền não, ngày đêm chỉ nuôi dưỡng lòng từ, thương xót chúng sinh, như đã được diễn tả trong bài kệ sau đây:

"Khi thức không âu lo,
Khi ngủ chẳng sợ hãi,
Ngày đêm không khởi lên,
Phiền não bận lòng Ta.
Ta không thấy tai hại
Một chỗ nào trên đời.
Do vậy Ta nằm ngủ,
Tâm từ thương chúng sinh."
(TƯBK I, 136)

Như vậy Từ bi cứu khổ chúng sinh là động lực chính khiến Ngài xuất gia, tầm đạo, chứng đạo và thuyết pháp là sợi chỉ đỏ thông suốt qua đời Ngài từ khi Đản sanh đến nhập Niết Bàn, là cốt lõi của 45 năm hoằng hóa độ sanh. Và cũng vì vậy, đức Phật của chúng ta được tôn xưng là đức Từ Phụ, vị cha lành muôn thuở, và đạo Ngài được đề cao là đạo Từ bi cứu khổ.

II. Ngang qua kinh nghiệm bản thân, Ngài tìm ra con đường giải thoát cho mình và cho mọi người.

Đức Phật là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được pháp môn giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như chúng ta, nhưng chính nhờ tự lực cá nhân, tìm ra được con đường giải thoát.

Sau đây, là những kinh nghiệm được ghi lại về đời sống đầy dục lạc, khi đức Phật còn là Thái tử, thái độ đức Phật đối với vấn đề sanh, lão, bệnh, tử và đối với ba sự kiêu mạn của tuổi trẻ, không bệnh và của sự sống:

"Này các Tỳ kheo, Ta được nuôi dưỡng tế nhị, tối thắng nuôi dưỡng tế nhị, cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị. Này các Tỳ kheo, trong nhà Vương phụ Ta, các hồ nước được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng. Tất cả phục vụ cho Ta. Không một chiên đàn nào Ta dùng, này các Tỳ kheo, là không từ Kàsi đến. Bằng vải Kàsi là áo cánh, bằng vải Kàsi là nội y, bằng vải Kàsi là thượng y. Đêm và ngày một lọng trắng được che chở cho Ta để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ, hay sương. Này các Tỳ kheo, ba lâu đài được xây dựng cho Ta, một cho mùa đông, một cho mùa hạ, một cho mùa mưa. Và Ta, này các Tỳ kheo, tại lâu đài mùa mưa, trong 4 tháng, được những nữ nhạc công đoanh vây, Ta không có xuống lầu. Với Ta, này các Tỳ kheo, được đầy đủ về sự giàu sang như vậy, được cứu cánh nuôi dưỡng tế nhị như vậy, Ta suy nghĩ rằng: "Kẻ phàm phu ít nghe tự mình bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác bị già, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy: "Ta cũng bị già, không vượt qua khỏi già, khi thấy người khác già, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy thật không xứng đáng cho Ta". Sau khi quán sát về Ta như vậy, này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ được đoạn trừ hoàn toàn. Kẻ phàm phu ít nghe tự mình bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, khi thấy người khác bị bệnh, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy: "Ta cũng bị bệnh, không vượt qua khỏi bệnh, khi thấy người khác bệnh, Ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy thật không xứng đáng cho Ta". Sau khi quán sát về Ta như vậy, này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh được đoạn trừ hoàn toàn. Kẻ phàm phu ít nghe tự mình bị chết, không vượt khỏi chết, thấy người khác bị chết, lại bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm, quên rằng mình cũng như vậy: "Ta cũng bị chết, không vượt qua khỏi chết, khi thấy người khác bị chết, ta có thể bực phiền, hổ thẹn, ghê tởm sao? Như vậy thật không xứng đáng cho ta”. Sau khi quán sát về ta như vậy này các Tỳ kheo, sự kiêu mạn của sự sống trong sự sống được đoạn trừ hoàn toàn" (Tăng Chi Bộ Kinh I, 162-163)".

đoạn kinh trên, chúng ta thấy rõ đức Phật của chúng ta khi còn làm Thái tử, được hưởng thụ dục lạc ở đời không để các dục lạc ấy làm cho say đắm si mê, vẫn ý thức được rằng sanh, già, bệnh, chết vẫn đang đè nặng trên kiếp sống của con người, và nhờ vậy đoạn trừ được ba sự kiêu mạn: kiêu mạn của tuổi trẻ trong tuổi trẻ, kiêu mạn của không bệnh trong không bệnh, kiêu mạn của sự sống trong sự sống.

Chính nhờ ở kinh nghiệm bản thân về những dục lạc ở đời, chính nhờ quan sát sáng suốt về thực trạng của già, bệnh, chết của chính mình và tất cả mọi người, nên đức Phật của chúng ta vượt qua sự kiêu mạn của tuổi trẻ, của không bệnh, của sự sống, để sau này từ bỏ tất cả, xuất gia tu đạo.

Khi Ngài quyết định từ bỏ ngai vàng, châu báu, vợ đẹp, con thơ, tầm đạo giải thoát, chúng ta được nghe đức Phật kể qua sự học đạo của Ngài với Alàra Kàlama và Udaka Ràmaputta, hai vị ngoại đạo sư nổi tiếng thời bấy giờ, và sau này, là kinh nghiệm bản thân của đức Phật, khi học đạo với Alàra Kàlama như kinh Thánh Cầu (Trung Bộ Kinh I, 164B) đã khéo chép: "Này các Tỳ kheo, rồi Ta đi đến chỗ Alàra Kàlama ở, sau khi đến, Ta nói với Alàra Kàlama: "Hiền giả Kàlama, cho đến mức độ nào, ngài tự tu, tự chứng, tự đạt và tuyên bố pháp này?" Này các Tỳ kheo, được nói như vậy, Alàra Kàlama tuyên bố về vô sở hữu xứ. Rồi này các Tỳ kheo, Ta suy nghĩ: "Không phải chỉ Alàra Kàlama có lòng tin, Ta cũng có lòng tin; không phải chỉ Alàra Kàlama tinh tấn, Ta cũng có tinh tấn; không phải chỉ Alàra Kàlama có niệm, Ta cũng có niệm; không phải chỉ Alàra Kàlama có định, Ta cũng có định; không phải chỉ Alàra Kàlama có tuệ, Ta cũng có tuệ. Vậy Ta hãy cố gắng chứng cho được pháp mà Alàra Kàlama, sau khi tự tri, tự chứng, tự đạt, đã tuyên bố". Rồi này các Tỳ kheo, không bao lâu, Ta tự tri, tự chứng, tự đạt pháp ấy một cách mau chóng, Ta an trú. Này các Tỳ kheo, rồi Ta tự suy nghĩ: "Pháp này không hướng đến nhàm chán, đoạn diệt, an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn, mà chỉ đưa đến chứng đạt vô sở hữu xứ”. Như vậy, này các Tỳ kheo, Ta không tôn kính pháp ấy và nhàm chán pháp ấy, Ta bỏ đi.”

Tiếp đến là nếp sống khổ hạnh, đức Phật tự mình hành trì luôn trong 6 năm, dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài. Đoạn văn sau đây diễn tả hạnh ăn ít của Ngài, chính hạnh này khiến Thế Tôn gầy mòn, chỉ còn da bọc lấy xương như đã được diễn tả trong các bức tượng Tuyết sơn, khắc ghi lại sự khổ hạnh đặc biệt của đức Thế Tôn:

"Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ, hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống của Ta phô bày giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt; giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí đắng màu trắng cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn”. "Này Sàriputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sàriputta, da bụng của Ta đến bám chặt lấy xương sống. Này Sàriputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện”, hay “đi tiểu tiện”, thì Ta ngã gục, úp mặt xuống đất. Vì Ta ăn quá ít, này Sàriputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục, rụng khỏi thân Ta". (Kinh Sử Tử Hống, Trung Bộ Kinh I, 80).

Đức Phật của chúng ta đã tự mình hành trì khổ hạnh, và sáu năm hành trì không có kết quả, Ngài cương quyết từ bỏ khổ hạnh và bắt đầu hướng đến hành Thiền, như đoạn kinh sau nêu rõ: "Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: Ta biết trong khi phụ thân Ta thuộc dòng dõi Sakka đang cày, và Ta đang ngồi dưới bóng mát, dưới cây Diêm Phù Đề, Ta ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ." Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này, có thể đưa đến giác ngộ chăng?” Và này Aggivessana, tiếp theo niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”. (Trung Bộ Kinh I, 240B).

Từ kinh nghiệm bản thân này, đức Phật từ bỏ khổ hạnh, hành trì Thiền định, chứng được Thiền thứ nhất, Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, chứng được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh.

Đức Phật dạy tiếp: "Và với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: "Đây là Khổ"; Ta biết như thật: "Đây là Khổ tập"; Ta biết như thật: "Đây là Khổ diệt"; Ta biết như thật: "Đây là Con đường đưa đến khổ diệt". Ta biết như thật: "Đây là các lậu hoặc"; Ta biết như thật: "Đây là lậu hoặc tập khởi"; Ta biết như thật: "Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc"; Ta biết như thật: "Đây là con đường đưa đến lậu hoặc diệt”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Ta biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa." (Trung Bộ Kinh I, 248).

Như vậy, cũng với kinh nghiệm bản thân, từ bỏ khổ hạnh, tu tập Thiền định, phát triển trí tuệ, bậc Đạo Sư của chúng ta thành tựu Chánh Đẳng Giác và trở thành đức Phật. Ở đây, chúng ta thấy rõ, bậc Đạo Sư không nhờ một đấng thần linh nào mách bảo, hộ trì, hướng dẫn. Hoàn toàn do kinh nghiệm bản thân, do tự lực cá nhân, Ngài đã tự mình tìm được con đường giải thoát, tự mình thực hành con đường ấy để được giải thoát và giảng dạy lại cho chúng ta con đường tự lực tự cường, đưa đến giải thoát giác ngộ. Chúng ta có thể nói, đối với các tư tường ngoại đạo đương thời, Ngài tự thân tầm học và chứng đắc. Nói đến khổ hạnh và hành Thiền, Ngài tự thân hành trì khổ hạnh và Thiền định. Nói đến giác ngộ, giải thoát, Ngài tự thân phát triển Ba minh để cuối cùng tự mình giác ngộ giải thoát. Nói một cách khác, Ngài chỉ dạy những gì Ngài đã thân kinh nghiệm và pháp môn Giới, Định, Tuệ là kết tinh của những năm tháng, tự tu, tự chứng và tự giác ngộ. Do vậy chúng ta không lạ gì khi Thế Tôn hoan nghinh lời chỉ trích phê bình của Sunakkhatta, mà Ngài xem như là phản ảnh trung thực nhất, đối với pháp Ngài giảng dạy: "Sa-môn Gotama thuyết pháp, pháp ấy tự mình tạo ra, do suy luận tác thành, tùy thuận trắc nghiệm và thuyết cho một mục tiêu đặc biệt, có khả năng hướng thượng có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau”. (Trung Bộ I, 69)

III. Vị trí có một không hai của đức Phật

Đề cập đến bậc Đạo Sư của chúng ta, chúng ta cần nhấn mạnh đến vị trí có một không hai của đức Phật, vị trí này cho chúng ta thấy không thể có một đức Phật thứ hai trong suốt hiện kiếp đức Phật tại thế.

Tăng Chi Bộ Kinh Tập I, trang 37 ghi chép: "Sự kiện này không xảy ra, này các Tỳ kheo, không có được, trong một thế giới có hai vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, không trước không sau, xuất hiện một lần; sự kiện này không xảy ra. Và sự kiện này có xảy ra, này các Tỳ kheo, trong một thế giới chỉ có một vị A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, xuất hiện; sự kiện này có xảy ra".

Như vậy chúng ta có thể nói, trong kiếp hiện tại, tại thế giới này chỉ có một đức Phật, không có hai đức Phật. Có thể có sáu đức Phật quá khứ như đức Phật Tỳ-bà-thi, đức Phật Thi-khí v.v… Nhưng thuộc vào kiếp quá khứ, không thuộc kiếp hiện tại, và có đức Phật Di-Lặc nhưng thuộc vào kiếp tương lai, không thuộc kiếp hiện tại. Như vậy vị trí của đức Phật Thích-ca Mâu-ni thật là độc nhất vô nhị, ngay trong hiện kiếp của thời đại chúng ta, và trong thế giới mà chúng ta đang sống. Từ nơi vị trí độc nhất vô nhị này, Tăng Chi Bộ kinh tập I trang 29 nói rõ thêm:

"Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có đối phần, không có người ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không đồng bạn, không có so sánh, không có tương tự, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân".

Như vậy đức Phật không có một ai có thể sánh bằng, không có tương tự đưa đến một vấn đế mới, đức Phật đứng trên vị trí gì để trở thành một bậc tối thượng ở đời không ai có thể sánh bằng. Trung Bộ kinh III trang 110 nói lên địa vị tối thượng này của đức Phật:

"Không có một vị Tỳ kheo, này Bà-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã thành tựu. Này Bà-la-môn, Thế Tôn là bậc làm khởi dậy con đường trước đây chưa được hiện khởi, làm cho biết con đường trước đây chưa từng được biết, nói lên con đường trước đây chưa từng được nói, là bậc hiểu đạo, biết đạo và thiện xảo về đạo”.

Với đoạn kinh trên, chúng ta thấy vị trí độc nhất vô nhị của đức Phật mà Ngài là vị đã làm khởi dậy, đã làm cho biết, đã nói lên con đường trước đây chưa từng được ai khám phá. Con đường ấy là gì?

Chính là tiến trình giác ngộ giải thoát mà chính tự Ngài đầu tiên khám phá ra, tự mình tu tập con đường ấy và tự mình giác ngộ nhờ đã đi trên con đường ấy. Tiến trình ấy là một tiến trình gồm có 5 giai đoạn, bắt đầu từ Giới rồi đến Định, Tuệ, Giải thoát, và Giải thoát tri kiến. Con đường ấy đã được cô đọng một cách tuyệt diệu thành con đường Thánh mười ngành bắt đầu từ Chánh tri kiến và kết thúc bằng Chánh định, Chánh trí và Chánh giải thoát.

Từ nơi đây chúng ta không có lấy làm lạ khi thỉnh thoảng đức Phật rống lên tiếng rống con sư tử, tiếng rống nói lên thế ưu việt của Chánh pháp, như được diễn tả trong Trung Bộ kinh, tập I, trang 63: "Này các Tỳ kheo, chỉ ở đây (tức chỉ trong Pháp và Luật do đức Phật thiết lập) là có đệ nhất Sa-môn, ở đây là có đệ nhị Sa-môn, ở đây là có đệ tam Sa-môn, ở đây là có đệ tứ Sa-môn. Các ngoại đạo khác không có Sa-môn”.

Tiếng rống con sư tử này xác nhận rằng chỉ có tiến trình Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến, được cô đọng trong con đường Thánh mười ngành do đức Phật thiết lập mới đào tạo ra được đệ nhất Sa-môn, tức là các vị Dự lưu, các đệ nhị Sa-môn tức là các vị Nhất lai, các đệ tam Sa-môn tức là các vị Bất lai, các đệ tứ Sa-môn tức là các vị A-la-hán.

Từ nơi lời xác chứng có tính cách quyết định dứt khoát này, chúng ta mới hiểu câu trả lời của đức Phật nói với Upaka, một du sĩ ngoại đạo đã hỏi đức Phật là ai, khi đức Phật đi từ Bồ đề đạo tràng đến vườn Lộc Uyển, để thuyết pháp cho Kiều Trần Như với bốn người bạn. Khi Upaka gặp đức Phật với các căn trong sáng, vị du sĩ ngoại đạo liền hỏi: “Các căn của Hiền giả thật sáng suốt, màu da của Hiền giả thật thanh tịnh, thật thanh khiết. Này Hiền giả, vì mục đích gì Hiền giả xuất gia? Ai là bậc Đạo Sư của Hiền giả?" Đức Phật liền trả lời vời bài kệ:

"Ta không có Đạo Sư!
Bậc như Ta không có.
Giữa thế giới nhân thiên,
Không có ai bằng Ta!"
(Trung Bộ Kinh tập I, trang 171)

Câu trả lời này khiến cho nhớ đến câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, được xem là đức Phật tuyên bố khi Ngài đản sanh và đi bảy bước. Và câu này cũng được diễn theo truyền thống Pàli với lời tuyên bố, như đã được ghi trong Trường Bộ Kinh I, trang 151: "Ta là bậc Tối tôn ở đời. Ta là bậc Trưởng thượng ở đời. Ta là bậc Tối thượng ở đời. Nay là đời sống cuối cùng của Ta. Nay Ta không còn tái sanh nữa". Như vậy hai lời tuyên bố tuy từ hai truyền thống khác nhau, nhưng cùng nói lên địa vị độc tôn đức Phật. Đây không phải là lời tuyên bố ngạo mạn nhưng có thể bị hiểu lầm. Thực sự chỉ là một lời tuyên bố nói lên vị trí có một không hai của đức Phật, là một vị đã tự mình khám phá và giảng dạy đạo lý giải thoát và giác ngộ. Lời tuyên bố này cũng nói lên vị trí có một không hai của Chánh pháp, tức là tiến trình giải thoát giác ngộ Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến. Chính tiến trình này đã được đức Phật thân chứng và dạy lại cho các đệ tử Tỳ kheo, Tỳ kheo ni của Ngài tu học để được chứng quả A-la-hán như Ngài.

Với đức Phật, tự mình đã giác ngộ, khi Ngài mới thành Chánh giác, Ngài khởi lên một tư tưởng rất khiêm tốn. "Thật là khó khăn, sống không cung kính, không vâng lời. Vậy Ta hãy đảnh lễ, cung kính và sống y chỉ vào Sa-môn hay Bà-la-môn ... Với mục đích làm cho đầy đủ giới uẩn chưa đầy đủ, làm cho đầy đủ định uẩn chưa đầy đủ ... làm cho đầy đủ tuệ uẩn chưa đầy đủ ... làm cho đầy đủ giải thoát uẩn chưa đầy đủ. Ta hãy cung kính, đảnh lễ và sống y chỉ vào một Sa-môn hay Bà-la-môn. Nhưng Ta không thấy một chỗ nào trong thế giới chư Thiên, ác ma và Phạm thiên, giữa quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác với Giới, với Định, với Tuệ và với Giải thoát đầy đủ hơn Ta mà Ta có thể cung kính đảnh lễ và sống y chỉ. Rồi này các Tỳ kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Với Pháp này mà Ta đã chân chính giác ngộ. Ta hãy cung kính đảnh lễ và sống y chỉ Pháp ấy".

Như vậy đức Phật với tâm tư khiêm tốn muốn tìm một Sa-môn hay Bà-la-môn để nương tựa y chỉ, nhưng cuối cùng phải nương tựa và y chỉ vào Chánh pháp. Thái độ này của đức Phật giải thích vì sao đức Phật khuyên Tôn giả Ananda chớ có sầu muộn khi đức Phật nhập diệt, vì các đệ tử Phật luôn luôn có Chánh pháp lãnh đạo, có Chánh pháp làm chỗ y chỉ, có Chánh pháp làm chỗ nương tựa. Đức Phật có thể xem là vị Giáo chủ khuyên chúng ta không nên nương tựa ỷ lại cá nhân. Ngài chỉ khuyên chúng ta nên y chỉ vào Chánh pháp, nên tương tựa Chánh pháp.

IV. Đức Phật với thần thông.

Một vấn đề được đặt ra cho chúng ta là đức Phật có thần thông hay không? Chính đức Phật giúp chúng ta trả lời thẳng câu này, khi Ngài bị Sunakkhatta chỉ trích là không có pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh, đức Phật xác nhận trong Đại Kinh Sư Tử Hống (Trung Bộ I, trang 69) rằng Ngài đầy đủ 4 pháp truyền thống, tức là 10 danh hiệu, Thần túc thông, Thiên nhĩ thông, và Tha tâm thông. Ngài lại đủ 10 Như Lai lực, được diễn tả như sau: “Như Lai như thật biết sự kiện có xảy ra là có xảy ra, sự kiện không xảy ra là không xảy ra. Như Lai như thật biết quả báo tùy thuộc sở do, tùy thuộc sở nhân của các hạnh nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại. Như Lai như thật biết con đường đưa đến tất cả cảnh giới. Như Lai như thật biết thế giới với nhiều chủng loại sai biệt. Như Lai như thật biết chí hướng sai biệt của mọi loài hữu tình. Như Lai như thật biết các căn thượng hạ của loài Người, của các loài hữu tình. Như Lai như thật biết sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các Thiền chứng về Thiền, về Giải thoát, về Định. Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống và sự chết của các chúng sinh. Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát." Như vậy Như Lai xác chứng Ngài chứng được sáu thần thông: Thần Túc thông, Thiên nhĩ thông và Lậu tận thông. Hơn nữa, Ngài còn chứng được bốn vô sở úy, tức là bốn điều không sợ hãi. Ngài đã chứng được Chánh đẳng Chánh giác. Ngài không có sợ hãi có Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, ác ma, Phạm thiên, chư Thiên và loài Người có thể đến chất vấn chỉ trích Ngài là chưa chứng được Chánh đẳng Chánh giác. Ngài đã đoạn trừ bốn lậu hoặc. Ngài không có sợ hãi có một ai có thể chất vấn, chỉ trích Ngài là những pháp được Ngài tuyên bố là chướng ngại pháp, thật sự khi thực hành là không có gì trở ngại cả. Ngài không có sợ hãi có một ai có thể chỉ trích chất vấn Ngài đúng pháp rằng Ngài thuyết giảng không đưa đến một mục tiêu đặc biệt, không có khả năng hướng thượng, không có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau”.

Như vậy đức Phật xác chứng Ngài có được bốn pháp truyền thống, chứng được mười Như Lai lực và bốn pháp vô sở úy. Ngài có đầy đủ sáu Thần thông và hơn thế nữa. Tuy vậy, theo dõi 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài, được ghi chép trong kinh tạng Pàli, chúng ta nhận thấy Ngài sử dụng Thần thông rất dè dặt, rất hạn chế. Ví dụ trong Tăng Chi I, trang 78, đức Phật có mặt ở Thắng Lâm (Jetavana), theo lời yêu cầu của chư Thiên, hiện ra ở Đông Viên (Pubbàràma). Một lần Thế Tôn trên con đường đến Kusinara, đi đến sông Hằng. Lúc bấy giờ sông Hằng tràn ngập nước đến bờ bên kia đến nỗi con quạ đứng trên bờ có thể uống nước được. Có người đang đi tìm thuyền, có người đang đi tìm phao, có người cột bè để đi qua bờ bên kia. Thế Tôn mau lẹ như người lực sĩ duỗi cánh tay được co lại, hay co lại cánh tay được duỗi ra biến mất từ bờ bên này và hiện ra bờ bên kia với chúng Tỳ kheo (Trường Bộ Kinh III, 89).

Trong suốt năm tập Nikàya, kể cả hàng chục bài kinh, kinh nào cũng diễn tả đức Phật đi bộ từ làng này qua làng khác, từ thị trấn này qua thị trấn khác, trước khi vào nhà, vào tịnh xá thời lấy nước rửa chân. Có một lần đức Phật đi đến vườn Gosinga (Trung Bộ Kinh I, trang 205) để thăm Tôn giả Anuruddha, Tôn giả Nandiya và Tôn giả Kimbila, nhưng người giữ vườn không biết Ngài là đức Phật nên ngăn không cho vào. Một lần nữa, ngồi nói chuyện với Tôn giả Pukkusati suốt nửa đêm trong ngôi nhà một người thợ gốm, Pukkusati cũng không biết người đối diện là đức Phật. Trong nhiệm vụ hoằng hóa độ sinh của Ngài, chúng ta thấy đức Phật đã lựa chọn một phương pháp rất đặc biệt, như được ghi chép trong kinh Kevaddha (Trường Bộ Kinh II, trang 211). Kenvaddha yêu cầu đức Phật dạy cho Tỳ kheo hiện pháp thần thông để nhiếp phục dân chúng ở Nalanda. Thế Tôn từ chối không chấp nhận và dạy rằng trong ba pháp thần thông: Thần túc thông, Tha tâm thông, và Giáo hóa thần thong, Ngài chỉ lựa chọn Giáo hóa thần thông. Thần túc thông có thể do một loại bùa chú tên Gandhàrì tác thành. Tha tâm thông có thể do bùa chú tên Maniko tác thành nên đức Phật không có chấp nhận hai loại Thần thông này. Ngài chỉ chấp nhận giáo hóa thần thông được diễn tả như sau: “Ở đời có vị Tỳ kheo giáo hóa như sau: “Hãy suy tư như thế này, chớ suy tư như thế kia. Hãy tác ý như thế này, chớ tác ý như thế kia. Hãy từ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều kia". "Như vậy gọi là giáo hóa thần thông" (trang 214). Chính đức Phật đã lựa chọn giáo hóa thần thông để hóa độ chúng sinh, trong suốt 45 năm dài thuyết pháp. Lý do cũng rất dễ hiểu: Thần túc thông, Tha tâm thông do bùa chú tạo thành, vừa có hại cho người sử dụng, vừa có hại cho người chứng kiến. Còn Giáo hóa thần thông đòi hỏi người nghe phải suy gẫm, phải suy tư, phải cân nhắc nghĩa lý, rồi đem ra tự mình hành trì và cuối cùng đạt được giải thoát.

Nói tóm lại, ngài không dùng pháp lạ để mê hoặc quần chúng, để làm chóa mắt người chứng kiến. Ngài đặt nặng vào khả năng suy tư, tìm hiểu, cân nhắc, chọn lựa, tự mình tự lực dùng Giới, dùng Định, dùng Tuệ, nghĩa là tự lực hành trì đúng quy luật giải thoát để được giải thoát, đúng quy luật giác ngộ để được giác ngộ.

V. Thế Tôn với vị trí con người.

Để tìm hiểu hơn nữa về bậc Đạo Sư, chúng ta cần phải ý thức rõ ràng đức Phật là ai, đức Phật đã tự diễn tả mình như thế nào, và đức Phật đã được các đệ tử của mình và các ngoại đạo đề cao như thế nào. Những tư liệu này sẽ giúp chúng ta hiểu được đức Phật rõ ràng chính xác hơn và đánh giá được những đóng góp mà bậc Đạo Sư đã đem lại cho loài Người. Một vấn đề có thể làm nhiều người thắc mắc trong quá khứ cũng như trong hiện tại là đức Phật là ai? Ngài là Thiên thần chăng, Thiên nhân chăng, là người như chúng ta chăng? Kinh Tăng Chi tập II, A, trang 51 ghi chép như sau: “Bà-la-môn Dona thấy dấu chân đức Phật có dấu bánh xe (Pháp luân) với đầy đủ tất cả chi tiết khi đức Phật đi trên con đường giữa Ukkattha và Setabbya, liền suy nghĩ đây không phải là dấu chân của loài Người, nên đến gần đức Phật và hỏi: "Có phải Ngài là vị Tiên, Ngài sẽ là Càn-thát-bà, Ngài sẽ là Dạ-xoa, Ngài sẽ là loài Người?" Với bốn câu hỏi này, đức Phật tuần tự trả lời: “Ta sẽ không phải là Tiên, Ta sẽ không phải là Càn-thát-bà, Ta sẽ không phải là Dạ-xoa, Ta không phải là Người".

Câu trả lời làm cho Bà-la-môn Dona ngạc nhiên, và chúng ta cũng dễ hiểu, vì nếu đức Phật trả lời: “Ta sẽ là chư Thiên, hay Ta sẽ là loài Người, tức đức Phật còn phải tái sinh, còn phải sinh tử luân hồi nên đức Phật mới trả lời như thế”. Câu trả lời ấy làm cho Bà-la-môn Dona ngạc nhiên khiến phải hỏi tiếp: "Vậy sở hành của Ngài là gì, và Tôn giả sẽ là gì?" Đức Phật trả lời rất là đặc biệt:

"Này Bà-la-môn, đối với những ai chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, được là cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những ai chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là loài Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như cây tala, được làm cho không thể hiện hữu, dược làm cho không thể sanh khởi trong tương lai".

Như vậy tùy thuộc chúng sinh được đề cập đến, đối với những chúng sinh là chư Thiên chưa đoạn tận các lậu hoặc đức Phật có thể là chư Thiên nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận, không còn sanh tử luân hồi. Đối với loài Người chưa đoạn tận các lậu hoặc, đức Phật có thể là Người, nhưng là một con người đã đoạn tận các lậu hoặc. Nói một cách khác, dầu thuộc loại chúng sinh hữu tình nào đang còn có lậu hoặc, đang sanh tử luân hồi, đức Phật có thể là chúng sinh ấy, nhưng với các lậu hoặc đã đoạn tận. Chúng ta là người, đức Phật đối với chúng ta là người. Chỉ có sự sai khác, đức Phật là người đã đoạn tận các lậu hoặc, còn chúng ta là người nhưng chưa đoạn tận các lậu hoặc.

Rồi đức Phật dùng một thí dụ xác định rõ ràng vị trí của Ngài trong thế giới loài Người:

"Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn, sanh ra trong đời lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì".

Tiếp đến, đức Phật tự xác chứng vị trí của mình khi Ngài nói với Tôn giả Sàriputta: "Những ai nói về Ta một cách chân chánh sẽ nói như sau: "Một vị hữu tình không bị si chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người". (Trung Bộ Kinh I, 83)

Tiếp đến là lời một vị đệ tử đã chứng quả A-la-hán nói lên lời tán thán bậc Đạo Sư của mình: "Thế Tôn đã giác ngộ, Ngài thuyết pháp để giác ngộ. Thế Tôn đã điều phục, Ngài thuyết pháp để điều phục. Thế Tôn đã tịch tịnh, Ngài thuyết pháp để tịch tịnh. Thế Tôn đã vượt qua, Ngài thuyết pháp để vượt qua. Thế Tôn đã chứng Niết Bàn, Ngài thuyết pháp để chứng Niết Bàn" (Trung Bộ Kinh I, trang 237). Như vậy, trong thế giới loài Người, đức Phật là con người như chúng ta, chỉ khác chúng ta còn các lậu hoặc. Đức Phật không còn các lậu hoặc nữa. Đức Phật đã giác ngộ, đã điều phục, đã tịch tịnh, đã vượt qua, đã chứng Niết Bàn; còn chúng ta chưa giác ngộ, chưa điều phục, chưa tịch tịnh, chưa vượt qua, chưa chứng Niết Bàn.

Một điểm rất đặc biệt về đức Phật của chúng ta là đức Phật đặt lòng tin nơi con người có khả năng tự mình giải thoát và giác ngộ, có khả năng phân biệt được thiện ác, chánh tà. Trong kinh Kàlàmasutta, Tăng Chi I, 212, đức Phật khuyên trong mười trường hợp chớ nên tin: "Chớ có tin vì nghe truyền thuyết (anussava); chớ có tin vì theo truyền thống (pàramparaya); chớ có tin vì nghe người ta nói (itikinyaya); chớ có tin vì kinh tạng truyền tụng (pitakasampadànena); chớ có tin vì nhân lý luận (siêu hình) (takkehetu); chớ có tin sau khi suy tư một vài dữ kiện (àkàraparivitakkena); chớ có tin theo thiên kiến định kiến (ditthinijhàna khanti); chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình". Khi nghe đức Phật bác bỏ cả mười trường hợp đáng tin như vậy, chúng ta tự nghĩ chúng ta còn tin ai và tin cái gì nữa. Không tin truyền thống, không tin truyền thuyết, không tin kinh tạng truyền tụng, … , không tin vì vị Sa-môn là bậc Đạo Sư của mình. Đến đây đức Phật khuyến giáo thật nhẹ nhàng. Chúng ta hãy tin ở chúng ta, tin ở nơi lý trí phán xét, phân biệt con người của chúng ta". Đức Phật khuyên: "Nhưng này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này bất thiện, các pháp này có tội, các pháp này bị các người có trí chỉ trích, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khđau” thời này Kàlàma, các ngươi hãy từ bỏ chúng". Này các Kàlàma, khi nào tự mình biết rõ như sau: "Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến an lạc và hạnh phúc", thời này Kàlàma, hãy chứng đạt và an trú".

Như vậy, đức Phật luôn đứng trên vị trí con người để hóa độ chúng sinh và đặt lòng tin tưởng vào khả năng con người có thể phân biệt thiện ác, chánh tà, có khả năng tự giải thoát, tự giác ngộ như Ngài đã tự mình giác ngộ, giải thoát. Về sau, có xu hướng thần thông hóa đức Phật, thần thánh hóa đức Phật, biến đức Phật thành một bị biểu hiện thần thông để hóa độ chúng sinh, thành một vị thần ban phước giáng họa. Sự tha hóa đức Phật khỏi vị trí con người được khéo thực hiện, dần dần đức Phật rời khỏi địa vị bậc Đạo Sư, với thân giáo, khẩu giáo, giáo hóa chúng sinh để trở thành một vị Thánh ngồi trên khám thờ được hàng triệu người lễ bái cầu khấn, ban phước giáng họa. Chúng tôi ghi sau đây hai đoạn kinh trích từ kinh tạng Pali, một đoạn diễn tả lúc đức Phật bệnh, một đoạn diễn tả lúc Ngài đã già. Những đoạn này chứng tỏ đức Phật dầu đã thành Phật, giác ngộ giải thoát, nhưng Ngài vẫn còn thân hữu dư y nên vẫn bị bệnh, vẫn bị già, như một con người thường, chỉ có một điều khác là khi Ngài bị bệnh, khi Ngài bị già, Ngài không có sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh, vì Ngài dầu còn thân bệnh, nhưng không còn tâm bệnh nữa.

Kinh Tương ưng, tập V, trang 159 chép:

"Trong khi Thế Tôn an cư vào mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những cảm thọ khốc liệt, gần như chết tiếp diễn. Ở đây, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, không có than vãn... Rồi Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục trọng bệnh ấy, lưu giữ thọ hành và sống..."

Cũng kinh Tương ưng, tập V, trang 229 chép:

"Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng: “Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh trong sáng, tay chân rã rời nhăn nhíu, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác”. –“Này Ananda sự thể là vậy. Tánh già nằm trong tuổi trẻ. Tánh chết nằm trong sự sống... Như vậy màu da không còn thanh tịnh trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác..."

Với hai đoạn kinh này, chúng ta thấy đức Phật thật sự là người như chúng ta, có già, có bệnh, có chết, chỉ khác Ngài là một con người đã đoạn trừ các lậu hoặc, đã diệt tận tham, sân, si, không còn rơi vào sanh tử luân hồi.

VI. Thế Tôn với vị trí bậc Đạo Sư.

Nay chúng ta bước qua vị trí bậc Đạo Sư để tìm hiểu đức Phật, và chính đức Phật được tôn xưng là bậc Đạo Sư loài Trời và loài Người (Satthà devamanussanam). Đức Phật sở dĩ chiếm một địa vị ưu thế so sánh với các ngoại đạo đương thời là vì Ngài là vị đầu tiên để lại cho chúng ta một truyền thống kế thừa rất đặc biệt, khác với các ngoại đạo cổ xưa, và truyền thống ấy mãi cho đến ngày nay, sau hơn hai ngàn năm có mặt trên thế giới này, vẫn còn được tôn trọng tiếp nối và truyền thừa. Kinh Makhàdeva. Trung Bộ Kinh II, trang 75, đề cập đến truyền thống của vua Makkhàdeva, vị vua này khi sợi tóc bạc đầu tiên hiện ra trên đầu mình, Ngài liền giao ngôi báu cho hoàng tử, tự mình xuất gia tu đạo. Vua Makkhàdeva lại dặn hoàng tử lên ngôi trị vì cho đến khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc lên thời liền trao ngôi báu cho con trai của mình, còn mình thời xuất gia tu đạo. Vua Makkhàdeva dặn dò phải giữ gìn truyền thống này đừng cho gián đoạn. Tuy vậy truyền thống của vua Makkhàdeva được truyền đến vua Nemi là vị vua cuối cùng gìn giữ truyền thống này. Con của vua Nemi là Kalara Janaka lại không tiếp tục truyền thống này; không chịu xuất gia khi sợi tóc bạc đầu tiên mọc trên đỉnh đầu mình và do vậy truyền thống của Makkhàdeva bị chấm dứt. Nhưng truyền thống của đức Phật lại khác. Chính đức Phật xác nhận như sau trong Trung Bộ Kinh I, trang 82A:

 "Này Ananda, truyền thống ấy của Makhàdeva không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Và Ananda, thế nào là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thương trí, giác ngộ, Niết Bàn? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Này Ananda đây là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập, và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết Bàn. Này Ananda, về vấn đề này Ta nói như sau: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì. Các ông chớ có thành người tối hậu sau Ta". Này Ananda, khi hai người còn tồn tại, và có sự đứt đoạn, người ấy là người tối hậu vậy. Này Ananda, Ta nói với ông: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập các ông hãy tiếp tục duy trì". Truyền thống kế thừa mà đức Phật đã để lại cho chúng ta, chúng ta đã tiếp tục thừa kế trải hơn 2.000 năm lịch sử, và cho đến nay, truyền thống kế thừa ấy vẫn được tiếp tục.

Trong khi các bậc Đạo Sư khác, giới không thanh tịnh, mạng sống không thanh tịnh, thuyết pháp không thanh tịnh, trả lời pháp không thanh tịnh, thời bậc Đạo sư của chúng Ta thật là tuyệt diệu về cả năm phương diện này, như Tăng Chi II, quyển B miêu tả: "Này Moggallàna, Ta có giới thanh tịnh và Ta tự rõ biết: "Giới của Ta thanh tịnh, trong sáng không có uế nhiễm. Các đệ tử không có che chở Ta về giới. Mạng sống của Ta thanh tịnh trong sáng, không có uế nhiễm. Các đệ tử Ta không có che chở Ta về mạng sống. Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về mạng sống. “Thuyết pháp của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Thuyết pháp của Ta thanh tịnh trong sáng, không có uế nhiễm. Các đệ tử không có che chở Ta về thuyết pháp. Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về thuyết pháp”. Các câu trả lời của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Các câu trả lời của ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm. Các đệ tử không có che chở Ta về các câu trả lời”. Tri kiến của Ta thanh tịnh, Ta tự rõ biết: "Tri kiến của Ta thanh tịnh, trong sáng, không có uế nhiễm. Các dệ tử không có che chở Ta về tri kiến, Ta không có chờ đợi các đệ tử che chở Ta về tri kiến””.

Một sự đóng góp rất đặc biệt của đức Phật trong vị trí bậc Đạo Sư của mình là thành lập hai hội chúng: Hội chúng xuất gia là hội chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, và hội chúng tại gia là hội chúng nam Cư sĩ và nữ Cư sĩ. Về hội chúng xuất gia, Ngài chế đặt một số giới luật căn bản để bảo đảm một đời sống thật sự hòa hợp nhất trí, giới thiệu pháp môn Giới, Định, Tuệ, hướng dẫn các đệ tử xuất gia tu học, thoát ly gia đình, thoát ly sự ràng buộc của dục vọng, trọn đời hành trì Phạm hạnh, cuối cùng chứng đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát, vượt khỏi sự đau khổ sanh, già, bệnh, chết. Đức Phật là vị Giáo chủ đầu tiên thiết lập Giáo hội Tăng già cho phép phái nữ xuất gia và xác chứng các Tỳ kheo ni có khả năng chứng được quả A-la-hán tối thượng, không khác gì nam giới. Trải hơn 2500 năm Giáo hội vẫn còn tồn tại, tuy có một vài sự thay đổi không đồng bộ.

Đối với hội chúng tại gia, nam Cư sĩ, nữ Cư sĩ đức Phật dạy thọ ba quy y, năm giới, từ bỏ mười ác hạnh, thành tựu mười thiện hạnh, có quyền thọ hưởng các dục nhưng không đi đến say đắm đam mê, làm các công đức. Lời giáo huấn của Ngài rất rõ ràng. Muốn sống hạnh phúc, phải sống theo giới luật của người tại gia, thâu hoạch tài sản đúng pháp do tự cánh tay, tự mình đổ mồ hôi làm ra, đặc biệt là phải làm các hạnh lành. Những lời dạy này của đức Phật mãi cho đến nay vẫn được các Phật tử hành trì và được xem là mẫu mực tốt đẹp cho một đời sống văn minh đạo đức.

Một đặc điểm nữa của bậc Đạo Sư chúng ta là Ngài có một lòng ưu ái rất đặc biệt đối với các đệ tử của Ngài, luôn luôn sách tấn họ tận lực tu hành: Như được thấy trong các đoạn kinh sau đây (Trung Bộ Kinh III, 96): "Này Ananda, những gì bậc Đạo Sư cần phải làm, vì lòng từ mẫn, mưu tìm hạnh phúc cho các đệ tử, những điều ấy đã được Ta làm, vì lòng từ mẫn của Ta đối với người. Này Ananda đây là những gốc cây. Đây là khoảng nhà trống. Hãy tu Thiền, này Ananda, chớ có phóng dật, chớ có hối hận về sau. Đây là lời dạy của Ta cho các ông".

Một ưu điểm trong sứ mệnh hoằng pháp độ sanh của đức Phật là Ngài luôn luôn giữ đúng vị trí của một bậc Đạo Sư đối với các đệ tử. Trong kinh Ganaka Moggallàna, Bà-la-môn Ganaka hỏi đức Phật: “Có phải khi Sa-môn Gotama giảng dạy như vậy, tất cả đệ tử của Ngài đều chứng được cứu cánh Niết Bàn?" Đức Phật đã trả lời là một số chứng được cứu cánh Niết Bàn, một số không chứng được. Ganaka bèn hỏi: "Do nhân gì, duyên gì, trong khi có Niết Bàn, trong khi có một con đường đưa đến Niết Bàn, trong khi có một Tôn giả Gotama được Tôn giả là bậc chỉ đường, tuy vậy các đệ tử Tôn giả Gotama được Tôn giả khuyến giáo, bảo vệ giảng dạy như vậy, mà một số chứng được cứu cánh Niết Bàn và một số không chứng được?”

Đức Phật trả lời một cách rất nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng cũng rất thiết thực và tuyệt diệu. Ngài giữ đúng vị trí của bậc Đạo Sư đối với các đệ tử: "Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có một Niết Bàn, có một con đường đưa đến Niết Bàn, và trong khi có mặt Ta là người chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh Niết Bàn một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường” (Trung Bộ Kinh III, trang l05).

Câu trả lời của đức Phật vừa nói lên trách nhiệm của một bậc Đạo Sư là trình bày giảng dạy con đường giải thoát giác ngộ, chứ không phải thay thế đệ tử tu hành giúp cho các đệ tử. Thái độ đức Phật trong tư cách của một bậc Đạo Sư cũng nói lên lòng tin tưởng của mình đối với khả năng hiểu biết và tu chứng của mình đối với khả năng hiểu biết và tu chứng của các đệ tử của mình. Ngài chỉ dạy con đường, các dệ tử phải tự mình dấn bước trên con đường ấy. Không những đức Phật đóng đúng vị trí bậc Đạo Sư đối với các đệ tử. Ngài còn đặt ra những tiêu chuẩn để hướng dẫn các đệ tử phải tìm thầy học đạo như thế nào để có thể được giải thoát giác ngộ, như đã trình bày trong kinh Khu rừng, Trung Bộ Kinh I, trang l08:

"Vị Tỳ kheo đệ tử cần phải suy tư như sau: “Ta sống gần người này, các niệm chưa an trú được an trú, tâm chưa định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ, được đoạn trừ, và vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa được thành đạt được thành đạt, và những vật dụng này cần thiết cho một đời sống xuất gia phải được sắm đủ, như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, những vật dụng này nhận được một cách không khó khăn”. Chư Tỳ kheo, vị Tỳ kheo ấy cần phải trọn đời theo sát người này, không được bỏ đi, dầu cho có bị xua đuổi”.

Như vậy tiêu chuẩn của một bậc Đạo sư lý tưởng đối với các đệ tử, một mặt phải đem lại những vật dụng vật chất cần thiết để nuôi đưỡng người đệ tử, một mặt phải đáp ứng nhu cầu giải thoát giác ngộ của người đệ tử “Niệm chưa an trú được an trú, tâm chưa được định tĩnh được định tĩnh, các lậu hoặc chưa hoàn toàn đoạn trừ được hoàn toàn đoạn trừ”.

Như vậy đoạn này trình bày rõ ràng những tiêu chuẩn để người đệ tử lựa chọn bậc Đạo sư, và bổn phận bậc Đạo sư cần phải làm đối với đệ tử.

Kinh Đại Không, Trung Bộ Kinh III, trang 267 lại minh định rõ ràng hơn những tiêu chuẩn, một đệ tử Thanh văn nghĩ là hợp lý xứng đáng để đi theo một bậc Đạo sư dầu cho bị hắt hủi. Nếu bậc Đạo sư có khả năng giảng dạy Khế kinh và Phúng tụng v.v... thật chưa xứng đáng cho một đệ tử bám sát theo vị Đạo sư dầu cho bị hắt hủi vì rằng: "Trong một thời gian dài, các pháp đã được các người nghe, thọ trì, đọc lớn tiếng, suy tư với ý, khéo thấu hiểu với Chánh trí. Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhất hướng ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, Niết Bàn, như là Thiểu dục luận, Tri túc luận, Độc cư luận, Bất chúng hội luận, Tinh cần luận, Giới luận, Định luận, Tuệ luận, Giải thoát luận, Giải thoát trí kiến luận. Này Ananda, do nhân duyên những loại thuyết luận như vậy, thật xứng đáng cho một Thanh văn đệ tử bám sát vị Đạo sư dầu cho bị hất hủi. Nói một cách rõ ràng hơn, chỉ có bậc Đạo sư dạy cho các đệ tử đạt được Thiểu dục, Tri túc, Độc cư, Bất chúng hội, Tinh cần, Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến mới thật xứng đáng cho người đệ tử trọn đời theo vị ấy dầu cho bị hất hủi. Và chúng ta có thể nói một bậc Đạo sư đáp ứng được những tiêu chuẩn như trên sẽ không bao giờ hất hủi một vị đệ tử nhiệt thành như vậy. Cũng trong kinh Đại Không, đức Phật yêu cầu các đệ tử đối với Ngài nên đối xử với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch, vì như vậy các đệ tử sẽ được hạnh phúc lâu dài: "Và như thế nào, là các đệ tử đối xử vị Đạo sư với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu?...". "Ở đây này Ananda, vị Đạo sư vì lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, mong cầu hạnh phúc cho các đệ tử, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Đây là hạnh phúc cho các ông, đây là an lạc cho các ông". Nhưng các đệ tử của vị ấy không chịu nghe theo, không chịu lóng tai, chú tâm vào hướng khác (annan), ngược lại, họ đi xa lời giảng dạy của vị Đạo sư. Này Ananda, như vậy là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư, với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu. Và như thế nào này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư, với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch? Ở đây, này Ananda vị Đạo sư với lòng từ mẫn nói rằng: "Đây là an lạc cho các ông". Các đệ tử của vị ấy chịu nghe theo, chịu lóng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngược lại đi xa lời dạy của bậc Đạo sư. Này Ananda, như vậy là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư với tâm thân hữu, không phải với tâm thù nghịch. Do vậy, này Ananda, như vậy hãy đối xử với Ta với tâm thân hữu, chớ với tâm thù nghịch và như vậy sẽ là hạnh phúc, là an lạc lâu dài cho các ông".

Đến đây, đức Phật tuyên bố rõ ràng là Ngài không sách tấn các đệ tử của Ngài như người thợ gốm đối với đồ gốm chưa nung, chưa dược nung chín vì sợ các đồ gốm chưa được nung sẽ bị bể và đức Phật tuyên bố: "Ta sẽ nói hết lời chỉ trích này đến lời chỉ trích khác, hết lời tán thán này đến lời tán thán khác”, nghĩa là các đệ tử nào xứng đáng bị rầy la thời Ngài rầy là thẳng thắn, không nhân nhượng. Và những đệ tử nào xứng đáng được tán thán thời bậc Đạo sư của chúng ta nói lên những lời tán thán, không có tiếc lời. Và Ngài giải thích vì sao Ngài có thái độ như vậy. “Vì cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ tồn tại lâu dài (yo sàro so thassati)". Bậc Đạo sư dạy cho các đệ tử đạt cho được lõi cây của Phạm hạnh, không dừng lại ở giác cây, vỏ trong, vỏ ngoài và cành lá của Phạm hạnh, vì chỉ khi nào đạt được lõi cây Phạm hạnh, nghĩa là thật sự giác ngộ và giải thoát, khi ấy vị đệ tử mới đạt được cứu cánh của sự tu hành hoàn toàn được hạnh phúc an lạc lâu dài. Thật sự chúng ta có một bậc Đạo sư tha thiết mong cho các đệ tử của mình, xuất gia cũng như tại gia, được chân hạnh phúc. Và hạnh phúc lâu dài chỉ đến với những vị thật sự giải thoát, thật sự giác ngộ.

Như vậy, chúng ta đã lần lượt trình bày về "Đức Phật của chúng ta” dưới sáu đặc điểm:

1. Đức Phật với mục đích duy nhất cứu khổ, độ sanh.
2. Ngang qua kinh nghiệm bản thân, Ngài tìm ra con đường giải thoát cho mình và cho mọi loài.
3. Vị trí có một không hai của đức Phật.
4. Đức Phật với thần thông.
5. Đức Phật với vị trí con người.
6. Đức Phật với vị trí là một bậc Đạo sư.

Với sáu đặc điểm trên, và dựa trên những tư liệu kinh tạng Pali, chúng tôi chỉ có thể xem là tạm đủ để trình bày một vài đặc điểm về thân thế và sự nghiệp của bậc "Đạo sư của chúng ta”. Hình ảnh dầu cho chưa đầy đủ này cũng giúp chúng ta thấy rõ, đức Phật luôn luôn đứng trên vị trí con người để tầm đạo, học đạo, tu tập Thiền quán và chứng ngộ đạo quả và hoằng pháp độ

sanh. Không bao giờ Ngài cầu khẩn thần linh ban phước, thần khởi, Ngài hoàn toàn dựa vào tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực của con người ở trong Ngài để tìm ra được phương pháp giải thoát giác ngộ.

Cũng vậy, trong nhiệm vụ độ sanh, Ngài hoàn toàn dựa trên tâm lý con người, hướng dẫn con người hướng thượng, giúp con người thoát khỏi các cám dỗ của dục vọng hạ liệt làm hại phẩm giá con người, giúp con người

vươn lên đạt được những tâm lý hướng thượng, bằng phương pháp Thiền định, Thiền quán và cuối cùng dùng trí tuệ để đoạn tận khổ đau. Chúng ta có thể nói đức Phật là một con người toàn diện, sử dụng toàn diện khả năng con người để được giác ngộ giải thoát.

(Bài giảng nhân mùa Phật Đản,
Phật lịch 2539
- 1995 tại Thiền Viện Vạn Hạnh)


2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CÓ TRÍ, CỦA TRÍ TUỆ TRONG ĐẠO PHẬT

Mục đích của đạo Phật là diệt khổ và đem vui cho mọi loài, nhưng phải là người có trí mới biết được con đường đưa đến an lạc và hạnh phúc. Mục đích của đạo Phật là giải thoát và giác ngộ, và chỉ có trí tuệ (Pannà) mới là phương tiện duy nhất đưa loài Người đến bờ giải thoát và giác ngộ.

Do vậy vai trò của người có trí và vai trò của trí tuệ chiếm cứ vị trí then chốt trong mọi lời dạy của đức Bổn Sư chúng ta. Và chúng ta có thể nói đạo Phật là đạo của người có trí, là đạo của tuệ giác để tìm cho dược một định nghĩa thỏa đáng cho đạo Phật.

Trước hết chúng ta nên phân biệt giữa người có trí thức như thông thường được hiểu và người có trí tuệ như đạo Phật thường định nghĩa. Người có trí thức là người có thể có một tri thức uyên bác về một vấn đề gì, có thể phân tích trình bày vấn đề ấy một cách khúc chiết và triệt để, nhưng người ấy là người chỉ có biết chớ không có hành, và người ấy đối với vấn đề ấy vẫn có thể bị chi phối, không được tự tại. Ví như một người có thể hiểu biết rất nhiều về vấn đề rượu, hiểu rượu gồm có những chất liệu gì, tác động của rượu đến với cơ thể như thế nào, các sự nguy hại của rượu như thế nào. Người ấy gọi là người có trí thức về rượu nhưng người ấy vẫn uống rượu, vẫn bị say ruợu, vẫn bị rượu chi phối. Như vậy, người ấy chưa có trí tuệ về rượu. Trái lại, một người hiểu rõ được rượu là gì, biết rõ được sự nguy hại của rượu, lại có khả năng không bị rượu chi phối, không uống rượu, không nghiện rượu, không say rượu, vượt ra khỏi sự chi phối của rượu. Như vậy người ấy được xem là người có trí tuệ về rượu. Có người hỏi, nếu có người không có tri thức về rượu, nhưng không uống rượu, người ấy có được xem là có trí tuệ không, lẽ dĩ nhiên là không. Người ấy vẫn hưởng được những lợi ích do không uống rượu đưa đến, như không say rượu, không nghiện rượu do cử chỉ không uống rượu của mình. Nhưng rất có thể, trong một trường hợp đặc biệt nào đó, vì thiếu khả năng đối trị với sự cám dỗ của rượu, vị ấy sẽ bắt đầu uống rượu, đi đến say rượu và nghiện rượu. Với sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được định nghĩa người có trí như đã được đức Phật định nghĩa rất rộng rãi trong những lời dạy của Ngài.

Tăng I, trang 113 nêu rõ sự sai khác một trời một vực giữa người ngu và người trí: "Thành tựu ba pháp, người ngu được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Thành tựu ba pháp, người trí được biết đến. Thế nào là ba? Thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện" .

Một sự sai khác rõ rệt nữa giữa người ngu và kẻ trí là đối với các cảm thọ. Người ngu khi gặp khổ thọ về thân, thời sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Đức Phật ví dụ như người rơi vào vực thẳm, không đứng trên bờ, không đạt chỗ chân đứng an toàn. Còn bậc trí, đối với khổ thọ về thân, thời “Không sầu muộn, không than van, không khóc lóc, không đập ngực, không đi đến bất tỉnh”. Như vậy đức Phật dạy vị ấy được gọi là: "Bậc Thánh đệ tử nghe nhiều đã đứng trên bờ vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng an toàn". (Tương IV, 212). Bậc Đạo Sư lại nói thêm. Người ngu si nghe ít, khi cảm xúc khổ thọ, thời sầu muộn, than van... đi đến bất tỉnh, như vậy cảm thọ hai loại cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn trúng hai mũi tên, vừa đau khổ về thân vừa đau khổ về tâm. Lại nữa, người ngu si ít nghe, khi cảm xúc khổ thọ, cảm thấy sân hận nên sân tùy miên tồn tại và tăng trưởng. Vị ấy tìm sự xuất ly khỏi khổ thọ bằng cách hoan hỷ dục lạc, do không tìm được một xuất ly nào khác. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Vị ấy không như thật biết sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại và tùy tăng. Như vậy, nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm giác như người bị trói buộc. Ở đây, đức Phật dạy: “Người ngu si nghe ít, bị trói buộc bởi sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ”. (Trang 213-214).

Còn đối với bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không có sầu muộn, than van, khóc lóc, đập ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm giác một cảm thọ, tức cảm thọ về thân, không cảm thọ về tâm. Đức Phật ví như người bị bắn bởi một mũi tên, chỉ đau khổ về thân, không đau khổ về tâm. Lại nữa, vị Thánh đệ tử nghe nhiều, khi cảm xúc khổ thọ, không cảm thấy sân hận nên sân tùy miên không tồn tại tăng trưởng. Vị ấy tìm được sự xuất ly ra khỏi khổ thọ, ngoài dục lạc. Vị ấy không hoan hỷ dục lạc, nên tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại, không có tùy tăng. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự chấm dứt, vị ngọt, sự nguy hại và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Do vậy vô minh tuy miên đối với bất khổ bất lạc thọ không tồn tại, không có tùy tăng. Như vậy, vị Thánh đệ tử nghe nhiều ấy cảm giác khổ thọ, cảm giác lạc thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ, không có như người bị trói buộc. đây, đức Phật dạy: “Vị Thánh đệ tử nghe nhiều, không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói người ấy không bị trói buộc bởi đau khổ”. (Trang 214-215).

Được hỏi sự sai khác giữa người ngu và bậc Hiền trí, đối với các thân do vô minh che đậy, do ái phược ràng buộc khởi lên quan điểm có thân này, có danh sắc ở ngoài. Do duyên thân này, có sáu xúc xứ và có cảm thọ lạc khổ. Vậy có sự sai khác gì giữa bậc Hiền trí và kẻ ngu? Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân này của người ngu được sanh khởi. Vô minh ấy, người ngu không đoạn tận. Tham ái ấy người ngu không tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, người ngu sống Phạm hạnh không phải vì chân chánh đoạn tận khổ đau. Do vậy, người ngu, khi thân hoại mạng chung, đi đến một thân khác. Do đi đến một thân khác, vị ấy không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng vị ấy không thoát khổ đau”. (Tương ưng II, 28-29).

"Và này các Tỳ kheo, bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc, thân người Hiền trí được sanh khởi. Vô minh ấy người Hiền trí đoạn tân. Tham ái ấy, người Hiền trí tận trừ. Vì cớ sao? Này các Tỳ kheo, người Hiền trí sống Phạm hạnh, vì chân chánh tận trừ khổ đau. Do vậy người Hiền trí khi thân hoại mạng chung không đi đến một thân khác. Do không đi đến một thân khác, vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng vị ấy thoát khỏi đau khổ”. (Tương II, 28-29).

Một phân biệt tế nhị nữa là người có trí ưa thích im lặng như biển lớn, như cái gì đầy tràn, như ao đầy nước, còn kẻ ngu thì ồn ào như khe núi, như cái gì trống rỗng, như ghè vơi nước:

"Hãy học các dòng nước
Từ khe núi vực sâu;
Nước khe núi chảy ồn,
Biển lớn đầy im lặng.
Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy yên lặng,
Ngu như ghè vơi nước,
Bậc trí như ao đầy” (Tiểu Bộ I
, 106)

Có người hỏi vì sao bậc có Trí sống Phạm hạnh rừng sâu, ăn một ngày một bữa, lại có dung sắc thù diệu, còn kẻ ngu lại héo mòn, như lau xanh rời cành. Đức Phật trả lời với bài kệ:

"Thường sống trong rừng núi,
Bậc Thánh sống Phạm hạnh
Một ngày ăn một bữa,
Sao sắc chúng thù diệu?

Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp đên,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới,
Do tham việc đã qua,
Nên kẻ ngu héo mòn,
Như lau xanh rời cành".
" (Tương Ưng I, 6)

Một số sự sai biệt nữa giữa người ngu kẻ trí được khéo diễn tả trong một số bài kệ sau đây:

"Người ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật,
Người trí không phóng dật,
Như giữ tài sản quý". (Pháp Cú 26)

"Người trí dẹp buông lung
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Bậc trí không âu lo,
Nhìn chúng sinh sầu muộn,
Chẳng khác đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu đất bằng!”
(Pháp Cú 28)

Đối với đời, người ngu kẻ trí có thái độ thật sai khác:

"Hãy đến nhìn đời này
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Bậc trí nào đắm say". (Pháp Cú 7)

Nhiều khi sự sai biệt giữa người trí kẻ ngu, sai biệt chỉ bằng gang tấc, tiến tới thành người ngu, dừng lại là bậc trí:

"Người ngu nghĩ mình ngu,
Như vậy thành có trí,
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu". (Pháp Cú 64)

Một sự sai khác, khá rõ rệt là thái độ người ngu kẻ trí đối với Chánh pháp:

"Người ngu dù trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp
Như muỗng với vị canh.

Người trí dù một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh"
. (Pháp Cú 64-65)

Ở nơi đây chúng ta cũng đã thấy vì sao, người ngu hay xuyên tạc lời dạy của đức Phật, còn người Hiền trí bao giờ cũng giữ một thái độ đứng đắn, trung thành với lời dạy của Ngài: "Này các Tỳ kheo, có hai hạng người này hay xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói, có thuyết là Như Lai không nói không thuyết. Và người nêu rõ Như Lai không nói không thuyết là Như Lai có nói có thuyết".

"Này các Tỳ kheo, có hai hạng người này không xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ Như Lai có nói có thuyết là Như Lai có nói có thuyết. Và người nêu rõ Như Lai không nói không thuyết là Như Lai không nói không thuyết". (Tăng I, 72-73)

Khi chúng ta đã hiểu được định nghĩa người có trí ngang qua một số lời dạy của đức Phật, chúng ta nay có khả năng trình bày các định nghĩa căn bản của trí tuệ (Pannà, prajnà) trong đạo Phật và khả năng của trí tuệ đưa đến giác ngộ và giải thoát.

Trước hết là một số định nghĩa căn bản của trí tuệ: "Như thế nào được gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, vì có tuệ tri nên được gọi là trí tuệ. Tuệ tri gì? Tuệ tri (Pajànàti) đây là Khổ. Tuệ tri đây là Khổ tập. Tuệ tri đây là Khổ diệt. Tuệ tri đây là con đường đưa đến Khổ diệt. Vì tuệ tri, vì tuệ tri nên được gọi là trí tuệ. (Trung I, 293)". Như vậy trí tuệ là biết với tuệ tri: biết sự kiện, biết sự kiện tập khởi, biết sự kiện đoạn diệt, biết con đường đưa đến sự kiện đoạn diệt. Mở rộng thêm định nghĩa này là tuệ tri vị ngọt (Assàda), tuệ tri sự nguy hiểm (àdinavà), và tuệ tri sự xuất ly (nissarana) của các pháp và do vậy nói chung có tất cả bảy lãnh vực cần phải tuệ tri, đối với một pháp, hay đối với bất cứ sự kiện nào, dù tốt hay xấu cũng vậy. Như lấy dục làm đối tượng, thời phải tuệ tri dục, dục tập khởi, dục đoạn diệt, con đường đưa đến dục đoạn diệt, vị ngọt của dục, sự nguy hiểm của dục và sự xuất ly ra khỏi dục. Biết như vậy mới gọi là tuệ tri.

Một định nghĩa nữa của trí tuệ được đề cập đến. “Thế nào là tuệ lực? Ở đây, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu sự trí tuệ về sanh diệt, với sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau (Tăng II, B trang 28)”. Trí tuệ về sanh diệt tức là tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt các pháp, như trước chúng ta đã thấy. Nay có thêm định nghĩa mới là sự thể nhập bậc Thánh vào con đường đoạn tận khổ đau. Danh từ Pàli chuyên môn là Ariyàya nibbedhikàya sammàdukkha-kkhaya-gàminiyà (D. III, 237). Ở đây chữ Nibbedhikàya có hai cách dịch, một là sự thể nhập, đi sâu vào con đường có khả năng đoạn tận khổ đau, tức là có khả năng giải thoát khỏi đau khổ. Cách dịch thứ hai là có khả năng đâm thủng dục lậu hữu lậu, vô minh lậu, hay tham, sân, si để cuối cùng đoạn tận khổ đau. Như vậy trí tuệ, ngoài khả năng tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt, còn có khả năng đâm thủng được vô minh để cuối cùng được giải thoát. Một định nghĩa nữa lại càng làm rõ rệt hơn càng nâng diệu dụng của trí tuệ (Pannà). "Trí tuệ có nghĩa là thắng tri (abhinnàttha), có nghĩa là liễu tri (parinnattha), có nghĩa là đoạn tận (pahànattha)".

Như vậy trí tuệ có khả năng thắng tri, tức là biết với Thiền định, và Thiền định đây là Thiền định bất động thứ tư. Lại có khả năng liễu tri với sự hiểu biết rốt ráo trọn vẹn; và cuối cùng có khả năng đoạn tận các lậu hoặc, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, đoạn diệt được tham, sân, si, chấm dứt khổ đau. Cho được rõ ràng hơn, chúng ta cần phân biệt tưởng tri (sanjànàti) nhờ tưởng (sannà) đưa đến, thức tri (vijànàti) do thức (vinnàna) đưa đến, và ý tri (Jànàti) do ý (manas) đưa đến. Tưởng tri, thức tri và ý tri là ba sự hiểu biết thông thường của thế gian, đưa đến sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, triết học, bác học v.v... Đạo Phật đóng góp thêm thắng tri và tuệ tri sự hiểu biết ngang qua Thiền định, tạo thêm sức mạnh cần thiết để con người làm chủ được bản thân, làm chủ được hoàn cảnh. Tuệ tri đưa đến một hiểu biết toàn diện, hoàn mãn, có khả năng đâm thủng vô minh, đoạn tận tham, sân, si, đưa đến chấm dứt khổ đau. Nhưng tri tuệ chưa phải là cứu cánh mà chỉ là phương tiện đưa đến giải thoát. Với tri tuệ như vậy, vị ấy sanh nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ và cuối cùng đưa đến giải thoát, theo tiến trình như sau: "Do nhàm chán nên ly tham; do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Nay không còn trở lui trạng thái này nữa" (Tương ưng IV, 29).

Như vậy vai trò của trí tuệ là lựa chọn các đối tượng để quán tri, để tuệ tri, và nhờ tuệ tri mới đưa đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ và cuối cùng là giải thoát. Các đối tượng rất nhiều, tùy theo pháp môn lựa chọn, tùy theo căn cơ của vị hành giả nhưng nếu đối tượng có khác, pháp môn tu tập có khác, tiến trình giải thoát có thể xem là giống nhau hay gần giống nhau.

Sau đây là một số tiến trình giải thoát, trích thuật từ kinh tạng Pàli, nói lên vai trò của trí tuệ đưa đến giải thoát và giải thoát tri kiến. Trong kinh Xà Dụ, đối tượng cần phải tuệ quán là năm thủ uẩn: Sắc, thọ, tường, hành, thức, bất cứ năm thủ uẩn nào, quá khứ, vị lai, hiện tại; nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả năm thủ uẩn cần phải được tuệ quán: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi. Nhờ tuệ quán như vậy, vị Đa văn Thánh đệ tử yểm ly sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa" (Trung I, 138b).

Trong Đại Kinh Mã ấp, đối tượng cần phải tuệ quán là khổ và các lậu hoặc. Vị hành giả cần phải tuệ tri: "Đây là Khổ"; "Đây là Khổ tập"; "Đây là Khổ diệt", "Đây là con đường đưa đến Khổ diệt”. “Đây là những lậu hoặc"; "Đây là lậu hoặc tập khởi"; "Đây là những lậu hoặc đoạn diệt”; “Đây là con đường đưa đến lậu hoặc diệt”. Nhờ tuệ tri như vậy, hiểu biết như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi Dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm. Sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa" (Trung I, trang 279).

Trong kinh Đoạn giảm, đối tượng cần phải tuệ quán là các sở kiến. "Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi. Có vậy thời có sự đoạn trừ các sở kiến ấy có sự xả ly những sở kiến ấy" (Trung I, 40-40a).

Trong kinh Mật Hoàn, đối tượng được lựa chọn là các vọng tưởng hý luận (papancasan-nasankhà): "Này các Tỳ kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu ái tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở nơi đây, những ác bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không có dư tàn" (Trung I, 110).

Trong kinh Song Tầm, đức Phật kể lại kinh nghiệm của Ngài khi Ngài chưa giác ngộ, Ngài đã sử dụng bất thiện tầm và thiện tầm như thế nào để hành trì Giới, Định, Tuệ, cuối cùng đưa đến giải thoát, giác ngộ. Ngài chia các loại tầm ra hai loại: Bất thiện tầm và dục tầm, sân tầm, hại tầm, và thiện tầm là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm. Khi dục tầm, sân tầm, hại tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: "Các bất thiện tầm này khởi nơi Ta, và các bất thiện tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn". Khi Bồ Tát khởi lên suy tư như vậy thời các bất thiện tầm biến mất, và vị Bồ Tát tiếp tục từ bỏ, tẩy trừ, chấm dứt các bất thiện tầm khởi lên.

Khi ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm khởi lên, vị Bồ Tát tuệ tri: "Các thiện tầm này khởi nơi Ta; và các thiện tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não, đưa đến Niết Bàn. Nếu ban đêm, Ta suy tầm suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, không phải từ nhân duyên ấy, Ta thấy sợ hãi. Nếu ban ngày, Ta suy tầm suy tư về ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, không phải từ nhân duyên ấy Ta thấy sợ hãi. Và nếu Ta suy tầm suy tư quá lâu thân thể Ta có thể mệt mỏi. Khi thân mệt mỏi, thì tâm bị dao động. Khi tâm bị dao động, thì tâm xa lìa định tĩnh. Rồi tự nội thân, Ta trấn an tâm, trấn định tĩnh. (Trung I, 116-116A)”. Với tâm định tĩnh như vậy, vị Bồ Tát đoạn trừ năm triền cái, chứng sơ Thiền, nhị Thiền, tam Thiền, tứ Thiền; chứng Túc mạng trí, Thiên nhãn trí, Lậu tận trí và cuối cùng được giải thoát giác ngộ”.

Nay chúng tôi đề cập đến lý duyên khởi để giải thích vai trò của trí tuệ, lấy con người làm đối tượng để tuệ quán, và từ nơi đây, vừa tìm được công thức đưa đến sự có mặt của con người và sự tập khởi của toàn bộ năm thủ uẩn, vừa tìm được công thức duyên diệt, đưa đến sự chấm dứt sanh tử và toàn bộ năm thủ uẩn này, như đã được diễn tả trong Ái Tận Đại Kinh (Trung I trang 261b).

Trước hết, đức Phật đặt vấn đề sự có mặt của con người (Bhùta), sự có mặt này lấy bốn thức ăn làm nhân duyên, làm tập khởi, làm sanh chủng, làm hiện hữu, và một khi bốn món ăn này đoạn diệt thì cũng chấm dứt sự có mặt của sinh vật này. Sinh vật đã do bốn món ăn làm tập khởi ái do thọ làm tập khởi, thọ do xúc làm tập khởi, xúc do sáu xứ làm tập khởi, sáu xứ do danh sắc làm tập khởi, danh sắc do thức làm tập khởi, thức do hành làm tập khởi, hành do vô minh làm tập khởi. Như vậy duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có sáu xứ, duyên sáu xứ có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ năm thủ uẩn.

Như vậy, do duyên sanh nên có già chết, do duyên hữu nên có sanh, do duyên thủ nên có hữu, do duyên ái nên có thủ, do duyên thọ nên có ái, do duyên xúc nên có thọ, do duyên sáu xứ nên có xúc, do duyên danh sắc nên có sáu xứ, do duyên thức nên có danh sắc, do duyên hành nên có thức, do duyên vô minh nên có hành. Như vậy đức Phật xác chứng duyên sanh của toàn bộ khổ uẩn tức là con người với công thức: "Cái này có mặt, cái đây có mặt. Cái này sanh, cái đây sanh”. (Imasmin sati, idam hoti, Imass uppadà, idam uppajjati).

Từ lý duyên sanh, đức Phật đi đến lý duyên diệt. Do vô minh đoạn diệt xả ly một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ năm thủ uẩn diệt.

Như vậy do sanh diệt nên già chết diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do ái diệt nên thủ diệt, do thọ diệt nên ái diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt, do thức diệt nên danh sắc diệt, do hành diệt nên thức diệt, do vô minh diệt nên hành diệt. Như vậy đức Phật xác chứng lý duyên diệt với công thức: "Cái này không có mặt, cái đây không có mặt. Cái này diệt, cái đây diệt”. (Imasmin asati, idam na hoti. Imassa nirodhà, idam nirajjati). Vị hành giả, với trí tuệ biết được hai công thức duyên sanh và duyên diệt, nên sau khi giữ giới, sau khi chứng bốn Thiền định, khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, vị ấy không tham ái đối với sáu trần khả ái, không ghét bỏ đối với sáu trần không khả ái, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với một tâm vô lượng. Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng, các bất thiện pháp được trừ diệt một cách hoàn toàn. Như vậy, vị ấy từ bỏ thuận ứng nghịch ứng, có cảm thọ nào khởi lên, vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không đắm trước thọ ấy. Vì vị ấy không có tùy hỉ, không có hoan nghênh, không có đắm trước, nếu có dục hỷ khởi lên, đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt không có dư tàn. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt, do thủ diệt nên hữu diệt, do hữu diệt nên sanh diệt, do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ năm thủ uẩn này.

Như vậy, với những đối tượng sai khác như năm thủ uẩn, khổ và các lậu hoặc, các sở kiến, các vọng tưởng hý luận, các bất thiện tầm và các thiện tầm, lý duyên khởi, trí tuệ đóng một vai trò then chốt trong trách nhiệm tuệ tri các đối tượng, liễu tri các đối tượng, cuối cùng đoạn tận được các lậu hoặc để chứng quả A-la-hán.

Để nêu rõ định nghĩa và vai trò của trí tuệ hơn nữa, chúng tôi ghi chép sau đây một vài câu Phật dạy trích dẫn từ kinh tạng Pàli để chứng minh các sự giải thích trên:

"Tất cả hành vô thường
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con
đường thanh tịnh.

Tất cả hành khổ đau,
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con
đường thanh tịnh.

Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán,
Chính con đường thanh tịnh”. (Pháp Cú 277, 278, 279)

"Thấy Khổ và Khổ tập
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy Đường Thánh tám nghành,
Đưa đến khổ não tận". (Pháp Cú 191)

"Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng, mắt trí tuệ,
Cả ba loại mắt ấy
Được bậc Vô thượng nhân,
Đ
ã tuyên bố trình bày ...

Từ đây trí khởi lên.
Tuệ nhãn là tối thượng
Ai chứng được mắt ấy
Giải thoát mọi khổ đau”. (Phật Thuyết Như vậy, Trang 457-458)

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

 

Chân thành cám ơn đạo hữu HTM đã gửi tặng bản vi tính và đạo hữu TĐH đã giúp dò soát.
(Bình Anson, 03-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-03-2004