BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU-Times font (Viet-Pali Unicode)


Ân Đức Phật Pháp Tăng

Tỳ khưu Pháp Thanh


Lời Ngỏ

Nhằm mục đích giúp cho quí độc giả có một tài liệu để tìm hiểu ân đức Tam Bảo và nghiên cứu giáo lý căn bản trước khi quy y, quyển sách nhỏ này tổng hợp từ các kinh sách để quí vị nghiên cứu và so sánh khi chọn cho mình một hướng đi đúng đắn trên đường tầm cầu giải thoát. Quyển sách cũng giúp những Phật tử sơ cơ có một số hiểu biết căn bản về giáo lý và ân đức Phật-Pháp-Tăng, để đức tin càng thêm vững chắc. Trước đây, các bậc cao tăng cũng như một vài đạo hữu đã biên soạn các tài liệu tương tự, nhưng đến nay, số sách ấy đã không còn lưu hành.

Thêm vào đó, tài liệu biên soạn trước kia có phần rời rạc, như các quyển về ân đức Phật bảo và Tăng bảo của ngài Hòa thượng Bửu Chơn, nay xin đem chút tài mọn nhằm hệ thống lại và trình bày thêm một số đặc điểm được lược trích từ kinh chánh Tạng hoặc từ sách và tài liệu của các bậc cao tăng tiền bối, hầu  giúp cho quí vị Phật tử nghiên cứu kỹ càng, tránh những hiểu biết lệch lạc về Đức Phật, Giáo pháp và Tăng đoàn.

Quyển sách được viết ra để góp phần công đức nhỏ bé trong công việc củng cố Chánh pháp, thêm một viên sỏi nhỏ vào nền tảng Phật giáo Nguyên thủy; cũng để tỏ lòng thành kính tri ân đến các bậc thầy tổ đã có công đức quí báu đem ánh sáng Chánh pháp truyền bá và các bậc Tiền bối đã có những cống hiến lớn lao cho Giáo hội, cũng như nền Phật giáo Nguyên thủy tại Việt Nam. Với tài năng non kém - dù được sự giúp đỡ của Hòa thượng ân sư và sư huynh, sư đệ - nhưng chắc rằng cũng còn những kiếm khuyết. Kính mong quí Ngài, chư đại đức Tăng, chư Phật tử niệm tình hỷ xã cho; và xin thành thật tri ân nếu được quí vị đóng góp chỉ bảo thêm.

Kính dâng phần phước này đến Hòa thượng ân sư nhân ngày sinh nhật, đại thọ năm thứ chín mươi sáu (96), mong phước quí báu này hỗ trợ cho Ngài càng tăng long phước thọ để dìu dắt chúng con trên bước đường tu học.

Kính dâng phần phước cao quí này đến chư đại đức Tăng, các sư huynh, sư đệ đã tận tình chỉ bảo khi mới chập chửng những bước đầu tiên trên đường tu học, và đã cho những lời động viên tinh thần cùng những sự giúp đỡ quí báu về vật chất.

Ngoài ra, bản thân còn được sự giúp đỡ của chư Phật tử các chùa: Pháp Bảo (Mỹ Tho), Tam Bảo (Đà Nẵng), Tứ Phương Tăng và Tam Bảo (Bình Long), Phước Quang (Bình Định), chư Phật tử ở Buôn Mê Thuộc v.v… cùng quí thí chủ gần xa. Nhờ thế, quyển sách nhỏ bé này mới được thành tựu tốt đẹp. Xin chia đều phần phước quí nầy đến tất cả quí vị, mong phước báu này hổ trợ cho tất cả quí vị càng tăng thêm trí tuệ, dỏng mãnh tinh tấn trên đường tu tập, sớm đoạn tận phiền não, khổ đau.

Kính dâng phần phước này đến thân phụ và gia quyến.

Xin hồi hướng đến các bậc thầy tổ:

- Ngài Hòa thượng Hộ Tông,

- Ngài Hòa thượng Giới Nghiêm,

- Ngài Hòa thượng Bửu Chơn,

- Ngài Hòa thượng Nārāda,

- Đại đức Nhuận Quang,

Cùng toàn thể các bậc thầy tổ, chư đại đức Tăng, thân bằng quyến thuộc, thân mẫu và những bậc hữu ân đã quá vãng.

Mong tất cả đều được thọ lãnh này, được siêu sanh nhàn cảnh và sự an vui càng tăng tiến thêm.

Tháng bảy, mùa an cư Phật lịch 2542
Chùa Pháp Bảo (Mỹ Tho)
Tỳ khưu Pháp Thanh.

*

TÁM ĐẶC CHUẨN TIÊU BIỂU CỦA TINH THẦN PHẬT GIÁO

1.        Pháp tu tập đưa đến ly tham, không đưa đến tham.

2.        Pháp tu tập đưa đến diệt trừ phiền não, không đưa đến tích tập phiền não.

3.                  Pháp tu tập đưa đến thoát khổ, không đưa đến sự khổ.

4.        Pháp tu tập đưa đến thiểu dục, không đưa đến say đắm.

5.        Pháp tu tập đưa đến tri túc, không đưa đến tham đắm vô độ.

6.        Pháp tu tập đưa đến độc cư viễn ly, không đưa đến sự tụ tập hội họp.

7.        Pháp tu tập đưa đến sự tinh tấn, không đưa đến biếng nhác.

8.        Pháp tu tập đưa đến sự dễ nuôi, không đưa đến sự khó nuôi.

Pháp nào hội đủ tám đặc chuẩn này thì đó được xem là giáo pháp của bậc Đạo sư. Khi gặp phải điều gì thắc mắc không biết đó có phải là Phật pháp không, người Phật tử nên đem đối chiếu với tám đặc chuẩn này; từ đó, mới có thể đi đến kết luận chính xác được. (trích Phật giáo sử, trang 85-86)

*

NHỮNG NÉT CHÍNH YẾU CỦA TINH THẦN PHẬT GIÁO

1.        Phật giáo là một tôn giáo không thiết lập trên cơ sở thần quyền, nếu có những gì mang vẻ siêu nhiên được nói đến trong Phật giáo thì thật ra chúng là những điều rất hiển nhiên bởi đó là những kết quả thực nghiệm mang tính khoa học. Phật giáo luôn sẵn sàng có những lý giải rất khoa học về chúng.

2.        Phật giáo là một hệ thống đoàn thể dân chủ có mặt rất lâu đời và hệ thống đó được tồn tại, được áp dụng cho đến ngày nay.

3.        Phật giáo là một tôn giáo chủ trương giải phóng con người về cả hai phương diện tâm linh và thể xác. Về mặt thể xác, Phật giáo không chấp nhận tình trạng người nô lệ người. Phật giáo xóa bỏ mọi hình thức đọa đày, quản thúc nhau của con người. Về mặc tâm linh, Phật giáo kêu gọi mọi người hãy tự giải thoát bản thân ra khỏi vòng xiềng xích phiền não.

4.        Phật giáo chủ trương tinh thần bình đẳng  giữa mọi người, nâng cao địa vị con người lên bằng nhau, dựa trên tiêu chuẩn đức hạnh, không dựa trên giai cấp, dòng dõi, tài sản, v.v...

5.        Trong cách tu trữ công đức, Phật giáo không chấp nhận sát hại chúng sinh để cúng tế. Phật giáo chủ trương khước từ bất cứ việc gì đem lại đau khổ cho tha nhân, Phật chỉ nhắm đến tình tương thân, tương ái của mọi người, chỉ nhắm đến đức hiếu sinh của vạn loài và chủ trương tiêu ngữ “Tâm lành mới là cội phúc”.

6.        Phật giáo chủ trương con người phải trực diện với sự thật, để tìm về chân lý. Đứng trước nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết, Phật giáo dạy con người tìm lấy ngõ thoát, phải biết nhận chân bản chất phù du vô ngã của thế gian để khước từ, không chấp thủ ôm ấp một cách mê vọng, mà từ đó đau khổ sẽ phát sinh. Phật giáo định nghĩa một cách chính xác về vấn đề Thượng đếDiêm chúa. Phật giáo xác định cho chúng ta biết rằng chính hành động thiện là vị thượng đế của chính mình.

7.        Phật giáo không chủ trương thuyết bù trừ trong nghiệp quả. Phật giáo chủ trương sòng phẳng, tuy luôn dạy con người phải biết dùng cái thiện để chiến thắng cái ác. Phật giáo dạy con người phải biết tự giác, mà không nghĩ rằng: “Khi nào tất cả đều được toàn thiện khi ấy tôi mới toàn thiện”. Trong một chừng mực nào đó, Phật giáo dạy con người phải nghĩ đến bản thân mình trước tiên, ngay cả phép rãi lòng từ, chính mình phải mát mẻ trước, rồi mới đem sự mát mẻ ấy đến ban rãi đến người khác, bởi vì có thấy được mình, hiểu được mình, độ được mình rồi mới thấy, mới hiểu, và mới độ được kẻ khác.

8.        Phật giáo là một tôn giáo chủ trương lấy chân lý làm trọng, tinh thần của Phật giáo luôn đúng pháp và hợp lý. Phật giáo không lấy cá nhân làm trọng, chỉ lấy Chánh pháp đặt lên hàng đầu. Phật giáo chủ trương: “Ai thấy pháp thì xem như đã thấy Đức Phật – Ai sống hành trì theo pháp thì xem như được sống bên cạnh Đức Phật”. Những Phật ngôn: “Cúng dường Ta một cách cao quí không gì hơn là thực hành theo giáo pháp”. Hoặc “Sau khi Ta qua đời, hãy lấy Pháp Luật làm vị Đạo sư”. Đó là quan điểm lấy pháp làm trọng của Phật giáo.

9.        Phật giáo chủ trương sự tu tập phải được thiết lập trên hai pháp Chánh niệmTrí tuệ, dùng hai pháp này để truy nguyên cội nguồn của đau khổ, nhờ vậy sẽ được thoát khổ. Phật giáo không chủ trương một đường lối tu hành mơ hồ hay mù quáng nào cả.

10.    Phật giáo không chủ trương việc thờ cúng khấn vái suông, không nhìn nhận một sức mạnh siêu nhiên hay một tha lực ngoại viện nào cả, mà Phật giáo chủ trương đường lối tự lực cánh sinh và chỉ nói đến sức mạnh hợp lý của hành động Thiện Ac. Ngay cả trong cuộc sống thực tế, Phật giáo cũng không tán thán một tâm hồn ỷ lại, nương tựa vào người khác.

11.    Phật giáo chủ trương con người phải ý thức được việc làm của mình trước khi thực hiện, người Phật tử làm việc thiện vì hiểu rõ ý nghĩa của hành động thiện, chứ không phải hành động trên một ý thức mơ hồ hay mù quáng.

12.    Phật giáo chủ trương tinh thần hướng thượng tích cực năng động, chứ không chấp nhận một tình trạng thối đọa, tiêu cực, thụ động, bệnh hoạn của tâm hồn.

13.    Trong mối tương lân, tương giao giữa người với người, Phật giáo chủ trương tiêu ngữ: “Vì người quên mình”, tức là phải đối xử với nhau, và suy nghĩ về nhau bằng một tấm chân tình, bác ái, vô điều kiện, không giới tuyến.

14.    Phật giáo chủ trương một đường lối thực hành kiến hiệu nhất hành, ít hay nhiều cũng đem lại hiệu quả. Hiệu quả ấy luôn tương xứng với mức độ hành trì của mỗi cá nhân. Mỗi người dù ở cấp độ tu tập như thế nào cũng nhận được phần thuởng thực tế. Phật giáo không chủ trương một mục đích xa vời, huyền hoặc nào cả.

15.    Phật giáo chủ trương con người phải có nghị lực, dám chấp nhận và chịu đựng mọi trở lực khó khăn trong cuộc sống, không được tỏ ra yếu hèn, khiếp nhược, phải luôn luôn phấn đấu nổi dậy, chớ không được buông xuôi phó mặc cho định mệnh. Mọi người phải hiểu rằng sống phấn đấu mới đem lại an lạc.

16.    Phật giáo không chấp nhận một đức tin mù quáng, phi lý. Niềm tin của người Phật tử phải đi đôi với trí tuệ.

17.    Trong khi các nhà xã hội học kiến tạo hòa bình trong cộng đồng nhân loại thì Phật giáo chỉ nói ngắn gọn: “Hai pháp Tàm (hổ thẹn tội lỗi), Uý (ghê sợ tội lỗi) đã đủ để nâng đở thế giới và ổn định xã hội”.

18.    Phật giáo không đi ngược lại khoa học cũng như không chống lại lợi ích của con người. Những gì phản khoa học thì không phải lời Phật dạy. Tuy nhiên ta vẫn phải hiểu thêm rằng khoa học trong hiện tại không phải là thước đo tuyệt đối về Phật giáo.

19.    Phật giáo không tán dương sự dậm chân tại chỗ của người tu học, mà chỉ tán dương sự tiến bộ, sự thăng hoa cùng một lúc trên cả hai mặt Tri thứcĐức hạnh.

20.    Theo tinh thần của Phật giáo, ta không nên xem ai là kẻ thù, cho dù người ấy có bất đồng với mình trên một quan điểm, một phương diện nào đó; người Phật tử tuyệt đối không nên nhìn ai với ánh mắt đối lập và xung khắc.

21.    Phật giáo không chủ trương việc thờ cúng, lễ bái, cầu khẩn suông, mà chỉ khuyến khích mọi người phải tích cực sống và hành động theo đúng tinh thần nghiệp lý.

22.    Phật giáo dạy con người hiểu biết những pháp nghĩa như chân, như thật, những chân lý mang tính chất tuyệt đối chứ không nên thiết lập tri kiến của mình trên những cái giả lập, hư ngụy. Tuy Phật giáo cũng y cứ vào phương diện tục đế diễn đạt cái chân đế; dạy người ta bằng phương tiện đó, nhưng không chấp nhận sự bám víu ngu xuẩn vào nó.

23.    Phật giáo có lối trình bày Chánh pháp theo thứ lớp, trình tự thích hợp với căn cơ, sở tánh của mỗi cá nhân; có sữa cho trẻ em và cũng có thức ăn cho người lớn, và thức ăn ấy lại tùy theo khẩu vị của mỗi người.

24.    Phật giáo là một tôn giáo chủ trương trí tuệ, đặt trí tuệ lên hàng đầu các pháp tánh. Trí tuệ theo Phật giáo nếu nói trên môi trường phát triển thì có ba: trí do học (bằng mọi phương tiện), trí do suy tư và trí do tu chứng.

25.    Hệ thống giáo lý của Đức Phật rất thực dụng và hợp lý. Trước tiên, Ngài dạy cho nhận chân được sự đau khổ (khổ đế) mà mỗi chúng sinh đang gánh chịu, rồi sau đó là nguyên nhân của nó, rồi cứu cánh thoát khổ, và sau cùng là đạo lộ thực hành dẫn đến sự thoát khổ. Tứ đế là một hệ thống giáo lý hoàn hảo nhất.

26.    Phật giáo chủ trương tha thứ, khoan dung đối với kẻ phạm lỗi, và chỉ trích sự trừng phạt, khinh rẽ kẻ lầm lỗi, bởi chính bậc Đạo sư cũng thuật lại những điều sai trái của Ngài trong thuở còn luân hồi. Điều đó có nghĩa là Ngài gián tiếp xác nhận hễ còn phiền não thì tất nhiên phải còn lầm lỗi. Nhưng điều quan trọng và tối cần thiết là biết được sai lầm của mình rồi sửa đổi. Vậy với kẻ phạm lỗi, người Phật tử cần phải biết tha thứ và giúp đỡ những người thật tâm sửa đổi một cách chân thành.

27.    Phật giáo chú trọng đến người bạn tốt tức là người bạn có đức hạnh và biết nhắc nhở bạn mình đi trên đường ấy. Khi ngài Ānanda nói rằng: “Một nữa hệ thống phạm hạnh này được thiết lập trên tính pháp hữu”, Đức Thế Tôn quả quyết: “Toàn bộ hệ thống phạm hạnh này được thiết lập trên tính pháp hữu”, nói như thế có nghĩa Ngài xác nhận tầm quan trọng của một vị đồng phạm hạnh, một tình bạn lấy chánh pháp làm chuẩn.

28.    Phật giáo chủ trương lấy Giới-Định-Tuệ làm phương châm tu tập. Dùng Giới đào luyện thân khẩu, dùng Định đào luyện nội tâm, dùng Tuệ đào luyện tri kiến. Như vậy, nếu nói rốt ráo thì trong việc tu tập, Phật giáo nhằm vào mục tiêu duy nhứt là tu tâm, làm thế nào để tâm tư cao trổi và thanh tịnh. Khi đã hoàn tất công phu ấy, người Phật tử đã thực hiện trọn vẹn những gì cần phải làm rồi vậy.

29.    Phật giáo chủ trương quan điểm Trung Đạo, khước từ mọi cực đoan và thiên kiến, không chấp nhận lợi dưỡng mà cũng không chấp nhận khổ hạnh, không chấp hữu mà cũng không chấp vô.

30.    Phật giáo không nhìn nhận tình trạng cục bộ, hạn cuộc trong tư tưởng của mỗi người. Một Phật tử phải luôn tỏ ra sẵn sàng tiếp nhận và học hỏi mọi ý kiến hợp lý và chín chắn từ người khác.

31.    Theo tinh thần Phật giáo, người Phật tử phải biết hy sinh để đánh đổi một cách tương xứng, biết từ bỏ niềm vui nhỏ để được niềm vui lớn, dám bỏ tài sản để giữ lấy thân thể, dám bỏ từ thân thể để giữ lấy tánh mạng, phải dám hy sinh tánh mạng để giữ lấy pháp.

32.    Phật giáo tập trung quan điểm giáo lý trên sự chuyên cần, không dễ duôi. Bậc Đạo sư đã dạy: “Chuyên cần là đạo lộ bất tử, dễ duôi là ngỏ dẫn đến tử vong”. (Trích Phật giáo sử, trang 116-123)

* * *

Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa.

Con xin hết lòng thành kính đảnh lễ
Đức Thế Tôn, bậc Ứng cúng, Chánh Biến Tri.

*

CHƯƠNG MỘT

I. Bối cảnh Ấn Độ trước thời Đức Phật:

Theo kinh sách cổ xưa kia, quốc hiệu xứ Ấn Độ được gọi là Jampadīpa (Diêm-Phù-Đề), là một vùng rộng lớn địa phận bao trùm cả Pakistan, Bangladesh và nước Ấn ngày nay. Nước Ấn cổ có dân cư đông đúc vào bậc nhất.

Điều kiện khí hậu được chia thành nhiều vùng khí hậu khác nhau. Phía bắc giáp với Hy-Mã-Lạp-Sơn dài nhất thế giới trên các đỉnh núi có tuyết phủ quanh năm. Vùng Tây Bắc thì khí hậu nóng bức hầu như suốt năm, có sa mạc Dhar và cũng có những bình nguyên màu mỡ như bình nguyên sông Hằng và sông Sindhu. Về địa hình Ấn Độ được chia thành ba khu vực lớn như sau:

1.        Vùng Hindu chảy dài từ mạn Bắc xuống dọc theo bờ sông Narbad và hai dãy núi VinadhayaSattapura. Ở đây có những khu rừng già với nhiều thú dữ.

2.        Vùng Dekkhan bao gồm cả cao nguyên rộng lớn cùng các dãy núi Chataka ở phía Đông và Tây, chạy dọc theo ven biển, khu vực phía Tây là đất cao nên các sông thường chảy về phía Đông.

3.        Vùng Tamil (Damila) đây là vùng hạ lưu sông Krishṅa được kéo dài đến vùng vịnh, mũi đất tiếp cận đại dương.

Theo tài liệu cổ ngày xưa, Ấn Độ chỉ có một giống dân có tến là Negro da đen, tóc quăn, mặt choắt, không biết trồng tỉa, hiện nay còn một ít ở các vùng núi cao hẻo lánh. Sau đó có giống dân Dravidien vào quốc đo này sinh sống. Giống dân này thuộc các bộ tộc da đen thấp lùn, mũi tẹt, có trình độ khá hơn dân bản địa. Đến khoảng 3.000 năm trước thời kỳ Đức Phật, có giống da trắng, dân Ariya ở vùng châu thổ hồ Caspienne. Người Ariyan có trình độ thông minh hơn, đến chinh phục xứ Ấn Độ thì người Dravidien cùng người bản địa chống ngoại xâm, nhưng người Ariyan chiến thắng, tràn xuống vùng địa lưu sông Hằng, bắt dân bản địa và người Dravidien làm nô lệ và chia nhau thành lập các quốc gia, còn lại một số người Dravidien và dân bản địa tự cường được, lập quốc hiệu là Hindu.

Đời sống của xứ Ấn Độ thời bấy giờ chủ yếu là nghề canh tác, trồng trọt. Con người sống dựa vào thiên nhiên nên nảy sinh việc thờ thần, thờ trời, đất, v.v... Còn người Ariyan rất thạo trong nghề chăn nuôi, họ nuôi dạy ngựa rất hay và biết dùng ngựa vào việc đánh trận. Họ còn chăn nuôi bò và tôn sùng thuyết bái vật, thích thờ thú linh, nên thêu dệt các huyền thoại chung quanh các loài thú như bò, hay các thú dữ như cọp, sư tử, voi, v.v...

Tình trạng ô hợp trên, cùng với sự tác động của các giới tu hành, đã gây nên sự phân chia giai cấp trong xã hội:

Khattiya: Giai cấp vua chúa, võ tướng hay chiến sĩ.

Brahmana: Giai cấp văn quan, văn sĩ, thầy cúng tế.

Vesa: Giai cấp phú nông, phú thương.

Sudāna: Làm công, làm thuê, người nô lệ.

Nền tư tưởng bấy giờ bị chi phối bởi Bàlamôn giáo bên cạnh sự thờ cúng đa thần, nhất là thần lửa; cùng với những hình thức tu khổ hạnh như: lõa thể, mặc y phục bằng vỏ cây, bằng da thú, các hình thức hành hạ thân xác, v.v... Lúc ấy, có 62 học thuyết của các vị tự xưng là giáo chủ nổi bật, được chia làm 2 loại:

1.        Thường kiến: Cho rằng con người được tạo ra bởi một đấng tối cao, có một linh hồn trường tồn bất biến, chịu sự thuởng phạt của đấng tối cao.

2.        Đoạn kiến: Chủ trương rằng sau khi chết, con người hoàn toàn bị tiêu diệt, bỏ lại những năng lực được tạo ra trong đời sống hiện tại. Sống theo vật chất, thế gian hiện tại là thực tiển. Hãy tận hưởng mọi lạc thú trên đời khi cái chết chưa đến. Chết là hết.

II. Đức Bồ Tát đản sanh:

1. Tiểu sử tóm tắt:

Ngài đản sanh tại vườn Lumbini (Lâm-Tỳ-Ni), khu ngự viên nằm giữa biên giới hai nước SakkaVideha (thuộc miền trung Ấn); vào ngày rằm tháng Vesākha (tháng 4 AL) năm 624 trước công nguyên.

Ngài thuộc dòng dõi Sakya (Thích Ca), giai cấp Khattiya (Sát-Đế-Lỵ - dòng vua chúa), họ của Ngài là Gotama (Cồ Đàm), tên là Siddhattha (Sĩ-Đạt-Ta), thân sinh của Ngài là vua Suddhodana (Tịnh Phạn), mẫu hậu là hoàng hậu Mahāmāyā (Ma-da). Khi Ngài đản sanh được bảy ngày thì mẫu hậu băng hà. Ngài được dì mẫu là thứ hậu Pajapatigotāmī (Gô-ta-mi) thay thế nuôi dưỡng. Ngài được các đạo sĩ tiên đoán Ngài sẽ là bậc vĩ nhân. Một đạo sĩ trẻ tiên đoán Ngài sẽ thoát tục và đắc quả Phật.

Ngài đã sống qua một thời thơ ấu nhung lụa xứng đáng với cương vị thái tử. Thuở nhỏ Ngài theo học với giáo sư Visvāmitta các môn học cho giới hoàng tộc, thán phục trước trí tuệ siêu phàm đến khi giáo sư Visvāmitta xác nhận Ngài đã tương đương kiến thức với vị ấy thì Ngài nghĩ học. Từ thời thơ ấu, Ngài đã biểu hiện tính trầm lặng, thích suy tư và phán đoán khôn khéo. Đặc biệt Ngài rất giàu lòng nhân ái, thương người, thương vật, v.v...

Vào năm bảy tuổi, nhân ngày lễ hạ điền của vương quốc, Ngài được kẻ hầu cận đặt ngồi dưới cội trâm để thuởng ngoạn, trong khung cảnh ấy, Ngài tọa thiền và chứng đắc sơ thiền.

Trong suốt thời trai trẻ, thái tử Sĩ-Đạt-Ta đã sống cuộc đời biệt lập ở hoàng cung, vua cha đã cố tình cho tập trung tất cả những gì xa hoa, hào phóng nhất dành cho một ông hoàng, được nuôi dưỡng và giáo dục trong một môi trường thuận lợi và tốt đẹp nhất vào thời bấy giờ. Ngài đã trưởng thành trong vinh quang rực rỡ.

Năm mười sáu tuổi, Ngài đã tham dự một cuộc tranh tài. Ngài đã chiến thắng và cưới công chúa Yasodharā (Da-du-đà-la), con gái vua Suppabuddha và hoàng hậu Amitā thuộc hoàng triều Koliya. Trong ngày thành hôn với công chúa, Ngài cũng được đăng quang kế vị ngôi vua.

Sau mười ba năm thành thân với công chúa Da-du-đà-la, Ngài đã có một đứa con là hoàng tử Rahula (La-hầu-la).

2. Nhận ra chân tướng của đời sống:

Nhân một lần thuởng ngoạn ở ngoại thành. Ngài đã mục kích cuộc sống khổ cực, đen tối, đáng ghê sợ và bốn cảnh tượng như là dấu ấn của cuộc đời mà Ngài đã thấy:

1.        Người già đang run rẩy.

2.        Người bệnh đang oằn oại rên siết.

3.        Người chết bị hỏa thiêu.

4.        Một tu sĩ thoát trần.

Ngài lập tức ý thức được bản chất phù du của kiếp nhân sinh, nên khi quay về hoàng cung Ngài đã trăn trở suy tư với tâm nguyện quyết tìm ra lối thoát khổ cho mình và tất cả chúng sinh. Ngài suy luận rằng: “Trên đời này, vạn sự đều có tính chất tương đối, hể có nóng ắt có lạnh, có sáng ắt có tối, có khổ ắt có vui, có tình trạng sanh, già, bệnh, chết, thì dĩ nhiên phải có trạng thái không sanh già bệnh chết. Muốn tìm thấy con đường dẫn đến trạng thái ấy, tốt nhất phải sống cuộc đời của một samôn không nhà cửa”. Nhưng lúc ấy lại được tin công chúa vừa hạ sinh một Hoàng nam. Đối với người khác đây là một tin rất vui mừng còn với Ngài là một trở ngại.

III. Đức Bồ Tát xuất gia:

Ngài khẻ hé cửa nhìn vợ con đang yên giấc với tấm lòng bình thản, không xao động trìu mến. Thắng yên ngựa kiền trắc với một tâm hồn thanh thoát, thái tử Sĩ-đạt-ta ra đi giữa đêm khuya, để lại sau lưng tất cả đền đài cung điện, người cha yêu quí, vợ đẹp, con xinh và cả một tương lai rực rỡ huy hoàng. Ngài bắt đầu trên đường đi tìm chân lý và tịch tịnh. Đây là một sự khước từ của một hoàng tử đương thời niên thiếu trong cảnh ấm no, sung túc và thạnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử. Năm ấy Ngài vừa tròn 29 tuổi.

Đến sáng hôm sau, Ngài đã vượt qua sông Anoma. Ngài dừng lại tự cạo râu tóc và trao xiêm y lại cho Channa (Xa-nặc) đem trở về, khoác lên mình tấm y vàng. Ngài tự nguyện sống đời tu sĩ và chấp nhận mọi thiếu thốn vật chất.

Từ một hoàng tử giàu sang vinh hiển tột bậc, Ngài trở thành một đạo sĩ không tiền của, không nhà cửa, sống nhờ lòng từ thiện của khách thập phương.

Ngài tìm đến 2 đạo sĩ lỗi lạc thời bấy giờ. Trước tiên, Ngài tìm đến đạo sĩ Alānāma kālāma, Ngài chứng được cảnh giơi có quan niệm về hư không, một tầng thiền khá cao làm cho tâm định nhưng chưa đạt đến sự nhàm chán và chấm dứt đau khổ như Ngài mong muốn. Ngài đến thọ giáo đạo sĩ thứ hai tên là Uddaka rāmaputta. Không bao lâu đạo sĩ xuất chúng Gotama (Cồ-đàm) đã thấu triệt được giáo lý của thầy và đắc được tầng thiền cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng. Khi đạt được tầng thiền này, tâm trở nên tinh vi tế nhị đến nỗi không thể nói có tâm hay là không có tâm. Vào thời bấy giờ, không ai đắc được tầng thiền nào cao hơn nữa. Ngài hoàn toàn chế ngự được tâm, nhưng mục tiêu cuối cùng như Ngài mong muốn vẫn còn ở rất xa. Không thỏa mãn với phương pháp tu tập của Rāmaputta, Ngài lại ra đi.

IV. Tu khổ hạnh:

Thuở bấy giờ cho đến ngày nay; Ấn Độ rất thiết tha trung thành với các nghi lễ và những hình thức tu khổ hạnh. Theo sự tin tưởng ấy nếu không ghép mình vào nếp sống khắt khe khổ hạnh thì không thể giải thoát. Đạo sĩ Cồ đàm và năm anh em Kiều Trần Như bắt đầu cuộc chiến đấu phi thường kéo dài đến sáu năm. Ngài thực hành đến cực điểm cực điểm pháp môn khổ hạnh đủ mọi cách khó khăn, đau đớn, cam go nhất. Sức khỏe Ngài càng lúc càng suy kiệt một cách thảm hại, kéo theo suy sụp về tinh thần. Với sự tinh tấn dũng mảnh, sự chiến đấu phi thường, Ngài cũng không sao vượt qua được. Trạng thái thiếu thốn vật thực quá ư khắt nghiệt đã sớm biến Ngài thành một thân hình chỉ còn da bọc xương. “Như Lai đã sống khắc khổ trong kỷ cương của người tu ép xác. Khắc khổ, Như Lai đã sống khắc khổ hơn tất cả những vị khác, đến độ tay chân chỉ còn như cọng sậy úa tàn, không còn dùng được nữa”. Sau khi chứng đạt đạo quả Toàn giác, Ngài đã mô tả cho hàng môn đệ nghe. Ngài đã cận kề ngưỡng cửa của thần chết nhưng tự thấy mình không gần được mục tiêu hơn chút nào, Ngài suy niệm “Như vậy, đường lối tu khổ hạnh không đem lại lợi ích”.

Bất cứ chủ thuyết nào hay pháp môn nào Bồ-tát cũng đều học hỏi và thực hành một cách rốt ráo, sau đó Ngài lại biết khườc từ, từ bỏ nó. Đây là tấm gương đối với hàng thức giả. Khi muốn chấp nhận hay bác bỏ điều gì, trước hết phải thấu đáo, quán triệt được điều ấy, sau đó muốn đánh giá, nhận xét gì cũng được. Ngài từ bỏ lối tu ép xác và nhịn ăn uống đến mức cùng cực. Dùng vật thực trở lại mỗi ngày một bữa. Sức khoẻ dần dần được hồi phục. Lúc bấy giờ, năm đạo sĩ cùng tu với Ngài thấy vậy lầm tưởng rằng Ngài từ bỏ đời tu, cố gắng trở về đời sống bình thường, nên họ bỏ Ngài ra đi.

V. Chứng đạt đạo quả Toàn-giác:

Còn lại một mình, sau khi đã trải qua mọi đường lối tu hành mà vẫn không thấy đâu là đạo lộ thật sự khả dĩ dẫn đến giải thoát, Ngài quay lại với chính mình bằng phương pháp suy niệm hơi thở, số tức quan như khi còn bé Ngài đã đạt được. Tâm dần dần an trụ lắng dịu và trong sáng như mặt gương được lau cẩn thận. Đạt được sơ thiền, dần dần Ngài tiến lên nhị thiền, tam thiền, tứ thiền rồi ngũ thiền; Ngài đạt được thần thông và túc mạng minh vào canh một. Đã phá tan được vô minh của quá khứ. Ngài bắt đầu hướng tâm đến sự sanh diệt của chúng sinh. Với tue nhãn tinh khiết siêu phàm, Ngài thấy chúng sinh chết từ kiếp sống này tái sinh vào kiếp sống khác. Ngài chứng kiến kẻ đẹp, người xấu, kẻ sang, người hèn, kẻ hạnh phúc, người đau khổ. Tất cả đều trãi qua diệt và sanh, đạt được sinh tử minh. Đây là tuệ giác thứ hai, Ngài đạt được trong canh giữa đêm thành đạo. Với ánh sáng trí tuệ, vô minh đã bị đẩy lùi, những gì liên quan đến tương lai, đã được Ngài thấu triệt. Sau đó Ngài phát triển thiền quán, theo dõi sự chuyển động của hơi thở ra vào như thế nào, ghi nhận như thế đó, để thấy rõ vô thường, phát sinh tuệ đã diệt tận phiền não. Tùy trường hợp, Ngài nhận thức: “Đây là phiền não”, “Đây là sự chấm dứt phiền não”, “Đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt phiền não”, cùng phương pháp ấy, Ngài đã nhận định đây là con đường dẫn đến sự chấm dứt ô nhiễm. Ngài nhận biết rằng: “Ta đã được giải thoát, sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những điều cần làm đã làm xong, không còn trở lại trạng thái này nữa”. Đây là lậu tận minh hay là tuệ giác thứ ba Ngài đã được trong canh cuối đêm thành đạo.

Màn đêm tối đã qua. Ánh sáng trí tuệ đã đến,

Ngài đọc lên bài kệ khải hoàn:

“Xuyên qua nhiều kiếp sống
Như Lai thênh thang đi trong vòng luân hồi.
Để tìm, nhưng không gặp người thợ cất nhà này.
Phiền muộn thay đời sống triền miên tiếp diễn.
Này hỡi! Người thợ làm nhà,
Người đã bị ta bắt gặp.
Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả rui mè ngươi đã bị gãy.
Cây đòn dông của ngươi cũng bị phá tan.
Tâm của Như Lai đã thành đạt Níp-bàn Vô Lậu.
Và hoàn toàn chấm dứt mọi hình thức ái dục”.

Dưới cội Bồ đề trong khu rừng Uruvela gần bờ sông Nerañjarā (Ni-liên), cùng vào ngày rằm tháng Vesākha (tháng 4 AL) Ngài đã thành đạt Chánh đẳng Chánh giác bằng cách thấu triệt bốn tận tường chân lý cao thượng – Tứ diệu-đế và trở thành Phật, bậc Tôn sư toàn thiện, đấng tối thượng y vương.

Năm ấy Ngài vừa tròn ba mươi lăm tuổi.

*

CHƯƠNG HAI

I. Đặc điểm của Đức Phật:

Sự chứng đạo quả Chánh đẳng Chánh giác của Đức Phật và sự ra đời của Phật giáo không giống như các tôn giáo khác. Phật giáo không phải được sáng lập đề xướng do những điều kiện tác động từ bên ngoài mà Phật giáo được ra đời là do kết quả của một quá trình phấn đấu đào luyện đúng mức và hợp lý của một con người, đó chính là Đức Phật. Ngài đã thực hành viên mãn pháp độ trong những kiếp tiền thân để rồi trong hiện tại, khi duyên chín muồi, Ngài chứng ngộ. Phạn ngữ Buddha xuất nguyên từ ngữ căn “Bud” là sự hiểu biết hay thức tỉnh. Buddha được dịch là Phật vì Ngài đã hiểu biết đầy đủ bốn chân lý – Tứ Diệu Đế, trở thành một vị Phật, đầy đủ đức hạnh toàn hảo. Không những hoàn toàn thấu triệt các chân lý đó, Ngài còn có đủ khả năng truyền bá đạo pháp và cứu độ chúng sinh nên còn được gọi là Sammāsambuddha, dịch là Chánh biến tri. Trước khi thành đạo, Ngài được gọi là Bồ tát (Bodhisatta – Bồ đề tát đỏa) nghĩa là người có nguyện vọng thành Phật. Như vậy, Phật giáo đích thực là một tôn giáo của con người và cho con người.

Ngôi vị của một vị Phật không chỉ dành cho một cá nhân tốt phước nào, mà ngược lại, bất cứ người nào thực hiện đầy đủ những tiêu chuẩn, công hạnh dành cho một vị Phật  thì người ấy sẽ trở thành một Đức Phật, vì Phật giáo nhìn nhận có những Đức Phật trong đời quá khứ và trong ngày vị lai. Tuy nhiên, mỗi vị Phật ra đời trong mỗi thời kỳ khác nhau, không thể có trường hợp hai vị Phật ra đời cùng một lúc trên thế gian. Điều này có nghĩa là khi một Đức Phật xuất hiện trên đời thì không một ai ngoài Ngài có thể tự mình hiểu biết con đường giải thoát cả.

II. Bảy tuần sau ngày thành đạo:

Tuần thứ nhất: Theo kinh điển, suốt thời gian bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, Đức Phật ngồi không cử động dưới tàng cây Bồ-đề để chứng hạnh phúc giải thoát. Trong đêm cuối, Ngài xuất thiền và suy niệm thập nhị nhân duyên theo chiều phát sinh, và đến canh giữa, Ngài suy niệm theo chiều diệt. Khi đã thấu triệt ý nghĩa của điều này, Đức Thế Tôn đọc bài kệ: “Thật vậy, khi các chân lý phát hiện hiển nhiên trước bậc thánh nhân đã cố gắng thiền định thì Ngài đã vững vàng phá tan vây cánh của Ma vương, cũng như ánh thái dương phá tan đêm tối và rọi sáng bầu trời”.

Tuần thứ hai: Để tỏ lòng tri ân cây Bồ-đề đã che mưa, đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt đạo quả, Ngài đứng một khoảng từ xa để ngắm nhìn cây Bồ-đề trọn một tuần.

Tuần thứ ba: Do Ngài quanh quẩn bên cây Bồ-đề, một số chư thiên chung quanh đấy nghi ngờ Ngài chưa đắc đạo quả Phật. Biết được tư tưởng ấy Ngài dùng thần thông hóa thành một đường kinh hành quí báu và Ngài đi trên con đường ấy suốt bảy ngày.

Tuần thứ tư: Ngài dùng thần thông hóa ra một bảo cung bằng ngọc và Ngài ngự trong bảo cung ấy để suy niệm về những điểm phức tạp của tạng Luận (Abhidhamma). Qua ghi chép của kinh điển, khi Ngài suy niệm về lý nhân quả tương quan (Patthāna), quyển khái luận thứ bảy của tạng Luận, tâm và thân Ngài trở nên tinh khiết phát ra hào quang sáu màu.

Tuần thứ năm: Ngài ngồi chứng nghiệm hạnh phúc dưới cội cây Bồ-đề và cuối tuần có một vị Bà-la-môn sau khi chào hỏi theo nghi lễ đã hỏi Ngài:

- “Nầy Tôn giả Cồ-đàm đứng về phương diện nào làm cho ta trở thành thánh nhân?”

Để trả lời Đức Phật đọc lên bài kệ: “Người đã lánh xa mọi điều xấu tội lỗi, không còn ngã mạn, đã thanh lọc mọi ô nhiễm, thu thúc lục căn, thông suốt các pháp học và đã chân chánh sống đời phạm hạnh thiêng liêng, người ấy đã được gọi là thánh nhân. Đối với người ấy không còn sự bồng bột dầu ở nơi nào trên thế gian”.

Tuần thứ sáu: Từ cội Bồ-đề Ngài sang qua cây Mucalinda và ngự tại đây. Bỗng có cơn mưa to, trời đất tối sầm, gió lạnh nhiều ngày, lúc ấy mãng xà vương Mucalinda từ ổ chun ra uốn quanh mình Đức Phật bảy vòng và lấy phần đầu che phía trên, nhờ vậy mưa gió không chạm đến Đức Thế Tôn. Đến ngày thứ bảy, trời quang mây tạnh, mãng xà vương tháo mình hoá thành chàng trai đứng chấp tay trước Đức Phật và Ngài đọc lên bài kệ: “Đối với hạng người biết tri túc, người đã thấy thì sống ẩn dật là hạnh phúc. Trên thế gian, người có tâm lành, người biết thu thúc đối với mọi chúng sinh là hạnh phúc, không luyến ái vượt lên khỏi mọi dục vọng là hạnh phúc. Phá được cái ngã chấp là hạnh phúc tối thượng.”

Tuần thứ bảy: Đức Phật bước sang cội cây Rajayatana và ở đó chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. (Trích: “Đức Phật và Phật Pháp”)

III. Đức Phật đối với chúng sinh và xã hội.

Từ khi còn là Bồ-tát, thực hành các pháp độ, cho đến lúc thành đạt đạo quả Phật là do sự nỗ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành sự liễu ngộ cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng: “Tâm có khả năng và oai lực bất khuất”. Ngài không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc đạo quả Phật, vì đạo quả không phải là một ân huệ dành riêng cho một cá nhân tốt phước nào đã được chọn trước. Thay vì đặt trên con người một thần linh vạn năng vô hình và con người ở địa vị khép nép rụt rè, Ngài chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và đạo quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Như vậy, Ngài đã nâng cao phẩm giá của con người.

Đức Phật dạy cho ta lý tưởng phục vụ bất cầu lợi, Ngài chống đối việc phân chia giai cấp trong xã hội làm trở ngại tiến hoá loài người và luôn bênh vực công lý, khuyên dạy bình đẳng giữa người và người. Giáo hội Tăng già do Ngài thành lập gồm đủ các hạng người trong tất cả mọi tầng lớp xã hội, giống như nước từ các sông rạch khắp cùng đều tuôn chảy hội tụ về biển cả. Những người này gác bỏ danh tánh, giai cấp địa vị và trở thành những thành viên của một cộng đồng Tăng già. Ngài tuyên bố cánh cửa thành công và thịnh vượng phải rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, dù kẻ ấy ở địa vị cao hay thấp, sang hay hèn, đạo đức hay tội lỗi nếu người ấy có công cải thiện nếp sống hướng về con đường trong sạch.

Ngài nâng đỡ hoàn cảnh người phụ nữ thời bấy giờ bị xã hội khinh rẽ, không những đem phẩm giá người phụ nữ lên đúng tầm quan trọng mà còn chấp nhận thành lập Giáo hội Tỳ khưu ni được thành lập vào năm thứ năm, kể từ lúc Đức Phật thành đạo. Trước đó, chưa bao giờ có một giáo hội để cho hàng phụ nữ có thể xuất gia. Từ mọi tầng lớp trong đời sống, mọi người phụ nữ đều có thể gia nhập giáo hội. Đời sống của số đông Tỳ khưu ni cao quí ấy, mức độ gia công chuyên cần của các bà nhằm thành đạt mục tiêu cứu cánh, và những bài kệ khải hoàn mà các bà hoan hỷ đọc lên khi tâm được giải thoát đã được mô tả trong thánh thi của Tỳ khưu ni.

Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài cố gắng đánh đổ chế độ nô lệ, Ngài chống đối hình thức đem những sinh mạng vô tội làm vật tế thần, tế lễ. Không bao giờ Ngài cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý Ngài hay chính Ngài. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đồ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời dạy của Ngài vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu suy luận cẩn thận. Ngài dạy: “Cũng như người khôn ngoan sáng suốt thử vàng bằng cách đốt cắt, chà xát trên đá, cùng thế ấy, các con cũng làm như vậy trước khi chấp nhận lời của Như Lai, khi đã thận trọng khảo sát, chứ không phải vì tôn kính Như Lai”. Ngày dạy thêm: “Không nên để tập tục cổ truyền, những lời đồn đãi, những luận thuyết suông, hay những kết luận hấp tấp dẫn đi sai lạc, hoặc sau khi vội vã suy tư chấp nhận một lý thuyết nào, hoac vì tôn kính một vị đạo sĩ. Nhưng này người Kālāma, khi các con tự mình hiểu biết rằng: Những điều này bất lợi đáng bị khiển trách, bị những bậc thiện trí thức chê bai, những điều này khi được thực hiện và dám nhận dẫn đến mất mác phiền lụy; chừng ấy dĩ nhiên hỡi người Kālāma các con hãy bác bỏ; nhưng khi tự các con hiểu biết những điều này tạo lợi ích và dẫn đến hạnh phúc, hãy dám nhận và ẩn náu trong những điều ấy. Đó là tại sao Như Lai tuyên ngôn như vậy”. (Tạp A-hàm, bài số 65)

Đức Phật tự tai chăm sóc những người bệnh hoạn cô đơn, như Tỳ khưu Girimānanda, Patācārā, Kisāgotamī, hay bằng những lời khuyên lơn an ủi. Đức Phật giúp những người nghèo đói bệnh tật bị bỏ rơi không nơi nương tựa như RajjumālāSopāka. Đức Phật nâng cao đời sống của những người đã phạm tội sát nhân như Angulīmala và hạng gái giang hồ hư hỏng như Ambapālī. Ngài khuyến khích kẻ yếu, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến cho người vô minh tăm tối, dẫn dắt kẻ mê muội lầm đường, nâng đỡ người thấp kém và tăng giá trị người cao quí.

Một lần, những người dòng Sakya (Thích ca) và người Koliya vốn là hai láng giềng đang chuẩn bị gây chiến với nhau để giành quyền sử dụng nước của dòng sông Rohini. Hay biết cuộc chiến đấu đẫm máu sắp xảy ra, Đức Phật đến gần và hỏi họ máu người và máu sông cái nào quí hơn. Ngài dùng lời lẽ ôn tồn giảng giải và cuộc chiến sắp bùng nổ đã bị chặn đứng.

Trong khi trú ngụ ở Rājagaha, Đức Thế Tôn hay tin vua cha mong muốn Ngài trở về thăm, Ngài liền trở về Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Khi về đến, Ngài không đi ngay về hoàng cung. Theo lệ thường Đức Thế Tôn tìm nơi vắng vẻ, Ngài dừng chân nghĩ trong một hang động ở ngoại thành. Sáng hôm sau, tay ôm bát, Ngài đi khất thực từ nhà này sang nhà khác trên đường phố Ca-tỳ-la-vệ. Vua Tịnh Phạn nghe tin rất kinh ngạc, vội vã đến gặp Đức Phật và bảo: “Bạch Đức Thế Tôn, tại sao Ngài làm nhục nhã Hoàng tộc như vậy? Trong dòng dõi chúng ta chưa từng có ai đi ăn xin như thế”. Đức Phật trả lời: “Tâu Đại Vương, Đại vương và những người trong dòng tộc có thể xưng là con cháu dòng vua. Như lai thuộc về dòng dõi của chư Phật từ ngàn xưa, và chư Phật khất thực, chỉ sống nhờ vật thực đi bát”. Sau đó, Đức Phật giải thích cho Đức vua và giảng giải giáo pháp: “Tâu Đại vương, hãy thức tỉnh và luôn luôn có chánh niệm, có cuộc sống chân chánh. Hãy chân chánh sống hạnh phúc trong thế gian này và mai sau”. Đức vua kiên cố tu tập trên con đường và chứng ngộ giáo pháp.

Vua Tịnh Phạn cung thỉnh Đức Phật về hoàng cung, nơi đây, tất cả Hoàng thân đều ra đón mừng và đảnh lễ Ngài ngoại trừ Công chúa Da-du-đà-la. Ngài ngự đến Công chúa phủ phục đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi Đức Phật thuật lại Túc sanh truyện và những công hạnh mà bà đã có qua các kiếp sống ấy. Sau đó Ngài hướng dẫn bà vào giáo pháp. Khi Đức Phật thọ thực xong, chuẩn bị rời hoàng cung thì Hoàng tử La-hầu-la (Rāhula) đến đảnh lễ đứng trước mặt Ngài bạch: “Xin Ngài cho con phần di sản của con”, Đức Phật nói với Đại Đức Sāriputta (Xá-Lợi-Phất),” “Như vậy nầy Xá-Lợi-Phất, hãy đưa La-Hầu-La vào giáo hội”.

Vào hạ thứ năm Đức Phật nhập hạ ở tháp Kūtāgārasāla, lúc nầy đức vua Tịnh Phạn lâm trọng bệnh, Ngài trở về thăm vua cha và thuyết giảng giáo pháp, đức vua chứng đắc A-La-Hán sau khi nghe pháp và thọ hưởng quả phúc giải thoát. Sau khi đức vua băng hà, Đức Phật chủ trì lễ hỏa táng nhục thân vua Tịnh Phạn. Vào hạ thứ bảy nơi cung trời Đạo lợi, Ngài thuyết giảng Vi diệu pháp – Chân lý cao siêu cho Phật mẫu và chư thiên trên cõi trời, bà và vô số chư thiên đã đạt được đạo quả Tu-đà-hườn nhân dịp nầy.

Đức Thế Tôn là hiện thân của lòng từ cao cả, là người đã ban truyền những lời dạy  và nêu những gương lành đượm nhuần từ bi qua những nguyên tắc sống của mình. Trước những lời phỉ báng nguyền rủa của những kẻ chống đối, trong khi tranh luận với các luận sư, các nhà hùng biện của các tôn giáo khác, Ngài trầm tỉnh đón nhận những lời đối nghịch một cách khiêm tốn, thản nhiên, không chao động, không tỏ ý phiền giận. Saccaka, nhà hùng biện trứ danh thời bấy giờ, sau cuộc tranh luận với Đức Phật, không thể cầm lời đã thốt lên: “Quả thật kỳ diệu, quả thật tuyệt vời, trong khi bị người ta nặng lời khiển trách, buộc tội, màu da của sa môn Gotama vẫn trong sáng và thái độ vẫn tươi tỉnh của vị A-la-hán, bậc Ứng cúng đấng Chánh biến tri tối thượng”.

Người nghèo, người giàu, người lương thiện, người tội lỗi, tất cả đều quí mến Ngài như nhau. Những vị vua chúa tàn bạo, những vị minh quân chính trực, những hoàng tử quang vinh hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại, những vị keo kiệt bỏn xẻn, những học sĩ khiêm tốn, những hạng người kiêu căng tự đắc, hạng người làm nghề bẩn thỉu, hạng sát nhân, hạng người bị khinh bỉ, v.v. tất cả đều được hưởng ở Ngài những lời khuyên đầy trí tuệ và từ bi. Gương lành cao quí của Ngài là nguồn gợi cảm, là niềm khích lệ cho tất cả. Đức Thế Tôn là vị Đạo sư giàu lòng bi mẫn và rộng lượng khoan hồng hơn tất cả.

Ngài sinh ra như mọi người, sống như mọi người và từ giả cõi đời như mọi người. Mặc dù là người, Ngài trở thành một người siêu phàm do những đặc tính tối cao của Ngài: ý chí sắt đá, trí tuệ cao siêu, lòng bi mẫn vô biên, lòng vị tha phục vụ, sự thoát ly chưa từng có, đời sống gương mẫu, và những phương pháp toàn thiện mà Ngài đã áp dụng để truyền bá giáo pháp và sự thành công tối hậu của Ngài. Trong khi còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là đấng thần linh vô sinh bất diệt. Yếu tố ấy đã khiến hng triệu người trong quá khứ và ngay trong hiện tại cũng như vị lai tôn thờ Ngài là vị giáo chủ vĩ đại nhất từ cổ chí kim.

Để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, tác giả Sriradhakrishnan viết: “Ngài là bậc kết tinh của bậc thiện trí, đứng về phương diện đạo đức thuần túy, đạo đức trang nghiêm, và tinh thần minh mẫn, chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử”. (Gautama The Buddha, trang 1)

Một tín đồ từ tốn nói: “Càng hiểu biết Ngài, tôi càng thêm kính mộ Ngài; càng kính mộ quí mến Ngài, tôi càng thêm hiểu biết Ngài”.

-ooOoo-

Đầu trang | Phần I | Phần II | Phần III

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 09-2006).


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 10-10-2006