BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002


8. ÂN ÐỨC PHẬT - BUDDHO

Người hiểu biết trọn vẹn tất cả những gì có thể biết được.
Người hiểu biết sâu sắc Tứ thánh đế và dạy cho chúng sanh hiểu được Tứ thánh đế
[i].

Ðức Phật có danh hiệu là Buddho bởi vì Ngài là 1. Bậc đã thức tỉnh. 2 Bậc đã thoát ly. 3. Bậc đã thông suốt lý Tứ Diệu Ðế và đem ra giáo hóa chúng sanh cũng biết như Ngài.

I. BẬC ÐÃ THỨC TỈNH:

Ðức Thế Tôn là bậc đã thức tỉnh vì Ngài không còn trong tâm 7 pháp ngủ ngầm (Anusaya) hay những phiền não vi tế tiềm tàng chờ có dịp thì dấy động lên:

1. Mê thích tình dục ngủ ngầm (Kamaraganusaya)

2. Ưa thích tam giới ngủ ngầm (Bhavaraganusaya)

3. Bất bình ngủ ngầm (Patighanusaya)

4. Cống cao, ngã mạn ngủ ngầm (Mananusaya)

5. Tà kiến ngủ ngầm (Dithanusaya)

6. Hoài nghi ngủ ngầm (Vicikicchanusaya)

7. Vô minh ngủ ngầm (Avijjanusaya)

Ngài là bậc giác ngộ, nghĩa là tự mình đã hiểu biết tường tận (bujjhi) và diệt tận trong tâm bảy pháp ngũ ngầm vừa kể trên, rồi Ngài lại cảnh tỉnh chúng sanh đang ngủ mê hoặc ngủ quên trong các pháp ấy cho tỉnh dậy như Ngài. Chúng sinh nào, tròn đủ thiện duyên thì tỉnh dậy liền, chúng sinh nào ít hoặc không có thiện duyên thì lăn qua trở lại rồi tiếp tục ngủ nữa.

Ðức Thế Tôn đã tự mình tỉnh dậy, không ai nhắc nhở hoặc thức tỉnh cho, chỉ do nhờ 30 pháp Ba la mật đã dày công luyện tập trong 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp. Chính sự thực hành viên mãn 30 pháp Ba La Mật ấy đã thức tỉnh Ngài, ví như người ngủ đã giấc hoặc đúng giờ rồi tự nhiên thức dậy không cần ai kêu gọi.

Từ khi thành đạo dưới cội Bồ đề đến lúc nhập Niết bàn, Ngài đã chu du hoằng hóa, tế độ quần sanh trong 45 năm không ngừng nghỉ, vì Ngài là Bậc giác ngộ, thức tỉnh trước tiên, Ngài thấy rỏ tội lỗi và khổ não trong sự ngủ quên và sự an lạc trong cõi Niết bàn. Ngài thấy chúng sanh đang lăn hụp rên xiết trong khổ hãi, nên phát tâm bi mẫn bao la, lo lắng nhắc nhở, cảnh tỉnh (bodhesi) chúng sanh đang ngủ mê trong vòng sanh tử luân hồi cho tỉnh dậy cũng như Ngài.

II. BẬC ÐÃ THOÁT LY:

Ðức Thế Tôn là bậc đã thoát ly, ra khỏi Vô minh.

Vô minh (Avijja) có 2 nghĩa: Không thấy (Adassanam) và không biết (Annanam).

A. Vô minh có nghĩa là không thấy, không biết những pháp chân thật là Tứ Diệu Ðế:[ii]

1. Không biết rỏ cái khổ (Dukkha annanam): Chúng sanh có thức tánh như trời, người, thú v.v... đang bị các sự thống khổ đè nén hãm hại không ngừng là khổ sanh, khổ già, khổ đau, khổ chết, khổ thương tiếc, khổ khóc than, khổ phiền muộn, khổ thất vọng v.v... nhưng vẫn thản nhiên dường như không hay biết những sự thống khổ ấy, vẫn miệt mài theo ngủ trần lục dục, mê muội, không rỏ lẽ hiệp tan của ngũ uẩn. Cái khổ thì cho là vui, cái nhiễm ô thì cho là trong sạch, cái vô thường thì cho là bền vững v.v...

2. Không biết, không thấy Tập đế là lòng Ái dục (có 3 hoặc 108) là nguyên nhân phát sinh sự thống khổ (Dukkhasamudaya annanam).

3. Không thấy, không biết, diệt đế là nơi diệt tận các sự khổ (Dukkha nirodhe annanam).

4. Không thấy không biết Ðạo đế là con đường dắt dẫn đến nơi diệt tắt các sự khổ (Dukkha nirodha gamini patipadaya annanam).

Trên đây là cách giải thích về vô minh dựa theo Kinh tạng (Suttanta). Còn giải theo Luận tạng (Abhidamma) thì có 8 điều giải về vô minh: ngoài 4 điều về Tứ diệu đế đã giải thêm 4 điều nữa:

5. Không biết rõ sự bắt đầu của ngũ uẩn (Pubbante annanam)

6. Không biết rõ sự chấm dứt của ngũ uẩn (Pubbantaparante annanam)

7. Không biết sự bắt đầu và sự chấm dứt của ngũ uẩn (Pubbantaparante annanam)

8. Không rõ lý nhân quả liên quan hay giáo lý Thập nhị nhân duyên (Paticcasamuppade annanam)

Màn vô minh bao trùm tất cả chúng sanh không cho thấy ánh sáng tức là trí tuệ thấy rỏ, biết rõ những pháp chân thật, ví như con gà con chưa nở, còn trong vỏ trứng không thể thấy ánh sáng mặt trời vậy. Ðến khi gà con đó cố gắng lấy mỏ soi vỏ trứng, lấy chân phá lỗ cho rộng, mới chun ra khỏi vỏ và thấy ánh sáng mặt trời được.

Ðức Phật là bậc đầu tiên đã phá tan vỏ trứng Vô minh bao bọc tâm Ngài từ bao A tăng kỳ kiếp quá khứ, đắc được tuệ giác thông suốt các pháp Diệu Ðế, rồi Ngài chuyên cần thực hành Phật sự không ngừng nghỉ (Buddha kicca) cho đến lúc nhập Niết Bàn.

III. BẬC ÐÃ THÔNG SUỐT LÝ TỨ DIỆU ÐẾ:

Ðức Thế Tôn đã thông suốt 4 pháp chân thật là Tứ Diệu Ðế (Caturariyasacca): Khổ đế (Dukkha sacca), Tập đế (Samudaya sacca), Diệt đế (Nirodha sacca), Ðạo đế (Magga sacca).

A. Lý của Tứ diệu đế (Attha): Mỗi Diệu đế đều có 4 lý hoặc trạng thái hay năng lực:

1. Khổ Ðế có 4 lý:

- Có năng lực hãm hại, phá hoại chúng sanh (Pilanattho)

- Có trạng thái do nguyên nhân ái dục cấu tạo nên (Sankhatattho)

- Có năng lực làm cho nóng nảy bực bội (Santapattho)

- Có trạng thái luôn luôn thay đổi không bền vững (Viparinamattho)

2. Tập đế có 4 lý:

- Có năng lực hội họp các sự khổ đế cho phát sanh lên (Ayuhanattho)

- Có trạng thái là nguyên nhân của sự khổ (có sự khổ là quả) (Nidanattho)

- Có năng lực cột trói, giam hãn chúng sanh trong tam giới (trong sự khổ) (Samyyogattho)

- Có năng lực làm bận rộn chúng sanh trên con đường giác ngộ, không cho đắc đạo quả (Palibodhanattho)

3. Diệt đế có 4 lý:

- Có năng lực làm cho thoát khỏi phiền não (sự khổ) và ra khỏi tam giới (Nissaranattho)

- Có trạng thái yên lặng lánh xa sự khổ (Vivekattho)

- Có trạng thái không cho nguyên nhân tạo thành được (vô sanh) (Asankhatattho)

- Có trạng thái không chết, bất diệt (Amatattho)

4. Ðạo đế có 4 lý:

- Có năng lực đưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi (Niyanattho)

- Có tánh cách là nguyên nhân đưa đến Niết bàn (Hetvattho)

- Có năng lực làm cho thấy rõ Niết Bàn (Dassanattho)

- Có tánh cách quan trọng trong các pháp hành cho thấy rõ Niết bàn (Adhipateyyattho)

B. Tướng hoặc Ðặc tính (Lakkhana) của Tứ Diệu Ðế:

Tứ diệu đế có 2 đặc tính: Ðặc tính hữu vi (Sankhata lakkhana) và đặc tính vô vi (Asankhata lakkha).

1. Ðặc tính hữu vi chia ra làm 3:

- Tính cách phát sinh lên (Uppado)

- Tính cách tiêu diệt (Vayo)

- Tính cách trụ lại (Thiti)

2. Ðặc tính vô vi cũng chia làm 3:

- Tính cách không phát sinh lên (Anuppado)

- Tính cách không tiêu diệt (Navayo)

- Tính cách không an trụ.

Khổ đế, Tập đế, và Ðạo đế thuộc về đặc tính hữu vi, còn Diệt đế thuộc về đặc tính vô vi.

C. Sự (Kicca):

Nếu chia Tứ Diệu Ðế ra pháp thiện (Kusala), pháp ác (Akusala) và pháp không thiện không ác (Abyakata) thì Tập đế là pháp ác, Ðạo đế là pháp thiện, Diệt đế là pháp không thiện không ác, Khổ đế vừa là pháp thiện, vừa là pháp ác và cũng là pháp không thiện không ác.

1. Khổ đế là pháp thiện khi đi đôi với Ðạo đế (pháp thiện): Ðiều này có nghĩa là khi người nào cố gắng học kinh và tham thiền hoặc hành 13 pháp đầu đà, hoặc chuyên cần làm những việc lành như bố thí, trì giới v.v..., trong sự học hỏi và tu tập như thế hằng có nhiều cam go cực nhọc nên gọi là Khổ. Nhưng những hành vi ấy đều là nghiệp lành, nên mới gọi Khổ đế là pháp thiện.

2. Khổ đế là pháp ác khi đi đôi với Tập Ðế (pháp ác). Ðiều nầy có nghĩa là khi người nào cố gắng làm những điều ác (sát sanh, trộm cướp, tà dâm v.v...), nhiều lúc phải chịu dầm mưa, dãi nắng, tìm kiếm mưu kế để thỏa lòng dục vọng và luôn luôn có tâm lo sợ (suy bì, chê bai, sợ bị hành phạt v.v...). Như thế gọi là Khổ. Lại nữa, những hành vi ấy đều là nghiệp ác, nên mới gọi Khổ đế là Pháp ác.

3. Khổ đế là pháp không thiện không ác đi đôi với Diệt đế (pháp không thiện không ác), ý nói: Các bậc đạo quả A la hán (Ðức Phật, Thanh Văn...) đều cố gắng thực hành tròn đủ phận sự cao thượng và thuyết Pháp phổ độ chúng sanh thật là mệt nhọc (khổ), nhưng không có phước báu (quả) chi cả, nên mới gọi Khổ Ðế là pháp không thiện không ác.

D. Quán tưởng về ngũ uẩn theo lý Tứ Diệu Ðế:

Nếu quán tưởng về ngủ uẩn theo lý Tứ Diệu Ðế, phải quán tưởng từ uẩn một. Ðầu tiên là Sắc uẩn.

Sự vui thích nào đã phát sinh lên do nơi xác, gọi là sự vui thích của sắc. Ấy là Tập đế. Có thể giác ngộ được nhờ sự dứt bỏ.

Sắc không bền vững, là khổ não, luôn luôn thay đổi, vô thường, gọi là tội lỗi của sắc phát sanh lên do nơi sắc. Ấy là khổ đế. Có thể giác ngộ được bằng sự nhận thức.

Sự dứt bỏ được tâm ý ham muốn trong sắc gọi là thoát ly khỏi sắc. Ấy là Diệt đế. Có thể giác ngộ được bằng cách làm cho rõ rệt.

Bát chánh đạo có chánh kiến (là thấy biết chân chính trong 3 nhân) là đầu, gọi là Ðạo đế, có thể giác ngộ được bằng pháp quán niệm tưởng.

Nên quán tưởng thêm về Thọ uẩn, Tưởng uẩn, hành uẩn, Thức uẩn y theo phương pháp đã giải trên về Sắc uẩn.

E. Quán tưởng nhân quả liên quan theo Lý Tứ Diệu Ðế:

Pháp "Nhân quả liên quan" (Thập nhị nhân duyên hay Paticca Samuppada) có 12 chi nương nhau và liên hệ với nhau, ví như một sợi dây xích có 12 khoen liền nhau, khoen nầy là quả của khoen trước và cũng là nhân để nối liền với khoen sau.

12 chi là:

1. Vô minh (Avijja) sanh ra hành.

2. Hành (Sankhara) sanh ra thức.

3. Thức (Vinnana) sanh ra danh sắc.

4. Danh sắc (Nama Rupa) sinh ra lục căn.

5. Lục căn (Salayatana) sinh ra xúc.

6. Xúc (Phassa) sanh ra thọ.

7. Thọ (Vedana) sanh ra ái.

8. Ái (Tanha) sanh ra thủ.

9. Thủ (Upadana) sanh ra hữu.

10. Hữu (Bhava) sanh ra sanh.

11. Sanh (Jati) sanh ra Lão, Tử (Jara Maranam)

12. Luôn cả sự thương tiếc, khóc than, khó chịu, phiền muộn v.v... là những sự thống khổ cùng phát sinh lên với già, chết thành 12 chi.

Nếu quán tưởng 12 nhân duyên ấy theo Lý Tứ diệu đế, thì:

- Lão, Tử là khổ đế, Sanh là tập đế, Sự thoát ly lão tử và sanh là Diệt đế, Tuệ biết rõ diệt đế là đạo đế.

- Sanh là khổ đế, Hữu là Tập đế, sự thoát ly khỏi sanh và hữu là diệt đế, Tuệ biết rỏ Diệt Ðế là Ðạo đế.

- Hữu là khổ đế, Thủ là Tập đế, sự thoát ly khỏi Hữu và Thủ là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Thủ là Khổ đế, Ái là Tập đế, sự thoát ly khỏi Thủ và Ái là diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Ái là Khổ đế, Thọ là Tập đế, sự thoát ly khỏi ái và thọ là diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là đạo đế.

- Thọ là Khổ đế, Xúc là Tập đế, sự thoát ly khỏi Thọ và Xúc là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Xúc là Khổ đế, Lục căn là Tập đế, sự thoát ly khỏi Xúc và Lục căn là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Lục căn là Khổ đế, Danh sắc là Tập đế, sự thoát ly khỏi lục căn và Danh sắc là Diệt Ðế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Danh sắc là Khổ đế, Thức là Tập đế, sự thoát ly khỏi danh sắc và thức là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Thức là Khổ đế, Hành là Tập đế, Sự thoát ly khỏi Thức và hành là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

- Hành là Khổ đế, Vô minh là Tập đế, sự thoát ly khỏi hành và Vô minh là Diệt đế, Tuệ biết rõ Diệt đế là Ðạo đế.

Những sự thống khổ do Già, Chết, Thương tiếc, Khóc than, khổ não, phiền muộn, khó chịu, bực tức, thất vọng v.v... gọi là Khổ đế. Ðức Phật đã thấy biết tường tận tinh vi Vô minh và Ái dục là hai gốc (Mula) của bánh xe nhân quả, là nguồn cội của Luân Hồi, là nguyên nhân phát sanh sự khổ, gọi là Tập đế. Do nhờ thánh đạo, Ngài đã cắt đứt cả hai gốc rễ ấy. Vô Minh và Ái Dục đã bị diệt rồi, thì các pháp khác là Hành, Thức, Danh, Sắc v.v... cũng bị diệt theo và bánh xe Nhân Quả Liên Quan cũng ngừng quay. Sự Diệt Tận ấy gọi là Diệt Ðế. Do nhờ Thiền Ðịnh và Minh Sát, Ngài đã thấy rõ rệt con đường đi đến nơi diệt khổ, gọi là Ðạo Ðế.

Sau khi Ngài giác ngộ, thông suốt lý Tứ Diệu Ðế rồi Ngài đem ra giáo hóa chúng sanh cùng biết, hầu thực hành theo để diệt tận các sự thống khổ và được giải thoát như Ngài. Vào thời đức Phật, có rất nhiều người đi tìm con đường giải thoát cho chính mình. Nhưng không ai tìm được con đường thật sự giải thoát họ khỏi khổ đau ngoại trừ Ðức Phật, người đã khám phá ra Tứ Diệu Ðế. Không ai hướng dẫn họ thật sự thoát khỏi khổ đau ngoại trừ Ðức Phật bằng Bát chánh đạo. Trong Kinh Kevatta, Ðệ tử Phật là Kevatta xin Phật dạy cho ngài phép thần thông để ngài nhiếp phục và kêu gọi nhiều người theo đạo Phật, đối phó lại các giáo chủ ngoại đạo như Makkhali Gosala và Purana Kassapa cũng đang ráo riết tìm tín đồ cho mình. Ðức Phật dạy cho ngài Kevatta 3 phương pháp để thuyết phục người bấy giờ theo đạo Phật: Thứ nhất là thuyết phục chúng sanh bằng oai lực thần thông (Iddhipatihariya) như thần thông biến thành nhiều người giống mình, biến thành người khác mình, không bị giết hại, tàng hình... Thứ hai là thuyết phục chúng sanh bằng oai lực hiểu biết được tâm của của người khác (Adesanapatihariya). Thứ ba là thuyết phục chúng sanh bằng cách chân thành dạy bảo, chỉ dẫn cho họ hiểu được những gì đúng và sai (Anusasanipathihariya)[iii]. Theo các chú giải, Ðức Phật nhấn mạnh và nổi tiếng vượt bực hơn tất cả trong việc việc áp dụng phương pháp thứ ba nầy--phương pháp chân thành giáo hóa chúng sanh về giáo lý Tứ diệu đế mà không dựa vào thần thông. Chính vì nhờ ân đức hướng dẫn, giải thích, và chỉ cho chúng sanh con đường thoát khỏi vô minh và giác ngộ được Tứ thánh đế mà Ðức Phật có danh hiệu là Buddho.

-ooOoo-


[i] Về ý nghĩa và ngôn từ, ân đức thứ 8 Phật hay Buddho có vẽ trùng lặp với ân đức thứ 2 Chánh biến tri hay Samma Sambuddhasa. Tuy nhiên, khi đi sâu vào ý nghĩa, ta thấy có sự khác biệt tế nhị giữa 2 danh hiệu nầy. Ân đức Chánh Biến Tri hay Samma Sambuddhasa nhấn mạnh sự kiện là Ðức Phật đã tự Ngài khám phá và chứng ngộ được Tứ diệu đế, không có thầy chỉ dạy. Ân đức Samma Sambuddhasa cũng nhấn mạnh đến trí tuệ xuyên thấu vào bản chất sự vật (Pativeda Nana) của Ðức Phật trong khi danh hiệu Phật hay Buddho nhấn mạnh khía cạnh thiện xảo (Desana Nana) của trí tuệ mà Ðức Phật sử dụng để hướng dẫn và giúp chúng sanh giác ngộ được Tứ diệu đế như Ngài. Theo nhiều chú giải, ân đức Buddho là để nói lên sự hiểu biết sâu sắc của Phật về Tứ điệu đế và sự giáo hóa những chúng sanh có duyên lành và tùy theo ngũ căn và Ba la mật của mỗi người, hiểu được giáo lý Tứ Diệu Ðế, chứng đắc 4 Thánh Ðạo và 4 Thánh Quả của Ngài. Xin xem Sayadaw Min Gun, đã dẩn và chú giải của các ngài Dhammasani, Dhammananda, U Kyaw Htut, Min Gun, U Jota Lankra.

[ii] Ðại đức Bửu Chơn. Sách đã dẫn, trang 77- 83

[iii] Sayagyi U Kyaw Htut, đã dẫn.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004