BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002


3. ÂN ÐỨC MINH HẠNH TÚC - VIJJACARANA SAMPANNO

Bậc có đầy đủ tuệ giác và đức hạnh

Trong tiếng Pali, Vijja hay Giác hoặc Minh là sự hiểu biết cùng tột và tinh tường có thể dẩn đến những năng lực thần thông. Carana là pháp tu tập hay những đức hạnh để có được tuệ giác nầy. Ðầy đủ Tuệ giác có nghĩa là Ðức Phật có 3 cái giác (Tam minh) như ghi trong kinh Bhayabherava (Trung Bộ Kinh) hay 8 cái giác (Bát minh) như ghi trong kinh Ambattha (Trường Bộ Kinh).

I. TÁM CÁI GIÁC HAY BÁT MINH CỦA ÐỨC PHẬT:

A. Túc Mạng Minh (Pubbe nivasa Nana): Trí tuệ thấy rõ, biết rõ, nhớ rõ thân ngũ uẩn của Ngài từ một kiếp, hàng trăm kiếp, hằng ngàn kiếp, hằng vạn kiếp, hằng triệu kiếp, hằng triệu triệu kiếp.. trong kiếp nào, Ngài sanh trong cảnh nào, khi ấy có tên họ chi, dòng giống nào, sắc diện thế nào, tuổi thọ được bao nhiêu, khi thác rồi sanh trong cảnh nào v.v... Ðức Phật toàn giác có khả năng ghi nhớ lại vô số kiếp không có giới hạn. Trong khi khả năng này của Ðức Phật Ðộc Giác và bậc Thanh văn Giác có giới hạn.

Túc mạng minh biết rõ tiền kiếp thuộc loại chúng sinh nào, tên gì, thuộc dòng dõi nào, tạo thiện nghiệp, bất thiện nghiệp, ba la mật, thọ lạc, thọ khổ, tuổi thọ đều ghi nhớ rõ ràng chi tiết.

Ðức Phật đắc túc mạng minh lúc đầu hôm, trong đêm thành đạo dưới cội Bồ Ðề.

B. Thiên Nhãn Minh (Cutupapata vijja): Trí tuệ thấy rõ biết rõ như mắt của chư thiên, phạm thiên, có khả năng thấy rõ biết rõ quá khứ, vị lai của tất cả chúng sinh.

Có 3 loại thiên nhãn minh:

1. Sanh tử minh: Tuệ thấy rõ sự sanh tử luân hồi của chúng sanh đều do nghiệp ác hoặc thiện cấu tạo nên và quả tái sinh ở cảnh giới nào. Chúng sanh nào làm những nghiệp ác do thân, khẩu, ý chấp theo tà kiến, sẽ tái sinh trong các cảnh khổ (Duggati) là cảnh A tu la, ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục.

Chúng sanh nào làm những nghiệp lành do thân, khẩu, ý nói theo chánh kiến, sẽ tái sinh vào cõi yên vui (Sugati) là cõi trời và cõi người có nhiều hạnh phúc.

2. Vị lai kiến minh: Tuệ thấy rõ những kiếp vị lai của chúng sanh. Chư Phật dùng vị lai kiến minh này để thọ ký chúng sinh trong những kiếp vị lai xa xăm, còn thời gian bao nhiêu đại kiếp trái đất nữa sẽ trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, bậc Ðộc Giác Phật, bậc Thánh Thanh Văn...

3. Thiên nhãn minh (Dibbacakku Nana): Tuệ thấy rõ thất cả chư thiên, nhân loại và các vật. Dù sâu dưới đất, trong lòng núi hay bị che án; dù gần hoặc xa đến đâu, Ngài cũng đều thấy rõ ngay như trước mắt.

Tuy nhiên, ở đây chỉ nhấn mạnh Tử sanh minh là cái giác mà Ðức Phật đã đắc vào khoảng giữa đêm Ngài thành đạo.

C. Lậu Tận Minh (Asavakkhaya Nana): Tuệ thiền minh sát (Vipassana) siêu tam giới, đó là 4 Thánh đạo diệt đoạn tuyệt được 4 pháp phiền não trầm luân không còn dư sót. Ðó là Trầm luân trong Ái dục (Kamasava), Trầm luân trong Tam giới (Bhavasava), Trầm luân trong tà kiến (Ditthasava), Trầm luân trong Vô minh (Avijjasava).

Về pháp trầm luân trong Ái dục, Ðức Phật đã thấy rõ, hiểu biết tường tận: đây là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là nơi diệt khổ, đây là con đường đi đến nơi diệt khổ. Về ba pháp trầm luân còn lại là Tam giới, Tà kiến, Vô minh, Ngài cũng hiểu thấy rõ rệt. Pháp nầy là pháp trầm luân, pháp này là pháp sanh sự trầm luân, đây là nơi diệt pháp trầm luân, đây là phương pháp diệt trừ pháp trầm luân.

Ðồng thời Thế Tôn tận diệt được tất cả mọi tiền khiên tật (vasana) do tích lũy từ vô lượng kiếp trong quá khứ.[i]

Ðức Phật đắc lậu tận minh vào lúc rạng đông thêm thành đạo.

Bát minh của Ðức Phật như ghi lại trong kinh Ambattha (Trường Bộ Kinh) gồm có 3 cái giác vừa mô tả. Ðó là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh và thêm 5 cái giác sau đây:

D. Minh Sát Minh (Vipassana vijja): Tuệï quán tưởng các pháp hành (sankhara), biết và thấy rõ ràng, đầy đủ, xuyên suốt, và như thật sự sinh và sự diệt của Vật chất và Tâm, theo 10 pháp minh sát và Tuệ siêu tam giới chứng đắc Thánh Ðạo Tuệ và Thánh quả Tuệ và Niết bàn.

10 pháp minh sát nầy gồm có:

a. Tuệ quán tưởng các vật chất và tâm đều vô thường, khổ não, vô ngã đúng theo thật tướng (Sammasanannana).

b. Tuệ quán tưởng sự sinh và diệt của vật chất và tâm (Udayabbayannana)

c. Tuệ quán tưởng sự diệt của vật chất và tâm (Bhangannana)

d. Tuệ quán tưởng cho thấy vật chất và tâm là đáng ghê sợ như là thú dữ (Bhayannana)

e. Tuệ quán tưởng cho thấy rõ sự khổ sở của vật chất và tâm như người thấy nhà mình bị lửa cháy, tìm đường thoát ra cho khỏi (Adinavannana)

f. Tuệ quán tưởng cho phát sanh lòng chán nản vật chất và tâm (Nibbidannana)

g. Tuệ quán tưởng cho phát sanh tâm mong mỏi thoát khỏi vật chất và tâm cũng như cá mắc lưới muốn thoát thân, như kẻ tù tội muốn lìa khỏi cùm xích lao tù (Muncitukamyatannana).

h. Tuệ quán tưởng tìm phương thế giải thoát khỏi danh sắc (Patisankharannana)

i. Tuệ xả, tức là không còn chấp vật chất và tâm nữa, không vui, không buồn, ví như người bỏ hẳn vợ, chẳng còn mến tiếc nữa, dầu người vợ ấy có tư tình với người nào mình cũng thản nhiên (Sankharupekkha nana).

j. Tuệ thấy rõ và dốc lòng thực hành xuôi theo thánh đạo (Anulomannana).

Tuêï minh sát ẩn tàng trong tâm đức Phật từ khi Ngài chưa xuất gia tầm đạo. Tuy nhiên lúc ấy, tuệ minh sát của Ngài chưa được uyên thâm và sâu xa, tinh xảo và vi tế. Chính nhờ cái minh còn thô thiển ấy mà khi còn là Thái tử Siddartha, Ngài đã nhận thức được những điều thống khổ của sự Già, Ðau, Chết khi trông thấy một người già, một bịnh nhân, một tử thi trong lúc Ngài đi du ngoạn ngoài thành. Lúc trở về nội cung, Ngài suy tưởng mãi về cái thân ngũ uẩn vô thường, phát tâm chán nản thế sự phù du, cương quyết cắt ái ly gia mong tìm đường giải thoát. Tuệ minh sát là cái giác đầu tiên trong tám cái giác mà Ðức Phật đã đắc. Chính vì nhờ Tuệ Minh Sát mà Ngài mới hoàn toàn tri tỏ lý Tứ Diệu Ðế.

Sau khi cảm thắng bọn Ma vương dưới cội bồ đề do nhờ 10 pháp Ba La Mật, Ngài liền nhập diệt thọ tưởng định (Samapatti hay Bát thiền). Lúc xuất định, Ngài dùng tuệ minh sát chiếu vào các pháp hành (hữu vi) và thấy rõ vật chất và tâm đều là vô thường (aniccam), khổ não (dukkham), vô ngã (anatta).

Từ đó, Ngài ví ngũ uẩn theo lý Tứ diệu đế như sau:

- Khổ đế: Ngũ uẩn là chúa tể các sự khổ rất đáng sợ ví như 5 kẻ nghịch hung bạo.

- Tập đế: Ba tâm ái dục ví như 3 tên dẫn đường chỉ nẻo cho 5 kẻ nghịch ấy.

- Diệt đế: Niết bàn là khí cụ để ngăn chặn lối 5 kẻ nghịch ấy.

- Ðạo đế: Bát chánh đạo là phương pháp diệt trừ bọn nghịch ấy.

Khi tìm thấy căn nguyên của sự khổ và phương pháp diệt tận sự khổ bằng Tuệ minh sát rồi, Ðức Bồ tát mới xa lìa được 3 cái trói buộc hay thằng thúc (samyojana) đầu tiên là Thân kiến (Sakkaya ditthi), Hoài nghi (Vicikiccha) và Giới cấm thủ (Silabbattaparamasa) hay chấp theo tập quán, theo lệ cúng tế thần thánh, bằng Tu đà hoàn đạo tuệ (Sotapatti maggannana).

Rồi ngài xa lìa phần thô thiển của 2 cái trói buộc nữa là vui thích tình dục (Kamacchanda) và thù oán, mong hại người (Byapada) bằng Tu đà hoàn đạo tuệ (Sakidagami maggannana).

Rồi Ngài lại xa lìa phần vi tế của 2 trói buộc trên và diệt tận cả 2 trói buộc trên bằng A na hàm đạo tuệ (Anagami Maggannana).

Kế tiếp, Ngài xa lìa cả 5 trói buộc cuối cùng là:

- Vui thích cảnh sắc (Ruparaga)

- Vui thích cảnh vô sắc (Aruparaga)

- Cống cao, ngã mạn (Mana)

- Phóng tâm (Uddhacca)

- Vô minh (Avijja)

bằng A la hán đạo tuệ (Arahatta maggannana).

Khi phiền não chướng ngại đã xa lìa, thân tâm Bồ tát trở nên hoàn toàn trong sạch. A la hán quả phát sinh lên và 7 cái giác khác cũng tuần tự khởi phát lên tròn đủ trong tâm Ngài.

E. Hoá Tâm Minh (Manomayiddhi Vijja) là cái tuêï có thể hóa thân khác theo mong muốn của mình, do nhờ năng lực của thiền định. Ðức Phật có thể dùng tâm lực tự hóa ra khi thì làm người già, lúc thì làm người trẻ. Như trường hợp Ðức Phật thuyết giảng tạng Vi Diệu Pháp vào hạ thứ bảy tại cung trời Tam thập tam thiên suốt ba tháng. Mỗi ngày đến giờ đi khất thực, Ðức Phật hóa thân khác như Ðức Phật tiếp tục thuyết pháp, còn chính Ðức Phật thật đi khất thực ở bắc Câu Lưu Châu. Khi độ ngọ xong, Ngài trở lại cung trời thay thế Ðức Phật hóa thân, chỉ có một số ít chư thiên, phạm thiên bậc cao có nhiều oai lực mới biết được.

F. Thần Thông Minh (Iddhividhi vijja) là cái tuêï có khả năng biến hóa nhiều pháp thần thông khác nhau do nhờ năng lực thiền định. Vào trước thời kỳ của Ðức Phật đã có những vị tu sĩ Bà La Môn rất làu thông kinh điển Vệ Ðà và thực hành những pháp tu tập (caranas) đạt đến những tầng thiền tĩnh lặng rất cao (jhana abhinnas). Khi đạt đến những tầng thiền tĩnh lặng cao cấp, các tu sĩ Bà La Môn có thể thực hành những phép thần thông như thấy được (thiên nhãn) và nghe được (thiên nhĩ) toàn thể vũ trụ trong bất cứ giây phút nào (Dibbacakkhu Nana), thấy được kiếp trước của mình (Túc mạng minh hay Pubbenivasa Nana), hiểu được tâm ý của người khác (Tha tâm thông hay Cetopariya Nana).

Ðức Phật cũng đã tu tập và đạt đến mức độ cao nhất những sức mạnh thần thông này. Thí dụ, Ðức Phật có thể biến hóa một người thành ra nhiều người hoặc nhiều người thành ra một người. Ngài có thể tàng hình, độn thổ, đi trên nước như trên đất bằng, đi ngang qua vách núi như đi trong khoảng trống, ngồi xếp bằng bay trên hư không, lấy tay rờ mặt trời, mặt trăng, làm cho đường gần thành xa, xa thành gần, vật nầy biến thành vật khác. Trong hàng đệ tử của Ngài, Ngài Mục Kiền Liên là người có thần thông khó ai có thể vượt hơn được nhưng ngài vẫn không thể thực hành được phép biến nước thành lửa và lửa thành nước từ lỗ chân lông (Yamaka patihariya) như Ðức Phật . Và chính nhờ oai lực thần thông này mà Ðức Phật đã thuyết phục và cảm hóa được nhiều người, khiến họ bỏ con đường ác và hướng về Phật pháp.

G. Thiên Nhĩ Minh (Dibbasota Nana) là tuệ có thể nghe những tiếng động từ rất xa, bị bịt kín, hoặc nhỏ nhiệm mà tai của người đời thường không thể nghe được. Do nhờ năng lực thiền định, Ðức Phật có thể nghe tiếng các loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, nhất là tiếng của loài người và chư thiên.

H. Tha Tâm Minh (Cetopariya Nana) là tuệ biết rõ ý tưởng hoặc tâm thức của người khác. Ðức Phật biết rõ tâm của tất cả chúng sanh: Tâm người nầy còn tham, sân, si. Tâm người kia đã dứt phiền não. Người này đang tưởng điều ác. Người kia đang nghĩ điều lành. Nhờ tha tâm minh mà khi có ai đến gần, Phật liền biết rõ người ấy muốn tìm ngài để làm gì, hỏi chi v.v...

Năm cái giác vừa kể trên, hiệp với ba cái giác đã giải thích phía trước làm thành 8 cái giác mà Ðức Phật đã chứng đắc. Trong các tuệ giác nầy, Tuệ giác thứ tư (Trí tuệ Bát Nhã dựa trên thiền minh sát) thuộc dục giới. Tuệ giác thứ ba (tuệ giác diệt trừ các nhiễm ô siêu thế) thuộc sắc giới. Sáu tuệ giác thuộc vô sắc giới (Ruavacara kriya abhinna Nana).

II. MƯỜI LĂM ÐỨC HẠNH CAO THƯỢNG (CARANA) CỦA ÐỨC PHẬT:

A. Có giới đức hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh (Sila Samvara) là giữ gìn trong sạch Tứ thanh tịnh giới hay 227 giới của các vị tỳ kheo (Patimokkha)

B. Thu thúc lục căn thanh tịnh (Indriyasamvara dvarata) là giữ tâm cho bình thản không vui không buồn, không cho cảnh trần chi phối khi lục căn tiếp xúc với lục trần. Thu thúc khi thấy bằng mắt, nghe bằng tai, ngửi bằng mũi, nếm bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, suy nghĩ bằng ý hoàn toàn thanh tịnh.

C. Biết tri túc trong vật thực (Bhojane mattannuta) là biết cách đi bát và sử dụng thức ăn đúng cách. Nếu thí chủ bố thí với tâm thành kính thì dù thức ăn ít, Ðức Phật vẫn nhận. Nếu thí chủ bố thí thật nhiều thức ăn nhưng thái độ ít thành kính, Ðức Phật chỉ nhận một phần nhỏ thôi. Nếu thí chủ bố thí thật nhiều và với tâm thành kính thật sự, Ðức Phật thọ nhận vừa đủ nhu cầu của mình. Ðây là hạnh biết nhận thức ăn đúng cách. Khi ăn những thực phẩm thọ nhận, Ðức Phật chỉ ăn một buổi ngọ,và bao giờ ăn no. Ngài ngừng lại khi còn có thể ăn 5 hoặc 6 muỗng nữa mới no để dành uống nước. Và quan trọng nhất, ngài luôn luôn chánh niệm trong khi ăn. Ðây là hạnh biết ăn đúng cách.

D. Tinh tấn tỉnh giác (Jagariya muyoga): Ngày đêm tinh tấn hành phận sự. Chuyên cần tỉnh giác ở đây không có nghĩa là Ðức Phật chỉ thức và không ngủ. Ngài liên tục chánh niệm suốt ngày, đầu đêm và cuối đêm, trong lúc đi bộ và ngồi để ngăn ngừa không cho những tâm bất thiện khởi lên. Trong 24 giờ của ngày, Ðức Phật chỉ ngủ khoảng 4 giờ--từ 10 đến 2 giờ khuya--để phục hồi năng lực. Ban đêm có 3 canh. Canh đầu, Ngài ngồi hành đạo, đi kinh hành. Canh giữa (22 giờ đêm) Ngài nằm ngũ nghỉ trong tư thế nằm riêng bên phải, có trí nhớ trí tuệ trước khi ngủ, sẽ thức dậy ở cuối canh giữa. Canh chót (2 giờ sáng), Ngài hành đạo, đi kinh hành. Phần thì giờ còn lại của 24 giờ trong ngày, Ngài hành thiền và làm các công việc của một vị tỳ kheo.

Bảy hạnh kế tiếp (từ hạnh thứ 5 đến hạnh thứ 11) còn được gọi là 7 phẩm hạnh của người đạo đức (Thất thánh tài) là:

E. Ðức tin chân chính và không lay chuyển ở Tam bảo, tin nghiệp và tin quả, tin ở sự giác ngộ của Ðức Phật và ở 37 phần pháp Bồ Ðề (Saddha)

F. Luôn luôn chánh niệm, có sự ghi nhớ chân chính và biết mình, ghi nhớ theo Tứ niệm xứ (niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp) và biết rõ những hành vi của mình về thân khẩu ý (Sati sampajanna)

G. Biết hổ thẹn khi làm điều tội lỗi, không làm điều tội lỗi (Hiri, Tàm).

H. Biết ghê sợ khi làm điều ác, không làm mọi tội ác (Ottapa, Quý).

I. Luôn luôn có sự tinh tấn theo Tứ chánh cần (samappadhana):

a. cố gắng diệt trừ các pháp ác đã phát sanh nơi thân tâm.
b. cố gắng ngăn ngừa các pháp ác chưa phát sanh không cho xâm nhập vào thân.
c. cố gắng làm cho tăng trưởng pháp các pháp lành đã có, hoặc làm hoàn bị những pháp lành đã đắc.
d. cố gắng làm cho phát sanh các pháp lành chưa có hoặc hành các pháp hành chưa đắc (Viriya).

J. Ða văn túc trí, học nhiều hiểu rộng tất cả các Pháp và giáo lý Phật, nhất là Kinh, Luật, Luận và các pháp giải thoát (Bahusacca)

K. Có trí tuệ hiểu thấy chân chánh, hiểu thấy theo ba thật tướng của vũ trụ (vô thường, khổ não, vô ngã) theo lý Tứ Diệu Ðế (Panna).

4 hạnh sau cùng (từ thứ 12 dến 15) là 4 tầng thiền vô sắc giới:

L. Ðệ nhất thiền hữu sắc và vô sắc (Pathamajjhana)

M. Ðệ nhị thiền hữu sắc và vô sắc (Dutiyajjhana)

N. Ðệ tam thiền hữu sắc và vô sắc (Tatiyajjhana)

O. Ðệ tứ thiền hữu sắc và vô sắc (Catutthajjhana)

Những tuệ giác (vijja) và đức hạnh (carana) nầy tác động qua lại lẫn nhau. Tuệ giác giống như đôi mắt trong khi đức hạnh giống như đôi chân. Muốn đi đến một nơi nào đó mà thiếu một trong hai thì không thể nào đạt được ước nguyện của mình.

Các bậc thánh (Ariya) có thể đạt được 8 tuệï giác và 15 đức hạnh nầy nhưng họ vẫn không có danh hiệu là Minh Hạnh Túc vì Ðức Phật là người đạt được các tuệ giác và đức hạnh nầy mức độ cao nhất. Nhờ toàn đắc 8 cái giác, Ðức Phật phát sinh trí tuệ vô biên. Nhờ hành viên mãn 15 đức hạnh, Ðức Phật phát tâm đại bi vô lượng. Do nhờ trí tuệ mà Ðức Phật thông suốt cái khổ. Do nhờ tâm Ðại Bi mà Ðức Phật dắt dẫn chúng sanh đến bờ giải thoát. Do nhờ trí tuệ mà Ðức Phật đã chứng bậc Chánh đẳng Chánh giác. Do nhờ tâm Ðại Bi mà Ngài thực hành trọn vẹn phận sự của một bậc Chánh Biến Tri. Do nhờ Trí Tuệ mà Ðức Phật tri tỏ pháp nào có sự lợi ích; pháp nào có sự nguy hại đến chúng sanh. Do nhờ tâm Ðại Bi mà Ngài khuyên bảo chúng sanh lánh xa những điều tội lỗi, khuyến khích chúng sanh làm những điều lành. Tóm lại, do nhờ 8 cái giác và 15 cái hạnh của Ðức Phật mà các hàng tứ chúng môn đệ của ngài được dắt dẫn chu đáo trên con đường chân chánh, lánh xa những con đường sai lầm như pháp tu khổ hạnh, tà kiến, lợi dưỡng.... Do nhờ những ân đức cao quý vừa giải thích ở trên nên Ngài có danh hiệu là Vijjacaranasampanno hay Minh Hạnh Túc.

-ooOoo-

[i] Xin xem trang 8 trong tập sách nầy.

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004