BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode Times font


NIỆM ÂN ÐỨC PHẬT

Susanta Nguyễn
Montreal, Quebec, 2002


6. ÂN ÐỨC VÔ THƯỢNG SĨ ÐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU -
ANUTTARO PURISA-DAMMA-SARATHI

Ðức vô thượng giáo hóa chúng sanh.
Ðấng điều ngự những chúng sanh chưa thuần thục không ai bằng.

Trong Thanh Tịnh Ðạo, ân đức Anuttaro Purisadammasarathi, được chia làm 2 ân đức riêng biệt: Anuttaro: Ðức Vô Thượng.

Purisadammasarathi: Ðức giáo hóa chúng sanh.

Hai ân đức nầy được gộp thành một trong bài viết nầy. Nhưng vì tầm quan trọng của ân đức Anuttaro hay Ðức vô thượng, Vô thượng sĩ, chúng ta sẽ tìm hiểu riêng phần Ðức Vô Thượng trước và sau đó là phần Ðức Giáo hóa hay Ðức Ðiều ngự trượng phu.

A. ÐỨC VÔ THƯỢNG- ANUTTARO:

Trong thế gian này, không ai có thể sánh bằng Ðức Phật, vì Ngài có những ân đức cao quí và đáng kính trọng như sau:

1. Quý trọng về sắc thân (Rupakayesu Anuttaro): Ðức Phật được quý trọng vì sắc thân không tội lỗi, tật nguyền, có oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi) tốt đẹp, đằm thắm, đầy đủ 32 tướng hão và 80 tướng phụ có hào quang phóng ra sáng ngời, nhân loại và chư thiên không ai sánh bằng (Rupakayesu Anuttaro).

2. Quý trọng về giới hạnh (Silesu Anuttaro): Ðức Phật có 2 giới: Phàm giới (Lokiya sila) và Thánh giới (Lokuttara sila).

a. Phàm giới là ngũ giới, bát quan trai giới, thập giới và cụ túc giới. Ðức Phật đã luôn luôn gìn giữ những giới ấy không bợn nhơ trong lúc còn lặn hụp trong sanh tử luân hồi trọn 4 A tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp của địa cầu. Lại nữa, Ngài đã thực hành trọn đủ Giới Ba la mật: Bậc hạ (Sila parami), Bậc trung (Sila Upparami), Bậc thượng (Sila Paramattha parami).

b. Thánh giới: Từ vô số kiếp quá khứ, Ngài đã thực hành viên mãn 3 pháp chân chánh là Chánh ngữ (Sammavaca), Chánh nghiệp (Samma Kammanto), Chánh mạng (Samma ajivo) khiến phát sanh Thánh đạo diệt tận các pháp ác.

3. Quý trọng về thiền định (Samadhimhi Anuttaro): Thiền định có 2: Cận định (Upacara samadhi) và Nhập định (Appana samadhi). Cận định là trạng thái tâm lành an trụ trong một cảnh giới song chưa vững chắc. Nhập định là trạng thái tâm lành an trụ kiên cố trong một cảnh giới.

Nhập định có 2: Phàm định (Lokiya samadhi) và Thánh định (Lokuttara samadhi). Phàm định là định trong thế gian, là thiền của phàm nhơn, có lúc tiêu hoại. Phàm định có 8 là 4 bậc thiền trong cõi sắc giới giới (Rupavacara Samapatti) và 4 bậc thiền trong cõi vô sắc giới (Arupavacara samapatti). Thánh định là định xuất thế, là thiền của bậc thánh nhân, chắc vững, không hư hoại.

4. Quý trọng về Trí tuệ (Pannasu anuttaro): Trí tuệ của Ðức Phật có những đặc tính sau đây:

a. Trí tuệ vô lượng và vô biên, Chư thiên và nhân loại không ai sánh bằng (Mahapanno)

b. Trí tuệ thậm thâm, sâu dày như quả địa cầu (Pathupanno)

c. Trí tuệ làm cho chúng sanh vui thích khi nghe ngài thuyết pháp (Javanapanno)

d. Trí tuệ sắc bén (Tikkhanappanno)

e. Trí tuệ trong sự thuyết pháp, không bao giờ lẫn lộn hoặc vấp váp trong khi thuyết pháp (Nibbedhikappanno)

Những đặc tính nầy không phải lúc Ðức Phật đắc đạo mới có mà ngay trong những kiếp quá khứ, lúc còn là Bồ tát tu huệ Ba la mật (Panna parami), Ngài có tên là Mahosotha, Vidhura v.v... Trí tuệ Ngài trội hẳn các bậc trí thức khác trong thời bấy giờ.

5. Quý trọng vì sanh làm người nam (Thái tử Siddhartha) đầy đủ ngũ quan, diện mạo phi thường, học lực xuất chúng, thông hiểu trọn bộ kinh Vệ Ðà, kiếm cung, tài lực siêu phàm ai ai cũng đều cảm phục kính nể (Purisasilamacaresu).

6. Quý trọng vì phẩm hạnh thanh cao hơn tất cả chúng sanh trong tam giới (Bhavassa Sammacaresu).

7. Quý trọng vì trí tuệ thông hiểu phương pháp giải thoát khỏi các pháp ác (phiền não) hơn các bậc tri thức khác (Parapuggalavimuttinnane).

8. Quý trọng vì trí tuệ biết rõ các tiền kiếp của Ngài và của các chúng sanh, là đắc Túc mệnh thông.

9. Quý trọng vì Ngài có thiên nhãn thông (Dibbacakkhunnane).

10. Quý trọng vì trí tuệ biết rõ cái quả của mỗi chúng sanh đều do nghiệp thiện hoặc nghiệp ác đã tạo (Kammavipakannane).

11. Quý trọng vì Ngài đã dùng lưỡng thông, là thần thông hóa thân làm hai vị Phật: Một vị ở cõi trời Ðạo lợi thuyết Tạng Luận, độ Phật mẫu liên tiếp trong 3 tháng hạ thứ 7, và một vị đi trì bình mỗi buổi sáng ở Bắc Câu lưu châu (Yamakappatihariyannane).

12. Quý trọng vì Ngài đã dùng thần thông làm cho chư thiên, nhân loại, và chúng sanh trong địa ngục đồng nhìn thấy nhau rõ ràng sau khi Ngài thuyết xong Tạng Luận, từ cõi trời Ðạo Lợi trở xuống trần gian (Lokavivarananappatihariyannane).

13. Quý trọng vì Ngài hiểu biết rành mạch sự phạm tội, là vị tăng nào phạm tội (giới luật) hoặc không phạm tội. Ngài đều rõ biết (Apattikusalataya).

14. Quý trọng vì Ngài hiểu biết rành mạch cách thoát khỏi tội, là nếu vị Tăng nào sơ ý phạm tội, Ngài từ bi cho pháp thực hành những phương thế giải tội (sám hối v.v...) (Apattivutthanakusalataya)

15. Quý trọng vì Ngài hiểu biết rành mạch bản chất tứ đại hữu thức (upadinnaka dhatu) của chúng sanh và bản chất tứ đại vô thức (anupadinnaka dhatu) của đất, núi, cây, đá v.v... luôn cả bản chất của chúng sanh vui thích trong tứ đại là đất, nước, gió, lửa (Dhatukusalataya).

16. Quý trọng vì Ngài rành mạch cách chú tâm và điều chí. Ngài để tâm ghi nhớ thì không bao giờ quên (Manasikarakusalataya).

17. Quý trọng vì Ngài rành mạch về nguyên nhân (hetu) hay không phải nguyên nhân (Thanathanakusalataya). Nhân dây là nhân lành. Có 3 nhân lành: Không tham (Alobho), không sân (Adoso), và không si mê (Amoho).

18. Quý trọng nhờ thần lực (Dvisu iddhisu): Có 2 loại thần lực: Thần lực do tâm (cittiddhi) là tâm thanh tịnh nhờ thiền định, thần lực do trí tuệ (vinamsiddi) là trí tuệ sáng suốt nhờ minh sát.

19. Quý trọng nhờ 2 oai đức cao thượng không ai sánh bằng (Dvisu anuttariyesu) là Giới cao thượng (Silanuttariya) và Trí tuệ cao thượng (Pannanuttariya).

20. Quý trọng nhờ 3 hạnh tuyệt luân (Tisukathavatthusu). Ðó là Bố thí (Dana), Trì giới (Sila) và Thiền Ðịnh (Bhavana).

21. Quý trọng nhờ 3 bậc thiền định (Tisusamadhi). Ðó là bậc thiền có đủ tầm sát (Vitakkavicarasamadhi), bậc thiền không tầm nhưng có sát (Avitakkasavicarasamadhi), bậc thiền không tầm và không sát (Avitakka avicarasamadhi).

22. Quý trọng vì những điều phi thường xảy ra khi Ngài lên pháp tòa, trong lúc đang thuyết pháp và khi xuống Pháp tòa (Tisu patihariyesu).

23. Quý trọng vì thông suốt Tứ niệm xứ (Catusu satipatthaesu): Niệm thân (Kayanupassana satipatthana), Niệm thọ (Vedananupassana satipatthana), Niệm tâm (Cittanupassana satipatthana), Niệm pháp (Dhammanupassana satipatthana).

24. Quý trọng vì bốn điều đầy đủ (sampada) khiến cho sự phước thí được quả báu cao thượng:

a. Ðầy đủ 3 tác ý (Cetana sampada): tác ý đầu tiên (pubba cetana) là suy tính trước khi làm phước, tác ý trong khi làm (mucana cetana) là tâm vui thích trong lúc đang làm phước, tác ý suy nghỉ thỏa thích sau khi làm rồi (aparapara cetana).

b. Ðầy đủ tứ vật dụng (y phục, vật thực, cốc liêu, thuốc trị bịnh (Paccaya sampada).

c. Ðầy đủ các vật cúng dường (Vatthu sampada).

d. Ðầy đủ ân đức của cả hai bậc thánh nhân là A la hán khi các ngài vừa xuất đại định (Gunatireka sampada).

25. Quý trọng vì tứ thần túc (Cũng gọi là 4 pháp căn bản để thực hành cho đắc thần thông):

a. Nguyện vọng thần túc (Chandiddhipada)

b. Tinh tấn thần túc (Viriyiddhipada)

c. Tâm năng thần túc (Cittiddhipada)

d. Trí tuệ thần túc (Vinamsiddhipada)

26. Quý trọng vì 4 quả, bắt đầu từ Tu đà hoàn đạo, Tu đà hoàn quả (Catusu maggesu catusu phalesu)

27. Quý trọng vì 4 pháp thánh tông (Catusu ariyavamsesu):

a. Có sự ham muốn ít (Appiccho)

b. Có sự tri túc (Sallekho)

c. Có đức tin kiên cố trong 10 pháp ba la mật (Saddha)

d. Trì giới trong sạch theo ngũ giới, bát quan trai giới, và tứ thanh tịnh giới (Silam)

28. Quý trọng vì trí tuêï thông hiểu 4 phương pháp giải thoát khỏi các pháp ác (phiền não) (Catusu vinuttinnanesu):

a. Giải thoát bằng thánh tuệ, là tuệ xuất thế gian (Pannavimuti)

b. Giải thoát bằng sự đoạn tuyệt (Samuccheda vimutti)

c. Giaiû thoát bằng sự đè nén của thiền định (Vikkhambhama vimuti)

d. Giải thoát các pháp ác trong mỗi nấc tâm do Minh sát tuệ (Tadanga vimutti)

29. Quý trọng vì ngũ lực (Pancabalesu):

a. Tín lực là đức tin dũng mãnh nơi Tam Bảo và lý nhân quả để diệt trừ lòng mê tín và tà kiến (Saddha balam).

b. Tấn lực là tinh tấn dũng mãnh để diệt trừ sự lười biếng, giải đãi (Viriya balam).

c. Niệm lực là trí nhớ dũng mãnh để diệt trừ tâm nhớ vẩn vơ bên ngoài (Sati balam).

d. Ðịnh lực là thiền định dũng mãnh để diệt trừ tâm không chăm chú, không an trụ (Samadhi balam).

e. Tuệ lực là trí tuệ dũng mãnh để diệt trừ vô minh (Panna balam).

30. Quý trọng vì ngũ căn (Pancindriyesu):

a. Tín căn là cội tin ân đức Tam bảo và tin nhân quả để diệt trừ tà kiến (Saddhindriyam).

b. Tấn căn là cội tinh tấn để diệt trừ sự lười biếng giãi đãi (Viriyindriyam)

c. Niệm căn là cội trí nhớ để diệt trừ tâm nhớ vẩn vơ bên ngoài (Satindriyam)

d. Ðịnh căn là cội chánh định để diệt trừ tâm không an trụ (Samadhindriyam)

e. Tuệ căn là cội trí tuệ để diệt trừ vô minh (Pannindriyam)

31. Quý trọng vì ngũ thông:

a. Nhãn thông (Dibbacakkhu)

b. Nhĩ thông (Dibba sota)

c. Thần thông (Iddhividha)

d. Tha tâm thông (Paracitta vijja)

e. Túc mạng thông (Pubbenivasanussati)

Ngũ thông kể trên còn trong phạm vi của hạng phàm nhân, các bậc thánh nhân đắc thêm lậu tận thông (Asavakkhaya) là tuệ biết rõ các pháp trầm luân để diệt tận, cộng chung là 6 cái thông (abhinna)

32. Quý trọng vì trí tuệï vô thượng (Chaasadharanannaneru). Có 6 trí tuệ vô thượng:

a. Trí tuệ biết rõ các pháp khuynh hướng (asaya) và các pháp ngủ ngầm (Anusaya) trong tâm chúng sanh (Asayanusayannana)

b. Trí tuệ biết rõ căn cơ dõng mãnh hay yếu hèn của chúng sanh (Indriyaparopariyattinnana)

c. Trí tuệ lanh lợi trong sự dùng lưỡng thông là thần thông hóa làm hai vị Phật (Yamakappatihariyannana)

d. Trí tuệ biết rõ phương pháp tế độ chúng sanh khi xã Ðại bi định (Mahakarunasamapattinnana)

e. Trí tuệ thông hiểu tất cả mọi vật không dư sót (toàn giác) (Sabbannutannana)

f. Trí tuệ thông hiểu mọi vật không chướng ngại, không chi che án được (Anavarannana)

33. Quý trọng vì sự thuyết pháp về 7 pháp thanh tịnh (Sattavisuddhidesanasu):

a. Thanh tịnh do sự trì giới (Sila visuddhi)

b. Thanh tịnh do sự sửa trị tâm làm cho phát sanh cận định và nhập định (Citta visuddhi).

c. Thanh tịnh do sự hiểu thấy chân chánh, là tuệ thấy rõ "danh và sắc" (ngủ uẩn) do sự hòa hợp của tứ đại và hằng bị chi phối bởi 3 tướng vô thường, khổ não và vô ngã (Ditthi visuddhi)õ.

d. Thanh tịnh do sự thấy rõ nhân duyên của danh sắc và dứt khỏi hoài nghi đối với danh sắc trong tam thế (Kankhavitarana visuddhi).

e. Thanh tịnh do tuệ không sai lầm theo 10 phiền não của minh sát, thấy rõ là Ðạo hay không phải là Ðạo (Maggamaggannanadassana visuddhi).

f. Thanh tịnh do tuệ thấy rõ cách thức thiến hóa là nên thực hành 9 pháp Minh sát tuệ (Patipadananadassana visuddhi)ä.

g. Thanh tịnh do tuệ xuất thế gian, thấy rõ 4 thánh đạo và 4 thánh quả (Nanadassana visuddhi).

34. Quý trọng vì thông hiểu đạo tuệ của 7 bậc thánh nhân là những bậc hữu học (Sekkho puggalo) có mãnh lực tận diệt từng giai đoạn các pháp trầm luân, nhất là 10 kiết sử (samyojana: pháp thằng thúc). 7 bậc thánh nhân ấy là: Tu đà hoàn đạo, Tu đà hoàn quả; Tu đà hàm đạo, Tu đà hàm quả; A na hàm đạo, A na hàm quả và A la hán đạo (Sattakhinasavabalesu).

35. Quý trọng vì sự thuyết pháp về 9 chỗ trú ngụ của chúng sanh (Navasattavasadesanasu).

36. Quý trọng vì 10 đề kasina (Dasakasinayatanesu):

a. Ðề mục đất (Pathavi kasina)

b. Ðề mục nước (Apo kasina)

c. Ðề mục lửa (Tejo kasina)

d. Ðề mục gió (Vago kasina)

e. Ðề mục màu xanh (Nila kasina)

f. Ðề mục màu vàng (Pita kasina)

g. Ðề mục màu đỏ (Lohita kasina)

h. Ðề mục màu trắng (Odata kasina)

i. Ðề mục hư không (Akasa kasina)

j. Ðề mục ánh sáng (Aloka kasina)

37. Quý rộng vì hiểu rõ 11 phước báo của sự rải lòng bác ái hay tâm từ (Ekadasamettanisansadesanasu):

a. Khi ngủ được an vui (Skham supati).

b. Khi thức dậy cũng được an vui (Sukham patibujjhati)

c. Không nằm mộng thấy điều dữ xấu xa (Na papakam supinam passati)

d. Mọi người đều thương mến (Manussanam piyohoti)

e. Phi nhơn cũng thương mến (Amanussanam piyohoti)

f. Chư thiên thường hộ trì (Devata rakkhanti)

g. Lữa, thuốc độc, và khí giới không làm hại được (Nassa aggi va visam va sattham va Kamati)

h. Tâm tập thiền một cách mau lẹ (Juvatam cittam samadhiyatti)

i. Màu da, gương mặt được tươi tỉnh và sáng sủa (Mukkhvanno vippasidati)

j. Khi sắp lâm chung, tâm được bình tỉnh và không mê loạn (Asammulho kalam karoti)

k. Nếu chưa đắc đạo quả cao thượng thì khi chết được sanh về cõi trời Phạm thiên (Uttarim appativijjhanto brahmalokpagohoti).

38. Quý trọng vì biết rõ tâm chúng sanh ở trong đều tội lỗi, là 12 ác tâm (akusalacitta): 8 tâm tham, 2 tâm sân hận, và 2 tâm si mê (Dvadasakusaladesanasu).

39. Quý trọng vì thông hiểu cách hành 13 pháp đầu đà:

a. Hành bằng cách lượm vãi bỏ để may mặc (Pamsukulika)

b. Hành bằng cách chỉ có 3 y (Tecivarika)

c. Hành bằng cách chỉ đi khất thực không thọ trai tăng (Pindapatika).

d. Hành bằng cách thường đi khất thực theo mỗi nhà mỗi xóm (Sapadanacarita).

e. Hành bằng cách chỉ thọ thực 1 chỗ và chỉ thọ mỗi ngày một lần thôi (Ekasanika).

f. Hành bằng cách chỉ thọ thực trong bát mà thôi (Pattaindika).

g. Hành bằng cách khi đã không dùng, không thọ lãnh vật thực người dâng rồi thì không được phép thọ thực nơi nào nữa (Kalupacchabhatika).

h. Hành bằng cách chỉ ở trong rừng (không ở trong xóm làng) (Arannika).

i. Chỉ ở nơi cội cây, không được ở cốc hay liêu hoặc chỗ có che lợp (Rukkhamulika).

j. Chỉ ở ngoài trời, khoảng trống, dầu dưới bóng cây cũng không được (Abbhokasika).

k. Chỉ ở nơi mồ mả hoặc chỗ bỏ của tử thi (Sosanika).

l. Chỉ ở nơi nào chư tăng đã chỉ định đầu tiên, không dời đổi (Yathasanthalika).

m. Chỉ ngồi chứ không nằm, đi và đứng thì được (Nesajjika).

40. Quý trọng vì trí tuệ hoàn toàn được sáng suốt, vô lượng vô biên (Cuddasabuddhannanesu). Có 14 huệ:

a. Huệ thấy rõ khổ đế là chân thật (Dukkhe nanam)

b. Huệ thấy rõ tập đế là chân thật (Dukha samudaye nanam)

c. Huệ thất rõ diệt đế là thật (Dukkha nirodhe nanam).

d. Huệ thấy rõ đạo đế là thật (Dukkha nirodhagaminipatipadaya nanam).

e. Huệ thấy rõ cái quả hay cái lý, thông suốt các nghĩa lý của chú giãi (Atthapatisambhida)

f. Huệ biết rõ cái nhân, hay suốt thông cả các pháp (Dhammapatisambhida).

g. Huệ biết rõ ngũ căn hay suốt thông các thứ tiếng (Nirutti patisambhida).

h. Huệ phân tích rõ ràng và mau lẹ tất cả sự vật (Patibhana patisamghida)

Tám cái huệ vừa kể trên, cộng với sáu cái huệ đã giải ở chi số 32 là 14 cái huệ.

41. Quý trọng vì sự thuyết pháp về Sanginippakarana (trong tạng Luận) (Ekavisatikkusladesanasu), chia tâm ra làm 21 loại:

8 thiện tâm trong cảnh dục giới (Kamavacarakusala)

5 thiện tâm trong cảnh sắc giới (Rupavacarakusala)

4 thiện tâm trong cảnh vô sắc giới (Arupavacarakusala)

4 thiện tâm của bậc thánh nhân (lokuttarakusala).

42. Quý trọng vì sự thuyết pháp Duyên khởi đại luận (Mahapatthana) về 24 cái nhân (paccaya) (Catuvisatiaccayadesanasu): Hetu là cái nhân sanh ra (janaka). Paccaya là pháp củng cố (upatthambhaka) cái nhân ấy. Nói cách khác, hetu là cốt từ nguồn gốc (mula) còn Paccaya là phù trợ nhân, ví như phận sự của hột giống là làm cho mộc mầm non, còn phận sự của đất nước là phù trợ cho cái mầm ấy được vững chắc. Tuy chia ra danh từ riêng biệt như thế, nói chung Hetu và Paccaya cũng có thể gọi chung là nhân. Duyên khởi đại luận bắt đầu từ Hetuppaccaya (nguyên khởi nhân) và cuối cùng là Avigatappaccaya (bất tán nhân).

43. Quý trọng vì huệ thông suốt hằng hà vô tận pháp môn (Kotisatasahassa sancaritadhamma vajirannanesu) như Dukapatthana (luận về duyên khởi từng đoạn 2 chi), Tikapatthana (luận về duyên khởi từng đoạn 3 chi), Dukatikapatthana (luận về duyên khởi 2 và 3 chi), Tikadukapattthana (luận về duyên khởi từng đoạn 3 và 2 chi).

Do nhờ những ân đức quý trọng không ai có thể sánh bằng vừa kể trên, nên đức Phật có hiệu là Anuttaro hay Ðức vô thượng hay Vô thượng sĩ.

B. ÐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU (PURISADAMMASARATHI):

Trong tiếng Pali, Purisa có nghĩa là người nam. Sarathi là người hướng dẫn hay tế độ. Damma là đáng được giáo hóa.

1. Người hữu duyên: Người hữu duyên với Phật pháp là người trong kiếp quá khứ đã thực hành pháp Ba La Mật, là người năng bố thí, chuyên cần trì giới, tham thiền, thính pháp. Người đã thực hành những hạnh thanh cao ấy là người đã tập duyên lành (Upanissaya) đáng được tế độ. Tùy theo trình độ phạm hạnh thấp hoặc cao, thiện duyên nhiều hoặc ít, Thế Tôn dùng phương tiện thích ứng để tế độ mỗi người hữu duyên. Không phải Ðức Thế Tôn gặp chúng sanh nào cũng giáo hóa tế độ chúng sanh ấy được cả thảy.

Có hai hạng người hữu duyên:

a. Hạng người do Ðức Phật tế độ (Buddhaveneyya)

b. Hạng người do các bậc Thanh Văn tế độ (Savakaveneyya).

Hạng người nào hữu duyên cùng đức Phật thì tự Ngài đến tế độ. Hạng người nào ngài biết rõ có duyên với bậc Thanh Văn nào thì Ngài bảo vị ấy đến tế độ.

2. Phương tiện tế độ chúng sanh:

Ðức Thế Tôn tùy theo tâm tánh và căn cơ cũa mỗi hạng người mà giảng giải rõ ràng về phước hoặc tội:

- Chúng sanh nào ưa thích những điều lành thì Ngài thuyết về các pháp hành thiện, là hành thiện do thân (Kaya sucarita), do khẩu (Vaci sucarita) và do ý (mano sucarita), cùng phước báo của các pháp ấy, hầu chúng sanh đó phát tâm thỏa thích trong sự làm các điều thiện.

- Chúng sanh nào ưa thích những điều ác, Ngài thuyết về các pháp hành ác, là hành ác do thân (Kaya duccarita), do khẩu (vari duccarita) và do ý (mano duccarita) cùng quả báo của các pháp ấy, hầu chúng sanh đó phát tâm nghê sợ những điều tội lỗi và hồi tâm làm các việc lành.

Kế tiếp, với những hạng người đã trau giồi giới hạnh thanh tịnh rồi, Ngài thuyết về các Pháp thiền định và phước báu do các pháp ấy từ bậc sơ thiền đến tứ thiền.

Với những bậc đã đắc thiền định, Ngài lại giảng giải về các pháp Minh Sát, hầu những vị ấy tu tập lần lần để phát sanh trí tuệ thấy rõ thật tướng các pháp hữu vi diệt trừ phiền não và đắc đạo quả Thánh nhân từ Tu đà hoàn đến A la hán.

Chúng ta không lấy làm lạ rằng trong tích xưa có nhiều Chư thiên và bậc đại thiện duyên, khi nghe qua một câu kệ ngôn hoặc một thời pháp do đức Phật thuyết được liền chứng đạo quả Thánh nhân ngay tại chỗ ngồi của mình. Nguyên do là các vị ấy đã thực hành viên mãn các pháp Ba La Mật và tập hợp thiện duyên cao dày, qúy báo từ vô số kiếp quá khứ, đến kiếp hiện tại hữu phước gặp Ðức Phật giảng dạy tế độ cho, nên được nếm hương vị an vui tuyệt đối, ví như một trái cây đã chín mùi từ bao nhiêu ngày trên cành cao, chỉ một luồng gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng vậy.

Trong kinh Anguttara Kikaya, có câu Phật ngôn: "Này Kesi! Như Lai huấn luyện chúng sanh đáng tế độ khi thì bằng cách dịu dàng, lúc thì bằng phương tiện cứng rắn, và khi thì bằng cả hai cách dịu dàng và cứng rắn."

Nói tóm lại, ngài tế độ chúng sanh bằng 3 phương tiện sau đây:

1. Abhinna: Ngài giảng dạy rõ ràng về các điều thiện và điều ác.

2. Sanidana: Ngài dạy bảo theo nguyên nhân, là tùy theo quả lành hoặc dữ xảy ra, Ngài chỉ cho thấy do nhân thiện hoặc nhân ác.

3. Sappatihariya: Ngài giáo hóa bằng 3 pháp phi thường là:

a. Iddhippatihara: bằng cách dùng các pháp thần thông.

b. Adesanapatihara: bằng cách biết rõ tâm của chúng sanh.

c. Anusasanipatihara: bằng những lời khuyên răn, nhắc nhở và giáo huấn về giới, định, tuệ.

Do nhờ hiểu biết tường tận tánh nết, hạnh kiểm, trình độ trí tuệ và duyên lành của mỗi chúng sanh, nên Ngài mới có thể giáo hóa chư thiên và nhân loại một cách dễ dàng và các bậc hữu duyên nên tế độ đều vâng theo lời khuyên bảo và giáo huấn của ngài.

3. Chúng sanh được tế độ:

Nghĩa đen của từ Purisadammasarathi là bậc hướng dẫn (Sarathi) những người nam (Purisa) đáng được giáo hóa (damma). Như thế thì có phải Ðức Phật chỉ độ toàn những người nam thôi hay sao? Không phải vậy. Ngài tế độ cả người nam và người nữ nhưng lệ thường thì nói đến người nam trước vì theo Phật giáo, người nam hữu phước hơn người nữ và hành đạo cũng được tiện lợi dễ dàng hơn.

Ðức Phật không những chỉ độ riêng cho nhân loại thôi, Ngài còn tế độ luôn cả loài thú và phi nhơn (chư thiên, dạ xoa, ngạ quỷ v.v...) có duyên lành. Hạng nam (Purisa) được tế độ có 3: Thú đực (Tiracchana Purisa), người nam (Manussa purisa) và phi nhơn nam (Amanussa purisa).

a. Ðức Phật giáo hóa loài súc sanh:

Những thú đực như rồng chuá Apalala trong núi Hy mã lạp sơn, rồng chú Culodara và Mohadara trong thế giới loài rồng, Aggisikha và Dhumasikha trong đảo Tích Lan đã được Thế Tôn có tâm bi mẫn dùng thần thông tế độ khiến các rồng chú ấy hết hung dữ và dứt được nọc độc là lòng sân hận, rồi thọ Tam quy và Ngũ giới. Ngài giáo hóa voi chúa Dhanapala trở thành hiền lành và thọ tam quy ngũ giới.

b. Ðức Phật giáo hóa những người bất thiện, tội lỗi và ác trở thành bậc Thánh nhân:

Những người đã làm các điều tội lỗi, hằng chấp tà kiến như Saccaka, người con trai ngoại đạo Nigantha; những người Bà la Môn như Ambattha, Pakkharasati, Sonadanda, Kutadanta v.v... được Thế Tôn từ bi thuyết pháp tế độ cho, khiến phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xa lìa tà kiến; được chánh kiến và đắc đạo quả cao thượng.

Thí dụ 1: Vangisa nổi tiếng là người thông minh nhất trong thiên hạ nhưng cũng là người cực kỳ gây hấn và kiêu ngạo. Gặp ai, hắn cũng tìm cách chứng tỏ là mình thông minh nhất và chưa hề chịu thua một người nào. Một ngày nọ, hắn gặp một đệ tử Phật và đặt ra câu hỏi để thách thức vị nầy trả lời. Vị đệ tử Phật trả lời: "Nếu ông muốn biết câu trả lời của tôi, trước hết, xin ông hãy trở thành một vị tu sĩ." Vangisa hung hãn xuất gia với mục đích là khi biết được câu trả lời, hắn sẽ hoàn tục. Nhưng khi gặp Ðức Phật và được nghe giáo pháp của ngài, Vangisa đã được cảm hóa, quyết định ở lại tu tập và về sau đã chứng quả A la hán[i].

Thí dụ 2: Có một lần, vào cuối mùa gặt, trong khi đi trì bình, Ðức Phật thấy năm trăm nông dân đang sắp hàng chờ người phú hộ phát gạo. Ngài bèn vào đứng sắp hàng chung với các nông dân nầy để chờ lãnh gạo. Khi đến phiên Ðức Phật, người phú hộ nhận ra Ðức Phật không phải là người làm công cho mình nên tìm cách đuổi ngài đi. Ông ta nói: "Tại sao ông không làm lụng để được nhận thực phẩm như những người kia? Tại sao ông lại đi ăn xin? Chân tay ông vẫn còn khỏe mạnh mà! " Ðức phật không nổi giận vì câu nói khinh miệt trên mà bình tĩnh đáp lại: "Tôi có đi làm đó chứ!" Người hào phú phản đối: "Tôi chưa bao giờ thấy ông làm việc cả." Ðức Phật trả lời: "Vâng, tôi cũng làm công việc trồng trọt đấy! Ðức tin của tôi là hạt giống được gieo trồng; công phu thiền định của tôi là nước mưa tưới lên hạt giống; và trí tuệ của tôi là cái cuốc mà tôi dùng để xới đất. Do đó, tôi là người lao động." Sau đó, đức Phật giảng thêm về Bát chánh đạo và đã thuyết phục được người hào phú. Ông ta quyết định đem cho tất cả đất đai và tài sản của mình, xuất gia tu với Ðức Phật, và về sau đã đắc quả A la hán. [ii]

Thí dụ 3: Angulimala là người cực ác đã cắt ngón tay những người hắn giết xâu thành vòng đeo ở cổ. Người nầy có võ nghệ cao cường, một mình ở trong khu rừng, từng đoàn người 20 - 30 người đi qua khu rừng không ai thoát chết. Một hôm, Ðức Thế Tôn một mình đi vào rừng, nơi trú ẩn của Angulimala, để giáo hóa. Y thức tỉnh, từ bỏ sát nhân, xin xuất gia trở thành Tỳ kheo nơi Phật. Về sau không lâu Tỳ kheo Angulimala chứng ngộ chân lý Tứ thánh đế, chứng đắc từ Nhập lưu thánh đạo - Nhập lưu thánh quả, cho đến A la hán Thánh đạo - Alahán Thánh quả, trở thành bậc Thánh A la hán cao thượng....

c. Giáo hóa dạ xoa hung dữ trở thành bậc Thánh nhân:

Tích truyện Dạ xoa Akavaja rất hung ác, tàn bạo, ăn thịt người lại có nhiều pháp mầu cực kỳ nguy hiểm. Ðức Thế Tôn đến ngự trên bảo tọa trong lâu đài của dạ xoa Alavaka, y bực tức dùng mọi phép mầu để xua đuổi Ðức Thế Tôn ra khỏi cung điện của y. Nhưng y hoàn toàn bất lực, không xua đuổi Ðức Thế Tôn được.

Cuối cùng y có những câu hỏi mà quên câu trả lời. Y đã hỏi nhiều Sa môn, Bà la môn mà không một ai có thể trả lời đúng được. Nay y đem những câu hỏi ấy đặt điều kiện hỏi Ðức Thế Tôn.

Ðức Thế Tôn đã giải đáp đúng ý nghĩa những câu hỏi, dạ xoa Alavaka vô cùng hoan hỉ liền chứng đắc Nhập lưu Thánh đạo-Nhập lưu thánh quả, trở thành bậc Thánh nhập lưu, bậc Thánh thứ nhất trong Phật giáo.

d. Giáo hóa phạm thiên tà kiến trở thành chánh kiến:

Phạm thiên Baka ở cung trời sắc giới Quang âm thiên phát sanh thường kiến mê lầm. Ðức Thế Tôn từ chùa Jetavana, hiện lên cõi trời sắc giới để tế độ phạm thiên Baka từ bỏ tà kiến trỡ lại chánh kiến.

3. Huấn từ của Ðức thế tôn:

Lời Ðức Thế Tôn thốt ra để giáo hóa chúng sanh rất nhiều, không thể kể xiết. Khi giáo huấn, Ngài tùy theo tâm tính và duyên lành, theo trí tuệ và căn cơ mỗi chúng sanh, theo nguyên nhân, thời buổi và cơ hội, theo phong tục tập quán mỗi quốc độ v.v...

Huấn từ của Ngài có 3 điểm:

a. Không nên làm điều ác (Sabbapapassa akaranam): Ðừng làm điều ác là nên xa lánh 10 pháp hành ác do thân, khẩu, ý gọi chung là thập ác: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời độc ác (chửi rủa), nói lời viễn vong vô ích, tham lam, thù oán, tà kiến (không tin nhân quả tội phước...)

b. Nên làm các điều lành (Kusalassupasampada): Ngài khuyên nên hành 10 pháp lành (Punnakiriya): Bố thí, phụng sự sốt sắng (veyyavacca), ngũ giới, tứ vô lượng tâm (Appamanna), xa lánh sự dâm dục (Methunavirati), chỉ vui thích vô minh (không ngoại tình), tinh tấn trì bát quan trai (Uposatha), bát thánh đạo (Ariyamagga),Thực hành giáo pháp: giới, định, tuệ (Sasana).

c. Nên trau dồi tâm cho trong sạch (Sacittapariyopadanam): Ngài dạy nên trau dồi tâm cho trong sạch là nên cố gắng diệt tận các phiền não (kilesa) và các pháp ngũ ngầm trong tâm (Anusaya) là những điều làm cho tâm bợn nhơ và khiến chúng sanh sa đoạ trong vòng sanh tử luân hồi.

Những phiền não ấy chia ra 2 hạng:

- Phiền não trọng đại (thô sơ) như tâm muốn sát sanh, tham muốn của cải người mong làm của mình v.v... Những phiền não nầy có thể diệt trừ được bằng sự trì giới và thiền định.

- Phiền não vi tế, khó nhận được là căn nguyên làm phát khởi các phiền não khác, chỉ có thể diệt được bằng thanh tuệ.

Nếu tóm tắt hơn nữa, huấn từ của Thế Tôn có thể thu ngắn trong 2 khuyên ngôn quý báu sau đây:

a. Nên xa lánh sự dể duôi (pamada) hay sự giãi đãi:

Sự dể duôi (pamada) hằng ngự trong tâm của hạng người hay quên mình, thường buông lung trí nhớ, không nhứt quyết làm một điều gì cho lâu dài, thành tựu. Tâm của chúng sanh mải say mê theo sự cám dỗ của ngũ trần lục dục, tự nghĩ rằng ta còn trẻ chưa già, còn đang mạnh chưa đau, còn vui chưa khổ v.v... nên ít có dịp tưởng nhớ đến các pháp lành và các công đức. Dẩu có nhớ đi nữa cũng làm qua loa cho có chừng, không để hết tâm trí vào sự thực hành những thiện pháp. Ðó là tâm dễ duôi.

Lại nữa, chẳng khác nào con cắc kè chạy một đoạn đường rồi ngừng lại một chập, không bao giờ chạy một mạch tới đích. Có người làm việc phước thí, hoặc trì giới hoặc thính pháp, tham thiền v.v... một hôm rồi bỏ luống nhiều ngày; có người xuất gia trong một thời gian rồi hoàn tục, không còn tưởng nhớ chi đến Phật pháp nữa...... Tất cả sự kiện ấy là tâm dễ duôi.

Sự dể duôi là nguồn cội và chủ động các pháp ác. Chúng sanh nào làm nô lệ cho sự dể duôi rồi, thì hằng chất chứa phiền não trong thân tâm, phải chịu những sự thống khổ của sanh, già, đau, chết đời này qua kiếp khác không ngừng.

b. Nên thực hành sự không dể duôi (appamada):

Sự không dể duôi (Appamada) nghịch hẳn với sự dễ duôi. Người không dể duôi là người hằng có sự ghi nhớ trong tâm, chẳng phải chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, trong bất cứ lúc nào, nơi nào và hành động nào cũng vậy.

Người không dể duôi có 5 đặc tính:

1. Ở trong khuôn khổ giới luật (Silepatitthito)

2. Thu thúc lục căn cho thanh tịnh (Indriyesu samvuto)

3. Biết độ lượng trong sự ăn uống (Bhojane mattannu)

4. Thường hay thức tỉnh, ít mê ngủ (Jagariyam anuyanjati)

5. Tính tấn tham thiền hành đạo (Bhavagam kusalam dhammam)

Sự không dể duôi là bức tường ngăn cản rất hiệu quả các pháp ác không cho xâm nhập và nẩy nở trong thân tâm được, là nguồn cội và chủ động các pháp lành. Nên Ðức Phật có nói: "Này các thầy Tỳ khưu, dấu chân của tất cả loài thú đều có thể nằm trọn trong dấu chân của con voi, như thế nào; các thiện pháp hằng qui tụ cả thảy dưới năng lực của sự không dể duôi như thế ấy!"

"Appamado amatam padam": Sự không dể duôi là con đường đi đến nơi bất diệt. Chúng sanh nào có tâm không dễ duôi, thường tưởng nhớ đến những pháp lành, chuyên cần thực hành các công đức như bố thí, trì giới, thính pháp, tham thiền v.v... và cố gắng không ngừng gìn giữ lục căn thanh tịnh, không cho duyên theo trần dục, chúng sanh ấy, chắc chắn một ngày kia, sẽ diệt tận được các phiền não trọng đại và vị tế, và sẽ được nếm hương vị Niết bàn là nơi vô sanh bất diệt vậy.

Vì thế, nên trong khi lâm trọng bệnh sắp nhập Niết bàn, Ðức Thế Tôn đưa mặt nhìn hàng tứ chúng đang ngồi đầy dẫy trước mặt Ngài, người thì gương mặt âu sầu buồn bả, người thì giọt lệ đầm đìa... ai ai cũng đều tỏ vẻ áo não tiếc thương Ðấng từ phụ trước giờ vĩnh biệt... Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, Thế Tôn thốt lời căn dặn: "Này các đệ tử! các người nên nhớ rằng các pháp hữu vi đều phải bị tiêu hoại, ấy là lẽ dĩ nhiên. Các người không nên dễ duôi, hay cố gắng hành những điều lợi ích đến thân tâm cho được mau kết quả!" Ấy là lời cuối cùng của Ðức Thế Tôn khi sắp lìa cõi thế gian, tiếng Pali là "Pacchimabuddhavacana" (Tối hậu ngôn).

Bao nhiêu lời ấy bao gồm trọn vẹn Giáo pháp mà đức Thế Tôn đã khổ công truyêøn bá trong 45 năm trường, vì vậy chúng ta là hàng Phật tử, hữu duyên gặp được chánh pháp, cũng nên khắc tạc nơi tâm khảm lời di huấn vàng ngọc của Ngài và cố gắng thực hành "Sự không dễ duôi" hầu thấy rõ con đường giải thoát.

Nhờ ân đức giáo hóa các loài chúng sinh có duyên lành, mà không có một ai trong toàn thế giới chúng sinh có khả năng giáo hóa tế độ chúng sinh như Ngài được nên Ðức Phật có danh hiệu là Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu hay Anuttaro Purisadammasagatha.

-ooOoo-


[i] Sayadaw Dhammasani, "Meditation on the Buddha"

[ii] Như trên

-ooOoo-

Ðầu trang | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 01-2004)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 18-01-2004