Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Giảng giải 38 pháp Hạnh Phúc

Pháp sư Maha Thongkham

(Bình Anson hiệu đính, 2006)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


KỆ NGÔN VII

HẠNH PHÚC XXII

Gāravo
Sự tôn kính các bậc đáng tôn kính

Tôi xin chia Hạnh phúc này ra làm ba phần để cho quí vị dễ nhận định;

- Tôn kính là gì?

- Thế nào gọi là tỏ vẻ tôn kính?

- Có nhiều lý lẽ khác nhau.

Sự tôn kính là sự hành động của người tôn kính. Xin đừng tưởng rằng lạy lục, chào hỏi, gọi là tôn kính. Lạy lục chào hỏi chẳng qua chỉ là hành động bên ngoài. Người không có sự tôn kính trong thân tâm, họ cũng vẫn hành được, vì đó là sự giả vờ bên ngoài.

Sự thật của sự tôn kính ta không thể trông thấy bằng mắt được. Phạn ngữ gọi là Gārava (tôn kính). Chữ Gārava biến thể từ chữ Gāru, nghĩa là nặng, ý nói rằng: ta thành thật tôn kính với tất cả tâm kính thành đối với các bậc như cha mẹ thầy tổ v.v... Tôn kính là tôn thờ và kính trọng.

Khi ta đến một nơi nào gặp một nhân vật trọng yếu, hay là đển chỗ phụng thờ tôn nghiêm, ta thấy lòng ta phát sanh ra sự tôn kính ở bên ngoài.

Phật giáo cho sự chào hỏi rất lễ phép bên ngoài cũng chưa phải hoàn toàn là tôn kính, mà chú trọng đến là sự tôn kính ở trong tâm.

Chú giải có dạy rằng: người biết tôn thờ, kính trọng các đấng có đặc ân cao cả như chư Phật, chư thánh nhân, chư Tăng, bậc có giới đức, và cha mẹ, thầy tổ và những bậc trưởng thượng.

Trong bài kinh Culakammavibhanga suttaCatutthavagga, Đức Thế Tôn có dạy người thanh niên tên Subha rằng: "Này Subha, người nữ hoặc người nam trong đời này là người cương ngạnh, ngã mạn, không chịu lễ bái các bậc đáng lễ bái, không chịu đứng dậy tiếp rước, không chịu nhường chỗ ngồi cho bậc đáng nhường, không tiếp đãi bậc đáng tiếp đãi, không kính trọng các bậc đáng kính trọng, không thân mến với các bậc đáng thân mến, không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường".

"Người ấy sau khi chết sẽ bị sanh vào ác đạo, vì nghiệp mà tự mình đã làm ấy. Nếu người ấy không sanh vào bốn đường ác đạo, khi được sanh làm người thì bị sanh vào gia đình thấp hèn. Này thanh niên Subha, người có tánh cương ngạnh, ngã mạn ... không cúng dường đến các bậc đáng cúng dường; chính người ấy tự tạo ra con đường đi đến nơi gia đình dòng họ đê hèn".

"Này thanh niên Subha, trái lại, người nam hay nữ ở trong đời này không cương ngạnh, không ngã mạn, ... cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, người ấy sau khi thoát sanh, sẽ được sanh về cõi thiên đàng vì người ấy tạo ra thiện nghiệp.

"Nếu người ấy không sanh cề cõi trời, sanh lại làm người, thì sẽ được sanh vào gia đình cao thượng, gia đình quí phái. Này thanh niên Subha, người không cương ngạnh, ngã mạn, ... cúng dường đến các bậc đáng cúng dường, đó là hành vi của người đi đến cõi an vui."

Theo Phật ngôn này thì ta thấy rằng sự tôn kính này không tùy thuộc giai cấp xã hội, chỉ dành cho người có tuổi tác, đức hạnh mà thôi.

Trong Túc sanh truyện, có một sự tích dạy về sự tôn kính:

Có lúc nọ, chư Tăng hội lại rất đông để hầu Phật. Nhiều thầy Tỳ khưu choán chỗ ở rộng lớn, có vị một mình chiếm hai chỗ hoặc ba chỗ. Đại đức Xá Lợi Phất đến sau, không có chỗ ở, đành phải ra ngoài trời, khuya lại đi kinh hành gặp Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn biết chuyện ấy từ trước, nhưng để đến khi gặp Đức Xá Lợi Phất, Ngài mới hỏi lại sao lại ở ngoài trời. Đức Xá Lợi Phất: "Vì tới trễ không có chỗ nghỉ".

Nhân chuyện ấy, sáng ngày Đức Thế Tôn mới cho họp chư vị Tỳ khưu lại và nhắc tích rằng: Lúc quá khứ tại rừng Tuyết Lãnh có một cây vừng to, nơi ấy là nơi cư ngụ của ba con thú. Ba con thú ấy là chim đa đa, khỉ và tượng (voi), chơi với nhau rất thân, nhưng không biết ai lớn nhỏ. Ba con thú ấy mới bàn với nhau rằng: "Chúng ta chơi với nhau chưa đủ, vì chúng ta thiếu phép cung kính nhau, vì không biết kẻ nào lớn nhỏ để chỉ dạy nhau".

Rồi chúng mới hỏi nhau rằng: "Vậy chúng ta ai biết cây vừng này từ bao giờ?"

Tượng đáp: "Này các bạn, trong khi còn là tượng con, mẹ tôi dẫn tôi đi ăn qua đây, thì cây vừng này còn ở dưới bụng tôi. Tôi biết cây vừng ngay khi ấy."

Khỉ đáp: "Này các bạn, khi tôi còn bú, tôi ngồi trên đất không cần phải ngước đầu lên, cũng có thể dùng miệng cắn ngọn cây vừng này được. Vậy tôi biết cây vừng từ khi ấy".

Chim đa đa nói: "Này các bạn, khi trước, bên kia có cây vừng to tôi ăn trái cây vừng ấy, về đại tiện nơi đây, nên mới có cây vừng này được. Vậy tôi biết cây vừng từ khi ấy."

Từ lúc ấy trở về sau, khỉ và tượng tôn kính chim đa đa lên làm anh cả; cả hai kính trọng vâng lời chỉ bảo. Chim đa đa dạy khỉ và tượng phải giữ ngũ giới. Sau khi chết, cả ba đều sanh về cõi trời.

Sau khi nhắc tích này xong. Ngài dạy rằng: "Này các thầy Tỳ khưu, loài thú mà còn biết tôn trọng nhau, phương chi các thầy, xuất gia theo giáo pháp của Như Lai, lại không biết tôn trọng lẫn nhau."

Sau khi thuyết tích này xong, Ngài dạy: "Kẻ nào thông hiểu pháp, biết kính trọng bậc cao thượng hơn mình, kẻ ấy trong đời này đáng là người được ngợi khen, về đời sau được sanh về cõi trời."

Chú giải có gom ý câu kệ như vầy: "Này các thầy Tỳ khưu, chúng sanh bất luận hạng nào, vua chúa, bà la môn, nông gia, người xuất gia, chẳng hạn, là người thông hiểu về sự biết tôn kính các bậc đáng tôn kính, vì lớn tuổi hơn hay là có đức hạnh cao hơn, chúng sanh ấy trong đời này được sự ca tụng ngợi khen, về vị lai được sanh về cõi trời.’

Sự tích khỉ, tượng trên đây có ngụ ý dạy ta nên kính trọng bậc niên cao kỷ trường, người có đức hạnh, dù người ấy thuộc hạng người nào trong xã hội. Sự tôn kính ấy còn có tác dụng là diệt lòng ngã mạn của ta.

Hơn nữa, sự tôn kính còn gọi là Hạnh phúc, vì sự tôn kính có thể đưa người khỏi tai nạn, được những đặc ân, và đắc được chỉ quán hay minh sát. Vì vậy, có một vị chư thiên vào hầu Phật và bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng:

- Bảy pháp làm cho các thầy Tỳ khưu tránh khỏi tai nạn là pháp gì?

Ngài đáp:

- Bảy pháp ấy là:

1. Buddhagāravatā: tư cách người biết tôn kính Phật.

2. Dhammagāravatā: tư cách người biết tôn kính Pháp.

3. Samghagāravatā: tư cách người biết tôn kính Tăng.

4. Sikkhāgāravatā: tư cách người biết tôn kính điều học.

5. Samādhigāravatā: tư cách người biết tôn kính thiền định.

6. Appamādagāravatā: tư cách người biết tôn kính sự không dễ duôi.

7. Patisanthāgāravatā: tư cách người biết tôn kính sự tiếp đãi.

- Bạch Đức Thế Tôn, bảy pháp này làm cho chư vị Tỳ khưu tránh khỏi tai nạn.

Đến sáng ngày, Đức Thế Tôn thuật câu chuyện ấy cho chư vị Tỳ khưu bằng câu kệ rằng:

Satthagaru dhamagaru

Sanghe ca tippagāravo

Abhabbo parihānnaya

Nibbānasseva santipe.

Nghĩa là: Thầy Tỳ khưu có sự kính trọng Phật, Pháp, Tăng ... là người không bị tai nạn lìa xa đạo quả, và thầy Tỳ khưu ấy đã ở gần Niết Bàn.

Đây xin giải bảy điều tôn kính ấy.

Sự tôn kính là một pháp rất cần cho đời và đạo. Người biết tôn kính bậc trưởng thượng thì người ấy làm gì cũng được dễ dàng, vì có người giúp đỡ.

1. Tôn kính Phật: Ta tôn kính Phật vì hai lẽ:

a) Dù khi Ngài còn tại gia, Ngài là một vị Đế Vương, giòng cao quý.

b) Khi ngài xuất gia tầm đạo, Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là đấng cứu thế độ đời, dùng đuốc tuệ phá tan bầu trời mờ tối, là vô minh làm cho chúng sanh không thấy đường. Tất cả như chư thiên, Phạm thiên đều hoan hô ca tụng Ngài có được mười hồng danh, từ Ưng Cúng đến Thế Tôn.

Trong Chú giải viết rằng: Khi Đức Thế Tôn còn tại thế, các bậc Tỳ khưu biết kính Phật, mỗi ngày đều vào hầu Phật để cung kính kim ngôn của Ngài giáo huấn. Khi Đức Thế Tôn đi kinh hành, các thầy không dám đi nơi cao hơn. Khi vào hầu Phật, các Thầy không dám bận y trùm, phải chừa vai trái ra. Các thầy không dám mang giày trong chỗ mà tầm mắt Đức Thế Tôn có thể trông thấy, không dám đi lại tiểu tiện chỗ mà Đức Thế Tôn có thể thấy. Đệ tử chánh thức của Phật là ngài Xá Lợi Phất được Đức Phật khen ngợi là người rất kính trọng Phật, là người hằng đêm khi đi ngủ biết Đức Phật ngủ hướng nào để nằm dây đầu về hướng ấy. Có nhiều vị Phàm Tăng hỏi ngài: "Tại sao lại chọn hướng dây đầu?", ngài đáp: "Vì tôi kính trọng Phật nên dây đầu về hướng Phật ngự."

Riêng chúng ta là người rất xa Phật thì phải kính trọng Phật bằng cách nào? Chúng ta phải năng lễ Phật, tụng kinh và khi vào chùa, lên chánh điện, phải tỏ ra trang nghiêm và hết lòng tôn kính trước kim thân Ngài, như Ngài còn ở hiện tiền.

2. Tôn kính Pháp: Pháp gọi là Dhamma, Tàu âm là Đạt ma, Đàm ma, Đàm. Ở trước đã có giải sơ lược về tiếng Pháp, bây giờ xin giải thêm, Dhamma nghĩa là phàm vật vì có bản tính là tính chất của nó, không cho hư hại hay tiêu diệt.

Tôi xin ví dụ cho dễ hiểu: Như miếng vải trắng, nó giữ được màu trắng, khiến cho ai trông thấy cũng nhận biết miếng vải màu trắng, chớ không ai nói là miếng vải đen.

Nói cho dễ hiểu thêm, thì vật gì cũng có hai trạng thái là giữ chắc cái tính chất của nó, và phô bày kiểu, cảnh, màu sắc do người nhận định phân biệt được. Như vậy gọi là Pháp. Tôn kính Pháp là ta hết lòng thực hành theo lời giáo huấn của Phật.

Pháp có ba chi khác nhau là:

a) Pháp học: ý nói là tám mươi bốn ngàn pháp môn; phải gắng học, không dễ duôi.

b) Pháp hành: là Giới-Định-Tuệ; là pháp mà hành giả vâng hành theo đúng để được giải thoát.

c) Pháp thành: chỉ các bậc thánh nhân đã đắc từ sơ quả Tu Đà Hườn.

Ba pháp trên có quả báu khác nhau. Pháp học là người thông minh hiểu rõ chân lý dễ hành đúng theo chánh đạo. Pháp hành này làm cho con người thấy rõ các pháp là vô thường, khỗ não, vô ngã, trí tuệ phát sanh, diệt tận phiền não đắc được đạo quả Niết Bàn.

Người đã đắc đạo quả Niết Bàn giải thoát khỏi vòng sanh từ luân hồi,cũng do nơi tôn kính pháp. Trong trường hợp này, nghĩa là tôn kính là thực hành theo pháp.

Riêng nơi đây, tôi muốn giải thêm cho chư thiện tín thấy rằng những người biết kính trọng pháp khi nghe lời giảng giải của các bậc trí thức mà có chuyện gì xảy ra, cũng không màng những người ấy được hạnh phúc, như ông trưởng giả trong tích sau đây:

Có một trưởng giả có đức tin vào chùa nghe thuyết pháp, trong khi ông trong sạch nghe pháp, thì ở nhà có bọn cướp đến vây nhà ông và tính cướp hết của ông.

Khi ấy có một người trong gia đình ông trốn thoát, chạy đến chỗ ông nghe pháp bảo ông rằng: "Bọn cướp đến vây nhà mình rồi xin hãy về xem." Ông nói: "Nếu quả thật của ấy là của bọn cướp, thì cứ mang đi, còn như không phải thì chúng nó không thể đem đi được." Rồi ông lại chăm chỉ nghe pháp như không có gì hết.

Người kia về nhà rồi trở lại bảo ông rằng: "Bây giờ chúng nó đã phá cửa vào nhà rồi, chỉ còn mang đồ đi thôi". Ông bình tỉnh nói: "Cửa của ta thì ở lại với ta, còn cửa của bọn cướp thì chúng tha hồ mang đi." Rồi ông lại chăm chú nghe pháp nữa. Người ấy về đến nhà thì thấy bọn cướp đang khuân vác đồ ra. Người ấy trở lại lần thứ ba và nói với ông trưởng giả: "Bọn cướp mang đồ ra khỏi nhà rồi." Ông vẫn bình tỉnh đáp rằng: "Của nào của chúng thì chúng mang đi tự ý. Của nào của chúng ta sẽ ở với chúng ta." Người ấy lập tức về thì thấy bọn cướp đã dọn nhà ra sân rồi, y nói với bọn cướp rằng: "Chủ nhân nhà này không màng đến của cải, vậy các ngươi cứ lấy tự do. Tôi đã bảo ông ta hai ba lần, nhưng ông ta không cần, Vậy các ông tùy tiện." Những người ấy nghe vậy, phát sanh lòng kinh sợ và nghỉ rằng những của này, chủ nhân đã không màng rồi, vậy chúng ta lấy của này để làm gì. Bọn cướp mới họp nhau bàn tán, đồng ý đem của trả lại chỗ cũ, rồi cùng nhau vào chùa nghe pháp. Những người ấy phát sanh tâm chán nản về tội lỗi, nên xin xuất gia, và đạt được đạo quả Tỳ khưu tùy theo duyên lành của mỗi người.

Theo tích này, ta thấy rằng sự tôn kính pháp không làm mất trật tự hay hết lòng nghe pháp như ông trưởng giả này có sự hạnh phúc như thế. Đây mới sơ qua của sự tôn kính pháp mà thôi.

Người hết lòng nghe pháp, hết lòng thực hành theo pháp thì được sự hạnh phúc như ta thấy trên. Đức Thế Tôn có dạy rằng: Dhammo rarukatappo, người kính trọng pháp nên thực hành theo pháp. Người thực hành đúng theo pháp mới gọi là người kính trọng pháp thật sự.

3. Tôn kính Tăng: Tăng có hai hạng là Phàm Tăng và Thánh Tăng. Tăng là các bậc ly gia cắt ái, thân xa mùi tục tạm theo đạo mầu, là bậc thừa hành theo chánh pháp, là ngọn cờ của Phật giáo, là hướng đạo của tín đồ. Nếu không còn Tăng thì Phật giáo cũng không còn.

4. Tôn kính điều học: đây nghĩa là hết lòng hành theo giới hạnh của mình đã thọ trì, rồi không cho phạm vào, nghĩa là luôn luôn xem giới hạnh của mình, cũng như là người đã bị mù mất một mắt rồi, cố giữ con mắt còn lại không cho đau. Đại ý nói rằng rất cố gắng bài trừ những phiền não còn trong lòng, không dám dễ duôi.

5. Kính trọng thiền định: tức là cố hành thiền định, không hề dám xao lãng. Thiền định là pháp dạy tâm, kềm chế tâm không để cho tâm xao lãng phóng túng, bắt buộc tâm phải yên tru. Nhất là các bậc xuất gia, thiền định đối với quí ngài không khác nào cá với nước, ý tôi muốn nói không thể xa nhau được, vì người tu sống chết gì cũng phải biết giữ lấy tâm mình thôi, nhờ có thiền định là nấc thang đi đến Niết Bàn.

Trong bộ Chú giải Visuddhimagga có dạy rằng trần cảnh ví như một thứ nhựa rất dẻo rất dính, mùa nắng nhựa ấy chảy ra dưới gốc cây, trông thấy như một miếng nhung trải rất đẹp. Có một con khỉ đến gần, thấy nhựa tưởng tấm nhung liền ngồi lên, thì lại bị dính cứng vào nhựa, khỉ cố hết sức để chống hai tay đứng lên, hai tay bị dính luôn, nó liền dùng hai chân chỏi dậy, nhưng rồi lại càng bị dính vào. Sau rồi chỉ còn có cái miệng cố cắn để gỡ thì cả cái miệng cũng bị dính vào nhựa ấy.

Con người cũng dính mắc vào một thứ nhựa, mà một thứ nhựa còn dẻo hơn nhựa kia, không biết bao nhiêu lần mà kể, đó là nhựa trần tục. Khi còn ở trong gia đình thư thả, khi có vợ là dính vào cái đít như con khỉ mới bị dính vào lần thứ nhất, sau lại có con cũng như khỉ bị dính hai tay. Khi có của tiền lại càng bị dính nhiều hơn như khỉ bị dính thêm hai chân. Người có quyền chức càng dính không thể nào cựa quậy được, cũng như khi mắc luôn cái miệng, chỉ có đợi chết thôi. Thật ra tâm con người bị mắc vào vòng tài, tình, danh, lợi, khó mà gỡ cho được, chỉ còn do nhờ thiền định là phương pháp chữa trị bị phiền não ngự trị. Nhờ có thiền định nên không cho tâm say mê trong trần cảnh.

Thưở xưa, ở xứ Ấn Độ, trước khi làm lễ hỏa táng, người dùng chỉ buộc hai tay chân và cổ người chết. Người ta chỉ theo phong tục ấy mà thực hành, kỳ thật không biết ý nghĩa ra sao.

Có người đến hỏi vị Đại đức tên là Kāla. Ngài mới dạy rằng: "Của cải là cái vòng cột cổ, vợ là cái vòng buộc chân, con là cái vòng buộc tay. Vì lòng thương con nên không thể tu hành được, chỉ biết lo kinh doanh hầu để sự nghiệp lại cho con, mà chính mình quên già và chết. Cũng vì yêu vợ, gắng lo bôn ba để tìm chút danh vọng để vợ được hãnh diện với đời, không nhớ rằng những tội lỗi mà mình đã làm không ai chịu thế cho được. Cũng vì thương yêu vợ con nên có chân mà cũng không thể dùng chân ấy chạy khỏi vòng luân hồi, trái lại đi sâu vào luân hồi. Cũng vì thương vợ con và của cải, nên tay bị buộc, không thể lấy của mình đã có đem ra cho ai cả, mặc dù người ấy là quyến thuộc, nên cũng ví như dây buộc tay."

Tục lệ này dạy con người gián tiếp rằng con người đến chết vẫn còn phải bị cột chặt vào ba mối là vợ, của, con. Thật ra thì tâm con người bao giờ cũng vẫn luyến tiếc ba mối đó nên không giải thoát được.

Đức Phật dạy ta tôn kính thiền định nghĩa là phải cố vâng giữ hành theo, không cho gián đoạn được. Như tôi đã nói, thiền định là nấc thang thứ nhì (sau giới) để đi đến nơi giải thoát, vậy người biết mình còn trầm luân trong biển khổ, nên cố gắng tham thiền. Đành rằng ta không thể giải thoát trong kiếp này, nhưng đó là duyên lành để trợ lực cho ta ngày vị lai, vì hiện giờ ta đã mài giũa mòn đi hết một ít phiền não.

Giàu sang, quyền chức trên đời không thể đem hạnh phúc lại cho ta. Tiện đây tôi xin nhắc sơ lược sự tích của Đại đức Anurudha để quí vị trông thấy gương lành của ngài.

Đức Anurudha là dòng Thích Ca. Ngài là người được kế vị ngai vàng của đức vua Tịnh Phạn. Sau lại, ngài xuất gia và ngài thường ngồi dưới cội cây nơi thanh vắng.

Khi ngài ở nơi ấy, ngài thường nói rằng: "Hạnh phúc thay, hạnh phúc thay!" Các vị Tỳ khưu nghe vậy mới bạch với Đức Thế Tôn rằng ngài Đại đức Anurudha muốn khoe mình là bậc cao nhân.

Đức Thế Tôn cho gọi ngài đến và hỏi có phải vậy không. Ngài đáp có.

Đức Thế Tôn hỏi: "Vì sao ngươi lại nói câu ấy?"

- Bạch Đức Thế Tôn, khi đệ tử còn trị vì, có thành trì kiên cố, có ngự lâm quân canh tuần cẩn mật, nhưng đệ tử vẫn còn e dè lo sợ có kẻ thích khách. Ngoài ra còn sợ quân xâm lăng của các cường quốc. Ngày nay, đệ tử xuất gia, bỏ ngai vàng, ở nơi rừng sâu, hang thẳm, cội cây vắng vẻ, đệ tử vẫn thấy lòng mình tự toại, an vui hạnh phúc, không sợ ai cướp của giựt đồ, vì đệ tử không thấy quả của sự không có của cải như vậy, nên đệ tử hằng nói: "Hạnh phúc thay!"

Sự tích này cho ta thấy rằng của cải, quyền chức không đem lại cho ta sự an vui thật sự mà thường tạo ra lo âu kinh sợ. An vui hạnh phúc thật sự là không có gì cả. Vì người không có gì không lo sợ mất gì.

6. Tôn kính sự không dễ duôi: ý nói không phung phí thì giờ quí báu của mình mà làm những điều vô ich.

Sự không dễ duôi ấy có hai phần: không dễ duôi bậc thấp và không dễ duôi bậc cao.

Sự không dễ duôi bậc thấp có 3 trường hợp:

- Không dễ duôi cho sự diệt trừ tội lỗi và làm nên các việc thiện.

- Không dễ duôi mà diệt trừ tội lỗi do khẩu nghiệp là có nói việc lành.

- Không dễ duôi trong sự suy nghỉ ác, nghĩa là không dám suy nghĩ ác.

Về việc không dễ duôi bậc cao cũng có ba trường hợp:

- Không dễ duôi sự quan sát gìn giữ tâm, không cho tâm tham mến theo trần dục, trong khi có cơ hội gần trần dục.

- Không dễ duôi để tâm si mê, giải phóng, phóng túng.

- Không dễ duôi để tâm sân hận, trong khi gặp phải trường hợp sân hận.

Người biết tôn trọng những điều kể trên gọi là những người biết tôn trọng những người không dễ duôi.

7. Tôn trọng sự tiếp đãi: sự tiếp đãi này là thuộc về phép xã giao lịch ở đời. Pháp này chia ra làm hai phần:

a) Tiếp đãi bằng tiền tài, nghĩa là khi có khách đến ta tiếp bằng những bữa cơm nước, chuyện trò thân mật vui vẻ, không tỏ vẻ bực mình.

b) Tiếp đãi bằng pháp, nghĩa là trong trường hợp thuận tiện cho ta, ta có thể khuyên người bỏ dữ về lành, hoặc dạy bảo quyến thuộc. Sự tiếp đãi này được lợi là ta được sự thương mến của mọi người, có nhiều bạn lành, sau khi chết được sanh vào cõi trời, kiếp vị lai có nhiều quyến thuộc và khi đi lầm đường có các bậc trí thức nhắc nhở.

Tôn kính các bậc đáng tôn kính sẽ được hạnh phúc là:

1. Đại phước cho mình.

2. Giữ được lễ độ và văn hóa của một dân tộc.

3. Là người trí thức, là người có giới đức, là người hành theo thiện pháp.

4. Có thể làm gương mẫu trong tôn giáo và người trong xã hội.

5. Là nguyên nhân làm cho nhiều người thương mến.

6. Là nguyên nhân sinh ra lòng từ i đối với mọi người.

7. Là người có nhiều trí nhớ.

8. Là người không có sự hối hận trong tâm.

9. Là người đã chuẩn bị vật thực về ngày vị lai.

10. Là nguyên nhân sanh ra sự an vui.

11. Là người biết ngăn ngừa không bị việc ác xâm chiếm vào lòng và không sanh vào ác đạo.

12. Là người thỏa thích trong sự an lạc.

13. Là người chắc chắn sẽ sanh vào cõi trời.

14. Là nhân khiến cho được sanh vào gia đình quý phái.

15. Là người hành theo Giới-Định-Tuệ.

16. Là người không làm mất minh sát tuệ và đạo quả.

*

HẠNH PHÚC XXIII

Nivāto
Nết hạnh khiem nhượng

Phạn ngữ Nivāto có nghĩa là không có gió, hay có thể nói là êm tiếng, nhưng ta giải nghĩa là khiêm nhượng. Hạnh phúc XXII dạy tôn kính, còn Hạnh phúc XXIII này dạy khiêm nhượng.

Tôn kính và khiêm nhượng khác nhau như thế nào? Phần đông người ta nghĩ rằng hai pháp này giống nhau, nưng chúng khác nhau như thế này:

- Tôn kính là vì mình nhận thấy nhân vật nào đó có đặc ân cao quý.

- Khiêm nhượng là tự mình làm cho tâm mình có lễ phép với mọi người. Người khiêm nhượng là người hằng suy nghĩ thấy cái hại của sự chấp "ta" của ngã ái.

Đây là trạng thái của người có nết hạnh khiêm nhượng:

1. Nīcamantā: có tâm lễ phép.

2. Nihatamāno: không ngã mạn.

3. Nihatadato: dứt bỏ ba điều cứng rắn, nghĩ rằng ta là cao thượng, là quý phái, là hạng giàu sang.

4. Bādapundaha colakasadiso: ví như miếng vải lau chân. Ý nói miếng vải lau chân là vật không có giá trị gì hết, ta đây giống như miếng vải lau chân ấy vậy. Giá trị và danh vọng chỉ miếng mồi cẩu ma vương giữ ta mê theo, đặng mau đi tới nơi tai hại. Khi người nghĩ thế thì có thể diệt được lòng tư ái.

5. Dichinnavisānusaphāsamo: ví như bò gẫy sừng. Khi bò bị gẫy sừng không khi nào dám gây hấn với bò khác, người suy nghĩ mình không có gì chống đối với mọi người, mặc dù có, nên không thích chống đối. Nhờ vậy mà lòng ngã ái diệt dần, thành ra người có khiêm nhượng.

6. Uddhathadāsasatpāsam: ví như loài rắn độc bị nhổ răng. Ý nói người ta sợ rắn, mà sợ rắn có nộc độc, khi rắn không có răng thì có ai sợ. Ta nghĩ rằng mình là người không có gì hết, vì lòng ta lại không chấp ta, đó là nhân đi tới khiêm nhượng.

7. Sanho: nhã nhặn.

8. Sakino: không tỏ vẻ cương ngạnh.

9. Samodano: vui vẻ.

10. Munuko: mềm mại.

11. Sukhasanphāso: nói lời dịu ngọt, đem đến cho ta ba điều lợi ích:

- Đưa sự vui vẻ cho người nghe và người nói.

- Không có tội lỗi.

- Làm cho tai mình êm ái vì lời nói tao nhã.

Người hành theo pháp khiêm nhượng có được hạnh phúc như:

1. Làm cho người đoàn kết.

2. Làm cho người được an vui.

3. Đi chung hay ở với hạng người nào cũng được, vì người có tánh khiêm nhượng ai ai cũng mến và kính yêu.

4. Người khiêm nhượng đi tới đâu cũng có người tôn trọng và yêu mến.

5. Ai ai cũng thích giao tiếp với người khiêm nhượng.

6. Người khiêm nhượng là người có nhiều bạn lành.

7. Người khiêm nhượng là người có nơi nương nhờ chắc chắn trong kiếp này và kiếp sau.

8. Để được sanh về cõi trời và Niết Bàn.

9. Là người không dễ duôi.

10. Là người đi theo Bát Chánh Đạo.

11. Là người trong khuôn khổ Giới-Định-Tuệ.

12. Là người làm cho mình trở nên cao quí và quan trọng hơn tất cả mọi người trong mọi trường hợp.

*

HẠNH PHÚC XXIV

Santuṭṭhī
Tri túc vui thích trong của cải đã có

Tri túc nghĩa là tư cách biết và lấy làm đủ (hay lấy làm thỏa mãn). Phạn ngữ Santuṭṭhī trước khi chưa biến thể thì nó là Samtusa, Sam có nghĩa là ta, Tusa có nghĩa là vừa lòng, thỏa mãn, lấy làm đủ, Santuṭṭhī có nghĩa là tri túc nhưng giải rõ hơn, là vui thích trong của mình đã có.

Tri túc còn có nghĩa là không tham lam, có những trạng thái sau đây:

1. Alaggabhavakkhano: có trạng thái không dính trong pháp; nghĩa là không say mê trong cảnh trần.

2. Apariggaharaso: có trạng thái chắc chắn trong các biện pháp, là phận sự.

3. Anallīnabhāvapaccupatthāno: có trạng thái không thỏa thích trong sự trụy lạc theo trần cảnh, là quả.

4. Yonisomanasikārapadatthāno: có suy nghĩ rất chu đáo bằng trí tuệ, để pháp sanh sự không tham làm nền tảng.

Muốn hiểu rõ về tri túc thì ta nên biết qua trạng thái của tri túc. Tri túc có 3 trạng thái nữa:

- Sekena Santoso: thỏa thích trong của mà mình đã có.

- Santenasantoso: thỏa thích trong của mà mình đã được.

- Samena Santoso: thỏa thích vừa phải.

1. Thỏa thích trong của mà mình đã có: ý nói của nào của mình đã có thì mình thỏa thích, không mong của người khác, nên gọi là tri túc.

Có lần tôi (tác giả) đã bị một người chất vấn rằng: "Người chỉ biết ưa thích trong của mà mình đã có, thì người ấy không bao giờ tiến hóa được. Nếu người trong xã hội này đều tri túc như vậy hết thì làm sao xã hội này tiến hóa được? Tại sao Đức Phật lạy dạy điều trái ngược với xã hội vậy?"

Tôi đáp: "Câu hỏi của ông tôi không phản đối. Nhưng xin ông cho tôi biết ý kiến của ông về hai hạng người sau đây, rồi tôi sẽ xin giải cho ông rõ:

Hạng A:

Thương ta.

Thương cha mẹ.

Yêu vợ con.

Yêu Tổ quốc.

Yêu nghề.

Hạng B:

Không thương ta.

Không thương cha mẹ.

Không yêu vợ con.

Không yêu Tổ quốc.

Không yêu nghề.

Hai hạng người này ông chỉ cho tôi biết hạng người nào ông cho là tốt và hạng nào là xấu."

Ông ấy nói: "Tất nhiên hạng A tốt rồi."

Tôi nói: "Thế là ông gián tiếp nhìn nhận tri túc và ông hành theo hạnh tri túc vậy. Chắc ông làm cho xã hội không tiến hóa rồi? Ông cho những người hạng A là tốt, nghĩa là ông thỏa thích trong của đã có, ông tri túc."

Ông ấy hỏi: "Nếu mình có của mà mình không thích có được không? Và khi mình dự tính sửa đổi vậy có phạm tri túc không?"

Tôi đáp: "Sự không thỏa thích và sửa đổi vốn tùy trường hợp và vật sử dụng, nên sửa đổi hay không cũng tùy trường hợp. Như ta có vợ, người vợ ấy rất tốt, nhưng ta lại thích một bà khác, ta chán bà nhà, muốn đổi lấy bà khác, ta không đổi được. Còn như ta có bệnh ghẻ ngứa, ta không thể để tri túc bệnh ghẻ ngứa ấy mà không chữa cho mạnh."

2. Thỏa thích trong của mình được: Thỏa thích trong của mình được nghĩa là thỏa thích phần của mình được vừa với sức mình, chẳng hạn như mình làm việc với chính phủ hay tư nhân thì mình được với số lương tương đối với khả năng của mình, mình không mong và không đòi hơn số ấy. Đành rằng ai ai cũng muốn được nhiều, nhưng trước hết phải xét lại tài ba và sản lượng của mình trước đã. Con người vì thiếu tri túc nên lòng tham nhân cơ hội phát sanh, khiến người làm tội lỗi như trộm cướp v.v... Tri túc là tấm vách thành ngăn lòng tham lam. Khi ta được của gì của chính tay ta làm ra, dù nhiều hay ít, ta cũng thỏa mãn của ấy, không nghĩ đến của bất chánh, ngoài ra của ấy. Ví như người đi bắt cá, thỏa thích với con cá có được trong tay, tuy biết rằng cá đó còn nhỏ hơn nhiều con cá lớn khác ở sông sâu.

Người biết như vậy gọi là người có tri túc. Người đời bị khổ vì muốn và được. Khi hai cái muốn và được không về với ta là ta khổ. Khi sự muốn trong lòng gia tăng, mà cái được lại không có, thì lòng người thật là nóng nảy khó chịu, làm những điều tội lỗi, không còn phân biệt phải trái.

3. Thỏa thích vừa phải: Đây là sự tri túc cao nhất. Trong trường hợp thứ nhì trên đây thỏa thích trong của mình được, là phương pháp kềm hảm tâm mình không cho thỏa thích những gì mong muốn, mặc dù của kẻ khác có đẹp tốt hơn của mình thật. Còn trường hợp thứ 3 này, thỏa thích vừa phải là thỏa thích của mình đã được đó là của mình, mình thỏa thích của ấy không bồn chồn thấy người được của tốt đẹp hơn của mình.

Có người hỏi: Vậy sự thỏa thích trong của vừa phải ấy lấy gì làm tiêu chuẩn, cho biết đâu là vừa phải, đâu là không? Người đời phần đông tùy theo sở thích của mình làm tiêu chuẩn. Nhưng theo Phật dạy thì lấy ba điều sau đây làm tiêu chuẩn.

- Yathālābha: vừa với địa vị.

- Yathābala: vừa với khả năng.

- Yathāsārupa: vừa với chức phận của mình.

1. Vừa với địa vị: ý nói ta là người xuất gia hay là người cư sĩ; nếu ta là người xuất gia thì nên biết mình là người khác hơn người thế tục, biết rằng ta là người mới xuất gia hay là vị đại đức cao hạ; còn nếu là cư sĩ thì nên biết địa vị của mình trong xã hội.

Người thiếu tri túc về địa vị xã hội, thì thường hay lâm vào cảnh:

- Tự cao, tự đại, làm cho người không ưa.

- Khổ tâm vì muốn được của nhiều, vì tưởng rằng ta đây phải của từng ấy mà lại được ít hơn.

2. Vừa với khả năng: mỗi người đều có khả năng làm việc khác nhau. Vì vậy sự sản xuất tùy theo khả năng của người, thì cố nhiên lợi tức nhiều hay ít tùy theo khả năng của người. Vì vậy ta phải biết khả năng của mình. Khi ta biết khả năng của ta, thì sẽ không khổ vì muốn được cao quá với khả năng của mình.

3. Vừa với chức phận: Chú giải có dạy rằng người làm việc tùy theo chức phận của mình mà được lương bổng, đừng vội tham nhiều, vì thấy người có quyền hơn mình được hưởng lương bổng hậu hơn.

Giải về tri túc đến đây cũng là vừa cho quí vị hiểu rõ. Nhưng tôi muốn tóm tri túc lại có ba điều là:

- Thỏa thích với của mình.

- Thỏa thích của mình đã có.

- Thỏa thích với của thích đáng mà mình được thọ hưởng.

Xét về mặt đời và đạo, thì tri túc phân làm hai hạng: Tri túc của người xuất gia, và tri túc của người tại gia.

Tri túc của người xuất gia là tri túc tứ vật dụng trong y phục, trong vật thực, trong chỗ ở và trong thức uống. Thầy Tỳ khưu có tri túc trong y phục, không ham muốn những hàng vải đẹp, luôn luôn chỉ có tam y. Có vị tri túc thọ hạnh đầu đà không nhận y của thí chủ, mà chỉ lượm lấy vải dơ của người, không dùng nữa để về làm y, như sự tích của một vị Đại đức sau đây;

Có vị Tỳ khưu vào thành lễ tháp. Ngài có ý muốn được y. Sáng ngày, ngài đi khất thực với một vị Đại đức. Ngài nghĩ rằng chắc mình sẽ được y trong thành. Khi ngài suy nghĩ như thế, thì trí tuệ lại sanh và tự bảo rằng: "Các bậc xuất gia chân chính không vọng móng xấu xa như thế. Người vọng móng như thế không xứng đáng là Phật tử". Ngài liền trở về thành khất thực.

Trong đêm đó, có một người vì đau bụng đi sông không kịp, nên đi sông trong chăn đoàn. Người ấy đem liệng tấm chăn ấy ở đống rác, ngài thấy trong đống rác có tấm vải bọc phân ruồi lằng bu đầy. Ngài liền ngồi xuống chắp tay xá làm lễ rất là tôn kính. Có một vị Đại đức cũng đi khất thực chng, mới hỏi ngài rằng: "Tại sao ngài làm lễ đống rác này?

Ngài đáp: "Tôi nào làm lễ đống rác, mà tôi làm lễ Đức Chí Tôn là đấng Từ phụ của chúng ta, Ngài là đấng vứt bỏ ngai vàng của báu, đi lượm lấy vải bọc tử thi của một cô đầy tớ bỏ trong rừng làm y phục, ngài làm một việc mà khó có ai làm được". Khi đang nói, lòng ngài rất trong sạch với ân đức Phật, ngài dùng trí tuệ quán sát (minh sát tuệ) nên đắc quả A La Hán.

Tóm lại, các bậc xuất gia nên biết tri túc trong tứ vật dụng của mình.

Còn người tại gia thì điều quan trọng nhất là nên tri túc trong việc vợ chồng, bằng không sẽ bị tai hại như trong sự tích sau đây:

Thái tử xứ Barānasī dẫn vợ vào rừng Tuyết Lãnh chơi. Khi ấy thái tử trông thấy Kinnārī là một giống nữa người nữa chim, thật đẹp. Thái tử cảm cái sắc đẹp ấy nên bỏ vợ mà đi theo Kinnārī. Bà vợ là bà Asitābhu thấy chồng bội bạc như thế bà chán nản tình đời, nên xin vào tham thiền với một vị đạo sĩ, bà đắc được tứ thiền.

Thái tử theo nàng Kinnārī đi sâu vào rừng, khi không còn lối đi được nữa, nàng lại bay bỏ đi. Ông ta không biết làm sao về với vợ mình đã bỏ.

Khi bà vợ trông thấy thái tử vừa về đến, bà liền bay lên không bỏ đi mất luôn. Thái tử lấy làm buồn khổ vì mất cả vợ mà không được người đẹp. Ông mới nói lời oán trách mình rằng.

Atriccham atilobhena

Atilobhamadena ca

Evam hāyati attham

Āahamva astitabhuyā

Nghĩa là: Người không tri túc, là người tham lam quá ước vọng không bờ bến, thì bị mất lợi lộc cũng như tôi; tôi bị mất vợ là Asitābhu cũng vì sự tham lam quá mức và cũng vì sự say đắm vô độ, không biết vừa, không biết đủ.

Khi ấy có một vị thọ thần thấy vậy mới nói rằng: "Người không tri túc, tham lam quá mức hằng bị mất lợi ích của mình, cũng như thái tử ham mê nàng Kinnārī mà bị mất nàng Asitābhu. Người vì sự tham lam nên mất lợi".

Đây cũng là một bài học rất quý cho quí vị tại gia cư sĩ không biết tri túc trong ngũ trần. Sự không biết tri túc như thái tử nói trên, nếu không làm mất vợ thì cũng làm cho gia đình mất sự an vui, nếu không muốn nói là không còn tìm đâu ra sự an vui nữa. Những phẩm hạnh của mình đều từ đó mà mất, vợ trước kia kính nể mình, bây giờ không còn kính nể nữa. Đó chỉ nói sơ thôi mong rằng quý vị thấy cái hại hơn đây nhiều.

Người có hạnh tri túc hằng được hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Dứt bỏ được lo lắng bận rộn.

3. Xa lẫn tội ác.

4. Làm cho lòng mình được thơ thới.

5. Xa lần điều xấu xa đến gần sự tốt đẹp.

6. Tự mình tạo cho mình trở nên người có đức hạnh tốt.

7. Tự mình đi ra lần khỏi khổ.

8. Hằng được an vui.

9. Luôn tự thức tỉnh lấy mình.

10. Không phạm vào điều ác.

11. Không sống chung với ác pháp.

12. Đang đi theo trên đường chân chánh.

13. Đang ở trong sự tiến hóa.

14. Người thích sự chân thật.

15. Người có sức mạnh về vật chất lẫn tinh thần.

16. Người hành đúng theo luân lý lễ giáo.

17. Đè nén được phiền não.

18. Tạo ra nhân lành.

19. Gọi là người hộ trì Phật pháp.

*

HẠNH PHÚC XXV

Kataññūtā
Nết hạnh biết ơn người

Phạn ngữ Kataññū có hai nghĩa:

1. Pubbakārī: nghĩa là biết ơn người khác đã giúp mình. Ý nói ai đã giúp gì cho ta, dù nhiều hay ít, cũng không bao giờ dám quên, cứ hằng ngày niệm tưởng công ơn người đã giúp đở.

2. Kataññū: nghĩa là người làm việc lành để dành việc lành ấy sẽ giúp ta. Ý nói phước có đặc ân là giúp đở chúng sanh khỏi nạn tai và đưa chúng sanh đi đến nơi an lạc là thiên đàng hay Niết Bàn, tùy theo sự hành động của người tạo.

Đức Phật có dạy trong thế gian này có hai người khó tìm nhất:

- Pubbakāri: người thi ân mà không cần báo. Đó là Đức Phật, cha mẹ, thầy tổ.

- Kataññū: người biết ơn và cố tìm phương cách để trả ơn. Người hạng này chỉ có trong hành Phật tử, con và đệ tử nhưng rất hiếm.

Tại sao Đức Phật dạy hai hạng này khó hiếm?

Vì con người phiền não dẫy đầy trong tâm, nên khi làm ơn được việc nào; trong thân tâm còn muốn người thọ ơn phải biết ơn, nếu không trả ơn ít nhất cũng phải nhắc nhở và ca tụng, ít người giúp đở kẻ khác bằng tấm lòng từ ái mà không nghĩ gì tới sự nhớ ơn hay đền ơn của kẻ đã thọ lãnh sự giúp đở của mình.

Người làm ơn như thế rất nhiều nhưng người làm ơn vì lòng từ ái thì thật rất là ít. Những người biết ơn cũng ít hơn. Người được sự giúp đở bất cứ bằng tấm lòng vị tha hay trục lợi, cũng chẳng nên quên ơn người, mà nên luôn luôn ghi lấy ơn ấy vào thân tâm để tìm phương thế trả lại.

Đức Phật dạy: Người không biết ơn ấy, ta có cho họ quyền chức, sang giàu hay cứu sanh mạng họ, họ cũng không bao giờ nhớ ơn ta.

Đức Phật còn dạy: Người mà không biết ơn, chúng ta có cho họ một khối vàng to bằng quả địa cầu, xong họ cũng không hề biết ơn ta.

Sự tích sau đây cho thấy trò đời làm ơn trả oán.

Khi xưa Đức Bồ tát sanh làm tượng chúa ở trong rừng Tuyết Lãnh. Ngày nọ có một người thợ săn đi lạc. Tượng Bồ tát trông thấy người ấy lấy làm thương hại, mới để người thợ săn ấy trên lưng đưa ra tới ven rừng. Khi ngồi trên lưng Đức Bồ tát, anh thợ săn để ý tới từng khóm cây đường nhỏ, vì anh định bụng rằng thế nào anh cũng trở lại đây để lấy cặp ngà của tượng chúa, cặp ngà ấy rất đẹp và có chiếu hào quang ngũ sắc.

Quả nhiên không bao lâu, anh thợ săn ấy trở lại tìm tượng Bồ tát và xin cặp ngà. Đã gọi là Bồ tát thì sự bố thí là phạm hạnh của ngài, nên khi anh thợ săn xin, thì ngài vui lòng cho liền, không hề mến tiếc. Tên thợ săn thấy ngà to và dày, không thể lấy liền được, nên y chỉ cưa lấy một đoạn. Tên thợ săn trở lại lần thứ nhì và lần thứ ba nữa lần này ngà còn cụt, nên y phải đẻo tới trong chơ răng để lấy ngà, sau khi khoét chân răng lấy được đoạn ngà chót, tên thợ săn rất lấy làm vui thích, mang về. Tượng Bồ tát thì quằn quại trên vũng máu, nhưng vẫn không buồn than hay phiền hà gì hết, trái lại rất vui lòng, vì đã làm được việc lành, gọi là bố thí đến bờ cao thượng.

Quả địa cầu to lớn và dày có thể chở nổi núi non vạn vật, nhưng chở không nỗi tội lỗi của con người ác ôn như thế, nên đất nứt ra và anh ta bị đất rút chết, sau khi anh ta vừa đi khuất tầm mắt của tượng Bồ tát, và bị sanh vào A tỳ địa ngục.

Tích này cho thấy rằng người không biết ơn, dù chúng ta có thể cho họ làm Vua Chuyển luân vương cũng vẫn không biết ơn.

Trái lại có sự tích của người biết ơn dù cho một muỗng cơm cũng không hề quên:

Ngày kia Đại đức Xá Lợi Phất vào thành khuất thực nhưng không được một hột cơm nào. Ngài trở về lại gặp một thầy Bà la môn tên Rādha dâng cho ngài một muỗng cơm. Về sau ông Rādha già và rất nghèo, lại muốn xuất gia, không có Đại đức nào nhận cho ông xuất gia.

Đức Thế Tôn mới phán hỏi rằng: "Có vị Tỳ khưu nào nhớ ơn vị thầy Bà la môn này không?"

Đức Xá Lợi Phất bạch rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, đệ tử biết và nhớ ơn thầy Bà la môn này, ông có bố thí cho đệ tử một muỗng cơm".

Đức Thế Tôn mới khen Đức Xá Lợi Phất là người biết ơn, mặc dù một muỗng cơm. Đức Xá Lợi Phất xin làm thầy tế độ cho ông Rādha. Đức Thế Tôn còn dạy người trí thức, khi đục mát dưới cội cây xong, lúc họ ra đi cũng không nỡ bức một lá cây, mặc dù cây là loài vô tri vô giác. Vì các ngài nghĩ đến ơn của bóng cây.

Đây cũng là chuyện của Đức Xá Lợi Phất:

Khi ngài còn tại gia và đang đi tầm đạo giải thoát, ngài gặp Đức Assaji đang đi khất thực trong thành Vương Xá. Đức Xá Lợi Phất trông thấy Đại đức Assaji lục căn thu thúc, dáng người thong dong tự tại, thật là người đã thoát ly trần tục, ngài phát tâm trong sạch và thành kính, muốn đến gần hỏi đạo, nhưng vì lòng kính nể không dám kinh động, nên cứ theo sau Đại đức. Khi đến nơi vắng vẻ, Đại đức Assaji sửa soạn thọ thực, ngài liền lo múc nước, trải chỗ ngồi, dâng vật thực, và hầu bên hầu Đại đức. Đợi sau khi thọ thực xong mới hỏi: "Bạch ngài, ngài là bậc có lục căn thu thúc, tinh thần thoát tục, ngài xuất gia theo giáo pháp ấy với ai?"

Đại đức Assaji đáp: "Này thầy, Ngài đại Sa môn dòng Thích Ca là tôn sư bần đạo, bần đạo xuất gia với Ngài, và hành theo giáo pháp của Ngài."

Đức Xá Lợi Phất hỏi: "Đức Tôn Sư của ngài dạy ngài những pháp gì:"

Đại đức Assaji nghĩ: "Các người ngoại đạo thường hay chỉ trích và phản đối Phật giáo, vậy ta nên thuyết pháp mầu nhiệm cho ông ta." Rồi ngài mới nói rằng: "Này thầy, bần đạo mới xuất gia theo giáo pháp cao thượng của đức Toàn giác, nên không thể thuyết pháp của ngài cho thầy hiểu được."

Ngài Xá Lợi Phất mới nói: "Bạch ngài Sa môn, tôi tên là Upatisa (tên khi chưa xuất gia) Xin ngài từ bi thuyết pháp dù nhiều hay ít tùy theo ngài đã thông hiểu. Tôi sẽ hiểu theo lời ngài dạy bằng trí của tôi".

Đại đức Assaji mới thuyết câu kệ:

Ye dhammāhetupadhavā

Tesanca yo nirodho ca

Tesam hetum tathāto

Evam vādīmahāsamano

Nghĩa là: Các pháp nào sanh lên cũng do nơi nguyên nhân, khi nguyên nhân ấy bị dụi tắt, thì các pháp ấy đều bị tiêu diệt.

Thật ra, với câu kệ rất vần ấy, Đại đức dạy pháp Tứ Diệu Đế. Đức Xá Lợi Phất đắc quả Tu đà Hườn khi vừa nghe xong câu thứ nhì.

Sau lại Đại đức Xá Lợi Phất xuất gia với Đức Thế Tôn và đắc quả A La Hán, và ngài là đệ tử tay mặt của Đức Thế Tôn. Không bao giờ ngài quên vị thầy chỉ câu kệ đầu tiên cho ngài. Hằng ngày, nếu ngài biết Đại đức Assaji ở hướng nào, ngài day mặt qua hướng ấy làm lễ tỏ lòng kính trọng.

Các Thầy Tỳ khưu thấy vậy mới vào hỏi Đức Thế Tôn và nói rằng: "Đức Xá Lợi Phất hằng ngày lễ bái hướng này hướng nọ như kẻ ngoại đạo".

Đức Phật đã hiểu rõ vì sao, nhưng Ngài vẫn hỏi lại Đại đức Xá Lợi Phất. Đại đức đáp rằng ngài hằng lễ bái như thế và ngài biết rằng Đại đức Assaji ở về hướng ấy.

Đức Thế Tôn khen ngài Xá Lợi Phất là kẻ biết ơn người.

Tôi viết đoạn này thấy rất khó giải, vì trong bộ Chú giải của Hạnh phúc XI dạy nết hạnh phụng sự mẹ cha, và Hạnh phúc thứ XIII dạy cúng dường đến bậc đáng cúng dường. Cả hai hạnh phúc này thuộc về biết ơn người. Rồi tại sao Hạnh phúc XXV lại dạy nết hạnh biết ơn người? Tôi cố tìm hiểu, mới thấy câu Phạn ngữ dạy Katannutāya sappurisabnūmiyam thatvā, nghĩa là nết hạnh biết ơn người là người ở trong thành phần của bậc trí thức.

Vậy thì sự biết ơn người trong Hạnh phúc XXV này, thuộc về sự biết ơn cao thượng hơn những pháp trước, nghĩa là sự biết ơn hạng trí thức. Nhưng tại sao lại còn có sự biết ơn của hạng trí thức?

Sự biết ơn của người thường là khi nào ta thọ ơn từ người nào thì ta chỉ nghĩ cách trả ơn cho người ấy. Các bậc trí thức lại khác hơn ta, là mặc dù không trực tiếp được người làm ơn giúp đỡ cho gì, nhưng khi thấy người kia làm ơn hay giúp đỡ kẻ khác bằng cách nào, khi có thể giúp được, mà không bao giờ trục lợi, thì các bậc trí thức cũng cảm phục lòng tốt ấy và vẫn biết ơn người ấy; đồng thời cũng nghĩ đến sự đền đáp công ơn, nếu có dịp có thể giúp được, vì các bậc trí thức nghĩ cũng như đã thọ ơn của người ấy. Đây là sự biết ơn rất cao thượng, mà ít có ai nghĩ và hành động vậy. Nên Hạnh phúc XXV dạy biết ơn là như thế.

Sự biết ơn người có hạnh phúc là:

1. Là bậc trí thức

2. Ai ai cụng ca tụng công đức.

3. Là nguyên nhân làm cho người đắc được pháp cao thượng đạo quả và Niết Bàn.

4. Là nguồn của phước.

5. Là người không dễ duôi.

6. Là người có pháp cao quí trong tâm.

7. Là người làm lợi ích cho đời mình.

8. Là người hộ trì Phật pháp.

9. Là người đi theo con đường của bậc trí thức.

10. Là người có nhiều bạn lành.

11. Là người có đặc ân cao thượng trong đời.

*

HẠNH PHÚC XXVI

Kālena dhammassavanaṃ
Nết hạnh tùy thời nghe pháp

Xét lời dạy của Đức Thế Tôn, chúng ta thấy Ngài rất quan tâm đến tín đồ, nên Ngài dạy: "Tùy thời nghe pháp", vì hể người còn được nghe pháp, thì còn có người hành theo thiện pháp và Phật pháp trường tồn. Đức Thế Tôn dạy những ngày hội lại để nghe pháp là mồng Tám, Rằm, Hai mươi ba và Ba mươi. Nếu tháng thiếu, là ngày 29.

Thời giờ nhất định của sự nghe pháp có hai phần:

1. Buddhapaññatti: là lời truyền răn của Đức Phật, ấy là Luật. Trong những ngày kể trên, chư Tăng hội lại để nghe Luật.

2. Buddhovāda: lời giáo huấn của Đức Phật. Đây là sự nghe pháp không nhất định ngày, nghĩa là khi nào có dịp làm phước ở nơi nào thí chủ cầu xin Đức Phật bố thí pháp cho. Không có Đức Phật thì yêu cầu chư Đại đức thuyết pháp. Trong trường hợp này, nguyên nhân nghe pháp là vì tâm thí chủ bị phiền não nhiều nhưng muốn tìm phương pháp chữa trị, nên thỉnh Đức Phật thuyết pháp; hay sau này, khi Đức Phật đã nhập diệt, thỉnh chư thánh Tăng hay phàm Tăng thuyết pháp.

Trong Tạng Kinh, Đức Thế Tôn dạy thời giờ đem sự hạnh phúc cho chúng sanh có 4 điều:

- Tùy thời nghe pháp.

- Tùy thời vấn đạo

- Tùy thời thuyết pháp.

- Tùy thời hành minh sát tuệ.

Sự nghe thuyết pháp có ba hạnh khác nhau:

1. Nghe thuyết pháp để lấy phước: Hạng người này nghe nói đi thuyết pháp có phước lớn, họ liền đi theo để nghe, khi nghe chỉ là nghe thôi, chớ không thấu hiểu giáo lý. Hoặc họ là người đang say rượu, phát sanh tâm trong sạch đi vào nghe pháp, khi nghe không hiểu gì hết. Tuy vậy không phải là vô ích, vẫn được phước như thường, chỉ có điều là không được trí tuệ nghĩa là không hiểu ý nghĩa của pháp để hành theo thôi.

Sau đây là sự tích về hạnh nghe pháp:

Trong thời kỳ Đức Phật Kakusandha có một con gà mái ở gần nơi cư ngụ của chư Tăng. Thường ngày gà được nghe tiếng đọc và học kinh của chư Tăng, lấy làm vui tai thích nghe. Sau lại, gà bị chủ giết để ăn thịt. Nhờ quả báo của sự nghe kinh ấy nên gà được sanh làm công chúa tên Uppharī, bà trong sạch xuất gia theo ngoại đạo.

Ngày nọ bà đi cầu trông thấy dòi lúc nhúc và dành ăn phân trong cầu, bà lấy làm chán nản và bà thấy đoàn dòi ấy ví như chúng sanh dành nhau miếng mồi danh lợi, mà những miếng mồi ây là đồ rất bẩn thỉu, là vật rất mỏng manh, mà các bậc thánh nhân hằng chê và bỏ không khi nào ngó đến. Bà giữ được đề mục ấy cho đến chết và được sanh vào cõi Phạm thiên.

Từ cõi Phạm thiên bà sanh làm con của một người trưởng giả, hết kiếp con của trưởng giả lại sanh làm heo ở thành Xá Vệ. Khi trông thấy Đức Thế Tôn, heo phát tâm trong sạch, nhờ quả ấy nên sanh lại làm con gái ở xứ Suvannaphuma. Rồi kiếp chót bà được sanh làm nàng Sumanā ở xứ Anuruddhapūrī.

Kể từ kiếp gà đến kiếp ấy là hai mươi mốt kiếp. Khi ấy có vị Đại đức tên Mahātula ở chùa Koti trên núi, thấy cô Sumanā, ngài mới nói các vị Tỳ khưu rằng: "Các thầy hãy xem kìa, con heo ấy đã sanh lại rồi, và lại được làm vợ của một vị đại thần." Nhờ sự nhắc nhở ấy, bà nhớ lại tiền kiếp, nên bà xin chồng cho phép xuất gia. Sau khi xuất gia xong bà cố hết sức hành minh sát tuệ nên đắc quả Tu Đà Hườn, sau đắc A La Hán.

Theo tích này sự nghe pháp đem hạnh phúc cao thượng đến cho ta, mặc dù nghe, nhưng không thấu triệt Pháp bảo, cũng có quả báo rất là cao thượng, mà cũng là duyên lành để ta đắc được đạo quả sau này.

2. Nghe theo pháp để tìm hiểu lý lẽ của pháp: Ý nói người nghe pháp để hết tâm trí vào sự nghe, tâm không vọng để hầu đạt thông lý lẽ cao sâu mầu nhiệm của pháp. Người ấy sẽ đạt được nhiều lợi ích như sự tích của thầy Tỳ khưu trẻ tuổi sau đây:

Có một thầy Tỳ khưu nghe tin rằng một vị Đại đức thuyết về một sự tích trong Túc sanh truyện Vesantara. Trong tích ấy có cả một ngàn câu kệ. Từ chùa thầy Tỳ khưu đi tới nơi thuyết pháp xa một do tuần (16 kilômét), nhưng ông cũng gắng đi đến nghe thuyết pháp. Vì sự cố gắng đi hàng mười sáu cây số ngàn, nên mệt mõi, ông không thể thuộc hết ngàn câu kệ, chỉ thuộc đoạn đầu và đoạn sau, ông rất tiếc nên khóc. Có một ông thiện nam thấy ông khóc, bèn hỏi biết tự sự. Ông thiện nam ấy mới vào hầu vị Đại đức và bạch với vị Đại đức ấy về việc thầy Tỳ khưu trẻ tuổi. Vị Đại đức bảo: "Thôi đợi sáng ngày mai ta sẽ thuyết lại."

Sáng ngày Đại đức thuyết lại pháp ấy, vị Tỳ khưu trẻ tuổi được nghe và thông hiểu được lý của pháp, ông dùng minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não, vô ngã, và đắc quả Tu Đà Hườn.

Trong tích này ta thấy rằng nghe pháp, mà hiểu được lý của pháp mới là nhân đem lại hạnh phúc cao thượng đến ta.

3. Nghe pháp để hành theo: Ý nói người nghe pháp nhớ những pháp ấy rồi hành theo pháp. Người ấy sẽ được an vui trong kiếp này và vị lai.

Đức Thế Tôn có dạy rằng: "Này các thầy Tỳ khưu, vì kinh sợ luân hồi, khổ, nên khi các bậc Thinh văn nghe pháp, làm cho pháp thấm nhuần vào xương tủy tâm tư, cố gom tâm lại để nghe pháp. Khi ấy năm pháp trở ngại (Nivarana) của các vị ấy không có và thấy Bồ đề Phật pháp sanh đầy đủ. Đó là quả của sự nghe pháp."

Sự nghe pháp có 4 điều lợi:

- Atthikatva: khi nghe pháp,cố không cho tâm phóng túng, cố thuộc pháp ấy vào tâm.

- Manasikāra: dùng trí tuệ quan sát pháp đã nghe.

- Sabbacetasāmanāharitva: thu thúc tâm lại, không để tâm phóng túng, để tâm vào pháp đang nghe, làm cho tâm định.

- Ohitasota: để tâm nghe thật sự.

Quả báo của sự nghe pháp là:

- Asutam: nghe được những điều chưa từng nghe.

- Sutam Pariyodapeti: làm cho tâm càng nhớ và hiểu thêm pháp của mình đã nghe rồi.

- Kankhamvihanati: diệt bỏ được những sự nghi ngờ.

- Ditham Ujunkaroyi: làm cho trở nên người có chánh kiến.

- Cittamassa Pasidati: nghe pháp làm cho tâm được trong sạch.

Sự nghe pháp đem lại hạnh phúc là:

1. Là đại phước.

2. Được nghe pháp mà chưa từng nghe.

3. Hiểu được pháp đã nghe rồi.

4. Diệt được sự nghi ngờ.

5. Trở thành có chánh kiến.

6. Tâm trong sạch.

7. Diệt được ba điều nghĩ xấu xa là: suy nghĩ trong trần dục, suy nghĩ làm hại người, suy nghĩ cột oan trái.

8. Trở nên người trí thức.

9. Là nhân duyên lành về ngày vị lai.

10. Là nhân diệt phiền não.

11. Là nhân làm cho ta mau đắc đạo quả.

12. Là nhân làm cho ta đắc được 37 phần Bồ đề.

13. Làm cho trí tuệ và trí nhớ tăng trưởng.

14. Giữ được phẩm hạnh của bậc trí thức.

15. Làm cho thân tâm được an vui thơ thới.

16. Làm cho giải thoát khỏi luân hồi.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (08-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-09-2006