Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Giảng giải 38 pháp Hạnh Phúc

Pháp sư Maha Thongkham

(Bình Anson hiệu đính, 2006)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


KỆ NGÔN IV

HẠNH PHÚC XI

Mātāpitu upaṭṭhānaṃ
Nết hạnh phụng dưỡng mẹ cha

Những lời Phật dạy trong 38 điều Hạnh phúc phân ra từng giai đoạn. Mười pháp hạnh phúc đầu tiên, từ một tới mười, dạy ta tự sửa chữa và lo cho bản thân mình trở nên tốt, để mình tạo lấy một số vốn cho mình. Hạnh phúc thứ mười một trở đi, dạy ta những pháp để tỏ nết hạnh tốt của mình ra ngoài bản thân. Những nết hạnh tốt đó Đức Phật đã dạy trong câu kệ thứ tư như vầy:

Mātāpitu upaṭṭhānaṃ,

Puttadārassa saṅgaho,

Anākulā ca kammatā,

Etammaṅgalamuttamaṃ.

Nghĩa là nết hạnh phụng sự mẹ cha; nết hạnh tiếp độ con, vợ; làm những điều không gây tội. Đây là ba điều hạnh phúc cao thượng.

Ba điều trong câu kệ này dạy ta đem an vui đến cho những người ở ngoài bản thân ta, ở chung quanh ta trước sau có thứ tự, từ người nào gần ta hơn hết trước, rồi mới đến người ở xa ta sau. Mà ai là người gần ta nhất? Gần ta nhất, một là mẹ, hai là cha, ba là con, bốn là vợ.

Trong điều Hạnh phúc XI này, vô tình hay hữu ý mà Đức Phật sắp những người thân của ta theo thứ tự: mẹ, cha, con, vợ.

Tại sao Đức Phật lại sắp mẹ trước cha, con trước vợ? Có phải là vì mẹ đối với con có công ơn nhiều hơn là cha không?

Vấn đề này thường gây ra sự tranh biện giữa các tín đồ, vì có người cho rằng mẹ có công ơn lớn hơn cha, vì mang nặng đẻ đau và có công lo nhiều hơn cha. Hơn nữa, khi Đức Thế Tôn còn tại thế thì là thời kỳ phụ hệ, mà Đức Thế Tôn không kể cha trước mẹ, thì đủ thấy rằng, theo Ngài thì mẹ có nhiều công đức hơn cha, cũng vì vậy cho nên Ngài mới thuyết pháp hằng 3 tháng và thuyết toàn là kinh có ý nghĩa cao siêu, mà ta gọi là Tạng Luận (Vi Diệu Pháp), để độ Phật mẫu.

Có người lại bảo rằng, cha có công đức nhiều hơn, vì nếu không có cha thì không có con và nếu chiếu theo giai cấp mà nói thì Đức Thế Tôn biết Phụ vương bệnh nặng sắp thăng hà, Ngài ngự về thành thuyết pháp luôn 7 ngày đêm để độ Phụ vương đắc quả A La Hán, và sau khi ấy, chính mình Ngài tẩm liệm Phụ vương, chính mình Ngài khiêng quan tài khi đưa ra làm lễ Trà Tỳ.

Hai lập luận trên đều có lý, nhưng sự thật không có đoạn kinh nào Đức Thế Tôn dạy rằng một vị nào trong hai vị đó có ơn nhiều hơn hay ít hơn, mà là bằng nhau.

Nguyên trước khi Đức Phật thuyết pháp độ Phụ vương cũng như Phật mẫu, Ngài đều do nơi trí tuệ của Ngài đã quan sát và hiểu rõ duyên lành của cha mẹ rồi, Ngài mới thuyết pháp hợp thời và hợp tình hợp cảnh để cho cha mẹ, rồi nhận định pháp ấy mà đắc quả. Ngài biết rằng, Phật mẫu phải nghe pháp ấy mới đắc quả, mà chỉ là quả Tu Đà Hườn thôi. Hơn nữa chư thiên đến thính pháp trong lúc ấy, toàn là các bậc có căn cơ cao, phải nghe pháp ấy mới có kết quả lần cho quý ngài, nên Đức Thế Tôn mới thuyết Tạng Luận.

Còn đối với Phụ vương, sở dĩ Đức Phật đợi vua cha khi gần thăng hà Ngài mới thuyết một ngàn câu kệ ròng rã bảy ngày đêm hầu độ cha đắc quả A La Hán, mà không thuyết pháp cho cha nghe trước khi ấy, là vì Ngài vốn là bậc Điều Ngự Trượng Phu. Ngài biết duyên lành của Đức Tịnh Phạn Vương chưa đến trước lúc lâm chung, dù có thuyết đến hàng triệu câu kệ cũng bằng thừa, nên Ngài đợi đến khi duyên lành mùi rồi ngài mới thuyết.

Nói tóm lại thì không phải vì pháp thuyết nhiều hay ít, quá độ được cao hay thấp, mà bảo Đức Phật đo lường công ơn của cha mẹ. Dù độ cha hay mẹ, Ngài cũng rất hết lòng làm tròn phận sự của con, huống chi đối với chúng sanh nào có duyên với Ngài, cũng không thối chí ngã lòng, chẳng hạn như Ngài độ tướng cướp hung tàn nhất trong thời kỳ ấy, tên Angulimala (Vô não), là tướng cướp đã rượt Ngài cả ba do tuần để giết, mà Ngài vẫn cố độ cho kỳ được. Tâm của Đức Phật đối với chúng sanh rất bình đẳng, không hề phân biệt thân, thù. Ngài chỉ do căn cơ và duyên lành của chúng sanh mà tế độ thôi.

Đến đây, người ta có thể hỏi: Vậy tại sao Đức Thế Tôn lại dạy phụng sự mẹ, cha? Như tôi đã nói trên kia, ta nên đem lợi ích cho người nào gần ta hơn hết. Chắc chắn ai cũng công nhận rằng ta là người gần mẹ nhiều hơn hết hay ngược lại, mẹ ta là người gần ta hơn ai hết. Bảo rằng ta gần mẹ, không phải ta mặc nhiên khẳng định nhận công mẹ lớn hơn công cha. Nhưng người gần mình nhất, là người mà mình có nhiều dịp giúp đỡ nhất. Theo ý Đức Thế Tôn dạy, thì không phân biệt công ơn của hai vị, mà tùy trường hợp nào có thể giúp thì giúp lập tức.

Phận sự làm con phải biết công ơn cha mẹ và lo đền đáp, đó là con đường đi của các bậc thánh nhân, của Đức Phật. Đức Phật có dạy rằng, sự hiếu thảo là con đường đi của các bậc Bồ tát. Trong một kiếp nọ, Đức Phật sanh làm đạo sĩ tên Sona-pandita, Ngài có dạy một vị vua về sự thực hành của chúng sanh, mà rất ít có chúng sanh nào thực hành được. Ngài dạy toàn bằng kệ ngôn, câu kệ này trong bộ Túc Sanh Truyện gọi là Sonananda, dạy rằng: "Cha, mẹ hy sinh tất cả các sự hạnh phúc cho con. Khi bà mẹ biết rằng, trong mình thọ thai, chưa biết mặt con ra sao, trai hay gái, nhưng lòng vẫn băn khoăn lo sợ, hằng van vái thai bào được bình an. Như vậy cũng vẫn chưa vừa lòng, bà còn đi coi bói cho biết con trai hay con gái, rồi xem năm tháng ngày sanh có tốt không, lại còn tìm hỏi các bậc lão thành xem khi có thai phải kiêng cử những gì, ước mong và cầu khẩn xin cho sanh quí tử".

Những điều làm khổ cho cha mẹ nhất là bệnh ốm nghén. Bệnh ốm nghén là bệnh rất lạ, khiến thèm những món gì khi chưa có thai không thèm. Tôi xin nhắc lại chuyện ốm nghén của Hoàng hậu của đức vua Bình Sa Vương:

Khi bà có thai Thái tử A Xà Thế, bà thèm uống máu của vua Bình Sa. Bà biết sự thèm muốn của mình xấu xa đê tiện, nên không dám nói ra, đến nổi ốm gầy. Đức vua thấy thế phán hỏi nhiều lần bà mới nói. Đức vua liền rút gươm đang đeo bên mình, sẻ thịt bắp tay cho ra huyết để vợ uống. Từ đó bà hết thèm uống máu nhà vua nữa. Tin này thấu đến triều thần các thầy Bà la môn đoán điềm biết rằng, sau này Thái tử sẽ giết vua, nên các ông khuyên vua giết hay đem bỏ con, lúc lọt lòng. Nhưng tấm lòng cha thương con không bờ bến, nên ngài vẫn nuôi như thường và đặt tên là Ajātasatru, nghĩa là người có thù trước khi sanh. Sau nầy, Thái tử giết cha giam mẹ.

Nhắc tích này để quí vị thấy lòng thương con của cha mẹ, không có một sức mạnh nào chặn đứng được. Vì vậy ta không thể phân biệt được công ơn của cha mẹ ai hơn ai.

Chẳng những bà mẹ có công đức, mang nặng đẻ đau mà thôi, bà lại có thêm cái biệt tài là biết cách nuôi dưỡng con, săn sóc con còn nhỏ, khi chưa biết nói mà bà đã hiểu ý muốn của nó. Khi nghe con khóc, lật đật bồng ẵm vào lòng ru và vỗ về chẳng luận ngày đêm, sớm khuya, trưa tối. Nếu dỗ không nín bà cho bú, bà tìm thế dỗ cho đến con nín mới thôi, vì vậy Đức Phật gọi mẹ là Posenti nghĩa là người phụ nữ biết vỗ về đứa bé chưa biết gì cả, đến đổi phải vừa lòng với bà.

Trong bộ kinh Majjhimanikāya Mulapaññā-saka, có dạy rằng: "Này các thầy Tỳ khưu, cha mẹ là đấng có tâm rất lành đối với con, bắt đầu từ khi vừa biết thọ thai bà mẹ hết sức lo bảo vệ thai bào, ông cha thì lo thang thuốc cả mười tháng như vậy. Các thầy Tỳ khưu này, bà mẹ hết sức lo và cố gắng săn sóc con, không nài cực nhọc, không một việc nhỏ nhen nào mà bà không quan tâm tới, chính bà là người san sớt máu cho con, chẳng những lo cho con khi còn trong thai, mà mãi đến khi vừa sanh ra cho đến lớn khôn, bà mẹ và ông cha lo cho đến khi nào hai ông bà từ bỏ cõi đời này".

Mẹ và cha khi biết mình đã có con, thì hai ông bà lo tiết kiệm tiền của để cho con, lắm khi vì lòng thương con mà dám làm tội ác, để có tiền nuôi con, hoặc để dành cho con về sau. Khi nào con đi đâu về trễ, ông bà lo sợ, nhất là cha mẹ dựa cửa ngóng trông, sợ con gặp tai nạn.

Vì vậy Đức Phật dạy: Cha mẹ đối với con có bốn đức, là Từ, Bi, Hỉ, Xả, lại có câu kệ ngôn dạy rằng: Ubhopi ce te brahmāpubbadevā pubbacāryā ahuneyyati ca vuccati.

Nghĩa là đối với hai đấng đại ân nhân ấy, Đức Phật có ban cho bốn hồng danh là: Phạm thiên, chư thiên thuở đầu, vị tôn sư trước nhất, bậc đáng cúng dường.

Hồng danh thứ nhất, Phạm thiên, có nghĩa là cao quí, ý nói cha mẹ nuôi dưỡng con được hoàn toàn không nài khó nhọc, vì cha mẹ có tứ vô lượng tâm, nghĩa là tâm cao quí không lấy gì đo lường được; bốn tâm ấy là: Từ (Mettā), Bi (Karunā), Hỉ (Muditā), Xả (Upekkhā). Bốn tâm này giờ phút nào cũng ở trong cha mẹ và hằng ban bố đến con, mặc dù con đã lớn khôn, đã nên quan to, giàu có, cũng như Phạm thiên, bao giờ cũng niệm tứ vô lượng tâm không ngừng nghỉ. Vì lẽ ấy, nên Đức Phật mới cho cha mẹ hồng danh làm Phạm thiên.

Bốn tâm vô lượng ấy phát sanh đến cha mẹ từ bao giờ?

Tâm Từ phát sanh đến cha mẹ, kể từ khi bà mẹ biết mình thọ thai. Ngay từ khi ấy, cha mẹ lo lắng mong thấy mặt con, muốn biết xem con ấy là trai hay gái, đẹp hay xấu, có tật bệnh gì không. Suy tư như thế gọi là tâm từ đã sanh.

Tâm Bi có từ khi bà mẹ vừa sanh con ra khỏi lòng. Mặc dù trong khi ấy mẹ còn đau đớn cực nhọc, nhưng khi nghe tiếng con khóc, mẹ lo nghĩ đến con, thương con và lo sợ cho sức khỏe của con. Lòng thương con không biết bờ bến nào mà kể.

Tâm Hỉ có từ khi con vừa biết đi đứng cho đến khi lập gia đình, vẫn đến khi cha mẹ chết. Cha mẹ thấy con càng an vui, càng mừng và càng cầu nguyện cho con thêm, không bao giờ cha mẹ biết ganh tị với con về hạnh phúc của con. Mặc dù con có nuôi cha mẹ hay không, cha mẹ cũng không đòi hỏi và cũng không than van phiền trách.

Tâm Xả phát sanh lên, khi con khôn lớn có gia đình, giàu hay nghèo chẳng hạn, mà không lo phụng sự hoặc giúp đỡ cha mẹ, cha mẹ cũng không bao giờ buồn và không đòi hỏi chi ở con. Mặc dù con có lầm lỗi phạm thượng, cha mẹ vẫn vui lòng tha thứ, không có oán như người dưng kẻ lạ.

Theo hồng danh thứ nhì, Phật gọi cha mẹ là chư thiên thuở đầu, bởi cha mẹ là người duy nhất cố tâm đem hạnh phúc lại cho con, không bao giờ cố chấp lỗi lầm nào của con, không muốn con mình bị tai nạn. Thời kỳ Đức Phật còn tại thế, người thời ấy chỉ biết tin ở một đấng siêu việt có thể tiếp độ chúng sanh về thiên đàng, mà người thời ấy gọi là chư thiên, vì lẽ ấy nên Đức Phật gọi cha mẹ là chư thiên của con.

Theo hồng danh thứ ba, Phật gọi cha mẹ là vị tôn sư trước nhất, bởi cha mẹ là thầy tổ dạy con đủ mọi việc, từ đi, ăn, ngủ đến đạo lý luân thường, trước hơn tất cả các vị tôn sư sau này.

Theo hồng danh thứ tư, Phật gọi cha mẹ là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường, vì chỉ có cha mẹ đáng thọ lãnh tất cả mọi vật của con đem đến dâng cúng.

Lòng thương và lo cho con của cha mẹ không bờ bến như thế, nên bổn phận làm con có phận sự phải phụng dưỡng cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Người con nào không lo tròn hiếu trước, thì người ấy không phải là một người đáng làm bạn, mà cũng không xứng đáng làm chồng hay vợ, mà cũng không thể làm một công dân tốt của mọi quốc gia. Con mà bất hiếu còn thua cây gậy của cha mẹ, chẳng khác nào năm đứa con trong sự tích sau đây:

Theo Pháp Cú kinh, thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc. Khi ấy có một vị Bà la môn rất giàu, ông có năm người con trai đã lập gia đình xong.

Sau khi vợ ông đã quá vãng, ông muốn cưới vợ bé để coi sóc gia đình, năm con dâu nghe vậy mới bàn với năm người chồng rằng: "Nay cha đã già rồi mà còn cưới vợ nhỏ về làm gì? Để chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc cho cha, không hơn sao?".

Năm người con trai mới đến hầu cha, trình bày tự sự. Ông cha bằng lòng chia của ra làm năm phần cho năm người con, còn ông thì ở đậu với năm con, hết với đứa này đến đứa khác. Ban đầu, năm cô con dâu còn đối với ông tử tế, sau lần lần phai lợt, sau cùng cả năm người dâu đều bỏ ông, không lo săn sóc, trái lại còn xua đuổi ông. Ông không thể chịu nổi cảnh hất hủi ấy, ông bỏ nhà đi xin ăn, ở theo đầu đường xó chợ thật là khổ sở.

Ngày nọ ông gặp được một người bạn cũ, bèn thuật hoàn cảnh của ông, và xin người bạn tìm phương cứu giúp. Người bạn đáp: "Tôi không biết phương pháp nào giúp bạn được, vậy bạn hãy vào chùa Kỳ Viên, để chờ đấng cứu thế là Đức Thích Ca Mâu Ni, ngài là đấng có đủ khả năng cứu người cả vật chất và tinh thần".

Ông nghe lời vào hầu Phật và cầu xin Phật chỉ phương pháp nào cứu khổ ông. Đức Thế Tôn dạy ông vào đêm ngày rằm đến nghe thuyết pháp và sau thời pháp thì sẽ làm như lời Ngài sẽ bảo.

Đêm rằm có rất nhiều tín đồ đến nghe pháp, mà trong ấy có cả năm người con trai ông và đức vua Ba Tư Nặc. Sau khi dứt thời pháp, tín đồ đứng lên ra. Ông Bà la môn ta nói: "Xin quí vị thiện nam tín nữ và đàn na thí chủ, hãy tạm dừng lại để cho lão bộc bạch đôi lời. Có lẽ quí vị không quên già này, trước đây là một vị trưởng giả trong thành này. Hôm nay, già này phải đi xin ăn. Thật ra già có con, mà con của già không bằng cây gậy này, vì cây gậy này, già còn nhờ được để chống đi, ngừa lúc chân run tay yếu, hoặc để đuổi chó đánh mèo, còn con của già, khi được chia của cho, lại bỏ già đi xin ăn như thế này".

Các tín đồ có mặt nơi ấy nhất là đức vua liền hỏi ai là con ông. Ông chỉ mặt từng người, đức vua và công chúng rất công phẩn, muốn giết hết năm người con bất hiếu, nhưng ông xin tha tội cho. Năm đứa con ấy mới thấy lòng xả của cha, bèn ăn năn, xin ông đem về nuôi dưỡng. Khi ông về nhà con, mấy con dâu tỏ vẻ bất bình, nhưng năm người con trai ông nói rằng: "Nếu các người không bằng lòng, thì cứ tự tiện ra đi, chứ chúng tôi không đê hèn hơn cây gậy của cha chúng tôi".

Nhắc lại tích này, tôi muốn chỉ rằng, làm con không biết phụng dưỡng cha mẹ, hay phụng dưỡng một cách miễn cưỡng, còn thua loài ăn cỏ và điều thứ nhì tôi muốn chỉ thấy rằng: Đức Thế Tôn chẳng những cứu người khỏi vòng luân hồi mà thôi, riêng về vật chất ngài cũng tìm phương cứu độ.

Đức Phật dạy rằng: "Các bậc trí thức đều được kính trọng, những người phụng dưỡng cha mẹ, và người biết phụng dưỡng cha mẹ sẽ gặp nhiều sự an vui là do nhờ quả của sự phụng dưỡng cha me", như sự tích Túc sanh truyện sau đây:

Khi xưa có một con kên kên rất hiếu thảo với cha mẹ. Vì già nên không thấy đường, nên không thể đi kiếm ăn được, hai con kên kên già chỉ nhờ con đi kiếm mồi về nuôi, và đem vải về làm tổ cho ở. Ngày nọ, kên kên con đi kiếm mồi, rủi mắc chân vào bẩy của một anh thợ săn. Kên kên khóc. Anh thợ săn thấy vậy mới hỏi: "Người đời thường bảo rằng, kên kên có mắt rất tỏ, thấy rõ các tử thi ở rất xa, vậy tại sao người lại mắc vào bẩy của ta?"

Kên kên mới nói: "Này anh thợ săn, có hai điều mà ai ai cũng không trông thấy được: một là tai nạn và hai là cái chết, nó đến bên ta, ta cũng không trông thấy, mặc dù ta có mắt thấy ngàn dặm. Vì vậy tôi mới mắc bẩy của anh". Anh thợ săn nghe vậy, phát tâm trong sạch và nghĩ rằng kên kên biết nói và có trí tuệ như vầy, chắc là kên kên biết phụng dưỡng cha mẹ. Anh mới thả kên kên. Khi được thả, kên kên lật đật kiếm mồi về nuôi cha mẹ. Kên kên ấy là tiền thân của Đức Thế Tôn.

Trong bài kinh Brahmasutta, Đức Thế Tôn có dạy rằng, cha mẹ là hai đấng có công ơn vô lượng vô biên đối với con. Nếu người con nào có hiếu thâu phục năm châu bốn biển để cho cha mẹ cai trị, hưởng sự an lạc như thế, là cùng tột rồi, nhưng cũng chưa gọi là đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một. Chỉ người ấy chỉ lo phần vật chất của cha mẹ thôi, hay có thể nói theo Phật giáo, chỉ lo cho cha mẹ kiếp hiện tại thôi. Vả lại, vua là tột đỉnh cao sang, nhưng làm sao chạy khỏi tội lỗi. Phàm người con có hiếu phải cố gắng làm sao cho cha mẹ biết tu hành để giải thoát, hay làm sao cho cha mẹ có bốn pháp này trong tâm, nghĩa là thực hành bốn pháp:

1. Saddhā: đức tin, nghĩa là tin Tam Bảo, tin nơi nghiệp.

2. Cāga: bố thí hay dứt bỏ, tức là dứt bỏ lòng tham lam, bố thí cho người nghèo khổ (đây là nguyên nhân đem lộ phí theo về ngày vị lai).

3. Sīla: trì giới, là giữ cho thân, khẩu, được an tịnh, không phạm vào năm điều tội ác.

4. Pañña: trí tuệ, nghĩa là trí tuệ để quan sát thấy thân này vô thường, khổ não và vô ngã, nghĩa là có minh sát tuệ để quán tưởng thấy chán ngán thân này, không còn quyến luyến thương tiếc mọi việc đời.

Nếu cha mẹ đã quá vãng thì bổn phận làm con nên cố gắng làm mọi việc lành, rồi hồi hướng đến cha mẹ hằng ngày. Người con nào làm được như thế mới gọi là con có hiếu và đáp đền được công ơn sanh dưỡng trong muôn một.

Người nào có phước mới còn cha mẹ tại tiền. Người còn có cha mẹ tại tiền trong nhà, cũng như có chư thánh nhân trong nhà vậy. Theo Đức Thế Tôn, cha mẹ có thể sánh với chư thánh nhân, bởi vậy cúng dường đến cha mẹ có phước vô luợng vô biên, cũng như cúng dường cho các bậc A La Hán vậy.

Phàm người biết công ơn cha mẹ thì phải lo cách đáp đền bằng vật chất và bằng tinh thần.

Đền đáp công ơn bằng vật chất phải thực hành như thế này là:

1. Phải hết lòng cung kính cha mẹ, không bao giờ dám nói một lời nào vô lễ, làm trái ý.

2. Phải lo phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp vật thực, thuốc uống, y phục và chỗ ở. Phải quạt nồng đắp lạnh, sớm thăm tối viếng cha mẹ, cũng như khi ta còn nhỏ cha mẹ lo cho ta.

3. Phải lo chăm nom săn sóc cha mẹ khi có bệnh.

4. Phải bỏ việc gia đình của mình để làm việc cho cha mẹ trước, và không bao giờ nghĩ đến việc riêng của mình khi chưa làm xong công việc của cha mẹ.

Đền đáp công ơn cha mẹ về tinh thần là:

1. Gắng hết sức giữ gìn thanh danh của gia đình, không để cho người đời khinh bỉ, hơn nữa gắng làm sao thanh danh của gia đình càng ngày càng được người ca tụng.

2. Gắng làm cho mình ra người đáng thọ hưởng gia tài của cha mẹ để lại.

3. Khi cha mẹ ta không có đức tin với Tam Bảo, không thọ tam qui ngũ giới, tự mình cố gắng khuyên; nếu không được, thì gắng nhờ các bậc trí thức giảng giải hộ mình hoặc chư Tăng hay các bậc đại đức thuyết pháp độ cha mẹ.

4. Ít lắm ta cũng phải làm sao thuyết phục được cha mẹ thọ tam qui ngũ giới.

5. Dẫn dắt cha mẹ vào chùa nghe pháp, bố thí và học minh sát tuệ. Người làm tròn được những đều trên đây mới gọi là con biết yêu thương cha mẹ và báo đền được muôn một công ơn cha mẹ.

Phần người con biết đền đáp công ơn cha mẹ, thì được những sự hạnh phúc là:

1. Không bị mất sự lợi ích.

2. Sẽ được thoát khỏi những điều kinh sợ.

3. Sẽ thoát khỏi được tất cả tai nạn.

4. Sẽ được lợi lộc do các bậc trí thức hay vua chúa ban cho.

5. Sẽ được quyền cao chức lớn do vua phong.

6. Hằng được sự ngợi khen của hàng đại chúng ở mọi nơi và mọi trường hợp.

7. Sẽ thoát khỏi sự ám hại của kẻ bất lương.

8. Khi có bị tai nạn cũng có chư thiên đến cứu.

9. Sau khi chết được sanh về cõi trời.

10. Sẽ được sanh về cõi Niết Bàn.

11. Đi theo con đường của chư Bồ tát và chư thánh nhân.

*

HẠNH PHÚC XII

Puttasaṅgaho
Nết hạnh tiếp độ con

Phạn ngữ Putta có nhiều nghĩa nhưng nghĩa chánh yếu là con, là người giữ gìn không để cha mẹ đọa vào ác đạo. Ý nói làm con muốn đền công ơn cha mẹ, phải cố dìu dắt cha mẹ trở nên người Chánh Kiến, tu hành theo hạnh bố thí, trì giới, tham thiền.

Putta còn có nghĩa là, người làm cho dòng họ của mình được trong sạch, nghĩa là đứa con thảo hay là con quý, là con có giới đức.

Putta còn có nghĩa làm cho cha mẹ vui lòng, nghĩa là đứa con hiếu thảo, là con lo phụng dưỡng cha mẹ, làm cho cha mẹ hài lòng. Putta còn có nghĩa là đứa nhỏ mà cha mẹ hằng lo trông nom từ khi còn trong thai bào.

Trong Túc Sanh truyện kể có ba hạng con:

- Antevāsika: đệ tử (tinh thần).

- Dinnako: con nuôi.

- Atrajo: con đẻ.

Theo Phật giáo, các bậc xuất gia xem thầy tế độ là ông cha tinh thần, hết sức cung kính, và ông thầy cũng hết lòng lo dìu dắt đệ tử đến nơi giải thoát.

Còn con nuôi con đẻ, ai cũng hiểu rõ. Khi người có phận sự làm cha mẹ, thì con nào cũng phải nuôi dưỡng và dạy dỗ như nhau, vì đã làm cha mẹ thì phải có Tứ vô lượng tâm như vị Phạm thiên.

Con đẻ có ba hạng khác nhau là:

1. Abhijataputta: con cao hơn cha mẹ. Hạng con này có nhiều duyên lành hơn cha mẹ, lớn lên làm nên danh phận cao hơn cha mẹ, làm cho họ hàng được danh thơm tiếng tốt.

2. Anujātaputta: con bằng cha mẹ. Hạng con này không có gì xuất sắc, chỉ tầm thường thôi, nghĩa là không nâng dòng họ cao thêm, mà cũng không làm cho dòng họ bị mất danh giá.

3. Avajātaputta: con thấp kém hơn cha mẹ. Hạng con này, từ khi sanh ra đến khôn lớn, chỉ biết làm hại cha mẹ, như là xài phá của tiền, làm cho người ta khi dễ cha mẹ họ hàng. Khi đứa con này còn sống tới bao giờ, thì vẫn làm cho cha mẹ đau khổ đến chừng ấy.

Sự nuôi dưỡng và dạy dỗ con là phận sự thiêng liêng của cha mẹ đối với con, nhưng có được kết quả hay không là do nơi con. Tuy nhiên, cha mẹ phải có phương pháp dạy con từ thuở còn nhỏ.

Trong Tạng Kinh, bài kinh Singālovādasutta có dạy rằng, bổn phận làm cha mẹ đối với con có năm pháp, là:

- Pāpā nivarenti: ngăn ngừa không cho con làm việc tội.

- Kayane sikkhapenti: dạy con làm việc lành.

- Sippam sikkhapenti: cho con học nghề.

- Patirupena dharena sannosenti: dựng vợ gả chồng cho con với nơi xứng đáng thích hợp.

- Samaye dayajjaham niyyadenti: chia gia tài cho thích hợp.

1. Ngăn ngừa không cho con làm tội: ý nói khi cha mẹ thấy con bê tha, không lo học hành mà cứ đi theo bạn ác, thì cha mẹ tìm phương thế nào ngăn ngừa. Nếu không thể được, thì nên đưa con đi học một nơi nào cho xa bạn ác. Làm như vậy thật là hợp với lời Phật dạy, nhưng lắm khi không được kết quả mà còn có hại, vì lắm trẻ em thời bây giờ, khi cha mẹ khuyên bảo, đã không nghe mà trái lại còn cho rằng ý kiến của cha mẹ đã lỗi thời, và không muốn cha mẹ can thiệp vào đời sống tư riêng của mình. Có lắm gia đình thấy dạy con không được, lại thối chí bỏ mặc lấy nó, không đoái hoài tới, bỏ đứa con ấy càng ngày càng đi xa vào tội lỗi. Tôi xin nhắc rằng, phận sự cha mẹ là phải ngăn ngừa con khỏi sa vào đường tội lỗi và muốn được vậy, cha mẹ phải cần xét đến ba nguyên tố:

- Sự nhận thức.

- Nhu cầu.

- Phiền não.

Cha mẹ với con ở về hai thế hệ khác nhau, nên hai đàng khó lòng mà đồng ý với nhau về ba nguyên tố ấy. Cha mẹ đã có nhiều kiến thức hơn con, lại còn khép mình trong phong tục tập quán, con thì chưa có kinh nghiệm, lại bị lôi cuốn trong đời sống mới đầy cám dỗ hư hèn, nên hai đàng nhận thức một vấn đề một khác, hai đàng có nhu cầu cũng khác nhau, và hai đàng không phiền não giống nhau.

Thực tế vốn bi thảm như vậy. Người con hiếu thảo phải biết nghe lời cha mẹ, vì cha mẹ sở dĩ không chìu thị hiếu của mình là bởi mưu lợi cho mình. Cha mẹ phải nhẫn nại dạy con, đem ánh sáng của kinh nghiệm mình soi đường cho con và đem lòng từ ái mà cảm hóa con.

Sự thật khi nào các cô, cậu có con mới thấy được lòng của cha mẹ, chừng ấy các cô, cậu thấy hối tiếc vì không còn có cha mẹ để phụng dưỡng hay dạy bảo mình.

2. Dạy con làm việc lành: việc lành đây là các thiện pháp theo lời Phật dạy, là lập bố thí, trì giới, làm cho tâm quen với việc phước thiện.

Việc lành đây có hai loại: việc lành về mặt xã hội, như quyên tiền giúp việc phước thiện, và việc lành về tinh thần là tu giải thoát như đã nói trên.

Ngoài ra Đức Phật dạy ta phải có năm điều để đối với xã hội là:

- Mettā: lòng từ, nghĩa là có tâm thương người nghèo khó hoạn nạn và cố giúp đỡ tùy theo sức mình.

- Sammājivitā: nuôi mạng chân chánh, nghĩa là không vì quyền lợi của mình mà làm hại kẻ khác.

- Satisamvara: thu thúc giữ tâm mình không cho sa ngã theo ngũ tuần lục dục.

- Sacca: nói lời chân thật và luôn luôn giữ mình theo lẽ chánh, nghĩa là không dối người, dối mình.

- Appamādo: không dễ duôi trong việc làm lành, như bố thí, trì giới, tham thiền v.v...

Lẽ cố nhiên cha mẹ có phận sự lo cho con được an vui trong cõi này và ngày vị lai, nghĩa là dẫn dắt con tu hành để khỏi khổ trong kiếp vị lai. Cha mẹ nào đối với con như thế mới gọi là người biết thương con và mới gọi là làm tròn bổn phận cha mẹ, và mới gọi là người hành đúng theo Phật dạy. Như sự tích của trưởng giả Cấp Cô Độc dạy con sau đây:

Trưởng giả Cấp Cô Độc có một người con trai tên là Kāla. Người con này không tin Phật pháp, thiên tà kiến. Ông tìm đủ phương thế để đưa con về chánh kiến, nhưng chưa được. Ông lấy làm lo buồn, ngày nọ ông bảo con rằng: "Nếu con chịu thọ bát quan trai giới cùng Đức Phật, thì cha sẽ cho con một trăm đồng vàng". Người con vâng lời đến thọ giới cho có chừng, rồi về nhà lãnh trăm đồng vàng.

Lần khác, ông trưởng giả kêu con lại bảo rằng: "Nếu con đến nghe Đức Phật thuyết pháp mà con nhớ được một câu, thì cha sẽ thưởng cho con một ngàn đồng vàng".

Người con vì ham tiền, nên bằng lòng đi nghe pháp, thầm bảo bụng rằng: "Ta cố nhớ một câu thôi, rồi ta rút lui không khó". Khi Kāla vào giảng đường nghe thuyết pháp, cậu cố nghe để nhớ một câu thôi, nhưng khi đứng dậy ra về lại quên đi. Đây là nơi oai lực của Đức Thế Tôn. Cậu lấy làm tức mình nên trở lại cố chăm chú nghe, đặng nhớ một câu thôi. Hôm ấy, Đức Thế Tôn giảng về sự chết, ngài dạy trong ba cõi không một chúng sanh nào thoát khỏi tay tử thần. Cậu Kāla hiểu và phát tâm kinh sợ luân hồi, diệt trừ được phiền não và đắc quả Tu Đà Hườn.

Về nhà chàng nhớ đến số tiền thưởng của cha, lấy làm hổ thẹn, vào phòng đóng cửa lại không dám ra, sợ cha nhắc đến số tiền thưởng.

Sáng ngày, nhân dịp Đức Thế Tôn đến trai tăng nơi nhà, ông trưởng giả mới kêu con ra lãnh ngàn đồng vàng tiền thưởng. Đức Thế Tôn biết Kāla đang lúng túng và rất hổ thẹn trước chư Tăng và cha mẹ, nên Ngài dạy câu kệ rằng:

Pathabya ekarajjena

Saggassa gamamenavā

Sabbalokādhioaccena

Sotāpattiphalam varam

Nghĩa là Tu Đà Hườn là quả cao hơn đế vị, sự an vui trong cõi trời và tất cả sự nắm chủ quyền trong vũ trụ (ý nói làm vua Chuyển Luân Thánh Vương).

Ý câu này dạy rằng: Không thể đem vật gì trong tam giới này lại sánh với quả Tu Đà Hườn được. Khi đã đắc Tu Đà Hườn quả thì vàng bạc, ngọc ngà châu báu đối với Kāla không còn giá trị gì hết.

Tích này cho ta thấy rằng, khi cha mẹ là người chánh kiến, thì dẫn dắt con đi trên đường cao quý được. Vậy bổn phận làm cha mẹ chẳng những lo cho được an vui trong kiếp này, mà còn phải lo cho kiếp vị lai cho con nữa.

3. Cho con học nghề: phận sự làm cha mẹ phải gắng cho con học được một cái nghề gì theo chánh nghiệp. Cha mẹ không nên giao phó con cho nhà trường mà không quan tâm tới, vì có lắm cậu mang sách ra đi nhưng kỳ thực thì không đến trường, mà cắp sách đi chơi thôi.

4. Dựng vợ gả chồng cho con: điều này có hai ý nghĩa là cha mẹ có phận sự và cũng phải lo tròn phận sự định đoạt gia đình của con, phải biết chọn nơi cho hợp với con mình. Chuyện vợ chồng của con trong thời buổi này, thật là một vấn đề rất là phiền phức cho phận sự làm cha mẹ. Vì có khi cha mẹ ưng ý chỗ này mà con không bằng lòng, lại muốn tự ý chọn ý trung nhân cho mình. Vì vậy thật là khó giải quyết. Vấn đề này có thể chia làm hai phần là:

- Khi cha mẹ nhúng tay vào đời tư của con có lợi hay có hại?

- Vậy cha mẹ hay con là người có quyền quyết định đoạt số phận của mình?

Về vấn đề thứ nhất, tôi thấy trong kinh, Đức Phật dạy cha mẹ nên lo định đoạt cho con, phải lo và chọn cho hợp tình cảnh, vì các con còn nhỏ chưa hiểu đời bằng cha mẹ.

Vấn đề thứ hai, nên được thỏa thuận giữa cha mẹ và con. Phận sự làm cha mẹ là chỉ chỗ hại và chỗ lợi của cuộc hôn nhân, để cho con suy nghĩ lấy. Phần con nên suy nghĩ cho kỹ, chẳng nên vì lòng ham muốn nhất thời của mình mà làm cha mẹ buồn, và nhất là làm hại cho tương lai của mình.

5. Chia gia tài cho thích hợp: lòng thương con của cha mẹ được thể hiện rõ rệt trong giai đoạn này, và lòng thương ấy rất cao quý, không đo lường được tấm lòng thương ấy, khi chia gia tài cho con, lúc con tách xa cha mẹ mà tạo lập gia đình. Đó là phần gia tài vật chất và cũng là gia tài tinh thần, vì trong gia tài đó, tích chứa biết bao mồ hôi nước mắt, tâm tư và công đức của cha mẹ.

Trong Chú giải kinh Hạnh phúc có dạy làm cha mẹ phải dắt dẫn con theo năm đường, là:

a) Dắt dẫn con vào chùa nghe giáo pháp của Đức Thế Tôn, để tập cho nó tu hành khi còn trẻ.

b) Tập con biết lễ Phật, tụng kinh.

c) Tập con làm lành, như bố thí.

d) Tập con niệm Phật, tham thiền.

e) Có thể nên cho con xuất gia (tùy theo sức của con, muốn xuất gia tới lúc nào có thể hành nổi).

Sự tiếp độ con có nhiều hạnh phúc là:

1. Tạo cho con thành người lương thiện.

2. Tạo cho con thành một công dân tốt của quốc gia.

3. Tạo cho con thành gương mẫu cho cháu chắt sau này.

4. Làm cho con được hưởng hạnh phúc trong kiếp này và vị lai.

5. Làm cho con được hưởng ba điều lợi ích.

6. Là nguyên nhân sanh hạnh phúc cho mình con và cháu chắt sau này.

7. Là người giúp cho đời bớt một công dân bất lương, và bớt một người làm khổ cho gia đình sau này.

8. Là người tạo cho con nên người trí thức, người có giới đức.

9. Được chư thiên ca tụng.

*

HẠNH PHÚC XIII

Dārassa saṅghaho
Tiếp độ vợ

Vợ chồng là một vấn đề rất quan trọng trong đời của con người. Người mà được vui hay khổ cũng tùy thuộc theo sự hành động của vợ chồng. Vì vậy Đức Phật dạy tiếp độ vợ là sự hạnh phúc cao thượng.

Tiếng Phạn Saṅghaha nghĩa là tiếp độ, ý nói khi người đàn ông đã có vợ, thì phải giúp đỡ vợ. Theo câu này ta thấy hình như người đàn ông bị bắt buộc phải tiếp độ vợ và như vậy thì dường như người vợ không cần lo gì cho chồng. Sự thật người vợ vẫn có bổn phận đối với chồng. Vợ là nội tướng, lo coi mọi công việc trong gia đình. Người chồng ví như tay mặt, người vợ ví như tay trái. Vì tay mặt làm việc nặng nhọc có tiền mua cà rá, nhẫn, tự mình không đeo mà cho tay trái đeo. Không khác nào người chồng làm việc nặng nhọc có tiền đem về giao cho vợ. Bổn phận người vợ là phải lo săn sóc của ấy, không cho hao mất, ấy là phận sự của nội tướng.

Theo Việt ngữ, thì tiếng "chồng" và "vợ" có nghĩa là nhất định, còn tiếng Phạn ngữ tương đương tiếng "chồng, vợ" của Việt ngữ thì có định nghĩa tùy theo trường hợp. Phạn ngữ có hai tiếng tương đương với tiếng "chồng" của Việt ngữ: SāmīAyya. Tiếng Sāmī, hay Bắc Phạn là Svāmī, đều có nghĩa là chủ (chồng). Tiếng Ayya cũng có nghĩa là chủ, nhưng tiếng Sāmī hay Svāmī chỉ người chủ hiền lành, bao giờ cũng thương yêu và hết lòng giúp đỡ người dưới, cũng như là giúp cho chính bản thân mình. Còn tiếng Ayya chỉ người chủ tính tình không cao đẹp bằng Sāmī, là người chủ có tính không lành hay muốn làm cho người ta sợ hay dùng quyền độc đoán.

Phạn ngữ có nhiều tiếng tương đương với tiếng "vợ" của Việt ngữ, mà có định nghĩa khác nhau: DāraJāya là vợ, Paricārikā nghĩa là hầu hạ dưới chân. Thường dùng nhất là tiếng Bhāriyā (vợ), có nghĩa là người đáng nuôi, người đáng thương hại, để dạy là người mà ai ai cũng yêu chuộng và muốn nuôi. Tiếng này thường đi đôi với tiếng Sāmī.

Theo trong bộ kinh Anguttaranikāya đoạn Sattanipatra, đức Phật có dạy rằng có bảy hạng vợ, tức nhiên là cũng có bảy hạng chồng tương đối.

Bảy hạng vợ ấy là:

1. Vadhakabhāriyā: vợ như là đao phủ thủ.

2. Corībhāriyā: vợ như kẻ trộm.

3. Ayyabhariyā: vợ như chủ nhân ác ôn.

4. Mātābhariyā: vợ như mẹ.

5. Bhaginibhāriyā:vợ như em gái.

6. Sakhibhāriyā: vợ như bạn.

7. Dāsībhāriyā: vợ như tôi đòi.

- Vợ như đao phủ thủ: đao phủ thủ là người giết tội nhân. Người vợ thuộc về hạng này là người đàn bà nhiều sân hận, mặc dù chồng có lo lắng nhường nhịn đến đâu, cũng không hề biết thương hại chồng, làm sao miễn cho vừa lòng mình thôi. Người vợ này thường mắng nhiếc chửi bới chồng lắm khi đánh đập chồng là khác.

Đồng thời cũng có hạng chồng như đao phủ thủ vậy.

- Vợ như kẻ trộm: người vợ này không trung thành với chồng, thường lo việc sang đoạt, lường gạt, cướp bóc của chồng, đem tiền mua vui riêng, như cờ bạc chẳng hạn, theo ý thích của mình. Đồng thời cũng có hạng chồng như kẻ cướp.

Thành thật mà nói, vợ hay chồng đều có quyền xài của có trong gia đình, nhưng khi đem ra xài cần phải có sự đồng thuận cả hai người. Còn khi nào một người trong hai người ấy lấy tiền xài lo riêng mình, là có tác ý lén lấy tiền ấy đem đi mua vui riêng, là không hợp pháp, sai với luật Phật.

Thật ra, sự trộm cắp giữa chồng và vợ khó mà bắt cho được, nên đây là hạng trộm cắp đáng ghê sợ nhất trong gia đình.

- Vợ như chủ nhân ác ôn: hạng vợ này bao giờ cũng dành quyền hành và giữ tiền bạc trong gia đình. Chồng chỉ là một hư vị thôi, như tôi tớ trong nhà. Hạng vợ này chỉ biết làm hại cho gia đình thôi, chớ không làm gì hơn. Đồng thời cũng có ông chồng như ông chủ ác ôn vậy.

- Vợ như mẹ: không ai thương con và lo cho con bằng mẹ. Bà mẹ đối với con có tứ vô lượng tâm, như vị Phạm thiên. Người vợ thương chồng, lo cho chồng không nề cực nhọc tấm thân, miễn là chồng vui là đủ rồi. Người vợ có tâm như thế gọi là người vợ thương chồng như mẹ thương con. Thật là hiền thê nội trợ. Quả báo này thật không nhỏ. Chết rồi được sanh vào cõi trời.

Đồng thời cũng có người chồng thương vợ, lo cho vợ, như người cha lo cho con vậy.

Gia đình nào được cảnh này chắc chắn gia đình ấy đầy hạnh phúc và vợ chồng không hề xa nhau vì một lẽ gì. Đây là pháp rất cao quý, chúng ta nên hành theo.

- Vợ như em gái: hạng vợ này kính mến chồng như anh trai, vì như người em gái thường lo cho anh thật chu đáo. Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người anh lo cho em gái mình.

- Vợ như bạn: người vợ lo chăm nom săn sóc chồng như người bạn lành săn sóc cho bạn mình, xem chồng như là mình vậy. Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như lo cho bản thân mình.

- Vợ như kẻ tôi đòi: người vợ nhịn ăn mặc, hy sinh mọi điều cho chồng và lo phụng sự chồng như là người làm công lo cho ông chủ, không bao giờ để sơ thất, mọi việc gì mà chồng đã giao cho. Phạn ngữ dùng tiếng "tôi đòi" để chỉ hạng vợ hết lòng chăm nom mọi việc cho nhà chồng. Ta nên hiểu đó là người quản gia trung tín nhất.

Đồng thời cũng có người chồng lo cho vợ như người quản gia lo cho chủ vậy.

Sự thật nếu gia đình nào có được bốn hạng vợ và bốn hạng chồng sau cùng, đã kể như trên, thì gia đình ấy được an vui. Đức Phật thường dạy đời là khổ, người ở trong đời là người đang trầm luân trong bể khổ. Nhưng Ngài biết chúng sanh mặc dù biết khổ nhưng không dứt bỏ được, nên trong tám muôn bốn ngàn pháp môn của Ngài dạy, có pháp xuất thế gian và pháp còn trong thế gian, những người hành theo pháp sau này sẽ được bớt khổ đi một phần nào, cũng như hành theo 38 pháp Hạnh phúc của Phật dạy.

Sự yêu thương giữa nam và nữ về tình dục thì không có gì gọi là cao quý. Vì loài thú cũng biết như ta vậy. Nhưng người đời cao quý hơn loài vật, là vì người ta thương yêu nhau bằng một tình thương trong sạch, hai bên biết lo tiếp độ cho nhau trong khi hoạn nạn, hoặc sống chết có nhau và ngoài ra còn giúp nhau đi theo đường giải thoát của các bậc thánh nhân.

Về sự tiếp độ nhau giữa vợ chồng, Đức Phật có dạy trong bộ Dighanikāya đoạn Pātivagga rằng vợ chồng phải có pháp tiếp độ nhau là:

Chồng có 5 pháp đối với vợ là:

1. Thương mến nể nang và hằng khen tặng và làm cho vợ được sự lợi ích và vừa lòng.

- Cho đồ dùng hợp thời, như cho vàng vòng, đồ trang điểm trong ngày sinh nhật.

- Dùng lời dịu ngọt đối với vợ.

2. Không khinh khi vợ, nghĩa là không đối với vợ như kẻ tôi đòi.

3. Không ngoại tình (không có vợ bé).

4. Giao cho vợ chủ quyền trong gia đình.

5. Cho đồ trang điểm.

Đối với chồng cũng phải có 5 điều là:

1. Lo thu xếp săn sóc việc trong gia đình cho chu đáo.

2. Lo quyến thuộc giúp đỡ bên chồng.

3. Không ngoại tình.

4. Giữ của chồng đã giao phó cho.

5. Siêng năng làm công việc.

Những pháp trên là theo đời, còn với lẽ đạo tùy trường hợp người chồng hay vợ phải đối xử theo ba pháp là:

1. Tiếp độ hạng thấp, là dắt dẫn người bạn trăm năm của mình cho biết bố thí, trì giới, nghe pháp, làm lành.

2. Tiếp độ bậc trung, là dắt dẫn tụng kinh niệm Phật, tham thiền.

3. Tiếp độ bậc cao thượng, là dắt dẫn cho học minh sát tuệ và luôn luôn nhắc nhở sự hành đạo.

Tiếp độ vợ con được hạnh phúc là:

1. Làm cho tình thương ấy càng ngày càng đầm ấm bền vững.

2. Làm cho tâm đầu ý hiệp.

3. Là một điều đại thiện.

4. Là nhân làm cho tiền của dồi dào. Chư thiên trong gia đình hộ trì và phước đức càng ngày càng cao.

5. Được xem là người hành đúng theo chân lý.

6. Được gọi là người không dễ duôi

7. Làm khuôn vàng thước ngọc cho con cháu sau này, hay là làm gương mẫu cho người bên mình.

8. Chư thiên và Phạm thiên thường ca tụng và hộ trì cho gia đình hành theo hạnh này.

Chính Đức Đế Thích có nói câu kệ như vầy với vị chư thiên Mātali rằng:

Ye gahatthā puññakarā sīlavanto upāsikā. Dhammene dāram posenti te manassāñmi mātali

Nghĩa là: "Này Mātali, người cư sĩ nào, làm phước có giới hạnh là thiện nam biết nuôi vợ đúng theo pháp, ta xin lễ bái người ấy".

Vị chư thiên Mātali đáp câu kệ ấy rằng: "Tâu Đức Đế Thích, ngài lễ bái kính trọng vị cư sĩ nào mà người ta thường ca tụng thì người cư sĩ ấy cao quý trong đời. Tâu Đế Thích ngài lễ bái kính trọng ai, tôi xin lễ bái kính trọng người ấy".

Đế Thích là vị thiên vương làm chúa tể trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương và Đạo Lợi, mà ngài còn kính trọng người hành pháp theo pháp tiếp độ vợ con, thì chư thiên làm gì không hộ trì và kính trọng.

*

HẠNH PHÚC XIV

Anākulā ca kammantā
Làm xong việc của mình

Làm xong việc của mình nghĩa là làm việc gì thì phải làm cho đến kết quả, không làm nửa chừng bỏ dở. Thí dụ ta như người lái xe, ta nhờ chiếc xe chạy được và có địa điểm cho xe tới, thì ta chạy đến chốn đến nơi. Chạy đến mục tiêu như vậy là ta thành công đắc quả. Ta nên noi theo gương kiên trì của Đức Phật, ngay trong việc làm của Ngài, từ lúc xuất gia đến khi thành đạo. Trên vũ trụ này, chỉ có một người làm việc giỏi nhất mà lại kết quả tốt đẹp, nhất đó là Đức Phật. Đã hơn 25 thế kỷ chưa có ai làm việc như Ngài, việc làm của Ngài thật là cao thượng, kết quả rất quý báu. Số người vâng giữ hành theo lời chỉ bảo của Ngài nhiều không kể xiết.

Ta hãy đi ngược lại dòng thời gian để tìm biết sự làm của Đức Phật, từ khi Ngài quyết chí xuất gia dứt lìa bỏ ngai vàng, vợ đẹp con thơ, mà người đời ai ai cũng ham muốn. Khi xuất gia xong, Ngài quyết chí hành khổ hạnh. Khi thấy sự hành khổ hạnh ấy không đem lại kết quả tốt, Ngài liền bỏ và hành theo Trung đạo mới đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dưới cội bồ đề. Sau khi đắc được quả tối cao xong, rồi Ngài lại quyết định thuyết pháp độ đời suốt 45 năm, không màng cực nhọc quyết tâm cứu độ chúng sanh.

25 thế kỷ đối với ta thật là lâu, nhưng việc làm của Ngài vẫn còn sáng chói, và vẫn xem như mới tinh. Việc làm của Ngài là việc làm bất diệt, đến nay vẫn còn ảnh hưởng mãnh liệt trong tâm của hàng Phật tử chân chánh. Việc làm của Ngài đi từng giai đoạn, từ sơ khởi đến kết quả, không bỏ dở dang, mặc dù đã trở ngại.

Muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, ta nên theo lời Phật dạy mà phân biệt việc làm hai loại là: việc làm đem sự an vui và việc làm đem tai hại.

Việc làm đem an vui đến có ba trường hợp là:

1. Anākalam: làm cho đến kết quả, không bỏ dở giữa chừng.

2. Dalaham: làm đầy đủ, không thiếu sót.

3. Sucaritam: làm trong sạch, nghĩa là việc làm không tội lỗi.

Sở dĩ người ta làm việc không tới nơi tới chốn, là vì người ấy không bền chí, hay ngã lòng trước nghịch cảnh, thiếu cương quyết để làm cho đến cùng.

Đây là trạng thái của người làm việc hay bỏ dở công việc:

1. Kalatikaman: thường làm mất thì giờ. Như chuyện lẽ ra làm xong trong một giờ, mà người ấy phải làm tới hai ba giờ.

2. Appa atirupakarana: việc làm việc không xứng với số tiền được, nghĩa là làm việc ít mà lương bổng nhiều.

3. Akarana: không quan tâm đến việc làm.

4. Sithilakarana: làm một cách miễn cưỡng.

5. Sakaladivasabhagam supitva: ngủ cả ngày.

6. Rattimhi te katum na uttahati: ban đêm cũng không làm việc.

7. Niccakalam suramatto: say rượu cả ngày.

8. Itthi adisu sondo: chạy theo phụ nữ.

9. Alaso: lười biếng, ngủ nướng và hay ngủ dậy trưa.

10. Leso: đổ thừa rằng lạnh quá, nóng quá v.v...

Theo Phật dạy, người muốn làm việc cho đến nơi đến chốn, thì phải có bốn pháp gọi là Iddhipāda, bốn pháp như ý. Đức Thế Tôn đắc được quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cũng do nơi bốn pháp ấy.

Bốn pháp như ý là:

1. Chandiddhipda: dục như ý (sự vui lòng thỏa thích làm).

2. Viriyiddhipda: tinh tấn như ý (sự cương quyết làm việc).

3. Cittiddhipda: niệm như ý (sự cố để tâm làm việc).

4. Vimamsiddhipda: tư duy như ý (sự suy nghĩ hiểu cách làm).

Phàm người muốn làm việc gì, trước nhất phải có chương trình, mà quan trọng nhất là trước hết phải có vốn là tiền, riêng theo Phật dạy thì vốn ấy là tâm cương quyết, thích làm việc mà mình định làm.

Đức Phật dạy trước nhất phải có tâm cương quyết làm việc, vì vậy trong bốn pháp như ý, đều có nói đến tâm và tâm là động lực chánh yếu chủ động.

- Dục như ý: theo tâm lý thì điều gì mà tâm đã yêu hay thích, thì tâm chăm chú vào điều ấy, rồi khiến con người cố gắng làm xong việc.

Tất cả mọi việc từ nhỏ đến lớn, đều phải do nơi hai nguyên tắc theo trật tự sau đây:

a) Để tâm đúng vào việc làm và yêu việc làm.

b) Bắt buộc tâm phải làm việc.

Phải có đủ hai nguyên tắc theo trật tự này, thì chắc chắn việc làm sẽ được kết quả mỹ mãn, bằng ngược lại, thì việc làm rất khó được kết quả, mặc dù là ít. Vì vậy Đức Phật dạy trước hết phải có tâm thích nghề trong việc làm của mình tức là dục như ý.

- Tinh tấn như ý: (tôi xin tạm dịch là tâm can đảm) pháp tinh tấn là pháp mà Đức Phật thuyết rất nhiều chỗ trong các số pháp. Phật tử nghe đến tinh tấn thì hiểu rằng đó là sự siêng năng làm việc, hay cương quyết, hoặc can đảm làm việc. Người mà có tinh tấn làm việc, thì làm việc gì cũng kết quả mỹ mãn. Tinh tấn không có nghĩa là đem hết sức mình mà làm việc nhất thời, mà có nghĩa là ta làm tùy theo sức ta, nhưng không khi nào bỏ gián đoạn, không chịu thua hoàn cảnh, không chịu thua sự thất bại. Tinh tấn có nghĩa là làm từ từ, liên tục, không gián đoạn, không miễn cưỡng. Hơn nữa, không phải là người tinh tấn làm việc hoài không nghỉ, nhưng nghỉ theo trường hợp, đừng để sức khỏe kém dần đi đến kiệt quệ.

- Niệm như ý: (tôi xin dịch là chú tâm đến công việc làm) nghĩa là bao giờ tâm cũng nghĩ đến việc làm của mình đang làm, chú ý đến việc làm. Tâm luôn luôn suy nghĩ và nghiên cứu việc làm của mình không hề xao lãng. Người làm bất cứ công việc gì, nhưng thiếu một pháp nào kể trên cũng không được, vì nếu thiếu là cầm chắc thất bại.

- Tư duy như ý: là dùng trí tuệ để quan sát lại việc làm của mình. Nếu thiếu trí tuệ kiểm soát tâm thì không khác nào xe chạy trong đêm tối mà không đèn.

Vậy chúng ta muốn làm xong công chuyện không bị thất bại và bỏ dở thì phải có bốn pháp trên. Đó là nói về phương diện ở đời, còn về đạo đức thì phàm người tu Phật tại gia hay bậc xuất gia, khi làm một việc gì cũng phải có đủ bốn pháp như ý ấy, chẳng hạn như bố thí, trì giới, hay tham thiền v.v...

Tôi xin nhắc tích của vị Tỳ khưu học tham thiền:

Thầy là người rất tinh tấn hành đạo có tiếng trong thời kỳ nọ. Nhưng khi thầy ngồi lại tham thiền, thì thầy ngủ gục, không thể nào làm cho tâm được cái thấp nhất là hỷ lạc. Mỗi lần thầy buồn ngủ, thầy lấy cỏ quấn lại một nùi đội lên đầu, rồi lội xuống trầm mình dưới sông Gangā và tự bảo lấy mình rằng: "Ta đã thả trôi sự buồn ngủ rồi". Vị ấy hành như thế đến mười hai năm mới đắc quả A La Hán. Như thế ta mới thấy rõ vị Đại đức ấy ngài yêu việc làm của ngài, ngài rất cương quyết tinh tấn làm cho xong việc, không chịu thua hoàn cảnh, và ngài có trí tuệ quan sát biết yếu điểm của mình là hay buồn ngủ và tìm cách khử trừ nó cho đến viên mãn.

Còn Đức Thế Tôn kiếp chót là Thái tử Sĩ Đạt Ta, sau khi bỏ ngai vàng xuất gia sáu năm khổ hạnh chỉ còn da bọc xương, Ngài cũng thối chí ngã lòng. Dưới cội bồ đề, Ngài phát nguyện rằng: "Nếu ta không thành đạo, dù xương tan thịt nát ta cũng không rời khỏi nơi này". Rồi nhờ tấm lòng yêu đạo, cương quyết, kiên nhẫn, Ngài tìm thấy con đường giải thoát là đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nói tóm lại khi người tại gia cư sĩ muốn làm việc gì từ nhỏ đến lớn mà hành theo bốn pháp như ý thì ngân quỹ gia đình được dồi dào sung túc, rồi nền kinh tế của nước nhà cũng cường thịnh, và được bốn điều an vui:

a) An vui vì có của.

b) An vui vì phương tiện tiêu dùng và có nhiều tiền.

c) An vui vì không bị nợ.

d) An vui vì việc làm không tội lỗi.

Ngoài ra còn những điều lợi lộc sau đây:

1. Người trong gia đình và quyến thuộc cùng người trong xã hội có thể nhờ đuợc.

2. Có dự trữ được việc lành làm vật thực về ngày vị lai

3. Là tự bảo vệ lấy mình.

4. Sẽ được sanh vào cõi trời.

5. Nếu duyên lành đầy đủ, thì có thể đắc được đạo quả.

6. Nếu chưa đắc được đạo quả trong kiếp này, thì việc làm ấy là duyên lành sẽ đưa người được đắc quả về vị lai.

7. Không dễ duôi.

8. Được các bậc trí tuệ thường ngợi khen.

9. Không xa ba điều lợi ích.

10. Được gọi là thiện nhân là vì có sự hạnh phúc bên mình.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10

 

Chân thành cám ơn đạo hữu Huyền Thanh đã gửi tặng bản vi tính (08-2006)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-09-2006