BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Giới thiệu Hội Phật Giáo Tây Úc
(The Buddhist Society of Western Australia)

Bình Anson


Theo thống kê dân số mới nhất của Úc thì quốc gia nầy có 17 triệu dân, đa số là theo đạo Thiên Chúa. Khoảng 1% dân số là theo đạo Phật (170 ngàn người). Riêng tại tiểu bang Tây Úc với dân số 1,5 triệu thì có khoảng 15 ngàn người là Phật tử, đa số là từ các cộng đồng gốc châu Á như Việt, Hoa, Thái, Miến, Tích Lan, Nhật, v.v...

Tuy rằng có ít người nhưng các hoạt động Phật giáo ở tại tiểu bang, nhất là tại thành phố Perth, rất đa dạng với 10 ngôi chùa của các hội Phật Giáo từ các sắc tộc khác nhau. Trong đó, Hội Phật Giáo Tây Úc (Buddhist Society of Western Australia) là một hội Phật giáo lâu đời nhất và có nhiều uy tín trong các hoạt động tôn giáo trên toàn nước Úc.

Hội Phật Giáo Tây Úc được thành lập năm 1974 bởi Giáo sư Jayasuriya và một số Phật tử tại Perth. Giáo sư là người phụ trách môn Tâm lý học tại Ðại học Tây Úc và là người sinh ra ở Tích Lan, thấm nhuần đạo Phật. Các hội viên đầu tiên gồm một số người Úc, người Hoa và người Thái lan theo truyền thống Phật giáo Nam Tông (Theravada). Lúc ban đầu, Hội mua được một ngôi nhà nhỏ ở vùng North Perth để làm nơi thờ phượng và sinh hoạt giáo lý. Thỉnh thoảng Hội cũng có mời thỉnh các danh tăng đến từ Thái Lan, Miến Ðiện, và Tích Lan để giảng pháp và hướng dẫn các khóa tu thiền.

Ðến năm 1981 thì Hội thỉnh được hai tu sĩ Phật Giáo người Úc - nhưng tu học ở Thái Lan trong nhiều năm -  đến hoằng pháp tại Perth. Ðó là Tỳ Kheo Jagaro và Purisso, thuộc môn phái tu thiền ẩn lâm của ngài thiền sư Ajahn Chah, một vị thiền sư danh tiếng ở Thái Lan. "Ajahn" (A-chàn) là tiếng Thái, có nghĩa là Thầy, bắt nguồn từ tiếng Phạn "Acarya" (A-xà-lê).

1. Tu viện Bodhinyana

Sự có mặt của hai vị Tỳ Kheo nầy đã lôi cuốn được rất nhiều người Úc đến nghe giảng pháp và thực tập thiền định. Do nhân duyên đưa đẩy, Hội mua được một lô đãt thiên nhiên trong rừng năm 1983 trong huyện Serpentine, cách thành phố Perth khoảng 60 kílômét về hướng Nam để làm Thiền viện. Thiền viện nầy rộng khoảng 40 hécta, nằm trên một ngọn đồi cao, có suối chảy ngang, với nhiều loại cây nguyên sinh, chưa khai phá. Đến năm 2002, Hội mua thêm một khu đất rừng thiên nhiên bên cạnh, rộng khoảng 100 hécta, để tạo thêm nơi tịnh tu cho các vị Tỳ kheo, và có thể sẽ xúc tiến thành lập một trung tâm hành thiền cho các cư sĩ.

Thiền viện có tên là Bodhinyana (Giác Minh), được dành làm nơi tu học cho các vị Tỳ Kheo. Trong khuôn viên của thiền viện có một chính điện lớn để các vị Tỳ Kheo tụ hội tham thiền, học kinh điển và giới luật. Phía sau là một thư viện chứa các bộ Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pali, Thái, và Anh, và các kinh sách quan trọng khác.

Ngoài ra, ở gần chính điện có một trai đường, gồm 2 tầng. Tầng trên dành cho quý Tăng Ni thọ trai và tầng dưới dành cho các sinh hoạt của cư sĩ đến làm công quả. Rãi rác trong rừng là từng cốc nhỏ dành cho các Tỳ Kheo, mỗi vị một cốc, với kích thước khoảng 3 x 5 mét, vừa đủ để một giường và một bàn viết nhỏ. Bên ngoài mỗi cốc là có một đường đi ngắn khoảng 30 mét, có trải cát để các Tỳ Kheo đi kinh hành. Các vị Tỳ Kheo chỉ gặp nhau vào buổi sáng sớm - khoảng 6 giờ sáng - để ăn điểm tâm, 11 giờ để ăn trước ngọ, và buổi tối khoảng 7 giờ để tụng kinh và nghe giảng kinh luật. Thì giờ còn lại là mỗi vị ở một nơi riêng biệt, để tham thiền và tu tập.

Mỗi năm thì có vài người Úc đến xin ở lại tại thiền viện để thọ tám giới, rồi sau một năm thì xin thọ giới sa di, và sau đó vài năm thì xin thọ giới Tỳ Kheo. Sau khi tu học ở đây được 5 năm thì các vị Tỳ Kheo được gửi đến các thiền viện khác, thường là đến Thái Lan để tu học thêm. Mỗi năm vào mùa an cư kiết hạ thì một số Tỳ Kheo ở các nơi khác lại trở về thiền viện để nhập hạ. Mùa an cư năm nay (2003) có tất cả là 20 vị Tỳ Kheo nhập thất ở đây. Vị sư trụ trì hiện nay, và cũng là vị lãnh đạo tinh thần của Hội, là Tỳ Kheo Brahmavamso, người Anh, nhưng rất thông thạo tiếng Thái và Pali.

Sau khi hết mùa an cư thì các Thầy xuất viện, đi hoằng hóa khắp nơi trong toàn nước Úc. Riêng tại Tây Úc thì các Thầy thường về thành phố Perth vào ngày cuối tuần để hoằng hóa đạo pháp. Ngoài ra quý Thầy cũng còn được mời vào trong Hội đồng Cố vấn Giáo dục của chính phủ Tây Úc để cố vấn chương trình tôn giáo giảng dạy tại các trường tiểu và trung học.

2. Trung tâm Phật giáo Dhammaloka

Vì sự tham gia của người Úc càng ngày càng đông đảo, Hội đã bán ngôi nhà cũ ở North Perth năm 1987 và dời về vùng Nollamara, cũng thuộc thành phố. Nơi nầy vốn là một ngôi nhà thờ cũ của Anh Giáo, nay được sửa sang lại, và sau đó Hội cũng mua được hai ngôi nhà kế cận và đã phá đi để xây chùa. Từ đó, Trung Tâm Dhammaloka (Pháp Quang) được thành lập. Vị Thống Ðốc bang Tây Úc, đại diện chính phủ và quốc hội, đại diện các tôn giáo lớn và hội đoàn đã đến tham dự đông đủ trong buổi lễ khánh thành Trung Tâm nầy.

Trung Tâm Dhammaloka rộng khoảng 5.000 mét vuông, gồm một chính điện rộng lớn để thuyết pháp và dạy hành thiền cho các cư sĩ. Kế đó là một bãi đậu xe, một hội trường, một ngôi nhà lớn dùng làm văn phòng, thư viện, và các phòng ngủ cho chư Tăng khi đến tạm trú ngắn hạn. Kế bên là một khách xá nhỏ dành cho vị quản tự và khách thập phương đến tạm trú.

3. Ni viện Dhammasara

Vào năm 1999, Hội mua thêm một thửa đất rừng nguyên sinh, rộng khoảng 250 hécta, trong huyện Gidgeganup, 60 kilômét về hướng Đông Bắc thành phố Perth, để thành lập Ni viện Dhammasara (Pháp Chất). Viện chủ hiện nay là Ni sư Vayama, người Úc, đã từng tu học với cố Ni sư Ayya Khema ở Sri Lanka.

*

Hiện nay, tổng số hội viên chính thức là 300 người, gồm có người Úc gốc Âu Mỹ và các Phật tử gốc Đông Nam Á như Thái lan, Lào, Cam-pu-chia, Hoa, Miến điện, Tích Lan, Mã Lai, Singapore, và Việt Nam. Mỗi tuần vào chiều thứ Sáu thường có một buổi thiền tập công cộng và thuyết pháp, và số người tham dự có khi lên đến 500 người. Ngày thứ Bảy và Chủ nhật thì có các lớp Phật học phổ thông, các lớp hướng dẫn hành thiền, và các buổi giáo lý cho thiếu nhi. Hằng tháng lại có các buổi sinh hoạt đóng góp gây quỹ tài trợ cho các hoạt động của Hội.

Nhìn chung, đạo Phật đã được gầy dựng trên một căn bản vững chải tại Perth và bang Tây Úc. Với sự có mặt của các Tăng Ni, các ngôi chùa và các sinh hoạt đạo pháp thường xuyên của Phật tử người Úc và Á châu, Phật Giáo tại đây đang có chiều hướng phát triển lớn mạnh trong tương lai.

Ðịa chỉ liên lạc:

The Buddhist Society of Western Australia (Inc.),
Dhammaloka Buddhist Centre
18-20 Nanson Way,
Nollamara. Western Australia 6061
AUSTRALIA
Tel: (61-8) 9345 1711

Bodhinyana Monastery,
Lot 1, Kingsbury Drive,
Serpentine. Western Australia 6205
AUSTRALIA
Tel: (61-8) 9525 2420
Fax: (61-8) 9525 3420

Dhammasara Nuns' Monastery, 
287 Reen Road
Gidgegannup. Western Australia 6083
AUSTRALIA
Tel/Fax: (61-8) 9574 6583.

Ðể biết thêm chi tiết về các chương trình sinh hoạt (thuyết pháp, khóa tu thiền, khóa Phật học, v.v.), mời quý độc giả đến viếng trang web của Hội tại: www.bswa.org.au

Bình Anson
Perth, Western Australia
tháng 5, 1998
(cập nhật: tháng 02-2004)
 


[Trở về trang Hình ảnh Phật giáo]

last updated: 11-02-2004