BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with Unicode VU Times or CN-Times font


Vấn Đáp
Đại cương Vi Diệu Pháp và Tâm

Tỳ kheo Chánh Minh
Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu


Xin lưu ý: Cần có phông UnicodeViệt-Phạn VU Times hay CN-Times cài vào máy để đọc các chữ Pàli.

TÂM VẤN ĐÁP (tiếp theo)

-ooOoo-

41/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH VỀ TÂM TIẾP-THÂU (SAMPAṬICCHANACITTA) VÀ TÂM THẨM TẤN (SANTĪRANACITTA (TÂM SUY ÐẠC - TÂM QUAN-SÁT)).

Ðáp:

Sampaṭicchana được phân-tích thành: SAṂ + PAṬI + căn ISU, SAṂ nghĩa là đồng với, PAṬI là hướng về, ISU là thọ lãnh, tiếp nhận.

Sampaṭicchana là tiếp nhận đồng với cảnh của năm đôi thức chuyển sanh hay hướng về năm đôi thức để nhận cảnh đồng với cảnh của năm đôi thức ấy.

Như Paramaṭṭhadīpanīṭīkā có giải tự như vầy:

- Suṭṭhu parimukkhaṃ icchaṭīṭi = Sampaṭicchana: Ðón nhận (cảnh) không gián đoạn với (năm) thức, gọi là Tiếp-thâu,

Trong Visuddhimagga có giải tự:

- Cakkhuviññāṇa divaṃ anṭaṭaṃ rūpadivijana na lakkhanaṃ = Sampaṭicchana: Trạng thái nhận cảnh liên tiếp từ Nhãn-thức (Nhĩ-thức...) gọi tà Tiếp-thâu.

Tức là tâm Tiếp-thâu này sanh sau ngũ song-thức. Nếu sanh sau Nhãn-thức thì tiếp nhận cảnh-sắc, sau Nhĩ-thức thì nhận lãnh cảnh-thinh, sau Tỷ-thức thì nhận lấy cảnh-khí, sau Thiệt-thức thì lãnh thâu cảnh-vị, sau Thân-thức thì bắt lấy cảnh-xúc.

Tâm Tiếp-thâu chỉ sanh sau Ngũ-song-thức và trước tâm Thẩm-tấn (sanṭīranaciṭṭa) mà thôi, đây là phương thức đặc biệt của tâm Tiếp-thâu.

Tâm Tiếp-thâu sanh lên do ba nhân:

- Có Sắc-ý-vật (Radayavaṭṭhu).
- Có cảnh ngũ (pañcārammaṇa).
- Có sự chú ý đến cảnh đó (manasikāra).

GIẢI RẰNG:

Gọi là "Sắc-ý-vật" (hadayavaṭṭhu)", ở đây Sắc-ý-vật là nơi nương cho tâm Tiếp-thâu. khi một trong năm đôi thức nhận cảnh, khi ngũ-thức diệt rồi, cảnh được chuyển sang cho tâm mới, tâm này nhận trọn vẹn cảnh ấy, nên có tên gọi là tâm Tiếp-thâu, chính tâm này sanh khởi, trú và diệt tại Sắc-ý-vật (hadayavaṭṭhu), là cứ điểm của tâm thức. Theo Ngài Buddhaghosa và Ngài Anuruddha thì sắc ý-vật này là một số máu trong ngần, không màu, nằm tại một điểm ẩn sâu trong trái tim (tiềm-huyệt), khi Phật còn tại thế, trong Upanishad (Áo-nghĩa-thư) của Bà-la-môn giáo, cũng ghi nhận rằng: Hadayavaṭṭhu là cứ điểm nằm trong trái tim. Theo Aṭṭhasālinī thì hadayavaṭṭhu được giải thích là ciṭṭassa vaṭṭhu (vật của tâm (nương)) nhưng trong bộ Dhammasaṅganī không đề cập đến sắc này. Ðức Phật không nói rõ cứ điểm tâm nương là nơi nào. Trong bộ Paṭṭhāna Ngài chỉ gọi là: "Yaṃ nissaya rāpaṃ (nương sanh tại sắc nào, sắc đó là Sắc-ý-vật)".

- Gọi "Có cảnh ngũ", cảnh ngũ ở đây là chỉ chung cho năm cảnh, tức là cảnh-sắc, cảnh-thinh, cảnh-khí, cảnh-vị và cảnh-xúc. Tuy gom chung như thế, nhưng mỗi lần nhận cảnh, tâm Tiếp-thâu chỉ nhận một cảnh mà thôi, ví như vị giảng-sư có khả năng dạy năm môn học, nhưng mỗi lần dạy chỉ dạy được một môn học thôi.

- Gọi "Có sự chú ý", tức là có sự hướng tâm đến cảnh.

TÂM THẨM-TẤN (sanṭīraṇa): Là tâm có trạng thái xem xét, điều nghiên đối tượng (cảnh). Có câu giải tự như sau:

- Sanṭīraṇā dirasā = Sanṭīraṇa: Có phận sự điều đối tượng, gọi là Thẩm-tấn.

Nhân sanh tâm Thẩm-tấn cũng giống như nhân sanh tâm Tiếp-thâu, nghĩa là cũng có ba nhân sanh:

- Có Sắc-ý-vật.
- Có cảnh ngũ (ārammaṇa).
- Có sự chú ý (manasikāra).

Có điều khác biệt đôi chút là tâm Tiếp-thâu chỉ nhận được năm cảnh bên ngoài (cảnh ngoại-phần), còn tâm quan-sát (Thẩm-tấn) ngoài năm cảnh bên ngoài ra, còn có thể nhận cảnh thực tướng bên trong (cảnh nội-phần).

Tuy cùng là loại tâm quả vô-nhân, nhưng ba loại Tâm: Ngũ-thức, Tiếp-thâu và Thẩm-tấn có sự nhận cảnh khác biệt nhau, ngũ-thức mỗi thức chỉ nhận một cảnh tâm Tiếp-thâu nhận được năm cảnh, còn tâm Thẩm-tấn có khả năng nhận sáu cảnh (là thêm cảnh-pháp), vì tâm Thẩm-tấn có được chức năng hưởng cảnh dư tàn, thuật ngữ gọi là na-cảnh (ṭadālambana). Sở dĩ, tâm Thẩm-tấn có được điều này là vì phận sự của nó là điều nghiên đối tượng, tìm hiểu đối tượng với kinh nghiệm trước đây của mình, nên còn lưu giữ lại ấn tượng (cảnh).

Tâm Tiếp-thâu và tâm Thẩm-tấn được ví như người nhận đơn và người xét đơn. Người nhận đơn chỉ có phận sự nhận rồi chuyển giao cho người xét đơn, không cần biết nội dung đơn như thế nào, ra sao, còn người xét đơn thì thẩm tra nội dung đơn, tìm hiểu nội dung ấy như thế nào. Người nhận đơn ví như tâm Tiếp-thâu, người xét đơn ví như tâm Thẩm-tấn.

Cũng nên biết rằng: Tâm Thẩm-tấn (sanṭīraṇaciṭṭa) chỉ quán xét theo thực tướng chứ không quan-sát theo chế-định, chính vì thế tâm Thẩm-tấn không bắt cảnh chế-định (paññaṭṭārammaṇa).

42/ Hỏi: CÙNG LÀ TÂM QUẢ VỀ NHÂN, VÌ SAO TÂM QUẢ THIỆN CÓ TÂM THẨM-TẤN CÂU HÀNH HỶ, CÒN TÂM QUẢ BẤT-THIỆN THÌ KHÔNG?

Ðáp:

Tâm quả thiện về nhân có hai thứ tâm: Thẩm-tấn (sanṭīraṇaciṭṭa) là: Tâm Thẩm-tấn câu hành xả và tâm Thẩm-tấn câu hành hỷ, còn tâm quả bất-thiện chỉ có tâm Thẩm-tấn câu hành xả. Ðiều này là do tác động của cảnh.

Tâm quả thiện (kusalavipākaciṭṭa) có đặc tính là nhận cảnh khả-ý, khả-hỷ, cảnh của tâm quả thiện có hai loại là: Cảnh tốt (iṭṭhārammaṇa) và cảnh cực tốt (aṭi-iṭṭhārammaṇa), khi nhận cảnh tốt trung bình (iṭṭhāmajjhaṭṭārammaṇa) tâm Thẩm-tấn thường câu hành xả, còn khi nhận cảnh cực tốt (aṭi- iṭṭhārammaṇa) thì câu hành hỷ-thọ.

Còn tâm quả bất-thiện phải nhận cảnh xấu, bất khả-ý, bất khả-lạc. Cảnh của tâm quả bất-thiện cũng có hai: Cảnh xấu trung bình (aniṭṭhamajjhaṭṭārammaṇa) và cảnh cực xấu (aṭi-aniṭṭhārammaṇa), nên chỉ có một loại tâm Thẩm-tấn câu hành xả.

Cho dù là cảnh cực xấu, chúng cũng không thể câu hành ưu hay câu hành khổ-thọ được, vì khổ-thọ chỉ tương ứng với Thân-thức, còn ưu-thọ chỉ tương ứng với tâm sân. Tâm sân thì thuộc giống (jāṭi) thiện, còn tâm Thẩm-tấn lại là giống quả. Cũng như tâm Thẩm-tấn, khi nhận cảnh cực tốt, nó chỉ câu hành hỷ-thọ chứ không thể câu hành lạc-thọ được, vì lạc-thọ chỉ tương ứng với Thân-thức mà thôi.

Chúng ta hiểu điều này qua thí dụ sau: Người kiểm hàng để nhập vào kho, khi được báo rằng: Hàng tốt, nhưng khi xem xét thấy hàng cực tốt hơn ý nghĩ nên có trạng thái vui mừng, nhưng khi được báo là: Hàng rất xấu, khi quan-sát cũng thấy rằng xấu nhưng có mức độ, y vẫn thản nhiên. Tâm Tiếp-thâu ví như người giao hàng, tâm Thẩm-tấn ví như người kiểm hàng nhập vào kho vậy.

43/ Hỏi: THẾ NÀO LÀ TÂM-HẠNH VÔ-NHÂN (AHETUKARIRIYĀCITTA)? CÓ MẤY LOẠI TÂM-HẠNH VÔ-NHÂN?

Ðáp:

Gọi là "Tâm-hạnh (kiriyaciṭṭa)", có hai loại Tâm-hạnh: Tâm-hạnh vô-nhân và Tâm-hạnh hữu-nhân (saheṭukakiriyaciṭṭa).

Gọi là "Tâm-hạnh vô-nhân" (aheṭukakiriyaciṭṭa) vì không có nhân tương-ưng, loại tâm này nhận cảnh theo cách tự nhiên theo sự vận hành của pháp. Nói cách khác, Tâm-hạnh vô-nhân phát sanh lên do sự vận hành các pháp tạo thành, chỉ là trớn của sự vận hành đó. Còn Tâm-hạnh hữu-nhân là loại Tâm-hạnh có nhân tương-ưng, nhận cảnh theo các đặc biệt và xử sự với cảnh hợp lý, nó tác động đến sự vận hành pháp. Tâm-hạnh vô-nhân ví như nước chảy xuôi theo chiều tự nhiên, còn Tâm-hạnh hữu-nhân ví như người có thể điều khiển nước chảy theo ý, như đưa nước vào ruộng, vào hồ chứa...

Chữ KIRIYA (hạnh) có nghĩa là: Chỉ có hành động chứ không cho kết quả (vipāka).

Có câu giải tự như sau:

Kāriyāṭi karaṇamaṭṭaṃ = Kiriyā: Chỉ có hành động của việc làm nên gọi là Hạnh.

Tâm-hạnh vô-nhân phát sanh theo khuynh hướng máy mọc của tâm khi nhận cảnh từ bên ngoài xâm nhập vào hay tự khởi lên từ bên trong, cảnh này kích thích tâm hữu-phần, từ đó tạo ra Tâm-hạnh vô-nhân, xuôi chiều theo cảnh, ví như bông vụ quay theo chiều dây quấn quanh nó.

Tâm-hạnh vô-nhân có ba thứ là:

- Ngũ-môn hướng-tâm (pañcadvāravajjanaciṭṭa).
- Ý-môn hướng-tâm (manodvāravajjanaciṭṭa)
- Tâm Sinh-tiếu (hasiṭuppādaciṭṭa).

44/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH NGŨ-MÔN HƯỚNG-TÂM?

Ðáp:

Ngũ-môn hướng-tâm (pañcadvāravajjanaciṭṭa) khi phân-tích từ thì được là:

PAÑCADVĀRA + VAJJANA + CITTA. Pañcadvāra nghĩa là năm cửa (môn), vajjana do ngữ căn VAJ + A, VAJ nghĩa là hướng về.

Pañcadvāravajjanaciṭṭa là loại tâm khi sanh lên hướng về năm cửa là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

Ðây là loại tâm sanh khởi trước tiên, làm duyên cho năm thức sanh khởi, tùy theo tâm hướng đến môn nào, thì thức nương môn ấy sanh lên. Như tâm hướng đến con mắt (nhãn-môn) thì Nhãn-thức sanh lên, tâm hướng đến tai (nhĩ-môn) thì Nhĩ-thức sanh khởi... Có ví dụ như vầy:

Một người đang nằm ngủ, trái xoài rụng xuống lăn đến bên cạnh người ấy, người ấy chợt tỉnh giấc ngồi dậy tìm hiểu cái gì làm mình thức giấc. "Ðang nằm ngủ" ví như dòng hữu phần đang xuôi chảy, "trái xoài rụng" ví như cảnh trần xâm nhập vào, ṅgồi dậy tìm hiểu đối tượng" ví như Ngũ-môn hướng-tâm. Nếu thấy thì phát sanh Nhãn-thức, nếu nghe thì phát sanh Nhĩ-thức...

Sở dĩ Ngũ-môn hướng-tâm chỉ hướng đến một môn là do manasikāra (tác-ý) đối với năm cảnh. Nếu sự chú ý đến cảnh nào mạnh và rõ rệt thì Ngũ-môn hướng-tâm nhận lấy cảnh ấy, sau đó làm duyên cho thức tương ứng cảnh trần này sanh khởi. Như có năm ngoại cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc) cùng hiện khởi, nhưng sự chú ý đến cảnh-sắc mạnh hơn thì Ngũ-môn hướng-tâm nhận cảnh, sau đó là duyên cho Nhãn-thức sanh khởi nhận cảnh-sắc ấy. Còn như chú ý đến cảnh-thinh nhiều thì Ngũ-môn hướng-tâm hướng về nhĩ-môn, nhận cảnh-thinh, rồi làm duyên cho Nhĩ-thức sanh khởi nhận cảnh-thinh ấy. Tương tự như thế đối với cảnh-khí, cảnh-vị và cảnh-xúc.

Trong Aṭṭhasākinī có giải rằng:

Idaṃ pana pañcamanavāre valañcana pavaṭṭikāla sabbe pure uppajjaṭi: (Ðối với lộ ngũ-môn) Ngũ-môn hướng-tâm sanh trước tiên đến nhận (một trong) năm cảnh hiện tại.

Nhân-cận (paṭṭhānaṃ) của năm thức là sự phóng theo hướng đến cảnh trần của Ngũ-môn hướng-tâm, như Nhãn-thức sanh lên do hướng đến cảnh-sắc của Ngũ-môn hướng-tâm, Nhĩ-thức sanh lên do hướng đến cảnh-thinh của Ngũ-môn hướng-tâm...

Ðiều nên biết rằng: Cảnh-sắc do Sắc-tinh-nhãn thu nạp, cảnh-thinh do Sắc-tinh-nhĩ nhận lấy... còn Ngũ-môn hướng-tâm thì sanh, nương trú và diệt tại Sắc-ý-vật (kadayavaṭṭhu). Các cảnh-sắc, thinh, khí, vị, xúc va chạm với sắc-tinh-sắc thì nằm trọn trong các tinh-sắc ấy, giữa sắc-tinh và Sắc-ý-vật có trạng thái độc lập, đôi khi cách xa. Sự hướng tâm đến cảnh không có nghĩa là Ngũ-môn hướng-tâm này lìa bỏ Sắc-ý-vật để nhập và Sắc-tinh mà nó chỉ có "HƯỚNG ÐẾN" mà thôi. Ví như người đứng trong nhà, đưa mắt nhìn về cánh hoa hồng trước sân, "hoa hồng" ví như cảnh, "đưa mắt nhìn về" ví như sự hướng tâm, và chính vì tâm này có sự "hướng theo cảnh" tạo điều kiện cho năm thức sanh khởi, nên còn có tên gọi là TÁC-Ý THÀNH LỘ (viṭṭhīpaṭipadāka manasikāra). Tác-ý là nền tảng tạo thành tâm lộ. Nếu không có tâm này thì Lộ-ngũ-môn không thể hiện khởi được. Pāli có Sớ-giải như vầy:

- Viṭṭhī paṭipadayaṭīṭi = Viṭṭhīpaṭipadāko: Làm tâm lộ diễn hoạt theo quy luật, gọi là tác-ý thành lộ.

45/ Hỏi: THẾ NÀO LÀ Ý-MÔN HƯỚNG-TÂM?

Ðáp:

Ý-môn hướng-tâm (manodvāravajjanaciṭṭa) khi phân-tích từ thì được là:

MANODVĀRA + VAJJANA + CITTA. Manodvāra là: Ý môn

Ðây là loại tâm phát sanh lên, tạo điều kiện cho các loại tâm sanh theo sau hưởng thụ và xử sự cảnh thích đáng. Loại tâm ấy hưởng cảnh đặc biệt hơn loại tâm-quả hiệp-thế và Tâm-hạnh vô-nhân, thuật ngữ gọi là tâm đổng-lực (javanaciṭṭa), là loại tâm xử sự với cảnh thích ứng chức năng của mình.

Trong lộ ngũ, khi nhận cảnh từ tâm Thẩm-tấn, ý-môn hướng-tâm có nhiệm vụ phân định (voṭṭhapanarasa), tức là suy xét nhận định để lựa chọn, tạo duyên cho loại tâm đổng-lực sanh lên.

Còn trong lộ ý-môn, khi tiếp nhận pháp thuộc nội-phần, (ajjhaṭṭa) ngoài phận sự tạo điều kiện cho tâm đổng-lực sanh khởi, tâm này còn có nhiệm vụ khai mở ý môn, tạc thành lộ ý-môn để tâm diễn hoạt theo quy trình của tâm pháp.

Cả hai trường hợp: Ðoán-định (voṭṭhapanarasa) hay khai mở lộ ý, đều là nhân cận cho tâm đổng-lực sanh khởi, nên còn có tên là TÁC-Ý THÀNH ÐỔNG-LỰC (javanapaṭipādaka manasikāra). Như Pāli có giải thích rằng:

- Javanaṃ paṭipādayaṭīṭi = Javanapādako: Làm sở sanh tâm đổng-lực (javana) được gọi là TÁC-Ý THÀNH ÐỔNG-LỰC .

Ðây chính là giai đoạn mà ý chí (manasikāra) góp phần quan trọng nhất. Tâm thiện hay tâm bất-thiện sanh khởi là tùy thuộc vào giai đoạn này, tức là nếu tại ý-môn hướng-tâm có yonisomanasikāra (tác-ý khéo) thì tâm hướng thiện sanh khởi, nếu là ayonisomanasikāra (tác-ý không khéo) thì bất-thiện tâm sanh khởi, như trong Lộ-ngũ-môn do tác-ý không khéo khi nhận cảnh xấu hay cực xấu thì tâm sân sanh lên, khi nhận cảnh tốt hay cực tốt thì tâm tham sanh lên, hoặc tâm si sanh lên khi nhận các loại cảnh ấy. Còn như có tác-ý khéo, đối với cảnh xấu, cực xấu, cảnh tốt thì tâm thiện câu hành xả-thọ sanh lên, cảnh cực tốt hay tốt trung bình có tâm thiện câu hành hỷ-thọ.

Ðối với lộ ý-môn cũng tương tự như vậy, như khi suy gẫm về quả an lạc ở thiên-giới, nếu không khéo tác-ý thì tâm rơi vào tham-ái, còn có tác-ý khéo thì thiện tâm sanh khởi... Và chính luồng đổng-lực (javana) này tích lũy nghiệp để tạo quả dị-thục (vipāka) sau này.

Do nhờ tác-ý khéo (yonisomanasikāra), vị Tỷ-kheo đang bị ánh nắng chiếu vào thân, gây nóng bức (tức là Thân-thức thọ-khổ) nhưng vị ấy quán tưởng rằng: "Sự nóng bức khổ-thọ ở địa-ngục còn bức hại hơn cả trăm ngàn lần sự nóng này", rồi Ngài tinh tấn minh-quán nương theo khổ-thọ ấy, chứng đạt A-la-hán quả.

Vị Sa-di cháu của Trưởng-lão Cakkupāla, nghe tiếng hát của nàng mục-nữ (là cảnh-thinh tốt), tâm lại rơi vào tham-ái, làm hư hoại đời sống phạm-hạnh, là do tác-ý không khéo vậy. (Dhammapāda aṭṭhakaṭhā)

Ðối với các vị Thánh Lậu-tận, Ðức Ðộc-giác và bậc Chánh-đẳng-giác, luồng tâm đổng-lực không còn là bất-thiện hay thiện nữa, luồng đổng-lực ấy là Tâm-hạnh hữu-nhân (saheṭuka kriyaciṭṭa), đổng-lực này sẽ câu hành với xả-thọ khi gặp cảnh xấu hoặc cực xấu hay tốt trung bình (như Trưởng-lão Moggallāna khi thấy ngạ-quỷ hay cảnh địa-ngục, tâm đổng-lực của Ngài câu hành xả-thọ) và sẽ câu hành hỷ đối với cảnh tốt trung bình (như thấy sự hành pháp, bố-thí, trì-giới với tâm tịnh-tín xả ly của Phật-tử) hoặc canh cực tốt (như các pháp thượng nhân mình chứng đạt được hay của người khác đã chứng đạt...).

Nhân sanh Ngũ-môn hướng-tâm giống như nhân sanh tâm Tiếp-thâu. Và do nguyên nhân này, hai tâm Tiếp-thâu và tâm Ngũ-môn hướng-tâm được xếp vào ý giới (manodhāṭu).

Nhân sanh ý-môn hướng-tâm giống như nhân sanh tâm Thẩm-tấn. Nhưng có sự khác biệt về cảnh là: Tâm Thẩm-tấn chỉ bắt được cảnh dục có thực tướng, còn ý-môn hướng-tâm nhận được tất cả cảnh. Mặt khác, khi gặp cảnh cực tốt thì tâm Thẩm-tấn câu hành hỷ, trái lại dù là cảnh nào ý-môn hướng-tâm vẫn chỉ câu hành xả-thọ.

Sở dĩ, tâm Ngũ-môn hướng-tâm và Ý-môn hướng-tâm chỉ câu hành xả-thọ, là vì phận sự của chúng chỉ khai mở, tức là Ngũ-môn hướng-tâm khai mở lộ ngũ, còn ý-môn hướng-tâm thì khai mở lộ ý để đón nhận cảnh nội-phần (lộ ngũ thì đón nhận cảnh ngoại-phần). Ví như người giữ cổng có phận sự mở cửa cho khách vào, dù là loại khách nào, y cũng phải mở cửa, nên y thản nhiên với mọi loại khách. Người giữ cổng ví như hai tâm khai môn ấy, khách ví như cảnh. Mặt khác, ý-môn hướng-tâm còn tạo điều kiện cho tâm đổng-lực sanh khởi.

46/ Hỏi: THẾ NÀO LÀ TÂM SINH-TIẾU?

Ðáp:

Tâm Sinh-tiếu (hasiṭuppādaciṭṭa), là loại tâm phát sanh riêng biệt cho vị Thánh A-la-hán, tạo thành sự cười theo cách tự nhiên máy móc cho vị ấy khi thấy cảnh đáng nực cười.

Phân tích từ thì được là: HASITA + UPPĀDA = HASITUPPĀDA. Hasiṭa laø nụ cười không phát ra âm thanh (cười mỉm) nhưng để lộ cả răng. Uppāda là sanh lên, hasiṭuppāda dịch là Sinh-tiếu (phát sanh nụ cười).

Sự mỉm cười có hai cách: Siṭa và hasiṭa. Siṭa cũng có hai cách: Loại cười chỉ biểu hiện thoáng qua, nhẹ nhàng trên gương mặt, dường như không phải cười mà chỉ tỏ lộ vẻ vui tươi thôi, cách thứ hai là mỉm cười nhẹ nhàng vừa đủ hé lộ chót răng, chính Ðức Phật chỉ mỉm cười theo cách này, hào quang từ chót răng nhọn của ngài phóng ra, tạo điều kiện cho Trưởng-lão Ānada bạch Hỏi về những pháp hy-hữu-vi diệu.

Hasiṭa là cách mỉm cười tuy không phát ra âm thanh nhưng hở răng. Hasiṭuppādaciṭṭa (tâm Sinh-tiếu) này chỉ có cho bậc thánh A-la-hán, không có cho các bậc khác.

Trong Aṭṭhasālinī có giải như vầy:

"Idaṃ ciṭṭaṃ aññesaṃ asādhāranaṃ khīṇāsavasseva paṭipuggalikaṃ chasudvāresu labbhaṭi: Tâm này chỉ dành riêng cho bậc Lậu-tận qua sáu môn, không phổ cập đến bậc khác".

Dù là cách cười nào đi chăng nữa, nguyên nhân tạo nụ cười ấy là tâm câu hành hỷ-thọ, riêng hasiṭuppādaciṭṭa là nụ cười có tích cách máy móc trước cảnh đáng nực cười, chứ chẳng có nguyên nhân nào thù diệu cả.

Nhân sanh tâm Sinh-tiếu cũng giống như nhân sanh ý-môn hướng-tâm, chỉ khác là có cảnh đáng nực cười mà thôi.

Trong ba loại Tâm-hạnh vô-nhân ấy, có sự khác biệt như sau: Ngũ-môn hướng-tâm và ý-môn hướng-tâm luôn câu hành xả, còn tâm Sinh-tiếu thì câu hành hỷ. Ngũ-môn hướng-tâm bắt cảnh ngoại-phần và thuộc về ý giới (manodhāṭu), cón ý-môn hướng-tâm và tâm Sinh-tiếu nhận được cả hai loại cảnh: Cảnh ngoại-phần (bahiddhārammaṇa), cảnh nội-phần (ajjhaṭṭāram-maṇa) và thuộc về ý-thức-giới (manoviññāṇadhāṭu).

47/ Hỏi: TÂM BẤT-THIỆN VÀ TÂM VÔ-NHÂN ÐƯỢC GỌI LÀ ASOBHAṆA, VẬY ASOBHAṆA CÓ Ý NGHĨA GÌ?

Ðáp:

Asobhaṇa (Vô-tịnh-hảo), khi phân-tích từ: A + SOBHAṆA, tiếp đầu ngữ A có nghĩa là không có, SOBHAṆA nghĩa là chiếu sáng, tốt đẹp, dịch là Tịnh-hảo.

Gọi là asobhaṇa là những tâm không có tương-ưng với những sở-hữu tốt đẹp (Tịnh-hảo) (sobhaṇaceṭasika), chứ không phải là những tâm không tốt đẹp.

Theo một số Giáo-thọ sư cho rằng: Tâm bất-thiện (akusalaciṭṭa) và tâm vô-nhân (aheṭukaciṭṭa) đều là những tâm không tốt đẹp. Ðiều này không đúng, đối với tâm bất-thiện thì hợp lý, vì nó là loại tâm thô xấu, cho quả khổ, quả bất lạc, bảy tâm quả bất-thiện cũng xem như không tốt đẹp, vì nó thọ hưởng cảnh bất toại ý, không đáng hài lòng, không đáng ưa thích hay chịu khổ-thọ nơi thân, và vì chúng là thành quả của tâm bất-thiện.

Còn những tâm vô-nhân còn lại gọi là tâm không tốt đẹp thì không hợp lý. Tám tâm quả bất-thiện vô-nhân là thành quả sanh từ tâm thiện, nó thọ hưởng cảnh đáng hài lòng, là cảnh khả-hỷ, khả-lạc, hay có được lạc-thọ từ thân. Về khía cạnh này thì chúng thuộc pháp tốt (iṭṭkādhammā) là pháp khả-ý (kanṭa), dễ chịu đáng hài lòng (manāpa), là pháp trong sáng tốt đẹp (sobhaṇa).

Lại nữa, tâm Sinh-tiếu (hasiṭuppādaciṭṭa) chỉ đặc sinh nơi vị Thánh A-la-hán, ta không thể bảo tâm vị Thánh Arahaṭṭa là không tốt đẹp được.

Mặt khác, nếu cho rằng những tâm này không tốt đẹp vì không có tương-ưng với nhân (heṭu), cũng là sự sai lầm, vì trạng thái tốt đẹp hay không tốt đẹp, chẳng liên hệ chi đến nhân tương-ưng cả. Sự tương tưng hay không tương-ưng nhân chỉ liên hệ đến sự nhận biết cảnh vững chắc hay không mà thôi, tức là loại tâm tương-ưng nhân nhận thức cảnh được rõ ràng vững mạnh hơn loại tâm bất tương-ưng nhân.

Như vậy, asobhaṇa nên hiểu rằng: Là những tâm không có tương-ưng với những sở-hữu Tịnh-hảo (sobhaṇaceṭasika). Như có lời giải như vầy:

- "Sobhaṇehi viyuṭṭāni = Asobhaṇāni.
Những tâm không có sở-hữu Tịnh-hảo (sobhaṇaceṭasika), gọi là tâm Vô-tịnh-hảo".

Hay:

Sobhaṇehi aññāni = Asobhanaciṭṭa:
Ngoài những tâm Tịnh-hảo, còn những tâm còn lại gọi là tâm Vô-tịnh-hảo

Theo lẽ thường, sự định đặt tên của tâm do y cứ vào sở-hữu tương-ưng. Vì akusalaciṭṭa và aheṭukaciṭṭa không có tương-ưng với những sở-hữu Tịnh-hảo, nên gọi là asobhaṇaciṭṭa vậy.

48/ Hỏi: CÓ MẤY CÁCH CƯỜI? NÊU RÕ CÁCH CỦA THÁNH NHÂN VÀ PHÀM NHÂN? BẰNG LOẠI TÂM NÀO?

Ðáp:

Theo kinh điển Phật-giáo thì có sáu cách cười, sự cười phát sanh do tâm tương-ưng hỷ-thọ.

Có sáu cách cười đó là:

1) Siṭa: Là nụ cười mỉm chỉ lộ chót răng, một nụ cười nhẹ nhàng biểu lộ trên gương mặt. Ðức Chánh-đẳng-giác, Ðức Ðộc-giác, Thánh A-la-hán, Thánh Hữu-học và phàm phu có được cách cười này. Riêng Ðức Chánh-giác ngoài cách cười này ra, Ngài không cười cách nào khác nữa.

2) Hasiṭa (cười hở răng): Cũng là nụ cười mỉm nhưng để lộ cả răng và không phát ra âm thanh. Nụ cười này có cho bậc Ðộc-giác Thánh A-la-hán, Thánh Hữu-học và phàm phu (puṭhujana).

3) Vihasiṭa (cười nhỏ tiếng): Là nụ cười phát ra âm thanh nhưng nhẹ nhàng. Loại cười này có cho Thánh Lậu-tận, Thánh Hữu-học (sekhāriya) và phàm phu.

4) Upahasiṭa (cười lớn tiếng): Là cách cười phát ra âm thanh lớn, gọi là cười to, có thể khiến rung động cả hai vai và tay. Loại cười này chỉ có cho Thánh Hữu-học và phàm nhân.

5) Aṭihasiṭa (cười quá lớn tiếng): Là loại cười lớn tiếng, khiến rung động cả mình, chuyển động thân từ đầu đến chân, thân hình nghiêng ngã. Ðây là loại cười của phàm nhân.

6) Apahasiṭa (cười ra nước mắt): Là loại cười đến nỗi chảy cả nước mắt. Ðây là nụ cười của phàm nhân.

Tóm lại, phàm nhân có đủ sáu cách cười, Thánh Hữu-học có bốn loại cười: Cười mỉm lộ chót răng, cười mỉm hở cả răng, cười nhỏ tiếng, cười lớn tiếng.

Thánh A-la-hán có ba cách cười: Cười mỉm lộ răng, cười mỉm lộ chót răng và cười nhỏ tiếng.

Ðức Ðộc-giác có hai cách cười: Cười lộ chót răng và cười hở răng.

Ðức Chánh-giác chỉ có một cách cười là cười mỉm lộ chót răng.

Ðức Chánh-giác khi cười, Ngài cười với một trong hai Tâm-hạnh dục-giới câu hành hỷ tương-ưng trí (somanassa sahagaṭaṃ ñāṇasampayuṭṭaṃ kiriyaciṭṭaṃ).

Ðức Ðộc-giác khi cười với một trong bốn Tâm-hạnh hữu-nhân dục-giới câu hành hỷ.

Thánh A-la-hán cười với một trong năm Tâm-hạnh dục-giới câu hành hỷ.

Thánh Hữu-học cười với một trong sáu tâm câu hành hỷ là: Bốn tâm đại-thiện câu hành hỷ, hai tâm tham bất tương-ưng kiến câu hành hỷ.

Phàm nhân cười với một trong tám tâm câu hành hỷ là: Bốn tâm tham câu hành hỷ, bốn tâm đại-thiện câu hành hỷ.

Một người mừng quá mức đến nỗi khóc được, vậy có phải là do thọ-hỷ chăng?

- Không, đó không phải là thọ-hỷ mà là thọ-ưu. Tuy rằng khi gặp lại người thân đi xa về, hay nhận được một hạnh phúc bất ngờ rất lớn (như người nghèo khổ, độ nhiên thọ hưởng đại gia sản mà họ không thể ngờ được), khi ấy thọ-hỷ sanh lên rồi diệt đi, nhường lại cho thọ-ưu sanh lên chiếm ngự tâm, vì sao? Vì rằng tâm cảm thấy không hài lòng trước thực trạng, điều hạnh phúc này đáng lẽ đã hưởng từ lâu, giờ đây mới thọ hưởng, nên y mừng mừng tủi tủi, thọ-hỷ và thọ-ưu xen lẫn nhau. Và cách này chỉ có cho phàm phu. Bậc Thánh Hữu-học tuy có sự bi thương, sầu não có thể khóc được (đây là chỉ bậc Sơ-quả và Nhị-quả) như Trưởng-lão Ānanda sầu thảm, mặt tràn đầy nước mắt khi Ðức Thế-tôn Níp-bàn, nhưng các ngài không bao giờ hoan hỷ đến độ có thể khóc được. Mặt khác, sự cười ra nước mắt có phải là do tâm sân chăng? Cũng không nốt, sự cười luôn luôn là thọ-hỷ, là sự náo nhiệt thỏa thích của tâm. Khi tâm có sự thỏa thích quá mạnh, tác động đến thân, thân có sự phản ứng đột ngột khiến những giọt nước mắt tích trữ nơi mắt chảy ra, hoặc khiến da nổi rờn rợn như thể có sự kinh sợ (như Tiểu-hỷ chẳng hạn), đây là do cường lực của thọ-hỷ tạo ra làm thân biến động. Như trường hợp Ngài Mahā kappina vừa được tin "Ðức Phật xuất hiện trong thế-gian", Ngài quá mừng đến nỗi rơi vào ngất lịm, đó là vì thân Ngài không chịu đựng nổi cường độ quá mạnh của hỷ-thọ hay có những hành giả khi phỉ lạc tăng thịnh rơi vào trạng thái vô tri giác.

Còn khi tâm héo sầu, nhưng cố mỉm cười đó là do thân biểu tri bị tác động bởi thọ-ưu quá mạnh, nụ cười ấy là cố đàn áp thọ-ưu đang ngập tràn trong tâm, không phải là nụ cười thật sự do tâm thọ-hỷ điều hành.

49/ Hỏi: TÂM TỊNH-HẢO RA SAO? CÓ MẤY LOẠI TÂM TỊNH-HẢO DỤC-GIỚI?

Ðáp:

Gọi là tâm Tịnh-hảo (sobhaṇaciṭṭa) là những tâm tương-ưng với sở-hữu Tịnh-hảo (sobhaṇaceṭasika). Trong Dục-giới có nhiều loại tâm bất-thiện, tâm vô-nhân, nên phải nêu rõ tâm Tịnh-hảo dục-giới để phân biệt là loại tâm tốt đẹp trong cõi dục.

Sở dĩ gọi là Tịnh-hảo vì mười hai tâm bất-thiện là hạ liệt, tâm vô-nhân là trung bình, còn tâm Tịnh-hảo là cao thượng.

Riêng những tâm Sắc-giới (rūpāvacara), tâm Vô-sắc-giới (arūpāvacara), tâm Siêu-thế (lokuṭṭaraciṭṭa) cũng là loại tâm Tịnh-hảo, vì những tâm này luôn luôn tương-ưng với sở-hữu Tịnh-hảo, nên không cần phải nêu bày rằng tâm Tịnh-hảo Sắc-giới, hay tâm Tịnh-hảo Vô-sắc-giới... chỉ cần nêu tên tâm Sắc-giới, tâm Vô-sắc-giới, tâm Siêu-thế để phân biệt hành xứ (gocara) của loại tâm ấy là đủ.

Tâm dục-giới Tịnh-hảo có ba loại là:

- Tâm Ðại-thiện (mahākusalaciṭṭa).
- Tâm Ðại-quả (mahāvipākaciṭṭa).
- Tâm Ðại-hạnh (mahākiriyaciṭṭa)

50/ Hỏi: VÌ SAO TÂM THIỆN DỤC-GIỚI ÐƯỢC GỌI LÀ TÂM ÐẠI-THIỆN (MAHĀKUSALACITTA)?

Ðáp:

Trong Chánh-tạng tâm đại-thiện được gọi là tâm thiện dục-giới. Tâm thiện dục-giới này có khả năng tạo mười điều hạnh phúc (puññakiriyavaṭṭhu), tức là mười điều sanh phước, cho quả an lạc, hạnh phúc. Tâm này phổ thông đến nhiều loại chúng sanh cho dù là ngạ-quỷ, bàng-sanh, địa-ngục chủng, nhân chủng, thiên chủng, phạm-thiên chủng chí đến bậc Thánh Hữu-học cũng có.

Lại nữa, nó có mặt khắp nơi trong cõi hữu tâm, dù là cõi dục, cõi sắc hay cõi Vô-sắc nó vẫn hiện hữu được. Tâm thiện dục-giới chỉ có tám tâm cơ bản, nhưng mỗi tâm đều có thể tạo mười điều sanh phước, thành ra 80 Tâm, nhân cho sáu cảnh liên hệ (là cảnh-sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp) thành ra 480 tâm. Trong 480 tâm phân thành hai loại: Loại tương-ưng trí (ñāṇasampayuṭṭaṃ) và loại bất tương-ưng trí (ñaàṇavippayuṭṭaṃ). Loại tương-ưng trí có đủ bốn pháp trưởng là dục-trưởng (chandādhipaṭi), cần-trưởng (viriyādhipaṭi), tâm-trưởng (ciṭṭādhipaṭi) và thẩm-trưởng (vimaṃsādhipaṭi) thành ra 960 tâm (240 x tứ-trưởng), loại bất tương-ưng trí nhân cho tam-trưởng là dục, cần và tâm-trưởng thành ra 720 tâm (240 x tam-trưởng). Cộng chung lại thành ra 1.680, nhân cho tam nghiệp (thân, ngữ, ý-nghiệp) thành ra 5.040 tâm, nhân cho ba bậc (thượng, trung, hạ) thành ra 15.120 tâm. Do đó, có tên là đại-thiện.

Lại nữa, tâm thiện này là nền tảng mang lại lợi ích lớn, thành tựu thiền-định, thắng-trí, Ðạo-quả Siêu-thế. Nếu không có tâm thiện dục-giới tương-ưng trí thì các pháp thượng nhân ấy không thể thành đạt được. Nên gọi là ÐẠI-THIỆN.

51/ Hỏi: MƯỜI ÐIỀU PHÁT SANH PHƯỚC ÐÓ LÀ GÌ?

Ðáp:

Mười nhân sanh phước đó là:

1) Bố thí (dāna): Tức là chia sớt những vật dụng, vật thực, tài sản, sự hiểu biết... Nói gọn có hai loại bố-thí là tài sản vật thí và pháp thí. Bố-thí ngoài ý nghĩa đem cho, còn có ý nghĩa là xả ly, dứt bỏ...

2) Trì-giới (rakkhiṭasīla): Là gìn giữ những điều đã nguyện thọ trì, như giữ năm giới, tám giới hoặc tự chế thu thúc tránh xa mười điều ác (thân ác, ngữ ác và ý ác). Chữ sīla còn có ý nghĩa là mát mẻ,(sīla từ chữ sīṭala nghĩa là mát mẽ, nguội lạnh, xóa ṭa, còn lại là sīla) nghĩa là người phạm vào ác nghiệp sẽ nóng bức khó chịu, trái lại thì tâm mát mẻ an vui, nên rakkhiṭasīla còn có nghĩa là gìn giữ sự mát mẻ...

3) Tu-tiến (bhāvanā): Là làm cho tâm trở nên thanh-tịnh tốt đẹp. Tu-tiến có hai là: Tu-tiến Chỉ-tịnh (samāṭha-bhāvanā) là nương vào 40 đề mục của pháp chánh-định, tu-tiến minh-quán (vipassanā-bhāvanā) thì nương vào bốn pháp niệm-xứ: Thân niệm-xứ, Thọ niệm-xứ, Tâm niệm-xứ và Pháp niệm-xứ.

4) Cung-kỉnh (apacāyana): Tức là sự lễ bái những đối tượng đáng lễ bái như Ðức Phật, Ðức-tăng... hay đảnh lễ những bậc hữu ân như cha mẹ, thầy cô, hoặc chào Hỏi tiếp đón những thiện hữu, bậc đồng phạm hành...

5) Phụng-thị (veyyāvacca): Là phục vụ đúng theo pháp, sốt sắng trong những phước thiện sắp thực hiện...

6) Hồi-hướng phước (paṭṭidāna): Khi tạo phước lành, tâm hướng đến các bậc hữu ân như cha mẹ... bậc có ân-đức như chư-thiên... hay những chúng sanh đang đọa khổ như ngạ-quỷ... chia phần phước ấy đến những chúng sanh ấy.

7) Tùy-hỷ-phước (paṭṭānumodāna): Là hoan hỷ trước những phước thiện mà người khác đã tạo được, hoặc chính mình tạo.

8) Thính-pháp (dhammassavana): Là nghe những điều chân chánh, có lợi ích từ nơi Ðức Phật, Tăng-chúng hay từ những bậc trí... học Phật-ngôn cũng xếp vào loại này.

9) Thuyết-pháp (dhammadesanā): Là nói lên những lời lẽ, làm người nghe phát sanh tâm tịnh-tín, hiểu biết những điều thâm sâu vi diệu, những điều cao thượng, để tu tập hành trì chứng đạt Ðạo-quả.

10) Chấn-chỉnh kiến-thức (diṭṭhujukamma): Tức là làm chi kiến-thức trở nên chân chánh, đúng đắn. Biết rõ điều này là sái quấy cần phải từ bỏ, điều này là chân chánh, tốt đẹp, cần duy trì làm cho tăng thịnh...

Cả mười điều này là nhân sanh phước, cho quả an lạc. Cần phân biệt nhân sanh phước này với Pháp-độ (pāramiṭṭa dhama), tức là mười điều này mang lại hạnh phúc hữu-vi, còn Pháp-độ là nền tảng của Ðạo, Quả Siêu-thế. Khi tạo phước, có chí nguyện (adhiṭṭhāna) đắc Ðạo-quả hay Níp-bàn, có tâm xả ly (upekkhā) hạnh phúc hữu-vi, không mong cầu hưởng quả hữu-vi ấy, bấy giờ phước ấy trở thành Pháp-độ. Nếu không có chí nguyện (adhiṭṭhāna) và xuất ly (nekkhamma) thì chỉ là phước thiện chứ không là Pháp-độ.

Sự tạo phước, nói gọn có ba điều: Nương theo tài vật để tạo phước như bố-thí, cúng dường tài sản mình có được, gọi là tạo phước-vật, do nương theo ân-đức Pháp (guṇadhamma) để tu tập, hành trì như tu tập theo giới của bậc Thánh, thực hành hạnh Ðầu-đà (dhuṭaṅga), gìn giữ tam quy, tu tập thiền Chỉ-tịnh... là những điều bậc Thánh tán thán, hoan hỷ, gọi là tạo phước-đức. Do nương theo ân-đức, Tuệ-giác của Ðức Phật suy gẫm về tam tướng, quán xét pháp hữu-vi theo tam tướng... gọi là tạo phước-trí.

Ðức Phật có dạy rằng:

Tối thắng của phước-vật là thí trú xứ.
Tối thắng phước-đức là tu tập bốn Phạm-trú (brahmavihāra) là từ, bi, hỷ và xả tâm.
Tối thắng phước-trí là quán xét tam tướng.
(Aṅguṭṭara nikāya)

Mười nhân sanh phước, nếu nhiếp vào tam phước thì như sau: Bố-thí, phụng-thị, hồi-hướng phước thuộc về phước-vật (hồi-hướng tức là đem phước thí đến các chúng sanh).

Trì-giới, tu-tiến Chỉ-tịnh, cung-kỉnh, tùy-hỷ-phước thuộc về phước-đức.

Tu-tiến quán, thuyết-pháp, nghe-pháp, chấn-chỉnh kiến-thức thuộc về phước-trí.

Như thế, muốn biết ta có tạo phước hay không, quán xét theo 10 điều sanh phước này, khi thực hiện có phù hợp với mười điếu ấy chăng?

Phước là gì? Phước là những gì làm cho tâm tốt đẹp, tẩy những cấu uế trong tâm. Như Pāli có giải rằng:

- Aṭṭano sanṭanaṃ punaṭi sodheṭīṭi = Puññaṃ: Ðiều nào tẩy sạch tâm, làm an tịnh cơ tánh gọi là phước.

52/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH THẬP HẠNH PHÚC LIÊN QUAN ÐẾN SÁU CẢNH?

Ðáp:

Khi thực hành một điều nào trong mười điều sanh phước ấy, nếu tác-ý đến cảnh nào thì gọi là liên hệ đến cảnh ấy.

Bố thí liên hệ đến sáu cảnh như:

a) Khi dâng hoa cúng dường Ðức Phật hay kim-thân Phật, không nghĩ đến loại hoa, chỉ nghĩ đến màu sắc của loại hoa ấy gọi là bố-thí liên hệ cảnh-sắc (như tiến kiếp của Hoàng-hậu Anojā trong Sớ-giải Pháp-cú).

b) Gandhabba (Càn-thát-bà) khảy đàn và ca lên những thiên khúc cúng dường đến Ðức Thế-tôn khi Ngài từ cung trời Ðạo-lợi ngự về nhân-giới tại chân thành Saṅkassa là bố-thí liên hệ cảnh-thinh.

c) Dâng vật thơm đến chư Tăng để thoa thân, hay cúng dường hương chiên đàn đến Bảo-tháp thờ Xá-lợi Phật, gọi là bố-thí liên hệ cảnh-khí.

d) Cúng dường vật thực, thức uống là bố-thí liên quan cảnh-vị.

e) Dâng những vật dụng để chư Tỷ-kheo ngồi nằm được an lạc là bố-thí liên quan cảnh-xúc.

f) Bố thí với tâm tịnh-tín, xả ly là bố-thí liên quan cảnh-pháp.

Trì-giới liên hệ sáu cảnh như:

a) Khi thấy vật tốt (cảnh-sắc tốt), tâm thích ý nhưng không trộm-cắp là trì-giới liên hệ cảnh-sắc.

b) Nghe người xúi giục hành ác như sát sanh, nhưng từ khước không làm là trì-giới liên quan cảnh-thinh.

c) Giữ gìn giới bát quan thứ bảy là không làm đẹp bằng cách thoa sức những vật thơm là trì-giới liên quan cảnh-khí.

d) Không dùng vật thực phi thời (giới bát quan thứ sáu) là trì-giới liên hệ cảnh-vị.

e) Không tà hạnh trong dục-lạc hay không hành dâm là trì-giới liên quan cảnh-xúc.

f) Luôn có niệm (saṭi) để thu thúc thân, ngữ ý không cho rơi vào những bất-thiện pháp là trì-giới liên hệ cảnh-pháp.

Tu-tiến liên hệ sáu cảnh như:

a) Tu-tiến đề mục kasina là tu-tiến liên quan cảnh-sắc.

b) Ðang nghe pháp, đưa tâm quan-sát pháp đang nghe là tu-tiến liên hệ cảnh-thinh.

c) Ngửi mùi hôi thối của thân, đưa tâm quán sát thể trược trong thân là tu-tiến liên hệ cảnh-khí.

d) Quán tưởng vật thực là liên quan cảnh-vị.

e) Quán khổ-thọ, lạc-thọ đang sanh lên là liên quan cảnh-xúc.

f) Niệm tưởng về các ân-đức như ân-đức Phật, Pháp, Tăng... là tu-tiến liên quan cảnh-pháp.

Cung-kỉnh liên quan sáu cảnh như:

a) Nhìn thấu được 32 tướng đại-nhân của Ðức Phật hay thấy oai nghi tề hạnh của vị Trưởng-lão phát sanh cung-kỉnh, là cung-kỉnh liên hệ cảnh-sắc.

b) Nghe pháp âm vi diệu, phát sanh đức-tin rồi cung-kỉnh đảnh lễ vị ấy là cung-kỉnh liên hệ cảnh-thinh.

c) Có tâm cung-kỉnh các bậc đại-phước khi nhận thấy mùi hương thù diệu từ thân của vị ấy tỏa ra là cung-kỉnh liên quan cảnh-khí.

d) Những bậc đại-phước thường phát sanh vật thực thù diệu (như Ngài Sīvali chẳng hạn), khi nhận thấy được như thế, phát sanh tâm cung-kỉnh, là cung-kỉnh liên hệ cảnh-vị.

e) Thường hay mời ngồi nơi tốt đẹp cao quý là cung-kỉnh liên quan đến cảnh-xúc.

f) Cung-kỉnh học-giới, thiền-định, bất phóng-dật... là cung-kỉnh liên hệ cảnh-pháp.

Phụng-thị liên quan sáu cảnh như:

a) Trang hoàng hoa tươi, cờ lộng trưng những đại lễ trước khi đại lễ tiến hành là phục vụ liên quan cảnh-sắc.

b) Dùng lời lẽ ôn hòa, phân bày lý lẽ để xoa dịu sự cầu khổ có trong tâm những bậc hữu ân như cha, mẹ, thầy tổ... là phục vụ liên quan cảnh-thinh.

c) Dùng chất hơi để xua đuổi, ngăn ngừa côn trùng đến nhiễu hại người trú nơi ấy hoặc tẩy rửa những mùi hôi thối (như người con lau chùi sự tiểu tiện của cha mẹ) là phục vụ liên hệ cảnh-khí.

d) Tắm rửa hay xoa bóp tay chân cho cha mẹ, thầy tổ để đem an lạc đến những vị ấy là phục vụ liên quan cảnh-xúc.

e) Tìm hiểu ý thích, rồi nấu những loại vật thực thích hợp theo ý người thọ dụng, dâng đến vị ấy gọi là phục vụ liên quan cảnh-vị.

f) Phục vụ do nương theo 14 pháp hành của vị Sa-di hay chăm sóc trò đúng theo lời dạy Ðức Phật là phục vụ liên hệ cảnh-pháp.

Khi tạo phước như bố-thí, trì-giới... liên quan đến cảnh nào, hồi-hướng phước cũng liên quan đến cảnh ấy như thế.

Tùy hỷ với sắc đẹp, tiếng thơm, hương thơm, vị ngon, sự an lạc thân và pháp thượng nhân người khác có được là tùy-hỷ-phước nương theo sáu cảnh như hoan hỷ với tài sản quí của người là tùy hỷ theo cảnh-sắc, hoan hỷ với danh thơm của người là tùy hỷ liên quan cảnh-thinh, hay là hoan hỷ với pháp thượng nhân, mà người chứng đạt được gọi là tùy hỷ liên hệ cảnh-pháp.

Thính-pháp (dhammassavana), thuyết-pháp (dhammadesanā), chấn-chỉnh kiến-thức (diṭṭhujukamma) liên quan đến sáu cảnh là điều dĩ nhiên.

53/ Hỏi: THẬP HẠNH PHÚC PHÂN THEO THƯỢNG, TRUNG, HẠ RA SAO?

Ðáp:

Nô bộc thí là mình dùng vật tốt, đem cho vật xấu là bố-thí bậc hạ.

Mình dùng như thế nào, đem cho vật như thế ấy gọi là bằng hữu thí, là bố-thí bậc trung.

Mình dùng loại thô xấu, nhưng khi cho thì là vật tốt quý, gọi là gia chủ thí là bố-thí bậc thượng. Hay bố-thí cúng dường để mong thọ hưởng nhân sản là bố-thí bậc hạ, mong sanh về Dục-giới thiên là bố-thí bậc trung, bố-thí với tâm xả ly mong được sanh về cõi Phạm-chúng thiên là bố-thí bậc thượng...

Trì-giới để mong được tán thán, phát sanh lợi lộc là trì-giới bậc hạ. Trì-giới để mong sanh về Dục-giới thiên là bậc trung, trì-giới mong tu-tiến đắc chứng thiền-định sanh về phạm-thiên-giới là trì-giới bậc thượng...

Tu-tiến mong sanh về Dục-giới thiên là tu-tiến bậc hạ, mong sanh về phạm-thiên-giới là tu-tiến bậc trung, mong sanh về phạm-thiên-giới Vô-sắc là tu-tiến bậc thượng...

Cung-kỉnh theo nghi thức, phong tục, thông lệ là bậc hạ, do tâm mến mộ đối với bậc đáng cung-kỉnh là bậc trung, có mục đích diệt trừ sự ngã mạn là bậc thượng...

Phục vụ theo bổn phận phải làm như người nô lệ phục vụ chủ hay người con phục vụ cha mẹ, và cho rằng đây là bổn phận của mình là bậc hạ, do tâm cung-kỉnh nghĩ đến phước báu mình tạo được là bậc trung, mong đem lại an lạc cho đối tượng mình đang phục vụ, gọi là bậc thượng.

Hồi-hướng phước tương tự như phước được tạo ra. Tùy hỷ với hạnh phúc là tài vật người ấy có được là bậc hạ, với phước thiện là người đã hành là bậc trung, tùy hỷ với thượng nhân pháp của người chứng đạt được là tùy hỷ bậc thượng.

Thính-pháp theo chiếu lệ, theo nghi thức là bậc hạ, cố gắng ghi nhớ pháp là bậc trung, quán xét tìm hiểu những lý lẽ cao siêu là thính pháp bậc thượng.

Thuyết-pháp để mong được tán thán phát sanh tài vật là bậc hạ, mong người nghe hiểu được những lý lẽ thù diệu của Phật-ngôn rồi hành theo là bậc trung, tác-ý đến sự giải thoát do nương vào trí-tuệ sẽ phát sanh do công hạnh thuyết-pháp này là bậc thượng...

Chấn-chỉnh kiến-thức theo hình thức là bậc hạ, suy quán theo trí-tuệ là bậc trung, an trú và dứt bỏ điều sái quấy của tri-kiến là bậc thượng.

54/ Hỏi: Ý NGHĨA CHO NHIỀU CHỦNG LOẠI, NHIỀU CÕI CỦA TÂM ÐẠI-THIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Ðáp:

Tâm thiện dục-giới là loại tâm phổ thông thế-gian, có năng lực cho quả an lạc theo ý mong ước của người đã tạo. Tất cả chúng sanh đều có loại tâm này (ngoại trừ bậc Thánh A-la-hán và phạm-thiên vô-tưởng), ngay cả chúng sanh trong địa-ngục đang thọ-khổ, khi khởi lên tâm thiện thì ra khỏi địa-ngục ấy.

Có hạng chúng sanh do đời trước chấp thủ vào tà-kiến nhất định là đoạn-kiến, khi mệnh chung tái sanh vào địa-ngục không gian (lokanṭarika), tức là có những chúng sanh cho rằng: Không có đời trước, không có đời sau, chẳng có tội phước chi cả... mệnh chung rơi vào địa-ngục không gian này. Tuổi thọ nơi địa-ngục ấy dài đến 84.000 kiếp trái đất, họ sống trong tăm tối luôn luôn, khi họ khởi lên ý nghĩa rằng: "Có đời sống trước, có đời sống sau" (đây là loại hạnh phúc thứ mười: Chấn-chỉnh kiến-thức) thì cũng thoát ra khỏi địa-ngục không gian ấy.

Gọi có cho nhiều cõi, tức là cõi hữu tâm đều có được loại tâm thiện này (trừ cõi vô-tưởng), những loại tâm khác như tâm Sắc-giới, tâm Vô-sắc-giới, tâm Siêu-thế thì có những giới-vức không thể có được như trong khổ-giới (địa-ngục giới, ngạ-quỷ giới, bàng-sanh giới...) không thể có được loại tâm ấy, và loại tâm ấy cũng không phổ thông cho mọi loại chúng sanh, ngay cả chư-thiên tục-sinh bằng tâm quả bất tương trí cũng không có được những loại tâm ấy, tâm ấy chỉ có cho người tục-sinh bằng tâm quả tương-ưng trí.

Mặt khác, tâm Sắc-giới không có trong cõi Vô-sắc-giới, trái lại tâm thiện thì có.

Do vậy, tâm thiện dục-giới được gọi là có cho nhiều chủng loại và nhiều cõi.

55/ Hỏi: TÂM THIỆN PHÁT SANH DO BAO NHIÊU NHÂN?

Ðáp:

Tâm thiện phát sanh lên do năm nguyên:

- Tác-ý khéo (yonisomanasikāra)
- Thân cận bậc Trí-sĩ.
- Ở chỗ đáng ở.
- Ðời trước đã từng tạo phước.
- Tự lập trường chân chánh.

GIẢI:

Gọi là "Tác-ý khéo (yonisomanasikāra)" khi phân-tích từ thì được: YONISO + MANASI + KĀRA.

YONISO là cách thức khôn ngoan, đúng đắn, MANASI là ý hướng, KĀRA là tạo ra, làm ra.

Yonisomanasikāra là sự chú tâm một cách khôn khéo có trí-tuệ.

Chính tác-ý khéo này là nền tảng của những thiện-pháp chưa có được sanh khởi, những thiện-pháp có rồi được tăng trưởng. Sự tác-ý khéo ở đây, do huân tập trong quá khứ cũng có, trong hiện tại cũng có, sự xuy xét này thường hướng về nhân quả như pháp này sanh lên do nhân gì? Có quả như thế nào? Khi thực hành pháp ấy người có trí khen ngợi hay chỉ trích? Vào thời nào nên hành pháp nào cho thích hợp? Với đối tượng như thế nào nên hành pháp ấy? ... Có những pháp tuy là thiện nhưng do tác-ý không khéo từ đó phát sanh lên pháp bất-thiện (tức là pháp bất-thiện nương sanh từ pháp-thiện), như giữ giới được trong sạch, học nhiều hiểu rộng... là duyên sanh khởi ngã mạn hay tăng thượng mạn...

Hoặc tuy là pháp tốt, đáng được nghe, đáng được hiểu, đáng được thọ trì, nhưng nếu thuyết giảng với đối tượng không thích hợp thì trở nên phản tác dụng. Như trong Aṅguṭṭara nikāya Ðức Phật có dạy rằng:

- Nói về đức-tin với người vô tín là ác thuyết.
- Nói về bố-thí với người có tâm bỏn xẻn là ác thuyết.
- Nói về giới-hạnh với người phá giới là ác thuyết.
- Nói về trí-tuệ với ngu nhân là ác thuyết.

Tác-ý khéo được tăng trưởng đức-tin đúng đắn, khi tâm thiện thường suy xét về nhân quả, nghiệp báo và niệm tưởng về Tuệ-giác của Ðức Phật, huân tập thành thói quen thì tác-ý khéo bộc lộ tự nhiên, giúp cho tâm thiện được sanh lên dễ dàng và mau chóng. Ðức Phật có dạy trong Aṅguṭṭara rằng: - Yonisomanasikāra (tác-ý khéo) có vật thực là đức-tin.

Tác-ý khéo có hai loại: Tác-ý khéo đối với cảnh và tác-ý khéo đối với đổng-lực.

Tác-ý khéo đối với đổng-lực chính là Ý-môn hướng-tâm (manodvāravajjaciṭṭa) như đã giải. Còn tác-ý khéo đối với cảnh chính là Ngũ-môn hướng-tâm (pañcadvāravaj-janaciṭṭa), khi tâm này tác-ý thành lộ để nhận trần cảnh, nhờ có tác-ý khéo nên lược bỏ những phần thô thiển của cảnh, cho dù là cảnh xấu hay cực xấu, chỉ giữ lại những nét vi tế của cảnh và làm hiển lộ những vi tế của cảnh ấy, và đây cũng là tiền đề tạo tác-ý khéo cho tâm Ðoán-định (voṭṭhapanaciṭṭa) tức là Ý-môn hướng-tâm, làm duyên cho đổng-lực thiện sanh khởi.

Như Phật-ngôn: "Yoniso bhikkhave... người như lý tác-ý, thiện-pháp chưa sanh được sanh khởi, thiện-pháp đã sanh được tăng trưởng".

- Gọi "Ở chỗ đáng ở", chỗ đáng ở nơi đây không phải là chỗ đầy đủ tiện nghi, chỗ vui náo nhiệt. Nơi đáng ở là trú xứ thích hợp, dễ dàng phát sanh thiện-pháp, không là môi trường khêu gợi cho tâm bất-thiện sanh lên.

Vị hành giả Chỉ-tịnh hay minh-quán thường tìm nơi thanh vắng như: Rừng rậm, gốc cây, hang động, đống rơm, chỗ vắng nhà... Ðó là chỗ đáng ở. Hay người có tánh đa sân, không nên ở chỗ thô xấu, đầy cảnh tranh đấu, chống báng nhau, nên ở nơi thanh nhã u mặc, còn người tánh đa tham không nên ở nơi có nhiều cảnh tăng trưởng lạc thú... đó là chỗ đáng ở.

Hoặc chỗ đáng ở là nơi có những bậc đại-trí, hiền-sĩ trú ngụ, như Ðấng Chánh-giác, Ðộc-giác Phật, Thinh-văn... là nơi có Phật-pháp hưng thịnh, có ánh sáng Phật-pháp rực rỡ.

- Gọi "Ðời trước đã từng tạo phước" là trong quá khứ, trước kiếp sống này, đã tạo những thiện nghiệp như có bố-thí nên kiếp này đầy đủ tài sản, vật dụng, do đó tâm tham vật dụng khó có cơi hội sanh lên, hay kiếp trước là người có giới-hạnh nên đời này có nhiều an lạc, thoải mái, nên tâm sân khó có cơ hội hiện khởi. Hoặc giả, thời quá khứ có học pháp, suy quán pháp, biện luận pháp, giảng dạy pháp... thì kiếp này là người đa trí, hiểu biết lanh lẹ, tâm si khó có cơ hội sanh khởi.

- Gọi "Tự lập trường chân chánh" là có sự hướng tâm đến những điều tốt đẹp, thường làm những việc có lợi ích cho mình và có lợi ích cho người, nhất là có ý chí hành Bồ-tát độ, tu tập những chân-pháp, hoặc làm những nghiệp nghệ vô tội.

Tự lập trường chân chánh còn có ý nghĩa là có khuynh hướng ly tham, ly sân, ly si...

56/ Hỏi: THẾ NÀO LÀ TÂM THIỆN? VÌ SAO TÂM THIỆN CHỈ CÓ TÁM TÂM?

Ðáp:

Gọi là tâm thiện do tương-ưng với ba căn thiện là căn vô-tham, căn vô-sân và căn vô-si, ba căn này đối nghịch với ba căn bất-thiện. Tức là căn vô-tham (alobhamūda) đối nghịch với căn tham, căn vô-sân (adosamūla) đối nghịch với căn sân và căn vô-si (amohamūla) đối nghịch với căn si.

Tâm thiện có hai loại thọ là thọ-hỷ và thọ-xả, mỗi thức có hai phương thức là: Tương-ưng trí (ñāṇasamayuṭṭa) là bất tương-ưng trí (ñāṇavippayuṭṭa). Mỗi phương thức lại có hai cách: Vô-dẫn (asaṅkhārika) là không cần có sự kích tác cũng tự khởi lên được, và hữu-dẫn (sasaṅkhārika) là cần phải có sự kích tác mới khởi lên. Như thế, tâm thiện có tám tâm là như vậy (2 thọ x 2 mô thức x 2 cách = 8 tâm).

GIẢI:

Có những tâm thiện khi nhận cảnh tốt hoặc cảnh cực tốt thì có trạng thái vui mừng, thỏa thích, gọi là câu hành hỷ (somanassasahagaṭaṃ), như Trưởng-giả Anāṭhapiṇ-ḍika vừa được nghe Trưởng-giả Rājagaha bảo rằng "cúng dường trai thực đến Ðức Phật và Tăng-chúng vào ngày mai", tâm ông phát sanh hoan hỷ lạ thường.

Có những tâm thiện nhận cảnh với trạng thái thản nhiên, gọi là câu hành xả (upekkhāsahagaṭa), như trường hợp chư Phật-tử thọ trì-giới từ vị Tỷ-kheo với tâm thản nhiên, do vì quá quen thuộc với cảnh ấy.

Có loại tâm thiện phát sanh lên có trí câu hành gọi là tương-ưng trí, tức là có sự nhận biết cảnh rõ ràng, có sự suy xét đến nhân quả.

Cũng có loại phát sanh lên không có trí đi chung gọi là bất tương-ưng trí, tức là không có sự biết việc làm ấy là tốt đẹp, như đứa bé đảnh lễ vị Tỷ-kheo nhưng có không biết làm như thế là pháp cung-kỉnh, là có phước.

Có loại khi khởi lên không cần sự trợ giúp gọi là vô-dẫn, có loại phải cần sự kích động mới khởi lên, gọi là hữu-dẫn như đứa bé phải nhờ cha mẹ nhắc bảo mới đảnh lễ vị Sa-môn...

57/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH RÕ VỀ TÁM TÂM ÐẠI-THIỆN ẤY?

Ðáp:

Khi tâm nào tương-ưng với ba căn thiện, tâm ấy được gọi là tâm thiện, tâm này lưu giữ lại chủng tử (bīja) để tạo quả an lạc về sau. Tám tâm thiện dục-giới ấy là:

1. Tâm thiện câu hành hỷ tương-ưng trí vô-dẫn (Somanassa sahagaṭaṃ ñāṇasampayuṭṭaṃ asaṅkhārikaṃ kusalaciṭṭaṃ). Là khi tâm thực hiện một trong mười điều sanh phước, có trạng thái vui mừng, hợp theo trí-tuệ và không cần có sự kích thích, tự khởi lên. Ví như người bố-thí đến tha nhân, hiểu biết đây là việc làm có phước, có tâm thỏa thích, tự mình làm không ai xúi bảo cả.

2. Tâm thiện câu hành hỷ tương-ưng trí hữu-dẫn (Somanassa sahagaṭaṃ ñāṇasampayuṭṭaṃ sasaṅkhārikaṃ kusalaciṭṭaṃ). Là loại tâm tốt đẹp, khi hành thiện có trạng thái vui mừng thỏa thích, có trí-tuệ nhưng phải có sự tác động mới khởi lên. Ví như một Phật-tử có trí, khi nghe người kêu gọi tạo phước liên hoan hỷ làm.

3. Tâm thiện câu hành hỷ bất tương-ưng kiến vô-dẫn (Somanassa sahagaṭaṃ ñāṇavippayuṭṭaṃ asaṅkhārikaṃ kusalaciṭṭaṃ). Là loại tâm thiện khi thực hiện điều tốt không có trí dẫn dắt, nhưng trong lúc làm thì tâm hoan hỷ thỏa thích không cần sự nhắc bảo cũng tự khởi lên. Như một em bé vui mừng đảnh lễ kim-thân Phật theo cách tự nhiên. Hay như một Phật-tử vui thích tụng niệm kinh một cách tự động, nhưng không hiểu ý nghĩa kinh-văn chi cả.

4. Tâm thiện câu hành hỷ bất tương-ưng kiến hữu-dẫn (Somanassa sahagaṭaṃ ñāṇavippayuṭṭaṃ sasaṅkhārikaṃ kusalaciṭṭaṃ). Là tâm thiện có trạng thái vui mừng khi hành thiện nhưng không có trí để hiểu việc làm ấy và cần phải có người nhắc bảo mới khởi lên. Như một người theo bạn đến chùa, thấy bạn đảnh lễ kim-thân Phật, y cũng thích thú làm theo nhưng không hiểu như thế là có phước, có ích lợi như thế nào.

Bốn tâm thiện thọ-xả cũng tương tự như thế, chỉ có khác là khi thực hiện điều lành thì tâm có trạng thái thản nhiên.

58/ Hỏi: DO NHÂN NÀO KHI PHƯỚC, TÂM THIỆN LẠI CÓ TRẠNG THÁI KHÁC NHAU, KHI CÂU HÀNH HỶ, KHI CÂU HÀNH XẢ?

Ðáp:

Khi tạo thiện nghiệp nhưng tâm có trạng thái khác nhau, có khi câu hành hỷ, có khi câu hành xả là vì: Tâm tục-sinh khác nhau, nhận cảnh khác nhau và có sự phán đoán (suy xét) khác nhau. Tức là: "Khác nhau về tâm tục-sinh", người tục-sinh bằng tâm quả hỷ-họ thì dễ dàng câu sanh hỷ-thọ hơn người tục-sinh bằng tâm xả-thọ.

Chúng ta biết rằng: Tâm tục-sinh và tâm hữu-phần (bhavaṅgaciṭṭa) giống nhau, chỉ khác tên gọi do nương theo phận sự của chúng, tức là khi chúng làm việc tục-sinh thì có tên gọi là tâm tục-sinh, khi chúng làm phận sự duy trì đời sống của tâm thức thì chúng có tên gọi là tâm hữu-phần. Khi tâm tục-sinh là tâm quả câu hành hỷ thì trong cơ tánh (cariṭa) đã có hỷ-thọ, nên khi gặp cảnh thích ứng thì dễ dàng sanh khởi hỷ-thọ hơn, như người có sẵn tài sản khi gặp cơ hội thì dễ dàng hơn người không có tài sản sẵn. Cũng vậy, tâm tục-sinh câu hành hỷ-thọ dễ dàng phát sanh hỷ-thọ hơn tâm tục-sinh câu hành xả-thọ. Ðây là điểm khác nhau về tâm tục-sinh.

Lại nữa, người có tâm tục-sinh hỷ-thọ chỉ cần gặp cảnh tốt trung bình cũng dễ dàng phát sanh hỷ-thọ, trái lại, người tục-sinh bằng tâm xả-thọ phải gặp cảnh cực tốt mới khởi lên hỷ-thọ được. Ðây là điểm khác nhau về cảnh.

Khi tâm nhận cảnh, nếu không có sự suy xét tế nhị (gambhirā pakaṭiṭā) cũng dễ dàng sanh khởi hỷ-thọ, như người vừa được nghe người khác hứa giúp đỡ hoặc tặng đồ vật thì sanh khởi hỷ-thọ ngay, nếu có sự suy xét tế nhị rằng: Do nhân nào, do duyên nào nhỉ thì phát sanh xả-thọ. Ðây là điểm khác nhau do suy xét.

Mặt khác, khi hành thiện được những nguyên nhân, điều kiện thuận lợi hợp ý như: Vật thực thượng vị đầy đủ, đối tượng mình ái mộ là đối tượng có giới hạnh... thường khởi sanh hỷ-thọ, trái lại, nếu khiếm khuyết vài yếu tố như: Vật thực thô xấu và ít ỏi, hay đối tượng không hài lòng lắm... thì phát sanh xả-thọ. Như Trưởng-giả Anāṭhapiṇḍika khi suy sụp gia sản vẫn bố-thí cúng dường, nhưng vật thực không còn thù thắng như xưa, khi Ðức Phật Hỏi:

- Này Anāṭhapiṇḍika! Ngươi còn bố-thí cúng dường chăng?

- Bạch Thế-tôn! Con vẫn còn cúng dường, nhưng vật thực bây giờ chỉ là thô thiển.

- Này Anāṭhapiṇḍika! Vật thực tuy thố xấu, nhưng tâm đừng thô xấu.

Lại nữa, do tác-ý khéo mạnh hay yếu mà sanh hỷ-thọ hay xả-thọ, tức là khi tác-ý mạnh, làm việc thiện do tâm tự nguyện thường phát sanh hỷ-thọ, trái lại do tác-ý khéo yếu, làm việc thiện do tâm gượng ép thì phát sanh xả-thọ. Như trong thí sự chẳng hạn, có những cách bố-thí như sau:

- Bố thí bằng cách xả giao (āsajjadānaṃ deṭi). Vì người đến nhà mình, nên cho theo cách giao tế.

- Bố thí do sợ bị chê trách (bhayā dānaṃ deṭi) là sợ bị chỉ trích là keo kiệt, bỏn xẻn.

- Cho để mong nhận lại được vật khác (adāsi neṭi dānaṃ deṭi) là do nghĩ rằng họ sẽ cho lại mình vật khác.

- Cho vì người khác làm mà mình không làm thì không nên (apacanṭānaṃ dānaṃ na dāṭañhi dānaṃ deṭi).

Khi bố-thí bằng bốn cách như thế thường phát sanh xả-thọ.

Hoặc cho vì giận, cho vì sợ, cho vì si mê thì xả-thọ dễ sanh khởi. Hoặc làm việc thiện theo nghi thức, thì xả-thọ cũng dễ sanh khởi, như xin thọ trì-giới theo nghi thức chẳng hạn.

Nhân sanh hỷ-thọ và xả-thọ có điểm giống nhau là ly ngũ điêu tàn, là không gặp lúc bị rủi ro tại nạn, hay bị tổn thất tài sản, thân tộc, danh tiếng...

59/ Hỏi: HỶ-THỌ CỦA TÂM BẤT-THIỆN VÀ HỶ-THỌ CỦA TÂM THIỆN GIỐNG NHAU VÀ KHÁC NHAU RA SAO?

Ðáp:

Hỷ-thọ trong tâm bất-thiện chỉ câu hành trong tâm tham. Giữa hai loại hỷ-thọ ấy có sự khác nhau ở một số điểm về nhân sanh.

Hỷ-thọ bất-thiện sanh lên do bốn nhân:

- Tục-sinh bằng tâm quả hỷ-thọ
- Gặp cảnh tốt là đối tượng khả-hỷ, khả-ái
- Không có sự suy xét thâm sâu.
- Ly ngũ điêu tàn

Hỷ-thọ thiện (Somanassa kusalaṃ) có sáu nhân sanh:

- Tục-sinh bằng tâm quả thọ-hỷ (somanassa paṭisandhikaṭā)
- Là người nhiều đức-tin (saddhā bahulaṭā)
- Là người có tri-kiến thanh-tịnh (visuddhidiṭṭhi)
- Là người được thấy quả an lạc của thiện nghiệp (ānisaṃsa dassaviṭā)
- Liên hệ cảnh tốt một cách chân chánh (iṭṭhārammaṇa sammāyoga)
- Không gặp trở ngại nào cả (kassaci pilābhavo).

So sánh hai loại nhân sanh hỷ-thọ, ta thấy chúng có điểm đồng là: Tục-sinh bằng tâm quả hỷ-thọ. Riêng về cảnh, tuy cùng cảnh tốt, nhưng cảnh của hỷ-thọ bất-thiện thường là cảnh trần xinh đẹp, hấp dẫn lòng ham muốn hoặc cảnh trần hợp theo ý thích riêng biệt, có tác dụng đưa đến hưởng thụ theo ý hướng riêng, như có hạng chúng sanh thích xem đánh đấm, thích nghe tranh cãi...

Còn cảnh tốt của hỷ-thọ thiện là cảnh dẫn đến sự thỏa thích chân chánh (iṭṭhārammaṇa sammāyoga), như vật thực thượng vị, vật dụng tốt để cúng dường, hoặc người thọ thí là bậc có giới-hạnh...

Ngoài ra, hỷ-thọ của hai loại thiện và bất-thiện còn có sự đồng là: Cùng có trạng thái hân hoan, thỏa thích trong cảnh.

Tóm lại, giữa hỷ-thọ thiện và hỷ-thọ bất-thiện có sự đồng là:

- Cùng thỏa thích hài lòng đối với cảnh.
- Tục-sinh bằng tâm quả hỷ-thọ.

60/ Hỏi: HÃY GIẢI THÍCH NHÂN SANH HỶ-THỌ BẤT-THIỆN?

Ðáp:

Nhân sanh hỷ-thọ bất-thiện có bốn:

- Tục-sinh bằng tâm quả hỷ-thọ (somanassa paṭisandhikaṭā).
- Gặp cảnh tốt, cảnh khả-ái, khả-hỷ.
- Không có sự suy xét tế nhị (na gambhirāpakaṭiṭā).
- Ly ngũ điêu tàn (pañca bhayasana).

GIẢI:

- Gọi là: "Tục-sinh bằng tâm quả hỷ-thọ" người tục-sinh bằng tâm đại-quả hỷ-thọ, khi gặp cảnh dù chỉ hơi tốt hoặc rất tầm thường cũng dễ dàng phát sanh hỷ-thọ (somanassa), vì đời sống tâm thức của họ được duy trì bằng những tâm câu sanh hỷ-thọ (bhavaṅga somanassa ciṭṭa), như người nhặt được viên sỏi đẹp cũng vui mừng.

- Gọi "Gặp cảnh tốt, cảnh khả-hỷ, khả-ý" cảnh đáng ưa thích, hài lòng có hai loại là:

a) Cảnh tốt theo thực tính (sabhāvaṭṭhārammaṇa), là cảnh tốt theo cách phổ biến, có thực chất tốt đẹp tự nhiên như cảnh sắc đẹp, tiếng du dương êm dịu...
b) Cảnh hợp ý - cảnh tốt được lưu ý (parikappa iṭṭhārammaṇa) (chữ parikappa có nghĩa là được lưu ý).

Là loại cảnh khả-ái, khả-lạc có tính cách riêng biệt, như giả can thích xác chết, chó thích phẩn... Như vậy tử thi là parikappa của giả can, phẩn là parikappa của chó. Hoặc người thích xem đánh nhau, thích vị cay, thích uống rượu, thích ăn chua... Những cảnh này không là khả-ái, khả-lạc nhưng là đối tượng đáng hài lòng của một số người. Như vậy, những cảnh này là parikappa iṭṭhārammaṇa của những chúng sanh nào hợp ý.

Hai cảnh này khi người thọ dụng phát sanh sự vừa lòng thích ý, có ý thỏa thích thì tâm tham (lobhamūlaciṭṭa) câu sanh hỷ-thọ.

- Gọi là "Không có sự suy xét tế nhị" là người không có tâm an tịnh vững vàng, khi gặp cảnh bình thường không đáng là nhân sanh hỷ-thọ, nhưng vẫn sanh khởi sự vui thích. Ví như đứa trẻ thơ, có người cho nó loại bánh đáng quăng bỏ, nhưng nó vẫn vui thích ngay lúc ấy, vì nó không có sự hiểu hay suy xét sâu. Ðiều này như thế nào, người không có sự suy nghĩ tinh tế thâm sâu, thường vừa lòng thích ý trong những đối tượng khả-ái hoặc bình thường.

- Gọi "Ly ngũ điêu tàn" là không có sự tổn thất suy sụp, mất mát năm điều là:

a) Tổn thất tài sản (bhoga bhayassana): Hoặc tổn thất hội chúng tùy tùng, tổn thất danh tiếng...
b) Quyến thuộc suy vong (ñāṭi bhayasana): Là sự tổn hại thân bằng quyến thuộc như cha, mẹ, anh em, vợ, chồng bị chết hay bị bệnh hoạn, tù tội...
c) Tổn thất vì bệnh hoạn (roga bhayasana): Là thường bị bệnh tật dày vò, thân bất lạc.
d) Suy vong về giới-hạnh (sīla bhayasana): Là người phá hủy giới-hạnh chân chánh hay hành theo tà giới, tà pháp theo đời lẫn pháp.
e) Suy vong tri-kiến (diṭṭhi bhayasana): Là người ôm ấp tà-kiến, thiếu trí-tuệ hay không có trí-tuệ.

Trong năm loại suy vong ấy, giới và kiến là quan trọng nhất, có sự liên quan mất thiết với nhau. Như Phật-ngôn:

"Người trú Giới có Trí
Tu tập Tâm và Tuệ
Nhiệt-tâm và Thận-trọng
Tỷ-kheo thoát ly Triền" (Tương-ưng bộ kinh)

Hay:

- "Này các Tỷ-kheo! được tài sản, danh vọng, thân bằng quyến thuộc, được ấy còn nhỏ. Ðược trí-tuệ là được cao thượng.
Tổn thất tài sản, danh vọng, quyến thuộc, tổn thất ấy còn nhỏ, tổn thất trí-tuệ là tổn thất to lớn" (Aṅguṭṭara nikāya).

Người không gặp năm cảnh suy vong này, khi nhận cảnh vừa lòng toại ý thường dễ phát sanh hỷ-thọ.

-ooOoo-

Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 02-2003)


[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 24-08-2003