Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Thức Biến

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nxb TP. HCM, 2003


[24-a]

TƯỞNG NIỆM

1. Hòa thượng Thích Giác Tiên

Đại sư, Hòa thượng Giác Tiên họ Nguyễn, nguyên quán xã Dạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên. Hạ sanh năm Tự Đức 33, Canh Thìn (1880). Năm mười một tuổi buồn táng song thân, cảm đời mộng ảo, lập chí xuất trần, đến lễ Hòa thượng Tâm Tịnh chùa Từ Hiếu xin làm đệ tử xuất gia. Sư vốn căn tánh thông lợi, Kinh Luật am tường, thường muốn kết am chuyên tu trên núi Duyên Xuân. Tỳ-kheo-ni Hồ Thị Phát, pháp danh Thanh Liêm hiệu Diên Trường cảm mộ chí Sư, lập chùa Trúc Lâm mời Sư làm toạ chủ khai sơn. Từ đây thiền tâm viên đốn, mưa pháp lan truyền. Năm 28 tuổi (1908) thọ giới Cụ túc với Hòa thượng Vĩnh Gia tại Giới đàn chùa Phước Lâm, tỉnh Quảng Nam, kết tập chúng giảng học tại chùa Thiên Hưng, đại chúng Tăng Ni quân triêm lợi ích. Được Bổn sư Tâm Tịnh phú pháp kệ:

"Giác đạo kiếp không tiên,
Không không Bát Nhã thuyền.
Qủa nhân phù hạnh giải,
Xứ xứ tức an nhiên".

Đối với việc y bát tương truyền, thiệu long giống Phật, sư không thể từ thác. Năm Khải Định Mậu Ngọ (1918) họp thiền môn pháp lữ, mở Giới đàn tại chùa Từ Hiếu, thỉnh Hòa thượng Tâm Tịnh làm Đàn đầu truyền giới. Năm Khải Định Giáp Tý (1924) họp đông đảo thiền hòa kết giới tu 9 tuần tạ chùa Tường Vân. Hạnh giải công viên, phước tuệ song tiến, tự tha đều lợi. Sư là anh tài của Phật Tổ, là rường cột của thiền môn.Hằng ngày thường tham câu kệ:

"Các pháp vốn xưa nay
Tướng thường tự vắng lặng"

Năm Bảo Đại nguyên niên (!926) là Trú trì chùa Diệu Đế, năm Bảo Đại thứ sáu (1931) sùng tu chùa Trúc Lâm, Phật điện Tăng đường một phen đổi mới.

Sư vốn có tâm hạnh phổ hiền, chí nguyện độ sanh, nên đã thỉnh Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp ở Bình Định khai đàn giảng học tại chùa Trúc Lâm. Không bao lâu thiện nam tín nữ thấm nhuần mưa pháp, phát chí Bồ đề, nguyện cùng nhau hoằng thâm chánh giáo, cho nên Hội An Nam Phật Học, sớm xướng chiều thành, đại tiểu Phật học đường kế tục khai sáng. Hội An Nam Phật Học được phát triển lâu bền chính là nhờ nguyện lực của Sư.

Năm Bảo Đại thứ 11 (1936) tháng mười ngày mồng hai, Sư tập hợp đệ tử tụng knh Pháp Bảo Tàng, đến phẩm Bát Nhã, Sư phó chúc gia nghiệp Phật Pháp cho các đệ tử Mật Tín, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Thể, Tâm Minh... Qua ngày mồng bốn buông bỏ thế duyên, an nhiên viên tịch, thọ 57 tuổi đời 29 tuổi lạp. Tháp dựng ở bên tả của chùa. Tâm kinh nói: "Xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh Niết Bàn" thật đáng tin vậy thay!

"Pháp giới không sinh tử,
Đâu còn có giác duyên
Nay Diêm phù viên mãn,
Kể gì đến tháp bia"

Nhưng đạo phong cao diệu, pháp độ hoằng viên như thầy chúng tôi, chúng tôi người sau cần nên ngẫm nghĩ. Do vậy ghi lại dấu nơi đây, để làm nhân duyên cho đời cho đạo, ngyuyện pháp nhãn chiếu soi càng thêm sáng mãi.

Bài minh rằng:

Linh khí Hương Bình,
Cửa Phật sinh Tăng,
Đồng niên diệu ngộ,
Lòng trần đứng trong,
Xả thân hoằng pháp,
Thiền nghiệp trùng hưng
Sấm vang chuông lớn,
Giác tỉnh quần mông,
Tăng đồ đông đảo,
Duy Sư cậy trong,
Hoa Đàm một đóa,
điển ngàn trùng,
Đất trời xoay chuyển,
Núi đạo chẳng rung,
Bia đá sáng trưng,
Đời đời xưng tụ.

Bảo Đại năm 12 Đinh Sửu (1937) tháng chạp ngày Phật thành đạo.

(Phó Hội trưởng Thượng thơ sung Quốc sử quán Tổng Tài Lê Nhữ Lâm phụng soạn. An Nam Phật học hội Hội trưởng Hiệp tá Đại học Sĩ Nguyễn Đình Hòe đồng Bổn hội phụng lập).

Cố Hòa thượng, khai sơn Chùa Trúc Lâm Đại Thánh, sáng lập, Chứng minh Đại đạo sư Hội An nam Phật học, đời thứ 42 dòng Thiền lâm tế Chánh tông, Húy thượng Trừng hạ Thành, tự ChíTthông, hiệu Giác Tiên.

(Bài dịch bia ký tại tháp của Hòa thượng Thích Giác Tiên chùa Trúc Lâm - Huế)

2. Hòa thượng Thích Mật Hiển

Kính bạch Giác linh Đại lão hòa thượng

Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viên tịch cách đây không mấy tuần lễ, lòng dạ bùi ngùi của Tăng Ni Phật tử chưa nguôi. Nay Ngài lại tiếp tục đăng trình để lại cho chúng tôi, môn đồ, hiếu quyến và hàng Tăng Ni Phật tử biết bao ngậm ngùi thương tiếc.

Vẫn biết đến và đi, ẩn và hiện cùa bậc xuất trần thượng sĩ như cánh nhạn lướt giữa trời không chẳng hề lưu ảnh. Tuy nhiên, ẩn hiện tùy cơ, đến đi tùy cảm, gần tám mươi năm tu tập và hoằng truyền chánh pháp, khi thì hiện tướng Thanh văn, an trú tịch tịnh, lúc thì hành Bồ-tát đạo, nhiếp phục ma quân, khi thì yên lặng tư duy bất động, lúc thì rung trượng giác trưởng nhân quần, trấn thiên kinh địa.

Ngài nay đã rũ áo lâm hành, Giáo hôi, môn đồ, hiếu quyến, Tăng Ni Phật tử không sao tránh khỏi sự bùi ngùi xúc động trước sự mất mát lớn lao này.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng.

Nay, Ngài đã đi xa và xa lắm, nhưng hình ảnh, đạo phong, cốt cách của ngài vẫn còn đó, hạnh nguyện độ sanh của ngài vẫn còn đây. Chùa Trúc Lâm Đại Thánh tháng ngày chuyên tâm luyện đạo, cõi Tây thiên lãnh hội lý mầu.

Rồi Bình Định, Sa Đéc, những chặng đường tham vấn vân du, Nha Trang, Sài Gòn, Hà Nội... đã rảo bước theo từng thời gian gõ nhịp và những dấu chân còn in rõ từ Lào đến Thái Lan, từ Miến Điện đến Đông Hồi, Nhật Bản... bao tháng ngày vân du, chiêm bái, hoằng hóa của bậc Cao Tăng suốt đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc.

Công đức đóng góp, xây dựng Giáo hội, lãnh đạo Tăng già, trấn giữ Thiền môn, vạch hướng tâm linh cho hàng Phật tử, thể hiện tình hàng xóm, nghĩa quê hương dân tộc quả thực không thể nghĩ bàn.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Làm sao chúng tôi quên được trong tháng ngày cùng lao động khổ, chung lo Phật sự, đạo phong của Hòa thượng thì trác việt, nếp sống bình dị, nói năng thì khẳng quyết hùng hồn trước bạo quyền: "Đã làm thầy tu thì đừng sợ chết, nếu sợ chết thì đừng làm thầy tu".

Chính lời nói ấy của Hòa thượng cũng đã làm cho Tăng Ni và Phật tử chúng tôi kiên trì trong lý tưởng, vững chắc trong hành động, phục vụ Đạo pháp và Dân tộc, đem lại lợi ích cho loài người và tất cả chúng sinh.

Nay Hòa thượng xả bỏ báo thân là một sự mất mát lớn lao cho Giáo hội, môn đồ và toàn thể Tăng tín đồ trên mọi miền đất nước. Dân tộc mất đi một người con đạo hạnh, luôn luôn đem giáo từ bi bình đẳng xây dựng tình đoàn kết và an lạc toàn dân. Thay mặt Giáo hội và Ban Lễ tang, trước Giác linh Đại lão Hòa thượng Phó Pháp chủ, chúng tôi nguyện làm bất cứ điều gì mà chúng tôi có thể làm được để phụng sự Đạo pháp và Dân tộc đúng như hạnh nguyện của Ngài.

Giờ đây, tiếng kêu Sư tử lối rừng thường vắng vẻ bên tai, bước Tượng vương nơi cửa pháp mơ màng trước mắt, trong khoảnh khắc trở thành thiên thu này, chúng tôi thành kính bái biệt Đại lão Hòa thượng nhẹ gót liên đài và chân thành cảm ơn toàn thể quí vị.

Nam mô Công lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

3. Hòa thượng Thích Quảng Huệ

Thiên Minh là một ngôi chùa nhỏ nằm sau lưng chùa Từ Đàm. Nhỏ xác mà lòng không nhỏ nên từ những năm cuối 30, Thiên Minh đã là nơi cho "tha hồ muôn khách đến". Khách đây chẳng phải là quan lại chốn triều đình, là vương tôn công tử nào; cũng chẳng phải là tín đồ ra vào lễ bái. Khách đây là khách Tăng, là các Thầy của các lớp Đại học Phật giáo đầu tiên được mở ra ở Tây Thiên dưới sự giảng dạy của Hòa thượng Thập Tháp Thích Phước Huệ. Bấy giờ, Phật giáo đang cố vương mình trổi dậy với phong trào Chấn hưng ở ba miền sau nhiều năm ẩn mình hoặc hóa thân vào các phong trào yêu nước chống Pháp. Lớp Phật học cao cấp này, trong hoàn cảnh đó, là một thành tựu bước đầu đáng kể của nỗ lực chấn hưng Phật giáo; và là niềm tin, niềm tự hào của Phật tử miền Trung. Quý thầy Chánh Thống, Quảng Huệ, Mật Hiển, Mật Nguyện, Trí Thủ, Mật Thể... của lớp này đương thời vừa học vừa gánh vác công việc của Sơn môn Tăng già để rồi, từ đó về sau, hầu hết đã trở thành những cột trụ của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Thời đó, Thiên Minh trở thành nơi cho khách đến là vì có thầy Quảng Huệ ở đó. Có Thầy, không phải là ở những chức vụ Phó Trị sự Sơn môn Thừa Thiên hay quản lý Phật học đường Tây Thiên hay quản lý Phật học đường Tây Thên do Thầy đảm nhiệm. Mà có Thầy là ở cái tấm lòng bao dung cái cốt cách uy nghi, cái hạnh đức từ hòa và xử lý mọi Phật sự rất nghiêm minh của Thầy dễ khiến cho bạn lữ kính mến, gần gủi. Thầy không là nhà lãnh đạo nổi bật theo cái nghĩa thời thượng ngày nay nhưng tấm lòng, cốt cách, hạnh đức đó biểu lộ trong cách cư xử của thầy với kẻ trên người dưới và nhuần thấm vào các công việc Thầy làm cho Sơn môn, cho Phật học đường đã khiến Thầy trở thành một chiếc bóng lớn; và khiến Thiên Minh trở thành mãnh đất lành cho những tâm hồn nặng lòng với tiền đồ Phật giáo.

Với Thầy, chúng tôi thuộc lớp sau nên không có được cái gần gủi như quý Thầy trên đây. Nhưng hình ảnh của Thầy cũng đã nhiều lần thoáng qua trước mắt và để lại trong lòng chúng tôi. Nhất là hình ảnh một Thầy Chánh Thống, sau ngày Thầy viên tịch năm 1950, mỗi lần ghé lại Thiên Minh, ngồi nhìn hình ảnh Thầy trên vách, thốt nên lời đau đớn "Đi đâu mà gấp vậy..." rồi khóc, lại càng làm cho tôi xúc động mà hình dung ra tấm lòng, cốt cách, hạnh đức của Thầy như thế nào. Càng xúc động mà rõ hơn là Thầy, trong những ngày tháng mùa đông năm 1945, khi nạn đói hoành hành khắp nơi để cho xứ Huế cũng không tránh khỏi với bao người phải chết trong cảnh cơ hàn. Những ngày tháng đó, xót nổi đau của người dân cơ khổ, Thầy đã âm thầm tổ chức nấu bánh tày, bỏ đầy trong các túi áo trong, áo ngoài, đem đi cấp cứu cho đồng bào trong cơn đói lạnh. Rồi với những người bất hạnh, chết không có tiền chôn, Thầy đến với họ, an ủi thân nhân và lo an táng cho họ chẳng kể thân quen.

Không được là người gần gủi với Thầy khi Thầy còn sống; nhưng tấm lòng, công hạnh của Thầy đều gần gủi với chúng tôi và Tăng Ni ngày nay biết bao. Khi trận lũ lụt tháng 11-1999 vừa qua đã mang đến bao nhiêu là đói khổ, chết chóc tang thương trên mảnh đất Huế này, chúng tôi và đàn hậu học ngày nay nối tiếp Thầy đem từng vắt cơm đến cho người dân lâm nạn, lo liệu chôn cất cho những người bất hạnh.

Năm mươi lăm năm với người trước kẻ sau! Thì ra, tấm lòng và công hạnh của người con Phật bao giờ cũng thế

4. Hòa thượng Thích Tâm Thông

đó không đó, sống đó chết đó, hợp đó ly đó... vô thường là cái chi chi mà lan tràn khắp sự vật. Vô hình vô dạng, nhìn không thấy, lắng không nghe, rờ không đến, thế mà đổ núi, cạn sông, trời nghiêng đất ngửa. Mê nó thì ưu sầu thống khổ, lụy kiếp trầm luân, ngộ được nó thì "nhậm tha pháp tánh châu lưu, mạc đoạn mạc tục" đến đi vô ngại.

Tôi và Hòa thượng sẵn có túc duyên, nên được sớm xuất gia học đạo, cũng vì lẽ vô thường mà muốn được tự tại trước lẽ vô thường ấy.

Nhớ trước đây những năm 1940 Hòa thượng vào Phật học viện Báo Quốc - Huế, tham học cùng với tôi một trường, mặc dầu khác lớp. Tôi lớp trước, Hòa thượng lớp sau, song lại đồng tâm đồng tính, ôn hòa, khiêm tốn, đôn hậu, thủy chung; thế nên sau 50 năm phải xa cách nhau vì thời cuộc, đến năm 1981 gặp lại nhau thì tình thân thương vẫn như cũ. Tôi vẫn là tôi, Hòa thượng vẫn là Hòa thượng như thuở nào, cũng vẫn tiến lên trên đường đạo, để có ngày hôm nay, góp lòng góp sức vào việc hoằng dương Phật pháp, không cô phụ chí nguyện xuất gia của mình.

Song le, luật vô thường không thiên vị ai cả. Hòa thượng đã ra đi, để lại bao nỗi tiếc thương trong tôi và trong nhiều người khác.

Nhớ Hòa thượng, tôi tâm thành cầu nguyện Hòa thượng sớm ngộ vô sanh, thân thừa thọ kí, mãn nguyện Bồ-đề.

Từ Đàm, ngày 25 tháng 9 năm 1999

5. Hòa thượng Bổn sư Thích Giác Nhiên

Nam-mô Lâm tế chánh tôn Tứ thập nhị thế, Trùng kiến Thiên Thai Thuyền Tôn Tự, sung Tăng Thống GHPGVNTN, húy thượng Trừng hạ Thủy, tự Chí Thâm, hiệu Giác Nhiên đại lão Hòa thượng giác linh.

Hôm nay một mùa xuân nữa trở lại, vạn vật thay màu đổi sắc tô điểm cho hoàn vũ xinh thêm. Lại cũng thêm một mùa xuân, niềm tưởng nhớ đến ngày trở về tịnh lạc của đức cố đệ nhị Tăng thống GHPGVVTN.

Vẫn biết rằng ứng thân tùy cơ, hóa thân tùy cảm, nhưng trên trăm năm hiện hữu giữa cõi trần, với tám mươi hạ lạp, đức cố Tăng Thống đã để lại bao nhiêu di bảo tinh thần, nên nỗi nhớ khó phôi pha trong thâm tâm người hiếu đạo. Bởi thế, mỗi lần tiết xuân hiện về là mỗi lần hàng Tăng Ni, Phật tử chịu ân pháp nhủ xa gần bừng lên niềm kính tưởng sùng tôn. Giờ đây, núi Thiên Thai với rừng thông xanh biết lộng gió ngàn phương, tịnh địa Thuyền tông với mái chùa cổ kính in niềm xót xa Trước bảo tháp uy nghi với lời vàng quyện khói trầm nhang thoảng nhẹ hương thiền, tứ chúng quy tụ về đây để nghe lòng ấm lại sau một năm dài chen bước đạo đời. Trong khí thiên thuyền vị này, chúng tôi xin ôn lại đôi nét cuộc đời ngài, để cho dấu Đạo phong qui cách trác luân tuyệt tú khỏi bị phai mờ mà hơn một thế kỉ làm người, ngài đã ban phát cho đàn hậu tấn noi theo.

Đảnh lễ bảo tháp hóa thânđảnh lễ công đức cao dày; thắp nén hương trầm là thắp nén tâm hương giới, định, tuệ để thù đáp thâm ân bất tư nghì thuyết.

Kính ngưỡng Giác linh đức đại lão Hòa thượng bên dòng Thạch Hãn xứ Quãng Trị nghèo nàn, gió non nam thổi bụi mù bay, đất Ái Tử cát vàng ngập nắng dạt dào trong tình hiếu tử thân yêu. Ngài đã thác sanh trong gia đình thượng tôn đạo học. Ngài tên thật là Võ Chí Thâm, sinh ngày 07-01-1877. Lúc lên 7 tuổi ngài đã theo Nho học, nhưng truyền thống Phật đạo mới là năng lực chính yếu thúc đẩy bao nhiêu người Việt và chính ngài sớm tìm về cõi Phật. Ngài đã xa quê từ nhỏ để tìm đến chùa Tây Thiên Di-Đà ở thành cố đô Huế, xin thọ giáo với Hòa thượng Tậm Tịnh. Trong tòng lâm Tây Thiên tịnh mặc, đồng tử Võ Chí Thâm được minh sư giáo dưỡng, đủ cơ duyên phát triển thiện căn, thẳng đường giác ngộ. Đối với ngài, một ánh chớp đầu ngày, một chiếc lá vàng bay, một cảnh ngộ thăng trầm lớn nhỏ... là cả một tư duy dằng dặc, và câu trả lời phải đổi bằng chí nguyện kiên trinh, mồ hôi nước mắt.

Suốt 23 năm tu học, thể nghiệm giáo lý Phật đà mỗi ngày mỗi đưa ngài vào sâu lý đạo.

Năm 1895, ngài đến chùa Phước Nam ở tỉnh Quãng Nam, cầu thọ Cụ túc giới với Hòa thượng Vĩnh Gia. Sau khi đắc giới, đạo pháp ngài càng cũng cố sâu dày. Ý nguyện độ sanh bàng bạc khắp mỗi lời kinh mà ngài đã thâu thập được, khiến ngài không thể ngồi yên nhìn giáo pháp đấng Chí tôn mai một với những tâm niệm hẹp hòi vị kỷ khi đã nhận rõ: "Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp" (Hoằng dương chánh pháp là việc nhà, lợi lạc quần sanh là sự nghiệp). Năm 1932 ngài đã cùng quí Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Tịnh Hạnh và cư sĩ Lê Đình Thám, Trương Xướng đứng ra thành lập hội An Nam Phật học, tạo điều hoằng pháp lợi sanh. Với chí nguyện và uy đức sẵn có, ngài đã liên tục giữ các chức vụ trọng yếu trong đạo: từ Chứng minh đạo sư của hội An Nam Phật học đến Hội trưởng Hội Phật giáo Trung phần; từ Trù trì chùa Quốc tự Túy Vân đến Trù trì Tổ đình Thuyền Tôn; từ Giám đốc Phật học đường Tây Thiên đến Viện trưởng Phật học viện Trung phần tại Nha Trang; từ Đàn đầu Hòa thượng tại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang đến Đàn đầu Hòa thượng đại giới đàn Vạn Hạnh tại Từ Hiếu, giới đàn Vĩnh Gia ở Đà Nẵng; từ Tăng can Túy Ba đến Tăng Thống GHPGVNTN. Trong chức vụ nào ngài cũng đều hành sử một cách nghiêm trang, đỉnh đạc, góp phần tích cực xây dựng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà qua nhiều giai đoạn khó khăn. Có thể nói đời ngài là mẫu đời một hành giả đã thể hiện trong cuộc sống với đạo lý "vô ngôn nhi ngôn, vô hành nhi hành". Nên bất cứ trách nhiệm Đạo pháp nào đưa đến, ngài cũng đều lãnh nhận một cách tự nhiên vô thủ vô xả, và cũng đều hoàn thành một cách tự nhiên phi đắc phi thất. Một hình ảnh cảm động của ngài là lúc ngài đã 86 tuổi, với tấm thân ốm yếu già nua, với chiếc gậy mảnh khảnh cầm tay, ngài đã cùng các vị Trưởng lão Hòa thượng dẫn đầu cuộc biểu tình chiều ngày 14-04-1963 đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi chính sách bình đẳng Tôn giáo. Giữa năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình thống nhất, ngài đã ra lời khuyên nhủ tứ chúng luôn luôn tăng trưởng đạo tâm huân tu tam học, áp dụng tinh thần Bách Trượng vào cuộc sống hằng ngày. Với hàng xuất gia, ngài đã dạy: "Tôi nay đã già rồi. Hơn 100 năm qua tôi đã sống và đã chứng kiến mỗi thay đổi của đất nước thân yêu. Với hàng xuất gia tôi thấy không gì hơn là sống Phạm hạnh, cho nên tôi chỉ mong hàng Phật tử xuất gia hằng sống hoan hỉ, hòa hợp trong Phạm hạnh, giữ gìn giới, định, tuệ để hành giúp đời". Đối với hàng cư sĩ, ngài đã khuyến dụ: "Tôi mong hàng Phật tử tại gia tu âm, dưỡng đức, biết thương yêu mọi người, làm tròn trách nhiệm của mình đối với đạo, đối với đời để cùng phát huy tinh thần từ bi trí tuệ của đạo phật và xây dựng một nước Việt Nam vinh quang giàu mạnh". Trong sự nghiệp tu hành, ngài luôn luôn kêu gọi tăng sĩ nên chú trọng cuộc sống nội tâm hơn là nghiêng hẳn về hình thức. Đạo Phật thực sự tồn tại không phải ở những hình thức chùa tháp, lễ nghi, kinh điển, mặc dầu kinh điển là chỉ nam dẫn ta đến đạo qủa Vô thượng Bồ-đề. Nhưng sự tồn tại đích thực của đạo là sự thực hiện đạo pháp! Nhưng những nếp sống gương mẫu của các bậc Tăng già nghiêm trì giới và tận lực phục vụ Chánh pháp mãi mãi tồn tại ở thế gian và làm lợi ích cho chúng sanh.

Kính bạch Giác Linh đức cố Tăng Thống. Làm sao chúng con quên được đức độ cao thâm, đạo phong trác tuyệt, bình dị trầm hùng, lời từ hòa ái vững chắc, ý chí sáng suốt, kiên trì của ngài từng trải ra trước mắt và tâm cảnh của mọi người. Tuy đã trên trăm tuổi, nhưng thân thể khinh an, đi đứng đĩnh đạc, nói năng rõ ràng, không có những triệu chứng thường tình của các vị luống tuổi. Trái lại, ngài còn toạ thiền hằng giờ không biết mỏi mệt, sống đơn giản đầy vẻ thiền gia này là cả bài pháp hùng hồn cho chúng con noi dấu.

Đầu xuân năm 1979, ngày 04 tháng giêng năm Kỷ Mùi, ngài tiếp Hòa thượng Chánh thư ký Viện Tăng thống và Ban Đại diện Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên đến chúc thọ đầu năm. Sau lễ chúc thọ, ngài đã ân cần đáp lễ với những lời đầu năm vô cùng xúc động: "Tôi nay tuổi đã già rồi, tôi thấy sức khỏe của tôi kém nhiều, chưa biết chừng sự chết sẽ đến nay mai. Nhân dịp đầu năm, Hòa thượng cùng quí thầy đến thăm tôi, tôi xin cảm ơn và cầu Phật gia hộ Hòa thượng cùng quí Thầy nhiều sức khỏe, cố gắng kiên nhẫn trước mọi hoàn cảnh để phục vụ Giáo hội, dìu dắt Tăng Ni, tín đồ tu niệm. Tôi thật không có gì vui sướng hơn". Nào ngờ mấy lời này trở thành lời chào vĩnh biệt!.

Giữa ngày mồng 5 thân thể khiếm an, rồi ngày an nhiên xả báo thân vào hồi 6 giờ 30 ngày 06 tháng giêng năm kỉ mùi (2-2-1979) hưởng thọ 102 tuổi đời và 80 hạ lạp.

Ngưỡng bạch Giác linh Đức đại lão Hòa thượng. Giờ đây, đã 3 mùa xuân trôi qua, hơn một ngàn ngày thoi đưa thấm thoát, ngài đã đi ngoài vạn dặm, nét hồng danh còn thắm hương thiền, đức cao dày ngừng trải Nhơn Thiên, đạo ngát tỏa rừng thiên bể thẳm. Bây giờ tuy hoa xuân tròn nụ nhưng tâm xuân đã trống vắng rất nhiều, đồi Thiên Thai thông buồn theo gió, mái chùa thiên phủ lớp rêu mầm, nhưng bóng vàng dằng dứt tơ, nỗi nhớ tưởng hình bóng Cao Tăng thoáng xa mờ vạn dặm, quanh đây, âm tung thiền trượng vẫn còn nghe rõ nhịp trầm hùng, cây cỏ Thuyền Tôn còn vọng dấu hài lão chủ.

Xuân đưa người vào định,
Đương lai tác Phật thanh,
Khoác Pháp y lễ kính,
Xiêm phấn tỏa phai dần,
Y Ta-bà hóa mãn,
Trở bước cuộc vân du,
Về nguồn chơn linh cảm,
Với trăm lẽ xuân thu.
Cây đại thụ rã cành,
Cỏ buồn khô tất bóng,
Lá sầu màu hết xanh,
Hoa ngậm ngùi lệ nóng
.

Kính bạch Giác linh đức cố Hòa thượng. Giờ đây trước bảo tháp uy nghiêm, hiện thân Thánh chúng với trầm quyện gió đưa hương, hòa với lời kinh xuân cầu nguyện tha thiết. Chúng con trở về nương tựa ân sủng từ bi tươi nhuần đạo hạnh. Chúng con kính thành đảnh lễ tháp tín, chiêm ngưỡng di ảnh đức ngài để góp lời cầu nguyện đầu xuân đến muôn lòng an tịnh. Và ôn lại tiểu sử đời ngài là chuẩn bồi tư lương đức hạnh mà ngài đã ban cho để làm hành trang trên chặng đường huân tu đạo giáo.

Tong giờ phúc trang nghiêm này, toàn thể Tăng, tín đồ Phật giáo hiện tại kính thành đảnh lễ bảo tháp uy nghiêm, hóa thân từ tịnh. Cúi xin Giác linh đại lão Hòa thượng gia bị cho con trọn hướng đường tu, và nguyện cầu một năm an bình đến khắp mọi bá tánh nhân dân.

Nam mô chứng minh sư Bồ-tát ma-ha-tát.

6. Hòa thượng Thích Trí Thủ

(1)

Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ! Mới hôm nào mà Hòa thượng Thích Trí Thủ đã tiễn chân tôi ra sân bay đi Hà Nội để giảng cho trường Cao cấp Phật học tại chùa Quán Sứ, mà bây giờ đã gần đến ngày giỗ đầu của Hòa Thượng.

Những ba năm, mỗi trang lịch sử dần dần đi vào dĩ vãng, nhưng lại vướng đọng trong lòng tôi nỗi ngậm ngùi, tiếc thương; tiếc thương về một bóng hình, một bóng hình in đậm vào tâm hồn tôi và chắc chắn cũng khắc sâu vào tâm hồn của Tăng Ni và Phật Tử; cho dù trước giờ phúc giã biệt thân tứ đại trở về cõi an nhiên tự tại, Hòa thượng đã không để lại một lời.

Tôi nhớ rõ và thật sự súc động cái sáng sớm mồng 3 tháng 3 năm Giáp Tý ấy, lúc tôi đang ở tại chùa Quán Sứ, bỗng nhận được tin Hòa thượng đã vĩnh viễn ra đi và xa tất cả chúng ta.

Từ đó đến giờ vẫn trong hình ảnh "Nhạn quá trường gian, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô lưu tích chí ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm". Nhưng thật ra, bóng nhạn vẫn chập chờn với dòng sông và dòng sông đang gợn sóng theo bóng nhạn. Cảnh sắc sắc không không hàng ngày vẫn vơi đầy nhớ kẻ trồng cây.

Tuần qua, tôi lại nhận được thư của anh em ở các Phật học viện và Pháp tử của Hòa thượng ngỏ ý cùng nhau ghi lại một số tâm tình về Hòa thượng và đề nghị tôi viết cho lời Mở đầu để gọi là chút truy niệm ngày giỗ đầu của người đã khuất.

Thấy tinh thần của anh em, tôi hết sức mừng. Đây là điều đáng duy trì và phát huy. Tục ngữ ta có câu "Ăn trái nhớ kẻ trồng cây" hay "Uống nước nhớ nguồn". Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó cũng là quy luật đạo đức và đó cũng là hạnh nguyện lớn của hành giả trên bước đường tu đạo.

Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một trong muôn ngàn cách biểu lộ lòng biết ơn đối với những vị dày công đóng góp cho Đạo pháp, cho Dân tộc và ngay cả cho mỗi chúng ta. Ta thường nghe "Ngôn ngữ đạo đoạn". Lời sẽ hạn chế đạo, hình thức lắm khi cũng làm giảm thiểu ý nghĩa. Cảm quan ta, ngôn từ ta, sẽ lúng túng, vụng về trước tác phẩm của vạn vật, trước những công đức "hành vô hành hành". Nhưng có điều tôi cũng đồng ý với anh em "bất ngôn, thùy tri kỳ chi". Vì thế, càng viết càng thấm, càng thấm càng cảm, càng cảm càng thương, mối giao cảm sẽ tỏa ngời ánh sáng, tương quan liên hệ mật thiết như nước với nguồn, nguồn với nước, kẻ ăn trái người trồng cây có thể tiếp cận nhau, gặp gỡ nhau trông không gian đích thực của dòng sinh diệt, diệt sinh vẫn chung về một nẻo.

điều đáng làm tôi lo lắng, lễ giỗ đầu của Hòa thượng cũng đã gần kề, liệu chúng ta có thực hiện được như ý nguyện? Dù sao những cánh chim nơi mọi phương trời vẫn nhớ về tổ ấm, ta đã, đang và sẽ mãi mãi không quên một bóng hình đáng kính, đáng thương. Nhớ và tưởng niệm Hòa thượng trong niềm chân thành, với nén hương, với bình hoa đơn giản của nhà Thiền dâng cúng Hòa thượng. Ta mong ước như Hòa thượng từng ước mong "Sinh sinh dự Phật vi quyến thuộc, xứ xứ Bồ-đề kết thiện duyên".

Ngàn xưa và ngàn sau trăng vẫn sáng, có đâu "Trăng lặng về non không trở lại", đường về xứ Phật vẫn tỏa ngát mùi sen. Xuất phát từ ý thức này nơi cõi Lạc Bang, Hòa thượng cũng nở nụ cười hoan hỷ chúng minh lòng thành của tất cả chúng ta.

Huế, rằm tháng Giêng, Đinh Mão
Pháp lữ: Hòa thượng Thích Thiện Siêu.
Cẩn niệm

(II)

Giờ đây, trước Giác Linh trang nghiêm của Cố Đại lão Hòa thượng, tất cả Tăng Ni Phật tử chúng ta đang còn mang nặng trong tâm tư nỗi niềm bùi ngùi xúc động, thương tiếc và tưởng nhớ một vị Cao Tăng, một bậc Thầy đạo hạnh cao thâm, chí nguyện kiên trì, trọn đời hiến mình cho Đạo pháp và Dân tộc. Với cố Giác linh Hòa thượng, chúng ta tất cả những người đã gần gũi, những người đã thọ ân Pháp hóa, không ai không khắc cốt ghi tâm những nụ cười hoan hỷ, những dáng điệu vui tươi, những cái nhìn từ mẫn, những câu nói hiền hòa đậm đà đạo lý. Nên một khi nghe Hòa thượng viên tịch, tất cả Tăng, Ni và Phật tử nơi nơi không ai cầm được giọt lệ, như thấy mình đã mất một bóng cây đại thọ che mát, như thấy mình thiếu khát những giọt nước cam lồ, như thầy mình không còn nơi nương tựa. Sự xúc động, sự nghẹn ngào đã dâng trào khắp tất cả mọi hàng Tăng Ni, Phật tử.

Ở trong chùa, ở giữa đường, ở ngoài chợ, sau khi Hòa thượng viên tịch, tất cả đều nghĩ đến công hạnh lớn lao, chí nguyện cao cả của Hòa thượng đã ban bố cho hàng Tăng Ni, Phật tử. Nên đối trước công hạnh lớn lao đó, dầu có nói mấy cũng không cùng, dầu có tả mấy cũng không hết, nên chúng ta lắng lòng suy tư, lắng lòng nhớ tưởng, chúng ta mới thấy rõ được những nét cao siêu, những nét thâm huyền, những nét đạo hạnh nơi Hòa thượng. Hòa thượng luôn luôn phát nguyện rằng:

"Một lòng kính lạy Phật-đà
Đời đời con nguyện ở nhà Như Lai,
Con hằng mặc áo Như Lai,
Con ngồi pháp toạ Như Lai muôn đời".

Đó là một lời nguyện thâm sâu phát xuất từ kinh Pháp Hoa, với ý nghĩa nhà Như Lai là tâm Đại từ bi. Áo Như Lai là Nhất thiết pháp không. Đại từ bi là đại bi, nhu hòa nhẫn nhục là đại hùng, nhất thiết pháp không là đại trí. Hòa thượng đã lấy câu trong kinh Pháp Hoa làm chí nguyện cao cả của mình, suốt đời tuân theo, suốt đời hành đạo. Nhờ đó mà trải qua bao nhiêu việc làm của Hòa thượng đều mang một sắc thái đậm đà đạo lý, mang một sắc thái tự lợi lợi tha, ích đời lợi đạo.

Dù tuổi đời đã bảy mươi sáu, nhưng Hòa thượng vẫn mỗi buổi sáng dậy thật sớm: hai giờ rưỡi, uống nước, tắm rửa rồi đi vào chùa lễ Phật 108 lạy trên một giờ đồng hồ, rồi lại tiếp tục trì chú thêm một giờ đồng hồ nữa. Sự tu niệm chuyên cần đó không phải chỉ một ngày, hai ngày, mà luôn luôn hàng cả hai ba chục năm, không phải ở chùa mình mà bất cứ ở chùa nào, sáng nào cũng làm y như thế, không phải ở trong nước mà trong khi đi ra nước ngoài dự Đại hội, làm những việc Phật sự, Hòa thượng vẫn giữ công hạnh đó. Qua các công hạnh đó để thấy rõ rằng chí nguyện Hòa thượng sâu xa biết chừng nào. Nếu ngược lại, một chí nguyện mỏng manh hời hợt, thì làm sao thực hiện được một đạo hạnh thâm sâu lâu dài như thế. Một điều ấy cũng đủ cho tất cả hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta đời đời ghi nhớ, tất cả hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta đời đời noi gương Hòa thượng và kính lạy bao nhiêu lạy cũng không vừa. Huống chi Hòa thượng không phải chỉ nghĩ riêng việc lợi mình giải thoát, còn nghĩ tới việc hoằng đạo lợi sinh, dìu dắt Tăng Ni trên đường Chánh pháp. Hòa thượng từng tổ chức bao nhiêu Phật học đường: Linh Quang, Báo Quốc (Huế), Phổ Đà (Đà Nẵng), Hải Đức (Nha Trang), Già Lam (Sài Gòn), đào tạo những lớp Tăng Ni nhỏ, đào tạo những lớp Tăng Ni lớn. Hòa thượng đã đeo đuổi công hạnh đào tạo Tăng Ni của mình suốt bao chục năm trường không biết mỏi mệt.

Nhờ đức tính từ hòa, hoan hỷ, bao dung, ngồi với Hòa thượng thì Hòa thượng trở thành Hòa thượng, đối với thanh niên thì Hòa thượng trở thành thanh niên, đối với Tăng trẻ Hòa thượng trở thành người trẻ, đối với em bé Hòa thượng cũng nói chuyện vui vẻ như một em bé. Do vậy mà bao nhiêu năm Hòa thượng sống với Chúng Tăng không phải toàn là những người tu đạo lâu ngày, mà những người mới nhập đạo có, những người đi sâu trên con đường tu niệm có, những người mới phát tâm có, tính tình mỗi người mỗi nết, đức hạnh mỗi người mỗi cách, thế mà Hòa thượng bao dung được tất cả dưới sự nâng niu giáo dục của mình, không từ bỏ một ai. Người có khả năng, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng; người khả năng kém, Hòa thượng nâng đỡ theo khả năng kém, không để cho ai trở thành người vô dụng. Đó là một công đức lớn lao, một chí nguyện cao cả, một tấm gương sáng để hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta soi sáng noi theo muôn đời không hết.

Trong khi tổ chức giáo dục Tăng Ni, Hòa thựong đã có những cái nhìn xa thấy rộng, không phải chỉ gò bó trong một cách cổ xưa, mà nâng đỡ Tăng Ni, giáo dục Tăng Ni có những kiến thức, những đức hạnh thích hợp với hoàn cảnh, với thời thế để phụng đạo lợi đời. Hòa thượng đã từng khai mở đường lối đưa Tăng Ni đi thi để có những Văn bằng Tiểu học, Trung học, rồi bằng Đại học, đủ phương tiện để tuyên dương Chánh pháp. Không phải chỉ lo mặt tinh thần, Hòa thượng còn lo mặt vật chất cho Tăng Ni, đi đâu cũng mở những cơ sở kinh tế tự túc để cho Tăng Ni vừa làm vừa học, vừa nuôi sống thể chất, vừa nuôi sống tinh thần, để cho một người vừa có đủ cả hạnh, cả bi, cả thể, không thiếu mặt nào.

Hòa thượng cũng đã góp chung với tất cả đồng bào, thương yêu Tổ quốc, làm những điều mình có thể làm được, trải qua bao thời đại, cho nên khi nghe tin Hòa thượng viên tịch, không những chỉ những hàng Tăng Ni, mà Phật tử trong đạo cũng bùi ngùi xúc động. Cố lắng lòng ôn lại những ánh mắt từ hòa, những cử chỉ êm đềm và những tâm tư rộng rãi, quảng đại, chúng ta mới nhớ hết được những công đức cao dày, những công hạnh sâu xa của Hòa thượng, và cố noi theo công hạnh của Hòa thượng để thực hành bước lên con đường sáng suốt lợi mình, lợi đạo, lợi đời, chúng ta mới có thể báo đáp được công đức của Hòa thượng một phần nào.

Hôm nay trước linh đài trang nghiêm, hàng Tăng Ni, Phật tử chúng ta vô cùng thành kính để tưởng niệm công đức Hòa thượng, làm lễ ngày chung nhất, chúng ta cầu mong Hòa thượng Cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta Bà, để dìu dắt chúng ta bước thêm những bước dài trên con đường đạo.

Lời cảm niệm của Hòa thượng Thích Thiện Siêu
trong lễ chung thất Hòa thượng Thích Trí Thủ
20-4 năm Giáp Tý (25-5-1984).

(III)

Hôm nay, vừa đúng hai năm sau ngày Hòa thượng an nhiên quy tịch. Hai năm hàng Tăng Ni, Phật tử chúng tôi phải trải qua những ngày tháng trống vắng một bậc Cao Tăng, một vị thầy đạo hạnh tôn kính, có dáng mạo đoan nghiêm, đạo phong thanh thoát, thái độ ân cần thân mật, hoan hỷ, bao dung, có nụ cười ấm mát tươi vui, biết quý người có học, có đức nhưng không khinh chê người kém cõi, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không phân biệt việc lớn việc nhỏ, miễn thấy có lợi cho đạo cho người, ứng hợp với lòng từ bi thì không hề từ chối. Không ưa sống cuộc sống riêng lẻ cô tịch mà ưa sống hòa mình vào đời sống của đại chúng để dìu dắt họ, sống giữa Chúng Tăng đông đảo, cùng ăn với họ, thậm chí có khi đi tắm biển, đánh ping-pong với họ, nhưng không vì vậy mà làm mất vẻ uy nghi, phai mờ đạo hạnh, bỏ lơi thời khóa biểu tu trì, vun bồi đạo nghiệp.

Đã sẵn mang hoài bão thừa Như Lai sứ, nên hễ gặp Phật sự gì đòi hỏi, Hòa thượng đều sẵn sàng vui vẻ gánh vác, không luận chức vụ gì. Khi làm Trú trì, khi Giáo sư, Giảng sư, Thư ký, Hội trưởng. Khi Viện trưởng [1], khi Chủ tịch [2], nhưng không hề có sự mâu thuẫn giữa chức vụ này với chức vụ kia, vì trước sau trong tâm tư Hòa thượng cũng chỉ đeo đuổi một mục đích chí nguyện hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh, thương yêu Tổ quốc đồng bào với tinh thần vô ngã vị tha, với hạnh Phổ Hiền, thượng cầu hạ hóa, với đức tính tịnh mà không trầm, động mà không loạn, ở trên người mà không thấy nặng, ở dưới người mà không thể khinh, Hòa thượng đã hiến trọn đời mình cho Đạo pháp, cho Dân tộc, cho nhân loại, cả trong nước lẫn nước ngoài theo lời thệ nguyện mà Hòa thượng đã nêu cao từ trước:

"Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Phổ Hiền hạnh cả nguyện đừng sai.
Biến thân cát bụi thần thông hiện,
Chữa bệnh trầm kha khắp mọi lo
ài."
Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Hôm nay, trước Bảo tháp uy nghi, Giác linh tịch mặc, chúng tôi đồng tâm kính thành tưởng niệm, ngưỡng mong Giác linh Hòa thượng thùy từ chứng giám.

Lời cảm niệm trong ngày Đại tường 1-3-1986.

Chú thích:

[1] Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN trước năm 1975.
[2] Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN sau năm 1980.

(IV)

Hòa thượng họ Nguyễn húy Văn Kính, Pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, hiệu Thích Trí Thủ, sinh ngày 19 tháng 09 năm Kỷ Dậu (1909) tại Trung Kiên, Quảng Trị. Mười bảy tuổi xuất gia, hai mươi tuổi thọ Cụ túc giới, tự pháp đời thứ 43 phái thiền Lâm Tế.

Với chí nguyện thượng cầu hạ hóa, Hòa thượng là một trong những vị đi đầu trong các cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Mở nhiều Phật học viện, trùng tu nhiều Phạm vũ, khai sơn Quảng Hương Già Lam. Mở nhiều Đại giới đàn và phiên dịch giảng giải kinh, luật luận. Hòa thượng không ngừng tiếp dẫn hậu lai cho Tăng tín đồ được nhờ ơn Pháp vũ, xuất thế tinh chuyên đã vậy. Nào quên nhập thế độ sanh, dẫu tuổi già chẳng ngại dấn thân, hạnh Phổ Hiền lợi đời lợi đạo, biết sự thế lắm phen khe khắt. Tâm hồn luôn hoan hỷ bao dung, mãn cơ duyên chuyển thân tứ đại trả về đây. Song thọ Ta-la chúng sinh đồng truy niệm.

Như thị chân như thị huyễn.
Như thị công đức trang nghiêm.

(Hòa thượng viên tịch ngày mồng 2 tháng 3 năm Giáp Tý (1984). Tháp bia hoàn thành ngày 19- 9 năm Ất Sửu -1985).

Thất chúng đệ tử phụng lập
Kính ghi: H
òa thượng THÍCH THIỆN SIÊU.

7. Hòa thượng Thích Mật Nguyện

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Biển nghiệp thức bây giờ đã lặng sóng, trời trăng sao trên đỉnh Lăng già đã đậm nét vô thường giữa lòng bất diệt. Bên kia bờ tịch diệt, tâm nào đây mà tưởng tới cho cùng. Bên này bờ nhân ngã, lời nào đây mà nói lên cho tận. Tâm đã không cùng trong lẽ tức sắc tức không, lời đã không tận giữa cõi sinh thành hoại diệt, nay một phút chí thành chiêm ngưỡng di hình tỉnh mặc. Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên và toàn thể Phật tử miền Vạn Hạnh cung kỉnh đầu thành đảnh lễ giác linh Hòa thượng và dâng lên ngài những lời thống thiết, trước giờ phút bàng hoàng của ngọn gió từ sẽ thổi đến, mang sắc thân tứ đại của Ngài vĩnh viễn đi vào nơi thường tịch.

Trước giờ phút mà khoảnh khắc sẽ là thiên thu này, Giáo hội xin mượn những lời đơn bạc không cùng, trải hết tấm lòng bi ai không tận để ghi lại công hạnh một đời tu trì và hóa đạo, để khắc cốt ghi tâm những gì đã thành và đã mất, mà mãi vẫn còn vang bóng như hư không trong ức triệu tấm lòng của người Phật tử.

Ngài nguyên họ Trần tên Lộc, huý thượng Tâm hạ Như, hiệu Mật Nguyện, đời thứ 43 dòng Lâm Tế chánh tông.

Vốn sinh trưởng trong một gia đình thuộc hàng trung kiên của Phật giáo, Ngài đã sớm nhiễm mùi đạo, thấy rõ cuộc đời biến thiên vô định mà bờ giác mong lên còn xa thẳm, nên đã dõng mãnh phát tâm xuất gia để tiến xa trên đường đạo, cắt đức thế học từ lúc Ngài vừa lên 16 tuổi.

Ngay từ đầu, Ngài đã đến đầu sư với cố Hòa thượng Giác Tiên chùa Trúc Lâm. Nhờ sẵn có tư chất mẫn tiệp, chí nguyện kiên trinh, lại được dìu dắt dưới sự hướng dẫn sáng suốt, khéo léo của cố Hòa Thượng bổn sư nên Ngài đã sớm trở thành một vị Tăng già lỗi lạc trong những vị Tăng già trẻ từng đóng góp công đầu vào cuộc phục hưng Phật giáo miền Trung, ngay khi hội An Nam Phật học mới thành lập năm 1931 tại Huế.

Là một vị giảng sư kiêm biên tập viên nguyệt san Viên Âm, cơ quan truyền bá giáo lý của Hội, suốt bao năm liền, lưu động diễn giảng khắp các tỉnh hội khuôn hội và viết bài đăng báo Viên Âm, Ngài đã dìu dắt cho bao nhiêu người thấy rõ ánh quang minh, quay về với đạo để chung lo phục hồi và bồi đắp cho nền đạo giáo cổ truyền chóng được phát triển.

Nhằm mục đích tùy duyên làm Phật sự giáo hóa chúng sinh, Ngài đã liên tiếp đảm đương nhiều chức vụ, khi thì giảng sư, khi thì giáo thọ đào tạo Tăng tài, khi thì làm thư ký, khi Trị sự trưởng Giáo hội Tăng già Trung phần, bất luận công việc tổ chức Phật sự quan trọng nào Ngài đều tham dự, không nề hà từ chối.

Cho đến suốt trong mấy năm nay, Ngài vừa là Trú trì sùng kiến chùa Linh Quang, nguyên trụ sở của Giáo hội Tăng già, vừa là Phó Đại diện, rồi Chánh Đại diện Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên kiêm miền Vạn Hạnh. Mặc dù lắm lúc bị cơn bệnh dày vò, hoặc gặp khó khăn vất vả nhưng không lúc nào tỏ ý thối chuyển.

Nhờ ý chí hăng say, tâm hồn hoan hỷ bao dung, cho nên Ngài đã hòa đồng với mọi từng lớp, trong Tăng già cũng như ngoài cư sĩ, cùng chung đẩy mạnh đà tiến triển của Giáo hội với sự cộng tác cảm mến của mọi người.

Nhưng than ôi!

Bây giờ thì Ngài đã như là bóng núi xa xăm, như một cánh nhạn giữa bầu trời đến và đi không còn vết tích. Ngài đã đi, giữa lúc đất nước còn ngửa nghiêng, đồng bào lắm đau khổ, đạo pháp đang cần nhiều người tài đức, tuổi tác và uy tín như Ngài để làm tấm gương sáng, nêu cao lý tưởng giác ngộ giữa cơn mộng mị điên cuồng của thế gian. Ngài đã vội vã ra đi mang theo đạo nghiệp của 40 hạ lạp, 62 tuổi đời, để lại một nỗi niềm trống trải, đang thấm lạnh giữa hàng Tăng giới và tín đồ, làm cho chúng tôi vô cùng bùi ngùi lo lắng khi thiếu mất một người lèo lái trong chiếc thuyền Đạo pháp đang gặp lúc sóng vỗ gió gào.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Vẫn biết đường chim bay không vết tích, mất và còn như gợn nắng trên cánh đồng hoang, nhưng khổ lụy hữu tình làm sao nguôi được trong lòng Phật tử. Ngưỡng trông Giác linh Hòa thượng hãy chứng giám nỗi niềm bi ai thống thiết không nói hết bằng lời của tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên và toàn thể Phật tử miền Vạn Hạnh.

Nam-mô Phóng quang tiếp dẫn A-di-đà Phật

(Pháp lữ Hòa thượng Thích Thiện Siêu chấp bút).

8. Hòa thượng Thích Phúc Hộ

Lớn lao thay bậc Đại sư, tuổi nhỏ thông minh, tánh tình rộng rãi hiền từ kết sâu gốc tuệ. Lúc trẻ tuổi xuất gia, học khắp kinh luận, tai nghe miệng tụng, chẳng phí ngày giờ. Dáng mạo đường đường, hài hòa trong sáng. Chí nghiệp thanh bạch kiên trinh, đạo phong cao siêu ngưỡng vọng, giới đức rỡ ràng, chuyên tinh luật tạng, chỉ trì tác trì đều đủ, thọ thể tùy hành vẹn toàn. Phát khởi lòng từ, đạo trùm Tăng tục, đèn sáng giữa biển pháp, cây lớn chốn Tòng lâm. Khi mãn báo thân nơi đây, tháp dựng nơi đây, bốn chúng ân cần, rủ lòng lân mẫn.

Đề bia, Ất Sửu đông.
Hậu học: Sa môn Thích Thiện Siêu, phụng soạn.

9. Hòa thượng Thích Khế Hội (Thích Trí Thành)

(Trú trì tứ Long Sơn Bát Nhã tự)

Hòa thượng họ Nguyễn, huý Nguyên Chơn, tự Thiện Tịnh, hiệu Khế Hội, Trí Thành. Sinh năm Nhâm tuất (1921) tại tỉnh Phú Yên, là con thứ bảy của hai cụ Nguyễn Văn Chồn và Võ Thị Chữ. Năm 13 tuổi xuất gia với Hòa thượng Từ Nhãn, Trú trì chùa Sắc tứ Long Sơn Bát Nhã. Năm 14 tuổi theo học tại Phật học đường Báo Quốc-Huế, trọn 10 năm, tốt nghiệp Đại học Phật giáo. Năm 27 tuổi thọ Tam đàn Cụ túc giới, tự pháp đời thứ 44 dòng thiền Tâm Tế.

Với tính tình đôn hậu, chí nguyện sâu bền, giới hạnh nghiêm trang, đạo phong thuần nhã, Hòa thượng đã từng chung vai sát cánh cùng các bậc thiện tri thức, gánh vác Phật sự, tùy thời tùy cảnh, tận tụy làm tròn nhiệm vụ phụng sự đạo pháp.

Hẳn hay thế giới vô thường, thân huyễn ở trong cảnh huyễn, dầu gặp thế ngược xuôi, lòng vẫn nhẹ nhàng thanh thản, chí đạo kiên trì.

Nguyện Bồ-đề đã mãn, hạnh hóa đạo viên thành, Hòa thượng đã viên tịch ngày mồng 1 tháng 5 năm Kỷ Mão (1999).

Tháp tại Ta-bà
Thân nương Tịnh độ
Niệm đức niệm ân
Chúng sanh tưởng mộ.

Phật tịch 2543. Từ Đàm-Huế, tháng 10-1999
Hòa thượng Thích Thiện Siêu đề bia

10. Hòa thượng Thích Đức Nhuận

(Pháp Chủ GHPGVN, Trú trì chùa Hoè Nhai - Hà Nội)

Khi tôi đang là học Tăng trường An Nam Phật học Huế những năm 1936-1945, tôi đã có nghe tin cụ Đồng Bắc mà các vị tôn túc trong sơn môn Huế lúc bấy giờ thỉnh thoảng nhắc đến trong những cuộc đàm đạo của các vị. Lúc ấy tôi cũng chỉ nghe qua cụ Đồng Đắc là một bậc chân tu ở miền Bắc vậy thôi, chứ bài vở học tập của trường đã choán gần hết thì giờ và tuổi còn nhỏ, trí còn non, tôi chưa có ý niệm gì bao nhiêu về sự truyền trì Phật pháp. Trải qua bao nhiêu cảnh thăng trầm Đạo đời vẫn tịnh, khi thịnh lúc suy, Hòa thượng đều gằn liền với sự nghiệp tu hành của những người con Phật, là những người "tùng Phật khẩu sinh, tùng Pháp hóa sinh", mang theo trong mình một chí nguyện lớn lao, giác ngộ Phật pháp, làm sứ giả của Phật pháp, phổ độ quần sinh, báo Phật ân đức.

Đến khi tuổi lớn dần, sự hiểu biết lớn dần sau những kinh nghiệm bản thân trên bước đường tu trì, hành đạo, và đọc được qua sách sử, tôi càng biết một cách sâu sắc "nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân". Nên từ đó tôi luôn luôn quí trọng các bậc chân tu thật học trong hàng Thánh đệ tử của Phật, mỗi khi nghe đến hoặc gặp được, và cũng từ đó tên cụ Đồng Đắc lại thỉnh thoảng khơi dậy trong tôi, cũng như những bậc cao Tăng khác.

Thế rồi đất nước được hòa bình, Bắc Nam hai miền thống nhất, hàng Tăng Ni, Phật tử Nam Bắc sau bao năm bị chia cắt, lại được hội ngộ cùng nhau trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Tuy mừng thì thật mừng, nhưng không sao tránh khỏi dè dặt, bởi đã xa cách lâu ngày, thì dẫu đạo tuy đồng, mà tâm chưa chắc đồng, hạnh chưa chắc đồng! Song nhờ ai cũng có tâm muốn thống nhất xương minh Phật pháp, nên sự bất đồng được giải hóa dần, để nhượng bộ cho hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh mà không một Phật tử chí thành nào dám quên đi được

Chính trong dịp thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 này, mà uy phong, đạo hạnh, ngôn từ, hoài vọng của cụ Đồng Đắc mà tôi được nghe danh năm nào, bây giờ lại hiện ra đích thực trước mắt tôi và đại chúng. Ở thời điểm này, ba đề nghị của cụ nêu ra với Đại hội, như là một tia sáng soi đường làm cho cả Đại hội xúc động, kính trọng, phấn khởi, vui mừng, tin tưởng rằng trong lúc Phật giáo chưa có đủ cơ duyên thuận lợi mà có được một bậc Chúng Trung tôn như ngài để suy tôn ngôi Pháp chủ, thì thật rất may mắn. Thật vậy, từ ngày được thành lập, ngài là cột trụ chính chống đỡ ngôi nhà thành lập, ngài là cột trụ chính chống đỡ ngôi nhà Giáo hội, nhờ đó, Giáo hội ngày càng được vững mạnh, vượt qua được bao nhiêu khó khăn rời rạc để có được ngày hôm nay. Thế nên, dẫu nay ngài đã mãn hóa duyên, phi tích không trung, nhưng tấm gương đạo hạnh, chí nguyệnlợi tha của ngài vẫn còn in đậm nét trong tâm tư tôi và trong Giáo hội. Những người có nhân duyên trực tiếp đều thụ ân pháp của ngài.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24.a | 24.b

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã giúp bố trí đánh máy vi tính (Bình Anson, 07-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-07-2003