Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

Times (Unicode) font

 

Thức Biến

Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Nxb TP. HCM, 2003


[05]

ĐẠI Ý KINH VU LAN

CÁCH BÁO HIẾU TRONG ĐẠO PHẬT

Công ơn nuôi dưỡng cha mẹ thật như trời cao biển rộng khó nghĩ tận cùng. Đạo Nho đã nói: "Công ơn cha mẹ trời cao khó kịp". Kẻ làm con dĩ nhiên phải nghĩ đến cách báo đáp công ơn sanh thành của cha mẹ, vì đây là một bổn phận cao quý trong đạo làm người; bất luận thời nào hoặc phương sở nào cũng không thể xao lãng đi được.

Nếu có người nương nhờ ơn cha mẹ mà đến ngày công thành danh toại, lại chỉ biết có một mình mình chứ không đoái hoài gì đến cha mẹ, xem cha mẹ như người khách lạ qua đường... Nếu có người con như thế dĩ nhiên gọi là người con bất hiếu, đã trốn tránh bổn phận thiêng liêng vậy.

Song sự báo ơn cha mẹ có rất nhiều cách, nó không thể giống nhau theo một quy tắc, thể thức nhất định làm cho cha mẹ nhẹ bớt thống khổ, tăng thêm vui lành... Có người báo ơn cha mẹ bằng cách làm cho cha mẹ an hưởng thứ vui tinh thần khoan khóai hoặc hưởng cái vui ngắn ngủi, vui lâu dài, vui nặng nề hay vui siêu thoát. Tóm lại, đàng nào cũng gọi là hiếu, đàng nào cũng tìm cách đem lại sự an vui cho cha mẹ, nhưng xét kỹ thì chỉ có cách đem lại cho cha mẹ sự an vui siêu thoát đời đời mới thật hoàn toàn đạt thấu mục đích báo hiếu mà thôi.

Kinh Vu Lan Bồn chính là một kinh Phật dạy chúng ta cách báo hiếu ấy, báo hiếu chính đáng, cứu độ viên mãn để các tiền nhân nhẹ gánh oan khiên, lần thoát vòng luân hồi đau khổ. Chúng ta không thể không hiểu qua đại ý của kinh trong khi chúng ta muốn tìm một phương pháp chơn chán để báo bổ thâm ân.

Trong kinh Vu Lan, Phật dạy cho chúng ta rõ:

1. Có nhân thì có quả

Nhân quả là một định luật hiển nhiên không thể nào sai chạy được. Ở nơi hoàn cảnh cũng như ở nơi thân tâm, hễ đã gây nhân gì thì tất nhiên có quả báo nấy để thù đáp lại, tuy vô hình nhưng rất bình đẳng, không bao giờ gây nhân lành mà phải chịu quả báo khổ, cũng không bao giờ gây nhân dữ mà được hưởng quả báo vui. Bởi vậy, bà mẹ Tôn giả Mục-kiên-liên sau khi đã sanh tâm tham lam bỏn xẻn mà gây nghiệp nhân không tốt đến lâm chung phải chịu quả báo đoạ đày trong đường ngạ quỷ, đói khát ốm gầy, đến nỗi gặp đặng bát cơm của Tôn giả Mục-kiền-liên dâng cúng, nhưng vì nghiệp tham của bà quá nặng mà cơm kia bỗng biến thành lửa đỏ cháy hừng không thể nào ăn được.

2. Nhân quả đều do tâm

Tuy vậy nhưng không phải: "một kiếp lỗi lầm là muôn đời đau khổ". Trong kinh có dạy: "Tâm năng sanh nhứt thiết pháp", vậy biết rằng tất cả pháp đều do tâm. Tâm tạo nên nghiệp lành, hiện thành cảnh giới chư Thiên tốt đẹp, tâm tạo nên nghiệp dữ hiện thành cảnh giới địa ngục xấu xa, tâm tu theo đạo Bồ-đề, gây nhân giải thoát thì được tự tại yên vui ngoài vòng luân hồi sanh tử, vậy nên mặc dù chúng sinh ở trong hoàn cảnh tuy khổ cực cũng có thể hoán cải tâm niệm mình theo con đường chánh đáng tốt lành. Khi tâm đã tốt thì cảnh giới cũng tùy tâm mà trở nên vui đẹp. Cứ xét ngay nơi tâm niệm hiện tại của chúng ta thấy rõ. Khi tâm ta nghi ngờ độc ác thì cảnh vật nào cũng là cảnh vật khả ố xấu xa. Khi tâm ta hiền rộng rãi thì cảnh vật nào cũng đẹp đẽ vui tươi. Địa ngục thiên đàng nào phải ở đâu xa lạ!

Do lẽ đó mà bà mẹ Tôn giả Muc-kiền-liên tuy đã sanh vào ngạ quỷ cũng có thể chuyển đổi tâm niệm nghiệp nhân, đặng giải thoát khỏi chỗ tối tăm cực khổ.

3. Hiệu lực của chú nguyện

Chúng ta đã biết địa ngục, thiên đàng cũng chỉ tự mình tạo ra và chịu lấy, kẻ làm con nếu muốn cho cha mẹ mình khỏi lâm vào cảnh tương lai đau khổ, thì không chi bằng cố gắng làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, cải tà quy chánh dù cho cha mẹ đã qua đời cũng có cách báo đáp hoàn toàn được.

Phật dạy tất cả sự vật trùng trùng duyên nhau mà phát hiệ,n nên tâm niệm của chúng ta cũng trùng khắp và duyên cùng cả vũ trụ không khác nào một làn sóng nhỏ cũng lan khắp cả đại dương, như ánh sáng của vì sao cũng chiếu cùng quả đất. Bởi vậy, tiền nhân xa cách đến đâu chúng ta cũng có thể đem tâm niệm đại hiếu, tu hành mà cảm thông và thay chuyển. Chỉ sợ rằng sức tu hành của chúng ta kém cỏi, định lực không bao nhiêu, tợ hồ như ánh sáng của một vì sao nhỏ, làm sao thay đổi cho một cảnh vật càng thêm tươi sáng?! Chúng ta không thể không nhờ đến định lực của nhiều vị tu hành tinh tấn, chú nguyện cho mới mong thay đổi dễ dàng thân tâm cùng cảnh giới nơi mỗi người. Các vị tu hành tinh tấn ấy phần nhiều là chúng Tăng chuyên tu trong ba tháng hạ.

Xưa kia Tôn giả Mục-kiền-liên tuy tu hành chứng đến lục thông, nhưng với đạo lực một mình vẫn không sao cứu vớt từ mẫu, đã phải nhờ đến sức chú nguyện của mười phương Tăng trong ngày Tự tứ mà mẹ của Tôn giả liền thoát khỏi vòng ngạ quỷ, hóa sanh cảnh giới chư Thiên an lạc.

*

Ngày nay, chúng ta nếu muốn báo hiếu đối với tiền nhân một cách viên mãn, trước hết chúng ta nên tin tưởng vào ba điều đã lược nói ở trên. Chúng ta tin rằng cảnh khổ vui đều do tâm niệm và tâm niệm có thể thay đổi, xấu trở nên tốt một cách dễ dàng, khi nhờ có sức chú tâm của nhiều vị tu hành có định lực. Chúng ta cũng thường thấy các nhà thôi miên học chỉ gia công tập luyện và tập trung tư tưởng đôi phần mà họ có thể sai sử kẻ đối phương hành động theo ý chí của họ. Nếu với các bậc tu hành, có một tâm hồn thanh tịnh, có định lực mạnh mẽ thì chắc hiệu lực sẽ tăng lên bội phần, và với các đấng Giác ngộ thì không thể nào tính lường được.

Chúng ta tin tưởng như thế và chí tâm bố thí cúng dường Tam Bảo, chúng Tăng, làm việc hiếu nghĩa trong ngày Tăng tự tứ (rằm tháng bảy) để cầu mong được mục đích báo hiếu hoàn toàn của kẻ biết làm con.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24.a | 24.b

 

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh đã giúp bố trí đánh máy vi tính (Bình Anson, 07-2003).

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 05-07-2003