BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Thiền Tập Trong Phật Giáo

Hòa Thượng Piyadassi
(Phạm Kim Khánh dịch)


Phần 3

11. Thực hành

Chỉ có khi nào ngồi xuống hành thiền chúng ta mới có thể tự tìm hiểu và phân tách mình một cách đầy đủ và chân thật, và chừng ấy cái khái niệm về phái nam hay phái nữ không còn nữa. Ta chỉ còn thấy một luồng trôi chảy của danhsắc (tâm linh và vật chất), và tuyệt nhiên không có cái gì như một thực thể đơn thuần và thường còn. Nhìn trên phương diện này đời sống không có phương Ðông hay phương Tây, mà chỉ còn là một tiến trình vượt qua khỏi mọi giới hạn giai cấp, chủng tộc, màu sắc, tín ngưỡng và không giới.

Nhà tâm lý học trứ danh, William James, nói: "Mỗi khi hai người gặp nhau, thực ra có sáu người hiện diện: hai người như mỗi người tự thấy mình, hai như người kia thấy mình, và hai như thật sự mỗi người là như vậy".

Vậy, ta hãy cố gắng thành thật, thẳng thắn thành thật, để tự nhìn mình, nhìn những cảm giác (thọ) của mình và những tư tưởng (tâm) của mình một cách sáng suốt. Hãy cố gắng thấy mình đúng như thật sự mình là vậy, chớ không phải thấy mình như bề ngoài người thấy mình có vẻ như vậy. Ðiều này chỉ có thể thực hiện được khi mà chúng ta hết lòng thành thật và tin tưởng nơi ta. Trong công trình hành thiền như được Ðức Phật dạy, mở rộng tâm trí và tìm tòi quan sát một cách thẳng thắn là điều kiện tối cần, không thể không có. Thiếu điều này, một hành giả sơ cơ sẽ không thể đặt nền tảng vững chắc cho những cơ cấu xây cất bên trên. Và bởi vì chân lý về một cá nhân là điều rất "cá nhân", và mỗi cá nhân phải lo tự tìm hiểu mình chớ không có sự chỉ dẫn hay giáo huấn nào có thể giúp hành giả, ngoại trừ những phương pháp tu tập để tự tìm hiểu mình. Pháp hành thiền quả thật là trọng yếu bởi vì nhờ hành thiền mà ta có thể mở khóa cửa, bước vào những bí ẩn của nội tâm.

Bài kinh Tứ Niệm Xứ diễn tả kỹ thuật trau giồi tâm linh để vượt ra ngoài lý trí và đạt đến chính kinh nghiệm của đời sống, để khám phá những tật bệnh phổ cập sâu kín trong tâm trí con người và để gia công giải phóng cái tâm ra khỏi mọi ràng buộc và đạt đến châu toàn tối thượng.

Bây giờ chúng ta hãy thảo luận đến pháp "niệm thân" (kayanupassana), đặc biệt là phần mệnh danh "anapanasati", chú niệm vào hơi-thở-vào-thở-ra. Ðây là phương pháp hành thiền rất phổ thông và được nhiều người ưa thích hành theo trên khắp thế giới, vì pháp này có thể thích hợp với nhiều người, để lắng tâm cũng như để gom tâm an trụ. Pháp này xưa kia cũng được Bồ Tát Siddhatta Gotama áp dụng khi Ngài tận lực hành trì để chứng đạt đạo quả Vô Thượng Toàn Giác dưới cội bồ đề, và chính Ðức Phật cũng quả quyết khẳng định tầm quan trọng của pháp hành này. Pháp hành thiền này được diễn tả là làm cho hành giả an lạc, cao thượng, tinh khiết, sống hạnh phúc (santo ceva panito ca asecanako ca sukho ca viharo). Ðoạn này trích từ bộ Tạp A Hàm, Samyutta Nikaya, câu 321. Ta nên ghi nhận rằng anapanasati không phải là một "phương pháp tập thở" để cho cơ thể được khoẻ mạnh, và cũng không giống như pháp "pranayama" trong hệ thống yoga của Ấn Ðộ Giáo.

Nơi chốn hành thiền được khuyên dạy là trong rừng, dưới một cội cây, một nơi vắng vẻ ngoài trời, hay ở một nơi thích hợp nào khác. Nếu có thể được, hãy tìm một nơi yên tĩnh xa những tiếng náo động ồn ào, rầm rộ xôn xao của đời sống nhộn nhịp, bận rộn. Trong phòng ngủ hoặc trong "phòng thờ", nếu ta may mắn được có, có thể là nơi riêng tư nhất.

Theo pháp hành thiền này ta cần phải ở thế ngồi. Ngồi thẳng lưng, tréo hai chân nhưng không gồng cứng mình, giữ tâm chú niệm và giác tỉnh. Vì hai chân tréo khóa cứng lại hay vì nền nhà cứng, đôi khi ta cảm nghe không được thoải mái, và như vậy, tâm bị chi phối, không gom lại được. Chừng ấy ta có thể ngồi trên một cái ghế có dựa đứng thẳng. Dầu ngồi thế nào, đặc biệt trong pháp hành này, không phải như các pháp hành khác, ta phải giữ thân mình (xương sống) và đầu ngay thẳng, không nghiêng ngã bên nào. Ta nên ngồi cách nào cho được thoải mái, nhưng không nên dựa lưng hay nằm xuống, để tránh khỏi buồn ngủ. Hai tay có thể gác trên vế hoặc tay mặt đặt trên tay trái, cả hai đều lật ngửa lên. Mắt có thể nhắm hé phân nửa hoặc nhắm kín luôn một cách tự nhiên, không có cố gắng. Hai môi ngậm lại và giữ lưỡi sát hàm trên. Tất cả những chi tiết này cho thấy rằng người hành thiền cũng cố gắng "điều phục" thân, và thân điều phục sẽ giúp tâm chú niệm và an trụ.

Giữ thân càng bất động càng tốt, tâm phải giác tỉnh và quan sát sâu sắc. Thân và tâm đều phải căng thẳng vừa phải, như dây của cây cung, và điều hòa đúng nhịp như dây của cây đờn. Pháp hành thiền quả thật là một công trình thực nghiệm. Cũng như con rùa bao phủ giữ kín bốn chân nó dưới cái mu, cùng thế ấy, người hành thiền che chở, giữ gìn ngũ quan của mình và chế ngự dục vọng bằng tâm chú niệm, và dành tất cả năng lực mình để trau giồi tâm trí. Hãy cố gắng hành thiền đều đặn, nếu có thể được, mỗi ngày, vào giờ nhất định, bởi vì chính những yếu tố tâm lý ấy sẽ giúp thành công trong pháp hành thiền.

Lúc nào ta cũng thở ra và thở vô, thở một cách tự nhiên. Bình thường, không mấy ai để ý đến hơi thở. Nhưng khi hành thiền theo pháp niệm hơi thở thì điều chánh yếu là chúng ta phải chú niệm và hay biết hơi thở. Cái hơi mà chúng ta thở vô hay thở ra phải được ghi nhận và quan sát. Sự chú niệm này làm cho thân trở nên yên tĩnh và được chuẩn bị sẵng sàng để công trình hành thiền tiến sâu thêm, nhằm tăng trưởng năng lực của tâm định và sự vắng lặng. Chúng ta hoan hỷ ghi nhận rằng các nhà tâm lý học hiện đại đã xác nhận giá trị và tầm quan trọng của sự chú niệm vào hơi thở để làm êm dịu sự căng thẳng của thể xác và tâm linh.

Như vậy, pháp hành thiền này đúng là một việc làm có tánh cách thực tiễn, là một phương thức trị liệu trong ý nghĩa cao cả nhất của danh từ. Pháp này không phải chỉ để phát huy kiến thức suông, mà để tự giải thoát ra khỏi mọi bợn nhơ tinh thần và đạt đến sự trong sạch và sự vắng lặng, tự tại của tâm linh.

Trong pháp hành niệm hơi thở điều trọng yếu nhất là luôn luôn chú tâm vào hơi thở. Ðiều thiết yếu là phải chú tâm, phải hay biết (sati, niệm) và chăm chú quan sát trong tất cả bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp).

Khi ngồi lại hành thiền hãy an nghỉ hẳn, hãy tự tách rời ra khỏi thế giới cùng với những ồn ào rộn rịp và căng thẳng của nó. Trong khi thở vô ba lần đầu tiên, hãy tưởng tượng rằng ta đem vào tất cả những gì tốt đẹp, cao cả và trong sạch bên ngoài, của vũ trụ. Khi thở ra ba lần đầu tiên, hãy tưởng tượng là ta đang vứt ra tất cả những tư tưởng "đầu độc", tất cả những gì xấu xa, thấp hèn và nhơ bẩn bên trong chúng ta. Ðó là phương cách chuẩn bị thân tâm để tiến vào pháp hành thiền.

12. Nghệ sĩ trên sân khấu

Bây giờ ta hãy bắt đầu thực hành pháp chú niệm vào hơi-thở-vào-thở-ra (anapanasati). Hãy để cho hơi thở hô hấp một cách tự nhiên, không có sự cố gắng nào. Hãy thở ra nhẹ nhàng và không nên rán kềm hơi thở và làm cho nó phải như thế nào. Chỉ để cho luồng hơi thở thong thả trôi ra rồi thong thả tuôn vào, dưới ánh sáng của tâm hoàn toàn giác tỉnh.

Hành giả thở vào và thở ra với tâm luôn luôn theo dõi ghi nhận và hay biết, chú niệm vào hơi thở chớ không phải vào chính mình. Mục đích duy nhất của hành giả là tập trung sự chăm chú vào hơi thở, không hay biết tư tưởng nào khác ngoài hơi thở, và áp đặt, gắn vào, cột chặt tâm vào đó. Nếu hành giả còn lưu tâm đến những gì xuất hiện mập mờ "bên rìa", ngoài "phạm vi chăm chú" của mình ắt khó mà tập trung tâm, và chừng đó tâm sẽ phóng đi.

Ðối với quý vị hành giả còn sơ cơ, nên ghi nhận "vào", "ra" mỗi khi thở vô hay thở ra, để tập cho quen chú tâm theo dõi và ghi nhận. Nếu còn thấy khó kềm sự chú tâm hay biết, khi thở vào đếm "một" (đếm và ghi nhận thầm); đến khi thở ra, đếm thầm "hai" và ghi nhận "hai" khi hơi thở ra chấm dứt. Ðếm như vậy không quá mười và không ít hơn năm. Nếu không, tâm sẽ có khuynh hướng duyên theo sự đếm mà lìa bỏ hơi thở. Khi thấy tâm đã tập trung được dễ dàng hành giả sẽ không đếm nữa mà chỉ chú niệm vào hơi thở.

Khi niệm hơi-thở-vào-thở-ra hãy áp đặt sự chú tâm vào điểm nào mà hành giả nghe hơi thở chạm vào -- có người nghe ở đầu lỗ mũi, có người nghe ở chót môi trên -- hãy ghi nhận hơi thở trôi vào như thế nào và ra như thế nào, ngang qua điểm ấy, mà không theo dõi luôn vào đến lồng phổi, hay ra ngoài không khí.

Không nên cố ý kềm giữ hay ngưng hơi thở mà phải để cho sự hô hấp diễn tiến hết sức tự nhiên, không có cố gắng nào để kiểm soát. Hãy tập trung chú tâm vào điểm "ra-vào" ở mũi và hoàn toàn hay biết, ghi nhận mỗi hơi thở ra, thở vào. Ðôi khi hơi thở có thể nhẹ nhàng, tế nhị đến đỗi hành giả khó có thể "bắt" được, hoặc còn cảm giác được nữa. Nhưng điều này không có nghĩa là tâm hành giả đã trở nên trống rỗng. Ðiều ấy không thể xảy ra, bởi vì ta không thể nghĩ rằng có cái tâm trống không, một cái tâm trong đó không có tư tưởng nào. Trong khi ta không còn cảm nghe hơi thở nữa thì ta hay biết điều ấy, và như vậy, chắc chắn đó không phải là tâm trống không (vì có sự hay biết). Sau đó hành giả sẽ cảm giác, hay biết hơi thở trở lại.

Mỗi khi tâm phóng đi, duyên vào những tư tưởng khác, hãy hay biết sự phóng tâm ấy nhưng không để mình bị cảm xúc, cũng không suy tư về những tư tưởng này. Không nên phê bình, chỉ trích, đánh giá; hay ngợi khen những tư tưởng ấy mà chỉ đem sự chú tâm của mình trở về nhịp thở tự nhiên. Ðôi khi hành giả bị những tư tưởng bợn nhơ hay bất thiện tràn ngập. Ðiều này có thể xảy ra. Chính khi hành thiền ta hiểu biết tâm của ta hoạt động như thế nào. Hãy giác tỉnh và hay biết cả hai, những tư tưởng cao cả và những tư tưởng thấp hèn, những ý nghĩ đẹp đẽ và những ý nghĩ xấu xa, thiện và bất thiện. Không nên ngã mạn tự tôn với những tư tưởng tốt và thất vọng ngã lòng với những ý nghĩ xấu. Những tư tưởng ấy đến rồi đi, không khác nào các diễn viên trên sân khấu.

Khi ta nghe tiếng động, hãy ghi nhận "tiếng động", rồi quay sự chú tâm trở lại hơi thở. Cùng thế ấy, khi có mùi, có vị, xúc chạm, đau, sướng v.v... hãy theo dõi quan sát những tư tưởng ấy (nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức v.v...) một cách khách quan, tự tại và không dính mắc. Giác tỉnh chú niệm có nghĩa là quan sát bất cứ điều gì xảy đến bên trong chúng ta và trong tác phong của chúng ta, chớ không xét đoán, xem nó tốt hay xấu. Chỉ nhìn, quan sát với sự hay biết suông, nhìn một cách khách quan mà không vấn vương với những tư tưởng ấy. Ðó rõ ràng là tận dụng sự tập trung tâm niệm vào bất cứ chuyện gì ta đang làm hay đang chứng nghiệm.

Hành giả có thể cũng nhận thấy trong tâm những hình ảnh được tạo nên do trí nhớ hay trí tưởng tượng như ánh sáng, màu sắc v.v... Không nên nghĩ rằng đó là một tiến bộ tinh thần mà sẽ bị chán nản về sau. Ngược lại, đó là những chướng ngại sẽ làm chậm trể bước tiến trong công trình hành thiền của chúng ta. Hãy giác tỉnh, hay biết những hình ảnh ấy mà không vọng móng theo, không vướng mắc trong đó, và đem sự chú tâm trở về hơi thở. Ta cần phải có nhiều nhẫn nhục và cố gắng để dứt lìa những sản phẩm phụ ấy và gia công vào nhiệm vụ thật sự là gom tâm an trụ. Sự tận lực cố gắng và kiên trì nhẫn nhục để đem lại tâm thanh tịnh và toàn hảo bằng pháp hành thiền định (samatha, vắng lặng) và thiền tuệ (vipassana, minh sát) mạnh mẽ và phi thường như thế nào, chỉ có người thật sự hành thiền mới biết được.

Ðối với một hành giả còn là phàm nhân (chưa đắc Thánh Ðạo và Thánh Quả) thì việc có những tư tưởng bất thiện hay sai lầm phát sanh là tự nhiên. Tham ái thấm nhuần tâm không thuần thục như nước thấm dột vào căn nhà không khéo lợp (Pháp Cú Kinh, câu 13). Khát vọng của con người quả thật gây nhiều xáo trộn cho con người. Khi bị cản trở vì một lý do gì tâm tham ái này trở thành tâm tức giận, sân. Vì lẽ ấy, ta nên cố gắng trau giồi và phát triển những tư tưởng tốt đẹp và trong sạch, những khả năng vô cùng tận, ngủ ngầm trong bản chất con người. Muốn được như vậy ta cần phải cố gắng tu tập trong thiền định (samadhi-sikkha). Chính nhờ công trình tu tập dần dần mà ta có thể kiểm soát và điều phục cái tâm (cittam vasam vattati), thay vì trở thành nô lệ, bị nó chi phối (cittassa vasena vattatti). Nhờ rèn luyện pháp trau giồi tâm như vậy ta có thể tự thoát ra khỏi ảnh hưởng của nhục dục ngũ trần.

Tiến bộ vật chất của thế giới, như lợi lộc, tùy thuộc một phần lớn vào sự cố gắng của chính ta. Như vậy thì chắc chắn là ta càng phải cố gắng nhiều hơn nữa để rèn luyện tâm tánh, và do đó, phát triển những gì quý báu nhất, cao cả nhất bên trong chúng ta. Và bởi vì sự rèn luyện tâm tánh đòi hỏi phải vận dụng mọi cố gắng, mỗi người cho chính mình, chúng ta hãy tận lực gia công ngay từ bây giờ. "Chớ để cho ngày tháng trôi qua mất đi như bóng mát của đám mây, bay qua mà không để lại dấu vết gì cho ta nhớ".

13. Ðôi lời chỉ dẩn hành giả

Trong kinh điển Phật Giáo có rất nhiều đoạn đề cập đến pháp hành "niệm hơi thở" (anapanasati) và không ai ngạc nhiên khi thấy Ðức Thế Tôn chỉ dạy Sa di Rahula (La Hầu La, con của Thái Tử Siddhatta Gotama) hành pháp này với đầy đủ chi tiết. Bây giờ chúng ta hãy trở lại bài kinh số 62 của Bộ Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, tựa đề Rahulavada Sutta:

"Này Rahula, vị đệ tử rút ẩn dật vào rừng, dưới một cội cây, hoặc đơn độc một nơi vắng vẻ, ngồi tréo chân, thân người ngay thẳng và chăm chú giữ tâm niệm. Chú niệm, hay biết mình đang làm gì, vị ấy thở vô, chú niệm, vị ấy thở ra; khi thở vô một hơi dài vị ấy hay biết "ta thở vô một hơi dài"; khi thở ra một hơi dài vị ấy hay biết "ta thở ra một hơi dài"; khi thở vô một hơi ngắn hay biết "ta thở vô một hơi ngắn"; khi thở ra một hơi ngắn hay biết "ta thở ra một hơi ngắn".

"Hay biết trọn vẹn tiến trình của hơi thở, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "hay biết trọn vẹn tiến trình của hơi thở ra, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế. (Ở đây, "tiến trình trọn vẹn của hơi thở" được phiên dịch từ danh từ Pali "sabba-kaya", đúng nghĩa là thân mình, toàn thân. Nhưng theo Bản Chú Giải Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo, danh từ "kaya" không phải là thể xác vật chất mà có nghĩa là toàn thể cái khối hơi thở vô, và toàn khối hơi thở ra).

"Làm lắng dịu trọn vẹn tiến trình của hơi thở, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "làm lắng dịu trọn vẹn tiến trình của hơi thở, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Chứng nghiệm tâm phỉ, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "chứng nghiệm tâm phỉ, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Chứng nghiệm tâm lạc, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "chứng nghiệm tâm lạc, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Chứng nghiệm thọ và tưởng, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "chứng nghiệm thọ và tưởng, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Làm lắng dịu thọ và tưởng, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "làm lắng dịu thọ và tưởng, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Chứng nghiệm tâm định ở mức cao độ (jhanic, thiền), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "chứng nghiệm tâm định ở mức cao độ, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Tâm vô cùng phấn khởi (bằng thiền định cũng như bằng thiền tuệ), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "tâm vô cùng phấn khởi, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Tâm hoàn toàn an trụ vào hơi thở, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "tâm hoàn toàn an trụ vào hơi thở, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Giải thoát tâm (ra khỏi những pháp triền cái, nivarana, tức những pháp làm trở ngại con đường tiến bộ tinh thần của hành giả), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "giải thoát tâm, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Suy niệm về lý vô thường (trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "suy niệm về lý vô thường, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Suy niệm về sự không luyến ái (không dính mắc hay vấn vương vào bất luận gì trên thế giới), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "suy niệm về sự không luyến ái, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Suy niệm về sự chấm dứt (hoạt diệt), ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "suy niệm về sự chấm dứt, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Suy niệm về sự dứt bỏ, ta sẽ thở vô", vị ấy tự rèn luyện như thế; "suy niệm về sự dứt bỏ, ta sẽ thở ra", vị ấy tự rèn luyện như thế.

"Như thế, này Rahula, nếu được trau giồi như vậy và thường được thực hành, pháp chú niệm "hơi-thở-vào-thở-ra" này sẽ đem lại nhiều thành quả, nhiều lợi ích trọng đại. Này Rahula, khi mà pháp chú niệm hơi-thở-vào-thở-ra được trau giồi như vậy và thường được thực hành, chí đến hơi thở vô cuối cùng và hơi thở ra cuối cùng cũng được hay biết rõ ràng khi những hơi thở cuối cùng ấy chấm dứt".

Có người cho rằng pháp hành thiền này là thấp kém, vô ích, và không đưa đến đâu. Chúng ta cứ để cho họ tự nhiên, muốn nói gì thì nói. Hãy để cho các triết gia luận triết, để cho các nhà hùng biện tiếp tục trổ tài hùng biện. Hãy tiến bước trên con đường của ta, thực hành pháp chú niệm. Chí đến Ðức Thế Tôn xưa kia cũng không tránh khỏi bị người đương thời chỉ trích vì Ngài sống cuộc sống lánh xa "những tranh chấp và xung đột thấp hèn của đám đông điên cuồng", như ta thấy trong Bộ Digha Nikaya, Trường A Hàm, phần III, trang 38, những lời công kích thậm tệ mà Ðạo Sĩ Nigrodha vung vải vào Ðức thế Tôn:

"Sự sáng suốt của Sa Môn Gotama (Cồ Ðàm) đã bị thói quen sống ẩn dật làm suy tàn. Ngài không ở nhà để dẫn dắt hàng tứ chúng. Ngài không sẵn sàng để thảo luận. Ngài chỉ bận lo những việc phụ thuộc bên ngoài. Cũng như con bò chột mắt (chỉ có một con mắt) cố tránh né sự va chạm và đi vòng vòng ngoài rìa, Sa Môn Gotama cũng cùng thế ấy (sống ngoài rìa cuộc đời và tránh né sự va chạm)". (Udumbarika Sihanada Sutta, Digha Nikaya, quyển III, trang 38) .

Ðúng ra thì Ðức Phật không dùng tất cả thì giờ của Ngài để sống ẩn dật, đơn độc một mình. Ngài đi trên những con đường lớn và các nẻo nhỏ của xứ Ấn Ðộ để bủa rộng vừng hào quang từ bi của Ngài bao trùm tất cả chúng sanh. Thỉnh thoảng Ngài sống vắng vẻ trong một thời gian (như đã thấy ở phần trên, trang 37).

14. Năm triền cái

Khi gia công trau giồi chú niệm dần dần tâm của hành giả sẽ an trụ trọn vẹn vào hơi thở. Chừng đó hành giả ghi nhận rằng chỉ có hơi thở và cái tâm hay biết hơi thở ấy. Ngoài ra không có cái gì ở phía sau hơi thở và tâm hết, không có một tự ngã hay một thực thể nào đơn thuần, nguyên vẹn, thường còn, không biến đổi, hay một cái gì tương tợ. Hành giả và hơi thở không phải là hai, mà chỉ là một tiến trình, một sự phát sanh và hoại diệt suông, giống như những lượn sóng trên biển cả. Trong ý nghĩa cao siêu nhất, chỉ có sự hành thiền mà không có người hành thiền ở phía sau tiến trình hành thiền ấy. Nếu hành giả tiến đạt đến mức hiểu biết sự định tâm của mình như vậy thì mức định tâm của hành giả đã rất cao, và chừng ấy tâm phỉ lạc, vắng lặng, tự tại cũng phát sanh. Và đó là một chứng nghiệm phi thường và toàn hảo mà hành giả chưa hề thọ hưởng.

Sự chứng nghiệm thỏa thích này có thể chỉ tồn tại trong chốc lát, và tâm của hành giả lại rời đề mục. Tâm hành giả phóng đi và có thể hành giả thấy khó mà tập trung trở lại. Hành giả có thể cảm nghe uể oải hoặc buồn ngủ, chán nản hay lao xao, không yên, và hành giả hết muốn hành thiền nữa. Không sao đâu! Ðó là sinh hoạt bình thường của tâm. Tâm của con người là vậy. Giờ đây hành giả đã biết tác động của tâm mình, xuyên qua chứng nghiệm bản thân, chớ không phải xuyên qua kinh điển, sách vở, hay lời dạy của ai khác. Hành giả phải khơi động lòng nhiệt thành, tận lực tinh tấn, và quyết chí tiến hành cũng như tự quên mình. Một ngày nào hành giả có thể nhập thiền (jhana) bằng cách hoàn toàn chế ngự các pháp triền cái, những chướng ngại tinh thần. Sự định tâm này, pháp môn hành thiền định (samatha-bhavana, xa ma tha) này thật là thiết yếu để thấu hiểu chân chánh, sâu sắc, và minh sát (vipassana, tỳ bà xá na) để thành đạt tâm tuyệt đối lành mạnh -- Niết Bàn.

Người hành thiền phải đối phó với nhiều trở ngại, nhưng đặc biệt có năm chướng ngại ngăn chận sự gom tâm và trở ngại con đường giải thoát. Năm chướng ngại ấy được gọi là "triền cái" (nivarana, ngăn chận con đường) vì nó hoàn toàn đóng chặt, cắt đứt, và ngăn chận, đóng khóa sự giải thoát. Năm pháp ấy là gì? - Tham dục, sân hận, hôn trầm dả dượi, phóng dật lo âu, và cuối cùng là hoài nghi (xin xem phụ bản số 2).

Một cái tâm mà bị các trở lực tệ hại trên ngăn chận ắt sẽ không thể thành công tập trung vào một đề mục nào có bản chất trong sạch. Nếu không có chánh tinh tấn, hay sự nỗ lực chân chánh, thì không thể điều phục năm pháp triền cái. Chánh tinh tấn, cũng đồng nghĩa với chánh cần, có bốn tác dụng là ngăn ngừa, dứt bỏ, phát triển và củng cố. Chánh tinh tấn là kiên trì nỗ lực:

a. Ngăn ngừa các tư tưởng bất thiện chưa phát sanh, không để cho nó phát sanh.
b. Dứt bỏ, đánh đuổi những tư tưởng bất thiện đã phát sanh.
c. Làm cho phát sanh, và phát triển những tư tưởng thiện chưa phát sanh.
d. Nuôi dưỡng, củng cố những tư tưởng thiện đã phát sanh. (Xin xem phụ bản số 1)

Những tư tưởng bất thiện được đề cập ở đây là ba căn cội của tất cả những hành động tạo nghiệp dữ. Ðó là: những tư tưởng tham ái, sân hận và si mê. Tất cả những phiền não (khát vọng) và bợn nhơ khác đều quay quần chung quanh ba căn bất thiện này. Những tư tưởng thiện đối nghịch với các tư tưởng trên.

Tứ chánh cần, cũng đồng nghĩa với chánh tinh tấn, là điều kiện phải có để gom tâm an trụ. Chánh tinh tấn tác động chung và cùng một lúc với hai chi kia của nhóm Ðịnh, tức chánh niệm và chánh định. Chánh tinh tấn gội rữa những tư tưởng không lành mạnh, tác động như một trở ngại, làm cho tâm không thể lắng dịu.

Khi tâm của hành giả trở nên uể oải thì đó là lúc mà hành giả phải tập trung mọi nổ lực để chế ngự trạng thái dả dượi của mình. Trạng thái chai cứng của tâm vương hay của những tâm sở là kẻ thù vô cùng tệ hại cho công trình hành thiền, bởi vì khi tâm của con người mà hôn trầm thì nó sẽ trở nên lười biếng, nhuể nhoại. Càng nhuể nhoại lười biếng, càng tiến dần đến dửng dưng như không còn hay biết gì nữa.

15. Lánh xa cực đoan

Công trình trau giồi tâm trí bằng những cố gắng lớn lao như vậy không thể hoàn thành viên mãn trong một sớm một chiều. Người hành thiền phải chuyên cần thực hành một cách kiên trì và đều đặn. Một lực sĩ hay một người muốn được có thân hình tráng kiện, đẹp đẽ, không ngừng thao dợt hằng ngày, và luôn luôn theo đúng chương trình tập luyện của mình. Tập luyện đều đặn mà không quá sức ép mình một cách không cần thiết là điểm chánh yếu để thành công trong sự trau giồi cơ thể. Người chỉ cố gắng từng cơn, từng lúc, không thể nào trở thành một lực sĩ thượng thặng. Như vậy, khi luyện tập, trau giồi tâm trí, ta cũng phải áp dụng phương pháp trung dung ấy -- thực hành đều đặn và kiên trì.

Ta không cần phải nhọc công chiến đấu chống lại những tư tưởng bất thiện phát sanh trong khi hành thiền. Ta phải để cho nó diễn tiến một cách tự nhiên. Nếu ta tập trung nổ lực để xua đuổi những tư tưởng xấu ấy ắt sẽ không thành công. Ngược lại, ta phải ghi nhận và theo dõi quan sát lúc nó phát sanh và làm nó dịu xuống dần dần. Tập hành thiền cũng giống như tập lội. Nếu để im tay chân, không bơi lội, ắt phải chìm, nếu quơ tay quơ chân quay vòng vòng, ắt cũng không lội đến đâu. Hoặc nữa, tập hành thiền cũng giống như người muốn ngủ, nếu nổ lực tranh đấu, ép mình phải ngủ, ta sẽ không bao giờ ngủ được yên giấc mà chỉ trằn trọc thao thức. Giấc ngủ phải đến tự nhiên và ta phải để cho cơ thể nghỉ ngơi mà không có sự cố gắng nào để ép mình ngủ. Như vậy, có thể nói rằng tập hành thiền là một "sự cố gắng trong khi đó không có cố gắng gì hết", để cho tâm trí luôn luôn cảnh tỉnh và hay biết trong hiện tại.

Một lần nữa, quá sức tự ép mình là một trong hai cực đoan (cực đoan kia là để tâm buông lung phóng túng) mà Ðức Phật muốn cho người hành thiền nên tránh, vì không bổ ích và không dẫn đến vắng lặng và giác ngộ. Không ích gì phải tự ép xác (như vài đạo sĩ Ấn Ðộ vẫn còn làm) với dụng ý làm cho những tư tưởng bất thiện đừng phát sanh, bởi vì những khổ hạnh như vậy thường làm bực dọc và bất mãn. Khi tâm bị phiền toái, hành giả cảm nghe chán nản với việc hành thiền. Tất cả mọi công trình rèn luyện tâm trí phải được thực hành một cách tự nhiên và hành giả luôn luôn giác tỉnh ghi nhận. "Ép sức cố gắng quá độ và kém thận trọng cũng tựa hồ như cắm đầu chạy mau trong đêm tối".

Cũng như Ðức Thế Tôn đã chỉ dạy, người có ước nguyện giải thoát tâm bằng sự giác ngộ phải cố gắng tránh những cực đoan, bất luận ở đâu. Người ấy phải cố bám vào con đường "Trung Ðạo". Ðể thực hành chánh tinh tấn cũng vậy, ta phải giữ con đường ở khoảng giữa, tránh hai cực đoan. Như người kỵ mã để ý trông chừng vó ngựa của mình và mỗi khi thấy nó chạy mau hơn ý mình muốn thì từ từ gò cương lại. Ðàng khác, nếu thấy ngựa có vẻ trì chậm lại thì thúc chân cho nó nhanh lên, và như vậy người ấy có thể giữ đều vận tốc. Cùng thế ấy, ta phải trau giồi chánh tinh tấn như vậy. Không để quá sức, càng không nên để tinh thần quá căng thẳng, nhưng cũng không nên dể duôi trì hưởn, càng không nên để tinh thần quá dả dượi. Cũng như người kỵ mã tài giỏi, ta phải luôn luôn thận trọng trong sự cố gắng. Khi lên dây đờn quá thẳng hay quá dùng, người nhạc sĩ không thể nào đờn đúng giọng và như vậy, cây đờn không hữu ích. Ðằng khác, nếu đờn lên dây vừa đúng, không quá thẳng hay quá dùng, thì có thể đờn đúng giọng, và như vậy, cây đờn sẽ hữu dụng. Cùng một thế ấy, ép sức cố gắng quá mức sẽ làm tinh thần căng thẳng, và để cho dể duôi, buông lung, ắt trở nên lười biếng dả dượi. Thông hiểu tầm quan trọng của ngũ căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn -- saddha, viriya, sati, samadhi, và panna) ta phải giữ thăng bằng đồng đều năm chi ấy trong khi cố gắng và nhắm đến mục tiêu. (Xin xem phụ bản số 3, một câu chuyện hứng thú về người hành thiền)

16. Hiểu biết rõ ràng

Trong kinh điển Phật Giáo, danh từ "niệm" (sati) thường được dùng chung với một danh từ khác, cũng đồng ý nghĩa: Sampajanna, hiểu biết rõ ràng. Danh từ kép "sati-sampajanna" thường được dùng trong các bài kinh. "Niệm" và "hiểu biết rõ ràng" hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Ðó là sự hiểu biết rõ ràng từng hoạt động và mọi cử động của thân.

Vị hành giả giữ tâm niệm, hiểu biết rõ ràng những hoạt động của cơ thể mình cũng hay biết oai nghi của mình. Như khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, người hành thiền luôn luôn hay biết các nghi thế ấy. Tất cả mọi hoạt động của mình, vị ấy đều làm với tâm hoàn toàn giác tỉnh:

"Khi đi tới đi lui, khi nhìn trước hoặc nhìn một bên, hành giả chú tâm hay biết rõ ràng (sampajanakari hoti); khi co tay chân vào hoặc duỗi ra, hành giả chú tâm hay biết rõ ràng; khi mặc áo, khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nghe vị của thức ăn, khi đi cầu, hành giả chú tâm hay biết rõ ràng; khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm (sutte), khi tỉnh giấc (jagarite), khi nói, và khi giữ im lặng, hành giả hay biết rõ ràng."

Danh từ "sutte", khi dùng để chỉ một oai nghi, là thế nằm. Nhưng chính xác hơn, ta nên hiểu đó là khi "ngủ", hoặc khi "thiu thỉu ngủ". Trong khi nằm xuống ngủ hành giả luôn luôn giữ tâm niệm vào đề mục hành thiền (kammatthana) của mình, và như vậy là ngủ với tâm không xao lãng.

Danh từ "jagarite" có nghĩa là khi thức dậy, hoặc khi tỉnh ngủ. Khi vừa tỉnh giấc, trước khi mở mắt ra nữa, hành giả chú niệm liền vào đề mục hành thiền tức thì. Danh từ này cũng có thể áp dụng vào những trường hợp như: 1.- thức dậy một cách giác tỉnh (không để cơn buồn ngủ lấn áp) trong khi hành giả chuyên chú niệm trong nghi thế nằm (vì bệnh hoạn, hay vì bị tật nguyền), và 2.- trong những đêm thao thức không yên giấc, khi ta cố gắng ép giấc ngủ, tâm chú niệm và hiểu biết rõ ràng có thể giúp ta chấp nhận tình thế một cách yên ổn và hiểu biết nguyên do tại sao không ngủ được. Trong chính trạng thái yên ổn và hiểu biết ấy, may ra giấc ngủ tự nhiên sẽ đến.

Trong ý nghĩa rộng hai danh từ "sutte" và "jagarite", khi ngủ và khi tỉnh giấc, vượt ra xa hơn là ý nghĩa hàm xúc một nghi thế, vì ta có thể ngủ trong oai nghi ngồi hay đứng chớ không phải chỉ nằm mới ngủ. Trong ý nghĩa cao siêu nhất, thường ta ngủ trong khi tâm bị các ô nhiễm (kilesa) chi phối (xin xem Samyutta Nikaya, Jagara sutta, Devata samyutta). Cùng thế ấy, danh từ "jagarite" bao hàm trạng thái giác tỉnh, đặc tính của sự chuyên cần chú niệm, trong ý nghĩa rộng rãi nhất. Như Ðức Phật dạy: Người luôn luôn giác tỉnh, ngày đêm tự kềm chế trong khuôn khổ kỹ cương và trọn vẹn hướng tâm về Niết Bàn, mọi hoặc lậu của người ấy đều bị tiêu trừ.

Như vậy, trong tất cả những hoạt động của thân như kể trên, và trong tất cả các hoạt động khác, người hành thiền phải luôn luôn chú niệm và giác tỉnh. Ðây là lời dạy của Ðức Thế Tôn: "Chú niệm, này chư Tỳ Khưu, Như Lai tuyên bố, là điểm chánh yếu trong mọi việc, ở mọi nơi". (Samyutta Nikaya, quyển V, trang 115),và theo Bản Chú Giải Kinh Tứ Niệm Xứ, chú niệm cũng chánh yếu cho sự tu tập như muối cần thiết cho sự nấu một nồi cà ri. Ở một nơi khác Ðức Thế Tôn dạy: "Này chư Tỳ Khưu, Như Lai không biết có cái chi khác mà đem lợi ích lại được nhiều như sự chú niệm. Chú niệm quả thật vậy, đem lại rất nhiều lợi ích lớn lao". (Anguttara, quyển I, trang 3)

Ta phải nhận thức vấn đề chú niệm và hiểu biết rõ ràng trong ý nghĩa rộng rãi. Lẽ dĩ nhiên, bốn điểm tinh tấn (tứ chánh cần) như đã được trình bày ở phần trên, là một bảo vệ chắc chắn. Sự chú niệm phải được áp dụng rộng rãi vào tất cả những trường hợp, ngay từ lúc đầu, và trạng thái vắng lặng của tâm giác tỉnh sẽ giúp hành giả nắm vững tình thế một cách thuận lợi. Tuy nhiên -- đây cũng là một sắc thái của chính con đường "Trung Ðạo" - - có những trường hợp mà hành giả phải vận dụng pháp tứ chánh cần trong hình thức mạnh mẽ nhất, như được ghi nhận trong kinh Vitakkasandhana sutta (xin xem phụ bản số 4), khi mà chú niệm suông không đủ khả năng chế ngự.

Kinh điển có thuật lại câu chuyện hứng thú về Ðại Ðức Maha Phussa. Ngài luôn luôn giữ tâm niệm và theo dõi những tư tưởng của mình. Trong khi Ngài đi nếu có một ý nghĩ bất thiện phát sanh thì Ngài liền dừng chân và chỉ đi trở lại khi tâm bất thiện ấy chấm dứt. Nhiều người thấy vậy ngỡ rằng Ngài bị lãng trí hoặc Ngài đã đánh lạc mất vật gì trên đường đi. Về sau, nhờ thường xuyên chú niệm và hiểu biết rõ ràng như vậy Ngài thành tựu mỹ mãn ước nguyện thanh lọc hoàn toàn tâm trí và trở thành một vị A La Hán, người tuyệt đối trong sạch, không còn mảy may ô nhiễm nào. Ðiều này cho thấy rằng các bậc Thầy Tổ từ ngàn xưa chẳng những quan sát và hay biết tư tưởng mình trong khi ngồi thiền, vào những giờ giấc nhất định, mà luôn luôn, từng giây, từng phút không ngừng nghỉ.

17. Nghệ thuật nghỉ ngơi

Khi ngồi thiền một ít lâu hành giả có thể cảm nghe tay chân mệt mỏi hay đau nhức và thấy cần được thoải mái. Chừng đó hành giả có thể bắt đầu đứng dậy đi (thường được gọi là đi kinh hành). Từ lúc chuẩn bị đứng dậy hành giả không cần phải chú tâm vào hơi thở nữa mà chuyên sự chú tâm và mọi cử động của cơ thể mình. Hành giả đi chậm chậm và luôn luôn theo dõi từng hoạt động. Nếu thấy phóng thì kéo nó trở về oai nghi "đi" mà không dính mắc vào những ý nghĩ nào khác. Khi chân chấm đất, hãy ghi nhận và hay biết cảm giác xúc chạm này. Ði cũng là đề mục hành thiền, hay nói cách khác, là một phương cách để rèn luyện tâm giác tỉnh.

Trong khi theo học một khóa thiền hành giả hãy cố gắng luôn luôn giữ tâm giác tỉnh, bất luận ở đâu và đang làm gì. Khi ngồi, khi đứng, đi, làm việc, ăn, uống v.v... hãy chuyên cần chú niệm.

Trong khi ngồi thiền nếu hành giả bị tê chân thì cứ duỗi chân ra, lấy tay thoa lên. Hành giả cũng có thể nghỉ ngơi trong thế nằm. Sau khi ngồi lâu mệt mỏi hành giả có thể nằm trên ván hoặc trên giường có mặt bằng phẳng. Hành giả nằm ngửa và cố gắng không dùng gối để gối đầu. Hai chân thong thả duỗi ra. Hai tay thoải mái để dọc theo thân mình. Mắt nhắm, không suy tư sâu xa, mà nhẹ nhàng đặt tâm vào đề mục, nhưng không phóng tâm. Hãy để cho mỗi bắp thịt đều được nghỉ ngơi và toàn thân thong thả tự nhiên trong vài phút. Ðôi khi, trong lúc nghỉ ngơi như vậy, có thể hành giả ngủ quên đi một lúc, và sau đó cảm nghe khoẻ khoắn dễ chịu, sẵn sàng để tiếp tục hành thiền trở lại. Hành giả có thể nghỉ ngơi thế đó, không những trong thời giới hành thiền mà bất luận lúc nào trong ngày, khi nghe mình mệt, hoặc khi cảm thấy cần phải nghỉ.

(xem tiếp Phần 4)


Nguyên tác: Piyadassi Mahathera (1991). Buddhist Meditation, in "The Spectrum of Buddhism", Chapter 10. Reprinted by The Corporate Body of the Buddha Educational Foundation, Taiwan (1996)


[Phần 1][Phần 2][Phần 3][Phần 4][Phần 5][Mục lục][Nguyên tác Anh ngữ]
[Thư mục] [Trang chánh]

 revised: 27-08-2003