[BuddhaSasana]

[Unicode Fonts]


  

Pháp trích lục
Huỳnh Văn Niệm soạn dịch


Tập 2

9. Kỳ thị về giai cấp

Người Bà La Môn Assalayana đến hỏi Phật:

"Bạch thầy Gotama, các người Bà La Môn thường nói: "Chỉ có những nhân vật dòng Bà La Môn là cao quý hơn hết. Tất cả những giai cấp khác là thấp hèn. Chỉ có người Bà La Môn mới có nước da trắng trẻo đẹp đẽ. Còn những người thuộc giai cấp khác thì có nước da ngâm. Chỉ có người Ba La Môn là trong sạch thanh cao. Còn những kẻ khác đều thấp hèn đê tiện. Chỉ có người Bà La Môn là con cháu đích tông của trời Phạm Thiên (Brahama), được sanh ra từ cửa miệng ngài. Họ là đệ tử của trời Phạm Thiên và là kẻ thừa tự ngài".

Ðức Phật đáp:

"Này Assalayana, vậy chớ người nghĩ thế nào? Những phụ nữ Bà La Môn cũng có kinh kỳ như các phụ nữ khác. Họ cũng có nghén như các phụ nữ khác, cũng cho con bú. Tại sao người Bà La Môn cũng từ đàn bà sanh ra lại khoe khoang cho mình là cao quý hơn mấy giai cấp khác?".

- Bạch thầy Gotama: "Tuy thầy nói vậy nhưng họ vẫn quả quyết như thế".

Ðức Phật hỏi:

"Vậy chớ người có nghe trong vài xứ lân bang chỉ có hai hạng người là gia chủ và tôi tớ đó sao? Và một đôi khi người chủ trở thành tôi tớ và đứa tớ đổi sang địa vị chủ gia?

- "Bạch thầy nói phải đó, nhưng mấy người Bà La Môn vẫn cố chấp rằng mình là cao thượng hơn cả".

- "Này Assalayana, người nghĩ sao? Có phải những người Bà La Môn lúc sanh tiền phạm tội sát hại sanh vật, trộm cướp, tà dâm nói dối, hung dữ, tà kiến... sau khi chết cũng bị đọa vào bốn đường ác đạo?"

- "Chính phải vậy, bạch thầy Gotama, dù là con người thuộc dòng Bà La Môn, thuộc giai cấp cao sang quyền quý, người thương gia hay nô lệ, một khi đã gây ra nghiệp dữ thì sau khi chết sẽ bị sanh vào cảnh giới khổ đau hoặc bị hành phạt nơi địa ngục. Bạch thầy nói rất đúng, nhưng các người Bà La Môn vẫn đinh ninh rằng họ là cao quý hơn hết, là con cháu đích tông của trời Phạm Thiên".

- "Này Assalayana, còn phải chăng chỉ có người Bà La Môn nào biết làm những điều lành, không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, hung dữ, tà kiến... sau khi chết sẽ được thọ sanh vào cảnh an vui, được hưởng phước nơi cõi thiên đàng, còn những thiện nhân khác thì không được sao?"

- "Bạch thầy Gotama, tất cả những ai biết làm lành lánh dữ, dù họ thuộc giới Bà La Môn, chiến sĩ, thương gia hay lao động thì thảy thảy đều được hưởng quả vui chớ chẳng riêng gì cho giai cấp Bà La Môn. Thầy nói rất đúng, nhưng họ cũng vẫn tin rằng mình là cao quý hơn cả".

- "Này Assalayana, người nghĩ sao? Phải chăng chỉ có hạng Bà La Môn mới biết noi theo đường phạm hạnh, biết tu tập, trau giồi giới đức, từ bi bác ái để trở nên an tịnh, phát sanh trí tuệ, diệt trừ phiền não, còn những giai cấp khác lại không được?"

- "Bạch thầy Gotama, bất cứ là người trong giới Bà La Môn, người chiến sĩ, thương gia hay nô lệ đều cũng có thể tu tập, trau giồi đức hạnh, từ bi bác ái, để trở nên an tịnh, phát sanh trí tuệ, diệt trừ phiền não. Tuy nhiên, nhóm Bà La Môn cũng nói rằng họ là cao thượng hơn hết".

- "Này Assalayana, phải chăng chỉ có người Bà La Môn dùng bột xà phòng xuống sông tắm gội sạch sẽ còn những người khác thì không?"

- "Bạch thầy, ai nấy cũng có dùng bột xà phòng tắm gội sạch sẽ như nhau chớ, chẳng riêng gì người Bà La Môn. Nhưng họ vẫn cho rằng mình đứng trên các giai cấp khác".

- "Này Assalayana, ví dụ có một đức vua cho gọi vào triều 100 người thuộc giai cấp khác nhau và phán: "Vậy trong số 100 người đó, những ai thuộc dòng Bà La Môn hay cao quý, hãy lấy một mớ cây Sala, cây trầm hương hay cộng sen khô đem đốt cháy lên cho nóng.

"Này Asslayana, vậy phải chăng chỉ có hai hạng người đó có thể lấy những thứ kể trên đốt thành lửa nóng cháy đỏ, sáng ngời, lên cao ngọn, còn hai hạng thương gia và lao động thì làm không được? Hoặc những kẻ khác nữa, như thợ làm bẫy, thợ đan rổ tre, thợ đóng thùng xe, dân phu rửa thùng phẩn, lấy cây mục của máng cho heo, cho chó ăn, lấy thùng cây nhuộm vải, lấy que cây thầu dầu đem đốt lên, thì họ không được lửa nóng, cháy đỏ, sáng ngời, cao ngọn hay sao?"

- "Bạch thầy Gotama, bất cứ là hạng người nào, dùng bất cứ cây hay vật dẫn hỏa nào cũng có thể đốt lên lửa nóng, cháy đỏ, sáng ngời, cao ngọn. Thầy nói phải, nhưng mấy ông Bà La Môn vẫn cho rằng họ là cao thượng hơn hết."

- "Này Assalayana, thêm một ví dụ nữa. Có hai anh em ruột dòng Bà La Môn. Một người thì thông minh lão luyện, thông suốt cả ba bộ kinh Phệ Ðà (Vêda) rất sành sỏi trong việc tế lễ, còn người kia dốt nát, gàn dở. Hỏi vậy mỗi khi có dịp cúng kiến tổ tiên hoặc tế lễ thánh thần, người nào được lễ vật nhiều và kính trọng hơn?"

- "Bạch thầy Gotama, chính người học cao hiểu rộng, sành sỏi trong việc tế lễ cúng kiến được kính nể và thụ hưởng lễ vật nhiều hơn".

Phật hỏi:

- "Nhưng nếu thầy Bà La Môn học hỏi uyên thâm, sành nghề cúng tế đó lại vô giới hạnh, có tánh nết xấu xa tàn bạo, còn người thất học kia lại tánh tình hòa nhã, giới đức thanh cao, thì người nào sẽ được lễ vật nhiều và trọng nể hơn?"

- "Bạch thầy Gotama, lễ tất nhiên các tín thí sẽ kính nể và dâng cúng dồi dào đến thầy Bà La Môn có giới hạnh trong sạch, tánh tình khiêm tốn, dễ thương. Vì kẻ có giới đức, tánh tình hèn hạ không thể đem lại điều lợi ích nào cả".

- "Này Assalayana, giờ đây người đã bắt đầu lãnh hội rõ rệt đấy! Từ sự kiện về dòng giống, giai cấp, bước qua giai đoạn bùa chú thần quyền, người đã nhận thức cuối cùng giá trị quan trọng về giới hạnh con người là cao quý hơn cả, bất phân giai cấp dòng giống.

"Ðó là Giáo Lý căn bản của Như Lai vậy".

-- Trung Bộ Kinh

10. Thế nào là bậc Sa Môn?

Ta có nghe như vầy:

Thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại tỉnh l?ssapura thuộc về xứ Anga. Ngài có thuyết:

"Hỡi này các Tỳ kheo! Dân chúng gọi các ngươi là Sa môn và nếu có ai hỏi tới, các ngươi cũng đều công nhận như thế. Vậy các ngươi phải ăn ở cách nào cho xứng đáng với phẩm hạnh sa môn?

"Này các Tỳ kheo, chúng ta là kẻ xuất gia đang hành trình trên đường siêu việt. Nhờ cố công trau giồi giới đức, chúng ta được người tín thí dâng cúng và thọ hưởng bốn món vật dụng như: tam y quả bát, vật thực, chỗ ở, thuốc men. Người hành đạo chân chánh thọ được nhiều quả báu tốt lành như thế. Vậy chẳng phải chúng ta rời bỏ thế gian trong sự thiếu thốn, không được lợi lộc gì, mà tư cách xuất gia thật ra rất cao thượng hữu ích thế nào? Và nó mang lại biết bao thành quả tốt tươi cao thượng.

"Này các Tỳ kheo, còn người xuất gia không thực hành đúng đắn đường lối tu tập là thế nào? Ðó là:

- Thầy Tỳ kheo có tánh tham lam khao khát, chẳng chịu dứt bỏ lòng tham dục
- Thầy Tỳ kheo có tư tưởng xấu xa tội lỗi và không tìm cách diệt trừ nó;
- Thầy Tỳ kheo còn tánh sân hận cộc cằn thô lỗ;
- Thầy Tỳ kheo ra vẻ thu thúc, giả nhân giả nghĩa để gạt gẫm tín đồ;
- Thầy Tỳ kheo còn tánh thù hằn, oán giận, uất ức;
- Thầy Tỳ kheo có tánh ganh tị chẳng muốn ai khác hơn mình.
- Thầy Tỳ kheo keo kiệt, bỏn xẻn, ham tom góp vật này vật nọ để làm của riêng;
- Thầy Tỳ kheo có tánh xảo quyệt dối trá, dùng lời không ngay thật, nói ướm để được bố thí.
- Thầy Tỳ kheo có ác tâm tham muốn bất chánh;
- Thầy Tỳ kheo thường suy nghĩ tà vạy, có tánh tà kiến.

"Như Lai nói các Tỳ kheo đó không chịu chừa bỏ những tánh xấu xa tội lỗi. Chúng phải bị đọa vào cảnh khốn cùng, gánh nhiều đau khổ vì chẳng giữ đúng theo phẩm hạnh Sa môn. Chúng là những kẻ che giấu con dao bén dưới bộ áo cà sa. Như Lai đã khuyên hòa rành mạch những điều đó khi người giới tử xin thọ cụ túc giới để bước chân vào đạo.

"Như Lai không cho rằng đời đạo đức có thể tượng trưng bằng những kẻ chỉ khoát áo cà sa cho có lệ, hoặc những đạo sĩ lõa lồ, rách rưới bẩn thỉu, những kẻ thân hình phủ đầy cát bụi, những kẻ thường xuyên xuống sông Hằng tắm gội, những người sống dưới cội cây, những kẻ rán chịu đựng phong sương tuyết giá, đứng như trời trồng dưới sức nóng cháy da, những kẻ bày ra cách ăn uống kham khổ khác thường, những kẻ thông thạo các thánh kinh, sành nghề bùa chú, những kẻ mang búi tóc đang trên đỉnh đầu.

"Này các Tỳ kheo, nếu chiếc áo cà sa có oai lực diệt trừ được tất cả những tật: Tham lam, sân hận, ganh tị, bỏn xẻn, xảo quyệt, ác tâm, tà kiến, thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần khoát lên đứa bé bộ áo cà sa khi nó mới chào đời và căn dặn như vầy: "Ngươi rất hân hạnh mặc được mảnh áo nhiệm màu này, vì nó có đủ năng lực làm tiêu tan các tật xấu xa tội lỗi: tham lam, sân hận, ganh tị, bỏn xẻn, xảo quyệt, ác tâm, tà kiến..."

"Có một số Tỳ kheo tuy vẫn mặc y mang bát nhưng thân tâm nhơ bẩn thấp hèn, ngoan cố chẳng chịu tẩy trừ nết xấu. Lẽ đó, Như Lai không công nhận họ là Sa môn chỉ vì mình mặc áo cà sa, cũng như những đạo sĩ lõa lồ, bẩn thỉu, rách rưới, những kẻ thân hình phủ đầy cát bụi, những kẻ thường xuyên xuống sông Hằng tắm gội, những người sống dưới cội cây, những kẻ rán chịu đựng phong sương tuyết giá, đứng như trời trồng dưới sức nóng cháy da, những kẻ bày ra lối ăn uống kham khổ khác thường, những kẻ thông thạo các thánh kinh, sành nghề bùa chú, những người mang búi tóc đan trên đỉnh đầu...

"Này các Tỳ kheo, vậy người xuất gia phải giữ nếp sống như thế nào để xứng đáng với danh hiệu Sa môn? Ðó là:

- Khi thầy Tỳ kheo có tánh tham lam, có tư tưởng xấu xa, cộc cằn thô lỗ, thu thúc giả dối, hay thù oán, ganh tị, keo kiệt, dối trá, ác tâm, tà kiến, nhưng biết nhận thức những điều ấy là xấu xa đê tiện, rồi để hết nghị lực trau giồi phẩm hạnh ngày thêm trong sạch thanh cao. Như Lai gọi người ấy mới thật xứng đáng với danh hiệu Sa môn.

"Thầy Tỳ kheo tự trắc nghiệm lấy bản thân, biết rằng mình đã tẩy trừ được các điều nhơ nhớp, thoát ly ra khỏi thế sự. Mà khi biết mình đã hoàn toàn trong sạch, người phát tâm vui thích với hạnh phúc thanh cao. tinh thần thơ thới, thân tâm an tĩnh thản nhiên, người rất vừa lòng toại nguyện. Tâm tư thấm nhuần tình thương rộng lớn, người rải tủa từ bi bác ái khắp bốn phương tám hướng, rải từ bên trên, bên dưới, bên ngang và khoảng giữa. Người được giải thoát ra khỏi tham lam, sân hận, si mê, thong thả ngao du đây đó, không còn điều chi sợ hãi lo âu.

"Lúc này thầy Sa môn trở nên yên lặng như hồ nước trong trẻo, mát mẻ, ngọt ngào, có những bực thang đưa tới một nơi thắng cảnh vô cùng hấp dẫn. Khi đó nếu có chàng lữ khách đang đau khổ vì khát nước dưới cơn nóng buốt, thân hình uể oải, từ phương đông đi tới, chàng ta có thể nhờ hồ nước nhiệm mầu cứu rỗi, khiến thân tâm được phục sức, thơ thới nhẹ nhàng và lướt qua khỏi những nỗi thống khổ trong cuộc hành trình diệu vợi. Nếu có những lữ khách từ hướng tây, hướng bắc, hướng nam, hoặc bất cứ ở đâu đến cũng đều nhận được sự hỗ tương quý báu của hồ nước nhiệm mầu.

"Này các Tỳ kheo, khi một con người thuộc hàng vương giả rời bỏ gia đình sự nghiệp đi tìm sống cảnh không nhà, nếu biết nghiêm trì Giới Luật của Ðức Như Lai, thì tâm tư người được tràn ngập từ bi bác ái. Người trở nên an tĩnh, chẳng bị thế sự buộc ràng lay chuyển. Người đã thành đạt mức độ tịnh tâm tuyệt diệu, đã diệt trừ phiền não, vì đã thực hành đúng theo đường lối của các bậc Sa môn.

"Những người thuộc dòng Bà La Môn hoặc các giai cấp khác như thương gia, lao động, rời bỏ gia đình của cải đi tìm sống cảnh không nhà, nếu biết nghiêm trì Giới Luật của Ðức Như Lai, thì tâm tư họ cũng được tràn ngập từ bi bác ái, được an tĩnh không bị thế sự buộc ràng lay chuyển. Những người ấy đã thành đạt mức độ tịnh tâm tuyệt diệu, đã diệt trừ phiền não, vì đã thực hành đúng đường lối của bậc Sa môn.

-- Trung Bộ Kinh

Lời của dịch giả

Bài pháp trên đây rất phù hợp với thời đại hiện nay, vì các tôn giáo đang bị một số đông những phần tử bất hảo nhảy vào gây lủng đoạn.

Phật Ngôn có câu: "Tài sản duy nhất của loài chim là cái đuôi và cặp cánh. Thầy Tỳ kheo chỉ sống tri túc với mảnh y để che thân và vắt cơm bố thí để no lòng. Ði đâu người chỉ mang theo tam y và quả bát".

Tục ngữ cũng thường nói: "Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo". Tuy nhiên bất cứ thời đại nào, bất cứ trong đạo giáo nào cũng có một số lớn phần tử chẳng có chút tài sản gì để vứt bỏ, chẳng có nghề nghiệp nào để sanh sống, trà trộn vào khuấy rối bề hành đạo của những bậc chân tu, lợi dụng lừa gạt tín đồ để nuôi mạng và đôi khi cũng tạo nên sự nghiệp kết xù là khác.

Ðối diện với các đạo sĩ, Tỳ kheo, linh mục, khất sĩ, phủ thân bằng lớp nâu sòng, hoặc lõa lồ rách rưới kham khổ, hoặc gặp những nhà truyền giáo học vấn cao thâm, ăn nói hoạt bát, hạng phàm nhân chúng ta rất khó bề nhận định ai là bậc tu hành chân chánh. Biết bao người lợi dụng chiếc áo cà sa, biết chế ngự kẻ tín thí bằng nhiều lý luận tráo trở xảo quyệt. Trước mặt công chúng họ ra vẻ thu thúc như con cò đứng yên một cẳng, lim dim đôi mắt chờ đớp mồi ngon nhưng ít ai biết được sự sanh hoạt riêng tư của họ là thế nào?

Cũng có vài hành giả bày trò tham thiền nhập định giữa đám đông trong khi các bậc hiền triết đều ẩn dật trong nơi thanh vắng xa xóm, xa người. Cũng có hạng nói mình giữ hạnh đầu đà, ôm bát ra đi từ mờ sáng đến tối mới trở về rồi nói mình đi khất thực, độ dưới cội cây, nghỉ trưa nơi vắng vẻ, nhưng khi màn đêm sụp xuống thì sợ mất an ninh.

Khổ nổi, số đông tín đồ lại không dám dòm ngó ông thầy sợ mang tội, cho rằng nằm trên chiếu rách cũng đỡ hơn nằm đất. Vị giáo sư say sưa bài học nhưng vẫn là thầy của các trò khi vào lớp.

Những thứ dây chùm gởi này đã có từ lâu, nên Ðức Phật mới giải bày rành mạch như trên nhằm mục đích dạy con người biết cách phân biệt kẻ chánh người tà để gieo giống lành trên mảnh đất phì nhiêu, biết rõ thật sự ai là kẻ "Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo" có nếp sống giản dị như loài chim chỉ có cái đuôi và cặp cánh.

11. Kiến thức của những người mù

"Hỡi này các Tỳ kheo! Các ngươi nói với Như Lai rằng có nhiều nhóm đạo sĩ, Bà La Môn hay khất sĩ du phương thuộc những chi đạo khác nhau thường ủng hộ những kiến thức khác nhau, vui thích những lý thuyết khác nhau, hướng về các sự việc khác nhau, tin tưởng những lời lẽ khác nhau.

"Này các Tỳ kheo, có nhóm thường hay binh vực và tin tưởng như vầy: "Thế gian là trường tồn vĩnh cửu. Ðó là chân lý, còn những chuyện khác là vô lý, là dốt nát khờ khạo".

Có kẻ lại nói: "Thế gian sẽ có ngày kết thúc. Kẻ khác cho rằng thế gian sẽ không chấm dứt".

Có kẻ nói: "Căn bản của đời sống là xác thân. Kẻ khác lại nói xác thân là một chuyện, còn sự sống là chuyện khác".

Có kẻ nói: "Cái Ta sẽ biến chuyển sau khi chết, người khác nói rằng không".

Có kẻ lại nói: "Sau khi chết, cái Ta sẽ biến chuyển hoặc không biến chuyển.. Ðó là chân lý, còn các ý nghĩ khác đều vô lý, đều là chuyện ngu dốt dại khờ".

Vì lẽ đó, các nhóm đạo sĩ, Bà La Môn hay khất sĩ du phương thuộc các đạo giáo khác thường hay xung đột với nhau, ham cãi lẫy, lý luận, biện minh, đấu khẩu với nhau, để bênh vực kiến thức riêng của mình và cho rằng: "Cái này là Chánh Pháp còn cái kia không phải. Cái này đúng chân lý, cái kia không đúng, vân vân...".

"Hỡi này các Tỳ kheo! Những nhóm đạo sĩ, Bà La Môn hay khất sĩ du phương đó đều dốt nát mù quáng, không biết đâu là mục đích cứu cánh, đâu là chẳng phải. Không biết cái nào là Chánh Pháp và cái nào chẳng phải. Vì vậy họ thường hay xung đột với nhau, ham cãi lẫy, lý luận, biện minh, đấu khẩu với nhau để ủng hộ lập trường của mình. Họ tranh chấp, phỉ báng nhau vô ích vì không thấu rõ đâu là mục đích giải thoát và đâu là không phải.

"Các ngươi hãy nghe câu chuyện sau đây:

"Thuở xưa kia, cũng tại thành Savatthi này, có một quốc vương bày một trò chơi, ra lệnh đưa tất cả những người mù từ lúc sơ sanh vào triều để nhìn xem một con voi. Tên nài nói với các người đui như vầy: "Ðây là con voi". Rồi cho cho vài người rờ cái đầu voi, người khác cái tai voi, người khác cái bụng, người khác nữa cái ngà, cái vòi, cái chân, cái lưng, cái đuôi, chòm lông đuôi và nói với mỗi người mù rằng đó là con voi.

Ðức vua ngự đến hỏi nhóm người đui vậy chớ con voi là thế nào? Những người rờ đầu nói rằng con voi giống như cái chậu. Người mò nhằm tai nói voi giống như cái nia..., ngà voi giống như lưỡi cày, vòi như cái cày, bụng như cái bồ lúa, chân như cột nhà, lưng như cái cối xay, cái đuôi như cây chài giả gạo, chòm lông đuôi như cây chổi. Mỗi người mù đều cho rằng mình nói đúng, tranh cải dữ dội, la lối om sòm: "Phải vậy mà! Không phải đâu! Con voi là thế này chớ chẳng phải thế kia!". Rồi nhóm người mù đi đến xung đột, đấm đá nhau. Ðức vua rất thích thú đùa bởn với trò chơi ấy.

"Này các Tỳ kheo, những đạo sĩ, Bà La Môn, khất sĩ du phương trong các giáo phái khác cũng mù quáng như thế nên không nhìn thấy chi cả. Họ không biết đâu là mục đích giải thoát, đâu là không phải. Cái nào là Chánh Pháp và cái nào không phải. Lẽ đó họ luôn luôn gây ra tranh chấp, cãi vả, xung đột với nhau vì không biết rõ thế nào là mục đích giải thoát, thế nào không phải và đâu là Chánh Pháp và đâu là không phải.

-- Kinh Phật Tự Thuyết, Udana 66-69

Lời của dịch giả

Hạng phàm phu nhận định những sự việc với đôi mắt thịt, dùng lý trí suy đoán các hiện tượng nên thường hay lầm lẫn. Chỉ có bậc hiền triết dùng sự hiểu biết siêu nhân mới thấu rõ mọi vật đúng theo chân lý.

Ðức Phật ví những đạo sĩ, Bà La Môn, khất sĩ chưa giác ngộ như những người mù, vì họ không thấu rõ lý Tứ Diệu Ðế và tư cách sanh diệt của chúng sanh (Thập Nhị Nhân Duyên) suy nghĩ vu vơ, vô căn cứ rồi cho rằng kiến thức của mình là đúng chân lý và phủ nhận các lý thuyết khác.

Ðức Phật dùng danh từ "Mục đích giải thoát" để ám chỉ Niết Bàn. Người chưa giác ngộ không sao hiểu rõ Niết Bàn là thế nào. Cũng như con cá hỏi rùa vậy nơi đất liền có sông rạch không? Và muốn biết nó có thể lội trên đó được không? Dù rùa giải thích thế mấy nó cũng không nghe.

Còn Chánh Pháp là nói về Tứ Diệu Ðế, giáo lý căn bản của đạo Phật. Con người chỉ hành theo Bát Chánh Ðạo (Ðạo Ðế) thì mới mong thoát khổ. Ngoài đạo Bát Chánh không thể có đạo quả thánh nhân.

Những người mù mắt tuy không thấy nhưng tai vẫn nghe kẻ khác nói, rồi căn cứ vào đó để suy tưởng mọi việc một cách sai lầm.

Trong sáu năm tu khổ hạnh, Ðức Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta đã gặp hai ông thầy là Alara và Uddaka. Mỗi ông có đường lối hành đạo khác nhau và tin tưởng rằng mình đã giải thoát. Năm thầy Kiều Trần Như cũng cố chấp lối tu khổ hạnh của mình là đúng. Sau khi đắc đạo Ðức Phật đã tận dụng 3500 phép thần thông nhưng vẫn không thuyết phục được Ðại Ðức Kassapa thờ thần lửa và sau cùng phải dùng tới phép mầu cùng tột gọi là Phép Mầu về Giáo Pháp (uy lực tuyệt đối của Ðức Chánh Biến Tri) mới xong.

Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya) có ghi lại một mẫu chuyện lý thú có liên quan tới bài Pháp trên đây:

"Thuở nọ, một ông già Bà La Môn có bà vợ trẻ tuổi mà ông ta rất tưng tiu chìu chuộng. Bà vợ có nghén và lúc gần sanh buộc chồng tìm mua cho được một con khỉ đực để làm bạn với đứa trẻ sắp ra đời. Người chồng già nói: "Xin nàng hãy đợi tới lúc sanh sản rồi mới biết là gái hay trai. Nếu được con trai thì tôi sẽ mua một con khỉ đực cho nó chơi. Còn sanh gái thì tìm một con khỉ cái". Thầy Bà La Môn năn nỉ ba lần như vậy nhưng bà nủng nịu không nghe nên đành ra chợ mua con khỉ đực đem về để làm vừa lòng người vợ trẻ. Bà lại sai chồng đem con khỉ đến người thợ Rattapani mướn nhuộm lông nó ra màu cho lạ hơn những con khỉ khác, và dặn chồng bảo anh thợ nhuộm phải dày vò con khỉ cho lông nó dễ ăn màu.

Người thợ nhuộm Rattapani nói với lão Bà La Môn rằng anh ta có thể nhuộm lông con khỉ ăn màu tốt được phần nào hay phần ấy chớ không thể dày vò con khỉ, vì làm vậy nó sẽ chết mất. Chỉ có hàng vải mới có thể dày vò cho dễ ăn màu.

Còn cô vợ trẻ của ông Bà La Môn chưa sanh con, không biết nó sẽ là gái hay trai, lại buộc người chồng già phải tìm mua con khỉ đực cho đứa bé chơi, nũng nịu bảo chồng đem con khỉ đi nhuộm màu và dày vò nó như nhuộm vải. Thật là điên rồ!

Bởi vậy Ðức Thế Tôn, trước giờ nhập diệt có thuyết cho đạo sĩ Subhadha nghe như vầy: "Này Subhadha, ngươi chớ nên hỏi xem các vị giáo chủ thuộc ngoại đạo đều đắc quả thánh nhân hay chỉ có vài vị đắc và vài vị không đắc? Ngươi nên nhớ rằng bất cứ những ai thuộc chủng tộc nào, thuộc giai cấp nào, khi biết hành theo Bát Chánh Ðạo thì đạo quả thánh nhân (A La Hán) vẫn còn. Ngoài Ðạo Bát Chánh không có đường lối nào khác có thể đưa người đến giải thoát hoàn toàn.

(Xin xem tiếp Tập 3)

-ooOoo-

[Mục lục][Tập 1][Tập 2][Tập 3][Tập 4]


[Thư Mục chính]

Last updated: 29-05-2000

Web master: binh_anson@yahoo.com
binh_anson@hotmail.com