Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
THERAVĀDA

NỀN TẢNG PHẬT GIÁO
(MŪLABUDDHASĀSANA)

QUYỂN II

QUY Y TAM BẢO
(TISARAṆA)

Tỳ khưu Hộ Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


 CHƯƠNG IV (a)

QUY Y TAM BẢO
(TISARAṆA)

Quy y Tam Bảo là:

- Quy y Phật Bảo (Buddhasaraṇa)
- Quy y Pháp Bảo
(Dhammasaraṇa)
- Quy y Tăng Bảo
(Saṃghasaraṇa)

Phàm chúng sinh nói chung, con người nói riêng, sinh ra trong đời, nếu không có nơi nương nhờ, thì đời sống phải chịu nhiều nỗi khổ, cả về phần vật chất lẫn tinh thần. Nếu có được nơi nương nhờ cao quý, thì đời sống hưởng được nhiều hạnh phúc an lành. Thật vậy, phần đông những đứa trẻ có đời sống sung sướng, có đầy đủ tiện nghi, là do nương nhờ cha mẹ, gia đình bà con thân quyến nuôi nấng; muốn được nên người tốt có ích cho mình và cho đời, thì cần phải nương nhờ thầy cô dạy bảo.

Để trở thành con người cao thượng cần phải có nơi nương nhờ cao thượng, nơi gọi là cao thượng nhất trong tam giới, trong muôn ngàn thế giới chúng sinh, thì chỉ có Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo mà thôi.

Những người nào có duyên lành đến quy y nương nhờ nơi Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, những người ấy gọi là người có nơi nương nhờ cao thượng nhất, trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong Phật giáo. Họ có những quả báu thật cao thượng trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp trong vị lai. Nếu những người ấy có đầy đủ những pháp hạnh ba-la-mật, do tích lũy từ nhiều đời nhiều kiếp, nhất là những kiếp có duyên lành gặp được Đức Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong quá khứ, thì kiếp hiện tại này có thể trở thành bậc Thánh Nhân cao thượng trong Phật giáo.

Người quy y Nhị Bảo đầu tiên

Sau khi trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Phật Gotama an hưởng sự an lạc giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần lễ, 49 ngày, quanh Đại cội Bồ đề tại khu rừng Uruvela (Buddhagayā). Đức Phật đang ngự tại gốc cây gọi là Rājāyatana, cách xa Đại cội Bồ đề về phía nam khoảng 4 sải tay. Khi ấy, hai anh em lái buôn là TapussaBhallika hướng dẫn 500 cỗ xe bò, chở hàng hóa từ vùng Ukkalā đến buôn bán tại miền Majjhimapadesa (Trung xứ). Trên đường có vị thiên nữ ở cội cây, đã từng là thân mẫu của hai anh em lái buôn trong tiền kiếp, hiện ra báo tin lành cho hai anh em biết rằng:

- Này hai con, ta báo tin lành cho hai con biết, Đức Phật đã xuất hiện không lâu trên thế gian. Ngài đã nhập Arahán Quả, hưởng an lạc giải thoát Niết Bàn suốt 7 tuần, 49 ngày qua, chưa độ vật thực. Hiện giờ, Ngài đang ngự dưới cội cây gọi là Rājāyatana. Hai con nên đem vật thực đến cung kính cúng dường Đức Phật. Sự cúng dường ấy, sẽ đem lại cho hai con nhiều sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Khi nghe vị thiên nữ báo tin lành, hai anh em lái buôn vô cùng hoan hỷ, sẵn có mang theo món vật thực ngon lành, hai anh em đến hầu đảnh lễ Đức Phật, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng đại bi tế độ, thọ nhận món vật thực này của chúng con, để cho chúng con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Đức Phật đã thọ nhận món vật thực của hai anh em lái buôn, bằng cái bát do Tứ Đại Thiên Vương kính dâng Ngài. Ngài đã độ món vật thực ngon lành của hai anh em lái buôn.

Như vậy, hai anh em lái buôn Tapussa Bhallika là người đầu tiên dâng lễ cúng dường vật thực đến Đức Phật Gotama.

Sujāta kính dâng cúng dường món cơm nấu bằng sữa đến Đức Bồ Tát Siddhattha, trước khi Ngài chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác; còn hai anh em lái buôn TapussaBhallika, là người đầu tiên dâng lễ cúng dường vật thực đến Ngài, sau khi Ngài đã chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Sau khi Đức Phật thọ thực xong, Ngài thuyết pháp tế độ hai anh em lái buôn, họ vô cùng hoan hỷ. Khi ấy, chưa có chư Tỳ khưu Tăng, nên hai anh em TapussaBhallika xin thọ phép quy y nương nhờ Đức Phật Bảo và Đức Pháp Bảo, bèn bạch rằng:

“Ete mayaṃ Bhante, Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāma, dhammañca upāsake no Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupete saraṇaṃ gate” [1].

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, và xin quy y nơi Đức Pháp Bảo. Kính xin Ngài công nhận chúng con là người cận sự nam đã quy y Nhị Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Như vậy, hai anh em TapussaBhallika là hai người cận sự nam đã quy y Nhị Bảo đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, gọi là Dvevācikasara-ṇagamana.

Khi ấy, hai anh em lái buôn bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài mở lòng đại bi thương xót chúng con, ban cho chúng con một báu vật, để chúng con hằng ngày luôn luôn tâm niệm, lễ bái cúng dường, để làm cho mọi thiện pháp được tăng trưởng.

Đức Phật đưa tay phải lên đầu nhổ ít sợi tóc gọi là “Xá lợi tóc” ban cho hai anh em lái buôn. Họ vô cùng hoan hỷ, cúi đầu cung kính đưa hai bàn tay đón nhận Xá lợi tóc xong, hai anh em lái buôn đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi xin phép ra đi.

Sau khi buôn bán hàng hóa xong, hai anh em trở về vùng Ukkala, đến kinh thành Pokkharavati xây ngôi Bảo Tháp tôn thờ Xá lợi tóc của Đức Phật.

Hiện nay, Xá lợi tóc ấy được tôn thờ tại ngôi Bảo Tháp Shwedagon, thủ đô Yangon, nước Myanmar.

Tuyên dương cận sự nam quy y đầu tiên

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, tuyên dương hai anh em TapussaBhallika rằng:

“Etadaggaṃ Bhikkhave, mama sāvakānaṃ upāsakānaṃ paṭhamaṃ saraṇaṃ gacchantānaṃ, yadidaṃ Tapussa - Bhallikā vaṇijā” [2].

“Này chư Tỳ khưu, trong hàng cận sự nam Thanh Văn đệ tử của Như Lai, Tapussa và Bhallika lái buôn là hai cận sự nam đã quy y Nhị Bảo đầu tiên trong giáo pháp của Như Lai”.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại kinh thành Rājagaha, hai anh em lái buôn TapussaBhallika mang hàng hóa trở lại bán trong kinh thành Rājagaha, hai anh em lái buôn đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, lắng nghe Ngài thuyết pháp; người anh Tapussa chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, còn người em Bhallika kính xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Về sau, không lâu Ngài Đại đức Bhallika chứng đắc thành bậc Thánh Arahán cùng với Lục thông.

Người quy y Tam Bảo đầu tiên

Công tử Yasa, con của phú hộ trong thành Bārāṇasi, là một người phú quý vinh hoa, một năm ở trong ba cái lâu đài: bốn tháng mùa lạnh ở một lâu đài, bốn tháng mùa nóng ở một lâu đài, bốn tháng mùa mưa ở một lâu đài, được thụ hưởng đầy đủ ngũ trần [3]. Hằng đêm, các đoàn ca hát, nhảy múa trình diễn cho công tử Yasa xem vui mắt, vui tai. Một hôm, khi đang xem trình diễn, công tử Yasa buồn ngủ; khi các đoàn ca hát nhìn thấy công tử ngủ rồi, tất cả họ đều ngưng, rồi nằm tại nơi sàn diễn ngủ mê. Khi ấy, những ngọn đèn còn đang cháy sáng, công tử thức dậy nhìn thấy trên sàn diễn, có số nàng nằm sóng sượt, có số nàng ngủ ngáy khò khò, có số nàng miệng chảy đầy nước bọt v.v... Công tử suy nghĩ cảm thấy nơi đây như là một bãi tha ma, nghĩa địa đáng kinh hoàng, nên đã phát sinh động tâm (saṃvega), thấy rõ tội lỗi của ngũ trần, nhàm chán ngũ trần. Công tử tự thốt lên rằng:

Upaddutaṃ vata Bho!
Upassaṭṭhaṃ vata Bho!
[4]

Chư thiện trí, phiền não thật vô cùng khốn quẩn!
Chư thiện trí, phiền não thật vô cùng nguy khốn!

Công tử Yasa từ bỏ nhà ra đi. Chư thiên mở cửa để công tử đi ra một cách tự nhiên, không dám làm trở ngại sự xuất gia của công tử. Công tử Yasa đi theo hướng đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana.

Canh chót đêm ấy, Đức Thế Tôn ngự đi kinh hành bên ngoài, nhìn thấy Yasa từ xa đi đến, Ngài dừng lại trải tọa cụ ngồi xuống. Khi ấy, công tử Yasa vừa đi vừa thốt lên:

Upaddutaṃ vata Bho!
Upassaṭṭhaṃ vata Bho!

Chư thiện trí, phiền não thật vô cùng khốn quẩn!
Chư thiện trí, phiền não thật vô cùng nguy khốn!

Đức Thế Tôn gọi công tử Yasa, bèn dạy rằng:

“Idaṃ kho Yasa anupaddutaṃ,
Idaṃ anupassaṭṭhaṃ.
Ehi Yasa nisīda, dhammaṃ te desessāmi”.

Này Yasa, Niết Bàn không có khốn quẩn!
Niết Bàn không có nguy khốn!
Này Yasa, con hãy đến ngồi xuống nơi đây
Như Lai sẽ thuyết pháp tế độ con”.

Công tử Yasa lắng nghe tiếng gọi của Đức Thế Tôn, và nghe rõ rằng:

“Idaṃ kira anupaddutam
Idaṃ anupassaṭṭham”.

Niết Bàn này không có khốn quẩn
Niết Bàn này không có nguy khốn
”.

Công tử Yasa an tâm hoan hỷ, cởi bỏ đôi dép vàng, đi đôi chân trần đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, ngồi lắng nghe Ngài thuyết pháp; sau khi nghe chánh pháp, công tử Yasa phát sinh trí tuệ thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu tại nơi ấy.

Buổi sáng hôm ấy, thân mẫu của công tử Yasa, lên lâu đài không nhìn thấy công tử, liền xuống báo tin cho thân phụ của công tử. Ông phú hộ truyền cho mọi người đi tìm mọi phương hướng, riêng ông đi theo hướng đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần đến khu rừng, ông nhìn thấy đôi dép vàng của công tử cởi bỏ trên đường, nên ông lần đi theo con đường ấy.

Nhìn thấy ông phú hộ từ xa đi đến, Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Như Lai nên dùng thần thông che khuất Yasa, chưa để cho ông nhìn thấy Yasa”.

Ông phú hộ đến hầu Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thấy Yasa, người con của gia đình hay không? Bạch Ngài.

Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Này gia chủ, con hãy ngồi xuống, chính nơi đây, con sẽ gặp được Yasa, người con của gia đình.

Ông phú hộ nghe Đức Thế Tôn truyền dạy như vậy, cảm thấy an tâm hoan hỷ, đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi xuống một nơi hợp lẽ.

Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ ông phú hộ bằng các pháp theo tuần tự: Bố thí, giữ giới, pháp sinh các cõi trời, tội lỗi của ngũ trần, quả báu của sự xa lánh ngũ trần. Khi biết rõ ông phú hộ có thiện tâm trong sạch, dễ dạy; Đức Thế Tôn thuyết pháp Tứ Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế. Ông phú hộ phát sinh trí tuệ thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Ông phú hộ tán dương ca tụng Đức Thế Tôn, xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, bèn bạch rằng:

“Esāhaṃ Bhante, Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ” [5].

Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Ngài công nhận con là cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Như vậy, ông phú hộ, thân phụ của công tử Yasa, là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Gọi là Tevācikasara-ṇagamana.

Khi ngồi lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ thân phụ của mình, công tử Yasa phát sinh trí tuệ thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, tuần tự chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái, các ác pháp không còn dư sót. Đức Thế Tôn biết rõ công tử Yasa không bao giờ thoái lui, trở lại cuộc sống tại gia nữa. Ngài liền xả thần thông, thì ông phú hộ nhìn thấy công tử Yasa cũng đang ngồi tại nơi ấy, bèn bảo rằng:

- Này Yasa con, mẹ của con sầu não khóc than, vì không thấy con, con hãy cho lại sinh mạng của mẹ con!

Khi nghe thân phụ của mình nói như vậy, công tử Yasa ngẩng mặt lên nhìn Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn biết rõ ông phú hộ, thân phụ của công tử Yasa, bây giờ là bậc Thánh Nhập Lưu, đã quy y Tam Bảo, đã có đức tin hoàn toàn trong sạch nơi Tam Bảo, không hề lay chuyển. Ngài bèn hỏi ông phú hộ với đại ý rằng:

- Này phú hộ, con nhận thức như thế nào về điều này? Người nào là bậc Thánh Nhập Lưu đã có trí tuệ thiền tuệ, đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Niết Bàn giống như con. Bậc Thánh Nhập Lưu ấy đã tiếp tục tiến hành thiền tuệ, đã dẫn đến tự chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái, các ác pháp không còn dư sót.

Này phú hộ, vị Thánh Arahán ấy có thể quay trở lại đời sống thấp hèn của người tại gia, thụ hưởng say mê trong ngũ trần, như đời sống người tại gia trước kia được hay không?

Ông phú hộ bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, điều đó không thể nào có được. Bạch Ngài.

- Này phú hộ, Yasa người con của gia đình là bậc Thánh Nhập Lưu, đã có trí tuệ thiền tuệ, đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Niết Bàn giống như con. Yasa đã tiếp tục tiến hành thiền tuệ, đã dẫn đến chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái, các ác pháp không còn dư sót.

Này phú hộ, nay Yasa người con của gia đình là bậc Thánh Arahán không thể quay trở lại đời sống thấp hèn của người tại gia, thụ hưởng say mê trong ngũ trần như đời sống người tại gia trước kia nữa.

Khi Đức Phật thuyết giảng cho ông phú hộ hiểu rõ tâm tính của công tử Yasa bây giờ đã là bậc Thánh Arahán cao thượng, hoàn toàn khác hẳn trước kia là hạng phàm nhân bình thường.

Lắng nghe Đức Phật thuyết giảng, ông phú hộ vô cùng hoan hỷ bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, Yasa, người con của gia đình có được đại phước.

Kính bạch Đức Thế Tôn, Yasa, người con của gia đình có được lợi ích cao thượng. Yasa đã trở thành bậc Thánh Arahán, hoàn toàn giải thoát khỏi khổ trầm luân.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính thỉnh Đức Thế Tôn cùng Yasa, ngày mai ngự đến thọ thực tại tư gia của chúng con.

Đức Thế Tôn nhận lời bằng cách im lặng.

Ông phú hộ biết Đức Thế Tôn đã nhận lời thỉnh mời của ông, thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn xin phép trở về nhà, thông báo cho gia đình, đã gặp Yasa và thỉnh Đức Phật cùng Yasa ngày hôm sau ngự đến thọ thực tại nhà.

Phụ thân của công tử Yasa vừa rời khỏi nơi ấy, công tử Yasa đảnh lễ Đức Thế Tôn, bạch rằng:

Labheyyāhaṃ Bhante Bhagavato santike pabbajjaṃ, labheyyaṃ upasampadaṃ.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài cho phép con được xuất gia trở thành Sadi, Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài.

Đức Thế Tôn quán xét phước thiện tiền kiếp của công tử Yasa xong bèn truyền dạy rằng:

Ehi bhikkhu! Svākkhato dhammo, cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.

- Con hãy lại đây! Con trở thành Tỳ khưu theo ý nguyện, chánh pháp mà Như Lai đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, phần giữa, phần cuối, con hãy thực hành phạm hạnh cao thượng, dẫn đến tận cùng của Khổ Đế.

Khi Đức Thế Tôn truyền dạy vừa dứt lời, công tử Yasa liền trở thành một vị Tỳ khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của Samôn, phát sinh do phước thiện, trong tăng tướng trang nghiêm, như một vị Đại đức có 60 tuổi hạ.

Khi ấy, Đức Phật và 6 vị Thánh Arahán đã xuất hiện trên thế gian.

Người nữ quy y Tam Bảo đầu tiên

Buổi sáng, Đức Thế Tôn mặc y mang bát cùng với Đại đức Yasa theo sau, ngự đi khất thực đến nhà ông bà phú hộ, là thân phụ thân mẫu của Đại đức Yasa. Đức Thế Tôn và Đại đức Yasa ngồi trên chỗ sắp đặt sẵn, ông bà phú hộ và con dâu (bạn đời cũ của công tử Yasa khi còn tại gia), đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi ngồi một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ họ bằng các pháp theo tuần tự: Bố thí, giữ giới, pháp sinh các cõi trời, tội lỗi của ngũ trần, quả báu của sự xa lánh ngũ trần. Khi biết họ có thiện tâm trong sạch, tâm nhu mì dễ dạy, Đức Thế Tôn thuyết pháp Tứ Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế, bà phú hộ và con dâu của bà phát sinh trí tuệ thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu.

Hai người nữ tán dương ca tụng Đức Thế Tôn, xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, bèn bạch rằng:

Esā mayaṃ Bhante, Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāma, dhammañca bhikkhusaṃghañca upāsikāyo no Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetā saraṇaṃ gatā [6].

- Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Ngài công nhận chúng con là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ nay cho đến trọn đời.

Như vậy, bà phú hộ và con dâu của bà là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Gọi là Tevācikasaraṇagamana.

Sau đó, toàn gia đình của Ngài Đại đức Yasa, gồm có ông bà phú hộ và con dâu, kính dâng lễ cúng dường Đức Thế Tôn cùng Đại đức Yasa những thứ vật thực ngon lành. Sau khi thọ thực xong, Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ toàn gia quyến, họ vô cùng hoan hỷ. Đức Thế Tôn cùng Ngài Đại đức Yasa ngự trở về chỗ ở.

Tuyên dương cận sự nữ quy y Tam Bảo đầu tiên

Thân mẫu của Ngài Đại đức Yasa chính là bà Sujātā, người đã dâng lễ cúng dường món cơm nấu bằng sữa tươi rất công phu, đến Đức Bồ Tát Siddhattha vào ngày rằm tháng tư (âm lịch), trước khi Ngài chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Sujātā khi còn là con gái của ông phú hộ Seniya, vùng Senā, gần khu rừng Uruvela. Cô Sujātā đã từng đến cội cây da trong khu rừng Uruvela cầu nguyện với chư thiên ở cội cây da rằng:

Khi tôi trưởng thành được kết duyên với người cùng dòng dõi, giai cấp và sinh con trai đầu lòng. Nếu được toại nguyện, thì hằng năm vào ngày rằm tháng tư (âm lịch), tôi sẽ làm lễ cúng dường tạ ơn chư thiên”.

Thật vậy, khi nàng Sujātā trưởng thành được kết duyên với công tử con ông phú hộ Bārāṇasī và sinh được Yasa, đứa con trai đầu lòng, thành tựu như ước nguyện. Cho nên, hằng năm vào buổi sáng ngày rằm tháng tư (âm lịch), nàng thường làm lễ cúng dường tạ ơn chư thiên.

Vào buổi sáng ngày rằm tháng tư năm ấy, Đức Bồ Tát Siddhattha đến ngồi dưới gốc cây da trong khu rừng Uruvela chờ đến giờ đi khất thực. Khi ấy nàng Sujātā cùng với cô Puṇṇa, đội món cơm nấu bằng sữa tươi rất công phu đến dâng lễ cúng dường Đức Bồ Tát, mà nàng tưởng rằng vị thiên thần hiện ra thọ nhận lễ vật cúng dường của nàng, nên nàng vô cùng hoan hỷ.

Nay duyên lành đã đến, công tử Yasa đứa con trai đầu lòng của bà Sujātā, đã xuất gia trở thành Tỳ khưu, cũng là bậc Thánh Arahán Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama. Đức Phật cùng với Ngài Đại đức Yasa theo sau, ngự đến tư thất của bà Sujātā. Ngài thuyết pháp tế độ bà Sujātā và con dâu của bà đều chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu. Sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu xong, bà Sujātā và con dâu thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn tuyên dương nàng Sujātā là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo đầu tiên rằng:

“Etadaggaṃ Bhikkhave, mama sāvikānam upāsikānaṃ paṭhamaṃ saraṇaṃ gacchantīnaṃ yadidaṃ Sujātā seniyadhītā” [7].

- Này chư Tỳ khưu, trong hàng cận sự nữ Thanh Văn đệ tử của Như Lai, cô Sujātā, con của phú hộ Seniya, là cận sự nữ đã quy y Tam Bảo đầu tiên trong giáo pháp của Như Lai.

Nơi nương nhờ

Tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng, phần đông người ta hay có tính sợ sệt những tai họa xảy đến cho mình, muốn tránh khỏi những tai họa ấy, nên họ tìm đến nương nhờ nơi núi rừng, nơi cây cổ thụ lâu năm, nơi vườn tháp v.v... để van vái, cầu khẩn, xin phù hộ cho họ tránh khỏi những điều tai họa, và cầu xin ban phước lành cho họ được sống bình an vô sự; hơn thế nữa, họ còn cầu cho họ được thành tựu vạn sự như ý.

Nương nhờ có hai nơi:

- Nương nhờ nơi không chân chính.
- Nương nhờ nơi chân chính.

Nương nhờ nơi không chân chính

Đức Phật dạy, phần đông người ta tìm đến nơi núi cao, rừng sâu, cây cổ thụ, vườn (bụi cây) rậm, đền tháp... để nương nhờ. Đó là những nơi nương nhờ không chân chính, bởi vì, những nơi ấy không phải là nơi nương nhờ an lành, không phải là nơi nương nhờ cao thượng. Những người đến nương nhờ những nơi ấy không thể giải thoát mọi cảnh khổ.

Đức Phật dạy bằng câu kệ rằng:

188 -“Bahuṃ ve saraṇaṃ yanti
Pabbatāni vanāni ca
Ārāmarukkhacetyāni
Manussā bhayatajjitā.

189 - Netaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ
Netaṃ saraṇamuttamaṃ
Netaṃ saraṇamāgamma
Sabbadukkhā pamuccati”
[8].

Phần đông người ta thường hay sợ sệt
Tìm đến núi rừng, cổ thụ, vườn, tháp
Làm nơi nương nhờ van vái khẩn cầu
Tránh tai họa, mong vạn sự như ý.

Những nơi nương nhờ ấy không an lành,
Những nơi nương nhờ ấy không cao thượng,
Người đến xin nương nhờ những nơi ấy
Không thể giải thoát khỏi mọi cảnh khổ
.

Nương nhờ nơi chân chính

Đức Phật dạy những người tìm đến nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo. Tam Bảo là nơi nương nhờ chân chính, bởi vì, những người quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn. Đó chính là nơi nương nhờ an lành, nơi nương nhờ cao thượng. Những bậc Thánh Nhân đã đến quy y nương nhờ nơi Tam Bảo như vậy, mới giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đức Phật dạy bằng câu kệ rằng:

190 -“Yo ca Buddhañca Dhammañca
Saṃghañca saraṇaṃ gato
Cattāri ariyasaccāni
Sammappaññāya passati.

191 - Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ
Dukkhassa ca atikkamaṃ
Ariyaṃ caṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ
Dukkhūpasamagāminaṃ.
192 - Etaṃ kho saraṇam khemaṃ
Etaṃ saraṇamuttamaṃ
Etaṃ saraṇamāgamma
Sabbadukkhā pamuccati”
[9].

Người nào đến quy y nơi Tam Bảo
Phật Bảo, Pháp Bảo cùng với Tăng Bảo,
Khi người ấy chứng ngộ Tứ Thánh Đế
Bằng trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới.
Tứ Thánh Đế cao thượng đó chính là
Khổ Thánh Đế, Nhân sanh khổ Thánh Đế,
Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế cao thượng,
Đạo Thánh Đế, pháp hành Bát Chánh Đạo
Chứng ngộ Niết Bàn diệt Khổ Thánh Đế.
Thì sự quy y của chư Thánh Nhân
Là sự quy y chân chánh an lành,
Là sự quy y chân chánh cao thượng
Chư Thánh Nhân đã đến quy y ấy
Được giải thoát hoàn toàn mọi cảnh khổ.

Nguyên nhân quy y Tam Bảo

Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, có thiện tâm thành kính đến xin thọ phép quy y Tam Bảo, do bởi hai nguyên nhân:

- Nguyên nhân xa: Những tiền kiếp đã từng gieo duyên lành nơi Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, trong thời quá khứ, đã từng tạo mọi phước thiện trong Phật giáo, đã được tích lũy mọi pháp hạnh ba-la-mật từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ cho đến kiếp hiện tại này.

- Nguyên nhân gần: Kiếp hiện tại gặp thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, có thuận duyên, có được cơ hội tốt, có duyên lành đến hầu Đức Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, được lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, nên phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo.

Có số người chứng đắc thành bậc Thánh Nhân, nên hết lòng thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo.

Có số người hiểu biết rõ được Ân đức Tam Bảo, nên hết lòng thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo có 2 phép chính

1) Phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana).

2) Phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (Lokiyasaraṇagamana).

Trong mỗi phép quy y Tam Bảo có nhiều thứ bậc thấp cao khác nhau tùy theo khả năng hiểu biết của mỗi người. Cho nên, người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo cần phải hiểu biết rõ phép quy y Tam Bảo; bởi vì, phép quy y Tam Bảo là bước đầu tiên trở thành người cận sự nam (upāsaka) hoặc người cận sự nữ (upāsikā) trong Phật giáo.

1- Phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới như thế nào?

Những người đã có duyên lành trong Phật giáo, đã từng tạo pháp hạnh ba-la-mật trải qua nhiều đời nhiều kiếp từ chư Phật trong thời quá khứ, hoặc chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài trong quá khứ. Nay kiếp hiện tại này có duyên lành đến hầu Đức Phật hoặc chư Thánh Thanh Văn, được lắng nghe chánh pháp của Đức Phật, tiến hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, trở thành bậc Thánh Nhân trong Phật giáo.

Khi sát-na Thánh Đạo Tâm (maggakkhaṇacitta) phát sinh, ngay khi ấy hành giả thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới.

Trong chú giải dạy:

“Tattha lokuttaraṃ diṭṭhasaccānaṃ maggakkhaṇasaraṇagamanupakki-lesasamucchedena ārammaṇato Nibbānārammaṇaṃ hutvā kiccato sakalepi ratanattaye ijjhati” [10].

“Trong 2 phép quy y Tam Bảo (phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, và phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới); phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới là chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, khi sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não ô nhiễm trong tâm. Khi ấy, bậc Thánh Nhân thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, đồng thời mọi phận sự quy y Tam Bảo cũng được thành tựu trọn vẹn cùng một lúc, không trước không sau”.

Như vậy, phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới là:

Theo tâm: Đó là sát-na Thánh Đạo Tâm (Maggakkhaṇacitta).

Theo đối tượng: Đó là đối tượng Niết Bàn.

Theo cách diệt phiền não: Đó là cách diệt đoạn tuyệt phiền não ô nhiễm Tam Bảo.

Theo phận sự: Khi sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, không phải đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Song xét theo phận sự, khi Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, khi ấy, mọi phận sự quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới được thành tựu trọn vẹn. Cho nên, bậc Thánh Nhân không nói bằng lời rằng: “Buddham saraṇaṃ gacchāmi, Dhammaṃ saraṇam gacchāmi, Saṃghaṃ saraṇam gacchāmi...”

Thứ bậc của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới

Thứ bậc của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới được căn cứ theo 4 Thánh Đạo Tâm. Do đó, phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới có 4 bậc từ thấp đến cao như sau:

Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được hai loại phiền não ô nhiễm là: tà kiếnhoài nghi, đồng thời được thành tựu hoàn toàn đầy đủ mọi phận sự quy y Tam Bảo.

Nhất Lai Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được một loại phiền não ô nhiễm là: tâm sân loại thô, đồng thời được thành tựu hoàn toàn đầy đủ mọi phận sự quy y Tam Bảo.

Bất Lai Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được một loại phiền não ô nhiễm là: tâm sân loại vi tế, đồng thời được thành tựu hoàn toàn đầy đủ mọi phận sự quy y Tam Bảo.

Arahán Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não ô nhiễm còn lại là: tham, si, ngã mạn, phóng tâm, buồn ngủ, không biết hổ thẹn tội lỗi, không biết ghê sợ tội lỗi, tất cả mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đồng thời được thành tựu hoàn toàn đầy đủ mọi phận sự quy y Tam Bảo.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới

* Thánh Đạo cho Thánh Quả

Phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới đó là 4 Thánh Đạo Tâm thuộc Siêu tam giới thiện tâm, cho quả là 4 Thánh Quả Tâm tương xứng, không có thời gian ngăn cách, nghĩa là Thánh Đạo Tâm nào sinh rồi diệt, liền sau đó Thánh Quả Tâm ấy sinh, trong cùng Thánh Đạo lộ trình tâm, không có thời gian ngăn cách gọi là: “Akālikadhamma”.4 Thánh Đạo Tâm tương xứng với 4 Thánh Quả Tâm như sau:

Nhập Lưu Thánh Đạo Tâm sinh rồi diệt, liền Nhập Lưu Thánh Quả Tâm sinh.

Nhất Lai Thánh Đạo Tâm sinh rồi diệt, liền Nhất Lai Thánh Quả Tâm sinh.

Bất Lai Thánh Đạo Tâm sinh rồi diệt, liền Bất Lai Thánh Quả Tâm sinh.

Arahán Thánh Đạo Tâm sinh rồi diệt, liền Arahán Thánh Quả Tâm sinh.

Trong cùng mỗi Thánh Đạo lộ trình tâm.

Nhập Thánh Quả để hưởng an lạc Niết Bàn

Nếu bậc Thánh Nhân có khả năng đặc biệt nhập Thánh Quả (Phalasamāpatti) sở đắc của mình, để hưởng sự an lạc Niết Bàn, suốt khoảng thời gian quy định một giờ, hai giờ... chỉ có Thánh Quả Tâm sinh rồi diệt liên tục không ngừng, và có đối tượng Niết Bàn mà thôi. Đến khi xả nhập Thánh Quả rồi, trở lại cuộc sống bình thường tâm mới biết 6 đối tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Bậc Thánh Quả bậc thấp không thể nhập Thánh Quả bậc cao.

Bậc Thánh Quả bậc cao không thể nhập Thánh Quả bậc thấp.

Bậc Thánh Quả nào, chỉ có khả năng đặc biệt nhập Thánh Quả ấy mà thôi.

Quả báu của Thánh Quả trong kiếp vị lai

Bậc Thánh Nhập Lưu chắc chắn không còn sa đọa trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh chỉ còn tái sinh từ 1 kiếp, 2 kiếp... cho đến nhiều nhất 7 kiếp, trong cõi người hoặc 6 cõi trời dục giới; trong kiếp thứ 7 chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bậc Thánh Nhất Lai còn tái sinh 1 kiếp nữa trong cõi người hoặc cõi trời dục giới, trong kiếp ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bậc Thánh Bất lai không còn tái sinh trở lại cõi dục giới, chỉ tái sinh lên cõi sắc giới (hoặc cõi vô sắc giới) rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Bậc Thánh Arahán ngay kiếp hiện tại sẽ tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Chư Thánh Nhân thọ phép quy y Tam Bảo

Chư bậc Thánh Nhân đều chắc chắn thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, ngay khi sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, cũng đã thành tựu mọi phận sự của phép quy y Tam Bảo trong tâm xong rồi, đã trở thành bậc Thánh Nhân.

Để được chính thức công nhận là người cận sự nam hoặc người cận sự nữ; một lần nữa, trước sự hiện diện của Đức Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn của Đức Phật. Bậc Thánh Nhân ấy thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng lời nói:

Nếu người ấy là nam Thánh Nhân, thì xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng lời rằng:

“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca, Bhikkhu-saṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận con là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Nếu người ấy là nữ Thánh Nhân, thì xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng lời rằng:

“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca, Bhikkhu-saṃghañca, upāsikaṃ Bhagavādhāretu, ajjatagge pāṇupetā saraṇaṃ gatā”.

Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận con là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Trên đây là những gương quy y Tam Bảo của bậc Thánh Nhân, dù chư bậc Thánh Nhân đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới xong rồi, mà còn phải tự nguyện bạch với Đức Thế Tôn kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn (hoặc bậc Thánh Thanh Văn) chứng minh và công nhận là người cận sự nam hoặc người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo đến trọn đời, huống gì hạng phàm nhân. Hạng phàm nhân muốn chính thức trở thành người cận sự nam, hoặc cận sự nữ, cần phải được thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới, đó là điều tất yếu.

Người cận sự nam, người cận sự nữ có khả năng chứng đắc Arahán Thánh đạo - Arahán Thánh Quả được hay không? Nếu chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi, thì sẽ như thế nào?

Người cận sự nam, người cận sự nữ có khả năng chứng đắc được đến Arahán Thánh Đạo, Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán. Sau khi đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi sẽ có một trong hai điều sau đây xảy ra:

- Bậc Thánh Arahán ấy, chắc chắn sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay hôm ấy.

- Bậc Thánh Arahán ấy phải xuất gia trở thành Tỳ khưu, hoặc Tỳ khưu ni, mới có thể tiếp tục duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ [11].

Chứng đắc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn

Người cận sự nam chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy.

Trích dẫn:

Trường hợp Đức vua Suddhodana, phụ thân của Đức Phật, trị vì xứ Kapi-lavatthu: khi đó Đức vua lâm bệnh, nên thỉnh Đức Phật về thuyết pháp. Sau khi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp xong, Đức vua chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh Arahán, rồi tịch diệt Niết Bàn ngay ngày hôm ấy [12].

Trường hợp vị đại quan cận thần Santati của Đức vua Pasenadi Kosala: Đức vua Pasenadi Kosala ban thưởng cho vị đại quan lên ngôi vua 7 ngày. Được lên ngôi vua, vị đại quan cận thần Santati hưởng sự an lạc trong ngũ trần, uống rượu ngon, xem các vũ nữ múa hát; đến ngày thứ 7, vị quan đại cận thần đang say đắm nhìn cô vũ nữ xinh đẹp múa hát, cô bị bệnh phong chết ngay tại vũ trường. Cái chết đột ngột của cô vũ nữ trẻ đẹp tài ba, làm cho vị quan cận thần vô cùng khổ não.

Vị đại quan cận thần nghĩ rằng: “Ngoài Đức Phật ra, không có một ai có khả năng làm lắng dịu nỗi khổ tâm này của ta”.

Nghĩ vậy, vị đại quan cận thần Santati cùng với các quan quân đến hầu đảnh lễ Đức Phật, kính xin Đức Phật thuyết pháp tế độ, làm lắng dịu nỗi khổ tâm sầu não của mình.

Đức Phật thuyết dạy bài kệ như sau:

“Yaṃ pubbe taṃ visosehi
 Pacchā te māhu kiñcanaṃ
 Majjhe ce no gahessasi
 Upasanto carissasi”
[13].

“Này quan cận thần San-ta-ti!
 Từ trước sầu não nào đã phát sinh,
 Con hãy nên diệt sạch sầu não ấy
 Về sau con không còn sầu não nữa
 Giữa thời hiện tại không còn chấp thủ
 Vắng lặng sầu não rồi con sẽ đi”.

Sau khi lắng nghe xong câu kệ, vị đại quan cận thần Santati chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán; thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, và quán xét về tuổi thọ của mình, biết rõ hết tuổi thọ nên vị quan cận thần Santati thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn bèn bạch rằng:

“Bhante parinibbānaṃ me anujānātha”

Kính bạch Đức Thế Tôn, cho phép con tịch diệt Niết Bàn

Chứng đắc Thánh Arahán rồi xin xuất gia

Trích dẫn tích bà chánh cung Hoàng hậu Khemā của Đức vua Bimbisāra. Chánh cung Hoàng hậu rất xinh đẹp và say mê sắc đẹp của mình. Một hôm, chánh cung Hoàng hậu Khemā đến viếng thăm ngôi chùa Veluvana do Đức vua Bimbisāra xây cất, rồi dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì. Biết có Hoàng hậu Khemā đến, Đức Phật gọi bà và dạy câu kệ rằng:

 “Āturaṃ asuciṃ pūtiṃ,
Passa Kheme samussayaṃ
Uggharantaṃ paggharantaṃ,
Bālānaṃ abbipatthitaṃ”
[14].

 “Này Khemā, con hãy quán thân này,
Hay bệnh hoạn, bất tịnh, đầy ô trược
Thường ói ra, khạc nhổ đồ dơ dáy
Cửu khiếu thường chảy ra vật nhờm gớm,
Mà người si mê say đắm thân này
”.

Sau khi lắng nghe câu kệ, bà chánh cung Hoàng hậu Khemā chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc thành Nhập Lưu.

Tiếp theo Đức Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

“Ye rāgarattā nupatanti sotaṃ
Sayaṃ kataṃ makkatakova jālaṃ
Etampi chetvāna vajanti dhīrā
Anapekkhino sabbadukkhaṃ pahāya”
[15].

“Này Khemā, con hãy nên quán xét
Chúng sinh nào dính mắc bởi tham ái,
Họ bị rơi vào trong dòng tham ái.
Cũng ví như một con nhện giăng tơ,
Nằm dính trong mạng nhện do mình làm.
Chư Thánh Nhân cắt đứt dòng tham ái,
Diệt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi
Bỏ đi mà không hề lưu luyến nữa”.

Sau khi lắng nghe câu kệ xong, bà chánh cung Hoàng hậu Khemā tiếp tục chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán.

Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền dạy Đức vua Bimbisāra rằng:

“Mahārājā Khemāya pabbajtuṃ vā parinibbāyituṃ vā vaṭṭati”.

Này Đại vương, nên cho phép chánh cung Hoàng hậu Khemā xuất gia trở thành Tỳ khưu ni hay để cho Hoàng hậu tịch diệt Niết Bàn trong ngày hôm nay?

Đức vua Bimbisāra bạch rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn, kính xin Ngài cho phép Hoàng hậu xuất gia trở thành Tỳ khưu ni, đừng để Hoàng hậu tịch diệt Niết Bàn trong ngày hôm nay, bạch Ngài”.

Chánh cung Hoàng hậu Khemā được xuất gia thọ Tỳ khưu ni. Về sau, Ngài Đại đức Tỳ khưu ni Khemā trở thành bậc Thánh nữ Tối Thượng Thanh Văn Giác có trí tuệ xuất sắc nhất trong nhóm chư Tỳ khưu ni đệ tử của Đức Phật Gotama.

* Tại sao người tại gia cư sĩ không thể giữ được địa vị bậc Thánh Arahán cao thượng?

Sở dĩ người tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ không thể duy trì được địa vị bậc Thánh Arahán cao thượng, là vì người tại gia cư sĩ có đời sống thế tục, ăn ở theo thế tục, nên không xứng đáng với phạm hạnh cao thượng của bậc Thánh Arahán. Bởi vậy, cho nên người tại gia cư sĩ là cận sự nam hoặc cận sự nữ, sau khi chứng đắc thành bậc Thánh Arahán rồi, ngay hôm ấy, phải xuất gia trở thành Tỳ khưu, hoặc Tỳ khưu ni, để duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ; nếu không xuất gia thì sẽ tịch diệt Niết Bàn ngay hôm ấy, không chậm trễ sang ngày hôm sau.

Ba bậc Thánh Nhân tại gia

Trong bộ Milindapañha dạy:

Ngoài bậc Thánh Arahán ra, còn lại ba bậc Thánh: Bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai và bậc Thánh Bất Lai, nếu 3 bậc Thánh này là người tại gia cư sĩ là cận sự nam, cận sự nữ vẫn có thể duy trì sinh mạng cho đến hết tuổi thọ.

Bậc Thánh Nhập Lưu và bậc Thánh Nhất Lai ở tại gia có thể lập gia đình, có vợ hoặc có chồng, có con.

Như Visākā chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu lúc 7 tuổi, về sau trưởng thành, bà có chồng sinh được 20 đứa con (10 đứa con trai, 10 đứa con gái). Bà Visākā có tuổi thọ 120 năm...

Còn bậc Thánh Bất Lai dù ở tại gia cư sĩ, vẫn không có vợ, có chồng. Nếu bậc Thánh Bất Lai, trước kia đã có vợ hoặc có chồng, thì sau khi trở thành bậc Thánh Bất Lai, chắc chắn sống riêng rẽ không còn quan hệ vợ chồng như trước, bởi vì, bậc Thánh Bất Lai đã diệt đoạn tuyệt được tham ái trong cõi dục giới.

Thời Đức Phật còn tại thế, có hai ông cận sự nam cùng tên Ugga [16] xứ Vesāli, làng Hatthigāma vùng Vajjī, hai ông đều chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai. Trước kia, ông có bốn người vợ, sau khi ông chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, ông cho phép bốn bà vợ cũ được tự do; muốn có chồng khác, ông ban cho tiền bạc và của cải.

Ông cận sự nam Cittagahapati [17], bà cận sự nữ trong xóm nhà Mātikāgāma đều chứng đắc thành bậc Thánh Bất Lai, có Tứ Tuệ Phân Tích, có Thần thông...

* Trong bộ Milindapañhā dạy:

Dù người cận sự nam, cận sự nữ là bậc Thánh Nhân cũng phải nên tỏ lòng tôn kính, đảnh lễ, đón rước chư Tỳ khưu còn là phàm nhân. Bởi vì, chư Tỳ khưu là một trong tứ chúng cao thượng, có thể cho phép xuất gia thọ Sadi, thọ Tỳ khưu để duy trì Phật giáo được trường tồn lâu dài trên thế gian; mà điều này các hàng tại gia cư sĩ không thể làm được.

2- Phép quy y tam bảo theo pháp tam giới như thế nào?

Những hàng thiện trí phàm nhân có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo; có trí tuệ sáng suốt, hiểu biết rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng; có ý nguyện đến quy y nương nhờ nơi Tam Bảo với đại thiện tâm của mình.

Muốn được thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới, thì người quy y Tam Bảo cần phải hiểu biết rõ các pháp, như trong chú giải dạy:

“Lokiyaṃ puthujjanānaṃ saraṇagamanupakkilesavikkhambhanena ārammaṇato Buddhādiguṇārammaṇaṃ hutvā ijjhati” [18].

“Đối với hàng thiện trí phàm nhân, thành tựu phép quy y Tam Bảo theo phép tam giới với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não ô nhiễm phép quy y Tam Bảo”.

Như vậy, pháp quy y Tam Bảo theo phép tam giới là:

Theo tâm: Đó là dục giới đại thiện tâm hợp với trí tuệ.

Theo đối tượng: Đó là 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng.

Theo cách diệt phiền não: Đó là cách diệt đè nén phiền não, chế ngự phiền não ô nhiễm phép quy y Tam Bảo. Khi đại thiện tâm hợp với trí tuệ phát sinh, làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng.

Điều kiện thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới

Để thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới, người ấy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, khi thành tâm thọ phép quy y Tam Bảo với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng Ân đức Tam Bảo theo từng mỗi câu quy y như sau:

Câu quy y Đức Phật Bảo:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật.

Câu quy y Đức Pháp Bảo:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp.

Câu quy y Đức Tăng Bảo:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng.

Như vậy, điều kiện để thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới là trước tiên người ấy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, học hỏi, ghi nhơ, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì, những Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khi làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới, để cho được thành tựu.

Thứ bậc của phép quy y Tam Bảo theo tam giới

Thứ bậc của phép quy y Tam Bảo theo tam giới được căn cứ theo dục giới đại thiện tâm, khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới.

Đại thiện tâm có 8 tâm: 4 tâm hợp với trí tuệ và 4 tâm không hợp với trí tuệ, do đó thứ bậc của phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới có 2 bậc cao thấp.

- Thọ phép quy y Tam Bảo hợp với trí tuệ.
- Thọ phép quy y Tam Bảo không hợp với trí tuệ.

a) Thế nào gọi là phép quy y Tam Bảo hợp với trí tuệ?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo theo từng mỗi câu quy y như sau:

Câu quy y Đức Phật Bảo:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật.

Itipi so Bhagavā Arahaṃ... Bhagavā

Câu quy y Đức Pháp Bảo:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp.

Svākkhāto Bhagavatā dhammo, Sandiṭṭhiko... Paccattam veditabbo viññūhi

Câu quy y Đức Tăng Bảo:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng.

“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho... Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”.

Như vậy, gọi là thọ phép quy y Tam Bảo hợp với trí tuệ (ñāṇasampa-yuttasaraṇagamana).

b) Thế nào gọi là phép quy y Tam Bảo không hợp với trí tuệ?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, không có trí tuệ, không hiểu rõ sâu sắc 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo theo từng mỗi câu quy y như sau:

Câu quy y Đức Phật Bảo:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật, với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tuy có đối tượng 9 Ân đức Phật, nhưng không hiểu rõ ràng sâu sắc 9 Ân đức Phật ấy.

Câu quy y Đức Pháp Bảo:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, với đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tuy có đối tượng 6 Ân đức Pháp, nhưng không hiểu rõ ràng sâu sắc 6 Ân đức Pháp ấy.

Câu quy y Đức Tăng Bảo:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, với đại thiện tâm không hợp với trí, tuy có đối tượng 9 Ân đức Tăng, nhưng không hiểu rõ ràng sâu sắc 9 Ân đức Tăng ấy.

Như vậy, gọi là thọ phép quy y Tam Bảo không hợp với trí tuệ (ñāṇavippa-yuttasaraṇagamana).

Bốn hạng người quy y Tam Bảo theo pháp tam giới

Phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới có 4 hạng người:

- Attasanniyyātanasaraṇagamana: Phép quy y Tam Bảo bằng cách hiến dâng trọn đời mình nơi Tam Bảo.

- Tapparāyaṇasaraṇagamana: Phép quy y Tam Bảo bằng cách nương nhờ nơi Tam Bảo.

- Sissabhāvūpagamanasaraṇagamana: Phép quy y Tam Bảo bằng cách tự nguyện suốt đời làm đệ tử của Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng.

- Paṇipātasaraṇagamana: Phép quy y Tam Bảo bằng cách hết lòng tôn kính, lễ bái cúng dường Tam Bảo.

3- Phép quy y Tam Bảo bằng cách hiến dâng trọn đời mình nơi Tam Bảo như thế nào?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng. Người ấy đến hầu chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, tự nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng cách hiến dâng trọn đời mình đến ngôi Tam Bảo cao thượng bằng lời chân thật rằng:

“Ajja ādiṃ katvā ahaṃ attānaṃ Buddhassa niyyātemi, Dhammassa niyyātemi, Saṃghassa niyyātemi” [19].

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài chứng nhận cho con rằng:

Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con thành kính xin hiến dâng cuộc đời con đến Đức Phật cao thượng, con thành kính xin hiến dâng cuộc đời con đến Đức Pháp cao thượng, con thành kính xin hiến dâng cuộc đời con đến Đức Tăng cao thượng.

Sau khi bạch với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật xong, người ấy trở thành cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo cao thượng, từ ngày hôm ấy cho đến trọn đời.

Như vậy, gọi là phép quy y Tam Bảo bằng cách hiến dâng trọn đời mình đến nơi Tam Bảo.

4- Phép quy y Tam Bảo bằng cách đến quy y nương nhờ nơi Tam Bảo như thế nào?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng. Người ấy đến hầu chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, tự nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng cách đến nương nhờ nơi Tam Bảo cao thượng bằng lời chân thật rằng:

“Ajja ādiṃ katvā ahaṃ Buddhaparāyaṇo, Dhammaparāyaṇo, Saṃghapa-rāyaṇo iti maṃ dhāretha” [20].

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài chứng nhận cho con rằng:

Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con thành kính xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật cao thượng, xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp cao thượng, xin quy y nương nhờ nơi Đức Tăng cao thượng.

Sau khi bạch với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật xong, người ấy trở thành cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo cao thượng, từ ngày hôm ấy cho đến trọn đời.

Như vậy, gọi là phép quy y Tam Bảo bằng cách đến quy y nương nhờ nơi Tam Bảo.

5- Phép quy y Tam Bảo bằng cách tự nguyện suốt đời làm đệ tử của Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng như thế nào?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng. Người ấy đến hầu chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, tự nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng cách tự nguyện suốt đời làm đệ tử của Đức Phật, của Đức Pháp, của Đức Tăng bằng lời chân thật rằng:

“Ajja ādiṃ katvā ahaṃ Buddhassa antevāsiko, Dhammassa antevāsiko, Saṃghassa antevāsiko iti maṃ dhāretha”.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài chứng nhận cho con rằng:

Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con là người đệ tử của Đức Phật cao thượng, con là người đệ tử của Đức Pháp cao thượng, con là người đệ tử của Đức Tăng cao thượng.

Sau khi bạch với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật xong, người ấy trở thành cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo cao thượng, từ ngày hôm ấy cho đến trọn đời.

Như vậy, gọi là phép quy y Tam Bảo bằng cách tự nguyện suốt đời làm đệ tử của Đức Phật, của Đức Pháp, của Đức Tăng.

6- Phép quy y Tam Bảo bằng cách hết lòng tôn kính, lễ bái cúng dường Tam Bảo như thế nào?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng. Người ấy đến hầu chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, tự nguyện xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng cách hết lòng tôn kính, lễ bái cúng dường Tam Bảo bằng lời chân thật rằng:

“Ajja ādiṃ katvā ahaṃ abhivādāna-paccuṭṭhānāñjalikamma-sāmīci-kammaṃ Buddhādīnaṃ yevatiṇṇaṃ vatthūnaṃ karomi iti maṃ dhāretha”.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài chứng nhận cho con rằng:

Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con chỉ hết lòng tôn kính chắp tay, đón rước, lễ bái, đảnh lễ Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo mà thôi.

Sau khi bạch với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật xong, người ấy trở thành cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo cao thượng, từ ngày hôm ấy cho đến trọn đời.

Như vậy, gọi là phép quy y Tam Bảo bằng cách hết lòng tôn kính, lễ bái, cúng dường Tam Bảo.

Trong bốn phép quy y Tam Bảo này, phép nào cũng có thể trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo không thành tựu và thành tựu

Trong phép quy y Tam Bảo bằng cách hết lòng tôn kính lễ bái cúng dường đến Tam Bảo (Paṇipātasaraṇagamana) có 4 trường hợp:

- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính cho là thân quyến (ñātipaṇipā-tasaraṇagamana).

- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình (ācariya-paṇipātasaraṇagamana).

- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính bởi vì sợ (bhayapaṇipā-tasaraṇagamana).

- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính bởi trí tuệ hiểu biết Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng là nơi xứng đáng dâng lễ cúng dường (dakkhiṇeyyapaṇipā-tasaraṇagamana).

1- Phép quy y Tam Bảo bởi do lòng tôn kính cho là thân quyến như thế nào?

Những người nào trong dòng họ Sakya hoặc dòng họ Koliya có quan niệm rằng: Đức Phật Gotama cao thượng là Người thân quyến của chúng ta; chúng ta nên đến thành kính đảnh lễ, kính xin thọ phép quy y Tam Bảo nơi Ngài.

Trường hợp họ xin thọ phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính cho là người thân quyến, thì phép quy y Tam Bảo ấy không được thành tựu. Những người ấy không trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

2- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình như thế nào?

Người nào đã từng làm học trò của Đức Bồ Tát Siddhattha, nay Ngài đã là Đức Phật Gotama. Trường hợp người ấy nhớ đến vị Thầy cũ của mình, đến thành kính đảnh lễ Đức Phật, rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo, bởi do lòng tôn kính cho là vị Thầy cũ của mình, thì phép quy y Tam Bảo ấy không được thành tựu. Những người ấy không trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

3- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính bởi vì sợ như thế nào?

Người dân nào trong nước có quan niệm rằng: Đức Phật Gotama là bậc cao thượng mà Đức vua, các quan của chúng ta đều đến xin thọ phép quy y Tam Bảo; ta không chịu đến đảnh lễ Đức Phật, xin thọ phép quy y Tam Bảo, thì ta có thể bị tội hoặc bị mất nhiều lợi lộc.

Trường hợp những người ấy đến xin thọ phép quy y Tam Bảo bởi vì sợ, thì phép quy y Tam Bảo ấy không được thành tựu. Những người ấy không trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Ba phép quy y Tam Bảo này có quan niệm sai lầm, do phiền não tham, sân, si, thiên vị, v.v.., nên không thành tựu phép quy y Tam Bảo. Do đó, người ấy không chính thức được gọi là người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

4- Phép quy y Tam Bảo do lòng tôn kính bởi trí tuệ hiểu biết rõ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng là nơi xứng đáng dâng lễ cúng dường như thế nào?

Những người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng nhất, Đức Pháp cao thượng nhất, Đức Tăng cao thượng nhất, là nơi xứng đáng dâng lễ, cúng dường đối với tất cả chúng sinh.

Trường hợp những người ấy đến hầu đảnh lễ Đức Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Ngài, xin thọ phép quy y Tam Bảo với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng Ân đức Tam Bảo (9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng), thì phép quy y Tam Bảo ấy được thành tựu và những người ấy trở thành người cận sự nam, hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Như vậy, để thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới không phải dễ dàng, cho nên, người đến xin thọ phép quy y Tam Bảo không những bằng đức tin, mà còn phải có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng Ân đức Tam Bảo, và cần phải có sự hiện diện của bậc thiện trí hiểu biết Phật giáo để chứng minh và công nhận người ấy là người cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo suốt trọn đời trọn kiếp.

Khi những người ấy đã trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ được gần gũi thân cận với Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thì họ sẽ có được nhiều cơ hội trở thành người cao thượng, có được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp cao thượng, từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiên pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp cao thượng; sự an lạc cao thượng trong cõi người, cõi chư thiên, cõi phạm thiên, cuối cùng là sự an lạc Niết Bàn cao thượng.

Cũng như những thí sinh đã trúng tuyển trong kỳ thi vào trường Đại học, ngườí thí sinh ấy trở thành sinh viên của trường Đại học ấy, họ có quyền theo học các nghành và thi tốt nghiệp ra trường, để có cuộc đời tương lai xán lạn hơn.

Đối với hạng phàm nhân, được thành tựu phép quy y Tam Bảo là điều rất khó, mà giữ gìn, duy trì phép quy y Tam Bảo cho được hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não, không bị đứt phép quy y Tam Bảo, thật là một điều khó hơn nữa; bởi vì, trong cuộc sống ở đời có lắm điều phiền phức ràng buộc. Cho nên, người cận sự nam, cận sự nữ phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt mới có thể giữ gìn, duy trì phép quy y Tam Bảo được hoàn toàn trong sạch.

Đứt- không đứt phép quy y Tam Bảo

Người Phật tử có đức tin trong sạch, vững chắc, không lay chuyển nơi Tam Bảo, thì chỉ có chư bậc Thánh Nhân mà thôi; còn như các hàng Phật tử phàm nhân, tuy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhưng không vững chắc, dễ bị lay chuyển. Khi gặp những trường hợp khó xử. Nếu người Phật tử không giữ vững đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thì dễ bị đứt phép quy y Tam Bảo, như những trường hợp sau:

* Trường hợp cận sự nam, cận sự nữ lễ bái dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu sĩ ngoại đạo, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái dâng cúng đến người thân quyến của mình là tu sĩ ngoại đạo, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo. Thậm chí người cận sự nam, cận sự nữ còn phải có bổn phận lễ bái dâng cúng đến cha mẹ, ông bà, thầy tổ, những bậc hữu ân, bậc Trưởng Lão trong dòng họ và trong đời nữa.

Mặc dù, người cận sự nam, cận sự nữ kính trọng lễ bái dâng cúng đến các bậc ấy, mà vẫn có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thì không bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ ấy nghĩ rằng: Người thân quyến là tu sĩ ngoại đạo này thật cao thượng, ta nên đến nương nhờ nơi người ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam Bảo.

Nếu người ấy lễ bái dâng cúng đến người thân quyến là tu sĩ ngoại đạo, xin nương nhờ nơi vị tu sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam Bảo nữa, thì người ấy chắc chắn bị đứt quy y Tam Bảo; bởi vì, tâm của người ấy đã từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng để đi theo ngoại đạo.

* Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình là tu sĩ ngoại đạo, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình là tu sĩ ngoại đạo, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo, bởi vì, người ấy lễ bái dâng cúng đến vị Thầy cũ của mình do lòng biết ơn đối với vị Thầy cũ. Vả lại, người ấy vẫn có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thì không thể bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ ấy nghĩ rằng: Vị Thầy cũ của mình là ngoại đạo thật là cao thượng, ta nên đến xin nương nhờ nơi vị Thầy cũ ấy, đồng thời ta nên bỏ nương nhờ nơi Tam Bảo.

Nếu người ấy lễ bái, dâng cúng đến vị Thầy cũ là tu sĩ ngoại đạo, xin nương nhờ nơi vị Thầy cũ tu sĩ ngoại đạo ấy, không còn nương nhờ nơi Tam Bảo nữa, thì người ấy chắc chắn bị đứt phép quy y Tam Bảo, bởi vì tâm người ấy từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, để đi theo ngoại đạo.

* Trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ lễ bái Đức vua, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn còn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy lễ bái Đức vua, người có uy quyền trong một nước, vẫn không bị đứt quy y Tam Bảo, bởi vì, mỗi người dân đều nương nhờ nơi Đức vua, phải kính trọng và biết ơn Đức vua.

* Trường hợp cận sự nam, cận sự nữ kính dâng lễ đến chư thiên, cầu xin chư thiên hộ trì cho mình, thì người ấy có bị đứt phép quy y Tam Bảo hay không?

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, vẫn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo. Dù người ấy kính dâng lễ cúng dường đến chư thiên, cầu xin chư thiên hộ trì cho mình, giúp công việc gì đó được thành tựu, vẫn không bị đứt phép quy y Tam Bảo; bởi vì, người ấy vẫn có đức tin nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo.

Thực ra, trong Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy pháp balī: cúng dường, dâng lễ, bố thí, thuế,... có 5 pháp như sau:

- Ñātibalī: Bố thí, cúng dường đến người thân quyến.

- Atithibalī: Tiếp đãi khách quý.

- Pubbapetabalī: Bố thí hồi hướng phước thiện đến người thân quyến đã quá vãng.

- Rājabalī: Dâng lễ, đóng thuế cho Đức vua.

- Devatābalī: Kính dâng phước thiện đến chư thiên...

Người nào kính yêu chư thiên, thì chư thiên cũng kính yêu, hộ trì lại người ấy.

Người nào tạo mọi phước thiện như bố thí, giữ gìn giới trong sạch hoàn toàn, thuyết pháp, nghe pháp, tiến hành thiền định, tiến hành thiền tuệ v.v... rồi kính dâng phần phước thiện ấy đến chư thiên. Tất cả chư thiên rất hoan hỷ mọi phước thiện mà người kính dâng, cúng dường đến họ. Chư thiên luôn luôn hộ trì cho người ấy.

Nhưng trường hợp người cận sự nam, cận sự nữ nghĩ rằng: “Ta nên nương nhờ chư thiên, dâng lễ cúng dường đến chư thiên, thì chư thiên hộ trì giúp đỡ cho ta, hỗ trợ mọi công việc làm ăn được phát đạt, ta không nên nương nhờ nơi Tam Bảo nữa”.

Nếu người ấy thi hành theo ý nghĩ của mình, từ bỏ quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, mà theo nương nhờ chư thiên, hằng ngày dâng lễ cúng dường đến chư thiên, thì người ấy chắc chắn bị đứt phép quy y Tam Bảo.

-ooOoo-

 

QUY Y TAM BẢO
VỮNG CHẮC - KHÔNG VỮNG CHẮC

Phép quy y Tam Bảo vững chắc

Đối với chư Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana). Trong kiếp hiện tại, chư Thánh Thanh Văn ấy là người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch vững chắc nơi Tam Bảo, không hề lay chuyển; chỉ có nhất tâm thành kính quy y Tam Bảo cho đến trọn đời trọn kiếp mà thôi, không bao giờ từ bỏ Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng; bởi vì trong tâm của chư Thánh Nhân không có phiền não nào có thể làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo. Do đó, trong kiếp hiện tại chư Thánh Nhân là cận sự nam, cận sự nữ không bao giờ bị đứt phép quy y Tam Bảo.

Những người cận sự nam, cận sự nữ là bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, sau khi chết chắc chắn không thể tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh) mà chỉ có thiện nghiệp cho quả tái sinh làm người, hoặc làm chư thiên trong 6 cõi trời dục giới hoặc làm phạm thiên trong cõi trời sắc giới, vô sắc giới tùy theo năng lực của thiện nghiệp cho quả.

Những kiếp sau của bậc Thánh Nhân ấy vẫn còn nguyên vẹn phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới vững chắc, khắng khít ở trong tâm, trong mọi kiếp cho đến khi trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Phép quy y Tam Bảo không vững chắc

Đối với các hạng phàm nhân đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana). Trong kiếp sống hiện tại, người cận sự nam, cận sự nữ ấy có hai nhóm:

- Số người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, chỉ có nhất tâm giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo trọn vẹn đến trọn đời trọn kiếp mà thôi; cho đến khi chết, đồng thời cũng là lúc đứt phép quy y Tam Bảo. Bởi vì, phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới chỉ có hiệu lực trong kiếp hiện tại mà thôi, do đó trường hợp đứt phép quy y Tam Bảo này vô tội (anavajja).

Sau khi chết, do thiện nghiệp cho quả tái sinh trong cõi thiện giới (cõi người, cõi trời dục giới...) nào, kiếp sau làm người hoặc chư thiên, hoặc phạm thiên có gặp được Phật giáo hay không, điều đó không chắc chắn. Cho nên, trong kiếp hiện tại, người cận sự nam, cận sự nữ phải luôn phát nguyện rằng: “Do năng lực phước thiện này, kiếp vị lai gặp được Đức Phật, hoặc các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, được nghe chánh pháp của Đức Phật, hết lòng thành kính xin quy y Tam Bảo”.

- Số người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, trong kiếp sống còn hiện tại, do năng lực phiền não xui khiến họ từ bỏ Đức Phật, từ bỏ Đức Pháp, từ bỏ Đức Tăng, để theo nương nhờ nơi đạo khác. Như vậy, người ấy bị đứt phép quy y Tam Bảo ngay khi đó, không phải chờ đến lúc chết.

Đó là trường hợp đứt phép quy y Tam Bảo mà có tội (sāvajja).

Như vậy, phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới đối với các cận sự nam, cận sự nữ còn là phàm nhân, là phép quy y Tam Bảo không vững chắc.

Nhân làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo

Người cận sự nam, cận sự nữ còn là hạng phàm nhân, có đức tin nơi Tam Bảo không vững chắc, bởi vì họ vẫn còn có những phiền não nặng nề làm ô nhiễm trong tâm. Những phiền não là nhân làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo như:

- Phiền não si (moha): Tâm si không hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

- Phiền não hoài nghi (vicikicchā): Tâm hoài nghi về Đức Phật, hoài nghi về 9 Ân đức Phật; hoài nghi về Đức Pháp, hoài nghi về 6 Ân đức Pháp; hoài nghi về Đức Tăng, hoài nghi về 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

- Phiền não tà kiến (michādiṭṭhi): Tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Phật, về 9 Ân đức Phật; tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Pháp, về 6 Ân đức Pháp; tâm tà kiến thấy sai, hiểu lầm, chấp lầm về Đức Tăng, về 9 Ân đức Tăng. Đó là nhân làm ô nhiễm phép quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo.

Phiền não ấy phát sinh trong những trường hợp

Trong khi đang thọ phép quy y Tam Bảo, nếu hạng phàm nhân có những loại phiền não si mê, hoài nghi, tà kiến ấy phát sinh, thì người ấy không thành tựu phép quy y Tam Bảo, cũng không chính thức trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Hạng phàm nhân nào chỉ có đức tin nơi Tam Bảo, mà không có trí tuệ hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, cho nên, trong khi người ấy đang thọ phép quy y Tam Bảo, với dục giới đại thiện tâm không hợp với trí tuệ, tuy có đối tượng Ân đức Tam Bảo, nhưng không hiểu rõ sâu sắc 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; người ấy cũng thành tựu được phép quy y Tam Bảo không hợp với trí tuệ, cũng trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Tuy nhiên, về sau nếu người cận sự nam hoặc cận sự nữ này có những phiền não phát sinh ở trong tâm sẽ là nhân làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo của người ấy.

Nhân làm trong sạch phép quy y Tam Bảo

Người cận sự nam, cận sự nữ là hạng phàm nhân đã thọ phép quy y Tam Bảo xong rồi, về sau do phiền não si mê, hoài nghi, tà kiến làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo của họ. Nhờ có bạn lành, bạn tốt là bậc thiện trí khuyên nhủ, chỉ bảo, người ấy ý thức được rằng: Phiền não làm ô nhiễm phép quy y Tam Bảo, đó là điều bất lợi, thoái hóa mọi thiện pháp, khổ não.

Người ấy tìm đến bậc thiện trí có giới đức thanh tịnh, tinh thông pháp học, giàu kinh nghiệm về pháp hành,... thỉnh Ngài thuyết giảng Ân đức Tam Bảo, quả báu của phép quy y Tam Bảo. Người ấy lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, hiểu rõ về 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng,... đó là những pháp làm cho dễ phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ nhận thức đúng đắn rằng: “Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng”, được quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo là nương nhờ nơi cao thượng, sẽ có được quả báu cao thượng, sẽ có được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp cao thượng, sự an lạc Niết Bàn cao thượng.

Trước kia, người cận sự nam, cận sự nữ có phép quy y Tam Bảo bị ô nhiễm do bởi phiền não. Nay, người ấy đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí, lắng nghe chánh pháp của bậc thiện trí, hiểu rõ Ân đức Tam Bảo,... phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu biết các pháp. Do đó, làm cho phép quy y Tam Bảo của họ không còn bị ô nhiễm bởi phiền não nữa; phép quy y Tam Bảo của họ trở nên xán lạn, càng tăng trưởng đức tin nơi Tam Bảo.

Quy y Tam Bảo với đức tin trong sạch

Trong bài kinh Kāraṇapālisutta [21] được tóm lược như sau:

Ông Bàlamôn Kāraṇapāli là vị quan trông coi công việc trong hoàng tộc Licchavi xứ Vesāli và ông Bàlamôn Piṅgiyāni là bậc Thánh Bất Lai Thanh Văn đệ tử của Đức Phật. Hai người gặp và đàm thoại với nhau, ông Bàlamôn Piṅgiyāni tán dương ca tụng chánh pháp của Đức Phật.

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại tịnh xá trong khu rừng lớn gần thành Vesāli. Khi ấy, có ông Bàlamôn Kāraṇapāli đi trông coi công việc bên ngoài cửa thành, nhìn thấy ông Bàlamôn Piṅgigāni từ xa đến bèn hỏi rằng:

[22]: Thưa ông Piṅgiyāni, ông đi đâu trở về trưa vậy?

Piṅ([23]:Thưa ông Kāraṇapāli, tôi đến hầu Đức Phật Gotama trở về.

: Thưa ông Piṅgiyāni, ông biết trí tuệ của Samôn Gotama là Bậc đại trí cao thượng có phải không?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, tôi chỉ là người tầm thường làm sao biết được trí tuệ của Đức Phật Gotama; bậc nào biết được trí tuệ của Đức Phật Gotama, chắc chắn bậc ấy phải là Đức Phật như Đức Phật Gotama.

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, tôi nghe nói rằng, ông thường tán dương ca tụng Samôn Gotama lắm phải không?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, tôi chỉ là người tầm thường, có biết gì về Đức Phật Gotama mà dám tán dương ca tụng Ngài, chỉ có chư thiên, chư phạm thiên, các bậc thiện trí thường tán dương ca tụng Đức Phật Gotama là Bậc Tối Thượng trong tất cả mọi chúng sinh, chư thiên, chư phạm thiên, chư Samôn, Bàlamôn và toàn nhân loại.

Kā: Thưa ông Piṅgiyāni, ông đã nhận thấy sự lợi ích thế nào mà ông có đức tin trong sạch nơi Samôn Gotama đến như thế ấy?

Piṅ: Thưa ông Kāraṇapāli, ví như một người đã ăn uống no đủ những món vật thực ngon lành có hương vị hảo hạng rồi; thì người ấy không còn thèm muốn những món vật thực dở, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy không còn muốn nghe lời dạy của Samôn, Bàlamôn khác, cũng như thế ấy.

Cũng ví như người đang đói khát, mệt lả, gặp một tổ ong mật đầy, người ấy uống mật ong nguyên chất không pha trộn thứ khác, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi, hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy phát sinh tâm hỷ lạc, có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Gotama, cũng như thế ấy.

Cũng ví như người đi tìm được cây trầm vàng hoặc cây trầm đỏ, người ấy ngửi rễ trầm, thân cây trầm, ngọn cây trầm cảm thấy mùi thơm tho, mát dịu, dễ chịu như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có rồi, người ấy cảm thấy hài lòng tâm vô cùng hoan hỷ, cũng như thế ấy.

 Cũng ví như người mắc phải bệnh trầm kha lâu năm đau khổ, nhưng diễm phúc gặp được vị lương y tài giỏi điều trị khỏi căn bệnh ấy, người ấy sống được an lạc, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy diệt khỏi được sự sầu não, khóc than, khổ tâm, khổ thân, sự thống khổ cùng cực, cũng như thế ấy.

Cũng ví như một hồ nước trong trẻo, sạch sẽ, mát mẻ, bến nước lài thoai thoải, cảnh đẹp nên thơ; một người đi đường xa, trời nắng, mệt mỏi, khát nước, đi lần đến hồ nước ấy, xuống hồ uống nước, tắm rửa sạch sẽ, hết khát, hết mệt, diệt được sự nóng nảy, như thế nào. Cũng như vậy, người nào đã lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Gotama như bài kinh, câu kệ, bài văn xuôi hoặc những pháp phi thường chưa từng có từ trước rồi, người ấy cảm thấy diệt được phiền não nóng nảy trong tâm, tâm được thanh tịnh vắng lặng, cũng như thế ấy...

Lắng nghe ông Bàlamôn Piṅgiyāni thuyết giảng sự lợi ích chánh pháp của Đức Phật Gotama, ông Bàlamôn Kāraṇapāli đứng dậy mặc áo chừa vai bên phải, quỳ xuống đất chắp hai tay hướng về Đức Thế Tôn đang ngự, thốt lên lời tôn kính 3 lần:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Samāsambuddhassa. (3 lần)

Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Đức Arahán, Đức Chánh Đẳng Giác. (3 lần)

Ông ca tụng ông Bàlamôn Piṅgiyāni rằng:

- Thưa ông Piṅgiyāni, lời giảng giải của ông thật rõ ràng quá, làm tôi vô cùng hoan hỷ. Ông đã giảng giải bằng nhiều phương pháp khác nhau, ví như lật ngửa ra vật bị che đậy, hoặc mở ra vật bị đóng chặt, hoặc chỉ đường cho người lạc đường, hoặc rọi đèn soi sáng vào nơi tăm tối để cho người có đôi mắt sáng được thấy rõ mọi vật hiện hữu.

Tiếp theo ông Bàlamôn Kāraṇapāli xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng lời chân thật rằng:

“Esāhaṃ Bho Piṅgiyāni taṃ Bhagavantaṃ Gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakam maṃ bhavaṃ Piṅgiyāni dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ”.

- Kính thưa ông Piṅgiyāni, xin ông chứng nhận lời chân thật của tôi rằng: “Con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn Gotama, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y Đức Tỳ khưu Tăng Bảo”.

Kính xin ông Piṅgiyāni công nhận tôi là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo cao thượng, kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Quả báu của phép quy y Tam Bảo và ngũ giới rất phi thường, thật vô cùng phong phú. Những người thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới trước khi lâm chung, sau khi chết, do cận tử thiện nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên.

Như tích chuyện Satullapakāyikā trong Chú giải Devatāsamyutta (chương chư thiên), kinh Sabbhisutta được tóm lược như sau:

Một chiếc thuyền buôn có số đông thương gia trên thuyền, chiếc thuyền lướt gió ra biển khơi đến ngày thứ bảy, gặp sóng to gió lớn, thuyền bị hư, nước tràn vào thuyền sắp chìm giữa biển khơi.

Mọi người trên thuyền đều sợ hãi, cầu khẩn chư thiên hộ trì, khóc than van vái. Trong số người đó, có một người cận sự nam thấy tai họa chết sắp đến, người ấy ngồi niệm tưởng đến pháp mà mình đã thọ trì, đó là phép quy y Tam Bảo và ngũ giới trong sạch của mình, rồi ngồi kiết già an nhiên tự tại, như một hành giả, không hề tỏ vẻ sợ hãi chút nào.

Mọi người đến hỏi:

- Này ông, do nguyên nhân nào mà ông không sợ hãi?

Người ấy thưa rằng:

- Thưa quý ông, tôi không sợ hãi, bởi vì trước ngày tôi đi xuống thuyền; tôi có đến hầu chư Tỳ khưu Tăng làm phước thiện bố thí đến quý Ngài, đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới trong sạch. Tôi có quy y Tam Bảo và có ngũ giới trong sạch, để làm nơi nương nhờ của tôi, do đó, tôi không sợ hãi.

Mọi người thưa rằng:

- Kính thưa ngài, phép quy y Tam Bảo và ngũ giới ấy, bây giờ chúng tôi có thể thọ trì được hay không?

- Tốt lành lắm! Phép quy y Tam Bảo và ngũ giới này, mọi người đều nên thọ trì, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài.

Mọi người thưa:

- Kính thưa Ngài, như vậy, xin Ngài hướng dẫn chúng tôi thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Người cận sự nam thiện trí ấy chia mọi người ra thành 7 nhóm, mỗi nhóm 100 người:

- Đầu tiên, người cận sự nam thiện trí hướng dẫn nhóm thứ nhất, phép quy y Tam Bảo và ngũ giới; nhóm thứ nhất thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập đến mắt cá.

- Tiếp tục, nhóm thứ nhì thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập đến đầu gối.

- Nhóm thứ ba thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập đến mông.

- Nhóm thứ tư thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập đến lỗ rún.

- Nhóm thứ năm thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập đến ngực.

- Nhóm thứ sáu thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập gần đến cổ.

- Nhóm thứ bảy thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong, thì nước ngập gần đến miệng.

Sau khi hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho 7 nhóm gồm có 700 người xong rồi, người cận sự nam thiện trí khuyên dạy rằng:

- Này quý vị, xin quý vị nương nhờ nơi Tam Bảo và ngũ giới của mình, ngoài ra, không nương nhờ nơi nào khác.

Sau đó, chiếc thuyền bị chìm đắm, tất cả mọi người trên thuyền đều bị chết cả thảy. Sau khi chết, do nhờ phước thiện thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, đó là cận tử thiện nghiệp (āsannakusalakamma) cho quả tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên, trở thành chư thiên nam, mỗi vị có một lâu đài nguy nga tráng lệ. Trong số những lâu đài ấy, lâu đài của vị Thầy nằm ở trung tâm cao 100 do tuần, còn 700 lâu đài của 700 vị thiên nam đệ tử xung quanh, mỗi lâu đài cao 12 do tuần.

Nhóm chư thiên ấy quán xét rằng: Do thiện nghiệp nào của mình, mà cho quả tái sinh lên cõi trời này, có được quả báu tốt lành đáng hài lòng như thế này?

Nhóm chư thiên ấy thấy rõ biết rõ rằng: Chúng ta có được quả báu tốt lành đáng hài lòng này là do nương nhờ vị Thầy của chúng ta, hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Vậy, chúng ta mời vị Thầy cùng hiện xuống cõi người đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, đồng thời tán dương ca tụng Ân đức Thầy trước sự hiện diện của Đức Thế Tôn.

Khi ấy, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika, gần kinh thành Sāvatthi.

Vào canh giữa, nhóm chư thiên hiện xuống, hào quang sáng ngời khắp cả ngôi chùa Jetavana. Nhóm chư thiên đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, đứng một nơi hợp lẽ.

Một vị thiên nam tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Là người cao thượng, không phải thấp hèn
.

Vị thiên nam khác tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Có được trí tuệ từ bậc thiện trí
Không phải có từ hạng người si mê
.

Vị thiên nam khác tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Không sầu não giữa đám người sầu não
.

Vị thiên nam khác tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Được vinh hiển giữa các hàng thân quyến.

Vị thiên nam khác tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Những chúng sinh ấy sẽ đến cõi trời
.

Vị thiên nam khác tán dương ca tụng Ân đức Thầy rằng:

Kính bạch Đức Thế Tôn,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Những chúng sinh ấy thường được an lạc
.

Một vị thiên nam bạch với Đức Thế Tôn rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, những lời lẽ ấy, lời vị thiên nam nào gọi là thiện ngôn.

Đức Thế Tôn tuyên dạy rằng:

- Này chư thiên, những lời của các con đều là lời thiện ngôn (subhāsita). Nay, các con lắng nghe lời của Như Lai.

Này chư thiên,
Người nên thân cận với bậc thiện trí
Nên làm bạn thân với bậc thiện trí
Để nghe biết pháp của bậc thiện trí
Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ
Tử sinh luân hồi trong tam giới này.

Nhóm chư thiên vô cùng hoan hỷ với lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi xin phép trở về cõi trời Tam Thập Tam Thiên, an hưởng mọi sự an lạc nơi cõi ấy.

* Điều nhận xét:

Sáu vị thiên nam, trong mỗi câu kệ tán dương ca tụng Ân đức Thầy của mình đều có câu:

Satam saddhammamaññāya”.

(Để nghe biết pháp của bậc thiện trí).

Danh từ Saddhamma: Chánh pháp trong 6 câu kệ chỉ đề cập đến ngũ giới, hoặc phép quy y Tam Bảo và ngũ giới mà thôi. Bởi vì, các vị thiên nam chỉ có trình độ hiểu biết được quả báu an lạc mà quý vị chư thiên đang thọ hưởng trong cõi trời Tam Thập Tam Thiên, đó là quả báu của thiện nghiệp phép quy y Tam Bảo và ngũ giới từ vị Thầy của mình.

Trong câu kệ của Đức Phật có câu:

Satam saddhammamaññāya

(Để nghe biết pháp của bậc thiện trí)

Danh từ Saddhamma: Chánh pháp mà Đức Phật truyền dạy trong câu kệ không chỉ ngũ giới, hoặc phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, mà còn có bát giới, cửu giới, thập giới, 227 giới của Tỳ khưu; pháp hành thiền định, chứng đắc 4 bậc thiền hữu sắc, 4 bậc thiền vô sắc; pháp hành thiền tuệ, 37 pháp [24] để chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Cho nên, câu cuối của bài kệ Đức Phật:

Sabbadukkhā pamuccati

(Người ấy được giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài).

-ooOoo-

 

PHÉP QUY Y TAM BẢO
THỜI XƯA VÀ THỜI NAY

Thời xưa, một người muốn chính thức trở thành một người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Người ấy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, trước sự hiện diện của Đức Phật hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, để chứng minh.

* Nếu người ấy là người nam, thì tự nguyện, xin thọ phép quy y Tam Bảo rằng:

“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ”.

“Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn, công nhận con là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

* Nếu người ấy là người nữ thì tự nguyện, xin thọ phép quy y Tam Bảo rằng:

“Esāhaṃ Bhante Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsikaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetā saraṇaṃ gatā”.

“Kính bạch Đức Thế Tôn, con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn, xin quy y Đức Pháp Bảo, xin quy y chư Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn, công nhận con là người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Thời xưa, thời kỳ Đức Phật xuất hiện trên thế gian, tiếng Māgadha được xem như tiếng phổ thông mà Đức Phật sử dụng để thuyết pháp tế độ chúng sinh gọi là tiếng Pāḷi.

Sau khi Đức Phật tịch diệt Niết Bàn, các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật vẫn còn giữ nguyên truyền thống xưa. Người nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, trước sự hiện diện của bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật là bậc Trưởng Lão, hoặc vị Đại đức, hoặc vị Tỳ khưu, hoặc vị Sadi; người ấy thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và kính xin vị ấy chứng minh và công nhận họ là người cận sự nam hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo kể từ đó cho đến trọng đời.

Nếu không có bậc xuất gia thậm chí, người cận sự nam hoặc cận sự nữ là bậc thiện trí trong Phật giáo, cũng có thể chứng minh; như trường hợp ông Bàlamôn Kāraṇapāli thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và ông Bàlamôn Piṅgiyāni chứng minh và công nhận ông Kāraṇapāli là cận sự nam đã quy y Tam Bảo; và trường hợp người cận sự nam thiện trí hướng dẫn phép quy y Tam bảo và ngũ giới cho 700 thương gia trên thuyền.

Thời nay, Phật giáo đã truyền bá đến nhiều nước trên thế giới, mà mỗi nước có tiếng nói riêng của nước mình. Tuy vậy, các nước theo Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, căn cứ vào Tam Tạng và Chú giải Pāḷi làm căn bản chính. Do đó, tiếng Pāḷi trở thành một ngôn ngữ chung cho tất cả mọi người Phật tử, còn tiếng nói của xứ sở mình là ngôn ngữ riêng, dùng để dịch nghĩa từ ngôn ngữ Pāḷi ra ngôn ngữ của mình, cho mọi người ở trong nước hiểu rõ giáo pháp của Đức Phật. Như vậy, các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, trong các nghi thức Phật giáo thường sử dụng tiếng Pāḷi là chính.

Đối với các hàng tại gia cận sự nam, cận sự nữ, trong các nghi thức xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới, hoặc cửu giới,... nghi thức tụng kinh lễ bái Tam Bảo, tụng kinh Parittapāḷi,... bằng tiếng Pāḷi là chính, có nơi cũng bằng tiếng Pāḷi và dịch ra nghĩa bằng tiếng của xứ sở mình, để cho mọi người trong nước hiểu biết rõ ý nghĩa.

Đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu trong các nghi thức thọ Sadi, thọ Tỳ khưu, tụng Kammavācā hành Tăng sự,... chắc chắn chỉ sử dụng tiếng Pāḷi mà thôi, không thể sử dụng tiếng xứ sở của mình. Do đó, trong các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Theravāda, những nghi thức chính Phật giáo, đều sử dụng tiếng Pāḷi hầu như giống hệt nhau.

PHÉP QUY Y TAM BẢO PHỔ THÔNG

Thời nay, các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda như nước Srilankā, nước Thái Lan, nước Myanmar, nước Lào, nước Campuchia, Phật giáo Nguyên thủy Theravāda tại Việt Nam... thường áp dụng phép quy y Tam Bảo phổ thông như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Phép quy y Tam Bảo này được bắt chước theo cách xuất gia thọ Sadi mà Đức Phật đã ban hành đến chư Tỳ khưu. Đức Phật cho phép xuất gia thọ Sadi rằng:

- Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép xuất gia thọ Sadi bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo.

Này chư Tỳ khưu, như vậy, gọi là xuất gia thọ Sadi.

Vị Thầy tế độ (upajjahāya) hướng dẫn phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại từng chữ từng câu đúng theo vị Thầy tế độ từ câu đầu: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi” cho đến câu cuối: “Tatiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi“.

Khi giới tử đã lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo đầy đủ 3 lần xong, giới tử ấy chính thức trở thành vị Sadi trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Thời nay thọ phép quy y Tam Bảo này được áp dụng cho các hàng tại gia cư sĩ là người cận sự nam, cận sự nữ trong các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda. Bởi vậy, cho nên phép quy y Tam Bảo này gọi là phép quy y Tam Bảo phổ thông của thời nay.

Hướng dẫn phép quy y Tam Bảo phổ thông

Thời nay, sở dĩ Ngài Đại Trưởng Lão hướng dẫn phép quy y Tam Bảo như vậy, là vì những người đệ tử không rành tiếng Pāḷi, vả lại, nếu để mỗi người nói bằng tiếng của xứ sở mình, thì mỗi người nói một cách khác nhau, không thể đồng thanh từng chữ từng câu với nhau, làm cho nghi lễ thọ phép quy y Tam Bảo kém phần trang nghiêm. Do đó, Ngài Đại Trưởng Lão hướng dẫn phép quy y Tam Bảo từng chữ, từng câu, để cho các người đệ tử đồng thanh lặp lại đúng từng chữ, từng câu y theo Ngài Đại Trưởng Lão. do đó làm cho nghi lễ thọ phép quy y Tam Bảo tăng thêm phần trang nghiêm.

Còn điều quan trọng nữa, người hướng dẫn phép quy y Tam Bảo là vị Thầy của mình, vị Thầy ấy, có vai trò rất quan trọng làm phận sự dạy dỗ, chỉ bảo các người đệ tử hiểu rõ về 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Bởi vì, Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của phép quy y Tam Bảo, giúp hỗ trợ cho người đệ tử thành tựu được phép quy y Tam Bảo. Vị Thầy còn có bổn phận dạy dỗ các đệ tử những pháp quan trọng khác như giới-định-tuệ,... Cho nên, người đệ tử phải có phận sự kính trọng và biết ơn Thầy.

Cách thức thành tựu phép quy y Tam Bảo

Để thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana), vai trò quan trọng của người đệ tử là chính. Cho nên, người đệ tử phải là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì, những Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của đại thiện tâm, khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo.

Khi người đệ tử đang thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại từng chữ, từng câu với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, hiểu rõ ý nghĩa và có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng như sau:

- Khi lặp lại câu:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”

Nghĩa từng chữ:

Buddhaṃ: nơi 9 Ân đức Phật.
Saraṇaṃ
: quy y nương nhờ.
Gacchāmi
: con xin đến, con biết rõ...

Nghĩa toàn câu:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật:

“Itipiso Bhagavā Arahaṃ... Bhagavā”.

- Khi lặp lại câu:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”.

Nghĩa từng chữ:

Dhammaṃ: nơi 6 Ân đức Pháp.
Saraṇaṃ
: quy y nương nhờ.
Gacchāmi
: con xin đến, con biết rõ...

Nghĩa toàn câu:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp:

“Svākkhato Bhagavatā dhammo... paccattaṃ veditabbo viññūhi”.

- Khi lặp lại câu:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi”.

Nghĩa từng chữ:

Saṃghaṃ: nơi 9 Ân đức Tăng.
Saraṇaṃ
: quy y nương nhờ.
Gacchāmi
: con xin đến, con biết rõ...

Nghĩa toàn câu:

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng:

“Suppaṭipanno Bhagavato sāvakasaṃgho... Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa”.

Dutiyampi: Lần thứ nhì, lặp lại từng câu quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng.

Tatiyampi: Lần thứ ba, cũng như lần thứ nhì.

Phép quy y Tam Bảo lặp lại đến lần thứ ba theo truyền thống. Đó cũng là phong tục của người xưa, để chứng tỏ lòng chân thành tôn kính, khẳng định chắc chắn của mình đối với Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo.

Như vậy, sự thành tựu của phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới, vai trò của người đệ tử là quan trọng nhất; còn vị Thầy hướng dẫn chỉ là nhân duyên hỗ trợ giúp cho người đệ tử được thành tựu thọ phép quy y Tam Bảo mà thôi. Do đó:

- Nếu không có vị Đại Trưởng Lão hướng dẫn, thì vị Đại đức hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu không có vị Đại đức hướng dẫn, thì một vị Tỳ khưu hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu không có vị Tỳ khưu hướng dẫn, thì một vị Sadi hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu không có vị Sadi hướng dẫn, thì một cận sự nam, hoặc một cận sự nữ là bậc thiện trí hiểu biết Phật giáo, biết cách hướng dẫn phép quy y Tam Bảo cũng nên. Bởi vì, sự thành tựu của phép quy y Tam Bảo là do chính người đệ tử hiểu biết cách thức thọ phép quy y Tam Bảo đúng đắn.

Cũng có thể ví dụ như:

Thi tuyển sinh vào các trường Đại học: Thí sinh nào trúng tuyển vào trường Đại học, trở thành sinh viên, là do nhờ tài năng của thí sinh ấy, không phải do nhờ ban giám khảo, còn ban giám khảo chỉ làm phận sự hợp thức hóa, và công nhận thí sinh ấy chính thức là một sinh viên thực sự của trường Đại học đó mà thôi.

Cũng như vậy, vị Thầy hướng dẫn phép quy y Tam Bảo là giúp đỡ, dạy dỗ người đệ tử hiểu biết rõ cách thức thọ phép quy y Tam Bảo, để cho được thành tựu; còn việc thành tựu phép quy y Tam Bảo là do sự hiểu biết của người đệ tử.

- Khi người đệ tử lặp lại câu quy y Phật:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật” với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật như thế nào?

- Khi lặp lại câu quy y Phật:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau. Cũng ví như khi nhắc đến tiếng “cha mẹ”, thì ngay khi ấy, hình ảnh cha mẹ, ân đức cha mẹ, đồng thời hiện rõ trong tâm của người con có hiếu nghĩa. Bởi vì, hình ảnh và ân đức cha mẹ đã in sâu trong tâm tưởng của người con từ thuở nhỏ.

Cũng như vậy, để cho đối tượng 9 Ân đức Phật hiện rõ trong tâm; trước đó người đệ tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ 9 Ân đức Phật xong, nên khi lặp lại tiếng Buddhaṃ (Đức Phật), đồng thời đối tượng 9 Ân đức Phật hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.

- Khi người đệ tử lặp lại câu quy y Pháp:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp” với đại thiện tâm hợp với trí tuệ, có đối tượng 6 Ân đức Pháp như thế nào?

- Khi lặp lại câu quy y Pháp:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ, từng câu, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau. Cũng ví như một bài hát mà người ấy thích nhất, đã học thuộc lòng bài hát từ trước. một khi nhắc đến tên bài hát ấy, đồng thời toàn bài hát ấy hiện rõ trong tâm trí của người ấy.

Cũng như vậy, để cho đối tượng 6 Ân đức Pháp hiện rõ trong tâm; Trước đó người đệ tử đã học hỏi, ghi nhớ , hiểu rõ 6 Ân đức Pháp xong, nên khi lặp lại tiếng Dhammaṃ (Đức Pháp), đồng thời đối tượng 6 Ân đức Pháp hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.

- Khi người đệ tử lặp lại câu quy y Tăng:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng” với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng như thế nào?

- Khi lặp lại câu quy y Tăng:

“Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng” bằng tiếng Pāḷi hoặc tiếng Việt, người đệ tử cần phải hiểu rõ ý nghĩa từng chữ từng câu, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có 9 Ân đức Tăng hiện rõ trong tâm, đồng thời cùng một lúc không trước không sau. Cũng ví như, một vị Thầy khả kính, khả ái đã từng dạy dỗ ta nên người hữu ích. một khi nhắc đến tên vị thầy ấy của mình, đồng thời lúc ấy hình ảnh và ân đức của vị Thầy hiện rõ trong tâm tưởng của người học trò có tình có nghĩa với Thầy.

Cũng như vậy, để cho đối tượng 9 Ân đức Tăng hiện rõ trong tâm; Trước đó người đệ tử đã học hỏi, ghi nhớ, hiểu rõ 9 Ân đức Tăng xong, nên khi lặp lại tiếng Saṃghaṃ (Đức Tăng), đồng thời đối tượng 9 Ân đức Tăng hiện rõ trong tâm ngay lúc ấy, không trước không sau.

Do đó, muốn thành tựu phép quy y Tam Bảo, trước tiên người đệ tử cần phải đến gần gũi, thân cận với vị Thầy là bậc thiện trí trong Phật giáo, để lắng nghe chánh pháp, nhất là học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì những Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo cho được thành tựu.

Như vậy, được thành tựu phép quy y Tam Bảo chính do nhờ sự hiểu biết cách thức thành tựu phép quy y Tam Bảo của người đệ tử, mà sự hiểu biết cách thức ấy lại do nhờ vị Thầy là bậc thiện trí biết phương pháp dạy dỗ người đệ tử, để trở thành người cận sự nam, hoặc người cận sự nữ. Vậy người cận sự nam, người cận sự nữ cần phải làm tròn bổn phận của người đệ tử đối với vị Thầy của mình.

Thai nhi thọ phép quy y Tam Bảo

Hoàng tử Bodhi đã thuật lại cho người bạn Siñjikāputta nghe lại những trường hợp quy y Tam Bảo của mình (do Mẫu hậu kể lại cho Hoàng tử biết):

- Này bạn Siñjikāputta,

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Ghositārāma, xứ Kosambī. Khi ấy, Mẫu hậu của tôi đang mang thai tôi. Mẫu hậu đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:

“Yo me ayaṃ Bhante kucchigato kumārako vā kumārikā vā, so Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchati dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ taṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ” [25].

“Kính bạch Đức Thế Tôn, thai nhi nào là Hoàng tử hoặc Công chúa đang nằm trong bụng của con, nó thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận nó là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Trẻ sơ sinh thọ phép quy y Tam Bảo

Trường hợp Hoàng tử Bodhi khi còn thơ ấu.

- Này bạn Siñjikāputta,

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại khu rừng Bhesakaḷāvana gần thành Susumaragira trong vùng Bhagga. Khi ấy, tôi còn thơ ấu, nhũ mẫu ẵm tôi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:

“Ayaṃ Bhante Bodhirājakumāro Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ taṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ” 2.

“Kính bạch Đức Thế Tôn, Hoàng tử Bodhi thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận Hoàng tử Bodhi là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Trường hợp Hoàng tử Bodhi đã trưởng thành tự mình đến xin thọ phép quy y Tam Bảo:

“Esāhaṃ Samma Siñjikāputta, tatiyampi Bhagavantaṃ saraṇaṃ gacchāmi, Dhammañca bhikkhusaṃghañca, upāsakaṃ maṃ Bhagavā dhāretu, ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gataṃ” [26].

Này bạn Siñjikāputta, lần thứ ba tôi đến thọ phép quy y Tam Bảo rằng: “Con thành kính xin quy y Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận con là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

* Thai nhi còn đang nằm trong bụng mẹ, và đứa trẻ còn thơ ấu chưa có sự hiểu biết, mà người thay mặt đứa trẻ thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo được thành tựu hay không? và có được sự lợi ích như thế nào?

Thai nhi còn trong bụng mẹ và đứa trẻ còn thơ ấu chưa có sự hiểu biết, mà người thay mặt đứa trẻ thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo; thật ra, phép quy y Tam Bảo ấy không thành tựu, nhưng sẽ có được sự lợi ích, khi đứa bé trưởng thành, nghe người mẹ kể lại cho nó biết rằng:

- Này con, khi con còn là thai nhi trong bụng mẹ, mẹ đã đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn, thai nhi nào là Hoàng tử hoặc Công chúa đang nằm trong bụng con, nó thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận nó là người cận sự nam, đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

­- Này con, khi con sinh ra đời còn là một Hoàng tử thơ ấu, chưa có sự hiểu biết, nhũ mẫu của con, ẵm con đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, bèn bạch rằng:

“Kính bạch Đức Thế Tôn, Hoàng tử Bodhi thành kính xin quy y nơi Đức Thế Tôn, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo và xin quy y nơi Tỳ khưu Tăng Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận Hoàng tử Bodhi là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ hôm nay cho đến trọn đời”.

Khi Hoàng tử Bodhi nghe Mẫu hậu của mình thuật lại đã hai lần thọ phép quy y Tam Bảo cho mình, khiến Hoàng tử Bodhi có một ấn tượng sâu sắc rằng: “Tôi là người cận sự nam trong Phật giáo”. Cho nên, khi Hoàng tử trưởng thành, đã tự mình đến hầu Đức Thế Tôn, thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo. Kính xin Đức Thế Tôn công nhận Hoàng tử là người cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ đó cho đến trọn đời.

Mặc dù hai lần trước thọ phép quy y Tam Bảo không thành tựu, song cũng làm nhân duyên để hỗ trợ cho lần thứ ba này, chắc chắn được thành tựu phép quy y Tam Bảo, và được chính thức trở thành người cận sự nam trong Phật giáo. Về sau, Hoàng tử Bodhi là người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có lòng tôn kính Đức Phật, tôn kính Đức Pháp, tôn kính Đức Tăng, để mong được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an lạc cao thượng.

-ooOoo-

 

LỢI ÍCH CỦA PHÉP QUY Y TAM BẢO

Lợi ích của phép quy y Tam Bảo có hai phần

- Sự lợi ích chung của phép quy y Tam Bảo.
- Sự lợi ích riêng của mỗi quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.

1. Sự lợi ích chung của phép quy y Tam Bảo

Người cận sự nam, cận sự nữ đã thọ phép quy y Tam Bảo:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃgham
saraṇaṃ gacchāmi....

được thành tựu xong rồi, người ấy có được lợi ích chung của phép quy y Tam Bảo vô cùng phong phú, vô lượng, vô biên.

Trong Chú giải dạy rằng:

“Saraṇagatānaṃ teneva saraṇagamanena bhayaṃ santāsaṃ dukkhaṃ duggatiṃ parikilesaṃ hanati vināsetīti attho” [27].

Đối với người đã thành tựu phép quy y Tam Bảo... sẽ có được sự lợi ích như:

- Tránh khỏi tái sinh trong 4 cõi ác giới.
- Giảm bớt được sự khổ thân.
- Tiêu diệt được sự kinh sợ, khổ tâm.
- Diệt được họa tử sinh luân hồi trong tam giới.

Đó là sự lợi ích chung của phép quy y Tam Bảo.

Giải thích:

* Tránh khỏi tái sinh trong 4 cõi ác giới

Bốn cõi ác giới đó là địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh, 4 cõi khổ này dành cho người nào đã tạo ác nghiệp, sau khi chết, do ác nghiệp cho quả tái sinh vào một trong 4 cõi ác giới ấy.

Đối với người đã thành tựu phép quy y Tam Bảo, do năng lực phước thiện phép quy y Tam Bảo này, sau khi chết có thể tránh khỏi tái sinh trong bốn cõi ác giới, cũng do năng lực của phước thiện này, cho quả tái sinh trong cõi thiện giới, đó là cõi người hoặc cõi trời dục giới...

Đức Phật dạy:

“Yekeci Buddhaṃ saranaṃ gatāse
Na te gamissanti apāyabhūmiṃ
Pahāya manusaṃ dehaṃ
Devakāyaṃ paripūressanti”
[28].

Những người nào đã quy y Đức Phật,
Những người ấy sau khi bỏ thân người
Sẽ không tái sinh trong cõi ác giới
Sẽ hóa sinh lên cõi trời dục giới.

* Giảm được sự khổ thân

Hễ có thân là có khổ, song người đã thọ phép quy y Tam Bảo rồi, họ là người có nhiều phước thiện cho quả tốt lành, có đầy đủ mọi thứ cần thiết trong cuộc sống như y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh và các thứ phương tiện khác, do đó, nên giảm được mọi sự khổ thân, đói khát, nóng lạnh v.v...

* Tiêu diệt được sự kinh sợ, khổ tâm

Người đã quy y nương nhờ nơi Tam Bảo, tâm thường niệm tưởng đến 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, thì chắc chắn mọi kinh sợ sẽ không thể phát sinh được.

Đức Phật dạy:

“Evaṃ Buddhaṃ sarantānaṃ,
 Dhammaṇca Saṃghaṇca bhikkhavo
 Bhayaṃ vā chambhitattaṃ vā,
 Lomahaṃso na hessati”
[29].

Này chư Tỳ khưu,
Như Lai đã dạy các con như vậy:
Kinh hoàng, run sợ hoặc nổi da gà.
Không phát sinh đến người thường niệm
Ân đức Phật, Ân đức Pháp, Ân đức Tăng.

* Diệt được họa tử sinh luân hồi trong tam giới

Sở dĩ, chúng sinh luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, là vì có ba cái họa:

- Họa phiền não luân (Kilesavaṭṭa)
- Họa nghiệp luân
(Kammavaṭṭa)
- Họa quả luân
(Vipākavaṭṭa)

Họa Tam Luân này kết nối với nhau thành vòng tròn, không có chỗ bắt đầu cũng không có chỗ cuối cùng; nghĩa là: Có phiền não khiến tạo nên nghiệp, có nghiệp cho quả tái sinh, có tái sinh thì còn phiền não, tạo nghiệp cho quả tái sinh... Cứ như vậy, khiến chúng sinh luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân hồi vô thủy-vô chung. Người đã thọ phép quy y nương nhờ nơi Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo thực hành pháp hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc được 4 Thánh Đạo Tuệ diệt đoạn được tất cả mọi phiền não không còn sót; đồng thời cũng phá tan rã vòng Tam Luân, diệt được họa tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, do nhờ thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới.

2. Sự lợi ích riêng của mỗi phép quy y

Mỗi phép quy y: quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo có đối tượng khác nhau, nên có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc khác nhau.

a) Sự lợi ích của phép quy y Phật Bảo

Những người có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, thành kính xin quy y Phật Bảo rằng:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật; người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc như sau:

 “Hite pavattanena ahite ca nivattanena sattānaṃ bhayaṃ hiṃsati Buddho” [30].

“Người đã quy y Phật Bảo, Đức Phật, dạy bảo những pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc, răn cấm những pháp đem lại sự bất lợi, thoái hóa, khổ não giáo huấn pháp hành để diệt họa tử sinh luân hồi của chúng sinh”.

Giải thích:

* Dạy bảo những pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc

Đức Phật dạy rằng:

“Sampannasīlā bhikkhave viharatha”.

“Này chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ các con sống, nên giữ gìn giới hạnh cho đầy đủ trọn vẹn”.

Khi có giới hạnh trong sạch làm nền tảng cho pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ được phát triển và tăng trưởng. Đó là những pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài, diệt được nỗi khổ do phiền não.

*        * Răn cấm những pháp đem lại sự bất lợi, sự thoái hóa, khổ não

Đức Phật dạy bảo rằng:

“Sace bhāyatha dukkhassa
Sace vo dukkhamappiyaṃ
Mā kattha pāpakaṃ kammaṃ
Avi vā yadi vā raho”
.

Nếu các con sợ khổ thân, khổ tâm,
Nếu các con ngán khổ thân, khổ tâm,
Thì các con chớ nên hành nghiệp ác
Cả nơi trống trải lẫn nơi kín đáo.

* Giáo huấn pháp hành để diệt họa tử sinh luân hồi

Đức Phật thấy rõ, biết rõ căn duyên của chúng sinh, cho nên Ngài giáo huấn pháp hành thiền tuệ thích hợp với căn duyên của chúng sinh ấy, khi tiến hành thiền tuệ người ấy chắc chắn chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt được họa tử sinh luân hồi trong tam giới.

b) Sự lợi ích của phép quy y Pháp Bảo

Những người có đức tin trong sạch nơi Đức Pháp Bảo, thành kính xin quy y Pháp Bảo rằng:

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp; người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc như sau:

“Bhavakantārato uttaraṇena assāsadāṇena ca Dhammo” [31].

“Người đã quy y Pháp Bảo, chánh pháp có khả năng diệt được họa tử sinh luân hồi; giải thoát khỏi kiếp trầm luân, cho quả an lạc”.

Giải thích:

* Giải thoát khỏi kiếp trầm luân

Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, có khả năng giải thoát khỏi kiếp trầm luân, đó là kiếp tử sinh luân hồi trong cõi dục giới, cõi sắc giới, cõi vô sắc giới.

* Cho quả an lạc

Chánh pháp đó là 4 Thánh Quả, khi nhập Thánh Quả hưởng sự an lạc Niết Bàn.

* Diệt được họa tử sinh luân hồi

Chánh pháp đó là 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, diệt được họa tử sinh luân hồi trong ba giới, bốn loài.

c) Sự lợi ích của phép quy y Tăng Bảo

Những người có đức tin trong sạch nơi Đức Tăng Bảo, thành kính xin quy y Tăng Bảo rằng:

Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng; người ấy có sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc như sau:

“Appakānampi kārānaṃ vipulaphalapaṭilābhakaraṇena Saṃgho” [32].

“Người đã quy y Tăng Bảo, làm phước thiện dù chút ít, song quả của phước thiện lớn lao vô lượng, được chư Thánh Tăng dạy dỗ pháp hành thiền tuệ, để diệt họa tử sinh luân hồi”.

Giải thích:

* Làm phước thiện dù chút ít, song quả của phước thiện lớn lao vô lượng

Chư Thánh Tăng là phước điền cao thượng của chúng sinh không nơi nào sánh được. Do đó, người cận sự nam, cận sự nữ là thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, thành kính dâng lễ cúng dường đến chư Thánh Tăng và chư phàm Tăng dù ít nhưng họ sẽ được hưởng quả của phước thiện lớn lao vô lượng cả trong kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp trong vị lai; Họ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), được thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti), và được thành tựu quả báu Niết Bàn cao thượng (Nibbānasampatti).

* Được chư Thánh Tăng dạy dỗ pháp hành thiền tuệ

Người cận sự nam, cận sự nữ được gần gũi thân cận với chư Thánh Tăng, chư phàm Tăng, được lắng nghe chư Thánh Tăng dạy dỗ pháp hành thiền tuệ, được tiến hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt được họa tử sinh luân hồi trong ba giới, bốn loài.

Tiêu chuẩn trở thành cận sự nam, cận sự nữ

- Người cận sự nam dịch nghĩa từ danh từ Pāḷi upāsaka.
- Người cận sự nữ dịch nghĩa từ danh từ Pāḷi upāsikā.

Người cận sự nam, người cận sự nữ là những người gần gũi thân cận với Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo.

Người cận sự nam, cận sự nữ thuộc trong hàng tứ chúng: Tỳ khưu (Bhikkhu), Tỳ khưu ni (Bhikkhunī), cận sự nam (upāsaka), cận sự nữ (upāsikā), là hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama. Cho nên, địa vị người cận sự nam, cận sự nữ cũng rất cao quý.

Một số người có quan niệm rằng:

 “Trong gia đình có tôn thờ Đức Phật, hằng ngày dâng lễ hương hoa cúng dường lễ bái Đức Phật, họ đi đến chùa dâng lễ hương hoa cúng dường lễ bái Đức Phật, làm phước bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng v.v... Đương nhiên họ là người Phật tử, là người cận sự nam hoặc cận sự nữ rồi”. Nhưng thực ra, mọi việc phước thiện ấy, chưa đủ tiêu chuẩn để chính thức trở thành người cận sự nam, người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama, mà chỉ có thể gọi là người có thiện tâm tín ngưỡng Đạo Phật hoặc người có đức tin nơi Tam Bảo mà thôi.

Một người có ý nguyện muốn trở thành người cận sự nam, hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Người ấy cần phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến gần gũi thân cận với bậc thiện trí trong Phật giáo, lắng nghe chánh pháp, nhất là phải học hỏi, ghi nhớ hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật Bảo cao thượng, Đức Pháp Bảo cao thượng, Đức Tăng Bảo cao thượng; rồi thưa bạch với bậc thiện trí ấy, xin làm lễ theo nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo.

Khi được thành tựu phép quy y Tam Bảo rồi, thì người ấy chính thức được công nhận là người cận sự nam, hoặc cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ đó cho đến trọn đời, trọn kiếp.

Phép quy y Tam Bảo này không những đối với các hàng phàm nhân, mà còn đối với chư bậc Thánh Nhân nữa. Mặc dù chư bậc Thánh Nhân đã thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, ngay khi chứng đắc Thánh Đạo, khi sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não. Thế mà chư bậc Thánh Nhân còn phải xin thọ phép quy y Tam Bảo, trước sự hiện diện của Đức Phật, hoặc bậc Thánh Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, kính xin Ngài chứng minh và công nhận họ là người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ đó cho đến trọn đời, huống hồ các hàng phàm nhân.

Cho nên, đối với các hàng phàm nhân, tiêu chuẩn để trở thành người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama; người ấy không những có đức tin nơi Tam Bảo, mà còn có trí tuệ hiểu biết rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì, những Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo. Một điều quan trọng nữa là người ấy biết cách thức thọ đúng phép quy y Tam Bảo, để cho được thành tựu. Sau khi thành tựu được phép quy y Tam Bảo, người ấy mới được chính thức công nhận là người cận sự nam hoặc người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ đó cho đến trọn đời, trọn kiếp.

 

-ooOoo-

 

XIN THỌ PHÉP QUY Y TAM BẢO
(TISARAṆAGAMANA)

Chư bậc Thánh Nhân và các hàng phàm nhân có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt, hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: “Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng”. Trước sự hiện diện và chứng minh của bậc thiện trí trong Phật giáo, những người ấy thành tâm kính xin thọ phép quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo, quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo, hầu mong giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới, bốn loài.

1. Xin quy y nơi Đức Phật Bảo nghĩa thế nào?

Đức Phật (Buddha) là Bậc tự chính mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp; đặc biệt, diệt mọi tiền khiên tật, trở thành bậc Thánh Arahán đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, có danh hiệu là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị. Ngài thuyết pháp tế độ chúng sinh có duyên lành nên tế độ, cũng được chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu, bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh Arahán y theo Ngài. Còn bậc Thánh thấp hoặc cao, hoặc chưa chứng đắc hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực ba-la-mật của mỗi chúng sinh đã tích lũy từ nhiều kiếp trong quá khứ.

* Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo là khi chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, tùy theo khả năng của mỗi Thánh Đạo Tuệ. Bậc Thánh Nhân thành tựu được phép quy y Phật Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo đó là đã chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn y theo Đức Phật.

* Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo là khi xin thọ phép quy y Đức Phật Bảo, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ phát sinh có đối tượng 9 Ân đức Phật, diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não. Hạng phàm nhân thành tựu được phép quy y Phật Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).

Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Đức Phật Bảo là thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật, cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện pháp: Từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp, để đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài; đồng thời tránh xa mọi ác pháp, sự bất lợi, sự thoái hóa, sự khổ não lâu dài.

* Có phải quy y nương nhờ nơi kim thân của Đức Phật hay không?

Thời kỳ Đức Phật còn tại thế, Ngài Đại đức Vakkali có đức tin trong sạch nơi Đức Phật, xin Đức Phật cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu, để có nhiều cơ hội được gần gũi chiêm ngưỡng kim thân của Đức Phật, vì Đức Phật có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ. Ngài Đại đức Vakkali không chú tâm đến pháp học và pháp hành, chỉ chú tâm chiêm ngưỡng kim thân của Đức Phật mà không bao giờ biết đủ.

Một hôm, Đức Phật quở trách Ngài Đại đức Vakkali rằng:

“Kim te Vakkali, iminā pūtikāyena diṭṭhena!
 Yo kho Vakkali, dhammaṃ passati, so maṃ passati, yo maṃ passati, so dhammaṃ passati”
[33].

“Này Vakkali! Ích lợi gì mà con nhìn sắc thân ô trược này của Như Lai!

 Này Vakkali, người nào thấy (chứng ngộ) pháp, người ấy mới thấy Như Lai; người nào thấy Như Lai, người ấy thấy (chứng ngộ) pháp”.

Về sau, Ngài Đại đức Vakkali tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán.

thấy pháp”, “thấy Như Lai”: không phải thấy bằng mắt thịt (maṃsacakkhu), mà phải thấy bằng “pháp nhãn(dhammacakkhu) hoặc “tuệ nhãn(paññācakkhu) bằng Thánh Đạo Tuệ - Thánh Quả Tuệ thuộc trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới (Lokuttaravipassnā) y theo Đức Phật.Như vậy, thấy Đức Phật không chỉ là thấy kim thân có đầy đủ 32 tướng tốt chính và 80 tướng tốt phụ của Ngài, mà còn chính là chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn thuộc pháp Siêu tam giới mà Ngài đã dạy.

Một đoạn kinh trong bài kinh Mahāparinibbānasutta (kinh Đại Niết Bàn), trước khi sắp tịch diệt Niết Bàn, Đức Phật gọi Đại đức Ānanda đến và dạy rằng:

- Này Ānanda, trong số các con, nếu có người nghĩ rằng: Đức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn rồi, chúng ta sẽ không còn vị Tôn sư nữa (natthi no satthā), thì các con chớ nên nghĩ vậy.

Đức Phật dạy rằng:

“Yo vo Ānanda, mayā dhammo ca vinayo ca desito paññatto, so vo mamaccayena satthā” [34].

Này Ānanda, Chánh Pháp nào Như Lai đã thuyết, Luật nào Như Lai đã chế định ban hành, khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, Pháp và Luật ấy là vị Tôn sư của các con”.

Trong chú giải bài kinh Đại Niết Bàn này dạy rằng:

Dhammo: Chánh pháp đó là gồm toàn Tạng Kinh và Tạng Vi Diệu Pháp.Vinayo : Luật đó là toàn Tạng Luật.

Phân tách theo pháp môn

Tạng Luật có 21.000 pháp môn
Tạng Kinh có 21.000 pháp môn
Tạng Vi Diệu Pháp có 42.000 pháp môn

Trọn bộ Tam Tạng có tất cả là 84.000 pháp môn.

Trong chú giải này, Đức Phật giải thích rằng:

“Iti imāni caturāsītidhammakkhandhasahassāni tiṭṭhanti, ahaṃ ekova parinibbāyāmi. Ahañca kho pana dāni ekakova ovadāmi anusāsāmi, mayi parinibbute, imāni caturāsītidhammakkhandhasahassāni tumhe ovadissanti anusāsisanti” [35].

“Như vậy, 84.000 pháp môn này vẫn tồn tại, chỉ có một mình Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Thật ra, bây giờ chỉ có một mình Như Lai giáo huấn, dạy dỗ các con; khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn rồi, 84.000 pháp môn này sẽ giáo huấn, dạy dỗ các con”.

Căn cứ vào những đoạn kinh và chú giải trên; hiện nay, Đức Phật chính là Pháp và Luật hoặc 84.000 pháp môn. Mỗi pháp môn chính là một vị Tôn sư giáo huấn, dạy dỗ người đệ tử chúng ta. Sở dĩ, có nhiều pháp môn như vậy là để cho phù hợp với căn duyên của mỗi đệ tử chúng ta. Ví như mỗi loại thuốc để cho phù hợp với căn bệnh của mỗi bệnh nhân.

Như vậy, người cận sự nam, cận sự nữ khi đọc câu:

 “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật” là nương nhờ nơi giáo pháp của Đức Phật, hành theo Pháp và Luật hoặc pháp môn nào, chính Pháp và Luật hoặc Pháp môn ấy giáo huấn, dạy dỗ hành giả, dẫn dắt hành giả đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, y theo pháp hành của Đức Phật đã chứng đắc.

Tuy Đức Phật đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm, song giáo pháp của Đức Phật vẫn còn lưu truyền lại trên thế gian cho đến ngày nay. Chúng ta là những người đệ tử của Đức Phật có duyên lành được học theo pháp học và hành theo pháp hành, lời giáo huấn của Đức Phật. Cho nên, chúng ta luôn có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo.

Ngày nay, chúng ta thành tâm đọc câu:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật” vẫn còn có ý nghĩa đầy đủ, có tầm quan trọng không kém thời xưa.

2. Xin quy y nơi Đức Pháp Bảo nghĩa thế nào?

Đức Pháp Bảo (Dhammo) đó là 10 chánh pháp: pháp học và 9 pháp Siêu tam giới (4 Thánh Đạo + 4 Thánh Quả + 1 Niết Bàn) mà Đức Phật đã thuyết giảng hoàn hảo phần đầu, hoàn hảo phần giữa, hoàn hảo phần cuối.

* Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo là khi chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt được phiền não, tùy theo khả năng của mỗi Thánh Đạo Tuệ. Bậc Thánh Nhân thành tựu được phép quy y Pháp Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo là đã nương nhờ theo học pháp học, đã hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ và đã thành pháp thành, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn theo lời giáo huấn của Đức Phật.

* Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo là khi xin thọ phép quy y Đức Pháp Bảo với đại thiện tâm hợp với trí tuệ phát sinh có đối tượng 6 Ân đức Pháp, diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não. Hạng phàm nhân thành tựu được phép quy y Pháp Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).

Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Đức Pháp Bảo là theo nương nhờ học pháp học lời giáo huấn của Đức Phật và hành theo pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, nhưng chưa đạt đến pháp thành, chưa chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả nào.

3. Xin quy y nơi Đức Tăng Bảo nghĩa thế nào?

Đức Tăng Bảo (Saṃgha) đó là chư Thánh Tăng (Ariyasaṃgha) không phải chư phàm Tăng (Puthujjanasaṃgha).

Chư Thánh Tăng có 4 đôi thành 8 bậc Thánh:

4 đôi: Thánh Đạo - Thánh Quả tương xứng

Nhập Lưu Thánh Đạo® Nhập Lưu Thánh Quả
Nhất Lai Thánh Đạo® Nhất Lai Thánh Quả
Bất Lai Thánh Đạo® Bất Lai Thánh Quả
Arahán Thánh Đạo® Arahán Thánh Quả

8 bậc Thánh: 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả

Bậc Nhập Lưu Thánh Đạo.
Bậc Nhất Lai Thánh Đạo.
Bậc Bất Lai Thánh Đạo.
Bậc Arahán Thánh Đạo.
Bậc Nhập Lưu Thánh Quả.
Bậc Nhất Lai Thánh Quả.
Bậc Bất Lai Thánh Quả.
Bậc Arahán Thánh Quả.

* Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo, là khi chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não, tùy theo khả năng mỗi bậc Thánh Đạo Tuệ. Bậc Thánh Nhân thành tựu được phép quy y Tăng Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana).

Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo là đã chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân.

Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh Nhân:

Bậc Thánh Nhập Lưu.
Bậc Thánh Nhất Lai.
Bậc Thánh Bất Lai.
Bậc Thánh Arahán.

* Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Đức Tăng Bảo đó là nương nhờ nơi chư Thánh Tăng, không phải chư phàm Tăng, bởi vì chư phàm Tăng không có đầy đủ 9 Ân đức Tăng.

Khi xin quy y Tăng Bảo với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng, diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não. Hạng phàm nhân thành tựu được phép quy y Tăng Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).

* Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi chư phàm Tăng trong trường hợp nào?

Trường hợp làm phước thiện bố thí: Những người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, khi làm phước thiện bố thí dâng lễ cúng dường đến chư Thánh Tăngchư phàm Tăng; sự cúng dường đến chư Tăng Bảo gồm cả chư Thánh Tăng và chư phàm Tăng, có được nhiều phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng ngay kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp vị lai.

Trường hợp nghe Chánh pháp: Những người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đến gần gũi thân cận với chư Thánh Tăngchư phàm Tăng, để lắng nghe Chánh pháp, xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới, hoặc cửu giới,... theo học pháp học Phật giáo, theo hành pháp hành Phật giáo, hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, để dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Tóm lại:

Bậc Thánh Nhân quy y nương nhờ nơi Tam Bảo, là khi chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh có đối tượng Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não. Bậc Thánh Nhân thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana).

* Hạng phàm nhân xin quy y nương nhờ nơi Tam Bảo, khi có đại thiện tâm hợp với trí tuệ phát sinh có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, diệt bằng cách đè nén, chế ngự phiền não. Hạng phàm nhân thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).

Thọ phép quy y Tam Bảo thành thói quen tốt

Người cận sự nam, cận sự nữ là hạng phàm nhân, đã có một lần thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới rồi.

Nếu biết rõ phép quy y Tam Bảo của mình không bị đứt, hoặc không bị ô nhiễm do bởi phiền não, thì không cần phải xin thọ phép quy y Tam Bảo trở lại.

Nếu biết rõ phép quy y Tam Bảo của mình bị đứt, hoặc bị ô nhiễm do bởi phiền não, thì cần phải xin thọ phép quy y Tam Bảo trở lại, để có được nương nhờ nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo cao thượng, hầu mong đem lại sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an lạc Niết Bàn cao thượng.

Thật ra, đối với hàng phàm nhân (puthujjana) vốn còn nhiều phiền não nặng nề ở trong tâm, mà chưa diệt được, có khi tâm bị ô nhiễm do bởi phiền não. Vì vậy muốn giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo, cùng ngũ giới, bát giới v.v... cho hoàn toàn trong sạch thuần khiết và trọn vẹn không phải là việc dễ. Cho nên, người cận sự nam, cận sự nữ thường xin thọ phép quy y Tam Bảo trở lại là một việc không thừa, thậm chí còn rất cần thiết nữa. Vả lại, thường xuyên xin thọ phép quy y Tam Bảo để trở thành một thói quen tốt, thì thật quý báu biết dường nào!

 Tại các nước Phật giáo Theravāda, trong các buổi lễ, dù lớn, dù nhỏ, thường có phong tục tập quán, trước tiên lễ bái Tam Bảo: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo, tiếp đến nghi thức các người cận sự nam, cận sự nữ thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, bát giới, cửu giới... Một vị Đại Trưởng Lão đại diện chư Tăng hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, bát giới, cửu giới... các người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh cùng lặp lại theo vị Đại Trưởng Lão từng chữ, từng câu theo phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi hoặc bằng tiếng Pāḷi và ý nghĩa tiếng của xứ sở mình.

Ví dụ: Vị Đại Trưởng Lão hướng dẫn bằng tiếng Pāḷi.

NTL [36]: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Nghĩa: Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.

Tất cả người cận sự nam, cận sự nữ lặp lại.

CSN [37]: Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.

Tương tự:

NTL: Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.

CSN: Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.

NTL: Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

CSN: Saṃghaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.

Tiếp theo Dutiyampi: Lần thứ nhì..., Tatiyampi: Lần thứ ba cũng lặp lại như cách trên v.v...

Nghi thức thọ phép quy y Tam Bảo phổ thông này trở thành truyền thống của các nước Phật giáo Theravāda trong thời nay.

Thật ra, sự thành tựu của phép quy y Tam Bảo, chính là do sự hiểu biết cách thức thọ phép quy y Tam Bảo của người cận sự nam, cận sự nữ; còn vị Thầy hướng dẫn phép quy y Tam Bảo chỉ để giúp đỡ, dạy dỗ cho người cận sự nam, cận sự nữ, để được thành tựu phép quy y Tam Bảo mà thôi, cho nên trường hợp:

- Nếu không có Ngài Đại Trưởng Lão, thì một vị Tỳ khưu có khả năng hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu không có vị Tỳ khưu, thì một vị Sadi có khả năng hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu không có vị Sadi, thì người cận sự nam, cận sự nữ có khả năng hướng dẫn phép quy y Tam Bảo.

- Nếu người nào hiểu biết rõ cách thức thọ phép quy y Tam Bảo, dù cho vị Thầy nào hướng dẫn, thì người ấy cũng vẫn thành tựu được phép quy y Tam Bảo. Trái lại, người cận sự nam, cận sự nữ nào không hiểu biết rõ cách thọ thức phép quy y Tam Bảo, dù cho vị Thầy nào hướng dẫn, thì người cận sự nam, cận sự nữ ấy cũng vẫn không thành tựu phép quy y Tam Bảo.

Cũng ví như, một thí sinh có đủ tài năng dự thi, dù gặp ban Giám khảo nào, thì thí sinh ấy vẫn trúng tuyển. Trái lại, nếu một thí sinh không có đủ tài năng dự thi, dù có gặp ban Giám khảo nào, thì thí sinh ấy vẫn không trúng tuyển.

Để cho phép quy y Tam Bảo của mình trở thành thói quen tốt lành; hằng ngày, trước khi tụng kinh lễ bái Tam Bảo, người cận sự nam, cận sự nữ nên đọc thọ phép quy y Tam Bảo ba lần và ngũ giới hoặc bát giới..., tiếp theo tụng kinh lễ bái Tam Bảo, tụng kinh Parittapāli,... để trở thành một thói quen tốt lành cho mình.

Như vậy, kiếp sống hiện tại, tâm thường được an lạc, mọi điều kinh sợ không sinh, bởi vì, đã có Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, là nơi nương nhờ cao thượng của mình, nên tất cả mọi thiện pháp có cơ hội phát triển, từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp. Nếu chưa trở thành bậc Thánh Nhân thì đến lúc lâm chung, từ bỏ cuộc đời, tâm không mê muội; có thiện tâm trong sáng, minh mẫn, tâm niệm đến đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng. Do năng lực thường thiện nghiệp (āciṇṇakusalakamma) của mình, trở thành cận tử thiện nghiệp (āsanna-kusalakamma), sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả, chắc chắn tái sinh trong cõi thiện giới (cõi người, hoặc cõi trời dục giới) hưởng được mọi sự an lạc lâu dài, đặc biệt đã tạo được duyên lành, nhân thiện trong giáo pháp của Đức Phật.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo

* Phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới và quả báu

Thiện pháp của phép quy y Tam Bảo lớn lao vô lượng cho nên quả báu của phép quy y Tam Bảo cũng lớn lao vô lượng không sao kể xiết.

Thiện pháp của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới đó là 4 Thánh Đạo thiện tâm (maggakusalacitta), có đối tượng Niết Bàn.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới cho quả có hai thời kỳ:

1- Kiếp hiện tại

Quả báu không có thời gian ngăn cách: 4 Thánh Đạo Tâm thuộc Siêu tam giới thiện tâm cho quả không có thời gian ngăn cách (akālika) đó là 4 Thánh Quả Tâm cùng trong Thánh Đạo lộ trình tâm.

Thánh Đạo - Thánh Quả tương xứng với nhau:

Nhập Lưu Thánh Đạo cho Nhập Lưu Thánh Quả
Nhất Lai Thánh Đạo cho Nhất Lai Thánh Quả
Bất Lai Thánh Đạo cho Bất Lai Thánh Quả
Arahán Thánh Đạo cho Arahán Thánh Quả

* Nhập Thánh Quả: Bậc Thánh Nhân có thể nhập Thánh Quả (Phalasamāpatti) cuối cùng mà mình đã chứng đắc, để an hưởng sự an lạc tịch tịnh Niết Bàn (Santisukha).

2- Kiếp vị lai

Bậc Thánh Nhập Lưu không còn tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh), chỉ còn tái sinh làm người, hoặc chư thiên từ 1 kiếp cho đến 7 kiếp tối đa, sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn.

Bậc Thánh Nhất Lai chỉ còn tái sinh một kiếp duy nhất, sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn.

Bậc Thánh Bất Lai không còn trở lại tái sinh cõi dục giới, chỉ tái sinh cõi sắc giới, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn.

Bậc Thánh Arahán ngay kiếp hiện tại sẽ tịch diệt Niết Bàn chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

* Phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới và quả báu

Phước thiện của phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới đó là đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới vô cùng phong phú, thật vô lượng không sao kể xiết được.

Để có sự so sánh, xin trích một đoạn trong bài kinh Velāmasutta [38] giữa phước thiện bố thí với pháp thiện thọ phép quy y Tam Bảo như sau:

...Này ông phú hộ Anathapiṇdika, chuyện đã từng xảy ra, có Bàlamôn Velāma làm phước thiện đại thí như:

Bố thí 84.000 mâm vàng đầy bạc (rūpiya).
Bố thí 84.000 mâm bạc đầy vàng.
Bố thí 84.000 mâm đồng đầy bạc.
Bố thí 84.000 con voi gồm đầy đủ đồ trang sức bằng vàng.
Bố thí 84.000 đồ trải bằng da sư tử, da cọp.
Bố thí 84.000 con bò sữa cùng với đồ đựng sữa.
Bố thí 84.000 cô gái trẻ đẹp cùng với đồ trang sức ngọc maṇi...
Bố thí 84.000 chiếc ghế ngồi có trang trí đồ quý giá.
Bố thí 84.000
x 10.000.000 vải đủ loại đặc biệt. Ngoài ra, bố thí đồ ăn, đồ uống,... không sao kể xiết.

Bàlamôn Velāma chính là tiền thân của Như Lai, làm phước đại thí vào thời đại ấy không có bậc xứng đáng cúng dường (thời đại không có Đức Phật và chư Đại đức Tăng).

- Này ông phú hộ, người nào làm phước thiện bố thí đến vị Thánh Nhập Lưu có chánh kiến đầy đủ, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn ông Bàlamôn Velāma làm phước thiện bố thí trong thời ấy.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Nhập Lưu, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh Nhất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhập Lưu.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Nhất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh Bất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Nhất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Bất Lai, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 vị Thánh Arahán, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Bất Lai.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 vị Thánh Arahán, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 vị Thánh Arahán.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 1 Đức Phật Độc Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 vị Thánh Arahán.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến 100 Đức Phật Độc Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 1 Đức Phật Độc Giác.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí đến 100 Đức Phật Độc Giác.

Người nào làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì, người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước bố thí cúng dường đến Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Người nào xây cất ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ tứ phương, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì.

Người nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, thành kính thọ phép quy y Tam Bảo, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người xây dựng ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ tứ phương.

Người nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch thọ trì giữ gìn ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người thành kính thọ phép quy y Tam Bảo...

Người nào tiến hành thiền định đề mục niệm rải tâm từ đến tất cả chúng sinh, trong khoảng thời gian ngắn ngủi bằng thời gian ngửi mùi thơm, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch thọ trì giữ gìn ngũ giới trong sạch.

Người nào tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp, sắc pháp, dù trong khoảng thời gian ngắn ngủi bằng búng đầu ngón tay, thì người ấy có phước thiện, có quả báu nhiều hơn người tiến hành thiền định đề mục rải tâm từ đến tất cả chúng sinh...

Qua đoạn kinh trên, nhận chân được phước thiện bố thí cúng dường cao nhất là cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì, thật là một cơ hội hiếm có.

Phước thiện xây cất một ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ tứ phương, thì phải chờ đợi thời gian lâu mới có thể thành tựu được phước thiện ấy.

Phước thiện thọ phép quy y Tam Bảothọ trì ngũ giới có phước thiện nhiều hơn, và có quả báu nhiều hơn phước thiện xây cất ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ tứ phương, và bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật chủ trì.

* Vì sao phước thiện thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới cao quý như vậy?

Xét thấy rằng: Một người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có nhiều tiền của, thì người ấy có thể xây cất ngôi chùa lớn để dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng. Còn để thành tựu phép quy y Tam Bảothọ trì ngũ giới một cách trọn vẹn, người ấy không những có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, mà còn phải có trí tuệ hiểu biết rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng; bởi vì, những Ân đức Tam Bảo này là đối tượng của đại thiện tâm hợp với trí tuệ, khi tâm này làm phận sự thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới cho được thành tựu. Do đó, thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới có phước thiện vô lượng, và có quả báu cũng vô lượng.

Tích quả báu của phép quy y Tam Bảo

Tích chuyện tiền kiếp của Ngài Đại đức Saraṇagamaniyatthera [39] được tóm lược như sau:

Trong thời kỳ Đức Phật Anomadassī [40] xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ tuổi thọ con người có khoảng 100 ngàn năm. Một người con trai hiếu nghĩa phụng dưỡng cha mẹ mù lòa nghĩ rằng: “Ta có bổn phận phụng dưỡng chăm non cha mẹ mù lòa, không thể nào đi xuất gia trở thành Tỳ khưu được. Ta có duyên lành sinh ra làm người, gặp được Đức Phật xuất hiện trên thế gian, Đức Pháp và Đức Tăng, ta nên đến xin thọ phép quy y nương nhờ nơi Tam Bảo”.

Người con trai ấy có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tìm đến Ngài Đại Trưởng Lão Nisabha là bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Anomadassī, thành kính đảnh lễ Ngài xin thọ phép quy y Tam Bảo. Kính xin Ngài công nhận là một cận sự nam đã quy y Tam Bảo, kể từ đó cho đến trọn đời. Sau khi thọ phép quy y Tam Bảo xong, người cận sự nam ấy làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ mù lòa, và giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo của mình hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn; hết lòng tôn kính Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, cho đến hết tuổi thọ con người thời kỳ ấy 100 ngàn năm.

Sau khi chết từ cõi người, do thiện nghiệp của phép quy y Tam Bảo trọn vẹn ấy cho quả tái sinh lên cõi trời Tam Thập Tam Thiên [41] làm Vua trời Sakka trong cõi ấy liên tục suốt 80 kiếp Vua trời. Khi tái sinh trong cõi người, có 75 kiếp được trở thành vị Chuyển Luân Thánh Vương, còn làm Vua trong một nước lớn thì không sao kể xiết. Đó là do quả báu của phép thọ quy y Tam Bảo ở thời kỳ Đức Phật Anomadassī.

Do năng lực phước thiện thọ trì phép quy y Tam Bảo này, đặc biệt suốt trong khoảng thời gian lâu dài tử sinh luân hồi, không hề bị tái sinh trong 4 cõi ác giới: (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) kiếp nào cả; chỉ có tái sinh làm thiên nam ở cõi trời dục giới, an hưởng mọi sự an lạc cao quý nhất trong cõi trời; hoặc tái sinh làm người nam trong cõi người, cũng hưởng mọi sự an lạc cao quý nhất trong cõi người.

Tái sinh trong cõi nào cũng được 8 quả báu đặc biệt.

Ngài dạy rằng:

Tôi được mọi người, mọi chúng sinh tôn kính trong khắp mọi nơi.
Tôi là người có trí tuệ sắc bén.
Tất cả chư thiên chiều theo ý của tôi.
Tôi có nhiều của cải không ai sánh được.
Tôi có được màu da như vàng ròng trong mọi kiếp.
Tôi được mọi người, mọi chúng sinh quý mến.
Tôi có những người bạn thân thiết, không bao giờ phản bội.
Danh thơm, tiếng tốt của tôi được vang khắp mọi nơi.

Đó là 8 quả báu của phép quy y Tam Bảo.

Ngài Đại đức Saraṇagamaniya kể lại rằng:

Đến thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian. Do phước thiện phép quy y Tam Bảo, trong thời kỳ Đức Phật Anomadassī ấy, cho quả tái sinh vào trong gia đình phú hộ trong kinh thành Sāvatthi. Khi cậu bé được 7 tuổi, một hôm, cậu bé cầm đầu nhóm trẻ con ra khỏi thành, đi rong chơi ghé vào chùa nhìn thấy chư Đại đức Tăng, cậu bé đến hầu đảnh lễ vị Đại đức thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo, do vị Đại đức ấy hướng dẫn:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.

Cậu bé lặp lại theo Ngài Đại đức:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi...

Ngài Đại đức hướng dẫn quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; cậu bé lặp lại theo Ngài Đại đức xong, đồng thời cậu bé chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả cho đến Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán, cùng Tứ Tuệ Phân Tích, Lục thông cùng một lúc, không trước không sau với thọ phép quy y Tam Bảo.

Đức Phật Gotama cho phép cậu bé xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài, có pháp danh là Đại đức Saraṇagamaniyatthera. Bởi vì, tiền kiếp của Ngài là cận sự nam đã có phép quy y Tam Bảo trong thời kỳ Đức Phật Anomadassī, giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo hoàn toàn và trọn vẹn, không hề bị ô nhiễm bởi phiền não.

Như vậy, phước thiện của phép quy y Tam Bảo đem lại:

- Thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti)

- Thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti)

- Thành tựu quả báu cao thượng Niết Bàn (Nibbānasampatti) đó là kiếp chót chứng đắc thành bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới.

Quả báu của phép quy y Tam Bảo thật là tuyệt vời và vô lượng.

Năng lực phước thiện của phép quy y Tam Bảo

Tích người ngư dân tên Damila [42] suốt cuộc đời làm nghề đánh cá nuôi mạng, đến 50 tuổi ông lâm bệnh nặng nằm trên giường, không thể ngồi dậy được, hằng ngày phải nhờ người vợ chăm nom săn sóc. Một hôm, một vị Đại đức đến đứng trước nhà, bà chủ nhà (vợ của ngư dân) thỉnh mời Ngài vào nhà, Ngài ngồi gần ông Damila.

Ông Damila với giọng yếu ớt bạch rằng:

- Suốt bao nhiêu năm qua, con chưa có một lần nào hầu gặp Ngài, cũng không dâng cúng dường Ngài một thứ gì cả, con có ân nghĩa gì đáng cho Ngài đến thăm con.

Với tâm bi mong bệnh nhân bớt khổ, Ngài Đại đức bèn hỏi:

- Này ông Damila, bệnh tình của ông như thế nào?

Người vợ thay ông bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại đức, bệnh tình rất trầm trọng.

Ngài Đại đức hỏi tiếp rằng:

- Này ông Damila, ông có muốn thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hay không?

Ông Damila với giọng yếu ớt bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại đức, con muốn được thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Bạch Ngài.

Ngài Đại đức hướng dẫn ông Damila thọ phép quy y Tam Bảo:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”.

Ông Damila lặp lại theo Ngài:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi...”

Ngài Đại đức hướng dẫn, còn ông Damila lặp lại theo Ngài phép quy y Tam Bảo xong, thì ông Damila không còn hơi để lặp lại thêm được nữa, rồi tắt thở, mà chưa kịp thọ trì ngũ giới. Sau khi chết, do phước thiện thọ phép quy y Tam Bảo lúc lâm chung, cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Vị thiên nam quán xét rằng:

- “Do phước thiện nào, mà ta được hóa sinh làm thiên nam như thế này?”.

Vị thiên nam liền nhớ lại tiền kiếp, biết rõ do phước thiện thọ phép quy y Tam Bảo xong, mà chưa thọ trì ngũ giới, do nhờ Đại đức có tâm bi thương xót cứu khổ. Nhớ ơn Ngài, từ cõi trời liền hiện xuống đảnh lễ Ngài Đại đức bạch rằng:

- Kính bạch Ngài Đại đức, bây giờ con là một thiên nam, trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Sở dĩ, con được hóa sinh làm thiên nam, là nhờ Ngài có tâm bi thương xót tế độ cho con thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, con chỉ thọ được phép quy y Tam Bảo xong, mà chưa kịp thọ trì ngũ giới, thì đã con đã hết hơi, tắt thở. Do phước thiện phép quy y Tam Bảo ấy cho quả hóa sinh làm thiên nam. Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Ngài, biết ơn Ngài vô hạn. Kính xin Ngài có tâm bi tế độ con, cho con thọ đầy đủ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, để cho con được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc lâu dài trong các tầng trời cao hơn.

Ngài Đại đức có tâm bi tế độ hướng dẫn vị thiên nam thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Vị thiên nam vô cùng hoan hỷ, biết ơn Ngài Đại đức vô hạn, thành kính đảnh lễ Ngài, xin phép trở về cõi trời hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời.

Qua tích người ngư dân làm nghề đánh cá nuôi mạng, cả cuộc đời không làm phước thiện nào đáng kể. Đến lúc gần lâm chung, người ngư dân có duyên lành được Ngài Đại đức đến thăm viếng, ông vô cùng hoan hỷ, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, được thọ phép quy y Tam Bảo trước lúc lâm chung. Do nhờ cận tử thiện nghiệp (āsannakusalakamma) thọ phép quy y Tam Bảo có một năng lực phi thường, có khả năng tuyệt vời, ngăn được mọi ác nghiệp đã tạo cả cuộc đời, để cho phước thiện phép quy y Tam Bảo cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương, cõi thấp nhất trong 6 cõi trời dục giới, có tuổi thọ 500 năm tuổi trời, so với cõi người bằng 9 triệu năm. Bởi vì, một ngày đêm ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương bằng 50 năm ở cõi người.

Người ngư dân Damila cả cuộc đời làm nghề đánh cá, sát sanh không làm phước thiện nào đáng kể. Lúc lâm chung nhờ phước thiện của phép quy y Tam Bảo cho quả tái sinh làm thiên nam trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Năng lực phước thiện của phép quy y Tam Bảo thật phi thường!

Mười quả báu của phép quy y Tam Bảo

Trong bài kinh Sakkasutta [43] được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức vua trời Sakka (Đế Thích) cùng 500 chư thiên đến hầu Ngài Đại đức Māhāmoggallāna, đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ. Khi ấy, Ngài Đại đức dạy Vua trời Sakka rằng:

- Này Đức vua trời Sakka, phép quy y Đức Phật Bảo là điều cao thượng nhất. Số chúng sinh trong đời này, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, đã thọ phép quy y Đức Phật Bảo, sau khi họ chết, do phước thiện phép quy y Đức Phật Bảo, cho quả tái sinh làm thiên nam, hoặc thiên nữ trong cõi trời. Số chư thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt: Tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, an lạc trời, tiếng thơm trời, địa vị cao quý trời, sắc trời, thanh trời, hương trời, vị trời, xúc trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư thiên khác trong cõi trời ấy.

Tương tự như trên:

- Này Đức vua trời Sakka, phép quy y Đức Pháp Bảo là điều cao thượng nhất. Số chúng sinh trong đời này, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo đã thọ phép quy y Đức Pháp Bảo, sau khi họ chết, do phước thiện phép quy y Đức Pháp Bảo, cho quả tái sinh làm thiên nam, hoặc thiên nữ trong cõi trời. Số chư thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt: Tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, an lạc trời, tiếng thơm trời, địa vị cao quý trời, sắc trời, thanh trời, hương trời, vị trời, xúc trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư thiên khác trong cõi trời ấy.

Này Đức vua trời Sakka, phép quy y Đức Tăng Bảo là điều cao thượng nhất. Số chúng sinh trong đời này, có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo đã thọ phép quy y Đức Tăng Bảo, sau khi họ chết, do phước thiện phép quy y Đức Tăng Bảo, cho quả tái sinh làm thiên nam, hoặc thiên nữ trong cõi trời. Số chư thiên ấy có được 10 quả báu đặc biệt: Tuổi thọ trời, sắc đẹp trời, an lạc trời, tiếng thơm trời, địa vị cao quý trời, sắc trời, thanh trời, hương trời, vị trời, xúc trời tuyệt vời hơn cả các hàng chư thiên khác trong cõi trời ấy...

Quả báu của phép quy y Tam Bảo vô cùng phong phú, cũng rất phi thường là do thiện pháp quy y Tam Bảo vô cùng lớn lao, có năng lực thật phi thường.

-ooOoo-

 

TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÉP QUY Y TAM BẢO

Phép quy y Tam Bảo có một tầm quan trọng trong Phật giáo.

* Tầm quan trọng ấy như thế nào?

Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi, vị Tỳ khưu.
Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi.
Phép quy y Tam Bảo để trở thành người cận sự nam, cận sự nữ.

1- Phép quy y Tam Bảo để trở thành vị Sadi, vị Tỳ khưu như thế nào?

Trong thời kỳ đầu Phật giáo phát triển, chư Tỳ khưu Tăng toàn là bậc Thánh Arahán số lượng rất ít, nên Đức Phật cho phép mỗi vị Tỳ khưu, đi mỗi con đường để thuyết pháp tế độ chúng sinh, truyền bá Phật giáo, hai vị Tỳ khưu không nên đi cùng chung một con đường.

Một vị Tỳ khưu đi thuyết pháp tế độ chúng sinh, có số người phát sinh đức tin trong sạch, có ý nguyện muốn xuất gia trở thành Sadi, Tỳ khưu. Vị Tỳ khưu ấy dẫn giới tử về hầu Đức Phật, xin phép xuất gia trở thành Sadi, Tỳ khưu. Có những miền xa xôi Tỳ khưu vất vả dẫn giới tử về hầu Đức Phật, xin phép xuất gia. Cho nên, Đức Phật cho phép Tỳ khưu rằng:

“Anujanāmi Bhikkhave, imehi tīhi saraṇagamanehi pabbajjaṃ upasampadaṃ” [44].

Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép thọ Sadi, Tỳ khưu bằng cách cho thọ phép quy y Tam Bảo”.

NGHI THỨC THỌ SADI - TỲ KHƯU

Giới tử có ý nguyện muốn thọ Sadi, Tỳ khưu, trước tiên phải cạo tóc, râu, mặc y cāsa màu lõi mít, để chừa vai bên phải vào đảnh lễ Thầy tế độ, xong ngồi chồm hổm chắp hai tay để ngang trán, xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi.

Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại đúng từng chữ, từng câu theo vị Thầy tế độ như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Khi giới tử lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo đầy đủ 3 lần xong, giới tử ấy chính thức trở thành Sadi-Tỳ khưu trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Đó là cách thọ Tỳ khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo (Saraṇagamanū-pasampadā).

Trải qua một thời gian sau, Phật giáo càng ngày càng phát triển, Tỳ khưu càng ngày càng đông. Cho nên, Đức Phật truyền dạy chư Tỳ khưu được biết rõ, từ đó về sau, bỏ cách xuất gia thọ Tỳ khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo. Đức Phật cho phép xuất gia thọ Tỳ khưu bằng cách tụng một lần Tuyên ngôn (Ñatti) và tiếp theo tụng 3 lần Thành sự ngôn (Kammavācā) gọi là ñatticatutthakammavācā..

Đức Phật dạy như sau:

“Yā sā Bhikkhave, mayā tīhi saraṇagamanehi upasampadā anuññātā, taṃ ajjatagge paṭikkhipāmi.

Anujānāmi Bhikkhave, ñatticatutthena kammena upasampādetuṃ” [45].

Này chư Tỳ khưu, trước kia, Như Lai cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo, kể từ nay về sau, Như Lai bỏ cách thọ Tỳ khưu ấy.

 Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép thọ Tỳ khưu bằng cách tụng 1 lần Ñatti: Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā: Thành sự ngôn [46]

Cách thọ Tỳ khưu bằng cách tụng 1 lần Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Thành sự ngôn Pāḷi gọi là: Ñatticatutthakammūpasampadā.

Cách thọ Tỳ khưu này bắt đầu từ Ngài Đại đức Rādha và được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Hiện nay các nước Phật giáo theo truyền thống Theravāda như nước Srilankā, nước Myanmar, nước Thái lan, nước Campuchia, nước Lào, Phật giáo Nguyên thuỷ tại Việt Nam v.v... nghi thức lễ xuất gia thọ Tỳ khưu hầu như giống hệt nhau về nghi thức thọ Tỳ khưu tụng 1 lần Ñatti: Tuyên ngôn và tiếp theo tụng 3 lần Kammavācā: Thành sự ngôn, hoàn toàn bằng tiếng Pāḷi.

2- Phép quy Tam Bảo để trở thành vị Sadi như thế nào?

Người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhận thức đời sống tại gia có nhiều điều ràng buộc, khó có thể hành phạm hạnh cao thượng, nên người ấy có ý nguyện từ bỏ nhà đi xuất gia. Bởi vì đời sống bậc xuất gia nhẹ nhàng, không bị nhiều ràng buộc, thuận lợi hành phạm hạnh cao thượng: Học pháp học, hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ v.v...

Đức Phật chế định người giới tử đủ 20 tuổi trở lên, được phép thọ Tỳ khưu; người dưới 20 tuổi được thọ Sadi (Sāmaṇera).

Đức Phật cho phép xuất gia thọ Sadi rằng:

“Anujānāmi Bhikkhave, tīhi saraṇagananehi sāmaṇerapabbajjaṃ, evañca pana Bhikkhave pabbajjetabbo” [47].

Này chư Tỳ khưu, Như Lai cho phép xuất gia thọ Sadi bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo.

Này chư Tỳ khưu, như vậy gọi là xuất gia thọ Sadi”.

Nghi thức thọ Sadi [48]

Giới tử có ý nguyện muốn thọ Sadi, trước tiên cạo tóc, râu, mặc y cāsa màu lõi mít, để chừa vai bên phải, vào đảnh lễ Thầy tế độ, xong ngồi chồm hổm chắp hai tay để ngang trán xin thọ phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi.

Vị Thầy tế độ (upajjhāya) hướng dẫn phép quy y Tam Bảo bằng tiếng Pāḷi trước, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo, lặp lại đúng từng chữ, từng câu theo vị Thầy tế độ như sau:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Khi giới tử đã lặp lại đúng từng chữ từng câu theo vị Thầy tế độ, giới tử thọ phép quy y Tam Bảo đầy đủ 3 lần xong, giới tử ấy chính thức trở thành vị Sadi trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Ngài Rāhula khi ấy mới lên 7 tuổi, là vị Sadi đầu tiên trong giáo pháp của Đức Phật Gotama.

Nghi thức lễ thọ Sadi bằng cách thọ phép quy y Tam Bảo này được lưu truyền từ thời kỳ Đức Phật mãi cho đến ngày nay, Phật lịch 2.548 trên các nước Phật giáo Theravāda.

3- Phép quy y Tam Bảo để trở thành người cận sự nam, cận sự nữ như thế nào?

Một người muốn trở thành người cận sự nam (upāsaka), cận sự nữ (upāsikā) được gần gũi thân cận với Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo. Điều trước tiên, người ấy phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có trí tuệ sáng suốt hiểu rõ 9 Ân đức Phật, 6 Ân đức Pháp, 9 Ân đức Tăng, có nhận thức đúng đắn rằng: Đức Phật cao thượng, Đức Pháp cao thượng, Đức Tăng cao thượng, người ấy tìm đến hầu đảnh lễ vị Đại Trưởng Lão, thành kính xin thọ phép quy y Tam Bảo phổ thông như sau:

Kính thỉnh vị Đại Trưởng Lão hướng dẫn phép quy y Tam Bảo, và người đệ tử lặp lại thọ phép quy y Tam Bảo theo vị Đại Trưởng Lão:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Dutiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Dutiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Tatiyampi Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi.
Tatiyampi Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi.

Người đệ tử lặp lại theo vị Đại Trưởng Lão đầy đủ 3 lần, mỗi lần:

- Khi lặp lại câu quy y Phật:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật.

- Khi lặp lại câu quy y Pháp:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp.

- Khi lặp lại câu quy y Tăng:

“Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng.

Lần thứ nhì và lần thứ ba cũng như lần thứ nhất.

Như vậy, khi thành tựu phép quy y Tam Bảo, ngay khi ấy, người ấy được chính thức trở thành một người cận sự nam (upāsaka), hoặc người cận sự nữ (upāsikā) đã quy y Tam Bảo đến trọn đời trọn kiếp.

Thật ra, địa vị người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo rất khó được, mà người nào có được thì thật là cao quý. Bởi vì, Đức Phật xuất hiện trên thế gian là một điều khó. Cũng như vậy, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo xuất hiện trên thế gian cũng là điều khó. Cho nên, được trở thành người cận sự nam, hoặc người cận sự nữ cũng là điều rất khó.

Trong thời kỳ nào có Tam Bảo xuất hiện và còn tồn tại trên thế gian, trong thời kỳ ấy, chúng sinh có duyên lành được cơ hội tốt đến xin thọ phép quy y Tam Bảo: quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo. Tam Bảo không phải lúc nào cũng hiện hữu trên thế gian này đâu! Khi nào có Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên thế gian, khi ấy mới có Tam Bảo, mà Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là một điều vô cùng hi hữu, rất hiếm có. Như Đức Phật đã dạy:

“Buddhuppādo dullabho lokasmim...”

Đức Phật xuất hiện trên thế gian này là điều khó được.

Thật vậy, có khi suốt thời gian lâu dài một a-tăng-kỳ kiếp trái đất, trải qua 4 thời kỳ thành-trụ-hoại-không mà không có một Đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian, gọi là Suññakappa: trái đất không có Đức Phật Chánh Đẳng Giác.

Thật hy hữu và vô cùng diễm phúc trong kiếp trái đất hiện tại mà chúng ta sống, có 5 Đức Phật Chánh Đẳng Giác xuất hiện trên trái đất này.

Trong thời quá khứ đã có ba Đức Phật: Đức Phật Kakusandha, Đức Phật Koṇāgamana Đức Phật Kassapa xuất hiện trên trái đất này, Đức Phật thứ tư là Đức Phật Gotama của chúng ta đã xuất hiện và Ngài đã tịch diệt Niết Bàn cách đây 2.548 năm rồi, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn còn lưu truyền lại trên thế gian cho đến ngày nay, nên chúng ta có duyên lành, được có cơ hội tốt đến xin thọ phép quy y Tam Bảo. Những người nào thành tựu được phép quy y Tam Bảo xong rồi, những người ấy chính thức trở thành người cận sự nam hoặc người cận sự nữ trong giáo pháp của Đức Phật Gotama. Cận sự nam, cận sự nữ là hai chúng trong tứ chúng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam cận sự nữ. Như vậy cận sự nam, cận sự nữ cũng là một địa vị cao quý trong Phật giáo.

Trong kinh sách dạy rằng: Giáo pháp của Đức Phật Gotama chỉ tồn tại trên thế gian này khoảng 5.000 năm. Sau thời gian 5.000 năm giáo pháp của Đức Phật Gotama bị mai một, bị hoại diệt hoàn toàn, vì không còn các hàng đệ tử có khả năng giữ gìn duy trì được nữa. Trong thời hiện tại này, giáo pháp của Đức Phật Gotama vẫn còn đang lưu truyền, ba ngôi Tam Bảo vẫn còn hiện hữu. Những người cận sự nam, cận sự nữ có duyên lành đã thọ phép quy y Tam Bảo được thành tựu xong rồi, nên có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nhất tâm giữ gìn duy trì phép quy y Tam Bảo, cho được hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn. Những người ấy, chắc chắn sẽ được quả báu lớn lao, vô cùng phong phú, được sự lợi ích cao thượng, sự tiến hóa cao thượng, sự an lạc cao thượng cả trong kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp vị lai, cho đến khi đạt đến Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam giới.

Như vậy, Phép quy y Tam Bảo có một tầm quan trọng không những đối với bậc xuất gia Sadi, Tỳ khưu, mà còn đối với các hàng tại gia cận sự nam, cận sự nữ nữa.

-ooOoo-

 

NGƯỜI CẬN SỰ NAM - CẬN SỰ NỮ TRONG PHẬT GIÁO

Đối với người cận sự nam, cận sự nữ còn là hạng phàm nhân, thọ phép quy y Tam Bảo là bước đầu tiên vào ngưỡng cửa Phật giáo. Phép quy y Tam Bảo của mỗi chúng sinh phải trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Là giai đoạn thành tựu được phép quy y Tam Bảo theo pháp tam giới (lokiyasaraṇagamana).

Giai đoạn giữa: Là giai đoạn có cơ hội tốt thọ phép quy y Tam Bảo. Trong những buổi lễ làm phước bố thí, thường có lễ thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, bát giới... Và hằng ngày, hằng đêm tụng kinh lễ bái Tam Bảo. Trước tiên, nên đọc thọ phép quy y Tam Bảo, để trở thành một thói quen tốt lành, trong kiếp tử sinh luân hồi của mình.

Giai đoạn cuối: Là giai đoạn tiến hành thiền tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo, sát-na Thánh Đạo Tâm phát sinh, có đối tượng Niết Bàn. Đó là giai đoạn thành tựu phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới (Lokuttarasaraṇagamana) và liền tiếp theo chứng đắc Thánh Quả, không có thời gian ngăn cách (akālika). Đó là quả báu của phép quy y Tam Bảo theo pháp Siêu tam giới, Thánh Đạo Tâm và Thánh Quả Tâm chắc chắn chỉ có đối tượng Niết Bàn mà thôi.

Phép quy y Tam Bảo của mỗi người cận sự nam, cận sự nữ hoàn hảo giai đoạn đầu, hoàn hảo giai đoạn giữa và hoàn hảo giai đoạn cuối, có mục đích cứu cánh cuối cùng là Niết Bàn.

Phép quy y Tam Bảo và các Pháp

Để phép quy y Tam Bảo được hoàn hảo, người cận sự nam, cận sự nữ cần phải hành các pháp hỗ trợ cho phép quy y Tam Bảo được hoàn hảo và cũng nhờ có được đức tin trong sạch nơi Tam Bảo hỗ trợ cho các pháp hành được hoàn thiện.

Các pháp ấy là:

- Hành phước thiện bố thí.

- Giữ gìn ngũ giới, bát giới, cửu giới, thập giới,...

- Hành 10 nghiệp thiện, tránh xa 10 nghiệp ác.

- Sống theo chánh mạng, tránh xa cách sống tà mạng.

- Không nuôi mạng bằng 5 nghề buôn bán có hại như:

Không làm nghề buôn bán vũ khí sát hại chúng sinh.
Không làm nghề buôn bán chúng sinh: người, các loài thú vật.
Không làm nghề buôn bán các loại thịt.
Không làm nghề buôn bán các chất say như rượu, thuốc phiện, ma túy, thuốc lá,...
Không làm nghề buôn bán các loại chất độc giết hại chúng sinh.

- Tiến hành pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ, v.v...

* Người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo như thế nào?

Người cận sự nam, cận sự nữ trong Phật giáo nên tìm hiểu bài kinh Mahānāmasutta [49] được tóm lược như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn đang ngự tại ngôi chùa Nigrodhārāma, xứ Kapilavatthu; khi ấy, Đức vua Mahānāma dòng Sakya, đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong, ngồi một nơi hợp lẽ bèn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là cận sự nam (cận sự nữ)? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Mahānāma, người có đức tin nơi Tam Bảo đến xin quy y nơi Đức Phật Bảo, xin quy y nơi Đức Pháp Bảo, xin quy y nơi Đức Tăng Bảo.

Này Mahānāma, người đã thọ phép quy y Tam Bảo như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ).

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có giới? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Mahānāma, cận sự nam (cận sự nữ) tránh xa sự sát sanh, tránh xa sự trộm cắp, tránh xa sự tà dâm, tránh xa sự nói dối, tránh xa sự uống rượu và các chất say là nhân sinh sự dể duôi.

Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) có tác ý thiện tâm tránh xa 5 điều giới như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có giới.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin đầy đủ? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) trong Phật giáo này, là người có đức tin trong sạch nơi sự tự chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Như Lai rằng:

Đức Thế Tôn là:

Đức Arahán là Bậc cao thượng có thân khẩu ý hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, xứng đáng thọ nhận sự lễ bái cúng dường của chư thiên, phạm thiên và nhân loại.

Đức Chánh Đẳng Giác là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, mọi tham ái, mọi ác pháp không còn dư sót, đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh; đặc biệt diệt được mọi tiền khiên tật, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị.

Đức Minh Hạnh Túc là Bậc có đầy đủ Tam Minh, Bát Minh và 15 Đức Hạnh cao thượng.

Đức Thiện Ngôn là Bậc thuyết pháp chân lý đem lại lợi ích thật sự cho chúng sinh.

Đức Thông Suốt Tam Giới là Bậc thấy rõ, biết rõ chúng sinh thế giới, cõi thế giới, pháp hành thế giới.

Đức Vô Thượng giáo hóa chúng sinh là Bậc giáo huấn chúng sinh cải tà quy chánh, cải ác làm thiện, từ hạng phàm nhân lên bậc Thánh Nhân.

Đức Thiên Nhân Sư là Bậc Thầy của chư thiên, chư phạm thiên, nhân loại...

Đức Phật là Bậc tự mình chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị, rồi Ngài thuyết pháp giáo huấn chúng sinh có duyên lành cũng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế y theo Ngài (cũng chứng đắc 4 Thánh Đạo - 4 Thánh Quả và Niết Bàn tùy theo năng lực ba-la-mật và hạnh nguyện của mỗi chúng sinh).

Đức Thế Tôn là Bậc có 6 Ân đức đặc biệt do đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh ba-la-mật của Ngài.

- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin trong sạch nơi sự chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác của Như Lai như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có đức tin đầy đủ.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có phước bố thí đầy đủ? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) trong Phật giáo này là người không có tâm keo kiệt, bủn xỉn trong của cải của mình, biết đem của cải ra, làm phước bố thí với thiện tâm trong sạch, với đôi bàn tay dịu dàng của mình, có thiện tâm hoan hỷ bố thí đến những người đáng bố thí, không có tâm thiên vị, luôn luôn hoan hỷ phân phát của cải của mình đến cho người khác.

Này Mahānāma, làm phước bố thí như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có phước bố thí đầy đủ.

- Kính bạch Đức Thế Tôn, thế nào gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có trí tuệ? Bạch Ngài.

Đức Phật dạy rằng:

- Này Mahānāma, người cận sự nam (cận sự nữ) tiến hành thiền tuệ, có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh pháp, sắc pháp; trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ trạng thái vô thường, trạng thái khổ, trạng thái vô ngã của danh pháp - sắc pháp, dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt mọi phiền não, tham ái trở thành bậc Thánh Nhân.

Này Mahānāma, có trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới như vậy, gọi là người cận sự nam (cận sự nữ) có trí tuệ...”.

Thanh Văn đệ tử của Đức Phật, có 4 hạng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ; dù là các bậc xuất gia tu sĩ, hoặc các hàng tại gia cư sĩ cũng đều có khả năng chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhân.

Cận sự nam - cận sự nữ thấp hèn hoặc cao quý

Người cận sự nam, cận sự nữ đã quy y Tam Bảo rồi, trở thành người cận sự nam hoặc cận sự nữ cao quý hoặc thấp hèn do căn cứ vào 5 chi pháp đang hiện hữu trong người cận sự nam, cận sự nữ ấy.

5 chi pháp ấy mà Đức Phật đã thuyết dạy trong bài kinh Caṇḍālasutta [50] là:

* 5 chi pháp của người cận sự nam - cận sự nữ thấp hèn

- Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ thấp hèn, ô nhiễm và đáng chê trách.

5 chi pháp ấy như thế nào?

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người không có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người phá giới, không có giới.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mê tín dị đoan, tin nhảm nhí vô căn cứ, không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mong cầu phước thiện bên ngoài Phật giáo.

- Người cận sự nam, cận sự nữ lo hộ độ, phục vụ, giúp truyền bá duy trì ngoại đạo tà giáo.

Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ thấp hèn, ô nhiễm và đáng chê trách.

* 5 chi pháp của người cận sự nam - cận sự nữ cao quý

- Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ cao quý, cận sự nam, cận sự nữ ngọc, cận sự nam, cận sự nữ như đóa sen hồng, đóa sen trắng.

5 chi pháp ấy như thế nào?

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có giới, giữ gìn giới đầy đủ trọn vẹn.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người có chánh kiến, không tin nhảm nhí vô căn cứ, chỉ tin nghiệp và quả của nghiệp.

- Người cận sự nam, cận sự nữ là người mong cầu phước thiện trong Phật giáo.

- Người cận sự nam, cận sự nữ lo hộ độ, phụng sự, giúp truyền bá duy trì Phật giáo.

Này chư Tỳ khưu, người cận sự nam, cận sự nữ có 5 chi pháp này là người cận sự nam, cận sự nữ cao quý, cận sự nam, cận sự nữ ngọc, cận sự nam, cận sự nữ như đóa sen hồng, đóa sen trắng.

Người Phật tử tại gia cận sự nam, cận sự nữ cần phải có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có chánh kiến nơi nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi), không mê tín dị đoan, không tin nhảm nhí vô căn cứ, không tin vào sự may rủi... mà chỉ có tin nơi nghiệp và quả của nghiệp của mình mà thôi. Như vật người Phật tử ấy gọi là người có chánh kiến nơi nghiệp của mình, tin chắc rằng:

“Kammassako m hi, kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā, tassa dāyādo bhavissāmi” [51]

Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta, ta sẽ là người thừa hưởng quả của nghiệp thiện hoặc nghiệp ác ấy.

Nếu nghiệp ác có cơ hội cho quả, thì phải chịu quả khổ não, mà không oán trách ai cả, cố gắng tạo nghiệp thiện, rồi hoan hỷ trong nghiệp thiện.

Nếu nghiệp thiện có cơ hội cho quả, thì được hưởng quả an lạc, không phát sinh tâm ngã mạn, cố gắng tạo nghiệp thiện, bồi bổ tích lũy nhiều nghiệp thiện.”

Bởi vì, người Phật tử có chánh kiến, có đức tin rằng:

“Ngoài nghiệp của mình ra, không một ai có khả năng cho quả khổ não hoặc an lạc cả”.

 

-ooOoo-

 

NGHI THỨC THỌ PHÉP QUY Y TAM BẢO VÀ NGŨ GIỚI

Thời xưa, theo kinh sách ghi lại, người ta đến lắng nghe chánh pháp, rồi phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin thọ phép quy y Tam Bảo, mà không thọ trì ngũ giới, bát giới, cửu giới,... cùng một lúc.

Thời nay, lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới v.v... cùng một lúc đã trở thành một nghi lễ phổ thông trong Phật giáo theo truyền thống trong các nước Phật giáo Theravāda.

Phép quy y Tam Bảo có một tầm rất quan trọng đối với người chưa từng thọ phép quy y Tam Bảo, nay xin thọ phép quy y Tam Bảo được thành tựu xong; ngay khi ấy, người ấy chính thức trở thành người cận sự nam hoặc người cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, kể từ lúc đó cho đến trọn đời.

Đối với người cận sự nam hoặc người cận sự nữ đã từng thọ phép quy y Tam Bảo, có xin thọ phép quy y Tam Bảo lại nhiều lần cho càng thêm vững chắc, trở thành thói quen tốt lành làm tăng trưởng đức tin trong sạch nơi Tam Bảo trong kiếp hiện tại, và để tạo duyên lành cho những kiếp vị lai.

thọ trì ngũ giớithường giới (niccasīla) của người tại gia nói chung, đối với người cận sự nam, cận sự nữ nói riêng. Người cận sự nam, cận sự nữ giữ gìn ngũ giới trong sạch và trọn vẹn hoàn toàn, giúp hỗ trợ phép quy y Tam Bảo được hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm do bởi phiền não.

Do đó, xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cùng một lúc.

Lễ sám hối Tam Bảo

Lễ sám hối Tam Bảo là một điều rất cần thiết trước khi xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Trong đời sống hàng ngày, đối với hạng phàm nhân có phiền não, nên thân, khẩu, ý khó tránh khỏi phạm những sai lầm với Tam Bảo, do cố ý hoặc vô ý. Nếu đã phạm lỗi lầm rồi, thì thân, khẩu, ý không còn trong sạch, do bị ô nhiễm bởi phiền não. Muốn cho thân, khẩu, ý trở lại trong sạch thanh tịnh, thì chỉ có cách sám hối tội lỗi của mình, rồi cố gắng giữ gìn, không để tái phạm nữa. Khi đại thiện tâm phát sinh có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, khi ấy, nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới...

Cũng như theo lẽ thường, người ta muốn mặc một bộ quần áo mới đẹp sang trọng, trang điểm những đồ trang sức quý giá như kim cương, hột xoàn, ngọc manī... Điều trước tiên, người ta cần phải tắm rửa cho thân hình sạch sẽ, sau đó, mới mặc quần áo mới đẹp sang trọng, trang điểm những đồ trang sức quý giá ấy. Đó là thuộc về phần thân. Còn về phần tâm, muốn thỉnh Tam Bảo: Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo ngự vào trong tâm của mình, điều trước tiên, phải nên làm cho tâm của mình trở nên trong sạch thanh tịnh, bằng cách sám hối những lỗi lầm với Tam Bảo. Khi đại thiện tâm đã trở nên trong sạch thanh tịnh, khi ấy, mới nên xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới v.v...

Theo truyền thống của người Myanmar (Miến Điện), từ khi còn nhỏ, cha mẹ đã dạy con học thuộc lòng bài sám hối Tam Bảo, cho nên trong những buổi lễ dù nhỏ, dù lớn thuộc về Phật giáo, như lễ làm phước thiện bố thí, lễ nghe thuyết pháp, ngày giớiuposathasīla” hằng tháng, thậm chí kể cả hằng ngày, lễ bái Tam Bảo... Trước tiên mọi người đều đồng thanh đọc bài sám hối Tam Bảo, tiếp theo mới xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới, hoặc cửu giới... trở thành một phong tục tập quán theo truyền thống từ xưa cho đến nay.

Nhận xét, thấy truyền thống lễ sám hối Tam Bảo của người Myanmar (Miến Điện) đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc cả trong kiếp hiện tại lẫn trong kiếp vị lai. Do đó, người cận sự nam, cận sự nữ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nên bắt chước để trở thành một truyền thống tốt lành trong Phật giáo.

Bài sám hối Tam Bảo

Trong buổi lễ dù nhỏ, dù lớn, có một người hoặc nhiều người hết lòng thành kính đảnh lễ Tam Bảo xong, có sự hiện diện của chư Tỳ khưu Tăng (hoặc một vị Tỳ khưu), tất cả mọi người đều đồng thanh đọc bài sám hối Tam Bảo.

Bài sám hối của người Myanmar đại ý như sau:

Okāsa, okāsa...

Kính bạch Ngài, con xin phép Ngài cho con một cơ hội... Thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp, ý ác nghiệp trong ba loại ác nghiệp này, nếu có nghiệp nào con lỡ phạm đến Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, đến ông bà, cha mẹ, Thầy tổ v.v... Để mong tránh ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả khổ, nên con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo, thành tâm xin sám hối Tam Bảo về những lỗi lầm ấy của con, lần thứ nhì, lần thứ ba.

Do năng lực đại thiện tâm sám hối những lỗi lầm này, con cầu mong luôn luôn tránh khỏi 4 cõi ác giới, 3 nạn tai họa, 8 trường hợp bất lợi, 5 loại kẻ thù... và mong sớm chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Nội dung bài sám hối Tam Bảo có 3 phần chính

- Sám hối tội lỗi, để tránh khỏi những tai họa, mọi nghiệp ác không có cơ hội cho quả xấu, quả khổ.

- Cầu mong tránh khỏi mọi trường hợp bất lợi.

- Mong sớm chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn.

Giải thích:

Thân ác nghiệp có 3 nghiệp ác là sát sanh, trộm cắp, tà dâm.

Khẩu ác nghiệp có 4 nghiệp ác là nói dối, nói lời đâm thọc chia rẽ, nói lời thô tục chửi rủa mắng nhiếc, nói lời vô ích.

Ý ác nghiệp có 3 nghiệp ác là tham lam, thù hận, tà kiến.

4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh.

3 nạn tai họa:

Nạn bom đạn chiến tranh.
Nạn dịch bệnh truyền nhiễm.
Nạn chết đói.

8 trường hợp bất lợi: Chúng sinh, ở trong những hoàn cảnh sau đây không thể hành phạm hạnh cao thượng, không chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn đó là:

- Chúng sinh trong cõi địa ngục.

- Chúng sinh trong cõi súc sinh.

- Chúng sinh trong cõi ngạ qủy.

- Phạm thiên trong cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên (chỉ có thân mà không có tâm), kể cả phạm thiên còn phàm trong cõi vô sắc giới (chỉ có tâm mà không có thân) không nghe được chánh pháp.

- Dân chúng sống vùng hẻo lánh.

- Sinh trưởng trong gia đình ngoại đạo tà kiến.

- Người khuyết tật câm điếc.

- Người có trí tuệ mà không gặp được Đức Phật, hoặc chư Tỳ khưu Tăng.

5 loại kẻ thù gây tai họa của cải tài sản:

- Nước lụt phá hũy của cải tài sản.

- Lửa cháy thiêu hủy của cải tài sản.

- Kẻ trộm cướp chiếm đoạt của cải tài sản.

- Vua tàn bạo chiếm đoạt của cải tài sản.

- Con cái hư đốn làm tiêu tan của cải tài sản...

Lời chúc lành

Sau khi mọi người cận sự nam, cận sự nữ xin phép làm lễ sám hối Tam Bảo xong, Ngài Đại Trưởng Lão thay mặt chư Tăng chúc lành đến cận sự nam, cận sự nữ. Lời chúc lành của mỗi vị Đại Trưởng Lão (hoặc vị Đại đức, hoặc vị Tỳ khưu) về lời không giống nhau, song về ý thì đều giống nhau. Quý Ngài thường cầu chúc cho tất cả người cận sự nam, cận sự nữ sớm được thành tựu những điều mong ước của mình.

Chư Phật Độc Giác thường cầu chúc rằng:

Icchitaṃ patthitam tumhaṃ,
Khippameva samijjhatu.

Điều mong ước, ý nguyện của các con
Cầu chúc sớm được thành tựu như ý.

Mọi người cận sự nam, cận sự nữ đều hoan hỷ đồng nói lên lời:

Sādhu! Sādhu!
Lành thay! Lành thay!

Xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Tiếp theo mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh đọc lời xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới như sau:

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi, anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.

Nghĩa:

“Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con.

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ nhì.

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ ba”.

Trên đây là nghi thức lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới, hoặc cửu giới,... phổ thông trong nước Myanmar (Miến Điện) đã trở thành truyền thống từ xưa cho đến nay.

 

-ooOoo-

 

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY TẠI VIỆT NAM

Chư cố Đại Trưởng Lão có công đem Phật giáo Nguyên thủy Theravāda về truyền bá trên quê hương, trong đó Ngài Cố Đại Trưởng Lão Hộ Tông là Sư Tổ có công lớn nhất. Ngài đã dịch và ấn hành nhiều sách, nhiều kinh tụng hằng ngày cho Sadi, Tỳ khưu, cận sự nam, cận sự nữ.

Trong những bài kệ lễ bái Tam Bảo, có 3 bài kệ sám hối Tam Bảo và có 3 bài kệ khẳng định không quy y nương nhờ nơi nào khác, chỉ có quy y Đức Phật, quy y Đức Pháp, quy y Đức Tăng mà thôi.

Những bài kệ này có thể đem sử dụng vào trong trường hợp trước và sau khi thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới hoặc bát giới hoặc cửu giới, thì thật là hợp thời.

Trước khi xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới thì nên đọc 3 bài kệ sám hối Tam Bảo: Sám hối với Đức Phật Bảo, sám hối với Đức Pháp Bảo, sám hối với Đức Tăng Bảo, để làm cho tâm của mình trở nên trong sạch nơi Tam Bảo, rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, thì thật hợp thời.

Và sau khi đã thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới xong rồi, nên đọc 3 bài kệ khẳng định không có quy y nương nhờ nơi nào khác, mà chỉ có quy y Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo mà thôi, để làm cho tăng trưởng đức tin càng thêm vững chắc, thì cũng thật hợp thời.

Nghi thức lễ thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Trong các buổi lễ dù nhỏ, dù lớn, dù có một người hoặc nhiều người, có sự hiện diện chứng minh của Ngài Đại Trưởng Lão, hoặc Ngài Đại đức, hoặc vị Tỳ khưu, Sadi... trước tiên thành kính đảnh lễ Tam Bảo xong, rồi đồng thanh đọc ba bài kệ sám hối Tam Bảo.

Bài kệ sám hối Tam Bảo

1) Bài kệ sám hối với Đức Phật Bảo

Uttamaṅgena vande haṃ
(Ut-tá-măn-ghê-ná voanh-đê-hăng)

Pādapaṃsuṃ varuttamaṃ
(Pa-đá-păng-xung vóa-rút-tá-măng)

Buddhe yo khalito doso
(Bút-thê dô khá-lí-tô đô-xô)

Buddho khamatu taṃ mamaṃ *.
(Bút-thô khá-má-tú tăng má-măng).

Nghĩa:

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ
Bụi trần dưới bàn chân cao thượng Đức Phật
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Phật Bảo,
Cúi xin Phật Bảo xá tội ấy cho con.

(đảnh lễ một lạy)

2) Bài kệ sám hối với Đức Pháp Bảo

Uttamaṅgena vande haṃ
(Ut-tá-măn-ghê-ná voanh-đê-hăng)

Dhammañca duvidhaṃ varaṃ
(Thăm-manh-chá đú-ví-thăng vóa-răng)

Dhamme yo khalito doso
(Thăm-mê dô khá-lí-tô đô-xô)

Dhammo khamatu taṃ mamaṃ *.
(Thăm-mô khá-má-tú tăng má-măng).

Nghĩa:

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ
Hai hạng Pháp Bảo: pháp học và pháp hành
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Pháp Bảo,
Cúi xin Pháp Bảo xá tội ấy cho con.
(đảnh lễ một lạy)

3) Bài kệ sám hối với Đức Tăng Bảo

Uttamaṅgena vande haṃ
(Ut-tá-măn-ghê-ná voanh-đê-hăng)

Saṃghañca duvidhuttamaṃ
(Xăng-khăng-chá đú-ví-thút-tá-măng)

Saṃghe yo khalito doso
(Xăng-khê dô khá-lí-tô đô-xô)

Saṃgho khamatu taṃ mamaṃ. [52]
(Xăng-khô khá-má-tú tăng má-măng).

Nghĩa:

Con hết lòng thành kính cúi đầu đảnh lễ
Hai bậc Tăng Bảo: Thánh Tăng và phàm Tăng
Lỗi lầm nào con đã phạm đến Tăng Bảo,
Cúi xin Tăng Bảo xá tội ấy cho con.
(đảnh lễ một lạy)

Bài kệ cầu nguyện

Iminā puññakammena
(Í-mí-na punh-nhá-kam-mê-ná)

Sabbe bhayā vinassantu
(Xặp-bê phá-gia wí-nát-xăn-tú)

Nibbānaṃ adhigantuṃ hi
(Níp-ba-năng á-thí-găn-tung-hí)

Sabbadukkhā pamuccāmi.
(Xặp-bá-đúc-kha pá-múc-cha-mí).

Nghĩa:

Do nhờ năng lực thiện tâm sám hối này
Cầu xin mọi tai họa hãy đều tiêu diệt
Mong chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả Niết Bàn
Con mong giải thoát mọi cảnh khổ tái sinh.

Lợi ích của sự sám hối và cầu nguyện

Năm điều tai họa (antarāyikadhamma):

Kammantarāyika: Tai họa do trọng ác nghiệp.
Kilesantarāyika: Tai họa do phiền não tà kiến cố định.
Vipākantarāyika: Tai họa do quả tái sinh.
Ariyūpavādantarāyika: Tai họa do chê trách bậc Thánh Nhân
.
Aṇāvitikkamantarāyika: Tai họa do phạm giới. [53]

Trong 5 điều tai họa ấy, có 3 điều: Tai họa do trọng ác nghiệp, tai họa do phiền não tà kiến cố định và tai họa do quả tái sinh, cả 3 điều tai họa này xảy ra trong kiếp hiện tại, vô phương cứu chữa, đành phải chịu quả khổ của ác nghiệp mà thôi.

Riêng 2 điều: Tai họa do chê trách bậc Thánh Nhân tai họa do phạm giới, cả 2 điều tai họa này, ngay trong kiếp hiện tại, có thể cứu chữa bằng cách làm lễ sám hối lỗi lầm của mình.

Tai họa chê trách bậc Thánh Nhân bao gồm cả Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, bậc Thầy tổ, ông bà, cha mẹ, những bậc Trưởng Lão, bậc có giới đức,...

Nếu có lỡ lầm xúc phạm đến các bậc ấy, thì chỉ có phương cách làm lễ sám hối lỗi lầm của mình với những bậc ấy mà thôi.

Sau khi làm lễ sám hối xong, người ấy phải luôn tâm niệm không để tái phạm; như vậy, người ấy tránh được mọi điều tai họa, sẽ thành tựu được sự lợi ích, sự tiến hóa trong mọi thiện pháp, sự an lạc cả trong kiếp hiện tại lẫn vô lượng kiếp vị lai.

Do đó, lễ sám hối Tam Bảo là điều lợi ích lớn lao.

Tai họa do phạm giới đối với hạng phàm nhân vốn có phiền não còn nặng nề, trong cuộc sống hàng ngày khó tránh khỏi điều phạm giới.

Nếu đã phạm giới dù nhỏ dù lớn, thì cũng có thể gây ra tai họa trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai. Muốn tránh khỏi điều tai họa xảy đến cho mình, thì chỉ có phương cách làm lễ sám hối, rồi xin thọ trì giới trở lại, đó là phương cách duy nhất, để cho giới của mình trở nên trong sạch trở lại.

Lễ sám hối là phương cách chung cả cho Sadi, Tỳ khưu lẫn người cận sự nam, cận sự nữ.

Đối với chư Tỳ khưu, trước khi hành tăng sự như lễ tụng Bhikkhupātimokkha Lễ tụng giới Tỳ khưu hằng tháng vào ngày rằm và ngày cuối tháng, chư Tỳ khưu mỗi vị đều phải làm lễ sám hối āpati 2-3 vị lẫn nhau xong, rồi mới hành Tăng sự tụng Bhikkhupātimokkha”.

Đối với Sadi, nên sám hối và chịu hành phạt xong, rồi xin thọ phép quy y Tam Bảo.

Đối với hạng cận sự nam, cận sự nữ, nên làm lễ sám hối Tam Bảo xong, rồi mới xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới, hoặc bát giới, hoặc cửu giới,... đó là việc hợp pháp, để làm tăng thêm đức tin và lòng tôn kính Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo.

Bài kệ cầu nguyện đó là nguyện vọng tha thiết của mình, mong tránh khỏi tai họa và mong sớm chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn, giải thoát mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới, bốn loài.

Nhận xét thấy rằng lễ xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới mà người Myanmar sử dụng rất rõ ràng:

- Người xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

- Khẩn khoản thỉnh Ngài Đại Trưởng Lão hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Như vậy, đây là một lễ nghi xin rất hợp tình, hợp lý đối với người xin và người hướng dẫn.

Xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Sau khi đọc 3 bài kệ sám hối Tam Bảo và bài kệ cầu nguyện xong, tất cả mọi người cận sự nam, cận sự nữ đồng thanh đọc bài xin thọ phép quy y Tam Bảo và ngũ giới như sau:

Ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi
(á-hăng phăn-tê tí-xá-rá-nê-ná xá-há panh-chá-xi-lăng Thăm-măng gia-cha-mí

anuggahaṃ katvā, sīlaṃ detha me, Bhante.
á-núc-ghá-hăng cắt-toa xi-lăng đê-thá mê phăn-tê).

Dutiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi
(Đú-tí-giăm-pí á-hăng phăn-tê tí-xá-rá-nê-ná xá-há panh-chá-xi-lăng Thăm-măng gia-cha-mí

anuggahaṃ katvā sīlaṃ detha me, Bhante.
(á-núc-ghá-hăng cắt-toa xi-lăng đê-thá mê phăn-tê).

Tatiyampi, ahaṃ Bhante, tisaraṇena saha, pañcasīlaṃ dhammaṃ yācāmi
 (Tá-tí-giăm-pí á-hăng phăn-tê tí-xá-rá-nê-ná xá-há panh-chá-xi-lăng Thăm-măng gia-cha-mí

anuggahaṃ katvā sīlaṃ detha me, Bhante.
(á-núc-ghá-hăng cắt-toa xi-lăng đê-thá mê phăn-tê).

Nghĩa:

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con.

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ nhì.

Kính bạch Ngài Đại Trưởng Lão, con xin thọ trì phép quy y Tam Bảo và ngũ giới.

Kính bạch Ngài, kính xin Ngài từ bi tế độ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới cho con, lần thứ ba.

Người hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới

Hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới (hoặc bát giới, cửu giới...) có thể là Ngài Đại Trưởng Lão hoặc Ngài Đại đức, hoặc vị Tỳ khưu, hoặc vị Sadi; nếu không có những bậc xuất gia, thì thậm chí người cận sự nam hoặc cận sự nữ là bậc thiện trí có khả năng hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới đúng theo nghi thức.

Thật ra, phép quy y Tam Bảo và ngũ giới được thành tựu phần chính là do người đệ tử biết cách thức thọ phép quy y Tam Bảo, còn vị Thầy hướng dẫn phép quy y Tam Bảo, để giúp đỡ hỗ trợ cho người đệ tử thành tựu được phép quy y Tam Bảo.

Người đệ tử biết cách thức thọ phép quy y Tam Bảo như sau:

- Khi lặp lại câu quy y Phật:

“Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Phật.

- Khi lặp lại câu quy y Pháp:

“Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 6 Ân đức Pháp.

- Khi lặp lại câu quy y Tăng:

“Saṃgham saraṇaṃ gacchāmi”, với đại thiện tâm hợp với trí tuệ có đối tượng 9 Ân đức Tăng.

Khi lặp lại câu điều giới nào, thì có tác ý thiện tâm tránh xa đối tượng phạm điều giới ấy, giữ gìn điều giới ấy cho được trong sạch hoàn toàn.

Người cận sự nam, cận sự nữ thành tựu được phép quy y Tam Bảo và ngũ giới là do nhờ vị Thầy dạy dỗ hướng dẫn phép quy y Tam Bảo và ngũ giới. Do đó, vị Thầy có vai trò rất quan trọng đối với các hàng đệ tử.

-ooOoo-


[1] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga, Rājāyatakathā.

[2] Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga.

[3] Ngũ trần: 5 đối tượng đáng say đắm: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm ấm.

[4] Vinayapiṭaka, Mahāvagga, Pabbajjākathā.

[5] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga, đoạn Pabbajjākathā.

[6] Vinayapiṭaka, bộ Mahāvagga, đoạn Pabbajjākathā.

[7] Aṅguttaranikāya, phần Etadaggavagga.

[8] Dhammapada gāttā câu kệ 188, 189.

[9] Dhammapada gāttā câu kệ 190, 191, 192.

[10] Khuddakanikāya, bộ Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasutta-vaṇṇanā.

[11] Bộ Milindapañhā trong câu hỏi, Khiṇāsavabhavapañhā

[12] Chú giải Aṅguttarnikāya, trong tích Mahāpajāpatigotamītherīvatthu.

[13] Dhammapadaṭṭhakalhā tích Santatimahāmattavatthu.

[14] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Khemātherīvatthu.

[15] Dhammapadaṭṭhakathā, tích Khemātherīvatthu.

[16] Aṅguttaranikāya phần Aṭṭhakanipāta Uggasutta (1-2).

[17] Dhammapadaṭṭhakāthā, tích Cittagahapativatthu, tích Aññatra bhikkhuvatthu.

[18] Khuddakanikāya, Itivuttakaṭṭhakāthā, kinh Puttasuttvaṇṇanā.

[19] Khud: Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā.

[20] Khud: Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā.

[21] Aṅguttaranikāya, phần Pañcakanipāta, kinh Karaṇapālisutta.

[22] viết tắt tên ông Bàlamôn Kāraṇapāli.

[23] Piṅ viết tắt tên ông Bàlamôn Piṅgiyāni

[24] 37 pháp: 4 pháp niệm xứ, 4 pháp tinh tấn, 4 pháp thành tựu, 5 pháp chủ, 5 pháp lực, 7 pháp giác chi, 8 pháp chánh đạo.

[25] Maj - Majjhimapanṇāsa, kinh Bodhirājakumārasutta.

[26] Maj - Majjhimapanṇāsa, kinh Bodhirājakumārasutta.

[27] Bộ chú giải Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā.

[28] Digha Māhāvagga, kinh Mahā samayasutta.

[29] Samyuttanīkāya kinh Dhajaggasutta.

[30] Chú giải Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā

[31] Chú giải Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā.

[32] Chú giải Itivuttakaṭṭhakathā, kinh Puttasuttavaṇṇanā.

[33] Bộ Chú giải Dhammapadaṭṭhakāya, tích chuyện Vakkalittheravatthu.

[34] Dīghānikāya, Mahāvagga, kinh Mahāparinibbānasutta.

[35] Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Mahāparinibbānasuttavaṇṇanā.

[36] NTL: Ngài Trưởng Lão

[37] CSN: Cận sự nam (nữ)

[38] Aṅguttranikāya, phần Navakanipāta, kinh Velāmasutta.

[39] Bộ Apādana aṭṭhakathā Saraṇagamaniyatthera apadāna.

[40] Từ thời kỳ Đức Phật Anomadassii đến thời kỳ Đức Phật Gotama khoảng cách thời gian 1 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.

[41] Cõi trời Tam Thập Tam Thiên có tuổi thọ cõi trời ấy 1.000 năm. Mỗi ngày đêm ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên này bằng 100 năm ở cõi người. Như vậy, tuổi thọ 1.000 năm ở cõi trời này bằng 36 triệu năm ở cõi người.

[42] Bộ Chú giải: Aṅguttaranikāya.

[43] Samyuttanikāya, Sāḷāyatana samyutta, kinh Sakkasutta.

[44] Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Pabbajjūpusampadākathā.

[45] Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Paṇāmitakathā.

[46] Tìm hiểu rõ đầy đủ, xem quyển “Gương Bậc Xuất Gia” soạn giả Tỳ khưu Hộ pháp.

[47] Vinayapiṭaka,bộ Mahāvagga, Rāhulavatthu

[48] Tìm hiểu rõ đầy đủ, xem quyển “Gương Bậc Xuất Gia” soạn giả Tỳ khưu Hộ Pháp.

[49] Samyuttanikāya, bộ Mahāvagga, kinh Mahānāmasutta.

[50] Aṅguttaranikāya. Phần Pañcakanipāta kinh Caṇḍālasutta.

[51] Aṅguttaranikāya, Dasakanipāta kinh Pabbajita abhiṇhasutta.

[52] Ba bài kệ này trong quyển “Nhật Hành Cư Sĩ” của Sư Tổ Hộ Tông.

[53] Tìm hiểu đầy đủ trong quyển “Tìm hiểu Pháp Hành Thiền Tuệ” (trang 530).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 3.1 | 3.2 | 4.1 | 4.2

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Hộ Pháp đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 10-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated:
23-10-2005