BuddhaSasana Home Page

VU Times font


THERAVĀDA
Phật Giáo Nguyên Thủy

Lời Vàng Bậc Thánh
Sớ giải Trưởng Lão Tăng-Ni Kệ

Bhikkhu Kusalapuñño
(Tỳ khưu Thiện Phúc)
Ấn bản 2007

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


  

PHẦN I

Sớ giải Trưởng Lão TăngKệ

*

1. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SUBHŪTI

Trưởng lão Subhūti đã nói lên kệ ngôn:

"Am thất ta khéo lợp
An lạc ngăn chận gió
Này mưa hãy mưa đi
Tâm ta khéo định tĩnh
Giải thoát sống tinh cần
Này mưa hãy mưa đi"

Tương truyền: trước khi Đức Phật Padumuttara (Liên Hoa Phật) ra đời, trong thành Haṃsavati (Thiên Nga Thành) có một gia đình Bàlamôn sanh ra một cậu bé kháu khỉnh, có tên là Nanda, Nanda rất thông minh và hiếu học.

Khi đến tuổi trưởng thành, cậu đã học thông suốt ba tạng kinh phệ đà, nhưng vẫn không tìm thấy sự huyền nhiệm đặc biệt nào nên cậu từ bỏ đời sống thế tục vào rừng xuấg gia làm đạo sĩ. Do thiện duyên quá khứ và nỗ lực tinh cần thực hành thiền định, không bao lâu đạo sĩ Nanda đã chứng đạt bát thiền ngũ thông. Sau đó đạo sĩ Nanda tế độ cho 44.000 thanh niên khác xuất gia làm đạo sĩ, nhờ tận tâm dạy dỗ nên một thời gian không lâu, các học trò của đạo sĩ Nanda cũng đắc chứng thiền định.

Lúc bấy giờ, Đức Chánh Đẳng Giác với hồng danh Padumuttara xuất hiện trên thế gian và ngự tại thành Haṃsavati. Một hôm Ngài dùng Phật nhãn soi rọi thế gian để tìm người hữu duyên, Ngài nhìn thấy nhóm đệ tử của đạo sĩ Nanda có duyên lành với quả vị Alahán và đạo sĩ Nanda ước nguyện thành bậc đại thinh văn, Đức Thế Tôn Padumuttara đắp y mang bát độc hành ngự đi ví như sư tử chúa ra đi một mình, Ngài ngự đến trú xứ của đạo sĩ Nanda. Bấy giờ, các học trò của đạo sĩ Nanda đã vào rừng hái trái, chỉ còn lại đạo sĩ Nanda, đạo sĩ nhìn thấy Đức Phật từ hư không ngự xuống đứng trước thảo am của mình, ông kinh ngạc, sau một thoáng ngạc nhiên, ông quan sát và thấy rõ 32 đại nhân tướng của vị Chánh Đẳng Giác. Là người thông hiểu tam phệ đà, nên đạo sĩ Nanda biết rằng: "người nào đầy đủ những đại nhân tướng này, người ấy nếu sống thế tục sẽ là vị Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia sẽ thành vị Chánh Đẳng Giác, như vậy vị sa môn này chắc chắn là Bậc Chánh Đẳng Giác, như vậy vị sa môn này chắc chắn là bậc Chánh Đẳng Giác". Sau khi suy nghĩ như thế, đạo sĩ Nanda liền đảnh lễ một cách cung kính rồi sắp đặt sàng toạ, cung thỉnh Đức Phật an toạ.

Đức Thế Tôn ngự toạ trên chỗ ngồi mà đạo sĩ đã sắp đặt, đạo sĩ chọn một chỗ ngồi thích hợp rồi ngồi xuống một bên.

Nói về 44.000 vị học trò sau khi vào rừng hái trái trở về, chọn lựa những quả tươi ngon mang đến am thất thầy mình. Khi nhìn thấy quang cảnh hiện tại liền bạch rằng: "Bạch thầy! chúng con nghĩ rằng trên thế gian này không có ai cao quý hơn thầy, nhưng dường như người này còn cao quý hơn thầy?".

- Này các con! Các con vừa nói gì? Các con muốn so sánh núi Tu di sơn vương (cao 680.000 do tuần) với hạt cải à, các con chớ có lấy ta mà so sánh với Đức Chánh Đẳng Chánh Giác".

Các đệ tử của đạo sĩ suy nghĩ rằng: "Nếu vị này là người thấp kém thì thầy đâu có so sánh như thế, nhưng chẳng biết người này cao quý như thế nào?", nghĩ thế nhưng họ vẫn cùng nhau quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật.

Đạo sĩ Nanda bảo các học trò rằng: "Nầy các con! những vật thí tương ứng với Đức Phật thì chúng ta không có, nhưng đã đến thời Đức Thế Tôn thọ thực, vậy chúng ta sẽ cúng dường bằng những gì chúng ta có, các con hãy chọn những quả thật ngon mang đến đây". Sau khi rửa tay xong đạo sĩ tự mình đặt những trái cây ngon vào bát của Đức Phật.

Trong lúc Đức Thế Tôn thọ nhận trái cây từ tay đạo sĩ Nanda thì chư thiên cũng đặt thiên thực cúng dường, rồi tự thân đạo sĩ Nanda lọc nước dâng đến Đức Phật.

Khi Đức Phật thọ thực xong, đạo sĩ Nanda gọi tất cả học trò mình đến rồi nói lời sārānīya tại nơi Đức Thế Tôn ngồi.

Đức Phật liền khởi lên tư tưởng: "Mong chư tỳ khưu tăng hãy đến đây". Một trăm ngàn vị thánh tăng Alahán cảm nhận được tư tưởng của bậc Đạo sư liền dùng thần thông bay đến đảnh lễ Đức Đạo sư, xong rồi đứng qua một bên.

Đạo sĩ Nanda bảo các học trò rằng: "Nầy các con, sàng toạ của Đức Thế Tôn đang ngồi hãy còn thấy, huống chi là sàng toạ của trăm ngàn vị thánh thinh văn, các con nên bày tỏ sự tôn kính của các con đối với Đức Thế Tôn và đại chúng tăng đi, các con hãy đi tìm những bông hoa có đủ màu sắc và hương thơm mang về đây".

Chỉ trong chốc lát, các đạo sĩ mang về những bông hoa có đầy đủ hương sắc của núi rừng, với năng lực thần thông của mình, các đạo sĩ kết thành sàng toạ cao khoảng một do tuần để cúng dường đến Đức Phật, làm sàng toạ cao khoảng ¾ do tuần để cúng dường đến chư đại Thinh văn, làm sàng toạ cao khoảng ½ do tuần để cúng dường đến chư thánh tăng trưởng lão và làm sàng toạ cao khoảng ¼ do tuần để cúng dường chư thánh tăng còn lại.

Khi các đạo sĩ sắp đặt sàng toạ xong, đạo sĩ Nanda đứng chắp tay, hướng đến Đức Thế Tôn thưa rằng:

- "Bạch Thế Tôn! Xin Ngài ngự lên sàng toạ bằng hoa này để chúng con được sự lợi ích, sự an lạc lâu dài".

Đức Thế Tôn ngự toạ lên sàng toạ bằng hoa ấy, lần lượt chư Thánh tăng tuần tự theo hạ lạp ngự vào ngỗ ngồi của mình.

Đạo sĩ Nanda cầm cây lọng hoa lớn đứng che trên đầu của Đức Phật. Đức Phật chú nguyện rằng: "Với hành động tôn kính này xin cho đạo sĩ được quả báo lớn", chú nguyện xong Ngài nhập diệt thọ tưởng định. Chư tỳ khưu sau khi biết bậc đạo sư đã an trú trong thiền, cũng cùng nhau nhập thiền. Trong suốt thời gian bảy ngày bậc đạo sư nhập thiền, ngoại trừ lúc đi hái trái và thọ thực, thời gian còn lại các đạo sĩ đều đứng chắp tay hướng về Đức Phật.

Riêng đạo sĩ Nanda không thọ thực, đứng cầm lọng hoa suốt bảy ngày và sống với tâm đầy phỉ lạc. Sau khi xuất thiền diệt, bậc đạo sư phán bảo một tỳ khưu có đủ hai chi phần: "là người vô phiền và là người đáng cúng dường" rằng: "con hãy nói pháp để khích lệ, để làm hoan hỷ đến các đạo sĩ về sự cúng dường sàng toạ bằng hoa này đi".

Vị trưởng lão ấy vô cùng hoan hỷ ví như người hầu cận được nhận ban Thuởng từ đức Chuyển Luân Vương. Khi vị trưởng lão thuyết pháp hoan hỷ xong, bậc đạo sư thuyết lên pháp thoại đến đạo sĩ Nanda cùng các đạo sĩ đệ tử. Dứt thời pháp cả 44.000 đạo sĩ đệ tử đều chứng quả vị Alahán, bậc đạo sư liền đưa tay ra phán rằng:

- "Này các con! Hãy trở thành tỳ khưu"

Tức thì râu tóc của các đạo sĩ ấy tự nhiên biến mất và trên người có đầy đủ tám món phụ tùng. Giống như vị trưởng lão 60 hạ đang vây quanh bậc đạo sư. Còn đạo sĩ Nanda không chứng đắc đạo quả nào cả vì có tâm phóng dật. Được nghe rằng lúc ấy đạo sĩ Nanda đang thoả thích với hình ảnh của vị trưởng lão và khởi lên ước muốn rằng: "Trong thời giáo pháp của Đức Phật vị lai, mong sao ta được thành tựu giống như vị trưởng lão này vậy".

Do dòng tư tưởng đó, nên đạo sĩ Nanda không thể chứng đắc đạo quả, đạo sĩ Nanda tiến đến đảnh lễ bậc đạo sư rồi đứng lên thưa rằng: "Kính bạch đức Thế Tôn, vị tỳ khưu nói lời tuỳ hỷ về sàng toạ kết bằng hoa này có danh hiệu thế nào trong giáo pháp của Ngài?"

- "Này đạo sĩ! Vị tỳ khưu ấy đạt danh hiệu là người trú trong vô phiền và là người xứng đáng được cúng dường".

Nghe xong đạo sĩ Nanda liền phát nguyện rằng: "Kính bạch đức Thế Tôn, phước báo nào con đã tạo suốt bảy ngày qua, con không cầu mong một tài sản nào cả, chỉ ước nguyện thành tựu hai chi phần như vị trưởng lão ấy, trong giáo pháp của Đức Phật vị lai".

Bậc Đạo Sư dùng Phật nhãn quán xét xem nguyện vọng của đạo sĩ này có thành tựu hay không, Ngài thấy rằng ước nguyện của đạo sĩ sẽ thành tựu sau 100,000 đại kiếp nữa, rồi Ngài phán rằng: "Trải qua 100.000 đại kiếp, vào thời giáo pháp của Đức Chánh Đẳng Giác hồng danh là Gotama ước nguyện của ngươi sẽ thành tựu như ý". Rồi Ngài cùng với chư tỳ khưu tăng theo đường hư không trở về thành Haṃsavati. Đạo sĩ Nanda đứng chấp tay hướng về bậc đạo sư và chư thánh tăng cho đến khuất tầm mắt. Từ đó về sau đạo sĩ thường đến thính pháp nơi Đức Thế Tôn.

Khi mãn tuổi thọ, do còn giữ thiền chúng đạo sĩ Nanda được sanh lên cõi Phạm Thiên, khi dứt thọ mạng lên cõi trời Phạm Thiên, đạo sĩ Nanda sanh xuống cõi người, suốt 500 kiếp đạo sĩ đều xuất gia và nương trú trong rừng. Đến thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa (Ca diếp), Ngài cũng xuất gia và là người sống hạnh ở rừng, Ngài nỗ lực thực hành gatapaccāgata (tức là không thối chuyển hạnh nguyện) một cách đầy đủ. Được nghe rằng với người nào không thực hành pháp này thì không thể thành đạt bậc Đại Thinh Văn. Đạo sĩ Nanda đã thực hành gatapaccāgata đến 120 năm, khi mạng chung Ngài sanh lên cõi trời Đạo Lợi. Như lời Ngài nói trong Apadāna rằng:

- "Không xa Hy mã lạp sơn có một ngọn núi tên là Nisabha, ta tạo dựng một tam thất rất xinh xắn tại đấy, lúc bấy giờ ta là đạo sĩ Koliya sống độc cư một mình tại núi Nisabha. Thửa ấy ta không dùng trái cây và khoai củ, ta chỉ dùng những lá cây rơi rụng để nuôi sống, ta không vì sinh mạng, mà từ bỏ hạnh nguyện, dù phải hy sinh tánh mạng ta cũng cam lòng. Trừ Anesanācitta (tâm tà mạng), tương ưng với tham – sân sanh lên với ta khi nào, khi ấy ta tự dạy mình rằng: "hãy nhiếp phục tâm ấy, khi ngươi tham trong cảnh tham, sân trong cảnh tham, sân trong cảnh sân và si trong cảnh si thì ngươi hãy ra khỏi khu rừng này, đây là trú xứ của người thanh tịnh ly cấu uế và sống tinh cần, ngươi chớ có hãm hại người thanh tịnh, ngươi hãy rời khỏi rừng, ví như củi thiêu tử thi không thể dùng vào việc chi được và cây ấy không thể cho là cây nhà hoặc cây rừng được như thế nào thì ngươi cũng ví như củi thiêu xác chết ấy, là cư sĩ cũng không phải, là sa môn cũng không phải, hôm nay ngươi đã rời khỏi cả hai hình tướng, ngươi hãy ra khỏi rừng đi. Tà tâm này có thích hợp với ngươi hay chăng?. Ai sẽ biết điều này của ngươi, ai sẽ giải quyết phận sự của ngươi được? do ngươi quá lười biếng, người trí sẽ chán ghét ngươi ví như dân chúng chán ghét vật ô uế, các đạo sĩ sẽ khiển trách ngươi, người trí sẽ bố cáo rằng: "ngươi đã vi phạm giáo quy", khi không được cộng trú với các bậc ấy, ngươi sẽ sống ra sao. Ví như con voi già yếu bị đuổi ra khỏi bầy, chịu sầu khổ như thế nào thì các đạo sĩ sẽ đuổi ngươi – kẻ thiếu trí – ngươi sẽ bị sầu khổ như thế ấy, ngươi sẽ phải sầu khổ ngày đêm ví như con voi già bị đuổi ra khỏi bầy vậy.

Khuôn vàng không bị đốt cháy như thế nào, người bị hoại giới sẽ không làm cho phiền não cháy rụi được cũng như thế ấy, ngươi sẽ sống ra sao khi trở về thế tục, tài sản của cải do cha mẹ để lại nay cũng không còn, ngươi sẽ phải làm việc cực nhọc vất vả nếu ngươi không thích nghiệp lành, ta sẽ ngăn chặn không cho ngươi huân tập phiền não đâu, lúc bấy giờ, ta tự nhủ lòng như thế. Để ngăn chặn ác pháp sanh khởi, ta sống trong sự không dễ duôi suốt ba mươi ngàn năm tại rừng già. Đức Chánh Đẳng Giác Padumuttara thấy ta là người hoan hỷ trong pháp không dễ duôi, dù người tìm cầu lợi ích tối thượng. Ngài ngự đến trú xứ của ta. Đức Thế tôn có hào quang như vàng ròng chiếu sáng vô lượng không ai sánh bằng, Ngài đi kinh hành trên hư không giống như cây chúa có trổ hoa rực rỡ, như tia chớp trong đám mây đen, như sư tử chúa hùng dũng, như tượng chúa uy nghi, như cọp chúa không hề run sợ. Đức Phật có hào quang như vàng singī toả sáng, như lửa than cây sáo đen, có hào quang rực rỡ như vòng ngọc Manī. Đức Phật ngự đi kinh hành trên hư không trong lúc ấy, có hào quang ví như vàng Kareyyalāsa thanh tịnh, như ánh trăng rằm, như mặt trời giữa trưa. Khi ta thấy Ngài đang đi kinh hành trên hư không bèn suy nghĩ rằng: "vị này là chư thiên hay loài người? người như vậy ta chưa từng nghe chưa từng gặp trên cõi đời này, nhờ vào phệ đa ta biết được vị ấy là Đức Thế Tôn. Sau khi biết được như thế, ta khởi lòng tịnh tín, ta nhặt lấy những bông hoa và vật thơm sắp đặt một sàng toạ xinh đẹp khả ái, khả ý, rồi ta bạch với Thế Tôn rằng: "kính bạch bậc Đại Hùng, sàng toạ xứng đáng với Ngài tôi đã sắp đặt xong, xin Ngài hãy tiếp độ cho tôi được hoan hỷ bằng cách ngự trên sàng toạ bông hoa này". Đức Thế Tôn như sư tử chúa ngự trên chỗ ngồi bông hoa thù diệu ấy suốt bảy ngày bảy đêm. Bậc đạo sư sau khi xuất thiền diệt, Ngài đã tiên đoán hạnh nghiệp của ta rồi thuyết Phật ngôn rằng: Ngươi hãy tu tiến Buddhānussati (tuỳ niệm Phật), một đề mục tu tập thù thắng hơn các đề mục khác, tu tiến tuỳ niệm Phật sẽ khiến cho tâm được an lạc trong thiên giới suốt 30.000 kiếp, sẽ được làm thiên chủ thọ hưởng thiên sản 80 lần, sẽ được làm Chuyên Luân Vương chúa của nhân loại 1.000 lần và được rất nhiều lần làm vua đại quốc, đây là quả của việc tu tiến niệm Phật và trong vòng luân hồi sanh tử sẽ làm người sung túc tài sản, không thiếu kém tài sản, đây là quả của việc tu tiến niệm Phật. Khi trải qua 100.000 kiếp, ta được sinh ra trong triều đại Okāka, đã dứt bỏ tài sản 800 triệu cùng nhiều thứ khác, khi xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn hồng danh là Gotama, có tên gọi là Subhūti. Bậc đạo sư Gotama lúc ngồi giữa chư tỳ khưu tăng đã tuyên dương ta là người thù thắng hơn chư tỳ khưu về hai chi phần:

- Xứng đáng được cúng dường
- Là người sống không có kẻ đối nghịch

Đức Thế Tôn bậc Đại Hùng sau khi tiên đoán như thế đã bay lên hư không ví như khổng tước vương giữa bầu trời. Ta khắc ghi lời dạy của bậc đạo sư và luôn thoả thích trong việc tu tiến niệm Phật, với thiện nghiệp đó sau khi mạng chung ta được sanh lên cõi Đạo Lợi, 80 lần làm thiên chủ và thọ hưởng đầy đủ các thiên sản và 1000 lần làm Chuyển Luân Vương và rất nhiều lần làm vua đại quốc thọ hưởng đầy đủ những lạc thú ở đời, và trong vòng luân hồi ta là người có đầy đủ tài sản, không bị thiếu thốn về vật chất, đây là quả của việc tu tiến niệm Phật. Trong 100.000 kiếp kể từ kiếp này ta tạo thiện nghiệp nào, do quả của thiện nghiệp ấy, ta không hề biết khổ cảnh, đây là quả của việc tu tiến niệm Phật, các ân đức thù thắng như là: tứ vô ngại giải, bát giải thoát và sáu thắng trí ta đã tác chứng, lời Phật dạy ta đã làm xong.

Được biết, trưởng lão Subhūti đã nói lên các bài kệ như thế.

Sau khi mạng chung, đạo sĩ Nanda được sanh lên thiên giới thọ hưởng thiên sản thù thắng, sau khi mạng chung từ cõi Đạo Lợi tái sanh làm Chuyển Luân Vương sau đó sanh làm Đại Đế cả 1000 lần thọ hưởng đầy đủ mọi nhân sản thù thắng. Đến thời giáo pháp của bậc đạo sư chúng ta, tái sanh làm em trai của trưởng giả Cấp Cô Độc trong gia đình trưởng giải Sumana tại thành Sāvatthī với tên gọi là Subhūti.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ chuyển pháp luân, rồi Ngài tuần tự ngự đến thành Rājagaha để tiếp độ quần sanh và trú tại rừng Sītavana. Một hôm, trưởng giả Anāthapiṇdika (Cấp Cô Độc) được tin Đức Phật đã ra đời hiện đang ngự tại rừng Sītavana, trưởng giả đi đến yết kiến Đức Thế Tôn, Đức Phật thuyết pháp tế độ trưởng giả, dứt thời pháp trưởng giả Anāthapiṇdika (Cấp Cô Độc) chứng quả Dự Lưu, cũng trong dịp đó ông đã thỉnh Đức Phật ngự đến thành Sāvatthī (Xá Vệ). Từ thành Rājagaha (Vương Xá) đến thành Sāvatthī xa 45 do tuần, mỗi một do tuần trưởng giả bỏ ra 100.000 đồng vàng để xây dựng tịnh xá cho Đức Phật dừng chân và ông đã mua một khu vườn xoài của thái tử Jeta rộng khoảng 8 kārīsa bằng cách lấy vàng trải lên trên mặt đất. Trong ngày bậc đạo sư tiếp nhận Jetavanavihāra (tịnh xá Kỳ Viên), thanh niên Subhūti cũng tham dự, sau khi nghe pháp xong chàng phát khởi lòng tin rồi xin xuất gia.

Khi thọ cụ túc giới xong vị tỳ khưu này tinh cần học pháp và đã thông hiểu nằm lòng 2 mātikā, kế đó trưởng lão vào rừng hành sa môn pháp, tu tiến thiền quán lấy từ tâm làm nền tảng và được chứng quả Alahán. Khi thuyết pháp, trưởng lão thuyết với tâm quảng đại không phân biệt, không hạn lượng nên trưởng lão được danh xưng là vị thù thắng hơn chư tỳ khưu về hạnh từ vô lượng. Khi đi khất thực, trưởng lão nhập thiền từ tâm vô lượng sau khi xả thiền mới nhận vật thực vì trưởng lão nghĩ rằng: "với cách này thí chủ sẽ được nhiều phước báu" do đó trưởng lão được danh hiệu là vị xứng đáng được cúng dường đệ nhất.

Đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) được nghe những hạnh lành về trưởng lão, nên ngự đến nơi trú của Ngài, đảnh lễ thưa rằng: "Kính bạch tôn giả xin thỉnh Ngài hãy lưu trú tại đây" và trong thâm tâm của vua nghĩ rằng: "ta sẽ kiến tạo một am thất cúng dường trưởng lão". Sau khi Đức vua quay về hoàng cung vì bận nhiều quốc sự nên Đức vua quên mất lời hứa của mình. Còn về trưởng lão Bhūti sau khi nhận lời Đức vua đã ngụ tại nơi ấy nhưng vì chưa nhận được thất trưởng lão phải ngụ hành thiền ngoài trời do oai đức của trưởng lão nên trời không đổ mưa.

Dân chúng bị khô hạn bức bách, cùng nhau kéo đến hoàng cung than van kêu nài, Đức Vua bèn suy xét rằng: "Do nhân gì trời không mưa?" và Ngài nghĩ rằng có lẽ do trưởng lão còn ở ngoài trời nên trời không mưa, rồi Ngài phán truyền cho xây am thất bằng lá để dâng đến trưởng lão, sau khi xây cất xong, Đức vua ngự đến thưa rằng: "Kính bạch tôn giả, xin thỉnh Ngài hãy ngự trong am thất này đi".

Kế đó, trưởng lão muốn giải trừ mối lo sợ khô hạn của dân chúng, Ngài bèn tuyên bố sự không lo sợ ở bên trong và bên ngoài của mình bằng bài kệ rằng:

"Am thất ta khéo lợp
An lạc ngăn chận gió
Này mưa hãy mưa đi
Tâm ta khéo định tĩnh
Giải thoát sống tinh cần
Này mưa hãy mưa đi"

*

2. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO KUṆDADHĀNA

Được biết trưởng lão Kuṇḍadhāna đã nói lên bài kệ như vầy:

"Vị tỳ khưu chặt đứt
Năm hạ phần kiết sử
Năm thượng phần, từ bỏ
Tu tập làm tăng trưởng
Năm pháp trợ giác ngộ
Năm chướng ngại vượt qua
Được gọi vượt bộc lưu"

Tương truyền: trong thời Đức Thế Tôn Padumut-tara, trưởng lão sanh trong một gia đình sống tại thành Haṃsavati. Một hôm lúc đến chùa nghe pháp, nhìn thấy một vị tỳ khưu được Đức Thế Tôn tán thán có sự thù thắng hơn chư tăng là được nhận thăm trước, muốn đạt được ngôi vị đó, nên chàng cố tìm cơ hội để tạo phước duyên thích ứng. Rồi cơ hội quý báu ấy đã đến, lúc bất giờ Đức Thế Tôn Padumuttara vừa xả thiền diệt chàng đã cúng dường một nải chuối to chín vàng, Đức Thế Tôn nhận nải chuối ấy rồi thọ thực.

Do thiện sự này, 11 lần chàng được làm thiên chủ, 24 lần làm Chuyển Luân Vương, rôi chàng tiếp tục tạo phước trong thời gian luân chuyển giữa hai cõi trời, người. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chàng sanh làm một vị chư thiên Bhummadeva (địa cư thiên).

Theo thông lệ, khi chư Phật có tuổi thọ dài thì không làm lễ Bố Tát trong mỗi nửa tháng như Đức Phật hiện tại, Đức Phật Vipassi sáu năm mới hành lễ Bố Tát một lần, còn thời Đức Phật Kassapa đến sáu tháng mới đọc tụng giới bổn một lần.

Bấy giờ, trong giáo pháp Đức Phật Kassapa có hai vị tỳ khưu rất thân thiết với nhau, đang trên đường đi đến nơi hành lễ Bố Tát. Vị chư thiên Bhummadeva này nghĩ rằng: "Hai vị tỳ khưu này rất thân thiết với nhau, nếu có người gây chia rẽ, họ có chia rẽ nhau không?" nghĩ như vậy bèn chờ đợi cơ hội. Khi đi được một đoạn đường, một vị cần làm vệ sinh tay chân nên nhờ bạn mình cầm hộ y bát, rồi bước đến lùm cây chỗ có nước trong, vị chư thiên này chờ vị tỳ khưu rửa ráy xong, rời khỏi lùm cây liền biến thành một phụ nữ xinh đẹp với tóc xoã đang cột lại, phủi bụi, rồi chỉnh trang lại quần áo bước theo sau lưng vị tỳ khưu vừa rời khỏi lùm cây. Vị tỳ khưu đứng chờ ở ngoài thấy vậy, tâm phẫn nộ phát sanh, nghĩ rằng: "Tình cảm thân thiết bấy lâu nay với tỳ khưu này đến đây là hết. Nếu biết y có nhiều tham dục như vậy, ta đã không kết thân với y". Sau khi vị ấy đến, vị này bèn nói rằng: "Này hiền giả hãy nhận lại y bát, từ nay ta sẽ không đi chung với người thấp hèn như ông nữa". Nghe lời này, vị tỳ khưu cảm thấy đau nhói như bị ai cầm dao bén đâm vào người vậy, liền hỏi vị tỳ khưu bạn rằng:

- "Này hiền giả! hiền giả nói gì tôi không hiểu, tôi có phạm tội gì chăng? Vì sao hiền giả gọi tôi là người thấp hèn!"

- "Tôi vừa thấy ông bước ra khỏi lùm cây cùng với người phụ nữ tóc tai y phục xốc xếch, chẳng phải vậy sao?"

- "Này hiền giả! chuyện này không có và tôi cũng không thấy người phụ nữ nào cả!"

Mặc dù vị tỳ khưu bị oan đính chính đến ba lần nhưng vị tỳ khưu bạn vẫn không tin, cho rằng điều mình thấy là sự thật và không đồng hành với vị ấy, đã rẽ sang một con đường khác đến chỗ Đức Thế Tôn ngự.

Đến giờ hành lễ Bố Tát, chư tăng câu hội nơi chánh điện, vị tỳ khưu bạn nhìn thấy vị kia nơi chánh điện liền đi ra ngoài với sự suy nghĩ rằng: "Vị tỳ khưu như vậy có mặt trong chánh điện thì ta sẽ không làm lễ Bố Tát chung".

Lúc bấy giờ vị chư thiên suy nghĩ rằng: "Ta đã tạo một ác nghiệp rồi" nên hoá thành một cận sự nam đi đến chỗ vị tỳ khưu bên ngoài thưa rằng:

- Bạch tôn giả! Vì sao Ngài lại đứng đây?

- Này cận sự nam! Có một vị tỳ khưu thấp hèn đi vào trong chánh điện, tôi không thể hành lễ Bố Tát với vị ấy nên tôi ra đứng đây.

- Kính bạch tôn giả! Ngài chớ nghĩ thế, vị tỳ khưu ấy có giới trong sạch, người phụ nữ ngài thấy chính là tôi hoá ra để thử tình bạn của hai vị, xem tình bạn của hai vị có vững chắc hay không.

- Này cận sự nam! Ông là ai?

- Kính bạch tôn giả! Tôi là một thiên nhân.

Sau khi trình bày việc làm của mình xong, vị chư thiên quỳ dưới chân vị tỳ khưu cầu xin rằng:

- Kính bạch tôn giả! Xin Ngài hãy tha lỗi cho tôi, vị tỳ khưu kia không hay biết chi cả, xin Ngài hãy hành lễ Bố Tát chung.

Nói xong rồi cung thỉnh vị tỳ khưu kia vào chánh điện, vị tỳ khưu ấy đi vào chánh điện bằng lòng hành lễ Bố Tát chung nhưng không ngồi kế cận vị tỳ khưu bị oan và cũng không đề cập đến chuyện của vị ấy nữa. Vị tỳ khưu bị oan tinh cần nỗ lực hành pháp không bao lâu cũng được chứng quả Alahán.

Do quả của hành động này, vị chư thiên phải đoạ vào khổ cảnh suốt một thời kỳ Đức Phật, đến thời giáo pháp của bậc đạo sư chúng ta, vị ấy được sanh vào gia đình Bàlamôn trong thành Sāvatthī và có tên là Dhāna. Dhāna khi lớn lên học nằm lòng tam phệ đà. Một hôm Dhāna đến nghe Đức Phật thuyết pháp, ông phát khởi niềm tin và xin xuất gia.

Kể từ ngày ông thọ cụ túc giới xong, luôn luôn có bóng hình người phụ nữ hiện hữu sau lưng, cho dù lúc ông vào làng khất thực, lúc tại chùa, lúc trong cốc bóng hình người phụ nữ ấy vẫn theo sát bên mình, đó là do ác nghiệp cũ còn dư sót, nhưng tỳ khưu Dhāna không thấy, những người khác thì thấy. Khi trưởng lão đi khất thực, những người phụ nữ đến cúng dường vật thực họ thường nhạo rằng:

- Bạch tôn giả! Đây là phần vật thực dành cho Ngài, đây là phần vật thực dành cho bạn của chúng tôi.

Với sự chế nhạo như thế khiến cho trưởng lão vô cùng vất vả trong việc khất thực. Thậm chí có một số tỳ khưu trẻ và sa di chế diễu rằng "ông Dhāna tồi tệ".

Kể từ đó trưởng lão có cái tên mới là: Kuṇḍa-dhānathera, trưởng lão cố gắng kham nhẫn, nhưng không thể chịu đựng được sự nhạo báng quá nhiều từ các vị tân tỳ khưu và sadi nên đã phẫn nộ rằng: "Hỡi bọn tồi tệ, thầy tế độ của các ngươi, thầy giáo thọ của các ngươi đều là bọn tồi tệ".

Chư tỳ khưu đến Đức Thế Tôn bạch rằng: "kính bạch Đức Thế Tôn! Kuṇḍadhāna đã dùng ác ngữ đối với các tân tỳ khưu và sadi". Đức Thế Tôn cho gọi trưởng lão Kuṇḍadhāna đến, phán hỏi rằng:

- Này Dhāna! Có phải ngươi đã dùng ác ngữ với các tân tỷ khưu và sadi chăng?

- Bạch Thế Tôn sự thật là vậy.

- Vì sao ngươi lại thốt lên những lời ấy?

- Bạch Thế Tôn con không thể kham nhẫn nổi với những lời nhạo báng đó nên nói như thế.

- Này Kuṇḍadhāna! Ngươi không thể làm cho ác nghiệp ngươi tạo ra trong quá khứ chấm dứt, nên mới kéo dài đến ngày nay. Ngươi chớ dùng những lời như thế nữa". Rồi ngài dạy rằng:

"Này Dhāna! Ngươi chớ có dùng lời ác với ai, người bị ngươi mắng sẽ mắng trả lại ngươi bởi lời tranh đấu khiến cho đau khổ, hình phạt sẽ đáp lại ngươi, nếu tâm ngươi không dao động như cái chiêng bị vỡ, thì ngươi sẽ chứng đạt Nípbàn, sự tranh chấp sẽ không có với ngươi.

Thế rồi dân chúng mang chuyện trưởng lão và người tấu trình với Đức vua Kosala. Đức vua truyền các thị vệ đến phán rằng:

- Này các khanh, các khanh hãy đi, hãy dò xét cẩn thận rồi về tâu lại cho trẫm.

Và Đức vua thân hành ngự đi đến chỗ ở của trưởng lão với vài thị vệ, sau khi đến Ngài đứng nép một bên để quan sát. Bấy giờ trưởng lão đang ngồi Sūcikamma (làm kim) khâu vá y, người phụ nữ cũng đứng gần đó, Đức vua thấy vậy mới suy nghĩ rằng: "Chuyện này là thế nào?", Ngài bèn đi đến chỗ người phụ nữ đang đứng, khi Đức vua ngự đến, người phụ nữ ấy đi vào thảo am của trưởng lão.

Đức vua ngự vào thảo am, Ngài quan sát khắp nơi nhưng chẳng thấy ai cả, Ngài suy nghĩ rằng: "Đây có lẽ không phải là phụ nữ thật, chắc là do quả nghiệp của trưởng lão".

Đức vua ngự đến cúi chào trưởng lão, ngồi xuống một nơi phải lẽ rồi hỏi rằng:

- Kính bạch tôn giả! Ngài khất thực có dễ dàng chăng?

- Tâu Đại Vương! Cũng vừa đủ.

- Kính bạch tôn giả! trẫm hiểu lời nói của tôn giả rồi, với hoàn cảnh của tôn giả như vậy, thật khó có ai phát khởi tịnh tín đến Ngài, kể từ nay trở đi, tôn giả không cần phải đi đâu cả, trẫm sẽ hộ độ tứ vật dụng cho tôn giả, xin tôn giả hãy tinh cần chớ có dễ duôi".

Từ khi được sự hộ độ cúng dường của Đức vua Kosala, tâm của trưởng lão được an ổn, trưởng lão tinh cần phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả Alahán, cùng lúc ấy hình bóng người nữ cũng biến mất.

Lúc bấy giờ, nàng tín nữ Mahāsubhaddā (con gái trưởng lão Anāthapiṇḍika) được gả về làm dâu trong nhà của một gia đình tà kiến, tại thành Ugga. Một hôm vào buổi sáng, sau khi tẩy sạch thân thể, nàng lên lầu thượng, nguyện thọ trì bát quan trai giới rồi cầm các tràng hoa lên chú nguyện rằng: "Xin cho các tràng hoa này đừng rơi xuống, hãy kết thành một tràng hoa lớn che trên đầu của Đức Thế Tôn, qua dấu hiệu này, con cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng với 500 vị tỳ khưu đến thọ thực tại nhà con vào sáng ngày mai". Nguyện xong nàng ném 8 tràng hoa lài lên hư không, 8 tràng hoa kết lại bay đến che trên đầu của Đức Thế Tôn trong lúc Ngài đang thuyết Pháp. Đức Thế Tôn hiểu rõ sự việc, Ngài hướng tâm nhận lời thỉnh nguyện của nàng Mahāsubhaddā. Hôm sau, khi trời vừa sáng, Ngài phán dạy Đại Đức Ānanda rằng: "Này Ānanda! Hôm nay chúng ta sẽ đi khất thực xa ngươi chớ phát thăm đến các vị tỳ khưu phàm, hãy phát thăm đến các vị Thánh". Đại đức Ānanda thông báo với chư tỳ khưu rằng: "Này các hiền giả! Hôm nay Đức Thế Tôn đi khất thực xa, các vị còn phàm chớ nên nhận thăm hãy dành thăm cho các bậc thánh". Trưởng lão Kuṇḍadhāna đưa tay ra trước tiên và nói rằng:

- Này hiền giả! hiền giả hãy cho tôi thăm.

Đại đức Ananda nói rằng:

- Đức Thế Tôn không cho phát thăm đến những vị tỳ khưu như hiền giả. Ngài dạy chỉ phát thăm đến các bậc thánh.

Vừa nói xong Đại Đức Ananda cảm thấy áy náy, bèn vào bạch với Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn dạy rằng: "Này Ānanda! Hãy phát thăm đến người xin".

Đại đức Ānanda suy nghĩ: "Nếu thăm không thích hợp với trưởng lão Kuṇḍadhāna thì Đức Thế Tôn đã ngăn cản, trong chuyện này hẳn có nguyên nhân chi đây. Ta sẽ cho thăm đến trưởng lão Kuṇḍadhāna".

- Này hiền giả Ānanda! Đức Thế Tôn đã biết tôi nên Ngài không ngăn cản tỳ khưu như tôi.

Rồi đưa tay nhận lấy thăm từ Đại Đức Ānanda. Đức Thế Tôn do nhân đó làm duyên sự, Ngài tuyên bố trước chư tăng sự thù thắng của trưởng lão Kuṇḍadhāna hơn chư tăng "Người nhận được thăm trước".

Chư tỳ khưu phàm không biết ân đức của trưởng lão là bậc Alahán, xứng đáng được nhận thăm trước nhất nên có sự thắc mắc, để giải trừ nghi hoặc của các phàm tỳ khưu ấy, trưởng lão bèn bay lên hư không, hiểu diễn thần thông và xác chứng quả Alahán của mình bằng bài kệ rằng:

"Vị tỳ khưu chặt đứt
Năm hạ phần kiết sử
Năm thượng phần, từ bỏ
Tu tập làm tăng trưởng
Năm pháp trợ giác ngộ
Năm chướng ngại vượt qua
Được gọi vượt bộc lưu"

*

3. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO PILINDAVACCHA

Được biết trưởng lão Pilindavaccha đã nói lên bài kệ như vầy:

"Ta đến giáo pháp này
Là việc đến tốt đẹp
Chẳng phải không lợi ích
Suy nghĩ để nghe pháp
Và xuất gia với Phật
Chẳng phải không lợi ích
Bởi khi Ngài phân tích
Giảng giải pháp cho ta
Ta chứng pháp tối thượng"

Vào thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumuttara, vị trưởng lão này sanh trong một gia đình Bàlamôn giàu có tại thành Haṃsāvātī. Một hôm, Ngài đến chùa nghe pháp, thấy Đức Thế Tôn tuyên dương một vị tỳ khưu thù thắng hơn chư tỳ khưu khác: "là nơi ái kính của chư thiên". Vị Bàlamôn này khởi ước muốn ngôi vị cao quý ấy, nên đã thực hành các phận sư cho đến khi mệnh chung và luân chuyển sanh tử giữa hai cõi người, trời một thời gian dài.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Sumedha, khi Đức Thế Tôn niết bàn, vị Bàlamôn này cúng dường bảo tháp của Đức Thế Tôn và cúng dường đại thí đến chư tăng. Khi mạng chung lại sanh về thiên giới. Vào thời không có giáo pháp của Đức Phật, Ngài sanh làm Chuyển Luân Vương cai trị quốc độ bằng thập vương pháp, hướng dẫn đại chúng an trú trong ngũ giới.

Trước khi Đức Thế Tôn của chúng ta xuất hiện trong thế gian, trưởng lão tái sanh vào một gia đình Bàlamôn tại thành Sāvatthī có tên là Pilinda, Vaccha là họ, nên Ngài được gọi là Pilindavaccha. Chán ngán cuộc sống thế tục, Bàlamôn Pilindavaccha xuất gia làm du sĩ và thành tựu minh Cūlagandhāra (tên một loại chú thuật của Bàlamôn giáo), vị du sĩ này du hành trên hư không bằng minh ấy, đồng thời biết được tâm người khác nên du sĩ Pilindavaccha trở thành người thù thắng với lợi lộc và danh xưng tại thành Rājagaha.

Khi Đức Thế Tôn của chúng ta giác ngộ khai thị pháp luân, Ngài tuần tự du hành đến thành Rājagaha, do Phật lực khiến cho minh của du sĩ Pilindavaccha bị suy giảm, không thể thành tựu theo như ý. Vị du sĩ ấy xét duyên cớ, chợt nhớ lời của các vị Bàlamôn tiền bối rằng: "Mahāgandhāra (Đại thần chú) hiện hữu ở đâu thì Cūlagandhāra (tiểu thần chú) phải suy giảm tại chỗ ấy. Kể từ khi samôn Gotama ngự đến đây, minh của ta bị suy kém, như vậy chắc chắn samôn Gotama biết đại thần chú, ta nên đến chỗ samôn Gotama để học minh ấy".

Du sĩ Pilindavaccha đi đến yết kiến Đức Thế Tôn và thưa rằng: "Kính bạch đại sa môn! Tôi muốn học một loại minh nơi Ngài, xin Ngài hãy cho cơ hội đến tôi".

Đức Thế Tôn phán rằng:

- Vậy thì! Ngươi hãy xuất gia đi.

Vị du sĩ tưởng rằng việc xuất gia là bước đầu tiên của việc học thần chú nên chấp nhận xuất gia. Đức Thế Tôn sau khi giảng pháp đến vị ấy, Ngài cho một đề mục thích hợp với cơ tánh của trưởng lão Pilindavaccha. Trưởng lão cố gắng tu tiến phát triển đề mục, không bao lâu chứng quả Alahán và Ngài là người có đầy đủ duyên lành giải thoát.

Các vị thiên nhân nào nương vào lời giáo huấn của trưởng lão trong tiền kiếp được sanh lên thiên giới,c ác vị chư thiên nào biết được ân đức của trưởng lão nên hết lòng tôn kính, tín thành trưởng lão; đã ngự xuống hầu hạ phục vụ trưởng lão vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều. Do nhân đó, trưởng lão trở thành người thù thắng hơn chư tỳ khưu" là bậc được chư thiên ái kính". Như bài kệ trưởng lão nói trong Apadāna rằng:

Sau khi bậc Thế y
Hồng danh Sumedha
Đã viên tịch niết bàn
Ta trong sạch hoan hỷ
Lễ bái cúng dường tháp
Chư tỳ khưu lậu tận
Với số lượng bao nhiêu
Ta cung thỉnh tất cả
Các bậc lậu tận ấy
Đến trai tăng cúng dường
Lúc ấy có một vị
Thị giả Đức Thế Tôn
Cũng tên Sumedha
Đã nói pháp tuỳ hỷ
Khiến tâm ta thoả thích
Sau khi ta mệnh chung
Được sanh lên thiên giới
Có hàng ngàn thiên nữ
Vây quanh phục vụ ta
Đây chính là quả báo
Của thiện nghiệp ta tạo
Trong kiếp thứ 25
Ta làm Chuyển Luân Vương
Danh xưng Varuṇa
Gạo ta dùng thanh khiết
Không phải do gieo hạt
Không phải do cày cấy
Ta dùng gạo Sālī
Chỗ tự sanh tự chín
Vào thời ấy ta sống
Dù chúng sanh là bạn
Hay không phải là bạn
Cũng không làm hại ta
Ta là chỗ thương yêu
Của các loài hữu tình
Đây là quả của nghiệp
Ta trong sạch cúng dường
Do việc cúng dường ấy
Ta không biết khổ cảnh
Và cũng do quả ấy
Nên trong hiền kiếp này
Ta là vị tộc trưởng
Có uy lực to lớn
Ta làm Chuyển Luân Vương
Ta hướng dẫn mọi người
An trú trong năm giới
Khiến cho những người ấy
Được sanh lên thiên giới
Nên hiện nay ta được
Các chư thiên ái kính
Đến kiếp cuối cùng này
Ta tác chứng các pháp
Cao thượng thuộc bậc Thánh...
Lời Phật dạy làm xong".

Do nhân đó, nên Đức Thế Tôn tuyên dương trưởng lão là người được chư thiên ái kính. Đức Thế Tôn phán rằng: "này chư tỳ khưu, Pilindavaccha thù thắng hơn các Thinh văn của ta, là người được chư thiên ái kính".

Trưởng lão, quán xét các ân đức của mình trước kia cứ ngỡ việc đến xuất gia nơi Thế Tôn là tiền tướng của thần chú nhưng lại nhân chứng đắc các pháp đặc biệt thù diệu, hoan hỷ với thành quả của mình, trưởn glão nói lên bài kệ rằng:

"Ta đến giáo pháp này
Là việc đến tốt đẹp
Chẳng phải không lợi ích
Suy nghĩ để nghe pháp
Và xuất gia với Phật
Chẳng phải không lợi ích
Bởi khi Ngài phân tích
Giảng giải pháp cho ta
Ta chứng pháp tối thượng"

*

4. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO PUṆṆA

Được biết rằng trưởng lão Puṇṇa đã nói lên bài kệ như vầy:

"Giới ở trong thế gian
Được xem là thù thắng
Nhưng với người có tuệ
Được xem là tối thượng
Ai có giới và tuệ
Người ấy sẽ chiến thắng
Cả thế giới nhân thiên".

Thuở quá khứ, vào thời không có giáo pháp của Đức Chánh Đẳng Giác, trưởng lão sanh vào gia đình Bàlamôn, khi trưởng thành vị này đã thành tựu các nghệ thuật của Bàlamôn, do thiện duyên quá khứ, Ngài cảm nhận được mối nguy hiểm của ngũ trần dục lạc nên từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia làm đạo sĩ, dựng một am thất tại vùng Hy Mã Lạp Sơn để trú ẩn.

Tại một sườn núi, không xa chỗ đạo sĩ ở có một vị Độc giác Phật bị bệnh rồi viên tịch niết bàn. Lúc Đức Phật Độc Giác niết bàn có một vầng sáng chiếu lên. Vị đạo sĩ sau khi thấy vầng sáng ấy, hướng nhìn chung quanh với sự suy nghĩ rằng: "Tại sao có ánh sáng này phát sanh? Vậy chắc Đức Độc Giác Phật bên triền núi đã viên tịch rồi" bèn chọn lấy những loại gỗ thơm đến hoả táng kim thân của Đức Độc Giác Phật, rồi lấy những hương liệu thiên nhiên của núi rừng rưới lên. Tại triền núi ấy, có một vị thiên tử hoan hỷ với thiện sự của đạo sĩ hiện ra giữa hư không tán dương:

- Sādhu! Sādhu! Này người hiền trí, nghiệp đưa chúng sanh đến nhàn cảnh. Người đã tạo rồi, với thiện nghiệp ấy người sẽ được tái sanh nhàn cảnh và sẽ có tên là Puṇṇa.

Khi mạng chung, vị đạo sĩ sanh về thiên giới, luân chuyển giữa hai cõi trời người. Đến thời giáo pháp của bậc đạo sư của chúng ta, vị đạo sĩ được sanh vào một gia đình tộc trưởng, tại bến cảng Suppāraka xứ Sunāparanta và có tên là Puṇṇa. Sau khi trưởng thành, Puṇṇa kế nghiệp buôn bán của thân phụ.

Một hôm, chàng thanh niên Puṇṇa cùng với một đoàn xe đi đến thành Sāvatthī để buôn bán.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ngự trong thành Sāvatthī tại tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên) của trưởng lão Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào buổi chiều, thanh niên Puṇṇa nhìn thấy từng đoàn cư sĩ, Phật tử tay cầm hương hoa cùng các lễ vật đi đến tịnh xá, thanh niên Puṇṇa cũng tháp tùng theo đoàn người ấy, sau khi nghe pháp từ Đức Thế Tôn, chàng phát khởi niềm tin và xin xuất gia. Xuất gia được một thời gian, tôn giả Puṇṇa đi đến yết kiến Đức Thế Tôn thưa rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài ban lời giáo huấn tóm tắt để sau khi nghe, con có thể thực hành và sống tại xứ Sunāparanta.

Đức Thế Tôn ban lời giáo giới đến tôn giả rằng:

- Này Puṇṇa, các sắc do mắt nhận thực...

Tôn giả đảnh lễ cáo từ Đức Thế Tôn và đi đến xứ Sunāparanta tại bến cảng Suppāraka, do nhiệt tâm tinh cần thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn nên không bao lâu tôn giả đã chứng đạt Tam minh, như bài kệ tôn giả đã nói trong Apadāna rằng:

"Có vị Phật Độc Giác
An ngự nơi triền núi
Lúc ấy có tiếng động
Vang quanh am thất ta
Như là một điềm báo
Đức Độc Giác niết bàn
Có một vầng ánh sáng
Chiếu lên tận hư không
Các loài thú tại đó
Như gấu, sói, sư tử...
Tất cả đều rống lên
Ta thấy sự kỳ diệu
Bèn đi đến chỗ ấy
Ta nhìn thấy Đức Phật
Đã viên tịch niết bàn
Ví như loài cây chúa
Có hoa thơm nở rộ
Như mặt trời hừng đông
Như lửa than không ngọn
Ta nhặt lấy cây cỏ
Chất thành một đống lớn
Làm giàn hoả đặt lên
Ta đã cúng dường lửa
Thiêu kim thân Đức Phật
Sau khi hoả táng xong
Lấy nước thơm rưới lên
Bấy giờ có vị trời
Xuất hiện giữa hư không
Đã nói lên lời rằng
Khi nào ngươi xuất gia
Khi ấy tên Puṇṇa
Do thiện nghiệp ngươi làm
Đến Đức Phật Độc Giác
Từ đây ngươi mạng chung
Sẽ được sanh thiên giới
Tại trên thiên giới ấy
Cũng tên là Puṇṇa
Ta khiến cho Thế tôn
Hồng danh Gotama
Hoan hỷ điều ta làm
Kể từ hiền kiếp này
Đến kiếp thứ 91
Thiện nghiệp nào ta làm
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là quả báo
Việc hoả táng Đức Phật
Cho đến kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, trưởng lão Puṇṇa đã tế độ cho khoảng 500 người quy y Tam Bảo trở thành cận sự nam và khoảng 500 người quy y Tam Bảo trở thành cận sự nữ. Trưởng lão cho Phật tử xây cất một hương thất bằng gỗ chiên đàn đỏ tên là Candnamālā tại xứ Sunāparanta, Ngài cung thỉnh Đức Thế Tôn và chư tăng ngự đến hương thất, bằng cách lấy tràng hoa làm sứ giả rằng: "Xin Đức Thế Tôn! Nhận tràng hoa cúng dường này, xin thỉnh Ngài ngự đến đây cùng với 500 vị tỳ khưu".

Đức Thế Tôn cùng với chư tỳ khưu ngự đến Sunāparanta bằng thần thông lực Ngài thọ nhận hương thất Candnamālā, rồi Ngài cùng với chư tăng trở về Jetavana (Kỳ Viên).

Khi trưởng lão sắp viên tịch niết bàn đã nói lên lời chánh trí của mình với bài kệ rằng:

"Giới ở trong thế gian
Được xem là thù thắng
Nhưng với người có tuệ
Được xem là tối thượng
Ai có giới và tuệ
Người ấy sẽ chiến thắng
Cả thế giới nhân thiên".

*

5. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SOPĀKA

Được biết trưởng lão Sopāka đã nói lên bài kệ như vầy:

"Ví như người mẹ hiền
Thương đứa con độc nhất
Cũng vậy hãy mát mẻ
Với mọi loài chúng sanh
Trong mọi chỗ mọi nơi".

Trưởng lão đã tích trữ nhiều thiện duyên giải thoát trong thời chư Phật quá khứ, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kakusandha, trưởng lão đã tái sanh trong một gia đình nghèo khổ, phải làm lụng vất vả mới được no lòng. Một hôm chàng thanh niên nghèo nhìn thấy Đức Thế Tôn Kakusandha đang trì bình khất thực với dáng vẻ từ hoà khả kính, khiến cho chàng khởi tâm hoan hỷ tịnh tín nơi Đức Thế Tôn, bèn mang những hạt đậu ván đến dâng vào bát; Đức Thế Tôn đã từ bi tiếp nhận và thọ dụng những hạt đậu ván ấy khiến chàng tăng trưởng tâm hoan hỷ. Sau đó, chàng làm việc cần mẫn và cật lực hơn dành dụm được một số tiền. Chàng sắp đặt một bữa ăn thịnh soạn với món cơm đề hồ và món ăn thượng vị bấy giờ, chàng đi đến tịnh xá cung thỉnh được ba vị tỳ khưu về nhà cúng dường bữa ăn thượng vị đó, với tác ý là cúng dường đến tăng.

Do phước báu của các thiện sự, khi mạng chung chàng được tái sanh về thiên giới, thọ hưởng đầy đủ những thiên lạc trên cõi ấy và luân chuyển giữa hai cõi trời - người. Có một kiếp khi tái sanh trong cõi người, chàng thành niên này đã cúng dường cơm đề hồ đến một vị Phật Độc Giác. Đến kiếp cuối cùng trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, chàng tái sanh vào bào thai của một người đàn bà nghèo khổ trong thành Sāvatthī. Bào thai đã tròn 10 tháng nhưng người mẹ không sanh được, đau đớn và mệt mỏi nên bà ngất lịm một thời gian khá lâu giống như người đã chết, quyến thuộc ngỡ rằng bà đã chết nên đem bà ra mộ địa, đưa lên giàn hoả định hỏa táng thi thể bà. Bấy giờ, có một thiên nhân làm cho mưa gió nổi lên để không thể châm lửa được và khiến cho những người ấy phải giải tán ra về. Do thần lực của chư thiên nên hài tử chào đời một cách an toàn và vì là kiếp chót nên hài tử ấy không thể chết trước khi thành tựu Alahán, riêng người mẹ thì đã mệnh chung.

Vị chư thiên bế đứa bé đem đặt trong nhà người giữ mộ địa, người giữ mộ địa đã nuôi dưỡng đứa bé ấy và nhận làm con nuôi, vì được sanh ra trong mộ địa nên đứa bé có tên là Sopāka. Ở đây, cậu bé Sopāka có một người bạn đồng lứa với mình tên là Suppīya là con người giữ mộ địa, hai cậu cùng chơi cùng lớn lên bên nhau.

Một hôm, vào lúc rạng sáng, Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quan sát thế gian, xem chúng sanh nào có duyên lành giác ngộ, cậu bé Sopāka lọt vào lưới tuệ của Đức Thế Tôn. Ngài bèn ngự đến nơi mộ địa. Do tích trữ nhiều thiện duyên trong quá khứ, nên khi Sopāka nhìn thấy Đức Thế Tôn, cậu rất hoan hỷ quỳ xuống đảnh lễ Ngài, rồi đứng một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết pháp đến cho cậu. Sau khi nghe pháp, Sopāka xin Ngài được xuất gia, Đức Thế Tôn phán hỏi rằng:

- "Vậy chứ con có xin phép cha mẹ chưa?"

Sopāka bèn chạy về nhà dẫn cha đi đến chỗ Đức Thế Tôn, sau khi đảnh lễ xong rồi ông bạch với Đức Thế Tôn:

- Kính bạch Ngài! Xin Ngài hãy tiếp độ cho hài tử này được xuất gia.

- Lành thay! Này cận sự nam.

Sau khi làm lễ xuất gia cho Sopāka xong, Đức Thế Tôn dạy đề mục tâm từ cho sadi Sopāka.

Học xong đề mục tâm Từ nơi Đức Thế Tôn, sa di Sopāka đi đến mộ địa tinh cần tu tập đề mục ấy, không bao lâu sadi Sopāka chứng được thiền, lấy thiền làm nền tảng, Ngài phát triển minh sát và chứng đạt Alahán quả, như bài kệ trong Apadāna rằng:

"Thuở ấy Đức Thế Tôn
Bậc tinh cần dõng mãnh
Liễu tri tất cả pháp
Danh Kakusandha
Ngài độc hành ngự đến
Khu rừng trước mặt ta
Ta đang cầm hạt đậu
Nhìn thấy Đức Thế Tôn
Ta phát tâm hoan hỷ
Cúng dường những hạt đậu
Vào bát Đức Thế Tôn
Bậc xứng đáng cúng dường
Chính do thiện sự đó
Ta không biết khổ cảnh
Được tái sanh thiên giới
Đây chính là kết quả
Của việc dâng hạt đậu
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, một dịp nọ, khi trình bày phương pháp tu tiến đề mục tâm Từ đến các vị tỳ khưu trú nơi mộ địa, tôn giả Sopāka đã nói lên bài kệ rằng:

"Ví như người mẹ hiền
Thương đứa con độc nhất
Cũng vậy hãy mát mẻ
Với mọi loài chúng sanh
Trong mọi chỗ mọi nơi".

*

6. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO VIMALA

Được biết trưởng lão Vimala nói lên bài kệ rằng:

"Mặt đất thấm nước mưa
Gió thổi làm mát dịu
Sấm chớp khắp bầu trời
Các tầm được yên tịnh
Tâm ta khéo định tĩnh".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Vipassī, trưởng lão được sanh ra trong gia đình của người thổi nhạc bằng vỏ ốc, mặc dầu nhà nghèo nhưng cậu bé rất thông minh và chăm chỉ, khi vừa lớn lên đã thành tựu nghệ thuật thổi nhạc bằng vỏ ốc.

Một hôm, chàng tình cờ gặp Đức Thế Tôn Vipassī, do duyên lành kiếp trước, nên sau khi gặp Đức Phật, chàng rất hoan hỷ và thoả thích, nhưng vì nhà nghèo không có chi xứng đáng để cúng dường, ngoại trừ tài năng của mình, chàng lấy vỏ ốc ra thổi lên những khúc nhạc cúng dường Ngài và kể từ đó chàng thanh niên luôn tìm cơ hội để hộ độ phục vụ Đức Thế Tôn.

Khi mạng chung, do phước báu của những thiện sự này, chàng được tái sanh lên thiên giới, là vị thiên tử có nhiều thần lực, có nhiều thiên nữ phục vụ và hưởng đầy đủ những thiên lạc thù diệu trong cõi trời ấy. Sau khi luân chuyển giữa hai cõi trời - người, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chàng được tái sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả, rất tịnh tín với Tam bảo và là một người cận sự nam nhiệt tình với Tam bảo.

Một hôm, sau khi trai tăng cúng dường thực phẩm đến Đức Phật Kassapa cùng tăng chúng, chàng quỳ dưới chân Đức Thế Tôn Kassapa chú nguyện: "Do phước báu nào mà con đã trong sạch phục vụ hộ độ cúng dường Đức Thế Tôn và tăng chúng, trong các kiếp vị lai cho con hãy là người có thân thể thanh khiết, sạch sẽ, ly bụi bặm và uế trược.

Từ đó về sau, chàng hết lòng phục vụ Tam bảo, đã làm các công việc như: tưới nước thơm cây bồ đề, lau rửa chỗ ngồi nơi bảo tháp và cội bồ đề, tẩy rửa những đồ phụ tùng bẩn uế của chư tăng.

Mạng chung, người cận sự nam ấy được sanh lên thiên giới trong những kiếp luân chuyển giữa cõi người và cõi trời, chàng luôn được đầy đủ sung túc về lợi lộc và tài sản, không bị vất vả, không bị thiếu kém về vật chất.

Đến kiếp cuối cùng, trong thời giáo pháp Đức Thế Tôn của chúng ta, người cận sự nam này được tái sanh trong một gia đình trưởng giả tại thành Rājagaha. từ khi còn ở trong bụng mẹ và khi lọt lòng mẹ, thân thể không hề dính uế trược, trong sáng như những giọt sương đọng trên lá sen, là người có thân thể sạch sẽ thanh khiết giống như vị Bồ Tát sanh kiếp chót, vì vậy cậu bé được đặt tên là Vimala.

Một hôm, Đức Thế Tôn đang ngự đi trong thành Rājagaha (Vương Xá), Vimala nhìn thấy dáng vẻ uy nghi từ hoà khả kính của Ngài, Vimala phát khởi tâm tịnh tín và do duyên lành chín muồi nên Vimala quyết định xuất gia nơi Đức Thế Tôn.

Sau khi xuất gia xong, tôn giả Vimala học thông suốt một đề mục nghiệp xứ, đi đến một hang núi tại xứ Kosala để nỗ lực tu tập.

Một hôm, trời chuyển mưa, giông gió nổi lên, mây đen phủ kín cả bầu trời và mưa bắt đầu đổ hạt. Lúc bấy giờ, sức nóng thiêu đốt được những cơn gió và những hạt mưa xoa dịu với thời tiết mát mẻ thích hợp, tâm của tôn giả Vimala dễ dàng lắng đọng trên đề mục. Với tâm an tịnh, tôn giả đã phát triển thiền quán chứng đạt Alahán.

Như trong Apadāna trưởng lão Vimala đã nói lên bài kệ rằng:

"Ta đã gặp Thế Tôn
Hồng danh Vipassī
Ta đã thổi vỏ ốc
Theo điệu nhạc thánh thót
Cúng dường Đức Thế Tôn
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp 91
Ta đã hộ độ Ngài
Bậc Thế Tôn tối thượng
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Trong kiếp thứ 24
Mười sáu lần ta được
Sanh làm Chuyển Luân Vương
Tên Mahānighosa
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, hoan hỷ với quả chứng của mình, trưởng lão đã nói lên bài kệ rằng:

"Mặt đất thấm nước mưa
Gió thổi làm mát dịu
Sấm chớp khắp bầu trời
Các tầm được yên tịnh
Tâm ta khéo định tĩnh".

*

7. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO ADHIMUTTA

Được biết trưởng lão Adhimutta đã nói lên bài kệ như vầy:

"Đối với người lười biếng
Đam mê trong thân lạc
Sau thân hoại mạng chung
Từ đâu thành tựu được
Hạnh của bậc Sa môn?"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumuttara, trưởng lão được sanh vào một gia đình Bàlamôn, khi trưởng thành, vị này đã học và luyện thành tựu các chú thuật của Bàlamôn, do duyên lành quá khứ nên Ngài này cảm thấy chán ngán ngũ trần dục lạc, từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia làm đạo sĩ sống trong rừng.

Một hôm, tình cờ đạo sĩ nghe tin Đức Phật đã xuất hiện cùng với những danh thơm về Ngài, đạo sĩ rời trú xứ của mình đi đến kinh thành với mục đích được diện kiến Đức Thế Tôn. Đạo sĩ nhìn thấy Đức Phật cùng với chư tỳ khưu tăng đang ngự đi khất thực, với uy hạnh của bậc Chánh Đẳng Giác khiến đạo sĩ khởi tâm tịnh tín, cởi chiếc y làm bằng vỏ cây của mình trải dưới chân của Đức Thế Tôn để cúng dường. Đức Thế Tôn biết được tâm ý đạo sĩ, Ngài ngự lên tâm y bằng vỏ cây ấy, đạo sĩ thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn và tán thán Ngài với mười bài kệ. Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán xét, rồi Ngài thọ ký rằng "trong tương lai sau 100.000 kiếp, đạo sĩ này sẽ xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn Gotama và sẽ chứng đạt lục thông".

Rồi Ngài ngự khỏi chỗ ấy, đạo sĩ khi nghe được những lời tiên tri của Đức Phật, ông vô cùng hoan hỷ, trở về trú xứ của mình, mạng chung ông được sanh về thiên giới, luân chuyển giữa hai cõi nhân thiên. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, ông được sanh vào gia đình Bàlamôn tại thành Sāvatthi có tên là Adhimutta. Khi trưởng thành đã học thành tựu các chú thuật của Bàlamôn, nhưng chàng Adhimutta vẫn không thấy được sự huyền diệu gì từ các chú thuật đó. Do duyên lành đã chín muồi, trong lúc Adhimutta đang đi tìm con đường cứu cánh, thì chàng gặp Đức Phật, lúc Ngài thọ nhận Kỳ Viên tịnh xá, được cảm hoá bởi uy đức của Thế Tôn, chàng khởi niềm tin và xin xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.

Sau khi xuất gia, tôn giả Adhimutta đã tinh cần thực hành samôn pháp, không bao lâu chứng đạt Alahán.

Như bài kệ đã nói lên trong Apadāna rằng:

"Ta là Bàlamôn
Bệnh tóc, mặc da thú
Chơn chánh có tinh cần
Ta nhìn thấy Đức Phật
Bậc đạo sư thế gian
Rực rỡ như hoa Kannikāra
Toả sáng như vòng lửa
Lấp lánh như sao mai
Như tia chớp trên trời
Không run sợ kinh hãi
Ví như sư tử chúa
Ngài rọi sáng thế gian
Với ngọn đuốc trí tuệ
Nhiếp phục các ngoại đạo
Tiếp độ các quần sanh
Chặt đứt mọi nghi hoặc
Ta cầm y vỏ cây
Trải ra gần chân Phật
Rồi tán thán Ngài rằng
Kính bạch Đại Ẩn sĩ
Bậc vượt qua bộc lưu
Giúp thế gian vượt qua
Ngài soi sáng thế gian
Với ngọn đuốc trí tuệ
Bậc trí tuệ tột đỉnh
Chuyển bánh xe chánh pháp
Nhiếp phục các ngoại đạo
Bậc đại hùng đại lực
Đã chiến thắng tất cả
Khiến rung động địa cầu
Làm đại dương nổi sóng
Vỡ tan chỗ cuối bờ
Cũng vật tất cả Kiến
Bị vỡ tan trước Tuệ
Của Ngài dường thế ấy
Tấm lưới có mắt nhỏ
Được tung rải xuống ao
Các chúng sanh trong ao
Đều bị trùm bởi lưới
Kính bạch Bậc ly khổ
Nhóm ngoại đạo trong đời
Si mê không chân thật
Bị lưới tuệ của Ngài
Phủ kín dường thế ấy
Ngài là chỗ nương tựa
Của người ở giữa dòng
Ngài là chỗ nương tựa
Của người đang neo đơn
Ngài là chỗ nương tựa
Của người đang kinh sợ
Ngài là bậc đạo sư
Của người muốn giải thoát
Ngài độc hành từ tốn
Không ai có thể sánh
Ngài là đấng từ bi
Không có ai bì kịp
Ngài là bậc tịch tịnh
Thuần thục và chiến thắng
Ngài là bậc trí tuệ
Đã rời bỏ si mê
Không dao động do dự
Là bậc đã đoạn sân
Vô cấu và tự chủ
Thanh tịnh, vượt chướng ngại
Có đầy đủ tam minh
Đạt tận cùng ba cõi
Lợi ích đã thành đạt
Ngài ban rải lợi ích
Đưa chúng sanh vượt qua
Ví như chiếc tàu lớn
Là hiện thân kho báu
Khiến cho tâm an ổn
Không hề biết run sợ
Như loài chúa sơn lâm
Như tượng chúa thuần tánh
Lúc ấy ta tán thán
Bậc ẩn sĩ vĩ đại
Padumuttara
Với mười bài kệ này
Đảnh lễ dưới chân Ngài
Rồi đứng yên tại đó
Đức Thế Tôn hồng danh
Padumuttara
Bậc thông suốt thế gian
Xứng đáng được cúng dường
Ngự giữa hàng tăng chúng
Nói lên bài kệ rằng
Với người nào tán thán
Giới, tuệ và diệu pháp
Ta tuyên bố người ấy
Các ngươi hãy lắng nghe
Người ấy sẽ an lạc
Trong cõi trời dục giới
Suốt sáu mươi ngàn kiếp
Sẽ được sự thù diệu
Hơn các thiên nhân khác
Và chính thiện căn này
Thúc đẩy hắn xuất gia
Trong giáo pháp của Phật
Hồng danh Gotama
Sau khi xuất gia xong
Sẽ từ bỏ ác pháp
Đoạn trừ các lậu hoặc
Chứng đạt pháp tịch tịnh
Kính bạch bậc Đại Hùng
Ví như cơn mưa lớn
Làm mặt đất no đầy
Cũng vậy Ngài cho con
Được no đầy với pháp
Chính vào thời bấy giờ
Ta đã tán thán Phật
Giới, tuệ cùng diệu pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui 100.000 kiếp
Với sự tán thán nào
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là kết quả
Của việc tán thán Phật
Nay là kiếp cuối cùng
Ta nhổ tên sanh hữu
Đoạn trừ các lậu hoặc
Thiêu đốt các phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, lúc giáo giới các tỳ khưu lười biếng ở chung, trưởng lão đã nói lên bài kệ rằng:

"Đối với người lười biếng
Đam mê trong thân lạc
Sau thân hoại mạng chung
Từ đâu thành tựu được
Hạnh của bậc Sa môn?"

*

8. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO PĀRĀPARIYA

Được biết trưởng lão Pārāpariya đã nói lên bài kệ như vầy:

"Từ bỏ sáu xúc xứ
Các căn khéo phòng hộ
Bứng tận gốc phiền não
Ta chứng đạt lậu tận".

Trưởng lão đã tích trữ nhiều thiện duyên trong các kiếp quá khứ, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Piyadassī, trưởng lão tái sanh trong một gia đình thợ săn, sau khi trưởng thành nối nghiệp cha làm nghề săn thú.

Một hôm, Đức Thế Tôn Piyadassī dùng Phật nhãn quán xét thế gian, tìm chúng sanh hữu duyên để tế độ, chàng thợ săn lọt vào lưới nhãn của Đức Thế Tôn, Ngài ngự đến khu rừng ấy và ngồi nhập đại định dưới cội cây đại thọ.

Chàng thợ săn đi tìm thú nhìn thấy Đức Thế Tôn đang an nhiên tịnh toạ, với màu da tươi sáng, lục căn thanh tịnh, gương mặt đầy từ hoà khả kính, khiến chàng khởi tâm tịnh tín, đi nhặt lấy những cành cây cùng nhiều hoa sen mang về dựng lên mái che cho Đức Thế Tôn, sau khi làm xong, chàng vô cùng hoan hỷ thoả thích, đứng chắp tay hầu Đức Thế Tôn suốt bảy ngày, ngoại trừ những lúc đi tìm hoa tươi về thay cho những cánh hoa đã héo và cứ như thế với tâm đầy phỉ lạc.

Vừa đủ bảy ngày, Đức Thế Tôn xả thiền diệt, Ngài khởi lên tác ý muốn chư tăng đến, tức thì 80.000 vị Thánh tăng với thần thông liền có mặt tại nơi ấy, vây quanh Đức Thế Tôn, chàng thấy chư tăng xuất hiện kỳ diệu như thế vô cùng kinh ngạc, thán phục hoà lẫn với niềm hoan hỷ dâng trào. Bấy giờ chư thiên cũng vân tập tại nơi ấy với tư tưởng rằng chúng ta sẽ được nghe pháp thoại vi diệu từ nơi Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn sau khi dùng Phật nhãn quán xét hạnh nghiệp vị lai của chàng thợ săn, Ngài tuyên bố rằng:

- Với người nào có tâm cung kính cúng dường Như Lai trong suốt bảy ngày qua, người ấy sẽ được sanh lên thiên giới và đến thời kỳ giáo pháp của Đức Thế Tôn Gotama người ấy sẽ xuất gia và được thành tựu quả vị giải thoát.

Đức Thế Tôn sau khi tiên tri như thế, Ngài thuyết một thời pháp thoại, tạo lợi ích cho hội chúng ở nơi ấy, xong rồi Ngài cùng với chư tăng ngự trở về tịnh xá.

Do thiện nghiệp đó, khi mạng chung, người thợ săn được sanh lên thiên giới, trở thành vị thiên tử đại oai lực, có nhiều thiên nữ vây quanh hầu hạ. Sau khi luân chuyển giữa hai cõi nhân – thiên, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, vị ấy được tái sanh trong một gia đình Bàlamôn tại thành Rājagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Pārāpariya vì là con của dòng họ Parāpara, khi trưởng thành Bàlamôn Pārāpariya học nằm lòng tam phệ đà và dạy chú thuật cho rất nhiều thanh niên Bàlamôn.

Một hôm, Bàlamôn Pārāpariya nhìn thấy uy nghi đức độ của bậc Chánh Đẳng Giác khi Ngài ngự đến thành Rājagaha, vị Bàlamôn khởi niềm tin và xin được xuất gia nơi Thế Tôn. Sau khi xuất gia, tôn giả Pārāpariya tinh cần tu tập theo lời dạy của Đức Phật, không bao lâu chứng đạt quả vị Alahán.

Như bài kệ được nói lên trong Apadāna rằng:

"Thuở ấy Đức Thế Tôn
Hồng danh Piyadassī
Bậc đạo sư thế gian
Đã tự mình giác ngộ
Ngài thích sống viễn ly
Thiện xảo trong thiền định
Là bậc Đại Ẩn sĩ
Ngài ngự đến khu rừng
Trải chiếc y phấn tảo
An tọa nhập thiền diệt
Bấy giờ, ta là người
Sống với nghề săn thú
Một hôm ta đang đi
Tìm thú tại khu rừng
Ta nhìn thấy Đức Phật
Bậc đã vượt bộc lưu
Bậc không còn lậu hoặc
Như cây chúa trổ hoa
Như mặt trời mới mọc
Sau khi nhìn thấy Ngài
Ta đi đến ao sen
Chọn những đoá hoa đẹp
Cùng các nhánh cây rừng
Mang về dựng mái che
Cúng dường Đức Thế Tôn
Hồng danh Piyadassī
Là bậc Đại Ẩn sĩ
Bậc có lòng bi mẫn
Đang an toạ thiền định
Ta thay hoa sen héo
Bằng những đoá sen tươi
Xong rồi ta chắp tay
Đứng hầu bậc Đại sĩ
Sau khi đủ bảy ngày
Thế Tôn xả thiền diệt
Ngài nhìn quanh các hướng
Bấy giờ vị thị giả
Tên Sudassana
Vị có đại thần lực
Hiểu được ý Thế Tôn
Hồng danh Piyadassī
Bậc Đạo sư muôn loài
Đang ngự nơi khu rừng
Cùng với người thợ săn
Bấy giờ các thiên nhân
Ở tại khu rừng này
Cũng hiểu được ý Ngài
Cùng nhau vân tập lại
Và khi chư tỳ khưu
Đã quang lâm đầy đủ
Bấy giờ bậc Chiến Thắng
Đã phán bài kệ rằng
Người nào cúng dường ta
Suốt trong bảy ngày qua
Và tạo dựng mái che
Ta tuyên bố người ấy
Các ngươi hãy lắng nghe
Điều khó thấy, sâu kín
Phải khéo hiểu bằng Tuệ
Người ấy hưởng thiên sản
Trong suốt mười bốn kiếp
Tại trên cõi trời ấy
Phát sanh ngôi trùng các
Che lợp bằng hoa sen
Đến cho người ấy ở
Đây quả của thiện nghiệp
Đã cúng dường hoa sen
Như nước không thể dính
Trên lá sen thế nào
Phiền não cũng không đọng
Trên trí tuệ người ấy
Người này sẽ rời xa
Đối với năm triền cái
Khiến tâm hướng xuất ly
Rồi từ bỏ xuất gia
Khi người ấy có Niệm
Có Tuệ nơi cây nào
Thì tại cội cây ấy
Thiên cung bằng hoa sen
Ở trên đầu người ấy
Đây là quả của nghiệp
Cúng dường hoa đến Phật
Xuất gia không bao lâu
Người ấy sẽ chứng đạt
Pháp vô thượng giải thoát
Kể từ hiền kiếp này
Lui 1.800 kiếp
Ta cúng dường Phật nào
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, trưởng lão quán xét lại pháp hành, phát sanh sự hoan hỷ, đã nói lên bài kệ rằng:

"Từ bỏ sáu xúc xứ
Các căn khéo phòng hộ
Bứng tận gốc phiền não
Ta chứng đạt lậu tận".

*

9. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO DABBA

Được biết trưởng lão Dabba đã nói lên bài kệ như vầy:

"Người nào khó nhiếp phục
Nay đã được nhiếp phục
Dabba tự biết đủ
Nghi ngờ được vượt qua
Chiến thắng giặc phiền não
Viễn ly mọi lo sợ
Với tâm tư định tĩnh
Dabba trú tịch tịnh".

Tiền thân của trưởng lão Dabba như vầy:

Thuở quá khứ, trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumuttara, trưởng lão được sanh vào một gia đình trưởng giả danh tiếng ở thành Haṃsavatī. Một hôm, Ngài đến chùa nghe pháp, thấy Đức Thế Tôn tán thán vị tỳ khưu thù thắng hơn chư tăng về hạnh sắp đặt trú xứ cho chư tăng, nên thoả thích với vị trí ấy, trưởng lão tích cực làm các thiện sự và được Thế Tôn Padumuttara tiên đoán sẽ thành tựu ước nguyện. Trưởng lão luân chuyển sinh tử trong hai cõi trời người, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, trưởng lão được duyên lành xuất gia.

Vào thời ấy, có sáu vị tỳ khưu với trưởng lão là bảy vị, khi thấy giáo pháp đến thời hỗn loạn cùng với những hiểm hoạ thiên tai, bảy vị bàn với nhau rằng: "Này chư hiền giả! Chúng ta không thể ở đây tu tập được, chúng ta hãy tìm chỗ khác yên tịnh để thực hành sa môn pháp".

Bảy vị làm một cái thang leo lên đỉnh núi, khi lên tới đỉnh núi, nói với nhau rằng:

- Chúng ta đã quyết tâm lên đây hành pháp, chúng ta không nên luyến tiếc sinh mạng này và đừng lo sợ chi cả, vậy chúng ta hãy xô thang này đi.

Bảy vị cùng nhau xô thang rơi xuống và sách tấn nhau rằng:

- Này các hiền giả! Chúng ta hãy tinh cần chớ có dễ duôi, mỗi người hãy tự tìm cho mình một chỗ thích hợp và thực hành samôn pháp.

Vào ngày thứ năm, một vị trưởng lão chứng quả Alahán, trưởng lão suy nghĩ: "phận sự nên làm ta đã làm xong, ta sẽ làm gì tại chỗ này?" Ngài dùng thần thông đến Bắc Cưu Lưu Châu khất thực mang về nói với các vị kia rằng:

- Này chư hiền giả! Hãy dùng vật thực này, việc khất thực hãy để cho tôi, các hiền giả hãy hành phận sự sa môn của mình.

Các vị tỳ khưu hỏi trưởng lão rằng:

- Này hiền giả! Lúc chúng ta xô thang xuống, có phải chúng ta giao ước rằng: "người nào chứng quả trước người ấy sẽ khất thực mang về, các vị còn lại sẽ dùng vật thực ấy rồi hành sa môn pháp chăng?"

- Không có giao ước như thế thưa các hiền giả.

- Ngài chứng quả trước do duyên lành của Ngài, chúng tôi cũng chịu được sự tận cùng của đau khổ, vậy Ngài hãy rời khỏi đây đi.

Vị trưởng lão không thể khiến cho các tỳ khưu chấp nhận thọ thực nên Ngài thọ thực xong rồi dùng thần thông ra đi. Đến ngày thứ bảy, có một vị tỳ khưu chứng quả Anahàm, sau khi mạng chung vị ấy được sanh lên cõi Phạm thiên tịnh cư.

Năm vị còn lại không chứng đắc chi cả, khi mệnh chung sanh về cõi trời, rồi luân chuyển giữa hai cõi trời - người suốt một thời Đức Phật.

Đến thời giáo pháp của bậc đạo sư chúng ta, một vị sanh vào hoàng tộc trong thành Takkasilā xứ Gandhāra có tên là Pukkusāti. Một vị sanh vào thai bào của nữ du sĩ trong xứ Majjhantika có tên là Sabhiya. Một vị sanh vào nhà của một gia trưởng xứ Bāhiya có tên là Bāhiya. Một vị sanh vào thai bào của vị tỳ khưu ni có tênb là Kumārakassapa. Còn trưởng lão Dabba tái sanh trong giòng hoàng tộc tại thành Anupiya xứ Malla,

Mẹ của trưởng lão đã chết khi Ngài còn trong thai bào, người ta đem thi hài của bà ra nghĩa địa để hoả táng. Do sức nóng của lửa khiến cho bụng người mẹ nứt ra làm hai, đứa bé vọt ra do phước lành của mình rồi rơi vào đống cây. Người ta bế hài tử mang về giao cho bên ngoại nuôi dưỡng. Vào ngày đặt tên, bà đặt tên là Dabba (nghĩa là cây gỗ, lõi cây) vì rơi bên một khúc lõi cây, mới được tồn tại.

Thấm thoát, hài tử tròn bảy tuổi, bấy giờ Đức Thế Tôn cùng chư tăng du hành đến xứ Malla, ngự trong rừng Anupiyamba. Cậu bé Dabba tình cờ thấy Thế Tôn và tăng chúng, cậu phát tâm tịnh tín, do duyên lành quá khứ thúc đẩy cậu có ý muốn xuất gia liền chạy về nhà xin bà ngoại rằng:

- Dạ thưa ngoại, con muốn xuất gia nơi Đức Thế Tôn.

- Lành thay! Cháu thân.

Rồi bà dẫn cậu bé Dabba đến nơi ngự của Thế tôn, bạch rằng:

- Bạch Ngài! Xin Ngài hãy thâu nhận đứa bé này cho xuất gia.

- Lành thay!

Đức Thế Tôn truyền gọi một vị trưởng lão đến dạy rằng:

- Này tỳ khưu! Ngươi hãy làm lễ xuất gia cho đứa bé này.

Vị trưởng lão vâng lời Đức Thế Tôn, cho hài tử Dabba xuất gia.

Do túc duyên viên mãn khi đường cạo tóc thứ nhất vừa dứt, Dabba chứng quả Tu Đà Hườn, khi đường cạo thứ nhì vừa dứt, Dabba chứng quả Tư Đà Hàm, dứt đường cạo thứ ba, Dabba chứng quả Anahàm và khi mớ tóc cuối cùng rụng xuống thì Dabba cũng vừa thành tựu Alahán quả.

Đức Thế Tôn ngự tại xứ Malla vừa thích hợp rồi, Ngài du hành đến thành Rājagaha và ngự tại Veḷuvanavihāra (Trúc lâm tịnh xá).

Đến thành Rājagaha, sadi Sabba tìm một nơi yên tĩnh quán xét xem mình cần phải làm gì? Ngài thấy được hạnh nguyện phục vụ chư tăng của mình: là sắp xếp liêu cốc, sắp đặt phiếu vật thực cho chư Tăng. Sadi Sabba liền đến chỗ Đức Thế Tôn bảy tỏ ý nghĩ của mình, Đức Thế Tôn hoan hỷ nhận lời, Ngài giao công việc quét dọn liêu cốc và Bhattuddesaka (là phát phiếu nhận vật thực đến chư tăng) cho sadi Dabba.

Đức Thế Tôn suy nghĩa rằng: "Sadi Dabba này! Tuy còn nhỏ nhưng giữ một vị trí quan trọng". Nên Ngài cho Dabba thọ cụ túc giới trong lúc chỉ mới bảy tuổi, sau khi thọ giới cụ túc, trưởng lão sắp xếp trú xứ và phân phát phiếu thực đến tất cả chư tăng cư trú tại thành Rājagaha. Việc cắt đặt trưởng lão là người sắp xếp trú xứ được lan truyền đi khắp nơi rằng:

- Trưởng lão Dabbamallaputta sắp đặt chu đáo trú xứ cho chư tăng, những vị đồng hạnh thì ở cùng một khu vực với nhau, có khi trưởng lão phải sự dụng thần thông trong lúc ban đêm và những chỗ xa.

Đôi khi có các vị tỳ khưu vì muốn chứng kiến thần thông của trưởng lão Dabba nên đã đến xin trưởng lão rằng:

- Này hiền giả! Hãy sắp xếp chỗ ngụ cho chúng tôi trong rừng xoài Jīvaka... "hiền giả hãy sắp xếp chỗ ngụ cho chúng tôi trong rừng Madhakucchimiga-dāya"... và khi chứng kiến được thông lực của trưởng lão rồi mới đi.

Một hôm trong dịp hội họp chư tăng, Đức Thế Tôn đã tuyên bố đức hạnh của trưởng lão rằng:

- Này các tỳ khưu Dabbamallaputta thù thắng hơn các Thinh văn về hạnh sắp đặt trú xứ.

Do ác nghiệp trong quá khứ, tiền thân trưởng lão Dabba đã vu oan vị trưởng lão Alahán nên Ngài phải rơi vào địa ngục nhiều trăm ngàn năm, quả còn dư sót nên trưởng lão Dabba bị các vị tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka vu khống và làm hại, nhưng được chư tăng che chở hoà giải. Để bày tỏ công hạnh của mình, trưởng lão đã nói lên bài kệ rằng:

"Người nào khó nhiếp phục
Nay đã được nhiếp phục
Dabba tự biết đủ
Nghi ngờ được vượt qua
Chiến thắng giặc phiền não
Viễn ly mọi lo sợ
Với tâm tư định tĩnh
Dabba trú tịch tịnh".

*

10. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO NIRODHA

Được biết trưởng lão đã nói lên bài kệ như vầy:

"Đối với ta sợ hãi
Không làm ta sợ hãi
Bậc đạo sư chúng ta
Thiện xảo pháp bất tử
Sợ hãi không hiện hữu
Ở trên đạo lộ nào
Chư tỳ khưu hiện đi
Ở trên đạo lộ ấy".

Ngược dòng thời gian, cách hiền kiếp (Bhadda-kappa) này 118 đại kiếp, trưởng lão sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả. Khi trưởng thành, ngài nhìn thấy sự nguy hiểm của ngũ trần dục lạc và quả báo của sự xuất gia, nên từ bỏ mọi ràng buộc của thế tục, đi vào rừng dựng một thảo am giữa nhóm cây sāla xuất gia làm đạo sĩ, lượm trái cây làm vật thực. Bấy giờ là thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Piyadassī, Ngài đem nước cam lồ chánh pháp ban rải khắp nơi để xua tan những phiền não của thế gian.

Một hôm, Đức Thế Tôn thấy được duyên lành của đạo sĩ, Ngài ngự đến tế độ, Ngài đi thẳng đến khóm cây sāla ấy rồi ngồi xuống nhập đại định.

Đạo sĩ đi tìm trái cây trở về, nhìn thấy Đức Thế Tôn đang toạthiền, Ngài phát tâm tịnh tín, tìm những cành cây có đầy hoa thơm mang về làm thành mái che, che phủ quanh chỗ ngồi của Đức Thế Tôn, với tâm thành kính cúng dường Đức Phật, rồi đạo sĩ đứng chấp tay hầu Ngài với tâm đầy phỉ lạc trong suốt thời gian Đức Thế Tôn nhập thiền diệt. Đức Thế Tôn sau khi xả thiền, để tiếp độ đạo sĩ và để đạo sĩ phát tâm tịnh tín nơi chư tăng nên Ngài khởi tác ý rằng:

- Chư tỳ khưu hãy đến đây.

Một trăm ngàn vị thánh tăng Alahán liền đến ngay tức khắc, đạo sĩ nhìn thấy uy nghi của chư thánh tăng liền phát tâm tịnh tín, quỳ xuống đảnh lễ rồi đứng chấp tay hầu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi giữa chư thánh đệ tử, Ngài mỉm cười, trưởng lão Anurudda - vị thị giả của Đức Thế Tôn đắp lại y vai trái chỉnh tề rồi quỳ xuống bạch hỏi rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Do duyên cớ gì khiến Đức Thế Tôn mỉm cười?

- Này Anuruddha! người nào làm mái che bằng bông hoa, đứng hầu suốt bảy ngày, Như Lai nghĩ đến thiện sự của người ấy nên mỉm cười. Này chư tỳ khưu! Như Lai quán thấy rằng: "suốt hai cõi nhân – thiên, không một lúc nào, một dịp nào thiện sự này không cho quả, khi sanh lên cõi trời, người ấy sẽ hưởng đầy đủ những thiên lạc thù diệu của cõi trời, cung điện của người ấy được phủ đầy những bông hoa hương sắc, mùi thơm của hoa toả ra cùng khắp và mưa hoa rơi xuống từng đợt, từng đợt nối tiếp nhau. Người ấy sau khi mãn tuổi thọ ở thiên giới, sanh xuống cõi người, mái che bằng bông hoa cũng khởi lên cho người ấy và được hưởng đầy đủ những nhân lạc của cõi người, đây là quả của sự trong sạch cúng dường Đức Phật và khi mặt trời mọc lên, mưa hoa cũng rơi xuống liên tục không ngớt. Đến kiếp thứ 1800, bấy giờ Đức Thế Tôn có hồng danh Gotama xuất hiện trên thế gian, đạo sĩ này sẽ là người thừa tự giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy, sẽ đoạn trừ tất cả lậu hoặc và trong lúc giác ngộ cũng có mái che bằng bông hoa phủ bên trên".

Đức Thế Tôn Piyadassī sau khi nói lên quả dị thục của thiện sự ấy xong, Ngài thuyết pháp đến hội chúng, làm cho hội chúng an vui trong mưa pháp, rồi Ngài cùng với chư thánh thinh văn trở về trú xứ của mình.

Do thiện sự ấy đạo sĩ được sanh làm thiên vương trong hội chúng chư thiên suốt 30 kiếp, được sanh làm Chuyển Luân vương 67 lần và được hưởng đầy đủ dục lạc trong cõi người. Đặc biệt, trong các kiếp tái sanh giữa hai cõi nhân – thiên, mái che bằng bông hoa luôn luôn xuất hiện cho vị ấy, đây là quả báo của sự thành kính cúng dường đến Đức Phật.

Như trưởng lão đã nói lên trong một đoạn kệ sau:

"Đến kiếp cuối cùng, mái che bằng hoa cũng xuất hiện cho ta, ta sẽ làm cho Đức Thế Tôn Gotama hoan hỷ, ta đã từ bỏ sự thắng bại, thiêu đốt tất cả phiền não, nhổ tận gốc sanh hữu, đoạn trừ tất cả lậu hoặc, tam minh ta chứng đạt, lời Phật dạy làm xong".

Và trưởng lão nói lên bài kệ rằng:

"Đối với ta sợ hãi
Không làm ta sợ hãi
Bậc đạo sư chúng ta
Thiện xảo pháp bất tử
Sợ hãi không hiện hữu
Ở trên đạo lộ nào
Chư tỳ khưu hiện đi
Ở trên đạo lộ ấy".

*

11- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SĀNU

Được biết trưởng lão Sānu nói lên bài kệ như vầy:

"Thưa mẫu thân!
Người ta khóc vì người đã chết
hay khóc vì người sống biệt ly,
còn con vẫn đang sống và đang hiện diện,
vì sao mẫu thân lại khóc cho con?"

Trong quá khứ trưởng lão Sānu tích trữ nhiều thiện duyên giải thoát, khởi đầu là kiếp thứ 94 kể từ hiền kiếp này trở về trước, trưởng lão mang nước đến cúng dường Đức Thế Tôn hồng danh Siddhattha để Ngài rửa tay, rửa chân trước khi Ngài thọ thực và đứng một bên hầu Đức Thế Tôn, khi Đức Thế Tôn thọ thực xong, trưởng lão dâng nước để Ngài xúc miệng, do thiện sự đó khi mệnh chung trưởng lão được tái sanh lên thiên giới.

Ở kiếp thứ sáu mươi mốt, trưởng lão được sanh làm vua Chuyển Luân tên là Vimala thành tựu đầy đủ bảy báu.

Sau khi luân chuyển giữa hai cõi trời - người, vào kiếp cuối cùng trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, trưởng lão tái sanh vào một gia đình thiện nam tại thành Sāvatthī, trong thời gian mang thai trưởng lão, người cha đã bỏ đi xứ khác, vừa tròn 10 tháng người mẹ đã hạ sanh một cậu bé kháu khỉnh và đặt tên là Sānu. Khi Sānu tròn bảy tuổi, người mẹ suy nghĩ rằng:

"Ta sẽ cho Sānu xuất gia, vì với đời sống xuất gia, Sānu sẽ không gặp hiểm hoạ và sẽ lớn lên trong sự an lạc". Bà dặn Sānu đến chỗ chư tỳ khưu xin cho cậu bé được xuất gia. Từ đó cậu có thêm tên mới là Sānusāmaṇera – sadi Sānu. Sadi Sānu là người có trí tuệ, là bậc đa văn, là vị pháp sư giỏi, là người sống với tâm từ đối với mọi loài, là chỗ thương mến, vừa lòng của chư thiên và nhân chúng. Người mẹ trong quá khứ của sadi Sānu hiện là một nữ dạ xoa cõi Tứ đại vương (Mahārāja), từ khi Sānu xuất gia là chỗ thương miến kính trọng của nhân-thiên như thế nên nữ dạ xoa này cũng được các chư thiên dạ xoa cung kính, tôn trọng, ngưỡng mộ vì nghĩ rằng: "Nữ dạ xoa này là mẹ của sadi Sānu". Thời gian sau, sadi Sānu giải đãi, lui sụt, thối thất, có ý muốn hoàn tục. Nữ dạ xoa biết được chuyện ấy, thông báo cho người mẹ hiện tại biết rằng: "Này bạn, sadi Sānu con của bạn khởi ý muốn hoàn tục, vậy bạn hãy khuyên bảo, sách tấn sadi Sānu và đọc lại lời nói của các dạ xoa rằng: "Chớ hành ác, dù ở nơi trống trải hay nơi khuất lấp, nếu người sẽ hoặc đang làm điều ác, người có muốn chạy trốn cũng không thoát khỏi khổ đau". Sau khi nói như thế, dạ xoa biến mất tại chỗ ấy, còn người mẹ khi nghe được những lời này, bà cảm thấy sầu muộn đau khổ vô cùng. Vào buổi sáng hôm sau, sadi Sānu đắp y mang bát về nhà, thấy mẹ đang khóc, bèn hỏi rằng: "Thưa mẫu thân, vì sao mẫu thân khóc?" Bà đáp: "Vì con đó, con thân". Sadi Sānu bèn nói lên bài kệ với mẹ rằng: "Thưa mẫu thân! người ta khóc vì người đã chết hay khóc vì người sống biệt ly, còn con vẫn đang sống và đang hiện diện ở đây, tại sao mẫu thân lại khóc cho con?"

Mẹ của sadi Sānu, sau khi nghe những lời ấy rồi, bà nói rằng: "Này con thân! sự hoàn tục được xem là chết trong giới luật của bậc thánh, như câu kinh rằng: 'Này chư tỳ khưu, vị tỳ khưu nào từ bỏ học giới, trở về thế tục, đó là sự chết của kẻ ấy'".

Rồi bà nói lên bài kệ rằng:

- "Này con thân! quyến thuộc và bạn bè thường khóc cho những người chết hoặc khóc cho người sống biệt ly, nhưng những ai đã từ bỏ dục vọng lại trở về với dục vọng. Này con thân! quyến thuộc và bạn bè sẽ khóc cho người ấy, vị họ tuy còn sống cũng giống như đã chết. Này con thân! Ta đưa con lên khỏi hầm than rực lửa, con lại muốn rơi vào hầm lửa ấy nữa sao?"

Sadi Sānu sau khi nghe bài kệ ấy, lấy làm xấu hổ, dao động tâm, trở lại tinh tấn và phát triển thiền quán, ít lâu sau Ngài chứng quả Alahán. Sau khi chứng quả sadi nghĩ rằng: "Sở dĩ ta phát triển thiền quán và đắc quả Alahán là do tác động của những bài kệ này", nên đã lấy những bài kệ này thành những bài kệ Udāna và trong Apadāna, trưởng lão đã nói lên bài kệ Udāna rằng:

"Ta thấy Đại Samôn
Thật trong sáng thanh tịnh
Đang từ tốn thọ thực
Ta lấy nước trong bình
Đến dâng Đức Thế Tôn
Hồng danh Siddhattha
Hôm nay ta thành người,
Vô ưu, ly bụi trần
Chấm dứt mọi nghi hoặc
Đây chính là kết quả
Từ việc cúng dường nước
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp 94
Ta đã cúng dường nước
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Trong kiếp thứ 61
Ta làm Chuyển Luân Vương
Danh xưng Vimala
Đầy đủ với bảy báu
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn trừ các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

*

12- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO MAHĀKOṬṬHITA

Được biết trưởng lão Mahākoṭṭhita đã nói lên bài kệ như vầy:

"An tịnh ly ác hạnh
Lời nói với trí tuệ
Tâm tư không phóng động
Ác pháp được đoạn trừ
Giống như những lá cây
Bị gió thổi rơi rụng".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hồng danh Padumuttara, trưởng lão sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả tại thành Haṃsavatī. Khi cha mẹ qua đời, vị Bàlamôn này kế thừa và cai quản sản nghiệp của cha mẹ để lại. Một hôm, ngài nhìn thấy dân chúng thành Haṃsavatī, tay cầm lễ vật hướng về tịnh xá, nơi Đức Thế Tôn Padumuttara ngự để nghe pháp, ngài cũng tháp tùng đi theo đại chúng, và được thấy Đức Thế Tôn tuyên dương vị tỳ khưu thù thắng hơn chư tỳ khưu về sự đắc chứng Tứ vô ngại giải, ngài suy nghĩ rằng: "Ta được nghe vị trưởng lão ấy thù thắng hơn chư tỳ khưu về Tứ vô ngại giải trong giáo pháp này, vậy ta cũng nên trở thành người thù thắng giống như trưởng lão ấy, trong giáo pháp của vị Phật tươn glai". Khi Đức Thế Tôn thuyết pháp xong, ngài đi đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Xin Ngài cùng chư tỳ khưu tăng hãy nhận lời thọ thực tại nhà con vào sáng ngày mai.

Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Vị Bàlamôn sau khi biết Đức Thế Tôn nhận lời liền đảnh lễ và nhiễu quanh Ngài rồi trở về nhà mình. Ông lo trang hoàng sắp đặt chỗ ngồi và chuẩn bị các món ăn thượng vị.

Khi đêm đã mãn, Đức Thế Tôn cùng với 100.000 tỳ khưu tăng ngự đến nhà của Bàlamôn, vị Bàlamôn tiếp rước và phục vụ Đức Phật cùng chư tỳ khưu tăng đầy đủ với các món ăn thượng vị. Sau khi Đức Phật và chư tăng thọ thực xong, vị Bàlamôn suy nghĩ rằng: "Ta mong được một vị trí cao quý như thế mà chỉ cúng dường có một ngày như vậy xem ra không tương xứng, vậy ta nên cúng dường suốt bảy ngày".

Thế là vị Bàlamôn cúng dường thực phẩm suốt bảy ngày liên tiếp. Ngài cho mở kho chọn lựa vải thật tốt để may y. Ngày thứ bảy sau khi cúng dường thực phẩm xong, Ngài cúng dường tam y đến Đức Phật cùng 100.000 tỳ khưu, xong rồi quỳ dưới chân Đức Thế Tôn ước nguyện rằng:

- Do phước báu mà con đã cúng dường thực phẩm suốt bảy ngày và dâng tam y đến Thế Tôn cùng tăng chúng, con chỉ ước nguyện được trở thành vị thù thắng hơn chư tỳ khưu về Tứ vô ngại giải trong giáo pháp của Đức Chánh Giác vị lai.

Đức thế Tôn đưa Phật trí quán xét thấy nguyện vọng này sẽ thành tựu nên Ngài thọ ký rằng: "Trong tương lai, sao 100.000 đại kiếp kể từ kiếp này, có vị Chánh Đẳng Giác hồng danh Gotama xuất hiện trên thế gian, Bàlamôn này sẽ là người thừa tự giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy, sẽ là vị đại thinh văn với danh xưng là Koṭṭhita".

Nghe lời tiên tri của Đức Thế Tôn, tâm Ngài hân hoan vô cùng, từ đó về sau Ngài sống với hạnh của một cận sự nam, hộ độ Đức Phật cùng chư tăng. Do thiện sự đó khi mạng chung Ngài được sanh lên cõi trời Đạo Lợi, làm thiên vương Đế thích trong thiên giới ấy 300 lần, làm Chuyển Luân Vương 500 lần và nhiều lần làm vua cai trị quốc độ lớn. Cũng do thiện sự đó, trong mỗi kiếp sanh ra, Ngài luôn luôn được sự an lạc, chỉ luân chuyển trong hai cõi trời-người, khi ở cõi nhân loại vị này chỉ sanh trong hai dòng tộc là dòng vua chúa và dòng balamôn, không sanh trong dòng dõi thấp.

Một đoạn kệ trong Apādāna trưởng lão đã nói lên như sau:

"Đến kiếp cuối cùng, ta tái sanh vào gia đình Bàlamôn đại trưởng giả tại thành Sāvatthī, mẹ của ta là Candavatī, cha của ta là Assadāyana. Khi trưởng thành, ta học nằm lòng tam phệ đà và thành tựu các nghệ thuật của Bàlamôn.

Một hôm, trong lúc Đức Thế tôn chỉ dẫn cho cha ta pháp thanh tịnh, ta đã khởi tâm tịnh tín nơi Đức Thế tôn và xin được xuấg gia. Trưởng lão Moggallāna (Mục Kiền Liên) là giáo thọ sư, trưởng lão Sārīputta (Xá Lợi Phất) là tế độ sư của ta. Ta chặt đứt tận gốc tà kiến trong khi đang cạo tóc và khi đang mặc y ta chứng quả Alahán. Ta là người nhạy bén thuần thục trong nghĩa, pháp, ngữ và biện, thế nên Đức Thế Tôn tuyên dương ta thù thắng hơn chư tỳ khưu về Tứ vô ngại giải trong igáo pháp này. Có lần thầy tế độ của ta là trưởng lão Sārīputta đã nêu lên những câu hỏi trong vô ngại giải, ta giải đáp không khó khăn, không chướng ngại. Ta đoạn trừ tất cả phiền não, nhổ lên tận gốc sanh hữu, chấm dứt các lậu hoặc, tam minh ta chứng đạt, lời Phật dạy làm xong"

Về sau, khi hưởng an lạc giải thoát, Ngài đã nói lên bài kệ rằng:

"An tịnh ly ác hạnh
Lời nói với trí tuệ
Tâm tư không phóng động
Ác pháp được đoạn trừ
Giống như những lá cây
Bị gió thổi rơi rụng".

*

13- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO GODHIKA

Được biết trưởng lão Godhika đã nói lên bài kệ như vầy:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín đáo,
Tâm ta khéo định tĩnh
Nếu người muốn hãy mưa
Trời mưa hãy mưa đi".

Đây là những bài kệ của bốn vị trưởng lão, đó là trưởng lão Godhika, trưởng lão Subāhu, trưởng lão Valliya và trưởng lão Uttiya, bốn vị đã tuần tự nói lên bài kệ của mình và có nhân duyên tiền kiếp như sau:

Bốn vị trưởng lão này, cùng nhau tạo phước, trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hồng danh Siddhattha. Từ hiền kiếp này trở về trước đến kiếp thứ 94, cả bốn người đều là bạn thân với nhau.

Một hôm, người thứ nhất đi trên đường nhìn thấy Đức Thế tôn Siddhattha đang khất thực, đã phát tâm trong sạch cúng dường thực phẩm đến Ngài.

Người thứ nhì có tâm tịnh tín, quỳ xuống đảnh lễ theo ngũ thể đầu địa.

Người thứ ba hoan hỷ cúng dường một nắm hoa sen.

Người thứ tư đã hoan hỷ cúng dường hoa lài. Do thiện sự đó, khi mạng chung, cả bốn người bạn này được sanh về thiên giới và an hưởng đầy đủ những thiên lạc thù diệu trên cõi trời.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế tôn Kassapa, bốn người này sanh xuống cõi người và cũng làm bạn với nhau, do duyên lành quá khứ cho nên một hôm họ cùng nhau đến chùa nghe pháp từ Đức Thế Tôn Kassapa rồi phát khởi niềm tin trong sạch, xin xuất gia, thực hành phạm hạnh trong giáo pháp của Ngài.

Đến kiếp cuối cùng, là thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, bốn người bạn này được sanh vào hoàng tộc Malla trong thành Pāvā. Đức vua Malla đã đặt tên cho bốn vị hoàng tộc này là Godhika, Subāhu, Valliya và Uttiya. Bốn vị vương tử là bạn thân với nhau. Một hôm, bốn vị cùng nhau đến thành Kapilavatthu vì một vài công việc.

Bấy giờ Đức Thế Tôn du hành đến thành Kapila-vatthu và ngự tại Nirodhāvāma (Chùa Cây Bàng). Đức Thế Tôn dùng th6ng lực cảm hoá tiếp độ hoàng tộc Thích ca có cả Đức vua Suddhodana (Tịnh Phạn) là bậc trưởng bối. Lúc ấy bốn vị vương tử xứ Malla chứng kiến thông lực của Đức Thế Tôn đã phát tâm tịnh tín xin xuất gia, sau khi xuất gia xong, cả bốn vị đều tinh cần phát triển thiền qúan, không bao lâu bốn vị đã chứng quả Alahán với tuệ vô ngại giải. Như trong Apadāna, trưởng lão Godhika đã nói lên bài kệ như vầy:

"Ta nhìn thấy Đức Phật
Màu da như vàng ròng
Bậc xứng đáng cúng dường
Bước ra từ rừng vắng
Bên cúng dường thực phẩm
Đến Đức Siddhattha
Bậc có đại trí tuệ
Đã đạt được tịch tịnh
Bậc đại hùng đại lực
Ta đi theo chân Ngài
Bậc soi sáng thế gian
Ta vô cùng hoan hỷ
Nơi Đức Chánh Đẳng Giác
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp chín tư (94)
Vật thí nào ta tạo
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Đây chính là kết quả
Của việc dâng thực phẩm
Đến kiếp tám mươi bảy
Lui từ hiền kiếp này
Bảy lần ta tái sanh
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Tên Mahārenu
Đầy đủ với bảy báu
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn trừ các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Trưởng lão Subāhu nói lên bài kệ như vầy:

"Ta nhìn thấy Đức Phật
Màu da như vàng ròng
Bậc oai hùng tam giới
Như ngựa Ajāney
Như voi Mātaṇga
Bậc tìm cầu tối thượng
Soi sáng khắp thế gian
Như cây chúa trổ hoa
Bậc cao quý tam giới
Tối thượng hơn Nara
Đang ngự đi trên đường
Khiến tâm ta tịnh tín
Chắp tay tâm trong sạch
Lòng tràn đầy hoan hỷ
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Hồng danh Siddhattha
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp 94
Thiện nghiệp nào ta tạo
Chính do thiện nghiệp ấy
Ta không biết khổ cảnh
Trong kiếp bảy mươi ba
Kể từ hiền kiếp này
Mười sáu lần ta sanh
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Tên Naruttama
Đầy đủ với bảy báu
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn trừ các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Trưởng lão Valliyā nói lên bài kệ như vầy:

"Cũng chính vào thời ấy
Ta làm thợ kết hoa
Trong thành Tiravā
Ta nhìn thấy Đức Phật
Bậc thoát ly bụi trần
Hồng danh Siddhattha
Tâm ta đầy hoan hỷ
Dâng một nắm hoa sen
Ta sanh ra trong cõi nào
Do quả thiện sự ấy
Ta sống trong an lạc
Được tuỳ tùng vây quanh
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp 94
Ta đã cúng dường hoa
Đến Đức Chánh Đẳng Giác
Chính do thiện nghiệp này
Ta không biết khổ cảnh
Năm trăm lần ta sanh
Làm vua của quốc độ
Tên Najjasama
Cho đến kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn trừ các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Trưởng lão Uttiya nói lên bài kệ như vầy:

"Ta đã dâng hoa lài
Đến Đức Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Siddhattha
Ta đã rải hoa lài
Xuống chân Đức Thế Tôn
Với tâm đầy hoan hỷ
Chính do thiện nghiệp đó
Nay ta được chứng đạt
Pháp bất tử tối thượng
Đây là thân cuối cùng
Trong giáo pháp của Phật
Kể từ hiền kiếp này
Mười ba lần ta sanh
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Với danh xưng được gọi
Samantagandha
Cai trị cả địa cầu
Cho đến tận bốn biển
Và trong kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não
Nhổ lên gốc sanh hữu
Chặt đứt dây trói buộc
Đoạn trừ các lậu hoặc
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Bốn vị trưởng lão sau khi chứng quả Alahán được nổi tiếng khắp nơi rằng "Bốn đại trưởng lão ấy là người được Đức vua và các đại thần tôn trọng, kính nể, hiện đang ngự trong rừng".

Một hôm, Đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) ngự đến nơi bốn vị trưởng lão, sau khi đảnh lễ rồi cung thỉnh bốn vị ở lại an cư vào mùa mưa tại kinh thành Rājagaha, Đức vua truyền lệnh cất bốn am thất dâng cho bốn vị trưởng lão, nhưng lại quên lợp mái. Các vị trưởng lão ở trong am thất chưa được lợp, mặc dầu đã đến mùa mưa nhưng bầu trời vẫn không đổ hạt, Đức vua mới suy nghĩ rằng: "Do nhân gì khiến trời không mưa?". Khi biết được nguyên nhân, Đức vua truyền cho lệnh lợp mái các am thất ấy cho tô vách bằng chất dẻo và trang hoàng xinh đẹp, xong rồi Đức vua tổ chức lễ cúng dường am thất đến chư tỳ khưu tăng.

Để tiếp độ Đức vua, các vị trưởng lão đi vào am thất nhập thiền đề mục từ (Mettā). Liền sau đó những đám mây đen nổi lên ở hướng bắc và hướng đông, báo hiệu sẽ mưa khi các vị trưởng lão xả thiền. Trong các vị trưởng lão ấy, trưởng lão Godhika xả thiền cùng lúc với cơn mưa cất tiếng hát vang giữa không trung, cảm hứng với cảnh tượng này.

Trưởng lão nói lên bài kệ rằng:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín đáo,
Tâm ta khéo định tĩnh
Nếu người muốn hãy mưa
Trời mưa hãy mưa đi".

Trưởng lão Subāhu nói lên bài kệ kế tiếp:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kín đáo
Tâm ta khéo định trên thân
Nếu ngươi muốn hãy mưa
Trời mưa hãy mưa đi"

Tiếp theo là trưởng lão Valliya nói lên kệ ngôn:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kínhđáo
Không dễ duôi ta sống
Nếu người muốn hãy mưa
Trời mưa hãy mưa đi".

Trưởng lão Uttiya nói lên kệ rằng:

"Mưa rơi tiếng êm ả
Giống như điệu nhạc ru
Am thất ta khéo lợp
Có cửa đóng kính đáo
Ta độc cư trong cốc
Nếu người muốn hãy mưa
Trời mưa hãy mưa đi".

*

14- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO MĀNAVA

Được biết trưởng lão Mānava nói lên bài kệ rằng:

"Tôi thấy một người già
Một người bệnh trầm kha
Tôi thấy một người chết
Với tuổi thọ đã tận
Nên từ bỏ dục lạc
Khiến tâm người mê thích
Tôi sống đời xuất gia".

Trưởng lão Mānava đã tích trữ nhiều thiện duyên giải thoát với chư Phật quá khứ. Kể từ hiền kiếp này trở về trước, vào kiếp 91, trưởng lão tái sanh trong một gia đình Bàlamôn. Khi trưởng thành, Ngài học nằm lòng tam phệ đà và trở thành người xem tướng pháp nổi tiếng.

Khi bồ tát Vipassī đản sanh, Ngài được mời đến xem tướng, quan sát tướng bồ tát, Ngài tiên đoán rằng "Người này về sau sẽ xuất gia và chứng ngộ vô thượng Chánh Đẳng Giác". Ngài tán thán ca tụng bồ tát sau đó xá chào nhiễu quanh bồ tát rồi ra về.

Do thiện nghiệp đó, khi mạng chung vị Bàlamôn được tái sanh lên thiên giới và trong suốt thời gian luân hồi sanh tử, chỉ tái sanh trong nhàn cảnh.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, Ngài tái sanh vào một gia đình Bàlamôn danh tiếng tại thành Sāvatthī, và được đặt tên là Mānava, từ khi sanh ra Mānava ở suốt trong nhà bảy năm. Một hôm, những người hầu đưa Mānava đi ngoạn cảnh. Trên đường Mānava đã nhìn thấy:

- Người già
- Người bệnh
- Người chết

Vì chưa từng thấy những cảnh tượng đó, nên Mānava hỏi những người hầu, được họ giải thích cặn kẻ về nguyên nhân cùng tướng trạng của sự già, sự bệnh và sự chết, nghe xong tâm Mānava phát sanh kinh cảm liền quay về. Do duyên lành giải thoát đã chín muồi, nên Mānava tìm đến tịnh xá, nghe pháp nơi Đức Thế Tôn, niềm tịnh tín nơi Thế Tôn được tái lập lại sau một thời gian dài bị vô minh và ái dục che lấp. Mānava trở về nhà xin phép cha mẹ xuất gia. Sau khi xuất gia, tôn giả Mānava nhiệt tâm tinh cần phát triển thiền quán, không bao lâu chứng đạt quả vị Alahán.

Như bài kệ của trưởng lão nói lên trong Apadāna rằng:

"Bồ tát Vipassī
Hạ sanh không bao lâu
Ta đi đến xem tướng
Nhìn tướng ta tiên tri
Vị này trong tương lai
Sẽ từ bỏ thế tục
Sống đời sống xuất gia
Thành bậc Chánh Đẳng Giác
Giúp quần sanh thoát khổ
Khi Thế Tôn hạ sanh
Cả mười ngàn thế giới
Rung chuyển và chấn động
Bây giờ Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Có hào quang vô lượng
Bây giờ Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Các dòng sông ngừng chảy
Bây giờ Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Lửa địa ngục A tỳ
Dừng lại, không thiêu đốt
Bây giờ, Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Loài phi cầm không bay
Bây giờ, Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Các cơn gió ngừng thổi
Bây giờ, Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Các loài ngọc chiếu sáng
Bây giờ, Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Chân bước đi bảy bước
Bây giờ, Đức Thế Tôn
Bậc đầy đủ tuệ nhãn
Đang ngự toạ thuyết Pháp
Khi Thế Tôn hạ sanh
Ngài nhìn thấy các hướng
Cất lên tiếng Ngưu Vương
Ta khiến cho mọi người
Phát sanh sự kinh cảm
Tán thánh Đức Thế Tôn
Bậc Đạo sư thế gian
Sau khi đảnh lễ Ngài
Ta đi theo hướng đông
Kể từ hiền kiếp này
Trở lui kiếp 91
Ta tán thán Phật nào
Do sự tán thán ấy
Ta không biết khổ cảnh
Trong kiếp thứ 90
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Sammukhāthavika
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 89
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Danh xưng Pathavī
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 88
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Danh xưng là Obhāsa
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 87
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Saritacchedana
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 86
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Agginibbāpana
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 85
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Katipacchādana
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 84
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Vātasama
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 83
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Ratanapajjala
Trong kiếp thứ 82
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Padavikkamana
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 81
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Vilokana
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp thứ 80
Kể từ hiền kiếp này
Ta làm Chuyển Luân Vương
Tên Girasāra
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, một lần nọ, chư tỳ khưu hỏi tôn giả Mānava rằng: "Này hiền giả Mānava, hiền giả còn trẻ, vậy chớ hiền giả buồn chuyện gì mà đi tu?" Để xác chứng quả Alahán và bày tỏ động cơ cho việc xuất gia của mình, tôn giả đã nói lên bài kệ rằng:

"Tôi thấy một người già
Một người bệnh trầm kha
Tôi thấy một người chết
Với tuổi thọ đã tận
Nên từ bỏ dục lạc
Khiến tâm người mê thích
Tôi sống đời xuất gia".

*

15- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO EKUDĀNIYA

Được nghe rằng trưởng lão nói lên bài kệ như sau:

"Tất cả sự sầu muộn
Không có cho tỳ khưu
Bậc có tăng thượng tâm
Trú pháp không dễ duôi
Bậc ẩn sĩ học tập
Trên con đường chánh trí
Thể nhập sự an tịnh
Chánh niệm trong mọi thời".

Vị trưởng lão này đã tích trữ nhiều thiện duyên giải thoát trong thời chư Phật quá khứ, và trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Atthadassī, trưởng lão tái sanh làm tướng quân trong hàng dạ xoa (Yakkha). Khi Đức Thế Tôn niết bàn, tướng quân dạ xoa sầu muộn bi ai rằng:

- Thật bất lợi cho ta, bây giờ ta không còn cơ hội để cúng dường và thính pháp nơi Đức Thế Tôn, bởi lúc Ngài chưa viên tịch ta không có cơ hội tạo phước.

Bấy giờ, có vị đại đệ tử của Đức Thế Tôn Atthadassī tên là Sāgara với thần lực của mình đã nghe được lời than vãn của dạ xoa, tôn giả Sāgara đã tiếp độ dạ xoa, chỉ dẫn tạo phước bằng cách cúng dường bảo tháp Xá Lợi của Đức Thế Tôn.

Vị dạ xoa hoan hỷ làm theo lời dạy của tôn giả Sāgara, hộ trì cúng dường bảo tháp Xá Lợi suốt 5 năm, khi mạng chung, được tái sanh làm vị thiên tử có đại thần lực do nhờ phước báu của sự cúng dường bảo tháp, rồi luân chuyển giữa hai cõi trời - người đều được an lạc.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, Ngài được tái sanh trong một gia đình trưởng giả, khi trưởng thành do duyên lành của quá khứ khiến cho công tử lần hồi đi đến nơi ngự của Đức Thế Tôn. Bấy giờ Đức Thế Tôn đang giáo giới chư tỳ khưu với bài kệ Adhicetaso (tăng thượng tâm: tức là pháp làm tăng trưởng tâm định). Công tử nghe được bài kệ ấy, phát khởi niềm tin xin xuất gia. Khi xuất gia, Ngài thường xuyên đọc tụng bài kệ ấy và thực hành sa môn pháp theo lời giáo giới này suốt 20000 năm, nhưng không chứng đắc pháp cao thượng vì trí tuệ chưa chín muồi.

Mạng chung, Ngài được tái sanh lên thiên giới, luân chuyển trong nhàn cảnh một thời gian dài. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, Ngài sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả tại thành Sāvatthī, khi trưởng thành, một hôm, trong dịp Đức Thế Tôn nhận Jetavana (Kỳ Viên tịnh xá) từ trưởng giả Anāthapiṇḍika, vị Bàlamôn này nhìn thấy tướng mạo quang minh cùng với uy hạnh của Đấng Đại Giác khiến ông phát khởi niềm tin xin xuất gia, xuất gia xong Ngài sống với hạnh trú trong rừng.

Một hôm, trưởng giả đi đến chỗ Đức Thế Tôn ngự, bấy giờ Đức Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, nhìn thấy trưởng lão Xá Lợi Phất đang hướng đến Tăng thượng tâm, cách chỗ ngự của Đức Thế Tôn không xa, Đức Thế Tôn đã thuyết lên kệ ngôn rằng: Adhicetaso...

Trưởng lão nghe được bài kệ từ nơi Đức Thế Tôm, khi trở về trú xứ của mình, thường xuyên đọc lên bài kệ đó, do vậy trưởng lão mới có tên là Ekudāniyathera.

Khi tâm tư được tịnh tĩnh, trí tuệ đã chín muồi, trưởng lão phát triển thiền quán, chứng đạt Alahán. Như bài kệ trưởng lão nói lên trong Apadāna rằng:

"Thuở ấy Đức Thế Tôn
Hồng danh Atthadassī
Đã viên tịch niết bàn
Bấy giờ ta tái sanh
Là đại tướng dạ xoa
Có uy danh không nhỏ
Ta mới suy nghĩ rằng
Khi ta có tài sản
Thế Tôn lại niết bàn
Thật bất lợi cho ta
Thật đáng tiếc cho ta
Tôn giả Sāgara
Với thần lực của mình
Biết được tư tưởng ấy
Muốn nhổ lên gai sầu
Đi đến chỗ ta ngự
Nói lên những lời rằng
Vì sao ngươi phiền muộn
Ngươi chớ có lo buồn
Hãy lắng nghe, thực hành
Hỡi này người có trí
Đức Thế Tôn dạy rằng
Người nào cúng dường Phật
Khi Ngài còn tại thế
Hoặc cúng dường xá lợi
Khi Ngài đã niết bàn
Nếu tâm của người ấy
Hoan hỷ đồng như nhau
Thì quả phước tương đương
Vì vậy ngươi hãy tạo
Bảo tháp thờ xá lợi
Thế Tôn bậc chiến thắng
Sau khi nghe lời dạy
Tôn giả Sagāra
Ta kiến tạo bảo tháp
Ta hộ trì bảo tháp
Của bậc Đại Ẩn sĩ
Thời gian suốt 5 năm
Chính do nghiệp thiện đó
Ta sống trong an lạc
Và chứng quả vô sanh
Trong kiếp thứ 700
Kể từ hiền kiếp này
Bốn lần ta tái sanh
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Tên Bhūripaññā
Đầy đủ với bảy báu
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán, trưởng lão trú trong lạc giải thoát, một hôm, vị thủ kho chánh pháp đến thỉnh mời rằng: - Này hiền giả, xin hiền giả hãy thuyết pháp đến tôi.

Trưởng lão Ekudāniya thuyết lên bài kệ rằng:

"Tất cả sự sầu muộn
Không có cho tỳ khưu
Bậc có tăng thượng tâm
Trú pháp không dễ duôi
Bậc ẩn sĩ học tập
Trên con đường chánh trí
Thể nhập sự an tịnh
Chánh niệm trong mọi thời".

*

16- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO

Được biết trưởng lão Khadiravaniya nói lên bài kệ rằng:

"Hỡi này cháu Cāla
Cháu Upacāla Sīsūpacāla
Hãy an trú chánh niệm
Tôn giả đang đi đến
Là bậc có lợi tuệ
Như tay cung thiện xảo
Bắn chẻ chót lông thú"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Padumut-tara, vị trưởng lão sanh vào một gia đình chủ tàu tại thành Haṃsāvati, sau khi trưởng thành đã phụ cha làm việc tại bến cảng Payāga.

Một hôm, Đức Thế Tôn cùng với chư tăng ngự đến bến cảng để sang bờ bên kia, Ngài thấy Đức Thế Tôn cùng chư tăng, phát khởi tâm trong sạch, sắp xếp một đoàn tàu đưa Đức Phật cùng chư tăng qua bên kia bờ.

Có lần, Ngài đến tịnh xá nghe pháp, thấy Đức Thế Tôn tán thán một vị tỳ khưu đệ nhất về hạnh ở rừng, Ngài vô cùng hoan hỷ, muốn được vị trí đó nên cung thỉnh Đức Phật cùng đại chúng Tỳ khưu về nhà cúng dường rồi nguyện dưới chân Đức Thế tôn cùng với sự chứng minh của chư tăng rằng:

- Do phước báu con cúng dường thực phẩm đến Thế Tôn cùng đại chúng tỳ khưu, xin cho con được vị trí thù thắng là đệ nhất hạnh ở rừng giống như vị tôn giả kia vậy.

Đức Thế Tôn sau khi dùng Phật nhãn quán chiếu, Ngài tuyên bố rằng:

- Trong tương lai, vào thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Gotama, nguyện vọng của ngươi sẽ được thành tựu.

Kể từ đó, Ngài luôn tích cực thực hành các thiện sự làm duyên cho nguyện vòng của mình được thành tựu mỹ mãn.

Sau khi mạng chung, nhờ sự trong sạch nơi Tam Bảo và những thiện sự đã tích luỹ vị ấy sanh lên thiên giới, hưởng đầy đủ những thiên lạc thù thắng của cõi trời, rồi sanh xuống cõi người cũng hưởng đầy đủ những nhân lạc nơi nhân giới, luân chuyển như vậy mãi cho đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta. Ngài tái sanh vào bào thai của nữ Bàlamôn Rūpasārī tại làng Nālaka xứ Magadha.

Sau khi sanh ra, cha mẹ đặt tên là Revata, khi Revata trưởng thành, cha mẹ lo sợ sẽ theo vị sư huynh là trưởng lão Saripuṭṭa (Xá Lợi Phất) đi xuất gia nên cột trói Revata bằng cách ép chàng cưới vợ. Revata khi biết được tin anh mình đã xuất gia, suy nghĩ rằng: "Anh ta đã từ bỏ gia sản này đi xuất gia, chẳng lẽ ta lại nuốt cục nước bọt mà anh ta đã nhổ bỏ sao?". Sau khi suy nghĩ như thế, Revata phát sanh sự kinh cảm giống như con vật đang tiến vào bẫy, Revata tìm cơ hội gạt gia đình, trốn đi đến chỗ chư tăng ngự, trình cho chư tăng biết mình là em của trưởng lão Sariputta và ngỏ ý được xuất gia.

Chư tỳ khưu cho Revata xuất gia sadi, rồi khi tròn đủ hai mươi tuổi, chư tăng cho thọ cụ túc giới và chỉ dẫn thực hành samôn pháp. Tôn giả Revata sau khi tín thọ lời dạy của chư tăng, Ngài đi đến khu rừng Simpali và khởi lên tư tưởng rằng: - "Khi nào ta chứng quả vô sanh, ta mới đi đến yết kiến Đức Thế Tôn và sư huynh của ta". Rồi Ngài tinh cần nỗ lực hành pháp sa môn, không bao lâu chứng đạt lục thông.

Như bài kệ trưởng lão nói lên trong Apadāna rằng:

"Trên dòng sông Gangā
Tên Bhāgīrathī
Sanh từ vùng Hy Mã
Ta làm người lái đó
Tại bến sông khúc khuỷu
Đưa người từ bờ này
Sang bên kia bờ sông
Đức Chánh Đẳng Chánh Giác
Padumuttara
Bậc Đạo sư thế gian
Tối thượng hơn các loài
Cùng một ức tỳ khưu
Bậc vô lậu giải thoát
Muốn đi qua sông ấy
Ta tập trung các tàu
Được trang bị tốt đẹp
Rồi cung thỉnh Thế Tôn
Cùng chư tôn ngự lên
Khi ra đến nửa sông
Thế Tôn phán kệ rằng
Người nào đưa Như Lai
Cùng chư tăng vô lậu
Với tâm trong sạch ấy
Sẽ tái sanh thiên giới
Có thiên cung xinh đẹp
Hình dáng như chiếc tàu
Trong kiếp thứ 58
Sẽ làm Chuyển Luân Vương
Danh xưng Tāsaka
Cai trị cả địa cầu
Bốn biển là ranh giới
Trong kiếp thứ 57
Sanh làm Sát-đế-ly
Có danh xưng Cammaka
Có sức mạnh phi thường
Sáng chói như thái dương
Đến kiếp 100.000
Trong thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Gotama
Người ấy từ Đạo Lợi
Sanh xuống cõi nhân loại
Làm con Bàlamôn
Có tên Revata
Sẽ từ bỏ gia đình
Xuất gia trong giáo pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Do nhiệt tâm tinh cần
Thực hành samôn pháp
Trải qua không bao lâu
Lậu hoặc được đoạn trừ
Nay là thân cuối cùng
Trong giáo Pháp của Phật
Nghiệp nào ta đã tạo
Trong ức kiếp về trước
Cho quả báo đời này
Giúp ta đốt phiền não
Như tên thoát khỏi cung
Lao vun vút trong gió
Lúc ấy Đức Thế Tôn
Bậc thông suốt thế gian
Thấy tâm ta thoả thích
Với việc ngụ trong rừng
Mới xác nhận vị trí
Đệ nhất hạnh ẩn lâm
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng đạt lục thông, trưởng lão dọn dẹp trú xứ, cầm y bát, tuần tự du hành đến Jetavanavihāra trong thành Sāvatthī vào đảnh lễ yết kiến Đức Thế Tôn và trưởng lão Sārīputtā.

Một hôm, nhân lúc chư tăng câu hội đông đảo, bậc đạo sư ngồi giữa tăng chúng đã xác nhận vị trí của trưởng lão rằng:

"Này chư tỳ khưu, Revatakhadiravaniya là người thù thắng hơn chư tỳ khưu về hạnh ở rừng".

Sau đó, trưởng lão trở về quê quán của mình, dẫn 3 đứa cháu trai tên là Cāla, Upacāla, Sīsūpacāla là con của ba người chị là Cālā, chị Upācālā và chị Sisūpacāla đến chỗ chư tăng cho xuất gia sadi và chỉ dẫn đề mục nghiệp xứ cho ba vị ấy tu tập.

Có lần trưởng lão Revata thọ bệnh, trưởng lão Sarīputta hay tin, đi đến chỗ vị sư đệ ngụ với tác ý rằng:

- Ta sẽ hỏi thăm bệnh trạng và đạo quả mà sư đệ đã đắc chứng.

Trưởng lão Revata thấy vị tôn huynh từ xa đi đến, nhắc nhở 3 vị sadi hãy an trú chánh niệm bằng bài kệ rằng:

"Hỡi này cháu Cāla
Cháu Upacāla Sīsūpacāla
Hãy an trú chánh niệm
Tôn giả đang đi đến
Là bậc có lợi tuệ
Như tay cung thiện xảo
Bắn chẻ chót lông thú"

Các vị sadi nghe xong bài kệ ấy, làm phận sự của mình: đứng dậy tiếp rước, đảnh lễ trưởng lão Sārīputta rồi ngồi thiền định không xa nơi ấy. Khi hai vị trưởng lão vấn an lẫn nhau xong rồi, trưởng lão Sārīputta rời chỗ ngồi đi tìm 3 vị sadi. Ba vị đứng lên vái chào, trưởng lão hỏi rằng:

- Các con đang trú với pháp gì?

Các sadi tuần tự đáp rằng:

- Chúng con trú với pháp này, pháp này...

Trưởng lão Sārīputta tán thán vị sư đệ rằng: - Sư đệ chỉ dẫn ba vị sadi như vậy, được gọi là tuỳ Pháp và thuận Pháp.

Rồi trưởng lão trở về trú xứ của mình.

*

17- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SAMBHŪTA

Được biết trưởng lão Sambhūta nói lên bài kệ rằng:

"Vị tỳ khưu đi đến
Rừng Sītavana
Sống độc cư biết đủ
Tâm tư khéo định tĩnh
Chiến thắng, không kinh sợ
Trí tuệ hộ niệm thân".

Ngược dòng thời gian cách nay 118 đại kiếp, có vị Chánh Đẳng Giác với hồng danh Atthadassī sanh lên trong thế gian, tiếp độ quần sanh vượt khỏi bộc lưu luân hồi.

Một hôm, Thế Tôn ngự đến bờ sông Hằng Gangā cùng với đại chúng tỳ khưu.

Vào thời ấy, vị trưởng lão này sanh vào một gia đình tộc trưởng, lúc ấy chàng thanh niên tộc trưởng này cũng đi đến bờ sông, thấy Đức Thế Tôn cùng chư tăng, phát tâm trong sạch đến đảnh lễ Ngài và hỏi rằng:

- Kính bạch Ngài! Có phải Ngài muốn sang sông chăng"

Đức Thế Tôn phán rằng: "Ta sẽ đi".

Chàng liền sắp đạt một đoàn tàu rồi cung thỉnh Đức Phật cùng chư tăng ngự lên tàu, tự thân điều khiển đoàn tàu đưa Đức Phật cùng chư tăng sang bờ bên kia một cách an toàn. Hôm sau, chàng hoan hỷ thiết lễ cúng dường vật thực đến Đức Phật cùng chư tăng, rồi đảnh lễ Đức Thế Tôn và tăng chúng quay trở về.

Mạng chung, do thiện sự ấy, chàng tái sanh về thiên giới và chỉ luân chuyển giữa hai cõi nhân – thiên.

Trong kiếp thứ 113, chàng được sanh làm Chuyển Luân Vương, cai trị quốc độ theo Thập-vương-pháp, dẫn dắt mọi người đi trên con đường nhàn cảnh.

Trong kiếp thứ 91, nhằm thời giáo pháp của Đức Thế tôn Vipassī, chàng xuất gia trong giáo pháp của Ngài, sau khi xuất gia Ngài hạnh đầu đà ngụ ở rừng và tinh cần hành đạo.

Vào thời giáo pháp của Thế Tôn Kassapa, Ngài cùng ba người bạn xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn ấy, thực hành samôn pháp đến hai mươi ngàn năm, rồi luân chuyển giữa nhân thiên suốt một thời gian dài.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hiện tại, ngài sanh vào một gia đình Bàlamôn danh tiếng tại thành Rājagaha và được đặt tên là Sambhūta. Khi trưởng thành, Sambhūta đã thành tựu các nghệ thuật Bàlamôn.

Một hôm, do duyên lành tròn đủ, Sambhūta cùng ba người bạn là Bhūmiya, Jeyyasena và Abhirādhana đi đến chỗ Đức Thế Tôn để thính Pháp, phát khởi niềm tin xin xuất gia trong giáo pháp của Ngài.

Trưởng lão Sambhūta học Pháp môn thân hành niệm từ Đức Thế tôn, rồi đến rừng Sītavana tu tập do nhân đó, trưởng lão mới có tên là "Sītavanīya".

Lúc bấy giờ, Đức Thiên Vương Vessvaṇṇa ngự giữa hư không, xoay mặt nhìn về hướng nam của cõi Diêm phù đề (Jambūdīpa), thấy trưởng lão ngồi trong Abbho-kāsa (là ngoài trời nơi không có che lợp), hướng tâm đến đề mục thiền tịnh của mình, Đức Thiên Vương rời khỏi thiên cung ngự xuống đảnh lễ trưởng lão rồi truyền bảo hai dạ xoa rằng:

- Khi trưởng lão xả thiền hãy báo tin cho ta biết và hãy phòng hộ trưởng lão.

Rồi Ngài ngự đi, hai dạ xoa đứng hầu trưởng lão bàn luận với nhau về điều hy hữu này, khi trưởng lão vừa xả đề mục nghe được những lời đàm luận của hai dạ xoa, trưởng lão bảo chúng rằng:

- Ngươi hãy về thưa lại với Thiên Vương Vessa-vaṇṇa rằng: "Niệm là Pháp phòng hộ được Đức Thế Tôn chỉ dạy cho chư đệ tử của Ngài, Thiên Vương hãy từ bỏ sự quan tâm trong cách hộ trì ấy đi, sự phòng hộ như thế sẽ không có với người đã tín thọ lời giáo giới của Đức Thế Tôn".

Trưởng lão cho hai dạ xoa trở về, còn mình tiếp tục phát triển thiền quán và chứng đạt tam minh ngay sau đó.

Không bao lâu, Đức Thiên Vương Vessavaṇṇa (Đa văn thiên vương) trở lại, đi đến gần trưởng lão, Đức Thiên Vương khéo quan sát nhận biết trưởng lão đã chứng đạt quả vị Alahán, Thiên Vương đi đến thành Sāvatthī, vào đảnh lễ Đức Thế Tôn và trước mặt Đức Thế Tôn tán thán những đức hạnh của trưởng lão bằng bài kệ rằng:

"Trưởng lão Sambhūta
Đầy đủ niệm, phòng hộ
Có tuệ, có tinh cần
Là con của Thế Tôn
Tam minh đã chứng đạt
Vượt qua bờ thần chết".

Do nhân đó, trưởng lão mới nói lên bài kệ trong Apadāna rằng:

"Thuở ấy Đức Thế Tôn
Hồng danh Atthadassī
Chúa tể loài hai chân
Cao thượng hơn Nara
Đoanh vây với Thinh Văn
Ngự đến bờ sông Hằng
Dòng sông đầy ấp nước
Loài quạ đứng uống được
Rất khó để vượt qua
Ta đưa Đức Thế Tôn
Cùng đại chúng tỳ khưu
Vượt qua dòng sông ấy
Kể từ hiền kiếp này
Đến kiếp 118
Ta làm thiện nghiệp nào
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Trong kiếp 113
Ta 5 lần được làm
Vua Chuyển Luân Thánh Vương
Tên Sabbobhava
Đầy đủ với bảy báu
Trong kiếp cuối cùng này
Sanh làm Bàlamôn
Ta tu trong giáo pháp
Của Đức Thế Tôn ấy
Cùng với 3 người bạn
Ta thiêu đốt phiền não
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Một hôm, trưởng lão Sambhūta thấy chư tỳ khưu đi yết kiến Đức Thế Tôn mới nói rằng:

- Này các hiền giả! Các hiền giả hãy thay mặt tôi đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn và nói lên bài kệ rằng:

Yo sītavanaṃ...

Các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đảnh lễ Đức Thế tôn và thuật lại lời của trưởng lão Sambhūta rằng:

- Kính bạch Đức Thế Tôn! Trưởng lão Sambhūta xin đảnh lễ dưới chân Đức Thế tôn và nhắn gởi bài kệ rằng:

"Vị tỳ khưu đi đến
Rừng Sītavana
Sống độc cư biết đủ
Tâm tư khéo định tĩnh
Chiến thắng, không kinh sợ
Trí tuệ hộ niệm thân".

Đức Thế Tôn nghe lời ấy rồi phán rằng:

- Này chư tỳ khưu, Sambhūta là bậc hiền trí, hành pháp và tuỳ pháp, không phiền nhiễu Như Lai. Về chuyện của Sambhūta thiên vương Vessavaṇṇa đã nói với Như Lai rồi.

*

18- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO VANAVACCHA

Được biết trưởng lão Vanavacchā nói lên bài kệ rằng:

"Các ngọn núi toàn đá
Có màu xanh như mây
Lấp lánh thật xinh đẹp
Có nước mát tinh anh
Từng đàn Indagopaka
Những ngọn núi đá này
Làm tâm ta hân hoan"

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Atthadassī, trưởng lão tái sanh làm rùa chúa, sống tại dòng sông Vinatā, con rùa ấy có thân hình khá to.

Một hôm, rùa nhìn thấy Đức Thế Tôn đứng tại mé sông, nghĩ rằng: "Có lẽ Ngài muốn sang bờ bên kia". Rùa bơi đến chỗ Đức Phật với tác ý thỉnh Ngài ngự lên lưng mình. Đức Thế Tôn biết tâm ý rùa, để tiếp độ nó, Ngài ngự lên lưng rùa. Chú rùa vô cùng thoả thích, bơi thật nhanh đưa Đức Thế Tôn sang bờ bên kia ví như mũi tên lao ra khỏi dây cung.

Khi mạng chung, chú rùa được tái sanh thiên giới do thiện nghiệp đó, luân chuyển trong cõi người và cõi trời. Trong những kiếp sanh làm người, chú rùa xuất gia làm đạo sĩ và sống độc cư trong rừng.

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, Ngài (chú rùa) được tái sanh trong một gia đình tại thành Bārānasī, khi trưởng thành Ngài từ bỏ thế tục, sống đời xuất gia và tích trữ nhiều phước lành giải thoát.

Vào thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hiện tại, Ngài tái sanh vào một gia đình Bàlamôn dòng Vaccha, tại thành Kapilavatthu. Khi thai gần tròn 10 tháng, người mẹ ao ước đi vào rừng dạo cảnh và bà thực hiện ý muốn này. Trong lúc đang đi dạo, bà chuyển bụng, những người hầu căng màn và bà hạ sanh một bé trai đầy đủ những hảo tướng của người hữu phước. Công tử này là bạn chơi đùa với Bồ Tát từ Thuở nhỏ, có họ tên là Vaccha, về sau lại có tên là Vanavaccha vì người mẹ có tâm hoan hỷ với cảnh rừng núi (Vana: nghĩa là rừng).

Khi Bồ Tát rời bỏ hoàng cung, xuất gia sống thanh tu khổ hạnh, Vaccha cũng từ bỏ gia đình đi xuất gia với suy nghĩ rằng: "ta sẽ vào rừng sống với Siddhattha" rồi đi vào rừng Hy mã lạp sơn.

Khi Bồ Tát chứng ngộ Vô thượng Chánh Đẳng Giác và khai thị pháp luân, đạo sĩ Vaccha đi đến Đức Thế Tôn xin xuất gia rồi nhiệt tâm tinh cần phát triển thiền quán, không bao lâu chứng đạt Alahán.

Như bài kệ trưởng lão nói lên trong Apadāna rằng:

"Thuở ấy Đức Thế Tôn
Hồng danh Atthadassī
Đấng Như Lai ngự đến
Bờ sông Vinatā
Bấy giờ ta là rùa
Bơi lặn trong dòng nước
Ta thấy Đức Thế Tôn
Có ý muốn sang sông
Ta bơi đến chỗ Ngài
Bậc nương tựa thế gian
Với tác ý như vầy
Xin thỉnh Đại ẩn sĩ
Hồng danh Atthadassī
Hãy ngự lên lưng con
Con đưa Ngài qua sông
Xin Ngài hãy từ bi
Tiếp độ con hết khổ
Khi ấy, Đức Thế Tôn
Biết tâm tư của ta
Ngài ngự lên lưng ta
Ta vô cùng hoan hỷ
Với thiện sự ta làm
Sau khi đã sang bờ
Đức Thế Tôn ngự lên
Ngài phán bài kệ rằng
Ta vượt qua dòng sông
Trong thời gian tích tắc
Với phước báu rùa chúa
Đưa Như Lai sang sông
Rùa sẽ được an lạc
Trong thiên giới 118 kiếp
Từ cõi trời đến người
Được thiện nghiệp dẫn dắt
Ví như ít hạt giống
Gieo vào thửa ruộng tốt
Mưa rơi xuống thích hợp
Trổ quả thật hoan hỷ
Cũng vậy nay ta được
Những thiện nghiệp kết duyên
Ta đạt được tịch tịnh
Chấm dứt các sanh y
Đoạn trừ các lậu hoặc
Trong kiếp 118
Ta làm thiện sự nào
Do quả thiện sự đó
Ta không biết khổ cảnh
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Đức Thế Tôn sau khi chuyển pháp luân, Ngài tuần tự du hành về thành Kapilavatthu để tiếp độ phụ vương Suddhodana (Tịnh Phạn) cùng quyến thuộc, trưởng lão Vanavaccha cũng đi đến kinh thành, vào đảnh lễ yết kiến Đức Thế Tôn và trong một buổi hội họp đàm đạo với chư tỳ khưu, chư tỳ khưu hỏi trưởng lão rằng: an vui chăng?

Trưởng lão Vanavaccha đáp rằng:

- Các khu rừng, các ngọn núi thật đáng hoan hỷ.

Và để diễn tả khu rừng mình ở, trưởng lão nói lên bài kệ rằng:

"Các ngọn núi toàn đá
Có màu xanh như mây
Lấp lánh thật xinh đẹp
Có nước mát tinh anh
Từng đàn Indagopaka
Những ngọn núi đá này
Làm tâm ta hân hoan"

*

19- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO YASA

Được biết trưởng lão Yasa nói lên bài kệ rằng:

"Khéo thoa sức, khéo mặc
Dùng các loại thời trang
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

Trưởng lão đã tích trữ nhiều thiện duyên giải thoát với chư Phật quá khứ như trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Sumetha, trưởng lão sanh làm Long Vương có nhiều thần lực.

Một hôm, Long Vương nhìn thấy Đức Thế Tôn đầy đủ hảo tướng của bậc đại nhân cùng với uy nghi của bậc Chánh Đẳng Giác, nên Ngài phát khởi niềm tin trong sạch, cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư tỳ khưu tăng ngự xuống cõi rồng. Long vương thiết lễ trai đàn cúng dường thực phẩm, tam y và các vật phụ tùng đến Đức Phật cùng chư tăng với tấm lòng trong sạch, tôn kính và hoan hỷ. Do thiện sự đó, khi mạng chung Long vương tái sanh về nhàn cảnh, hưởng quả phước thù thắng trong nhàn cảnh. Sau khi luân chuyển hưởng phước trong cõi trời và cõi người một thời gian dài, đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Siddhattha, Long vương được tái sanh làm con trai gia đình đại trưởng giả. Do có duyên lành quá khứ làm nền tảng, chàng đã trong sạch cúng dường đại thọ Bồ Đề với bảy loại báu vật.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, vị này đã từ bỏ mọi ràng buộc thế tục, xuất gia trở thành vị tỳ khưu chân chánh trong giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa. Khi mạng chung, với phước báu tích trữ được, vị này chỉ tái sanh trong nhàn cảnh.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hiện tại, Ngài tái sanh làm con trai độc nhất của gia đình đại trưởng giả danh tiếng tại thành Bārānasī có tên là Yasa. Vì là con độc nhất của một gia đình giàu có, nên từ nhỏ Yasa được bảo bọc một cách cẩn thận chu đáo như bảo vật của gia tộc.

Xứ Ấn Độ bấy giờ có ba mùa: mùa lạnh, mùa nóng và mùa mưa. Yasa có ba toà lâu đài, được xây dựng thiết kế thích hợp theo từng mùa, trong mỗi toà lâu đài, được trang bị đầy đủ những tiện nghi vật chất sang trọng nhất thời bấy giờ cùng với những mỹ nữ tùy tùng hầu hạ. Cuộc sống của công tử Yasa gần như đời sống của bậc Đế vương.

Nhưng cho dầu đời sống có cao sang đến đâu, vật chất có đầy đủ đến đâu làm sao có thể ràng buộc lôi cuốn tâm tư của người đã đầy đủ túc duyên giải thoát, thế là duyên lành ấy đã đến.

Một hôm, sau buổi dạ hội yến tiệc, tất cả đều mệt nhoài. Công tử Yasa về phòng của mình yên nghỉ, các mỹ nữ ca kỹ, các nàng hầu cũng lã người, nằm ngủ lăn lóc bên phòng ngoài. Nửa đêm công tử Yasa chợt thức giấc, bước ra ngoài để tìm chút không khí mát dịu thoải mái của thiên nhiên công tử nhìn thấy những cảnh tượng bất tịnh của các mỹ nữ, ca kỹ phơi bày ra trước mắt. Quá kinh cảm trước những cảnh tượng này, công tử mang đôi giày vàng, lặng lẽ rời khỏi lâu đài và được chư thiên mở cửa thành. Công tử rời khỏi kinh thành, trong lòng miên man sầu muộn, công tử cứ đi, đi mãi và cất tiếng than rằng: "Thật bất an thay! Thật phiền muộn thay!".

Bấy giờ Đức Thế Tôn ngự tại Isipatanamigadāya (vườn Lộc Uyển) đang đi kinh hành, do duyên lành giải thoát của Yasa chín muồi nên Ngài ngự đến đây để tiếp độ. Đức Thế Tôn thấy công tử từ xa đi đến, cất lên những tiếng than thở, Ngài mới phán rằng: "Hãy đến này Yasa, ở đây không có bất an, ở đây không có phiền muộn".

Yasa trong lòng đang quẩn rối chợt nghe, âm vang êm dịu ấm áp rằng: "Ở đây không có bất an, ở đây không có phiền muộn". Chàng như người đang mê chợt tỉnh, mừng rỡ tháo đôi giày vàng, tiến đến quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn như để tìm một sự nương tựa an ổn, rồi ngồi xuống một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết tuần tự pháp (Anudhammakathā: tuần tự pháp là nói về bố thí, giới hạnh, quả lành thiên giới, nguy hiểm của ngũ trần dục lạc, sau cùng là lợi ích của hạnh viễn ly dục lạc xuất gia) để làm cho tâm Yasa thấm nhuần và trú trong chánh pháp, rồi Ngài thuyết lên Tứ Diệu đế (một bài pháp có ý nghĩa đặc thù đã đem lại giác ngộ cho vô số chúng sanh) Đức Thế Tôn vừa thuyết xong bốn sự thật của bậc thánh, công tử Yasa chứng quả dự lưu, pháp nhãn ly trần cấu phát sanh cho Yasa. Và khi Đức Thế Tôn thuyết bài pháp Tứ Diệu đế để tiếp độ thân phụ của Yasa thì chàng công tử này chứng đạt quả vị vô sanh.

Như bài kệ, trưởng lão nói trong Apadāna rằng:

"Cõi của ta chìm sâu
Trong đại dương thăm thẳm
Có hồ nước xinh đẹp
Muôn chim cất tiếng hót
Có các loại hoa sen
Sen xanh, trắng và hồng
Cùng hoa súng tươi thắm
Cảnh vật thật hữu tình
Chính tại hồ nước ấy
Có các loại châu báu
Cùng các loại thảo mộc
Toả hương thơm khắp nơi
Ta rời khỏi cõi rồng
Ngao du đến cõi người
Ta nhìn thấy Đức Phật
Hồng danh Sumedha
Bậc đạo sư thế gian
Ta phát tâm tịnh tín
Đảnh lễ Đức Thế Tôn
Cúi đầu bái thỉnh Ngài
Cùng đại chúng tỳ khưu
Ngự xuống lãnh địa ta
Thế Tôn đã nhận lời
Rồi Ngài giảng chánh pháp
Cho tâm ta hoan hỷ
Ta đảnh lễ cáo lui
Trở về nơi long cung
Ta gọi các tuỳ tùng
Bảo chúng lo chuẩn bị
Thực phẩm cùng các thứ
Ta thiết lễ cúng dường
Đến Thế Tôn, đại sĩ
Cùng chư tôn đức tăng
Rồi thời giờ đã đến
Đức Phật Sumedha
Cùng 100.000 vị
Alahán vô lậu
Đã ngự đến chỗ ta
Ta đã chọn cúng dường
Những thực phẩm thượng vị
Cùng các món phụ tùng
Làm đầy đủ thoả mãn
Đức Phật cùng Chư tăng
Với các món ăn ấy
Xong ta cúng dường y
Đến toàn thể quý Ngài
Sau khi thọ thực xong
Thế Tôn Sumedha
Bậc Ứng cúng thế gian
Ngự toạ giữa chư tăng
Nói lên bài kệ rằng:
"Người nào tâm trong sạch
Phục vụ và cúng dường
Như Lai cùng chư tăng
Với cơm nước thực phẩm
Các ngươi hãy lắng nghe
Ta tiên đoán người ấy
Sẽ tái sanh thiên giới
Thọ hưởng những thiên lạc
Suốt 1.800 kiếp
1.000 lần được sanh
Làm Chuyển Luân Thánh Vương
Trong những kiếp chuyển sanh
Dù cõi trời hay người
Đều sống trong an lạc
Đến thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Gotama
Người ấy sẽ thừa tự
Giáo pháp Thế Tôn ấy
Các lậu hoặc đoạn tận
Là người đạt tịch tịnh
Trong kiếp 30.000
Kể từ hiền kiếp này
Với sự cúng dường nào
Chính do thiện sự ấy
Ta không biết khổ cảnh
Đến kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Kế đó, Đức Thế Tôn đưa cánh tay phải ra, phán rằng:

- Này thiện lai tỳ khưu, Đức Phật vừa dứt lời tôn giả Yasa râu tóc biến mất, có đầy đủ y bát và đồ phụ tùng giống như một vị trưởng lão 60 hạ vậy. Sau khi chứng quả Alahán và trở thành vị tỳ khưu Ehibhikkhu, lúc quán xét lại công hạnh của mình, trưởng lão nói lên bài kệ rằng:

"Khéo thoa sức, khéo mặc
Dùng các loại thời trang
Tam minh ta chứng đạt
Lời Phật dạy làm xong".

*

20- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO MAHĀNĀMA

Được biết trưởng lão Mahānāma nói lên bài kệ rằng:

"Này Mahānāma
Người sẽ bị suy vong
Từ núi Nesādaka
Một ngọn núi thích hợp
Có cây cao bóng mát
Và dây leo phủ kín".

Trưởng lão tích trữ nhiều duyên lành giải thoát với chư Phật quá khứ như trong thời giáo pháp của Đức Thế tôn Sumedha, trưởng lão sanh trong một gia đình Bàlamôn, khi trưởng thành được cha mẹ cho đi học những nghệ thuật từ các vị danh sư Bàlamôn, với tư chất thông minh và cần mẫn, không bao lâu chàng đã thành tựu các học nghệ và chú thuật. Do thiện duyên thúc đẩy, chàng cảm thấy chán ngán đời sống thế tục, từ bỏ mọi ràng buộc của đời thường đi vào rừng xuất gia làm đạo sĩ, dựng lên một am thất bên bờ sông và dạy chú thuật cho những thanh niên Bàlamôn.

Một hôm, vào rạng sáng Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn chiếu rọi thế gian, nhìn thấy vị đạo sĩ này hữu duyên, Ngài đắp y mang bát ngự đến chỗ đạo sĩ để tiếp độ.

Đạo sĩ nhìn thấy Đức Phật với lục căn thanh tịnh, màu da sáng chói cùng với sự uy nghi của bậc Chánh Đẳng Giác, phát khởi tâm trong sạch kính ngưỡng, sắp đặt chỗ ngồi cung thỉnh Thế Tôn ngự toạ, khi Thế Tôn ngự toạ trên chỗ ngồi ấy rồi, đạo sĩ lấy mật ong đến cúng dường.

Đức Thế Tôn dùng mật ong xong, Ngài chúc phúc an lành đến đạo sĩ.

Do thiện nghiệp này, khi mạng chung đạo sĩ được sanh lên thiên giới, hưởng đầy đủ những thiên lạc thù thắng nơi cõi ấy. Khi chấm dứt thọ mạng nơi thiên giới đạo sĩ sanh xuống cõi người và trong suốt vòng luân chuyển sanh tử, vị ấy luôn sống trong an lạc.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, đạo sĩ tái sanh trong một gia đình Bàlamôn tại thành Sāvaṭ-ṭhī và có tên là Mahānāma.

Khi trưởng thành, do duyên lành giải thoát chín muồi, Mahānāma đến chùa nghe pháp, khởi lòng tin xin xuất gia.

Sau khi xuất gia, tôn giả Mahānāma học đề mục thiền quán rồi đến sống tại ngọn núi Nesādaka, trong thời gian tu tập tại đây những tư duy bất thiện cứ khởi lên mãi, không chế ngự được nó, tôn giả Mahānāma suy nghĩ rằng: "Đời sống của ta có lợi ích gì, với tâm tư uế nhiễm như vầy?" Tôn giả tự chán ghét mình, leo lên đỉnh núi như muốn lao mình xuống vực, tôn giả nói với mình như nói với một người khác "ta sẽ cho nó rơi từ trên đỉnh núi này xuống vực thẳm" bằng bài kệ rằng:

"Này Mahānāma
Người sẽ bị suy vong
Từ núi Nesādaka
Một ngọn núi thích hợp
Có cây cao bóng mát
Và dây leo phủ kín".

Tôn giả Mahānāma, tự răn đe doạ dẫm mình như thế, rồi phát triển thiền quán chứng quả Alahán. Như bài kệ trưởng lão đã nói trong Apadāna rằng:

"Ta dựng một am thất
Xinh đẹp và khả ái
Gần sông Sinadhu
Ta giảng kinh phệ đà
Cùng với cách xem tướng
Đến các nhóm học trò
Các học trò của ta
Ưa thích pháp ta dạy
Chúng lắng nghe học tập
Và tiếp thu thật tốt
Chúng thành đạt tất cả
Những gì ta truyền đạt
Bấy giờ Đức Thế Tôn
Hồng danh Sumedha
Ngự sanh trong thế gian
Bậc đem đến an lạc
Ngài muốn tiếp độ ta
Ngự đến bờ sông ấy
Ta thấy bậc Đại hùng
Bậc Đạo sư thế gian
Ta hoan hỷ trải cỏ
Sắp đặt một chỗ ngồi
Dâng đến Đức Thế tôn
Rồi ta vào lấy mật
Tâm trong sạch, dâng Ngài
Thế Tôn khi dùng xong
Ngài phán lên như vầy
Người nào tâm trong sạch
Dâng mật ong đến ta
Với hai tay của mình
Các ngươi hãy lắng nghe
Ta tuyên bố người ấy
Do việc cúng dường mật
Và trải cỏ dâng ta
Người ấy sẽ hân hoan
Trong thiên giới, trải suốt
Đến ba mươi ngàn kiếp
Vào kiếp 30.000
Thế Tôn Gotama
Ngự sanh trong thế gian
Người ấy sẽ thừa tự
Giáo pháp của Thế Tôn
Sẽ đoạn tận lậu hoặc
Đạt tịch tịnh niết bàn
Khi ta từ thiên giới
Tái sanh vào mẫu thai
Từng hạt mật rơi xuống
Phủ kín cả mặt đất
Khi ta rời thai bào
Giọt mật rơi cho ta
Đầy ắp cả bình lớn
Khi ta rời gia đình
Xuất gia sống phạm hạnh
Ta luôn được đầy đủ
Với vật thực vật dụng
Đây chính là quả báu
Của việc cúng dường mật
Và ta chứng vô lậu
Cũng do thiện sự ấy
Sau khi mưa rơi xuống
Các cây cỏ mọc lên
Các cây dọc bờ sông
Cũng trổ hoa đầy khắp
Ta không còn phiền não
Dù gốc cây, nhà trống
Ta luôn được an lạc
Ta vượt qua các cõi
Thấp cao và trung bình
Và trong ngày hôm nay
Ta đoạn trừ tất cả
Các lậu hoặc phiền não
Sanh hữu mới không còn
Trong kiếp 30.000
Kể từ hiền kiếp này
Ta đã cúng dường gì
Chính do thiện sự đó
Ta không biết khổ cảnh
Đây là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

*

21- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SABHIYA

Được biết trưởng lão Sabhiya nói lên bài kệ rằng:

"Người khác không hiểu biết
Với sự tranh luận này
Chúng ta sẽ tan rã
Bậc trí khi hiểu biết
Ta đến gần Tử thần
Thì mọi sự tranh luận
Sẽ đi đến tịnh chỉ
Những ai không hiểu pháp
Tranh luận không thể dứt
Với những ai hiểu pháp
Giữa những người nhiệt não
Họ sẽ không nhiệt não
Tranh luận cũng không có
Ai sở hành phóng đãng
Giới luật bị uế nhiễm
Phạm hạnh đáng nghi ngờ
Sẽ không được quả lớn
Người nào không tôn kính
Các vị đồng phạm hạnh
Người ấy xa diệu pháp
Như trời xa mặt đất".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kaku-sandha, trưởng lão Sabhiya tái sanh trong một gia đình Bàlamôn. Một hôm, Ngài đang đi trên đường nhìn thấy Đức Thế Tôn Kakusandha bước từ tốn hướng đến cánh rừng phía trước, Ngài phát tâm trong sạch, cởi đôi dép dâng Đức Thế Tôn.

Do thiện nghiệp ấy, sau khi mạng chung vị Bàlamôn này được tái sanh lên thiên giới, luân chuyển giữa cõi trời và cõi người. Đến gần cuối thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, Ngài tái sanh vào một gia đình giàu có, khi trưởng thành kinh cảm trước sự nhiễu loạn của xã hội và nhìn thấy hiểm hoạ diệt vong của loài người, Ngài từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật Kassapa, rồi cùng với sáu vị đồng phạm hạnh, làm một chiếc thang leo lên một triền núi, quyết định nỗ lực tu tập tại đó cho đến khi mạng chung, bảy vị sau khi tìm được nơi thích hợp, cùng nhau xô thang xuống. Như trình bày trong câu chuyện của trưởng lão Dabba.

Trưởng lão Sabhiya là một trong năm vị tỳ khưu không chứng Thánh quả, nhưng nhờ sự nỗ lực tu tập và phạm hạnh trong sạch, sau khi mạng chung được sanh lên thiên giới. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn hiện tại, vị trưởng lão này tái sanh vào thai bào của một nữ du sĩ.

Tương truyền rằng: nữ du sĩ này là một quận chúa của hoàng tộc xứ Majjhantika, sau khi nàng trưởng thành, cha mẹ giao nàng cho một vị du sĩ để nàng học hỏi giáo lý và nếp sống của bậc xuất gia. Nhưng vị du sĩ này phạm tà hạnh với nàng, nàng mang thai với vị du sĩ, thấy nàng có mang, y liền rời bỏ nàng, nàng đơn độc một mình lánh sang xứ khác sanh con tại một hội quán bên vệ đường, do nhân đó đứa bé mới được đặt tên là Sabhiya.

Sabhiya sau khi lớn lên cũng xuất gia làm du sĩ, học hỏi nhiều kệ ngôn, trở thành một nhà lý luận sắc bén, không ai sánh nổi, Ngài dựng lên một am thất gần cổng thành, dạy học cho các con cháu, hoàng tộc. Vị du sĩ này thọ trì 20 câu hỏi, từ nơi vị phạm thiên, tiền thân là mẹ của Ngài, do bà chán ghét tấm thân nữ giới nên tinh cần tu tập đạt được thiền chứng, sanh lên cõi phạm thiên, vị phạm thiên này sáng tác những câu pháp ấy và xuống truyền dạy cho con mình. Vị du sĩ, đem các câu hỏi ấy cật vấn các samôn Bàlamôn, không một ai giải đáp được những câu hỏi của Sabhiya (trong chú giải kinh Sabhiya - Atthakathasabhiyasutta - nói rằng các câu hỏi này do vị Phạm thiên cõi Tịnh cư đặt ra).

Bấy giờ, Đức Thế Tôn sau khi chuyển pháp luân tại vườn Lộc Uyển, Ngài tuần tự du hành đến thành Rājagaha, ngự tại Veḷuvanavihāra (Trúc lâm tịnh xá). Du sĩ Sabhiya hay tin Đức Thế Tôn du hành đến thành Rājagaha và đang ngự tại Veḷuvana liền đi đến tịnh xá, vào yết kiến Đức Thế tôn và nêu lên các câu hỏi ấy. Đức Thế Tôn tuần tự giải đáp như vậy, khiến cho niềm tin trong sạch và lòng hoan hỷ của chàng du sĩ Sabhiya này càng tăng lên và khi Đức Thế Tôn giải đáp vừa dứt 20 câu hỏi ấy, chàng du sĩ liền đến phủ phục dưới chân Thế Tôn xin xuất gia.

Sau khi xuất gia thọ cụ túc giới xong, tôn giả Sabhiya chứng đạt quả Alahán, Ngài nói lên bài kệ trong Apadāna rằng:

"Khi đang đi trên đường
Ta nhìn thấy Thế Tôn
Tên Kakusandha
Ta trong sạch hoan hỷ
Cởi đôi dép của mình
Dâng đến Đức Thế Tôn
Bậc có đại trí tuệ
Phạm hạnh đã viên mãn
Chính do thiện nghiệp đó
Ta không biết khổ cảnh
Và kiếp cuối cùng này
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi tôn giả trở thành vị Alahán, lúc bấy giờ Devadatta (Đề bà đạt đa) với ác tâm muốn thống lãnh tăng chúng, cố gắng tìm cách chia rẽ tăng chúng, tôn giả Sabhiya khi ban lời giáo giới đến các tỳ khưu theo phe Devadatta (Đề bà đạt đa) bằng bài kệ rằng:

"Người khác không hiểu biết
Với sự tranh luận này
Chúng ta sẽ tan rã
Bậc trí khi hiểu biết
Ta đến gần Tử thần
Thì mọi sự tranh luận
Sẽ đi đến tịnh chỉ
Những ai không hiểu pháp
Tranh luận không thể dứt
Với những ai hiểu pháp
Giữa những người nhiệt não
Họ sẽ không nhiệt não
Tranh luận cũng không có
Ai sở hành phóng đãng
Giới luật bị uế nhiễm
Phạm hạnh đáng nghi ngờ
Sẽ không được quả lớn
Người nào không tôn kính
Các vị đồng phạm hạnh
Người ấy xa diệu pháp
Như trời xa mặt đất".

*

22. KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO LAKUṆDAKA

Được biết trưởng lão Lakuṇḍaka nói lên bài kệ rằng:

"Tỳ khưu Bhaddiya
Trú tại Ambāṭaka
Một nơi thật hữu tình
Bên cạnh một khu rừng
Đã nhổ tận gốc ái
Sống an trú thiền định
Một số người cư sĩ
Ưa thích tiếng trống lớn
Tiếng sáo và trống nhỏ
Còn ta thích gốc cây
Hoan hỷ lời Phật dạy
Nếu Phật ban ân huệ
Ta được ân huệ ấy
Ta trì thân hành niệm
Là pháp nên tu tập
Ai chấp vào thân ta
Và chấp vào tiếng ta
Bị rơi vào tham dục
Chúng không biết được ta
Người ngu vì phiền não
Không biết được phần trong
Và không thấy phần ngoài
Bị tiếng đời lôi cuốn
Dù thấy được phần ngoài
Nhưng không biết bên trong
Cũng trôi theo tiếng đời
Với người không phiền não
Biết rõ cả bên trong
Và thấy rõ bên ngoài
Người ấy sẽ không bị
Tiếng đời lôi cuốn được".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế tôn Padumut-tara, trưởng lão tái sanh vào một gia đình Bàlamôn trưởng giả, tại thành Haṃsavatī. Một hôm, lúc đến chùa nghe pháp, nhìn thấy Đức Thế Tôn tán dương một vị tỳ khưu có giọng nói êm dịu đệ nhất trong hành tăng chúng, vị Bàlamôn này thích được như thế, nên cung thỉnh chư tăng có Đức Phật làm toạ chủ về nhà tạo phước duyên cúng dường rồi quý dưới chân Đức Phật chú nguyện rằng:

- Kính bạch Thế Tôn, do phước báu mà con đã trong sạch cúng dường, xin cho con trở thành vị tỳ khưu đệ nhất về giọng nói êm dịu trong thời giáo pháp của Đức Phật vị lai như vị tỳ khưu kia vậy.

Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán xét, thấy nguyện vọng của Bàlamôn này sẽ được thành tựu nên Ngài phúc chúc đến vị ấy rồi cùng chư tăng trở về tịnh xá.

Vị Bàlamôn từ đó tích cực làm các thiện sự, khi mạng chung được tái sanh về thiên giới, luân chuyển giữa cõi người và cõi trời. Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Phussa, Ngài tái sanh làm chim tu hú, có bộ lông cánh tuyệt đẹp. Một hôm, chim tu hú bay vào vườn thượng uyển, nhằm mùa xoài nó tìm được một trái xoài chín ngậm tha đi, trong khi đang bay nhìn thấy Đức Thế Tôn, nó phát tâm hoan hỷ có ý dâng trái xoài đến Ngài. Đức Phật biết được tâm ý của chim tu hú, Ngài tìm một nơi phải lẽ ngồi xuống ôm bình bát, chim tu hú đặt trái xoài chín vào bát của Đức Phật, Đức Phật dùng trái xoài chín, chim tu hú nhìn thấy Đức Phật thọ dụng trái xoài được dâng cúng, tâm nó tràn ngập niềm hoan hỷ suốt một tuần lễ, nó sống trong trạng thái phỉ lạc thoả thích và do thiện nghiệp ấy nên nó có tiếng hót rất êm tai. Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, chim tu hú tái sanh làm vị tướng quân, khi Đức Thế Tôn niết bàn mọi người hợp lại bàn tính với nhau về kích thước của bảo tháp tôn thờ Xá Lợi, có người đề nghị xây dựng bảo tháp cao bảy do tuần, vị tướng quân này cho rằng bảy do tuần lớn quá, có người đề nghị sáu do tuần, vị tướng quân này cũng lên tiếng rằng: "Như vậy lớn quá". Khi có người nghị năm do tuần, bốn do tuần, ba do tuần, hai do tuần, cuối cùng chiều cao bảo tháp chỉ còn một do tuần. Do nghiệp đó nên vị tướng quân trong mỗi kiếp tái sanh đều có tầm vóc thấp hơn những người khác.

Đến thời giáo pháp của Đức Thế Tôn chúng ta, vị tướng quân sanh vào một gia đình đại trưởng giả tại thành Sāvatthī có tên là Bhaddiya, nhưng vì có vóc dáng thấp nên có tên là Lakuṇḍakabhaddiya. Do duyên lành quá khứ chín muồi, nên Lakuṇḍakabhaddiya đi đến tịnh xá nghe pháp, sau khi thính pháp từ nơi Thế Tôn, Bhaddiya khởi dậy niềm tin, xin xuất gia. Thời gian sau, tỳ khưu Bhaddiya trở thành bậc đa văn, là vị pháp sư thuyết pháp với âm giọng rất êm dịu. Một hôm, nhân ngày lễ hội có một nữ nhân cùng đi trên xe với vị Bàlamôn, nhìn thấy trưởng lão Bhaddiya với hình tướng thấp, nàng bật cười đến hở răng. Trưởng lão lấy hàm răng của nàng làm đề mục, tu tiến cho thiền chứng phát sanh, rồi lấy thiền chứng làm nền tảng phát triển thiền quán, chứng quả Bất Lai. Từ đó trưởng lão vẫn luôn an trú với đề mục thân hành niệm. Một hôm, trong dịp ngồi nghe vị Tướng quân chánh pháp ban lời giáo huấn, trưởng lão Bhaddiya đã chứng đạt quả Alahán. Như trưởng lão nói bài kệ trong Apadāna rằng:

"Kể từ hiền kiếp này
Đến một trăm nghìn kiếp
Đức Thế Tôn hồng danh
Padumuttara
Bậc giác ngộ các pháp
Bậc dẫn dắt cho đời
Sanh lên trong thế gian
Lúc ấy ta tái sanh
Làm con vị trưởng giả
Với tài sản to lớn
Trong thành Haṃsavatī
Một hôm, ta đi đến
Trú xứ của chư tăng
Bậc thắp sáng thế gian
Trong lúc Ngài thuyết pháp
Tán dương một tỳ khưu
Đệ nhất tiếng êm dịu
Sau khi nghe như thế
Ta cảm thấy hoan hỷ
Muốn được vị trí đó
Nên ta đã cung thỉnh
Đức Phật cùng chư tăng
Về làm phước cúng dường
Sau khi cúng dường xong
Ta tiến đến Thế Tôn
Đảnh lễ dưới chân Ngài
Chú nguyện vị trí ấy
Bấy giờ, Đức Thế tôn
Bậc dẫn dắt cao thượng
Phán giữa chư tăng rằng
Đến kiếp 100.000
Có bậc Chánh Đẳng Giác
Hồng danh Gotama
Sanh lên trong thế gian
Khi ấy trưởng giả này
Sẽ là người thừa tự
Giáo pháp của Thế Tôn
Sẽ là vị đệ tử
Có tên Bhaddiya
Rồi sau khi mạng chung
Ta sanh lên Đạo Lợi
Trong kiếp thứ 92
Kể từ hiền kiếp này
Đức Thế Tôn Phussa
Bậc đạo sư tam giới
Cao thượng hơn mọi loài
Sanh lên trong thế gian
Bậc tìm cầu lợi ích
Ban hạnh phúc cho đời
Bấy giờ ta tái sanh
Làm loài chim tu hú
Ta trú nơi cây xoài
Gần hương thất của Ngài
Một hôm, ta nhìn thấy
Bậc chiến thắng ma vương
Bậc Ứng Cúng cao thượng
Đang ngự đi khất thực
Khiến tâm ta hoan hỷ
Hót lên tiếng dịu êm
Rồi bay đến khu vườn
Ngậm trái xoài chín mọng
Màu vỏ như vàng ròng
Mang đến dâng Đức Phật
Lúc ấy, bậc chiến thắng
Đầy đủ lòng bi mẫn
Biết tâm ý của ta
Ngài nhận lại bình bát
Từ tay vị thị giả
Ta vô cùng thoả thích
Dâng trái xoài đến Ngài
Ta đặt vào trong bát
Rồi bay lên cành cây
Cất tiếng hót du dương
Êm tai và khả hỷ
Để cúng dường Đức Phật
Rồi bay trở về tổ
Bấy giờ, con diều hâu
Ác tâm chộp lấy ta
Trong lúc ta thoả thích
Với hình ảnh Đức Phật
Sau khi ta mạng chung
Sanh lên cõi Đâu xuất
Đến thời kỳ giáo pháp
Thế Tôn Kassapa
Thuộc dòng dõi phạm thiên
Bậc có đại uy danh
Sanh lên trong thế gian
Đem ánh sáng chánh pháp
Phủ trùm các ngoại đạo
Dẫn dắt loài hữu tình
Đạt đến bờ giác ngộ
Sau khi Ngài niết bàn
Những cư sĩ tín thành
Cũng nhau vân tập lại
Dự tính xây bảo tháp
Tôn thờ Xá lợi Phật
Họ bàn tính nhau rằng
Sẽ cùng nhau kiến tạo
Bảo tháp bậc Đại sĩ
Cao khoảng bảy do tuần
Trang hoàng bằng bảy báu
Bấy giờ ta được làm
Tướng quân vua Kāsī
Có tên là Kīkī
Đã nói lời hạ giảm
Kích thước của bảo tháp
Mọi người đã ưng thuận
Làm theo ý của ta
Xây dựng ngôi Bảo tháp
Cao được một do tuần
Trang hoàng các báu vật
Chính do thiện nghiệp đó
Cùng với sự tác ý
Sau khi ta mạng chung
Được sanh lên Đạo lợi
Cho đến kiếp cuối cùng
Ta sanh trong gia đình
Trưởng giả, tài sản lớn
Tại thành Sāvatthī
Ta nhìn thấy Thế Tôn
Đang ngự đi vào thành
Và ta đã nghe pháp
Từ nơi Bậc Đạo sư
Ta tịnh tín xuất gia
Không lâu, được chứng quả
Alahán, vô lậu
Do nghiệp làm hạ giảm
Kích thước của bảo tháp
Nên vóc dáng của ta
Thấp bé, bị khinh thường
Ta đã cúng dường Phật
Tiếng hót nghe êm dịu
Nên ta được trở thành
Đệ nhất tiếng êm dịu
Do việc cúng dường xoài
Và niệm ân đức Phật
Nên ta được tái sanh
Đầy đủ sa môn quả
Ta không còn lậu hoặc
Phiền não được thiêu đốt...
Lời Phật dạy làm xong.

Về sau, khi xác chứng Alahán quả của mình, trưởng lão nói lên ba bài kệ rằng:

"Tỳ khưu Bhaddiya
Trú tại Ambāṭaka
Một nơi thật hữu tình
Bên cạnh một khu rừng.
Đã nhổ tận gốc ái
Sống an trú thiền định

Một số người cư sĩ
Ưa thích tiếng trống lớn
Tiếng sáo và trống nhỏ
Còn ta thích gốc cây
Hoan hỷ lời Phật dạy

Nếu Phật ban ân huệ
Ta được ân huệ ấy
Ta trì thân hành niệm
Là pháp nên tu tập"

*

23- KỆ NGÔN CỦA TRƯỞNG LÃO SUBHUTA

Được biết trưởng lão Subhūta nói lên bài kệ rằng:

"Khi muốn làm công việc
Với công việc không hợp
Nhưng vẫn cứ cố làm
Sẽ không có quả tốt
Bởi việc không hợp ấy
Không có chơn tướng thiện".

"Người nào chưa bứng được
Gốc rễ của đau khổ
Lại từ bỏ một pháp
Người ấy như kẻ hèn
Nếu từ bỏ các pháp
Người ấy như kẻ mù
Vì không thấy được pháp
An tịnh, không an tịnh".

"Khi làm như thế nào
Hãy nói như thế ấy
Điều không làm, không nói
Bậc hiền trí hiểu biết
Người chỉ nói, không làm".

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không kết quả
Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc và có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Kết quả đến người làm".

Trong thời giáo pháp của Đức Thế Tôn Kassapa, vị trưởng lão này tái sanh trong một gia đình tộc trưởng danh tiếng tại thành Bārāṇasī.

Một hôm, do lòng hiếu kỳ, chàng tháp tùng cùng các cư sĩ Phật tử đến chùa nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp, dứt thời pháp, chàng phát tâm tịnh tín, quy y tam bảo và trở thành người Phật tử nhiệt thành nơi tam bảo.

Khi hương thất của Đức Thế Tôn Kassapa được xây dựng, chàng tộc trưởng cho thoa phết hương thất của Ngài với bốn loại bột thơm như bột chiên đàn đỏ, bột trầm hương... Và cứ thoa phết như thế mỗi tháng tám lần.

Do thiện nghiệp đó, trong mỗi kiếp sanh ra thân thể chàng luôn toả mùi thơm, đến thời giáo pháp Đức Thế Tôn của chúng ta, chàng sanh vào một gia đình tộc trưởng tại xứ Magadha có tên là Subhūta.

Khi trưởng thành, thanh niên Subhūta không thích sự ràng buộc gia đình, thích đời sống phóng khoáng tự tại nên xuất gia làm du sĩ, sau một thời gian sống đời sống du sĩ, chàng không tìm thấy được sự huyền diệu nào cả. Chàng được biết rằng có nhiều samôn, Bàlamôn như Upatissa (Xá Lợi Phất), Kolita (Mục Kiền Liên), Sela... sau khi xuất gia trong giáo pháp của samôn Gotama, những người này đạt được sự tịnh lạc trong giáo pháp ấy.

Chàng du sĩ khởi lòng tin xin xuất gia trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, xuất gia xong tôn giả Subhūta thực hành đầy đủ các bổn phận của mình đối với thầy giáo thọ và thầy tế độ. Sau khi đã làm cho các vị ấy hoan hỷ, tôn giả học một đề tài thiền quán, rồi tìm một trú xứ thanh vắng sống viễn ly, nhiệt tâm tinh cần tu tập, không bao lâu tôn giả Subhūta chứng quả Alahán, tôn giả nói lên bài kệ trong Apadāna rằng:

"Bấy giờ, Đức Thế Tôn
Hồng danh Kassapa
Thuộc dòng dõi Phạm thiên
Bậc có đại uy đức
Cao thượng hơn muôn loài
Sanh lên trong thế gian
Đầy đủ với tướng phụ
Cùng các đại nhân tướng
Có hào quang bao phủ
Khiến muôn loài hoan hỷ
Ví như mặt trăng rằm
Chiếu sáng như mặt trời
Làm mát mẻ như mưa
Là nguồn sanh phước đức
Ví như là biển cả
Có giới như mặt đất
Định như Hy mã sơn
Có tuệ như hư không
Không vướng mắc như gió
Bấy giờ, ta tái sanh
Trong một dòng tộc lớn
Có tài sản sung túc
Nơi tích trữ báu vật
Tại thành Bārāṇasī
Ta đến yết kiến Phật
Bậc dẫn dắt thế gian
Đang ngồi giữa đại chúng
Ta nghe pháp bất tử
Khiến nội tâm hân hoan
Bậc Chánh Đẳng Giác ấy
Có tâm đầy bi mẫn
Ân đức như đại dương
Ngài là chỗ nương tựa
Của các loài hữu tình
Ví như quả địa cầu
Là ẩn sĩ tối thượng
Thế gian không thấm nhiễm
Như sen không thấm nước
Ngài như vị lương y
Tẩy trừ độc phiền não
Trang điểm bằng giới đức
Như núi Gandhamādana
Ngài chiến thắng ác ma
Và đội quân của chúng
Như chiến sĩ vĩ đại
Với chiến thắng đặc thù
Ngài thắp sáng thế gian
Được nhân thiên tôn kính
Như mặt trời chiếu sáng
Cho tất cả muôn loài
Ngài thuyết pháp đoạn đầu
Đến các hội chúng rằng
Người sẽ được tài sản
Do cần lao làm việc
Sẽ đi đến nhàn cảnh
Do gìn giữ giới hạnh
Sẽ dập tắt phiền não
Do nhiệt tâm tu tập
Hội chúng nghe pháp ấy
Phát sanh sự hân hoan
Toàn hảo ở đoạn đầu
Đoạn giữa và đoạn cuối
Chỉ một vị duy nhất
Đó là vị bất tử
Sau khi ta nghe pháp
Toàn hảo và khéo thuyết
Ta phát tâm tịnh tín
Trong giáo pháp của Ngài
Xin quy ngưỡng tam bảo
Cho đến trọn cuộc đời
Sau đó ta đã lấy
Cả bốn loại vật thơm
Thoa phết lên hương thất
Của bậc đại ẩn sĩ
Với mỗi tháng tám lần
Và chú nguyện cho thân
Luôn luôn có mùi thơm
Lúc ấy Đức Thế Tôn
Nhìn thấu cả vị lai
Ngài tuyên bố lời rằng
Người nào lấy vật thơm
Thoa phết lên hương thất
Do quả của nghiệp ấy
Trong mỗi kiếp tái sanh
Thân luôn có mùi thơm
Người ấy sẽ tăng trưởng
Với hương của đức hạnh
Đạt vô lậu niết bàn
Và do thiện nghiệp ấy
Ta sau khi mạng chung
Được sanh về Đạo Lợi
Đến kiếp cuối cùng này
Ta sanh trong gia đình
Có tài sản sung túc
Khi ta còn trong thai
Mẹ luôn có mùi thơm
Khi ta rời thai bào
Cả thành Sāvatthī
Ngào ngạt với hương thơm
Ví như xông mùi thơm
Lúc ấy có mưa hoa
Từ cõi trời rơi xuống
Với mùi thơm đặc biệt
Lan toả khắp mọi nơi
Ta sanh tại nhà nào
Tại nhà ấy, chư thiên
Rải hương hoa vật thơm
Với mùi thơm thù diệu
Khi duyên lành chín muồi
Bậc Điều ngự trượng phu
Đến thành Savatthī
Cùng đại chúng tỳ khưu
Ta thấy uy đức Ngài
Ta hoan hỷ xuất gia
Ta tu tập bốn pháp
Giới, Định, Tuệ, giải thoát
Các lậu hoặc đoạn tận
Trong lúc ta xuất gia
Trong lúc được chứng quả
Và lúc sắp niết bàn
Có mưa thơm rơi xuống
Hương thơm từ thân ta
Lấp áp hương chiên đàn
Hoàng lan cùng hoa sen
Khi ta đến chỗ nào
Các hương ấy thua kém
Nay là kiếp cuối cùng
Ta thiêu đốt phiền não...
Lời Phật dạy làm xong".

Sau khi chứng quả Alahán nhớ lại sự đau khổ lúc tu khổ hạnh và sự an lạc từ thiền định trong giáo pháp của bậc Đạo sư và để xác chứng quả vị Alahán của mình, trưởng lão nói lên các bài kệ rằng:

"Khi muốn làm công việc
Với công việc không hợp
Nhưng vẫn cứ cố làm
Sẽ không có quả tốt
Bởi việc không hợp ấy
Không có chơn tướng thiện".

"Người nào chưa bứng được
Gốc rễ của đau khổ
Lại từ bỏ một pháp
Người ấy như kẻ hèn
Nếu từ bỏ các pháp
Người ấy như kẻ mù
Vì không thấy được pháp
An tịnh, không an tịnh".

"Khi làm như thế nào
Hãy nói như thế ấy
Điều không làm, không nói
Bậc hiền trí hiểu biết
Người chỉ nói, không làm".

"Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại không hương
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm, không kết quả

Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc và có hương
Cũng vậy lời khéo nói
Kết quả đến người làm".

-ooOoo-

 Ðầu trang | 01 | 02 | 03 | Mục lục



[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 02-09-2007