Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


XII. CHƯƠNG LIÊN QUAN BẢY TRĂM VỊ
(SATTASATIKAKKHANDHAKAṂ)

[630] Vào lúc bấy giờ, khi đức Thế Tôn Vô Dư Niết Bàn được một trăm năm, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc: Được phép cất giữ muối trong ống sừng (kappati siṅgiloṇakappo), được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay (kappati dvaṅgulakappo), được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa (kappati gāmantarakappo), được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ (kappati āvāsakappo), được phép hành sự không đủ tỳ khưu (kappati anumatikappo), được phép thực hành theo tập quán (kappati āciṇṇakappo), được phép uống sữa chua lúc quá ngọ (kappati amathitakappo), được phép uống nước trái cây lên men (kappati jaḷogiṃ pātuṃ), được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh (kappati adasakaṃ nisīdanaṃ), được phép tích trữ vàng bạc (kappati jātarūparajataṃ). [1]

[631] Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka trong khi du hành ở xứ Vajji đã đến trú tại Vesālī. Tại nơi đó ở Vesālī, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã trú tại Mahāvana (Đại Lâm) nơi giảng đường Kūṭāgāra.

[632] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī vào ngày Uposatha (Bố Tát) đổ đầy nước vào cái chậu đồng rồi đặt ở giữa hội chúng tỳ khưu và nói với các cư sĩ ở Vesālī đang đi qua lại như vầy:

- Này các đạo hữu, hãy bố thí đến hội chúng một kahāpaṇa, một nửa, một pāda, một đồng māsaka. Hội chúng sẽ có việc phải làm về vật dụng.

Khi được nói như vậy, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã nói với các cư sĩ ở Vesālī điều này:

- Này các đạo hữu, chớ có bố thí đến hội chúng một kahāpaṇa, một nửa, một pāda, một đồng māsaka. Vàng bạc không được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc.

Mặc dù được đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka nói như vậy, các cư sĩ ở Vesālī vẫn bố thí đến hội chúng một kahāpaṇa, một nửa, một pāda, một đồng māsaka.

Sau đó, vào cuối đêm ấy các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã xác định phần chia tùy theo số lượng tỳ khưu rồi phân chia của cải ấy. Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka điều này:

- Này đại đức Yasa, phần chia của cải này thuộc về đại đức.

- Này các đại đức, phần chia của cải này không thuộc về tôi, tôi không thích thú của cải.

[633] Sau đó, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī (bàn bạc rằng): “Này các đại đức, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka này quở trách, chê bai, làm hoại đức tin các cư sĩ có niềm tin đã được an trú, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự hòa giải đến vị ấy.” Họ đã thực thi hành sự hòa giải đến vị ấy. Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã nói với các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī điều này:

- Này các đại đức, đức Thế Tôn đã quy định rằng: “Vị sứ giả cùng đi nên được ban đến vị tỳ khưu thực thi hành sự hòa giải.” Này các đại đức, hãy cho tôi vị tỳ khưu làm sứ giả cùng đi.

Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã chỉ định một vị tỳ khưu và cho làm sứ giả cùng đi với đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka. Sau đó, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka cùng với vị tỳ khưu là sứ giả cùng đi đã vào thành Vesālī và đã nói với các cư sĩ ở Vesālī điều này:

- Nghe nói tôi quở trách, chê bai, làm hoại đức tin quý vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói sai Pháp là: Sai Pháp,” đúng Pháp là: “Đúng Pháp,” sai Luật  là: “Sai Luật,” đúng Luật là: “Đúng Luật.”

[634] Này các đạo hữu, vào một thuở nọ, đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Này các đạo hữu, ở nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- “Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn vật ấy là gì?

Này các tỳ khưu, mây là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, sương mù là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, khói bụi là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, Rāhu chúa loài Asura (hiện tượng nguyệt và nhật thực) là vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với mặt trăng và mặt trời. Khi bị ô nhiễm bởi những vật làm ô nhiễm này, mặt trăng và mặt trời không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, cũng tương tợ như vậy đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi. Bốn điều ấy là gì?

Này các tỳ khưu, có những sa-môn và Bà-la-môn uống rượu, uống men say, không chừa bỏ việc uống rượu và men say. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ nhất đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn thực hiện việc đôi lứa, không chừa bỏ việc đôi lứa. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ hai đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn thích thú vàng bạc, không chừa bỏ việc thọ lãnh vàng bạc. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ ba đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có những sa-môn và Bà-la-môn chấp nhận cuộc sống bằng sự nuôi mạng không chân chánh, không chừa bỏ sự nuôi mạng không chân chánh. Này các tỳ khưu, đây là điều làm ô nhiễm thứ tư đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.

Này các tỳ khưu, đây là bốn vật làm ô nhiễm đối với sa-môn và Bà-la-môn. Khi bị ô nhiễm bởi những điều làm ô nhiễm này, các sa-môn và Bà-la-môn không còn cháy sáng, không còn rực rỡ, không còn chói lọi.”

Này các đạo hữu, đức Thế Tôn đã nói điều ấy, đấng Thiện Thệ đã nói điều ấy, rồi bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:

[635]

Có những vị sa-môn
và những Bà-la-môn
ô nhiễm do dục sân,
còn có những nam nhân
bị vô minh che áng
thoả thích điều khoái lạc,
uống rượu và men say,
thực hành điều dâm dục,
thích thú bạc và vàng,
là những kẻ khờ si.
Có những vị sa-môn
và những Bà-la-môn
sinh sống bằng tà mạng,
những điều ô nhiễm này
được nói lên bởi Phật
vị dòng dõi mặt trời.
Có những vị sa-môn
và những Bà-la-môn
đã bị làm ô nhiễm
bởi những ô nhiễm ấy,
không sáng, không rực rỡ,
không còn được thanh tịnh
bởi tham ái dục tình.
Chúng đã bị che lấp
bởi màn đêm bóng tối,
nô lệ của ái tình,
bám víu cuộc đời này,
chúng làm cho tăng trưởng
tử thần thật ghê sợ,
chết rồi chúng tái sanh.

[636] Có lời nói như vầy: “Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, làm hoại đức tin quý vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói sai Pháp là: “Sai Pháp,” đúng Pháp là: “Đúng Pháp,” sai Luật  là: “Sai Luật,” đúng Luật là: “Đúng Luật.”

[637] Này các đạo hữu, vào một thuở nọ đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, trong lúc các hầu cận của đức vua ngồi lại tụ họp với nhau ở nơi hậu cung, có câu chuyện qua lại này đã sanh khởi: “Vàng bạc được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử thọ lãnh vàng bạc.”

Này các đạo hữu, vào lúc bấy giờ vị thôn trưởng Maṇicūḷaka đang ngồi trong nhóm người ấy. Này các đạo hữu, khi ấy vị thôn trưởng Maṇicūḷaka đã nói với nhóm người ấy điều này: “Quý vị chớ có nói như thế. Vàng bạc không được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc.” Này các đạo hữu, vị thôn trưởng Maṇicūḷaka đã có thể thuyết phục được nhóm người ấy.

Này các đạo hữu, sau đó, vị thôn trưởng Maṇicūḷaka khi đã thuyết phục được nhóm người ấy rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Này các đạo hữu, khi đã ngồi xuống một bên vị thôn trưởng Maṇicūḷaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, ở đây trong lúc các hầu cận của đức vua ngồi lại tụ họp với nhau ở nơi hậu cung, có câu chuyện qua lại này đã sanh khởi: “Vàng bạc được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử thọ lãnh vàng bạc.” Bạch ngài, được nói như vậy, con đã nói với nhóm người ấy điều này: “Quý vị chớ có nói như thế. Vàng bạc không được cho phép đối với các sa-môn Thích tử; các sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc; các sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc; các sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc.” Bạch ngài, con đã có thể thuyết phục được nhóm người ấy. Bạch ngài, trong khi nói như thế, có phải con là người đã nói đúng lời của đức Thế Tôn và con không vu khống đức Thế Tôn một cách sai trái? Có phải con đã nói theo lý lẽ của Giáo Pháp? Và có phải người nào có lời nói hợp với giáo lý, đúng theo Giáo Pháp, không rơi vào vị thế bị chê trách?

- Này Thôn trưởng, đúng vậy. Trong khi nói như thế, ngươi là người đã nói đúng lời của ta và ngươi không vu khống ta một cách sai trái. Ngươi đã nói theo lý lẽ của Giáo Pháp và người nào có lời nói hợp với giáo lý, đúng theo Giáo Pháp, không rơi vào vị thế đáng bị chê trách. Này Thôn trưởng, bởi vì vàng bạc không được cho phép đối với các sa-môn Thích tử, các sa-môn Thích tử không thích thú vàng bạc, các sa-môn Thích tử không thọ lãnh vàng bạc, các sa-môn Thích tử đã từ bỏ châu báu vàng ròng và tránh xa vàng bạc. Này Thôn trưởng, kẻ nào chấp nhận vàng bạc cũng sẽ chấp nhận luôn năm phần dục lạc. Này Thôn trưởng, kẻ nào chấp nhận năm phần dục lạc, ngươi có thể biết chắc chắn điều này: “Đây không phải là pháp của sa-môn, đây không phải là pháp của Thích tử.” Này Thôn trưởng, và ta còn nói như vầy: “Người mong muốn cỏ thì tầm cầu cỏ, người mong muốn củi thì tầm cầu củi, người mong muốn xe cộ thì tầm cầu xe cộ, người mong muốn đàn ông thì tầm cầu đàn ông.” Này Thôn trưởng, nhưng ta không có nói rằng: “Bằng bất cứ phương tiện gì, vàng bạc nên được thích thú, nên được tầm cầu.”

Có lời nói như vầy: “Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, làm hoại đức tin quý vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói về sai Pháp là: “Sai Pháp,” đúng Pháp là: “Đúng Pháp,” sai Luật  là: “Sai Luật,” đúng Luật là: “Đúng Luật.”

[638] Này các đạo hữu, vào một thuở nọ, ở ngay chính nơi ấy tại thành Rājagaha đức Thế Tôn đã từ chối vàng bạc và quy định điều học có liên quan đến đại đức Upananda dòng dõi Sākya.

Có lời nói như vầy: “Nghe nói tôi quở trách, chỉ trích, làm hoại đức tin quý vị là những cư sĩ có niềm tin đã được an trú là việc tôi nói về sai Pháp là: “Sai Pháp,” đúng Pháp là: “Đúng Pháp,” sai Luật  là: “Sai Luật,” đúng Luật là: “Đúng Luật.”

Khi được nói như thế, các cư sĩ ở Vesālī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka điều này:

- Thưa ngài, chỉ có một mình ngài đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka là sa-môn Thích tử, tất cả các vị kia đều không phải là sa-môn, không phải là Thích tử. Thưa ngài, xin ngài đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka hãy ngụ tại Vesālī. Chúng tôi sẽ nỗ lực về vật dụng là y phục, đồ ăn khất thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh đối với ngài đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka.

Sau đó, khi đã giải thích cho các cư sĩ ở Vesālī xong, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka với vị tỳ khưu sứ giả cùng đi đã trở về lại tu viện .

[639] Sau đó, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã hỏi vị tỳ khưu sứ giả cùng đi rằng:

- Này sư đệ, các cư sĩ ở Vesālī đã hòa giải với đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka chưa vậy?

- Chúng ta gặp điều xúi quẩy với các cư sĩ rồi. Chỉ một mình Yasa con trai của Kākaṇḍaka được xem là sa-môn Thích tử. Còn tất cả chúng ta đã bị xem không phải là sa-môn, không phải là Thích tử.

Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī (đã bàn bạc rằng): “Này các đại đức, Yasa con trai của Kākaṇḍaka này chưa được chúng ta đồng ý đã giải thích cho hàng tại gia, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo đối với vị ấy.” Họ đã tụ họp lại với ý định thực thi hành sự án treo đối với vị ấy. Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã bay lên không trung và xuất hiện ở Kosambī.

Sau đó, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu ở Pāvā (Pāṭheyyaka), Avanti, và khu vực phía nam (nói rằng): “Xin các đại đức hãy đến, chúng ta cần giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.”

[640] Vào lúc bấy giờ, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đang ngụ tại núi Ahogaṅga. Khi ấy, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã đi đến núi Ahogaṅga gặp đại đức Sambhūta Sāṇavāsī, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Sambhūta Sāṇavāsī rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã nói với đại đức Sambhūta Sāṇavāsī điều này:

- Thưa ngài, các tỳ khưu dòng dõi Vajji này ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc: “Được phép cất giữ muối trong ống sừng, được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay, được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa, được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ, được phép hành sự không đủ tỳ khưu, được phép thực hành theo tập quán, được phép uống sữa chua lúc quá ngọ, được phép uống nước trái cây lên men, được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh, được phép tích trữ vàng bạc.” Thưa ngài, vậy chúng ta hãy giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.

- Này đại đức, đúng vậy. Đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã trả lời đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka.

Sau đó, các tỳ khưu ở Pāvā có số lượng sáu mươi vị tất cả là những vị sống trong rừng, tất cả là những vị hành hạnh khất thực, tất cả là những vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, tất cả là những vị chỉ sử dụng ba y, chính tất cả các vị đều là A-la-hán đã tụ hội ở núi Ahogaṅga. Các tỳ khưu ở Avanti và khu vực phía nam có số lượng tám mươi vị,[2] một số vị sống trong rừng, một số vị hành hạnh khất thực, một số vị mặc y (may bằng) vải bị quăng bỏ, một số vị chỉ sử dụng ba y, chính tất cả các vị đều là A-la-hán đã tụ hội ở núi Ahogaṅga.

[641] Khi ấy, trong lúc các tỳ khưu trưởng lão hội ý, điều này đã khởi lên: “Tranh sự này quả là khó khăn và tế nhị. Làm thế nào chúng ta có thể có được nhóm, nhờ thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn?”

Vào lúc bấy giờ, đại đức Revata ngụ tại Soreyya là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập.

Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý rằng: “Chính vị đại đức Revata này ngụ tại Soreyya là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta có thể đạt được đại đức Revata chung nhóm, như thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn.” Trong khi các tỳ khưu trưởng lão đang hội ý, đại đức Revata đã nghe được nhờ vào thiên nhĩ thông thanh tịnh vượt trội loài người, sau khi nghe được vị ấy đã khởi ý điều này: “Tranh sự này quả là khó khăn và tế nhị. Điều không đúng đắn cho ta là việc ta lại tránh né sự tranh tụng như thế này. Và rồi đây, các vị tỳ khưu ấy sẽ đi đến, ta đây bị lấn cấn bởi các vị ấy sẽ cư trú không thoải mái. Hay là ta nên đi trước?” Khi ấy, đại đức Revata Soreyya đã đi đến Saṅkassa.

Sau đó, các vị tỳ khưu trưởng lão đã đi đến Soreyya hỏi rằng:

- Đại đức Revata ở đâu?

Người ta đã nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Saṅkassa rồi.

Rồi đại đức Revata từ Saṅkassa đã đi Kaṇṇakujja. Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến Saṅkassa hỏi rằng:

- Đại đức Revata ở đâu?

Người ta đã nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Kaṇṇakujja rồi.

Rồi đại đức Revata từ Kaṇṇakujja đã đi Udumbara. Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến Kaṇṇakujja hỏi rằng:

- Đại đức Revata ở đâu?

Người ta đã nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Udumbara rồi.

Rồi đại đức Revata từ Udumbara đã đi thành phố Aggaḷa. Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến Udumbara hỏi rằng:

- Đại đức Revata ở đâu?

Người ta đã nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi thành phố Aggaḷa rồi.

Rồi đại đức Revata từ thành phố Aggaḷa đã đi Sahajāti. Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão đã đi đến thành phố Aggaḷa hỏi rằng:

- Đại đức Revata ở đâu?

Người ta đã nói như vầy:

- Vị đại đức Revata ấy đã đi Sahajāti rồi.

Rồi các tỳ khưu trưởng lão đã gặp được đại đức Revata ở Sahajāti.

[642] Khi ấy, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã nói với đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka điều này:

- Này sư đệ, đại đức Revata này là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta hỏi đại đức Revata câu hỏi, đại đức Revata có khả năng trình bày trọn đêm chỉ với một câu hỏi ấy. Và giờ đây, đại đức Revata sẽ gọi vị tỳ khưu đệ tử chuyên đọc tụng về âm từ. Khi chấm dứt phần đọc tụng về âm từ của vị tỳ khưu ấy, chính đệ nên đi đến gặp đại đức Revata và hỏi về mười sự việc ấy.

- Thưa ngài, xin vâng. Đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã trả lời đại đức Sambhūta Sāṇavāsī.

Sau đó, đại đức Revata đã gọi vị tỳ khưu đệ tử chuyên đọc tụng về âm từ. Khi chấm dứt phần đọc tụng về âm từ của vị tỳ khưu ấy, khi ấy đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Revata rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka đã nói với đại đức Revata điều này:

- Thưa ngài, quy định cất giữ muối trong ống sừng là được phép?

- Này sư đệ, quy định cất giữ muối trong ống sừng ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là mang theo muối bằng ống sừng (nghĩ rằng): “Ta sẽ thọ dụng vào trường hợp (thức ăn) thiếu muối,” có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định hai ngón tay là được phép?

- Này sư đệ, quy định hai ngón tay ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là thọ dụng vật thực sái giờ khi bóng nắng mặt trời (chiếu ở trên đất) đã dài hai ngón tay, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định trong làng là được phép?

- Này sư đệ, quy định trong làng ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là vị đã ăn xong đã được thỏa mãn (nghĩ rằng): “Bây giờ, ta sẽ đi vào trong làng” rồi thọ dụng thức ăn không phải là còn thừa, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định về chỗ trú ngụ là được phép?

- Này sư đệ, quy định về chỗ trú ngụ ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là nhiều trú xứ có chung ranh giới (sīmā) thực hiện lễ Uposatha (Bố Tát) riêng biệt, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định về sự thỏa thuận là được phép?

- Này sư đệ, quy định về sự thỏa thuận ấy là như thế nào?

- Thưa ngài là thực thi hành sự với hội chúng không đủ số lượng (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ thuyết phục các tỳ khưu đi đến,” có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định theo tập quán là được phép?

- Này sư đệ, quy định theo tập quán ấy là như thế nào?

- Thưa ngài là (vị nghĩ rằng): “Điều này đã được thực hành bởi thầy tế độ của ta, điều này đã được thực hành bởi thầy giáo thọ của ta” rồi thực hành theo, có được phép không?

- Này sư đệ, quy định theo tập quán có điều được phép, có điều không được phép.

- Thưa ngài, quy định chưa được khuấy là được phép?

- Này sư đệ, quy định chưa được khuấy ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, có loại sữa đã qua khỏi trạng thái sữa nhưng chưa đạt đến trạng thái sữa đông, vị đã ăn xong đã được thỏa mãn uống loại sữa ấy không phải là còn thừa lại (từ bữa ăn), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định uống nước trái cây lên men là được phép?

- Này sư đệ, quy định uống nước trái cây lên men ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là uống loại rượu vừa mới lên men nhưng chưa đạt đến trạng thái rượu mạnh.

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, quy định tọa cụ không có viền quanh là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, vàng bạc là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- Thưa ngài, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ấy ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc này. Thưa ngài, chúng ta hãy giải quyết sự tranh tụng này trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi.

- Này sư đệ, đúng vậy. Đại đức Revata đã trả lời đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[643] Các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã nghe rằng: “Nghe nói Yasa con trai của Kākaṇḍaka có ý định giải quyết sự tranh tụng này nên quy tụ thành nhóm, và nghe nói đã đạt được nhóm.” Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã khởi ý điều này: “Tranh sự này quả là khó khăn và tế nhị. Làm thế nào chúng ta có thể có được nhóm, nhờ thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn?” Rồi các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã khởi ý điều này: “Chính vị đại đức Revata này ngụ tại Soreyya là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta có thể đạt được đại đức Revata chung nhóm, như thế trong sự tranh tụng này chúng ta sẽ là lực lượng mạnh hơn.”

Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã chuẩn bị nhiều vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước. Sau đó, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã đem theo vật dụng cần thiết ấy của sa-môn đáp thuyền ngược giòng đi Sahajāti. Sau khi rời thuyền, họ tiến hành việc phân chia thức ăn ở gốc cây nọ.

[644] Khi ấy, đại đức Sāḷha trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng đã có tư tưởng suy tầm khởi lên như vầy: “Những ai là người nói đúng Pháp, các tỳ khưu ở về hướng đông hay là các tỳ khưu ở Pāvā?” Sau đó, đại đức Sāḷha trong khi quán xét về Pháp và Luật đã khởi ý điều này: “Các tỳ khưu ở về hướng đông là các vị nói Phi Pháp, các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp.”

Khi ấy, có vị trời nọ ở cõi Tịnh Cư dùng tâm biết được tư tưởng suy tầm của đại đức Sāḷha, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế, vị ấy đã biến mất giữa chư thiên ở cõi Tịnh Cư và hiện ra trước mặt đại đức Sāḷha. Khi ấy, vị trời ấy đã nói với đại đức Sāḷha điều này:

- Thưa ngài Sāḷha, đúng vậy. Các tỳ khưu ở về hướng đông là các vị nói Phi Pháp, các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp. Thưa ngài Sāḷha, chính vì điều ấy ngài hãy duy trì theo đúng Pháp.

- Này vị trời, ngay cả trước đây và bây giờ ta luôn duy trì theo đúng Pháp; nhưng ta không bộc lộ quan điểm cho đến khi nào ta được chỉ định trong sự tranh tụng này.

[645] Sau đó, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī sau khi cầm lấy số vật dụng cần thiết của sa-môn ấy đã đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã nói với đại đức Revata điều này:

- Thưa ngài, xin trưởng lão hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước.

- Này các đại đức, thôi đi. Ta đã đầy đủ ba y. Và đã không chịu thọ nhận.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu được hai mươi năm tên Uttara là thị giả của đại đức Revata. Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã đi đến gặp đại đức Uttara, sau khi đến đã nói với đại đức Uttara điều này:

- Xin đại đức Uttara hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước.

- Này các đại đức, thôi đi. Ta đã đầy đủ ba y. Và đã không chịu thọ nhận.

- Này đại đức Uttara, dân chúng thường dâng vật dụng cần thiết của sa-môn đến đức Thế Tôn. Nếu đức Thế Tôn thọ lãnh, chính vì điều ấy họ trở nên hoan hỷ. Nếu đức Thế tôn không thọ lãnh, họ dâng đến đại đức Ānanda: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn là bình bát, y phục, tọa cụ, ống đựng kim, dây buộc thân, đồ lọc nước, và bình lọc nước. Như thế sẽ xem như  vật ấy đã được đức Thế Tôn thọ lãnh.” Xin đại đức Uttara hãy nhận lấy vật dụng cần thiết của sa-môn; như thế sẽ xem như vật ấy đã được ngài trưởng lão thọ lãnh.

Khi ấy, đại đức Uttara bị ép buộc bởi các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã nhận lấy một y (nói rằng):

- Này các đại đức, hãy nói lý do về việc này.

- Xin đại đức Uttara hãy nói với ngài trưởng lão chỉ có một điều này: “Thưa ngài, xin ngài trưởng lão hãy nói giữa hội chúng chỉ có một điều này: ‘Chư Phật Thế Tôn đều sanh lên trong các quốc độ ở hướng đông. Các tỳ khưu ở về hướng đông là các vị nói đúng Pháp, còn các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói Phi Pháp’.”

- Này các đại đức, được rồi.

Rồi đại đức Uttara nghe theo các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã đi đến gặp đại đức Revata, sau khi đến đã nói với đại đức Revata điều này:

- Thưa ngài, xin ngài trưởng lão hãy nói giữa hội chúng chỉ có một điều này: “Chư Phật Thế Tôn đều sanh lên trong các quốc độ ở hướng đông. Các tỳ khưu ở về hướng Đông là các vị nói đúng Pháp, còn các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói Phi Pháp.”

- Này tỳ khưu, ngươi đã xúi giục ta trong việc Phi Pháp.

Vị trưởng lão đã đuổi đại đức Uttara đi.

Khi ấy, các tỳ khưu dòng dõi Vajji ở Vesālī đã nói với đại đức Uttara điều này:

- Này đại đức Uttara, ngài trưởng lão đã nói gì?

- Này các đại đức, chúng ta đã làm điều tầm bậy. Ngài trưởng lão đã đuổi tôi đi (nói rằng): “Này tỳ khưu, ngươi đã xúi giục ta trong việc Phi Pháp.”

- Này đại đức Uttara, không phải đại đức đã thâm niên hai mươi năm rồi hay sao?

- Này các đại đức, đúng vậy. Tuy nhiên, chúng ta hãy giữ sự nương tựa vào vị thầy.

[646] Sau đó, hội chúng có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã tụ hội lại. Khi ấy, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu chúng ta giải quyết sự tranh tụng này ở nơi đây, các tỳ khưu là những vị khởi sự có thể nêu lại vấn đề một lần nữa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này ở ngay tại nơi mà sự tranh tụng này đã sanh khởi.

Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã đi đến Vesālī.

Vào lúc bấy giờ, vị trưởng lão của hội chúng trên trái đất có tên Sabbakāmī đã tu lên bậc trên được một trăm hai mươi năm, là đệ tử của đại đức Ānanda, đang trú ở Vesālī. Khi ấy, đại đức Revata đã nói với đại đức Sambhūta Sāṇavāsī điều này:

- Này sư đệ, tôi sẽ đi đến trú xá nơi trưởng lão Sabbakāmī đang trú ngụ; vậy sư đệ nên đi đến gặp đại đức Sabbakāmī vào đúng lúc ấy để hỏi về mười sự việc ấy.

- Thưa ngài, xin vâng. Đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã đáp lại đại đức Revata.

Sau đó, đại đức Revata đã đi đến trú xá nơi trưởng lão Sabbakāmī đang trú ngụ. Chỗ nằm ngồi của đại đức Sabbakāmī được sếp đặt ở phòng trong, còn của đại đức Revata ở trước phòng. Khi ấy, đại đức Revata (nghĩ rằng): “Vị trưởng lão cao niên này không nằm” nên không nằm xuống. Đại đức Sabbakāmī (nghĩ rằng): “Vị tỳ khưu khách này đang mệt vẫn không nằm” nên đã không nằm xuống.

[647] Sau đó, trong đêm vào lúc gần sáng, đại đức Sabbakāmī đã trở ra và nói với đại đức Revata điều này:

- Này sư đệ mến, hiện nay ngươi thường xuyên an trú với sự an trú nào?

- Thưa ngài, hiện nay tôi thường xuyên an trú với sự an trú tâm từ.

- Này sư đệ mến, nghe nói hiện nay ngươi thường xuyên an trú với sự an trú tâm rộng lượng. Này sư đệ mến, sự an trú tâm rộng lượng ấy tức là tâm từ.

- Thưa ngài, trước đây khi tôi còn là người tại gia, tâm từ đã được thực hành. Vì thế, hiện nay tôi thường xuyên an trú với sự an trú tâm từ, hơn nữa tôi đã chứng đạt quả vị A-la-hán lâu nay. Thưa ngài, hiện nay ngài trưởng lão thường xuyên an trú với sự an trú nào?

- Này sư đệ mến, hiện nay ta thường xuyên an trú với sự an trú trạng thái không (suññatā)?

- Thưa ngài, nghe nói hiện nay ngài trưởng lão thường xuyên an trú với sự an trú của bậc đại nhân. Thưa ngài, sự an trú của bậc đại nhân ấy tức là trạng thái không.

- Này sư đệ mến, trước đây khi ta còn là người tại gia, trạng thái không đã được thực hành. Vì thế, ngay cả bây giờ ta thường xuyên an trú với sự an trú trạng thái không, hơn nữa ta đã chứng đạt quả vị A-la-hán lâu nay.

[648] Trong khi cuộc nói chuyện trao đổi này của hai vị tỳ khưu trưởng lão chưa chấm dứt, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã đến. Khi ấy, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã đi đến gặp đại đức Sabbakāmī, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Sabbakāmī rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī đã nói với đại đức Sabbakāmī điều này:

- Thưa ngài, các tỳ khưu dòng dõi Vajji này ở Vesālī truyền bá trong thành Vesālī mười sự việc: “Được phép cất giữ muối trong ống sừng, được phép ăn khi bóng mặt trời đã hai ngón tay, được phép đi vào làng rồi ăn thêm lần nữa, được phép hành lễ Uposatha riêng rẽ, được phép hành sự không đủ tỳ khưu, được phép thực hành theo tập quán, được phép uống sữa chua lúc quá ngọ, được phép uống nước trái cây lên men, được phép sử dụng tọa cụ không có viền quanh, được phép tích trữ vàng bạc.” Thưa ngài, ngài trưởng lão đã học tập được nhiều Pháp và Luật từ nơi thầy tế độ; thưa ngài, khi ngài trưởng lão quán xét về Pháp và Luật thì khởi ý thế nào? Những ai là người nói đúng Pháp, các tỳ khưu ở về hướng đông hay là các tỳ khưu ở Pāvā?

- Này sư đệ, ngươi cũng đã học tập được nhiều Pháp và Luật từ nơi thầy tế độ; này sư đệ, khi ngươi quán xét về Pháp và Luật thì khởi ý thế nào? Những ai là người nói đúng Pháp, là các tỳ khưu ở về hướng đông hay là các tỳ khưu ở Pāvā?

- Thưa ngài, khi tôi quán xét về Pháp và Luật thì khởi ý như vầy: “Các tỳ khưu ở về hướng đông là các vị nói Phi Pháp, các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp;” tuy nhiên tôi không bộc lộ quan điểm cho đến khi nào tôi được chỉ định trong sự tranh tụng này.

- Này đệ, ngay cả ta khi quán xét về Pháp và Luật cũng khởi ý như vầy: “Các tỳ khưu ở về hướng đông là các vị nói Phi Pháp, các tỳ khưu ở Pāvā là các vị nói đúng Pháp;” tuy nhiên ta không bộc lộ quan điểm cho đến khi nào ta được chỉ định trong sự tranh tụng này.

[649] Sau đó, hội chúng có ý muốn dàn xếp sự tranh tụng ấy đã tụ hội lại. Trong khi sự tranh tụng ấy đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Khi ấy, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Hội chúng đã chọn bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā. Đại đức Sabbakāmī, đại đức Sāḷha, đại đức Ujjasobhita, đại đức Vāsabhagāmika là (đại biểu) của các tỳ khưu ở hướng đông, đại đức Revata, đại đức Sambhūta Sāṇavāsī, đại đức Yasa con trai của Kākaṇḍaka, và đại đức Sumana là (đại biểu) của các tỳ khưu ở Pāvā.

Sau đó, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi sự tranh tụng này của chúng ta đang được xem xét, các lời bàn cãi bất tận được sanh khởi nhưng không một lời phát biểu nào có ý nghĩa. Hội chúng chỉ định bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Đại đức nào thỏa thuận sự chỉ định bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Bốn vị tỳ khưu ở hướng đông, bốn vị tỳ khưu ở Pāvā đã được hội chúng chỉ định để giải quyết sự tranh tụng này bằng đại biểu. Hội chúng thỏa thuận nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[650] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu được mười năm tên Ajita là vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi ấy, hội chúng cũng đã chỉ định đại đức Ajita là vị sắp xếp chỗ ngồi cho các tỳ khưu trưởng lão. Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này: “Chúng ta nên giải quyết sự tranh tụng này ở đâu?” Khi ấy, các tỳ khưu trưởng lão đã khởi ý điều này: “Tu viện Vālika này xinh xắn ít tiếng động, ít ồn ào; hay là chúng ta nên giải quyết sự tranh tụng này ở tu viện Vālika?

Sau đó, các tỳ khưu trưởng lão có ý muốn dàn xếp cuộc sự tranh tụng ấy đã đi đến tu viện Vālika.

[651] Khi ấy, đại đức Revata đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi đại đức Sabbakāmī về Luật.

Đại đức Sabbakāmī đã thông báo đến hội chúng rằng:

- Này các sư đệ, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, khi được đại đức Revata hỏi về Luật, tôi sẽ trả lời.

[652] Sau đó, đại đức Revata đã hỏi đại đức Sabbakāmī điều này:

- Thưa ngài, quy định cất giữ muối trong ống sừng là được phép?

- Này sư đệ, quy định cất giữ muối trong ống sừng ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là mang theo muối bằng ống sừng (nghĩ rằng): “Ta sẽ thọ dụng vào trường hợp (thức ăn) thiếu muối,” có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga (Bộ Phân Tích Giới Bổn).

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về vật thực đã được tích trữ.[3]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, sự việc thứ nhất này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ nhất này.

[653] - Thưa ngài, quy định hai ngón tay là được phép?

- Này sư đệ, quy định hai ngón tay ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là ăn vật thực sái giờ khi bóng nắng mặt trời (chiếu ở trên đất) đã dài hai ngón tay, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở thành Rājagaha, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về vật thực sái giờ.[4]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ hai này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ hai này.

[654] - Thưa ngài, quy định trong làng là được phép?

- Này sư đệ, quy định trong làng ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn (nghĩ rằng): “Bây giờ, ta sẽ đi vào trong làng” rồi thọ dụng thức ăn không phải là còn thừa, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về vật thực không phải là còn thừa.[5]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ ba này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ ba này.

[655] - Thưa ngài, quy định về chỗ trú ngụ là được phép?

- Này sư đệ, quy định về chỗ trú ngụ ấy là như thế nào?

- Thưa ngài là nhiều trú xứ có chung ranh giới (sīmā) thực hiện lễ Uposatha riêng biệt, có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Rājagaha, trong chương về Uposatha.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội dukkaṭa (tác ác) về việc vi phạm Luật.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ tư này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ tư này.

[656] - Thưa ngài, quy định về sự thỏa thuận là được phép?

- Này sư đệ, quy định về sự thỏa thuận ấy là như thế nào?

- Thưa ngài là thực thi hành sự với hội chúng không đủ số lượng (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ thuyết phục các tỳ khưu đi đến,” có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở trong câu chuyện về Luật của các vị ở Campā.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội dukkaṭa (tác ác) về việc vi phạm Luật.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ năm này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ năm này.

[657] - Thưa ngài, quy định theo tập quán là được phép?

- Này sư đệ, quy định theo tập quán ấy là như thế nào?

- Thưa ngài là (vị nghĩ rằng): “Điều này đã được thực hành bởi thầy tế độ của ta, điều này đã được thực hành bởi thầy giáo thọ của ta” rồi thực hành theo, có được phép không?

- Này sư đệ, quy định theo tập quán có điều được phép, có điều không được phép.

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ sáu này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ sáu này.

[658] - Thưa ngài, quy định chưa được khuấy là được phép?

- Này sư đệ, quy định chưa được khuấy ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, có loại sữa đã qua khỏi trạng thái sữa nhưng chưa đạt đến trạng thái sữa đông, vị đã ăn xong, đã được thỏa mãn, lại uống loại sữa ấy không phải còn thừa lại (từ bữa ăn), có được phép không?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về vật thực không phải là còn thừa.[6]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ bảy này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ bảy này.

[659] - Thưa ngài, quy định uống nước trái cây lên men là được phép?

- Này sư đệ, quy định uống nước trái cây lên men ấy là như thế nào?

- Thưa ngài, là uống loại rượu vừa mới lên men nhưng chưa đạt đến trạng thái rượu mạnh.

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Kosambī, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về việc uống rượu và chất say.[7]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ tám này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ tám này.

[660] - Thưa ngài, quy định tọa cụ không có viền quanh là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Sāvatthi, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về vật cần được cắt bỏ.[8]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ chín này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ chín này.

[661] - Thưa ngài, vàng bạc là được phép?

- Này sư đệ, không có được phép.

- (Việc ấy) được phủ quyết ở đâu?

- Ở Rājagaha, trong Suttavibhaṅga.

- (Làm việc ấy) phạm tội gì?

- Phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về việc thọ lãnh vàng bạc.[9]

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, vấn đề thứ mười này đã được hội chúng xác định. Như thế, sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư. Tôi để riêng thẻ thứ mười này.

[662] Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, mười vấn đề này đã được hội chúng xác định. Như thế, mười sự việc này không đúng Pháp, không đúng Luật, đi sái lời dạy của bậc Đạo Sư.

[663] - Này sư đệ, sự tranh tụng này đã được kết thúc, đã được yên lặng, đã được ổn thỏa, đã khéo được ổn thỏa. Này sư đệ, tuy nhiên sư đệ nên hỏi ta về mười sự việc này ở ngay giữa hội chúng để các tỳ khưu ấy cùng nhau hiểu rõ.

Sau đó, đại đức Revata đã hỏi đại đức Sabbakāmi về mười sự việc ấy ở ngay giữa hội chúng. Mỗi khi được hỏi, đại đức Sabbakāmi đã trả lời.

Trong cuộc kết tập về Luật này đã hiện diện bảy trăm vị tỳ khưu không thiếu và không dư. Do đó, cuộc kết tập về Luật này được gọi là “Liên quan bảy trăm vị.”

Chương Liên Quan Bảy Trăm Vị là chương thứ mười hai.
Trong chương này có hai mươi lăm sự việc.

*******

Tóm lược chương này:

[664]

Mười sự việc, làm đầy,
hành sự, cùng sứ giả,
đi vào, bốn điều nữa,
và vàng, Kosambī
và vị ở Pāvā,
đường đi Soreyya,
khu vực Saṅkassa,
vùng Kaṇṇakujja,
vùng Udumbara,
và Sahajāti,
rồi yêu cầu, đã nghe,
“Chúng ta nên làm gì?”
Thuyền ngược giòng, bình bát,
vị ở xa thanh vắng,
đem cho, vị thầy dạy,
hội chúng, Vesālī,
tâm bác ái, hội chúng,
các vị làm đại biểu.

Tiểu Phẩm được đầy đủ.

*******


[1] Mười điều này được ghi lại theo ý nghĩa, được giải thích rõ hơn ở phần dưới.

[2] Tam Tạng Thái Lan ghi là 80 vị, còn Tam Tạng Miến Điện và Tích Lan ghi là 88.

[3] Điều pācittiya (ưng đối trị) 38.

[4] Điều pācittiya (ưng đối trị) 37.

[5] Điều pācittiya (ưng đối trị) 35.

[6] Điều pācittiya (ưng đối trị) 35.

[7] Điều pācittiya (ưng đối trị) 51.

[8] Điều pācittiya (ưng đối trị) 89.

[9] Điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) 18.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005