Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật
Vinaya Pitaka

Tiểu Phẩm
Cullavagga

Tỳ khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


VI. CHƯƠNG SÀNG TỌA [1]
(SENĀSANAKKHANDHAKAṂ)

[198] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Vào lúc bấy giờ, chỗ trú ngụ chưa được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu. Và các tỳ khưu ấy cư ngụ ở nơi này nơi khác, ở trong rừng rậm, ở gốc cây, nơi sườn núi, nơi thung lũng, trong hang núi, nơi bãi tha ma, trong khu rừng thưa, nơi đồng trống, ở đống rơm. Các vị ấy, vào lúc sáng sớm, đã đi ra từ nơi này nơi khác, từ trong rừng rậm, từ gốc cây, từ sườn núi, từ thung lũng, từ trong hang núi, từ bãi tha ma, từ khu rừng thưa, từ đồng trống, từ đống rơm với nét tươi tỉnh khi đi tới đi lui, khi nhìn qua nhìn lại, khi co duỗi (tay chân), với đôi mắt nhìn xuống, được thành tựu về các oai nghi.

[199] Vào lúc bấy giờ, có nhà đại phú ở thành Rājagaha đã đi đến công viên vào lúc sáng sớm. Nhà đại phú thành Rājagaha đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy vào lúc sáng sớm đi ra từ nơi này nơi khác, từ trong rừng rậm, từ gốc cây, từ sườn núi, từ thung lũng, từ trong hang núi, từ bãi tha ma, từ khu rừng thưa, từ đồng trống, từ đống rơm với nét tươi tỉnh khi đi tới đi lui, khi nhìn qua nhìn lại, khi co duỗi (tay chân), với đôi mắt nhìn xuống, được thành tựu về các oai nghi. Sau khi nhìn thấy, tâm của vị ấy đã ngưỡng mộ. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Thưa các ngài, nếu tôi có thể cho xây dựng các trú xá, các ngài có thể cư ngụ trong các trú xá của tôi không?

- Này gia chủ, các trú xá chưa được đức Thế tôn cho phép.

- Thưa các ngài, chính vì điều ấy các ngài có thể hỏi đức Thế Tôn rồi báo cho tôi hay.

- Này gia chủ, đúng vậy.

Rồi các vị tỳ khưu ấy nghe theo nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, nhà đại phú ở thành Rājagaha có ý muốn cho xây dựng các trú xá. Bạch ngài, vậy chúng con nên thực hành như thế nào?

[200] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép năm loại chỗ trú ngụ là trú xá (vihāraṃ), nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), tòa nhà dài (pāsādaṃ), khu nhà lớn (hammiyaṃ), hang động (guhaṃ).

[201] Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha điều này:

- Này gia chủ, các trú xá đã được đức Thế Tôn cho phép. Bây giờ, gia chủ hãy biết là thời điểm của việc gì.

Sau đó, nhà đại phú thành Rājagaha đã cho dựng lên sáu mươi trú xá chỉ trong một ngày. Rồi sau khi hoàn tất sáu mươi trú xá ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nhà đại phú thành Rājagaha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của tôi vào ngày mai.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy nhà đại phú thành Rājagaha đã bảo chuẩn bị thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

[202] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, và đi đến tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi đã được sắp đặt cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nhà đại phú thành Rājagaha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, nhà đại phú thành Rājagaha đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nhà đại phú thành Rājagaha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, sáu mươi trú xá này đã được tôi cho xây dựng vì mục đích phước báu, vì mục đích cõi trời. Bạch ngài, tôi nên thực hành như thế nào về những trú xá này?

- Này gia chủ, chính vì điều ấy ngươi hãy cho thiết lập sáu mươi trú xá ấy dành cho hội chúng tứ phương hiện tại và vị lai.[2]

- Bạch ngài, xin vâng.

Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha nghe theo đức Thế Tôn đã thiết lập sáu mươi trú xá ấy dành cho hội chúng tứ phương hiện tại và vị lai. Sau đó, đức Thế Tôn đã tùy hỷ với nhà đại phú thành Rājagaha bằng những lời kệ này:

[203]

Chúng ngăn ngừa nóng lạnh
và các loài thú dữ,
các loài rắn, muỗi mòng,
luôn các cơn mưa lạnh (từ nơi ấy).
Cơn gió nóng dữ dội
sanh lên bị dội lại (từ nơi ấy).
Sự bố thí trú xá
đến hội chúng để hành
thiền định và minh sát
đem lại sự nương náu
đem lại sự an lạc
đã được chư Phật Đà
ngợi khen là tối thắng.
Vì thế người trí tuệ
thấy lợi ích cho mình
cho xây trú xá đẹp
để các bậc đa văn
có thể ngụ nơi ấy.
Nên cúng dường cơm nước
y áo, chỗ trú ngụ
đến các chân tu ấy
có tâm tư thanh tịnh.
Đến người, các vị thuyết
pháp xua mọi khổ đau
người thấy pháp đời này
không còn ô nhiễm nữa
và chứng ngộ Niết Bàn.

Sau khi tùy hỷ bằng những lời kệ ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[204] Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói các trú xá đã được đức Thế Tôn cho phép” rồi cho xây dựng các trú xá một cách hăng hái. Các trú xá ấy không có cửa nên các con rắn, các con bọ cạp, và các con rết bò vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) cửa.

Sau khi đục lỗ ở tường, họ đã buộc cánh cửa bằng dây leo và dây thừng. Các con chuột và các con mối đã gặm nhấm (dây buộc). Các cánh cửa có dây buộc đã bị gặm nhấm rơi xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) trụ cửa, rãnh xoay, và chốt xoay.

Các cánh cửa không sử dụng được. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) lỗ để luồn và dây thừng để luồn qua.

Các cánh cửa không đóng kín được. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) tay nắm, chốt gài, đinh khóa chốt, chốt phụ.

[205] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu không thể khóa cửa được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) lỗ khóa. Có ba loại khóa: khóa bằng đồng, khóa bằng gỗ, khóa bằng sừng.

Khi các vị mở cửa đi vào trong, các trú xá không được an toàn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) then cài, đinh khóa chốt.

[206] Vào lúc bấy giờ, các trú xá được lợp cỏ nên lạnh lẽo vào mùa lạnh, nóng nực vào mùa nóng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái, tô vữa bên trong và bên ngoài.

[207] Vào lúc bấy giờ, các trú xá không có cửa sổ nên không tốt cho mắt và có mùi hôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại cửa sổ: cửa sổ chấn song ngang, cửa sổ gắn lưới, cửa sổ chấn song dọc.

Các con sóc và dơi đi vào do các khe hở ở cửa sổ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) màn che cửa sổ.

Các con sóc và dơi đi vào do các khe hở của màn che. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (làm) cánh cửa sổ, tấm chắn cửa sổ.

[208] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nằm ở nền đất. Cơ thể và y bị bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thảm trải bằng cỏ.

Thảm trải bằng cỏ bị các con chuột và mối ăn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) bệ cứng.

Nằm trên bệ cứng, cơ thể bị ê ẩm. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) giường vạt tre.

[209] Vào lúc bấy giờ, giường lắp ráp dùng để khiêng xác chết được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) giường lắp ráp.

Ghế lắp ráp được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế lắp ráp.

[210] Vào lúc bấy giờ, giường xếp dùng để khiêng xác chết được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) giường xếp.

Ghế xếp được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế xếp.

[211] Vào lúc bấy giờ, giường có chân đẽo cong dùng để khiêng xác chết được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) giường có chân đẽo cong.

Ghế có chân đẽo cong được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế có chân đẽo cong.

[212] Vào lúc bấy giờ, giường có chân tháo rời được dùng để khiêng xác chết được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) giường có chân tháo rời được.

Ghế có chân tháo rời được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế có chân tháo rời được.

[213] Vào lúc bấy giờ, ghế gỗ vuông (āsandika) được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế gỗ vuông.

Ghế gỗ vuông loại cao được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) luôn cả ghế vuông loại cao.

Ghế dựa dài (sattaṅgo) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế dựa dài.

Ghế dựa dài loại cao được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) luôn cả ghế dựa dài loại cao.

Ghế làm bằng các thanh ráp lại (bhaddapīṭhaṃ) được phát sanh. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế làm bằng các thanh ráp lại.

Ghế lót vải (pīṭhikā) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế lót vải.

Ghế có chỗ gác chân (eḷakapādakaṃ pīṭhaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế có chỗ gác chân.

Ghế có nhiều chân (āmalakavaṭṭikaṃ pīṭhaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế có nhiều chân.

Tấm ván (phalakaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm ván.

Ghế mây (kocchaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế mây.

Ghế lót rơm (palālapīṭhaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ghế lót rơm.

[214] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nằm ở giường cao. Dân chúng trong khi đi dạo quanh trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên nằm giường cao; vị nào nằm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[215] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong khi nằm ở giường thấp đã bị rắn cắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khung giường (mañcapaṭipādakaṃ).

[216] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng khung giường loại cao. Các vị đu đưa với các khung giường loại cao. Dân chúng trong khi đi dạo quanh trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng khung giường loại cao; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép khung giường cao tối đa tám ngón tay.

[217] Vào lúc bấy giờ, chỉ sợi được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đan chỉ ở giường.

Các góc tốn nhiều chỉ. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xuyên qua ở các góc và dệt chéo ô nhỏ.

Mảnh vải (coḷakaṃ) được phát sanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng làm thảm lót nền.

Bông gòn (tūlikā) được phát sanh. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tháo ra dùng làm gối. Có ba loại bông gòn: bông gòn từ cây, bông gòn từ dây leo, bông gòn từ cỏ.

[218] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng gối dài nửa thân người. Dân chúng trong khi đi dạo quanh trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- ...(như trên)... giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

...(như trên)... Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng gối dài nửa thân người; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện gối có kích thước của cái đầu.

[219] Vào lúc bấy giờ, có lễ hội trên đỉnh núi ở thành Rājagaha. Dân chúng chuẩn bị nhiều nệm để phục vụ các quan đại thần: nệm len, nệm vải, nệm sợi vỏ cây, nệm cỏ, nệm lá. Khi lễ hội đã xong, họ tháo lấy các bao nệm rồi đem đi. Các tỳ khưu đã nhìn thấy tại chỗ lễ hội nhiều sợi len, sợi vải, sợi từ vỏ cây, cỏ, và lá bị quăng bỏ, sau khi nhìn thấy các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép năm loại nệm: nệm len, nệm vải, nệm sợi vỏ cây, nệm cỏ, nệm lá.

[220] Vào lúc bấy giờ, vải phụ tùng của giường ghế được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) để bọc nệm.

[221] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trải nệm của giường ở ghế, trải nệm của ghế ở giường. Các nệm bị rời ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giường được bọc nệm (onaddhamañcaṃ), ghế được bọc nệm (onaddhapīṭhaṃ).

Các vị trải lên nhưng không làm tấm lót nên đã bị rơi ra từ bên dưới. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm tấm lót (bên dưới), trải đều ra, rồi bọc nệm.

Họ tháo bao nệm rồi lấy đem đi. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bôi màu (phosituṃ).

Họ vẫn lấy đem đi. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép việc thực hiện các đường vẽ (bhittikammaṃ).

Họ vẫn lấy đem đi. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các đường vẽ bằng bàn tay (hatthabhittiṃ).

[222]. Vào lúc bấy giờ, các chỗ nằm của các ngoại đạo có màu trắng, nền được làm màu đen, tường được trét màu đỏ. Số đông dân chúng đi đến để ngắm các chỗ nằm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sơn) màu trắng, màu đen, trét màu đỏ ở trú xá.

[223] Vào lúc bấy giờ, màu trắng không bám được ở tường bị lồi lõm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép để các nắm vỏ trấu vào, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu trắng lên.

Màu trắng không dính chặt vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép để đất sét dẻo vào, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu trắng lên.

Màu trắng không dính chặt vào. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng nhựa cây, bột nghiền.

[224] Vào lúc bấy giờ, màu đỏ không bám được ở tường bị lồi lõm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép để các nắm vỏ trấu vào, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu đỏ lên.

Màu đỏ không dính chặt vào. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng đất sét trộn với cám đỏ, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu đỏ lên.

Màu đỏ không dính chặt vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng bột trái mù tạt (sāsapakuṭṭaṃ), dầu sáp ong.

(Chất ấy) bị đóng thành từng cục. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng miếng giẻ để chùi.

[225] Vào lúc bấy giờ, màu đen không bám được ở nền đất bị lồi lõm. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép để các nắm vỏ trấu vào, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu đen lên.

Màu đen không dính chặt vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng đất sét trộn với phân trùn, dùng cái bay gạt bằng, rồi bôi màu đen lên.

Màu đen không dính chặt vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng nhựa cây, chất làm đông (kasāvaṃ).

[226] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục sư bảo thực hiện hình ảnh gợi cảm ở trú xá: hình ảnh người nữ, hình ảnh người nam. Dân chúng trong khi đi dạo quanh trú xá nhìn thấy rồi phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- …(như trên)… giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên bảo thực hiện hình ảnh gợi cảm ở trú xá: hình ảnh người nữ, hình ảnh người nam; vị nào bảo thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại.

[227] Vào lúc bấy giờ, các trú xá có nền thấp nên bị ngập nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm nền cao.

Nền móng bị đổ xuống. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng ba loại nền móng: nền móng bằng gạch, nền móng bằng đá, nền móng bằng gỗ.

Các vị bị khó khăn trong khi trèo lên. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bậc thang: bậc thang bằng gạch, bậc thang bằng đá, bậc thang bằng gỗ.

Các vị bị té trong khi bước lên bậc thang. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) lan can để vịn.

[228] Vào lúc bấy giờ, các trú xá trở thành nơi công động, đông đảo người. Các tỳ khưu ái ngại khi nằm xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) màn che.

Họ vén màn che lên nhìn vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) bức tường thấp.

Họ nhìn vào từ phía trên của bức tường thấp. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) ba loại phòng: phòng vuông, phòng chữ nhật, phòng ở trên gác xép.

[229] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu làm phòng ở chính giữa trong trú xá nhỏ. Lối vào không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) phòng ở một bên trong trú xá nhỏ, ở chính giữa trong trú xá lớn.

[230] Vào lúc bấy giờ, chân tường của trú xá bị hư hỏng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cây gỗ áp vào.

Tường của trú xá bị thấm nước mưa. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm chắn bảo vệ, vữa hồ.[3]

[231] Vào lúc bấy giờ, rắn từ mái cỏ rơi xuống trên vai của vị tỳ khưu nọ. Bị hoảng sợ, vị ấy đã kêu thét lên. Các tỳ khưu đã chạy lại và nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, vì sao đại đức đã kêu thét lên vậy?

Khi ấy, vị ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) vòm che ở mái.

[232] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu treo các túi ở chân giường và ở cả chân ghế nữa. Chúng đã bị các con chuột và mối ăn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) chốt đinh ở tường, móc ngà voi.

[233] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu để y ở trên giường và ở cả trên ghế nữa. Y bị rách thành miếng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) sào máng y, dây treo y ở trú xá.

[234] Vào lúc bấy giờ, các trú xá không có các mái hiên nên không che chắn (ánh nắng) được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) mái hiên, sân có mái che, sân ở phía trong, hàng hiên có mái che.

Các mái hiên trở thành nơi công cộng. Các tỳ khưu ái ngại khi nằm xuống. …(như trên)…    

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) màn che di chuyển bằng bánh xe, màn che loại kéo lên.

[235] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong khi tiến hành việc phân phối bữa ăn ở ngoài trời bị mệt mỏi vì lạnh, vì nóng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (xây dựng) phòng hội họp.

Phòng hội họp có nền thấp nên bị ngập nước. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm nền cao.

Nền móng bị đổ xuống. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng ba loại nền móng: nền móng bằng gạch, nền móng bằng đá, nền móng bằng gỗ.

Các vị bị khó khăn trong khi trèo lên. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bậc thang: bậc thang bằng gạch, bậc thang bằng đá, bậc thang bằng gỗ.

Các vị bị té trong khi bước lên bậc thang. …(như trên) …

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) lan can để vịn.

Rác cỏ và bụi bặm rơi vào trong phòng hội họp. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái và thực hiện việc tô vữa bên trong và bên ngoài, việc sơn màu trắng, sơn màu đen, trét màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại, sào máng y, dây treo y.

[236] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu phơi y trên nền đất ở ngoài trời. Y bị dơ bẩn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) sào máng y, dây treo y ở ngoài trời.

…(như trên)… Nước uống bị nắng sưởi ấm. …(như trên)…

­- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) nhà nước uống (pānīyasālaṃ), mái che chỗ nước uống (pānīyamaṇḍapaṃ).

Nhà nước uống có nền thấp nên bị ngập nước. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm nền cao.

Nền móng bị đổ xuống. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng ba loại nền móng: nền móng bằng gạch, nền móng bằng đá, nền móng bằng gỗ.

Các vị bị khó khăn trong khi trèo lên. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bậc thang: bậc thang bằng gạch, bậc thang bằng đá, bậc thang bằng gỗ.

Các vị bị té trong khi bước lên bậc thang. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) lan can để vịn.

Rác cỏ rơi vào trong nhà nước uống. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái và thực hiện việc tô vữa bên trong và bên ngoài, việc sơn màu trắng, sơn màu đen, trét màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại, sào máng y, dây treo y.

Tô uống nước không có. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vỏ sò để uống nước, cốc để uống nước.

[237] Vào lúc bấy giờ, các trú xá không được rào lại. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép rào quanh ba loại hàng rào: hàng rào bằng gạch, hàng rào bằng đá, và hàng rào bằng gỗ.

Cổng ra vào không có. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cổng ra vào.

Cổng ra vào có nền thấp nên bị ngập nước. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm nền cao.

Cổng ra vào không có cửa. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) cửa, trụ cửa, rãnh xoay, chốt xoay, tay nắm, chốt gài, đinh khóa chốt, chốt phụ, lỗ khóa, lỗ để xỏ dây, dây thừng để luồn qua.

Rác cỏ rơi ở nơi cổng ra vào. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái và thực hiện việc tô vữa bên trong và bên ngoài, việc sơn màu trắng, sơn màu đen, trét màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại.

[238] Vào lúc bấy giờ, căn phòng bị ẩm ướt. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép rải cát.

Các vị làm không có kết quả. …(như trên)…

-Này các tỳ khưu, ta cho phép trải đá phiến.

Nước còn đọng lại. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (đào) rãnh thoát nước.

[239] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu thực hiện chỗ đốt lửa ở nơi này nơi nọ trong căn phòng. Căn phòng bị rác bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (xây dựng) nhà để đốt lửa ở một bên.

Nhà để đốt lửa có nền thấp nên bị ngập nước. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm nền cao.

Nền móng bị đổ xuống. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xây dựng ba loại nền móng: nền móng bằng gạch, nền móng bằng đá, nền móng bằng gỗ.

Các vị bị khó khăn trong khi trèo lên. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bậc thang: bậc thang bằng gạch, bậc thang bằng đá, bậc thang bằng gỗ.

Các vị bị té trong khi bước lên bậc thang. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) lan can để vịn.

Nhà để đốt lửa không có cửa. …(như trên)…

-Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) cửa, trụ cửa, rãnh xoay, chốt xoay, tay nắm, chốt gài, đinh khóa chốt, chốt phụ, lỗ khóa, lỗ để xỏ dây, dây thừng để luồn qua.

Rác cỏ rơi vào trong nhà để đốt lửa. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái và thực hiện việc tô vữa bên trong và bên ngoài, việc sơn màu trắng, sơn màu đen, trét màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại, sào máng y, dây treo y.

Vào lúc bấy giờ, tu viện không được rào lại. Các con dê và súc vật phá hoại cây cối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bao bọc quanh bằng ba loại rào ngăn: rào ngăn bằng tre, rào ngăn bằng cây gai, và hào rãnh.

Cổng ra vào không có. Chính vì như thế, các con dê và súc vật lại phá hoại cây cối. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cổng ra vào, hai cánh cửa gắn nhánh cây có gai, vòm cổng, và móc khóa.

Rác cỏ rơi ở nơi cổng ra vào. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép che kín mái và thực hiện việc tô vữa bên trong và bên ngoài, việc sơn màu trắng, sơn màu đen, trét màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại.

Tu viện bị ngập nước. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép rải cát.

Các vị làm không có kết quả. …(như trên)…

-Này các tỳ khưu, ta cho phép trải đá phiến.

Nước còn đọng lại. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (đào) rãnh thoát nước.

[240] Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha có ý định cho xây dựng tòa nhà dài có tô vữa hồ đất sét nhằm sự lợi ích cho hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu khởi ý điều này: “Mái che loại nào đã được đức Thế Tôn cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép năm loại mái che: mái che lợp ngói, mái che lợp đá phiến, mái che bằng vữa hồ, mái che lợp cỏ, mái che lợp lá.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[241] Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có người vợ là em gái của nhà đại phú ở thành Rājagaha. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến thành Rājagaha vì công việc cần làm nào đó.

[242] Vào lúc bấy giờ, nhà đại phú thành Rājagaha đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày hôm sau. Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng:

- Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.

[243] Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã khởi ý điều này: “Trước đây mỗi khi ta đến, gia chủ này bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông ta có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: ‘Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.’ Không lẽ vào ngày mai gia chủ này có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?

[244] Khi ấy, sau khi sai bảo đám tôi tớ và các người làm công xong, nhà đại phú thành Rājagaha đã đi đến gặp gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi đến đã chào hỏi gia chủ Anāthapiṇḍika rồi ngồi xuống ở một bên. Gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với nhà đại phú thành Rājagaha đang ngồi một bên điều này:

- Này gia chủ, trước đây mỗi khi ta đến, ông bỏ hết mọi công việc và đã trò chuyện với mình ta thôi. Sao hôm nay ông có vẻ khẩn trương đã sai bảo đám tôi tớ và các người làm công rằng: “Này các người, chính vì việc ấy các người phải thức dậy thật sớm, nấu cháo, nấu thức ăn, chuẩn bị các món canh, chuẩn bị các món ăn ngon.” Này gia chủ, không lẽ vào ngày mai ông có đám rước dâu, hay là có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ cúng tế, hay là có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh?

- Này gia chủ, không phải tôi có đám rước dâu, cũng không có đám đưa dâu, cũng không có mời thỉnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha cùng với đội quân binh, nhưng mà tôi sắp xếp cho buổi đại lễ cúng dường vào ngày mai. Hội chúng có đức Phật đứng đầu đã được thỉnh mời.

- Này gia chủ, có phải ngươi nói: “Đức Phật”?

- Ồ gia chủ, tôi nói là: “Đức Phật.”

- Này gia chủ, có phải ngươi nói: “Đức Phật”?

- Ồ gia chủ, tôi nói là: “Đức Phật.”

- Này gia chủ, có phải ngươi nói: “Đức Phật”?

- Ồ gia chủ, tôi nói là: “Đức Phật.”

- Này gia chủ, cái âm này thật khó được nghe ở thế gian, đó là từ: “Đức Phật.” Này gia chủ, vào giờ này ta có thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không vậy?

- Này gia chủ, không phải lúc rồi; giờ này không thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đâu. Để đến sáng sớm ngày mai, dượng sẽ đi đến để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác vậy.

[245] Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): “Sáng sớm ngày mai, ta sẽ đi đến để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác vậy” rồi đã nằm xuống với niệm tưởng về đức Phật. Ông đã thức giấc trong đêm ba lần, nghĩ rằng trời đã sáng. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến cửa thành dẫn đến khu rừng Sīta. Các phi nhân đã mở cửa thành. Khi ấy, ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika khi đang đi ra khỏi thành, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui.

[246] Khi ấy, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình đã nói lời rằng:

- Trăm voi( và) trăm ngựa,
trăm xe kéo bởi lừa,
trăm ngàn cô thiếu nữ
điểm trang ngọc, hoa tai,
mười sáu lần như thế
không bằng một bước đi
.

Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Việc bước tới thì tốt đẹp cho người, không có việc quay lui.

[247] Khi ấy, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Việc đã sanh khởi cho gia chủ Anāthapiṇḍika là nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng, việc ấy đã được lắng xuống.

Đến lần thứ nhì, …như trên…

Đến lần thứ ba, ánh sáng đã biến mất, bóng tối đã xuất hiện. Nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika, chính vì thế đã có ý muốn quay trở lui. Đến lần thứ ba, dạ xoa Sīvaka không có hiện hình đã nói lời rằng:

- Trăm voi( và) trăm ngựa,
trăm xe kéo bởi lừa,
trăm ngàn cô thiếu nữ
điểm trang ngọc, hoa tai,
mười sáu lần như thế
không bằng một bước đi
.

Này gia chủ hãy bước tới, này gia chủ hãy bước tới. Việc bước tới thì tốt đẹp cho người, không có việc quay lui.

Đến lần thứ ba, bóng tối đã biến mất và ánh sáng đã hiện ra. Việc đã sanh khởi cho gia chủ Anāthapiṇḍika là nỗi sợ hãi, run rẩy, lông tóc dựng đứng, việc ấy đã được lắng xuống. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến khu rừng Sīta.

[248] Vào lúc bấy giờ, sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đi kinh hành ở ngoài trời. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gia chủ Anāthapiṇḍika ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã rời đường kinh hành đi đến ngồi ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này:

- Này Sudatta, hãy đi đến.

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn gọi ta bằng tên” nên đã mừng rỡ, phấn chấn đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chắc hẳn rằng đức Thế Tôn đã nghỉ ngơi được thoải mái?

[249]

- Đúng thế, kẻ Phạm hạnh
đã chứng ngộ Niết Bàn
luôn nghỉ ngơi thoải mái.
Người không vấy tình dục
bình thản, không chấp thủ,
khi đoạn lìa các dục
vị ấy điều phục được
các nỗi khổ trong tâm,
tĩnh lặng, nằm thoải mái
tâm chứng đạt Niết Bàn.

[250] Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Anāthapiṇḍika. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gia chủ Anāthapiṇḍika đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.[4] Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Anāthapiṇḍika: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

[251] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[252] Nhà đại phú thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, nhà đại phú thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này:

- Này gia chủ, nghe nói dượng đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và dượng lại là khách vãng lai. Này gia chủ, tôi cho dượng tài chánh; nhờ đó dượng có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.

- Này gia chủ, tôi có đủ tài chánh; với số tài chánh ấy tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu .

[253] Vị thị trưởng thành Rājagaha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này:

- Này gia chủ, nghe nói ông đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và ông lại là khách vãng lai. Này gia chủ, ta sẽ cho ông tài chánh; nhờ đó ông có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.

- Thưa ngài, tôi có đủ tài chánh; với số tài chánh ấy tôi sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.

[254] Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói gia chủ Anāthapiṇḍika đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này:

- Này gia chủ, nghe nói ngươi đã thỉnh mời hội chúng có đức Phật đứng đầu vào ngày mai và ngươi lại là khách vãng lai. Này gia chủ, trẫm sẽ giúp cho ngươi tài chánh; nhờ đó ngươi có thể thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.

- Tâu bệ hạ, thần có đủ tài chánh; với số tài chánh ấy thần sẽ thực hiện buổi trai phạn dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu.

[255] Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm tại tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của nhà đại phú thành Rājagaha, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Anāthapiṇḍika đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về việc an cư mùa mưa tại thành Sāvatthi cùng với hội chúng tỳ khưu.

- Này gia chủ, các đấng Như Lai chỉ thỏa thích ở trú xứ thanh vắng.

- Bạch Thế Tôn, con đã biết rõ. Bạch Thiện Thệ, con đã biết rõ.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Anāthapiṇḍika bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[256] Vào lúc bấy giờ, gia chủ Anāthapiṇḍika có nhiều bạn bè, có nhiều cộng sự, có lời nói uy tín. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika sau khi hoàn tất công việc cần làm ấy ở thành Rājagaha đã ra đi trở về thành Sāvatthi. Sau đó, trên đường đi gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo với dân chúng rằng:

- Quý vị ơi, hãy xây dựng các tu viện, hãy cho thiết lập các trú xá, hãy chuẩn bị các vật cúng dường. Giờ đây, đức Phật đã xuất hiện ở trên đời. Và đức Thế Tôn ấy được tôi thỉnh mời sẽ đi đến bằng con đường này.

Khi ấy, đám người ấy được cổ vũ bởi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xây dựng các tu viện, đã cho thiết lập các trú xá, và đã chuẩn bị các vật cúng dường.

Sau đó, khi đã về đến thành Sāvatthi gia chủ Anāthapiṇḍika đã xem xét quanh thành Sāvatthi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.” Gia chủ Anāthapiṇḍika đã nhìn thấy khu vườn của vương tử Jeta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vương tử Jeta, sau khi đến đã nói với vương tử Jeta điều này:

- Thưa công tử, hãy cho tôi khu vườn để xây dựng tu viện.

- Này gia chủ, khu vườn không thể cho mặc dù với việc trải ra mười triệu (koṭisantharena).

- Thưa công tử, khu vườn đã được bán.

- Này gia chủ, khu vườn chưa được bán.

Họ đã hỏi các viên đại thần lo việc xử án rằng:

- (Khu vườn) đã được bán hay chưa được bán?

Các viên quan đại thần đã nói như vầy:

- Thưa công tử, bởi vì giá cả đã được ngài quy định nên khu vườn đã được bán.

Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo chở tiền vàng lại bằng các xe kéo và cho trải ra mười triệu tiền vàng ở Jetavana (khu rừng của Jeta). Tiền vàng chở lại một lần ấy còn thiếu cho khoảng trống nhỏ xung quanh cổng ra vào. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã bảo dân chúng rằng:

- Này các người, hãy đi, hãy đem tiền vàng lại. Chúng ta sẽ trải lên khoảng trống này.

Khi ấy, vương tử Jeta đã khởi ý điều này: “Theo như cách vị gia chủ này hy sinh nhiều tiền vàng đến như vầy thì việc này sẽ không là tầm thường đâu” nên đã nói với gia chủ Anāthapiṇḍika điều này:

- Này gia chủ, được rồi, ông không cần phải trải lên khoảng trống này nữa. Hãy cho ta khoảng trống đó. Việc bố thí ấy sẽ là của ta.

Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika (nghĩ rằng): “Vương tử Jeta này thông minh, nhiều người biết tiếng, niềm tin trong Pháp và Luật này của những người có danh tiếng như thế quả là điều kỳ diệu lớn lao!” nên đã nhường khoảng trống đó cho vương tử Jeta. Sau đó, vương tử Jeta đã cho dựng lên cổng ra vào ở khoảng trống đó.

Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho xây dựng ở Jetavana các trú xá, đã cho xây dựng các căn phòng, đã cho xây dựng các cổng ra vào, đã cho xây dựng các phòng hội họp, đã cho xây dựng các nhà để đốt lửa, đã cho xây dựng các nhà làm thành được phép, đã cho xây dựng các nhà vệ sinh, đã cho xây dựng các đường kinh hành, đã cho xây dựng các gian nhà ở các đường kinh hành, đã cho xây dựng các giếng nước, đã cho xây dựng các gian nhà ở các giếng nước, đã cho xây dựng các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các gian nhà ở các phòng tắm hơi, đã cho xây dựng các hồ trữ nước, đã cho xây dựng các mái che.

[257] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích đã lên đường đi về phía thành Vesālī. Trong khi tuần tự du hành ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi đó ở Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra.

[258] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thực hiện công trình mới một cách cẩn thận. Ngay cả các tỳ khưu phụ trách công trình mới cũng được phục vụ một cách chu đáo với vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.

[259] Khi ấy, có người thợ may nghèo nọ đã khởi ý điều này: “Theo như cách những người này thực hiện công trình mới một cách cẩn thận như vầy thì việc này sẽ không là tầm thường đâu; hay là ta cũng nên thực hiện công trình mới vậy?” Sau đó, người thợ may nghèo ấy đã đích thân trộn hồ, gắn liền các viên gạch, rồi xây lên các bức tường. Các viên gạch được ông ta gắn liền không khéo léo nên bức tường bị cong rồi đổ xuống.

Đến lần thứ nhì, …(như trên)…

Đến lần thứ ba, người thợ may nghèo ấy đã đích thân trộn hồ, gắn liền các viên gạch, rồi xây lên các bức tường. Các viên gạch được ông ta gắn liền không khéo léo nên bức tường bị cong rồi đổ xuống. Khi ấy, người thợ may nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Người ta cúng dường vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh đến các sa-môn Thích tử này nên các vị chỉ bảo, hướng dẫn họ, và phụ trách công trình mới của họ. Trái lại, tôi thì nghèo nên không ai chỉ bảo, hướng dẫn tôi, hay phụ trách công trình mới (của tôi).

Các tỳ khưu đã nghe được người thợ may nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giao công trình mới. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu là vị phụ trách công trình mới sẽ thể hiện sự tích cực (suy nghĩ rằng): “Có cách gì để trú xá có thể đạt đến việc hoàn thành nhanh chóng?” và sẽ sửa chữa chỗ bị đổ vỡ và hư hỏng. Và này các tỳ khưu, nên giao như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu. Sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc giao công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đến vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Công trình mới là trú xá của gia chủ tên (như vầy) đã được giao đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[260] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại thành Vesālī theo như ý thích đã lên đường đi về phía thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đi theo phía sau hội chúng có đức Phật dẫn đầu,[5] vì các trú xá đã bị giành phần và các chỗ nằm đã bị giành phần, trong lúc không có chỗ nằm đã ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn thức dậy đã đằng hắng. Đại đức Sāriputta cũng đã đằng hắng.

- Ai ở đàng kia vậy?

- Bạch Thế Tôn, con là Sāriputta.

- Này Sāriputta, vì sao ngươi lại ngồi ở đây?

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[261] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta,” có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các trú xá, giành phần các chỗ nằm (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.” Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị nào xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất?

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi vua chúa vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi Bà-la-môn vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào xuất gia từ dòng dõi gia chủ vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào chuyên về Kinh vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào rành rẽ về Luật ...(như trên)...

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào là Pháp sư vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào đạt sơ thiền vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào đạt nhị thiền vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào đạt tam thiền ...(như trên)...

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào đạt tứ thiền vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Nhập Lưu (Sotāpanno) vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Nhất Lai (Sakadāgāmī) …(như trên)…

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Bất Lai (Anāgāmī) …(như trên)…

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc A-la-hán (Arahā) vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Tam Minh (Tevijjo) vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

Một số tỳ khưu đã đáp như vầy:

- Bạch Thế Tôn, vị nào là bậc Lục Thông (Chaḷabhiñño) vị ấy xứng đáng chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất.

[262] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trước đây ở sườn núi của Hy Mã Lạp Sơn có cây đa cổ thụ. Có ba bạn hữu là con chim đa đa, con khỉ, và con long tượng đã sống nương tựa vào cây ấy. Chúng đã sống không có sự kính trọng, không có sự phục tùng, không có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, sau đó ba bạn hữu ấy đã khởi ý điều này: “Này, chúng ta nên biết ai trong chúng ta là lớn nhất tính theo sự sinh ra để chúng ta có thể tôn trọng, có thể kính nể, có thể quý mến, có thể phục vụ vị ấy, và chúng ta có thể tồn tại trong sự giáo huấn của vị ấy.”

Này các tỷ kheo, khi ấy con chim đa đa và con khỉ đã hỏi con long tượng rằng:

- Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?

- Hai bạn à, khi tôi còn nhỏ tôi thường để cây đa này ở giữa hai chân rồi bước qua, ngọn cây chạm vào bụng của tôi. Hai bạn à, đó là điều tôi nhớ được về thời xa xưa.

Này các tỷ kheo, sau đó con chim đa đa và con long tượng đã hỏi con khỉ rằng:

- Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?

- Hai bạn à, khi tôi còn nhỏ tôi thường ngồi trên nền đất nhai đọt non của cây đa này. Hai bạn à, đó là điều tôi nhớ được về thời xa xưa.

Này các tỷ kheo, sau đó con khỉ và con long tượng đã hỏi con chim đa đa rằng:

- Này bạn, bạn nhớ gì về thời xa xưa?

- Hai bạn à, ở khu vực kia có cây đa cổ thụ. Tại đó, tôi đã ăn trái cây rồi đại tiện ở chỗ này, cây ấy sanh ra cây đa này. Hai bạn à, như thế tính theo sự sinh ra thì tôi là lớn nhất.

Này các tỳ khưu, sau đó con khỉ và con long tượng đã nói với con chim đa đa điều này:

- Bạn à, bạn là lớn nhất tính theo sự sinh ra. Chúng tôi sẽ tôn trọng, sẽ kính nể, sẽ quý mến, sẽ phục vụ bạn, và chúng tôi có thể sinh tồn trong sự giáo huấn của bạn.

Này các tỳ khưu, sau đó con chim đa đa đã cho con khỉ và con long tượng thọ trì năm giới, và bản thân nó cũng thọ trì và thực hành theo năm giới. Chúng đã sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, có thái độ quan tâm lẫn nhau, đến khi hoại rã thân này chết đi, chúng đã sanh về chốn an vui là cõi trời. Này các tỳ khưu, con chim đa đa ấy đã nổi danh là bậc hành Phạm hạnh.

[263]     

Những người rành rẽ Pháp,
tôn kính bậc cao niên
kiếp này được khen ngợi
kiếp sau sanh về trời.

Này các tỳ khưu, ngay cả các chúng sanh là các con thú ấy còn sinh sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, và có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, ở đây các ngươi hãy làm rạng rỡ việc các ngươi xuất gia làm sa-môn trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi nên sống có sự kính trọng, có sự phục tùng, và có thái độ quan tâm lẫn nhau. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép việc đảnh lễ, việc đứng dậy chào, hành động chắp tay, hành động thích hợp, chỗ ngồi tốt nhất, nước uống tốt nhất, vật thực tốt nhất tính theo thâm niên. Này các tỳ khưu, việc liên quan đến hội chúng được tính theo thâm niên là điều không được xâm phạm; vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[264] Này các tỳ khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ: Vị tu lên bực trên sau không nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên trước, vị chưa tu lên bậc trên không nên được đảnh lễ, vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói sai Pháp không nên được đảnh lễ, phụ nữ không nên được đảnh lễ, người vô căn không nên được đảnh lễ, vị thực hành hành phạt parivāsa không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng hành phạt mānatta không nên được đảnh lễ, vị thực hành hành phạt mānatta không nên được đảnh lễ, vị xứng đáng sự giải tội không nên được đảnh lễ. Này các tỳ khưu, đây là mười hạng không nên được đảnh lễ.

Này các tỳ khưu, đây là ba hạng nên được đảnh lễ: Vị tu lên bực trên trước nên được đảnh lễ bởi vị tu lên bậc trên sau, vị thâm niên hơn thuộc nhóm cộng trú khác nói đúng Pháp nên được đảnh lễ, này các tỳ khưu, trong thế gian gồm có chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác nên được đảnh lễ bởi các chúng sanh gồm có sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, và nhân loại. Này các tỳ khưu, đây là ba trường hợp nên được đảnh lễ.

[265] Vào lúc bấy giờ, dân chúng chuẩn bị mái che, chuẩn bị thảm trải, chuẩn bị chỗ trống dành riêng cho hội chúng. Các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Chính việc liên quan đến hội chúng mới được đức Thế Tôn cho phép tính theo thâm niên, chứ không phải việc được làm để dành riêng (cho hội chúng)” rồi đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu rồi giành phần các mái che, giành phần các thảm trải, giành phần các chỗ trống (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta.”

Khi ấy, đại đức Sāriputta đi theo phía sau hội chúng có đức Phật dẫn đầu, vì các mái che đã bị giành phần, các thảm trải đã bị giành phần, các chỗ trống đã bị giành phần, trong lúc không có chỗ trống đã ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn thức dậy đã đằng hắng. Đại đức Sāriputta cũng đã đằng hắng.

- Ai ở đàng kia vậy?

- Bạch Thế Tôn, con là Sāriputta.

- Này Sāriputta, vì sao ngươi lại ngồi ở đây?

Khi ấy, đại đức Sāriputta đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[266] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu đệ tử của các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Chính việc liên quan đến hội chúng mới được đức Thế Tôn cho phép tính theo thâm niên, chứ không phải việc được làm để dành riêng (cho hội chúng)” rồi đi vượt lên phía trước hội chúng có đức Phật dẫn đầu và giành phần các mái che, giành phần các thảm trải, giành phần các chỗ trống (nói rằng): “Chỗ này sẽ dành cho các thầy tế độ của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho các thầy dạy học của chúng ta, chỗ này sẽ dành cho chúng ta,” có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ngay cả việc được làm dành riêng (cho hội chúng) cũng được tính theo thâm niên là điều không được xâm phạm; vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[267] Vào lúc bấy giờ, dân chúng sắp xếp ở trong phòng ăn, ở trong nhà các chỗ ngồi cao và các chỗ ngồi rộng như là ghế trường kỷ, ghế dựa dài, thảm lông, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, nệm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da báo, thảm da linh dương, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu. Các tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trừ ra ba thứ là ghế trường kỷ, ghế dựa dài, nệm bông gòn (tūlikaṃ), ta cho phép ngồi lên chỗ đã được trưng bày bởi gia chủ nhưng không được nằm lên.

[268] Vào lúc bấy giờ, dân chúng sắp xếp ở trong phòng ăn, ở trong nhà loại giường và ghế độn bông gòn. Các tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi lên chỗ đã được trưng bày bởi gia chủ nhưng không được nằm lên.

[269] Sau đó, đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.

Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[270] Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Anāthapiṇḍika đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi đã cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y cầm y bát đi đến tư gia của gia chủ Anāthapiṇḍika, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, gia chủ Anāthapiṇḍika đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Anāthapiṇḍika đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con tiến hành như thế nào về Jetavana?

- Này gia chủ, chính vì điều ấy ngươi hãy cho thiết lập Jetavana dành cho hội chúng tứ phương hiện tại và vị lai.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika nghe theo đức Thế Tôn đã thiết lập Jetavana dành cho hội chúng tứ phương hiện tại và vị lai. Khi ấy, đức Thế Tôn đã tùy hỷ với gia chủ Anāthapiṇḍika bằng những lời kệ này:

[271]

Chúng ngăn ngừa nóng lạnh
và các loài thú dữ,
các loài rắn, muỗi mòng,
luôn các cơn mưa lạnh (từ nơi ấy).
Cơn gió nóng dữ dội
sanh lên bị dội lại (từ nơi ấy).
Sự bố thí trú xá
đến hội chúng để hành
thiền định và minh sát
đem lại sự nương náu
đem lại sự an lạc
đã được chư Phật Đà
ngợi khen là tối thắng.
Vì thế người trí tuệ
thấy lợi ích cho mình
cho xây trú xá đẹp
để các bậc đa văn
có thể ngụ nơi ấy.
Nên cúng dường cơm nước
y áo, chỗ trú ngụ
đến các chân tu ấy
có tâm tư thanh tịnh.
Đến người, các vị thuyết
pháp xua mọi khổ đau
người thấy pháp đời này
không còn ô nhiễm nữa
và chứng ngộ Niết Bàn.

Sau đó, khi đã tùy hỷ với gia chủ Anāthapiṇḍika bằng những lời kệ này đức Thế Tôn đã rời chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[272] Vào lúc bấy giờ, có bữa trai phạn dâng đến hội chúng của vị quan đại thần nọ là đệ tử đạo lõa thể. Đại đức Upanananda con trai dòng Sākya đi đến trễ và đã làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận phải đứng dậy khi bữa ăn chưa chấm dứt. Nhà ăn đã bị xáo động. Khi ấy, vị quan đại thần ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử đi đến trễ lại còn làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận phải đứng dậy khi bữa ăn chưa chấm dứt khiến nhà ăn đã bị xáo động? Ngay cả khi được ngồi chỗ khác, không lẽ không thể thọ thực theo như nhu cầu hay sao?

Các tỳ khưu đã nghe vị quan đại thần phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda đi đến trễ lại còn làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận phải đứng dậy khi bữa ăn chưa chấm dứt khiến nhà ăn đã bị xáo động?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này Upananda, nghe nói ngươi đi đến trễ còn làm cho vị tỳ khưu ngồi kế cận phải đứng dậy khi bữa ăn chưa chấm dứt khiến nhà ăn đã bị xáo động, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi đi đến trễ lại còn cho vị tỳ khưu ngồi kế cận phải đứng dậy khi bữa ăn chưa chấm dứt khiến nhà ăn đã bị xáo động vây? Này kẻ rồ dại, việc ấy không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, khi bữa ăn chưa chấm dứt không nên bảo vị tỳ khưu kế cận đứng dậy; vị nào bảo đứng dậy thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Nếu bảo đứng dậy, nên nói với vị được yêu cầu (đứng dậy) rằng: “Hãy đi lấy nước đem lại.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được như vậy, (vị đang ăn) nên nuốt xuống các hạt cơm một cách khéo léo rồi nhường lại chỗ ngồi cho vị tỳ khưu thâm niên hơn. Này các tỳ khưu, nhưng ta không nói rằng: “Chỗ ngồi của vị tỳ khưu thâm niên hơn có thể bị xâm phạm bởi bất cứ phương thức nào;” vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[273] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư bảo các tỳ khưu bị bệnh phải đứng dậy. Các vị bị bệnh nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi không thể đứng dậy, chúng tôi bị bệnh.

- Chúng tôi sẽ làm cho các đại đức đứng dậy.

Rồi họ đã nắm lấy, lôi đứng dậy, và buông ra để cho các vị ấy đứng. Các vị bị bệnh được buông ra bị té xuống. …(như trên)… Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, không nên bảo các vị bị bệnh phải đứng dậy, vị nào bảo đứng dậy thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[274] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (bảo rằng): “Chúng tôi bị bệnh, không nên bảo chúng tôi đứng dậy” rồi chiếm chỗ nằm tốt nhất. …(như trên)… Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nhường chỗ nằm thích hợp cho vị bị bệnh.

[275] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư dùng mánh lới xâm chiếm chỗ trú ngụ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên dùng mánh lới xâm chiếm chỗ trú ngụ; vị nào xâm chiếm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[276] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư sửa chữa ngôi trú xá lớn nọ ở vùng lân cận (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ an cư mùa mưa ở chỗ này.” Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã thấy các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đang sửa chữa ngôi trú xá, sau khi thấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư này sửa chữa ngôi trú xá. Giờ chúng ta sẽ bảo họ tránh ra.

Một số vị đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chờ đợi trong lúc họ đang sửa chữa. Khi đã được sửa chữa xong, chúng ta sẽ bảo họ tránh ra.

Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói với các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư điều này:

- Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.

- Này các đại đức, sao lại không báo trước, chúng tôi có thể sửa chữa cái khác?

- Này các đại đức, không phải trú xá thuộc về hội chúng hay sao?

- Này các đại đức, đúng vậy. Trú xá thuộc về hội chúng.

- Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.

- Này các đại đức, trú xá thì lớn, các vị ở được, chúng tôi cũng sẽ ở được.

- Này các đại đức, hãy tránh ra. Trú xá thuộc về chúng tôi.

Rồi (các tỳ khưu nhóm Lục Sư) nổi giận, bất bình nắm (các vị ấy) ở cổ lôi kéo ra ngoài. Trong khi bị các vị kia lôi kéo ra ngoài, các vị ấy khóc lóc. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, vì sao các vị khóc?

- Thưa các đại đức, những tỳ khưu nhóm Lục Sư này nổi giận, bất bình rồi lôi kéo chúng tôi ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư này khi nổi giận, bất bình lại lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư nổi giận, bất bình rồi lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị nổi giận, bất bình không nên lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng; vị nào lôi kéo ra thì nên hành xử đúng theo Pháp.[6] Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối chỗ trú ngụ.

[277] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Chỗ trú ngụ nên được phân phối bởi vị nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân phối chỗ trú ngụ là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (chỗ trú ngụ) đã được phân phối hoặc chưa được phân phối.

[278] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân phối chỗ trú ngụ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân phối chỗ trú ngụ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[279] Khi ấy, các tỳ khưu là các vị phân phối chỗ trú ngụ đã khởi ý điều này: “Chỗ trú ngụ nên được phân phối như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trước tiên đếm số lượng tỳ khưu; sau khi đếm số lượng tỳ khưu rồi đếm số lượng chỗ nằm; sau khi đếm số lượng chỗ nằm thì phân phối theo chỗ nằm.

Trong khi phân phối theo chỗ nằm, các chỗ nằm đã được thừa ra. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối theo trú xá.

Trong khi phân phối theo trú xá, các trú xá đã được thừa ra. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối theo phòng ở.

Trong khi phân phối theo phòng ở, các phòng ở đã được thừa ra. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép phân phối luôn cả phần còn lại. Khi phần còn lại đã được nhận, có vị tỳ khưu khác đi đến, nếu (các vị) không sẵn lòng thì không cần phải cho (na akāmā dātabbo).

[280] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu phân phối chỗ trú ngụ cho vị đứng ở ngoài ranh giới (sīmā). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, không nên phân phối sàng tọa cho vị đứng ở ngoài ranh giới; vị nào phân phối thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[281] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi nhận chỗ trú ngụ rồi chiếm giữ luôn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, sau khi nhận chỗ trú ngụ không nên chiếm giữ luôn; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép chiếm giữ trong ba tháng của mùa mưa, mùa khác không được chiếm giữ.

[282] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu thời điểm phân phối chỗ trú ngụ?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ: thời điểm trước, thời điểm sau, thời điểm trung gian. Vào ngày kế ngày rằm của tháng Āsāḷhā[7] là thời điểm trước nên được phân phối, một tháng kế sau ngày rằm của tháng Āsāḷhā là thời điểm sau nên được phân phối, một ngày sau lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) cho đến lần an cư mùa mưa kế là thời điểm trung gian nên được phân phối. Này các tỳ khưu, đây là ba thời điểm phân phối chỗ trú ngụ.

Dứt tụng phẩm thứ nhì.

[283] Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya (Thích Ca) sau khi được phân phối chỗ trú ngụ ở thành Sāvatthi đã đi đến trú ngụ ở ngôi làng khác. Ngay cả ở nơi ấy, vị ấy đã được phân phối chỗ trú ngụ. Khi ấy, các tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Này các đại đức, đại đức Upananda con trai dòng Sākya này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và bất hòa trong hội chúng. Nếu vị này sẽ an cư mùa mưa ở đây, chính tất cả chúng ta sẽ sống không được thoải mái; vậy chúng ta hãy hỏi vị ấy đi.” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức Upananda, không phải đại đức đã nhận chỗ trú ngụ ở thành Sāvatthi rồi hay sao?

- Này các đại đức, đúng vậy.

- Này đại đức Upananda, tại sao đại đức là một lại chiếm giữ hai?

- Này các đại đức, giờ tôi bỏ cái chỗ này, giữ lại cái chỗ kia.

Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya là một lại chiếm giữ hai?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này Upananda, nghe nói ngươi là một lại chiếm giữ hai, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi là một lại chiếm giữ hai? Này kẻ rồ dại, chỗ kia ngươi giữ lại, chỗ này ngươi bỏ; chỗ này ngươi giữ lại, chỗ kia ngươi bỏ. Này kẻ rồ dại, như thế, ở cả hai nơi đều bị khước từ. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, một vị không nên chiếm giữ hai (chỗ trú ngụ), vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[284] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết giảng về Luật (Vinaya) cho các tỳ khưu theo nhiều phương thức: Ngài ngợi khen Luật, ngợi khen sự nghiên cứu về Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn thuyết giảng về Luật cho các tỳ khưu theo nhiều phương thức: Ngài ngợi khen Luật, ngợi khen sự nghiên cứu về Luật, ngợi khen đại đức Upāli như thế này như thế khác. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy học tập thành thạo về Luật với đại đức Upāli.” Và các vị ấy gồm nhiều tỳ khưu trưởng lão, mới tu, và trung niên học tập thành thạo về Luật với đại đức Upāli. Vì tôn trọng các tỳ khưu trưởng lão, đại đức Upāli đứng để giảng giải. Vì tôn kính Giáo Pháp, các tỳ khưu trưởng lão cũng đứng để nghe giảng. Trong trường hợp ấy, chính các tỳ khưu trưởng lão lẫn đại đức Upāli đều bị mệt mỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu mới tu ngồi chỗ ngồi ngang bằng hoặc cao hơn trong khi giảng giải vì tôn kính Giáo Pháp; vị tỳ khưu trưởng lão ngồi chỗ ngồi ngang bằng hoặc thấp hơn trong khi nghe giảng vì tôn kính Giáo Pháp.

[285] Vào lúc bấy giờ, trong sự hiện diện của đại đức Upāli nhiều vị tỳ khưu đứng chờ đợi bài giảng bị mệt mỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi (chung) với những vị có đồng đẳng cấp.

[286] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Giới hạn đến đâu gọi là có đồng đẳng cấp?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi với vị (chênh lệch) khoảng cách ba năm (trở lại).

[287] Vào lúc bấy giờ, nhiều tỳ khưu có đồng đẳng cấp đã ngồi xuống trên một cái giường và đã làm gãy cái giường, đã ngồi xuống trên một cái ghế và đã làm gãy cái ghế. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giường đối với nhóm ba vị, ghế đối với nhóm ba vị.

Ngay cả nhóm ba vị ngồi xuống trên cái giường cũng đã làm gãy cái giường, ngồi xuống trên cái ghế cũng đã làm gãy cái ghế. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giường đối với nhóm hai vị, ghế đối với nhóm hai vị.

[288] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngần ngại không ngồi xuống trên ghế dài cùng với các vị không đồng đẳng cấp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi trên ghế dài cùng với những vị không đồng đẳng cấp ngoại trừ người vô căn, phụ nữ, người lưỡng căn.

[289] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vậy ghế dài tối thiểu (ngắn nhất) là bao nhiêu?” …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ghế dài có chiều dài tối thiểu là đủ cho ba người.

[290] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā mẹ của Migāra có ý muốn cho xây dựng tòa nhà dài có mái hiên hình đầu voi (hatthinakhakaṃ) nhằm sự lợi ích cho hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Công trình phụ nào của tòa nhà dài được đức Thế Tôn cho phép, công trình nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả công trình phụ của tòa nhà lớn.

[291] Vào lúc bấy giờ, bà nội của đức vua Pasenadi xứ Kosala từ trần. Khi bà ta từ trần, nhiều vật dụng không đúng phép đã phát sanh đến hội chúng như là: ghế cao, ghế nệm lông thú, thảm lông, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, nệm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da báo, thảm da linh dương, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sử dụng sau khi cắt ngắn các chân của ghế cao, (cho phép) sử dụng sau khi đã hủy đi lông ở ghế nệm lông thú, (cho phép) tháo gở nệm bông gòn để làm gối, (cho phép) dùng làm thảm lót trên nền đất các vật còn lại.

[292] Vào lúc bấy giờ, ở ngôi làng nọ không xa thành Sāvatthi, các tỳ khưu thường trú bị bận rộn trong khi sắp xếp sàng tọa cho các tỳ khưu vãng lai đi đến. Khi ấy, các tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Này các sư đệ, hiện nay chúng ta bị bận rộn trong khi chuẩn bị sàng tọa cho các tỳ khưu vãng lai đi đến. Này các sư đệ, vậy chúng ta hãy cho tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng đến một vị rồi chúng ta sẽ sử dụng đồ đạc của vị ấy.” Họ đã cho tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng đến một vị. Các tỳ khưu vãng lai đã nói với các tỳ khưu thường trú ấy điều này:

- Này các đại đức, hãy xếp đặt sàng tọa cho chúng tôi.

- Này các đại đức, sàng tọa thuộc về hội chúng không có, chúng tôi đã cho tất cả đến một vị.

- Này các đại đức, có phải các vị phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại phân tán sàng tọa thuộc về hội chúng? Này các tỳ khưu, việc ấy không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, đây là năm vật không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Năm vật ấy là gì?

Tu viện (ārāmo) và khu đất của tu viện (ārāmavatthu); đây là vật thứ nhất không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Trú xá (vihāro) và khu đất của trú xá (vihāravatthu); đây là vật thứ hai không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Giường, ghế, nệm, gối; đây là vật thứ ba không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Chum bằng kim loại, vại bằng kim loại, hũ bằng kim loại, bình bằng kim loại, dao, rìu, búa, cuốc, xẻng; đây là vật thứ tư không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Dây thừng, tre, cỏ thô, cỏ tranh, cỏ dại, đất sét, vật làm bằng gỗ, vật làm bằng đất sét; đây là vật thứ năm không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, năm vật này không nên phân tán, không được phân tán bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân tán vẫn là chưa được phân tán; vị nào phân tán thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

 [293] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích đã lên đường du hành đi đến Kiṭāgiri cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Kiṭāgiri cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy phân chia tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng. Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy, chúng ta sẽ không sắp đặt chỗ trú ngụ cho họ” rồi các vị ấy đã phân chia tất cả sàng tọa thuộc về hội chúng.

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Kiṭāgiri. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo nhiều vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, các ngươi hãy đi (trước). Khi đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka, các ngươi hãy nói như vầy: “Này các đại đức, đức Thế Tôn đi đến cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho đức Thế Tôn cùng hội chúng tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna.”

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka điều này:

- Này các đại đức, đức Thế Tôn đi đến cùng với đại chúng tỳ khưu gồm năm trăm vị tỳ khưu luôn cả Sāriputta và Moggallāna. Này các đại đức, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho đức Thế Tôn cùng hội chúng tỳ khưu có cả Sāriputta và Moggallāna.

- Này các đại đức, sàng tọa thuộc về hội chúng không có. Tất cả đã được chúng tôi chia nhau. Này các đại đức, hoan nghênh đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn thích trú xá nào thì ngài sẽ ngự ở trú xá ấy. Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy, chúng tôi sẽ không sắp đặt chỗ trú ngụ cho họ.

- Này các đại đức, có phải các vị đã phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka lại phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Assaji và Punabbasuka phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại phân chia sàng tọa thuộc về hội chúng? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, đây là năm vật không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả những vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Năm vật ấy là gì?

Tu viện và khu đất của tu viện; đây là vật thứ nhất không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Trú xá và khu đất của trú xá; đây là vật thứ hai không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Giường, ghế, nệm, gối; đây là vật thứ ba không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Chum bằng kim loại, vại bằng kim loại, hũ bằng kim loại, bình bằng kim loại, dao, rìu, búa, cuốc, xẻng; đây là vật thứ tư không nên phân chia không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Dây thừng, tre, cỏ thô, cỏ tranh, cỏ dại, đất sét, vật làm bằng gỗ, vật làm bằng đất sét; đây là vật thứ năm không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, năm vật này không nên phân chia, không được phân chia bởi hội chúng, hoặc bởi nhóm, hoặc bởi cá nhân. Ngay cả vật đã được phân chia vẫn là chưa được phân chia; vị nào phân chia thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

[294] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại Kiṭāgiri theo như ý thích đã lên đường đi đến Āḷavī. Trong khi lần lượt du hành ngài đã ngự đến Āḷavī. Tại nơi đó ở Āḷavī, đức Thế Tôn ngự ở trong điện thờ chính của Āḷavī.

[295] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Āḷavī giao các công trình mới có hình thức như sau: chỉ với mỗi một việc bảo chất lại thành đống họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc tô vữa bức tường họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lắp đặt cánh cửa họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc khoan lỗ của chốt gài họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc làm cửa sổ họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sơn màu trắng họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sơn màu đen họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc trét màu phấn đỏ họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lợp mái che họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lắp ráp họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc đặt thanh ngang ở cửa họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sửa chữa các chỗ hư hỏng họ cũng giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc tráng nền họ cũng giao công trình mới, họ lại còn giao công trình mới đến hai mươi năm, họ lại còn giao công trình mới đến ba mươi năm, họ lại còn giao công trình mới đến trọn đời, họ lại còn giao công trình mới là trú xá được hoàn tất đến khi (chết và đem) hỏa táng.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Āḷavaka lại giao các công trình mới có hình thức như sau: chỉ với mỗi một việc bảo chất lại thành đống họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc tô vữa bức tường họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lắp đặt cánh cửa họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc khoan lỗ của chốt gài họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc làm cửa sổ họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sơn màu trắng họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sơn màu đen họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc trét màu phấn đỏ họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lợp mái che họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc lắp ráp họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc đặt thanh ngang ở cửa họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc sửa chữa các chỗ hư hỏng họ lại giao công trình mới, chỉ với mỗi một việc tráng nền họ lại giao công trình mới, họ lại còn giao công trình mới đến hai mươi năm, họ lại còn giao công trình mới đến ba mươi năm, họ lại còn giao công trình mới đến trọn đời, họ lại còn giao công trình mới là trú xá được hoàn tất đến khi (chết và đem) hỏa táng?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn…(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói …(như trên)…, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

…(như trên)… Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc bảo chất lại thành đống, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc tô vữa bức tường, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lắp đặt cánh cửa, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc khoan lỗ của chốt gài, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc làm cửa sổ, không nên giao công trình mới với mỗi một việc sơn màu trắng, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc sơn màu đen, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc trét màu phấn đỏ, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lợp mái che, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc lắp ráp, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc đặt thanh ngang ở cửa, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc sửa chữa các chỗ hư hỏng, không nên giao công trình mới chỉ với mỗi một việc tráng nền, không nên giao công trình mới đến hai mươi năm, không nên giao công trình mới đến ba mươi năm, không nên giao công trình mới đến trọn đời, không nên giao công trình mới là trú xá được hoàn tất đến khi (chết và đem) hoả táng; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, ta cho phép giao công trình mới chưa khởi công hoặc chưa hoàn tất, (cho phép) giao công trình mới năm hoặc sáu năm liên quan công việc trong trú xá nhỏ, (cho phép) giao công trình mới bảy hoặc tám năm liên quan đến công việc trong nhà một mái, (cho phép) giao công trình mới mười hoặc mười hai năm liên quan đến công việc trong trú xá lớn.

[296] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao công trình mới là tất cả các trú xá. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới là tất cả các trú xá; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[297] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao hai công trình mới đến một vị. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên giao hai (công trình mới) đến một vị; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[298] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu cho vị khác trú ngụ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên cho vị khác trú ngụ; vị nào cho trú ngụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[299] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu chiếm giữ vật thuộc về hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên chiếm giữ vật thuộc về hội chúng; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh một chỗ nằm tốt nhất.

[300] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu giao công trình mới đến vị đứng ở ngoài ranh giới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên giao công trình mới đến vị đứng ở ngoài ranh giới; vị nào giao thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[301] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu chiếm giữ luôn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, sau khi nhận lãnh công trình mới không nên chiếm giữ luôn; vị nào chiếm giữ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép chiếm giữ trong ba tháng mùa mưa, mùa khác không được chiếm giữ.

[302] Vào lúc bấy giờ, sau khi nhận lãnh công trình mới các tỳ khưu bỏ đi, hoàn tục, từ trần, được biết là sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là người phạm tội cực nặng, được biết là người điên, được biết có tâm rối loạn, được biết bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là người vô căn, được biết là kẻ cộng trú theo lối trộm cắp (hình tướng), được biết là kẻ đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm (đức Phật) chảy máu, được biết là người lưỡng căn.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[303] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, vị tỳ khưu bỏ đi. (Nên nghĩ rằng): “Chớ làm tổn hại đến hội chúng” rồi nên giao cho vị khác.

Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, vị tỳ khưu hoàn tục, từ trần, được biết là sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là kẻ phạm tội cực nặng, được biết là người điên, được biết có tâm rối loạn, được biết bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là người vô căn, được biết là kẻ cộng trú theo lối trộm cắp (hình tướng), được biết là kẻ đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm (đức Phật) chảy máu, được biết là người lưỡng căn. (Nên nghĩ rằng): “Chớ làm tổn hại đến hội chúng” rồi nên giao cho vị khác.

[304] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, trong khi chưa hoàn tất, vị tỳ khưu bỏ đi. (Nên nghĩ rằng): “Chớ làm tổn hại đến hội chúng” rồi nên giao cho vị khác.

Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, trong khi chưa hoàn tất, vị tỳ khưu hoàn tục, từ trần …(như trên)... được biết là người lưỡng căn. (Nên nghĩ rằng): “Chớ làm tổn hại đến hội chúng” rồi nên giao cho vị khác.

[305] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu bỏ đi; công trình ấy còn thuộc về vị ấy (trong mùa mưa năm ấy).

[306] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu hoàn tục, chết đi, được biết là sa di, được biết là người đã xả bỏ sự học tập, được biết là kẻ phạm tội cực nặng; hội chúng là chủ quản.

[307] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu được biết là người điên, được biết có tâm rối loạn, được biết bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác; công trình ấy còn thuộc về vị ấy (trong mùa mưa năm ấy).

[308] Này các tỳ khưu, trường hợp sau khi nhận lãnh công trình mới, khi đã hoàn tất, vị tỳ khưu được biết là người vô căn, được biết kẻ cộng trú theo lối trộm cắp (hình tướng), được biết là kẻ đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm (đức Phật) chảy máu, được biết là người lưỡng căn; hội chúng là chủ quản.

[309] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sử dụng sàng tọa là vật dụng trong trú xá của nam cư sĩ nọ tại một địa điểm khác. Khi ấy, nam cư sĩ ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các ngài đại đức lại sử dụng đồ đạc của địa điểm này tại địa điểm khác?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng đồ đạc của địa điểm này tại địa điểm khác; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[310] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngần ngại di chuyển (thảm lót) đến nhà hành lễ Uposatha (Bố Tát) và nơi tụ hội rồi ngồi xuống ở nền nhà. Các bộ phận cơ thể, các y phục đều bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép di chuyển có tính cách tạm thời.

[311] Vào lúc bấy giờ, trú xá lớn của hội chúng bị sụp đổ. Các tỳ khưu ngần ngại không di chuyển sàng tọa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép di chuyển vì mục đích bảo quản.

[312] Vào lúc bấy giờ, có mền len đắt giá là vật phụ thuộc của sàng tọa phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao đổi (vật khác) để công việc được thuận tiện.

[313] Vào lúc bấy giờ, có tấm vải dệt đắt giá là vật phụ thuộc của sàng tọa phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao đổi (vật khác) để công việc được thuận tiện.

[314] Vào lúc bấy giờ, có tấm da gấu phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.

[315] Vào lúc bấy giờ, có tấm vải len (cakkalikaṃ) phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.

[316] Vào lúc bấy giờ, có tấm vải (coḷakaṃ) phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm vật chùi chân.

[317] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân chưa rửa. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân chưa rửa; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[318] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân bị ướt. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên bước lên chỗ nằm ngồi với các bàn chân bị ướt; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[319] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu mang dép bước lên chỗ nằm ngồi. Chỗ nằm ngồi bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang dép bước lên chỗ nằm ngồi; vị nào bước lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[320] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhổ lên mặt nền đã được làm mới khiến màu bị lem luốc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên nhổ lên mặt nền đã được làm mới; vị nào nhổ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ống nhổ.

[321] Vào lúc bấy giờ, các chân giường và các chân ghế làm trầy mặt nền được làm mới. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép dùng vải bọc tròn lại.

[322] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu tựa vào tường đã được làm mới khiến màu bị lem luốc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên tựa vào tường đã được làm mới; vị nào tựa thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm bảng để dựa vào.

Tấm bảng để dựa vào làm trầy mặt nền ở bên dưới và bức tường ở bên trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bọc lại ở bên dưới và bên trên với mảnh vải.

[323] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu có chân đã rửa sạch ái ngại khi nằm xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nằm xuống sau khi đã trải ra tấm lót.

[324] Sau đó, đức Thế Tôn khi đã ngự tại Āḷavī theo như ý thích đã lên đường đi đến thành Rājagaha. Trong khi lần lượt du hành ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana nơi nuôi dưỡng các con sóc.

[325] Vào lúc bấy giờ, thành Rājagaha có sự khó khăn về vật thực. Dân chúng không thể thực hiện bữa trai phạn dâng đến hội chúng nên muốn thực hiện bữa ăn đến các vị được chỉ định, sự thỉnh mời, bữa ăn dâng theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào mỗi kỳ Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bữa trai phạn dâng đến hội chúng, bữa ăn dâng đến các vị được chỉ định, sự thỉnh mời, bữa ăn dâng theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào mỗi kỳ Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.

[326] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lấy cho bản thân các bữa ăn thượng hạng và cho các tỳ khưu các bựa ăn tầm thường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị sắp xếp các bữa ăn là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (bữa ăn) đã được sắp xếp hay chưa được sắp xếp.

[327] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị sắp xếp các bữa ăn xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị sắp xếp các bữa ăn. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[328] Khi ấy, các tỳ khưu là những vị sắp xếp các bữa ăn đã khởi ý điều này: “Bữa ăn nên được sắp xếp như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc vào thẻ hoặc tấm phiếu, rút ra, rồi sắp xếp các bữa ăn (salākāya vā paṭikāya vā upanibandhitvā omuñjitvā bhattaṃ uddesitunti).

[329] Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị phân bố chỗ trú ngụ, …(như trên)… không có vị giữ kho đồ đạc, …(như trên)… không có vị tiếp nhận y, …(như trên)… không có vị phân chia y, …(như trên)… không có vị phân chia cháo, …(như trên)… không có vị phân chia trái cây, …(như trên)… không có vị phân chia thức ăn khô. Thức ăn khô không được phân chia nên bị hư. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia thức ăn khô là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia.

[330] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia thức ăn khô xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia thức ăn khô. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[331] Vào lúc bấy giờ, vật dụng linh tinh ở trong kho của hội chúng là dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị phân chia vật linh tinh là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết vật đã được phân chia và chưa được phân chia.

[332] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu nên được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia vật linh tinh. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia vật linh tinh. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị phân chia vật linh tinh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị phân chia vật linh tinh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[333] Vị tỳ khưu là vị phân chia các vật linh tinh nên trao mỗi một cây kim, nên trao cây kéo, nên trao đôi dép, nên trao dây thắt lưng, nên trao dây quàng ở vai, nên trao đồ lược nước, nên trao bình đựng nước theo thông lệ, nên trao dải nối theo chiều dọc (của y), nên trao dải nối theo chiều ngang (của y), nên trao mảnh lớn thuộc dải điều (của y), nên trao mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), nên trao vải may đường biên (của y), nên trao vải may đường viền (của y). Nếu hội chúng có bơ lỏng, hoặc dầu ăn, hoặc mật ong, hoặc đường mía thì nên trao tức thời để sử dụng. Nếu vật cần dùng có thêm thì nên trao tiếp tục. Nếu vật cần dùng có thêm nữa thì cũng nên trao tiếp tục.

[334] Vào lúc bấy giờ, hội chúng không có vị tiếp nhận y khoác ngoài, …(như trên)… vị tiếp nhận bình bát, …(như trên)… vị quản trị các người phụ việc chùa, …(như trên)… vị quản trị các sa di. Các sa di không được quản trị nên không làm phận sự. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản trị các sa di là vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện: Vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết được việc cần quản trị và việc không cần quản trị.

[335] Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu, sau khi yêu cầu hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản trị các sa di xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quản trị các sa di. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Dứt tụng phẩm thứ ba.

Dứt Chương Sàng Tọa là chương thứ sáu.

*******

Tóm lược chương này:

[336]

Trú xá vào thời ấy
vẫn chưa được quy định
bởi đức Phật tối thượng,
các thinh văn đệ tử
của bậc Chiến Thắng ấy
bước ra từ chỗ ngụ
nơi này hoặc nơi khác.
Gia chủ đại phú hộ
đã thấy các vị ấy
nên mới nói điều này
với các vị tỳ khưu:
“Nếu các ngài cư ngụ,
tôi có thể cho làm.”
Họ hỏi ngài lãnh đạo,
vị ấy đã cho phép
năm loại chỗ ngụ là:
trú xá, nhà một mái,
tòa nhà dài, nhà lớn,
và hang động (là năm).
Đại phú hộ đã cho
xây dựng các trú xá.
Người cho dựng trú xá,
không cửa, không đóng được,
cửa, trụ cửa, rãnh xoay,
ở trên cái chốt xoay,
lỗ để luồn, dây thừng,
tay nắm, và chốt gài,
đinh khóa chốt, chốt phụ,
lỗ khóa, khóa bằng đồng,
bằng gỗ, và bằng sừng,
then cài, đinh khóa chốt,
mái che, tô trong ngoài,
cửa sổ song, gắn lưới,
và song dọc, màn che
và thảm trải, bệ cứng
và giường bằng vạt tre,
giường ván khiêng tử thi,
ghế dài, chân đẽo cong,
chân rời, ghế vuông cao,
trường kỷ, ghế thanh ráp,
ghế lót vải, gác chân,
ghế nhiều chân, ghế mây,
và ghế lót rơm nữa.
Giường cao, và con rắn
các chân tám ngón tay,
chỉ sợi, đan tám góc,
mảnh vải, đệm bông gòn,
gối dài nửa thân người.
Đỉnh núi, và nhiều đệm,
vải và chỗ nằm ngồi.
Bọc lại rơi phía dưới,
xé ra rồi mang đi,
đấng Thiện Thệ cho phép,
chia đều bằng nắm tay.
Trong trú xá ngoại đạo,
màu trắng và màu đen,
vỏ trấu, và sét dẻo,
nhựa cây, chà bằng tay,
đất sét, bột mù tạt,
dầu sáp ong, nổi cục,
giẻ chùi, tường lồi lõm,
đất sét với phân trùn,
nhựa cây, hình gợi cảm.
Nền thấp, rồi nền móng
leo lên, họ bị té,
đám đông, tường một nửa,
lại ba, trú xá nhỏ,
và trụ áp chân tường,
thấm nước mưa, la lớn,
chốt tường, sào máng y,
mái hiên với màn che,
lan can và bụi cỏ,
cách thực hiện dưới đây.
Ngoài trời, bị hâm nóng,
giảng đường, và bên dưới,
vật chứa đồ, trú xá,
và cổng vào, phòng ở,
rồi nhà để đốt lửa,
tu viện và cổng vào,
làm theo cách dưới đây,
mái làm bằng vữa hồ
và ông Cấp Cô Độc,
có đức tin đi đến
khu rừng tên Sīta,
thấy Pháp rồi mời thỉnh
Đạo Sư cùng hội chúng.
Trên đường về kêu gọi,
nhóm người xây tu viện.
Công trình mới kiến tạo
ở thành Vesālī,
đi trước để chiếm chỗ.
Ai là vị xứng đáng
được phần ăn hạng nhất?
Và chuyện chim đa đa
ai không đáng đảnh lễ,
bị chiếm cứ, trong nhà,
ghế giường có lót nệm,
lên đường đi Xá Vệ.
Vị ấy dâng tu viện,
ồn ào giữa bữa ăn.
Và những người bị bệnh
giường tốt nhất, mánh lới,
Mười Bảy Sư, nơi đó.
“Do ai? Làm thế nào?”
Vị chia theo trú xá,
phòng ở, và phần thừa,
không chia nếu không thích.
Ở bên ngoài ranh giới,
và chiếm luôn mọi lúc,
ba thời chia chỗ ngụ,
và Upananda.
Ngài khen, các vị đứng
và cùng ngồi chung chỗ.
Đồng đẳng cấp, làm gãy
nhóm ba và nhóm hai,
không đồng đẳng, ghế dài,
họ thỏa thích mái hiên,
Và bà nội của vua,
không xa, được chia ra,
ở Kiṭāgiri.
Ở vùng Āḷavī,
chất đống, các bức tường,
các cửa, khoan lỗ chốt,
cửa sổ, sơn trắng, đen,
màu sơn đỏ, mái che,
và lắp ráp, thanh ngang,
hư hỏng, việc linh tinh,
hai mươi, ba mươi năm,
và trọn đời, hoàn tất,
chưa làm, bỏ dở dang,
Nơi nhỏ, năm, sáu năm,
một mái bảy hoặc tám,
lớn thì mười, mười hai.
Toàn bộ cả trú xá
(giao) cho chỉ một người,
nơi khác, các vị sống,
(chiếm giữ) đồ hội chúng.
Ở ngoài ranh, mọi thời,
vị ấy đã bỏ đi,
chúng hoàn tục, chết đi,
và xuống lại sa di,
xả giới, (tội) cực nặng,
bị điên, tâm rối loạn,
thọ khổ, không thấy tội,
không chịu bỏ tà kiến,
vô căn, và trộm cắp
theo ngoại đạo, thú vật,
giết cha, mẹ, La Hán,
làm xấu (tỳ khưu ni),
chia rẽ, làm chảy máu,
và có cả hai căn,
“Không tổn hại hội chúng,”
việc nên giao vị khác,
chưa xong, giao vị khác,
đã hoàn tất, bỏ đi,
vẫn còn thuộc vị ấy.
Nếu hoàn tục, chết đi,
và xuống lại sa di,
xả giới, phạm tội nặng,
hội chúng là chủ quản.
Điên, loạn tâm, thọ khổ,
không thấy, không làm thoát,
tà kiến, thuộc vị ấy.
Vô căn, và trộm cướp,
theo ngoại đạo, thú vật,
giết người mẹ, người cha,
giết vị A-la-hán,
và dâm (tỳ khưu ni),
làm chảy máu đức Phật,
và những kẻ lưỡng căn,
nếu vị ấy thú nhận,
thì hội chúng chủ quản.
Đem nơi khác, ái ngại,
bị sụp đổ, mền len,
vải dệt, tấm da gấu,
tấm vải thô, tấm vải,
và chân ướt bước lên,
mang giày dép, phun nhổ.
Các vị đã làm trầy,
và dựa vào bức tường,
có tấm dựa vẫn trầy,
rửa sạch, với tấm trải.
Thành Rājagaha
(dân chúng) không thể nào,
(cho bữa ăn) tầm thường,
vị sắp xếp bữa ăn,
“Vị sắp xếp cách nào?”
Chỉ định vị giữ kho,
vị thọ lãnh, phân chia,
vị chia cháo, trái cây,
vị chia đồ khô nữa,
việc chia vật linh tinh,
và thêm vị nhận lãnh
y áo khoác bên ngoài.
Cũng vậy, vị nhận lãnh
bình bát, vị quản trị
người phụ việc tu viện,
và các vị sa di.
Đấng toàn tri toàn giác,
hiểu biết về thế gian,
là vị làm lãnh đạo
có sự quan tâm đến
để suy tư, quán xét
lợi ích chỗ trú ngụ,
và lợi ích an lạc,
thiền định và minh sát.


[1] Theo chú giải của Kinh Trường Bộ, senāsana được phân làm bốn loại: loại thứ nhất vihārasenāsana gồm có năm loại chỗ trú ngụ (trong bản dịch sẽ dùng từ “chỗ trú ngụ” cho loại này, xem ở đoạn [200]); loại thứ nhì mañcapīṭhasenāsana là giường, ghế, nệm, gối (trong bản dịch sẽ giữ nguyên từ “sàng tọa” cho loại này); loại thứ ba santhatasenāsana là các loại thảm; loại thứ tư okāsasenāsana được giải thích là nơi mà vị tỳ khưu sẽ trở lại.

[2] Āgatānāgata = āgata + anāgata: đã đi đến và chưa đi đến, được dịch thoát nghĩa là hiện tại và vị lai.

[3] Ngài Buddhaghosa giải thích vữa hồ được làm bằng đất sét trộn với tro và phân bò.

[4] Dukkhaṃ, samudayaṃ, nirodhaṃ, maggaṃ tức là Khổ, Nguyên nhân sanh khởi, Niết Bàn, Đạo Lộ.

[5] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng: “Nghe nói vị trưởng lão trong khi quan tâm các vị bị bệnh, trong giúp đỡ các vị già cả yếu đuối nên đi đến sau tất cả.”

[6] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 17.

[7] Tương đương ngày 16 tháng sáu âm lịch, tức là ngày đầu tiên của thời kỳ an cư mùa mưa đợt đầu.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01a | 01b | 02 | 03a | 03b | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 | 11 | 12

 

Chân thành cám ơn Tỳ khưu Indacanda Nguyệt-Thiên đã gửi tặng bản vi tính (Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 06-06-2005