BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ chín
(tiếp theo)

-ooOoo-

Nước chứa trong lu và trong khi thiếu nước. Ðối với các loại vò lớn chứa đầy nước trong nhà, bằng ý trộm nước, Tỳ kheo tìm các loại khoan lớn hay nhỏ để khoan, đặt khoan (lên lu), phạm Ðột-cát-la. Nếu khoan chưa lủng lu, phạm Thu-lan-dá. Khoan lủng (lu), lấy được nước, kết tội tùy theo lượng nước.

Nếu lu nhỏ, Tỳ kheo nghiêng lu lấy nước, kết tội tùy theo giá trị nhiều ít.

Nếu lu miệng lớn, dùng chậu nhỏ đưa vào múc nước ra thì kết tội như trong phần trộm dầu ở trước.

Ao nước của người, Tỳ kheo dùng tâm trộm đào cống trộm lấy, nếu nước chảy qua hơn một phần (giá trị năm ma-bà-sa) phạm Ba-la-dy.

Dùng phương tiện với tâm trộm, Tỳ kheo đào bên cạnh ao nước của người, sát mé nước thì ngưng lại với ý đồ muốn ao bị sụp lỡ do chỗ đào này, hay do trẻ con phá, hay do trâu bò đạp phá. Nếu do chỗ này mà nước chảy ra, Tỳ kheo lấy được, phạm Ba-la-dy.

Nếu trong ao có cây lớn, vì muốn lấy nước nên Tỳ kheo chặt cây ngã xuống ao, cây làm nổi sóng sụp lỡ bên cạnh ao, nhân đó nước chảy ra, bị phạm tội tùy theo giá trị lượng nước.

Ở hai bên ao có nước của người khác, Tỳ kheo có hai cái ao, một có nước, một không. Với ý trộm, Tỳ kheo đào mương cho nước trong ao của mình chảy qua ao người cho đầy để chảy sang ao không nước của mình, nếu làm hao tổn nước của người thì tùy theo giá trị nước mà kết tội. Nếu ruộng của Tỳ kheo gần ao không có nước của người, muốn tạo điều kiện (cho có nước) nên đào mương thông từ ao sang ruộng. Trời mưa, nước từ ao chảy sang ruộng, chủ ao đến đòi theo giá trị nước, Tỳ kheo nên trả cho họ, nếu không trả, kết tội tùy theo giá trị nước.

Nếu nhiều nhà có chung một ao, chia nước cho vào ruộng, Tỳ kheo với tâm trộm, ngăn nước của người cho vào ruộng mình, nếu mạ của họ chưa chết, phạm thu-lan-dá; nếu mạ chết, tùy theo giá trị mà kết tội.

Hết phần trộm nước.

 

Cây chà răng, như đã nói ở phần trong vườn.

Pháp sư nói: - Nếu chúng tăng thuê người lấy cây chà răng mà họ chưa giao cho tăng, còn để chỗ họ thì vẫn là vật thuộc về họ. Nếu tăng chọn lấy trước với tâm trộm thì kết tội tùy theo giá trị của vật. Nếu chúng tăng thuê người quản lý vật, Tỳ kheo nào không thưa tăng biết mà lấy vật với ý trộm thì bị kết tội tùy theo giá trị vật. Nếu chúng tăng sai sa di theo tuần tự vào ngày 15 lấy cây chà răng cho chúng tăng. Sa di chọn lấy cây tốt dâng trước cho thầy mình trước khi phân đến tăng. Tỳ kheo chọn lấy cây tốt với tâm trộm, bị kết tội tùy theo nhiều ít. Nếu cây chà răng đã để sẳn nơi chúng tăng thường dùng thì người lấy không có tội. Các vị phải biết rõ cách lấy cây chà răng.

Hỏi: - Biết thế nào?

Ðáp: - Nếu hằng ngày chúng tăng dùng ba cây chà răng (cho một vị) thì nên tùy thuận theo tăng mà lấy ba cây. Nếu vào thiền phòng và (đi) nghe giảng nên lấy năm sáu cây; dùng hết thì lấy thêm cũng được. Vì sao không cho lấy nhiều mà chỉ năm sáu cây? Vì tránh sự chê trách của người khác.

Hết phần cây chà răng.

 

Cây cối, đối với cây Diêm-phù, cây xoài, dây leo hồ thúc, với tâm trộm, Tỳ kheo dùng búa chặt cây, dây. Cây hay dây đứt nhưng còn dính vỏ, phạm Thu-lan-dá; đứt rời ra, phạm Ba-la-dy, dây dứt mà còn dính nơi cây phạm Ba-la-dy. Trộm cây, chặt đứt hơn một nữa rồi dừng lại, nếu vì vậy mà cây ngã nên bồi hoàn tùy theo giá trị của cây, không bồi hoàn, phạm tội. Nếu dùng chất độc chích vào vỏ cây (cho cây chết) cũng vậy.

Hết phần về cây cối.

 

Trộm theo dây chuyền, kẻ trộm lấy vật, Tỳ kheo với tâm trộm, đoạt lại vật ấy, vật rời khỏi thân kẻ trộm, nhưng kẻ kia mạnh nên đoạt lại vật và mang đi, tuy Tỳ kheo không được vật nhưng vẫn bị tội Ba-la-dy. Vì sao? Vì do tâm quyết cướp đoạt lấy và vật đã rời khỏi chỗ cũ. Nếu chủ vật không bỏ, Tỳ kheo cố giật lấy, vật chưa rời khỏi tay họ, Thu-lan-dá; rời khỏi tay họ là phạm trọng. Với tâm trộm, Tỳ kheo lột vòng, nhẫn trong tay người, rời khỏi tay họ Ba-la-dy, còn dính nơi tay, Thu-lan-dá. Ðối với vật ở chân cũng như vậy.

Với ý trộm, Tỳ kheo cố lột y phục của người, nắm lấy y, Ðột-cát-la; giật lấy y, phạm Thu-lan-dá; y rời khỏi thân Ba-la-dy; khi giật y bị rách, kết tội tùy theo giá trị nhiều ít.

Với tâm trộm, bắt người và cả y họ đang mặc mang đi, bước thứ nhất phạm Thu-lan-dá; bước thứ hai phạm Ba-la-dy. Trộm người và y trên người họ, họ chạy, Tỳ kheo phạm Ðột-cát-la; họ vứt y dưới đất, Tỳ kheo đưa tay lấy, phạm Ðột-cát-la; di chuyển y, phạm Thu-lan-dá; y rời chỗ cũ, phạm Ba-la-dy. Với tâm trộm, bắt cả người lẫn y, người chạy, Tỳ kheo không rượt kịp nên nói rằng hãy bỏ y lại, ta sẽ tha cho. Nếu họ đưa tay mở y, Tỳ kheo phạm Ðột-cát-la, mở được y ra, Thu-lan-dá; y rời khỏi thân, Ba-la-dy.

Với tâm trộm bắt người lẫn y, người chạy vứt y dưới đất, Tỳ kheo vẫn rượt theo nhưng không kịp nên quay lại; lấy y rời khỏi đất, Ba-la-dy.

Với tâm trộm, Tỳ kheo bắt người, người hoảng hốt nên vứt y chạy. Rượt không kịp, bắt không được người nên quay về, thấy y trên đất, Tỳ kheo nói rằng người này đã bỏ y vậy ta lượm lấy thì không phạm nhưng vì muốn trộm người nên phạm Ðột-cát-la. Nếu người quay lại nói với Tỳ kheo rằng đừng lấy y của tôi mà Tỳ kheo vẫn lấy, y rời đất, phạm Ba-la-dy. Nếu người vứt bỏ y để chạy, Tỳ kheo rượt theo không được nên trở lại, thấy y trên đất nên nói rằng y này được do sức của ta và lấy lên thì phạm Ðột-cát-la. Có vị thầy khác giải thích rằng không phạm Ðột-cát-la vì chủ y đã có ý bỏ.

Hết phần lấy theo dây chuyền.

 

Nhận vật của người gửi. Người gửi vật cho Tỳ kheo, sau đó chủ đến đòi, Tỳ kheo nói rằng tôi không nhận vật của ông gửi. Do nói dối nên Tỳ kheo phạm Ba-dật-đề, tạo phương tiện để trộm nên phạm Ðột-cát-la.

Nếu Tỳ kheo suy nghĩ rằng người này gửi vật cho ta nhưng không ai biết, vậy nên trả hay không, thì phạm Thu-lan-dá. Nếu Tỳ kheo quyết ý giữ lấy, chủ vật có ý bỏ, phạm Ba-la-dy.

Nếu Tỳ kheo nói rằng ta hãy làm phiền họ, họ cố tranh thì trả lại, ngược lại thì ta lấy. Chủ vật có ý bỏ, Tỳ kheo lấy y này, phạm Ba-la-dy.

Nhận vật người gửi, chủ đến đòi, Tỳ kheo nói trả nhưng quyết tâm giữ lấy, làm chủ vật nghi sợ. Tỳ kheo được y phạm Ba-la-dy.

Nhận vật của người gửi, Tỳ kheo với tâm trộm di chuyển vật đến chỗ khác, phạm Ðột-cát-la. Nếu đem vật ra đổi để ăn hết, chủ vật đến hỏi, phạm Ðột-cát-la, chủ vật đến hỏi mà không trả lại, phạm Ba-la-dy. Nếu mượn dùng thì vô tội.

Thấy bát người khác tốt đẹp, khi tập trung các bát đến chỗ thượng tọa, với tâm trộm, Tỳ kheo lấy bát xấu của mình đưa đến (chỗ thượng tọa) để đổi bát tốt kia, dùng các cách dụ dỗ Tỳ kheo (có bát) kia làm họ thức cả đêm (nên ngủ quên), lén dậy sớm đến gặp thượng tọa và nói rằng tôi sắp đi xa. Tỳ kheo này đem hình tướng bát của vị kia ra nói rằng bát và áo bát của tôi như vậy, như vậy... Thượng tọa đưa bát ấy cho vị này. Bát rời khỏi chỗ cũ, Tỳ kheo này phạm Ba-la-dy.

Nếu khi lấy bát ra, sắp đưa cho Tỳ kheo có ý trộm này, thượng tọa nói rằng ông là ai mà lấy bát phi thời. Nghe hỏi như vậy, Tỳ kheo này sợ hãi bỏ chạy cũng phạm Ba-la-dy.

Với hảo tâm, thượng tọa lấy bát, không có tội. Nếu thượng tọa có ý nghĩ Tỳ kheo đã chạy vậy ta hãy trộm lấy bát, phạm Ba-la-dy. Nếu đêm tối, thượng tọa lấy nhầm bát của mình đưa cho Tỳ kheo trộm kia, Tỳ kheo trộm bị Ðột-cát-la. Nếu thượng tọa lấy nhầm bát của Tỳ kheo trộm mà đưa cho vị này, Tỳ kheo trộm bị tội Ðột-cát-la, thượng tọa không tội.

Tỳ kheo nọ với tâm trộm, làm lễ thượng tọa và thưa rằng con là Tỳ kheo bệnh, xin cho con bát.

Thượng tọa nói rằng phòng này không có Tỳ kheo bệnh, ngươi là kẻ trộm.

Trước đây, vì tranh cãi với Tỳ kheo cùng phòng, thượng tọa với tâm trộm, lấy bát của Tỳ kheo địch thủ đưa cho kẻ trộm này, thượng tọa cùng Tỳ kheo trộm đều phạm Ba-la-dy.

Nếu với tâm trộm, thượng tọa lấy bát của Tỳ kheo địch thủ không được, lại lấy phải bát của Tỳ kheo trộm và đưa cho vị này, thượng tọa phạm Ba-la-dy.

Với tâm trộm, thượng tọa lấy bát của Tỳ kheo địch thủ không được, lại lấy bát của mình đưa cho Tỳ kheo trộm, thượng tọa và Tỳ kheo đều phạm Ðột-cát-la.

Nếu thượng tọa đưa vật đến cho vị trẻ tuổi (dahara) cầm, nói rằng ta đưa ông đến chỗ kia.

Với tâm trộm, Tỳ kheo trẻ tuổi cầm vật theo thượng tọa đến chỗ kia, lén bỏ đi và cầm vật theo, bước thứ nhất phạm Thu-lan-dá, bước thứ hai phạm Ba-la-dy.

Ðưa vật cho Tỳ kheo trẻ cầm, thượng tọa vào làng khất thực. Với tâm trộm, Tỳ kheo trẻ suy nghĩ rằng: Ta cầm đi theo thượng tọa, khi vào trong làng rồi sẽ bỏ đi.

Khi chưa đến làng, mỗi bước là phạm một Ðột-cát-la; bước một chân vào cương giới làng, một chân bên ngoài, Thu-lan-dá. Hai chân bước hết vào cương giới làng, Ba-la-dy. Nếu vào trong làng rồi mới sinh tâm trộm và đi ra, phạm cũng như trên.

Thượng tọa đưa y cho Tỳ kheo trẻ đến làng kia để giặt nhuộm. Tỳ kheo trẻ trộm y mang đi, mỗi bước đi, phạm một Ðột-cát-la; qua khỏi chỗ giao hẹn, Ba-la-dy. Ðến làng đem y ra đổi thức ăn hoặc bán thì chưa phạm trọng giới. Về chỗ cũ, chủ y hỏi rằng: - Y ở đâu?

Ðáp: - Ðã đổi và ăn hết rồi.

Chủ đòi theo giá trị, Tỳ kheo phải bồi hoàn, nếu không bồi hoàn, Ba-la-dy.

Với tâm trộm, Tỳ kheo cố lấy y của thượng tọa để giặt. Nếu thượng tọa trao y cho Tỳ kheo này, y rời khỏi tay thượng tọa, Tỳ kheo này phạm Ba-la-dy. Nếu Tỳ kheo có tâm trộm suy nghĩ rằng đưa vật này đến làng xóm rồi ta sẽ lấy thì cũng phạm như trên. Nếu y bị dơ, thượng tọa đưa y ra với biểu hiện muốn sai người giặt, Tỳ kheo trẻ có tâm trộm hỏi (muốn lấy giặt). Thượng tọa nói rằng muốn giặt y này?

Hỏi: - Giặt ở đâu?

Ðáp: - Trưởng lão đến đâu thì giặt ở đấy.

Tỳ kheo này đem y đến nơi, phạm Ðột-cát-la; nếu đem xử dụng, phạm Thu-lan-dá; nếu không trả khi thượng tọa đòi thì phạm Ba-la-dy.

Nếu thượng tọa gửi mền cho thí chủ, với tâm tộm nên Tỳ kheo trẻ tuổi đến nhà họ nói dối rằng thượng tọa sai tôi đến lấy. Nếu gửi chồng thì chồng đưa, gửi vợ thì vợ đưa gửi vợ chồng đưa, mền sang tay Tỳ kheo, đều phạm Ba-la-dy.

Nếu thí chủ nói với thượng tọa rằng: Con muốn thỉnh thầy thọ trai và cúng dường một tấm vải. Biết như vậy, Tỳ kheo trẻ tuổi đến nhà nói với thí chủ: Thượng tọa sai tôi đến lấy vải trước, đến ngày hẹn sẽ thọ trai.

Thí chủ trao vải cho vị này và sau đó thượng tọa biết được nên đòi vị này tấm vải. Nếu không trả thì phạm Ba-la-dy. Nếu thí chủ cùng thỉnh hai Tỳ kheo an cư, sau khi mãn hạ, cúng hai xấp vải, một xấu một tốt và không dâng khi có cả hai vị. Sau đó, thượng tọa sai Tỳ kheo trẻ tuổi đến nhà thí chủ lấy tấm vải. Ðưa vải cho Tỳ kheo trẻ, thí chủ dặn rằng tấm tốt dâng thượng tọa, tấm xấu dâng Tỳ kheo trẻ. Sau khi đem vải về, Tỳ kheo trẻ để chung vào một nơi.

Thượng tọa hỏi: - Tấm nào dâng cho tôi?

Với tâm trộm, Tỳ kheo trẻ tuổi đáp: - Tấm xấu này của ngài. Thượng tọa lấy tấm xấu, Tỳ kheo trẻ phạm Thu-lan-dá. Tỳ kheo trẻ lấy tấm tốt rời khỏi chỗ cũ, phạm Ba-la-dy.

Nếu khi viết chữ lên tấm vải, với tâm trộm, Tỳ kheo trẻ dối viết tên mình trên tấm tốt, sau đó, thượng tọa theo tên đã ghi để lấy tấm vải thì Tỳ kheo trẻ phạm Thu-lan-dá. Khi Tỳ kheo trẻ lấy tấm vải kia, phạm Ba-la-dy.

Vào chùa, thấy cựu Tỳ kheo làm ca-sa, nghĩ rằng đây là cựu Tỳ kheo nên sẽ trông coi bát của ta, Tỳ kheo khách im lặng bỏ đi. Sau đó, bát này bị mất, Tỳ kheo khách không được đòi bồi thường vì không gửi. Nếu có nói gửi nhưng cựu Tỳ kheo không hiểu lời nói của Tỳ kheo khách mà Tỳ kheo khách tưởng vị kia đã nhận lời mình gửi. Sau đó, nếu bát này bị mất, khách Tỳ kheo cũng không được đòi bồi thường vì lời nói không rõ.

Nếu khi vị kia gửi bát, cựu Tỳ kheo nói rằng lành thay nhưng sau đó bát bị mất thì phải bồi hoàn lại giá trị cho vị kia, vì có nhận gửi.

Quản lý kho chứa bát, Tỳ kheo xuất nhập bát của các Tỳ kheo, quên không đóng cửa kho, bát bị mất thì Tỳ kheo này phải bồi thường. Nếu bị người khoét vách vào trộm thì không phải bồi thường.

Các Tỳ kheo nói với Tỳ kheo giữ bát rằng: Này trưởng lão! Ngài hãy đưa bát ra ngoài vào sáng sớm, chúng tôi sai người đến giữ.

Người giữ ngủ quên làm mất bát thì Tỳ kheo giữ kho bát không phải đền.

Các Tỳ kheo gửi bát mà Tỳ kheo giữ bát làm biếng mở cửa kho nên đem bát để trong phòng mình, bị mất bát thì phải bồi thường. Nếu Tỳ kheo giữ kho bát mở cửa kho, chưa kịp đóng lại thì bị bệnh nên không kịp nhắn người giữ hộ. Bát bị mất thì không phải bồi thường. Tỳ kheo giữ bát ngủ đóng cửa kho, có giặc đến gọi mở cửa. Tỳ kheo không mở cửa nên giặc nói rằng ta mở được cửa sẽ giết ngươi. Tỳ kheo cũng không mở cửa, giặc dùng búa phá cửa nên Tỳ kheo suy nghĩ: Nếu không mở cửa, ta sẽ mất mạng và mất cả bát.

Do đó, Tỳ kheo mở cửa và giặc lấy bát đi thì Tỳ kheo không phải đền.

Tỳ kheo giữ kho bát đưa chìa khóa kho cho Tỳ kheo khách. Tỳ kheo khách mở cửa kho trộm bát đem đi. Tỳ kheo giữ kho phải đền bát.

Thượng tọa nói với Tỳ kheo giữ kho bát rằng tôi muốn gửi bát nên cùng trưởng lão xem xét bát trong kho. Nếu mở cửa mà không đóng lại, bị mất bát, cả hai đều phải bồi thường.

Thượng tọa đưa người vào kho, Tỳ kheo coi kho bát nói: - Dùng đưa người vào đây.

Thượng tọa nói: - Không sao.

Nếu mất bát, thượng tọa phải bồi thường.

Kho của tăng, tăng xuất tạp vật trong kho ra làm đại hội, một người không trông coi làm mất vật, Tỳ kheo coi kho không phải bồi thường. Nếu đưa lợi dưỡng bên ngoài vào, Tỳ kheo coi kho được nhận hai phần. Tỳ kheo hành đầu-đà tuy sống trong chùa mà không ở phòng của tăng, không ăn của tăng, ăn của thí chủ, tự mình làm phòng ở, chúng tăng không được sai làm duy-na hay tri sự sai khiến. Nếu Tỳ kheo nhờ đọc tụng, giáo hóa, thuyết pháp mà được lợi dưỡng cho mình và cho tăng, tăng không được sai làm tri sự cho tăng. Khi có phòng ở, y bát tốt, nên cho vị này vật tốt trước, được cho thêm về các loại như thức ăn, trái cây...

Nếu Tỳ kheo xử dụng phòng ở, y bát của tăng mà xem thường làm mất vật của tăng thì phải bồi thường. Tăng sai trông coi vật cúng dường Phật thì không được từ chối, làm mất phải bồi thường.

Không nộp thuế cho quan (sunkaghàta); trốn thuế, trộm vượt qua chỗ quan thuế, vừa đụng vào (vật) Ðột-cát-la, che dấu Thu-lan-dá; vượt qua trạm thuế quan, Ba-la-dy. Với tâm trộm, vứt vật ra ngoài trạm thuế, phạm Ba-la-dy; rơi bên trong trạm, Thu-lan-dá; ném ra ngoài nhưng vật lại lọt vào trong trạm thuế, Ba-la-dy; có pháp sư nói phạm Thu-lan-dá.

Có cây lớn làm cầu, một đầu nằm trong trạm thuế, một đầu nằm ngoài trạm thuế, với tâm trộm đưa vật theo cây để ra khỏi trạm, chưa vượt khỏi cây, Thu-lan-dá; vượt khỏi cây, Ba-la-dy.

Hai người cùng đóng chung thuế, một người trong chạm, người kia ở ngoài trạm (để trốn thuế), Thu-lan-dá; cả hai cùng vượt qua trạm, Ba-la-dy.

Ðem bò, ngựa, đội vật qua trạm thuế, Tỳ kheo bảo người nhận thuế rằng ông hãy thu thuế. Người thu thuế quên thu, bò đi qua khỏi trạm, Tỳ kheo không phạm tội, tội vì đã nói với thuế quan.

Tỳ kheo đến trạm thuế, một thuế quan bảo nộp, một bảo thôi, Tỳ kheo không nộp thuế, qua trạm, không phạm.

Tỳ kheo đưa vật đến trạm, muốn nộp thuế, người nhận thuế nói: - Vật nhỏ mọn không cần phải nộp thuế.

Do đó, Tỳ kheo đưa vật qua trạm, không phạm tội.

Tỳ kheo đem vật đến chỗ người nhận thuế nhưng họ đang chơi cờ bạc. Gọi ba lần nhưng họ không đáp ứng, Tỳ kheo đi qua không có tội.

Ðem vật đến chỗ người đóng thuế, bỗng gặp phải nạn như nước, lửa, giặc nên họ kinh sợ chạy tứ tản không nhận thuế, Tỳ kheo đi qua không có tội.

Cương giới của trạm thuế cũng tính theo chỗ hòn đá ném tới. Nếu Tỳ kheo đem vật chưa đến cương giới trạm thuế, đi qua (theo ngã khác) không phạm.

Pháp sư nói: - Tôi muốn nêu rõ (trường hợp) người trộm mà vô tội.

Hỏi: - Thế nào là vô tội?

Ðáp: - Không có chủ nên vô tội.

Ðối với trẻ con bị lưu lạc, bị cha mẹ rưới nước lên đầu rồi bảo đi đi, bị mất cha mẹ, Tỳ kheo nhận những người này thì vô tội. Người do người khác bồi thường, Tỳ kheo mang đi không có tội.

Người sinh trong nhà, mua được, phá được. Sinh trong nhà nghĩa là trẻ do nô tỳ trong nhà sinh ra; mua được là đem vật trao đổi, phá được là do đánh trận mà có. Trong luật nói rằng nếu Tỳ kheo trộm những người này thì mắc tội. Vừa nắm họ, phạm Ðột-cát-la; ôm hay bồng họ giở một chân lên khỏi mặt đất, phạm Thu-lan-dá; giở cả hai chân lên, phạm Ba-la-dy. Gây khủng bố cho họ đi theo, phạm tội nhỏ; bước một chân, phạm Thu-lan-dá; bước cả hai chân, Ba-la-dy.

Ðối với nô tỳ của người, Tỳ kheo bảo: - Người ở đây thật khổ, sao không bỏ đi, nếu đến chỗ khác thì sung sướng.

Nghe Tỳ kheo nói, nếu nô tỳ vừa có tâm muốn đi, Tỳ kheo phạm Ðột-cát-la; bước một chân đi, Thu-lan-dá; bước hai chân, Ba-la-dy.

Nô tỳ phản chủ, có các Tỳ kheo chỉ đường cho chạy trốn. Tỳ kheo chỉ đường bị tội trọng. Nếu nô tỳ khiến Tỳ kheo chạy, Tỳ kheo nói người hãy chạy như vậy sẽ thoát, Tỳ kheo vô tội.

Nô tỳ đi từ từ, Tỳ kheo bảo rằng người đi chậm như vậy, chủ sẽ bắt được ngươi.

Nghe nói, nô tỳ chạy nhanh, Tỳ kheo phạm trọng tội.

Nếu nô tỳ chạy trốn đến nước khác, Tỳ kheo bảo rằng ngươi hãy đi qua xứ khác đi vì chủ ngươi sẽ tìm được ngươi.

Nghe vậy, nô tỳ liền bỏ trốn, Tỳ kheo phạm tội trọng.

Nếu Tỳ kheo nói rằng ngươi ở đây khổ cực, ở chỗ kia rất sung sướng.

Nghe nói vậy, nô tỳ bỏ trốn đi. Tỳ kheo không bảo họ đi nên vô tội.

Tỳ kheo nói rằng xứ kia rất sung sướng với nhiều đường sá, thực phẩm dồi dào, ai có thể theo ta đến đó.

Nghe nói như vậy, nô tỳ tự đi theo Tỳ kheo. Tỳ kheo đuổi người này, vô tội. Nếu đi nửa đường, gặp phải cọp, sói, giặc, Tỳ kheo bảo chạy theo, không có tội.

Hết phần trộm người.

 

Loại không chân như rắn... có chủ... Người đời sai rắn làm trò để người xem cho một tiền hay nửa tiền.

Khi người này để rắn ngủ say, Tỳ kheo trộm mang đi, bị tội tùy theo giá trị.

Rắn trong giỏ, với tâm trộm, Tỳ kheo đưa ếch ra nhử, hoặc lôi ra khỏi giỏ, bị tội tùy theo giá trị. Hết phần loài không chân.

Loài hai chân. Thứ nhất là quỷ và người, nhưng với quỷ thì không thể trộm được.

Chim có ba loại. Loại bằng cánh lông như công, gà... Loại cánh bằng da như dơi... Loại cánh bằng xương như ong. Tỳ kheo trộm lấy các loài này, kết tội tùy theo giá trị như nói ở trước.

Loài bốn chân là tất cả các loại súc sinh như voi... Tỳ kheo đem sức mạnh bắt trộm voi, rời khỏi mặt đất, Ba-la-dy. Nếu voi đang ở trong chuồng bị trói ở bụng, ở cổ hay chân, Tỳ kheo mở dây ra khỏi chỗ cũ; nếu không bị cột mà lùa ra ngoài, hay ở ngoài đuổi ra khỏi cửa, hay đuổi ra khỏi cương giới của làng xóm, nếu ở chỗ A-lan-nhã mà đuổi khỏi chỗ đang đứng, nếu đang ngủ mà bắt đứng dậy, theo những trường hợp trên mà voi rời khỏi chỗ cũ, phạm Ba-la-dy. Ðối với các loại bốn chân như bò ngựa, lừa, lạc đà... cũng như vậy. Nếu bò... ở trong rào (ngăn) một nửa, lấy rào làm cương giới, Tỳ kheo mở dây đuổi ra ngoài, phạm như nói ở trước. Tỳ kheo gọi tên của bò, nó nghe hiểu và đi theo ra, phạm tội như trên. Nếu giết bò ngủ trên đất, chủ bò đòi, Tỳ kheo phải bồi thường, không thường phạm tội trọng.

Hết phần loài bốn chân.

 

Chúng sinh nhiều chân. Như con rết, cuốn chiếu có trăm chân. Nếu Tỳ kheo giở một lần lên 99 chân của chúng thì phạm Thu-lan-dá, dở chân cuối cùng lên, bị kết tội tùy theo giá trị.

Hết phần loài nhiều chân.

 

Nếu làm cho kẻ trộm, Tỳ kheo đến nhà người để xem nơi để vật, nơi tường vách bị hư thủng và trở về báo cho chúng. Nghe Tỳ kheo nói, kẻ trộm làm theo như vậy và lấy vật ra khỏi vị trí cũ Nếu nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo đi thì tất cả đều phạm tội. Nếu sai một Tỳ kheo... đi xem chỗ có vật, có một Tỳ kheo nói rằng đừng sai người ấy đi hãy để tôi đi, thì Tỳ kheo ấy phạm tội; người sai và người bị sai thì vô tội. Chúng Tỳ kheo cưỡng ép một Tỳ kheo đi trộm được vật và bắt Tỳ kheo này canh chừng. Khi các người đồng bọn đi tìm vật, Tỳ kheo giữ vật sinh ý trộm, lén chọn và lấy vật tốt, bị tội tùy theo giá trị vật.

Nhiều chúng Tỳ kheo nói rằng chúng ta cùng nhau đến làng ấy, chỗ ấy để trộm vật. Nếu cả bọn cùng đi, một người vào lấy vật, vật rời khỏi chỗ cũ, tất cả đều phạm Ba-la-dy.

Trong câu hỏi cho rằng trường hợp bốn người cùng trộm nhưng ba người bị tội còn một người được thoát, tôi xin hỏi và ông hãy suy nghĩ kỹ. Có bốn Tỳ kheo, một thầy và ba trò muốn trộm lấy sáu ma-bà-ca. Thầy bảo trò rằng: Các con lấy một ma-bà-ca và ta lấy ba ma-bà-ca.

Ðệ tử thứ nhất nói với thầy rằng thầy lấy ba, con lấy một và nói với hai người kia đều lấy một. Hai người kia cũng bảo nhau như vậy. Thầy trộm ba tiền, phạm Thu-lan-dá, dạy ba đệ tử trộm cũng phạm Thu-lan-dá. Vì sao? Tự trộm và bảo người khác trộm thì tội khác nhau nên bị hai Thu-lan-dá. Ba người đệ tử bị tội trọng, vì bảo người khác trộm năm ma-bà-ca (bảo thầy lấy ba, bảo hai bạn mỗi người một, cộng lại là năm - người dịch). Ông hãy suy nghĩ kỹ về trường hợp này để phân biệt rõ về các nghĩa lý trong giới trộm cắp. Suy nghĩ rõ như thế nào? Ông phải phân biệt rõ các trường hợp một loại vật để vào một nơi, một loại vật để nhiều nơi, nhiều vật để nhiều nơi.

Một loại vật để một nơi như là có một người để năm ma-bà-ca ở cửa hàng. Thấy vậy, nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo đến lấy đi. Các Tỳ kheo này đều bị Ba-la-dy.

Một người có năm cửa hàng và mỗi nơi để một ma-bà-ca. Thấy vậy, nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo đến cả năm nơi để lấy (những ma-bà-ca ấy), lấy nơi cuối cùng thì phạm Ba-la-dy.

Nhiều vật để một nơi là các vật khác nhau để chung một chỗ mà giá trị chung là năm ma-bà-ca hay nhiều hơn. Nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo lấy, Tỳ kheo này lấy vật ra khỏi chỗ, các Tỳ kheo đều phạm tội trọng. Nhiều loại vật để nhiều nơi, có năm người đều có một cửa hàng, nhiều Tỳ kheo sai một Tỳ kheo đến lấy, vật cuối cùng rời khỏi vị trí cũ, các Tỳ kheo đều phạm tội trọng.

Hết phần bảo lấy.

 

Cùng hẹn nhau vào giờ đó cùng đi, hoặc sáng, chiều nay tối, hôm nay hay ngày mai, năm nay hay sang năm, giữ đúng lời hẹn và không sai thời gian thì phạm hay không phạm như trước đã nói.

Nếu không làm đúng lời sai bảo như bảo lấy buổi sáng mà lại lấy vào buổi chiều, bảo đầu đêm lấy mà lại lấy vào cuối đêm, bảo lấy vào tháng có trăng lại lấy vào tháng không trăng, bảo lấy trong năm này lại lấy vào năm sau, người bảo lấy phạm tội nhỏ, người lấy phạm Ba-la-dy. Nếu lấy đúng vào thời gian sai, cả hai đều bị tội.

Hết phần hẹn nhau.

 

Chú Giải Luật Thiện Kiến

- Quyển Thứ Chín -

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001