BuddhaSasana Home Page
This document is written in Vietnamese, with Unicode Times font


Chú Giải Luật Thiện Kiến
Hán dịch: Tăng-già-bạt-đà-la - Việt dịch: Tỳ kheo Tâm-Hạnh


  

Quyển thứ chín

-ooOoo-

Vượt qua chỗ quan trọng (sanketam vitinàmeti), nghĩa là dựa theo câu văn, tùy theo tướng trạng của nó mà tuần tự phân biệt trong giới trộm cắp.

Tùy theo sắc, danh sắc (Yathà rùpam nàmà’ti) là tùy theo nơi chốn. Danh là tùy theo tên gọi, hoặc một phần, hoặc giá trị một phần hoặc hơn một phần; gọi là danh. Vì sao? Một Ngật-lị-sa-bàn (kahàpana) phân chia làm bốn phần. Ðây là thể hiện về vật bất tịnh (đủ giá trị phạm giới?). Giá trị một phần là thể hiện tịnh vật (chưa đủ yếu tố phạm giới). Hơn một phần là hơn một phần tịnh vật hoặc hơn một phần bất tịnh vật. Ðây là đủ yếu tố về giới Ba-la-dy thứ hai.

Chủ dưới đất (pathabbyaràjan (pathavya) là vua cả bốn thiên hạ như Chuyển-luân-vương (Dìpa-cakkavattin), hoặc một thiên hạ như vua A-Dục (Asoka), như vua Sư tử (Sìhalarajan), ở một xứ như vua Bình-sa (Bimbisàra), vua Ba-tư-nặc (Pasenadi), ở một vùng biên là vua của vùng đất ở một bên vua một xứ. Trung gian là chủ một thôn, hai thôn cũng gọi là vua.

Ðiển-pháp (Akkhadassa) nghĩa là thi hành phép tắc của vua, tùy tội nặng nhẹ mà giết hay cắt mũi, chặt tay chân, đại thần hay thái tử hay vua ở nước nhỏ (biên địa) đều có quyền xử trị này nên gọi là vua.

Giết là giết chết hoặc đánh bằng roi gậy (cho chết).

Ðuổi đi nghĩa là đuổi sang nước khác.

Giặc nghĩa là kẻ trộm nhiều hay ít vật của người. Như vậy là câu đầu về tội trộm. Pháp sư nói: - Tuần tự những câu sau dễ hiểu mà bắt đầu là đoạt lấy. Như vậy đã nói hết sáu câu. Nếu lấy một phần (năm ma-bà-sa), (hay vật có) giá trị bằng một phần hay hơn một phần là tội trộm (Ba-la-dy).

Hỏi: - Lấy một phần đã phạm tội, cần gì phải nói đến giá trị một phần hay hơn một phần?

Ðáp: - Vì ngăn chận các Tỳ kheo trong tương lai nên nói rộng ra như vậy.

Vật ở trong đất và trên đất. Vật trong đất là vật dấu trong đất. Ðiều này được giải trong luật.

Pháp sư nói: - Văn cú chỗ này khó hiểu, tôi sẽ giải thích rõ. Tàng là đào đất và chôn xuống rồi lấp lại bằng đất hay đá, cây... đây gọi là chôn dưới đất. Nếu Tỳ kheo nói rằng tôi muốn trộm lấy và mang đi các vật dấu trong đất, bằng các phương tiện, đều phạm Ðột-cát-la.

Hỏi: - Thế nào là phương tiện?

Ðáp: - Khi sắp đi, mặc y phục đi dần ra đường, mà suy nghĩ: Vật này rất lớn, ta không thể lấy một mình, vậy ta hãy tìm đồng bạn. Ra đi với ý nghĩ như vậy, phạm Ðột-cát-la. Ðến gặp bạn, nói: Ở chỗ... có dấu vật báu, tôi cùng với trưởng lão đi lấy. Nếu vị kia đồng ý và cùng đi, Ðột-cát-la. Nếu nói rằng nơi... ấy có lu lớn đựng vật quí giá, tôi muốn cùng trưởng lão đi lấy. Nếu được, chúng ta cùng chia nhau để làm công đức. Nhờ đó, tôi cùng trưởng lão không bị thiếu thốn. Với những lời như vậy đều phạm Ðột-cát-la. Sau khi tìm được bạn, lại tìm cuốc bén. Nếu có cuốc bén thì đi lấy để dùng, nếu không có cuốc bén mà đến nơi Tỳ kheo hay người thế tục khác (để mượn).

Người chủ hỏi: - Lấy cuốc để làm gì?

Ðáp: - Dùng chuyện nhỏ nhặt.

Bị tội Ðột-cát-la.

Nếu cố nói dối để lấy cuốc đem về chùa dùng đào đất, phạm Ba-dạ-đề. Lại có nhà giải thích khác (mahàatthakathà) cho rằng không phải vậy, mà đều phạm Ðột-cát-la. Vì sao? Vì đó chỉ là phương tiện để trộm. Pháp sư nói: - Cố ý nói dối thì phạm Ba-dạ-đề.

Ðây là cách giải thích hợp lý.

Nếu cuốc không có cán, vì làm cán mà chặt cây đã chết, phạm Ðột-cát-la, chặt cây sống, phạm Ba-dạ-đề. Có một vị khác giải thích chặt cây sống phạm Ðột-cát-la. Vì sao? Vì chỉ là tạo phương tiện để trộm.

Nếu muốn mượn cuốc mà sợ người khác biết nên tự mình làm cuốc để đào; vì tìm sắt nên đào đất, chết cây, đều phạm Ba-dạ-đề và Ðột-cát-la. Có vị khác giải thích rằng đều phạm Ðột-cát-la vì tạo phương tiện để trộm. Nếu không có giỏ, vào rừng bứt dây để làm giỏ, phạm Ba-dạ-đề, như nói ở trước. Hoặc với ý tưởng lấy vật này để cúng dường Tam-bảo, giảng pháp, đem bố thí. Khi đi mà nói như vậy thì không có tội. Khi đi với tâm trộm thì phạm Ðột-cát-la. Nếu muốn đi đến nơi chôn vật, lại chặt phá cây cối để làm đường đi, phạm Ba-dạ-đề, nếu chặt cây đã chết, phạm Ðột-cát-la.

Ðối với cây sống ở trong nghĩa là chôn vật đã lâu, nay có cây cỏ mọc ở trên. Nếu chặt phá cây cỏ này, phạm Ðột-cát-la. Pháp sư nói: - Có tám loại Ðột-cát-la. Ðó là: 1- Phương tiện Ðột-cát-la; 2- Cộng tướng Ðột-cát-la; 3- Trọng vật Ðột-cát-la; 4- Phi tiền Ðột-cát-la; 5- Tỳ-ny Ðột-cát-la; 6- Tri Ðột-cát-la; 7- Bạch Ðột-cát-la; 8- Văn Ðột-cát-la. (Pubbapayogadukkata; sahapayoga; anàmàsa; durùpacinna; vinaya; natã; nati; patissava).

Hỏi: - Phương tiện Ðột-cát-la là gì?

Ðáp: - Như kẻ trộm tìm đồng bọn và dao búa, cuốc để làm phương tiện thì gọi là phương tiện Ðột-cát-la. Nếu thuộc Ba-dạ-đề thì phạm Ba-dạ-đề, thuộc Ðột-cát-la thì phạm Ðột-cát-la.

Cộng tướng Ðột-cát-la nghĩa là dùng dao búa chặt phá cây cỏ sống mọc trên chỗ chôn vật báu. Trong này, thuộc Ba-dạ-đề thì đều thành tội Ðột-cát-la. Vì chỉ là tạo phương tiện để trộm.

Không được cầm vật nghĩa là với mười loại báu, bảy loại hạt, các loại binh khí, cầm nắm bị tội Ðột-cát-la.

Phi tiền nghĩa là đối với các loại trái cam, chuối, dừa, nếu cầm lấy bị tội Ðột-cát-la.

Tỳ-ny nghĩa là khi Tỳ kheo vào khất thực trong làng xóm, bụi rơi vào bát, không thọ lại (làm sạch bát?) mà thọ nhận thức ăn uống, người nhận bị tội Ðột-cát-la.

Tri Ðột-cát-la nghĩa là nghe người khác nêu ra rồi, biết mà không xuất tội, bị tội Ðột-cát-la.

Bạch nghĩa là bị một pháp bạch trong mười pháp bạch, bị tội Ðột-cát-la.

Văn (nghe) nghĩa là Phật bảo các Tỳ kheo: Chấm dứt hành động khi chưa hoàn tất, bị phạm Ðột-cát-la. Ðây là văn cộng tướng Ðột-cát-la. Vì sao? Như trong luật bản nói rằng chặt phá cây sống mọc trên chỗ chôn dấu vật báu, bị tội Ðột-cát-la. Nhưng ngay khi chặt, sinh tâm hối hận, và trở lại tâm tốt như cũ. Do chặt phá nên bị tội Ðột-cát-la nhưng nhờ hối cải nên thoát tội. Nếu không có tâm tàm quí, mà tận lực đào bới đất để tìm vật báu, cũng bị tội Ðột-cát-la.

Bên đống đất nghĩa là đất chết và dồn đống qua một bên, bị tội Ðột-cát-la.

Tiền Ðột-cát-la diệt nghĩa là dùng tay rờ vật báu nhưng chưa di chuyển, đều bị Ðột-cát-la. Trước bị tội Ðột-cát-la gom đất, rồi đến lay động vật thì bị tội Thu-lan-dá.

Pháp sư nói: - Tội Ðột-cát-la và Thu-lan-dá này ra sao?

Ðột-cát-la là không làm theo lời Phật dạy. Ðột nghĩa là ác; kiết-la nghĩa là làm; gom lại nghĩa là làm ác. Hành động không đúng, đàng hoàng của Tỳ kheo gọi là Ðột-cát-la. Trong luật có bài kệ:

Ngươi hãy nghe ý nghĩa,
Về tội Ðột-cát-la,
Cũng gọi là lỗi lầm,
Lại tên là Ta-bạt
Như người đời làm ác,
Hoặc dấu hoặc biểu lộ,
Gọi là Ðột-cát-la,
Các vị hãy tự biết.

Thu-lan-dá (thullaccaya): Thu-lan nghĩa là lớn; dá nghĩa là ngăn đường thiện; sau phải bị đọa vào đường ác. Trong các tội phải sám hối trước một người, thì tội này lớn nhất.

Như trong luật có nói:

Hãy lắng nghe ý nghĩa,
Về tội Thu-lan-dá
Sám hối trước một người,
Người nhận sám cũng một,
Trong tội sám một người,
Tội này là lớn nhất.

Nếu đã lay động vật rồi nhưng sau đó hối hận, sám hối với tội Thu-lan-dá thì được thoát.

Hỏi: - Trong mười bạch Ðột-cát-la, phạm Ðột-cát-la như thế nào?

Ðáp: - Chưa yết ma, đã bạch xong nhưng không bỏ thì phạm Ðột-cát-la. Một lần bạch yết-ma xong, không bỏ, yết-ma lần thứ nhất xong, không bỏ, tùy theo yết-ma mà không chịu bỏ đó, phạm Thu-lan-dá.

Lấy vật khỏi chỗ cũ, nghĩa là với tâm trộm, Tỳ kheo di chuyển vật đến chỗ khác dù khoảng cách như sợi tóc, phạm Ba-la-dy. Làm cho bình chứa vật nghiêng lệch qua một bên thì chưa phạm. Nếu rời khỏi chỗ cũ, phạm Ba-la-dy. Nếu bình bị (đất) chung quanh giữ quá chặt, dùng ba cây trụ để treo lên, sau đó đào lấy sạch đất ở bốn bên và trên dưới ra, phạm Thu-lan-dá. Nếu nhổ bớt một cây, hai cây cũng Thu-lan-dá. Nhổ hết ba trụ, bình rơi xuống đất, phạm Ba-la-dy. Dùng dây treo bình lên cây, sau đó đào đất, khiêng bình xuống, tùy theo dây dài ngắn cũng chưa phạm, nếu mở dây rời khỏi cây, Ba-la-dy. Nếu không mở dây mà chặt đứt cây, cũng phạm Ba-la-dy. Trên bình trồng cây làm dấu, rễ mọc quấn quít cả bình, Tỳ kheo đào đất, chặt cả rễ cây, phạm Ba-dạ-đề, Ðột-cát-la. Rễ cây bị đứt, bình lộ ra, thì chưa bị phạm tội. Dọn rễ cây qua một bên để lấy bình, dời khỏi cây khoảng chừng sợi tóc, Ba-la-dy. Cây ngã, bình lộ ra, đất bị di chuyển đẩy bình khỏi chỗ cũ, không phạm. Lấy ra khỏi vị trí mới ấy, Ba-la-dy. Trên bình có đá, lật đá nên bình bị mở, chưa bị phạm tội trọng, chỉ phạm Ðột-cát-la. Vật đựng, bình quá lớn không thể di chuyển, đem vật đựng đến lấy bảo vật với giá trị một phần, Ba-la-dy. Nếu trong bình có mũ báu, khóa vàng, kéo ra ngoài một phần và phần kia còn ở trong bình, phạm Thu-lan-dá. Nếu cắt lấy một phần, Ba-la-dy. Nếu trong bình đầy vật báu, đưa tay vào lấy vật, chưa lấy vật ra ngoài, chỉ kéo ra một phần rồi rơi lại vào trong, Thu-lan-dá. Ðem vật ra khỏi bình, Ba-la-dy. Có pháp sư giải rằng lấy vật rời khỏi đáy bình nhưng chưa ra khỏi miệng bình, Ba-la-dy.

Pháp sư nói: - Ðối với giới luật phải đủ các yếu tố (mới thành tội). Uống một miếng mà phạm tội Ba-la-dy như là uống một miếng có giá trị một phần thì phạm Ba-la-dy. Lại có cách giải thích khác, phân biệt khác nhau, như có bình (đựng nước uống quý giá) nặng không thể lấy đi nên đưa miệng vào uống, miệng chưa rời bình, phạm Thu-lan-dá. Miệng rời bình, phạm Ba-la-dy. Nếu hút bằng ống tre... vào cổ họng một phần (giá trị năm ma-bà-sa) phạm Ba-la-dy. Nếu miệng ngậm ống hút, miệng và ống vừa đầy thì ngừng lại, dùng tay bịt một đầu ống, lấy ra khỏi bình, phạm Ba-la-dy. Nếu dùng y bỏ vào trong bình để lấy bơ, dầu trong bình, tay lấy y rời khỏi bình, phạm Ba-la-dy.

Có pháp sư giải rằng không phải như vậy, nếu thả y vào rồi nhưng sinh ý hối hận, nên chưa lấy ra, phạm Thu-lan-dá. Nếu không hối hận, lấy ra khỏi bình, Ba-la-dy. Sau khi thả vào, chủ biết, đòi lại bằng giá trị, nếu trả lại, Thu-lan-dá. Nếu không trả lại, Ba-la-dy.

Tỳ kheo có bình không, người khác đem dầu bơ đổ vào bình. Với tâm giận, Tỳ kheo đem bỏ qua nơi khác, không phạm. Nếu không giận mà vì tham lam đem bỏ qua chỗ khác, Tỳ kheo này phạm Ba-la-dy. Nếu không dời qua nơi khác mà làm cho bình lủng, chảy một phần dầu ra ngoài, phạm Ba-la-dy. Nếu dùi cho bình lủng nhưng ngay lúc ấy dầu, bơ đông đặc không chảy ra; sau đó, có ánh nắng nên chảy ra một phần, phạm Ba-la-dy. Nếu dùi lỗ quá to, bơ dầu như keo chảy ra không ngừng, chảy hơn một phần, thấy vậy nên hối hận nên lấy bỏ lại trong bình, phạm Thu-lan-dá. Nếu bỏ bên ngoài một phần, Ba-la-dy. Nếu di chuyển bình đến chỗ cây đá, muốn cho nghiêng đổ, phạm Ba-la-dy. Nếu chủ nhân đem bình không đặt chỗ bằng phẳng, chưa cho dầu bơ, định cho dầu bơ. Biết như vậy, Tỳ kheo dùng cây, đá lớn đè lên bình, với ý định làm vỡ.

Thấy Tỳ kheo làm việc như vậy, nên khi bình bị bể, chủ bình đòi Tỳ kheo đền bù, dù hoàn lại hết hay không đều phạm Ba-la-dy.

Nếu Tỳ kheo không có ý định phá mà đem các loại tử thi hay đại tiểu tiện bỏ vào bình, lúc chưa bỏ vào bị tội Ðột-cát-la; lúc đang bỏ vào phạm Thu-lan-dá. Khi đã bỏ vào, thấy vậy, chủ nhân đòi bồi thường giá trị, nếu không bồi thường, phạm Ba-la-dy. Nếu không có tâm trộm, chỉ vì giận dữ nên đập phá hay đốt cháy hoặc đổ nước vào, bằng mọi cách làm cho chủ nhân không còn xử dụng được nữa, phạm Ðột-cát-la, nên bồi thường cho chủ, nếu không thì phạm Ba-la-dy. Nếu đem cát, đá, đất bỏ vào bình, đổ nước vào cho tràn ra ngoài, không thể dùng bình được nữa thì phải bồi thường lại cho chủ, nếu không bồi thường, bị tội như trước.

Pháp sư nói: - Ðã đầy đủ về vật ở dưới đất, sau đây sẽ nói về vật ở trên đất.

Vật để trên đất là vật để trong đất, trên cung điện hay trên đầu núi. Ðể những nơi ấy hoặc tập trung hoặc phân tán hoặc đựng trong bình mà không chôn dấu thì gọi là vật để trên đất. Pháp sư nói: - Trước đã thuyết minh rộng, nay sẽ nói chung... hoặc dùng tay lấy, ông hãy tự biết.

Bơ, dầu, mật, sữa, lạc đều thuộc về loại chảy như nước. Vật nặng, nhẹ, vòng vàng, chuỗi ngọc, tấm vải dài... nếu di chuyển khỏi chỗ cũ bằng chừng sợi tóc, đều phạm Ba-la-dy. Hết phần vật ở trên.

Vật ở trên không trung, trước tiên là lông công, có sáu chỗ, đó là miệng, đuôi, hai cánh, chân, lưng, mào. Muốn trộm lấy chim công nơi không trung, khi chim muốn bay, Tỳ kheo đứng ngay ở trước. Thấy Tỳ kheo, chim công không thể bay được, hạ cánh đứng lại, Tỳ kheo bị Ðột-cát-la; đưa tay đụng chim, cũng bị Ðột-cát-la; lay động chim, bị Thu-lan-dá. Nếu nắm lấy lông, kéo rời khỏi thân bị Ba-la-dy; kéo rời cánh trái hay phải, bị Ba-la-dy; trên dưới cũng như vậy. Nếu chim công hạ xuống đậu trên thân hay trên tay phải của Tỳ kheo, Tỳ kheo với tâm trộm, bắt đưa qua tay trái, Ba-la-dy vì rời khỏi chỗ cũ. Nếu nó tự bay qua thì không phạm. Ðem đi với tâm trộm, bước đầu, Thu-lan-dá; bước thứ hai, Ba-la-dy. Nếu chim công ở trên mặt đất, với tâm trộm, Tỳ kheo bắt lấy chim công của người khác, nếu bắt một hai phần thân thể của chim nhưng chưa rời khỏi mặt đất, phạm Thu-lan-dá. Nếu giở toàn thân chim lên khỏi mặt đất, Ba-la-dy.

Chim công ở trong lồng, với tâm trộm lấy cả lồng mang đi, tùy theo đó mà bị tội. Nếu chim công đang ăn trong vườn, với tâm trộm, Tỳ kheo đuổi chim ra ngoài cửa, bị phạm trọng tội. Với tâm trộm, bắt chim ném ra ngoài vườn, bị phạm Ba-la-dy. Nếu chim công ở trong làng xóm, Tỳ kheo với tâm trộm, đuổi chim ra khỏi cương giới của làng, phạm Ba-la-dy. Nếu chim công tự đi, hoặc đến chùa hay đến chỗ trống vắng, Tỳ kheo với tâm trộm cầm gậy, đá, cây ném chim. Nếu chim sợ hãi bay vào rừng, lên mái nhà hay trở về chỗ cũ thì Tỳ kheo chưa bị tội. Nếu với tâm trộm, cố ý đuổi, bắt chim rời đất chừng bằng sợi tóc, bị Ba-la-dy. Như vậy đối với những loại chim khác, các trường hợp phạm hay không phạm cũng giống với chim công.

Ðối với y, y bị gió thổi ngược lên không trung, với tâm trộm, Tỳ kheo nắm lấy một phần của y, bị Ðột-cát-la; nắm cả y, Thu-lan-dá; rời khỏi chỗ cũ, Ba-la-dy. Về tội này, y với chim công không khác. Nếu từ trên không y rơi xuống, Tỳ kheo đưa tay nắm lấy, Ðột-cát-la; rời khỏi chỗ cũ, phạm tội trọng.

Vật bị rơi, vật quí giá của người khác bị rơi nhưng họ không biết, Tỳ kheo thấy những vật quí này từ khoảng không rơi xuống nên nhặt lấy với tâm trộm, rời đất chừng một sợi tóc, phạm Ba-la-dy. Ðối ca-sa bị rơi, cũng phạm như trước. Hết phần nói về vật trên không rơi xuống.

Những vật để trên giường mà có thể lấy được hoặc không lấy được, trường hợp phạm như các vật để trên đất. Nếu khiêng giường (luôn cả vật) đi khỏi chỗ cũ, các ông hãy tự biết lấy. Ca-sa đang treo trên giá. Với tâm trộm, Tỳ kheo lấy y đang treo trên giá, rời khỏi chỗ cũ, phạm trọng tội, không tiếp xúc đến hai đầu mà y rời khỏi chỗ cũ, cũng bị tội, rung động đến hai đầu cũng bị tội. Mang cả giá đi cũng bị tội trọng. Nếu ca-sa cột chặt trên giá y, lay động vào hai đầu, phạm Thu-lan-dá. Mở ra đem đi thì phạm Ba-la-dy. Nếu Tỳ kheo dùng ca-sa buộc bốn góc để ngăn bụi, Tỳ kheo khác với tâm trộm, mở một góc đến ba góc, đều phạm Thu-lan-dá; mở hết bốn góc, phạm Ba-la-dy. Ca-sa đang mắc trên giá, một đầu ở trên giá, một đầu rơi xuống đất, kéo một đầu rời khỏi giá nhưng đầu kia chưa rời khỏi đất, Thu-lan-dá. Một đầu rời khỏi đất, nhưng đầu kia chưa rời khỏi giá, cũng Thu-lan-dá; nếu rời cả giá và mặt đất phạm Ba-la-dy. Nếu Tỳ kheo dùng đẩy đựng y và các tạp vật, treo lên cây cọc, Tỳ kheo khác với tâm trộm lấy đẩy rơi trên vai mình nhưng lại hối hận và đặt lại trên cọc, phạm Thu-lan-dá. Nếu tâm trộm lại khởi lên và lấy đem đi, phạm Ba-la-dy. Nếu nâng lên khỏi cọc, vật nặng bị rơi xuống đất, phạm Thu-lan-dá. Nếu nhặt lên từ đất và mang đi, Ba-la-dy.

Hỏi: - Thế nào là cọc?

Ðáp: - Dài khoảng một trửu, đóng chặt vào vách, cọc cong, cọc bằng ngà voi, các loại cọc khác đều như vậy.

Nếu y của người khác treo trên cây, Tỳ kheo lấy trộm, phạm nặng nhẹ như đối với y treo trên cọc. Nếu y treo trên cây ăn trái, Tỳ kheo với tâm trộm rung cây lấy y nhưng khi y chưa rơi, lại thấy trái cây sinh tâm trộm nên cố rung làm cho trái rơi, phạm một phần Ba-la-dy. Nếu y và trái đều không rơi, phạm Thu-lan-dá. Hết phần nói về trộm vật treo.

Vật ở trong nước. Ðầu tiên là sợ quan (Ràjabhaya) nên dấu vật trong nước. Ðể trong nước không hư, đầu tiên là vật bằng đồng. Chỗ có nước, thứ nhất là ao. Nếu trong chỗ nước không chảy thì vật cũng đứng yên.

Nếu Tỳ kheo với tâm trộm, tìm lấy vật trong nước, tìm nơi nước cạn, cứ mỗi bước đi tìm, phạm Ðột-cát-la. Nếu làm các phương tiện để tìm vật ở chỗ nước sâu, phạm Ðột-cát-la. Khi vào nước, đầu tiên là lặn xuống, nếu chưa đến chỗ vật mà thấy rắn độc hay cá lớn, rùa, các loại ác thú nên sợ hãi bỏ chạy thì không tội.

Pháp sư nói: - Bắt đầu là nắm vật... tiếp theo như trước đã nói, hãy tự biết lấy.

Chỗ nghĩa là có sáu chỗ để nắm vật, bốn cạnh và trên dưới.

Vật ở trong ao, thứ nhất là hoa sen. Nếu Tỳ kheo hái trộm hoa, tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội. Nếu bẻ hoa sen mà ngó hay tơ chưa đứt thì cũng phạm Ba-la-dy. Nếu đào đất để trộm lấy củ ngó sen thì tội nặng nhẹ như nói ở trước.

Nếu trên nước có để các loại tạp vật, Tỳ kheo với tâm trộm, lôi kéo vật bằng ý nghĩ sẽ đến chỗ ấy để lấy; khi kéo chưa rời khỏi nước thì phạm Thu-lan-dá; kéo lên khỏi mặt nước bằng chừng sợi tóc, Ba-la-dy.

Nếu cả bó hoa để trong nước, Tỳ kheo mở bó ra với tâm trộm, Thu-lan-dá; lấy hoa ra khỏi bó, Ba-la-dy.

Tiếp theo chỗ như nói ở trước, nếu nhổ trộm hoa, chưa đứt rễ, Thu-lan-dá, đứt rễ, Ba-la-dy.

Nếu ao không có nước, nhổ trộm hoa ở bốn bên, đứt rễ phạm Thu-lan-dá, đem hoa ra khỏi chỗ tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội.

Nếu cá trong ao nước này có chủ, Tỳ kheo với tâm trộm nên thả câu, giăng lưới, đặt lờ, cá chưa bị bắt, phạm Ðột-cát-la; cá vào lờ, Thu-lan-dá; bắt cá lên khỏi nước, Ba-la-dy; cá vọt khỏi lưới nhảy lên bờ, Thu-lan-dá; Bắt cá trên bờ tùy theo giá trị lớn nhỏ mà kết tội. Ðối với rùa, Ba-ba cũng vậy.

Tỳ kheo muốn bắt trộm cá nhưng ao lớn nên không bắt được, đào thêm ao nhỏ và dẫn cá vào; nếu cá vào ao nhỏ, phạm Ðột-cát-la. Nếu bắt cá trong ao nhỏ không được, cá lại chạy về ao lớn, phạm Thu-lan-dá. Nếu cá chưa ra ao nhỏ cũng Thu-lan-dá. Nếu bắt cá ra khỏi mương nước hay ao, tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội. Nếu nước trong ao sắp hết, cá tập trung lại một chỗ, người khác bỏ thuốc cho cá chết, Tỳ kheo không biết cho là vật bỏ nên nhặt lấy, không phạm. Nếu biết cá có chủ mà Tỳ kheo vẫn lấy trộm, tùy theo giá trị mà kết tội. Nếu chủ của cá đòi thì phải bồi hoàn, nếu không thì phạm tội. Nếu chủ cá lấy cá xong, nên không có ý giữ, Tỳ kheo trộm lấy, phạm Thu-lan-dá. Pháp sư nói: - Tội này nặng nhẹ như nói ở trước, các ông hãy tự biết.

Hết phần nói về phần vật trong nước.

 

Thuyền là tất cả những vật dùng để đi qua sông kể cả khi có cột dây và có thể chở vật khác. Trong thuyền có người hoặc có thể có vật, không có vật hay các tạp vật khác như nói ở trước. Tỳ kheo nào với tâm trộm muốn lấy thuyền dấu đi, suy nghĩ: Ta muốn lấy thuyền nhưng không có đồng bạn vậy ta hãy đi tìm họ. Và Tỳ kheo này lôi kéo thuyền thì phạm tội như nói ở trước.

Mở dây, nếu mở mà dây (cột thuyền) chưa rời khỏi chỗ cũ, Ðột-cát-la; dây rời khỏi chỗ Thu-lan-dá và Ba-la-dy.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ nói rõ, nếu cột thuyền nơi nước chảy mạnh, mở dây xong mà thuyền chưa rời khỏi vị trí cũ, Thu-lan-dá; thuyền rời vị trí cũ, Ba-la-dy. Nếu thuyền trong chỗ nước không chảy, trước kéo thuyền đi, sau đó mới mở dây (buộc thuyền), dây rời ra, Ba-la-dy. Nếu thuyền ở trên đất, kéo thuyền khỏi chỗ cũ, Ba-la-dy. Ðối với hai khúc cây nâng đỡ thuyền, trộm đi một cây, Thu-lan-dá; lấy cả hai cây thuyền rơi chạm đất, Ba-la-dy. Nếu thuyền ở trên mặt đất, Tỳ kheo với tâm trộm, dùng dây cột vào xe để kéo đi, Thu-lan-dá; thuyền rời vị trí cũ, mở dây cột, Ba-la-dy. Thuyền ở trong nước không buộc, với tâm trộm Tỳ kheo lên thuyền, muốn hướng thuyền về phương Ðông nhưng gió thổi thuyền về phía Tây, Thu-lan-dá; theo thuyền đến nơi thuận tiện và lấy trộm, Ba-la-dy. Nếu hối hận hay bị gió thổi nên thuyền quay về chỗ cũ, chủ đòi lại, nên trả, không trả lại chủ, Ba-la-dy.

Hết phần nói về thuyền.

 

Vật để cỡi, thứ nhất là xe, xe chứa tạp vật, có biết như vậy hay không đều như nói ở trước. Nếu xe chở ngũ cốc, Tỳ kheo dùng chậu, chén xúc trộm, bồn... chưa rời khỏi xe, Thu-lan-dá; chậu... rời khỏi xe, Ba-la-dy. Nếu xe nặng không thể kéo được nên tìm bò để kéo, khi tìm, Ðột-cát-la, khi được bò, bò kéo xe đi chừng một bước chân, Thu-lan-dá; bò bước đi cả bốn chân, Ba-la-dy. Muốn đi về hướng Nam, bò lại đi về hướng Ðông Tây, Thu-lan-dá; nếu hướng bò đi theo đường cũ, Ba-la-dy. Lấy trộm xe đang để trên (thành) lũy thì phạm, không phạm giống các trường hợp phạm tội như lấy trộm túi đựng bát đang treo.

Hết phần nói về xe.

 

Ðội vật như dùng đầu đội.

Pháp sư nói: - Tôi sẽ giải thích ý nghĩa này. Ðầu là phần từ chân tóc (sau ót) với yết hầu trở lên. Ðể các vật trên ấy đều gọi là đội trên đầu. từ chân tóc (sau ót) và yết hầu trở xuống gọi là vai. Nếu dưới nách đến trên bụng thì gọi là vác, ôm (vật bằng những chỗ ấy), phạm Ðột-cát-la. Ngoài ra, như đã nói ở phần đội phần gửi (của người) trên đầu. Nếu (vác ở) những chỗ như vai, bụng... cũng như vậy. Thứ tự những câu trong đoạn này dễ hiểu.

Hết phần nói về phần đội vật.

 

Vườn là vườn hoa, trái và các loại cỏ thơm. Tỳ kheo đào trộm lấy những vật ấy, kết tội tùy theo giá trị số lượng nhiều ít. Nếu trộm lột lấy vỏ cây trong vườn, tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội, hoa trái cũng như vậy. Tranh chấp vườn rừng nghĩa là Tỳ kheo cố tranh đoạt lấy vườn rừng của người. Khi mới tranh, Ðột-cát-la; làm cho chủ vườn nghi sợ, Thu-lan-dá. Nếu chủ vườn sinh ý bỏ cuộc (không tranh nữa), Tỳ kheo (đoạt lấy vườn) Ba-la-dy. Nếu chủ vườn chưa có tâm bỏ, Tỳ kheo có ý tưởng quyết đoạt lấy vườn, Ba-la-dy. Nếu nói với quan, đem tiền bạc ra tranh chấp để thắng, chủ vườn sinh ý tưởng thua cuộc, Tỳ kheo Ba-la-dy. Nếu đem (sự tranh đoạt kia vào) trong tăng phán xử, tăng biết nhưng cố xử trái lý, người phán xử Ba-la-dy. Nếu trong tăng phán xử đúng lý, người tranh không đúng lý, Thu-lan-dá.

Hết phần nói về vườn rừng.

 

Trong chùa, trong chùa có để các tạp vật, có bốn chỗ nâng đỡ vật thì như nói ở trước. Ðối với phòng xá lớn nhỏ đã cúng cho tứ phương tăng, Tỳ kheo có ý muốn tranh đoạt lấy nhưng không thành vì phòng (này là của chung ) không có chủ cụ thể nên không phạm tội trọng. Nếu thí chủ đã cúng cho một chúng hay cho đến một người mà Tỳ kheo đoạt lấy với tâm trộm, chủ phòng có ý đoạt mất, người trộm có ý tưởng quyết định lấy, phạm, không phạm như nói ở trước.

Hết phần vật trong chùa.

 

Vật trong ruộng.

Có hai loại ruộng là phú-bàn-na (pubbanna) và a-ba-lan-nhã (aparanna). Ruộng phú-bàn-na là ruộng trồng bảy loại lúa, cao lương. Ruộng a-ba-lan-nhã là ruộng trồng đậu, mía... Tỳ kheo nào trộm lấy lúa, đủ một phần (giá trị năm ma-bà-sa) phạm tội trọng. Nếu lúa chưa gặt, Tỳ kheo với tâm trộm, tìm liềm, gánh, giỏ... các dụng cụ để lấy, phạm Ðột-cát-la; dùng tay quơ ôm (cây lúa) lại, Thu-lan-dá. Nếu cắt đứt những phần (thân cây) còn sống dính theo, chưa rời khỏi chỗ, Thu-lan-dá; cắt đứt phần dính theo, tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội. Nếu trộm lấy lúa để làm gạo, đang tìm cách, Ðột-cát-la; cắt lúa, đập, giã, mỗi việc là một Thu-lan-dá; đã thành ra gạo, bỏ vào vật đựng (của mình), đem rời khỏi mặt đất, Ba-la-dy.

Tỳ kheo tranh ruộng với người khác thì như nói ở trước. Tỳ kheo (lấn chiếm) trộm ruộng của người, dù chỉ bằng một sợi tóc với ý quyết trộm, Ba-la-dy. Vì sao? Vì đất (có chiều) sâu đến vô giá.

Nếu Tỳ kheo này đến hỏi chúng tăng rằng tôi lấy chỗ đất này. Tăng đáp: - Ðồng ý.

Tất cả phạm tội trọng.

Nếu đất có hai cọc ranh giới, Tỳ kheo nhổ một cọc, Thu-lan-dá; nhổ hai cọc, Ba-la-dy. Nếu đất có ba cọc, Tỳ kheo nhổ một cọc, Ðột-cát-la; hai cọc, Thu-lan-dá; ba cọc, Ba-la-dy. Nếu đất có nhiều cọc, Tỳ kheo nhổ một cọc đến hai, đều Ðột-cát-la. Còn hai cọc cuối cùng, Tỳ kheo nhổ cọc đầu, Thu-lan-dá; nhổ cọc cuối, Ba-la-dy.

Dùng dây đo lấn chiếm trộm đất người, đặt một đầu dây xuống đất, Thu-lan-dá; đặt cả hai đầu, Ba-la-dy. Nếu vẽ trên đất để xác định tên (đất cho mình), vẽ một đầu, Thu-lan-dá; vẽ cả hai đầu (của phần đầu), Ba-la-dy. Nếu với tâm trộm, nói lên rằng đến chỗ này là đất của tôi. Nghe vậy, chủ đất sinh lo sợ mất phần đất của mình, Tỳ kheo ấy phạm Thu-lan-dá. Chủ đất có ý tưởng thua cuộc bỏ phần đất ấy, Tỳ kheo này phạm Ba-la-dy.

Hết phần nói về ruộng.

 

Ðất là đất nhà và vườn, có cây và tường rào hay không thì như đã nói rõ trong phần vườn hoa và ruộng.

Hết phần nói lược về đất.

 

Về làng xóm, trong luật đã nói nhiều và rõ. A-lan-nhã là đất có chủ. Pháp sư nói: - Cũng có khi vô chủ.

Hỏi: - Thế nào là có chủ, vô chủ?

Ðáp: - Nếu là cây cỏ trong rừng mà không mua thì không được lấy nên gọi là có chủ. Nếu cây cỏ trong rừng mà được phép chặt phá tùy ý không có người la hỏi thì gọi là vô chủ. Tỳ kheo nào (trộm lấy) vật ở a-lan-nhã có chủ, kết tội tùy theo giá trị nhiều ít. Tỳ kheo nhặt lấy vật bị vứt bỏ nơi A-lan-nhã có chủ, không có tội. Nếu A-lan-nhã có chủ, có cây gỗ và các tạp vật, đã ở lâu trong ấy không ai thu giữ, Tỳ kheo mượn lấy dùng; sau đó chủ về, Tỳ kheo trả lại, người lấy không có tội. Nếu Tỳ kheo đem giá trị của vật đến A-lan-nhã có chủ, bảo người giữ vườn: Người hãy cho tôi lấy cây gỗ và sẽ thanh toán theo giá trị.

Nếu chủ rừng đáp: - Như vậy, ông hãy lấy tùy ý.

Tỳ kheo sai người vào rừng lấy tùy ý, không có tội.

Nếu chủ rừng bảo người giữ rừng rằng Tỳ kheo lấy cây gỗ, ông đừng đòi lấy theo giá trị (trao đổi) nhưng người này vẫn đòi thì Tỳ kheo phải thanh toán cho họ.

Nếu người giữ rừng ngủ nên không biết, hay đi vắng, Tỳ kheo vào rừng lấy cây, sau đó họ trở về và đòi theo giá trị, Tỳ kheo phải thanh toán họ.

Nếu Tỳ kheo vào rừng lấy cây xong, bị giặc hay cọp rượt, quá sợ hãi nên chưa kịp thanh toán, sau đó nên thanh toán. Nếu không thanh toán, Tỳ kheo bị tội tùy theo giá trị nhiều ít của cây.

Nếu Tỳ kheo vào rừng, không hỏi người giữ rừng, lấy trộm vật khác, đi ra khỏi phạm vi của rừng, tùy theo giá trị nhiều ít mà kết tội.

Hết phần về A-lan-nhã.

(Xin xem tiếp Phần 9.b)

-ooOoo-

Chương trước | Ðầu trang | Mục lục | Chương kế


Chân thành cám ơn Tỳ kheo Thiện Minh đã gửi tặng phiên bản điện tử (Bình Anson, 01-2001)


[Trở về trang Thư Mục]

update: 10-02-2001