Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn
Vinaya Pitaka -
Suttavibhanga

Phân Tích Giới Tỳ-khưu - II
(Bhikkhuvibhanga II)

Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


VIII. CHƯƠNG PĀCITTIYA (ƯNG ĐỐI TRỊ) (tt)

PHẦN VẬT THỰC - ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT:

[470] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, ở không xa thành Sāvatthi có phường hội nọ sắp đặt sự thí thực tại phước xá. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư vào buổi sáng sau khi mặc y, cầm y bát, đi vào thành Sāvatthi để khất thực, khi không nhận được đồ ăn khất thực đã đi đến phước xá. Dân chúng (nói rằng): “Lâu lắm các ngài đại đức mới đến” rồi đã phục vụ một cách trịnh trọng. Sau đó vào ngày thứ nhì, vào ngày thứ ba, các tỳ khưu nhóm Lục Sư vào buổi sáng sau khi mặc y, cầm y bát, đã đi vào thành Sāvatthi để khất thực, khi không nhận được đồ ăn khất thực đã đi đến phước xá và thọ thực. Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã khởi ý điều này: “Chúng ta sẽ làm điều gì đây, có nên đi về tu viện rồi cũng sẽ trở lại chính nơi này?” Các vị tiếp tục cư ngụ tại chính nơi ấy và thọ dụng vật thực ở phước xá. Các ngoại đạo lánh xa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử cứ tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá? Vật thực ở phước xá được sắp đặt đâu có dành riêng cho các vị; vật thực ở phước xá được sắp đặt dành cho tất cả!

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá?

…(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vật thực ở phước xá được thọ dụng một lần. Nếu vượt quá số ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[471] Vào lúc bấy giờ, đại đức Sārīputta trong khi đi đến thành Sāvatthi ở trong xứ sở Kosala đã ghé lại phước xá nọ. Dân chúng (nói rằng): “Lâu lắm trưởng lão mới đến” rồi đã phục vụ một cách trịnh trọng. Sau đó, khi đại đức Sārīputta đã thọ thực xong, có cơn bệnh ngặt nghèo đã phát khởi. Đại đức đã không thể rời trú xá ấy ra đi. Sau đó vào ngày thứ nhì, những người ấy đã nói với đại đức Sārīputta điều này:

- Thưa ngài, xin hãy thọ thực.

Khi ấy, đại đức Sārīputta (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm tiếp tục cư trú và thọ dụng vật thực ở phước xá,” trong lúc ngần ngại đã không thọ lãnh nên bữa ăn đã bị lỡ. Sau đó, đại đức Sārīputta đã đi đến thành Sāvatthi và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được tiếp tục cư trú và thọ thực ở phước xá. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu không bị bệnh được thọ dụng vật thực ở phước xá một lần. Nếu vượt quá số ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[472] Không bị bệnh nghĩa là có thể lìa phước xá ấy ra đi.

Bệnh nghĩa là không thể lìa phước xá ấy ra đi.

Vật thực ở phước xá nghĩa là loại vật thực nào đó thuộc về năm loại vật thực được phân phát theo nhu cầu không chỉ định (người thọ) ở trong phòng, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, hoặc ở ngoài trời. Vị tỳ khưu không bị bệnh nên thọ thực một lần, nếu (nghĩ rằng): “Ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh vượt quá số lần ấy thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[473] Khi không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi không bị bệnh, (lầm) tưởng là có bệnh, vị thọ dụng vật thực ở phước xá vượt quá số lần ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.

[474] Vị bị bệnh, vị không bị bệnh thọ thực một lần, vị thọ thực khi chuẩn bị ra đi hoặc khi vừa mới đến, các người chủ thỉnh và mời ăn, được sắp đặt dành riêng (cho vị ấy), được sắp đặt không đủ theo nhu cầu (phần ăn rất ít ỏi), trừ ra năm loại vật thực (thọ dụng) tất cả (các thức khác) thì không phạm tội, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhất.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ:

[475] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, Devadatta bị mất mát về lợi lộc và danh vọng nên cùng với tùy tùng liên tục yêu cầu các gia đình rồi thọ thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại liên tục yêu cầu các gia đình rồi thọ thực? Khi được đầy đủ ai mà không vừa ý? Đồ ngon ngọt ai lại không thích thú?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao Devadatta cùng với tùy tùng lại liên tục yêu cầu các gia đình rồi thọ thực?

…(như trên)…

- Này Devadatta, nghe nói ngươi cùng với tùy tùng liên tục yêu cầu các gia đình rồi thọ thực, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi cùng với tùy tùng lại liên tục yêu cầu các gia đình rồi thọ thực vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[476] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thỉnh mời các tỳ khưu bị bệnh với bữa trai phạn. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu bị bệnh được thọ dụng vật thực dâng chung nhóm. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[477] Vào lúc bấy giờ, trong thời hạn dâng y dân chúng sau khi chuẩn bị bữa trai phạn có dâng y rồi thỉnh mời các tỳ khưu (nói rằng): “Sau khi mời thọ thực, chúng tôi sẽ dâng y.” Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong thời hạn dâng y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[478] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thỉnh mời các tỳ khưu là những vị đang may y với bữa trai phạn. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong lúc may y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[479] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi đường xa cùng với dân chúng. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này:

- Này các đạo hữu, hãy chờ đợi chốc lát. Chúng tôi sẽ đi khất thực.

Những người ấy đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, hãy thọ thực ở ngay đây.

Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong trường hợp đi đường xa. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y, trong lúc đi đường xa. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[480] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đi thuyền cùng với dân chúng. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với những người ấy điều này:

- Này các đạo hữu, hãy đưa thuyền vào bờ chốc lát. Chúng tôi sẽ đi khất thực.

Những người ấy đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, hãy thọ thực ở ngay đây.

Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không thọ lãnh (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong trường hợp lên thuyền. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y, trường hợp đi đường xa, trường hợp lên thuyền. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[481] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu khi trải qua mùa (an cư) mưa ở các nơi đi đến thành Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Dân chúng khi nhìn thấy các tỳ khưu người khác xứ sở đã thỉnh mời với bữa trai phạn. Các vị tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong trường hợp đông đảo (các tỳ khưu). Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y, trường hợp đi đường xa, trường hợp lên thuyền, trường hợp đông đảo (các tỳ khưu). Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[482] Vào lúc bấy giờ, có người thân quyến ruột thịt của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã xuất gia nơi các đạo sĩ lõa thể. Khi ấy, người đạo sĩ lõa thể ấy đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu đại vương, tôi muốn làm bữa ăn cho tất cả các giáo phái khác.

- Thưa ngài, nếu ngài có thể dâng vật thực đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu trước tiên thì trẫm có thể làm như thế.

Sau đó, người đạo sĩ lõa thể ấy đã phái sứ giả đi gặp các tỳ khưu (nói rằng):

- Xin các tỳ khưu hãy nhận lời bữa ăn vào ngày mai của tôi.

Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực dâng chung nhóm.” Sau đó, người đạo sĩ lõa thể ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, người đạo sĩ lõa thể ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Ngài Gotama đã xuất gia, tôi cũng đã xuất gia. Người đã xuất gia thì xứng đáng để thọ nhận vật thực của người đã xuất gia. Xin ngài Gotama nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người đạo sĩ lõa thể ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

 - Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực dâng chung nhóm trong trường hợp bữa trai phạn của sa-môn. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực dâng chung nhóm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y, trường hợp đi đường xa, trường hợp lên thuyền, trường hợp đông đảo (các tỳ khưu), trường hợp bữa trai phạn của sa-môn. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.

[483] Vật thực thuộc về nhóm nghĩa là nơi nào bốn vị tỳ khưu được thỉnh mời với loại vật thực nào đó trong năm loại vật thực rồi thọ thực, việc này gọi là vật thực dâng chung nhóm.

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Trường hợp bị bệnh nghĩa là ngay cả (trường hợp) các bàn chân bị nứt nẻ. (Nghĩ rằng): “Trường hợp bị bệnh” rồi nên thọ thực.

Trong thời hạn dâng y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng. (Nghĩ rằng): “Trong thời hạn dâng y” rồi nên thọ thực.

Trong lúc may y nghĩa là trong lúc y đang được may. (Nghĩ rằng): “Trong lúc may y” rồi nên thọ thực.

Trường hợp đi đường xa nghĩa là (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi nửa do tuần [1] rồi nên thọ thực. Vị sắp sửa đi thì nên thọ thực. Vị vừa mới đến thì nên thọ thực.

Trường hợp lên thuyền nghĩa là (nghĩ rằng): “Ta sẽ lên thuyền” rồi nên thọ thực. Vị đã lên thuyền thì nên thọ thực. Vị vừa rời (thuyền) thì nên thọ thực.

Trường hợp đông đảo (các tỳ khưu) nghĩa là nơi nào hai hay ba vị tỳ khưu đi khất thực thì khất thực được mau mắn (yāpenti). Khi có vị thứ tư đi đến thì khất thực không được mau mắn (na yāpenti). (Nghĩ rằng): “Trường hợp đông đảo” rồi nên thọ thực.

Trường hợp bữa trai phạn của sa-môn nghĩa là bất cứ người nào thành tựu phẩm chất du sĩ thực hiện bữa trai phạn. (Nghĩ rằng): “Trường hợp bữa trai phạn của sa-môn” rồi nên thọ thực.

Ngoại trừ có duyên cớ, (nghĩ rằng): “Ta sẽ thọ thực” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[484] Vật thực dâng chung nhóm, nhận biết là vật thực dâng chung nhóm, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Vật thực dâng chung nhóm, có sự hoài nghi, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Vật thực dâng chung nhóm, (lầm) tưởng không phải là vật thực dâng chung nhóm, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Không phải vật thực dâng chung nhóm, (lầm) tưởng là vật thực dâng chung nhóm, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải vật thực dâng chung nhóm, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải vật thực dâng chung nhóm, nhận biết không phải là vật thực dâng chung nhóm thì vô tội.

[485] Khi có duyên cớ, hai hoặc ba vị thọ thực chung, sau khi đi khất thực tụ hội chung lại (một chỗ) rồi thọ thực, trong bữa ăn thường kỳ, trong bữa ăn (phân phối) theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng, (thọ dụng) tất cả (các thức khác) thì không phạm tội trừ ra năm loại vật thực, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhì.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BA:

[486] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, trong thành Vesālī sự luân phiên về các bữa trai phạn gồm các thức ăn hảo hạng đã được ấn định. Khi ấy, có người lao công nghèo nọ đã khởi ý điều này: “Theo như cách những người này thực hiện bữa trai phạn một cách trịnh trọng thì việc này không phải là tầm thường, hay là ta nên thực hiện bữa trai phạn?” Sau đó, người lao công nghèo ấy đã đi đến gặp cậu chủ tên Kira, sau khi đến đã nói với cậu chủ tên Kira ấy rằng:

- Thưa cậu chủ, tôi muốn thực hiện bữa trai phạn dâng hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, hãy cho tôi tiền lương.

Cậu chủ tên Kira ấy cũng có niềm tin và mộ đạo. Khi ấy, cậu chủ tên Kira ấy đã cho người lao công nghèo ấy tiền lương phụ trội. Sau đó, người lao công nghèo ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, người lao công nghèo ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

- Này đạo hữu, người hãy biết hội chúng tỳ khưu là đông đảo.

- Bạch ngài, hội chúng tỳ khưu hãy là đông đảo. Con đã chuẩn bị được nhiều táo. Các thức uống trộn với táo sẽ được đầy đủ.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người lao công nghèo ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Các tỳ khưu đã nghe được rằng: “Nghe nói hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được người lao công nghèo thỉnh mời vào ngày mai, các thức uống trộn với táo sẽ được đầy đủ.” Các vị ấy đã đi khất thực vào lúc sáng sớm rồi đã thọ thực. Dân chúng đã nghe được rằng: “Nghe nói hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được người lao công nghèo thỉnh mời.” Họ đã mang lại cho người lao công nghèo vô số vật thực loại cứng loại mềm.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy người lao công nghèo ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của người lao công nghèo ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người lao công nghèo ấy đã phục vụ các tỳ khưu ở trong nhà ăn. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đạo hữu, hãy dâng chút ít thôi. Này đạo hữu, hãy dâng chút ít thôi.

- Thưa các ngài, chớ có thọ lãnh chỉ chút ít (vì nghĩ rằng): “Người lao công này nghèo.” Tôi đã cho chuẩn bị sẵn sàng vô số vật thực loại cứng loại mềm. Thưa các ngài, hãy thọ lãnh theo như ước muốn.

- Này đạo hữu, không phải vì lý do này mà chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít, tuy nhiên vào lúc sáng sớm chúng tôi đã đi khất thực và đã thọ thực rồi; vì thế chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít.

Khi ấy, người lao công nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các ngài đại đức đã được tôi thỉnh mời còn thọ thực ở nơi khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?

Các tỳ khưu đã nghe được người lao công nghèo ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu khi được thỉnh mời ở nơi khác lại thọ thực ở nơi khác?

…(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu khi được thỉnh mời ở nơi khác còn thọ thực ở nơi khác, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi khi được thỉnh mời ở nơi khác lại thọ thực ở nơi khác vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[487] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Có vị tỳ khưu khác đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, hãy thọ thực.

- Này đại đức, thôi đi. Có sự chuẩn bị về bữa ăn cho tôi rồi.

Thức ăn của vị tỳ khưu ấy đã được mang lại khi đã trưa. Vị tỳ khưu ấy đã thọ thực không được như ý. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tỳ khưu bị bệnh được thọ dụng vật thực thỉnh sau. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[488] Vào lúc bấy giờ, trong thời hạn dâng y dân chúng sau khi chuẩn bị bữa trai phạn có dâng y rồi thỉnh mời các tỳ khưu (nói rằng): “Sau khi mời thọ thực, chúng tôi sẽ dâng y.” Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực thỉnh sau.” Y được phát sanh ít ỏi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau trong thời hạn dâng y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[489] Vào lúc bấy giờ, dân chúng thỉnh mời các tỳ khưu là những vị đang may y với bữa trai phạn. Các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lời (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán vật thực thỉnh sau.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau trong lúc may y. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp vật thực thỉnh sau thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp ấy là: trường hợp bị bệnh, trong thời hạn dâng y, trong lúc may y. Đây là duyên cớ trong trường hợp ấy.” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[490] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, cùng với đại đức Ānanda là sa-môn hầu cận đã đi đến gia đình nọ, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau đó, những người ấy đã dâng vật thực đến đức Thế Tôn và đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda trong lúc ngần ngại nên không thọ lãnh.

- Này Ānanda, hãy nhận lấy.

- Bạch Thế Tôn, đã có đủ. Có sự chuẩn bị về bữa ăn cho con rồi.

- Này Ānanda, như thế thì sau khi nhường lại (cho vị khác) rồi hãy nhận lấy.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, khi đã nhường lại sự chuẩn bị về bữa ăn ta cho phép thọ dụng vật thực thỉnh sau. Và này các tỳ khưu, nên nhường lại như vầy: “Tôi cho đến vị tên (như vầy) sự chuẩn bị về bữa ăn của tôi.”

[491] Vật thực thỉnh sau nghĩa là khi đã được thỉnh mời với bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực, trừ ra món ấy vị thọ thực bất cứ loại vật thực nào khác thuộc về năm loại vật thực; việc này gọi là vật thực thỉnh sau.

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Trường hợp bị bệnh nghĩa là không thể ngồi ở một chỗ để thọ thực theo như ý muốn. (Nghĩ rằng): “Trường hợp bị bệnh” rồi nên thọ thực.

Trong thời hạn dâng y nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì tháng cuối cùng của mùa mưa, khi Kaṭhina được thành tựu thì năm tháng. (Nghĩ rằng): “Trong thời hạn dâng y” rồi nên thọ thực.

Trong lúc may y nghĩa là trong lúc y đang được may. (Nghĩ rằng): “Trong lúc may y” rồi nên thọ thực.

Ngoại trừ có duyên cớ, (nghĩ rằng): “Ta sẽ thọ thực” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[492] Vật thực thỉnh sau, nhận biết là vật thực thỉnh sau, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Vật thực thỉnh sau, có sự hoài nghi, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Vật thực thỉnh sau, (lầm) tưởng không phải là vật thực thỉnh sau, vị thọ thực thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ.

Không phải vật thực thỉnh sau, (lầm) tưởng là vật thực thỉnh sau, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải vật thực thỉnh sau, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải vật thực thỉnh sau, nhận biết không phải là vật thực thỉnh sau thì vô tội.

[493] Khi có duyên cớ, sau khi nhường lại (cho vị khác) rồi thọ thực, vị thọ thực hai hoặc ba sự thỉnh mời chung một lượt, vị thọ thực theo tuần tự của sự thỉnh mời, khi được toàn bộ cả làng thỉnh mời thì thọ thực ở bất cứ nơi nào ở trong ngôi làng ấy, khi được toàn bộ cả phường hội thỉnh mời thì thọ thực ở bất cứ nơi nào ở trong phường hội ấy, khi được thỉnh mời vị nói rằng: “Tôi sẽ nhận đồ khất thực,” trong bữa ăn thường kỳ, trong bữa ăn (phân phối) theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng, tất cả (các thức khác) trừ ra năm loại vật thực, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ ba.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TƯ:

[494] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, mẹ của Kāṇā là nữ cư sĩ có niềm tin và mộ đạo. Kāṇā đã được gả cho người đàn ông nọ ở thôn làng. Khi ấy, Kāṇā đã đi đến nhà mẹ vì công việc cần làm nào đó. Sau đó, chồng của Kāṇā đã phái người đưa tin đi đến gặp Kāṇā (nhắn rằng): “Kāṇā hãy trở về. Tôi muốn sự trở về của Kāṇā.” Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā (nghĩ rằng): “Thật xấu hổ khi đi với tay không!” nên đã nấu bánh ngọt. Khi bánh ngọt chín, có vị tỳ khưu đi khất thực nọ đã đi vào nhà của nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā. Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đã bảo dâng bánh ngọt đến vị tỳ khưu ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Bánh ngọt được chuẩn bị như thế đã không còn.

Đến lần thứ nhì, chồng của Kāṇā đã phái người đưa tin đi đến gặp Kāṇā (nhắn rằng): “Kāṇā hãy trở về. Tôi muốn sự trở về của Kāṇā.” Đến lần thứ nhì, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā (nghĩ rằng): “Thật xấu hổ khi đi với tay không!” nên đã nấu bánh ngọt. Khi bánh ngọt chín, có vị tỳ khưu đi khất thực nọ đã đi vào nhà của nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā. Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đã bảo dâng bánh ngọt đến vị tỳ khưu ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Bánh ngọt được chuẩn bị như thế đã không còn.

Đến lần thứ ba, chồng của Kāṇā đã phái người đưa tin đi đến gặp Kāṇā (nhắn rằng): “Kāṇā hãy trở về. Tôi muốn sự trở về của Kāṇā. Nếu Kāṇā không trở về, tôi sẽ dắt về người vợ khác.” Đến lần thứ ba, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā (nghĩ rằng): “Thật xấu hổ khi đi với tay không!” nên đã nấu bánh ngọt. Khi bánh ngọt chín, có vị tỳ khưu đi khất thực nọ đã đi vào nhà của nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā. Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đã bảo dâng bánh ngọt đến vị tỳ khưu ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Bà ta cũng đã bảo dâng bánh ngọt đến vị ấy. Bánh ngọt được chuẩn bị như thế đã không còn.

Sau đó, chồng của Kāṇā đã dắt về người vợ khác. Kāṇā đã nghe được rằng: “Nghe nói người vợ khác đã được người đàn ông ấy dắt về.” Cô ấy đã đứng khóc lóc. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến nhà của nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đang ngồi một bên điều này:

- Vì sao Kāṇā này lại khóc vậy?

Khi ấy, nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā đã kể lại sự việc ấy cho đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nữ cư sĩ mẹ của Kāṇā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[495] Vào lúc bấy giờ, có đoàn xe nọ có ý định từ thành Rājagaha đi về phía tây. Có vị tỳ khưu đi khất thực nọ đã đi vào khất thực ở đoàn xe ấy. Có nam cư sĩ nọ đã bảo dâng đến vị tỳ khưu ấy bánh lúa mạch. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Ông ta cũng đã bảo dâng bánh lúa mạch đến vị ấy. Vị ấy sau khi ra đi đã thông báo cho vị khác. Ông ta cũng đã bảo dâng bánh lúa mạch đến vị ấy. Vật dự phòng đường xa được chuẩn bị như thế đã không còn. Khi ấy, nam cư sĩ ấy đã nói với những người ấy điều này:

- Này các ông, hãy chờ đến ngày mai. Vật dự phòng đường xa được chuẩn bị như thế đã được dâng đến các ngài đại đức. Tôi sẽ chuẩn bị vật dự phòng đường xa.

- Này ông, chúng tôi không thể chờ đợi. Đoàn xe đã khởi hành. Rồi họ đã ra đi.

Khi ấy, nam cư sĩ ấy sau khi chuẩn bị vật dự phòng đường xa đã đi sau. Bọn đạo tặc đã cướp đoạt. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ lãnh không biết chừng mực? Người này sau khi bố thí cho các vị ấy rồi trong khi đi sau đã bị cướp đoạt bởi bọn cướp.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

 - Này các tỳ khưu, như thế thì ta sẽ quy định điều học cho các tỳ khưu vì mười điều lợi ích: Nhằm đem lại sự tốt đẹp cho hội chúng, nhằm đem lại sự an lạc cho hội chúng, ...(như trên)... và nhằm sự hỗ trợ Luật. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu khi đi đến gia đình được yêu cầu nhận lãnh các bánh ngọt hoặc các bánh lúa mạch, vị tỳ khưu đang mong mỏi thì nên thọ lãnh hai hoặc ba bình bát đầy. Nếu thọ lãnh quá số lượng ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi thọ lãnh hai hoặc ba bình bát đầy, khi mang về từ nơi ấy thì nên chia sẻ cùng với các tỳ khưu. Đây là sự đúng đắn trong trường hợp ấy.”

[496] Khi vị tỳ khưu đi đến gia đình: Gia đình nghĩa là có bốn loại gia đình: gia đình sát-đế-lỵ, gia đình bà-la-môn, gia đình thương buôn, và gia đình hạng cùng đinh.

Đi đến: là đi đến nơi ấy.

Bánh ngọt nghĩa là bất cứ thức gì được chuẩn bị nhằm mục đích làm quà biếu.

Bánh lúa mạch nghĩa là bất cứ thức gì được chuẩn bị nhằm mục đích làm vật dự phòng đường xa.

Được yêu cầu nhận lãnh: (Nói rằng): “Ngài thích chừng nào hãy lấy chừng ấy.”

(Với vị) đang mong mỏi: (với vị) đang ước muốn.

Nên thọ lãnh hai hoặc ba bình bát đầy: Nên thọ lãnh đầy hai hoặc ba bình bát.

Nếu thọ lãnh quá số lượng ấy: Vị thọ lãnh quá số lượng ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi thọ lãnh hai hoặc ba bình bát đầy, vị đi ra khỏi nơi ấy nhìn thấy vị tỳ khưu khác nên thông báo rằng: “Tôi đã thọ lãnh hai ba bình bát đầy ở nơi kia, chớ thọ lãnh ở đó.” Nếu sau khi nhìn thấy, vị không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Nếu đã được thông báo vị thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[497] Khi mang về từ nơi ấy thì nên chia sẻ cùng với các tỳ khưu: là sự đi trở về, sau khi mang về thì nên chia sẻ.

 Đây là sự đúng đắn trong trường hợp ấy: đây là sự hợp lý trong trường hợp ấy.

Hơn hai ba bình bát đầy, nhận biết là hơn, vị thọ lãnh thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hơn hai ba bình bát đầy, có sự hoài nghi, vị thọ lãnh thì phạm tội pācittiya.

Hơn hai ba bình bát đầy, (lầm) tưởng là còn kém, vị thọ lãnh thì phạm tội pācittiya.

Còn kém hai ba bình bát đầy, (lầm) tưởng là hơn, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Còn kém hai ba bình bát đầy, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Còn kém hai ba bình bát đầy, nhận biết là còn kém thì vô tội.

[498] Vị thọ lãnh hai hoặc ba bình bát đầy, vị thọ lãnh còn kém hai hoặc ba bình bát đầy, họ bố thí vật đã được chuẩn bị không vì mục đích làm quà biếu hoặc không vì mục đích làm vật dự phòng đường xa, họ bố thí phần còn thừa khi đã chuẩn bị vì mục đích làm quà biếu hoặc vì mục đích làm vật dự phòng đường xa, họ bố thí khi sự ra đi đã bị hủy bỏ, của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tư.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NĂM:

[499] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có người bà-la-môn nọ đã thỉnh mời và dâng bữa ăn đến các tỳ khưu. Khi thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm), các tỳ khưu đã đi đến các gia đình thân quyến rồi một số vị đã thọ thực thêm, một số vị đã nhận lấy đồ khất thực rồi đi. Sau đó, người bà-la-môn ấy đã nói với hàng xóm điều này:

- Này quý ông, các tỳ khưu đã được tôi làm hài lòng. Hãy đến, tôi cũng sẽ làm hài lòng quý ông.

Những người ấy đã nói như vầy:

- Này ông, có phải ông sẽ làm hài lòng chúng tôi không? Ngay cả những vị đã được ông thỉnh mời còn đi đến các nhà của chúng tôi, một số đã thọ thực thêm, một số đã nhận lấy đồ khất thực rồi đi.

Khi ấy, người bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các ngài đại đức sau khi thọ thực trong nhà của chúng tôi lại thọ thực ở nơi khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?

Các tỳ khưu đã nghe được người bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại thọ thực ở nơi khác?

...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại thọ thực ở nơi khác, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại thọ thực ở nơi khác vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[500] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu mang lại các đồ ăn khất thực hảo hạng cho các tỳ khưu bị bệnh. Các vị bị bệnh ăn không được như ý. Các tỳ khưu đổ bỏ các đồ ăn ấy. Đức Thế Tôn đã nghe được tiếng động ồn, tiếng động lớn, tiếng kêu của các con quạ, sau khi nghe đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tiếng động ồn, tiếng động lớn, tiếng kêu của các con quạ ấy là gì vậy?

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, các tỳ khưu có thọ thực thức ăn thừa của vị bệnh không vậy?

- Bạch Thế Tôn, không thọ thực.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ thực thức ăn thừa của vị bị bệnh và của vị không bị bệnh. Và này các tỳ khưu, nên làm thành thức ăn thừa như vầy: “Tất cả chừng này là đủ rồi.” Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm không phải là thức ăn thừa thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[501] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Thọ thực xong nghĩa là bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực đã được ăn, dầu chỉ với (một chút ở) đầu cọng cỏ kusa.

Đã từ chối (vật thực dâng thêm) nghĩa là việc ăn được ghi nhận, vật thực được ghi nhận, (thí chủ) đứng trong tầm tay (1 mét 25) dâng lên (vật thực) và sự từ chối được ghi nhận.

Không phải là thức ăn thừa nghĩa là việc làm thành được phép chưa được thực hiện, việc thọ lãnh chưa được thực hiện, việc nâng lên chưa được thực hiện, (việc dâng) đã được thực hiện ở ngoài tầm tay, đã được thực hiện bởi vị chưa thọ thực xong, được thực hiện bởi vị đã thọ thực xong đã từ chối (vật thực dâng thêm) đã từ chỗ ngồi đứng dậy nhưng chưa nói: “Tất cả chừng này là đủ rồi,” không phải là thức ăn thừa của vị bị bệnh; vật này gọi là không phải thức ăn thừa.

Thức ăn thừa nghĩa là việc làm thành được phép đã được thực hiện, việc thọ lãnh đã được thực hiện, việc nâng lên đã được thực hiện, (việc dâng) đã được thực hiện ở trong tầm tay, đã được thực hiện bởi vị đã thọ thực xong, được thực hiện bởi vị đã thọ thực xong đã từ chối (vật thực dâng thêm) đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đã nói: “Tất cả chừng này là đủ rồi,” là thức ăn thừa của vị bị bệnh; vật này gọi là thức ăn thừa.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, xúp, bánh, cá, thịt. (Nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[502] Không phải thức ăn thừa, nhận biết không phải là thức ăn thừa, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Không phải thức ăn thừa, có sự hoài nghi, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya.

Không phải thức ăn thừa, (lầm) tưởng là thức ăn thừa, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya.

Vị thọ lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thức ăn thừa, (lầm) tưởng không phải là thức ăn thừa, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thức ăn thừa, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thức ăn thừa, nhận biết là thức ăn thừa thì vô tội.

[503] Sau khi bảo làm thành thức ăn thừa rồi thọ thực, sau khi bảo làm thành thức ăn thừa vị (nghĩ rằng): “Ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh, vị mang theo vì nhu cầu của vị khác rồi đi, vị thọ thực phần còn thừa của vị bị bệnh, vị thọ dụng vật dùng đến hết đêm vật dùng trong bảy ngày vật dùng suốt đời khi có duyên cớ,[2] vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ năm.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ SÁU:

[504] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu đang đi đường xa đến thành Sāvatthi ở trong xứ Kosala. Một vị tỳ khưu hành xử sai nguyên tắc. Vị tỳ khưu thứ nhì đã nói với vị tỳ khưu kia điều này:

- Này đại đức, chớ làm như thế. Điều này không được phép.

Vị kia đã kết oan trái với vị ấy. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến thành Sāvatthi. Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi có bữa trai phạn dâng đến hội chúng của phường hội nọ. Vị tỳ khưu thứ nhì thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm). Còn vị tỳ khưu kết oan trái sau khi đi đến nhà thân quyến đã cầm lấy đồ ăn rồi đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, hãy thọ thực.

- Này đại đức, thôi đi. Tôi đã đầy.

- Này đại đức, đồ ăn ngon lắm. Hãy thọ thực.

Khi ấy, vị tỳ khưu ấy trong lúc bị vị tỳ khưu kia nài ép nên đã thọ thực đồ ăn ấy. Vị tỳ khưu kết oan trái đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, chính ngươi mới cần được ta nhắc nhở. Hãy suy nghĩ việc ngươi đã thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) lại thọ thực thức ăn không phải là đồ còn thừa.

- Này đại đức, sao lại không chỉ bảo?

- Này đại đức, sao lại không hỏi?

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại yêu cầu vị tỳ khưu đã thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) nhận lãnh thức ăn không phải là đồ còn thừa?

...(như trên)...

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi yêu cầu vị tỳ khưu đã thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) nhận lãnh thức ăn không phải là đồ còn thừa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại yêu cầu vị tỳ khưu đã thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) nhận lãnh thức ăn không phải là đồ còn thừa vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào có ý muốn bươi móc lỗi lầm biết rõ vị tỳ khưu đã thọ thực xong và đã từ chối (vật thực dâng thêm) vẫn yêu cầu nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm không phải là thức ăn thừa (nói rằng): “Này tỳ khưu, hãy nhai hoặc hãy ăn đi;” khi vị kia đã ăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[505] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỳ khưu: là vị tỳ khưu khác.

Thọ thực xong nghĩa là bất cứ loại vật thực nào thuộc về năm loại vật thực đã được ăn, dầu chỉ với (một chút ở) đầu cọng cỏ kusa.

Đã từ chối (vật thực dâng thêm) nghĩa là việc ăn được ghi nhận, vật thực được ghi nhận, (thí chủ) đứng trong tầm tay (1 mét 25) dâng lên (vật thực) và sự từ chối được ghi nhận.

Không phải là thức ăn thừa nghĩa là việc làm thành được phép chưa được thực hiện, việc thọ lãnh chưa được thực hiện, việc nâng lên chưa được thực hiện, (việc dâng) đã được thực hiện ở ngoài tầm tay, được thực hiện bởi vị chưa thọ thực xong, được thực hiện bởi vị đã thọ thực xong đã từ chối (vật thực dâng thêm) đã từ chỗ ngồi đứng dậy nhưng chưa nói: “Tất cả chừng này là đủ rồi,” không phải là thức ăn thừa của vị bị bệnh; vật này gọi là không phải thức ăn thừa.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, xúp, bánh, cá, thịt.

Yêu cầu nhận lãnh: (Nói rằng): “Đại đức thích chừng nào hãy lấy chừng ấy.”

Biết nghĩa là tự mình biết, hoặc các người khác thông báo cho vị ấy, hoặc vị kia thông báo.

Có ý muốn bươi móc lỗi lầm: (nghĩ rằng): “Ta sẽ quở trách, ta sẽ nhắc nhở, ta sẽ làm cho hối lỗi, ta sẽ làm cho nhớ lại, ta sẽ làm cho xấu hổ.” Vị mang lại thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Với lời nói của vị ấy, (vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần (vị kia) nuốt xuống thì (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[506] Vị đã từ chối (vật thực dâng thêm), nhận biết là đã từ chối (vật thực dâng thêm), vị yêu cầu nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm không phải là thức ăn thừa thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vị đã từ chối (vật thực dâng thêm), có sự hoài nghi, vị yêu cầu nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm không phải là thức ăn thừa thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị đã từ chối (vật thực dâng thêm), (lầm) tưởng là chưa từ chối (vật thực dâng thêm), vị yêu cầu nhận lãnh vật thực cứng hoặc vật thực mềm không phải là thức ăn thừa thì vô tội.

Vị mang lại vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Với lời nói của vị ấy, (vị kia nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần (vị kia) nuốt xuống thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị chưa từ chối (vật thực dâng thêm), (lầm) tưởng là đã từ chối (vật thực dâng thêm), phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị chưa từ chối (vật thực dâng thêm), có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị chưa từ chối (vật thực dâng thêm), nhận biết là chưa từ chối (vật thực dâng thêm) thì vô tội.

[507] Vị sau khi bảo làm thành thức ăn thừa rồi cho; sau khi bảo làm thành thức ăn thừa rồi cho (nói rằng): “Hãy thọ thực;” vị cho (nói rằng): “Hãy đi (và) mang theo vì nhu cầu của vị khác;” vị cho phần còn thừa của vị bị bệnh; vị cho vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời (nói rằng): “Hãy thọ dụng khi có duyên cớ;” vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ sáu.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BẢY:

[508] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở thành Rājagaha có lễ hội ở trên đỉnh núi. Các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đã đi để xem lễ hội ở trên đỉnh núi. Dân chúng sau khi nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đã cho các vị ấy tắm, đã cho xức dầu, đã mời ăn, rồi đã dâng vật thực cứng. Các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư sau khi nhận lấy vật thực cứng đã đi về tu viện và đã nói với các tỳ khưu nhóm Lục Sư điều này:

- Này các đại đức, hãy nhận lấy. Hãy nhai vật thực cứng.

- Này các đại đức, vật thực cứng đã được các ngươi nhận từ đâu vậy?

Các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu nhóm Lục Sư.

- Này các đại đức, có phải các ngươi đã thọ dụng vật thực vào lúc sái thời?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu nhóm Lục Sư phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư lại thọ dụng vật thực vào lúc sái thời?

Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư lại thọ dụng vật thực vào lúc sái thời?

...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi thọ dụng vật thực vào lúc sái thời, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại thọ dụng vật thực vào lúc sái thời vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm vào lúc sái thời thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[509] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Lúc sái thời nghĩa là từ lúc đã quá nửa ngày cho đến rạng đông (ngày hôm sau).

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, xúp, bánh, cá, thịt. Vị (nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[510] Vào lúc sái thời, nhận biết là lúc sái thời, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vào lúc sái thời, có sự hoài nghi, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vào lúc sái thời, (lầm) tưởng là lúc đúng thời, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vị thọ lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc đúng thời, (lầm) tưởng là lúc sái thời, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc đúng thời, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc đúng thời, nhận biết là lúc đúng thời thì vô tội.

[511] Vị thọ dụng vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời khi có duyên cớ; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ bảy.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TÁM:

[512] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Veḷaṭṭhasīsa cư ngụ ở trong rừng. Vị ấy đi khất thực sau khi nhận được nhiều đồ ăn đã đem về tu viện phần cơm không bị dính thức ăn rồi đem phơi khô và để riêng. Khi có nhu cầu về thực phẩm vị ấy ngâm nước rồi thọ dụng; năm ba bữa vị ấy mới đi vào làng để khất thực. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Veḷaṭṭhasīsa điều này:

- Này đại đức, vì sao năm ba bữa đại đức mới đi vào làng để khất thực?

Khi ấy, đại đức Veḷaṭṭhasīsa đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu.

- Này đại đức, có phải đại đức thọ dụng vật thực đã được tích trữ?

- Nảy các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Veḷaṭṭhasīsa lại thọ dụng vật thực đã được tích trữ?

...(như trên)...

- Này Veḷaṭṭhasīsa, nghe nói ngươi thọ dụng vật thực đã được tích trữ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này Veḷaṭṭhasīsa, vì sao ngươi lại thọ dụng vật thực đã được tích trữ vậy? Này Veḷaṭṭhasīsa, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm đã được tích trữ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[513] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Đã được tích trữ nghĩa là đã được thọ lãnh hôm nay và được nhai vào ngày kế tiếp.

Vật thực cứng nghĩa là trừ ra năm loại vật thực, vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, và vật dùng suốt đời; phần còn lại gọi là vật thực cứng.

Vật thực mềm nghĩa là năm loại vật thực (gồm có) cơm, xúp, bánh, cá, thịt. Vị (nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[514] Vật đã được tích trữ, nhận biết là vật đã được tích trữ, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vật đã được tích trữ, có sự hoài nghi, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vật đã được tích trữ, (lầm) tưởng không phải là vật đã được tích trữ, vị nhai hoặc ăn vật thực cứng hoặc vật thực mềm thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vị thọ lãnh vật dùng đến hết đêm, vật dùng trong bảy ngày, vật dùng suốt đời vì mục đích vật thực thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội dukkaṭa.

Không phải là vật đã được tích trữ, (lầm) tưởng là vật đã được tích trữ, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vật đã được tích trữ, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là vật đã được tích trữ, nhận biết là không phải là vật đã được tích trữ thì vô tội.

[511] Vị cất giữ vật dùng đến hết ngọ rồi thọ dụng cho đến hết ngọ, vị cất giữ vật dùng đến hết đêm rồi thọ dụng trong đêm, vị cất giữ vật dùng trong bảy ngày rồi thọ dụng trong bảy ngày, vị thọ dụng vật dùng suốt đời khi có duyên cớ, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tám.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:

[516] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng? Khi được đầy đủ ai mà không vừa ý? Đồ ngon ngọt ai lại không thích thú?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng?

…(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Các loại vật thực thượng hạng như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ), cá (maccho), thịt (maṃsaṃ), sữa tươi (khīraṃ), sữa đông (dadhi); vị tỳ khưu nào yêu cầu các loại vật thực thượng hạng như thế cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[517] Vào lúc bấy giờ, có các tỳ khưu bị bệnh. Các tỳ khưu theo dõi bệnh tình đã nói với các tỳ khưu bị bệnh điều này:

- Này các đại đức, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được thuận tiện không?

- Này các đại đức, trước đây chúng tôi yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng, nhờ thế chúng tôi được thoải mái. Giờ đây, (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán,” trong lúc ngần ngại chúng tôi đã không yêu cầu, vì thế không được thoải mái.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Các loại vật thực thượng hạng như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía, cá, thịt, sữa tươi, sữa đông; vị tỳ khưu nào không bị bệnh mà yêu cầu các loại vật thực thượng hạng như thế cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[518] Các loại vật thực thượng hạng: Bơ lỏng nghĩa là bơ lỏng từ loài bò, hoặc là bơ lỏng từ loài dê, hoặc là bơ lỏng từ loài trâu, hoặc bơ lỏng từ các loài thú nào có thịt được phép (thọ thực).[3] Bơ đặc nghĩa là bơ đặc của chính các loài thú ấy. Dầu ăn nghĩa là dầu mè, dầu hạt mù tạt, dầu có chứa mật ong (madhukatelaṃ), dầu cây eraṇḍa, dầu từ mỡ thú. Mật ong nghĩa là mật của loài ong. Đường mía nghĩa là được sản xuất từ cây mía. nghĩa là loài di chuyển trong nước được đề cập đến. Thịt nghĩa là thịt của các loài thú nào có thịt được phép (thọ dụng). Sữa tươi nghĩa là sữa tươi từ loài bò, hoặc là sữa tươi từ loài dê, hoặc là sữa tươi từ loài trâu, hoặc là sữa tươi từ các loài thú nào có thịt được phép (thọ dụng). Sữa đông nghĩa là sữa đông của các loài thú ấy.

[519] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Các loại vật thực thượng hạng như thế: các loại vật thực thượng hạng có hình thức như thế.

Không bị bệnh nghĩa là vị có được sự thoải mái khi không có các loại vật thực thượng hạng.

Bị bệnh nghĩa là vị không có sự thoải mái khi không có các loại vật thực thượng hạng.

Vị không bị bệnh mà yêu cầu cho nhu cầu của bản thân, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Nghĩ rằng): “Với sự đạt được, ta sẽ thọ dụng” rồi thọ lãnh thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[520] Không bị bệnh, nhận biết là không bị bệnh, vị yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Không bị bệnh, có sự hoài nghi, vị yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Không bị bệnh, (lầm) tưởng là bị bệnh, vị yêu cầu các loại vật thực thượng hạng cho nhu cầu của bản thân rồi thọ dụng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Bị bệnh, (lầm) tưởng là không bị bệnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Bị bệnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Bị bệnh, nhận biết là bị bệnh thì vô tội.

[521] Vị bị bệnh, sau khi bị bệnh rồi yêu cầu thì hết bệnh và thọ dụng, vị thọ dụng phần còn lại của vị bị bệnh, của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ chín.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:

[522] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là vị chuyên sử dụng vật quăng bỏ (sabbapaṃsukūliko) cư ngụ ở nghĩa địa. Vị ấy khi được dân chúng bố thí lại không muốn thọ lãnh. Vị ấy tự mình nhặt lấy các vật cúng vong ở trong nghĩa địa, ở gốc cây, ở ngưỡng cửa rồi thọ dụng. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao vị tỳ khưu này lại tự mình nhặt lấy các vật cúng vong của chúng tôi rồi thọ dụng? Vị tỳ khưu này cứng cáp vạm vỡ chắc hẳn có ăn thịt người?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng?

…(như trên)…

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[523] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ngần ngại về nước và tăm xỉa răng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tự mình cầm lấy nước và tăm xỉa răng rồi thọ dụng. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng ngoại trừ nước và tăm xỉa răng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[524] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Chưa được bố thí nghĩa là chưa thọ lãnh được đề cập đến.

Đã được bố thí nghĩa là trong khi cho (vật thí) bằng thân, hoặc bằng vật dính liền với thân, hoặc bằng cách buông ra, (thí chủ) đứng trong tầm tay (1 mét 25), vị nhận lãnh bằng thân hoặc bằng vật được gắn liền với thân; điều này gọi là đã được bố thí.

Thức ăn nghĩa là bất cứ vật gì nên được nuốt vào vật ấy gọi là thức ăn ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.

Ngoại trừ nước và tăm xỉa răng: trừ ra nước và tăm xỉa răng. Vị (nghĩ rằng): “Ta sẽ nhai, ta sẽ ăn” rồi cầm lấy thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Mỗi lần nuốt xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[525] Chưa được thọ lãnh, nhận biết là chưa được thọ lãnh, vị đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.

Chưa được thọ lãnh, có sự hoài nghi, vị đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.

Chưa được thọ lãnh, (lầm) tưởng là đã được thọ lãnh, vị đưa thức ăn chưa được bố thí vào miệng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ nước và tăm xỉa răng.  

Đã được thọ lãnh, (lầm) tưởng là chưa được thọ lãnh, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Đã được thọ lãnh, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Đã được thọ lãnh, nhận biết là đã được thọ lãnh thì vô tội.

[526] Trường hợp nước và tăm xỉa răng, vị tự mình nhặt lấy rồi thọ dụng bốn loại vật dơ có tính quan trọng[4] khi có duyên cớ và không có người làm cho được phép, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ mười.

Phần Vật Thực là phần thứ tư.

*******

Tóm lược phần này:

Vật thực (ở phước xá),
vật thực dâng chung nhóm,
mời đây thọ nơi kia,
bánh ngọt, và hai chuyện
ăn xong đã chối từ,
sái thời, được tích trữ,
(các thức ăn) thượng hạng,
vào cửa miệng là mười.

*******


[1] Tài liệu The Buddhist Monastic Code cho biết khoảng cách của nửa yojana là 8 km hoặc 5 miles.

[2] Khi có cơn khát vị thọ dụng vật dùng hết đêm để chận đứng cơn khát; khi có bệnh sanh khởi, vị thọ dụng vật dùng trong bảy ngày hoặc vật dùng suốt đời để làm giảm nhẹ cơn bệnh thì vô tội (giải thích theo ngài Buddhaghosa).

[3] Thịt của mười loài thú vị tỳ khưu không được phép thọ thực được đề cập ở Đại Phẩm – Mahāvagga, chương VI, [59, 60] gồm có: thịt người, thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn, thịt sư tử, thịt hổ, thịt beo, thịt gấu, thịt chó sói.

[4] Cattāri mahāvikatāni: bốn loại vật dơ có tính quan trọng là: phân (gūthaṃ), nước tiểu (muttaṃ), tro (chārikaṃ), và đất sét (mattikaṃ) được sử dụng trong trường hợp bị rắn cắn (Sđd., VI, [43]).

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 07a | 07b | 07c | 08a | 08b | 08c | 08d | 08e | 08f | 08g | 08h | 08i | 09 | 10 |
Phân tích Giới Tỳ-khưu I | Phân tích Giới Tỳ-khưu Ni | Giới thiệu

 

Chân thành cám ơn Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 05-2004)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-05-2004