Trang gốc

Trang web BuddhaSasana

VU Times font

 

Tạng Luật - Bộ Phân Tích Giới Bổn
Vinaya Pitaka -
Suttavibhanga

Phân Tích Giới Tỳ-khưu - II
(Bhikkhuvibhanga II)

Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên dịch

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)


TẠNG LUẬT - PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU

TẬP HAI

******

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

VII. CHƯƠNG NISSAGGIYA (ƯNG XẢ)

Bạch chư đại đức, ba mươi điều nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) này
được đưa ra đọc tụng.

PHẦN Y - ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT:

[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, ở tháp thờ Gotamaka. Vào lúc bấy giờ, ba y đã được đức Thế Tôn cho phép đến các tỳ khưu. Các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Ba y đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đi vào làng với ba y nọ, mặc ở trong tu viện với ba y khác, và đi xuống tắm với ba y khác nữa. Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại sử dụng y phụ trội?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng:

 - Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi sử dụng y phụ trội, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm! Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại sử dụng y phụ trội vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào sử dụng y phụ trội thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[2] Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội phát sanh đến đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda có ý định dâng y ấy đến đại đức Sāriputta. Và đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Điều học đã được đức Thế Tôn quy định là: ‘Không được sử dụng y phụ trội’ và y phụ trội này đã được phát sanh đến ta. Và ta có ý định dâng y này đến đại đức Sāriputta mà đại đức Sāriputta cư ngụ ở Sāketa; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, bao lâu nữa Sāriputta sẽ đi đến đây?

- Bạch Thế Tôn, ngày thứ chín hoặc ngày thứ mười.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cất giữ [1] y phụ trội tối đa mười ngày. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, y phụ trội được cất giữ tối đa mười ngày. Vượt quá hạn ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).[2]

[3] Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề,[3] hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.[4]

Tối đa mười ngày: là được cất giữ (hoặc sử dụng) nhiều nhất là mười ngày.

Y phụ trội nghĩa là chưa được chú nguyện để dùng riêng, chưa được chú nguyện để dùng chung.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y[5] (có kích thước) tối thiểu[6] cần phải chú nguyện để dùng chung.

Vượt quá hạn ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ: Khi mặt trời mọc ngày thứ mười một thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy:

[4] Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ (y) này đến hội chúng.

Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực, và y đã xả bỏ nên được cho lại. Và này các tỳ khưu, nên cho lại như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Y này thuộc về vị tỳ khưu tên (như vầy) là vật phạm vào nissaggiya đã được xả bỏ đến hội chúng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho lại y này đến vị tỳ khưu tên (như vầy).”

[5] Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nhiều vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ vật này đến các đại đức.

Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực, và y đã xả bỏ nên được cho lại. Và này các tỳ khưu, nên cho lại như vầy: Các tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Xin chư đại đức hãy lắng nghe tôi. Y này thuộc về vị tỳ khưu tên (như vầy) là vật phạm vào nissaggiya đã được xả bỏ đến chư đại đức. Nếu là thời điểm thích hợp cho chư đại đức, chư đại đức nên cho lại y này đến vị tỳ khưu tên (như vầy).

[6] Vị tỳ khưu ấy nên đi đến một vị tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, y này của tôi đã quá hạn mười ngày cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến đại đức.

Sau khi xả bỏ, nên sám hối tội. Tội nên được ghi nhận bởi vị tỳ khưu ấy và y đã xả bỏ nên được cho lại: “Tôi cho lại đại đức y này.”

[7] Khi quá hạn mười ngày, nhận biết là đã quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Khi quá hạn mười ngày, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi quá hạn mười ngày, (lầm) tưởng là chưa quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa được chú nguyện để dùng riêng, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng riêng, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa được chú nguyện để dùng chung, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng chung, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã được phân phát, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi chưa quá hạn mười ngày, (lầm) tưởng là đã quá hạn, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa quá hạn mười ngày, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa quá hạn mười ngày, nhận biết là chưa quá hạn thì vô tội.

[8] Trong thời hạn mười ngày, vị chú nguyện để dùng riêng, vị chú nguyện để dùng chung, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (người khác) cướp rồi lấy đi, (vị khác) lấy do sự thân thiết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

[9] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư không cho lại y đã được xả bỏ. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư không cho lại y đã được xả bỏ?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng:

 - Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi không cho lại y đã được xả bỏ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ...(như trên)... đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

 - Này các tỳ khưu, không nên không cho lại y đã được xả bỏ; vị nào không cho lại thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt điều học thứ nhất.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ:

[10] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi đã trao y tận tay các tỳ khưu rồi ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y (y vai trái).[7] Các y ấy được để lại lâu ngày đã trở nên mốc meo. Các tỳ khưu đem phơi nắng các y ấy. Đại đức Ānanda trong lúc đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các tỳ khưu ấy đang phơi nắng các y ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các đại đức, các y bị mốc meo này là của vị nào vậy?

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu sau khi trao y tận tay các tỳ khưu lại ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y?

Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi các vị tỳ khưu ấy rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi trao y tận tay các tỳ khưu rồi ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy, sau khi trao y tận tay các tỳ khưu, lại ra đi du hành trong xứ sở với y nội và thượng y vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, nếu vị tỳ khưu xa lìa ba y dầu chỉ một đêm thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).” Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[11] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ở thành Kosambī bị bệnh. Các thân quyến đã phái người đưa tin đến gặp vị tỳ khưu ấy (nói rằng): “Ngài đại đức hãy đi đến. Chúng tôi sẽ hộ độ.” Các tỳ khưu cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi. Các thân quyến sẽ hộ độ đại đức.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, điều học đã được đức Thế Tôn quy định rằng: “Không được xa lìa ba y;” và tôi thì bị bệnh nên không thể mang theo ba y mà ra đi được. Tôi sẽ không đi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y đối với tỳ khưu bị bệnh. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến nơi hội chúng, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các tỳ khưu trưởng thượng, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch các ngài, tôi bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Bạch các ngài, tôi đây thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y.

Nên được thỉnh cầu lần thứ nhì. Nên được thỉnh cầu lần thứ ba.

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu này tên (như vầy) bị bệnh không thể mang theo ba y mà ra đi được. Vị ấy thỉnh cầu hội chúng sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y. Hội chúng ban cho sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc ban cho sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y đến vị tỳ khưu tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng ý về việc không vi phạm tội vì xa lìa ba y đã được hội chúng ban cho vị tỳ khưu tên (như vầy). Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, nếu vị tỳ khưu xa lìa ba y dầu chỉ một đêm thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị), ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

[12] Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề, hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.

Nếu vị tỳ khưu xa lìa ba y dầu chỉ một đêm: Nếu đã xa lìa hoặc là y hai lớp (saṅghāṭi), hoặc là thượng y (uttarāsaṅga), hoặc là y nội (antaravāsaka) dầu chỉ một đêm.

Ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu: Trừ ra có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Thì (y ấy) nên được xả bỏ (nissaggiyaṃ): Khi mặt trời mọc thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: Vị tỳ khưu ấy nên đi đến nơi hội chúng, ...(như trên)... và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, y này của tôi đã xa lìa qua đêm giờ cần được xả bỏ, ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[13] Làng một địa hạt, nhiều địa hạt; gia trang một địa hạt, nhiều địa hạt; trang trại một địa hạt, nhiều địa hạt; nhà mái nhọn một địa hạt, nhiều địa hạt; tòa nhà vuông một địa hạt, nhiều địa hạt; tòa nhà dài một địa hạt, nhiều địa hạt; khu nhà lớn một địa hạt, nhiều địa hạt; chiếc thuyền một địa hạt, nhiều địa hạt; đoàn xe một địa hạt, nhiều địa hạt; cánh đồng một địa hạt, nhiều địa hạt; ruộng lúa một địa hạt, nhiều địa hạt; khu vườn một địa hạt, nhiều địa hạt; trú xá một địa hạt, nhiều địa hạt; gốc cây một địa hạt, nhiều địa hạt; khoảng không gian một địa hạt, nhiều địa hạt.

[14] Làng một địa hạt nghĩa là làng thuộc về một gia đình. (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở trong làng thì nên hiện diện trong làng. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.[8]

Nhiều địa hạt nghĩa là thuộc về nhiều gia đình. (Nếu) được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó: ở trong phòng hội họp hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. Khi đi đến phòng hội họp, sau khi đã để y ở trong tầm tay thì nên hiện diện ở trong phòng hội họp hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. Sau khi đã để y ở trong phòng hội họp, nên hiện diện ở trong phòng hội họp hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại nhà nào thì nên hiện diện tại nhà đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[15] Gia trang (nivesanaṃ) thuộc về một gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng (gabbhā), nhiều hậu phòng (ovarakā). Sau khi đã để y ở trong gia trang thì nên hiện diện trong gia trang. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

Gia trang thuộc về nhiều gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[16] Trang trại (uddosito) thuộc về một gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Sau khi đã để y ở trong trang trại thì nên hiện diện trong trang trại. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

Trang trại thuộc về nhiều gia đình là được rào lại và có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[17] Nhà mái nhọn (aṭṭo) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong nhà mái nhọn thì nên hiện diện trong nhà mái nhọn.

Nhà mái nhọn thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[18] Tòa nhà vuông (mālo) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong tòa nhà vuông thì nên hiện diện trong tòa nhà vuông.

Tòa nhà vuông thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[19] Tòa nhà dài (pāsādo) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong tòa nhà dài thì nên hiện diện trong tòa nhà dài .

Tòa nhà dài thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[20] Khu nhà lớn (hammiyaṃ) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong khu nhà lớn thì nên hiện diện trong khu nhà lớn.

Khu nhà lớn thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong căn phòng nào thì nên hiện diện ở trong căn phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[21] Chiếc thuyền (nāvā) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong chiếc thuyền thì nên hiện diện trong chiếc thuyền.

Chiếc thuyền thuộc về nhiều gia đình là có nhiều căn phòng, nhiều hậu phòng. Y đã được để ở trong hậu phòng nào thì nên hiện diện trong hậu phòng đó hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[22] Đoàn xe (sattho) thuộc về một gia đình: Sau khi đã để y ở trong đoàn xe thì không nên rời xa phía trước hoặc phía sau quá bảy abbhantara,[9] không nên xa rời phía bên hông quá một abbhantara.

Đoàn xe thuộc về nhiều gia đình: Sau khi đã để y ở trong đoàn xe thì không nên rời xa khỏi tầm tay.

[23] Cánh đồng (khettaṃ) thuộc về một gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong cánh đồng thì nên hiện diện bên trong cánh đồng. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

Cánh đồng thuộc về nhiều gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong cánh đồng thì nên hiện diện bên trong cánh đồng hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

[24] Ruộng lúa (dhaññakaraṇaṃ) thuộc về một gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y bên trong ruộng lúa thì nên hiện diện bên trong ruộng lúa. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

Ruộng lúa thuộc về nhiều gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong ruộng lúa thì nên hiện diện ở nơi ngưỡng cửa hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

[25] Khu vườn (ārāmo) thuộc về một gia đình: (Nếu) được rào lại và sau khi đã để y ở bên trong khu vườn thì nên hiện diện ở bên trong khu vườn. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

Khu vườn thuộc về nhiều gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong khu vườn thì nên hiện diện ở nơi ngưỡng cửa hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại thì không nên rời khỏi tầm tay.

[26] Trú xá (vihāro) thuộc về một gia đình: (Nếu) được rào lại, sau khi đã để y ở bên trong trú xá thì nên hiện diện bên trong trú xá. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

Trú xá thuộc về nhiều gia đình: (Nếu) được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy hoặc ở nơi ngưỡng cửa, hoặc là không nên rời khỏi tầm tay. (Nếu) không được rào lại, y đã được để ở tại trú xá nào thì nên hiện diện tại trú xá ấy hoặc là không nên rời khỏi tầm tay.

[27] Gốc cây thuộc về một gia đình là toàn bộ bóng râm được chiếu xuống vào lúc nửa ngày (giữa trưa). Sau khi đã để y ở bên trong bóng râm thì nên hiện diện bên trong bóng râm.

Gốc cây thuộc về nhiều gia đình thì không nên rời khỏi tầm tay.

[28] Khoảng không gian một địa hạt, nhiều địa hạt nghĩa là không ở trong thôn làng, ở trong rừng, khoảng không gian xung quanh bảy abbhantara là một địa hạt,[10] từ đó trở đi là nhiều địa hạt.

[29] Khi đã xa lìa, nhận biết là đã xa lìa, phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi đã xa lìa, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi đã xa lìa, (lầm) tưởng là chưa xa lìa, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi chưa nguyện xả, (lầm) tưởng là đã nguyện xả, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã phân phát, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya ngoại trừ có sự đồng ý của các tỳ khưu.

[30] Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi chưa bị xa lìa, (lầm) tưởng là đã bị xa lìa, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa bị xa lìa, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa bị xa lìa, nhận biết là chưa bị xa lìa thì vô tội.

[31] Vị nguyện xả vào thời điểm rạng đông, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (người khác) cướp rồi lấy đi, (vị khác) lấy do sự thân thiết, với sự đồng ý của các tỳ khưu, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhì.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BA:

[32] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, y ngoài hạn kỳ đã phát sanh đến vị tỳ khưu nọ. Y ấy trong khi được may cho vị ấy thì không đủ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy căng y ấy ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các trú xá đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy sau khi căng y ấy ra đang vuốt tới vuốt lui cho thẳng, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này tỳ khưu, vì sao ngươi lại căng y ấy ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng vậy?

- Bạch ngài, y ngoài thời hạn này đã phát sanh đến con, trong khi được may lại không đủ. Chính vì thế nên con căng y này ra rồi vuốt tới vuốt lui cho thẳng.

- Này tỳ khưu, ngươi có sự mong mỏi về y không?

- Bạch Thế Tôn, thưa có.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì được giữ lại với sự mong mỏi về y.

[33] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì được giữ lại với sự mong mỏi về y” nên khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ thì giữ lại hơn một tháng. Các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y. Đại đức Ānanda trong khi đi dạo quanh các trú xá đã nhìn thấy các y ấy được buộc thành đống treo ở sào máng y, sau khi nhìn thấy đã nói với các tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, các y đã được chất thành đống treo ở sào máng y là của vị nào vậy?

- Này đại đức, chúng là các y ngoài hạn kỳ của chúng tôi đã được giữ lại với sự mong mỏi về y.

 - Này các đại đức, vậy các y này đã được giữ lại bao lâu rồi?

- Này đại đức, hơn một tháng.

Đại đức Ānanda phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng?

Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy sau khi thọ lãnh y ngoài hạn kỳ rồi giữ lại hơn một tháng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi vấn đề y đã được dứt điểm đối với vị tỳ khưu tức là khi Kaṭhina đã hết hiệu lực, lại có y ngoài hạn kỳ phát sanh đến vị tỳ khưu, vị tỳ khưu đang mong muốn thì nên thọ lãnh. Sau khi thọ lãnh nên bảo thực hiện ngay lập tức, và nếu không đủ thì vị tỳ khưu ấy nên giữ lại y ấy tối đa một tháng khi có sự mong mỏi làm cho đủ phần thiếu hụt; nếu giữ lại quá hạn ấy mặc dầu có sự mong mỏi, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[34] Khi vấn đề y đã được dứt điểm: Y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc là đã bị mất, hoặc là đã bị hư hỏng, hoặc là đã bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y đã bị tan vỡ.

Khi Kaṭhina đã hết hiệu lực: là đã hết hiệu lực do bất cứ tiêu đề nào trong tám tiêu đề, hoặc là đã hết hiệu lực giữa chừng do hội chúng.

Y ngoài hạn kỳ nghĩa là khi Kaṭhina không được thành tựu thì được phát sanh trong mười một tháng, khi Kaṭhina được thành tựu thì được phát sanh trong bảy tháng; (y) được dâng xác định trong thời gian trên thì (y) ấy gọi là y ngoài hạn kỳ.

Phát sanh: là phát sanh từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vải quăng bỏ (paṃsukūla),[11] hoặc từ vật sở hữu của bản thân.[12]

[35] Đang mong muốn: vị đang ước muốn thì nên thọ lãnh.

Sau khi thọ lãnh nên bảo thực hiện ngay lập tức: nên bảo thực hiện trong mười ngày.

[36] Nếu không đủ: trong khi được may thì không đủ (không hình thành lá y).

Vị tỳ khưu ấy nên giữ lại y ấy tối đa một tháng: nên giữ lại nhiều nhất là một tháng.

Làm cho đủ phần thiếu hụt: với mục đích làm cho đủ phần thiếu hụt.

Khi có sự mong mỏi: là sự mong mỏi (y) từ hội chúng, hoặc từ nhóm, hoặc từ thân quyến, hoặc từ bạn bè, hoặc từ vải quăng bỏ, hoặc từ vật sở hữu của bản thân.

[37] Nếu giữ lại quá hạn ấy mặc dầu có sự mong mỏi: Khi y căn bản được phát sanh ngày ấy (và) y mong mỏi được phát sanh (cùng ngày) thì nên bảo thực hiện trong mười ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai ngày ... Khi y căn bản được phát sanh ba ngày ... Khi y căn bản được phát sanh bốn ngày ... Khi y căn bản được phát sanh năm ngày ... Khi y căn bản được phát sanh sáu ngày ... Khi y căn bản được phát sanh bảy ngày ... Khi y căn bản được phát sanh tám ngày ... Khi y căn bản được phát sanh chín ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong mười ngày.

Khi y căn bản được phát sanh mười một ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười hai ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười ba ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười bốn ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười lăm ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười sáu ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười bảy ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười tám ngày ... Khi y căn bản được phát sanh mười chín ngày ... Khi y căn bản được phát sanh hai mươi ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong mười ngày.

Khi y căn bản được phát sanh hai mươi mốt ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong chín ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi hai ngày rồi y mong mỏi được phát sanh thì nên bảo thực hiện trong tám ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi ba ngày ... thì nên bảo thực hiện trong bảy ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi bốn ngày ... thì nên bảo thực hiện trong sáu ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi lăm ngày ... thì nên bảo thực hiện trong năm ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi sáu ngày ... thì nên bảo thực hiện trong bốn ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi bảy ngày ... thì nên bảo thực hiện trong ba ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi tám ngày ... thì nên bảo thực hiện trong hai ngày. Khi y căn bản được phát sanh hai mươi chín ngày ... thì nên bảo thực hiện trong một ngày. Khi y căn bản được phát sanh ba mươi ngày rồi y mong mỏi được phát sanh vào chính ngày ấy thì (y căn bản) nên được chú nguyện để dùng riêng, nên được chú nguyện để dùng chung, nên được phân phát. Nếu vị không chú nguyện để dùng riêng, hoặc không chú nguyện để dùng chung, hoặc không phân phát, khi mặt trời mọc vào ngày thứ ba mươi mốt thì (y căn bản) phạm vào nissaggiya, nên được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y ngoài hạn kỳ này của tôi đã quá hạn một tháng cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[38] Khi y căn bản được phát sanh là khác phẩm chất rồi y mong mỏi được phát sanh và còn lại nhiều đêm, không nên bảo thực hiện trái với ước muốn.[13]

[39] Khi quá hạn một tháng, nhận biết là đã quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Khi quá hạn một tháng, có sự hoài nghi, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi quá hạn một tháng, (lầm) tưởng là chưa quá hạn, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa được chú nguyện để dùng riêng, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng riêng, phạm tội nissaggiya pācittiya.

Khi chưa được chú nguyện để dùng chung, (lầm) tưởng là đã được chú nguyện để dùng chung, ... Khi chưa được phân phát, (lầm) tưởng là đã được phân phát, ... Khi không bị mất trộm, (lầm) tưởng là đã bị mất trộm, ... Khi không bị hư hỏng, (lầm) tưởng là đã bị hư hỏng, ... Khi không bị cháy, (lầm) tưởng là đã bị cháy, ... Khi không bị cướp, (lầm) tưởng là đã bị cướp, phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

[40] Y phạm vào nissaggiya, không xả bỏ rồi sử dụng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi chưa quá hạn một tháng, (lầm) tưởng là đã quá hạn, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa quá hạn một tháng, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa.

Khi chưa quá hạn một tháng, nhận biết là chưa quá hạn thì vô tội.

[41] Trong thời hạn một tháng, vị chú nguyện để dùng riêng, vị chú nguyện để dùng chung, vị phân phát, (y) bị mất trộm, (y) bị hư hỏng, (y) bị cháy, (người khác) cướp rồi lấy đi, (vị khác) lấy do sự thân thiết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ ba.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TƯ:

[42] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, người vợ cũ của đại đức Udāyi đã xuất gia nơi các tỳ khưu ni. Tỳ khưu ni ấy thường xuyên đi đến gặp đại đức Udāyi. Đại đức Udāyi cũng thường xuyên đi đến gặp tỳ khưu ni ấy.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi nhận phần phân phối vật thực ở nơi có sự hiện diện của tỳ khưu ni ấy. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Udāyi đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến gặp tỳ khưu ni ấy, sau khi đến đã để lộ ra vật kín phía trước tỳ khưu ni ấy rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Tỳ khưu ni ấy cũng đã để lộ ra vật kín phía trước đại đức Udāyi rồi đã ngồi xuống chỗ ngồi. Khi ấy, đại đức Udāyi bị khởi dục nên đã suy tưởng đến vật kín của tỳ khưu ni ấy. Tinh dịch đã xuất ra từ vật kín của vị ấy. Khi ấy, đại đức Udāyi đã nói với tỳ khưu ni ấy điều này:

- Này sư tỷ, hãy đi và đem lại nước. Tôi sẽ giặt y nội.

- Thưa ngài, hãy trao lại. Chính tôi sẽ giặt.

Khi ấy, tỳ khưu ni ấy đã dùng miệng nuốt vào một phần tinh dịch ấy của vị ấy còn một phần đã đưa vào vật kín. Do việc ấy, cô ấy đã mang thai. Các tỳ khưu ni đã nói như vầy:

- Tỳ khưu ni này không có Phạm hạnh. Cô này có thai.

- Này các ni sư, tôi không phải là không có Phạm hạnh.

Khi ấy, tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao ngài đại đức Udāyi lại bảo tỳ khưu ni giặt y dơ?

Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Udāyi lại bảo tỳ khưu ni giặt y dơ?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn ...(như trên)... đã hỏi đại đức Udāyi rằng:

- Này Udāyi, nghe nói ngươi bảo tỳ khưu ni giặt y dơ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Udāyi, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.

- Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi lại bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt y dơ vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, hoặc bảo nhuộm, hoặc bảo đập giũ y dơ thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[43] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) Không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y dơ nghĩa là đã được mặc một lần, đã được khoác lên một lần.

Bảo giặt: vị chỉ thị rằng: “Hãy giặt” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Y) đã được giặt thì phạm vào nissaggiya.

Bảo nhuộm: vị chỉ thị rằng: “Hãy nhuộm” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). (Y) đã được nhuộm thì phạm vào nissaggiya.

Bảo đập giũ: vị chỉ thị rằng: “Hãy đập giũ” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi (Y) đã được vỗ vào một lần bằng bàn tay hoặc bằng cây gỗ thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y cũ này của tôi đã được bảo tỳ khưu ni không phải là thân quyến giặt, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[44] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo đập giũ y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo giặt, bảo nhuộm, bảo đập giũ y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo đập giũ y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo giặt y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo nhuộm, bảo đập giũ, bảo giặt y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ, bảo giặt y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ, bảo nhuộm y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị bảo đập giũ, bảo giặt, bảo nhuộm y cũ thì phạm tội nissaggiya pācittiya và hai tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, ...(như trên)...

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, ...(như trên)...

Vị bảo giặt y cũ của vị khác thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị bảo giặt tấm lót ngồi (tọa cụ), tấm trải nằm (ngọa cụ) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị bảo cô ni tu lên bậc trên từ một hội chúng giặt thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[45] Khi vị (tỳ khưu ni) là thân quyến đang giặt có vị (tỳ khưu ni) thứ nhì không phải là thân quyến (phụ giúp), vị (tỳ khưu ni) giặt khi chưa được nói, vị bảo giặt (y) chưa được sử dụng, bị bảo giặt vật dụng khác ngoại trừ y, (vị bảo) cô ni tu tập sự, (vị bảo) sa di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tư.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NĂM:

[46] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā trú ngụ tại thành Sāvatthi. Khi ấy vào buổi sáng, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đã đi khất thực trong thành Sāvatthi, trong lúc đi khất thực trở về sau bữa ăn, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã đi đến khu rừng Andha để nghỉ trưa. Sau khi đi sâu vào trong khu rừng Andha, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ.

Vào lúc bấy giờ, bọn trộm cướp khi hành sự được hoàn tất đã giết chết con bò cái, lấy phần thịt, rồi đi vào khu rừng Andha. Thủ lãnh bọn cướp đã nhìn thấy tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đang ngồi nghỉ trưa ở tại gốc cây nọ, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Nếu lũ con trai và đàn em của ta nhìn thấy, chúng sẽ quấy rầy vị tỳ khưu ni này” nên đã rẽ sang lối khác. Sau đó, vị thủ lãnh bọn cướp ấy đã lấy các miếng thịt ngon nhất trong phần thịt đã được nấu chín, dùng lá buộc thành gói, rồi treo lên ở thân cây không xa tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā nói rằng: “Sa-môn hoặc bà-la-môn nào nhìn thấy thì hãy lấy vật thí này” rồi đã bỏ đi. Khi thủ lãnh bọn cướp ấy đang nói lời nói này, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã xuất khỏi thiền định và nghe được. Sau đó, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã cầm lấy phần thịt ấy và đi về ni viện. Sau đó, khi trải qua đêm ấy tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã sửa soạn phần thịt ấy, dùng thượng y buộc lại thành gói, rồi đã bay lên không trung và hiện ra ở Veḷuvana.

[47] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã đi vào làng để khất thực. Đại đức Udāyi là vị ở lại canh giữ trú xá. Khi ấy, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã đi đến gặp đại đức Udāyi, sau khi đến đã nói với đại đức Udāyi điều này:

- Thưa ngài, đức Thế Tôn ở đâu?

- Này sư tỷ, đức Thế Tôn đã đi vào làng để khất thực.

- Thưa ngài, xin hãy dâng phần thịt này đến đức Thế Tôn.

- Này sư tỷ, đức Thế Tôn được hài lòng với phần thịt của cô, nếu cô có thể biếu tôi cái y nội như thế tôi cũng có thể được hài lòng với cái y nội.

- Thưa ngài, quả thật chúng tôi thân phận là người nữ có lợi lộc khó khăn. Và đây là cái y thứ năm cuối cùng[14] của tôi; tôi sẽ không cho.

- Này sư tỷ, cũng giống như người đã cho con voi thì nên biếu luôn các sợi dây nài; này sư tỷ, tương tợ như thế cô đã dâng đức Thế Tôn phần thịt thì hãy biếu tôi cái y nội.

Khi ấy, tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā trong khi bị nài ép bởi đại đức Udāyi nên đã cho cái y nội rồi đi về ni viện. Các tỳ khưu ni trong lúc tiếp rước y bát của tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã nói với tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā điều này:

- Thưa ni sư, y nội của cô đâu rồi?

Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao ngài đại đức Udāyi lại nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni? Là người nữ có lợi lộc thật khó khăn!

Sau đó, các tỳ khưu ni ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Udāyi lại nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này Udāyi, nghe nói ngươi nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Udāyi, là nữ thân quyến của ngươi hay không phải là nữ thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là nữ thân quyến.

- Này kẻ rồ dại, người nam không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người nữ không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi lại nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[48] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong lúc ngần ngại không nhận lãnh y trao đổi của các tỳ khưu ni. Các tỳ khưu ni phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các ngài đại đức lại không nhận lãnh y trao đổi của chúng tôi?

Các tỳ khưu đã nghe được các tỳ khưu ni ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh vật trao đổi của năm hạng là tỳ khưu, tỳ khưu ni, vị ni tu tập sự, sa di, sa di ni. Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh vật trao đổi của năm hạng này. Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nhận lãnh y từ tay tỳ khưu ni không phải là thân quyến thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ sự trao đổi.

[49] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

(Người nữ) Không phải là thân quyến nghĩa là người nữ không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Tỳ khưu ni nghĩa là người nữ đã được tu lên bậc trên ở cả hai hội chúng.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y (có kích thước) tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.

Ngoại trừ sự trao đổi: trừ ra sự trao đổi.

Vị nhận lãnh, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi đã được nhận lãnh từ tay của tỳ khưu ni không phải là thân quyến, ngoại trừ sự trao đổi, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[44] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), ngoại trừ sự trao đổi.

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội nissaggiya pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi.

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, vị nhận lãnh y từ tay thì phạm tội nissaggiya pācittiya, ngoại trừ sự trao đổi.

[51] Vị nhận lãnh y từ tay của cô ni tu lên bậc trên ở một hội chúng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác), ngoại trừ sự trao đổi.

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[52] Của vị (tỳ khưu ni) là thân quyến, sự trao đổi vật lớn bằng vật nhỏ hoặc là vật nhỏ bằng vật lớn, vị tỳ khưu lấy do sự thân thiết, lấy trong chốc lát, lấy vật phụ tùng khác ngoại trừ y, của cô ni tu tập sự, của sa di ni, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ năm.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ SÁU:

[53] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya (Thích Ca) là rành rẽ về thuyết Pháp thoại. Vào lúc bấy giờ, có người con trai nhà đại phú nọ đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Upananda con trai dòng Sākya rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người con trai nhà đại phú ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Upananda con trai dòng Sākya chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người con con trai nhà đại phú ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Thưa ngài, xin ngài nói ra nhu cầu mà chúng tôi có khả năng để dâng đến ngài đại đức tức là vật dụng như y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.

- Này đạo hữu, nếu đạo hữu có ý định bố thí thì hãy dâng một trong hai[15] tấm vải này.

- Thưa ngài, quả thật là kỳ cục cho những người con trai gia đình danh giá chúng tôi lại đi chỉ mặc một tấm vải! Thưa ngài, xin hãy chờ đến khi tôi đi về nhà, khi đã về nhà rồi tôi sẽ gởi đến hoặc là một trong hai tấm vải này, hoặc là đẹp hơn hai tấm này.

Đến lần thứ nhì, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã nói với người con trai nhà đại phú ấy điều này:

- Này đạo hữu, nếu đạo hữu có ý định bố thí thì hãy dâng một trong hai tấm vải này.

- Thưa ngài, quả thật là kỳ cục cho những người con trai gia đình danh giá chúng tôi lại đi chỉ mặc một tấm vải! Thưa ngài, xin hãy chờ đến khi tôi đi về nhà, khi đã về nhà rồi tôi sẽ gởi đến hoặc là một trong hai tấm vải này, hoặc là đẹp hơn hai tấm này.

Đến lần thứ ba, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã nói với người con trai nhà đại phú ấy điều này:

- Này đạo hữu, nếu đạo hữu có ý định bố thí thì hãy dâng một trong hai tấm vải này.

- Thưa ngài, quả thật là kỳ cục cho những người con trai gia đình danh giá chúng tôi lại đi chỉ mặc một tấm vải! Thưa ngài, xin hãy chờ đến khi tôi đi về nhà, khi đã về nhà rồi tôi sẽ gởi đến hoặc là một trong hai tấm vải này, hoặc là đẹp hơn hai tấm này.

- Này đạo hữu, đạo hữu không chịu bố thí khi được yêu cầu, việc gì khiến đạo hữu không có ý định bố thí lại nói lời thỉnh cầu vậy?

Khi ấy, người con trai nhà đại phú ấy trong lúc bị nài ép bởi đại đức Upananda con trai dòng Sākya nên đã cho một tấm vải rồi đi. Dân chúng sau khi nhìn thấy người con trai nhà đại phú ấy đã nói điều này:

- Này công tử, sao ngài lại đi đến chỉ mặc một tấm vải?

Khi ấy, người con trai nhà đại phú ấy đã kể lại sự việc ấy cho những người ấy. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà thực hiện sự thỉnh cầu đúng pháp đối với những người này! Tại sao trong lúc được người con trai nhà đại phú thực hiện sự thỉnh cầu đúng pháp, các vị ấy lại lấy đi tấm vải choàng?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya lại yêu cầu người con trai nhà đại phú về y?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi yêu cầu người con trai nhà đại phú về y, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Upananda, là thân quyến của ngươi hay không phải là thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là thân quyến.

- Này kẻ rồ dại, người không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi lại yêu cầu người con trai nhà đại phú về y? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào yêu cầu nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến về y thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[54] Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa từ Sāketa đến Sāvatthi. Giữa đường, bọn cướp đã xuất hiện và đã cướp bóc các vị tỳ khưu ấy. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán yêu cầu nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến về y,” trong lúc ngần ngại đã không yêu cầu rồi lõa thể như thế đi đến thành Sāvatthi và đảnh lễ các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, những người đạo sĩ lõa thể này tốt thật, những người này đảnh lễ các tỳ khưu.

Các vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi không phải là đạo sĩ lõa thể, chúng tôi là tỳ khưu.

Các tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này:

- Này đại đức Upāli, hãy xét hỏi những người này đi.

Sau đó, trong lúc được xét hỏi bởi đại đức Upāli, các vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy. Khi ấy, đại đức Upāli sau khi xét hỏi các tỳ khưu ấy đã nói với các tỳ khưu điều này:

- Này các đại đức, những vị này là những vị tỳ khưu, hãy cho y đến những vị ấy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại lõa thể mà đi đến? Sao không dùng cỏ che kín lại rồi mới nên đi đến?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị có y bị cướp đoạt hoặc vị có y bị mất được yêu cầu nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến về y. (Ta cho phép) khi đi đến trú xứ đầu tiên, nếu nơi ấy hội chúng có y thuộc về trú xá, hoặc vải lót giường, hoặc vải trải nền, hoặc bao nệm, được lấy vật ấy và choàng lên (nghĩ rằng): “Khi nhận được y, ta sẽ gởi lại.” Nếu hội chúng không có y thuộc về trú xá, hoặc vải lót giường, hoặc vải trải nền, hoặc bao nệm, thì nên dùng cỏ hoặc lá che kín lại rồi mới nên đi đến; nhưng không nên lõa thể mà đi đến, vị nào đi đến thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào yêu cầu nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến về y thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị) ngoại trừ có duyên cớ. Duyên cớ trong trường hợp này là vị tỳ khưu có y bị cướp đoạt hoặc là có y bị hư hỏng. Đây là duyên cớ trong trường hợp này.

[55] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Không phải là thân quyến nghĩa là người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Nam gia chủ nghĩa là bất cứ người nam nào sống trong căn nhà.

Nữ gia chủ nghĩa là bất cứ người nữ nào sống trong căn nhà.

Y nghĩa là bất cứ loại y nào thuộc về sáu loại y (có kích thước) tối thiểu cần phải chú nguyện để dùng chung.

Ngoại trừ có duyên cớ: trừ ra có duyên cớ.

Y bị cướp đoạt nghĩa là y của vị tỳ khưu bị các vị vua, hoặc những kẻ trộm cướp, hoặc những kẻ vô lại cướp đoạt, hoặc bị bất cứ những ai cướp đoạt.

Y bị hư hỏng nghĩa là y của vị tỳ khưu bị lửa đốt cháy, hoặc bị nước cuốn trôi, hoặc bị các con chuột hoặc các con mối gặm nhấm, hoặc là cũ kỷ vì sử dụng.

Vị yêu cầu, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác), ngoại trừ có duyên cớ. Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi đã được yêu cầu từ gia chủ không phải là thân quyến ngoại trừ có duyên cớ, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[56] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị yêu cầu y thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị), ngoại trừ có duyên cớ.

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, vị yêu cầu y thì phạm tội nissaggiya pācittiya, ngoại trừ có duyên cớ.

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, vị yêu cầu y thì phạm tội nissaggiya pācittiya, ngoại trừ có duyên cớ.

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[57] Khi có duyên cớ, của các thân quyến, của những người nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ sáu.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BẢY:

[58] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đi đến gặp các tỳ khưu là những vị có y bị cướp đoạt rồi nói như vầy:

- Này các đại đức, đức Thế Tôn đã cho phép vị có y bị cướp đoạt hoặc là vị có y bị hư hỏng được yêu cầu nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến về y. Này các đại đức, chúng ta hãy yêu cầu về y.

- Này các đại đức, thôi đi. Chúng tôi đã nhận được y rồi.

- Này các đại đức, chúng tôi yêu cầu vì nhu cầu của các đại đức.

- Này các đại đức, các vị hãy yêu cầu.

Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã đi đến các gia chủ không phải là thân quyến và đã nói điều này: “Này các đạo hữu, các vị tỳ khưu mới đi đến là những vị có y bị cướp đoạt, hãy dâng y cho các vị ấy,” rồi đã yêu cầu nhiều y.

Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ đang ngồi ở nơi hội họp đã nói với người đàn ông khác điều này:

- Quý ông, các vị tỳ khưu mới đi đến là những vị có y bị cướp đoạt, tôi đã dâng y cho các vị ấy.

Vị kia cũng đã nói như vầy:

- Tôi cũng đã dâng rồi.

Một người khác cũng đã nói như vầy:

- Tôi cũng đã dâng rồi.

Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại không biết sự chừng mực và yêu cầu nhiều y? Các sa-môn Thích tử sẽ làm việc buôn bán vải hay sẽ lập nên gian hàng?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại không biết sự chừng mực và yêu cầu nhiều y?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi không biết sự chừng mực và yêu cầu nhiều y, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại không biết sự chừng mực và yêu cầu nhiều y vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Nếu có nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến thỉnh cầu vị ấy để đem lại với nhiều y, vị tỳ khưu ấy nên chấp nhận y trong số ấy với mức tối đa là y nội và thượng y, nếu chấp nhận vượt quá số ấy thì (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[59] Nếu vị ấy: là vị tỳ khưu có y bị đánh cướp.

Không phải là thân quyến nghĩa là người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Nam gia chủ nghĩa là bất cứ người nam nào sống trong căn nhà.

Nữ gia chủ nghĩa là bất cứ người nữ nào sống trong căn nhà.

Với nhiều y: với các y có số lượng nhiều.

Thỉnh cầu để đem lại: là (nói rằng): “Ngài thích bao nhiêu xin nhận lấy bấy nhiêu.”

Vị tỳ khưu ấy nên chấp nhận y trong số ấy với mức tối đa là y nội và thượng y: Nếu ba (y) bị hư hỏng thì nên chấp nhận hai (y), hai (y) bị hư hỏng thì nên chấp nhận một (y), một (y) bị hư hỏng thì không nên chấp nhận.

Nếu chấp nhận vượt quá số ấy: Vị yêu cầu vượt quá số ấy, trong lúc thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi đã được yêu cầu vượt quá số ấy từ gia chủ không phải là thân quyến, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[60] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, vị yêu cầu y vượt quá số ấy thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, vị yêu cầu y vượt quá số ấy thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, vị yêu cầu y vượt quá số ấy thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[61] Trong khi mang đi (nói rằng): “Tôi sẽ mang lại phần còn thừa,” (các thí chủ) dâng cho (nói rằng): “Phần còn lại là của chính ngài,” (các thí chủ) dâng không vì nguyên nhân (y) bị cướp đoạt, (các thí chủ) dâng không vì nguyên nhân (y) bị hư hỏng, của các thân quyến, của những người đã nói lời thỉnh cầu, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ bảy.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TÁM:

[62] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ đã nói với người vợ điều này:

- Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.

Khi người đàn ông ấy đang nói lời này, có vị tỳ khưu nọ là vị hành pháp khất thực đã nghe được. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức Upananda, ngài có được nhiều phước báu. Ở chỗ kia, có người đàn ông nọ đã nói với người vợ điều này: “Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.”

- Này đại đức, người ấy là người hộ độ cho tôi.

Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã đi đến gặp người đàn ông ấy, sau khi đến đã nói với người đàn ông ấy điều này:

- Này đạo hữu, nghe nói đạo hữu có ý định dâng y đến tôi, có đúng không vậy?

- Thưa ngài, tôi cũng có khởi ý như vầy: “Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.”

- Này đạo hữu, nếu quả thật đạo hữu có ý định dâng y đến tôi thì hãy dâng y có hình thức như vầy. Tôi sẽ không sử dụng y được dâng ấy thì tôi sẽ làm gì với y ấy?

Sau đó, người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà dâng y cho những người này! Vì sao ngài đại đức Upananda khi chưa được tôi thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y?

Các tỳ khưu đã nghe được người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Upananda, là thân quyến của ngươi hay không phải là thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là thân quyến.

- Này kẻ rồ dại, người không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng người không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp có số tiền mua y của nam gia chủ hoặc nữ gia chủ không phải là thân quyến đã được chuẩn bị dành riêng cho vị tỳ khưu: ‘Với số tiền mua y này sau khi mua y tôi sẽ dâng y đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y: ‘Quả thật là tốt, với số tiền mua y này ông hãy mua y có hình thức như vầy và như vầy rồi dâng cho tôi;’ vì sự mong muốn y tốt đẹp, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[63] Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.

Không phải là thân quyến nghĩa là người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

Nam gia chủ nghĩa là bất cứ người nam nào sống trong căn nhà.

Nữ gia chủ nghĩa là bất cứ người nữ nào sống trong căn nhà.

Số tiền mua y nghĩa là vàng, hoặc là tiền vàng, hoặc là ngọc ma-ni, hoặc là ngọc trai, hoặc là đá quý, hoặc là pha lê, hoặc là vải vóc, hoặc là chỉ sợi, hoặc là bông vải.

Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.

Sau khi mua y: sau khi trao đổi.

Tôi sẽ dâng: tôi sẽ cho.

Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy: vị tỳ khưu ấy là vị tỳ khưu mà số tiền mua y đã được chuẩn bị dành riêng cho.

Chưa được thỉnh cầu trước: chưa được nói trước rằng: “Thưa ngài, ngài có nhu cầu với loại y như thế nào?” “Tôi sẽ mua y của ngài như thế nào?”

Lại đi đến: sau khi đi đến nhà, sau khi đi đến gặp ở bất cứ nơi nào.

Đưa ra sự căn dặn về y: (Y) hãy dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.

Có hình thức như vầy và như vầy: là dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Sau khi mua: sau khi trao đổi.

(Đạo hữu) hãy dâng cho: hãy trao cho.

Vì sự mong muốn y tốt đẹp: có ao ước vật tốt, có ao ước vật giá cao.

(Gia chủ) mua (y) dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng theo lời nói của vị ấy. Trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ không phải là thân quyến và đã đưa ra sự căn dặn về y, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[64] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[65] Của các thân quyến, của những người đã nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bảo mua (y) giá thấp đối với người có ý định mua (y) giá cao, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tám.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:

[66] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ đã nói với người đàn ông khác điều này:

- Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.

Người kia cũng đã nói như vầy:

- Tôi cũng sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.

Có vị tỳ khưu nọ là vị hành pháp khất thực đã nghe được cuộc nói chuyện này của những người đàn ông ấy. Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Này đại đức Upananda, ngài có được nhiều phước báu. Ở chỗ kia, có người đàn ông nọ đã nói với người đàn ông khác điều này: “Tôi sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.” Người kia cũng đã nói như vầy: “Tôi cũng sẽ dâng y đến ngài đại đức Upananda.”

- Này đại đức, họ là những người hộ độ cho tôi.

Sau đó, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã đi đến gặp những người đàn ông ấy, sau khi đến đã nói với những người đàn ông ấy điều này:

- Này các đạo hữu, nghe nói các đạo hữu có ý định dâng các y đến tôi, có đúng không vậy?

- Thưa ngài, chúng tôi cũng có khởi ý như vầy: “Chúng tôi sẽ dâng các y đến ngài đại đức Upananda.”

- Này các đạo hữu, nếu quả thật các đạo hữu có ý định dâng các y đến tôi thì nên dâng các y có hình thức như vầy. Tôi sẽ không sử dụng các y được dâng ấy thì tôi sẽ làm gì với các y ấy?

Khi ấy, những người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà dâng các y cho những người này! Tại sao ngài đại đức Upananda khi chưa được chúng tôi thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y?

Các tỳ khưu đã nghe được những người đàn ông ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Upananda, là các thân quyến của ngươi hay không phải là các thân quyến?

- Bạch Thế Tôn, không phải là các thân quyến.

- Này kẻ rồ dại, người không phải là thân quyến không biết điều gì thích hợp hay không thích hợp, điều gì làm hài lòng hay không làm hài lòng những người không phải là thân quyến. Này kẻ rồ dại, trong trường hợp ấy sao ngươi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến gặp các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp có các số tiền mua y khác nhau của hai nam gia chủ hoặc (của hai) nữ gia chủ không phải là các thân quyến đã được chuẩn bị dành riêng cho vị tỳ khưu: ‘Với các số tiền mua y khác nhau này sau khi mua các y khác nhau chúng tôi sẽ dâng các y đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến và đưa ra sự căn dặn về y: ‘Quả thật là tốt, với các số tiền mua y này quý ông cả hai nhập thành một rồi hãy mua y có hình thức như vầy và như vầy rồi hãy dâng cho tôi;’ vì sự mong muốn y tốt đẹp, (y ấy) nên được xả bỏ và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[67] Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.

Của hai: của cả hai.

Không phải là các thân quyến nghĩa là những người không có sự liên hệ họ hàng cho đến bảy thế hệ tổ tiên từ dòng bên mẹ hoặc từ dòng bên cha.

(Các) nam gia chủ nghĩa là bất cứ những người nam nào sống trong căn nhà.

(Các) nữ gia chủ nghĩa là bất cứ những người nữ nào sống trong căn nhà.

Các số tiền mua y nghĩa là nhiều vàng, hoặc là các tiền vàng, hoặc là các ngọc ma-ni, hoặc là các ngọc trai, hoặc là các đá quý, hoặc là các pha lê, hoặc là nhiều vải vóc, hoặc là nhiều chỉ sợi, hoặc là nhiều bông vải.

Với các số tiền mua y này: với (các số tiền) đã được sẵn sàng.

Sau khi mua y: sau khi trao đổi.

Chúng tôi sẽ dâng: chúng tôi sẽ cho.

Trong trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu ấy: vị tỳ khưu ấy là vị tỳ khưu mà các số tiền mua y đã được chuẩn bị dành riêng cho.

Chưa được thỉnh cầu trước: chưa được nói trước rằng: “Thưa ngài, ngài có nhu cầu với loại y như thế nào?” “Chúng tôi sẽ mua y của ngài như thế nào?”

Lại đi đến: sau khi đi đến nhà, sau khi đi đến gặp ở bất cứ nơi nào.

Đưa ra sự căn dặn về y: (Y) hãy dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Với các số tiền mua y này: với (các số tiền) đã được sẵn sàng.

Có hình thức như vầy và như vầy: là dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng.

Sau khi mua: sau khi trao đổi.

(Quý ông) hãy dâng đến: (quý ông) hãy trao cho.

Cả hai nhập thành một: cả hai (người) với một (y).

Vì sự mong muốn y tốt đẹp: có ao ước vật tốt, có ao ước vật giá cao.

Họ mua (y) dài, hoặc rộng, hoặc chắc, hoặc mịn màng theo lời nói của vị ấy. Trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ không phải là các thân quyến và đã đưa ra sự căn dặn về y, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

[68] Không phải là thân quyến, nhận biết không phải là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Không phải là thân quyến, có sự hoài nghi, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Không phải là thân quyến, (lầm) tưởng là thân quyến, khi chưa được thỉnh cầu trước lại đi đến các gia chủ và đưa ra sự căn dặn về y thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Là thân quyến, (lầm) tưởng không phải là thân quyến, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Là thân quyến, nhận biết là thân quyến thì vô tội.

[69] Của các thân quyến, của những người đã nói lời thỉnh cầu, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, vị bảo mua (y) giá thấp đối với những người có ý định mua (y) giá cao, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ chín.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:

[70] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị quan đại thần là người hộ độ cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã phái sứ giả đem tiền mua y đến đại đức Upananda con trai dòng Sākya (bảo rằng):

- Hãy mua y với số tiền mua y này rồi dâng y đến ngài đại đức Upananda.

Sau đó, người sứ giả ấy đã đi đến đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.

Khi được nói như thế, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã nói với người sứ giả ấy điều này:

- Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.

Khi được nói như thế, người sứ giả ấy đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?

Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ đã đi đến tu viện do công việc cần làm nào đó. Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã nói với người sứ giả ấy điều này:

- Này đạo hữu, chính nam cư sĩ này là người phục vụ cho các tỳ khưu.

Sau đó, khi đã dặn dò nam cư sĩ ấy, người sứ giả ấy đã đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya, sau khi đến đã nói với đại đức Upananda con trai dòng Sākya điều này:

- Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã không nói với nam cư sĩ ấy điều gì cả.

Đến lần thứ nhì, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya (nhắn rằng):

- Thưa ngài, hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.

Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã không nói điều gì với nam cư sĩ ấy.

Đến lần thứ nhì, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya (nhắn rằng):

- Thưa ngài, hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.

Đến lần thứ nhì, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã không nói với nam cư sĩ ấy điều gì cả.

Đến lần thứ ba, vị quan đại thần ấy đã phái sứ giả đi đến gặp đại đức Upananda con trai dòng Sākya (nhắn rằng):

- Thưa ngài, hãy sử dụng y ấy. Chúng tôi muốn y ấy được ngài đại đức sử dụng.

Vào lúc bấy giờ là ngày hội họp của thị trấn. Và thị trấn đã thực hiện quy định là: “Ai đi đến trễ bị phạt năm mươi tiền.” Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này:

- Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.

- Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay. Hôm nay là ngày hội họp của thị trấn. Và thị trấn đã thực hiện quy định là: “Ai đi đến trễ bị phạt năm mươi tiền.”

- Này đạo hữu, hãy dâng y cho tôi ngay hôm nay. Rồi đã nắm lấy dây thắt lưng (của người ấy).

Khi ấy, nam cư sĩ ấy trong lúc bị đại đức Upananda con trai dòng Sākya ép buộc nên đã mua y cho đại đức Upananda con trai dòng Sākya và đã đi đến trễ. Dân chúng đã nói với nam cư sĩ ấy điều này:

- Này ông, vì sao ông lại đi đến trễ? Ông đã bị mất năm mươi tiền.

Khi ấy, nam cư sĩ ấy đã kể lại sự việc ấy cho những người ấy. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này thật ham muốn quá độ, không tự biết đủ. Không dễ gì mà phục vụ cho những người này! Vì sao Upananda con trai dòng Sākya khi được nam cư sĩ nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay” lại không chờ đợi?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya khi được nam cư sĩ nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay” lại không chờ đợi?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi khi được nam cư sĩ nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay” lại không chờ đợi, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi khi được nam cư sĩ nói rằng: “Thưa ngài, xin hãy chờ cho ngày hôm nay” lại không chờ đợi? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trường hợp đức vua, hoặc quan triều đình, hoặc bà-la-môn, hoặc gia chủ phái sứ giả đem số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy mua y với số tiền mua y này rồi hãy dâng đến vị tỳ khưu tên (như vầy).’ Nếu người sứ giả ấy đi đến gặp vị tỳ khưu ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.’ Người sứ giả ấy nên được vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.’ Nếu người sứ giả ấy nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: ‘Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y nên chỉ ra người phục vụ là người phụ việc chùa hoặc là nam cư sĩ: ‘Này đạo hữu, đây chính là người phục vụ cho các tỳ khưu.’ Nếu người sứ giả ấy sau khi đã dặn dò người phục vụ ấy rồi đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức đã chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y sau khi đi đến gặp người phục vụ ấy rồi nên thông báo nên nhắc nhở hai hoặc ba lần: ‘Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.’ Trong khi thông báo nhắc nhở hai hoặc ba lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được thì nên đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần. Trong khi đứng với trạng thái im lặng bốn lần, năm lần, tối đa là sáu lần, nếu đạt được y ấy, như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được rồi ra sức vượt quá số lần ấy và đạt được y ấy thì (y ấy) phạm vào nissaggiya và (vị ấy) phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Nếu không đạt được thì tiền mua y đã được mang lại là của nơi nào thì nên đích thân đi đến nơi ấy, hoặc nên phái sứ giả đi đến (nói rằng): ‘Này quý vị, các người đã gởi đến số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu nào, số tiền ấy không có được chút gì lợi ích cho vị tỳ khưu ấy. Quý vị hãy thâu hồi lại vật của mình, chớ để vật của quý vị bị mất mát. Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy.”

[71] Dành riêng cho vị tỳ khưu: vì nhu cầu của vị tỳ khưu, sau khi nghĩ đến vị tỳ khưu rồi có ý định dâng vị tỳ khưu.

Đức vua nghĩa là người nào cai trị vương quốc.

Quan triều đình nghĩa là người nào nhận lãnh bữa ăn và tiền lương của đức vua.

Bà-la-môn nghĩa là bà-la-môn do sự sanh ra.

Gia chủ nghĩa là trừ ra các vị vua, các quan triều đình, các bà-la-môn; những người còn lại gọi là gia chủ.

Số tiền mua y nghĩa là vàng, hoặc là tiền vàng, hoặc ngọc là ma-ni, hoặc là ngọc trai, hoặc là đá quý, hoặc là pha lê, hoặc là vải vóc, hoặc là chỉ sợi, hoặc là bông vải.

Với số tiền mua y này: với (số tiền) đã được sẵn sàng.

Sau khi mua y: sau khi trao đổi.

Hãy dâng đến: hãy trao cho.

Nếu người sứ giả ấy đi đến gặp vị tỳ khưu ấy và nói như vầy: ‘Thưa ngài, số tiền mua y này được dành riêng cho đại đức đã được mang lại. Xin đại đức hãy nhận lãnh tiền mua y.’ Người sứ giả ấy nên được vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Này đạo hữu, chúng tôi không nhận lãnh tiền mua y và chúng tôi chỉ nhận lãnh y đúng phép vào lúc hợp thời.’ Nếu người sứ giả ấy nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: ‘Vậy có ai là người phục vụ cho đại đức không?’ Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y nên chỉ ra người phục vụ là người phụ việc chùa hoặc là nam cư sĩ: ‘Này đạo hữu, đây chính là người phục vụ cho các tỳ khưu.’ Không nên nói: ‘Hãy trao cho người ấy;’ hoặc ‘Người ấy sẽ cất giữ;’ hoặc ‘Người ấy sẽ trao đổi;’ hoặc ‘Người ấy sẽ mua.’ Nếu người sứ giả ấy sau khi đã dặn dò người phục vụ ấy rồi đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy nói như vầy: ‘Thưa ngài, người phục vụ mà đại đức đã chỉ ra đã được tôi dặn dò. Đại đức hãy đi đến lúc đúng thời, người ấy sẽ dâng y cho ngài.’

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có sự cần dùng y sau khi đi đến gặp người phục vụ ấy rồi nên thông báo, nên nhắc nhở hai hoặc ba lần: ‘Này đạo hữu, tôi có nhu cầu về y.’ Không nên nói: ‘Hãy dâng y cho tôi;’ ‘Hãy mang lại y cho tôi;’ ‘Hãy trao đổi y cho tôi;’ ‘Hãy mua y cho tôi.’ Nên được nói đến lần thứ nhì. Nên được nói đến lần thứ ba.

Nếu đạt được (y), như thế việc này là tốt đẹp; nếu không đạt được thì sau khi đi đến nơi ấy nên đứng với trạng thái im lặng. Không nên ngồi xuống chỗ ngồi. Không nên thọ nhận vật thực. Không nên thuyết Pháp. Nếu được hỏi: ‘Ngài đã đi đến vì lý do gì?’ Nên nói rằng: ‘Này đạo hữu, ngươi hãy biết lấy.’ Nếu ngồi xuống chỗ ngồi, hoặc thọ nhận vật thực, hoặc thuyết Pháp, thì làm hỏng việc đứng. Lần thứ nhì, nên đứng. Lần thứ ba, nên đứng. Sau khi thông báo bốn lần, nên đứng bốn lần. Sau khi thông báo năm lần, nên đứng hai lần. Sau khi thông báo sáu lần thì không nên đứng.

Nếu không đạt được rồi ra sức vượt quá số lần ấy và đạt được y ấy, trong lúc thực hiện thì (vị ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Do sự đạt được thì phạm vào nissaggiya, (y ấy) cần được xả bỏ đến hội chúng, hoặc đến nhóm, hoặc đến cá nhân. Và này các tỳ khưu, nên được xả bỏ như vầy: ...(như trên)... “Bạch các ngài, y này của tôi đã đạt được do sự thông báo quá ba lần và đứng quá sáu lần, giờ cần được xả bỏ. Tôi xả bỏ y này đến hội chúng.” ...(như trên)... hội chúng nên cho lại ...(như trên)... chư đại đức nên cho lại ...(như trên)... “Tôi cho lại đại đức.”

Nếu không đạt được thì tiền mua y đã được mang lại là của nơi nào thì nên đích thân đi đến nơi ấy hoặc nên phái sứ giả đi đến (nói rằng): ‘Này quý vị, các người đã gởi đến số tiền mua y dành riêng cho vị tỳ khưu nào, số tiền ấy không có được chút gì lợi ích cho vị tỳ khưu ấy. Quý vị hãy thâu hồi lại vật của mình, chớ để vật của quý vị bị mất mát.’

Đây là điều đúng đắn trong trường hợp ấy: Đây là điều hợp lý trong trường hợp ấy.

[72] Với sự thông báo hơn ba lần, trong việc đứng hơn sáu lần, nhận biết là đã vượt quá, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị).

Với sự thông báo hơn ba lần, trong việc đứng hơn sáu lần, có sự hoài nghi, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Với sự thông báo hơn ba lần, trong việc đứng hơn sáu lần, (lầm) tưởng là chưa đủ, vị đạt được thì phạm tội nissaggiya pācittiya.

Với sự thông báo chưa đủ ba lần, trong việc đứng chưa đủ sáu lần, (lầm) tưởng là đã vượt quá, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Với sự thông báo chưa đủ ba lần, trong việc đứng chưa đủ sáu lần, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Với sự thông báo chưa đủ ba lần, trong việc đứng chưa đủ sáu lần, nhận biết là chưa đủ thì vô tội.

[73] Với sự thông báo ba lần, với việc đứng sáu lần, với sự thông báo chưa đủ ba lần, với việc đứng chưa đủ sáu lần, (người ấy) dâng khi chưa được thông báo, thí chủ dâng sau khi thông báo, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ mười.

Phần Y là phần thứ nhất.

*******

Tóm lược phần này:

Mười ngày, một đêm, tháng,
việc giặt, và nhận lãnh,
ba điều không thân quyến,
của hai, bởi sứ giả.

*******


[1] Động từ “dhāreti” có nhiều nghĩa: Ở trên, chúng tôi dịch là “sử dụng,” ở các nơi khác là “mang, mặc, v.v...” tùy theo ngữ cảnh. Ở đây, tuy được ghi là “cất giữ,” nhưng các ý nghĩa khác đều có thể áp dụng.

[2] Nissaggiya pācittiya có hai phần: nissaggiya liên quan đến đồ vật cần được xả bỏ, pācittiya là tội ưng đối trị. Cụm từ này đã được các vị tiền bối dịch chung lại là “tội ưng xả đối trị.” Khi hai từ ấy đi chung, chúng tôi sẽ ghi là “tội ưng xả đối trị,” còn trường hợp phân tích riêng rẽ thì sẽ ghi như trên.

[3] Tám tiêu đề (mātikā) về sự hết hiệu lực của Kaṭhina: do sự ra đi, do (y) được hoàn tất, do tự mình quyết định, do bị mất, do nghe được (tin), do sự tan vỡ của niềm mong mỏi, do sự vượt qua ranh giới, do sự hết hiệu lực cùng một lúc (Đại Phẩm – Mahāvagga, chương VII, [99]).

[4] Hội chúng thực hiện hành sự thâu hồi khiến Kaṭhina hết hiệu lực (chú thích của người dịch).

[5] Sáu loại y: loại bằng sợi lanh (khomaṃ), loại bằng bông vải (kappāsikaṃ), loại bằng tơ lụa (koseyyaṃ), loại bằng sợi len (kambalaṃ), loại bằng gai thô (sāṇaṃ), loại bằng chỉ bố (bhaṅgaṃ).

[6] Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y (có kích thước) tối thiểu với chiều dài là tám ngón tay với chiều rộng là bốn ngón tay theo ngón tay tiêu chuẩn (Sđd, chương VIII, [160]).

[7] santaruttara = sa + antara + uttara = sa + antaravāsaka + uttarasaṅga = với + y nội + thượng y.

[8] Ngài Buddhaghosa giải thích là 1 hatthapāsa (tầm tay) = 2,5 ratana, 1 ratana = 2 vidatthiyo (gang tay), 1 vidatthi = chiều rộng 12 ngón tay. Tài liệu The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu cho biết khoảng cách của một hatthapāsa là 1,25 mét.

[9] Ngài Buddhaghosa giải thích 1 abbhantara là 28 hattha (cánh tay). Từ điển của Childers giải thích hattha là chiều dài tính từ cùi chỏ của cánh tay đến đầu ngón tay út. Tài liệu The Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu cho biết khoảng cách của 7 abbhantara = 98 mét (Như vậy 1 abbhantara = 14 mét, 1 hattha = 0,5 mét).

[10] Tức là vòng tròn bán kính 7 abbhantara (= 98 mét), lấy chỗ để y làm tâm điểm.

[11] Vải quăng bỏ (paṃsukūla) được phát sanh lên do nhiều cách thức. Đi vào mộ địa nhặt lấy các vải quấn tử thi đem về giặt sạch, cắt may thành y, nhuộm màu, v.v...là một trong những cách thức đã được các tỳ khưu thời ấy áp dụng (chú thích của người dịch).

[12] Ngài Buddhaghosa giải thích là phát sanh lên do bông vải, chỉ sợi, v.v... của bản thân.

[13] Ngài Buddhaghosa giải thích về điểm này như sau: “Nếu y căn bản là mịn và y mong mỏi là thô không thể kết hợp với nhau, và còn lại nhiều đêm nhưng vẫn không đủ cho đến hết tháng thì không nên cho thực hiện y trái với ước muốn còn bị sự chê bai nữa. Chờ đến khi nhận lãnh y mong mỏi khác nữa thì nên cho thực hiện trong khoảng thời gian (cho phép). Cũng nên chú nguyện y mong mỏi làm vải phụ tùng (parikkhāracoḷaṃ). Nếu y căn bản là thô và y mong mỏi là mịn thì nên chú nguyện y căn bản làm vải phụ tùng, rồi lấy y mong mỏi làm y căn bản và giữ lại. Bằng phương thức ấy thì đạt được lại cả tháng ấy để giữ lại y.” Có thể hiểu như sau: Trong vòng hai mươi ngày đầu tính từ lúc y căn bản được phát sanh, nếu y mong mỏi được phát sanh thì số ngày để giữ y căn bản không còn đủ ba mươi này. Hoặc là hy vọng trong 10 ngày còn lại sẽ có y mong mỏi khác cùng loại. Hoặc là chú nguyện y mong mỏi thành vải phụ tùng để y căn bản có thể giữ được đủ 30 ngày; nghĩa là chọn y mong mỏi mới phát sanh làm y căn bản và nguyện y căn bản làm vải phụ tùng như thế sẽ được tính lại đủ ba mươi ngày.

[14] Ngoài ba y như các tỳ khưu là y hai lớp (saṅghāṭi), thượng y (uttarasagaṃ), và y nội (antaravāsakaṃ), tỳ khưu ni còn có thêm hai y nữa là áo lót (saṃkacchikā) và vải choàng tắm (udakasāṭikā). Xin xem Tiểu Phẩm - Cullavagga, chương X.

[15] Ito: nghĩa là “từ đây” ám chỉ vải đang được mặc trên người ấy. Theo câu chuyện, được biết người ấy đang mặc hai tấm vải nên ghi lại như trên.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 07a | 07b | 07c | 08a | 08b | 08c | 08d | 08e | 08f | 08g | 08h | 08i | 09 | 10 |
Phân tích Giới Tỳ-khưu I | Phân tích Giới Tỳ-khưu Ni | Giới thiệu

 

Chân thành cám ơn Tỳ-khưu Indacanda Nguyệt Thiên đã gửi tặng bản vi tính
(Bình Anson, 06-2005)

[Trở về trang Thư Mục]
last updated: 01-06-2005