BuddhaSasana Home Page

Vietnamese, with VU Times font


 

KINH PHÁP CÚ
DHAMMAPADA

Tác giả: Nārada Mahāthera
Người dịch: Phạm Kim Khánh, 1971

 

Lưu ý: Ðọc với phông chữ VU Times (Viet-Pali Unicode)

 

5. CUỒNG DẠI - BĀLA VAGGA

Ðối với người không biết giáo pháp, vòng luân hồi quả thật xa xôi

1. Dīghā jāgarato ratti - dīghaṁ santassa yojanaṁ

Dīgho bālānaṁ samsāro -saddhammaṁ avijānataṁ.

1. Ðêm dài đối với người không ngủ. Người mệt mỏi thấy đường xa. Ðối với kẻ điên cuồng, không hiểu chơn lý cao siêu, con đường luân hồi 1quả thật là xa xôi diệu vợi. 60.

Tích chuyện

Vua Pasenadi đến hầu Phật và bạch rằng một hôm nọ vua cảm thấy đêm dài. Trong một cơ hội khác có người ghi nhận rằng một dặm đường thật quá dài. Ðức Phật đúc kết hai câu chuyện và thêm rằng đối với người không biết Giáo Pháp, vòng luân hồi quả thật xa xôi diệu vợi.

Chú thích

1. Luân hồi - Saṁsāra, đúng nghĩa, là thênh thamg mãi mãi, triền miên. Ðó là đại dương của đời sống hay kiếp sinh tồn.

Saṁsāra được định nghĩa là sự trôi chảy không ngừng của luồng ngũ uẩn, những nguyên tố và giác quan.

Saṁsāra cũng được định nghĩa là sự trôi chảy liên tục của luồng sống chúng sanh từ kiếp này sang kiếp khác, từ cuộc sinh tồn này qua sinh tồn kia.

Tránh kết hợp với người cuồng dại

2. Carañ ce nādhigaccheyya - seyyaṁ sadisam attano

Ekacariyaṁ dalhaṁ kayirā natthi bāle sahāyatā.

2. Trên bước thiên lý xa xôi, nếu người đệ tử không gặp được bạn đồng hành ngang, hay hơn mình, thì hãy vững tiến trên con đường đơn độc của mình. Không nên kết hợp 2 với người cuồng dại 1. 61.

Tích chuyện

Thầy quở rầy học trò vì một lỗi lầm. Trò không vui, nổi lửa đốt tịnh thất thầy và bỏ trốn. Ðức Phật nghe thuật lại câu chuyện, khuyên dạy rằng nên sống đơn độc còn hơn kết hợp với người điên khùng, cuồng dại.

Chú thích

1. Người cuồng dại - Sahāyatā, theo bản chú giải, danh từ này có liên quan đến phẩm hạnh cao thượng, tuệ minh sát, con đường, và Thánh quả.

Như vậy, không nên hiểu cuồng dại theo định nghĩa thông thường. Cuồng dại là nghịch nghĩa với phẩm hạnh cao thượng, tuệ minh sát, không đi trên con đường đưa đến giải thoát.

2. Vì lòng từ bi, vì thương họ, ta có thể đến gần người cuồng dại để hỗ trợ, nâng đỡ, giúp cho họ sáng suốt hơn, nhưng không nên để cái cuồng dại của họ nhiễm ta.

Chính ta không phải là của ta

3. Puttā m'atthi dhanaṁ m'atthi iti bālo vihaññati

Attā hi attano natthi kuto puttā kuto dhanam.

3. "Con cái, ta có. Sự nghiệp, ta có". Ðó là mối lo âu của hạng cuồng si. Ðúng ra, chính họ không phải là của họ. Vậy con cái nào là của họ? Sự nghiệp nào là của họ. 62.

Tích chuyện

Người kia giàu có nhưng bỏn xẻn, keo kiết. Ðến lúc chết, ông ta tái sanh làm một người ăn xin có hình tướng xấu xa. Ngày nọ, tình cờ ông đi đến cái nhà của ông trong kiếp sống trước, nhưng khi bước vào thì bị người nhà cột trói lại và vứt trên một đống rác. Ðức Phật đi ngang qua thấy vậy thì lưu ý người chủ nhà - vốn là con của người ăn xin trong kiếp sống trước - rằng người kia không phải ai khác hơn là cha của ông.

Biết nhận thức sự cuồng dại của mình là người trí

4. Yo bālo maññati bālyaṁ - paṇḍito vā'pi tena so

Bālo ca paṇḍitamānī - sa ve bālo'ti vuccati.

4. Người điên mà biết mình điên - vì lẽ ấy - là người trí. Ðiên mà cho rằng mình có trí tuệ thì quả thật là điên. 63.

Tích chuyện

Hai người đi nghe thuyết pháp. Sau khi nghe, một người đắc quả Tu-Ðà-Hườn. Trong lúc ấy người kia lo ăn cắp tiền. Trên đường về, người ăn cắp chê người đắc quả không biết lợi dụng thời cơ để kiếm chút gì như anh đã làm. Khi hay được câu chuyện, Ðức Phật giải thích sự khác biệt giữa người cuồng dại và người trí.

Người cuồng dại không thể nhận chơn giá trị của giáo pháp

5. Yāvajīvam'pi ce bālo - paṇḍitaṁ payirupāsati

Na so dhammaṁ vijānāti - dabbī sūparasaṁ yathā.

5. Người cuồng dại, dầu sống chung suốt đời với người trí, vẫn không hiểu Giáo Pháp hơn cái muỗng thưởng thức hương vị của canh (mặc dầu nằm trọn vẹn trong nồi canh). 64.

Tích chuyện

Ðại đức Udāyi thường ngồi trên Pháp tọa. Các vị Tỳ-khưu khác thấy vậy lầm tưởng rằng thầy thông suốt Giáo Pháp, đến nhờ thầy giảng, mới biết thầy không thông. Câu chuyện được bạch với Ðức Phật, Ðức Phật giảng về thái độ của người cuồng dại, dầu suốt đời sống chung với người trí, vẫn không thông hiểu Giáo Pháp, cũng như cái muỗng, dầu nằm trọn vẹn trong nồi canh, vẫn không thưởng thức được hương vị của canh.

Bậc thiện trí nhận chơn giá trị của giáo pháp

6. Muhuttam api ce viññu -paṇḍitaṁ payirupāsati

Khippaṁ dhammaṁ vijānati Jivhā sūparasaṁ yathā.

6. - Dầu chỉ sống chung với bậc trí tuệ trong chốc lát, người thông minh thấu hiểu nhanh chóng Giáo Pháp, như cái lưỡi (thưởng thức) hương vị của canh. 65.

Tích chuyện

Ba mươi thanh niên nghe được Giáo Pháp liền đắc quả A-La-Hán. Ðức Phật đề cập đến sự chứng ngộ mau lẹ ấy và giải thích rằng các vị kia vốn đã là những người thông minh xuất chúng.

Quả của hành động bất thiện thật là đắng

7. Caranti bālā dummedhā -amitten'eva attanā

Karontā pāpakaṁ kammaṁ -yaṁ hoti kaṭukapphalaṁ.

7. Người điên rồ thiển trí trở đi lộn lại với chính cái tự ngã của mình như kẻ thù, làm những việc ác mà hậu quả sẽ đắng cay. 66.

Tích chuyện

Ngày kia, có người mang bệnh cùi đến nghe Pháp và đắc quả Tu-Ðà-Huờn (Nhập Lưu). Bất hạnh thay, lúc trở về, vị ấy bị một con ngựa con húc vào người và ngã ra chết. Ðức Phật giải thích rằng vị ấy mang bệnh cùi vì trong một tiền kiếp đã có lần nhổ nước miếng vào một vị Phật Ðộc Giác và bị ngựa húc chết vì đã giết một cô gái hang hồ.

Hành động ấy quả thật bất thiện nếu đem lại hối hận

8. Na taṁ kammaṁ kataṁ sādhu -yaṁ katvā anutappati

Yassa assumukho rodaṁ vipākaṁ paṭisevati.

8. Hành động ấy không tốt khi mà, sau khi thực hiện ta ăn năn hối hận và, đến lúc gặt quả dữ, ta than khóc, lệ tuôn đầy mặt. 67.

Tích chuyện

Một nông dân bị kết tội ăn cắp vì oa trữ những tang vật bị đánh cắp. Do tác phong đặc biệt của anh, anh được đem đến trình với Ðức Phật. Ðức Phật giải thích rõ ràng trường hợp. Anh nông dân vô tội được thả về, và Ðức Phật giảng dạy về hậu quả của những hành động bất thiện.

Hành động ấy quả thật là thiện nếu không đem lại hối hận

9. Tañ ca kammaṁ kataṁ sādhu -yaṁ katvā nānutappati

Yassa patīto sumano -vipākaṁ paṭisevati.

9. - Hành động ấy tốt khi mà, sau khi thực hiện, ta không ăn năn hối hận và, lúc hưởng quả lành, ta hoan hỉ thỏa thích. 68.

Tích chuyện

Một người làm vườn dâng đến Ðức Phật những cành hoa mà anh để dành cho vua, và làm như thế có thể nguy đến tánh mạng anh. Trái với mọi dự đoán, vua rất thỏa thích được biết hành động trong sạch ấy và ban thưởng anh xứng đáng. Nhơn cơ hội, Ðức Phật giảng về quả lành của những hành động thiện.

Người hành ác đi đến phiền não

10. Madhū'va 1 maññatī bālo -yāva pāpaṁ na paccati

Yadā ca paccatī pāpaṁ -atha bālo dukkhaṁ nigacchati.

10. Hành động xấu ngọt ngào như mật. Kẻ điên cuồng nghĩ như vậy khi quả dữ chưa trổ. Nhưng lúc quả trổ, họ sẽ đau khổ. 69.

Tích chuyện

Một nữ tu sĩ đang hành đạo giữa rừng. Người kia, trước có đi nói bà mà không được, vào rừng hảm hiếp bà. Khi nghe câu chuyện, Ðức Phật giảng dạy về những phiền não mà người có hành động bất thiện phải gặp.

Chú thích

1. Trong nhiều bổn, Phạn ngữ này viết Madhuvā.

Chứng ngộ thập phần cao thượng tuyệt cốc suông

11. Māse māse kusaggena - bālo bhuñjetha bhojanaṁ

Na so saṅkhatadhammānaṁ kalaṁ agghati soḷasiṁ.

11. Tháng này qua tháng kia, người cuồng dại có thể chỉ ăn chút ít vật thực mà đầu ngọn cỏ Kusa 1 vít lên được. Nhưng (khổ hạnh như thế ấy) không bằng một phần mười sáu của người thông suốt Chơn Lý 2. 70.

Tích chuyện

Do quả dữ của hành động bất thiện trong quá khứ, một đạo sĩ thường ngày chỉ dùng phẩn người để sống. Một ngày kia đạo sĩ chỉ vít chút bơ và mật ong trên đầu ngọn cỏ rồi để ở chót lưỡi mình. Ðức Phật viếng ông và độ ông đắc quả A-La-Hán.

Chú thích

1. Ðúng nguyên văn: "tháng này qua tháng kia, với mảnh lá của ngọn cỏ kusa, người cuồng dại có thể ăn bữa ăn của mình".

2. Người thông suốt chơn lý - saṁkhatadhammānaṁ, "Người đã cân nhắc định luật đầy đủ", Max Muller và Burlingame. "Người đã xem xét sự vật đầy đủ", Mrs Rhys Davids. "Người đã nghiên cứu Giáo pháp cao thượng", Woodward. Giải thích của bản chú giải là:

"Những bậc Thánh nhơn đã chứng ngộ Tứ diệu đế".

Cái được gọi là tuyệt cốc trong những tín ngưỡng khác, dầu kéo dài đến đâu, cũng không thể nhờ đó mà tận diệt dục vọng và, như vậy, không bằng một phần mười sáu một ngày nhịn ăn của vị Thánh nhơn đã chứng ngộ Tứ đế.

Hành động bất thiện sẽ trổ quả đúng lúc

12. Na hi pāpaṁ kataṁ kammaṁ sajju khīraṁ'va muccati

Dahantaṁ bālaṁ anveti -bhasmacchanno'va pāvako.

12. Thật vậy, hành động xấu đã thực hiện không tạo quả tức khắc, cũng như sữa tươi không tức khắc đông đặc. Nó (âm thầm) theo người cuồng dại như cục lửa ngún cháy dưới lớp tro tàn. 71.

Tích chuyện

Anh nông dân kia, vì hổ thẹn, nổi lửa thiêu đốt tịnh thất của một vị Phật Ðộc Giác. Do đó anh tái sanh làm ngã quỷ có hình tướng giống như con rắn. Ðức Phật giải thích vì sao anh phải chịu mang trạng thái đáng thương như vậy và giảng dạy những quả xấu của hành động bất thiện.

Bên trong người cuồng dại, tri thức và danh vọng có khuynh hướng làm sụp đổ họ

13. Yāvadeva anatthāya -ñattaṁ bālassa jāyati

Hanti bālassa sukkaṁsaṁ -muddham assa vipātayaṁ.

13. Trong sự sụp đổ của chính mình, thật vậy, người cuồng dại thâu thập tri thức và danh vọng. Tri thức và danh vọng tiêu diệt số phần sáng sủa và bửa cái đầu của người cuồng dại 1. 72.

Tích chuyện

Một người học trò buông lung hư hỏng theo học nghề cung kiếm và sử dụng sai lạc tài nghệ của mình, bắn hòn đá trúng một vị Phật Ðộc Giác chết ngay tại chỗ. Do nghiệp bất thiện ấy, anh tái sanh làm ngã quỷ, hai tay cầm búa to. Nhắc đến tài nghệ trong quá khứ của anh, Ðức Phật ghi nhận rằng chính sự hiểu biết của người hư hỏng, như tài bắn cung của người học trò buông lung, làm sụp đổ họ.

Chú thích

1. Bửa cái đầu - tức là phân tán trí tuệ.

Người si mê tìm danh vọng bất chánh

14. Asataṁ bhāvanam iccheyya purekkhārañ ca bhikkhusu

Avāsesu ca issariyaṁ - pūjā parakulesu ca.

15. Mam eva kata maññantu -gihī pabbajitā ubho

Mam ev'ativasā assu -kiccākiccesu kismici

Iti bālassa saṅkappo - icchā māno ca vaḍḍhati.

14. Người cuồng dại mong muốn thanh danh bất chánh, muốn chiếm địa vị trên trước trong tăng chúng, muốn quyền thế trong tu viện, muốn được kính nể hơn các gia đình khác. 73.

15. Hãy để cho cả hai, tăng chúng và cư sĩ, nghĩ rằng: "Việc này do chính ta làm. Trong mỗi việc, dầu lớn hay nhỏ, hãy để chúng làm theo ta" Ðó là tham vọng của kẻ cuồng dại. Lòng tham ái và tính ngã mạn của họ tăng trưởng. 74.

Tích chuyện

Một tăng sĩ trụ trì lòng ganh tỵ với vị khách - vốn là đại đệ tử của Ðức Phật - từ xa đến viếng, vì vị này được nhiều thiện tín kính mộ. Thầy lăng mạ khách và đem câu chuyện bạch lại với Ðức Phật. Ðức Phật khuyên thầy nên sám hối, không nên ích kỷ và có nhiều tham vọng, không nên chấp điều gì là "Ta" và "của Ta".

Con đường danh lợi là một, và Niết-bàn là con đường khác

16. Aññā hi lābhūpanisā aññā nibbānagāminī

Evam etaṁ abhiññāya - bhikkhu Buddhassa sāvako

Sakkāraṁ nābhinandeyya -vivekam anubrūhaye.

16. Chắc như vậy, con đường dẫn đến lợi lộc của trần gian là một, và dẫn đến Niết-bàn là con đường khác. Thông hiểu như thế, thầy Tỳ-khưu, đệ tử Phật, không nên thỏa thích trong mùi danh bã lợi của thế gian mà phải trau dồi tâm dứt bỏ. 1 75.

Tích chuyện

Vị Sa-di kia xuất thân từ một gia đình khả kính, được thiện tín tới tấp dâng lễ vật cúng dường. Nhưng ông chẳng màng, từ chối tất cả, chấp nhận đời sống đơn độc và nghèo nàn ở chốn rừng sâu. Một ngày tươi sáng nọ vị Sa-di thành đạt đạo quả A-La-Hán. Các vị Tỳ-khưu hết lời tán dương phẩm hạnh gương mẫu của Ngài. Nghe câu chuyện, Ðức Phật mô tả hai con đường khác nhau, một dẫn đến lợi lộc và một đến Niết-bàn.

Chú thích

1. Tâm dứt bỏ - Viveka, lìa bỏ hay tách rời, gồm có ba là: Kāyaviveka, thể xác tách rời ra khỏi đám đông, cittaviveka, tinh thần tách rời khỏi dục vọng, và upadhiviveka, sự trọn vẹn tách rời khỏi tất cả những vật hữu lâïu (tùy thế, những vật phát sanh do nguyên nhân), tức là Niết-bàn.

-ooOoo-

Ðầu trang | Mục lục | 01 | 02 | 03 | 04 | 05 | 06 | 07 | 08 | 09 | 10 |
11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26

Các bản kinh Pháp Cú khác

Chân thành cám ơn Tỳ kheo Minh Tịnh, Tỳ kheo Thiện Minh, và Bác Phạm Kim Khánh
đã gửi tặng bản vi tính và các tư liệu cần thiết để thực hiện ấn bản Internet này (Bình Anson, 01-2004).


[Trở về trang Thư Mục]

last updated: 08-01-2004